Thứ Hai, 10 tháng 8, 2020

TẦM ẢNH HƯỞNG CỦA NGƯỜI HOA VÀ VIỄN CẢNH LOAN BÁO TIN MỪNG CHO CỘNG ĐỒNG NGƯỜI HOA Ở ĐÔNG NAM Á

Thời sự Thần học - số 77, tháng 08/2017, tr. 76-108

_Phêrô Trịnh Minh Phú, O.P._

I. Lịch sử hình thành và phát triển người Hoa ở Đông Nam Á
  1. Khái quát lịch sử di cư từ Trung Hoa đến Đông Nam Á
  2. Lịch sử nhập cư của người Hoa vào một số nước Đông Nam Á
II. Tổ chức đời sống văn hóa và xã hội của người Hoa ở Đông Nam Á
  1. Mật độ phân bố
  2. Phương ngữ của người Hoa ở Đông Nam Á
  3. Các hội tương tế người Hoa
  4. Nét văn hóa của người Hoa ở Đông Nam Á
  5. Mức độ đồng hóa của người Hoa ở Đông Nam Á
III. Tầm ảnh hưởng về kinh tế của người Hoa ở Đông Nam Á
  1. Tình hình phát triển kinh tế của người Hoa trong những năm gần đây
  2. Tầm ảnh hưởng về kinh tế của người Hoa tại một số nước Đông Nam Á
  3. Các yếu tố góp phần tạo nên thành công trong kinh doanh của người Hoa
IV. Viễn cảnh loan báo Tin Mừng cho người Hoa ở Đông Nam Á
  1. Hội nhập văn hóa
  2. Kinh doanh xét như một sứ vụ
  3. Cộng đồng Kitô hữu người Hoa là cầu nối bước vào Giáo hội Trung Hoa
Nhà thờ cha Tam (Chợ Lớn) - Khánh thành 1902

Dẫn nhập 


Một số nhà xã hội học gọi người Hoa là người “Do Thái của Châu Á”[1]. Bởi vì, tuy chỉ là thiểu số, nhưng tầm ảnh hưởng của người Hoa đối với thế giới là điều không thể phủ nhận. Theo số liệu thống kê, số người Hoa sống ngoài nước vào khoảng 40.3 triệu, hiện diện trên 149 quốc gia[2] (2011). Trong đó, ở các nước Đông Nam Á, số người Hoa hơn 26 triệu và đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của khu vực. Thật vậy, họ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực, bao gồm cả chính trị. Nhiều ngành kinh tế trọng điểm ở Malaysia, Inđônêsia, Singapore, Thái Lan… do các ông chủ là người Hoa nắm giữ. Không những hoạt động trong nước, nhiều doanh nghiệp người Hoa còn vươn ra nước ngoài, trở thành những công ty xuyên quốc gia tầm cỡ quốc tế. Bên cạnh đó, người Hoa còn đem đến nét phong phú cho văn hóa của đất nước họ đang sống. Mặc dù sống chủ yếu ở thành thị, nhưng họ vẫn giữ được những nét văn hóa riêng biệt, đặc trưng. Với những thành tựu đó, người Hoa đã góp phần rất lớn trong bức tranh toàn cảnh của Đông Nam Á.

Trong khuôn khổ bài viết, chúng ta sẽ tìm hiểu tầm ảnh hưởng của người Hoa ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt ở hai khía cạnh văn hóa và kinh tế, từ đó, phác họa những viễn cảnh cho sứ vụ loan báo Tin Mừng cho người Hoa cho khu vực này.

Thuật ngữ: người Hoa


Có nhiều thuật ngữ để chỉ những người có nguồn gốc Trung Hoa sống ở nước ngoài. Trước hết là thuật ngữ “Hoa kiều” Huaqiao( 華僑). Từ này dùng để miêu tả những người tạm thời định cư ngoài Trung Hoa và có ý định sẽ trở về đất nước này. Theo đó, lòng trung thành về chính trị không phải là với đất nước nơi họ đang sống nhưng là với Trung Hoa.[3] Ngoài ra, người ta còn dùng thuật ngữ “Hoa” Huá (華裔) để đề cập tộc Hán sinh sống ngoài Trung Quốc. Đặc biệt, thuật ngữ “Hoa nhân” Huaren华人(người Hoa) được dùng để chỉ những người sống ngoài Trung Hoa và không còn ý định sẽ trở về đất nước này. Ngày nay, phần đa người Hoa sống ở Inđônêsia hoặc Malaysia xem mình là người bản địa. Vì lý do này, chúng ta sẽ dùng từ người Hoa để đảm bảo tính thống nhất cho toàn bộ bài viết.

I. Lịch sử hình thành và phát triển người Hoa ở Đông Nam Á


1. Khái quát lịch sử di cư từ Trung Hoa đến Đông Nam Á


Cuộc di cư từ Trung Hoa đến Đông Nam Á có lịch sử khá dài. Ngay từ những thế kỷ đầu Công Nguyên, người Hoa đã biết đến khu vực Đông Nam Á qua con đường tơ lụa. Tuy nhiên, phải đến thế kỷ XII, khi Trung Hoa có nhiều bất ổn, người Mông Cổ đánh chiếm Trung Nguyên, triều Nam Tống yếu kém, người Hoa mới ồ ạt tiến về phía Nam, xuống các nước Đông Nam Á tránh chiến tranh và phát triển thương mại. Trước thế kỷ thứ XV, nhiều cộng đồng người Hoa đã định cư ở một số nơi thuộc khu vực Đông Nam Á. Trong đó, sử sách còn ghi lại những cuộc viếng thăm các cộng đồng người Hoa của đô đốc Trịnh Hòa[4] vào những năm 1404 và 1433.

Tuy nhiên, làn sóng di cư chỉ diễn ra mạnh mẽ vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Cuối triều nhà Thanh[5], tình hình chính trị có nhiều biến động. Nạn đói diễn ra vào các năm 1846, 1849 và 1877, đã khiến hơn hai triệu người thiệt mạng. Thêm vào đó, khoảng 60 triệu người khác tử thương trong các cuộc nổi dậy vào những năm 1840 và 1870. Với Hiệp Ước Nam Kinh năm 1842, Triều đình Mãn Thanh trao quyền kiểm soát cho Anh quốc và mở ra năm hải cảng thông thương với thế giới Tây Phương. Chính điều này góp phần tạo nên làn sóng người dân rời khỏi Trung Hoa. Trong quãng thời gian này, việc di cư được biết đến như là Nanyang hua qiao- cuộc di trú phương Nam.[6]

Hầu hết, những người rời khỏi Trung Hoa trong giai đoạn này sống ở vùng duyên hải Tây Nam Trung Quốc, gồm các tỉnh: Quảng Đông, Phúc Kiến, và Hải Nam.[7] Ngôn ngữ chính của họ là tiếng Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam,Triều Châu, Khánh Gia. Điểm khởi hành của người Hoa Phúc Kiến là thành phố Hạ Môn, Tuyền Châu. Ở Quảng Đông, đoàn người di cư từ Đồng bằng Châu Giang gần Quảng Châu, đặc biệt là từ thành phố Thái An, Khai Bình, Ân Bình…Ở đảo Hải Nam, dòng người di cư từ thành phố Thẩm Quyến và Quỳnh Châu. Nhiều người di cư cũng đến từ các tỉnh Chiết Giang và Giang Tô và từ Đài Loan.[8]

Hầu hết, các phương ngữ ở Tây Nam Trung Hoa là tiếng nói đặc trưng của những cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á. Người Phúc Châu nói tiếng Phúc Kiến chiếm ưu thế ở Sibu, Sirawak, Tây Malaysia. Người nói tiếng Triều Châu xuất thân gần Đồng bằng sông Hán, tỉnh Quảng Đông sinh sống ở cộng đồng Thái-Hoa ở Thái Lan. Người Kim Môn nói tiếng Phúc Kiến ở Brunei, người nói tiếng Quảng Đông xuất thân ở Thái An, nói tiếng Quảng Đông thống lãnh vùng Myanmar.

