Thứ Ba, 15 tháng 9, 2020

NỮ TU ‘MIỀN THƯỢNG’ LÀM ‘MẸ’

Thời sự Thần học - số 79, tháng 02/2018, tr. 178-194

Nữ Tu – Người Mẹ Tinh Thần
Làm ‘Mẹ Tinh Thần’ trong Đời Hoạt Động Tông Đồ
Các ‘Mẹ’ Ảnh Phép Lạ
Các ‘Mẹ’ Nữ Vương Hòa Bình
‘Đây là Mẹ con!’

Nữ tu Lê Loan, Dòng NVHB


Trong tông thư Mulieris Dignitatem (Phẩm Giá của Người Phụ Nữ), Đức thánh cha Gioan Phaolô II nói rằng: ‘Thiên Chúa đã trao phó con người cách đặc biệt cho người phụ nữ.’ Ngài giải thích, ‘Đương nhiên Thiên Chúa trao con người cho tất cả và cho từng người; nhưng chính sự trao phó này nhắm vào người phụ nữ cách đặc biệt—chính vì nữ tính của họ—và điều này xác định cách đặc biệt về ơn gọi của họ.’ Nói cách khác, Thiên Chúa gởi gắm con người cho người phụ nữ và người phụ nữ cần ý thức về ơn gọi của mình và ‘nhớ đến phẩm giá mà mình đã lãnh nhận từ Thiên Chúa; điều này giúp họ mạnh mẽ và xác tín hơn vào ơn gọi của mình.’ Theo Đức thánh cha, ‘người phụ nữ đảm đang’ (x. Cn 31,10) là ‘chỗ dựa không thể thay thế được’ và là ‘nguồn sức mạnh tinh thần cho nhiều người khác.’ Ngài nhấn mạnh rằng, ‘Người phụ nữ sẽ không tìm được chính mình, nếu không trao ban tình yêu của mình cho người khác.’[1]

Song song với vai trò làm vợ làm mẹ trong đời sống hôn nhân gia đình, người nữ còn được mời gọi hiến thân phụng sự Thiên Chúa, Giáo hội và xã hội trong đời sống tu trì. Bằng đời sống độc thân khiết tịnh, đương nhiên các nữ tu không làm mẹ theo thể lý nhưng chắc chắn vẫn có thể làm mẹ ‘theo tinh thần’. Theo Mulieris Dignitatem, ‘chức làm mẹ tinh thần có rất nhiều hình thức.’[2] Trong bài chia sẻ này, chúng ta sẽ cùng khám phá những cách thức mà các nữ tu vùng Tây Nguyên thể hiện phẩm chức làm mẹ của mình. Trước khi đi vào nội dung chính, chúng ta sẽ tìm hiểu xem làm thế nào các nữ tu có thể trở thành những người mẹ tinh thần.

Nữ Tu – Người Mẹ Tinh Thần


Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Người, có nam có nữ (x. St 1,27); nghĩa là người nam và người nữ được dựng nên một cách khác biệt về phái tính với nét độc đáo của mỗi phái. Với nét độc đáo của mình, mỗi phái được trao ban một phẩm chức riêng. Tự bản chất, người phụ nữ được trao ban phẩm chức làm mẹ. Cấu trúc sinh học của người nữ được hình thành với vai trò tiếp nhận sự sống, cung cấp môi trường thật hoàn chỉnh cho một sự sống mới hình thành và triển nở trong chính cung lòng họ. Điều này được xác định bởi Đức thánh cha Gioan Phaolô II trong Mulieris Dignitatem rằng, chức vụ làm mẹ của người nữ ‘hàm chứa sự sẵn sàng đón nhận một con người mới: đó là vai trò thực sự của người phụ nữ.’[3] Theo Đức thánh cha, người nữ được ban cho phẩm tính làm mẹ, không chỉ về mặt thể chất mà cả về tình cảm lẫn tinh thần. Phẩm tính đặc biệt này, Đức thánh cha nhấn mạnh, vốn có trong kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng đã ủy thác con người cho người phụ nữ một cách rất đặc biệt.

Trong đời sống hôn nhân gia đình, người nữ là vợ để làm mẹ. Tương tự như thế, trong đời sống tu trì, các nữ tu, qua việc hiến thân chính mình ‘cho Chúa Giêsu trong một sự kết hiệp duy nhất và vĩnh viễn thể hiện qua việc không kết hôn với bất cứ ai khác,’[4] sẽ ‘đón nhận từ Người khả năng sinh nở, để rồi sinh ra những con cái của Thiên Chúa, đồng thời làm cho ân sủng phát triển trong họ.’[5] Thật vậy, tính chất đời sống độc thân thánh hiến vì Nước Trời của các tu sĩ, cách riêng của các nữ tu, là đặc trưng của một tình yêu hướng tới việc sinh hoa kết trái. Khi người nữ tu khám phá đúng vai trò của mình trong hôn ước thánh với Chúa Giêsu và thể hiện vai trò này trong cách sống của mình bằng một tình yêu của người vợ, bằng một sự gắn bó riêng tư với Chúa, họ sẽ đón nhận từ Chúa Kitô khả năng sinh sản thuộc lãnh vực siêu nhiên trong sự thông phần với toàn thể Giáo hội… Khả năng sinh sản này, tự bản chất, là vô hình, bởi vì nó thuộc lãnh vực siêu nhiên và hệ tại việc ban phát và làm phát triển sự sống thần linh nơi các linh hồn. Dù giác quan không đạt thấu, nhưng một thiên chức làm mẹ như thế lại càng sâu xa hơn.[6]

