Thời sự Thần học - số 79, tháng 02/2018, tr. 85-106
_Donatella Scaiola_
Với bài viết này, Donatella Scaiola, nữ giáo sư chú giải Kinh Thánh tại Đại học Giáo hoàng Urbaniana, tiếp tục dòng suy tư về quyền lực chính trị trong Kinh Thánh. Bà bàn về chủ đề từ quan điểm đặc thù của sự việc liên quan đến hai phụ nữ, Đi-na và Ta-ma. Các trình thuật, được kể lại trong hai đoạn ấy ít được chú ý trong Cựu Ước, nhắc đến câu chuyện kịch tính của phụ nữ, theo những cách thức khác nhau, trong bối cảnh quyền lực gia đình và chính trị. Giữa những thăng trầm của hai nhân vật này người ta muốn nêu bật và tố cáo sự thinh lặng, sự nhập nhằng và thói bạo lực, được hành xử bởi những người nắm quyền, là những nhân vật cố bám trụ vào những lập luận của quyền lực. Việc chú giải hai câu chuyện không chỉ gợi lên cho độc giả một cái nhìn, mà còn mời gọi họ suy nghĩ về vần đề là cơ chế bạo lực nhập nhằng này đã xuất hiện trong cuộc sống con người và còn tồn tại cho đến ngày nay.
Am-nôn trong 2 Sm 13
Nguồn: “Il potere e le donne”, La Rivista del Clero Italiano 96 [2005] 5, tr. 373-387)
Người dịch : Giuse Nguyễn Đình Chiến, O.P.
Trong bài viết này chúng ta sẽ xem xét vắn gọn câu chuyện của Đi-na (St 34), câu chuyện của Ta-ma và Am-nôn (2 Sm 13). Hai trình thuật kịch tính, được đặt cạnh nhau là do sự tương tự về ngôn từ và tình trạng, đồng thời, ít ra, còn được thêm vào một trình thuật bi thảm liên quan đến cô tỳ thiếp của người Lê-vi (Tl 19–21) mà chúng ta sẽ không bàn đến vì giới hạn của bài viết[2].
Câu chuyện của Đi-na (St 34)
Câu chuyện của Đi-na là một tình tiết tách biệt, không cho thấy những nối kết rõ ràng với phần còn lại của sách Sáng thế, ở đó cô gái chỉ được nhắc đến thoáng qua trong 30, 21: “Sau đó, bà (Lê-a) sinh một đứa con gái và đặt tên là Đi-na”. Trình thuật gợi lên nhiều khúc mắc, như được suy luận ra khi đọc lướt thư mục dài của câu chuyện[3], trong đó chúng ta đề cập đến, chẳng hạn, những câu hỏi sau đây: Đi-na có bị cưỡng hiếp hay không? Tại sao Gia-cóp và các con trai ông không chấp nhận lời đề nghị hôn nhân được đề xuất từ phía Si-khem và cha ông là Kha-mo? Tại sao Si-mê-ôn và Lê-vi phạm tội báo thù tàn ác đối với đàn ông con trai của thị tộc Si-khem và Kha-mo? Việc báo thù ra như không được thanh minh bởi tội ác mà những người này đã phạm và bởi Luật của Ít-ra-en? Hơn nữa, tại sao, có thể giả thiết rằng họ không bị phạt cho điều họ đã gây ra? Cuối cùng, Thiên Chúa không được nhắc đến trong trình thuật: Người đang ở đâu? Tóm lại, câu hỏi quan trọng ở đây chính là: Tại sao trình thuật lại được lồng vào trong Kinh Thánh? Không có ý giải đáp mọi vấn nạn, nhưng chúng ta chỉ đề nghị một giải thích cho trình thuật.
Bản văn có thể được chia theo nhiều cách khác nhau. Dựa trên, như là tiêu chuẩn, sự can thiệp của các nhân vật, những cuộc đối thoại và việc thay đổi khung cảnh, chúng ta đề nghị cấu trúc như sau[4]: cc. 1-3: Đi-na và Si-khem; cc. 4-7: phản ứng đối với bạo lực; cc. 8-17: việc điều đình; cc. 18-24: Kha-mo, Si-khem và dân thành; cc. 25-29: cuộc tấn công thành và tiêu diệt đàn ông con trai; cc. 30-31: Gia-cóp và các con ông.
Sự việc
Trình thuật được mở ra với một sự việc (cc. 1-3), được tiếp nối với những cảnh diễn khác và được triển khai bởi các diễn văn. Hành động duy nhất, với Đi-na như chủ thể chính, là việc ra ngoài để xem các cô gái trong xứ. Sau đó Đi-na trở thành đối tượng chính của nhiều động từ. Cô được nhắc đến trong những cuộc điều đình giữa đàn ông con trai trong gia đình cô, tức là Gia-cóp và các con ông. Cách riêng, Si-mê-ôn và Lê-vi, làm thành một bên, và Si-khem, Kha-mo, là những người Khi-vi, làm thành bên đối phương, họ điều đình để giải quyết tai nạn đã xảy ra cho cô gái.
