Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2020

NGƯỜI TRẺ VIỆT NAM NGÀY NAY BƯỚC THEO ĐỨC KITÔ : Thách Đố và Đáp Trả

Thời sự Thần học – Số 80, tr. 177-190

_Trần Như Ý Lan, Dòng Đức Bà_  


Thế nào là bước theo Chúa Giê-su? Bước theo Đức Giê-su Ki-tô là bước vào mầu nhiệm thập giá vinh quang, là đi theo con đường ngược chiều với trào lưu văn hóa đề cao hưởng thụ vật chất trần thế mà xem nhẹ giá trị tâm linh. Chúa giải phóng chúng ta, tái tạo chúng ta theo hình ảnh Ngài. Ngài không tái tạo chúng ta theo kiểu ngoạn mục, mà lại theo hình ảnh người Tôi Tớ đau khổ (x. Is 53). Ngài biểu lộ tình yêu Ngài bằng cách tự hạ và vâng lời Chúa Cha để tái sinh chúng ta làm con cái Thiên Chúa trong mầu nhiệm Thập giá vinh quang. Chúng ta theo Chúa Giêsu, dâng hiến cho Ngài mọi khả năng và tất cả tình yêu, để Ngài dẫn đi trên con đường khổ nạn, ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô, ao ước phục vụ Nước Trời, và tiến đến sự sống vĩnh cửu trong Thiên Chúa Ba Ngôi.[1]
Như tựa đề đã nêu, tôi viết bài này không theo tính cách thần học thông thường, mà chỉ đơn giản qua một số câu chuyện thực tế đời sống, suy tư về thách đố và đáp trả của người trẻ Việt Nam ngày nay trong việc bước theo Đức Kitô.

1. Câu chuyện buổi tối biểu diễn của ca sĩ diễn viên Hàn quốc Bi Rain khi anh này đến thăm Việt Nam vào ngày 15/3/2012, vài cô gái cúi xuống hôn cái ghế Bi Rain ngồi, khiến nhiều người trong chúng ta, dù thờ ơ đến mấy với “văn hóa xìtin”, phải giật mình và cảm giác đau buồn! Trên các phương tiện truyền thông, mỗi lần có ban nhạc hay ngôi sao điện ảnh, truyền hình, ca nhạc Hàn Quốc sang Việt Nam, tràn ngập hình ảnh các “fan cuồng” chờ chực hàng giờ đón ở sân bay, chen chúc mua vé, xếp hàng xin chữ ký... Hàng triệu thanh thiếu niên đang thiếu vắng thần tượng và thiếu cả không gian giải phóng năng lượng tuổi thanh xuân.[2] Ở đây, chúng ta nhìn nhận vai trò cần thiết của các nhà giáo dục, các người lãnh đạo xã hội và Giáo hội, cũng như sự cần thiết của các mẫu gương đời sống cung cấp cho thế hệ trẻ các giá trị sống đích thực.[3]

2. Câu chuyện đội tuyển bóng đá quốc gia U23 Việt Nam đã từng bước vượt qua các đội mạnh để vào chung kết Giải đá bóng Châu Á vào những ngày cuối tháng 1/2018, chúng ta thấy được sức lan tỏa, sự kỳ diệu của tinh thần dân tộc, hàng triệu con tim đã hướng về các cầu thủ chiến đấu hết mình với tinh thần đồng đội.[4] Bản thân tôi từ trước tới nay chưa hề xem trận đá bóng nào, nhưng những ngày ấy, cũng đã nao nức theo dõi và cổ vũ nhiệt tình cho đội bóng quê hương. Tôi nhận ra một điều, giới trẻ Việt Nam đang khao khát một lý tưởng sống, một “cảm thức thuộc về là một yếu tố quan trọng để hình thành căn tính của mỗi người”.[5]

