Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

ĐỨC GIÊSU CÓ THỰC SỰ LÀ NGƯỜI KHÔNG?

Thời sự Thần học – Tháng 12/2008, tr. 63-68

Chúng ta đang sống trong bầu khí lễ Giáng Sinh, đại lễ mừng Con Thiên Chúa sinh hạ nơi hang Belem cách đây hơn 2000 năm. Nhân dịp này, chúng ta cùng đặt lại một câu hỏi nền tảng : đức Giêsu có thực sự là người không? Linh mục Pierre Guilbert, một nhà chú giải Thánh Kinh, sẽ trả lời bằng những lý chứng khác nhau.______

Pierre Guilbert

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến đức Giêsu. Từ lâu, các thần học gia Công giáo đã ưu tiên cho nhãn quan về đức Giêsu Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Nhưng một số vị khác đôi khi lại đặt vấn đề khởi đi từ nhân tính của Người : Người có thực sự là con người như chúng ta không? Người đã sống như thế nào, Người có biết những đau khổ và cảm xúc như chúng ta không?

I. ĐỨC GIÊSU, CON THIÊN CHÚA

Chính Tin Mừng thứ tư, Tin Mừng theo thánh Gioan, giới thiệu đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Trong khi Máccô, Mátthêu và Luca khởi đi từ con người Giêsu, thì Gioan lại khởi đi từ Người Con hằng hữu của Thiên Chúa đã trở thành con người, nhận lấy xác phàm thuộc nhân tính chúng ta. Đó là chủ đích của Lời Tựa tuyệt tác của thánh Gioan : “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa […] và Ngôi Lời đã trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,1.14) Từ ngữ xác phàm (chair) không được phép làm chúng ta hiểu sai. Nó dựa trên truyền thống Thánh Kinh và chỉ về con người toàn vẹn bao gồm thể xác và linh hồn. Do vậy, “Người đã trở thành xác phàm” nghĩa là “Người trở thành con người”, Người đã trở thành một người trong chúng ta, chia sẻ cuộc sống của chúng ta, cư ngụ giữa mọi người và “hoàn toàn được nhận biết như một con người” (Pl 2,7).. 

Đức Giêsu là Ngôi Lời, là Lời của Thiên Chúa, “nhờ Người mà mọi vật được tạo thành” (Ga 1,3). Theo đức tin Kitô giáo, Người là Con hằng hữu của Thiên Chúa, theo nghĩa chặt nhất của từ này. Người là hình ảnh trọn hảo của Chúa Cha, là sự diễn tả trọn vẹn Hữu thể của Chúa Cha, như Người nói với môn đệ Philíphê : “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9). Mầu nhiệm đức Giêsu hệ tại ở điều này : đức Giêsu vừa là con người, con người sung mãn, vừa là Thiên Chúa, Thiên Chúa trọn vẹn. Làm sao hai thực tại vừa khác nhau vừa bất cân xứng, tức là con người và Thiên Chúa, lại có thể kết hiệp trong một ngôi vị duy nhất? Làm sao một “sự hài hoà” giữa con người và Thiên Chúa lại được hiện thực hoá? Là Con Thiên Chúa, phải chăng đức Giêsu thực sự có một nhân tính xác thực và hoàn toàn phù hợp với kinh nghiệm nhân loại của chúng ta? 

II. ĐỨC GIÊSU TRƯỚC HẾT ĐÃ XUẤT HIỆN NHƯ MỘT CON NGƯỜI 

Ba Tin Mừng đầu tiên (theo thánh Máccô, Mátthêu, Luca) có những bố cục gần như là tương tự nhau, cho phép so sánh giữa những tương quan mà chúng trình bày về cùng một biến cố.

Theo các Tin Mừng Nhất Lãm (Máccô, Mátthêu, Luca), đức Giêsu trước hết đã xuất hiện như một con người. Một con người như bao người khác, xuất thân từ một gia đình hết sức bình thường, và làm một nghề tầm thường trong nhiều năm (thợ mộc). Suốt 30 năm, Người không bao giờ nói về chính mình. Người được biết đến như một người dân bình thường thành Nadarét (x. Mc 6,1-3). Người chuyên cần tham dự những buổi nhóm họp trong ngày sabát tại hội đường. Người biết đọc, biết viết, như nhiều người Do thái cùng thời : người ta thấy Người đứng giữa hội đường để đọc sách tiên tri Isaia (x. Lc 4,16-17). Người sẵn lòng nhận lời mời đến dự tiệc của người Pharisêu, hay thậm chí của những người bị tai tiếng, như người thu thuế Mátthêu chẳng hạn, dù phải chuốc lấy những lời trách cứ của các kinh sư. Trong khi Gioan tẩy giả thực hiện một sự khổ chế khắt khe, thì đức Giêsu lại “ăn, uống; và người ta nói : đó là một tên phàm ăn và say rượu, làm bạn với những quân thu thuế và phường tội lỗi !” (Lc 7,33). Đó là một con người tự do, không sống theo kiểu nệ luật, nhưng đề cao việc phục vụ con người : “Người nói : Ngày sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát” (Mc 2,27). 

