Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

NGHIÊN CỨU KINH THÁNH TÂN ƯỚC: Toàn cảnh lịch sử và những hàm ý đối với thần học hệ thống

Thời sự Thần học - Số 70, tháng 11/2015, tr. 77-103

_Fernando Ramos_ 

Bài viết trình bày sự tiến triển của việc chú giải Tân Ước trong lịch sử Hội thánh và tương quan đối với công cuộc nghiên cứu thần học. Sau đây là lược đồ những vấn đề được trình bày.
1. Dẫn nhập.
2. Những mô hình chú giải trong lịch sử Giáo hội.
  2.1. mô hình của các Giáo phụ.
  2.2. mô hình thời Trung cổ.
  2.3. mô hình của Luther và công đồng Trentô.
  2.4. mô hình của thuyết duy lý.
  2.5. Sự chuyển hướng của mô hình Công giáo.
3. Phương pháp phê bình lịch sử.
4. Mô hình mới, những thách đố mới.
5. Những thách đố cho thần học hệ thống.
Tác giả hiện là giám mục phụ tá giáo phận Santiago de Chile. Nguồn: Estudios bíblicos del NT: Panorama histórico e implicancias para la teología sistemática, in: “Teología y Vida”, Vol. LIII (2012), 25-46.

1. Dẫn nhập


Việc nghiên cứu Kinh Thánh không ngừng mở ra những chân trời mới và những thách đố mới. Những đặc trưng của Tân Ước đã gây ra nhiều thách đố cho việc nghiên cứu. Một đàng, Tân Ước gồm nhiều tác phẩm do nhiều tác giả viết (mặc dù không nhiều bằng Cựu Ước): sự kiện này đã đặt lên vấn đề về tính cách thuần nhất của các tác phẩm. Đàng khác, các thể văn khác nhau (Tin Mừng, Thư, Khải huyền và những thể văn khác) cũng đặt ra những câu hỏi về sự tương đồng và khác biệt văn chương của các bản văn này.

Vì thế, để bàn về những hàm ý mà các nghiên cứu Tân Ước mang lại cho thần học hệ thống, ta cần phải trình bày những nét cơ bản của khoa chú giải hiện nay. Xét vì tầm bao la của những cuộc nghiên cứu và của những viễn ảnh, chúng tôi muốn để ý đến các sách Tin Mừng, Nhất lãm cũng như Gioan. (1) Trước hết chúng tôi muốn rảo qua những con đường của khoa chú giải trải qua lịch sử Giáo hội, hay nói đúng hơn, chúng ta thử xem những người muốn tìm hiểu Kinh Thánh đã làm như thế nào trải qua các giai đoạn trong đời sống Giáo hội, bởi vì chỉ có thể hiểu được các mô hình chú giải nhờ ánh sáng của những gì đã thực hiện trong quá khứ. (2) Tiếp đến, chúng tôi sẽ nêu bật những đặc trưng của phương pháp chú giải đang chế ngự công cuộc nghiên cứu sách Tin Mừng trong thế kỷ vừa qua, để từ đó cho thấy đâu là mô hình được phổ biến nhất hiện nay. (3) Sau cùng, chúng tôi muốn nêu lên những thách đố đặt ra cho thần học liên quan đến các cuộc nghiên cứu Tân Ước. Chúng tôi hy vọng bài viết ngắn ngủi này sẽ cho thấy rằng cách thức tiếp cận các sách Tin Mừng có liên lạc chặt chẽ với những cách thức suy tư và sinh sống của con người vào những thời điểm khác nhau của lịch sử và những biến cố xảy ra trong những thời điểm ấy; đồng thời, chúng ta sẽ thấy rằng các lối tiếp cận sách Tin Mừng cũng có liên hệ cách nào đó với công tác thần học.

2. Những mô hình chú giải[1] trong lịch sử Giáo hội


Các mô hình chú giải cần được lồng trong khung cảnh của Giáo hội, cách riêng khi nêu lên câu hỏi: tại sao người ta nghiên cứu hoặc tìm hiểu Kinh Thánh, cách riêng các sách Tin Mừng, trong suốt hai ngàn năm qua.

2.1. Mô hình của các Giáo phụ


Các Giáo phụ là những người tiên phong trong việc suy tư, tranh biện, quảng bá và bảo vệ đức tin vào Đức Giêsu Kitô trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, vào thời nảy lên nhiều rối loạn. Trong bối cảnh này, các giáo phụ năng viện dẫn Kinh Thánh, bởi vì nơi đây các ngài tìm được nguồn mạch cho việc suy tư để hiểu biết và giải thích mầu nhiệm Chúa Kitô.

Một khi mà các bản văn Tân Ước đã được xác định trong thư quy (canon), - một tiến trình tiệm tiến mà đôi khi một vài tác phẩm đòi hỏi thời gian dài hơn các tác phẩm khác – các giáo phụ năng tiếp xúc với các bản văn ấy trong công cuộc suy tư. Tuy không thể trình bày chi tiết sự chú giải của các Giáo phụ cũng như những nét đặc trưng của các trường phái khác nhau (tựa như Alexandria và Antiokia), chúng ta có thể ghi nhận vài yếu tố chung của các giáo phụ trong việc tiếp cận Kinh Thánh.

Đối với các giáo phụ, Kinh Thánh là nơi hiển minh từ đó có thể tranh luận các lập trường khác nhau. Chú giải là làm thần học, và thần học đương nhiên là chú giải. Nhiều khi tư tưởng thần học mang giọng điệu tranh biện, bởi vì các giáo phụ phải đương đầu với những luồng tư tưởng dị giáo hay ngoại giáo (gồm cả người theo đạo Do Thái).

Vào thời ấy, có ba nguyên tắc xem như tiềm tàng trong cách chú giải của các giáo phụ[2]. Thứ nhất, để hiểu biết Kinh Thánh thấu đáo, cần biết rằng các bản văn có một nghĩa văn chương (sentido literal) và một ý nghĩa ẩn tàng (sentido escondido). Dĩ nhiên, cần phải giải thích ý nghĩa văn chương mà ta thấy ở nơi bản văn, nhưng điều quan trọng là phải đạt tới ý nghĩa đích thực lắm lúc ẩn tàng trong bản văn. Để đạt tới ý nghĩa này, ám dụ hoặc biểu tượng sẽ giúp ích để thâm nhập vào nghĩa ẩn tàng. Các giáo phụ cũng biết rằng cái mô hình dựa trên ám dụ có nguy cơ là đưa đến những kết luận khác biệt, như thực sự đã xảy ra trong cuộc tranh luận chống lại ngộ giáo[3]. Vì lý do ấy, nguyên tắc thứ nhất cần được hướng dẫn bởi hai nguyên tắc khác, đó là: regula fidei (quy luật đức tin) và analogia fidei (loại suy đức tin). “Quy luật đức tin” tương ứng với việc tuyên xưng đức tin vào lúc rửa tội và được truyền lại bởi truyền thống. “Loại suy đức tin” dựa trên sự kiện là Kinh Thánh chỉ có một tác giả duy nhất là Thiên Chúa: Ngài không thể nào mâu thuẫn với chính mình trong Cựu Ước và trong Tân Ước; vì thế có một sự thống nhất chặt chẽ trong toàn thể Kinh Thánh và trong tất cả các chân lý. Nói cho cùng, tất cả các chân lý gặp thấy sự sung mãn nơi bản thân Đức Kitô, Đấng thâu tập mọi sự được tạo thành và mọi sự không được tạo thành.

Từ viễn ảnh này, các giáo phụ, tuy mỗi người mang một sắc thái độc đáo, đều là những nhà chú giải Kinh Thánh, và Kinh Thánh là thần học của các ngài.