3. Sự kiện bi thảm một nam sinh lớp 10 trường Nguyễn Khuyến nhảy lầu tự tử và để lại thư tuyệt mệnh bày tỏ sự khủng hoảng tinh thần trước áp lực học hành làm xôn xao dư luận vào những ngày giữa tháng 4/2018. Đang tuổi xuân phơi phới, được bao bọc trong tình thương yêu của gia đình, em lại tìm đến cái chết như một giải pháp để thoát khỏi nỗi sợ hãi, cô đơn, đau khổ, và tuyệt vọng. Cái chết của em là một hình ảnh cho một thách đố của giới trẻ ngày nay phải đối mặt: nỗi sợ hãi khi phải đối diện với nhiều áp lực trong cuộc sống, thiếu sự thấu cảm của cha mẹ, thầy cô giáo…

Trong Sứ Điệp gửi cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới vào ngày 23/2/2018, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét ngày nay có rất nhiều người trẻ cảm thấy cần phải khác với những gì họ thực sự là, trong nỗ lực thích ứng với chuẩn mực giả tạo và không thể đạt được. Họ “đánh bóng” hình ảnh của chính mình, ẩn sau chiếc mặt nạ và căn tính dối trá ấy, họ gần như trở thành cái tôi sống ảo. Nhiều người bị ám ảnh với việc nhận được nhiều hay ít “like”. Nhiều nỗi sợ hãi và sự không chắc chắn xuất hiện từ ý thức không phù hợp này. Có những nỗi sợ khác như bấp bênh trong tình cảm, bấp bênh của công việc… Ngày nay, một số lớn thanh thiếu niên mang đầy nỗi sợ. Đức Thánh Cha nhắn nhủ giới trẻ “Đừng sợ”! Vì Thiên Chúa biết rõ những thách đố mà chúng ta phải đương đầu trong cuộc sống và Ngài luôn ban ơn trợ lực chúng ta khi chúng ta biết chạy đến với Ngài.

Để thoát khỏi nỗi sợ, Đức Thánh Cha nhắc nhở cần phân định. Phân định giúp chúng ta lấy lại trật tự trước những bối rối trong suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta. Trong tiến trình này, bước đầu tiên là định vị và gọi tên nỗi sợ một cách rõ ràng. Phải đối diện với nỗi sợ của mình một cách trung thực, để nhận ra chúng là gì, tìm nguyên nhân và tìm cách xử lý chúng. Đối với mỗi ngưởi, đặc biệt là Kitô hữu, sợ hãi không bao giờ là lời cuối, mà đúng hơn, đó là dịp để thực thi niềm tin vào Thiên Chúa, và vào cuộc sống! Trong sự phân định như thế cần tín thác nơi lòng nhân từ và tình yêu vô biên của Thiên Chúa, tín thác vào chính Chúa.[6]

Ngoài ra, con người ngày nay nói chung, và giới trẻ nói riêng, cần có niềm hy vọng. Đức Hy vọng không ảo tưởng mong chờ thiên đàng trần thế và loại trừ mọi khổ đau khỏi cuộc sống thế gian, nhưng là thái độ bình tâm đón nhận thử thách và đau khổ trần thế nhờ đức tin dựa vào chính Thiên Chúa, cắm rễ nơi Đức Giêsu Kitô (x.Dt 6,19-20), và vững mạnh nhờ Thánh Thần. Đức Hy Vọng hướng đến hạnh phúc vĩnh cửu trên Quê trời, cho nên “bảo vệ chúng ta khỏi sự nản chí, nâng đỡ khi bị bỏ rơi, mở rộng trái tim bằng sự mong đợi vinh phúc vĩnh cửu, gìn giữ chúng ta khỏi tính ích kỷ và đưa chúng ta đến với vinh phúc của đức mến” (GLHTCG, s. 1818).

Câu chuyện em nam sinh tự tử trên còn bộc lộ sự khủng hoảng của nền giáo dục hiện tại của Việt Nam. Nền giáo dục Việt Nam gặp khủng hoảng toàn diện: khủng hoảng về một triết lý giáo dục, một chính sách- đường lối giáo dục đúng đắn, và một phương thế giáo dục phù hợp, thiếu một đội ngũ giáo dục là tấm gương sáng và khơi nguồn cảm hứng cho các thế hệ trẻ. Và rất thường, các trường học không dạy học trò cách suy tư phê phán… Canh tân các thể chế của hệ thống giáo dục là yếu tố tối cần để làm nền tảng cho sự phát triển, thăng tiến đất nước và con người toàn diện.

