Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2018

ANH LA-DA-RÔ HÃY BƯỚC RA KHỎI MỒ ! (Ga 11,43)

Thời Sự Thần Học – Số 1, tháng 3/2010, tr. 59-78

Bài thuyết trình của cha Timothy Radcliffe cho KOVOSS/CORISS (COnfrence des unions des Religieux et des Instituts Sculiers de Suisse) nhân Cuộc gặp gỡ giữa các nam nữ tu sĩ, từ 12 đến 14- 9- 2003, ở Thụy Sĩ.
Cách đây mấy tháng, người ta đề nghị tôi thử nêu tiêu đề cho bài thuyết trình này, ngay lúc đó, tôi nghĩ đến câu: “Anh La-da-rô, hãy bước ra khỏi mồ!” Câu Kinh Thánh này chỉ vừa nảy lên trong đầu tôi! Khi bắt đầu công việc chuẩn bị cho buổi nói chuyện này, tôi cảm thấy lo lắng. Lẽ nào câu chuyện này có thể là một bản văn thích hợp giúp gợi lên một suy nghĩ nào đó về đời tu tại Thụy Sĩ, ngày nay? Nhưng, Thánh Thần đã ưu ái tôi quá đỗi. Tôi nghĩ rằng đây chính là một bản văn hoàn hảo để soi sáng cho một số những thách đố mà quý vị đang phải đối diện, ngày nay.

Trước tiên, bối cảnh của phép lạ này chính là tình trạng bệnh tật và chết chóc. Cả ba, Đức Giêsu, cô Mátta và cô Maria đều phiền muộn bởi nỗi đau về căn bệnh và cái chết của người bạn yêu dấu và cậu em trai. Đây cũng là nỗi đau mà nhiều người trong quý vị hiện diện nơi đây có thể cảm được khi đứng trước cuộc khủng hoảng về đời tu tại Thụy Sĩ. Ban tổ chức cuộc gặp gỡ này đã liên lạc và cho tôi vài thông tin về hoàn cảnh của quý vị. Họ viết cho tôi như sau: “Chắc chúng tôi chẳng cần phải kể ra vài thực tại cụ thể đang diễn ra dưới ‘sự tối tăm’ hay ‘sự ảm đạm’ của tình trạng chúng tôi … Tình trạng thiếu niềm hy vọng trước một tương lai không chắc chắn và việc không có ơn gọi; tình trạng mỏng dòn do sự già nua của các định chế cũng như của chính các thành viên chúng tôi; sự cực trí do những nghiên cứu liên quan đến tình trạng các cơ sở vật chất đã trở nên quá to lớn, bị bỏ trống từng phần, các mối bận tâm kinh tế cũng như tài chính, v.v.”

Tôi vô cùng khâm phục trước những lời phát biểu thẳng thắn về cuộc khủng hoảng mà quý vị đang phải đương đầu, đây cũng là điều mà nhiều hội dòng tại Tây Phương đang phải hứng chịu. Chúng ta biết rằng đời tu đã phải kinh qua nhiều lần khủng hoảng như thế trong quá khứ. Chúng tôi, những tu sĩ Đa minh, chúng tôi đã từng phải đương đầu với trận Dịch Đen, nó đã cướp đi sinh mạng của phần lớn anh em chúng tôi; vào thời Cải Cách của Anh em Thệ Phản và thời Cách mạng Pháp, số nhân sự của chúng tôi đã bị giảm sút. Và, sau Công Đồng Vaticanô II còn có một lần khủng hoảng nữa. Chúng tôi đã quen với những cuộc khủng hoảng. Chắc hẳn nhiều hội dòng sẽ bị suy yếu và thậm chí giãy chết trong những năm tới đây. Thật chẳng có lý do gì khiến chúng ta cảm thấy mình có lỗi hay tự vấn rằng mình đã làm điều gì sai trái. Tình trạng này vẫn thường xảy ra trong quá khứ. Có đến 62% trong tổng số các Dòng tu được thành lập trước năm 1800 đã mai một.[1] Có lẽ rằng một hội dòng chết đi bởi vì hội dòng đó đã chu toàn sứ mệnh của mình.

Cho dù chúng ta biết rõ như thế, nhưng khi phải đối diện với bệnh tật và chết chóc, thật khó mà hạnh phúc cho được. Chuyện anh La-da-rô có thể giúp chúng ta đôi chút. Thứ nhất, chúng ta nhận thấy một điều thật lạ kỳ, đó là Đức Giêsu đã để cho La-da-rô chết đi. Đáng lý ra Đức Giêsu đã có thể phục hồi sức khoẻ cho La-da-rô khi nghe tin anh lâm bệnh. Nhưng Đức Giêsu đã chủ ý đợi chờ cho La-da-rô chết đi: “Khi được tin anh La-da-rô lâm bệnh, Người còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở” (Ga 11,6). Cái chết này có một chủ đích, vì: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa; qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh” (Ga 11,4). Thiên Chúa cũng đang hiện diện trong thời điểm mong manh này của đời tu. Cách này hay cách khác, cũng giống như hai cô Mátta và Maria, chúng ta chẳng thể nào tưởng tượng được Thiên Chúa sẽ thực hiện một điều gì đó vì vinh quang Thiên Quốc thông qua những sự vụ như thế này.

Thứ hai, Đức Giêsu đã để mặc cho anh La-da-rô chết bởi lẽ anh là bạn Ngài. Thánh Gioan còn nhấn mạnh rằng Đức Giêsu rất thương yêu La-da-rô, ấy vậy mà Đức Giêsu lại để mặc cho anh phải trải qua cơn trọng bệnh và rồi sau đó là cái chết. Dường như chỉ với một người bạn Đức Giêsu mới có thể đòi hỏi việc chịu đựng cơn khủng hoảng chết người như vậy, với mong muốn Thiên Chúa có thể được tôn vinh. Đây là một đặc ân dành cho La-da-rô ngõ hầu anh có thể là một dấu chỉ sự sống. Bản văn này cho chúng ta thấy nhiều mối liên hệ giữa tình bạn và sự chết. Khi Đức Giêsu được tin La-da-rô chết, thì chính lúc đó Ngài lên đường đi Bêtania để thực hiện dấu chỉ này. Và “Ông Tôma, gọi là Điđymô (nghĩa là sinh đôi), nói với các bạn đồng môn: ‘Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy’ ” (Ga 11,16). Ông Tôma kêu gọi các môn đệ khác trung thành với Đức Giêsu để cùng chia sẻ cái chết của Ngài. Và, tất nhiên, vì Đức Giêsu đã phục sinh cho Ladarô mà những người Pharisêu sẽ quyết định Ngài phải chết. Như thế, tình bạn và sự chết có liên hệ với nhau. Đức Giêsu chết vì tình bạn của Ngài đối với chúng ta và, vì vậy, nếu chúng ta là bạn hữu Ngài, chúng ta cũng có thể chia sẻ cái chết của Ngài. Một số hội dòng của quý vị đây sắp suy yếu và thậm chí sắp chết. Đây là một điều vẫn còn thường thấy xảy ra trong dòng lịch sử Giáo Hội. Vẫn còn đó khả năng để sống kinh nghiệm này như một dấu chỉ của tình bạn đối với Đức Giêsu. Chúng ta có thể sống chính cái chết như vậy không phải chỉ như một dấu chấm hết, mà còn với tư cách là những người bạn được mời gọi để thông phần chính cái chết của Đức Giêsu. Thánh Têrêxa Avila đã nói điều này rồi: “Vì Đức Giêsu đối xử với các bạn hữu của Ngài như thế, nên chẳng có gì phải ngạc nhiên là Ngài có quá ít bạn hữu như vậy!”