Làn sóng di cư cuối cùng từ Trung Hoa diễn ra sau cuộc kiểm soát của nhà nước Cộng sản Trung Hoa năm 1949. Nhờ cuộc di cư này, các cộng đồng người Hoa như được đổ thêm “Trung Hoa tính” mà sau một thời gian dài họ dần bị tiếp biến văn hóa với người bản địa.[9] Ở một số nơi thuộc Đông Nam Á, người Hoa có cuộc sống gần giống như người dân bản địa. Tuy nhiên, mức độ đồng hóa hoàn toàn là điều bất khả thể.

2. Lịch sử nhập cư của người Hoa vào một số nước Đông Nam Á


2. 1. Người Hoa ở Việt Nam

Ở Việt Nam, người Hoa đã hiện diện vào các giai đoạn lịch sử: cuối Đường - đầu Tống (960 - 1279); cuối Tống - đầu Nguyên (1279-1368); cuối Nguyên - đầu Minh 1368-1644); cuối Minh - đầu Thanh (1644 - 1911). Việc di cư này gắn liền với những bất ổn chính trị ở Trung Hoa. Khi đến Việt Nam, người Hoa sống chủ yếu ở thành thị và phố xá, đặc biệt phải kể đến các trung tâm thương mại nổi tiếng như sau: Vân Đồn (thế kỷ XV), Phố Hiến (thế kỷ XVI), Hội An (thế kỷ XVII), và đông đúc nhất là Sài Gòn-Chợ Lớn thế kỷ (XVIII - XIX).

Ở Đàng ngoài đến cuối thế kỷ XVII, có khoảng 56.000 người Hoa sống rải rác nhiều nơi tập trung chủ yếu ở: Kẻ Chợ (Hà Nội) và Phố Hiến (Hưng Yên). Họ xây dựng các khu phố và buôn bán các mặt hàng: lụa, linh, tơ, bông, xạ hướng để giao dịch với người phương Tây.[10] Ở Hội An, “người Hoa giao lưu buôn bán giữa Trung Hoa và các nước khác. Hàng hóa buôn bán của người Hoa ở đây khá đa dạng. Họ phân phối các loại hàng do các thuyền buôn từ Trung Hoa và các nước Xiêm[11], Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Hà Lan,...mang đến như đồng, tơ lụa, đồ sứ, thuốc chữa bệnh,...và thu gom các loại sản phẩm như lụa, trầm hương, kỳ nam, quế, hồ tiêu, yến sào, xạ hương,... đặc biệt là vàng để bán lại cho các chủ tàu từ các nước nói trên…”[12] Ở Sài Gòn, sau khi bị quân Tây Sơn phá huỷ khu trung tâm thương mại Cù Lao Phố (Biên Hòa), người Hoa đã chạy xuống khu vực Tây Cống (Chợ Lớn ngày nay) năm 1778. Dưới thời Lê Văn Duyệt, Chợ Lớn trở thành một trung tâm giao dịch sôi động và là thời kỳ làm ăn thịnh vượng của người Hoa kể từ sau khi cuộc tàn sát của quân Tây Sơn. Đến nay, người Hoa tiếp tục khẳng định vai trò và vị trí của họ trong nền kinh tế của Việt Nam cũng như trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế.[13]

2.2. Người Hoa ở Malaysia

Người ta cho rằng những người Hoa đầu tiên đến Malaysia đã định cư ở Malacca.[14] Hầu hết tổ tiên của họ đến Malaysia do cuộc khai hóa thuộc địa của người Anh khoảng những năm 1800.[15] Họ được thuê mướn lao động cực nhọc trong các hầm mỏ ở phía Bắc Malaysia năm 1850. Vào thời điểm đó, người Khánh gia nghèo nhất ở Trung Hoa đã được đem đi lao động ở nơi thuộc địa này (ngày nay, nhóm người này có vị thế khá cao trong xã hội Malaysia). Kể từ đó, một làn sóng di cư vào Malaysia diễn ra với cường độ mạnh mẽ. Người Hoa mang theo văn hóa, tôn giáo và phong tục vào đất nước này. Trước Thế chiến thứ II, người Hoa ở Malaysia phát triển mạnh và chính họ đang nuôi sống vùng đất này.[16]

Những năm 1942-1945, người Hoa phải chứng kiến một tổn thất nặng nề do cuộc xâm lược của quân đội Nhật. Hệ quả là hàng ngàn thanh niên mất mạng trong giai đoạn này. Tiếp sau là sự xuất hiện của các nước Cộng Sản, trong đó đặc biệt là Trung Hoa, đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và kinh tế của người Hoa ở Malaysia. Ngày nay, người Hoa ở Malaysia chiếm 25% dân số và đóng góp rất lớn cho nền kinh tế của nước này.

2.3. Người Hoa ở Singapore

Người Hoa biết đến vùng đất Singapore từ rất sớm nhưng mãi cho đến thế kỷ thứ XIX, thực dân Anh thực hiện các chính sách thu hút thương nhân và thợ thủ công người Hoa đến Singapore, để trao đổi, buôn bán nhằm mang lại lợi tức cho họ. Trong thời gian này, người Anh thành lập các đồn điền hồ tiêu và các trung tâm buôn bán. Từ đó, người Hoa đổ về đây để tìm kiếm cuộc sống mới nhằm tránh khỏi những nhiễu loạn của Trung Hoa thời bấy giờ. Người Hoa đến đây chủ yếu là người Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông và Hẹ. Họ sống theo từng vùng phương ngữ riêng biệt ở Nam Singapore. Ngày nay, người Hoa chiếm hơn 77% dân số và kiểm soát hơn 81% các công ty ở Singapore.

2.4. Người Hoa ở Philippines 

Theo nghiên cứu, 85% người Hoa Philippines có tổ tiên sống ở tỉnh Phúc Kiến, và 15% ở Quảng Đông.[17] Những người Hoa đầu tiên được thực dân Tây Ban Nha đưa đến Philippines. Mặc dù xảy ra liên tiếp các cuộc tàn sát người Hoa vào các năm 1662, 1663, 1686 and 1762, 1819, nhưng vẫn không ngăn cản làn sóng nhập cư của người Hoa vào Philippines. Mãi cho đến cuối thế kỷ XIX, việc nhập cư của người Hoa mới được chính thức chấp nhận. Năm 1939, có khoảng 80.000 -100.000 người Hoa hoạt động tích cực ở trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, họ tập trung chủ yếu ở Manila, Binodo và Santa Cruz.

Ngày nay, thật khó để ước lượng số người Hoa ở Philippines vì họ kết hôn với người bản địa qua nhiều thế hệ; vì vậy, họ bị đồng hóa nhiều với người Philippines. Tuy nhiên, dựa vào nguồn gốc, người ta ước tính có khoảng hơn 1 triệu người Hoa ở đất nước này.[18]

II. Tổ chức đời sống văn hóa và xã hội của người Hoa ở Đông Nam Á


1. Mật độ phân bố


Theo tài liệu thống kê, năm 1948, dân số người Hoa trên toàn thế giới vào khoảng 8,7 triệu, đến năm 1952 là 12,5 triệu, tỷ lệ gia tăng 9,1%. Giai đoạn từ 1952 đến 1960, dân số người Hoa là 15,3 triệu. Giai đoạn kế tiếp, thập niên 1980, tỷ lệ gia tăng 2,7%.

Những năm 1990, tỷ lệ gia tăng dân số người Hoa trên toàn thế giới chỉ còn 0,3%, dân số người Hoa giảm xuống từ 36,8 triệu vào năm 1990 đến 35,8 triệu vào năm 2001. Thời gian gần đây, từ năm 2001 đến 2011, người Hoa gia tăng từ 35,8 triệu đến 40,3 triệu, tỷ lệ gia tăng hằng năm là 1,2%. Theo dự đoán, dân số người Hoa sẽ đạt đến 80 triệu trong khoảng thời gian 58 năm nữa.

