Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020

THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 87 (THÁNG 02/2020)

CHỦ ĐỀ : THẦN HỌC CHÍNH TRỊ

LỜI GIỚI THIỆU


Năm 2020 có ít là hai kỷ niệm liên quan đến ảnh hưởng của Giáo hội đối với chính trị.

1/ Thứ nhất là kỷ niệm 150 năm thống nhất nước Ý, được đánh dấu bởi việc quân đội Cộng hòa tiến vào Rôma, thủ đô của Vương quốc Giáo hoàng (ngày 20 tháng 9 năm 1870). Lãnh thổ của Nước Giáo hoàng (Stato Pontificio) đã bị xóa bỏ sau gần 11 thế kỷ hiện hữu, chỉ còn giữ lại một khu đất chung quanh đền thánh Phêrô ở Vatican, với diện tích khoảng 44 hécta! Giáo hoàng đã “mất nước”, bị tước đoạt mọi quyền hành trần thế! Nào ngờ, biến cố ấy đã khai mào một chặng mới trong ý thức vai trò lãnh đạo tinh thần của vị Giám mục Rôma, với tầm mức bao trùm toàn thế giới.

2/ Năm nay cũng là kỷ niệm 100 năm sinh nhật của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (ngày 18 tháng 5 năm 1920). Vào dịp lễ an táng của ngài cách đây 15 năm (ngày 8 tháng 4 năm 2005), người ta ghi nhận sự hiện diện của 159 phái đoàn thuộc các quốc gia (phần lớn do quốc trưởng hoặc thủ tướng đứng đầu) và 12 cơ quan quốc tế (tựa như ONU, UNESCO, FAO). Vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo không còn là vua của một quốc gia, cũng chẳng có quyền hành nào trên các chính phủ, nhưng lại có uy tín đối với các quốc gia, dù thuộc các tôn giáo khác[1].

Đây là cơ hội để suy nghĩ về Thần học chính trị. Trước khi vào đề, cần phải xác định ý nghĩa của vài từ ngữ dễ gây hiểu lầm: Chính trị là gì? Lý luận chính trị là gì? Thần học chính trị muốn nói điều gì?

I. Chính trị là gì? Từ ngữ


A. Trong tiếng Hán Việt


1/ Theo tầm nguyên, chữ chính trị (政治) được cấu tạo như sau:

– Chữ chính gồm có hai phần: Bên trái là chữ chính có nghĩa là ngay thẳng, bên phải là bộ phác hàm ý hành động. Vậy theo từ nguyên, chính có nghĩa là làm cho ngay thẳng.

– Chữ trị cũng gồm hai phần: Bên trái là bộ thủy là nước, bên phải là phần âm để đọc là trị. Theo nghĩa đen, trị mang nghĩa là dùng thuốc chữa bệnh, và chữ trị thuộc bộ thủy bởi vì lúc ban sơ, người Trung Hoa đã dùng thuốc làm bằng các loại thảo mộc nấu trong nước để uống chữa bệnh. Về sau chữ trị được mở rộng ra và mang nội hàm trừng phạt để loại bỏ những cái xấu xa, hủ bại, làm lành mạnh xã hội. Như thế theo nghĩa gốc, chính trị nói chung là việc làm cho xã hội ngay thẳng lành mạnh.

2/ Trên thực tế, từ “chính trị” thường được gắn liền với các khái niệm như: chính quyền, chính phủ, nhà nước, quyền lực, như ta thấy định nghĩa của Bộ Từ điển bách khoa Việt Nam (tập I, Hà Nội 1995, trang 478): “Toàn bộ những hoạt động có liên quan đến mối quan hệ giữa các giai cấp, giữa các dân tộc, các tầng lớp xã hội, mà cốt lõi của nó là vấn đề giành chính quyền, duy trì và sử dụng quyền lực nhà nước, sự tham gia vào công việc nhà nước, sự xác định hình thức tổ chức, nhiệm vụ nội dung hoạt động của nhà nước”.

Dù sao, từ “chính trị” đã được dùng để chuyển nghĩa các từ “politique” của Tây Âu, vì vậy chúng ta hãy nghiên cứu nguyên ngữ và cách sử dụng của từ này.