Có một sự bất cân xứng rõ ràng trong chính sự việc ấy, vì nó hàm chứa nhiều điểm tối nghĩa và các tranh luận mà trình thuật tiếp sau đó, cho chúng ta biết là sẽ dẫn đến những hành động kéo theo. Đàng khác, phần lớn việc giải thích toàn thể trình thuật phụ thuộc vào cách chúng ta đọc các câu mở đầu (cc. 1-3). Trước hết, c. 1 khởi đầu với việc đề cập đến hành động duy nhất mà Đi-na thực hiện trong trình thuật: cô ra ngoài để xem các cô gái trong xứ. Quyết định của Đi-na bị phê bình cả trong chú giải Híp-ri lẫn trong chú giải Ki-tô giáo cổ thời[5], tự thân nó nói về một quyết định có lẽ không bình thường, nhưng, rốt cuộc, được coi là vô tội, xét vì những tương quan tốt đẹp vốn có giữa thị tộc Gia-cóp và thị tộc Kha-mo (x. St 33,18-19).
Tuy nhiên, những giải thích về hành vi của Đi-na lại rất khác nhau mà chúng ta thấy nơi các nữ tác giả, khi họ đọc bản văn theo khuynh hướng chú giải đề cao nữ quyền. Để trích dẫn một ví dụ điển hình thuộc lối tiếp cận này, Bechtel[6] cho rằng Đi-na có lẽ đã ra ngoài, tức là đã đi qua lãnh thổ thuộc về nhóm của cô, như cả Kha-mo sau đó cũng sẽ làm như thế. Nữ tác giả này cho rằng Đi-na và Gia-cóp có lẽ đã quan tâm đến tương quan qua lại với những người ngoại (Si-khem, Kha-mo), trong khi Si-mê-ôn và Lê-vi lại cảm thấy bị đe dọa bởi những người ngoại không thanh sạch và không chịu cắt bì này. Lối đọc như thế, với những ai quan tâm, không tương ứng chính xác với bản văn Kinh Thánh, và hơn nữa không tính đến sự kiện rằng động từ ‘đi ra’ xuất hiện lần thứ ba trong trình thuật, ở c. 26. Có lẽ, cần phải chấp nhận cách đơn giản rằng sự kiện bản văn không cho phép giải thích ý định của Đi-na, mà trái lại mời chúng ta tập trung sự chú ý vào những phản ứng sau đó.
Các câu 2-3 nói về Si-khem, chủ thể của bảy động từ:
“Si-khem, con trai ông Kha-mo, người Khít-vi, đầu mục xứ này, trông thấy và bắt cô, rồi cưỡng ép cô ăn nằm với mình. Rồi lòng cậu quyến luyến Đi-na, con gái ông Gia-cóp; cậu yêu cô gái và âu yếm dỗ dành cô”.Động từ ‘trông thấy’ nối kết c. 2 với câu trước đó và giới thiệu một thay đổi quan trọng: trong c. 1, Đi-na là chủ thể của động từ, trong khi bây giờ lại trở thành đối tượng bị trông thấy bởi Si-khem, và anh này, vì điều trông thấy, đã thực hiện những hành động, “bắt cô và ăn nằm với cô”. Việc dịch các động từ xuất hiện trong những câu này là khác nhau, đặc biệt động từ ở giữa có thể được hiểu theo nhiều cách: làm nhục, làm xấu hổ, bạo lực, lạm dụng, ... Dạng Piel của ‘nh, quả vậy, lấy nhiều nghĩa, và có thể kể đến: áp bức, gây phiền toái, khuất phục[7], làm nhục, làm ô danh[8], lạm dụng, bạo lực[9]. Mẫu số chung của các cách dịch này nằm ở chỗ là ai đó sử dụng sức mạnh thể lý hay tâm lý để làm xấu đi tình trạng của một người khác, và làm cho người này bị bẽ mặt hoặc nhấn mạnh đến một sự ức hiếp về thể lý lẫn tình cảm. Cách hành xử này nói chung bị coi là bất chính và như vậy không được tán thành, ngay cả sắc thái ý nghĩa chính xác của động từ dần dần được xác định theo bối cảnh. Không đi vào phân tích chi tiết ngữ học của c. 2, chúng ta có thể nói rằng Đi-na là đối tượng của một hình thức lạm quyền, và cũng có thể, nhưng không nhất thiết, được xác định như là bị cưỡng hiếp.
Theo sau một chuỗi các động từ tối nghĩa xuất hiện trong c. 2 và mang ý nghĩa tiêu cực, chúng ta có ba động từ khác ra như có dấu chỉ đối lập: “Rồi lòng cậu quyến luyến, con gái ông Gia-cóp; cậu yêu cô gái và âu yếm dỗ dành cô” (c. 3). Si-khem, chủ thể của bảy động từ đang bàn, xuất hiện ngay từ đầu và có gì điều đó phức tạp: đây là một con người tích cực hay tiêu cực?
Phản ứng
Cảnh thứ hai (cc. 4-7) khởi đầu với việc mô tả những phản ứng mà sự việc gợi lên giữa các nhân vật nam giới trong trình thuật. Si-khem ra như có chủ tâm rõ rệt, bởi vì anh ta muốn cưới Đi-na nhưng lại không thừa nhận trách nhiệm nào và độc giả không biết liệu Kha-mo có biết rõ vụ cưỡng hiếp cô gái hay không. Ở c. 5 sự chú ý được đặt trên Gia-cóp, và chúng ta đã hiểu làm sao ông biết điều đã xảy ra và cách thức mà ông có thể xác định chuyện đó. Có lẽ không cần phải giải thích thêm điều này. Phản ứng của Gia-cóp, người vẫn đang làm thinh, gây bất ngờ cho độc giả, nhưng nhà trình thuật tự giới hạn, trong lúc đó, để chỉ thông báo sự kiện mà không giải thích. Có thể Gia-cóp thinh lặng vì thận trọng, hoặc để có thể tranh luận điều xảy ra với các con ông chăng? Sự kiện mà họ ở ngoài đồng, tức là xa cách Gia-cóp về mặt thể lý, sau đó sẽ đạt được một ý nghĩa biểu trưng, khi mà người ta cho rằng cha và các anh trai của Đi-na có những ý kiến khác nhau về cách thức hành xử với Si-khem, Kha-mo và thị tộc của họ. Hơn nữa, cần chú ý rằng, trong khi Si-khem và Kha-mo xuất hiện giữa dân thành của họ, thì Gia-cóp và các con ông lại không có mặt ở đó, như trình thuật sẽ chỉ ra.
