Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

VIỆC GIẢI THÍCH KINH THÁNH TRONG HỘI THÁNH

Thời sự Thần học - Số 70, tháng 11/2015, tr. 32-57

_Joy Philip Kakkanattu_ 


Bài này giới thiệu Văn kiện của Uỷ ban Giáo hoàng về Kinh Thánh liên quan đến “Việc giải thích Kinh Thánh trong Hội thánh”. Tác giả là giáo sư Kinh Thánh tại Đại học Dharmaram Vidya Kshetram (DVK), Bangalore (Ấn Độ), đăng trên tạp chí Asian Horizons, vol. 7 (n. 1, March 2013), tr. 94-110. Văn kiện này đã được Lm. Nguyễn Tất Trung dịch ra tiếng Việt năm 1993 và tái bản năm 2004 (156 trang), và có thể đọc tại địa chỉ của Trung Tâm Học Vấn Đa Minh, http://catechesis.net. Sau đây là dàn bài:
1. Nhập đề
2. Các phương pháp và các lối tiếp cận để giải thích Kinh Thánh
  2.1. Phương pháp phê bình lịch sử
  2.2. Các phương pháp mới để phân tích văn chương
  2.3. Những lối tiếp cận dựa trên truyền thống
  2.4. Những lối tiếp cận cậy dựa vào các khoa học nhân văn
  2.5. Những lối tiếp cận theo bối cảnh
  2.6. Lối tiếp cận bản căn
3. Nhiệm vụ của các nhà chú giải Công giáo
4. Kết luận

1. Nhập đề


Sau khi ban hành thông điệp Providentissimus Deus, Đức thánh cha Lêô XIII đã thiết lập “Uỷ ban Giáo hoàng về Kinh Thánh” (Pontificia Commissio Biblica) ngày 30-10-1902 để cổ vũ việc học hỏi Kinh Thánh[1]. Mục tiêu của Uỷ ban này là: a) thúc đẩy việc nghiên cứu Kinh Thánh trong Giáo hội Công giáo; b) sử dụng các dụng cụ khoa học để phản biện các ý tưởng sai lạc về Kinh Thánh; c) nghiên cứu và hướng dẫn những câu hỏi đang tranh luận và những vấn đề hiện đại trong lãnh vực Kinh Thánh[2]. Tuy nhiên, theo dòng thời gian, Uỷ ban chú trọng đến vai trò giám sát, để “ngăn chặn sự bành trướng của thái độ coi trọng ý kiến của những người khác quan điểm đạo lý với chúng ta, ra như là việc hiểu biết Kinh Thánh cần phải tìm tòi ở nơi những phương pháp nghiên cứu bên ngoài Giáo hội”[3]. Theo như cha Fitzmyer nhận xét, những câu trả lời (responsa) của Uỷ ban Kinh Thánh “tạo ra một tâm trạng sợ hãi và lo lắng về bất cứ điều gì liên quan đến Kinh Thánh, đến nỗi các giáo sĩ cũng như giáo dân nhìn với cặp mắt nghi ngờ các nhà chú giải Kinh Thánh”[4].

Sau công đồng Vaticanô II, Uỷ ban Kinh Thánh được Đức thánh cha Phaolô VI tái cấu trúc qua tự sắc Sedula Cura “để tiếp tục cổ vũ việc nghiên cứu Kinh Thánh và trợ giúp Huấn quyền Giáo hội trong việc giải thích Kinh Thánh”[5]. Uỷ ban Kinh Thánh không còn là thành phần của Huấn quyền nữa. Nhiệm vụ chính không phải là giám sát những sai lầm nhưng là cổ vũ các việc nghiên cứu và giải thích Kinh Thánh. Ngày 11-4-1991, khi tiếp kiến các thành viên của Uỷ ban Kinh Thánh, Đức Gioan Phaolô II đã phác hoạ vài đường hướng soạn thảo một văn kiện về việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo hội. Ngài yêu cầu các thành viên hãy lượng định tổng quát về các phương pháp khoa học hiện đại, đánh giá những giá trị cũng như những giới hạn của chúng. Ngài nhấn mạnh rằng cần hiểu đúng nguyên tắc mà hiến chế Dei Verbum §12 đã đề ra, tránh lối nhìn một chiều. Công đồng nhìn nhận việc sử dụng các phương pháp khoa học, nhưng đồng thời cũng lưu ý rằng “Kinh Thánh phải được đọc và giải thích với ý tưởng rằng Thiên Chúa là tác giả”. Đức thánh cha nói:
Đành rằng Kinh Thánh được viết bằng ngôn ngữ loài người, vì thế việc giải thích đòi hỏi sự sử dụng khoa học ngôn ngữ, nhưng Kinh Thánh là Lời của Chúa; vì thế việc giải thích sẽ thiếu sót nghiêm trọng nếu không làm sáng tỏ ý nghĩa thần học của Kinh Thánh[6].
Ngài yêu cầu Uỷ ban hãy soạn thảo một văn kiện để giúp cho các nhà chú giải tránh những lối tiếp cận các phương tiện chú giải chỉ hạn chế vào chiều kích nhân văn, nhưng cần lưu ý đến hai chiều kích của Kinh Thánh, nghĩa là thần linh và nhân loại, như Dei Verbum §§ 12-13 đã cho thấy.[7]

Được Đức thánh cha khuyến khích, Uỷ ban Kinh Thánh đã xuất bản một văn kiện về “Việc giải thích Kinh Thánh trong Hội thánh” ngày 21-9-1993. Như Hồng y Joseph Ratzinger đã nhận xét trong Lời nói đầu:
Văn kiện này trình bày một cái nhìn toàn thể, có nền tảng chắc chắn, về toàn cảnh của những phương pháp hiện nay, và như thế cung cấp cho những ai đang muốn biết hướng đi liên quan đến những khả năng và những giới hạn của những con đường này. Làm như thế, văn kiện phải đương đầu với vấn đề ý nghĩa của Kinh Thánh. Làm sao ta có thể nhận biết ý nghĩa này, trong đó lời của con người và Lời của Thiên Chúa thấm nhập với nhau, trong đó biến cố lịch sử cụ thể và sự kiện Lời vĩnh cửu, có giá trị trường tồn, nhưng lại đồng thời với mỗi thời đại, thấm nhập với nhau[8].
Trong phần Dẫn nhập, sau khi đã mô tả trình trạng rối ren về phương pháp chú giải Kinh Thánh, Uỷ ban phác hoạ mục tiêu của văn kiện là: 1) nêu lên những con đường thích hợp có thể theo để đi đến chỗ giải thích Kinh Thánh sao cho trung thành tối đa với tính chất vừa nhân loại vừa linh thánh của Kinh Thánh; 2) nghiên cứu những phương pháp khả dĩ chấp nhận để góp phần hữu hiệu làm cho tất cả kho tàng phong phú chứa đựng trong các bản văn Kinh Thánh được nổi bật lên[9].