2.2. Mô hình thời Trung cổ[4]


Vào thời Trung cổ, Kinh Thánh được rất nhiều người tiếp xúc, nhằm trau dồi thêm việc đào tạo bản thân, và nhờ sự phổ biến lectio divina trong các đan viện. Trong bối cảnh này, các catenae (nghĩa đen là “sợi xích”) được soạn thảo, tuyển lựa các đoạn văn giáo phụ chú giải Kinh Thánh; nổi tiếng hơn cả là la catena aurea của thánh Tôma Aquinô (chú giải của các giáo phụ về bốn quyển Tin Mừng).

Mô hình chú giải dựa trên sự phân biệt bốn ý nghĩa Kinh Thánh đã được thánh Augustinô thiết lập: 1) văn chương, 2) nguyên nhân (etiologica), 3) loại suy, và 4) ám dụ[5]. Qua dòng thời gian, bốn ý nghĩa ấy được xếp thành vè trong tiếng Latinh như sau Littera gesta docet; quid credas allegoria; moralis quid agas; quo tendas anagogia. (Nghĩa văn chương dạy về biến cố, nghĩa ám dụ dạy điều phải tin, nghĩa luân lý dạy điều phải làm, nghĩa dẫn đường dạy điều phải vươn tới). Về sau, ra như muốn đơn giản hóa các ý nghĩa của Kinh Thánh, thánh Tôma nói rằng có hai nghĩa căn bản: litteralis và spiritualis; nghĩa “văn chương” tương đương với nghĩa lịch sử hoặc văn chương; nghĩa “thiêng liêng” là các khía cạnh khác mà từ ngữ muốn nói.[6]

Mặc dù thánh Tôma nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nghĩa văn chương, nhưng hầu hết ngành chú giải thời Trung cổ chú trọng đến nghĩa ám dụ. Ngoài ra, vào thời này, càng ngày càng thấy rõ sự tách rời giữa khoa chú giải và thần học, và dần dần hai ngành tiến triển theo những phương pháp riêng.

2.3. Mô hình của ông Luther và của công đồng Trentô


Sự xuất hiện của ông Luther đã mang theo nhiều hệ quả không những đối với đời sống Giáo hội mà còn đối với thần học và chú giải nữa. Đối lại với cách thức làm thần học của kinh viện cũng như sự quy chiếu vào thế giá của các giáo phụ trong việc chú giải bản văn Kinh Thánh, ông Luther tranh đấu để cho nguyên tắc sola Scriptura được đưa vào Giáo hội và trong đời sống mỗi tín hữu, nghĩa là Kinh Thánh tự nó giải thích cho mình. Chủ trương của ông Luther rất ăn khớp với học thuyết về sự công-chính-hóa nhờ đức tin và qua Đức Giêsu Kitô. Ảnh hưởng của Luther không quan trọng trong phạm vi chú giải cho bằng trong nội bộ của thần học và trong hoạt động dịch Kinh Thánh ra tiếng Đức. Tuy nhiên, kể từ khi ông đặt Lời Chúa (và duy chỉ Lời Chúa) vào trung tâm đời sống đức tin, thì trên thực tế, ông đã loại trừ nguyên tắc regula fidei ra khỏi việc chú giải Kinh Thánh. Từ nay, không còn là Giáo hội chứng thực cho Kinh Thánh, nhưng Kinh Thánh chứng thực cho Giáo hội. Hậu nhiên, ông chỉ chấp nhận nghĩa văn chương của Kinh Thánh[7]. Như thế, ông đã bẻ gãy một tiêu chuẩn chú giải mà xưa này các mô hình chú giải đều tôn trọng.

Giáo hội Công giáo đã phản ứng tức thời. Công đồng Trentô, trong phiên họp IV ngày 8-4-1546, không chỉ định nghĩa những sách nào được xem là thuộc thư quy, mà còn khắng định nguyên tắc giải thích: để thấu hiểu bản văn Kinh Thánh cần phải quy chiếu về regula fidei. Trong lãnh vực đức tin và phong hoá, không ai được phép đưa ra một giải thích riêng tư trái nghịch với ý nghĩa mà xưa nay Hội thánh vẫn hiểu, và được chấp nhận bởi sự đồng thuận của các giáo phụ[8]. Nguyên tắc này trở thành quy chuẩn cho những thế kỷ sau, và hướng dẫn công cuộc chú giải về phía Công giáo; trong khi đó, việc chú giải của Tin lành đi theo con đường riêng chứ không quy chiếu vào uy tín nào khác.

Bước sang thế kỷ XVII, một vấn đề thứ hai nổi lên tại châu Âu và để lại nhiều hệ quả quan trọng đối với việc nghiên cứu Kinh Thánh. Đó là cái nhìn khoa học về vũ trụ, và ông Galilê trở thành một thí dụ điển hình. Dựa theo những điều mà Copernic đã vạch ra trước đây, các nhận xét của ông Galilê đã đặt ra câu hỏi về chân lý của Kinh Thánh và chân lý về vũ trụ dựa theo phương pháp khoa học. Ông Galilê đã nhận ra vấn đề, và đề nghị phân biệt giữa những chân lý liên quan đến đức tin và phong hoá (Kinh Thánh không thể sai lầm về điểm này) với những chân lý về vũ trụ tự nhiên: trong lãnh vực thứ hai, Kinh Thánh chỉ diễn tả theo ngôn ngữ thông thường, và đến một thời điểm nào đó, kiến thức khoa học có thể nói ngược lại. Tiếp theo quyết định của công đồng Trentô, vào tháng 2 năm 1616, bộ Thánh Vụ tuyên bố rằng thuyết đặt mặt trời làm trung tâm là lạc giáo, và trên thực tế, đã bác bỏ sự phân biệt mà ông Galilê đề nghị[9]. Sự tranh chấp này hé mở cho thấy điều sẽ xảy ra với mô hình của thuyết duy lý.

2.4. Mô hình của thuyết duy lý


Các thế kỷ XVII, XVIII và XIX trở thành sôi động đối với Kinh Thánh nói chung và với các sách Tin Mừng nói riêng. Người ta cho rằng B. Spinoza (1632-1677) là người đã mở màn cho phong trào duy lý: ông đồng hóa Thiên Chúa với thiên nhiên và vũ trụ, qua việc loại bỏ một Thiên Chúa cá vị điều khiển vũ trụ[10]. Ông đặt lý trí làm tiêu chuẩn duy nhất cho sự hiểu biết, và ông cho rằng bất cứ thực tại nào vượt khỏi lãnh vực hợp lý thì không thể nào hiện hữu[11].

Những tiền đề của ông Spinoza đã gây tác dụng mạnh mẽ cho việc chú giải Kinh Thánh. Trong thế kỷ XVIII nhiều nhà chú giải đã bắt đầu nghiên cứu Kinh Thánh dưới viễn tượng ấy, và đưa học thuyết duy lý vào lãnh vực chú giải. Họ loại trừ toàn phần hoặc một phần những sự kiện hoặc đạo lý nào không phù hợp với các lược đồ của lý trí: các phép lạ, các cuộc thần hiện, sự nhập thể, việc hạ sinh trinh khiết và sự phục sinh[12]. Hẳn nhiên, quan điểm này đi ngược với những mô hình trước đây của Giáo hội.