Trong khi nhà trình thuật sử dụng cách tập trung nội tại (focalizzazione interna) để miêu tả nhận thức mà sự việc của Đi-na gợi lên nơi Gia-cóp, thì trong c. 7 ông lại mô tả những tình cảm phẫn nộ nơi các anh trai của Đi-na, và cho độc giả những thông tin mà Si-khem và Kha-mo không có. Nhờ vậy, độc giả có thể biết thêm về các nhân vật trong trình thuật và đánh giá tốt hơn ý nghĩa những lời được công bố từ các anh trai của Đi-na.
Một lần nữa nhà trình thuật thay đổi việc định giá điều đã xảy ra cho Đi-na: Gia-cóp đã nhận thức điều ấy như là sự tục hóa, làm ô uế; các con trai ông, trái lại, nói về sự ô nhục qua hạn từ nebala ‘sự ô nhục’, nhắc nhớ đến một hành vi gây rối trầm trọng trật tự xã hội trong Ít-ra-en, và gây ra một sự rạn nứt trong tương quan vốn có giữa các chi tộc, trong gia đình, trong hôn nhân, hoặc với Thiên Chúa. Hạn từ này, như vậy, xác định một hành vi phá hoại nguy hiểm, đánh vào tính ổn định của cộng đồng Ít-ra-en, và vi phạm luật sắc tộc và hệ thống giá trị đã thỏa thuận, đồng thời gây đảo lộn tương quan xã hội bởi vì những quy luật duy trì trật tự bị đổ vỡ[10].
Điều đình
Trong cảnh tiếp theo, dành riêng cho việc điều đình (cc. 8-17), những điểm nhìn được thay đổi luân phiên cách cẩn trọng: trong cc 8-10, Kha-mo nói, sau đó Si-khem can thiệp (cc. 11-12), rồi đến phản ứng của các anh trai cô Đi-na (cc. 13-17). Trong diễn văn của mình, Kha-mo nhấn mạnh đến những lợi thế, dành cho Gia-cóp và gia đình ông, phát sinh từ những cuộc hôn nhân hỗn hợp và từ sự chung sống với người Si-khem, và nhấn mạnh đến việc sở hữu đất (c. 10).
Đến lượt Si-khem can thiệp (cc. 11-12), khi bàn đến vấn đề của hồi môn mà anh sẵn lòng dâng: nó vượt hẳn điều được thỏa thuận thông thường trong những tình huống tương tự. Si-khem, ngay từ đầu trình thuật, đã được mô tả cách mơ hồ, và có dụng ý tiêu cực, như đã nói trước đó, thì xem ra ở đây biết chuộc lỗi, bởi vì anh bày tỏ rõ ràng ước muốn được cưới cô gái.
Về điểm này, có sự can thiệp của các anh trai cô, trong khi ông Gia-cóp, người mà Kha-mo nói đến lúc đầu và sau đó cả Si-khem, vẫn không đá động gì. Động từ ‘trả lời’ (‘nh) gợi lại động từ được sử dụng ở c. 2[11] và có thể ám chỉ đến sự kiện các anh trai cô đã biết điều đã xảy ra với cô, đồng thời xác nhận sự lừa đảo. Với sự lừa đảo này, họ trả lời cho lời cầu xin của Kha-mo và Si-khem. Ban đầu, các anh trai cô ra như phản đối lời đề nghị (c. 14), trong khi ở c. 15 họ lại đề xuất một giải pháp. Nếu các anh trai cô muốn đạt được ý định của mình, trong lúc mà độc giả còn chưa rõ, thì họ phải đưa vào việc điều đình một yếu tố mới: một đàng, yếu tố này không buộc đối phương thừa nhận lỗi lầm, và đàng khác, nó cũng xuất hiện như một cách thế để đạt được sự ưng thuận của họ. Cắt bì, dấu chỉ giao ước giữa Thiên Chúa và dân Người, là một biểu tượng tôn giáo rất quan trọng, mà các con ông Gia-cóp sử dụng để lừa đảo người khác (và để giết kẻ ấy nữa). Cắt bì được sử dụng như một công cụ và điều đó dĩ nhiên dẫn đến vài vấn đề và có ý mỉa mai: các anh trai cô, rất quan tâm đến vấn đề ô uế mà Đi-na phải chịu; họ không ý thức, ít ra, đến việc công cụ hóa nghi lễ vốn diễn tả căn tính dân Híp-ri, nhưng lại sử dụng nó như một loại hình phạt báo phục (taglione) mà dân Si-khem phải chịu.