Như vậy, bằng đời sống độc thân thánh hiến vì Nước Trời, các nữ tu tự nguyện từ bỏ đời sống hôn nhân gia đình, và qua đó từ bỏ luôn vai trò làm mẹ theo thể lý. Đức Gioan Phaolô II khẳng định rằng, ‘Việc từ bỏ cách làm mẹ như vậy đối với tâm hồn người nữ là một hiến dâng lớn lao,’ sẽ chuẩn bị cho người nữ tu một kinh nghiệm về chức làm mẹ cách khác: chức làm mẹ ‘theo tinh thần’ (x. Rm 8,4) – bởi vì sự khiết tịnh không làm mất đi nơi người nữ tu những đặc tính làm mẹ của người nữ.

Nói cách khác, nếu người nữ tu mang bản chất của người nữ là hướng đến chỗ làm mẹ, thì họ càng rất thích hợp để tham dự vào chức làm mẹ thiêng liêng và ‘trong sự tham dự này, họ sẽ đạt tới một sự triển nở sung mãn về mặt thiêng liêng.’[7] ‘Vì liên hệ với Đức Kitô, Đấng Cứu Độ của mọi người và từng người, nên tình yêu hôn nhân đang ngự trong tâm hồn người nữ tu, vị hôn thê đồng trinh của Đức Kitô, luôn sẵn sàng mở ra cho mọi người và từng người.’ Điều này được thể hiện trong các cộng đoàn tu trì sống đời hoạt động tông đồ cũng như các cộng đoàn sống đời chiêm niệm; các nữ tu thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng của mình cách khác biệt tùy theo lối sống của mình.[8]

Làm ‘Mẹ Tinh Thần’ trong Đời Hoạt Động Tông Đồ


Theo Mulieris Dignitatem, ‘Chức làm mẹ tinh thần có rất nhiều hình thức. Đối với các nữ tu sống theo đặc sủng có tính tông đồ, chức làm mẹ đó được thể hiện qua việc chăm sóc con người, đặc biệt những người cần giúp đỡ nhất: bệnh nhân, khuyết tật, những người bị bỏ rơi, trẻ mồ côi, người già yếu, trẻ em, thanh thiếu niên, tù nhân, và nói chung là những người sống bên lề xã hội.’[9] Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu sự thể hiện mẫu tính thiêng liêng của các nữ tu sống đời hoạt động tông đồ trên các ‘miền Thượng’, cụ thể là các nữ tu Dòng Ảnh Phép Lạ Kontum và các nữ tu Dòng Nữ Vương Hòa Bình Ban Mê Thuột.

Các ‘Mẹ’ Ảnh Phép Lạ


Dòng Ảnh Phép Lạ (APL) được Đức Cha Jean Sion Khâm thành lập vào ngày 06.4.1947 tại Kontum, vùng truyền giáo Tây Nguyên.[10] Các nữ tu (tiếng dân tộc gọi là Yă) của Dòng APL đến từ các dân tộc Jarai, Xêđăng, Bahnar, Rơngao, H’Lan, Yeh, Xơdrăh, Jơlơng. Do quy tụ chủ yếu các thiếu nữ người dân tộc thiểu số, Dòng APL trở thành nét độc đáo của vùng Gia Lai, Kontum. Nét độc đáo ở đây, theo Yă Imelda Y Biut, Tổng Phụ Trách của Dòng là ‘tính mẫu hệ’. Vì ‘cần có những bà mẹ Công giáo bản địa’ nên Dòng APL đã được thành lập.[11] Theo ý hướng ban đầu của Đấng Sáng Lập Dòng thì các nữ tu APL phải ưu tiên quan tâm chăm sóc đời sống của những anh chị em dân tộc thiểu số, và theo ngài chỉ có những người mẹ bản địa cùng ngôn ngữ, cùng phong tục mới có thể đem Tin Mừng đến cho họ một cách dễ dàng hơn. Cần biết rằng, thời xa xưa phần đông các dân tộc thiểu số theo chế độ mẫu hệ. Trong xã hội mẫu hệ, người nữ đóng vai trò quan trọng trong gia đình cũng như trong họ tộc. Mặc dầu ngày nay chế độ mẫu hệ đã dần chuyển sang chế độ phụ hệ nhưng trong gia đình, người mẹ vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc dạy dỗ con cái và gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Vì thế, các ‘bà mẹ Công giáo bản địa’ này, một cách nào đó, cũng đóng một vai trò quan trọng trong các bản làng của mình.
Nhờ sự tận tụy hy sinh và dấn thân của các Yă APL, hạt giống Tin Mừng ngày càng được gieo vãi khắp các buôn làng gần xa trong vùng Gia Lai, Kontum. Qua việc hiện diện tại các buôn làng, cùng lên nương làm rẫy với dân làng, tham gia chăm sóc bệnh nhân phong cùi ở các trại phong, đồng hành với các trẻ em ở các làng xa sống nội trú tại các trường công lập để học văn hóa, nuôi trẻ em nghèo và mồ côi, mở các lớp cắt may, dạy nhạc, mở trạm xá chữa trị cho các bệnh nhân nghèo, các Yă đã sinh ra được rất nhiều con thiêng liêng, biến đổi được những anh chị em dân tộc thiểu số đang còn mê tín dị đoan, lạc hậu, trở thành những con người tiến bộ, có thể hòa nhập vào nếp sống của xã hội văn minh và đồng thời trở thành những người con của Chúa, biết yêu thương và đùm bọc lẫn nhau như Đức Cha Jean Sion Khâm hằng mong ước khi thiết lập Dòng.