4. Câu chuyện một thầy giáo cấp III giết một cô giáo vào trưa ngày 23/4/ 2018 tại Sài Gòn làm nhiều người sửng sốt bàng hoàng và đau xót. Bị vợ sắp cưới là cô giáo dạy toán cùng trường từ hôn sau khi phát hiện vị hôn phu bắt cá hai tay, bản thân là thầy giáo mà Thắng không vượt qua được nỗi thất vọng bị từ hôn, và phản ứng hung bạo bằng giết người yêu cách dã man.[7] Tội ác này cho thấy sự khủng hoảng về môi trường nhân bản, huấn luyện nhân đức trong gia đình, nhà trường và xã hội Việt Nam. Giáo dục Việt Nam đã bỏ sót chiều kích nhân bản thiết yếu trong việc đào luyện con người. Giáo dục nhân bản phải bắt đầu từ thời kỳ thơ ấu.

5. Giới trẻ sống buông thả tình dục. Tại Việt nam, theo thống kê của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế năm 2016, tính riêng trong hệ thống các bệnh viện công lập thuộc 63 tỉnh thành phố đã có đến 265.536 ca nạo phá thai, trong đó phá thai ở độ tuổi vị thành niên chiếm đến khoảng 4600 ca.[8] Các chuyên viên đưa ra một số yếu tố nguy cơ: quan hệ tình dục sớm, không có kiến thức giới tính và ít tâm sự với cha mẹ.

Bản thân làm bác sĩ 30 năm, tôi gặp và giúp nhiều trường hợp cô gái chưa chồng đi khám thai và các cô thật đơn độc lúc ấy. Hiếm khi các cô được bạn trai cùng đi khám, mà đa phần là một mình, đôi khi có mẹ, hoặc chị, hoặc bạn gái đi cùng. Cùng thực hiện một hành vi nhưng cuối cùng dường như chỉ có người nữ gánh chịu hậu quả. Theo thống kê, một số lớn các bạn nam người Việt hiện nay, khi yêu thì đòi bạn nữ “yêu là cho tất cả”, nhưng khi kết hôn thì đòi người bạn đời phải còn trinh khiết! Thật ra, chính các bạn nam khi thành thực đối diện với lương tâm, cũng không thể bình an với hậu quả cay đắng mà mình đã gây ra cho bạn gái.

Mối phúc Thứ sáu: “Phúc thay ai có trái tim trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Những người có trái tim trong sạch là những người biết làm cho trí tuệ và ý chí của mình phù hợp với những đòi hỏi của sự thánh thiện và đòi hỏi của Thiên Chúa…Có mối dây liên kết giữa sự trong sạch của trái tim, của thân thể và của đức tin.

Giáo huấn Công giáo nhấn mạnh luyện tập nhân đức tự chủ là điều cơ bản trong việc chiến đấu sống trong sạch. “Ðức khiết tịnh đòi hỏi phải học biết tự chủ, để sống như một con người. Rõ ràng con người phải lựa chọn: hoặc chế ngự các đam mê và được bình an; hoặc làm nô lệ chúng và trở nên bất hạnh” (GLHTCG s.2339). Qua kinh nghiệm, mỗi người đều biết rằng, đức khiết tịnh đòi buộc phải từ bỏ những tư tưởng, lời nói và hành động mang tính chất tội lỗi mà Thánh Phaolô luôn nhắc nhớ chúng ta (x. Rm 1,18; 6,12-14; 1Cr 6,9-11; 2Cr 7,1 ; Gl 5, 16-23; Ep 4,17-24 ; 5,3-13 ; Cl 3,5-8; 1Tx 4,1-18; 1Tm 1,8-11; 4,12). Như thế cần có khả năng và thái độ tự chủ. Ðây là những dấu chỉ của sự tự do nội tâm, ý thức trách nhiệm với mình và với kẻ khác; đồng thời cũng minh chứng con người đó có một lương tâm được đức tin giáo hóa. Sự tự chủ này đòi buộc con người phải tránh những cơ hội phạm tội và biết làm chủ những xung lực bản năng tự nhiên.