Chẳng mấy chốc đã xuất hiện những kết quả và hệ luận của viễn tượng này. Trước hết, người ta muốn dựng lại bản văn Kinh Thánh theo phương pháp phê bình. Trong Tân Ước, J. Wettstein (1693-1754) mở màn cho việc phê bình bản văn với ấn bản phê bình vào khoảng giữa các năm 1751-1754. Tiếp theo là các công trình của J.J. Griesbach (1745-1812), người đã tạo ra thuật ngữ “nhất lãm” (sinópticos) để bàn về ba cuốn sách Tin Mừng đầu tiên, K, Lachmann (1795-1851), C. von Tischendorf (1815-1874), B.F. Westcott (1825-1901) và J.A. Hort (1828-1892).

Dù sao, Kitô học là lãnh vực mà mô hình mới mẻ này đã chi phối mạnh hơn cả. Sự đóng góp đầu tiên theo đường hướng này là của ông Reimarus, mà tác phẩm được phát hành sau khi ông qua đời. Ông Reimarus ghi nhận rằng Đức Giêsu chẳng làm phép lạ nào hết, mà chỉ rao giảng Vương quốc Thiên Chúa mà thôi; sau đó, các môn đệ đã dùng một thủ đoạn tinh xảo để thuyết phục người đương thời rằng Đức Giêsu đã phục sinh, và nhờ thế đã khai mở Kitô giáo, một điều mà Đức Giêsu không hề nghĩ đến[13]. Kế đó, nhiều kế hoạch được đề ra để giải thích cuộc đời của Đức Giêsu theo phương pháp duy lý, tựa như trường phái Tübingen: ông F. Strauss quả quyết rằng những câu chuyện của sách Tin Mừng nhuốm màu thần kỳ Hy Lạp[14]; ông Baur thì đặt nghi vấn về nguồn gốc tông truyền của sách Tin Mừng thứ bốn, mà theo ông, nó ra đời vào năm 170, và vì thế chẳng có giá trị lịch sử gì hết[15].

Cứ như thế, chủ thuyết duy lý đã xuất bản một khối lượng nghiên cứu Kinh Thánh lần lần phá đổ các niềm xác tín xưa nay về các sách Tin Mừng và các sách khác của Kinh Thánh. Mặc dầu họ đã mang lại nhiều đóng góp đáng kể cho việc nghiên cứu Kinh Thánh, trong đó cần kể đến phương pháp phê bình lịch sử, nhưng nói cho cùng, họ đã góp phần vào tiến trình tục hóa Kinh Thánh. Vì lý do ấy, các nhà chú giải Công giáo theo dõi các cuộc nghiên cứu của các đồng nghiệp bên Tin lành với tâm trạng vừa háo hức vừa lo ngại.

2.5. Sự chuyển hướng của mô hình Công giáo


Từ cuối thế kỷ XIX, mô hình chú giải Kinh Thánh về phía Công giáo đã trải qua một cuộc thay đổi đáng kể, mà ta có thể theo dõi qua vài lần can thiệp của Tòa Thánh. Tôi muốn ghi nhận ba văn kiện đã đánh dấu cách thức chú giải Kinh Thánh:

2.5.1. ĐGH Lêô XIII, thông điệp Providentissimus Deus (1893)

Thông điệp này ra đời vào lúc việc chú giải tự do của thuyết duy lý đang tung hoành và chỉ trích việc giải thích Kinh Thánh theo quan điểm Công giáo. Trái với điều có thể mường tượng, thông điệp không chủ trương phòng thủ để chống lại thuyết duy lý, nhưng đã tỏ ra vui mừng vì sự nở rộ các cuộc học hỏi Kinh Thánh, và khuyến khích việc nghiên cứu. Tuy nhiên, thông điệp vẫn cho rằng việc học hỏi Kinh Thánh chỉ là một chức năng phục vụ cho một hệ thống thần học, vì thế nó cần được sử dụng cân xứng để giúp cho việc biện luận[16]. Sau cùng, thông điệp du nhập một điều mới mẻ cho việc chú giải Công giáo, bằng cách quy định vài nguyên tắc chi phối mối tương quan giữa khoa học và thần học liên quan đến các đề tài trong Kinh Thánh. Thông điệp phần nào chấp nhận điều mà ông Galilê đã nói hồi thế kỷ XVI[17]. Mặc dầu văn kiện này đã mở ra nhiều hướng mới, nhưng cuộc tranh luận chống lại trào lưu duy-tân (antimodernista) xảy ra vào những thập niên kế đó đã làm tê liệt các cuộc truy tầm lịch sử về phía các học giả Công giáo.

2.5.2. ĐGH Piô XII, thông điệp Divino Afflante Spiritu (1943)

Trong một bối cảnh hoàn toàn khác biệt, thông điệp này cho phép các nhà chú giải được sử dụng phương pháp phê bình lịch sử. Lý do đưa đến quyết định này là những người thuộc khuynh hướng “thiêng liêng” (espiritualista) chống đối những học giả Công giáo áp dụng phương pháp phê bình lịch sử trong Giáo hội[18]. Thông điệp khẳng định rằng khởi điểm của việc nghiên cứu Kinh Thánh là chính bản văn; vì thế cần phải nhìn nhận giá trị của việc phê bình văn bản (critica textual) để tìm lại bản nguyên thuỷ[19]. Kế đó, thông điệp quan niệm rằng vai trò quan trọng của nhà chú giải là đi tìm và trình bày ý nghĩa chính của bản văn, nghĩa là ý nghĩa văn chương (sensus litteralis) để làm sáng tỏ đâu là ý định của tác giả[20]; để hiểu được rõ rệt hơn nghĩa văn chương, thông điệp khuyến khích hãy lưu ý đến các thể văn (géneros literarios) mà các thánh sử sử dụng[21]. Đồng thời, thông điệp nhắc nhở nhà chú giải đừng bỏ qua ý nghĩa thiêng liêng (sentido espiritual) của các bản văn, bởi vì công tác chú giải không thể nào thu hẹp vào việc trình bày lịch sử, ngữ văn và khảo cổ của những sự kiện trong Kinh Thánh[22]. Thật khó diễn tả trong ít hàng tác dụng của thông điệp này đối với những người học hỏi Kinh Thánh, bởi vì đây là lần đầu tiên lối tiếp cận lịch phê bình lịch sử tìm được chỗ đứng trong Giáo hội Công giáo[23].

