CHỦ ĐỀ : TUỔI TRẺ
LỜI GIỚI THIỆU
Số báo này được phát hành nhân dịp Thượng hội đồng giám mục sắp nhóm họp vào tháng 10 để bàn về “Người Trẻ, Đức Tin, và Sự Biện Phân Ơn Gọi”. Dĩ nhiên chúng tôi không dám đề ra những hướng đi cho các vị chủ chăn, nhưng chỉ muốn lấy một đề tài “thời sự” để đào sâu vài khía cạnh liên quan đến “thần học”.
Thực ra, việc chọn lựa đề tài còn muốn nhắc lại một kỷ niệm lịch sử nữa. Cách đây 50 năm, vào tháng 5 năm 1968, thế giới đã chứng kiến một cuộc “nổi dậy” của giới trẻ tại Âu châu và Hoa kỳ. Ngày 8 tháng 5 được coi như điển hình của phong trào ấy, được đánh dấu bởi cuộc biểu tình của các sinh viên tại Paris đòi thay đổi các cơ chế đại học cũng như chính trị. Khẩu hiệu đòi hỏi tự do của các sinh viên là: “Cấm không được cấm” (Il est interdit d’interdire). Bầu khí tranh đấu cho tự do cũng được thổi lên ở phía Đông Âu (khối Cộng Sản) với “Mùa Xuân Prague”. Bên kia Đại Tây dương, song song với những cuộc biểu tình tranh đấu quyền lợi cho người da đen (dẫn tới cuộc ám sát mục sư Martin Luther King ngày 4 tháng 4), là những cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam, nơi mà Hoa kỳ đã gửi hơn nửa triệu binh sĩ tham chiến, điển hình với những cuộc biểu tình tại đại học Berkeley khởi đầu từ ngày 25 tháng 6, với khẩu hiệu “Make love, not war”. Giới trẻ năm 1968 muốn làm thay đổi thế giới qua việc chống lại các cơ chế hiện hành, đang khi các người cầm quyền muốn cho giới trẻ ngồi yên và chấp nhận hiện trạng “Sois jeune et tais toi!” (tạm dịch: các anh còn trẻ, chưa biết gì; im đi). Ngày nay, có lẽ bầu khí ấy không còn nữa, nhưng lịch sử vẫn luôn là bài học. Điều này giải thích vì sao nhiều bài viết trong số này chú trọng đến chiều kích lịch sử của vấn đề.
Trước khi đi vào nội dung, nên lưu ý đến tên gọi chủ đề. “Tuổi trẻ” hiện nay là tên của một nhật báo quen thuộc, cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh. Thật là thú vị khi biết rằng một nhật báo khác, là diễn đàn của hội Liên hiệp Thanh niên Việt nam, lại mang tên là “Thanh niên”. “Tuổi trẻ” và “Thanh niên” là hai tờ báo khác nhau; nhưng dưới khía cạnh từ ngữ, “Tuổi trẻ” và “Thanh niên” có gì khác nhau không? Như sẽ thấy, câu chuyện từ ngữ trở thành đầu đề tranh cãi cho nhiều môn học, đặc biệt là xã hội học và tâm lý học[1].
1. Mở đầu cho số báo là bài Tuổi trẻ dưới cái nhìn lịch sử văn hóa (của giáo sư Alessandro Cavalli). Thay vì nghiên cứu các lý thuyết xã hội học về tuổi trẻ, chúng ta hãy theo dõi sự thay đổi quan niệm về tuổi trẻ trải qua dòng lịch sử, không những từ các xã hội sơ khai đến các xã hội tân tiến, mà còn phân tích những nhân tố tạo ra nếp sống của những người “không còn là thiếu nhi nữa nhưng cũng chưa trưởng thành”. Thời xưa, giai đoạn chuyển tiếp từ thanh niên sang trưởng thành tương đối ngắn ; ngày nay, khó xác định thời gian ấy kéo dài bao lâu, bởi vì các mốc điểm được thả nổi (Khi nào được coi là chấm dứt thời học trò ? Khi nào được coi là bước vào thời làm việc ? Khi nào được coi là tự lập về gia đình ?).
2. Trong ngôn ngữ thường nhật, xem ra ai cũng hiểu thế nào là TRẺ. Nhưng đến khi đi vào lãnh vực chuyên môn của xã hội học và tâm lý học, các tác giả không nhất trí trong việc xác định ý nghĩa của các từ ngữ : trẻ, thiếu niên, dậy thì, thanh niên, trưởng thành, tráng niên, vv. Qua bài viết Giới trẻ dưới góc nhìn của một số lý thuyết tâm lý học, tu sĩ Nguyễn Long Quân O.P. điểm qua vài quan điểm trong ngành tâm lý phát triển : về nhận thức, về tâm lý tính dục, về tâm lý xã hội, về luân lý.
3. Sau hai bài nghiên cứu thuộc lãnh vực nhân văn, chúng ta bước sang lãnh vực thần học, trước hết với bài Giới trẻ trong Kinh thánh. Tu sĩ Nguyễn Quốc Minh Tuấn O.P. phân tích 5 từ ngữ được sử dụng trong Kinh thánh (5 trong Cựu ước và 3 trong Tân ước), để khám phá ý nghĩa của tuổi trẻ, đặc biệt qua vài nhân vật điển hình.