Bên cạnh những công việc vừa đề cập đến, có một điều, có thể nói là một điều ‘phi thường’ mà các mẹ Yă đã làm cho các bản làng của mình, đó là dần xóa bỏ được hủ tục “Dor tom amí” và “Joă ană”. Tục ‘Dor tom amí’ – chôn con theo mẹ – chủ yếu phổ biến ở các bộ tộc người Banah, Jarai và Jẻ Triêng là những sắc tộc bản địa đông đúc sinh sống lâu đời trên núi rừng Gia Lai, Kontum, phía Bắc Tây Nguyên. Nhưng sau đó, theo những nhóm người du canh du mục, giao thoa, tục ‘Dor tom amí’ đã lây lan qua các nhóm Xêđăng, S’rá, và vài nhánh Êđê ở những vùng nghèo đói lạc hậu. Khi đứa con còn bú sữa mà người mẹ chết vì bất cứ lý do gì, thì thân nhân và dân làng thường chôn sống đứa bé theo mẹ của nó. Họ lý giải rằng: ‘Nếu mẹ chết, không được bú sữa mẹ, không được cho ăn, đứa trẻ rồi cũng sẽ chết vì đói. Nên với việc quyết định “Dor tom amí” cho nó, người ta tin rằng đứa trẻ khi về với thế giới ma sẽ được mẹ chăm sóc tốt hơn!’[12]

Tục ‘Joă ană’(Joă là đạp, ană là con) – đạp con cho chết – chủ yếu phổ biến ở bộ tộc Jarai. Con gái Jarai vào tuổi dậy thì được tự do yêu đương, ngủ với người yêu. Khi cô gái lấy chồng, nếu người chồng nghi ngờ đứa bé đầu tiên ra đời không phải con mình, anh ta có quyền yêu cầu vợ hoặc bà đỡ phải ‘Joă ană’ đứa bé. Nếu ‘buộc phải tự thi hành án Joă ană, người phụ nữ vừa gượng dậy sau sinh nở sẽ phải bồng con vô rừng, dùng cây chụp loại chuyên đào củ mài đào một hố tròn sâu, thả đứa con mình vừa rứt ruột đẻ ra dốc ngược đầu xuống đáy hố để hồn ma bé khỏi biết đường về, rồi… đạp và…lấp,’ trước sự chứng kiến của chồng.[13] Các bà đỡ hoặc những người vợ đáng thương khi biết đứa bé sắp bị giết, đã trốn làng chạy đến với các Yă cầu xin cứu vớt.

Những em bé thoát khỏi hủ tục ‘Dor tom amí’, ‘Joă ană’ về với các Yă dòng Ảnh Phép Lạ đầu tiên vào năm 1947. Từ đó, càng ngày số trẻ được đưa về mái ấm càng đông. Hiện nay, Dòng APL có sáu mái ấm chăm sóc khoảng 800 trẻ em dân tộc thiểu số mồ côi, tàn tật, và các trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc nhiều lứa tuổi, trong đó có nhiều em được các Yă cứu khỏi hủ tục ‘Dor tom amí’ và ‘Joă ană’. Mỗi mái ấm được xem như một gia đình của các em. Tại mỗi gia đình, các Yă trở thành các mẹ với những đứa con bé nhỏ đáng thương này. Bằng một tình yêu của người mẹ đối với con cái, một tình yêu như Chúa Giêsu đã truyền dạy: ‘Hy sinh mạng sống vì người mình yêu’ (Ga 15,13), các Yă đã tận tình yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ các em. Và cũng từ đó, qua việc thăm viếng và hướng dẫn dân làng, các Yă đã nỗ lực làm cho các hủ tục ấy được dần xóa bỏ.