Người trẻ cần ý thức giá trị tích cực của tình yêu, đạo đức và biết tôn trọng ân sủng của Thiên Chúa, đặc biệt là hồng ân sự sống. Người trẻ cần hiểu được giá trị của tính dục và của việc sống trong sạch. Và, người trẻ cần tìm hiểu và khám phá ra ơn gọi riêng của mình cho hôn nhân hay cho đồng trinh tận hiến cho Nước Trời, bằng cách hài hòa xu hướng, nội tâm và hồng ân riêng của Chúa Thánh Thần.

6. Theo xu hướng chung trên thế giới, tại Việt Nam, hiện tượng người trẻ công khai đồng tính luyến ái và chuyển giới ngày càng nhiều hơn. Và, người ta cố gắng đưa ra chứng cứ về sự quân bình, trưởng thành tâm cảm của những người đồng tính luyến ái và biện minh hôn nhân đồng tính. Như linh mục Xavier Thévenot, SDB, một giáo sư Thần học luân lý từng nhận định, nhiều người Công Giáo hiện nay, đặc biệt là giới trẻ, cảm thấy bối rối khi chạm trán với những biến đổi sâu sắc về phong hóa trong xã hội. Họ cảm thấy giáo huấn Giáo hội Công giáo dường như tỏ ra xa lạ với thế giới quanh mình. Đồng thời họ cũng băn khoăn, tự hỏi những khám phá mới của khoa học trong lãnh vực tính dục, y sinh học... có thật sự đưa con người tiến bộ không? Phải làm thế nào để trở nên “người hơn” trong thế giới nhiều biến động hôm nay?[9]

Tuy tỏ ra thương cảm các người đồng tính luyến ái, Giáo hội Công giáo vẫn luôn thừa nhận rằng khuynh hướng đồng tính luyến ái là một rối loạn khách quan và hành vi tình dục đồng tính luôn là điều xấu, Huấn quyền nhấn mạnh rằng các người này phải nhắm đến, và phấn đấu cho việc loại trừ tất cả hành vi tình dục đồng tính trong suốt đời sống. Dựa trên truyền thống luân lý, ta có thể thấy rằng Huấn Quyền dứt khoát bác bỏ việc giải phẫu chuyển giới. Giáo hội Công giáo luôn khẳng định con người không phải “làm chủ” thân xác mình, mà là người đón nhận ơn ban Thiên Chúa, là nam, là nữ, và phải sống hòa hợp với quy luật tự nhiên ở nơi chính thân xác của mình. Con người không thể tự do thay đổi giới tính của mình chỉ vì mình “khát khao” được là giới tính ngược lại với giới tính mình khi sinh ra.[10]

Người đồng tính luyến ái hay người ước muốn chuyển giới, cần có những anh chị em trên đường lữ thứ trần gian của họ. Chúng ta phải là chứng nhân tình yêu của Thiên Chúa, đón tiếp họ, và can đảm, khôn ngoan, thận trọng nói cho họ biết đòi hỏi của tình yêu Thiên Chúa, nhắc cho họ mục đích tối hậu của đời người là quê Trời. Mặt khác, có lẽ những người này cũng muốn chúng ta phải nhìn nhận họ là những anh chị em có thể làm chứng cho nhân loại về Thiên Chúa: Một Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam, có nữ và biết rõ thân phận bụi đất của ta.[11]