Tôi vẫn còn nhớ trong chuyến viếng thăm một nữ đan viện tại Anh quốc hồi tôi còn làm Giám tỉnh của tỉnh dòng Anh. Một trong bốn nữ đan sĩ còn lại của đan viện này đã nói với tôi: “Thưa Cha, tôi đoan chắc rằng Thiên Chúa sẽ chẳng để cho đan viện này phải chết đi”. Một người anh em cao niên và thông thái đi cùng tôi đã đáp lại: “Chị ơi, Người đã để cho Con của Người phải chết”. Làm sao chúng ta có thể trở nên nhân chứng cho cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô nếu chúng ta không dám đối diện với cái chết của chúng ta, cái chết của từng cá nhân và ngay cả cái chết của những hội dòng vô cùng thân thương của chúng ta? Vì vậy, vẫn có thể dùng cách ôm hôn chính cái chết như thế như một chia sẻ chính con đường của Đức Kitô. Một số những hội dòng và những đan viện nào đã ở vào giai đoạn không còn có thể hồi sinh được nữa, việc tiếp nhận những người trẻ vào cộng đoàn có lẽ là việc làm vô trách nhiệm. Các hội dòng đó phải dám can đảm quyết định chết đi trong danh giá và niềm tín thác vào Đức Chúa. Điều đó có thể là một lời rao giảng Tin Mừng.

Cơn cám dỗ, đó chính là chúng ta cứ tìm cách để tồn tại bằng bất cứ giá nào, bởi lẽ chúng ta không dám đối diện với cái chết. Điều đó có là một dấu chỉ cho niềm tin vào Đức Chúa của phục sinh chăng? Chẳng ai muốn vào sống trong một hội dòng với ước mong rằng hội dòng ấy có cơ may tồn tại, bởi vì hội dòng đó đang sợ chết. Vấn đề then chốt không phải là chuyện tồn tại, nhưng là sứ vụ mà vì đó các hội dòng đã được thành lập. Phải chăng sứ vụ này đã được hoàn tất? Trong trường hợp này, có thể là chúng ta đã chu toàn điều mà Đức Chúa mong muốn và chúng ta có thể chết được rồi. Còn nếu sứ vụ đó vẫn chưa được hoàn thành, chúng ta phải tự hỏi liệu Thiên Chúa còn cần chúng ta cho sứ vụ đó nữa thôi, hay giờ đây anh chị em giáo dân đã có thể đảm đương được sứ vụ đó.

Khi Đức Giêsu nói với Mátta rằng La-da-rô sẽ sống lại, thì cô thưa: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết” (Ga 11,24). Mátta đã bộc lộ một niềm tin chung về sự sống lại trong tương lai. Tuy nhiên, cô chẳng thể ngờ được rằng sự Sống Lại hiện đang đứng bên cạnh cô, ngay trong chính con người của Đức Giêsu. Ngài chính là sự sống vĩnh cửu! Sự chết và phục sinh, chính là điều mà cô Mátta được mời gọi để sống ngay tại đây và ngay lúc này, chứ không phải trong ngày sau hết. Cũng thế, chúng ta có thể được mời gọi để chịu đựng sự chết ngay lúc này. Bởi chưng, nếu Đức Giêsu đang hiện diện ở đây bây giờ, một cách nào đó, mà chúng ta không tưởng tượng nổi, sự phục sinh cũng đang có đấy rồi. Nếu Đức Kitô đang hiện diện giữa chúng ta, thì vinh quang Phục Sinh hiện đang toả sáng bây giờ. Nhưng câu chuyện về anh La-da-rô cho thấy rằng vinh quang Phục Sinh chỉ có thể tràn vào ngay bay giờ một khi có cái chết: cái chết trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, cái chết của mỗi phận người và, đôi khi, cả cái chết của các cơ sở của chúng ta. Và, ngay cả khi chúng ta được ban cho nhiều ơn gọi, chúng ta luôn cần phải biết sống cái nghệ thuật chết (ars moriendi). Chúng ta phải buông lơi những dự phóng, phải trao phó các định chế vào tay những người trẻ, họ sẽ có một số ý tưởng và các ưu tiên khác với chúng ta, và xem ra họ sẽ làm xáo trộn những gì mà chúng ta đã thực hiện. Khi đó, sự Phục Sinh sẽ hiển hiện.

Câu chuyện về anh La-da-rô còn cống hiến một chỉ dẫn thứ ba về việc đương đầu với cái chết. “Thấy cô khóc, và những người Dothái đi với cô cũng khóc, Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến” (Ga 11,33). Động từ Hylạp em-bri-mas-thai mà Pháp ngữ chuyển dịch là “frémir”, nghĩa là “thổn thức”, mang một nghĩa rất mạnh. Raymond Brown, có thể được coi là một chuyên gia hàng đầu về Thánh Gioan của thế kỷ XX, nói rằng động từ Hy-lạp này biểu thị “một diễn tả rõ ràng về sự giận dữ”[2]. Cái chết của La-da-rô làm cho Đức Giêsu giận dữ. Ngài biết La-da-rô sẽ được cho sống lại và các bạn hữu của anh sẽ được an ủi, dù vậy Ngài vẫn xao xuyến và nổi giận. Sự kiện về cái chết này làm cho Ngài nổi giận. Chúng ta có thể tin rằng chúng ta được mời gọi để chia sẻ cái chết của Đức Giêsu và hành động chia sẻ như vậy là một hành vi của tình bạn. Chúng ta có thể tin tưởng rằng Thiên Chúa đang hiện diện trong toàn bộ sự kiện nêu trên theo những dạng thức mà chúng ta không thể thấu hiểu được. Nhưng bất chấp mọi điều đó, khi đứng trước cái chết - cái chết của hội dòng chúng ta, đan viện chúng ta hoặc các cơ sở học đường của chúng ta - chúng ta vẫn cứ nổi giận.

Một đồng nghiệp của tôi, anh Herbert McCabe, đã viết: “Sự chết, sự chết của con người là một lăng nhục … Đa phần người ta đều đồng ý rằng có một điều gì đó gây sốc trong cái chết của một trẻ thơ, vì em đâu còn có cơ may để khai triển toàn thể chu kỳ sống của em với tính cách là một con người; nhưng tôi nghĩ rằng, một cách nào đó, mỗi cái chết đều cắt ngang một lịch sử vốn hàm chứa vô vàn khả thể … Chúng ta có quyền nổi giận trước vấn đề sự chết và cơn giận dữ chiếm phần đáng kể trong nỗi đau do cái chết mang lại. Và chúng ta có quyền nổi giận với Thiên Chúa”[3]. Chúng ta có thể trải nghiệm cơn giận dữ này không chỉ khi đứng trước cái chết của con người, mà còn trước sự suy yếu hay cái chết của những cơ sở và những hội dòng mà chúng ta đã dâng hiến cuộc đời mình trong đó. Chúng ta có thể yêu quý những hội dòng, những trường học và những bệnh viện của chúng ta như những người bạn, và chúng ta sẽ nổi giận trước sự kiện phải đóng cửa chúng. Cơn giận này có thể là thiện hảo! Chúng ta chẳng thể nào lãnh hội được vẻ diệu huyền của sự phục sinh nếu chúng ta đã không bị đánh quỵ bởi sự xáo trộn do cái chết đem lại. Chúng ta không thể nào nhìn thấy hết mọi góc cạnh của hồng ân sự sống vĩnh hằng nếu chúng ta đã không bị xúc động bởi nỗi tang thương của cái chết.

Vì thế, trong giờ phút này, chúng ta cần phải giúp đỡ nhau đối diện với cơn giận dữ và nỗi phiền muộn mà chúng ta đang phải trải nghiệm trước cuộc khủng hoảng của đời tu. Giả như một cộng đoàn hay một hội dòng đang chết dần, chúng ta phải giúp nhau chịu tang (faire le deuil). Chúng ta phải tìm những phương thế để tôn vinh những gì đã được thực hiện và để bảo tồn kỷ niệm về những gì đã được làm. Nếu chúng ta không trao hiến cho nhau thời gian để làm điều này, người này cho người kia, chúng ta có nguy cơ trở thành những kẻ điếc trước tiếng hô vang: “Anh La-da-rô, hãy bước ra khỏi mồ!”