Nhờ biết rõ những văn hóa của mình với những cái đẹp cũng như những hủ lậu của nó, đồng thời nhờ chính ngôn ngữ bản địa của mình, các Yă đã dễ dàng ‘cảm hoá’ dân làng của mình và thu phục nhân tâm nơi chính bản làng của dân tộc mình. Thật vậy,

Vốn dĩ, giữa người Thượng và Kinh tồn tại khác biệt lớn về ngôn ngữ, văn hóa và tâm tính. Kiểu sống bộ tộc, quây quần trong buôn làng in sâu vào tiềm thức anh em Thượng. Họ quen ở một nơi, sợ bị đuổi hay phải di chuyển tới vùng khác. Do vậy, mọi gia đình cũng e dè, cảnh giác khi có ai lạ đến làng, đặc biệt với người Kinh – không cùng giọng nói, trang phục, vẻ ngoài như họ, dù đó là các tu sĩ. Mặt khác, tính chất phóng khoáng, thích ca hát, chuyện trò rì rầm bên đống lửa hơn nghe nói về đạo, tới nhà thờ đã tạo rào cản mỗi lúc các nhà truyền giáo ghé thăm. Khi dòng Ảnh Phép Lạ ra đời, khó khăn phần nào được xóa bỏ. Bước chân ra từ ngôi làng tít sâu, hẻo lánh, các nữ tu thấu hiểu phong tục, nghĩ suy của đồng bào. Trên hết, việc cùng là con cái đại ngàn, cùng màu da, ngôn ngữ đã tạo niềm tin và nhận được sự quý mến từ họ.[14]

Nói cách khác, vì ‘cùng là người con của núi rừng, các nữ tu Ảnh Phép Lạ hơn ai hết hiểu rất rõ đời sống của bà con dân tộc thiểu số. Trái tim nhạy cảm của các Yă nhanh chóng thấy được vướng mắc trong từng hoàn cảnh, để rồi từ đó nảy ra nhiều phương cách giúp đỡ, đồng hành.’[15]

Các ‘Mẹ’ Nữ Vương Hòa Bình


Không giống như Dòng Ảnh Phép Lạ được thành lập cho các thiếu nữ thuộc các dân tộc thiểu số, Dòng Nữ Vương Hòa Bình (NVHB) Giáo Phận Ban Mê Thuột là một Dòng thu nhận các thanh thiếu nữ, không phân biệt Kinh Thượng.[16] Tuy vậy, vì là Dòng mang sắc thái văn hóa của dân tộc Kinh nên đến nay, Dòng mới chỉ có một số ít các nữ tu người dân tộc thiểu số. Dòng NVHB được Đức Cha Paul Léon Seitz khai sinh tại Kontum và được Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai chính thức thiết lập tại Ban Mê Thuột ngày 31.5.1969. Theo ý của các Đấng Sáng Lập, Dòng NVHB được sinh ra ‘trong hoàn cảnh cụ thể của miền Cao Nguyên là để có những tông đồ được sai đi đến với những người thiểu số sống tản mát trong khắp miền.’[17] Giáo phận Ban Mê Thuột trải rộng qua các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông và một phần của tỉnh Bình Phước với diện tích 24,474.00 km2. Cả ba tỉnh của Giáo phận đều có những nhóm anh chị em dân tộc thiểu số sinh sống. Theo Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai, thì ‘Hội Dòng phải luôn luôn dành ưu tiên cho những người này [anh chị em dân tộc thiểu số], vì họ là những người “khó nghèo” và “bé mọn”, theo nghĩa của Thánh Kinh: họ là đối tượng ưu đãi của những sinh hoạt tông đồ trong Hội Dòng.’[18] Ý thức sứ mệnh đặc thù của mình là ‘truyền giáo giữa anh em dân tộc thiểu số’, chị em NVHB đã và đang hiện diện, đồng thời nỗ lực phục vụ các anh chị em tại các buôn làng trên vùng Tây Nguyên.

Dẫu vậy, vì là một Dòng mà ngôn ngữ chính là tiếng Kinh, nên trong thời gian đầu, các chị em NVHB không thể đến phục vụ ngay cho các buôn làng như các chị em APL, nhưng phải dành thời gian để học ngôn ngữ, tập tục và văn hóa của các dân tộc. Sau khi Dòng được chính thức thành lập, Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai đã tiến hành xây dựng cho Dòng một cơ sở tại buôn Ea Kmar, một buôn làng cách thị xã Ban Mê Thuột gần 30 km về hướng Đông Nam. Và ngày 10.6.1970, cộng đoàn NVHB Ea Kmar được chính thức thành lập. Theo ý Đức Cha Phêrô, cộng đoàn này được thành lập để chị em có cơ sở học văn hóa, phong tục, ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số, đồng thời để chị em có cơ hội thực tập truyền giáo cho anh em dân tộc thiểu số qua việc phục vụ giáo xứ Ea Kmar. Tuy thế, ngày 20.5.1977, chính quyền địa phương đã yêu cầu chị em gấp rút rời khỏi buôn làng với lý do là tình hình trong buôn thiếu an ninh.