7. Một số gia đình trẻ Công giáo thực hành ngừa thai nhân tạo, thụ thai nhân tạo… trái với Giáo huấn Công giáo. Cần hiểu rõ Huấn quyền Công giáo không chấp nhận các biện pháp ngừa thai nhân tạo và thụ thai nhân tạo không phải là do không quan tâm đủ đến con người với các nhu cầu yêu thương và hạnh phúc trần thế, nhưng vì Giáo hội rất yêu mến và rất trân trọng con người, ra sức gìn giữ phẩm giá của con người, và mong muốn con người có được hạnh phúc đích thật trong viễn cảnh cánh chung. Sứ điệp trung tâm mà Giáo hội loan báo là “loài người được Thiên Chúa yêu thương”, con đường Giáo hội muốn dẫn chúng ta đi là con đường “thương yêu và sự thật”.[12] Luật Chúa và luật Giáo hội là để giúp con người sống đúng phẩm giá mình, chọn điều lành, tránh xa điều xấu. Có được hiểu biết như thế, tâm tình các bạn trẻ sẽ tốt hơn khi tìm hiểu luật Chúa, luật Giáo hội.

Các linh mục được trông chờ phải trình bày giáo huấn Giáo hội một cách khả tín, và có được trái tim thấu cảm và thực thi lòng thương xót của Chúa Giêsu mục tử trong mục vụ giáo dân và gia đình. Trong các trường hợp liên quan đời sống luân lý gia đình, Huấn quyền có đưa ra Luật Tiệm Tiến áp dụng trong mục vụ. Đó là luật quan tâm đến những giới hạn của con người : là những con người sống trong lịch sử, yếu đuối và ảnh hưởng bởi tội lỗi, cùng lúc phải chu toàn nhiều trách nhiệm! Điều đó có nghĩa rằng ta không thể đòi hỏi người tín hữu áp dụng tất cả luật luân lý, hoàn toàn và ngay lập tức, nhưng cần phải kiên nhẫn giúp họ tiến tới trên con đường tăng trưởng, từng bước trong thời gian.[13] Luật này nhìn nhận rằng sự hoán cải đòi hỏi thời gian. Đứng trước một quy luật chưa thể áp dụng ngay được trong lúc này, hoàn cảnh này, con người này, vì có một số giá trị khác cũng bị đe dọa, thì nhiều khi người ta có thể chấp nhận một thời hạn nào đó với một số điều kiện.[14]

8. Câu chuyện xảy ra cho chính bản thân tôi vào một ngày gần cuối tháng 4/2018. Tôi làm việc tại một Trung tâm chẩn đoán Y khoa khá nổi tiếng nên rất đông bệnh nhân. Một bệnh nhân nam đang chờ đợi được khám ở phòng bên cạnh, la lối lớn tiếng nói lời phản cảm với cô y tá vì phải chờ lâu, và ông lập lại mấy lần “cô muốn gì thì nói cho tôi biết để tôi lo!” Cô y tá phòng khám ấy thấy ông hung hăng nóng tính nên chuyển ông qua phòng tôi. Sau khi khám cẩn thận và giải thích cặn kẽ bệnh lý cho ông ta, tôi giải thích tại sao phải chờ lâu: bệnh đông, chờ theo số thứ tự, bên cạnh đó có một số người được ưu tiên theo diện người già, con nít, bệnh nặng cấp cứu…Cuối cùng, tôi rất nhỏ nhẹ thêm một câu: “đi khám bệnh cần nhẫn nại, câu nói khi nãy của anh là làm xúc phạm phẩm giá của nhân viên y tế!” Thế mà ông ấy lại giận dữ lớn tiếng vài câu nữa trước khi ra khỏi phòng khám. Và cái kết thật bất ngờ: ông ta còn viết đơn gửi Bác sĩ Giám đốc, khiếu nại bác sĩ phòng số… (ông ấy nêu rõ tên tôi) đã xúc phạm ông!!! Dường như trong xã hội hôm nay, kẻ “to miệng” lại chiếm thế thượng phong! Sống tính ngôn sứ trong một xã hội tôn vinh quyền thế và tiền bạc là một thách đố lớn. Mỗi người chúng ta cần tìm kiếm cách xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, công bình hơn, yêu thương hơn. Trong lãnh vực này, giáo huấn xã hội Công giáo cho chỉ dẫn thích hợp hữu hiệu.