B. Trong tiếng Tây Âu: politica, politique


1. Tầm nguyên
Từ politica gốc Hy-lạp, bắt nguồn bởi “pol” (πολ) có nghĩa là nhiều; “polloi” (οἵ πολλοί): nhiều người; “polis” (πόλις) nơi mà nhiều người sống với nhau; tính từ “politicos” (πολιτικός): có liên quan đến polis, nghĩa là liên quan đến đời sống cộng đồng.

2. Sử dụng

Trên thực tế, đời sống cộng đồng mang nhiều hình thức và cấp độ. Hình thức đơn giản nhất là gia đình, nhưng gia đình không được gọi là polis. Thời xưa, trong Hy-lạp, danh từ này được áp dụng cho các đô thành (đô thị), nghĩa là một cộng đồng độc lập, tự trị ở cấp cao nhất. Vết tích này còn thấy trong tiếng Latinh civitas (tiếng Pháp cité, tiếng Anh city): danh từ này không chỉ được hiểu là thành phố (đô thành) mà còn là quốc gia: thực vậy, các từ ngữ citoyen, citizen ám chỉ công dân và quốc tịch. Dù sao nên lưu ý là khi ông Aristote định nghĩa con người là animal politicum thì ông chỉ muốn nói rằng con người sinh ra là để sống cộng đồng (nghĩa là ở trong polis), chứ ông không có ý nói rằng con người sinh ra là để làm chính trị!

Trở lại với nguyên ngữ Hy-lạp, do polis mà chúng ta có polites (các phần tử của polis), politeia (việc quản trị polis), đặc biệt là tính từ politikos ám chỉ tất cả những gì có liên quan đến polis. Mặt khác, chu vi của polis cũng dần dần được mở rộng, từ đô thành (với nhiều cấp độ như là metropolis, cosmopolis) cho đến quốc gia. Vì thế politica được hiểu về việc quản trị quốc gia (Nhà nước).

Ngoài ra, theo nghĩa rộng, politica có thể áp dụng cho đường hướng hoạt động của một tổ chức (chẳng hạn một công ty, một trường học), thường cũng gọi là “chính sách” (tiếng Anh: policy). Hơn nữa, thật là thú vị khi biết rằng tiếng Pháp politesse (phép lịch sự) cũng thuộc về nhóm từ ngữ này[2]. Còn tiếng Ý có sự phân biệt giữa la politica (chính trị, chính sách) và il politico (nhà chính trị, nghĩa là người làm chính trị), trong khi tiếng Anh dùng hai từ khác nhau: politics và politician.

II. Lý luận chính trị


Qua việc đi tìm nguồn gốc của polis khởi đi từ “đời sống cộng đồng”, chúng ta có thể mường tượng được một số vấn đề nảy sinh ra: làm thế nào dung hòa quyền lợi và nghĩa vụ của các phần tử với nhau và với cộng đồng? Đối với loài dã thú thì các tranh chấp được giải quyết bằng vũ lực: kẻ mạnh thì thắng. Nhưng giữa loài người thì cần vận dụng đến lý trí (logos) để giải quyết, qua việc ấn định lý lẽ phải trái, đúng sai. Đó là nguồn gốc của “lý luận chính trị”, dưới hai hình thức trải qua dòng thời gian: triết học chính trị và khoa học chính trị.[3]

A. Triết học chính trị


Hình thức cổ điển nhất là triết học chính trị, bàn đến những nguyên tắc về công lý, luật pháp, giữa các thành viên trong cộng đồng cũng như giữa cộng đồng với các thành viên hoặc giữa các cấp độ cộng đồng với nhau, và dĩ nhiên không thể bỏ qua vai trò của người lãnh đạo. Trong những tác giả nổi tiếng nhất bên Hy-lạp, ta phải kể đến ông Platon (De Republica), ông Aristote (Politica). Đối với Platon, người lãnh đạo phải có đức độ; nhưng đâu dễ gì tìm ra các thánh nhân để cai trị? Ông Aristote thì thực tế hơn vì cho rằng đức tính quan trọng nhất của người lãnh đạo là đức khôn ngoan. Bước sang xã hội Rôma, ta thấy tại đây trường phái Khắc kỷ (Stoicismus) làm chủ, qua các nhân vật tiêu biểu như Cicero, Marcus Aurelius, Seneca, vừa là triết gia vừa là nhà lãnh đạo. Một đặc trưng của quan điểm Rôma là các nhà lãnh đạo cần phải tuân theo pháp luật đã vậy, mà còn lo phát triển đạo đức cũng như chuyên lo việc tế tự. Nói cách khác, chính quyền cũng đảm trách công việc tôn giáo nữa.