Bảng 1: Bảng so sánh tình hình phát triển người Hoa từ năm 1948- 2011[19]

Dân số người Hoa (đơn vị ngàn)

1948
1952
1960
1970
1980
1990
2001
2011
Á châu
8,379.7
12,228.5
14,880.1
18,342.6
24,764.0
32,287.8
26,832.9
29,597.2
Mỹ châu
209.0
203.9
406.6
711.2
1,333.0
3,226.6
6,124.3
7,503.4
Âu châu
53.8
11.5
15.8
112.1
622.0
769.5
1,970.6
2,016.4
Úc châu
63.8
60.9
42.2
68.5
176.4
373.9
745.5
962.5
Phi châu
14.9
31.3
40.6
59.4
76.9
108.0
137.2
248.9
Toàn cầu
8,721.2
12,536.2
15,385.2
19,293.8
26,972.4
36,765.8
35,810.5
40,328.4
Tỉ lệ gia tăng dân số người Hoa hằng năm

1948-52
1952-60
1960-70
1970-80
1980s
1990s
2000s
Á châu
9.4
2.5
2.1
2.0
2.4
-1.8
1.0
Mỹ châu
-0.6
8.6
5.6
7.8
8.0
6.6
2.1
Âu châu
-38.6
4.0
19.6
15.4
3.2
9.9
0.2
Úc châu
-1.2
-4.6
4.8
4.3
8.5
7.1
2.6
Phi châu
18.6
3.3
3.8
2.3
2.1
2.4
6.1
Toàn cầu
9.1
2.6
2.3
2.5
2.7
-0.3
1.2

Trong khi dân số người Hoa trên thế giới vào khoảng 40,3 triệu, thì ở Á Châu là 29,6 triệu, chiếm 73,3 %. Cách riêng, số lượng người Hoa tập trung rất lớn ở khu vực Đông Nam Á, đến hơn 26 triệu. Trong đó, ở Inđônêsia là 8 triệu, ở Thái Lan là 7,5 triệu, 6,5 triệu ở Malaysia, rồi đến các nước như, Philipines, Myanma, Việt Nam, Lào, Campuchia, Brunei, Đông Timor. Điểm đặc biệt ở Singaporere, người Hoa chiếm đại đa số, hơn 77 % trên tổng dân số nước này.

Bảng 2: Bảng so sánh tình hình phát triển dân số người Hoa năm 2001-2011[20].

Nước
Người Hoa (ngàn)
Tổng số dân
(triệu)
Người Hoa (ngàn)
Tỷ lệ gia tăng

Năm 2001
Năm 2011

Inđônêsia
7,163.32
248.00
8,010.72
1.12
Thái Lan
6,861.82
64.26
7,512.60
0.91
Malaysia
5,749.00
28.73
6,540.80
1.30
Singapore
2,565.30
5.26
2,808.30
0.91
Philippin
1,073.65
95.83
1,243.16
1.48
Myanmar
1,006.00
62.42
1,053.75
0.46
Việt Nam
1,216.34
89.32
992.60
-2.01
Lào
168.51
6.56
176.49
0.46
Campuchia
313.96
14.43
147.02
-7,31
Brunei
40.00
0.41
51.00
2.46
Đông Timor
12.80
1.15
7.56
-5,13

2. Phương ngữ của người Hoa ở Đông Nam Á


Hầu hết người Hoa di cư đến các nước Đông Nam Á có nguồn gốc từ các tỉnh duyên hải Trung Hoa như: Phúc Kiến, Quảng Đông, một thiểu số đến từ đảo Hải Nam. Do đó, hệ ngôn ngữ của họ bao gồm: tiếng Quảng Đông, Phúc Kiến, Khánh Gia, Triều Châu và Hải Nam. Quá trình nhập cư đã dẫn đến việc hình thành các cộng đồng người Hoa sử dụng ngôn ngữ theo tổ tiên của họ.

Bảng 3: Bảng phân phối hệ ngôn ngữ của người Hoa ở Đông Nam Á[21] (đơn vị tính %)

Nước
Phúc Kiến
Quảng Đông
Triều Châu
Khánh Gia
Hải
Nam
Ngôn ngữ khác
Thái Lan
7.0
7.0
56.0
16.0
12.0
2.0
Malaysia
31.7
21.7
12.1
21.8
5.3
7.4
Singapore
40.0
18.0
23.0
9.0
7.0
3.0
Indonesia
50.0
11.5
7.5
16.5
-
14.5
Philippines
85.0
15.0
-
-
-
-
Vietnam
6.0
56.5
34.0
1.5
2.0
-
Campuchia
2.0
10.0
77.0
3.0
8.0
-
Lào
-
15.0
70.0
-
10.0
5.0
Myanmar
30.0
20.0
-
-
-
50.0

Trong quá khứ, mỗi phương ngữ đều có sự chuyên môn hóa trong các lĩnh vực nghề nghiệp. Ví dụ, một người Hoa kinh doanh xe đạp ở Singapore có thể là người Phúc Kiến, hoặc một người làm nghề kim hoàn ở Kuala Lumpur chỉ có thể là người Quảng Đông. Ngày nay, mối liên hệ này đang dần bị phá vỡ. Tuy nhiên, trong một số cộng đồng, mối liên hệ này vẫn còn tồn tại.

3. Các hội tương tế người Hoa


Khi nhập cư, người Hoa chủ yếu sinh sống ở thành thị và những nơi tập trung buôn bán. Họ gặp rất nhiều khó khăn vì phải thích nghi với môi trường mới. Vấn đề đặt ra là làm sao có thể giúp đỡ nhau ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế. Do đó, họ đi đến việc thành lập các hội tương tế. Mục đích của các hội này là giúp những người mới định cư bằng cách cho vay mượn tiền và cung cấp những phương tiện kinh doanh, buôn bán. Một số hiệp hội khác cũng được thiết lập nhằm hướng dẫn đời sống văn hóa của người Hoa.

Các hội tương tế người Hoa được hình thành xoay quanh bốn nguyên tắc sau đây: họ hàng, quê quán, ngôn ngữ và ngành nghề. Hội tương tế theo họ hàng gồm những người Hoa có cùng một họ, nhưng không nhất thiết là có tương quan huyết thống. Nhóm tương tế theo quê quán là những người Hoa xuất thân ở cùng một làng hay một khu vực ở Trung Hoa, thông thường, những người này cùng họ với nhau. Hội tương tế theo phương ngữ mở rộng đến các thành viên là những người cùng nói một phương ngữ. Ngày nay, đây là hiệp hội nổi bật và năng động nhất ở Đông Nam Á. Các hiệp hội theo ngành nghề (phường hội) quy tụ những thành viên làm cùng một nghề. Vì sự tương quan giữa nghề nghiệp và ngôn ngữ, nên các thành viên của phường hội thường gắn chặt với một phương ngữ đặc thù. Ví dụ, những người phường hội luyện kim do những người nói tiếng Quảng Đông chiếm ưu thế. Trong khi các thương gia kinh doanh xe đạp do người nói tiếng Phúc Kiến chiếm lĩnh.

Bên cạnh các hiệp hội này, còn có các hội phúc lợi xã hội, các ủy ban đền đài, học vấn và các hội đồng về kinh doanh quan trọng khác. Nhờ các hội này, người Hoa có thể tổ chức những mạng lưới kinh doanh, mang lại rất nhiều lợi nhuận. Chúng ta sẽ nhận thấy hiệu quả của mạng lưới này trong việc kinh doanh, thương mại của người Hoa.

Bảng 4. Các hội tương tế

Loại
Nguyên tắc tổ chức
Ví dụ
Hiệp hội thị tộc
Quan hệ theo họ tên
Hiệp hội họ Lý
Hiệp hội quê quán
Quê quán
Hiệp hội đồng hương Thiểm Tây
Hiệp hội theo phương ngữ
Phương ngữ
Hiệp hội nói tiếng Phúc Kiến
Phường hội
Ngành nghề
Hiệp hội thợ kim hoàn

4. Nét văn hóa của người Hoa ở Đông Nam Á


Khi khám phá hệ thống giá trị văn hóa của người Hoa ở Đông Nam Á, người ta nhận thấy họ vẫn còn giữ được những nét văn hóa truyền thống của tổ tiên. Quả vậy, người Hoa chịu chi phối bởi ba luồng tư tưởng chính: Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo. Theo đó, đời sống con người cần phải hòa hợp với Đạo bằng cách quân bình âm dương. Các quy chuẩn xã hội được hình thành qua tam cương (vua - tôi, cha - con, chồng - vợ) và ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Tất cả các mối tương quan trong xã hội đều được quy định bởi lễ. Điều này tạo cho gia đình và xã hội có trật tự và kỷ cương.[22] Sau đây là một số khía cạnh đặc trưng trong nét văn hóa của người Hoa ở Đông Nam Á.

