Thứ Ba, 3 tháng 5, 2022

GIÁO HỘI VIỆT NAM: CÓ CHĂNG MỘT Ý THỨC KHÔNG CÂN XỨNG ?

Thời sự Thần học – Số 1, tháng 03/2010, tr. 152-159

_Nguyễn Trọng Viễn, O.P._

1. Thiếu ý thức cân xứng
2. Ý thức không cân xứng trong Giáo hội Việt Nam
3. Nguyên nhân và hệ quả của ý thức không cân xứng
  3.1 Không hòa nhập với dòng đời
  3.2 Thái độ phòng vệ
  3.3 Thái độ giả hình

1. THIẾU Ý THỨC CÂN XỨNG


Có lẽ rất nhiều người dân thường trong xã hội Việt Nam thấy rõ được một ý thức không cân xứng trong những chủ trương của chính phủ Việt Nam, những điều mà những người đang lèo lái con thuyền đất nước lại không thấy được: ra những quy định quá tỉ mỉ, quá lý thuyết, không hợp tình hợp cảnh trong tình hình chung của xã hội; có những biện pháp giải quyết nhiều vấn đề không đáng hoặc thực sự chẳng là vấn đề trong khi mà xã hội còn có quá nhiều điều quan trọng hơn cần phải lo; bận tâm bảo đảm những nguyên tắc căn bản của học thuyết Mác-lê đến độ không còn nhận ra được chính xác những nhu cầu thật trong một hiện tình xã hội rối beng, và trở nên như những nhà "chủ trương duy vật một cách duy tâm"…. Người tín hữu Công Giáo thì cảm thấy rõ, quá rõ, một thứ não trạng khó thay đổi của những cán bộ nhà nước, coi tôn giáo như một sinh hoạt không bình thường của một xã hội vô thần, đó chính là nguyên nhân sâu xa, là nguồn gốc của những biện pháp, những phương thức giải quyết không cân xứng trong nhiều vấn đề dính dáng đến tôn giáo… Chẳng hạn, có một cán bộ nhà nước, rất thân thiết với các linh mục và cũng có nhiều thái độ cởi mở, trong lúc vui vẻ, buộc miệng tâm sự rằng: khu vực ông đang chịu trách nhiệm là một khu vực phức tạp, vì có mấy nhà chùa, mấy nhà thờ…. Chúng ta có thể hiểu rằng: dù nhà nước có "tôn trọng tự do tôn giáo", hoặc "có nhiều tiến bộ trong chủ trương tự do tôn giáo", thì thật sự đó cũng chỉ là những thứ "tự do tôn giáo" hoặc những "tiến bộ" được nhìn từ một não trạng nào đó, phát xuất một nền tảng suy tư nào đó. Chính điều đó tạo nên những giải pháp "không cân xứng" trong vấn đề tôn giáo.

Có một ý thức không cân xứng khi mà người ta không sáng tạo ra được một phương sách, một đường hướng như một tia sáng "minh triết" giữa mây mù của tình huống thực tế; khi mà người ta không làm được một sự hoà hợp khôn ngoan, đúng đắn, giữa truyền thống và hiện đại, giữa lý thuyết và thực tế, giữa kế hoạch dài và kế hoạch ngắn hạn, giữa nét căn bản của học thuyết hay đạo lý với những đòi hỏi đổi mới trong vận hành của dòng đời… Trong khi những nhà sáng lập tôn giáo, dòng tu, hoặc một nhà cách mạng thực sự, thường lại là những người nhạy bén với vận hành cuộc sống, thấm nhập tâm tư của mình vào lòng dân, tha thiết với cuộc đời, với dân tộc hoặc với Giáo Hội, thì lịch sử lại cho ta thấy luôn có những lập trường "bảo hoàng hơn vua", hoặc hiện trạng của những kẻ, không phải là "hậu sinh khả úy", mà là "hậu sinh khả ố". Những kẻ hậu sinh ấy không còn giữ được nét tinh anh của tâm hồn dấn thân, nhưng chỉ còn một sự trì trệ của thái độ phòng vệ; chỉ còn biết giải quyết những "sự kiện" chứ không nhận ra được "chiều hướng" của lịch sử; chỉ còn biết đề ra những "biện pháp" để đối phó với vụ việc xảy ra chứ không có được một chiến lược toàn bộ; chỉ còn biết thượng tôn một thứ "chân lý" trừu tượng chứ không toát ra được hơi ấm của cái "thiện" hoặc nét duyên của cái "mỹ" trong cách hành xử giữa cuộc đời.