2.5.3. Uỷ ban giáo hoàng về Kinh Thánh, Việc giải thích Kinh Thánh trong Hội thánh (1993)

100 năm sau Providentissimus Deus và 50 năm sau Divino Afflante Spiritu, Uỷ ban giáo hoàng về Kinh Thánh xuất bản một văn kiện quan trọng liên quan đến những mô hình chú giải được áp dụng vào việc nghiên cứu Kinh Thánh. Một lần nữa, bối cảnh đã thay đổi: lần này mối đe doạ đến từ phía lối đọc bảo-căn (lectura fundamentalista). Đối với văn kiện này, “lối đọc bảo căn khởi đi từ nguyên tắc theo đó Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa được linh hứng và không mắc sai lầm, cho nên cần được đọc và giải thích theo văn chương trong tất cả mọi chi tiết. Họ hiểu “giải thích theo văn chương” (interpretacíon literal) như là giải thích sơ đẳng, cứ chữ (literalista), nghĩa là loại trừ mọi cố gắng tìm hiểu sự tiến triển lịch sử của bản văn. Họ chống lại việc sử dụng phương pháp phê bình lịch sử, cũng như bất cứ phương pháp khoa học nào khác trong việc giải thích Kinh Thánh. [...] Vấn đề then chốt của lối đọc bảo căn nằm ở chỗ, một khi tẩy chay tính cách lịch sử của mạc khải Kinh Thánh, họ sẽ không đủ khả năng chấp nhận toàn diện chân lý về cuộc Nhập thể. [... ] Họ từ chối chấp nhận rằng Lời Thiên Chúa được linh hứng đã được diễn tả bằng ngôn ngữ loài người và đã được viết ra, dưới ơn linh hứng, bởi những con người với những khả năng giới hạn”[24]. Văn kiện trả lời lối đọc bảo căn bằng hai cách. Một đàng, văn kiện tái khẳng định vai trò và tầm quan trọng của phương pháp phê bình lịch sử trong việc nghiên cứu Kinh Thánh, cho đến nỗi tuyên bó rằng đó là phương pháp không thể bỏ qua để hiểu được ý nghĩa của các bản văn cổ xưa[25]; thậm chí văn kiện nhấn mạnh đến giá trị hàng đầu của ý nghĩa văn chương, nhưng không quên ý nghĩa thần khí (sentido espiritual) và khẳng định có thể có ý nghĩa sung mãn (sensus plenior)[26] của bản văn. Đàng khác, và đây là sự đóng góp ý nghĩa cho vấn đề đang bàn, văn kiện phân tích các phương pháp và những lối tiếp cận mới trong việc nghiên cứu Kinh Thánh, hầu như tất cả thuộc mô hình giải thích “đồng đại” (sincrónico). Văn kiện cố gắng vạch ra những khía cạnh tích cực của mỗi phương pháp và lối tiếp cận, cũng như những giới hạn của chúng[27]. Chỉ có một lối tiếp cận bị xét như không thích hợp là cách đọc bảo căn.

Rảo qua tổng quan những mô hình chú giải khác nhau trong lịch sử Giáo hội (dĩ nhiên là khá sơ sài và cần được bổ túc), ta có thể nhận thấy một sợi chỉ xuyên suốt nhưng không phải lúc nào cũng được bảo vệ mà có khi còn bị loại bỏ. Trong vòng 15 thế kỷ, khoa chú giải tìm cách tìm hiểu bản văn bằng cách dựa vào regula fidei và analogia fidei. Ông Luther đã loại bỏ regula fidei, nghĩa là đưa việc nghiên cứu Kinh Thánh ra khỏi khung cảnh của Giáo hội, với những hệ luận trầm trọng. Kế đó, chủ trương duy lý tạo ra một mô hình chú giải mới, tách rời việc chú giải Kinh Thánh ra khỏi đức tin, khiến cho việc nghiên cứu Kinh Thánh theo khoa học mất đi analogia fidei. Đồng thời, nhiều nhà chú giải đi theo những con đường khác, tuy bám vào những mô hình cổ điển nhưng tìm cách vận dụng Kinh Thánh để phục vụ thần học, thay vì cố gắng học hỏi và hiểu biết chính bản văn Kinh Thánh. Vào giữa thế kỷ XX, xem ra người ta đã tìm được một đường hướng chung nhờ sử dụng phương pháp phê bình lịch sử; thế nhưng vài thập niên sau đó, một mô hình mới dần dần nổi bật giữa các nhà nghiên cứu Kinh Thánh, được đặt tên là các phương pháp đồng đại. Việc ôn lại phương pháp phê bình lịch sử, đặc biệt khi áp dụng vào việc nghiên cứu các sách Tin Mừng, sẽ giúp chúng ta nhận ra điều gì đã xảy ra trong thời gian gần đây.

3. Phương pháp phê bình lịch sử


Phương pháp này được xây dựng tiệm tiến, khởi đi từ những câu hỏi được đặt lên trong lãnh vực khoa học liên quan đến bản văn Kinh Thánh. Một cách giản lược, ta có thể tóm lại những giai đoạn chính như sau, cách riêng trong việc nghiên cứu các sách Tin Mừng.

3.1. Phê bình văn bản (Crítica textual)


Từ thế kỷ XVI, đặc biệt về phía Tin lành, người ta bắt đầu quan tâm đến việc dịch Kinh Thánh từ nguyên bản. Từ đó nảy ra ấn bản Hy Lạp của Tân Ước mang tên là textus receptus. Bản văn này được xem như dụng cụ quy chiếu trong nhiều thế kỷ. Thế nhưng, nhờ sự phát triển của những cuộc nghiên cứu khảo cổ từ thế kỷ XIX, người ta khám phá ra một số bản chép tay Tân Ước. Dĩ nhiên, ấn bản textus receptus vì chỉ dựa trên một ít chứng tích cho nên cần phải được duyệt lại. Từ đó những ấn bản phê bình của Tân Ước được xuất bản, và môn phê bình văn bản được xem như một ngành khoa học nhằm xác định đâu là những tiêu chuẩn để thiết lập bản văn nguyên thuỷ. Những đóng góp của ngành này thật quan trọng để làm sáng tỏ nhiều nghi vấn về văn bản. Hiện nay, nếu nói đến Tân Ước, thì có hai ấn bản phê bình, tuy nội dung trùng hợp với nhau, nhưng khác nhau xét về những chú dẫn phê bình[28].

Mặc dầu việc phê bình văn bản đã giải quyết nhiều nghi vấn, nhưng vẫn còn vài điểm cần làm sáng tỏ. Thí dụ, theo Ga 20,31: “Những điều này được viết ngõ hầu anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con của Thiên Chúa, và ngõ hầu nhờ lòng tin anh em được sự sống trong danh của Ngài”. Theo bản dịch, xem ra cuốn sách được viết để gợi lên lòng tin ở nơi người đọc. Tuy nhiên, theo bản văn Hy Lạp của một ấn bản phê bình, cụm từ “ngõ hầu anh em tin” là ίνα πιστεύ[σ]ητε, nghĩa là có thể hoặc là πιστεύσητε hoặc là πιστεύητε. Hình thức thứ nhất ở thì aoristo subjuntivo còn hình thức thứ hai ở thì presente subjuntivo. Cả hai thì đều được gặp thấy nơi những thủ bản khác nhau. Có gì khác biệt giữa hai hình thức ấy không? Thưa rằng mục đích của Tin Mừng thứ bốn sẽ thay đổi tuỳ theo động từ đặt ở thì nào. Nếu theo thì thứ nhất (aoristo ingresivo) thì mang nghĩa một chuyển động, nghĩa là đi vào đức tin; như vậy, quyển sách mang mục tiêu truyền giáo, đó là gợi lên đức tin. Nếu theo thì thứ hai, thì tác giả đề cập đến một tình trạng đang tiến triển trong thời gian (chứ không bắt đầu hoặc kết thúc); như thế quyển sách mang mục tiêu huấn giáo, tức là nhằm giúp đào sâu đức tin chứ không phải là gợi lên đức tin. Cuộc tranh luận vẫn tiếp tục, và việc phê bình văn bản không thể giải quyết được[29].

3.2. Phê bình các nguồn mạch


Đây là một trong những mối bận tâm đầu tiên của việc phân tích phê bình. Khi đối chiếu ba quyển Tin Mừng Nhất lãm, ta thấy có rất nhiều điểm giống nhau và không ít điểm khác nhau. Vì thế, vai trò của việc phê bình các nguồn mạch là đưa một sự giải thích thoả đáng cho nhận xét vừa rồi. Sau nhiều tranh luận, sau cùng người ta chấp nhận giả thuyết về hai nguồn: thứ nhất là Máccô (ra đời trước hai quyền kia); thứ hai là Q, mà Mátthêu và Luca chịu lệ thuộc[30]. Giả thuyết này giải thích được một phần lớn các câu hỏi nảy ra từ việc đối chiếu nhất lãm, nhưng cũng lại gợi lên nhiều câu hỏi đáng kể khác, chẳng hạn như: tại sao Mátthêu lại đi theo Máccô, đang khi Mátthêu là một tông đồ còn Máccô không phải là tông đồ? Dù sao, với phương pháp luận này, các nhà nghiên cứu nhìn nhận rằng các sách Tin Mừng có một lịch sử, chứ không được viết do một cá nhân trong vòng một vài tiếng đồng hồ. Đàng sau một sách Tin Mừng, có những nguồn (đôi khi là nguồn đã được viết, chứ không chỉ truyền khẩu) đem lại nhiều chất liệu để soạn bảo bản văn.