4.1. Đời sống xã hội -gia đình

Do điều kiện sinh sống của người Hoa ở vùng đất mới, nên ý thức cộng đồng luôn luôn được đề cao, được củng cố. Tinh thần cố kết cộng đồng: gia đình, họ tộc, đồng hương, đồng nghiệp đặc biệt được quan tâm giữ gìn như một giá trị thiêng. Lòng biết ơn, tinh thần nghĩa hiệp đùm bọc lẫn nhau và ý chí quyết lập nghiệp là những giá trị được cộng đồng người Hoa hết sức nâng niu, trân trọng. Chính nhờ các giá trị văn hóa, ý thức cộng đồng đã giúp cho người Hoa tồn tại như một nhóm xã hội đặc thù, vừa hoà nhập với các cộng đồng khác, vừa giữ được những đặc điểm riêng có tính ưu trội của mình.

Trong gia đình, người Hoa rất coi trọng gia đình, các thành viên có mối tương quan mật thiết với nhau. Gia đình người Hoa mang tính phụ hệ gia trưởng sâu sắc.[23] Xưa kia, gia đình người Hoa gồm nhiều thế hệ cùng chung sống. Nay gia đình nhỏ thay thế gia đình lớn. Do sự phát triển của xã hội mà ở Malaysia, Singapore hay Inđônêsia, gia đình người Hoa thường chỉ có 2 thế hệ: cha mẹ và con cái. Trong nhà, người cha hoặc người chồng làm chủ, quyết định mọi việc lớn, nhỏ. Tuy tầm ảnh hưởng lễ giáo Khổng -Mạnh đã mờ nhạt, nhưng vai trò người cha, người chồng cả vẫn khá rõ. Trước đây, con gái Hoa ít được học hơn con trai, ngày nay tình hình đã thay đổi, họ được học hành ngang nam giới, tham gia nhiều công tác xã hội tiến tới sự bình đẳng nam nữ.

4.2. Phong tục tập quán

a) Cưới hỏi : Cách đây vài chục năm, người ta thấy hiện tượng: con gái người Hoa thường chỉ lấy chồng Hoa, bởi vì nếu con gái lấy chồng là người bản địa, người Hoa sợ đánh mất truyền thống văn hóa của họ; nhưng đàn ông Hoa lấy vợ các dân tộc khác khá phổ biến. Sở dĩ có tình hình trên là do: lúc đó số phụ nữ Hoa ít hơn nam giới. Ngày nay, hôn nhân khác chủng tộc là phổ biến. Ở Philippines, Inđônêsia, Thái Lan... tỷ lệ người Hoa kết hôn người bản địa rất cao. Trước đây, đám cưới của người Hoa có nhiều nghi thức phức tạp, giờ đây, nhiều nghi tiết đã bị giảm bớt.

b) Ma chay : Người Hoa quan niệm người ta sống gửi, thác về. Người thuộc gia tộc nào chôn cất ở nhị tì (nghĩa địa) gia tộc đó. Nhị tì thường xây cổng lớn ghi rõ tên gia tộc, bên trong có nhà nghĩa từ, có nghĩa đường bài vị người quá cố. Mồ mả người Hoa thường xây nấm lớn mong có tính cách trường tồn. Người Hoa rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên. Bàn thờ tổ tiên đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà, với lư hương, cặp chân nến và một số bài vị. Ngoài ra, người Hoa cũng lập nhiều từ đường, đền thờ dòng họ, hàng năm có tổ chức lễ giỗ, quy tụ những người cùng một họ đến gặp gỡ, nhằm thắt chặt thêm tình đoàn kết tương trợ trong những người cùng một ông Tổ.

c) Lễ hội : Mỗi năm, người Hoa có một số lễ hội vào ngày 14 tháng giêng âm lịch (lễ Thượng nguyên), ngày 28 tháng hai (lễ Thanh minh), ngày 5 tháng năm (tưởng nhớ Khuất Nguyên), rằm tháng bảy (lễ Vu lan, Trung nguyên), rằm tháng tám (Trung thu), ngày 9 tháng chín (Trùng cửu), rằm tháng mười (Hạ nguyên). Tuy nhiên, một số lễ hội ngày nay không còn nữa.

4.3. Đời sống tâm linh

Tín ngưỡng của người Hoa rất phong phú, đa dạng. Họ tin có linh hồn. Sau khi chết, con người sẽ bị trừng phạt hay khen thưởng tuỳ vào công đức trong kiếp hiện tại. Vì vậy, người Hoa đã tích cực thờ phụng nhiều thần linh trú ngụ thuộc nhiều cảnh giới khác nhau để cầu mong được nhiều sự hỗ trợ. Người Hoa thực hành tín ngưỡng có pha tạp cả những yếu tố của tam giáo đồng nguyên (Khổng, Phật, Lão). Đây là ba cột trụ chính hình thành nên nhận thức và đời sống tâm linh của người Hoa.[24]

Người Hoa thờ tự các thần linh trong 3 cõi: Thiên-Địa-Nhân. Ở mỗi nhóm cộng đồng, họ có một số thần linh khá khác biệt. Như trong nhóm Hoa Quảng Đông, ngoài hai vị Quan Thánh Đế Quân và Thiên Hậu Thánh mẫu, còn thờ thêm Diêu Trì Kim Mẫu, Phùng Tướng Công…Hay trong nhóm Hoa Phúc Kiến, còn thờ phổ biến Quảng Trạch Tôn Vương; nhóm Hoa Triều Châu thờ Tề Thiên Đại Thánh…

Trong các thần linh đa dạng, phong phú của người Hoa, ta có thể nhận thấy gồm nhiều loại như nhiên thần (Thiên Phụ Địa mẫu, Ngọc Hoàng Thượng Đế…); nhân thần (Quan Công, Thiên Hậu, Bảo Sanh Đại đế, Trương Tiên sư…); thần thuỷ giới (Thuỷ mẫu, Long mẫu nương nương, Long vương…) ; thần ở âm giới (Thập Điện Diêm vương); thần động vật (Hổ, Rồng..); thần thực vật (mộc); thần đá (Thái Sơn Thạch Cảm Đương); thần bảo sanh (Cửu Thiên Huyền Nữ, Quan Am…); thần kiết tường (Phúc, lộc, thọ; Thần tài).

5. Mức độ đồng hóa của người Hoa ở Đông Nam Á


Bên cạnh việc giữ gìn truyền thống văn hóa, người Hoa sống ở Đông Nam Á dần dần chịu sự tác động của nền văn hóa trong khu vực và văn hóa của Tây phương (do quá trình nhập cư). Kết quả là văn hóa của người Hoa bị đồng hóa ít nhiều với nền văn hóa của đất nước sở tại.

Khi mới nhập cư, đa phần người Hoa là đàn ông. Do đó, họ phải kết hôn với phụ nữ của đất nước trong khu vực.[25] Hôn nhân khác chủng tộc giữa người Hoa và người dân bản địa đã đẩy mạnh tiến trình đồng hóa. Ở những nơi gặp khó khăn về tôn giáo, chẳng hạn Hồi giáo ở Malaysia, đàn ông người Hoa chọn phụ nữ theo Kitô giáo từ phía bắc Sumatra. Người Hoa di cư vào Philippines thường là người nam kết hôn với những phụ nữ bản địa theo Công giáo. Trước năm 1940, có khoảng 750.000 người Philippines gốc Hoa.[26]

Văn hóa baba của người Hoa ở Singapore, Malacca và Penang có nguồn gốc từ việc kết hôn giữa người Hoa và các phụ nữ bản địa.[27] Qua thời gian, văn hóa baba pha trộn với các phong tục của người Anh, Tây Ban Nha, Malay và Trung Hoa. Văn hóa baba phát triển đến đỉnh điểm và ảnh hưởng về kinh tế trong một giai đoạn ngắn vào thế kỷ XX. Họ hình thành một nhóm thiểu số khác biệt với những người Hoa mới đến, vốn được biết là những người sinkehs.[28]

Ở Inđônêsia, cộng đồng người Hoa gồm hai hình thức: người peranakan là con cháu của những người Hoa nhập cư đầu tiên, và người totok là người nhập cư sau này. Người peranakan hình thành nên phần lớn cộng đồng người Hoa-Inđô, họ mất đi rất nhiều “Trung Hoa tính”.[29] Họ không thể viết hoặc đọc tiếng Trung Quốc, và rất ít liên lạc với người Trung Hoa ngoài Indonesia, và điểm đặc biệt họ là Kitô hữu. Đối với họ, suy nghĩ trở lại Trung Hoa là điều không thể xảy ra. Ngược lại, người totok vẫn còn có tương quan khá gần gũi với Trung Hoa, vì cha mẹ của họ được sinh ra ở đó, họ nói và viết chữ Trung Hoa.

