CHỦ ĐỀ : PHỤC VỤ LỜI CHÚA
LỜI GIỚI THIỆU
Số báo này được phát hành vào lúc sắp khai mạc Năm thánh ngoại thường về Lòng Chúa thương xót được mở ra nhân kỷ niệm 50 năm bế mạc công đồng Vaticanô II. Tuy nhiên, chủ đề về lòng Thương xót sẽ được dành cho số 71, còn đề tài của số này là “Phục vụ Lời Chúa” trùng với Năm thánh kỷ niệm 800 năm Tòa thánh châu phê “Dòng Anh Em Giảng thuyết” (1216-2016), một dòng tu được thành lập để phục vụ Lời Chúa đặc biệt bằng việc giảng thuyết.
Lời giới thiệu PDF |
Nội dung của số này gồm hai phần chính : 1/ Học hỏi Lời Chúa và 2/ Rao giảng Lời Chúa.
I. HỌC HỎI LỜI CHÚA
1. Số báo được mở đầu với bài nghiên cứu của linh mục Emili Marlés Romeu về ý nghĩa thuật ngữ “Lời Chúa”, được tông huấn Verbum Domini làm sáng tỏ nhờ thần học về “Đức Kitô là Lời”. Thuật ngữ “Lời Chúa” mang tính loại suy, với 7 nghĩa khác nhau nhưng được móc nối với nhau bởi vì cùng quy về Đức Kitô là Lời Thiên Chúa. Đây cũng là chìa khoá để giải thích sự thống nhất của Sách Thánh, mà các nhà chú giải cần để ý.
2. Văn kiện “Việc giải thích Kinh Thánh trong Hội thánh” của Uỷ ban Giáo hoàng về Kinh Thánh được phát hành năm 1993, điểm qua các phương pháp và các lối tiếp cận để giải thích Kinh Thánh hiện nay, cũng như nêu bật những giá trị và giới hạn của chúng. Linh mục Joy Philip Kakkanattu trình bày vắn tắt nội dung của văn kiện này
3-4. Hai bài kế tiếp được trích từ các phát biểu tại cuộc hội thảo dành cho các giáo sư thần học thuộc đại học Chilê năm 2011 về “Khoa chú giải và thần học trong việc phục vụ đức tin ngày nay”: giáo sư Ignacio Chuecas điểm qua Những đường hướng nghiên cứu Cựu Ước hiện nay; giáo sư Fernando Ramos trình bày Tổng quan lịch sử về những mô hình nghiên cứu Tân Ước trải qua 20 thế kỷ, đặc biệt là các sách Tin Mừng. Các tác giả cho chúng ta biết tình hình nghiên cứu các sách Cựu Ước và Tân Ước hiện nay, cùng với những vấn đề được đặt ra cho thần học hệ thống.
II. RAO GIẢNG LỜI CHÚA
5. Qua bài Giảng thuyết: lịch sử và thần học, linh mục Phan Tấn Thành ôn lại những hình thức giảng thuyết kể từ khi xuất hiện Kitô giáo. Nhờ phong trào trở về nguồn trong thế kỷ vừa rồi, ngành “thần học về việc giảng thuyết” ra đời, tìm hiểu ý nghĩa và mục đích của việc giảng Lời Chúa cũng như những hình thức rao giảng khác nhau trong đời sống Giáo hội.
6. Việc loan báo Tin Mừng cho những ngoài Kitô giáo được đặt tên là “truyền giáo”. Tuy rằng những phương tiện chính của việc truyền giáo (thí dụ: chứng ta bằng lời nói và việc làm, cầu nguyện), nhưng vào mỗi thời đại, một vài yếu tố nào đó đã được xếp vào hàng đầu, trở thành một “khuôn mẫu”. Cha Mario Menin đã phân tích bảy khuôn mẫu được áp dụng từ thời các thánh Tông đồ đến nay: khuôn mẫu tỏa chiếu của các thế kỷ đầu tiên, khuôn mẫu áp đặt bằng vũ lực, hoặc đối thoại văn hóa, hoặc thăng tiến nhân bản ở các thế kỷ sau. Các khuôn mẫu này không nhất thiết trùng hợp với các giai đoạn lịch sử nhất định.
7. Huấn giáo là một hình thức khác của việc phục vụ Lời Chúa. Cô Mađalêna Phạm Thị Thuý, phụ trách môn Huấn giáo tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Tp. Hồ Chí Minh điểm qua các văn kiện của Tòa Thánh từ công đồng Vaticanô II đến nay liên quan đến việc “dạy giáo lý”.
8. Chúng ta đang sống trong thời đại internet. Qua bài Thần học về truyền thông trên mạng, cha Antonio Spadaro, S.J. lưu ý chúng ta không phải về cách sử dụng mạng, cho bằng những thách đố mà cái logic của mạng đặt ra cho việc tìm kiếm Thiên Chúa, bản chất và sứ mạng của Giáo hội.
Trung tâm Học vấn Đa Minh
NỘI DUNG___________
- ĐỨC KITÔ - LỜI THIÊN CHÚA: Từ Dei Verbum đến Verbum Domini_Emili Marlés Romeu_
- VIỆC GIẢI THÍCH KINH THÁNH TRONG HỘI THÁNH_Joy Philip Kakkanattu_
- NHỮNG ĐƯỜNG HƯỚNG NGHIÊN CỨU CỰU ƯỚC HIỆN NAY_Ignacio Chuecas_
- NGHIÊN CỨU KINH THÁNH TÂN ƯỚC: Toàn cảnh lịch sử và những hàm ý đối với thần học hệ thống_Fernando Ramos_
- RAO GIẢNG LỜI CHÚA : Lịch sử và Thần học_Phan Tấn Thành_
- LỊCH SỬ VÀ CÁC KHUÔN MẪU TRUYỀN GIÁO_Mario Menin_
- GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI VỀ VIỆC DẠY GIÁO LÝ: Từ công đồng Vaticanô II đến nay_Md Phạm Thuý_
- THẦN HỌC VỀ TRUYỀN THÔNG TRÊN MẠNG_Antonio Spadaro_