Và cũng từ đó, vì hoàn cảnh của đất nước, chị em NVHB không thể trực tiếp đến với các anh chị em tại các bản làng nữa. Mặc dầu dường như ‘bên ngoài’ các chị em NVHB không còn hoạt động được gì nữa, nhưng không vì thế mà tinh thần truyền giáo của các chị có thể bị mai một đi. Trái lại, trong thầm lặng, suy tư, chiêm niệm, hy sinh và cầu nguyện, các chị vẫn hướng lòng đến ‘những người con tinh thần’ của mình nơi vùng sâu vùng xa; và khi có thể, các chị cũng âm thầm lặng lẽ thăm viếng an ủi họ.

Mãi đến thập niên 1990, hòa nhập với đất nước trong thời ‘mở cửa’, chị em NVHB mới có thể tiếp tục đi vào các buôn làng với nhiều chương trình đạo-đời giúp đỡ bà con. Khi tiếp cận với buôn làng trong các vùng sâu vùng xa qua những chương trình xóa đói giảm nghèo, có một thực trạng khiến các chị băn khoăn rất nhiều, đó là tình trạng thất học của trẻ em và hủ tục tảo hôn của một số bản làng. Tại những làng các chị đặt chân đến, hầu như trẻ em không được đến trường hoặc có đến trường thì cũng chỉ là một hình thức: các em vẫn được lên lớp hằng năm nhưng không hề biết đọc biết viết. Họa hoằn lắm các chị mới tìm được một vài em biết chữ. Với ước mong đem ‘con chữ’ về với buôn làng, các chị quy tụ đám trẻ lại và nhờ những người có học trong buôn làng đến phụ giúp dạy các em. ‘Dưới những túp lều tranh tạm bợ, ngày ngày rộn vang tiếng trẻ đánh vần, học đếm. Nhờ quá trình kiên trì phổ cập, nhiều em đã đọc sõi, viết suông.’[19]

Không dừng lại đó, các chị, những ‘người mẹ gieo con chữ’, lại muốn các con của mình được phát triển hơn và được học hành trong một điều kiện tốt hơn. Như Đấng Sáng Lập Dòng, Đức Cha Paul Léon Seitz, đã từng nói: ‘Con em Việt Nam và Thượng cùng được hưởng một nền giáo dục chung từ tuổi thơ ấu, sẽ là phương thế rất hiệu nghiệm để làm tiêu tán các thứ mặc cảm và thành kiến có thể xảy ra. Đó cũng là phương thế chắc chắn và nhanh chóng nhất để dạy cho thế hệ Thượng ngày mai học biết tiếng Việt. Vì đối với họ, đó là một yếu tố văn hoá và tiến triển.’[20] Thế là, những ‘người mẹ gieo con chữ’ này lại cố gắng xoay sở đưa các con em mình ra các huyện và thành phố để các em có thể được hấp thụ một nền giáo dục đủ đầy hơn.

Kể từ đó, các nhà lưu trú dành cho các em dân tộc thiểu số dần được thành lập. Cho đến nay Dòng NVHB có 5 nhà lưu trú dành cho các em đến từ nhiều buôn làng; có nhà, chẳng hạn như lưu trú Têrêxa tại thành phố Buôn Mê Thuột, có đến 14 dân tộc khác nhau. Khi nhiều dân tộc cùng sống chung trong một mái nhà nhưng ngôn ngữ, tập tục, bản sắc văn hóa lại khác nhau thì việc nuôi dạy các em quả là một thách đố lớn. Những ngày đầu thật là vất vả, trở ngại lớn nhất của các mẹ là giúp các bé vượt thắng nỗi ‘nhớ nhà’. Với cuộc sống tự do, hòa mình với thiên nhiên, chỉ thích múa nhảy và ca hát chứ không thích học, ít khi xa bản làng, xa con sông con suối làm các bé thật khó hòa mình trong nếp sống mới, một nếp sống có kỷ cương trong nhà nội trú. Thêm vào đó, các bé còn phải gồng mình học ‘con chữ’ tiếng Kinh. Nhớ nhà, không thích học, có những bé bỏ trốn và dám cuốc bộ hơn 100 cây số trở về buôn làng.