Trong một số quốc gia, người Hoa bị đồng hóa theo nhiều mức độ khác nhau. Ở Thái Lan, người Hoa bị đồng hóa rất mạnh do cuộc kết hôn khác chủng tộc với người bản địa và bây giờ khó xác định người đó có phải là người Hoa hay không. Ở Myanmar, nhiều người Hoa bị đồng hóa bằng cách chấp nhận y phục và ngôn ngữ mặc dù họ vẫn còn hình thành một cộng đồng rõ nét.

III. Tầm ảnh hưởng về kinh tế của người Hoa ở Đông Nam Á


1. Tình hình phát triển kinh tế của người Hoa trong những năm gần đây


Từ cuối những năm 80, doanh nghiệp người Hoa phát triển mạnh vì: (a) chiến tranh lạnh kết thúc; (b) nhu cầu hợp tác kinh tế trở nên mạnh mẽ; (c) sau khi đồng Yên tăng giá, Nhật bản ồ ạt đầu tư vào các nước Đông Nam Á; (d) nền kinh tế Trung Hoa phát triển đã tạo ra môi trường lớn mạnh cho các nước Đông Nam Á đầu tư. Các nước Đông Nam Á điều chỉnh và thực hiện các chính sách kêu gọi đầu tư đối với người Hoa. Với những điều kiện như thế, các doanh nghiệp người Hoa đã nhanh chóng bắt kịp với xu hướng kinh tế thời đại trong khu vực.

Bảng: Mức tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á (%)


Singapore
Indonesia
Thailand
Malaysia
Philippines
Những năm 60
8,7
3,0
8,0

4,8
Những năm 70
0,4
7,7
7.3
8,0
6,1
Những năm 80
7,2
5,8
7,2
5,7
1,9
Những 
năm 90
1990
8,1
7,2
11,6
9,7
3,0
1991
7,0
7,0
8,4
8.7
0,5
1992
6,4
6,5
7,9
7,8
0,3
1993
10,4
6,5
8,3
8,3
2,1
1994
10,2
7,5
8,8
9,2
4,4
1995
8,8
8,2
8,6
9,5
4,8
1996
7,0
7,8
6,7
8,2
5,5

Đến những năm 90, người Hoa đạt được một khối lượng vốn rất cao, chiếm 1/3 tổng số vốn của các nước Đông Nam Á. Với xu thế toàn cầu hóa, việc kinh doanh của người Hoa không còn giới hạn trong khu vực nữa, nhưng mở ra với nền thị trường thế giới. Theo tính toán, người Hoa chiếm tới 70% toàn bộ thị trường cổ phiếu, vốn các doanh nghiệp đạt đến 66% tổng giá trị cổ phiếu của thị trường cổ phiếu Châu Á.[30]

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp người Hoa đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực chuyên biệt theo từng quốc gia. Theo tạp chí Forbes năm 2015, số tỉ phú trong khu vực này chiếm tới hơn 85% so với toàn Châu Á.[31] Từ đó, họ trở thành một thế lực kinh tế quan trọng của Đông Nam Á, không những tác động đến nền kinh tế khu vực mà còn cả trên phạm vị quốc tế.

Bảng 5: Bảng xếp hạng các tỷ phủ người Hoa của Forbes[32]

Tỷ phú
Tuổi
Tổng
tài sản
Nước
Công Ty
Chức vụ
Henry Sy
90
14.2
Philippines
SM (Đa dạng)
Chủ tịch
Nhà sáng lập
Dhanin
Chearavanont
75
13.6
Thailand
Group (Food)
Chủ tịch
Charoen Sirivadhanabhakdi
70
13.2
Thailand
TCC (beverages)
Chủ tịch 
Nhà sáng lập
Robert Kuok
91
11.3
Malaysia
Đa dạng
Thế hệ thứ hai
Robert & Philip Ng
63
9.6
Singapore
Sino (Bất động sản)
Chủ tịch
R. Budi Hartono
74
9.0
Indonesia
Ngân hàng Thuốc lá
Thế hệ thứ hai
Michael Hartono
75
8.7
Indonesia
Ngân hàng Thuốc lá
Thế hệ thứ hai
Goh Cheng Liang
88
6.8
Singapore
Nipsea (Sơn)
Nhà sáng lập
John Gokongwei, Jr.
87
5.8
Philippines
JG (đa dạng)
Nhà sáng lập

2. Tầm ảnh hưởng về kinh tế của người Hoa tại một số nước Đông Nam Á[33]


Tại Inđônêsia, người Hoa chiếm 2,5% trong số 200 triệu dân, nhưng lại kiểm soát tới trên 70% kinh tế nước này - trong đó kiểm soát trên 75% ngành sản xuất bánh mì, miến, kiểm soát 80% ngành may mặc, 65% ngành nhuộm và 80% ngành lâm sản. Cuối năm1993, 68% doanh nghiệp quy mô lớn của Indonesia do người Hoa kiểm soát.

Tại Thái Lan, người Hoa chiếm 10% dân số, nhưng chiếm trên 90% vốn của các doanh nghiệp và trên 50% vốn của ngành ngân hàng. Những ngân hàng quy mô lớn của người Hoa ở Thái Lan như Ngân hàng Thái Kinh có vốn tới 6,9 tỉ USD, Ngân hàng Nông dân Thái Hoa trên 6,7 tỉ USD, Ngân hàng điện tín Châu Á khoảng 5 tỉ USD, Ngân hàng Băng Cốc 6,2 tỉ USD, Ngân hàng Hoa Thái 6,7 tỉ USD, Ngân hàng thương mại Viễn La 4,6 tỉ USD. Ngân hàng và công ty tài chính của người Hoa ở Thái Lan có tài sản tới trên 22,2 tỉ USD lớn hơn tài sản 21,8 tỉ USD của Chính phủ và Hoàng gia Thái Lan cộng lại.

Tại Philippines, người Hoa chiếm chưa đầy 2% dân số, nhưng chiếm trên 35% kim ngạch thương mại của nước này. Tại Malaysia, người Hoa kiểm soát gần hết những huyết mạch kinh tế của nước này. Vì vậy, địa vị và quyền lợi của người Hoa rất lớn trên chính trường cũng như trong kinh doanh, giáo dục. Tại Singapore, do người Hoa chiếm tới 80% dân số, nên họ kiểm soát tất cả các mặt của đất nước từ chính quyền nhà nước tới các doanh nghiệp. Ở Việt Nam, người Hoa tham gia vào nhiều lĩnh vực kinh tế nhưng tập trung chủ yếu vào các hoạt động tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ. Trong đó, phải kể đến các hãng sản xuất và kinh doanh nổi tiếng của người Hoa như: bánh kẹo Kinh Đô, dầu gió Trường Sơn, bút bi Thiên Long, nhựa Đại Đồng Tiến… Người Hoa chiếm lĩnh trong các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp như thuộc da, thuỷ tinh, bốc thuốc bắc và đông nam dược, các cơ khí nhỏ và công nghiệp chế biến.

