Thứ Năm, 1 tháng 2, 2018

THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 79, THÁNG 02/2017

CHỦ ĐỀ: PHẨM GIÁ PHỤ NỮ

LỜI GIỚI THIỆU


Số báo này được phát hành nhân kỷ niệm 30 năm ban hành tông thư Mulieris dignitatem về phẩm giá người phụ nữ (15/8/1988). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Huấn quyền đã dành một văn kiện để bàn về phụ nữ. Ngoại trừ bài dẫn nhập, tác giả của những bài viết trong số này đều là phụ nữ.


1. Mở đầu, linh mục Phan Tấn Thành giới thiệu Tông thư Mulieris dignitatem [1] trong khung cảnh Các văn kiện Huấn quyền về phụ nữ trong hai thế kỷ gần đây. Tông thư này không chỉ đánh một dấu mốc trong lịch sử Huấn quyền (vì là lần đầu tiên đề cập trực tiếp đến phụ nữ) nhưng còn làm thay đổi cách giải thích các đoạn Kinh Thánh (xưa nay vốn coi người nữ thấp kém hơn người nam). Mặt khác, sự bình đẳng của người nữ với người nam không loại trừ sự khác biệt của người nữ, tạo nên “thiên tài” của họ.

2. Trong bài Kitô giáo và cuộc giải phóng phụ nữ, giáo sư Angela Ales Bello, người phụ nữ đầu tiên giữ chức khoa trưởng triết học của Đại Học Giáo hoàng Lateranô (Roma), cho thấy các cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ bắt nguồn từ các quốc gia Kitô giáo, và cụ thể là từ cuộc cách mạng của Đức Giêsu đối với các phụ nữ. Tác giả cũng tìm cách giải thích những lý do của sự thay đổi thái độ của Giáo hội trong thời các giáo phụ và Trung cổ. Các phong trào cách mạng chính trị và xã hội tại châu Âu vào những thế kỷ gần đây cũng không làm thay đổi vị trí của phụ nữ. Vào thời nay, các phong trào nữ quyền đòi hỏi sự bình đẳng cho phụ nữ trong lãnh vực chính trị, xã hội, nhưng ít khi nghĩ đến nền tảng triết lý và thần học của vấn đề. Dưới khía cạnh này, tác giả nêu bật vai trò của hai nữ triết gia Gertrud von Le Fort và Edith Stein, mà chắc hẳn Đức Gioan Phaolô II đã chịu ảnh hưởng.

3. Thay vì những đề tài quen thuộc bàn về phụ nữ trong Kinh Thánh, giáo sư Donatella Scaiola cho thấy một lối đọc Kinh Thánh của người phụ nữ. Trong bài Quyền lực và Phụ nữ: hai câu chuyện lịch sử, tác giả cho thấy hai nhân vật Đi-na (St 34) và Tama (2Sm 13) thấp cổ bé miệng, nhưng đã làm khuynh đảo tình thế vào thời tổ phụ Giacóp và vua Đavít.

4. Trong những thế kỷ đầu tiên của Giáo hội, hình thức phụ nữ tham gia vào sinh hoạt của Giáo hội là tác vụ diaconissa (quen dịch là “nữ phó tế” nhưng không đúng). Họ là ai? Họ làm gì? Tại sao tác vụ này biến mất? Ủy ban thần học quốc tế tìm cách trả lời cho các câu hỏi ấy trong văn kiện “Diaconatus. Sự tiến triển và viễn tượng” (2002).

5. Lịch sử phong trào nữ quyền trong ba thế kỷ gần đây được Laia San José tóm lại trong ba đợt: Đợt một, chủ nghĩa Ánh sáng (từ cách mạng Pháp đến giữa thế kỷ XIX). Đợt hai (từ giữa thế kỷ XIX đến cuối thế chiến thứ hai) với ba khuynh hướng: tự do, xã hội, vô chính phủ. Đợt ba (từ những cuộc cách mạng thập niên 60 đến nay), với hai khuynh hướng tự do và cấp tiến. Đợt bốn cũng đang bắt đầu...