Đối với quyển Tin Mừng thứ bốn, việc phê bình nguồn mạch không thành công cho lắm, có lẽ bởi vì không có một bản văn tương tự để đối chiếu như là trường hợp nhất lãm. Dù sao, người ta cũng đã đưa ra nhiều giả thuyết để giải thích nguồn gốc của Gioan. Nổi tiếng nhất là giả thuyết của ông Bultmann, người đã để lại một dấu tích không sao né tránh được trong suốt hậu bán thế kỷ XX[31]. Theo ông, quyển Tin Mừng thứ bốn có ba nguồn: nguồn các dấu chỉ, nguồn các diễn từ mạc khải, và nguồn trình thuật cuộc tử nạn. Giả thuyết được nhiều người chấp nhận hơn cả là “nguồn các dấu chỉ” (semeia quelle): đó là một nguồn thuật lại 7 phép lạ được mô tả trong Tin Mừng thứ bốn, nhưng trình bày một hình ảnh về Đức Giêsu đậm màu huyền thoại Hy Lạp θεȋος άνήρ có quyền năng thực hiện các phép lạ bởi vì điều này mang lại chứng cớ thuyết phục cho các độc giả đã mang não trạng như vậy[32]. Nhờ những đóng góp của các nhà chú giải như Martyn, Brown và gần đây Vidal, sự chú ý đã chuyển từ các nguồn giả định của Tin Mừng sang sự tiến hóa của bản văn trong nội bộ cộng đoàn của Gioan, tương ứng với những giai đoạn lịch sử của cộng đoàn này trong thế kỷ I[33]. Việc chuyển dời sự chú ý sang hoạt động của các cộng đoàn trong việc soạn ra các sách Tin Mừng dẫn đến giai đoạn kế tiếp của phương pháp.

3.3. Phê bình hình thái (Gọi bằng tên tiếng Tiếng Đức là Formgeschichte[34]


Chính ở giai đoạn này mà phương pháp đã mang lại những đóng góp quan trọng nhất cũng như đã gây ra những cuộc tranh luận sôi nổi nhất. Điểm then chốt là cần vượt qua thuyết phê bình các nguồn mạch: biết được nguồn mạch của bản văn này từ một bản văn khác thì chưa đủ; cần phải khám phá hoặc tái dựng chính hoạt động của Đức Giêsu, để xem Đức Giêsu lịch sử đã làm gì và nói gì, xuyên qua việc nghiên cứu giai đoạn tiền-biên-soạn của cộng đoàn Hội thánh sau khi Chúa phục sinh. Những cuộc nghiên cứu chứng tỏ tầm quan trọng của các cộng đoàn Kitô hữu trong việc truyền thụ các ký ức về Đức Giêsu tuỳ theo những nhu cầu sống động của mình (Sitz im Leben) cũng như trong việc các ký ức ấy được biến thái, một đàng nhờ việc thâm tín về cuộc phục sinh của Đức Giêsu, và đàng khác, do những quy luật thường tình của việc truyền thụ một truyền thống trong một cộng đoàn. Dưới viễn cảnh nay, sự phê bình các hình thái nhận thấy sự cần thiết phải đào sâu các văn thể của sách Tin Mừng, bởi vì đó là hình thái thông thường mà qua đó các cộng đoàn truyền thụ và biến đổi các ký ức về Đức Giêsu. Văn thể (género literario) cho phép nắm bắt những điểm nhấn trong bản văn. Thêm vào đó, phương pháp này cũng nhấn mạnh đến các giai đoạn biên soạn, nhờ vậy ta có thể theo dõi vai trò của cộng đoàn trải qua các thời kỳ tiền-biên-soạn để có thể đến gần Đức Giêsu lịch sử.

Sự đóng góp của lối phân tích này thật là lớn lao; chẳng hạn chỉ cần nhắc lại cuộc tranh luận chung quanh việc giải thích các dụ ngôn theo nghĩa ám dụ, mà ông Jülicher[35] đã khơi lên và được ông Jeremias[36] tiếp tục. Mặc dù những đóng góp vừa kể, nhưng vài giả định về phương pháp của nó đã gây ra nhiều tranh cãi sôi nổi. Thứ nhất, phương pháp này khởi đi từ nền tảng là soạn giả các sách Tin Mừng chỉ là những nhà sưu tập, bởi vì họ viết ra bản văn điều mà họ đã nhận được từ truyền thống. Thứ hai, hoạt động của cộng đoàn là tác nhân đã sinh ra truyền thống: hoạt động này đã nhào năn và biến đổi các ký ức đến nỗi không thể nào đi ngược lại trở về Đức Giêsu lịch sử; giữa bản văn và các sự kiện nguyên khởi có một bức màn che do truyền thống đặt ra mà ta không thể nào vượt qua được. Thứ ba, sự tập trung thái quá vào giai đoạn truyền thống đưa đến hậu quả là người ta không để ý đến bản văn sách Tin Mừng như đang có hiện nay, mà chỉ quan tâm đến việc tái dựng các giai đoạn của lưu truyền. Dĩ nhiên, những viễn tượng này đặt ra một loạt những câu hỏi, cách riêng liên quan đến sử tính và sự không sai lầm của các sách Tin Mừng. Những câu hỏi này đã dẫn đến chặng kế tiếp của phương pháp.

3.4. Phê bình biên soạn (Trong giới chuyên môn, người ta gọi bằng tên tiếng Đức là Redaktionsgeschichte)


Vào hậu bán thế kỷ XX, người ta bắt đầu đánh giá hoạt động văn chương của các tác giả sách Tin Mừng, bởi vì những người này không chỉ là những người sưu tập nhưng thực sự là những nhà thần học đã định hướng cho tác phẩm của mình. Đầu tiên, người ta vẫn còn phân biệt những chặng đường của việc biên soạn, và tách rời công việc của các nhà biên soạn ra khỏi lưu truyền. Sau đó, dần dần người ta nghĩ rằng toàn thể tác phẩm có thể là công trình của một tác giả, mặc dầu ông đã thu thập dữ liệu lấy từ lưu truyền. Khi biên soạn tác phẩm, tác giả biến những dữ liệu ấy thành của mình. Như thế, việc phê bình biên soạn chú ý đến việc khám phá cấu trúc của bản văn, thần học của sách Tin Mừng, và những điều kiện văn hóa xã hội của cộng đoàn nơi mà tác giả viết ra tác phẩm và nhắm gửi tới[37].

Không thể nào chối cãi được giá trị của lối tiếp cận mới này, bởi vì xem ra nó đã tái lập sự thống nhất của bản văn, sau khi nó đã bị tháo rời bởi sự phê bình các hình thái. Lập tức, nhiều biên khảo đã ra đời[38] trong đó người ta chú trọng đến thần học của mỗi tác giả sách Tin Mừng, tính cách độc đáo của mỗi vị trong việc trình bày mầu nhiệm về Đức Giêsu. Trước đây, việc phê bình hình thái đã cố gắng tìm về chính các lời nói của Đức Giêsu (ipsissima verba Iesu) nhưng không đạt được kết quả mỹ mãn; bây giờ, việc phê bình biên soạn nhấn mạnh đến sự kiện là sự thật của các sách Tin Mừng nằm ở chứng tá đức tin của các tác giả; những người này đã chọn lọc các dữ liệu dựa trên những xác tín của mình[39].