3. Các yếu tố góp phần tạo nên thành công trong kinh doanh của người Hoa


Dù là thiểu số, nhưng người Hoa cho thấy sự ảnh hưởng của họ trong lĩnh vực kinh tế ở khu vực. Vậy, thành công của họ là do đâu? Khi phân tích, người ta nhận thấy có nhiều yếu tố góp phần tạo nên sự thành công này, chúng ta có thể liệt kê một số yếu tố sau đây:

Người Hoa có đức tính siêng năng cần cù, ham học hỏi. Trong quá khứ, vì đã phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ qua các cuộc nhập cư[34]; thế nên, họ có khả năng thích ứng rất tốt với môi trường mới. Bên cạnh đó, Khổng giáo đóng một vai trò quan trọng trong kinh doanh thương mại[35]. Đây là một trong những nhân tố thúc đẩy người Hoa tiến ra chiến tuyến kinh doanh trong khu vực Châu Á. Triết thuyết này xây dựng một hình ảnh quân tử mẫu mực với năm phẩm chất cơ bản: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Các đức tính này rất cần thiết trong kinh doanh thương mại, đặc biệt là chữ “tín”. Chữ tín và tính cộng đồng của người Hoa là tinh thần đạo đức trong kinh tế thị trường bảo đảm cho sự liên doanh, liên kết trung thực và chân tình. Những vốn quý văn hóa đó nếu biết phát huy sẽ tạo ra sức mạnh, liên kết kinh tế giữa người Hoa lại với nhau.

Gia đình là môi trường kinh doanh đầu tiên. Người Hoa rất coi trọng đời sống gia đình. Họ dạy con cái rất nghiêm, đặc biệt là các đức tính tiết kiệm, hiếu học và siêng năng. Thông thường, khi mới nhập cư, các gia đình người Hoa bắt đầu kinh doanh buôn bán, nhưng còn ở quy mô nhỏ lẻ và cá nhân, dần dần, người Hoa mở rộng phạm vi kinh doanh, trở thành những tập đoàn kinh doanh. Vì thế, ngay từ nhỏ, con cái người Hoa đã có cơ hội tiếp xúc với môi trường kinh doanh buôn bán. Thêm vào đó, người Hoa quan niệm việc kinh doanh không phải mang tính cá nhân, nhưng là toàn thể gia đình. Mọi người cần phải giúp đỡ và hỗ trợ nhau trong kinh doanh buôn bán.

Người Hoa hình thành hệ thống kinh doanh mạng liên ngành và đa ngành. Hệ thống kinh doanh mạng của người Hoa là một dạng mạng lưới liên kết gồm những đơn vị nhỏ như các cửa hiệu cho đến các công ty, doanh nghiệp. Như chúng ta đề cập ở trên, các hội tương tế người Hoa có vai trò rất quan trọng trong mạng lưới kinh doanh này. Qua trung gian các hiệp hội, doanh nghiệp người Hoa có thể thu hút vốn đầu tư, giảm chi phí sản xuất, tiếp cận công nghệ hiện đại, tích lũy kinh nghiệm kinh doanh, nắm bắt cơ chế thị trường giữa cung và cầu. Ngoài ra, doanh nghiệp người Hoa giữ vị trí then chốt trong một số ngành nghề kinh doanh chủ đạo. Trước đây ở Đông Nam Á, một số lĩnh vực quan trọng đều do người Hoa nắm giữ, đến nay cùng vối sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu, các lĩnh vực kinh doanh này càng được phát triển mạnh, có thực lực vững vàng và đứng ở vị thế cao hơn.

IV. Viễn cảnh loan báo Tin Mừng cho người Hoa ở Đông Nam Á


Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong Tông huấn Evangelii Gaudium - Niềm Vui của Tin Mừng, đã viết: “Trong Tông Huấn này, tôi muốn khích lệ các tín hữu đi vào một chương mới của công cuộc loan báo Tin Mừng ngập tràn niềm vui này, đồng thời vạch ra những lối đi mới cho hành trình của Hội Thánh trong những năm sắp tới”[36]. Trong bối cảnh Đông Nam Á, người Hoa có tầm ảnh hưởng lớn đối với khu vực, đặc biệt là qua hai lĩnh vực văn hóa và kinh tế, thiết nghĩ đây là hai hướng đi mở ra những viễn cảnh mà qua đó chúng ta có thể đem Tin Mừng Đức Kitô đến cho cộng đồng này.

1. Hội nhập văn hóa


Khi đề cập đến vai trò của văn hóa trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, Công đồng Vatican II khẳng định: “có nhiều mối tương quan giữa sứ điệp cứu độ và văn hóa. Bởi vì, từ khi mạc khải cho dân Người cho tới khi biểu lộ tròn đầy trong Chúa Con nhập thể, Thiên Chúa đã nói với con người theo các loại văn hóa riêng biệt của từng thời đại. Cũng thế, trải qua những hoàn cảnh khác nhau của lịch sử, Giáo hội đã sử dụng tài nguyên của các nền văn hóa khác nhau để, qua lời rao giảng, phổ biến và trình bày sứ điệp của Đức Kitô cho muôn dân”.[37] Cũng trong ý nghĩa đó, Tông huấn Ecclesia in Asia (Giáo hội tại Á Châu) cho thấy: “Sự liên kết với các nền văn hoá luôn luôn là một phần trong cuộc hành trình của Giáo Hội qua lịch sử”[38]. Khởi đi từ Công đồng Vatican II, hội nhập văn hóa luôn luôn được xem là chủ đề thiết yếu trong sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Trước hết, cần phải chân nhận sự đa dạng trong nét văn hóa của người Hoa. Ngoài văn hóa Trung Hoa vốn rất phong phú tùy theo phương ngữ và vùng miền, người Hoa còn chịu ảnh hưởng từ văn hóa bản địa và Phương Tây trong quá trình nhập cư. Do đó, tiến trình đối thoại giữa Tin Mừng và văn hóa người Hoa cần phải được diễn ra cách đúng đắn. “Giáo hội chẳng những truyền đạt các chân lý và giá trị của mình, cũng như đổi mới các nền văn hoá ấy từ bên trong, mà còn thu dụng nhiều yếu tố tích cực có sẵn từ các nền văn hoá khác nhau ấy”.[39] Nếu không, việc loan báo Tin Mừng sẽ bị đẩy ra bên lề xã hội. Chắc hẳn người Hoa vẫn còn nhớ biến cố đau lòng về lệnh cấm thờ kính tổ tiên ở Trung Hoa thời Đức giáo hoàng Clementê XI. Bên cạnh đó, cần phải xem xét hoàn cảnh xã hội ở khu vực Đông Nam Á. Những suy tư thần học phải giúp xã hội giải quyết những vấn đề hoàn cảnh của họ, đem đến cho nền văn hóa người Hoa tình yêu, lòng trung tín, các giá trị và tinh thần cốt lõi của Tin Mừng.

Tóm lại, trong sứ vụ loan báo Tin Mừng cho người Hoa, thiết nghĩ cần phải đào sâu tiến trình bản sắc hóa và hoàn cảnh hóa đức tin. Vì vậy, giáo hội địa phương cần phải giúp cho Tin Mừng thật sự trở nên “nhập thể” trong tâm hồn cũng như suy nghĩ của người Hoa và trong thế giới tâm linh của họ.

2. Kinh doanh xét như một sứ vụ


Thế giới ngày càng thay đổi. Thế nên, cách thức loan báo Tin Mừng cũng cần phải thay đổi. Suốt hơn 2000 năm, các Kitô hữu đã tìm kiếm nhiều phương tiện và cơ hội để làm vinh danh Thiên Chúa giữa muôn dân; trong đó, hai lĩnh vực y tế và giáo dục đã mở ra những cánh cửa loan báo Tin Mừng cho nhiều cộng đồng khác nhau.

Mối liên kết giữa kinh doanh và sứ vụ không phải là mới. Dọc dài lịch sử Giáo hội, đã có rất nhiều Kitô hữu dùng kinh doanh, thương mại theo nhiều cách thức khác nhau để loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, tình trạng khủng hoảng kinh tế toàn cầu có thể nói là hậu quả của những hoạt động kinh tế đi ngược lại các chuẩn mực đạo đức xã hội, đề cao giá trị lợi nhuận hơn phẩm giá con người. Trước thách đố đó, vấn đề đặt ra là làm sao kinh doanh, thương mại thật sự mang lại lợi ích cho con người và trở thành sứ vụ mà qua đó Đức Kitô có thể được nhận biết.