Văn kiện được chia làm bốn phần: 1) Các phương pháp và các lối tiếp cận để giải thích Kinh Thánh; 2) Các vấn đề giải thích; 3) Các đặc điểm của khoa giải thích Công giáo; 4) Việc giải thích Kinh Thánh trong đời sống của Hội thánh.

Trong bài này, chúng tôi muốn khảo sát cách thức mà văn kiện đánh giá các phương pháp và các lối tiếp cận để giải thích Kinh Thánh. Chúng tôi muốn đọc lại văn kiện để tìm hiểu các phương pháp giải thích, hơn là phê bình văn kiện.

2. Các phương pháp và các lối tiếp cận để giải thích Kinh Thánh


Uỷ ban phân chia các phương pháp và lối tiếp cận thành sáu nhóm lớn:
  1. Phương pháp phê bình lịch sử;
  2. Các phương pháp mới để phân tích văn chương, gồm phân tích tu-từ-học, phân tích thuật chuyện, phân tích ký hiệu;
  3. Những lối tiếp cận đặt căn bản trên Truyền thống: tiếp cận thư quy; tiếp cận dựa vào truyền thống giải thích của người Do Thái; tiếp cận qua lịch sử hiệu quả của bản văn;
  4. Những lối tiếp cận nhờ các khoa học nhân văn, gồm: xã hội học, nhân học văn hóa, tâmlý học và phân tâm học;
  5. Những lối tiếp cận theo bối cảnh, gồm: thần học giải phóng, nữ quyền;
  6. Lối tiếp cận bảo căn (fundamentalist).
Nên ghi nhận là văn kiện tránh dùng các từ ngữ “lịch đại” (diachronic) và “đồng đại” (synchronic) trong tiêu đề mô tả các phương pháp, nhưng rõ ràng là điểm cơ bản của văn kiện nằm ở việc so sánh và đối chiếu giữa các lối tiếp cận lịch đại và đồng đại.

2.1. Phương pháp phê bình lịch sử


Cha Fitzmyer đã mô tả vắn tắt phương pháp phê bình lịch sử (Nếu muốn dịch sát thì phải đảo ngược thứ tự, tức là phương pháp “lịch sử-phê bình”: historical-critical method) trong cuốn sách Scripture, Soul of Theology:
Phương pháp giải thích này được gọi là “lịch sử-phê bình” bởi vì nó vay mượn kỹ thuật từ sự phê bình lịch sử và văn chương. Nó nhìn nhận rằng Kinh Thánh, tuy là lời được linh hứng, là một văn bản cổ thời, được soạn bởi nhiều tác giả nhân loại trải qua một thời gian dài. Như thế, bản văn cần được đọc, nghiên cứu và phân tích tương tự như các văn bản cổ khác của lịch sử nhân loại. Xét vì Kinh Thánh thuật lại những biến cố liên quan đến đời sống của những người Do Thái và những Kitô hữu, các câu chuyện của nó cần được đọc, đối chiếu và phân tích trong những ngôn ngữ nguyên gốc, đặt trong bối cảnh nhân văn và lịch sử của chúng và trong những khung cảnh đương thời. Thực vậy, phương pháp này áp dụng vào Kinh Thánh tất cả nhưng kỹ thuật phê bình của môn ngữ văn [...][10]
Lần đầu tiên việc sử dụng phương pháp phê bình lịch sử được chính thức nhìn nhận trong ngành chú giải Công giáo là thông điệp Divino afflante spiritu của Đức thánh cha Piô XII[11]. Bởi vì hiến chế tín lý Dei verbum của công đồng Vaticanô II đã chính thức phê duyệt sự quan trọng của phương pháp này đối với việc giải thích Kinh Thánh theo quan điểm Công giáo, cho nên các nhà chú giải Công giáo đã hoan hỉ đón nhận nó và đã mang lại nhiều kết quả tuyệt vời. Tuy nhiên, có lẽ bởi vì các chuyên gia đã sử dụng phương pháp này theo một chiều, cho nên đã nổi lên nhiều phê bình chống lại việc đề cao nó như là khí cụ duy nhất để nghiên cứu Kinh Thánh mang tính khoa học. Nhiều người đã vạch ra những giới hạn của nó. Việc lượng định của văn kiện cần được nhìn trong bối cảnh đó.

Dựa theo chỉ thị của Dei Verbum §12, văn kiện nói rõ rằng phương pháp phê bình lịch sử là một phương pháp không thể thiếu trong việc nghiên cứu ý nghĩa các bản văn cổ một cách khoa học, kể cả bản văn Kinh Thánh xét như là Lời của Chúa trong ngôn ngữ loài người. Vì thế, việc hiểu biết ý nghĩa bản văn không những chấp nhận mà còn đòi hỏi sự sử dụng phương pháp này[12].

2.1.1. Lịch sử sự tiến triển phương pháp phê bình lịch sử

Phương pháp này không chỉ mới được phát triển gần đây; các tiền đề của nó có thể gặp thấy nơi khoa ngữ văn ở Alêxandria. Kể từ thời Phục Hưng, với trào lưu trở về nguồn và học hỏi các ngôn ngữ cổ điển như tiếng Latinh, Hy Lạp, Hípri, việc giải thích các bản văn Kinh Thánh đã chuyển sang hướng mới. Chính vào thời này mà phương pháp phê bình lịch sử được kiện toàn. Với sự phát triển của ngành “phê bình bản văn” (textual criticism) và “phê bình (nguồn) văn chương” (literary / source criticism), nó lại tiến xa hơn nữa. Chính vào thời này mà giả thuyết về các “nguồn” của Ngũ thư và Tin Mừng nhất lãm được đề xướng và đào sâu. Với sự phát triển của ngành “phê bình hình thái” (form criticism)[13], người ta có cảm tưởng là sự chú giải phê bình lịch sử đã phân tán và huỷ bỏ bản văn khi tìm cách vạch ra những nguồn khác nhau của bản văn[14]. Sau đó ngành “phê bình hình thái” được thay thế bằng ngành “phê bình việc biên soạn” (redaction criticism) chú ý hơn đến lịch sử biên soạn hình thức cuối cùng của bản văn. Văn kiện kết thúc lịch sử và sự phát triển của phương pháp phê bình lịch sử với nhận định như sau:
Nhờ vậy ta có thể hiểu rõ hơn ý hướng của các tác giả và các người biên soạn Kinh Thánh, cũng như hiểu sứ điệp mà họ đã gửi đến các độc giả đầu tiên. Qua đó phương pháp phê bình lịch sử đã đạt tới một tầm quan trọng cao nhất[15].
2.1.2. Những yếu tố quan trọng của phương pháp phê-bình lịch sử

Nó có tính cách lịch sử, bởi vì nó bàn đến những bản văn cổ thời và cố gắng tìm hiểu khung lịch sử trong đó các bản văn đã ra đời và được bồi đắp với những thêm thắt vào. Nó có tính cách phê bình, bởi vì khi phân tích, nó sử dụng các tiêu chuẩn khoa học để lượng giá bản văn một cách khách quan. Nó có tích phân tích bởi vì nó nghiên cứu Kinh Thánh tương tự như các bản văn cổ thời khác và tìm cách nắm bắt ý định của tác giả cổ thời (nghĩa văn chương) được diễn tả trong bản văn[16].