Để giúp các em giữ được quân bình trong đời sống, đồng thời phát huy những mối tương giao huynh đệ với nhau không phân biệt sắc tộc, cũng như phát huy năng khiếu cá nhân, mỗi buổi chiều sau giờ học ở trường, khuôn viên nhà lưu trú trở nên như một bản làng. Một số các em lên rẫy để tập canh tác nông nghiệp, một số các em học làm tiểu thủ công nghệ trong nhà xưởng, một số các em nữ học dệt thổ cẩm. Vì nhận thấy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào địa phương đang bị dần mai một, không có người kế thừa, các chị NVHB đã tìm đến những người già còn biết nghề trong các buôn làng, ngỏ ý, tạo điều kiện để xin họ truyền lại cách thức dệt thổ cẩm truyền thống cho một số em nữ của nhà lưu trú. Từ đó các em đã biết dệt và biết sáng tạo với thổ cẩm của dân tộc mình.

Với niềm mong ước cho các em có thể ‘hiểu tường tận lối suy tư và cảm nghĩ đã được diễn tả qua những nét tinh hoa văn hóa’ riêng của bản tộc mình,[21] các chị NVHB đã tạo điều kiện cho các em học các loại nhạc cụ và cồng chiêng truyền thống của các em như T’Rưng, Đàn Đá, Ching Kram, Đing Păh, Đing Pâng, Đing Tuuk, Đing Buot, Ky Păh, Đing Năm, Taktar… của các dân tộc. Để tạo cho các em có cơ hội phát triển, các chị không những tổ chức những cuộc thi tài năng âm nhạc dân tộc tại nhà Lưu Trú Sắc Tộc Têrêxa, mà còn liên hệ tìm kiếm những hợp đồng tại nhiều điểm du lịch để các em có cơ hội đi biểu diễn, mà theo lời chị phụ trách thì: ‘Vừa là cách giúp các em tự tin giao tiếp với thế giới bên ngoài, vừa để các em tự hào về văn hóa âm nhạc của dân tộc mình.’

Bên cạnh đó, theo hướng đi của Công đồng Vatican II các chị NVHB còn tìm cách giúp gìn giữ bảo tồn nét bản sắc văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số.[22] Bởi vì, như Công đồng khẳng định:
Văn chương và nghệ thuật, theo cách thức riêng của mình, cũng có một vai trò quan trọng trong đời sống Giáo hội. Thật vậy, văn chương và nghệ thuật tìm cách diễn đạt bản tính nhân văn cũng như các vấn đề và kinh nghiệm của con người, trong nỗ lực nhận biết và hoàn thiện chính mình cũng như cả thế giới; văn chương và nghệ thuật cũng nỗ lực khám phá vị trí của con người trong lịch sử và vũ trụ, giãi bày những nỗi khổ và niềm vui, những nhu cầu và năng lực của con người, đồng thời phác họa một vận mệnh tốt đẹp hơn cho con người. Như thế, văn chương và nghệ thuật có thể nâng cao đời sống nhân loại, được diễn tả dưới nhiều hình thức, tùy từng thời đại và từng địa phương khác nhau.[23]
Với nhiều công sức, các chị NVHB đã sưu tầm, thu thập và bảo trì những cổ vật và các loại nhạc cụ cồng chiêng đặc trưng của các dân tộc. Đồng thời tìm kiếm và khôi phục những văn hóa cổ truyền, chẳng hạn như hát Khan (hát kể sử thi) của người Êđê. Đây là một sinh hoạt văn hoá đặc biệt của người Êđê, ‘ra đời trong điều kiện xã hội loài người có những biến động lớn về những cuộc di cư lịch sử, đặc biệt là những cuộc chiến tranh giữa các thị tộc, bộ lạc để giành đất sống ở vùng rừng núi Tây Nguyên.’ Người Êđê gọi người hát kể sử thi là pô khan. ‘Pô’ nghĩa là thầy, là chủ, là người thạo việc; ‘khan’ là chuyện xưa.[24]

Hơn thế nữa, các nhà lưu trú chính là môi trường thuận tiện cho các em được ươm trồng và nuôi dưỡng đức tin Kitô giáo. Tại môi trường này các em được thường xuyên tham dự thánh lễ và nhận lãnh các bí tích, được học biết về đời sống phụng vụ bí tích, được học giáo lý, được huấn luyện để trở thành những giáo lý viên hầu các em có thể phục vụ đồng bào của mình khi trở về lại với buôn làng. Đồng thời các em cũng có cơ hội để tìm hiểu về các ơn gọi trong đời sống của Giáo hội; xuất thân từ các nhà lưu trú, hiện nay có một số em là tu sĩ thuộc nhiều hội dòng khác nhau.