“Anh La-da-rô, hãy bước ra khỏi mồ”, theo đúng nghĩa thì đây là một ơn gọi. Đức Giêsu đã gọi La-da-rô bằng chính danh tánh của anh. Nếu chúng ta mong muốn thấu hiểu xem lời này có ý nghĩa gì đối với chúng ta, đối với việc sống ơn gọi tu trì của chúng ta, chúng ta cần phải hỏi xem lời đó có ý nghĩa gì đối với việc Đức Giêsu gọi mỗi hiện hữu nhân linh bước ra khỏi mồ. “Hãy bước ra khỏi mồ Timothy, Jean-Claude, Suzanne, Grégoire, v.v.!” Mỗi hiện hữu nhân linh có thể cùng với ngôn sứ I-sai-a thốt lên rằng: “Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi” (Is 49,1)[4]. Chúng ta được gọi bước ra khỏi cái “phi hiện hữu” (“non-existence”). Nhưng giọng nói này vẫn không ngừng gọi chúng ta, có khi theo cách ồn ào và cũng có khi lại giống như một “giọng nói khẽ dịu dàng”, như trong trường hợp đối với ngôn sứ Êlia. Giọng nói này gọi từng hiện hữu nhân linh hãy rời bỏ lòng mẹ để vào tuổi ấu thơ, giã từ tuổi ấu thơ để vào giai đoạn trưởng thành, giã từ sự sa ngã và tội lỗi để trở về với sự sống, và rời bỏ nấm mồ mà chúng ta đang xây dựng. Một cuộc sống con người được nhào nặn bằng sự chú tâm không ngừng theo giọng kêu mời này “Hãy đi ra, bước ra!”

Cái gì phân định ơn gọi tu sĩ chúng ta? Liệu ơn gọi đó có đặc biệt về một khía cạnh nào đó chăng? La-da-rô không phải chỉ là một người đã được Đức Giêsu đưa trở lại trong sự sống. Anh còn là một dấu chỉ, ngõ hầu vinh quang Thiên Chúa được mặc khải. Anh là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa gọi từng hữu thể nhân linh vào sự sống như thế nào. Tôi nghĩ rằng La-da-rô chỉ ra cái gì là đặc biệt đối với ơn gọi của chúng ta với tư cách là những tu sĩ. Ơn gọi tu trì là một dấu chỉ của ơn gọi làm người. Chúng ta được mời gọi không phải để sống một đời sống mang một ý nghĩa hoàn toàn đặc quyền, nhưng thuần tuý và đơn giản để chỉ ra đâu là ơn gọi của mỗi con người. Và chúng ta thực hiện điều này ở chỗ chúng ta chọn không quan tâm tới những tiêu chuẩn thông thường của căn tính con người: giàu sang phú quý, địa vị xã hội, chức nghiệp và thậm chí là gia đình. Những lời khấn lột trần trụi chúng ta hầu làm lộ ra cái gì là lời đáp trả căn bản của con người cho Đức Chúa Đấng đang kêu: “Hãy bước ra khỏi mồ, hỡi tất cả các bạn, nam cũng như nữ!” Cùng một cách với việc chúng ta đọc nơi chuyện anh La-da-rô để thấy Đức Giêsu gọi tất cả chúng ta vào trong sự sống như thế nào, thì có lẽ người đời phải đọc nơi đời sống thánh hiến lạ thường của chúng ta để nhận ra ơn gọi phổ quát của nhân loại trong việc thưa xin vâng với Thiên Chúa.

Không phải chỉ có chúng ta mới là những dấu chỉ. Những người sống đời đôi bạn cũng là những dấu chỉ, và cả mọi Kitô hữu đã lãnh phép rửa nữa. Chẳng có cạnh tranh ở đây! Tôi đã trình bày tư tưởng này trong cuốn Que Votre joie soit parfaite[5]. Trong cuốn sách đó, tôi đã mượn một “con đường tiêu cực” (“via negativa”) khi gợi ý rằng chính nhờ ngang qua những gì mà chúng ta không có, chúng ta làm chứng về vận mệnh của nhân loại. Nhưng tôi không muốn lặp lại những gì mình đã nói. Quý vị chỉ còn cách là phải đi mua cuốn sách đó! Hôm nay, tôi sẽ mượn một “con đường tích cực” (“via positiva”) để xem làm thế nào chúng ta có thể làm cho ơn gọi của mình được nhìn thấy. La-da-rô đã ra khỏi mồ để vào trong ánh sáng. Làm thế nào chúng ta có thể đưa ra ánh sáng ơn gọi phổ quát này của nhân loại?

Việc La-da-rô trở thành một dấu chỉ có ý nghĩa gì? Điều này trả cho quyền lực của Tin Mừng tính khả thị (visible). Sự sống lại của La-da-rô đã đẩy nhanh mối xung đột giữa hai loại quyền lực: quyền lực của Đức Giêsu và quyền lực của người Rôma cũng như các thủ lãnh tôn giáo là những người sẽ tìm cách giết Ngài. Sự sống lại của La-da-rô chỉ cho chúng ta thấy đâu là bản chất của quyền lực của Đức Giêsu. Đó chính là thứ quyền lực của những dấu lạ mà Ngài thực hiện. Việc phục sinh cho La-da-rô là dấu lạ thứ bảy của Tin Mừng theo thánh Gio-an. Và các dấu lạ đó đã làm cho những người Pharisêu đầy ắp nỗi kinh hoàng [Vậy các thượng tế và các người Pharisêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói]: “Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá hủy cả Nơi Thánh của ta lẫn dân tộc ta” (Ga 11,47-48). Vì thế, những người Pharisêu và những người Rôma sẽ đáp trả lại bằng một thứ quyền lực khác, đó là quyền lực của sức mạnh. Còn quyền lực của Đức Giêsu thì mang tính biểu tượng. Đó chính là quyền lực của ý nghĩa. Đó là sự chia sẻ quyền năng của Thiên Chúa Cha, Đấng phán một lời và lời đó trở thành hiện thực. Hãy có ánh sáng và ánh sáng đã xuất hiện. Đây chính là điều mà thánh Maximô hiển tu đã gọi là “sức mạnh khôn lường của thượng trí”[6]. Như vậy, các phép lạ Đức Giêsu thực hiện không phải là những công trình do các sức mạnh ma thuật! Các phép lạ có được quyền năng là do chính điều mà chúng công bố. Quyền lực của những nhà cầm quyền tôn giáo và chính trị là quyền lực của sức mạnh thô bạo: quyền bắt Đức Giêsu, tống ngục và giết Ngài.

Cách đây một năm, khi còn ở thành phố Cairô bên Aicập, tôi đã đi thăm một xó góc của thành phố này, nơi mà chẳng có mấy du khách đặt chân đến. Xó góc này có tên là Mukatam, một khu vực của những người nhặt rác. Người ta nói với tôi rằng có khoảng từ 300.000 - 400.000 người sinh sống tại đây, đa phần là dân Kitô giáo. Sáng nào cũng thế, dân chúng đánh những cái xe thô sơ hay những con lừa đi thu gom rác thải của thành phố, rồi mang về nhà để phân loại. Họ kiếm coi có thứ nào có thể thu hồi và bán được. Đây là nơi dơ dáy nhất, gây buồn nôn nhất, gây thất vọng nhất mà tôi đã từng thấy. Những người ở đây có vẻ như nửa sống nửa chết vậy. Thậm chí, cả bọn trẻ đang đá banh trên đường phố cũng có cái nhìn đờ đẫn như thể không hồn và di chuyển chậm chạp làm sao.