9. Thời gian gần đây, tại Việt Nam, báo chí cũng nói nhiều đến cái vô cảm đáng sợ của một số người trước hoạn nạn đau thương của người khác. Lý do làm chúng ta vô cảm là mất ý thức về Thiên Chúa, không quan tâm đến Lời Chúa dạy, cũng như coi thường tiếng lương tâm. Hình ảnh chạnh lòng thương của Chúa Giê-su trong Tin Mừng (Lc 9,36) nhắc nhở con người có trách nhiệm đối với nhau. Một số người như muốn nói: “…làm sao chúng ta có thể mang tình yêu đến một nền văn minh toàn cầu vì giữa bao nhiêu mâu thuẫn, nền văn minh ấy có vẻ như đã được định đoạt như trong tiến trình của ngày thế mạc? Làm sao chúng ta có thể chăm lo cho sự sống từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc?” Đức Giáo hoàng Piô XI đã từng nói một điều gây chấn động: “Vấn đề ở đây không phải là tình trạng hung hãn của những thế lực ác tà trong thế giới văn minh này cho bằng thái độ vô cảm của những người lương thiện.”[15] Thái độ “Sống chết mặc bay”, miễn sao bản thân mình, gia đình mình êm ấm bị thách thức bởi câu chuyện người Samari nhân hậu (Lc 10,25-37). Chỉ tình yêu mới có thể cứu chúng ta.

10. Ở Nhật trong trận động đất Fukushima, có cậu bé nhỏ mặc chiếc áo thun và quần cộc giữa trời giá rét, nối đuôi sau một hàng dài chờ phát thực phẩm. Cha mẹ và em của em đã bị sóng thần cuốn trôi. Một người lính cho cậu bé túi lương khô, cậu ôm túi lương khô để chung vào thùng thực phẩm đang được phân phát rồi lại quay lại xếp hàng. Cậu giải thích: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để phát chung cho công bằng”. Đứa trẻ chín tuổi trong cơn gian nan thử thách đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác. Đất nước Nhật sau những giờ phút nguy cấp nhất, đã hồi sinh và vươn lên mạnh mẽ nhờ những công dân được giáo dục có lòng tự trọng, thực thi công bằng bác ái, biết hy sinh tư lợi, ngay từ trẻ thơ.[16] Người Nhật thể hiện lối sống văn minh của mình bằng sự hợp lực trong cách xử lý mọi vấn đề. Chính sự hợp lực này giúp nước Nhật sớm khôi phục từ đổ nát, hoang tàn.

Đất nước Việt Nam hôm nay có nhiều vấn đề cần phải bàn tới trong nhiều lãnh vực từ kinh tế, giáo dục, y tế đến cách đối nhân xử thế giữa con người với nhau. Trỗi vượt cá nhân hay hợp lực tạo sức mạnh là lựa chọn của cá nhân, nhưng ngày nay người trẻ lại tìm cách nổi trội chứ không tìm cách hợp lực trong cách giải quyết mọi vấn đề. “Tính hợp lực nơi người Việt Nam còn yếu, nhất là người trẻ”.[17]

Trí tuệ của người Việt Nam không thua bất cứ nước nào trên thế giới. Người Việt Nam cũng có thể tương trợ nhau khi gặp thảm họa, tuy nhiên, tính chia sẻ, tính kỷ luật, tính hợp lực trong công việc thì còn yếu. Theo Thạc sĩ Trần Đình Dũng, điều người Việt Nam thiếu là sự nối kết với nhau. Làm thế nào để kết nối với nhau? Chúng ta rất khó thay đổi được xã hội, không thay đổi được chính sách mà cần thay đổi chính bản thân mình. Thay vì than van oán trách thì nên học cách cám ơn, đó là những bước đầu tiên để có được yếu tố hợp lực. Chúng ta thường dễ thấy cái sai, cái xấu nơi người khác nhưng cần một tấm lòng để thấy được cái tốt lành nơi tha nhân. Khi làm được điều đó là thay đổi chính mình để bước vào thế giới được gọi là hợp lực.