Phương pháp này bao gồm nhiều phương pháp phân tích để dẫn vào một bản văn cổ: a) Hiệu đính văn bản (Textual criticism): tìm cách so sánh các bản sao cổ nhất (chẳng hạn Qumran), các bản dịch cổ (chẳng hạn LXX, Peshitta, Vulgata) và các bản văn của các giáo phụ, ngõ hầu lập nên bản văn Kinh Thánh gần tối đa với nguyên bản; b) Phân tích ngữ học và ngữ nghĩa (Linguistic and Semantic analysis): công tác này sử dụng những kiến thức của khoa nghiên cứu ngữ học lịch sử, với “phê bình văn chương” (Literary criticism), hay cũng gọi là phê bình các nguồn, phê bình văn loại, phê bình biên soạn, và phê bình lịch sử.

Khi lượng định phương pháp này đối với việc giải thích Kinh Thánh, văn kiện kết luận rằng những đóng góp tích cực của nó nhiều hơn là tiêu cực. Nó giúp cho ta hiểu rằng Kinh Thánh là một bộ sưu tập gồm bởi nhiều tác giả cũng như hiểu biết tiền sử của bản văn. Nói cách khác, phương pháp này quan trọng để nắm bắt nghĩa văn (sensus litteralis) của Kinh Thánh. Mặc dầu trong giai đoạn khởi đầu, phương pháp này gắn liền với vài hệ thống triết học, nhưng ngày nay nó không còn gắn với một hệ thống đặc biệt nào. Tuy nhiên, Uỷ ban cũng vạch ra một vài giới hạn nội tại của nó.

Nó tự giới hạn vào việc tìm ý nghĩa của bản văn Kinh Thánh trong các hoàn cảnh lịch sử mà bản văn đã ra đời, chứ không chú ý đến những tiềm năng khác của ý nghĩa được biểu lộ qua các giai đoạn sau của mạc khải Kinh Thánh và của lịch sử Hội thánh”[17]. Nó cũng có khuynh hướng “nhấn mạnh nhiều hơn tới hình thức bản văn mà ít chú trọng tới nội dung[18].

Vấn đề này cần được điều chỉnh nhờ sự phân tích ngữ nghĩa (semantic analysis). Văn kiện khuyến khích một lối tiếp cận bổ túc cho phương pháp phê bình lịch sử, tự bản chất là đồng đại, bằng cách thêm vào sự phân tích lịch đại, xét đến hình thức chung kết của bản văn. Tuy vậy, văn kiện vẫn nhìn nhận rằng phương pháp lịch đại là cần thiết để hiểu rõ chiều kích lịch sử của Lời Thiên Chúa[19].

2.2. Các phương pháp mới để phân tích văn chương


Sau đoạn khá dài dành cho phương pháp phê bình lịch sử, văn kiện đề cập đến những phương pháp phân tích văn chương có thể bổ khuyết những giới hạn của nó. Văn kiện chọn lựa ba phương pháp phân tích văn chương: phân tích tu từ học (rhetorical analysis), phân tích thuật chuyện (narrative analysis) và phân tích ký hiệu (semiotic analysis).

2.2.1. Phân tích tu từ học

Khía cạnh căn bản của phương pháp này là hiểu rằng Tu từ (tức là thuật nói chuyện) là một dụng cụ hữu hiệu để thuyết phục người nghe qua bài diễn văn. Nó nhấn mạnh đến lối văn của người Sêmit “biên soạn cân đối, nhờ đó người ta dễ nhận ra những yếu tố khác nhau trong bản văn”[20]. Áp dụng vào Kinh Thánh, nó muốn “thấu nhập vào tận trung tâm của ngôn ngữ mạc khải xét như là ngôn ngữ tôn giáo để thuyết phục và đo lường tầm ảnh hưởng của nó trong bối cảnh xã hội của việc truyền thông”[21]. Xét vì Kinh Thánh bao gồm ngôn ngữ nhằm đến thuyết phục, cho nên ngôn ngữ của nó mang theo một uy lực biện luận và một chiến lược tu từ; vì thế, sự phân tích tu từ là một phương pháp hữu ích để nghiên cứu Kinh Thánh.

Tuy nhiên, văn kiện không xem nó như một dụng cụ không thể thiếu cho việc chú giải vì những giới hạn của nó tựa như:
  1. Nó có thể chỉ thuần tuý miêu tả hời hợt văn phong của bản văn;
  2. Vì là lối tiếp cận đồng đại, nó không thể tự cho rằng mình là phương pháp độc lập, hoặc có thể thay thế phương pháp nền tảng (lịch đại);
  3. Nó có nguy cơ gán cho bản văn Kinh Thánh những xảo thuật của khoa tu từ học Hy Lạp Rôma mà có lẽ tác giả không biết đến[22].
Vì thế cách phân tích tu từ cần được sử dụng với sự thận trọng. Tuy vậy, ta có thể dùng như là bổ túc cho phương pháp phê bình lịch sử.

2.2.2. Phân tích thuật chuyện

Cách phân tích thuật chuyện tiếp cận Kinh Thánh như là một câu chuyện và cố tìm cách hiểu nó bằng cách nghiên cứu kết cấu, thời điểm và cấu trúc của việc thông đạt, người thuật chuyện, những viễn tượng của người đọc[23]. Nói tắt, “phân tích thuật chuyện nghiên cứu cách một câu chuyện được kể để đưa người đọc vào trong ‘thế giới của câu chuyện’ với hệ thống những giá trị của thế giới đó”[24].

Văn kiện xem cách phân tích thuật chuyện là hữu ích bởi vì nó giúp cho việc di chuyển từ ý nghĩa của bản văn trong bối cảnh lịch sử của nó sang tầm quan trọng của bản văn đối với độc giả ngày nay[25]. Uỷ ban đánh giá phương pháp này một cách tích cực để bổ túc cho lối tiếp cận lịch đại, mặc dù nó có vài hạn chế[26].