Nhưng phía sau lưng khu ổ chuột đó đang sừng sững các vách đá bằng sa thạch khổng lồ. Trên những vách đá này, một điêu khắc gia người Balan đã dành trọn đời mình để chạm trổ những bức phù điêu to lớn mô tả Đức Kitô Phục Sinh đang được siêu thăng trong vinh quang vào ngày lễ Hiện Xuống. Ngay giữa cái nơi bẩn thỉu đó, quý vị có thể hướng mắt lên và nhìn thấy những hình ảnh của vinh quang Thiên Chúa. Mỗi ngày, khi những người nhặt rác trở về nhà trong khu vực cáu bẩn và hôi thối đó, họ có thể nhìn thấy, trên các vách đá kia, những hình ảnh hứa ban sự sống và ánh sáng. Đức Chúa của sự Phục Sinh đã không lãng quên họ. Những người con của các kho chứa rác đó, họ là con cái Thiên Chúa. Họ được hứa cho hưởng vinh quang.

Chúng ta là những tu sĩ, chúng ta được kêu gọi để trở nên những dấu chỉ quyền năng về sự sống. Và điều này được thể hiện ngang qua ý nghĩa về cái gì chúng ta là và cái gì chúng ta làm. Không mấy quan trọng nếu như chúng ta không đông, yếu kém hoặc già nua. Chúng ta đã bị mất các loại quyền lực, như quyền lực của sự giàu có và quyền lực để cai quản những cơ sở đồ sộ, việc đó nào có ý nghĩa chi. Chúng ta có một quyền lực có sức ban sự sống, quyền lực hiện hữu và trở thành hiện thân của những dấu chỉ Nước Trời. Các dấu chỉ này giúp cho Thiên Chúa trong việc công bố một lời có khả năng cứu độ và làm biến đổi [con người]. Một nhóm nhỏ các anh em hay chị em nghèo khổ, già nua và bệnh tật vẫn có thể trở thành một dấu chỉ quyền năng về sự sống. Hãy nhớ đến Mẹ Têrêxa, một người đã làm cho cả thế giới chuyển động. Hãy nhớ đến chàng sinh viên yếu ớt nhỏ bé đứng cản trước một chiến xa trên quảng trường Thiên An Môn [năm nào]. Bởi vì, một bên, anh ta thật nhỏ bé và yếu ớt, trong khi, bên kia, cỗ chiến xa lại là một lực lượng mạnh mẽ, nên hình ảnh đó đã lên tiếng và đã gây sốc cho toàn thể nước Trung Hoa.

Có thể những gì chúng ta thực hiện được chỉ là nhỏ bé và chỉ vừa đủ để được nhìn thấy. Cách đây bốn tháng, tôi đã viếng thăm một dưỡng đường dành cho những người mắc bệnh SIDA tại PhnomPenh, do một linh mục Mỹ tên là Jim điều hành. Jim chẳng còn trẻ trung gì nữa và ngài phải đánh vật để học biết tiếng Khmer. Tôi đã từng thăm nhiều dưỡng đường thuộc loại này khắp thế giới, nhưng chưa bao giờ tôi chứng kiến những gương mặt hốc hác đến thế. Chỉ một số ít người là có khả năng hồi phục đủ sức lực để trở về lại gia đình mình trong một khoảng thời gian ngắn. Hầu hết họ đến đây để chết. Tại dưỡng đường này, tôi đã chăm chú nhìn gương mặt dường như chỉ còn da bọc xương của một anh bạn trẻ mà người ta đang gội đầu và cắt tóc cho anh, tôi nhận thấy gương mặt của anh phản chiếu một sự bình an quá đỗi sâu sắc đến nỗi tôi đã phải bật khóc. Và, có lẽ, thật quá dễ để tự vấn xem những chuyện như thế có làm nên điều gì khác trong dòng lịch sử: một số ít người chỉ sống trong một khoảng thời gian tương đối ngắn rồi sau đó chết đi trong phẩm giá. Nhưng, thưa anh chị em, chính cộng đoàn bé nhỏ đó đã nói lên một lời thánh hiến xây dựng Nước Trời.

Sự kiện chúng ta là những con người bé nhỏ và không quan trọng có thể lại càng làm cho những dấu chỉ của chúng ta có sức biểu tỏ mạnh mẽ hơn nhiều. Hãy nhớ lại chuyện ông Ghít-ôn! Thiên Chúa đã giảm quân đội của ông xuống chỉ còn một nhóm rất nhỏ gồm ba trăm người ngõ hầu vinh quang của Đức Chúa có thể chiếu toả ngang qua cuộc chiến thắng trước những kẻ thù của Ít-ra-en. Có thể, Thiên Chúa thu nhỏ chúng ta lại hầu cho vinh quang của Đức Chúa có thể toả rạng ngang qua chúng ta. Như điều thánh Phaolô đã nói, chính khi chúng ta yếu đuối là lúc chúng ta mạnh mẽ.

Thấu hiểu được những điều như thế quả là điều không dễ chút nào đối với chúng ta, khi mà chính sức mạnh của quân sự, của tiền bạc đang thống trị thế giới này, và những thế lực này vẫn còn tiếp tục thống trị thế giới như chúng ta vừa chứng kiến trong cuộc chiến chống lại I-rắc. Hôm nay đây chúng ta đang sống trong bóng đêm của cuộc Cách mạng Kỹ nghệ, đây là sự biểu hiện của tình trạng nô lệ hóa trước những quyền lực: quyền lực của máy hơi nước và than đá, quyền lực của điện khí và, cuối cùng, quyền lực của khả năng phân chia các hạt nhân nguyên tử. Như thế, những dấu chỉ và những biểu tượng xem ra không còn có thể kiến hiệu đối với chúng ta. Đó chỉ là những tư tưởng, những thứ gì đó có trong đầu chúng ta mà thôi chứ không phải là thế giới thực hữu. Như Staline đã từng hỏi xem Đức Thánh Cha có bao nhiêu sư đoàn?

Nhưng hôm nay chúng ta đang đi vào trong một thế giới mới, một ngôi làng toàn cầu của Thế giới Mạng (World Wide Web; la toile Internet). Trong cái thế giới mới này, những cái đang di chuyển không phải chỉ toàn là những đồ vật to nặng cồng kềnh như những chiếc xe hơi hay sắt thép, nhưng còn là những dấu chỉ, những biểu tượng và những tư tưởng. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà người ta đã gọi là “một xã hội đầy ứ những biểu tượng”[7], những lôgô, những nhãn hiệu chế tạo. Những nhà quảng cáo biết rằng hiện nay chúng ta tiêu thụ không nhiều các sản phẩm bằng những biểu tượng văn hoá[8]. Như thế chúng ta đang bước vào trong một thế giới mới, Thế Giới Mạng, mà trong đó, với tư cách là những tu sĩ, chúng ta có thể là những dấu chỉ quyền năng nếu chúng ta giàu trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo về thế giới đó. Thế giới mới này đang chín muồi đủ để cho chúng ta làm cho vinh quang của Đức Chúa trở nên khả thị (visible) trong nó.

