Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 5, THÁNG 12/2008

CHỦ ĐỀ : HỒNG ÂN NHẬP THỂ

THAY LỜI TỰA


Tạ Ơn và Giáng Sinh
Nhân và Quả

Ở Bắc Mỹ, cứ đến mỗi cuối năm, người ta vui mừng cử hành hai ngày lễ hội Tạ Ơn và Giáng Sinh. Hai ngày lễ này có thể liên quan với nhau như nguyên nhân và hiệu quả. Liên hệ nhân-quả này có thể được nhìn khởi từ lễ Tạ Ơn cho đến lễ Giáng Sinh hoặc từ lễ Giáng Sinh đến lễ Tạ Ơn.

Nếu chúng ta xem lễ Tạ Ơn như là nguyên nhân, chúng ta có thể nói rằng Lễ Tạ Ơn là lời cảm tạ của chúng ta dành cho Thiên Chúa và như vậy, lễ Giáng Sinh là lời Chúa nói: “Không có chi”. Theo đó, chúng ta đi bước trước khi tri ân Chúa về những ân sủng và những ơn lành chúng ta đã lãnh nhận và Thiên Chúa đáp lại lòng tri ân của chúng ta bằng cách lại ban cho chúng ta một món quà tuyệt vời, đó là chính Đức Giêsu Kitô. Nếu tính theo thời gian, Chúa chỉ cần “hai tháng” là biết được lòng tri ân của chúng ta.

Nếu chúng ta xem Lễ Giáng Sinh như là nguyên nhân, chúng ta có thể nói rằng Lễ Giáng Sinh là món quà chính Đức Kitô, Thiên Chúa trao ban cho thế giới và Lễ Tạ Ơn là lời cảm tạ của chúng ta dành cho Thiên Chúa vì ân sủng tuyệt vời ấy. Theo đó, Thiên Chúa đi bước trước với hành động trao ban và chúng ta đáp trả bằng lời nói Tạ ơn.” Nếu tính theo thời gian, chúng ta phải cần đến “trọn mười tháng” để nhận ra được chân giá trị của hồng ân Chúa ban trong lễ Giáng Sinh rồi mới thốt lên lời cảm ơn!

Dĩ nhiên, tương quan thực sự của hai ngày lễ này phải là Lễ Giáng Sinh là nguyên nhân và Lễ Tạ Ơn là hiệu quả. Như thế, một năm được khởi đầu với Lễ Giáng Sinh và kết thúc với Lễ Tạ Ơn. Chúng ta cũng có thể nói về Gia đình và xã hội theo chiều hướng này: Gia đình là nguyên nhân còn xã hội là hiệu quả. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã nói: “Gia đình, được đặt nền tảng trên hôn phói tự do giao kết, nhất phu nhất phụ và bất khả phân ly, được coi và phải được coi là tế bào đầu tiên và thiết yếu của xã hội loài người.”

Đức Thánh Cha đã nói rất đúng bởi lẽ các gia đình làm nên xã hội và không thể có một xã hội mà không gồm có các gia đình. Tuy nhiên, xã hội của chúng ta đang tìm cách làm giảm giá trị của gia đình và bóp méo ý nghĩa của đời sống hôn nhân. Điều đó cũng giống như biến hiệu quả thành nguyên nhân. Đời sống gia đình đang bị lung lay bởi vì yếu tố nền tảng nhất của gia đình đang bị nguy hiểm. Gia đình không phải là một tư gia (nhà của một cá nhân); mà gia đình là “tế bào đầu tiên và thiết yếu của xã hội loài người”. Do vậy, gia đình phải là một thành phần trọn vẹn của xã hội (một phần mà không có nó, xã hội không còn được coi là xã hội nữa). Người Việt luôn luôn đặt gia đình trong một tương quan mật thiết với làng xóm và xã hội.

Trong tiếng Việt Gia Đình là một danh từ kép, gồm có chữ gia (nhà riêng của một tư nhân) và đình (nếu là danh từ chỉ về nơi thờ phượng chung của một làng; nếu là động từ thì có nghĩa là ngừng nghỉ [như đình chỉ, đình chiến]). Như vậy, Gia Đình, xét như một tĩnh thể thì là nơi nghỉ ngơi của mọi người sống chung trong một mái nhà; nhưng nếu xét như một đồng thể (hay sinh thể có ý muốn nói đến các sinh hoạt liên chủ thể trong cộng đồng và tương quan với các thực thể khác), thì là một thành phần của một cộng đoàn gồm nhiều gia đình khác nhau tụ tập lại. Theo đó, danh từ Gia Đình tự nó đã gói ghém một liên hệ mật thiết và hữu cơ giữa tư gia và xóm làng hoặc cộng đồng xã hội. Nhà Thờ trong tiếng Việt cũng là một danh từ kép, gồm có chữ nhà (nơi có người ở) và thờ (sự phụng tự của con người đối với Thiên Chúa). Nhà Thờ, xét như một tĩnh thể, thì là nơi thờ phượng công cộng; nhưng nếu xét như một động thể, thì là mối tương quan linh thiêng giữa đời sống bình nhật của một gia đình với ân sủng và sự sống của Thiên Chúa. Nếu Thánh Đường là nơi tuôn trào sự sống và ơn lành của Thiên Chúa như tiên tri Ezekiel đã nói trong chương 47, thì từng ngôi nhà của cộng đồng giáo xứ phải là những tụ điểm đón nhận và thông truyền sự sống và ơn lành của Thiên Chúa cho từng thành phần trong nhà và cho những người chung quanh. Như vậy, danh từ Nhà Thờ nhắc nhở vai trò trung tâm của Thiên Chúa tại mỗi tư gia của chúng ta và mối giây liên hệ tinh thần thiêng liêng với các gia đình khác trong giáo xứ.