Đặc biệt, với việc đưa các em ra khỏi bản làng đến với các nhà lưu trú, chị em NVHB có nhiều cơ hội để tiếp xúc với cha mẹ các em và với dân làng, nhờ đó đã giúp một số bản làng dần xóa bỏ đi hủ tục tảo hôn. Bởi sự nhận thức chưa đầy đủ của những người làm cha làm mẹ và bởi cảnh nghèo đói, đã khiến cho hủ tục tảo hôn vẫn còn tồn tại nơi một số dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa của tỉnh Đắk Lắk. Có những em kết hôn rất sớm, mới khoảng 13 – 14 tuổi; kể cả đang đi học cũng bỏ học, ở nhà để lấy chồng, lấy vợ. Bên cạnh đó, các chị NVHB cũng giúp dân làng dần bỏ đi những tục lệ không phù hợp với nền luân lý Kitô giáo, chẳng hạn như sau khi đính hôn đôi trai gái sống chung với nhau như vợ chồng rồi sau đó mới kết hôn.

Để trở thành ‘mẹ’ của những người con của núi rừng và để giúp họ thoát khỏi những cảnh đói nghèo vật chất cũng như tinh thần, hầu sống xứng đáng với phẩm giá của một con người ‘như lòng Chúa mong ước’, các chị em NVHB đã phải, như Chúa Giêsu, sống mầu nhiệm ‘tự hủy’ (x. Phil 2,6-8). Nói cách khác, để sinh ra những đứa con tinh thần này, trước tiên các chị đã phải học biết ‘trở nên giống’ như họ và ‘sống như’ họ. Thông qua những hòa nhịp đó, các chị mới có thể giúp họ đến gần với nền văn minh nhân loại, giúp họ loại bỏ dần những hủ tục đã ăn sâu vào ý thức và quan niệm, qua đó ‘nâng tầm’ văn hóa của họ lên cao hơn, nhất là mời gọi họ đến với đức tin Kitô giáo bằng cách hội nhập văn hóa của họ. Có lẽ việc đến với anh chị em dân tộc thiểu số của các chị NVHB có thể không dễ dàng như các chị APL bởi cảnh ‘mẹ gà, con vịt’ – ngôn ngữ văn hóa bất đồng, nhưng tình thương đã vượt thắng tất cả. Với thời gian, tình yêu và lòng kiên nhẫn, các mẹ đã dần cảm hóa được những người con của núi rừng.

‘Đây là Mẹ con!’


Có lẽ những công việc đa dạng, mà các nữ tu Dòng Ảnh Phép Lạ và các nữ tu Dòng Nữ Vương Hòa Bình đã và đang làm cho những anh chị em dân tộc thiểu số, mà chúng ta phần nào vừa đề cập đến không có gì gọi là to lớn hay vĩ đại. Nhưng chắc chắn rằng, ẩn sâu trong tất cả những công việc đó là tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với anh em đồng loại của các chị. Chính từ trái tim tận hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa đã khơi dậy tình mẫu tử thiêng liêng nơi các chị, giúp các chị nhận ra khuôn mặt của Chúa Giêsu bị bỏ rơi nơi những người anh em bé mọn nghèo khổ; vì khi các ngươi làm ‘cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy’ (Mt 27,40).

Đứng dưới chân Thập Giá, khi trối thánh Gioan cho Mẹ Maria: ‘Đây là Mẹ con’ (Ga 19,27), Chúa Giêsu đã thiết lập một ‘vai trò làm mẹ mới của Đức Maria’,[25] vai trò ‘làm mẹ tinh thần’. Các môn đệ của Chúa Giêsu, những người lắng nghe và tuân giữ lời Chúa được mời gọi thông dự vào phẩm tính làm mẹ tinh thần này, như Chúa đã nói: ‘Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành’ (Lc 8,20-21). Chắc chắn là ‘Thiên Chúa trao con người cho tất cả và cho từng người; nhưng chính sự trao phó này nhắm vào người phụ nữ cách đặc biệt - chính vì nữ tính của họ - và điều này xác định cách đặc biệt về ơn gọi của họ.’[26] Cũng có thể nói rằng, Thiên Chúa đặc biệt gởi gắm con người cho các nữ tu, những người đã tận hiến cho Thiên Chúa với một trái tim không chia sẻ qua đời sống độc thân khiết tịnh. Đức khiết tịnh của các nữ tu, theo Đức thánh cha Phanxicô, là một đức khiết tịnh ‘phong nhiêu’, một đức khiết tịnh sinh ra những người con thiêng liêng trong Giáo hội. Chính sự phong nhiêu này làm cho các nữ tu được thánh hiến trở thành những người mẹ.[27]

Nếu các nữ tu đã thực sự gặp Đấng lòng các chị yêu mến nơi khuôn mặt những người bé mọn nghèo hèn, thì thực sự tình mẫu tử thiêng liêng của các chị đang sinh hoa kết trái; các chị đã và đang sinh ra những người con tinh thần cho Chúa Kitô. Đồng thời các chị đang thực sự tham dự vào phẩm chức làm mẹ thiêng liêng của Mẹ Maria và đang tiếp tục hiện thực lời trối của Chúa Giêsu ‘Đây là Mẹ con’ cho con người hôm nay. Cánh đồng mênh mông trên vùng đất Tây Nguyên đại ngàn đang thiếu những tay thợ gặt, bằng những nỗ lực với những lời nguyện cầu và những hy sinh nhỏ bé âm thầm, các chị ước mong cho cánh đồng, một ngày không xa, được gặt hái bởi chính những tay thợ xuất thân từ núi rừng của mình.