Những nhà tổ chức cuộc thuyết trình này đã chọn chủ đề là ánh sáng, tầm nhìn. La-da-rô đã được triệu ra khỏi bóng tối để vào trong ánh sáng. Anh bị che lấp trong huyệt mộ và giờ đây anh đang được người ta nhìn thấy. Nếu chúng ta cần phải trở nên những dấu chỉ Nước Trời, chúng ta phải trở nên khả thị trong ngôi làng toàn cầu đầy những nhãn hiệu và lô-gô. Nhưng đối với chúng ta, tính khả thị này còn đòi hỏi nhiều hơn cả sự dễ nhận thấy của một lô-gô nữa. Khi còn là Giám tỉnh của Tỉnh dòng Anh, tôi đã tin tưởng nhiều nơi sự cổ động của biểu tượng con chó của anh em Đa Minh, con chó đang ngậm trên miệng nó một bó đuốc đang cháy. Chúng tôi là Domini canes, những con chó của Đức Chúa. Quý vị có thể nhìn thấy biểu tượng này trong tất cả các giáo đường của Anh em Đa Minh tại Mỹ châu La-tinh. Người ta bảo các con chó này đang hút những điếu xì-gà khổng lồ. Tôi đã dán biểu tượng này trên tất cả các sản phẩm Đa Minh: trên những tạp chí xuất bản định kỳ, các áo thun, các công trình kiến trúc … May thay, điêu khắc gia nổi danh Eric Gill, một giáo dân Đa Minh, đã tạc được một bức hình tuyệt vời về chú chó Đa Minh mà chúng tôi đã sử dụng. Đó là một chú chó được phú ban cho rất nhiều và cũng đã phải chịu đựng đôi chút phẫu thuật! Nhưng chúng ta sẽ nghiên cứu một hiển thị tính (visibilité) rạng rỡ hơn nữa, tính hiển thị đó có trong ý nghĩa của điều gì chúng ta làm.

Ý nghĩa nào mà chúng ta được kêu gọi để thể hiện, ngày nay? Làm thế nào chúng ta có thể trở nên những dấu chỉ trao ban sự sống? Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Anh La-da-rô, hãy bước ra khỏi mồ!” Ở đây còn có một điều gì đó hơn cả sự hồi sinh đơn thuần của một xác chết. Sự sống còn có cái gì đó hơn cả điều kiện thể lý mà thôi. Câu chuyện về anh La-da-rô gợi đến hai hình thái hiện hữu sống động mà chúng ta có thể làm cho khả thị, ngày hôm nay. Hình thái thứ nhất là sự khải hoàn của niềm vui trên nỗi muộn phiền. Và, thứ hai là việc trao trả anh La-da-rô lại cho các chị em và bạn hữu của anh. Chúng ta, những tu sĩ, chúng ta được kêu gọi để trở thành những dấu chỉ Nước Trời ngang qua nỗi mừng vui và ngang qua cộng đoàn.

Thánh Gio-an lần lượt nhấn mạnh đến nỗi buồn phiền và sự sầu muộn của Đức Giêsu, cô Maria, cô Mátta rồi đến các bạn hữu của La-da-rô. Bệnh tật và sự chết mang nỗi muộn phiền tới. Sự sống lại của La-da-rô đánh tan sự sầu muộn và cho chúng ta nếm trước niềm vui Nước Trời. Những dấu chỉ và biểu tượng của Thế Giới Mạng cũng hứa hẹn mang lại niềm hạnh phúc, sự thỏa mãn, và sự sung mãn cho cuộc sống con người. Ở bên Anh, có một bảng quảng cáo như sau: “Niềm hạnh phúc là hút một điếu xì-gà Hamlet!” Niềm hạnh phúc là bia rượu quý vị uống, là quần áo quý vị mặc và là xe hơi quý vị điều khiển. Mua một đôi giày hiệu Nike là mua một cái gì đó còn hơn cả một cái gì để mang. Điều đó cũng tương tự như việc trở thành một nhân vật đặc biệt, một thành viên của một nhóm người nào đó. Phó chủ tịch của tập đoàn Nike đã nói rằng: “Chúng tôi luôn tìm cách mô tả nhãn hiệu của chúng tôi như thể một nhân vị. Vậy nhân vị đó là ai? Một nhân vị mà với anh ta các bạn sẽ yêu thích thoát ra khỏi mọi luật lệ. Trước tất cả, anh ta phải là người thích vui đùa … Như thế, những gì chúng tôi thực hiện chính là xây dựng một nhân cách. ”[9]

Nếu chúng ta phải trổ hoa và khả thị trong thế giới này, thì điều đó sẽ phải diễn ra bởi vì chúng ta trở thành hiện thân của một niềm hạnh phúc không thể giải thích được và mang tính gọi mời. Hạt giống ơn gọi đầu tiên đã được gieo vãi vào trong đầu óc tôi là nhờ một ông cậu già hơi lập dị, tu dòng Biển Đức. Bởi vì ông là một người vui tươi nhất mà tôi chưa từng gặp mỗi khi mẹ tôi nhớ cho ông một ly whisky to tướng ban đêm. Và có khi ông không muốn đi ngủ, mẹ tôi đã để một ly rượu khác trên đầu cầu thang để dụ ông lên lầu đi ngủ! Chúng ta không thể là những nhà thuyết giảng Nước Trời nếu chúng ta không hạnh phúc. Triết gia Nietzsche đã từng nói rằng ai theo Đức Giêsu nên tỏ vẻ là chỉ còn một tí nữa thì mình được cứu độ. Và ngay khi còn trẻ con tôi đã có thể hiểu rằng niềm vui như thế, dưới hình thức này hay hình thức khác, phát sinh từ cung cách sống gây ngạc nhiên này: nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục.

Những lời khấn này sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chừng nào chúng chưa biến chúng ta thành những con người có khả năng cống hiến hương vị của niềm vui siêu việt vượt trên tất cả mọi vui thú mà Thế Giới Mạng đang khoe khoang cách quá đáng. Đây là một hương vị được hưởng nếm trước của niềm vui Nước Trời. Chân phước Raymond de Lulle, một tu sĩ dòng Phansinh thế kỷ XIII, đã viết: “Lạy Đức Chúa, chính bởi vì Ngài đã đặt vào trái tim con một nỗi mừng vui khôn tả như thế, nên con cầu xin Ngài, hãy trải rộng niềm vui này trên toàn thể con người con, hầu để cho gương mặt con, đôi mắt con, miệng lưỡi con, đôi tay con và tất cả mọi chi thể của con đều cảm thấy niềm vui khôn tả này. Lạy Vua các vua, Đức Chúa vĩ đại và cao cả, khi con nhớ đến sự sống đời đời, khi con chiêm niệm sự sống đó, thì con được chìm ngập trong niềm vui sướng. Biển cả cũng chẳng thể nào tràn ngập nước cho bằng con đây được tràn ngập niềm vui. ”

Sự vâng phục sẽ chẳng có ý nghĩa gì hết nếu vâng phục không phải là niềm vui để tự do dâng hiến cuộc đời mình. Một anh em Đa Minh của tôi, anh Jean-Jacques Pérènnes, đã từng làm việc 12 năm trời tại Algérie với tư cách là một vị quản lý. Một ngày kia, anh được Giám tỉnh mời trở về Pháp để làm công tác giảng dạy tại Đại Học Công Giáo Lyon. Lúc đầu, sứ vụ này đã làm anh chìm ngập trong nỗi kinh hoàng cho đến khi, bỗng nhiên, anh cảm nếm được niềm vui vì đã dâng hiến cuộc đời mình. Theo phong cách Pháp, anh đã đi mua một chai rượu sâm-banh để uống mừng cho sự tự do của những lời khấn của mình. Anh đang ổn định tại Lyon, lòng tràn hạnh phúc, khi tôi điện thoại cho anh và đề nghị anh đến Rôma để làm Phụ Tá đặc trách Sinh Hoạt Tông Đồ cho tôi. Anh đã yêu cầu để cho anh suy nghĩ trong vòng một tháng. Tôi đã gợi ý rằng có lẽ anh nên quyết định trong vòng một ngày thôi. Và, lại một chai sâm-banh nữa! Hiện bây giờ anh Jean-Jacques đang là Bề Trên Dự Tỉnh của Dự Tỉnh Ả-rập. Anh đã đề nghị tôi sang sống một thời gian tại I-rắc để giúp cho việc thiết lập một tập viện tại đó. Dĩ nhiên rồi, tôi đã nhận lời. Lại một chai sâm-banh nữa!