Điều khó khăn là những ý thức, hoặc cụ thể hơn là những biện pháp không cân xứng ấy, bình thường, chính những người trong cuộc lại không thấy được. Cái gọi là ý thức bất cân xứng ấy thuộc về một thứ gọi là não trạng, mà não trạng thì người ta không biết lấy tiêu chuẩn nào để đo lường, để nhận định. Não trạng là một thứ không có tiêu chuẩn chính xác để phân định, giống như kẻ ở vào độ tuổi bốn mươi thì cảm nghĩ rằng những đứa ở vào tuổi ba mươi còn quá trẻ, những vị ở vào tuổi năm mươi thì đã quá già; rồi kẻ ở vào độ tuổi năm mươi lại cũng suy nghĩ như thế với những thế hệ đi trước và đi sau thế hệ của mình. Ngay cả khi có những tiêu chuẩn minh nhiên của "đạo lý", thì tiêu chuẩn ấy vẫn có thể được giải thích một cách "thành tâm" tùy theo não trạng.

2. Ý THỨC KHÔNG CÂN XỨNG TRONG GIÁO HỘI VIỆT NAM


Triết gia B. Russell tỏ bày ý kiến của mình về tôn giáo nói chung là: “Xét chung thì tôi cho rằng tôn giáo đã có nhiều hậu quả tai hại, nó thần thánh hóa chủ nghĩa bảo thủ, cứ bám lấy những tục lệ thời trước, nhất là nó thần thánh hóa sự cố chấp, bất bao dung và lòng căm thù. Cái thái độ, những hành động cố chấp, bất bao dung trong tôn giáo; nhất là ở châu Âu, quả thực là ghê tởm”…. Riêng với Giáo Hội Kitô giáo, ông nói: “Đế quốc La Mã sụp đổ, nhưng các linh mục trong Giáo Hội có quan tâm tới cái đó đâu. Họ chỉ lo làm sao phụ nữ giữ được trinh khiết thôi. Cái đó, đối với họ mới là rất quan trọng… ngày nay nhân loại cũng đương sụp đổ và tôi thấy nhiều giáo sĩ địa vị rất cao chỉ nghĩ tới vấn đề làm sao ngăn được sự thụ thai nhân tạo; họ cho việc đó quan trọng hơn nhiều việc ngăn ngừa thế chiến nó sẽ tiêu diệt nhân loại không còn lấy một mạng. Theo tôi, họ như thiếu ý thức về cân xứng, cái quan trọng thì cho là tầm thường và ngược lại…”[1].

Dĩ nhiên, chúng ta khó đồng ý với Russell trong quan điểm về tôn giáo, nhưng đối với nhận xét về một thứ "thiếu ý thức về cân xứng" thì có lẽ chúng ta nên ghi nhận. Nhận xét của Russell cho thấy nhiều khi những thế lực tạo nên sự trì trệ không phải là một chủ trương trái khoáy, không phải một thái độ ác độc hay một biện pháp tàn bạo, nhưng lại xuất phát từ những lập trường đạo đức, do những con người có địa vị đáng kính trong xã hội. Ở đây, chúng ta lại nhận ra một bình diện khác khiến cho con người có thể vạch mặt chỉ tên tình trạng "thiếu ý thức về cân xứng". Ý thức hoặc thái độ bất cân xứng xuất phát từ tư cách cũng như địa vị xã hội của người chủ trương, và như thế, nó được bảo đảm bằng một lớp vỏ kiên cố của luân lý, nghĩa là được bao bọc bằng "cỗ xe bọc thép" của luân thường đạo lý. Khi mà người ta còn chưa nhận ra được rõ ràng hệ quả của một lập trường, thì chính "nguồn gốc" của lập trường ấy là một bảo đảm đáng giá. Trong khi đó, điều gọi là ý thức bất cân xứng lại muốn nêu lên một sự so le giữa một lập trường với chính vận hành của cuộc sống. Nguồn gốc của một lập trường là một điều có vẻ dễ thấy, có vẻ dễ đánh giá; còn nét "hòa" cần thiết của một lập trường với vận hành của cuộc đời lại là một điều chỉ có thể cảm nhận được một cách mơ hồ, bằng một thứ "linh giác" nào đó.