B. Khoa học chính trị


Thật ra, các triết gia Hy-lạp đã ý thức hai khía cạnh của chính trị: một đàng là lý thuyết (theoria) những nguyên tắc về pháp luật, về thể chế quản trị; một đàng là thực hành (praxis), nghĩa là nghệ thuật cai quản. Dù vậy, ngay cả trong khía cạnh “kỹ thuật” (teknê), chính trị cần phải quy chiếu về luân lý (đạo đức học), chủ yếu xoay quanh các quan niệm về công lý (justice) và thiện ích chung (common good).

Vào thời cận đại, khoa học thực nghiệm tách rời khỏi triết học siêu hình. Trong lãnh vực quản trị, khoa chính trị cũng tách rời khỏi các quy tắc luân lý. Khúc ngoặt này được đánh dấu bởi Niccolò Machiavelli (1469-1527), với châm ngôn “Cứu cánh biện minh cho phương tiện”. Người ta nhắm đạt đến hiệu năng quản trị (đặc biệt là trong lãnh vực kinh tế) cũng như củng cố quyền lực. Luật do quyền lực chứ không do công lý tạo ra (Auctoritas, non veritas facit legem)[4]. Thế nhưng hậu quả chua chát của các chế độ toàn trị (totalitarisme) đã khiến nhân loại phải cảnh giác, đưa đến việc đặt quyền lực dưới sự điều hành của công lý, qua những khái niệm “Nhà nước của Công lý” (Etat de Droit) hoặc Nhà nước bảo vệ quyền lợi công dân (droits humains).

C. Thần học chính trị


Đây không phải là một hình thức thứ ba của khoa học chính trị, nhưng có thể xếp chung với triết học chính trị. Theo quan điểm Công giáo, triết học khác với thần học ở nguồn mạch lý luận: triết học dựa trên lý trí, thần học dựa trên đức tin. Tuy nhiên, thuật ngữ “thần học chính trị” (theologia politica hoặc theologia civilis) lại được hiểu theo một nghĩa khác, được sử dụng ở xã hội Hy-lạp và Rôma cổ đại (nghĩa là trước khi Kitô giáo xuất hiện). Ở đây “theologia” được hiểu là việc tế tự (do chính quyền chủ động) chứ không phải là suy tư về Thiên Chúa. Trong bối cảnh ấy, tôn giáo là một thành tố của chính trị.

Thế rồi, theo dòng thời gian, “thần học chính trị” tiến triển theo nhiều chiều hướng khác nhau, như sẽ thấy trong bài mở đầu, có thể tóm vào hai khuynh hướng chính: “thần học của chính trị” (nghĩa là thần học theo quan điểm của các nhà chính trị; vì thế có người đặt tên là “chính trị của thần học”, politica della teologia), và “thần học về chính trị” (nghĩa là quan điểm của các nhà thần học bàn về hoạt động chính trị: teologia della politica). Dù hiểu theo nghĩa nào đi nữa, các vấn đề này vẫn diễn ra trên sân khấu của thế giới Kitô giáo (tại Âu châu và Mỹ châu). Khuôn khổ tờ báo không cho phép nghiên cứu tương quan giữa chính trị và tôn giáo tại các quốc gia nhận quốc giáo là Islam, hoặc Phật giáo (chẳng hạn Tây Tạng, Nepal, Thái Lan).

Những bài viết trong số này được xếp đặt theo hai nhóm: 1/ Thần học và chính trị. 2/ Thần học về chính trị, hầu hết chú trọng đến khía cạnh lịch sử của vấn đề.

Thần học và chính trị


1/ Thần học chính trị trải qua lịch sử


Số báo được mở đầu với bài viết của giáo sư Michele Nicoletti, Thần học chính trị trải qua lịch sử, trình bày những ý nghĩa khác nhau của thuật ngữ “thần học chính trị”, và đặc biệt là các quan niệm khác nhau về mối tương quan giữa Tôn giáo và Chính trị: có khi Chính trị muốn trở thành tôn giáo, và có lúc Tôn giáo muốn lấn át chính trị.