Sự biện minh duy nhất có thể của lời khấn khiết tịnh đó là lời khấn này làm cho chúng ta trở nên những người hạnh phúc. Ít ra đây là quan điểm của thánh Âu-tinh[10]. Ngài đã hỏi: "Một cách có ý thức, có ai lại đi ôm ấp điều gì đó vốn không làm cho mình vui lòng?”[11]. Một tác giả nào đó – tôi đã quên mất là ai – đã viết rằng nếu Freud nghĩ rằng toàn bộ ngôn từ nói về Thiên Chúa đều liên quan đến tính dục, thì thánh Âu-tinh lại nghĩ toàn bộ ngôn từ nói về tính dục có liên quan đến Thiên Chúa. Khiết tịnh là lối vào trong niềm vui trọn vẹn và bất khả hiểu thấu của Chúa Cha trong Chúa Con và Chúa Con trong Chúa Cha, niềm vui này là chính Thần Khí. Quả thực cần phải có thời gian để phát giác ra một số thú vui khó bỏ. Tôi đã ghiền rượu whisky trong nhiều năm, nhưng bây giờ tôi đã bỏ được. Tôi vẫn đang cố gắng luôn luôn thực hành đức khiết tịnh.

Niềm vui trọn vẹn như thế đã là bước khởi đầu sứ vụ của Đức Giêsu với phép rửa Ngài nhận, lúc Ngài thấu được niềm vui của Chúa Cha nơi bản thân Ngài. Tôn sư Eckhart đã viết rằng, nội tại trong cuộc sống Thiên Chúa, có nụ cười trào dâng này, “Chúa Cha tươi cười với Chúa Con và Chúa Con tươi cười với Chúa Cha, sự tươi cười sinh ra sự vui thích, và sự vui thích sinh ra niềm vui rồi niềm vui sinh ra tình yêu.”[12] Chúng ta được đặt định để tìm thấy chính bản thân mình trong niềm vui thích hỗ tương này. Khiết tịnh sẽ trở thành một thứ dồn nén khó chịu và nặng nề chừng nào người ta vẫn chưa sống khiết tịnh như thể một sự tràn trề chan chứa của niềm vui Thiên Chúa trên mọi con người. Lời khấn khiết tịnh phải đào luyện chúng ta trở thành những con người biết đem niềm vui thích đến cho tha nhân, niềm vui thích trọn vẹn và chan chứa mà Chúa Cha mang đến cho chúng ta, niềm vui mà Thiên Chúa có được nơi tất cả mọi người trong Con của Ngài. Khiết tịnh chỉ đơn thuần là một cách thế sống để mang niềm vui thích đến cho người khác. Và chúng ta chỉ cần nhìn xem gương thánh Phanxicô và thánh Đa Minh để nhận thấy nơi các ngài một sứ vụ tình yêu vui tươi với đức khó nghèo.

Vậy, chúng ta hãy làm cho mình khả thị bằng mọi phương tiện. Hãy là những lô-gô, hãy lên tiếng trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng, tính hiển thị mà chúng ta cố đạt cho được phải là một điều gì hơn cả một gương mặt nào đó đang tươi cười trên những tờ áp-phích. Chúng ta phải làm cho người khác cảm thấy một niềm vui vượt quá những ngôn từ và trí tưởng tượng. Trong một thế giới đã mất hết hoài bão, người ta có thể nghe thấy một giọng nói, chính là giọng nói trên thập tự: “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” Đây chính là một niềm vui làm cho các thú vui bởi các sản phẩm của Thế Gíới Mạng phải bộc lộ tính hạn chế của chúng.

Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Anh La-da-rô, hãy bước ra khỏi mồ!” Đức Giêsu triệu La-da-rô vào cõi sống, nghĩa là trở về với hai cô chị và các bạn hữu của anh. Còn sống, chính là thuộc về [ai đó] (appartenir). Cái chết không chỉ mang đến nỗi buồn sầu, mà còn phá hủy các mối liên hệ của chúng ta với những người mà chúng ta thuộc về họ. Là những tu sĩ, chúng ta cũng là anh chị em của nhau, còn hơn cả tình anh em chị em của La-da-rô nữa kia! Việc thuộc về nhau như thế có thể là một dấu chỉ Nước Trời. Sự thuộc về (l’appartenance) này có thể nói về tình huynh đệ tối hậu của nhân loại trong Đức Kitô. Ở đây cũng vậy, có thể chúng ta là một dấu chỉ mang tính mời gọi trong Thế Giới Mạng.

Thế Giới Mạng không chỉ hứa hẹn niềm hạnh phúc, những sản phẩm của thế giới này còn cống hiến cho chúng ta cả một cộng đồng để chúng ta được thuộc về nó. Mua một cái bánh Hamburger của McDonald không chỉ là có trong tay một cái gì đó để ăn, nhưng đó còn là sự gia nhập vào cộng đồng của những người ăn bánh Hamburger trên toàn thế giới; chính là chia sẻ với một thế giới nào đó. Peter Berger, đã phát biểu mô phỏng theo một câu của Freud: “Đôi khi, một cái bánh Hamburger chỉ là một cái bánh Hamburger mà thôi. Nhưng trong những trường hợp khác, việc mua một cái bánh Hamburger lại là một dấu chỉ khả thị về sự tham dự, (la participation) thực tế hay tưởng tượng, vào tính hiện đại toàn cầu, đặc biệt khi mà việc mua bánh này lại diễn ra dưới những hình ảnh được trang hoàng lộng lẫy của một nhà hàng McDonald.”[13] Burger King hiện đang điều hành một Câu Lạc Bộ dành cho Trẻ Em (un Club pour Enfants), với nhiều chi nhánh hiện có mặt tại 25 quốc gia và với khoảng 4.000.000 thành viên, hơn cả số nam nữ tu sĩ trên toàn thế giới. Một đại diện của ông đã nói: “Chúng tôi muốn lưu giữ tinh thần và tâm hồn của bọn trẻ và chúng tôi sẽ gìn giữ chúng cho đến khi chúng được 60 tuổi.”[14] Còn chúng ta tuyên khấn cho đến chết! (usque ad mortem !)

Nếu như quý vị không có tiền để gia nhập vào cộng đoàn những người hạnh phúc kia, quý vị vẫn có thể mua những sản phẩm hàng giả cùng loại: đồng hồ Rolex nhái, quần Jean trung quốc mang nhãn hiệu Levi’s. Mọi người đều quá biết đây không phải là những sản phẩm chính hiệu, nhưng họ muốn biểu lộ khát vọng được thuộc về cộng đoàn các người tiêu thụ loại đó. Đối với những người nghèo, các thứ hàng giả họ mua chính là các lễ vật dâng hiến của việc tham dự tưởng tượng của họ vào cái kho hàng to lớn thuộc những điều được hứa (au grand magasin eschatologique). Tôi thấy những vấn đề này có sức mê hoặc lạ kỳ đến nỗi phải khó khăn lắm tôi mới có thể thoát ra để mà trở lại với chủ đề về đời tu của chúng ta !

Đời tu làm cho khả thị một cách thế của sự thuộc về (l’appartenance). Sự hiển thị của chúng ta không phải là sự hiển thị của một nhãn hiệu mới trên thị trường, không phải là “những con chó Đa Minh” (Dominican dogs) gây chú ý hơn “những con chó nóng” (hot dogs). Có lẽ, các lời khấn phải nắn đúc chúng ta thành những con người làm cho khả thị một hình thức hiệp thông khác, sự hiệp thông Nước Trời. Trong bài viết mà tôi đã tham chiếu, trong quyển Để niềm vui anh em nên trọn, tôi đã cho thấy làm sao lời khấn khó nghèo lại là một sự từ khước đối với loại chứng minh thư mà những của cải tiêu thụ có thể trao cho chúng ta. Chúng ta được kêu gọi làm dấu chỉ Nước Trời khi chúng ta từ bỏ những dấu chỉ của sự tiện nghi và sự giàu có. Lời khấn khó nghèo là một dấu chỉ của sự hiệp thông mà trong đó không một ai bị loại trừ, kể cả những người thậm chí không thể có được cơ may dùng các nhãn hiệu hàng giả vì không có khả năng mua, đó là những người nghèo nhất. Chúng ta từ khước đối với những dấu chỉ của sự thuộc về (l’appartenance) vừa nói trên kia.