Như mỗi người chúng ta, Người cũng biết đau khổ, biết rung cảm, biết giận dữ, và cũng trải qua tâm trạng khác nhau. Mệt mỏi sau cuộc hành trình dài dưới trời nắng, Người ngồi trên bờ giếng Giacóp và xin nước uống của người phụ nữ Samari đến kín nước, trước sự ngạc nhiên của các môn đệ, vì người Do thái và người Samari không giao tiếp với nhau (x. Ga 4,7.10). Trong số những người thân cận của Ngài, người ta thấy có nhiều phụ nữ, trong đó có những phụ nữ từ lâu sống trong tội lỗi, những phụ nữ bị quỷ ám, hay những phụ nữ thuộc tầng lớp quý phái như bà Gioanna, vợ ông Khuda quản gia của vua Hêrôđê. Những bà này theo chân đức Giêsu trong những cuộc lữ hành của Người và chia sẻ của cải mình cho Người và các môn đệ (x. Lc 8,2-3). Người cũng chấp nhận để cho một người đàn bà tội lỗi khét tiếng đụng chạm tới mình, đó là một tai tiếng lớn cho chủ nhà (x. Lc 7,37). Người cũng tiếc thương bạn thân Ladarô vừa mới qua đời (x. Ga 11,35). Người khóc thương thành Giêrusalem sắp bị tàn phá (x. Lc 19,41-44).

III. ĐỨC GIÊSU, MỘT CON NGƯỜI CÓ LÒNG ĐẠO THÂM SÂU

Là con người của niềm tin, trước hết Người đã bị thu hút bởi lời giảng của Gioan tẩy giả và theo làm môn đệ ông (x. Ga 3,26), cho đến khi chịu phép rửa từ tay ông. Chỉ sau cái chết của Gioan và để tránh một số phận tượng tự, Người đã ẩn náu ở Galilê và khởi đầu sứ vụ của mình. Trước tiên, một mình Người tiếp tục những lời kêu gọi của Gioan để hoán cải tâm hồn dân chúng, ngõ hầu họ được tha thứ (x. Mc 1,14-15). Đây là một con người hấp dẫn đã thu hút các môn đệ theo mình, kể cả những người thuộc nhóm thân cận với Gioan (x. Ga 1,35-42). Người không thuộc trong số những người thông thạo Thánh Kinh, ký lục hay tiến sĩ Luật. Người không dựa vào một “trường phái” nào. Đúng hơn, Người xếp mình vào trong hàng ngũ các ngôn sứ. Với nhiều người, các ngôn sứ là những người được Thiên Chúa uỷ thác lời của Người và họ chỉ dựa vào quyền bính của Thiên Chúa mà thôi.

Đây là một con người cầu nguyện, không chỉ ở hội đường ngày sabát, nhưng còn trong đời sống hằng ngày. Khi rút lui lên núi một mình, Người cầu nguyện suốt đêm (x. Lc 6,12; Mc 1,35; 6,46). Chính lúc cầu nguyện trên núi với ba môn đệ, Người đã “biến hình”, và chiếu toả ánh sáng (x. Mc 9,2-4), như ngày xưa khuôn mặt ông Môsê toả sáng sau khi nhận Lề Luật từ Thiên Chúa trên núi Xinai (x. Xh 34,29-35). Người cầu nguyện cách tha thiết trong vườn Ghếtsimani, và bị cơn hãi hùng khủng khiếp xâm chiếm. Tại đó Người đã bị những nhà lãnh đạo Do thái bắt và điệu đến toà án, rồi kết án tử.

IV. VẬY CON NGƯỜI NÀY LÀ AI?

Đó là đức Giêsu mà ba Tin Mừng Nhất Lãm nói cho chúng ta. Nhưng một câu hỏi được đặt ra : “Vậy con người này là ai?” (Mc 4,41). Quả vậy, ngay từ đầu cuộc rao giảng của đức Giêsu, như xưa đã từng xảy ra với các ngôn sứ Êlia và Êlisê, những cuộc khỏi bệnh đã được thực hiện, những thần ô uế đã bị xua trừ. Điều đó cho thấy Người cũng đã quan tâm đặc biệt đến mọi người.