Tuy nhiên, chúng ta không hiểu tại sao các con (ông Gia-cóp) không tự giới hạn để nói rằng chiếu theo Luật việc gả Đi-na làm vợ một người ngoại[12] là bị cấm (c. 14); trái lại họ tổ chức một cuộc lừa đảo, tức là một cuộc tàn sát và kết quả được thấy trước trong c. 17: “Chúng tôi sẽ bắt con gái chúng tôi về và chúng tôi sẽ ra đi”. Có lẽ phải nghĩ rằng vấn đề nằm ở hôn nhân hỗn hợp mà các trình thuật về các tổ phụ đã nêu lên ít là hai quan điểm: nếu quả thực cả Áp-ra-ham và I-xa-ác (x. St 28,1-5) ưu đãi một cuộc hôn nhân nội tộc dành cho con cái họ, thì vẫn còn trường hợp của Giu-đa, người đã cưới con gái một người Ca-na-an tên là Su-a (x. St 38,1-5) mà bản văn không nêu lên một phản bác nào về cuộc hôn nhân ấy.
Kha-mo và Si-khem, ở cuối cảnh trước, có lẽ là những nhân vật tích cực. Họ đã bị lừa có chủ ý từ phía các con ông Gia-cóp. Diễn tiến trình thuật (cc. 18-24), tuy nhiên, bao trùm trên họ một bóng tối; thật vậy, Kha-mo và Si-khem phải thuyết phục dân thành tán đồng một thỏa thuận, và họ làm như vậy một cách thực dụng, chỉ để ý đến những phúc lộc phát sinh cho thị tộc của họ (cc. 21 và 23). Hơn nữa, Kha-mo đối xử với dân của ông một cách mánh khóe, và có lẽ, cả với thị tộc của Gia-cóp. Thật vậy, ở c. 10, ông cho phép Gia-cóp có thể thủ đắc của cải trong xứ: đây là một chi tiết mà ông bỏ sót trong diễn văn hướng đến dân (cc. 21-23); trong những lời mà ông nói với dân thành, ông thêm vào điều không được đề cập trước đó: quả vậy, việc thủ đắc tài sản thị tộc Gia-cóp (v. 23) không thuộc phần dâng tặng cho Gia-cóp và các con ông. Đàng khác, cả Si-khem và Kha-mo, mặc dù, đang nói về những cuộc hôn nhân hỗn hợp sắp tới (c. 21), lại không bao giờ đề cập đến cuộc hôn nhân của Đi-na, là nguồn gốc của cuộc điều đình đang được thực hiện. Như vậy, chúng ta có thể cho rằng cả Kha-mo lẫn Si-khem, mà giữa họ luôn có sự ăn khớp với nhau, đều có một mưu đồ mánh khóe đối với dân của họ và mỗi người theo đuổi một mục tiêu có phần khác với mục tiêu đã được vạch ra, và do đó, chỉ mang tính cá nhân.
Biểu lộ chiến thuật
Trong cảnh tiếp theo (cc. 25-29), bản văn dành cho độc giả những bất ngờ mới. Trước hết, chúng ta khám phá bây giờ kế hoạch thích hợp mà Si-mê-ôn và Lê-vi đã bày ra: cắt bì đem lại cho họ cơ hội để trừng phạt đối thủ và đoạt lại cô em gái, và như vậy cũng làm rõ rằng họ không hề có ý định ký kết một giao ước với những người Si-khem. Thứ hai, trình thuật hình thành một khác biệt giữa Si-mê-ôn và Lê-vi, những kẻ đã giết đàn ông con trai của thành và đoạt lại cô em gái, và những người con khác của Gia-cóp, những kẻ đã tàn sát thành phố. Sự khác biệt này có liên quan đến việc mô tả mà bản văn luôn nhấn mạnh bằng cách giảm nhịp của trình thuật cách rõ ràng. Thứ ba, chúng ta biết thêm rằng Đi-na vẫn còn ở trong nhà của Si-khem, và bản văn cũng không cho phép hiểu rằng cô gái, có lẽ được giữ làm con tin hay vẫn còn ở nhà đó vì cô ta muốn. Chúng ta cũng không biết liệu Đi-na có muốn được đưa về nhà hay là cô đợi cho các anh trai cô can thiệp.
Bản văn cũng đặt ra một vấn đề liên quan đến tính bất cân xứng giữa tội ác đã phạm và hình phạt phải chịu. Sự bất cân xứng này, có lẽ là quá đáng và không phù hợp với Lề Luật[13]. Theo một vài tác giả, tội bạo lực mà Si-mê-ôn và Lê-vi đã phạm bao hàm trong khung cảnh văn hóa thời ấy, vốn giải thích vụ hãm hiếp không chỉ là bạo lực đối với một phụ nữ: dùng sức mạnh ép buộc cô quan hệ tình dục, mà còn được hiểu như một hành vi thuộc lĩnh vực ý nghĩa giữa danh dự và hổ thẹn. Trong bối cảnh này, điều xúc phạm đến Đi-na có lẽ được nhận biết như một bạo lực xúc phạm đến cả gia đình cô, nhất là trong bối cảnh xã hội mà ở đó người ta quy gán tầm quan trọng rất lớn cho thị tộc và thậm chí cho một cá nhân trong trong thị tộc ấy. Si-mê-ôn và Lê-vi đã giết tất cả đàn ông con trai của thành phố, những người đã chấp thuận những đề nghị của Si-khem và Kha-mo (c. 24), bởi vì, họ đã đồng ý với nhau rằng cưỡng hiếp là một tội ác đối với xã hội. Quả thế, đàn ông con trai của một gia đình phải bảo vệ trinh tiết của phụ nữ, vốn đo lường danh dự xã hội của thị tộc. Theo đó, chúng ta thấy quan hệ tình dục giữa Si-khem và Đi-na đã gây tổn hại không chỉ cho cô gái mà còn cho cả thị tộc của cô. Không phủ nhận tính thích đáng của lối giải thích này, nhưng chúng ta cần nói thêm rằng bảng liệt kê chi tiết của cuộc tàn sát đã phạm gây thiệt hại cho thành của người Si-khem chứng tỏ rằng chỉ có các anh trai của Đi-na coi phụ nữ như là đồ vật và có lẽ việc xúc phạm cô em gái được sử dụng như là cái cớ để theo đuổi mục tiêu của họ không mấy cao thượng và trong sáng chút nào.
