Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 77, THÁNG 8/2017

CHỦ ĐỀ : LOAN BÁO TIN MỪNG CHO ASEAN

LỜI GIỚI THIỆU


Năm nay kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN (Association of South East Nations: 8/8/1967 – 8/8/2017). Vào lúc đầu, Hiệp hội chỉ bao gồm 5 quốc gia (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan), nhưng dần dần được mở rộng cho Brunei (1987), rồi đến lượt Việt Nam – Lào – Myanmar (1997) và Campuchia (1999). Mục tiêu chính của ASEAN là thúc đẩy sự hợp tác về an ninh, kinh tế, văn hóa xã hội trong vùng.

Nhiều người chú ý đến ASEAN như một thị trường kinh tế, nhưng Thời sự Thần học muốn nhìn như một môi trường để loan báo Tin Mừng. Tin Mừng không phải là một tôn giáo ngoại lai, nhưng là một sứ điệp thăng tiến con người, xét như cá nhân cũng như cộng đồng. Dĩ nhiên, chúng tôi không có thẩm quyền để hoạch định một chương trình hoạt động trong tương lai, nhưng chỉ muốn ôn lại những bài học lịch sử. Đông Nam Á gồm bởi nhiều sắc dân, chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo khác nhau. Đó là những tiền đề mà việc loan báo Tin Mừng không thể làm ngơ. Tuy vậy, đàng sau và bên trên tính đa sắc, có thể tìm ra những nhân tố liên kết mọi cá nhân và sắc tộc thành một cộng đồng. Trong khuôn khổ giới hạn của một số báo, chúng tôi chỉ chọn lọc vài đề tài để suy tư. 

1. Bài mở đầu Lược sử Đông Nam Á của tu sĩ Tôma Nguyễn Quốc Minh Tuấn, ôn lại lịch sử thành hình các quốc gia tại Đông Nam Á. Ranh giới của các quốc gia hiện đại không cố định trong suốt dòng thời gian. Chỉ cần nhìn vào bản đồ nước Việt Nam thì đủ rõ. Ngày nay Việt Nam bao trùm lãnh thổ “từ Nam quan cho đến Cà mau”, nhưng ranh giới này chỉ mới được xác định từ cuối thế kỷ XIX. Các quốc gia Brunei và Đông Timor mới được thành hình vào cuối thế kỷ XX. Dù sao, đàng sau những biên cương chính trị, cần phải tìm hiểu những yếu tố văn hóa tuy ngày nay đã biến mất nhưng vẫn còn để lại ảnh hưởng trong tâm thức của người dân, và là yếu tố liên kết các dân tộc trong vùng. 

2. Tiếp đến, trong bài Các tôn giáo tại Đông Nam Á, giáo sư Barbara Watson Andaya nghiên cứu ảnh hưởng của các tôn giáo trong việc định hình căn tính các quốc gia. Bên cạnh các tôn giáo cổ truyền bản địa (được đặt tên là “vật linh”), các tôn giáo hoàn cầu (Hindu, Phật giáo, Islam, Khổng giáo, Kitô giáo) đều đã cố gắng thích nghi với các phong tục tín ngưỡng địa phương. 

3. Tu sĩ Trịnh Minh Phú tìm hiểu Tầm ảnh hưởng của người Hoa và viễn cảnh loan báo Tin Mừng cho cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á. Tuy người Hoa chỉ là một thiểu số nhưng là một thiểu số đáng kể, bởi vì họ đang nắm giữ nền kinh tế trong vùng. Cũng nên biết là tỉ lệ người Hoa ở nước ngoài theo Kito giáo thì cao hơn tỉ lệ những người ở trong nước. Những cộng đồng Kitô hữu tại Singapore, Mã Lai đa số là gốc Hoa. 

4. Đông Nam Á là nơi gặp gỡ của nhiều văn hóa và tôn giáo. Tuy nhiên, đang khi các tôn giáo Ấn Độ và Trung Hoa đã hiện diện ở đây từ đầu Công nguyên, đạo Islam bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ XII và ngày nay chiếm tới 42% tổng số dân cư trong miền. Bằng cách nào Islam đã bành trướng ở Đông Nam Á? Tiến sĩ Imtiyaz Yusuf của đại học Assumption (Bangkok) tìm cách trả lời trong bài Đạo Islam tại Đông Nam Á

5. Việc nghiên cứu Đông Nam Á sẽ thiếu sót trầm trọng nếu chỉ dừng lại ở các dân tộc, tôn giáo, văn hóa lớn. Trên thực tế, các “Dân tộc bản địa” là một thực tại đáng kể tại đây. Họ cũng dễ đón nhận Tin Mừng hơn các dân tộc “Kinh”. Linh mục Sebastian Karotemprel SDB đã đệ lên FABC một phúc trình về Giáo hội với các dân tộc bản địa, tuy xét đến tình hình của toàn lục địa Á châu, nhưng có ý nghĩa đặc biệt cho vùng Đông Nam Á. 

6. Sau cùng, đề tài Kitô giáo tại Đông Nam Á gồm ba phần: a) Trước hết, chúng ta điểm lại lịch sử những đợt Tin Mừng được đem đến vùng này vào thời cận đại, kể từ thế kỷ XVI, qua sự khảo sát của giáo sư John Roxborogh; b) Kế đó, giáo sư Chansamone Saiyasak phân tích lịch sử Kitô giáo (Công giáo và Tin lành) ở mỗi nước; c) Cuối cùng là thống kê Giáo hội Công giáo tại ASEAN dựa theo quốc gia và giáo phận. 

Trung tâm Học vấn Đa Minh 


CÁC CHỦ ĐỀ THỜI SỰ THẦN HỌC 2017 – 2018 
  • Số 78 (tháng 11/2017): Kitô giáo tại nước Nga (kỷ niệm 100 năm cách mạng Bolchevic) 
  • Số 79 (tháng 02/2018): Phẩm giá phụ nữ (kỷ niệm 30 năm tông huấn Mulieris dignitataem) 
  • Số 80 (tháng 05/2018): Công đồng giới trẻ (chuẩn bị cho THĐ Giám Mục về giới trẻ) 
  • Số 81 (tháng 08/2018): Chiến tranh và hòa bình (kỷ niệm 100 năm kết thúc thế chiến thứ nhất)