Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 1, THÁNG 03/2010

LTS : Cuộc sống con người luôn bị đe doạ bởi sự dữ. Cái chết đối với mỗi người là sự dữ đáng sợ nhất, nó phủ nhận mọi nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa đời người trong của cải, tiền tài, danh vọng, v.v.. "Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?" (Lc 12,20). Vậy, còn có hy vọng nào cho con người hay không? "Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? (Rm 7,24). Bước vào Tháng 11 - Cầu nguyện cho các linh hồn, Thời sự Thần học mời các độc giả cùng suy tư về sự dữ và tìm kiếm câu trả lời cho niềm hy vọng của chúng ta.

CHỦ ĐỀ: XIN CỨU CHÚNG CON CHO KHỎI SỰ DỮ

LỜI NGỎ


Chỉ con người ‘một huyền nhiệm’ mới có ý thức về Sự Dữ, còn thế giới vật chất, động vật, cây cỏ tự nhiên chung quanh họ không ý thức về điều này. Tuy con người ‘cứ sống, cứ lớn lên và cứ chết’ từng ngày, nhưng chỉ con người mới suy nghĩ về Sự Dữ và cố tìm một giải đáp cho vấn đề muôn thuở này. Sự Dữ là điều có thực trong cuộc sống với đủ dạng thức khác nhau, khi thì do thiên nhiên như thiên tai, lụt lội, hạn hán, sóng thần;… khi do con người như chiến tranh, hủy diệt, hận thù…

Đứng trước sự Dữ, con người có những phản ứng khác nhau, hoặc tích cực hoặc tiêu cực: Tích cực là khi con người cố gắng ‘sống chung với lũ’ như một điều bình thường, tự nhiên, còn tiêu cực khi nguy cơ phản kháng, nổi loạn và thậm chí tuyệt vọng lấn át mọi suy nghĩ. Có lẽ thánh Augustinô là một điển hình ‘sống chung với lũ’ nay. Theo thánh nhân, thế giới này được xem như một bức họa vĩ đại, đầy màu sắc, có màu tối đen (sự Dữ) cũng như có màu sáng tươi, nhưng tất cả đều hòa điệu, tuy trong khác biệt, thậm chí đến độ nghịch thường. Thiên Chúa là tác giả bức họa đó. Vị họa sĩ tài ba vẫn tiếp tục điều hợp, cân bằng sáng-tối với một tỷ lệ thích hợp, sao cho, cuối cùng, là ‘trời mới, đất mới’ (Xc Kh 21,1). Còn Nietzsch, một triết gia hiện sinh vô thần lại mạnh miệng tuyên bố ‘Thượng đế đã chết’; hoặc như Abert Camus: ‘sự Dữ và Thượng đế là hai điều hoàn toàn mâu thuẫn nhau’. Thái độ phản kháng, tiêu cực như thế rồi ra cũng chẳng giải quyết được gì, cùng lắm chỉ là chuyển dời vấn đề và tránh né nó mà thôi.

Thời sự Thần học (TSTH) số này với chủ đề ‘Xin cứu chúng con cho khỏi sự Dữ’ là một thái độ tích cực ‘sống chung với lũ’ và khẳng định rằng Thiên Chúa, qua Đức Giêsu Kitô, đang ‘đồng lao cộng khổ’ với chúng ta để cứu chúng ta khỏi mọi sự dữ. Cho dù, sự Dữ có là thách đố, Xì-căng-đan… hay là gì đi chăng nữa, thì lời nguyện cuối trong Kinh lạy Cha vẫn cứ vang lên mỗi ngày (Bài 1). ‘Sự Dữ, một vấn đề’ (Bài 2) là lối tiếp cận của triết học và thần học để hóa giải Sự Dữ vốn là điều không thể tránh được trong cuộc đời. Hơn nữa, nguyên nhân sự dữ con người gây ra cho nhau chính là tự do- một món quà Thượng đế ban tặng, nhưng đã không được sử dụng cho đúng (Bài 3). Đặc biệt, TSTH đăng bài “Anh La-da-rô, hãy bước ra khỏi mồ!” (Ga 11.43) của Anh Timothy Radcliff như là một suy niệm về đời tu khởi đi từ sự Dữ tệ hại nhất: Cái chết của anh La-da-rô, và hơn thế nữa, là suy niệm cho mùa Chay và Phục sinh năm nay (Bài 4).

Phần Hội Nhập Văn Hóa là như duyệt xét lại những nét căn bản trong nếp sống tôn giáo và văn hóa Việt Nam, với mong muốn thu dần khoảng cách giữa đạo và đời, nhất là trong bối cảnh tôn giáo và văn hóa Việt Nam. Muốn ‘vào lòng’ phải ‘vào làng’. Lòng là lòng người, còn làng là môi sinh văn hóa, tôn giáo dân Việt, gần gũi, thân quen, ‘như đã dấu yêu từ thuở nào’(Bài 5-7).

Sau, Mừng Năm Thánh Giáo hội Việt Nam 2010, TSTH cùng suy nghĩ về công trình truyền giáo tại Việt Nam (Bài 8) và nếp sống đức tin của người Công giáo Việt (Bài 9). Hơn nữa, trong thế giới hóa (Bài 10), Giáo hội cần thay đổi thế nào (Bài 11). Cuối cùng, TSTH mừng kính bổn mạng – Thánh Giuse (19/3) của Quý Bề Trên, Quý Cha, Quý Thầy, Quý Bạn đọc thân thương bằng suy niệm về Tiếng thinh lặng (Bài 12) và Thánh Giuse, Người Công chính (Bài 13)

Ra mắt Bạn đọc vào dịp Mùa Chay và Phục sinh 2010, TSTH kính chúc Quý Bạn đọc Mùa Chay thánh đức và dồi dào Ân sủng, Bình an, Niềm vui của Đức Giêsu Phục Sinh, Đấng Cứu độ chúng ta.

Thân kính,
Nhóm Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm

NỘI DUNG


Phần 1: XIN CỨU CHÚNG CON CHO KHỎI SỰ DỮ
Phần 2: HỘI NHẬP VĂN HÓA
Phần 3: MỪNG NĂM THÁNH GIÁO HỘI VIỆT NAM (24/11/2009 – 06/01/2011)