2.2.3. Phân tích ký hiệu

Phương pháp thứ ba trong số những lối tiếp cận đồng đại để nghiên cứu bản văn Kinh Thánh được nhận ra nơi Phân tích ký hiệu. Nó tìm cách phân tích một bản văn như một toàn thể có mạch lạc, tuân theo những cơ cấu ngữ học rõ rệt. Đây là một phương pháp phức tạp nhằm tìm hiểu những mối tương quan của bản văn dựa trên cấu trúc, ngữ pháp, vv.

Văn kiện khuyến cáo nhà chú giải hãy tách rời phương pháp này ra khỏi triết lý “duy cấu trúc”, phủ nhận căn cước cá nhân bên trong bản văn và phủ nhận sự quy chiếu ngoại văn bản (extra-textual reference)[27]. Về những lợi ích đối với việc nghiên cứu Kinh Thánh, xem ra Uỷ ban không tỏ ra nhiệt tình ủng hộ.

2.3. Những lối tiếp cận dựa trên Truyền Thống


Đối lại với những phương pháp vừa kể, các lối tiếp cận sau đây xem các bản văn Kinh Thánh có liên kết với nhau “như là một toàn bộ những chứng từ của một Truyền thống vĩ đại”. Nó nghiên cứu các tác phẩm như là những thành phần của một toàn bộ nhất quán. Dưới tiêu đề này, văn kiện đề cập đến lối tiếp cận thư quy (canonical approach), những truyền thống giải thích của người Do Thái, và lối tiếp cận lịch sử ảnh hưởng của bản văn (Wirkungsgeshichte).

2.3.1. Lối tiếp cận thư quy

Lối tiếp cận thư quy xem Kinh Thánh như là niềm tin của cộng đoàn các tín hữu. Nó tìm cách nghiên cứu mỗi bản văn như là thành phần của một kế hoạch cứu độ duy nhất. Phương pháp này không có ý thay thế nhưng chỉ mong bổ túc cho phương pháp phê bình lịch sử, nhằm giúp ta dễ dàng đạt đến việc hiểu biết bản văn Kinh Thánh đầy đủ hơn khi liên kết nó với toàn thể Sách Thánh[28]. Trong lối tiếp cận này có hai quan điểm khác nhau được đề nghị: một bên chú ý đến hình thức cuối cùng của bản văn, bên kia chú ý đến “tiến trình thư quy” (canonical process) hoặc sự phát triển tiệm tiến của Sách Thánh. Lối tiếp cận thư quy làm quân bình những điểm nhấn thái quá của việc nghiên cứu lịch đại chú trọng đến bản văn được giả thiết là nguyên khởi, và coi nhẹ sự tiến triển của bản văn.

Tuy nhiên, văn kiện nêu lên vài vấn đề đối với lối tiếp cận thư quy. Thứ nhất, thật khó định nghĩa “tiến trình thư quy”: tới lúc nào thì việc truyền thụ bản văn trở thành thư quy?[29] Thứ hai, bản chất của thư quy khác biệt đối với cộng đồng Do Thái, đối với người Công giáo và người Tin lành. Hậu quả là sự giải thích thư quy không đồng nhất cho tất cả mọi cộng đồng tín hữu. Thứ ba, mặc dù Hội thánh đọc Cựu Ước dưới ánh sáng của biến cố Phục sinh, điều này không có nghĩa là huỷ bỏ cách giải thích của người Do Thái trước cuộc Vượt qua của Đức Kitô. Cựu Ước có tầm quan trọng biệt lập của riêng nó[30].
2.3.2. Những lối tiếp cận dựa vào những truyền thống giải thích của người Do Thái

Trong mục này, văn kiện nêu bật ý nghĩa của sự giải thích của người Do Thái đối với việc hiểu biết Kinh Thánh về phần các Kitô hữu, bắt đầu từ bản LXX. Cựu Ước đã đạt đến hình thức chung kết khoảng bốn hoặc năm thế kỷ trước kỷ nguyên Kitô giáo. Đạo Do Thái vào thời ấy cung cấp môi trường cho nguồn gốc của Tân Ước và Hội thánh nguyên thuỷ. Trong những thế kỷ ấy, Đạo Do Thái phát triển nhiều cách thức giải thích Kinh Thánh, tựa như dịch Kinh Thánh ra tiếng Hy lạp (bản LXX) và tiếng Aram (các targum). Các bản chuyển dịch này không chỉ thuần tuý dịch chữ mà còn giải thích nữa. Văn chương ngoại thư quy (apocrypha quen dịch là “nguỵ thư”) là một nguồn quan trọng để hiểu các bản văn của Tân Ước. Những bộ bình giải, các cuốn ngữ pháp và từ điển Do Thái là những nguồn phong phú để hiểu những đoạn văn tối nghĩa hoặc những từ ngữ hoạ hiếm hay chỉ đọc thấy một lần.

Văn kiện công nhận giá trị của các truyền thống của người Do Thái đối với việc giải thích Kinh Thánh khi viết rằng: “Từ thời cổ xưa cho đến ngày nay, sử dụng kho tàng phong phú của người Do Thái là một sự trợ giúp rất có giá trị để chú giải Cựu Ước và Tân Ước, với điều kiện là sử dụng một cách thận trọng”[31]

2.3.3. Lối tiếp cận nhờ lịch sử ảnh hưởng của bản văn

Lối tiếp cận này dựa trên hai nguyên tắc: a) một bản văn trở thành tác phẩm văn chương nếu nó gặp những độc giả đem lại cho nó sức sống bằng cách biến nó thành của mình; b) việc biến bản văn thành của mình này được thực hiện theo cách cá nhân hoặc cộng đồng, và mang nhiều hình thức tuỳ những lãnh vực khác nhau (văn chương, nghệ thuật, thần học, huyền bí, v.v.), góp phần hiểu chính bản văn nhiều hơn nữa. Lối tiếp cận này tìm hiểu sự phát triển của việc giải thích trải qua dòng thời gian nhờ ảnh hưởng của các độc giả mang lại cho bản văn. Nó cũng nghiên cứu vai trò của truyền thống trong việc tìm ra ý nghĩa. Phương pháp này giúp theo dõi sự tăng trưởng của một truyền thống qua mối tương tác tác giả bản văn, mạch văn và người đọc. Nếu được sử dụng cách thận trọng, lối tiếp cận này có ích cho việc giải thích Kinh Thánh[32].