2/ Thần học chính trị trong thế kỷ XX


Bài viết của nữ tu Bozena Stencel FMM đi sâu hơn vào quan niệm “thần học chính trị” trong thế kỷ XX, với hai khuynh hướng chính, được đánh dấu mốc bởi Carl Schmitt vào đầu thập niên 20 và Johann Baptist Metz vào thập niên 60. Cả hai tác giả đã gây ra nhiều cuộc tranh luận vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. Bài viết cho thấy rằng, tuy cùng sử dụng một từ ngữ “thần học chính trị” nhưng nó được hiểu theo những nghĩa khác nhau: Schmitt lưu ý đến việc chính trị vay mượn các từ ngữ tôn giáo trong xã hội thế-tục-hóa; Metz lại muốn nêu bật vai trò phê bình chính trị của thần học.

Thần học về chính trị


Trong nhóm thứ hai, các bài viết trình bày quan điểm của Giáo hội Công giáo về chính trị: Kinh Thánh, thần học cổ truyền, Huấn quyền.

3/ Kinh Thánh với chính trị


Kinh Thánh có cung cấp một giáo huấn về chính trị không? Giáo sư Giorgio Jossa cho thấy câu trả lời không đơn giản. Trong Cựu Ước, dân Israel đã trải qua nhiều chế độ chính trị khác nhau, và nhiều lần họ muốn du nhập các định chế của các dân tộc láng giềng, mặc dù họ mang một niềm tin độc đáo về Thiên Chúa. Trong Tân Ước, thái độ của Đức Giêsu đối với nhà cầm quyền Rôma thì khác với thái độ của thánh Phaolô. Kinh Thánh không có một học thuyết hệ thống về chính trị, bởi vì trọng tâm đặt vào Thiên Chúa chứ không phải nơi xã hội trần thế. Dù sao, Kinh Thánh không chấp nhận tham vọng của chính trị muốn tôn mình làm Thực tại tuyệt đối.

4/ Giáo hội với Chính quyền: những quan điểm thần học từ thời các giáo phụ đến thời Trung cổ


Linh mục Gustavo Irrazábal theo dõi sự thành hình của những học thuyết chính chi phối tương quan giữa Giáo hội và Chính quyền, được tóm lại trong ba đường hướng chính: a/ Eusebiô (Chính quyền không có Giáo hội), b/ Augustinô (Giáo hội không có Chính quyền, hoặc Giáo hội phi chính trị), c/ Gelasiô (Chính trị ở trong và ở dưới Giáo hội). Vào thời các giáo phụ, chính quyền được hiểu là Đế quốc Rôma, nhưng sang thời Trung cổ, Đế quốc đã đổi chủ: các dân tộc “man di”, tượng trưng nơi Charlemagne. Những vết tích của ba quan niệm này vẫn tồn tại ở một vài quốc gia thời nay.

5/ Triết lý chính trị của thánh Tôma Aquinô


Tuy không viết một khảo luận hệ thống nào về chính trị, nhưng thánh Tôma Aquinô vẫn để lại nhiều ảnh hưởng trên truyền thống thần học về bản tính chính trị của con người, sự phân biệt thẩm quyền giữa Giáo hội và chính quyền. Giáo sư Peter Koritansky chú ý đến vai trò của chính trị trong lãnh vực lập pháp, xét trong tương quan với luật tự nhiên. Đặc biệt tác giả so sánh những điểm tương đồng và khác biệt với tư tưởng của triết gia Aristote[5].

6/ Giáo huấn xã hội của Giáo hội về chính trị


Trước đây Thời sự thần học đã đăng một bài viết về đề tài này[6]. Lần này, giáo sư Enrique Castillo Corrales trình bày vắn tắt đạo lý của Giáo hội về chính trị qua việc tóm tắt 5 văn kiện: a/ Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo (1992); b/ Ghi chú đạo lý về sự tham gia của người Công giáo vào chính trị (2002); c/ Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (2004); d/ Toát yếu Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (2004); e/ Thông điệp Deus caritas est (2005).

7/ Vấn đề tự do tín ngưỡng trong lịch sử


Hồi tháng 4 năm ngoái, Ủy ban Thần học Quốc tế đã phát hành một văn kiện mang tựa đề “Tự do tôn giáo vì điều thiện của mọi người – Tiếp cận thần học trước những thách đố thời đại”. Nhân dịp này linh mục Phan Tấn Thành trình bày lịch sử vấn đề tự do tín ngưỡng trong lịch sử Kitô giáo, từ những thế kỷ đầu tiên cho đến khúc ngoặt quan trọng là tuyên ngôn Dignitatis humanae của Công đồng Vaticanô II. Dù sao, văn kiện của Ủy ban cũng ghi nhận nhiều thay đổi trong đường lối của nhiều chính phủ “tự do” đối với tôn giáo trong thời gian gần đây.