Động cơ báo thù: một việc hợp pháp
Trong các câu cuối cùng (cc. 30-31) xuất hiện lần nữa nhân vật Gia-cóp, là người nói lần đầu tiên trong trình thuật, tuy nhiên, lại không nói lời nào liên quan đến hành động tội lỗi của Si-khem. Chúng ta lưu ý rằng diễn văn của vị tổ phụ đặt điểm nhấn trên ngôi thứ nhất số ít và trên đại từ ngôi thứ nhất số ít, như muốn cho biết rằng ông quan tâm đến chính mình hơn là đến Đi-na. Từ phản ứng của Gia-cóp chúng ta suy ra được rằng ông không biết rõ những ý định của các con ông, và có một khoảng cách thực sự giữa vị tổ phụ, Si-mê-ôn và Lê-vi. Gia-cóp xem ra nghiêng về việc ký kết một giao ước với người Si-khem, và ghi nhận một hiệp ước sẽ cứu vãn danh dự của gia đình và tránh gây nguy hiểm cho việc định cư của thị tộc trong xứ, trong khi các con ông lại hướng theo một giải pháp quyết liệt nhất. Câu 31 là một kết luận không mong đợi: trong khi Gia-cóp có vẻ nuối tiếc tính khả thi để thiết lập việc chung sống hòa bình với người Ca-na-an, thì các anh trai cô (Đi-na) đặt một câu hỏi thoáng thấy kỳ lạ: “Chẳng lẽ em gái của chúng con bị đối xử như một gái điếm sao?” Vài tác giả[14] đã giải thích câu nghi vấn kết thúc này và giả thiết rằng nhà trình thuật đã đối chiếu hai loại hôn nhân: hôn nhân được dàn xếp giữa các gia đình và hôn nhân đến sau vụ bắt cóc. Gia-cóp và gia đình ông có thói quen dàn xếp cuộc hôn nhân, trong khi hành động tội lỗi của Si-khem, có lẽ hệ tại việc bắt cóc Đi-na để rồi cưới cô ấy làm vợ. Giả thiết này có thể giải thích tại sao Đi-na vẫn còn ở trong nhà của Si-khem, mà từ đó các anh cô sẽ giải thoát cho cô. Theo lối giải thích này, các anh trai của Đi-na đã không giải thoát nạn nhân khỏi một vụ cưỡng hiếp, nhưng đang xóa bỏ một cuộc hôn nhân đến từ một vụ bắt cóc. Điều đó có thể giải thích cả câu chất vấn kết thúc. Gái điếm là một phụ nữ dấn thân vào quan hệ tình dục ngoài sự kết hợp (vợ chồng) chính thức. Các anh trai kia coi một cuộc hôn nhân đến sau vụ bắt cóc là bất hợp pháp và cho rằng Si-khem đã hành động như thể Đi-na tự do và chấp thuận mà đối xử với cô như một gái điếm, tức là như một người phụ nữ không tùng phục thẩm quyền của cha, của chồng hay của người anh. Loại hôn nhân này phủ nhận thẩm quyền của gia đình người phụ nữ, và vì thế, hình thành một đảo lộn gây nhục nhã cho thị tộc. Loại hôn nhân ấy cũng giải thích phản ứng của Si-mê-ôn và Lê-vi. Đem Đi-na về lại nhà và như vậy đã nghiêm khắc báo thù những người Ca-na-an, các anh của cô thực thi một tuyên bố chính trị, đồng thời chứng minh cho những dân lân cận biết rằng họ có thể phản ứng chống lại mọi hình thức đe đọa từ bên ngoài xảy đến cho cộng đồng.
Đi-na: một cuộc xét xử của thinh lặng
Từ việc đọc được đề nghị, chúng ta cho rằng Đi-na, tên của cô nghĩa là “cô ấy xét xử”, một nhân vật câm, là chủ thể của một hành động duy nhất lúc ban đầu, nhưng lại quyết định tất cả những gì diễn ra sau đó và trở thành nguyên nhân của những phản ứng và lối giải thích khác nhau. Không có nhân vật nào tuần tự đi vào trong cảnh diễn và nối kết giữa họ với cô gái, theo ý kiến chúng ta, được coi là tích cực. Gia-cóp và các con của ông thì cách xa nhau và họ chỉ xuất hiện tùy vào sự quan trọng của mỗi nhân vật trong việc cứu nguy: nó liên quan đến danh dự và mối nhục, ý định cướp phá của cải của người lân cận với lý do bảo vệ một cô em gái, hay sợ hãi cho chính mình và cho tương lai của gia đình mình. Si-khem là một nhân vật nhập nhằng, bốc đồng, không có trách nhiệm với điều mình đã làm: chúng ta muốn nói đến việc cưỡng hiếp, và như vậy, nói đến việc làm mất danh giá của một con người, bị đối xử như đối tượng của sự thèm muốn. Sau cùng, chúng ta có thể nói về Kha-mo: có lẽ, ông là một kẻ mưu hại, là nguyên nhân gây sa sút cho chính dân thành của ông. Sự nhập nhằng, sự thinh lặng, thói bạo lực của mỗi nhân vật được bộc lộ nhờ cô gái thinh lặng và bị xúc phạm. Với sự hiện diện của mình, cô được nâng cao thành thẩm phán của tất cả những nhân vật kia.