2.4. Những lối tiếp cận nhờ các khoa học nhân văn


Xét vì Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa trong những lời của con người, ta có thể suy rằng Lời của Thiên Chúa đã mở cho mình một con đường “xuyên qua những điều kiện, hoàn cảnh tâm lý của những con người khác nhau, đã biên soạn ra các tác phẩm Kinh Thánh”[33]. Vì thế các khoa học nhân văn, đặc biệt xã hội học, nhân học và tâm lý học có thể góp phần vào việc hiểu biết thấu đáo vài khía cạnh của các bản văn Kinh Thánh. Văn kiện dừng lại ở ba lối tiếp cận: xã-hội-học, nhân-học văn-hóa, tâm-lý-học và tâm-phân-học.

2.4.1. Tiếp cận theo xã hội học

Bởi vì các bản văn sách thánh (giống như bất cứ bản văn tôn giáo nào khác) đã được thành hình trong những môi trường sinh sống khác nhau (Sitz-im-Leben), việc nghiên cứu phê bình Kinh Thánh đòi hỏi “sự hiểu biết chính xác càng nhiều càng tốt về những điều kiện xã hội đặc biệt của những môi trường khác nhau trong đó các truyền thống Kinh Thánh đã hình thành”. Để được như vậy, lối tiếp cận xã hội học thật sự là quan trọng, nó mở rộng việc giải thích Kinh Thánh qua nhiều cách.

Tuy nhiên, văn kiện nêu lên vài nguy hiểm trong lối tiếp cận này, cách riêng việc áp dụng những tiêu chuẩn xã hội học thời nay cho những xã hội thời xưa. Thêm vào đó, sự phân tích xã hội thường chú ý đến khía cạnh kinh tế và định chế hơn là các chiều kích cá nhân và tôn giáo. Dù vậy, lối tiếp cận này là một thành tố của việc nghiên cứu lịch đại về Kinh Thánh[34].

2.4.2. Lối tiếp cận nhờ khoa nhân-học văn-hóa

Lối tiếp cận này rất gần gũi với lối tiếp cận xã hội học. Sự khác biệt chính nằm ở chỗ lối tiếp cận xã-hội-học nghiên cứu nhiều hơn bản chất kinh tế và định chế của một xã hội, còn lối tiếp cận nhân-học phân tích những thành tố khác nhau trong đời sống cá nhân và cộng đồng, tựa như ngôn ngữ, nghệ thuật, thần thoại, các biểu tượng, tôn giáo, truyền kỳ, vv. Lối tiếp cận này đã giúp các nhà chú giải hiểu biết các ý tưởng về thân thuộc trong Cựu Ước, địa vị của phụ nữ trong xã hội Do Thái, vv. Và trong Tân Ước, nhiều chi tiết của các dụ ngôn có thể giải thích được. Mặt khác, “lối tiếp cận này giúp ta phân biệt rõ hơn đâu là những yếu tố thường tồn trong sứ điệp Kinh Thánh, vì có nền tảng trong bản tính của con người, đâu là những yếu tố bất tất, vì thuộc về những nền văn hóa đặc thù”. Mặt trái của lối tiếp cận này là tự nó không đủ khả năng xác định “đâu là nội dung của Mạc khải”, và do đó, “những khía cạnh nhân học của Kinh Thánh không nhất thiết đưa người đọc đến gần với ý nghĩa tôn giáo và thiên linh của Lời Chúa”[35].

2.4.3. Những tiếp cận tâm lý học và tâm phân học

Văn kiện nhìn nhận rằng ngay cả những lối tiếp cận tâm lý học và tâm phân học cũng có thể giúp đỡ tích cực cho việc giải thích Kinh Thánh. Chúng có thể giúp cho ta hiểu Kinh Thánh như là cảm nghiệm và mẫu mực cư xử. Văn kiện khuyến khích một sự hợp tác giữa các nhà chú giải và các nhà tâm lý học để hiểu rõ ngôn ngữ biểu tượng của Kinh Thánh. Tuy nhiên, văn kiện cảnh báo rằng các phương pháp này không được sử dụng để loại trừ thực tại của tội lỗi và cứu độ. Cũng cần thận trọng để “đừng lẫn lộn tín ngưỡng tự nhiên và mạc khải Kinh Thánh, hoặc làm tổn thương tính cách lịch sử của sứ điệp Kinh Thánh”[36].

Để kết thúc mục này, nên biết rằng văn kiện vẫn để cánh cửa mở cho những lối tiếp cận mới của các khoa học nhân văn. Những lối tiếp cận này, nếu được sử dụng đúng hướng, có thể bổ túc phương pháp phê bình lịch sử.

2.5. Những lối tiếp cận theo bối cảnh


Dưới tiêu đề này, văn kiện thảo luận hai lối tiếp cận quan trọng, lối tiếp cận của thần học giải phóng (liberationist approach) và của nữ quyền (feminist approach), đối với việc nghiên cứu Kinh Thánh, do ảnh hưởng của bản văn đối với bối cảnh thời đại. Đôi khi lối tiếp cận này cũng mang tên là “chú giải biện hộ” (advocacy exegesis) bởi vì việc giải thích Kinh Thánh được sử dụng như để ủng hộ sự thay đổi trong xã hội hiện nay hoặc những điều kiện tôn giáo; đó là một thứ chú giải để bảo vệ một ý thức hệ đương thời”[37].

2.5.1. Lối tiếp cận thần học giải phóng

Không có lối tiếp cận nào được văn kiện mổ xẻ cặn kẽ và thận trọng như vậy. Lối tiếp cận này là con đẻ của thần học giải phóng, ra đời như là đáp ứng những tình trạng kinh tế, xã hội và chính trị tại châu Mỹ latinh vào thập niên 70, cũng như cảm hứng từ hướng đi mục vụ canh tân của công đồng Vaticanô II và Đại Hội Giám mục châu Mỹ latinh lần thứ II họp tại Medellin năm 1968. Lối tiếp cận không muốn lưu giữ Kinh Thánh như một tài liệu cổ cần khám phá ý nghĩa nguyên thuỷ bằng cách sử dụng những dụng cụ nghiên cứu khoa học. Nó muốn khám phá trong Kinh Thánh những khuôn mẫu để “nuôi dưỡng và nâng đỡ nhân dân trong những cuộc đấu tranh và niềm hy vọng”[38]. Những nguyên tắc chủ đạo của lối tiếp cận này là: Thiên Chúa của Kinh Thánh là Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử nhân loại để mang lại sự cứu độ. Ngài là Thiên Chúa của người nghèo và không thể dung thứ sự đàn áp và bất công. Sự chú giải Kinh Thánh không thể đứng trung lập; nó cần đi theo Thiên Chúa, đứng về phía người nghèo và dấn thân vào cuộc tranh đấu của họ. Lối tiếp cận này nhấn mạnh chiều kích cộng đồng của Lời Chúa[39].