Đối với vài học giả, một giai đoạn mới của phương pháp phê bình lịch sử là “lịch sử những hiệu quả của bản văn” (Wirkungsgeschichte). Viễn tượng này dựa trên sự tương tác phong phú giữa bản văn và các người đọc, đặc biệt khi những người đọc sinh sống vào những nơi chốn và thời điểm khác nhau. Lối tiếp cận này muốn tìm hiểu xem một đoạn văn hay một quyển sách Kinh Thánh đã ảnh hưởng thế nào đến những khía cạnh khác nhau của đời sống cộng đoàn Hội thánh[40]. Không thể nào phủ nhận rằng vào một vài thời điểm nào đó, có những phong trào đã dùng các đoạn Kinh Thánh để biện minh cho những hành vi khủng bố của mình (tựa như sự kỳ thị chủng tộc). Vì thế, cần phân định sáng suốt ngõ hầu tránh được việc giải thích Kinh Thánh không đúng chỗ, như đã xảy ra trong quá khứ. Đó là điều mà văn kiện của Uỷ ban Giáo hoàng về Thánh Kinh đã nhắc nhở[41].

4. Mô hình mới, những thách đố mới


Với sự phê bình biên soạn, người ta lại trở về với việc xem bản văn của sách Tin Mừng như là một đơn vị thống nhất, hoặc ít là một thực thể văn chương đồng bộ. Điều này dần dần cho phép xuất hiện những hướng mới trong việc chú giải: người ta xét bản văn theo như hình thức cuối cùng hiện nay trong cuốn Kinh Thánh và được trao lại cho các tín hữu. Hiện tượng này được nảy sinh phần nào do cảm tưởng rằng phương pháp phê bình lịch sử đã mãn hạn công tác. Phương pháp ấy được đề ra như là phương pháp chú giải theo khoa học có khả năng đưa đến những kết luận được mọi người chấp nhận. Sự thật thì khác: rất nhiều giả thuyết được tung ra, dựa trên những suy tưởng khó kiểm chứng nổi. Mô hình mới, mang tên là “đồng đại” (sincrónico), không bận tâm lắm với chuyện phân tích các giai đoạn biên soạn bản văn, hoặc đào sâu sự tiến triển của nó từ đầu cho đến lúc hoàn tất. Mô hình này khởi đi từ niềm xác tín rằng bản văn sách Tin Mừng là một đơn vị thống nhất, với một nội dung thần học chặt chẽ. Vì thế, để hiểu được ý nghĩa cua nó, cần phải áp dụng những kỹ thuật phân tích văn chương.

Hiện nay nhiều kiểu phân tích các sách Tin Mừng đã ra đời và đã sản sinh nhiều tác phẩm. Dựa theo cách trình bày của văn kiện Việc giải thích Kinh Thánh trong Hội thánh, chúng ta nên phân biệt giữa “phương pháp chú giải” và “lối tiếp cận các bản văn”[42].

Trong các phương pháp chú giải, nổi bật nhất là việc phân tích văn chương (analisis literario). Vài phương pháp đã mở ra những viễn ảnh tốt để hiểu các bản văn sách Tin Mừng, tựa như việc phân-tích tu-từ-học (análisis retórico) với ba cách tiếp cận: tu từ cổ điển Hy Lạp Rôma, tu từ của người Sêmít, và tân tu từ học. Trong lối tiếp cận thứ ba này ta có thể xếp phương pháp gọi là “ngôn ngữ học thực dụng” (linguistico-pragmatico) được xem như sẽ soi sáng tình hình các cộng đoàn Kitô hữu dấn thân vào đời.

Một dạng khác là phân tích thuật chuyện (análisis narrativo), lưu ý đến những hình thái của trình thuật và chứng tá, là những đặc trưng của việc truyền thông.

Việc phân tích ký hiệu hoặc cấu trúc (análisis semiótico o estructuralista) được phát triển cho đến gần đây trong những vùng nói tiếng Pháp. Người ta đã đặt rất nhiều hy vọng vào những phân tích bản văn Kinh Thánh, nhưng xem ra ngày nay nó đã bớt hấp dẫn, có lẽ tại vì phương pháp này mang tính cầu kỳ. Một phương pháp gần gũi với nó nhưng đơn giản hơn là phương pháp cấu trúc văn chương, nằm nêu bật cấu trúc nội tại của bản văn, nghĩa là mạng lưới của những tương quan giữa các yếu tố cấu thành bản văn[43].

Đối với các lối tiếp cận, thì phạm vi càng ngày càng mở rộng. Văn kiện nói trên đây đã trình bày nhiều loại tiếp cận. Trước hết là những lối tiếp cận dựa theo truyền thống chẳng hạn như lối tiếp cận thư quy (canónico), lối tiếp cận từ các truyền thống chú giải của người Do Thái và lịch sử ảnh hưởng của bản văn. Văn kiện cũng nêu bật sự đóng góp của những lối tiếp cận nhờ các khoa học nhân văn, tựa như xã hội học, tâm lý học và phân tâm học (tuy hiện thời xem ra không mang lại nhiều hiệu quả lắm), nhân học văn hóa. Môn này đã góp phần phong phú cho việc hiểu biết vài đoạn sách Tin Mừng khởi đi từ các phạm trù như là cách xếp đặt vũ trụ (nhờ đó ta hiểu được ý nghĩa của việc trừ tà), vinh dự và sỉ nhục, khung cảnh thành thị và nông thôn, v.v[44].

Sau cùng, văn kiện nói đến những lối tiếp cận gọi là “bối cảnh”, hoặc “chú giải biện hộ” (exégesis de propugnación)[45], nổi bật là lối tiếp cận của thần học giải phóng và thuyết nữ quyền.

Đứng trước nhiều phương pháp và lối tiếp cận, ta thấy nguy cơ là Sách Thánh trở thành nguồn gốc chia rẽ các học giả. Vì thế, cần phải biện phân để nhận ra cái gì giúp làm sáng tỏ và hiểu biết bản văn, và cái gì phủ lên tấm màn che giấu bản văn. Câu hỏi này được đặt ra cách riêng cho các lối tiếp cận, bởi vì nó chưa phải là phương pháp đúng nghĩa, cho nên có nguy cơ tiếp xúc bản văn từ những chân trời khác biệt với Kinh Thánh và rút ra những kết luận xa lạ với ý nghĩa văn chương của bản văn. Luôn luôn có nguy cơ sử dụng Kinh Thánh để phục vụ một ý thức hệ.

5. Những thách đố cho thần học hệ thống


Tổng quan lịch sử trên đây cho thấy sự tiến triển của ngành chú giải cũng như tương quan giữa thần học với việc nghiên cứu Kinh Thánh. Nếu muốn cho cuộc đối thoại giữa đôi bên được hữu ích thì Kinh Thánh phải trở thành linh hồn của thần học, như công đồng Vaticanô II đã nhắc nhở[46].

Trước hết, Lời của Chúa được viết như là lời của con người bởi những con người cụ thể. Sự “phê bình hình thái” đã giúp chúng ta hiểu được tiến trình này giữa lòng một cộng đoàn và là cộng đoàn các tín hữu. Theo nghĩa này, đức tin cấu thành một yếu tố quan trọng để hiểu được công tác của những nguời viết ra Lời của Chúa. Đức tin đã hướng dẫn Lời của Chúa ngay từ cảm nghiệm viết ra. Vì lý do ấy, đức tin cũng phải giúp đỡ truyền thông lời ấy từ chữ viết cho thần học và cho đời sống Hội thánh ngày nay. Nói cách khác, đó chính là sự “giải thích của đức tin” (hermenéutica de la fe)[47].