[1] Mulieris Dignitatem, số 30.
[2] Mulieris Dignitatem, số 21.
[3] Mulieris Dignitatem, số 18.
[4] Sandra M. Schneiders, Selling All: Commitment, Consecrated Celibacy, and Community in Catholic Religious Life (New York/Mahwah, NJ: Paulist Press, 2001), 10.
[5] J. Galot, “Thiên Chức Làm Mẹ của Đức Maria trong phạm vi Ân Sủng,” http://catechesis.net/index.php/than-hoc/tin-ly/mau-nhiem-duc-maria/2437-thien-chuc-lam-me-cua-duc-maria-trong-pham-vi-an-sung
[6] Galot, “Thiên Chức Làm Mẹ của Đức Maria trong phạm vi Ân Sủng.”
[7] Galot, “Thiên Chức Làm Mẹ của Đức Maria trong phạm vi Ân Sủng.”
[8] Mulieris Dignitatem, số 21.
[9] Mulieris Dignitatem, số 21.
[10] Những chi tiết liên quan đến Dòng Ảnh Phép Lạ được trích dẫn Trong Sơ Lược Tiểu Sử Dòng Các Chị Em Ảnh Phép Lạ, Giáo Phận Kontum (Tài liệu lưu hành nội bộ).
[11] Cát Vàng, “Phỏng Vấn Về Hội Dòng Ảnh Phép Lạ (Tháng 1 năm 2017),” http://giaophankontum.com/Tin-Tuc-Bai-Viet-20XX1229gpkt-Phong-Van-Ve-Hoi-Dong-Anh-Phep-La-Thang-1-nam-2017.shtml
[12] Hoàng Thiên Nga, “Hủ Tục Rùng Rợn Giữa Thâm Sơn, Cùng Cốc,” Tiền Phong (23.07.2013).
[13] Sđd.
[14] Phú Khang, “Vai Gầy Gánh Vác Thương Yêu,” Công Giáo và Dân Tộc, http://www.cgvdt.vn/cong-giao-viet-nam/vai-gay-ganh-vac-thuong-yeu_a2396
[15] Thiên Lý, “Tấm Lòng Người Mẹ Sau Chiếc Áo Dòng,” Công Giáo và Dân Tộc, http://www.cgvdt.vn/cong-giao-viet-nam/tam-long-nguoi-me-sau-chiec-ao-dong_a6089
[16] Những chi tiết liên quan đến Dòng Nữ Vương Hòa Bình được trích dẫn trong Lược Sử & Căn Tính Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình, Giáo Phận Banmêthuột (Tài liệu lưu hành nội bộ).
[17] ĐC. Phêrô Nguyễn Huy Mai, Diễn Giải Hiến Pháp Dòng Nữ Vương Hòa Bình (Tài liệu lưu hành nội bộ), số 49.
[18] Diễn Giải Hiến Pháp Dòng Nữ Vương Hòa Bình, số 49.
[19] Võ Quới, “Có Một Mái Nhà Mang Tên Têrêsa,” Công Giáo và Dân Tộc, http://www.cgvdt.vn/cong-giao-viet-nam/co-mot-mai-nha-mang-ten-teresa_a3674
[20] ĐC Paul Léon Seitz, Thư Chung gửi Anh Em Giáo Hữu Việt Nam về Nhiệm Vụ Truyền Giáo đối với Anh Em Thượng (Địa Phận Kontum, 1958).
[21] Gaudium et Spes, số 62.
[22] Xem Joachim Pham, “Sisters Preserve Ethnic Groups’ Cultures by Collecting Ancient Artifacts,” Global Sisters Report http://globalsistersreport.org/news/sisters-preserve-ethnic-groups%E2%80%99-cultures-collecting-ancient-artifacts-29811.
[23] Gaudium et Spes, số 62.
[24] Dương Anh, “Khan (Sử thi) của người Ê Đê ở Đắk Lắk,” Cục Di Sản Văn Hóa, http://dsvh.gov.vn/pages/news/preview.aspx?n=1062&c=41
[25] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris Mater, Mẹ Đấng Cứu Thế (25.3.1987), số 23.
[26] Mulieris Dignitatem, số 30.
[27] Alessandro Speciale, “Pope tells Nuns to be Spiritual Mothers, not ‘Spinsters’,” The Washington Post https://www.washingtonpost.com/national/on-faith/pope-tells-nuns-to-be-spiritual-mothers-not-spinsters