Văn kiện nhìn nhận giá trị của lối tiếp cận giải phóng trong việc nghiên cứu Kinh Thánh, qua việc đề cao sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa, qua việc nhấn mạnh chiều kích cộng đồng của đức tin và nhấn mạnh nhu cầu cấp bách phải hành động giải phóng đâm rễ trên công lý và tình thương.

Tuy vậy, văn kiện kể ra năm nguy cơ nằm trong lối tiếp cận này:
  1. Cách đọc này tập trung vào những bản văn thuật chuyện và ngôn sứ nhằm soi sáng những hoàn cảnh áp bức và gợi lên hành động dẫn đến việc thay đổi xã hội. Đôi khi cách đọc như vậy có thể bị hạn chế, bởi vì không quan tâm đến những đoạn văn khác trong Kinh Thánh.
  2. Đúng là việc chú giải không thể trung lập, nhưng cũng phải coi chừng để đừng trở thành một chiều. Hơn nữa, hành động xã hội và chính trị không phải là nhiệm vụ trực tiếp của nhà chú giải.
  3. Trong vài trường hợp, lối tiếp cận giải phóng chịu ảnh hưởng bởi những học thuyết duy vật, cách riêng bởi nguyên tắc đấu tranh giai cấp của Marxist.
  4. Người ta có khuynh hướng bỏ qua những chiều kích siêu việt của cánh chung học theo Kinh Thánh trong khi nhấn mạnh đến cánh chung học trần thế; nói cách khác, Kinh Thánh được đọc để tìm ra những giải đáp cho những vấn đề xã hội và chính trị hiện đại. 5) Những tiền đề chú giải cần phải được làm sáng tỏ, ngõ hầu góp phần tích cực vào việc giải thích Kinh Thánh trong Hội thánh[40].
2.5.2. Lối tiếp cận nữ quyền

Cũng giống như đối với lối tiếp cận giải phóng, văn kiện đã đánh giá lối tiếp cận nữ quyền một cách rất dè dặt. Lối tiếp cận này, được phát triển do phong trào giải phóng phụ nữ và đòi hỏi những quyền lợi đã bị phủ nhận trong xã hội gia trưởng, sử dụng những nguyên tắc chú giải nữ quyền trong việc giải thích Kinh Thánh. Có nhiều hình thức chú giải nữ quyền: a) một hình thức triệt để (radical form), chối bỏ mọi thế giá của Kinh Thánh bởi vì được viết ra trong xã hội phụ hệ (trọng nam khinh nữ); b) hình thức tân-chính-thống (neo-orthodox form) chấp nhận Kinh Thánh như là có tính ngôn sứ và chứa đựng tiềm lực đứng về phía kẻ bị gạt bỏ và như thế đứng về phía phụ nữ; c) hình thức phê bình (critical form) sử dụng một phương-pháp-luận tinh vi để tái khám phá vị trí và vai trò của những phụ nữ trong Hội thánh các tông đồ, nhưng đã bị che đậy trong các bản văn Tân Ước.

Lối tiếp cận này không có phương pháp luận riêng của mình. Nó sử dụng phương pháp phê bình lịch sử, và thêm hai tiêu chuẩn khác: 1) tiêu chuẩn lấy từ thần học giải phóng, chính yếu là một cách thức chú giải nghi ngờ (hermeneutic of suspicion). Bởi vì lịch sử được viết do phía người thắng cuộc, cho nên khi giải thích, ta phải tìm kiếm bên trên các bản văn những dấu chỉ cho thấy một điều gì khác; 2) tiêu chuẩn xã hội học nghiên cứu các tầng lớp xã hội vào thời Kinh Thánh và chỗ đứng dành cho các phụ nữ[41].

Văn kiện đã tóm tắt những lợi ích của cách chú giải nữ quyền như sau:
Cách chú giải nữ quyền đem lại nhiều đóng góp tích cực. Các phụ nữ đã góp phần chủ động hơn trong việc nghiên cứu chú giải. Họ thường thành công hơn nam giới trong việc khám phá ra sự hiện diện, ý nghĩa và vai trò của phụ nữ trong Kinh Thánh, trong lịch sử khai nguyên Kitô giáo và trong Hội thánh, Chân trời văn hóa hiện đại, nhờ càng ngày càng chú ý nhiều đến phẩm giá và vai trò của người phụ nữ trong xã hội và trong Hội thánh, đặt ra cho bản văn Kinh Thánh những câu hỏi mới, do đó phát sinh những cơ hội khám phá mới. Sự nhạy cảm của phụ nữ giúp tìm ra và sửa chữa một số các giải thích hiện hành, có thiên kiến và nhằm biện minh sự thống trị của đàn ông đối với phụ nữ[42].
Tuy nhiên, lối tiếp cận nữ quyền có vài nguy cơ.
  1. Bởi vì nó tiến hành từ một thiên kiến về sự thống trị của nam giới, cho nên có nguy cơ giải thích Kinh Thánh một cách thiên lệch và vì thế có thể tranh cãi.
  2. Do sự “chú giải nghi ngờ”, thường nó phải vận dụng lý chứng ex silentio (Kinh Thánh không nói). Nhưng cách lập luận như thế có lẽ không đưa đến những kết luận chắc chắn.
  3. Việc cố gắng dựng lại khung cảnh lịch sử của đời sống Kitô giáo nguyên thuỷ dựa trên một vài dấu chỉ trong Tân Ước nhưng đã bị bản văn bỏ qua thì không thể được gọi là chú giải khoa học được. “Nó bao hàm việc loại bỏ nội dung của những bản văn được linh hứng, để chạy theo những giả thuyết được dựng lên, và bản tính hoàn toàn khác biệt”[43].
  4. Cách chú giải nữ quyền đặt ra những vấn đề về quyền bính trong Hội thánh “có thể chỉ hữu ích cho Hội thánh trong mức độ nó không sa vào những cạm bẫy mà nó tố giác, và không quên mất cái nhìn của giáo huấn Tin Mừng: quyền bính là phục vụ; đây là lời dạy của Đức Giêsu dành cho tất cả các môn đệ, bất luận nam hay nữ.”[44]
Như thế, việc lượng định của Uỷ ban đối với lối tiếp cận phụ nữ cũng như lối tiếp cận thần học giải phóng là tích cực với sự dè dặt.