Thực sự, Giáo Hội Việt Nam đã có nhiều bước tiến đáng mừng trong một tình hình xã hội không thuận lợi lắm. Không phải chỉ trong lãnh vực "số lượng" nhưng cả trong bình diện "phẩm chất" của đời sống đức tin, nói chung, chúng ta cũng thấy có nhiều biến chuyển tích cực. Tuy nhiên, hình như những tiến bộ ấy, đặc biệt trên bình diện tư tưởng, vẫn nằm trong chiều hướng nỗ lực bảo vệ cơ chế và tinh thần cũ; vẫn là một cố gắng củng cố mà chưa có được một sự thấm nhập vào dòng sự sống của xã hội cũng như những biến chuyển trong tâm thức của người tín hữu. Có lần tôi nghe một người giáo hữu nhận xét rằng, trong giáo xứ của tôi, quanh năm chỉ thấy toàn những "bảng cấm", những bảng cấm treo khắp sân nhà thờ và những "bảng cấm" trong những "bài giảng cuối lễ của cha xứ": không để trẻ em nô đùa, không buôn bán trong sân nhà thờ, không ăn mặc lố lăng khi đi tham dự thánh lễ, … mà chẳng thấy có được những hướng dẫn mục vụ có khả năng khởi nguồn cho sự sống đức Tin nào… Đó có phải là bức tranh biếm họa về gương mặt của chính Giáo Hội Việt Nam?

Cuộc sống xã hội Việt Nam đang có nhiều biến chuyển, tâm thức con người Việt Nam, không trừ ra những người giáo dân, cũng đang có nhiều biến chuyển. Nếu không đồng hành được với thời đại, những vị hữu trách sẽ có nhiều biện pháp giải quyết đầy nhiệt tâm, nhưng lại rơi vào tình trạng thiếu cân xứng. Trong rất nhiều sinh hoạt hằng ngày của các giáo xứ, các giáo phận và trong hiện tình chung của Giáo Hội Việt Nam, chúng ta có thể thấy một thứ ý thức, cũng như nhiều biện pháp như thế: những quy định về phụng vụ, những biện pháp chế tài trong lãnh vực hôn phối, nhiều phương thức quá đề cao trật tự, lễ nghĩa trong các giáo xứ…. Trước hiện tình Giáo Hội Việt Nam, chúng ta vui vì nhiều tiến bộ, nhưng cũng không khỏi ưu tư: liệu những tiến bộ nói trên có phải chỉ là một nỗ lực "quát nạt những con trâu già", chứ chưa phải là dám leo lên chiếc máy cày để đổi mới phương thức canh tác? Số lượng những người tín hữu đi lễ và xưng tội vẫn còn rất đông, nhưng cũng có không ít người tín hữu bị trôi theo dòng thời cuộc, không thích ứng được với những đòi hỏi trong Giáo Hội và bị loại trừ.

3. NGUYÊN NHÂN VÀ HỆ QUẢ CỦA Ý THỨC KHÔNG CÂN XỨNG


3.1 Không hòa nhập với dòng đời


Nguyên nhân căn bản của ý thức không cân xứng là do những người lãnh đạo đã không có được một sự hiệp thông thực sự với dòng chảy của cuộc sống, không sống như một người trong cuộc với lịch sử xã hội và Giáo Hội. Người ta nói rằng nếu những kẻ ngồi trong bàn nhậu không bắt đầu nhậu cùng với nhau thì thế nào cũng có cãi nhau, hoặc đánh nhau. Một bàn nhậu đã bắt đầu từ 11g trưa; rồi đến 2g chiều, có một kẻ nhập cuộc. Trong khi những người nhậu từ đầu đã ngà ngà, đã trải qua một quá trình vượt qua bức tường lễ nghĩa, thì kẻ đến sau lại mang đầy ý thức của một con người phải đối phó với cuộc sống bằng những quan điểm lập trường của mình… chuyện tất yếu xảy ra là sự cãi nhau hoặc đánh nhau.