Trong Anh ngữ, gia đình là FAMILY. Những chữ F.A.M.I.L.Y. này tượng trưng cho một thực tại thâm sâu, một sứ điệp căn bản và quan trọng. Đó là lời nói của một người con trong gia đình dành cho bố mẹ: “Cha (Father) và (And) Mẹ (Mother), con (I) yêu (Love) các ngài (You)”. Thật là đẹp và sâu sắc khi gia đình là tổ ấm của tình yêu: nơi phát sinh, nuôi nấng, vun trồng và phát triển tình yêu máu mủ tự nhiên! Tuy nhiên, gia đình không chỉ là một căn nhà chứa đựng và nuôi dưỡng tình yêu của một gia đình duy nhất. Rộng hơn, toàn gia đình phải đồng thanh nói: “Cha, Mẹ và Tôi Yêu Qúi vị” (Father and Mother & I Love You [people]). Tình yêu của một gia đình phải được san sẻ cho các gia đình khác và phải sẵn sàng mời đón tình yêu của những gia đình khác. Nói cách khác, gia đình cá nhân phải nằm trong đại gia nhân loại và Giáo hội. Thêm vào đó, toàn gia đình phải biết đồng thanh nói: “Cha, Mẹ và Con Yêu Chúa” (Father and Mother & I Love You [God]). Nếu tình yêu trong gia đình được đặt trong tình yêu nhân loại và tình yêu Thiên Chúa, thì mọi chiều kích của thân phận con người đã được tôn trọng và trân quí Yêu Chúa trên hết mọi sự và yêu người như yêu chính mình (Matthêu 22: 37). Tình yêu trong gia đình không đóng khung trong bốn bức tường của một căn nhà nhưng đến từ Thiên Chúa và lan tỏa cho những người khác.

“Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” vẫn thường được hiểu là: người nào có thể tu sửa chính bản thân mình, thì sẽ có khả năng chỉnh đốn và cai quản gia đình; người nào có khả năng cai quản gia đình cách tốt đẹp thì cũng có khả năng cai trị quốc gia giỏi giang, thì cũng có thể thống trị toàn thế giới. Theo tinh thần Kitô giáo, lối sống hay chủ trương như thế có vẻ quá hung hăng, vì người đạo đức phải là người: trí không hung, tài không lộ, tâm không ác và lòng không tham. Vì thế, chúng ta nên đổi lại câu nói trên của người xưa thành: “Thân tu, gia tề, quốc trị, thiên hạ bình”, để nói lên sự sống của Thiên Chúa và sức mạnh của ân sủng trong đời sống con người. Tôi không tu thân để cai quản gia đình của tôi trong trật tự; nhưng vì việc tôi và từng phần của gia đình tôi tu sửa chính mình hằng ngày, gia đình của tôi sẽ sống trong hòa thuận và thương yêu; nếu mọi gia đình đều sống hòa thuận và thương yêu, thì quốc gia sẽ được trị vì trong công bằng; nếu mọi quốc gia đều được sống trong công bằng và thịnh trị thì thế giới tất sẽ được thái bình. Tôi không tu sửa thân mình để chỉnh đốn gia đình rồi cai trị quốc gia và thống trị thiên hạ, nhưng vì việc tôi tu thân và sửa tính hằng ngày, gia đình được hòa thuận, quốc gia được hiển trị và thế giới được thái bình. Thái bình của thế giới là do từng người sống tốt lành hơn (không chỉ nghĩ về mình nhưng biết luôn nghĩ đến người khác), từng gia đình biết sống yêu thương thuận hòa hơn, và từng quốc gia biết tôn trọng sự thật, công bằng và quyền lợi của từng cá nhân hơn.

Mỗi người chúng ta hãy cố gắng tu thân, sửa đổi tính tình để mỗi ngày mỗi trở nên hiền hòa, hiếu đễ và thánh thiện hơn, thì chắc chắn Thiên Chúa sẽ được vinh danh, gia đình sẽ được đầm ấm yêu thương, quốc gia sẽ được thịnh trị và thiên hạ sẽ được thái bình. “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời cao thẳm, bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Luca 2: 14).

Lm. Giuse Trần Trung Liêm, O.P.

TRONG SỐ NÀY

8. Tánh Không (SunYaTa) Phật Giáo Quan Niệm “Nhập Thể” Trong Triết Học Phương Đông
12. Tình Thương Của Chúa Cha