2.6. Lối tiếp cận bảo căn (Fundamentalist Approach)


Đây là phương pháp cuối cùng được văn kiện của Uỷ ban đề cập đến. Tiền đề nền tảng của lối tiếp cận này là Kinh Thánh, vì là Lời của Thiên Chúa, được linh hứng và không mắc sai lầm, cho nên “phải được đọc và giải thích sát chữ trong hết mọi chi tiết”. Tuy nhiên, họ hiểu việc giải thích “theo chữ” (literal interpretation) theo nghĩa chật hẹp như là đơn giản giải thích đơn giản “cứ chữ” (simplistic literalist interpretation), bác bỏ nguồn gốc và sự phát triển của bản văn. Do đó, lối tiếp cận này đối ngược với phương pháp phê bình lịch sử và mọi cách giải thích khoa học. Bắt nguồn từ thời Cải cách (Tin lành), khuynh hướng này đã ảnh hưởng đến nhiều truyền thống Kitô hữu, kể cả Công giáo.

Uỷ ban chấp nhận rằng việc nhấn mạnh của lối tiếp cận về ơn linh hứng và bất khả ngộ của Kinh Thánh là điều chính xác, nhưng cách thức trình bày những chân lý này lại đâm rễ trong một ý thức hệ nằm ngoài Kinh Thánh, và chịu ảnh hưởng bởi những chủ trương đạo lý cứng nhắc. Sự khước từ việc nghiên cứu mang tính phê bình, sự khước từ tính cách lịch sử của mạc khải Kinh Thánh, sự phủ nhận những vấn đề phê bình ngôn ngữ và văn bản của những tiếng gốc, việc gạt bỏ sự tiến triển của truyền thống Tin Mừng, thái độ chống đối Hội thánh, v.v, khiến cho lối tiếp cận này trở nên nguy hiểm và không thể coi như góp phần tích cực cho việc giải thích Kinh Thánh trong Hội thánh[45].

Sau khi đã bình luận và lượng định những lối tiếp cận và những phương pháp chú giải Kinh Thánh, văn kiện đề cập đến một vài vấn đề chú giải, đặc biệt là những trường phái triết học chú giải đã gây tác dụng đối với việc giải thích Kinh Thánh. Việc giải thích hiện đại thật là quan trọng để làm cho Lời Chúa có giá trị cho hoàn cảnh hôm nay. Tuy vậy, văn kiện cảnh giác về một vài lý thuyết chú giải (chẳng hạn như thuyết giải huyền) không phù hợp với việc giải thích Kinh Thánh. Bất cứ phương pháp nào mà không tôn trọng “thân thế Đức Giêsu Kitô và những biến cố cứu độ đã được thực hiện trong lịch sử nhân loại” đều không thể phù hợp cho việc giải thích Kinh Thánh[46].

Văn kiện trình bày khá tỉ mỉ tất cả mọi khía cạnh của việc giải thích Kinh Thánh theo Công giáo tựa như: ơn linh hứng, nghĩa theo chữ (literal sense), nghĩa thần khí (spiritual sense), nghĩa sung mãn (fuller sense), vv.[47]. Văn kiện cũng đề cập đến vài “Đặc điểm của khoa giải thích Công giáo”[48] và sau hết là “Việc giải thích Kinh Thánh trong đời sống của Hội thánh”[49]. Xét vì việc điểm qua các yếu tố này vượt quá khuôn khổ của bài viết này, tôi xin kết luận với tóm lược mục “Nhiệm vụ của nhà chú giải”.

3. Nhiệm vụ của nhà chú giải Công giáo


Nhiệm vụ của nhà chú giải Công giáo thật là đa dạng. Nó mang tính cách Giáo hội, bởi vì việc nghiên cứu và giải thích Kinh Thánh nhằm trình bày cho các mục tử và tín hữu thấy rõ những nét phong phú của Lời Chúa. Nó mang tính khoa bảng, đòi hỏi việc nghiên cứu nghiêm túc.Văn kiện đưa ra vài hướng dẫn như sau:
  1. Các nhà chú giải phải để ý đến tính cách lịch sử của mạc khải Kinh Thánh
  2. Các nhà chú giải không được quên rằng mình đang giải thích Lời Chúa. Vai trò của họ không chấm dứt với việc xác định các nguồn mạch, những vấn đề văn bản và nghiên cứu những khía cạnh văn chương. Đây mới chỉ là bước khởi đầu dẫn đến mục tiêu hiện hành của công tác, đó là giải thích ý nghĩa của bản văn Kinh Thánh như là Lời Thiên Chúa cho ngày hôm nay.
  3. Các nhà chú giải cần giải thích những ý nghĩa Kitô học, thư quy, Giáo hội học của các bản văn.
  4. Họ cũng phải giải thích mối liên hệ giữa Kinh Thánh và Hội thánh. Điều này có nghĩa là cần phải tôn trọng không những Kinh Thánh mà cả Truyền thống sống động của Hội thánh nữa.
  5. Bởi vì Kinh Thánh thuật lại kế hoạch cứu độ phổ quát của Thiên Chúa (Dei verbum số 7), việc chú giải cần bao hàm chiều kích phổ quát, nghĩa là phải chú ý đến các tôn giáo khác và những nỗi niềm hy vọng của thế giới hôm nay (Gaudium et spes, 1).
Một bổn phận quan trọng của các nhà chú giải là nghiên cứu Kinh Thánh cách nghiêm túc, nhưng trong không khí đối thoại với thần học, bởi vì việc học hỏi Kinh Thánh là linh hồn của thần học (Dei Verbum, 24). Một vai trò quan trọng nữa của nhà chú giải là dấn thân vào việc dạy Kinh Thánh tại các phân khoa thần học, chủng viện và học viện của các Dòng tu. Để cho việc dạy học được hữu hiệu, văn kiện đề nghị hai lối sư phạm: một đàng trình bày tổng hợp nhằm đưa sinh viên vào việc nghiên cứu toàn thể các sách Kinh Thánh; đàng khác là phân tích sâu một số bản văn chọn lọc.