4. Nhờ ba giáo sư Đại Học Salesianum (Roma), biên soạn từ điển Dizionario di Pastorale Giovanile, chúng ta theo dõi Lịch sử mục vụ giới trẻ trải qua bốn giai đoạn: cổ thời, trung đại, cận đại, hiện đại. Tuy giai đoạn hiện đại ngắn ngủi nhất (thế kỷ XX) nhưng lại là lúc mà “Mục vụ giới trẻ” trở thành mối quan tâm đặc biệt của Giáo hội. Tác giả cũng cho biết thêm là thực trạng của giới trẻ châu Âu thay đổi khá nhiều trong vòng hậu bán thế kỷ XX.
5. Mục vụ giới trẻ là gì? Cha Rossano Sala SDB, thư ký đặc biệt của Thượng hội đồng giám mục sắp tới về giới trẻ, sẽ trình bày vài suy tư về mục tiêu, phương tiện, động lực của ngành này, đặt trong bối cảnh của việc loan báo Tin Mừng cách mới mẻ. Mọi hoạt động mục vụ đều nhằm đem Chúa Giêsu đến với con người thời đại. Thế nhưng, theo nhận xét của tác giả, chúng ta thường chỉ bận rộn với việc “làm cách nào” (các phương tiện) nhưng ít quan tâm đến “tại sao làm” (động lực thúc đẩy). Chúng ta nói nhiều về Chúa nhưng ít nói với Chúa. Chúng ta không chỉ mang Chúa đến với các bạn trẻ, nhưng cần mang họ đến với Chúa, mời gọi họ làm môn đệ của Đức Kitô để cùng tham gia vào sứ mạng của Giáo hội.
6. Khi ôn lại lịch sử các ngày Đại Hội giới trẻ quốc tế, khởi đầu từ năm 1986 do sáng kiến của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, chúng ta có thể khám phá một nét trong mục vụ giới trẻ theo quan điểm của Giáo hội, đó là : giúp các bạn trẻ tìm gặp lý tưởng cuộc sống nơi Đức Giêsu Kitô qua biểu tượng của cây Thập giá. Bên cạnh những buổi huấn giáo do các giám mục đảm trách, dưới thời Đức thánh cha Bênêđictô XVI, còn thêm giờ thờ lạy Mình Thánh Chúa. Cũng nên biết là hai cuốn sách YOUCAT và DOCAT được phát hành trong khuôn khổ của các buổi gặp gỡ này.
7. Sau khi đã rảo qua một vòng các lý thuyết và kinh nghiệm lịch sử trên thế giới, các độc giả được mời về quê hương qua bài viết của Nữ tu Trần Như Ý Lan: Vài tản mạn suy tư về người trẻ Việt Nam ngày nay bước theo Đức Kitô: thách đố và đáp trả.
8. Cuối cùng, một câu chuyện mang tính cách thời sự của Giáo hội là Tông huấn Gaudete et exsultate do Đức Thánh Cha Phanxicô ký ngày 19 tháng 3 năm nay, nhân dịp kỷ niệm 5 năm thi hành sứ vụ kế nhiệm thánh Phêrô. Văn kiện muốn nhắc lại ơn gọi nên thánh của mọi Kitô hữu, nhưng không theo kiểu trình bày một khảo luận thần học mà chỉ là những lời thôi thúc của một mục tử. Cách riêng, tác giả cảnh báo hai kẻ thù độc hại (được đặt tên là Tân-ngộ-giáo và Tân Pêlagiô) cũng như những trở ngại cho việc nên thánh trong thời buổi hiện nay, đồng thời cũng nhắc đến những phương thế cần thiết: chiến đấu, tỉnh thức, phân định.
Mặc dù chủ đề của số báo được gợi lên do Thượng hội đồng Giám mục sắp họp vào tháng 10 năm nay, nhưng vì công việc chuẩn bị còn đang tiếp diễn (chúng ta chỉ mới biết “Tài liệu chuẩn bị”, được giới thiệu vào ngày 13/1/2017, mở đầu cho các cuộc tham khảo ý kiến, trước khi đúc kết thành “Tài liệu làm việc” vào giữa năm nay), cho nên chúng tôi chưa thể cung cấp các thông tin liên quan đến biến cố này. Tuy vậy, hy vọng rằng những bài nghiên cứu trên đây cũng đã gợi lên vài ý tưởng chung quanh mối bận tâm chính yếu của Giáo hội, đó là: giáo dục đức tin cho các bạn trẻ, giúp cho các bạn gặp gỡ Chúa Kitô, và trở nên những môn đệ của Người.
Trung tâm Học vấn Đa Minh
___________
[1] Đó là chưa nói đến sự ra đời của một môn học mới: “Thanh niên học” “Juvenology” ghép bởi từ juvenis (tiếng Latinh, từ đó jeune/jeunesse tiếng Pháp; young, youth tiếng Anh; joven/juventud tiếng Tay ban nha ; giovani/ gioventu tiếng Ý) và logia (gốc bởi “logos” tiếng Hy-lạp (có nghĩa là lời, lý luận).