Cũng đưới một viễn tượng ấy, thần học được xây dựng trên Kinh Thánh cần phải lưu tâm đến truyền thống của Hội thánh, bởi vì chính truyền thống này liên tục khai mở mầu nhiệm Thiên Chúa mạc khải nơi Đức Kitô, bằng cảm nghiệm đời sống, cử hành phụng vụ và tuyên xưng đức tin.

Đứng trước những phương pháp chú giải, cách riêng hiện nay với các phương pháp đồng đại, cũng như những công cụ ngữ văn, khảo cổ và lịch sử để tìm hiểu bản văn Kinh Thánh, ta cũng cần phải xét đến những giả định chống đỡ các phương pháp ấy. Đành rằng nhà chú giải đón nhận tất cả mọi công cụ nhằm giúp hiểu bản văn, nhưng đến khi bắt tay vào việc giải thích, thì ông phải tìm hiểu những giả định triết học của một phương pháp để xem phương pháp này có thực sự giúp ta đạt tới ý nghĩa của các bản văn hay không. Một phương pháp nào không dành chỗ cho sự can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử, thì ắt là không thể hỗ trợ cho việc nghiên cứu thần học[48].

Đàng khác, để có thể rút ra sự phong phú của Lời Chúa hầu soi sáng công tác thần học, ta cần xem xét Kinh Thánh cách toàn bộ. Toàn bộ Kinh Thánh chứa đựng Lời Chúa, vì thế chính toàn bộ ấy cung cấp Lời Chúa. Việc tách rời ra từng đoạn để nghiên cứu là một bước của phương pháp luận, nhưng rồi cần phải được lồng trong toàn bộ đồng nhất của Kinh Thánh.

Một khía cạnh tế nhị trong tương quan giữa thần học và môn chú giải, đặc biệt là trong Tân Ước, liên quan đến Kitô-luận, hay nói đúng hơn, dựa vào đâu để bàn về Kitô-luận. Vài học giả đã nhấn mạnh sự khác biệt không thể nào vượt qua giữa “Đức Giêsu của lịch sử” và “Chúa Kitô của đức tin”. Những phương pháp đồng đại gần đây đã cung cấp cho chúng ta cơ may để không bị kẹt giữa hai khía cạnh ấy. Joseph Ratzinger đã mở ra cho chúng ta viễn tượng để vượt qua sự căng thẳng ấy:
“Đức Giêsu lịch sử”, theo như trào lưu chú giải phê bình trình bày cho chúng ta, dựa trên những giả định thông diễn, thực sự nghèo nàn về nội dung và không gây tác dụng cho lịch sử; Đức Giêsu ấy đã quá chìm sâu trong quá khứ và không đủ khả năng để cho ta có tương quan với Người. [...] Tôi cố gắng phát triển một cái nhìn Đức Giêsu trong sách Tin Mừng, một sự lắng nghe Người, ngõ hầu có thể trở thành một cuộc gặp gỡ; đồng thời, trong việc lắng nghe cùng với các môn đệ của Đức Giêsu thuộc mọi thời đại, có thể nắm chắc sự thật lịch sử về Đức Giêsu[49].
Sau cùng, một nền thần học thật sự mang tính Kinh Thánh cần phải chú ý đến hai yêu sách. Một đàng, cần hiểu biết Kinh Thánh, sử dụng những phương pháp chú giải, nhìn nhận tính cách phức tạp của bản văn; nói cho cùng, cần phải biết lắng nghe Lời Chúa ở trong Kinh Thánh. Đàng khác, cần phải hiểu biết con người thời đại, biết rõ những điều mà con người đang tìm kiếm, chú ý đến những mối do dự, lắng nghe những câu hỏi của con người. Có như vậy, hoạt động thần học mới trở thành một công tác góp phần vào việc chuyển thông ơn cứu độ.