Chúa Giêsu đã từng nói trước những người lên án người phụ nữ ngoại tình: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Để thay đổi chính mình cần tỉnh thức và bình tâm. Mở lòng bao dung để đón nhận sự khác biệt nơi người khác để cùng nhau làm việc chứ không phải mang chính mình làm tiêu chuẩn để chọn lọc những cái khác đó xem những gì phù hợp với mình. Tính hợp lực là một đề tài lớn, nó tiềm ẩn trong ngôn ngữ, trong từng hành vi, không định hình được, nhưng tính hợp lực làm cho người ta cảm nhận được nhau. Sự hợp lực không phải là chia sẻ, không phải là cho và nhận, mà là chấp nhận người khác, chấp nhận họ là chính họ, cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Khi thực sự mở lòng ra với người khác thì mới có thể nói đến hợp lực.

“Làm sao giáo dục giới trẻ học được cách bao dung để hiểu được người đối diện?”. Theo thạc sĩ Trần Đình Dũng, để giáo dục người trẻ hiểu về bao dung, điều đầu tiên và quan trọng cần phải giáo dục về tính tự tin. Khi tự tin thì dễ dàng bao dung. Tự tin để không sợ thất bại. Tự tin về giá trị của gia đình, về sức mạnh nội tâm, tự tin vì là đức tin của người Công Giáo, những tự tin thuộc về tinh thần, về nội lực, đó là điều cần thiết và là điểm bắt đầu để nói đến sự bao dung. Bao dung là tha thứ, là chấp nhận người khác, là nhìn họ là họ kể cả mặt tốt và mặt xấu, đòi hỏi nội lực. Ngược lại nếu tin vào những thứ bên ngoài, những ảo ảnh thì đó không phải là tự tin mà là ngạo mạn. Cần nhìn vào những điểm tốt của người trẻ để khuyến khích lòng tự tin nơi nội tâm, và khi người trẻ đã tự tin thì mới có thể bao dung và chấp nhận người khác.[18]

Xin mượn lời Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong Sứ điệp gửi cho Ngày Giới trẻ Thế giới (23/2/2018) để kết bài viết :
Hãy can đảm trong giây phút hiện tại
Ân sủng của Thiên Chúa luôn ở với chúng ta, cho chúng ta sức mạnh để can đảm trong giây phút hiện tại. Can đảm để đón lấy những gì Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta ở đây và lúc này, trong các lãnh vực của đời sống. Hãy can đảm để nắm lấy ơn gọi mà Thiên Chúa bày tỏ cho chúng ta; hãy can đảm để sống đức tin của chúng ta mà không che giấu hoặc hạ thấp nó.
Khi chúng ta mở ra với ân sủng của Thiên Chúa, điều không thể trở thành hiện thực. “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?” (Rm 8,31). Ân sủng của Thiên Chúa chạm đến giây phút hiện tại trong cuộc sống của mỗi người, giữ cho mỗi người như chính mình là, với tất cả những nỗi sợ hãi và giới hạn của cá nhân, nhưng nó cũng cho thấy những kế hoạch diệu kỳ của Thiên Chúa! Người trẻ cần biết rằng có ai đó thực sự tin tưởng họ. Nhớ rằng Đức Giáo Hoàng có lòng tin vào người trẻ, Giáo hội tin tưởng vào người trẻ! Về phần mình, người trẻ hãy tin tưởng vào Giáo hội!
Đối với người trẻ, Đức Maria được ủy thác một nhiệm vụ quan trọng, chính xác bởi vì Đức Maria còn trẻ. Người trẻ có sức mạnh khi trải qua một thời kỳ đầy tràn năng lượng, đầy sức sống. Hãy tận dụng sức mạnh và năng lượng này để cải thiện thế giới, bắt đầu với những thực tế gần gũi nhất với chúng ta. Những trọng trách được trao cho người trẻ trong Giáo hội; hãy can đảm chuẩn bị không gian ấy cho người trẻ; và người trẻ có thể được chuẩn bị để thực hiện những trách nhiệm này.