Như đã biết, tầm ảnh hưởng của người Hoa về mặt kinh tế là rất lớn ở Đông Nam Á. Họ chi phối và tác động trực tiếp đến nền kinh tế trong khu vực. Không những trong nước, phạm vi hoạt động kinh tế của người Hoa còn cả trên thương trường quốc tế. Đây là môi trường thuận lợi, nhờ đó, họ có thể loan báo Tin Mừng cho chính cộng đồng của mình và cho người khác.

Ở một số nước Đông Nam Á, sự chênh lệch giàu nghèo rất lớn, kéo theo nhiều vấn đề: di dân kinh tế, hấp lực của đồng tiền, phân biệt đối xử, làm ăn bất chính, bạo lực, luân lý suy đồi, tham nhũng hối lộ… Các thương nhân người Hoa là Kitô hữu được mời gọi thăng tiến môi trường làm việc qua chương trình huấn luyện, điều kiện làm việc, các phúc lợi khác… nhằm nâng cao phẩm giá con người. Trong kinh doanh, các doanh nghiệp có nhiều mối tương quan: ông chủ- công nhân, người mua - người bán, người sản xuất- tiêu thụ, thiết nghĩ họ cần tạo ra một không gian mà ở đó, những người đã nhận biết Đức Kitô có thể chia sẻ đức tin và làm chứng cho những người chưa biết. Họ được mời gọi trở nên “muối và ánh sáng” trong môi trường làm việc bởi vì “trở nên người môn đệ” là cách thức chứng minh đường lối của Thiên Chúa qua các mối tương quan hằng ngày. Thiên Chúa được nhận biết và tôn vinh khi các doanh nghiệp người Hoa sống các giá trị Tin Mừng qua lời nói và hành động.

3. Cộng đồng Kitô hữu người Hoa là cầu nối bước vào Giáo hội Trung Hoa


Trong kinh doanh, Trung Hoa đại lục là đối tác rất quan trọng trong các mậu dịch thương mại của người Hoa. Theo Tạp chí “Forbes” năm 1993, trong số 148 tập đoàn tư bản đứng hàng đầu của người Hoa ở các nước Đông Nam Á (có tài sản trên 100 triệu USD) có tới 44 người có vốn đầu tư vào thị trường Trung Quốc, chiếm 29% hoặc 1/3 trong tổng số các tập đoàn tư bản lớn của người Hoa ở khu vực này.[40] Ngày nay, rất nhiều công ty và tập đoàn kinh tế người Hoa ở Đông Nam Á đang đầu tư vào thị trường rộng lớn với dân số trên 1,3 tỉ này. Bên cạnh lĩnh vực kinh tế, sự tương đồng về ngôn ngữ, phong tục tập quán và các giá trị văn hóa truyền thống cũng tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình gặp gỡ và giao lưu giữa người Hoa với người dân Trung Hoa đại lục. Đây là những khởi điểm thuận lợi cho tiến trình loan báo Tin Mừng cho đất nước này.

Vì vậy, trong loạt bài nói chuyện với các giám mục Đài Loan, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II mời gọi các Kitô hữu là người Hoa phải trở nên cầu nối cho cho giáo hội Trung Hoa đại lục.[41] Mặc dù bị cấm đoán, nhưng ước tính năm 1980 thì Trung Hoa chỉ có 10 triệu Kitô hữu, đến năm 2007, con số chính thức là 60 triệu, và 2014 ước tính (chưa chính thức) đã lên đến 100 triệu tín hữu, trong đó Công giáo là hơn 12 triệu. Tỷ lệ tăng trưởng đều đặn là 7% mỗi năm.[42] Với tốc độ gia tăng như vậy, trong vòng 25 năm nữa, Trung Hoa sẽ có 579 triệu Kitô hữu. Thiết nghĩ Trung Hoa cũng chính là điểm đến trong sứ vụ loan báo Tin Mừng của Kitô hữu người Hoa ở Đông Nam Á.

Kết luận


Mặc dù chỉ là thiểu số, nhưng người Hoa đã cho thấy tầm quan trọng và ảnh hưởng của họ trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt qua hai lĩnh vực văn hóa và kinh tế. Với nét văn hóa đặc trưng, người Hoa đã đem đến những mảng màu mới cho bức tranh toàn cảnh về văn hóa Đông Nam Á. Trong quá trình nhập cư và sinh sống, người Hoa ít nhiều bị đồng hóa với văn hóa ở đất nước sở tại. Từ đó, chúng ta nhận thấy văn hóa của người Hoa thật phong phú và đa dạng. Bên cạnh đó, kinh tế còn là một thế mạnh khác của người Hoa. Họ chi phối và tác động rất lớn đến nền kinh tế trong khu vực. Nhiều ngành kinh tế các nước Đông Nam Á do người Hoa nắm giữ. Trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, có thể nói đây là hai khía cạnh tiêu biểu mà chúng ta được mời gọi “ra đi” đem sứ điệp cứu độ của Đức Kitô đến cho người Hoa trong khu vực, như tông huấn Evangelii Gaudium dạy:
Lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hăy đi thu thập môn đệ' đang vang dội trong những khung cảnh đổi thay và đầy thách thức mới cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của Hội Thánh, và tất cả chúng ta được kêu gọi tham gia vào cuộc “đi ra” truyền giáo mới này. Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng[43].

Tài liệu tham khảo

  1. Ang See, Teresita. The Chinese in Philippines, Continuity and change. Manila: Asian Studies: 1995.
  2. Ch’ng, D. The Overseas Chinese Entrepreneurs in East Asia: Background, Business Practices and International Networks. CEDA: Monograph M100, 1993.
  3. Chan, K.B. and Chiang C. Stepping Out: The Making of Chinese Entrepreneurs. Singapore: Prentice Hall, 1994.
  4. Châu Thị Hải. Người Hoa trong Lịch Sử Việt Nam. Hà Nội: Viện Khoa học xã hội Việt Nam, 1998.
  5. Department of Foreign Affairs and Trade, Overseas Chinese Business Networks in Asia. Sydney: AGPS Press,1995.
  6. Đỗ Đức Toàn. Tìm hiểu doanh nghiệp người Hoa Đông Nam Á thập niên gần đây. Hà nội: Viện nghiên cứu Trung Quốc, 1998.
  7. Dobbs-Higginson, M.S. Asia Pacific: Its role in the New World Order. Port Melbourne: William Heinemann Australia, 1993.
  8. Haines, J.H.Chinese of the Diaspora. New York: Indiana,1998.
  9. Hassoun Jean Pierre, Ying Fong Tan. Les réfugiés de l’Asie du Sud Est de Langue Chinoise. Paris: Mission du Patrimoine Ethnologique, 1986.
  10. Ian Rae and Morgen Witzel. The oversea Chinese of South East Asia: History, Culture, Business. New York: Palgrave Macmillan, 2008.
  11. Jones, E., et al. Coming Full Circle: An Economic History of the Pacific Rim. Oxford: University Press, 1993.
  12. Kiều Tỉnh. Người Hoa ở Đông Nam Á: Thế lực đáng gờm. http://tamnhin.net/Tieu-diem/11038/Nguoi-Hoa-o-Dong-Nam-A-The-luc-dang-gom.html...
  13. Kin Sheung Chiaretto Yan, Evangelisation in China: Prospect and Challenges. New York: Maryknoll, 2014
  14. King, Roger. A comparative study of Chinese and Jewish Diaspora family owned business. Hong Kong: Hong Kong University of science and technology, 2016.
  15. Lê Quý Đôn. Phủ Biên tạp lục. Hà Nội, 1964.
  16. Mc Lean, George. Culture and Evangelization in dialogue. New York: The Council for Research in Value and Philosophy, 2003.
  17. Pandey, B.N.South and South-East Asia 1945-1979: Problems and Policies, Macmillan, London, 1980.
  18. Phan Huy Lê - Chu Thiên - Vương Hoàng Tuyên - Đinh Xuân Lâm. Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Tập III, Hà Nội: Giáo dục, 1960.
  19. Poston J. Dulney& Wang helen Juyin. The Chinese Diaspora Population in circa-2011. Texas: A&M University, 2011.
  20. Raybeck, D. “Chinese patterns of adaption in Southeast Asia” in: L.Y.C. Lim and L.A.P. Gosling (eds), Vol. 2.)
  21. Redding, S. The Spirit of Chinese Capitalism. Berlin: Walter de Gruyter and Co, 1990.
  22. Ryan, N. J. The Making of Modern Malaysia and Singapore: A History from Earliest Times to 1966. London: Oxford University Press, 1969.
  23. Sowell, T. The Economics and Politics of Race. Quill: New York, 1983.
  24. Tan, C.B. “Acculturation and the Chinese in Melaka: The Expression of Baba Identity Today”in L.Y.C. Lim and L.A.P. Gosling (eds), The Chinese in Southeast Asia, Vol. 1.Singapore:Maruzen Asia, 1983.
  25. Trân Khanh. The Ethnic Chinese and Economic Development in Vietnam. Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 1993.
  26. Wickenberg, Edgar. The Chinese in Philippine Life 1850-1898. Yale University, 1965.
  27. Wu, Y.L. and Wu C.H. Economic Development in Southeast Asia: The Chinese Dimension Standord: Hoover Institute Press, 1980.