Trong Công Đồng Vaticanô II, Giáo Hội ý thức mạnh mẽ về sự xa cách giữa Giáo Hội với thế giới, giữa những con người của Giáo Hội, như các linh mục, tu sĩ, với cuộc sống xã hội; và Hiến Chế Mục Vụ đã trở thành một văn kiện đặc biệt mở ra với thế giới:

"Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ. Thực vậy, cộng đoàn của họ được cấu tạo bằng những con người đã được qui tụ trong Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữ hành về Nước Cha và đã đón nhận tin mừng cứu rỗi đem tới cho mọi người. Vì thế, cộng đoàn ấy mới nhận thấy mình thực sự liên hệ mật thiết với loài người và lịch sử nhân loại" (MV 1)

Trong chiều hướng ấy, Công Đồng đã mở ra cả một trào lưu mới trong sinh hoạt của Giáo Hội, trào lưu vào đời, thực tập… Rồi sau hơn 40 năm Công Đồng, trào lưu đó không còn sức nóng của nó, và vận hành của Giáo Hội, đặc biệt là Giáo Hội Việt Nam, hình như lại trở về với sức ì cố hữu. Những con người của Giáo Hội Việt Nam, tiêu biểu là hàng giáo phẩm và các linh mục, tu sĩ Việt Nam hiện nay, đã có đủ "âm hưởng" của những "Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ" không? Tiếc thay, vì một số lạm dụng nào đó trong trào lưu "vào đời", chúng ta lại thấy trong Giáo Hội Việt Nam có khuynh hướng muốn củng cố thêm sự tách biệt của linh mục, tu sĩ với giáo dân, chẳng hạn vấn đề qui định y phục của giáo sĩ trong một số giáo phận… Hậu quả chúng ta có thể thấy được khá rõ là, trong khi Công Đồng Vaticanô II nêu lên nét linh đạo căn bản của người giáo dân là "tính trần thế", thì hầu như các nỗ lực của giới giáo sĩ lại theo chiều hướng lôi người tín hữu ra khỏi những lo toan của cuộc sống hằng ngày để chăm chú vào "sinh hoạt nhà đạo":

"Tính cách trần thế là tính cách riêng biệt và đặc thù của giáo dân. Thực vậy các phần tử trong hàng giáo sĩ dù đôi khi có thể lo những việc trần thế, hoặc hơn nữa, hành nghề giữa đời, nhưng vì ơn kêu gọi đặc biệt, sứ mệnh chính yếu và rõ rệt của họ vẫn là sứ vụ thánh. Phần các tu sĩ, do bậc sống của họ, làm chứng cách hùng hồn và cao quí rằng người ta không thể cải tạo thế giới và cung hiến nó cho Thiên Chúa được, nếu không có tinh thần các mối phúc thật. Vì ơn gọi riêng, giáo dân có bổn phận tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội; tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ. Ðó là nơi Thiên Chúa gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình; và như thế, với lòng tin cậy mến sáng ngời, và nhất là với bằng chứng đời sống, họ tỏ lộ Chúa Kitô cho kẻ khác, vì thế, họ có nhiệm vụ đặc biệt soi sáng và xếp đặt những thực tại trần gian có liên hệ mật thiết với họ, để chúng không ngừng phát triển và bành trướng theo Thánh Ý Chúa Kitô, hầu ca tụng Ðấng Tạo Hóa và Ðấng Cứu Ðộ." (GH 31b).

Cũng thế, chúng ta thấy điều mà Công Đồng coi như là một trong những nguy cơ trầm trọng nhất của thời đại, tức là sự tách biệt đời sống đức tin khỏi cuộc sống đời thường, thì dường như từ xưa đến nay, vẫn là một nét "nổi nang" nhất trong bộ mặt của Giáo Hội Việt Nam:

"Công Ðồng khuyến khích các Kitô hữu, công dân của cả hai đô thị, hãy nỗ lực chu toàn cách trung thành những bổn phận trần thế của họ và chu toàn dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm. Thực sai lầm cho những ai đang khi biết rằng chúng ta không có một quê hương trường tồn ở trần thế và đang phải kiếm tìm một quê hương hậu lai để rồi vì đó tưởng rằng mình có thể xao lãng các bổn phận trần gian, như thế là không nhận thấy chính đức tin buộc phải chu toàn các bổn phận đó hoàn hảo hơn, mỗi người tùy theo ơn gọi của mình. Ngược lại, cũng sai lầm không kém đối với những ai nghĩ rằng có thể dấn thân hoàn toàn vào công việc trần thế như thể các công việc ấy hoàn toàn xa lạ với đời sống tôn giáo, vì cho rằng đời sống tôn giáo chỉ còn hệ tại những hành vi phượng tự và một vài bổn phận luân lý phải chu toàn. Sự phân ly giữa đức tin mà họ tuyên xưng và cuộc sống thường nhật của nhiều người phải kể vào số những sai lầm trầm trọng nhất của thời đại chúng ta".(MV 43a)

