CHỦ ĐỀ : BÁC ÁI XÃ HỘI
LỜI GIỚI THIỆU
Tựa đề của số báo này gom lại hai chủ đề trước đây dự tính dành cho số 91 (“Thần học và Xã hội học”, nhân dịp 120 năm thông điệp Rerum novarum, mở đầu cho các thông điệp xã hội) và số 92 (“Thần học về Caritas”, nhân dịp 70 năm thành lập Caritas internationalis và 15 năm thông điệp Deus caritas est).Các bài viết xoay quanh hai từ khóa: “xã hội” và “bác ái”, và tìm cách trả lời những câu hỏi sau đây: Xã hội học là gì? Có gì giống và khác nhau giữa Xã hội học và Giáo huấn xã hội không? Bác ái là gì? Tại sao gọi là bác ái xã hội? Bác ái xã hội và công bình xã hội có gì khác nhau không? Giáo hội đã thực hành bác ái như thế nào? Tại sao có một tổ chức bác ái mang tên là Caritas?
Trước khi vào đề, thiết tưởng nên lưu ý đến vấn đề chuyển dịch từ ngữ. Trong tiếng Việt, “bác ái” được dùng để chuyển dịch danh từ caritas gốc La-tinh. Tuy nhiên, caritas còn có nhiều ý nghĩa khác nữa, chẳng hạn như: “tình yêu” (thí dụ khi nói Deus caritas est), hoặc “đức mến” là một trong ba nhân đức hướng Chúa (fides – spes – caritas).
1. LỊCH SỬ XÃ HỘI HỌC
Trong lịch sử tư tưởng, có sự phân biệt giữa “khoa học xã hội” (social sciences) và “xã hội học” (sociology). Các ngành nghiên cứu xã hội (kể cả triết học) đã có từ lâu đời, còn “xã hội học” thì mới ra đời vào cuối thế kỷ XIX. Trong bài “Xã hội học: quá khứ và tương lai”, giáo sư Pablo de Jesús Castro thuật lại những bước thành hình của môn học này, với tên tuổi các học giả cổ điển như Auguste Comte, Émile Durkheim, Max Weber, là những người tìm cách xác định đối tượng và phương pháp nghiên cứu. Mặt khác, ngay từ khi vừa ra đời, đã có những quan điểm khác nhau về lý thuyết. Sự khác biệt càng rõ nét hơn nữa khi bước sang thế kỷ XX, với những trào lưu và trường phái khác nhau. Mặc dù Xã hội học đã trở thành một chuyên ngành được dạy ở các đại học, nhưng cũng có thể nói là Xã hội học còn đang thành hình, đứng trước những thách đố của thế kỷ XXI, với những khái niệm “Xã hội lỏng” (Bauman), “Xã hội số” (Torres). Xã hội học đang thay đổi phương pháp bởi vì chính xã hội cũng đang thay đổi.
2. XÃ HỘI HỌC VÀ GIÁO HUẤN XÃ HỘI
Mặc dù Xã hội học và Giáo huấn xã hội của Giáo hội đều có thể xếp chung vào những “khoa học xã hội”, nhưng chúng khác nhau về phương pháp và mục tiêu. Trong quá khứ, đã xảy ra nhiều nghi kỵ giữa đôi bên. Trong bài “Thần học, Xã hội học và Giáo huấn xã hội của Hội Thánh: Khám phá nền tảng chung”, giáo sư Vivencio Ballano, đứng từ phía Xã hội học, tìm hiểu những lý do gây ra sự đố kỵ ấy, và đề nghị những đường hướng nhằm giúp Giáo huấn xã hội mở rộng hơn đối với những phương pháp xã hội học. Tuy rằng Xã hội học và Giáo huấn xã hội khác nhau về mục tiêu và phương pháp, nhưng có thể hình dung một thứ bổ túc uyển chuyển giữa đôi bên.
3. THẦN HỌC VỀ CARITAS DỰA THEO THÔNG ĐIỆP DEUS CARITAS EST
Caritas là một thuật ngữ đã xuất hiện từ trong Kinh Thánh. Nhưng thử hỏi đã có một “thần học về caritas” chưa? Xưa nay, thần học về caritas được xem như một chương của thần học luân lý bàn về đức mến. Từ cuối thế kỷ XIX, bên Đức, thần học bác ái được coi như một ngành của thần học, đặt nền tảng thần học cho hoạt động phục vụ của Giáo hội. Trong bài “Thông Điệp Deus Caritas Est : Những Viễn Tượng Cho Thần Học Bác Ái”, Giáo sư Rainer Gehrig cho thấy nhiều viễn tượng khác nhau của môn học này, vừa có nguồn gốc thần học vừa áp dụng cho công tác xã hội, trong chiều hướng đối thoại với các khoa học nhân văn.
4. BÁC ÁI XÃ HỘI LÀ GÌ?
“Bác ái xã hội” là một thuật ngữ mới được lưu hành trong các văn kiện của Huấn quyền trong thế kỷ XX. Thử hỏi: thuật ngữ này muốn nói lên điều gì mới mẻ, so với thần học cổ truyền về đức bác ái? “Bác ái xã hội” có gì khác với “công bình xã hội” không, bởi vì cả hai thuật ngữ ra đời hơn kém vào cùng một thời điểm? Linh mục Phan Tấn Thành tìm hiểu lai lịch của các từ ngữ caritas socialis và justitia socialis trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng xã hội châu Âu trong hai thế kỷ gần đây. Trong các văn kiện của Giáo hội, có khi hai từ được dùng như đồng nghĩa, có khi cũng được coi như tương đương với “liên đới” hoặc “văn minh tình thương”.
