Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

CON NGƯỜI HAY THIÊN CHÚA ĐƯỢC ĐẢM NHẬN NƠI ĐỨC GIÊSU?

Thời sự Thần học – Tháng 12/2008, tr. 69-71

Giuse Nguyễn Đình Chiến, OP.
chuyển ngữ từ bài viết “Jésus était-il vraiment homme?”
đăng trong tạp chí Nouvelle Cité, số 498 tháng 4/2006. 

Con người hay Thiên Chúa được đảm nhận nơi Đức Giêsu? Một vài ví dụ giúp làm sáng tỏ câu trả lời cho câu hỏi này. 

1. Đức Giêsu có thể sống, nói năng, hoạt động, đau khổ, nghi ngờ và đồng thời hiện hữu “trong lòng Thiên Chúa Ba Ngôi” như thế nào? Phải chăng Người phải xuất thần liên tục? 

Nếu đức Giêsu thực sự là con người, như tôi đã tìm cách chứng minh, thì Người đã sống kinh nghiệm con người một cách chung nhất vì Người không có những cuộc xuất thần như một con người thuộc một tôn giáo khác. Người đã sống cuộc sống của con người, không phải cuộc sống của một nhân vật đi ra ngoài cái chung. Như vậy, Người đã sống, đã nói, đã chịu khổ, có thể ngay cả nghi ngờ, như mỗi người chúng ta. Nếu không, Người không thực sự là một con người. 

2. Tại sao đức Giêsu là Thiên Chúa lại cần phải cầu nguyện? 

Đức Giêsu cầu nguyện không phải vì Người là Thiên Chúa, nhưng vì Người là con người như chúng ta. Điều đó không chỉ để đem lại cho chúng ta mẫu gương cầu nguyện. Nhân tính của Người cần phải có tương quan với Thiên Chúa là Cha Người. Vì thế, chúng ta không được quên rằng đức Giêsu, vừa là con của loài người, vừa là Con của Chúa Cha : giữa Người với Chúa Cha có một tình yêu không thể tàn phai, có một sự hiệp nhất và sự phân biệt. 

3. Đức Giêsu xét như con người có biết tương lai không? 

Tôi không nghĩ rằng Người biết rõ sự tiến triển phải xảy đến. Trong mọi trường hợp, Người không biết điều đó hơn một trong các ngôn sứ thời xưa. Chắc chắn là Người thấy trước cái chết của mình, nhưng Người đủ sức ước lượng sự chống đối quyết liệt mà các nhà cầm quyền tôn giáo của dân khơi lên, vì thế Người biết là Người không thoát khỏi số phận đã dành cho các ngôn sứ thuở trước, cũng như số phận mới đây của Gioan tẩy giả. Người đã loan báo về sự tàn phá Giêsusalem, nhưng cả trong trường hợp này nữa, Người dễ dàng thấy trước sự kháng cự ngày càng trở nên quyết liệt của người Do thái đối với kẻ xâm lược Rôma sớm muộn gì cũng sẽ gây ra một phản ứng quân sự và việc tàn phá thành phố. Người đã từng khuyên “hãy trả cho Xêda những gì thuộc về Xêda” (Mt 22,21). 

Con người Giêsu được nhìn nhận như là một ngôn sứ bởi nhiều người đến nghe Người giảng. Theo nghĩa đó, như các ngôn sứ khác, Người biết một số điều bí ẩn và thực hiện những cử chỉ ngôn sứ (gestes prophétiques) : chẳng hạn khi Người phái các môn đệ đi tìm một con lừa con : “Hãy đến một làng kia, anh em sẽ thấy một con lừa con. Hãy tháo dây và dẫn nó về cho Thầy” (Mc 11,2), thế rồi Người long trọng tiến vào thành Giêrusalem; hay một lần khác, cảm hứng từ ngôn sứ Giêrêmia (x. Gr 7,10-11), Người đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Đền thờ (x. Mc 11,15-18). 

4. Đức Giêsu xuất hiện như một con người hay chống đối và như một người bất bạo động? 

Đúng là như vậy, nhưng Người chống đối điều gì? Không phải chống đối kế hoạch của chính quyền, vì Người sống như một công dân biết phục tùng. Người chống đối tính giả hình của phái Pharisêu vì “Họ nói mà không làm ! Họ chất những gánh nặng trên vai mọi người mà không đụng đến một ngón tay” (Mt 23,3-4). Người chống đối sự bất công đã loại trừ những người nghèo, Người chống đối các nhà lãnh đạo tôn giáo lúc nào cũng bận tâm đến dáng vẻ bên ngoài (x. Mc 12,38-40). Nhưng với người môn đệ muốn dùng vũ khí bảo vệ Người, thì Người truyền cho ông phải xỏ gươm vào bao (x. Mt 26,51-54).