Chú thích___

[1] “Bước theo Đức Giêsu Kitô”, http://linhthao.net/luutru/2120
[2] X. Thu Hà, “Khi người trẻ quỳ xuống và hôn ghế...” 24/03/2012, https://tuoitre.vn/khi-nguoi-tre-quy-xuong-va-hon-ghe-483703.htm
[3] X. Hội Nghị Thượng Hội Đồng Giám Mục thứ 14, Tài liệu chuẩn bị, “Young People, the Faith and Vocational Discernment” Rome, 19-24/3/ 2018.
[4] X. “Phát biểu đầy cảm xúc của Chủ tịch Quốc hội tại buổi gặp U23 Việt Nam”, 30/1/2018, https://news.zing.vn/thu-tuong-nhan-rong-ban-linh-y-chi-u23-viet-nam-post815962.html
[5] X. Hội Nghị Thượng Hội Đồng Giám Mục thứ 14, Tài liệu chuẩn bị, “Young People, the Faith and Vocational Discernment” Rome, 19-24/3/ 2018.
[6] “Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới”, 23/2/2018, https://dongten.net/2018/02/23/su-diep-cua-duc-thanh-cha-phanxico-gui-cho-ngay-gioi-tre-gioi
[7] “Vụ thầy giáo giết người yêu: ‘Yêu thương hóa hận thù rất nguy hiểm’”, 25/4/2018, https://news.zing.vn/vu-co-giao-bi-sat-hai-o-sai-gon-on-dinh-tam-ly-hoc-sinh-giao-vien-post836799.html
[8] Bội Quyên, “Gần 4.600 ca nạo phá thai ở tuổi vị thành niên, thanh niên”, 8/8/2017, https://baomoi.com/gan-4-600-ca-nao-pha-thai-o-tuoi-vi-thanh-nien-thanh-nien/c/22958167.epi
[9] Xavier Thévenot, Để xây dựng một nền luân lý cho thế giới mới, Dg. Đặng Xuân Thành (Hà Nội: Tôn Giáo, 2008).
[10] Trần Như Ý Lan, “Đồng tính luyến ái và Chuyển giới tính: Một nhận định trên phương diện khoa học và luân lý Công Giáo”, Hiệp Thông số 87 (tháng 3-4/ 2015).
[11] Xavier Thévenot, sđd., tr. 138.
[12] X. Sứ điệp của Đức Gioan Phaolô II ngày Quốc tế Giới trẻ năm 2002, được dùng lại bởi Đức Hồng y Nguyễn văn Thuận trong lời giới thiệu về “Sứ điệp lao tù”.
[13] Cuộc trao đổi Nhật báo La Croix với linh mục Alain Thomasset, s.j “Luật Tiệm Tiến có thể giúp tìm ra các giải pháp mục vụ”, Tý Linh chuyển ngữ https://gxkimlong.wordpress.com/2014/10/10/luat-tiem-tien-co-the-giup-tim-ra-nhung-giai-phap-muc-vu/
[14] Alain You, “La loi de gradualité... et non pas la gradualité de la loi”, trong Esprit et Vie, (28.2.1991), tr. 120-127.
[15] “Thái Độ Vô Cảm Của Người Thiện” - Suy Gẫm Mỗi Ngày Với Đức Giáo Hoàng, 10/11/2014, http://daminhvn.net/chia-se-tin-mung/thai-do-vo-cam-cua-nguoi-thien-suy-gam-moi-ngay-voi-duc-giao-hoang-ngay-10-thang-11-9338.html
[16] “Bài học cảm động từ một cậu bé 9 tuổi ở Nhật”, http://dantri.com.vn/the-gioi/bai-hoc-cam-dong-tu-mot-cau-be-9-tuoi-o-nhat-1300647928.htm
[17] Tạ Ân Phúc, 12/04/201, “Buổi thuyết trình “Tính Hợp Lực Trong Tuổi Trẻ Việt Nam”, http://chuongtrinhchuyende.com/chuyen-de-su-kien/chuyen-de-thu-bay-hang-tuan/item/1666-buoi-thuyet-trinh-tinh-hop-luc-trong-tuoi-tre-viet-nam
[18] Tạ Ân Phúc, 12/04/201, “Buổi thuyết trình “Tính Hợp Lực Trong Tuổi Trẻ Việt Nam”.