Sự việc của Ta-ma và Am-nôn (2 Sm 13)
Bản văn có thể được coi như một tình tiết thời sự và kịch tính, nhưng chỉ là tùy phụ, mà trái lại, theo ý kiến chúng ta, nó là một mise en abîme[15] của sự việc trọn vẹn liên quan đến Đa-vít và gia đình ông. Sự việc biểu lộ những cơ chế và tiến trình đồi bại, những tình tiết chính trị và tương quan, mang đến cái kết cho triều đại của vua. Ta-ma vạch trần tính nhập nhằng và tố cáo thói bạo lực diễn ra trong gia đình mình, nhưng đáng buồn là tiếng nói của cô bị buộc phải câm lặng. Tuy vậy, kết cục này lại thuộc về tiến trình làm sáng tỏ ý nghĩa của câu chuyện và góp phần diễn tả bản chất ngôn sứ của nó.
Tình tiết được đặt để trong một bối cảnh then chốt, sau trình thuật về ‘tai nạn’ giữa Đa-vít và Bát Se-va và trước câu chuyện của Áp-sa-lôm. Một đàng, việc Am-nôn bạo lực đối với cô em gái cùng cha khác mẹ là Ta-ma lặp lại cách kịch tính hơn điều mà Đa-vít đã làm với Bát Se-va (2 Sm 11), ít ra đã cưới người đàn bà mà ông đã phạm tội ngoại tình (chính xác là thế, vì ông đã giết chồng bà ta!). Điều này cho phép đọc trình thuật như một sự tiếp tục của câu chuyện trước, và hơn nữa, ngay từ đầu chương 13, Áp-sa-lôm được nói đến, trong khi đó Đa-vít lại đóng một vai trò hoàn toàn tùy phụ trong trình thuật. Do vậy, chúng ta cho rằng trình thuật này được đặt để vào trung tâm của một tình tiết liên quan đến những tương quan gia đình và chính trị, và rồi nó tố cáo cách hành xử của Đa-vít trong tư cách là vua và là cha, đồng thời chứng minh cho thấy con cái của ông không phải là những nạn nhân vô tội, nhưng là những con người đã chọn lựa cách có hiểu biết mà phạm phải hành vi bạo lực luôn thuộc bản chất gia đình và chính trị, gây tổn hại đến nền tảng xã hội và cuối cùng làm cho xã hội suy sụp[16]. Theo cách đọc này, rốt cuộc, chúng ta thấy: không những tương quan giữa các chương 13–14 không bị xem nhẹ, thế nhưng còn được làm nổi bật cả trình thuật 13,1-22, cũng như vai trò của Ta-ma trong đoạn này, một nhân vật sẽ biến mất khỏi diễn tiến sự việc, mà trong đó cô chỉ được đề cập cách vắn gọn (2 Sm 13,32).
Trong c. 1 xuất hiện tên ba đứa con của Đa-vít: Áp-sa-lôm, Ta-ma và Am-nôn. Về khía cạnh văn chương, c. 1, cùng với c. 22b làm thành cái khung của đoạn, giới thiệu một cấu trúc quy tâm:
Áp-sa-lôm, con trai vua Đa-vít,Như P. Trible[17] đã lưu ý, hai người đàn ông được xác định là con vua Đa-vít, bao quanh một phụ nữ, người mà trong trình thuật không bao giờ được nói là con gái vua Đa-vít, mà chỉ là em gái của Áp-sa-lôm hay của Am-nôn. Nhà trình thuật cố ý nhấn mạnh đến những mối ràng buộc gia đình nối kết các nhân vật này nhằm làm trầm trọng thêm thảm kịch vừa mới khởi đầu.
có một cô em gái xinh đẹp, tên là Ta-ma.
Am-nôn, con trai vua Đa-vít, yêu cô.
Hành động mở đầu câu chuyện là tình yêu của Am-nôn dành cho cô em gái cùng cha khác mẹ. Anh ta nhớ đến cô mà không thể làm gì được trong thời gian cô còn trinh tiết, và có lẽ đang còn ở tạm, trong bối cảnh được dự định, là căn nhà được nói đến trong c. 7. Như vậy đã xuất hiện ngay từ đầu một trong những từ khóa của trình thuật, tình yêu, một hạn từ mà sau đó bản chất của nó được trình bày rõ hơn. Ở c. 3 xuất hiện một nhân vật khác, Giô-na-đáp, người sẽ đóng một vai trò quan trọng trong diễn tiến của sự việc. Anh ta được xác định là bạn của Am-nôn và “rất khôn lanh”, nhưng thực tế lời khuyên mà anh đề nghị với người bạn rốt cuộc sẽ gây ra cái chết, và chưa kể đến việc anh cung cấp cho người bạn cái cớ để thực hiện bạo lực với Ta-ma. Câu hỏi là: Giô-na-đáp có thực sự khôn lanh không, hay nhà trình thuật đang diễn tả một lời phê bình đối với một kiểu khôn ngoan nào đó đưa tới cái chết? Trong lúc này, chúng ta không biết đâu là những ý định thực sự của Giô-na-đáp, và hơn nữa còn khuyên Am-nôn giả vờ nằm bệnh, rồi sau đó theo cách ấy chuyển yếu đuối của anh này thành sức mạnh. Câu hỏi mà Giô-na-đáp hướng đến Am-nôn cho phép chúng ta thấy rằng vật cản được đặt giữa anh này và đối tượng mong muốn của anh, Ta-ma, có lẽ không nằm ở sự kiện cô gái còn trinh tiết, như được nói đến trước đó, mà hệ tại nơi Áp-sa-lôm, người anh có bổn phận bảo vệ cho cô ấy.