[1] Ian Rae and Morgen Witzel, The Overseas Chinese of South East Asia: History, Culture, Business (New York: Palgrave Macmillan, 2008) tr. 2.
[2] Poston J. Dulney& Wang Helen Juyin, The Chinese Diaspora Population in circa-2011 (Texas: A&M University, 2011, tr. 12.
[3] Department of Foreign Affairs and Trade, Overseas Chinese Business Networks in Asia (Sydney: AGPS Press: 1995), tr. 11.
[4] Ngày này, ở Malacca (Malaysia) và Semarang (Indonesia), người Hoa lập những đền đài tưởng nhớ đô đốc Trịnh Hòa.
[5] Nhà Thanh (hay còn gọi là Mãn Châu) cai trị Trung Quốc từ năm 1644-1911.
[6] x. Trân Khanh, The Ethnic Chinese and Economic Development in Vietnam (Institute of Southeast Asian Studies: Singapore, 1993), p. 21. M.S. Dobbs-Higginson, M.S., Asia Pacific: Its role in the New World Order (William Heinemann Australia: Port Melbourne, 1993), p. 159.
[7] Trước đây, Hải Nam là một đảo thuộc tỉnh Quảng Đông, nhưng được tách thành một tỉnh độc lập vào năm 1988.
[8] Y.L.Wu, - C.H. Wu, Economic Development in Southeast Asia: The Chinese Dimension (Stanford: Hoover Institute Press, 1980), p. 133.
[9] J. P. Hassoun- Ying Fong Tan, Les réfugiés de l’Asie du Sud Est de langue chinoise (Paris: Mission du patrimoine Ethnologique, 1986), p. 8.
[10] Phan Huy Lê - Chu Thiên - Vương Hoàng Tuyên - Đinh Xuân Lâm. Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Tập III, (Hà Nội: Giáo dục, 1960), tr.165.
[11] Xiêm là Quốc hiệu trước đây của Thái Lan từ năm 1781- 1939.
[12] Lê Quý Đôn ghi chép lại lời nhận định của linh mục Borri về việc kinh doanh buôn bán của người Hoa. Xem Lê Quý Đôn, Phủ Biên tạp lục. (Hà Nội, 1964), tr.105.
[13] x. Châu Thị Hải, Người Hoa trong Lịch Sử Việt Nam (Hà Nội: Viện Khoa học xã hội, 1998), tr.3.
[14] C.B. Tan, ‘Acculturation and the Chinese in Melaka: The Expression of Baba Identity Today’ in L.Y.C. Lim and L.A.P. Gosling (eds), The Chinese in Southeast Asia, Vol. 1, (Singapore: Maruzen Asia, , 1983), p. 59.
[15] N.J. Ryan, The Making of Modern Malaysia and Singapore: A History from Earliest Times to 1966 (London: Oxford University Press, 1969), tr. 4.
[16] N. J.Ryan, sđd, tr. 16.
[17] Teresita Ang See, The Chinese in the Philippines, Continuity and Change (Manila: Asian Studies: 1995), tr.70.
[18] Department of Foreign Affairs and Trade, sđd, tr. 11.
[19] Theo số liệu thống kê của Poston J. Dulney& Wang Helen Juyin, sđd, tr. 12.
[20] Theo số liệu thống kê của Poston J. Dulney & Wang Helen Juyin, sđd, tr. 12.
[21] Theo số liệu thống kế từ Department of Foreign Affairs and Trade, sđd, tr. 25.
[22] George Mc Lean,Culture and evangelization in dialogue (New York: The Council for Research in Value and Philosophy, 2003) tr. 258.
[23] Jean Pierre Hassoun , Ying Fong Tan, sđd, p. 251.
[24] George Mc Lean, sđd, tr. 259.
[25] Phụ nữ Trung Quốc chỉ nhập cư đến bán đảo Malaysia vào thế kỷ XIX, vì Triều Thanh đưa ra chiếu chỉ cấm phụ nữ nhập cư. Xem thêm C.B. Tan, ‘Acculturation and the Chinese in Melaka: The Expression of Baba Identity Today’ in L.Y.C. Lim and L.A.P. Gosling (eds), Vol 1, p. 59.)
[26] Sowell, T., The Economics and Politics of Race, Quill, New York, 1983, p. 41.
[27] Thuật ngữ baba để chỉ nhóm đàn ông người Hoa lấy vợ là phụ nữ bản địa, ngược lại là nanyas chỉ nhóm phụ nữ người Hoa lấy chồng là đàn ông bản địa.
[28] Sinkehs là thuật ngữ được sử dụng ở Malaysia để chỉ những người Hoa mới đến và chưa bị tiếp biến văn hóa. Cộng đồng người Hoa baba và người Hoa sinkehs vẫn còn có khoảng cách rất rõ rệt.
[29] Người paranakan tiếp nhận văn hóa của người Inđô. Một bài nghiên cứu cho thấy họ tổ chức những ngày lễ truyền thống của Inđo như khánh thành nhà mới, kết hôn. Xem Raybeck, D., ‘Chinese patterns of adaption in Southeast Asia’ in L.Y.C. Lim and L.A.P. Gosling (eds), Vol. 2, p. 21.)
[30] Theo số liệu của Đỗ Đức Toàn, sđd, tr. 65.
[31] Roger King, A comparative study of Chinese and Jewish Diaspora family owned business (Hong Kong: Hong Kong University of Science and Technology, 2016), p.9.
[32] Theo số liệu của Roger King, sđd, p.9.
[33] Theo số liệu của Kiều Tỉnh, Người Hoa ở Đông Nam Á: Thế lực đáng gờm. http://tamnhin.net/Tieu-diem/11038/Nguoi-Hoa-o-Dong-Nam-A-The-luc-dang-gom.html.
[34] Một cuộc nghiên cứu cho thấy 95 % doanh nhân người Hoa đã phải trải qua chiến tranh, 40% bị bách hại trong các cuộc biến động chính trị (Cách mạng Văn Hóa), 32% mất nhà cửa, 28% phá sản.
[35] E. Jones et al., Coming Full Circle: An Economic History of the Pacific Rim,(Oxford: Oxford University Press Australia, 1993), p. 33; and S. Redding, The Spirit of Chinese Capitalism(Berlin: Walter de Gruyter and Co., 1990), p. 45.
[36] ĐGH Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 1.
[37] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 58.
[38] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Ecclesia in Asia, số 21.
[39] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Ecclesia in Asia, số 21.
[40] Quách Lương, “Hợp tác kinh tế Đông Nam Á- Trung Quốc, tác dụng của các tập đoàn xí nghiệp người Hoa”, Tạp chí Nghiên cứu vấn đề Nam Dương, số 2, 1997. (theo Bản tin “Người Hoa”, số 7 năm 1998).
[41] Kin Sheung Chiaretto Yan, Evangelisation in China: Prospects and Challenges (New York: Maryknoll, 2014), p. 217.
[42] Rodney &Stark Xiuhua Wang, A Star in the East: The Rise of Christianity in China (New York: Templeton Press 2015), p.13.
[43] ĐGH Phanxicô, Tông huấn “Evangelii Gaudium”, số 20.