4. Kết luận


Văn kiện của Uỷ ban Giáo hoàng về Kinh Thánh về “việc giải thích Kinh Thánh trong Hội thánh” là một tài liệu quan trọng sau công đồng Vaticanô II liên quan đến việc nghiên cứu Kinh Thánh. Văn kiện đã cung cấp một cái nhìn đúng đắn về những phương pháp khác nhau, vạch ra những điểm tích cực và những giới hạn của chúng. Văn kiện cũng nhắc nhở những điều kiện cần thiết cho việc nghiên cứu Kinh Thánh cách khoa học. Tuy khẳng định sự cần thiết phải vận dụng những lối tiếp cận khoa học trong việc giải thích Kinh Thánh, văn kiện cũng nhấn mạnh rằng Kinh Thánh là một văn kiện của đức tin, vì thế mục tiêu cuối cùng của việc chú giải là đào sâu đức tin[50]. Văn kiện đã giải thích nhiều đoạn hiến chế Dei Verbum bằng những từ ngữ cụ thể. Tầm quan trọng của văn kiện này có thể nhận thấy qua nhiều lần được trích dẫn trong Tông huấn hậu thượng hội đồng Verbum Domini. Như vậy, văn kiện này là một dụng cụ hữu ích cho nhà chú giải Công giáo để nghiên cứu Kinh Thánh một cách toàn diện, tránh những nguy cớ lệch về một chiều, và cũng có thể xem như một đánh giá lại khoa chú giải Kinh Thánh theo quan điểm Công giáo[51], dưới ánh sáng của các văn kiện Dei Verbum và Verbum Domini.

Phụ thêm


Những văn kiện được Uỷ ban Kinh Thánh phát hành từ Vatican II:[52]
  1. De sacra Scriptura et christologia (1984).
  2. Unité et diversité dans l'Église (11/4/1988).
  3. L'interprétation de la Bible dans l'Église (15/4/1993).
  4. Le peuple juif et ses Saintes Écritures dans la Bible chrétienne (24/5/2001).
  5. Bibbia e morale. Radici bibliche dell'agire cristiano (11/5/2008).
  6. Ispirazione e verità della Sacra Scrittura (22/2/2014).

[1] Tông thư Vigilantiae studiique, ASS 35 (1902-1903) 234-238.
[2] Dennis J. Murphy, ed., The Church and the Bible, Bangalore, Theological Publications of India, 2007, 86.
[3] Ibid., §164, 86-87.
[4] Joseph A Fitzmyer, The Biblical Commission's Document: “The Interpretation of the Bible in the Church”: Text and Commentary. New York: Paulist Press, 2008, 20. Xem thêm Thomas M. Bolin, “The Biblical Commission's Instruction, On the Historical Truth of the Gospels (Sancta Mater Ecclesia) and Present Magisterial Attitudes Towards Biblical Exegesis,” Gregorianum 93, 4 (2012), 768.
[5] Murphy, ed., The Church and the Bible, §895,378.
[6] Pope John Paul II, “Exegesis is a Theological Discipline,” in Murphy, ed., The Church and the Bible, §1639, 665-666.
[7] Murphy, ed., The Church and the Bible, §§1636-1642, 664-666.
[8] Ibib., §1705, 691.
[9] Fitzmyer, The Biblical Commission’s Document, 24.
[10] Joseph Fitzmyer, Scripture, the Soul of Theology, New York: Paulist Press, 1994, 19.
[11] Murphy, ed., The Church and the Bible, §§591-599, 247-250.
[12] Fitzmyer, The Biblical Commission’s Document, 25.
[13] Lối tiếp cận này được khai triển bởi Herman Gunkel. Xem Hermann Gunkel & Joachim Begrich, Introduction to Psalms: The Genres of the Religious Lyrics of Israel, Macon, GA: Mercer Univesity Press, 1998.
[14] Fitzmyer, The Biblical Commission’s Document, 27-34.
[15] Ibid., 36.
[16] Ibid., 37.
[17] Fitzmyer, The Biblical Commission's Document, 48.
[18] Ibid., 49.
[19] Fitzmyer, The Biblical Commission's Document, 49-50. Về thái độ của Huấn quyền đối với các lối tiếp cận phê bình-lịch sử và các lối tiếp cận khác trong việc chú giải Kinh Thánh từ Providentissimus Deus dến Verbum Domini, xem Thomas M. Bolin, “The Biblical Commission's Instruction, On the Historical Truth of the Gospels (Sancta Mater Ecclttia) and Present Magisterial Attitudes Towards Biblical Exegesis”, Gregorianum 93, 4 (2012), 765-785.
[20] Ibid, 56, xem thêm http://www.retoricabiblicaesemitica.org/eventi/
02_23%20aprile_Vanhoye.pdf
[21] Fitzmyer, The Biblical Commission's Document, 57.
[22] Ibid., 58.
[23] Về chi tiết, xem J. L. Ska, Our Fathers Have Told Us: Introduction to the Analysis of Hebrew Narratives, Rome: Editrice Pontificio Istituto, 1990.
[24] Fitzmyer, The Biblical Commission's Document, 60.
[25] Ở đây có sự chuyển động giữa “tác giả thực sự” “tác giả tiềm ẩn” và “độc giả thực sự” “độc giả tiềm ẩn”, xem J. L. Ska, Our Fathers Have Told Us, 40-43. Fitzmyer, The Biblical Commission’s Document, 62.
[26] Fitzmyer, The Biblical Commission's Document, 62-63.
[27] Ibid., 66-67.
[28] Fitzmyer, The Biblical Commission's Document, 68.
[29] Liên quan đến cuộc tranh luận này, xem: Fitzmyer, The Biblical Commission's Document, 69-70.
[30] Fitzmyer, The Biblical Commission's Document, 68.
[31] Ibid., 78.
[32] Fitzmyer, The Biblical Commission's Document, 79-81.
[33] Ibid., 82.
[34] Fitzmyer, The Biblical Commission's Document, 83-86.
[35] Fitzmyer, The Biblical Commission's Document, 87-89.
[36] Ibid., 91.
[37] Fitzmyer, The Biblical Commission’s Document, 92.
[38] Ibid., 94.
[39] Ibid., 94.
[40] Fitzmyer, The Biblical Commission’s Document, 92-96.
[41] Fitzmyer, The Biblical Commission’s Document, 96-98.
[42] Fitzmyer, The Biblical Commission’s Document, 98.
[43] Ibid., 101.
[44] Ibid.
[45] Fitzmyer, The Biblical Commission’s Document, 101-108.
[46] Fitzmyer, The Biblical Commission’s Document, 109-116.
[47] Ibid., 117-131.
[48] Ibid., 132-169. Trong mục này văn kiện đề cập đến việc giải thích Kinh Thánh trong Truyền thống sống động của Hội thánh. Điều này bao hàm những yếu tố như là đọc lại mối liên hệ giữa Cựu Ước và Tân Ước, sự thành hình Thư quy, sự chú giải Kinh Thánh của các giáo phụ, nhiệm vụ của các nhà chú giải, liên hệ với các ngành khác của thần học, v.v.
[50] X. ĐGH Gioan Phaolô II, “Exegesis is a Theological Discipline”, §1640,
tr. 666.
[51] Bolin, “The Biblical Commission’s Instruction”, 784.
[52] Tựa đề dựa theo bản gốc. Danh mục lấy từ địa chỉ internet: http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/pcb_doc_index_it.htm