Thế nhưng, Giô-na-đáp đề nghị rằng có một người có thể vượt qua rào cản kia, đó là vua Đa-vít. Nhờ chiến thuật được đề xuất bởi Giô-na-đáp, mà trong cảnh chính (cc. 8-18), Am-nôn và Ta-ma đã gặp nhau. Với sự cộng tác của ba người: Am-nôn, Giô-na-đáp và Đa-vít mà Ta-ma, người không được hỏi một ý kiến nào, đi vào trong nhà của anh mình. Ở c. 11b người ta làm rõ bản chất thật sự của “tình yêu” mà Am-nôn dành cho Ta-ma: trong tiếng Híp-ri bốn chữ mà anh ta nói với cô em gái đều kết thúc với nguyên âm î. Đại từ ngôi thứ nhất số ít, như vậy, nhấn mạnh tính quy ngã (egocentrismo) của Am-nôn. Tuy nhiên, Ta-ma, cho đến lúc này, trong thinh lặng, đã tuân theo những mệnh lệnh khác nhau đã truyền cho cô, thì bây giờ lên tiếng nói hai lần: một lần đối với bạo lực (cc. 12-13) và một lần khác tiếp sau đó (c. 16). Ta-ma nói những điều khôn ngoan hữu lý và như vậy bắt đầu cho thấy có một sự khôn ngoan đã được công bố nhưng còn bị nghi vấn, đó là sự khôn ngoan thể hiện nơi Giô-na-đáp; và còn một sự khôn ngoan khác đích thực là sự khôn ngoan được diễn tả nơi Ta-ma, nhưng lại được dành riêng để chịu sự thất bại. Quan trọng là sự việc mà Ta-ma phản ứng lại đối với hai mệnh lệnh của Am-nôn (“Đến đây em, nằm với anh đi!”), bằng cách trả lời không (cc. 12.16), và rồi nêu lý do khước từ bằng hai mệnh lệnh phủ định: “Đừng cưỡng hiếp em, chớ làm chuyện đồi bại ấy”.
Kẻ ngôn ngoan đích thật là Ta-ma: trong khi tố cáo điều đang xảy ra, thì trong một tình thế nguy kịch cô cũng tìm kiếm những giải pháp. Ngoài việc tố cáo, Ta-ma còn kêu gọi lòng thương cảm của Am-nôn (c. 13) và đề nghị một giải pháp thực dụng. Sau khi đã trình bày những hậu quả sẽ xảy ra cho cả hai, tức là cô ấy sẽ không còn địa vị nữa do bị làm nhục và tiếng tăm của Am-nôn cũng sẽ gắn liền với nỗi ô danh và ngu xuẩn, thì Ta-ma, trong một tình thế kịch tính như vậy, đã đặt sự khôn ngoan và lý lẽ của mình đối lập với sự đam mê ám ảnh của Am-nôn. Thế nhưng hai lần bản văn đều nhấn mạnh rằng Am-nôn không muốn nghe Ta-ma: thay vì nói thì anh ta lại hành động và phạm phải một hành vi bạo lực.
Người ta so sánh trong trình thuật những mệnh lệnh vắn ngọn của Am-nôn và lập luận dài dòng mà hữu lý của Ta-ma, trong đó cô sử dụng những chiến thuật tu từ khác nhau để tìm cách khuyên can anh mình, kẻ chỉ biết truyền lệnh và khi lời của mình không được đếm xỉa thì anh ta dùng đến bạo lực. Trước và sau diễn văn của Ta-ma, thật vậy, xuất hiện động từ hzq, ‘lấn át’, ‘mạnh mẽ’ (cc. 11.14b), và động từ ‘nh dạng Piel thường được dịch là ‘cưỡng ép’, như chúng ta đã thấy trong đoạn trước. Trong bản văn mà chúng ta đang chú giải, động từ ‘nh chỉ ra rằng việc xúc phạm mà Ta-ma đã hứng chịu có liên quan đến danh dự của cô và gây ảnh hưởng xấu đến tình trạng xã hội của cô.