Lời Người rất giản dị và dễ hiểu đối với mọi người, hấp dẫn và mang tính chất vấn. Người nói về cuộc sống hằng ngày, về bánh và rượu, về cây nho, về nước, về gió, về việc gieo giống và thu hoạch, về những con chiên và mục tử. Người dùng ngôn ngữ hình ảnh, diễn tả bằng các dụ ngôn, lấy ví dụ từ các sinh hoạt thực tế. Người không nói như những kinh sư (luôn dựa trên những thầy dạy ngày xưa). Người diễn tả về chính mình, với một quyền bính của ngôn sứ (x. Mc 1,22). Nhưng “quyền bính này đến từ đâu?” (Mt 21,23). Quả vậy, nếu những đám đông càng nhiệt tình và thích nghe Người, thì những người lãnh đạo (các kinh sư và Pharisêu) càng chống đối Người kịch liệt. Do vậy, đức Giêsu quyết định rời bỏ các hội đường, những nơi quá chính thống, để giảng cho những đám đông trên bờ hồ (x. Mc 3,7-9) hay tại tư gia (x. Mc 3,20). Sự thù ghét của các nhà cầm quyền tôn giáo chống lại Người càng gia tăng khi mà người ta mời các tiến sĩ Luật từ Giêrusalem xuống, họ tố giác Người trừ quỷ là nhờ sức mạnh của Xatan (x. Mc 3,22). Chính gia đình Người lo lắng vì những người thân cận đã nói : “Người đã mất trí”; bởi đó, họ muốn bắt Người về để buộc Người phải im tiếng (x. Mc 3,21). Cuối cùng, các nhà cầm quyền quyết định loại trừ Người bằng cách giết chết Người. Giống như các ngôn sứ ngày xưa, đây là một con người biểu lộ tình thương dạt dào với tất cả những ai Người gặp gỡ : những bệnh nhân, những kẻ tội lỗi, những người nghèo, những kẻ bé mọn. Người đã yêu thương những kẻ thuộc về Người đang ở thế gian và Người yêu thương họ đến cùng, đến nỗi đã hy sinh mạng sống vì họ. Chính trong cái chết của Người, là tột đỉnh của tình yêu và sự từ bỏ, đức Giêsu tỏ lộ đôi chút về thiên tính của Người.

V. CHÌA KHOÁ MỞ: CÁI CHẾT VÀ SỰ PHỤC SINH CỦA ĐỨC GIÊSU 

“Vậy con người này là ai?”. Lời của Người, những việc chữa lành, những phép lạ khác do Người thực hiện làm chứng rằng Thiên Chúa ở với Người. Cách thức đặt câu hỏi như thế cũng cho thấy những người cùng thời với đức Giêsu đã nhận ra nơi Người một con người thật sự. Tin Mừng Máccô đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này theo hai cách : trước tiên trong trong Lời Tựa Thời xưa, những từ ngữ đầu tiên của bản văn được coi như là lời tựa của tác phẩm. : “Tin mừng đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa”; sau đó trong Tin Mừng, tác giả làm sáng tỏ về lời tựa này. Tông đồ Phêrô cũng nhận biết đức Giêsu là đấng Kitô hay đấng Mêsia (Thầy là đức Kitô, Mc 8,29), nhưng chỉ vào giây phút đức Giêsu chết trên thập giá, viên sĩ quan Rôma (một người ngoại giáo !) đã xác nhận : “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa !” (Mc 15,39). Người ta chỉ có thể khám phá mầu nhiệm đức Giêsu kể từ lúc Người hoàn tất sứ vụ và cuộc đời dương thế, nghĩa là trong cái chết và sự phục sinh của Người. Như vậy, chỉ có các môn đệ mới có thể hiểu được rằng Người thực sự là Con Thiên Chúa.

Tuy vậy, tất cả những điều này gợi lên câu hỏi : làm sao đức Giêsu có thể dung hoà nhân tính và thiên tính? Ở đây, chúng ta đụng đến điều mà các Kitô hữu gọi là Mầu nhiệm Nhập thể (Con Thiên Chúa mặc lấy xác phàm, mặc lấy nhân tính). Nhưng trước hết, mầu nhiệm là gì? Thông thường và không phải lúc nào người ta cũng định nghĩa đó là một chân lý vượt quá trí hiểu của chúng ta. Quả là mầu nhiệm Thiên Chúa thì vượt quá trí hiểu của con người (điều này không có gì lạ), thế nhưng ý nghĩa thâm sâu của mầu nhiệm lại không nằm ở đó. Một mầu nhiệm tiên vàn là một bí ẩn về sự sống của Thiên Chúa mà Người cho chúng ta hiểu được bởi vì chúng ta được kêu gọi đến để sống sự bí ẩn này. Một giáo phụ nào đó đã nói : “Đức Giêsu đã làm người để con người trở thành Thiên Chúa”. Đây là một bản thâu tóm rất vắn, nhưng lại diễn tả một chân lý thâm sâu và trong một mức độ nào đó cho thấy ý nghĩa của Mầu nhiệm Nhập thể. Là con người, Kitô hữu được mời gọi sống lại trong kinh nghiệm bản thân, điều đã trở thành kinh nghiệm nhân loại của đức Giêsu, kinh nghiệm của một con người đích thực. Như vậy, đức Giêsu không phải giả vờ trở thành một con người. Người thực sự là một con người theo cách thức vẫn bảo tồn mầu nhiệm hiện hữu của con người và của Con Thiên Chúa nơi mình. Chúng ta phải bám chặt hai đầu của sợi xích này : đó là căn nguyên niềm tin Kitô giáo của chúng ta.