6. Tuy cùng nghiên cứu vấn đề phụ nữ, nhưng Alice Dermience cho thấy có sự khác biệt giữa Thần học Phụ nữ và Thần học Nữ quyền (Théologie de la Femme et théologie féministe) về nguồn gốc, phương pháp cũng như kết quả. Cũng nên thêm rằng có nhiều khuynh hướng “thần học nữ quyền” ngay cả trong danh xưng (feminist, womanist, mujerista).

7. Thần học Nữ quyền Á châu (Asian Feminist Theologies) tuy mới ra đời từ thập niên 80 của thế kỷ XX, nghĩa là khá chậm so với các lục địa khác, nhưng Hyun Hui Kim cũng nhận thấy sự tiến triển qua ba giai đoạn: 1/ Giai đoạn Một chia sẻ những kinh nghiệm bị áp bức của phụ nữ. 2/ Giai đoạn Hai tìm hiểu những cơ cấu của Kitô giáo và tôn giáo cổ truyền gây ra sự áp bức. 3/ Giai đoạn Ba, với việc áp dụng những dụng cụ phân tích mới, không chỉ muốn nêu bật sự khác biệt của phụ nữ Á châu, nhưng còn muốn tạo ra tình liên đới xuyên biên giới. Cũng nên thêm rằng phần lớn các tác giả thuộc các quốc gia Philippin, Hàn quốc, Hong kong.

8. Bài viết cuối cùng của số báo, Nữ Tu ‘Miền Thượng’ Làm ‘Mẹ’, đưa chúng ta trở về với Việt Nam. Nữ tu Lê Loan cho thấy hai hội dòng nữ tu ở miền Tây nguyên đã sống ơn gọi làm “mẹ thiêng liêng” như thế nào. Đây là một đề tài được tông thư Mulieris dignitatem nhắc đến ở số 21 (bản Pháp: la maternité spirituelle; bản Latinh: maternitas secundum Spiritum; bản Ý: la maternità secondo lo spirito; bản Anh: Motherhood according to the Spirit. Vì thế có thể dịch nhiều cách: mẹ tinh thần, mẹ thiêng liêng, mẹ theo Thánh Linh). Nên biết là Bộ giáo sĩ đã xuất bản một văn kiện tựa đề Eucharistic Adoration for the Sanctification of Priests and Spiritual Maternity (ngày 8/12/2007).

Nhân tiện, xin nhắc lại những bài viết về phụ nữ trong các số “Thời sự thần học” trước đây: Nữ thần học, số 1 (8/1994), 64-69; Nữ thần học, số 17 (9/1999) 40-49; Phụ nữ với thần học, số 17 (9/1999), 60-69; Chúa là Cha! Chúa là Mẹ! số 39 (9/2004) 5-67; Phụ nữ trong các văn kiện Huấn quyền sau công đồng, số 67 (2/2015) 101-134.

Trung tâm Học vấn Đa Minh

[1] Chúng tôi không thấy bản dịch nào tiếng Việt của tông thư trên mạng Internet. Các ấn phẩm xem ra cũng hiếm. Chúng tôi tìm được một bản dịch trong tập sách của Linh mục Augustinô Nguyễn Văn Trinh, trong Huấn quyền về Đức Maria. Tài liệu Thánh Mẫu học từ công đồng Vaticanô II, NXB Tôn giáo, Hà Nội 2007, trang 241-330. Liền tiếp đó là Thư của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II gửi cho các phụ nữ (ngày 29 tháng 6 năm 1995), trang 331-347.

* Quý vị có thể xem hoặc tải bản dịch mới👉Mulieris dignitatem do cha Phêrô Phan Văn Lợi dịch và gửi  (19.11.2022) cho Thời sự Thần học.

TRONG SỐ NÀY