- Một hôm, một Ráp-bi hỏi các môn sinh của mình: “Nhờ dấu gì để các con nhận ra rằng đêm đen đã tận và ngày mới lại đến?”
- Một môn sinh trả lời rằng: “Khi thầy nhìn thấy được rõ ràng một con vật từ đàng xa chính xác là một con sư tử chứ không phải là một con báo.”
- “Ồ không phải!”, vị Ráp-bi nói.
- Một môn sinh khác trả lời: “Khi thầy có thể phân biệt được một cây vả với một cây đào.”
- Vị Ráp-bi mới bảo: “Không phải đâu! Chính là khi các con có thể nhìn vào gương mặt của một người nào đó và nhận ra rằng người phụ nữ hay người đàn ông đó là anh chị em của các con. Bởi lẽ chừng nào các con còn không có khả năng để làm như vậy, thì dù đang là giờ nào đi nữa, cũng luôn chỉ là đêm đen mà thôi.”[15]

Anh La-da-rô, cậu em, đã ra khỏi mồ để vào trong ánh sáng. Anh được trao lại cho mấy người chị của mình. Hơn tất cả, có lẽ, lời khấn vâng phục đào luyện chúng ta với tư cách là những nhân vị, mà đời sống của mỗi người loan báo một kiểu mẫu mới của sự thuộc về, thành những người anh chị em của nhau. Thực vậy, anh em Đa Minh chúng tôi chỉ tuyên khấn có một lời khấn duy nhất này. Có thể chính vì vậy mà nhiều anh em trẻ rất lấy làm vui vì sự kiện đã được chuẩn chước những lời khấn khác: “Anh Timothy ơi, liệu em có thể được chuẩn chước lời khấn khiết tịnh trong mấy tháng hè không?” Đối với chúng ta, lời khấn vâng phục còn hơn gấp nhiều lần việc chỉ làm những gì mà người ta yêu cầu. Lời khấn vâng phục đào luyện cho chúng ta biết sống tình huynh đệ. Sống tình huynh đệ là biết chấp nhận rằng cùng với anh chị em mình chúng ta mới có thể khám phá ra chúng ta là ai và chúng ta có thể trở thành như thế nào. Sống tình huynh đệ là tuyên xưng rằng chúng ta không phải là ông chủ nhân trên căn tính riêng của chúng ta. Điều này trồi lên từ trong đời sống cộng đoàn của chúng ta.

Matisse đã thực hiện một bức tranh tuyệt vời bằng kính ghép trình bày thánh Đa Minh trong nhà nguyện của chúng tôi ở Vence, thuộc miền Nam nước Pháp. Gương mặt của thánh Đa Minh không được hoạ nhưng được ghép bằng những mảnh thuỷ tinh trắng. Không phải vì ngài là một nhân vật không màu không sắc, nhưng bởi vì Ngài là Anh Đa Minh. Ngài đã tỏ ra không phải như là Đấng sáng lập, nhưng như một người anh em trong chúng tôi. Ngài đã thành lập một cộng đoàn không phải với mục đích cho anh em noi gương bắt chước Ngài, nhưng trong cộng đoàn đó, Ngài mong sao chúng tôi có thể cùng nhau khám phá ra chúng tôi là ai và chúng tôi có thể làm được những gì. Với mục đích đó, chính bởi vì tình huynh đệ thực sự là nền tảng căn bản, nên đối với tôi câu hỏi chẳng bao giờ lại là: “Đâu là căn tính của một tu sĩ trong một tu hội giáo sĩ, như dòng Đa Minh?” Mà đúng hơn phải hỏi: “Đối với một anh em Đa Minh đã được truyền chức, mục đích nêu trên có ý nghĩa gì?”

Là một tu sĩ vâng phục chưa phải là hiểu biết hoàn toàn rằng quý vị là ai. Quý vị được liên kết với các anh chị em trên toàn thế giới, những người mà quý vị vẫn chưa biết mặt, tuy nhiên họ là thịt bởi thịt và xương bởi xương của quý vị. Niềm vui làm Bề Trên Tổng Quyền của tôi là ở chỗ tôi có thể đến trong bất kỳ cộng đoàn Đa Minh nào trên thế giới, từ Tokyo đến Johannesburg, và ngay lập tức biết rằng một người nào đó là anh em của tôi trước cả khi tôi biết tên anh ấy. Chúng ta chẳng bao giờ có thể hiểu biết hoàn toàn rằng chúng ta là ai vào thời điểm khi mà anh chị em của chúng ta bị phân tán khắp nơi trên thế giới. Và nếu hội dòng được Chúa thương ban cho có những ơn gọi mới, thì các ơn gọi này cũng sẽ phải lữ hành hướng về căn tính của hội dòng. Chúng ta cũng thuộc về những thế hệ còn ở trong tương lai, họ cũng sẽ có tiếng nói trên những gì chúng ta làm và những gì chúng ta có thể làm.

Chính vì vậy, tôi đã luôn phản đối kịch liệt chống lại khuynh hướng đi thăm dò ý của một anh em nào đó trước cuộc bầu cử, để xem anh ta có chấp nhận làm bề trên không. Không thuộc về tôi lời phát biểu xem tôi nghĩ rằng tôi có thể chu toàn được trách vụ như vậy hay không. Nhưng thuộc về anh em tôi việc phân định này. Họ biết rõ tôi hơn chính bản thân tôi. Trở thành một bề trên không có nghĩa là thăng tiến trên đường công danh sự nghiệp. Trở thành bề trên là chấp nhận tiếng gọi của anh em: “Hãy bước tới, Timothy!” Trao phó chính bản thân mình vào trong tay anh em khi tuyên khấn, đó là chấp nhận rằng căn tính của mình nằm ngoài tầm tay của chính bản thân. Tình huynh đệ là một căn tính mở (une identité ouverte). Anh em và chị em hãy nói với nhau: “Hãy bước ra để vào hưởng ánh sáng mặt trời!”

Với tư cách là tu sĩ, vâng phục còn giúp chúng ta dấn thân nhiều hơn vào trong một căn tính vượt quá trí tưởng tượng của chúng ta. Vâng phục là một dấu chỉ nhỏ bé nhưng có khả năng làm cho khả thị sự hiệp thông bất khả tưởng tượng, sự hiệp thông của Nước Trời. Khi cuộc chiến chống I-rắc có nguy cơ bùng nổ, các thành viên của Hiệp Hội Các Bề Trên Cao Cấp Đa Minh tại Mỹ đã phổ biến những cánh nheo mang dòng chữ: “Chúng tôi có gia đình tại I-rắc”. Dĩ nhiên, điều này liên quan trước hết đến những anh chị em Đa Minh người I-rắc của chúng tôi. Nhưng, sự thuộc về (l’appartenance) này trong nội bộ Dòng là một dấu chỉ của một sự thuộc về rộng lớn hơn bao gồm các Kitô hữu cũng như người Hồi giáo I-rắc, họ là thịt bởi thịt của chúng tôi, trong Nước Trời.