5. TÌNH LIÊN ĐỚI: ĐỊNH NGHĨA
Tình liên đới là một trong những nguyên tắc căn bản của Giáo huấn xã hội của Giáo hội. Tuy nhiên, trong lịch sử, tình liên đới đã được giải thích theo nhiều nghĩa, thậm chí đôi khi trái ngược với tinh thần Kitô giáo. Trong các văn kiện của Huấn quyền, ý nghĩa của tình liên đới cũng chẳng rõ ràng hơn: có khi được coi như đồng nghĩa với “bác ái xã hội” hoặc “công bằng xã hội”; có khi tình liên đới được coi như một nguyên tắc, hoặc một thái độ, một nhân đức, một nghĩa vụ. Trong bài “Nguyên tắc tình liên đới trong Giáo huấn xã hội của Giáo hội”, giáo sư Gregorio Guitián trình bày nguồn gốc của khái niệm này trong cổ luật Rôma , trong triết học xã hội Pháp và học thuyết liên đới Kitô giáo bên Đức vào hồi thế kỷ XIX, trước khi nó được du nhập vào các thông điệp của các Giáo hoàng trong thế kỷ XX (khởi đầu từ ĐTC Piô XII). Tác giả muốn tìm ra một định nghĩa để cho thấy có sự khác biệt giữa quan điểm của Giáo huấn xã hội với các quan điểm “thế tục”.
6. LỊCH SỬ PHỤC VỤ BÁC ÁI
Trải qua 20 thế kỷ, lịch sử đã chứng kiến nhiều hình thức phục vụ bác ái khác nhau của Kitô giáo. Thật khó lòng mô tả chi tiết tất cả các hình thức ấy. Trong bài “Bác ái Kitô giáo trải qua lịch sử: thực hành và lý thuyết”, cha Daniel de Pablo Maroto, OCD muốn nêu bật hai điểm: 1/ Về chủ thể: kể từ thế kỷ IV, xem ra Giáo hội giữ độc quyền trong việc thực hành công tác bác ái trong xã hội; vào thời cận đại, Nhà nước bắt đầu can thiệp vào các công tác xã hội; từ đó Giáo hội phải suy nghĩ lại về căn tính công tác của mình. 2/ Những động lực nào đã thúc đẩy Giáo hội dấn thân vào công tác xã hội? Tác giả muốn cho thấy có những động lực thường xuyên suốt dòng lịch sử và cũng có những động lực nảy sinh tùy theo thách đố của thời đại.
7. CARITAS INTERNATIONALIS: CƠ CẤU TỔ CHỨC
Trong các tổ chức bác ái quy mô của Giáo hội Công giáo vào thời nay, nổi tiếng nhất là cơ quan Caritas, bắt nguồn từ năm 1897 bên Đức, rồi mở rộng sang các quốc gia khác tại châu Âu và châu Mỹ. Dần dần các tổ chức ấy mang tên là Caritas Catholica. Nhân dịp Năm thánh 1950, theo sáng kiến của Tòa Thánh, Caritas được tổ chức thành một Confederatio với cấu trúc được thành hình vào tháng 12 năm 1951. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm, linh mục Ngô Sĩ Đình, O.P. giới thiệu lịch sử của tổ chức này, đặc biệt hoạt động của Caritas ở Việt Nam, dưới hình thức Ủy Ban Bác ái Xã hội của Hội đồng Giám mục.
Trung tâm Học vấn Đa Minh
NHỮNG SỐ TRƯỚC ĐÂY CÓ LIÊN QUAN ĐẾN CÙNG CHỦ ĐỀ :
- Số 56 (tháng 5/2012): Caritas quaerens intellectum.
- Số 60 (tháng 5/2013): Đức tin và những vấn đề xã hội
- Số 87 (tháng 2/2020): Thần học chính trị
VÀ CÁC BÀI VIẾT VỀ XÃ HỘI HỌC :
- “Xã hội học tôn giáo: nhìn lại hành trình”, số 68 (tháng 05/2015), trang 93-117.
- “Xã hội học dòng tu”, số 74 (tháng 11/2016), trang 196-221.
TRONG SỐ NÀY
- XÃ HỘI HỌC : LỊCH SỬ VÀ TƯƠNG LAI, Pablo de Jesús Castro Hernandez, tr. 13-44
- THẦN HỌC, XÃ HỘI HỌC VÀ GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA HỘI THÁNH : KHÁM PHÁ NỀN TẢNG CHUNG, Vivencio Ballano, tr. 45-86.
- THÔNG ĐIỆP DEUS CARITAS EST : NHỮNG VIỄN TƯỢNG CHO THẦN HỌC BÁC ÁI, Rainer Gehrig, tr. 87-116.
- BÁC ÁI XÃ HỘI: NHỮNG KHÁI NIỆM, Phan Tấn Thành, O.P, , tr. 117-150.
- NGUYÊN TẮC TÌNH LIÊN ĐỚI TRONG GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI, Gregorio Guitián, tr. 151-184.
- BÁC ÁI KITÔ GIÁO TRẢI QUA LỊCH SỬ : THỰC HÀNH VÀ LÝ THUYẾT, Daniel de Pablo Maroto, tr. 185-211.
- SỨ VỤ CARITAS TRONG GIÁO HỘI, Ngô Sĩ Đình, O.P, tr. 212-223.