3.2 Thái độ phòng vệ


Một khía cạnh khác khiến cho người ta có ý thức không cân xứng là thái độ nhập cuộc mang đầy tính phòng vệ, phòng vệ vì một nét đạo lý, hoặc phòng vệ vì một lối tổ chức quen thuộc nào đó. Nếu một người sống được thái độ "hòa mình" với vận hành của cuộc sống, người ấy sẽ cảm nhận được sự trôi chảy của cuộc đời. Cuộc sống là một lịch sử, và lịch sử luôn biến chuyển. Biến chuyển không có nghĩa là đánh mất căn tính; ngược lại, chính trong biến chuyển mà sự sống mới được thể hiện một cách chân chính. Chính trong biến chuyển, sự sống mới hình thành được nét thống nhất như một "logos" (không phải là logique) căn để. Người sống ý thức phòng vệ giống như thái độ của một ông gác cửa nhà dòng: thay vì chọn thái độ như một người thay mặt nhà dòng để đón tiếp khách, thì ông ta lại luôn nghĩ tới chuyện bảo vệ nhà dòng khỏi những kẻ quấy rầy. Do đó mà những người có hoàn cảnh khác thường bị loại trừ.

Trong bản chất của đời sống con người ở trần gian, chính lịch sử là một "chiều kích thứ tư" của những thứ "không gian chân lý ba chiều". Ta có thể thấy rõ tầm quan trọng ấy khi nhận định rằng chính mặc khải của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu, như là mặc khải trọn vẹn nhất của Thiên Chúa cho con người cũng được đặt trong chiều kích thứ tư của thời gian:

"Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến". (Ga 16,13)

Một khi những ý tưởng chỉ được suy diễn ra từ một vài nguyên tắc nào đó mà không nhìn ra được cái toàn thể cuộc sự việc, thì chính trong dòng lịch sử, những ý thức không cân xứng ấy sẽ lộ mặt như một lực cản cho đà phát triển của cuộc sống, hoặc đánh mất đi cơ may tạo nên một bước ngoặt quan trọng trong vận hành của cuộc sống.

3.3 Thái độ giả hình


Về hệ quả, một ý thức không cân xứng thường đưa đến hiện trạng "giả hình". Nhiều khi giả hình không phải là một thái độ đánh lừa người khác, nhưng là đánh lừa chính mình. Khi không có đủ dũng khí để hội nhập vào vận hành của cuộc sống, người ta thường bám vào một vào một số quy định, một số luật lệ, và tự lấy làm an ổn với lòng mình. Những luật lệ và những quy định chính thức ấy thì khó có thể sai được. Tuy nhiên, những luật lệ và qui định thì vẫn có thể rơi vào tình trạng "bất cân xứng". Khi ấy, người bám vào luật lệ và qui định thường khi nhìn thấy một khía cạnh mà đánh mất tầm nhìn toàn bộ, và thái độ ấy sẽ rơi vào tình trạng không nhận ra những điều quan trọng mà lại cứ dưng dưng tự đắc như mình là hoàn toàn đúng. Đó chính là tình trạng giả hình của những người Biệt Phái mà Chúa Giêsu đã phải nặng lời khiển trách:
"Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ. Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà.
Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ. Hỡi người Pharisêu mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch. (Mt 23,23-26)

KẾT


Chỉ có một tiêu chuẩn để làm sáng tỏ ý thức không cân xứng, đó là để cho chính vận hành của cuộc sống sẽ mang lại một câu trả lời cụ thể. Những ý thức và những biện pháp không cân xứng chỉ sáng tỏ ra khi mà lịch sử trôi đi, để lại những bài học không thể chối cãi.

Trong giây phút hiện tại của cuộc sống, làm sao và ai có quyền quả quyết ý thức nào, biện pháp nào là không cân xứng? Câu trả lời của chúng ta chỉ có thể là Chúa Thánh Thần; chính Ngài dẫn dắt lịch sử nhân loại và lịch sử Giáo Hội; chính Ngài đưa Giáo Hội đến sự thật toàn vẹn của Chúa Kitô; và hơn lúc nào hết, Giáo Hội Việt Nam hôm nay cần tha thiết nguyện xin ơn soi sáng cũng như dám mở tâm hồn để đón nhận giải pháp của Ngài.
___  
[1] Bertrand Russell, Thế Giới Ngày nay và Tương Lai Nhân Loại, Nguyễn Hiến Lê dịch, Nxb Văn Hóa,1996