Các câu 15-16a mô tả cách ấn tượng sự cứng ngắc nơi việc thay đổi bất thình lình của Am-nôn: “Rồi Am-nôn đâm ra ghét cô, ghét thậm tệ: anh ta còn ghét cô hơn là đã yêu cô. Anh ta nói với cô: ‘Đứng dậy, cút đi!’”. Sự thay đổi hoàn toàn nơi tình cảm của Am-nôn được phản ánh trong mệnh lệnh mà anh ta đã truyền cho cô em gái cùng cha khác mẹ, trái ngược với lệnh truyền ở c. 11. Một lần nữa, cô gái trả lời và phản đối mạnh mẽ. Đối với phụ nữ, bị đuổi ra ngoài sau khi đã bị cưỡng hiếp là điều gì đó khủng khiếp, bởi vì cô sẽ rơi vào tình trạng bị gạt ra ngoài lề xã hội. Lề Luật, thật vậy, đã nhìn thấy trước khả năng của một hôn nhân đền bù (un matrimonio riparatore); thế nhưng, nếu cuộc hôn nhân này không xảy ra, thì cô trinh nữ bị cưỡng hiếp kia phải sống cuộc đời đau buồn (c. 20). Một lần nữa, bản văn nhấn mạnh rằng Am-nôn từ chối nghe cô (c. 16b), thậm chí, ra lệnh cho người đầy tớ đuổi cô gái ra khỏi nhà. Câu 17 bày tỏ một sự mỉa mai kịch tính: thật vậy, Am-nôn tử tế nói với người đầy tớ (“tôi xin cậu, n’a”) và ra lệnh cho anh “đuổi cô này xa khỏi tôi”. Bản văn Híp-ri không sử dụng hạn từ “phụ nữ”, như xuất hiện trong nhiều bản dịch hiện đại; đối với Am-nôn, quả vậy, Ta-ma chỉ là một đồ vật mà anh ta ném đi.
Ở c. 20, như không mong đợi, một lần nữa xuất hiện Áp-sa-lôm, người đề nghị ý tưởng rằng Ta-ma có lẽ đã bị cưỡng bép. Độc giả có thể tự hỏi làm sao Áp-sa-lôm đoán được điều đã xảy ra và có lẽ đề xuất giả thiết thú vị rằng anh ta đã biết là Am-nôn thèm muốn cô em. Nhưng tại sao anh lại yêu cầu Ta-ma im lặng? Có lẽ để tránh khả năng cô em đi kiện Am-nôn ra tòa, và nghĩ rằng đối với cô khó mà có thể đòi lại công lý bởi vì cô đã không kêu cứu khi bị cưỡng hiếp (x. Đnl 22,23-24). Hoặc Áp-sa-lôm bắt cô phải im lặng bởi vì anh ta có ý trả thù, như sẽ xảy ra sau đó, và có thể lấy vụ cưỡng hiếp Ta-ma như cái cớ để loại trừ kẻ cạnh tranh ngai vàng (x. 13,23-39). Ở c. 20 Ta-ma xuất hiện lần cuối cùng trong cảnh diễn: một người phụ nữ bị cưỡng hiếp, cô đơn và đau buồn[18] trong nhà của người anh; không có lấy một lời an ủi nào từ người anh này. Ta-ma đã được tách biệt khỏi phê phán của xã hội do tội ác đã phạm chống lại cô, khỏi những bận tâm theo lời của Áp-sa-lôm.
Đa-vít tức giận, nhưng lại không làm gì: một khoảng trống mới mà bản LXX làm đầy khi thêm vào một lời giải thích: “Nhưng ông đã không muốn làm phật ý con trai ông là Am-nôn, bởi vì ông yêu anh ta nhiều: quả vậy anh ta là con đầu lòng của ông”. Ở cuối trình thuật, Đa-vít không phản ứng gì. Điều đó cho thấy sự yếu đuối của vua, bởi vì trong Luật Híp-ri, như đã được nói trước, vụ cưỡng hiếp được cảnh báo như một tội ác xúc phạm đến cha (hay chống lại chồng) của cô gái. Cả Áp-sa-lôm cũng thinh lặng và ấp ủ việc báo thù, như chúng ta sẽ thấy trong diễn tiến của trình thuật.
Quan sát kết luận
Hai trình thuật được phân tích vắn gọn cho thấy sự giống nhau ở khía cạnh từ ngữ và tình huống. Để trọn vẹn hơn, người ta cũng muốn thêm vào câu chuyện kịch tính của nàng tỳ thiếp của người Lê-vi bị cưỡng hiếp với cái chết của cô và rồi bị người chồng chặt thành từng mảnh (x. Tl 19–21). Qua sự việc của những phụ nữ này, thỉnh thoảng họ không lên tiếng, như Đi-na, trong khi những lần khác họ lại phản đối kịch liệt, như Ta-ma, chúng ta thấy nổi lên sự thinh lặng, sự nhập nhằng, và thói bạo lực của những nhân vật có thẩm quyền ở cấp độ gia đình và chính trị. Điều này đã được chứng minh trong những trang viết trên đây. Ngoài những gì đã nhận xét, chúng ta muốn thêm vào một quan sát khác. Câu chuyện của Đi-na được sắp xếp vào thời các tổ phụ, câu chuyện của nữ tỳ thiếp của người Lê-vi trong thời các thẩm phán, một cuốn sách trong đó người ta lặp lại điệp khúc: “Vào thời ấy không có một vua nào trong Ít-ra-en; ai muốn làm gì thì làm” (Tl 17,6; 21,25); cuối cùng sự việc của Ta-ma thuộc thời quân chủ. Đó là những thời khắc biểu trưng, bởi vì chúng liên quan đến thời các nguồn của Ít-ra-en và thời quân chủ có lẽ đã phải ngăn lại tình trạng hỗn loạn mà sách Thủ lãnh đã tố cáo. Thực tế, trong ba trình thuật, người ta làm nổi bật chỉ một lập luận, mà ba phụ nữ liên quan muốn tố cáo, hoặc bằng lời nói hoặc bằng câu chuyện kịch tính của họ. Về phần mình, độc giả cũng được mời để đóng góp ý kiến cá nhân đối với lập luận ấy.