8/ Thời sự


Số báo khép lại với một bản tin thời sự, giới hiệu văn kiện mới của Ủy ban Giáo hoàng về Kinh Thánh, được phát hành vào ngày 30/9/2019, mang tựa đề: “Con người là chi ? (Tv 8,5) Một hành trình nhân luận Kinh Thánh”.

Trung tâm Học vấn Đa Minh 

NỘI DUNG

LỜI GIỚI THIỆU 7
THẦN HỌC CHÍNH TRỊ TRẢI QUA LỊCH SỬ [Michele Nicoletti] 19
THẦN HỌC CHÍNH TRỊ THẾ KỶ XX [Bozena Stencel] 40
KINH THÁNH VỚI CHÍNH TRỊ [Giorgio Jossa] 61
GIÁO HỘI VÀ CHÍNH QUYỀN [Gustavo Irrazábal] 98
TRIẾT HỌC CHÍNH TRỊ THEO THÁNH TÔMA AQUINÔ [Peter Koritansky] 119
GIÁO HUẤN CỦA HỘI THÁNH VỀ CHÍNH TRỊ [Enrique Castillo Corrales] 160
VẤN ĐỀ TỰ DO TÍN NGƯỠNG THEO DÒNG LỊCH SỬ [Phan Tấn Thành] 185
CON NGƯỜI LÀ CHI ? [Tsth] 219
[1] Thiết tưởng nên thêm một dữ kiện nữa. Nhân dịp tiếp ngoại giao đoàn chúc mừng đầu năm dương lịch vào hôm 7-1-2020 vừa qua, Phòng Báo chí Tòa thánh cho biết hiện nay 183 quốc gia có trao đổi liên lạc ngoại giao với Tòa Thánh. (Nói ngược lại, theo Wikipedia, trên thế giới chỉ có 13 quốc gia không có liên lạc ngoại giao với Tòa Thánh, https://it.wikipedia.org/wiki/Relazioni_
diplomatiche_della_Santa_Sede truy cập ngày 15-1-2020).
[2] Trong tiếng Latinh, civitas (thành phố) đưa đến civis (công dân), và các từ civilis, civilisatio (văn minh). Một cách tương tự như vậy urbs (thành phố) đưa đến từ urbanus (thuộc về thành phố, lịch sự) đối lại với rusticus (quê mùa, cục mịch).
[3] Đây chỉ là một cách giản lược vấn đề, bởi vì nhiều tác giả còn phân biệt giữa “triết học chính trị” – “lý thuyết chính trị” – “các tư tưởng chính trị”, Xem: Héctor Zamitiz Gamboa, La Filosofía Política, componente fundamental de la Ciencia Política: significados, relaciones y retos en el siglo XXI, in: “Estudios Políticos” núm. 38 (mayo-agosto, 2016): 11-36.
[4] T. Hobbes, Leviathan, London 1651.
[5] Trong bài này, tác giả chính yếu dựa theo Summa Theologiae. Trước đây Thời sự thần học đã có một bài viết liên quan đến nhân học chính trị theo thánh Tôma, dựa trên De Regno. Xem: Giuse Nguyễn Hữu Nghị, Những nguyên tắc nền tảng của một nền nhân học chính trị trong tư tưởng tôn sư Tô-ma, Số 56 (tháng 5/2012), trang 150-179).
[6] Phan Tấn Thành, “Giáo huấn xã hội của Giáo hội về chính trị,” Thời sự Thần học, Số 60 (tháng 5/2013), tr. 162-205. A. Luân lý và chính trị. B. Một thoáng nhìn các văn kiện Giáo huấn xã hội về chính trị. C. Quyền bính chính trị. D. Chế độ dân chủ. E. Chính quyền và tôn giáo. F. Người tín hữu giáo dân và chính trị. Ngoài ra, Thời sự thần học đã dành số 81 (tháng 8/2018) cho chủ đề “Chiến tranh và Hòa bình”, nghĩa là bàn về Chính trị quốc tế.