[1] Trong bài này, “mô hình chú giải” (paradigma exegético) được hiểu như là viễn cảnh từ đó người ta tìm hiểu bản văn Kinh Thánh; điều này hàm ngụ nhiều thứ “tiên thức” (précompréhension) của học giả về bản văn và những khí cụ sẽ sử dụng để khám phá ý nghĩa của nó. Nó khác với “phương pháp chú giải” (método exegético) gồm những tiến trình khoa học để phân tích bản văn. Một “mô hình chú giải” có thể kết tinh ở trong nhiều “phương pháp chú giải” khác nhau.
[2] X. P. Grech, “Ermeneutica”, in: P. Rossano - C Ravasi - A. Girlanda (eds.) Nuovo Dizionario di Teologia Biblica (Cinisello Balsamo 1988), 466-474.
[3] Chẳng hạn như thánh Irênê, trong khi đối chất với các nhóm ngộ giáo, nhận thấy phải nại đến một tiêu chuẩn khách quan, bên ngoài Kinh Thánh, để chứng tỏ nguồn gốc đức tin từ thời các thánh tông đồ, x. Ireneo de Lyon, Adversus Haereses, I, 10,1.
[4] X. P. Grech, “Ermeneutica”, 474.
[5] X. Augustinus, De utilitate credendi, 3. Một cách tương tự, Cassianus (+ k. 435) cũng nói đến bốn ý nghĩa : 1) lịch sử hoặc văn chương, 2) ám dụ hoặc Kitô luận, 3) luân lý hoặc nhân luận, và 4) cánh chung (anagógico), x. R.E. Brown - S.M. Schneiders, “Hermenéutica”, in: R.E. Brown - J.A. Fitzmyer - R.E. Murphy (eds.), Nuevo Comentario Bíblico San Jerónimo, II (Estella 2004), 840.
[6] X. Thomas de Aquino, Summa Theologiae, I, 1, 10.
[7] X. P. Grech, “Ermeneutica”, 474-475.
[8] X. Ibid.
[9] X. M. Pesce, “Dalla encíclica bíblica di Leone XIII Providentissimus Deus (1893) a quella di Pio XII Divino Afflante Spiritu (1943)” in: AA. VV., Cento anni di cammino bíblico (Milano 1995) 41-44.
[10] X. P. Grech, “Ermeneutica”, 476-477.
[11] X. B. Spinoza, Tractatus theologico-politicus, VII.
[12] P. Grech, “Ermeneutica”, 477.
[13] X. P. Grech, “Ermeneutica”, 477.
[14] X. D. F. Strauss, Das Leben Jesu, kritisch bearbeitet, I-II (Tübingen 1835), 1836.
[15] X. F. C. Baur, Kritische Untersuchungen über die kanonischen Evangelien, ihr Verhaltnis zueinander, ihr Charakter und Ursprung (Tübingen 1847)
[16] Nên lưu ý là thông điệp Providentissimus Deus nói rằng thần học cần biết sử dụng Kinh Thánh, và Kinh Thánh là linh hồn của thần học; x. Enchiridion Biblicum, 114. Sau này công đồng Vaticano II sẽ không nói đến việc sử dụng Kinh Thánh nữa, nhưng công đồng khẳng định rằng thần học cần phải dựa trên Kinh Thánh, bởi vì Kinh Thánh chứa đựng lời của Chúa, và vì thế, phải trở thành linh hồn của thần học. Xem Hiến chế tín lý Dei Verbum về mạc khải, 24.
[17] X. Enchiridion Biblicum, 120-122 và M. Pesce, “Dalla enciclica bíblica di Leone XIII Providentissimus Deus(1893) a quella di Pio XII Divino Afflante Spiritu (1943)”, 48-53.
[18] Trên thực tế, năm 1941, Uỷ ban giáo hoàng về Kinh Thánh đã viết một lá thư cho hàng giám mục Italia bày tỏ sự công kích bất công do một tác phẩm ẩn danh nhằm tới việc nghiên cứu Kinh Thánh theo phương pháp khoa học. Đây là văn kiện thứ nhất chấp nhận phương pháp phê bình lịch sử, và sẽ mở đường cho thông điệp Divino Afflante Spiritu ban hành hai năm sau đó nhằm kỷ niệm 50 năm thông điệp Providentissimus Deus. X. Enchiridion Biblicum, 522-533.
[19] X. Enchiridion Biblicum, 548.
[20] X. Ibid., 550-551.
[21] X. Ibid., 558-560.
[22] X. Ibid., 552-553.
[23] Vài năm sau, còn có những lần can thiệp khác của Toà thánh đi theo chiều hướng này và kiện toàn điều đã trình bày trong thông điệp Divino Afflante Spiritu; đó là Huấn thị của Uỷ ban Toà thánh về Kinh Thánh Sancta Mater Ecclesia về chân lý lịch sử của các sách Tin Mừng (1964), x. Enchiridion Biblicum, 644-659, và Hiến chế tín lý Dei Verbum về mạc khải của công đồng Vaticanô II (1965).
[24] Enchiridion Biblicum, 1381 y 1384.
[25] Văn kiện viết: “Phương pháp phê bình lịch sử là phương pháp không thể nào bỏ qua để hiểu ý nghĩa của các bản văn cổ thời. Xét vì Kinh Thánh là “Lời của Thiên Chúa trong ngôn ngữ loài người”, được biên soạn bởi những tác giả nhân loại trong hết các phần của nó và các nguồn của nó, cho nên việc hiểu biết thấu đáo bản văn không những chấp nhận là hợp pháp mà còn đòi hỏi việc sử dụng phương pháp này”, Enchiridion Biblicum, 1275.
[26] Enchiridion Biblicum, 1402-1422.
[27] Ibid., 1291-1390.
[28] X. B. Aland - K. Aland - J. Karavidopoulos - CM. Martini - B.M. Metzger (eds.), The Greek New Testament (Stuttgart 41993) và E. Nestle - K. Aland, ed., Novum Testamentum Graece. Apparatum criticum novis curis elaboraverunt Barbara et Kurt Aland una cum Instituto Studiorum textus Novi Testamenti Monasterii Westphaliae (Stuttgart 271993).
[29] X. B. M. Metzger, A Textual Commentary on the Greek New Testament (Stuttgart 21994) 219-220.
[30] Giả thuyết này bắt nguồn từ ngành chú giải bên Đức vào cuối thế kỷ XIX nơi các tác giả Lachmann, Weisse, Wilke. Holtzmann là người đầu tiên đã xướng xuất các nguyên tắc cho giả thuyết này, x. H.J. Holzmann, Die synoptischen Evangelien. Ihr Ursprung undgeschichtlicher Charakter (Leipzig 1863). Tuy nhiên, chính các nhà chủ giải người Anh đã đạt đến việc trình bày giả thuyết một cách sáng sủa hơn, với vài thay đổi do B.H. Streeter, The Four Gospels. A Study of Origins Treating of the Manuscript Tradition, Sources, Authorship & Dates (London 1924).
[31] Tác giả trình bày giả thuyết trong quyển chú giải sách Tin Mừng thứ tư, x. R. Bultmann, Das Evangelium des Johannes (Güttingen 1941).
[32] X. W. Nicol, The Semeia in the Fourth Gospel: Tradition and Redaction (Leiden 1972), 48. Về sau, ông Van Belle, sau khi đã phân tích tường tận những gì đã được viết chung quanh giả thuyết của Bultmann, đã kết luận rằng giả thiết này không cần thiết để nghiên cứu Tin Mừng thứ bốn, x. G. van Belle, The Signs Source in the Fourth Gospel. Historical Survey and Critical Evaluation of the Semeia Hypothesis (Leuven 1994), 376.
[33] X. J.L. Martyn, History and Theology in the Fourth Gospel, Abingdon (Nashville 21979); R.E. Brown, La comunidad del discípulo amado. Estudio de la eclesiología juánica (Salamanca 1983); S. Vidal, Los escritos originales de la comunidad del discípulo "amigo" de Jesús (Salamanca 1997).
[34] Những tác giả cổ điển của sự phê bình hình thái là M. Dibelius, Die Formgeschichte des Evangeliums (Tübingen 1919) và R. Bultmann, Die Geschichte der synoptischen Tradition (Gütingen 1921).
[35] X. A. Jülicher, Die Gleichnisreden Jesu, I (Tübingen 1899), 203-322.
[36] X. J. Jeremias, Las parábolas de Jesús (Estella 1984), 29-142.
[37] X. E. Pérez-Cotapos, Introducción a los Evangelios sinópticos y Hechos de los Apóstoles, giáo trình (Santiago 1995). 76-77.
[38] Những tác giả nổi tiếng: W. Marxen, El evangelista Marcos. Estudio sobre la redacción del evangelio (Salamanca 1981); H. Conzelmann, El centro del tiempo. La teología de Lucas (Madrid 1974); W. Trilling, El verdadero Israel. Estudio de la teología de Mateo (Madrid 1974).
[39] X. E. Pérez-Cotapos, Introducción a los Evangelios sinópticos y Hechos de los Apóstoles, 77.
[40] Có thể theo dõi đường hướng này nơi tác phẩm của J. Gnilka, El evangelio según San Marcos, I-II (Salamanca, 1992, 1993).
[41] X. Enchiridion Biblicum, 1342.
[42] “Chúng tôi hiểu ‘phương pháp’ chú giải như là một tổng bộ những tiến trình khoa học nhằm giải thích các bản văn. Chúng tôi dùng ‘lối tiếp cận’ khi đề cập đến một cách tìm kiếm theo một quan điểm đặc thù”, Enchiridion Biblicum, 1274, nota 1.
[43] X. J. Caba, “Métodos exegéticos en el estudio actual del Nuevo Testamento”, Gregorianum 73 (1992), 643.
[44] Những đóng góp của Malina thật quý báu: B. Malina, El mundo del Nuevo Testamento. Perspectivas desde la antropología cultural (Estella 1995); B. Malina — R. Rohrbaugh, Los evangelios sinópticos y la cultura mediterránea del siglo I. Comentario desde las ciencias sociales (Estella 2002); B. Malina, El mundo social de Jesús y los evangelios (Santander 2002).
[45] X. R. E. Brown - S. M. Schneiders, “Hermenéutica”, 850-851.
[46] X. Dei Verbum, 24.
[47] X. ĐGH Bênêđictô XVI, Verbum Domini, 29. Khía cạnh này đã được đề cập trong một bài viết xuất bản năm 1989: J. Ratzinger, “La interpretación bíblica en conflicto. Sobre el problema de los fundamentos y la orientación de la exégesis hoy”, en L. Sánchez Navarro - C. Granados (eds.), Escritura e interpretación. Los fundamentos de la interpretación bíblica (Madrid 2003), 19-54.
[48] X. ĐGH Bênêđictô XVI, Verbum Domini, 34.
[49] X. J. Ratzinger, Jesús de Nazaret. II. Desde la entrada en Jerusalén hasta la resurrección (Madrid 2011), 9. [ND]: Nên biết là ĐGH Bênêđictô XVI viết quyển sách này với tư cách một nhà thần học, chứ không với cương vị của huấn quyền.