Khi đức Tổng giám mục Helder Camara nghe tin rằng cảnh sát đã tóm cổ và tống giam một người nghèo, ngài điện thoại đến sở cảnh sát và nói: “Tôi được biết là các ông đã bắt em tôi.” Sở cảnh sát đã hoảng hốt xin lỗi: “Thưa Đức Ngài, đây thật là một sai lầm khủng khiếp! Chúng tôi đã không biết đây là em ngài. Chúng tôi sẽ thả anh ra ngay lập tức!” Và khi Đức Tổng Giám Mục đến sở cảnh sát để đón người kia, chuyện xảy ra là sở cảnh sát nói với ngài rằng: “Nhưng thưa Đức Ngài, anh ta không cùng tên họ với Đức Ngài.” Đức Tổng Giám Mục Camara đã đáp lại rằng mọi người nghèo khổ đều là anh chị em của ngài.

Như thế, căn tính mở của lời khấn vâng phục là một dấu chỉ của cuộc lữ hành mà chúng ta đang cùng thực hiện với những người xa lạ trên nẻo đường Nước Trời, cuộc lữ hành này hướng đến việc nhận biết chính mình. Điều này có nghĩa là chúng ta không thể biết được chúng ta là ai nếu không có những người nghèo khổ, những người vô danh tiểu tốt và những người không được quyền lên tiếng. Rowan Williams, Tổng Giám Mục Cantorbéry, đã viết: “Không phải theo cách mạnh ai nấy đi mà chúng ta tiến về Nước Trời; chính vì lý do này mà lịch sử Kitô giáo phải là lịch sử của những dấn thân vừa liên tục vừa đòi hỏi cùng với những người xa lạ, bằng cách từ bỏ quyền quyết định xem mình là ai. Chắc chắn không một ai trong chúng ta biết mình là ai nếu không có người khác – điều này có thể cũng muốn nói rằng cho đến trước ngày Chung Thẩm chúng ta không thể biết mình là ai.”

Nếu vâng phục còn hơn cả việc làm theo những gì mà người ta bảo chúng ta, thì cũng vậy khiết tịnh còn hơn cả việc không được phép ngủ với người khác. Sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu khiết tịnh không làm cho khả thị một tình yêu vượt lên trên những mối liên hệ gia đình, xã hội, chủng tộc, quốc gia v.v. , đó chính là cuộc sống trên Nước trời. Thánh Âu-tinh đã hiểu rất rõ điều này, khiết tịnh là sự giải thoát khỏi cái ước muốn libido dominandi, đó là sự cám dỗ tự biến mình thành Chúa của mình, rồi đến thống trị và chiếm hữu người khác. Sebastian Moore cũng đã viết về điều này: “Vậy, dục vọng không phải là sự đam mê tình dục [đến mức] thoát ra khỏi tầm kiểm soát của ý chí, nhưng là sự đam mê tình dục trở nên như là một thứ nguỵ trang cho ý muốn trở thành Thiên Chúa.”[16] Vì vậy, trong một thế giới nơi mà thứ quyền lực xuẩn ngốc và bạo tàn đã trở thành khả thị một cách đáng ghê rợn, lời khấn khiết tịnh càng phải làm cho khả thị cái khát vọng được giải thoát hoàn toàn khỏi sự thống trị và tính thượng cấp (la supériorité).

Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Anh La-da-rô, hãy bước ra khỏi mồ!” Đó là tiếng gọi được ngỏ với tất cả mọi hữu thể nhân linh. Chúng ta được gọi đích danh hãy ra khỏi tình trạng phi hiện hữu (la non-existence). Chúng ta được gọi giã từ tuổi ấu thơ để bước vào tuổi trưởng thành, giã từ tội lỗi để lãnh nhận ơn tha thứ, ra khỏi đêm tối để tiến vào cõi sáng. Tôi đã gợi ý rằng, với tính cách là tu sĩ, ơn gọi của chúng ta là làm cho khả thị chính ơn gọi làm người. Các lời khấn làm cho chúng ta trở nên trần trụi, lột trần chúng ta khỏi toàn bộ cái căn tính thấp kém khác, là thứ căn tính đặt căn bản trên sự giàu có, trên địa vị xã hội, trên công danh sự nghiệp hay thậm chí trên hôn nhân. Chúng ta trình bày một căn tính không phải là gì khác hơn là việc đáp lại tiếng gọi: “Hãy bước ra!”

Một số hội dòng hiện đang ở trong một thời kỳ khủng hoảng và suy sụp. Nhiều cộng đoàn đang trở nên già nua và thiếu ơn gọi. Vì vậy, chúng ta có thể thất vọng và nghĩ rằng chúng ta không còn khả năng làm dấu chỉ cho bất cứ điều gì ngoại trừ sự thất bại. Nhưng câu chuyện La-da-rô chỉ cho chúng ta thấy rằng quyền năng Thiên Chúa không phải là một thế lực mạnh mẽ áp đặt. Quyền năng này đã được thể hiện cho chúng ta nơi một con người yếu đuối và mỏng dòn, bị giao nộp cho sự chết. Các dấu chỉ của quyền năng đó lên tiếng cách mạnh mẽ được là nhờ chúng có ý nghĩa. Và, đời sống chúng ta cũng có thể lên tiếng cách mạnh mẽ về Nước Trời, cho dù chúng ta cảm thấy mình già nua, yếu đuối và ít nhân sự. Các dấu chỉ đó có thể còn lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa nhờ những lý do vừa nêu. Chúng ta có thể là những dấu chỉ tuyệt vời nhất nhờ chính sự yếu đuối của chúng ta.

Ngôi làng toàn cầu cống hiến cho chúng ta một thế giới mà tôi tin rằng thế giới này rất nhạy cảm với những dấu chỉ. Đây là một cơ hội tuyệt vời đối với Giáo hội cũng như đối với chúng ta, nếu chúng ta giàu óc sáng tạo và giàu trí tưởng tượng về thế giới này. Trong Thế Giới Mạng này, người ta đói khát hạnh phúc cũng như sự thuộc về (l’appartenance). Chúng ta có thể làm cho khả thị một hạnh phúc và một sự thuộc về vốn vượt lên trên mọi ngôn từ biểu đạt, nhưng chúng lại có thể đáp ứng được những khát vọng sâu xa của những con người. Khi tấm vải liệm được tháo khỏi khuôn mặt của La-da-rô, quý vị hãy nghĩ đến niềm vui vì được ban cho nhìn thấy.

Nguyển Lộc Thọ chuyển ngữ 

[1] Sean D Sammon FMS Religious Life in America ; a new day dawning New York 2002, p. 43.
[2] The Gospel according to John, vol. I, London, 1971, tr. 425.
[3] Hope, CTG London, 1987. tr. 24f.
[4] Trong tiếng Anh, có sự đồng vần giữa “mồ” (tomb) và “dạ mẹ” (womb).
[5] “La vocation religieuse aujourd’hui. Laisser derrière soi les signes habituels d’identité”, Que Votre joie soit parfaite, Paris, Le Cerf, 2002, pp. 119-140 (sách đã được dịch ra tiếng Việt với tựa đề Để niềm vui anh em nên trọn do Học viện Đa Minh, 2002).
[6] Discours adressé à Thalassius, Quaestio 63.
[7] Scott Lash và John Urry, Economics of Signs and Space, London, 1994, tr. 222.
[8] J. Rifkin, tr. 117.
[9] “In the vanguard of Globalization”, James D. Hunter và Joshua Yates, ibid., tr. 351.
[10] V. Bourne, Joy in Augustine’s Ethics, tr. 9.
[11] De Doctrina Christiana III, 16.
[12] “Sermon 18”, in F. Pfeiffer, Aalen 1962, quoted in Murray, op.cit. p. 132.
[13] Ed. Peter L. Berger và Samuel P. Huntingdom, Many Globalizations: Cultural Diversity in the Contemporary World, Oxford, 2002, tr. 7.
[14] Jeremy Rifkin, op. cit. , tr. 110.
[15] Sean Sammon, op.cit., tr. 95.
[16] Op. cit. , tr. 105.