Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

MỤC VỤ GIỚI TRẺ TRẢI QUA LỊCH SỬ

Thời sự Thần học - số 80, tháng 05/2018, tr. 111-138

_DPG_

Bài này tóm tắt mục từ “Storia della pastorale giovanile” của các giáo sư Ottorino Pasquato, Agostino Favale, Domenico Sigalini, thuộc đại học Salesianum (Roma), viết trên Dizionario di pastorale giovanile (ed. M. Midali - R. Tonelli), Elledici Torino, 1989 và 1992, Nguồn : Storia della PG
I. Cổ đại
  A. Giáo dục nói chung.
  B. Huấn giáo.
  C. Mục vụ ơn gọi.
II. Trung đại
  A. Mục vụ bí tích.
  B. Mục vụ gia đình.
  C. Việc đào tạo tại các đan viện.
  D. Việc đào tạo giáo sĩ.
  E. Việc đào tạo giáo dân.
III. Cận đại
  A. Các văn kiện Huấn quyền.
  B. Mục vụ huấn giáo.
  C. Vai trò của các dòng tu đối với mục vụ giới trẻ.
  D. Các “oratorio”
IV. Hiện đại (thế kỷ XX)
  A. Từ đầu đến 1960.
  B. Bầu khí sôi động của thập niên 60.
  C. Thập niên 70.
  D. Các thập niên cuối cùng của thế kỷ.
Trong các ngành khoa học nhân văn (đặc biệt là tâm lý học và xã hội học, khi bàn về tuổi trẻ, câu hỏi đầu tiên được đặt ra là : Thế nào là trẻ ? Thực vậy, khái niệm về tuổi trẻ thay đổi tùy theo thời gian và không gian. Trong bài này, đôi khi từ “trẻ” được hiểu rộng hơn bình thường, bởi vì có thể bao gồm cả các thiếu nhi. Mục tiêu của bài nghiên cứu này là tìm hiểu xem : Giáo hội đã quan tâm đến các bạn trẻ như thế nào ? Từ lúc nào các bạn trẻ trở thành một lãnh vực chuyên môn trong ngành mục vụ ? Như sẽ thấy, kể cả ngày nay, tại nhiều nơi, mục vụ của Giáo hội nhắm đến tất cả mọi thành phần của Dân Chúa, chứ chưa có một ngành chuyên biệt lo cho giới trẻ, có lẽ một phần bởi vì tại địa phương, tuổi trẻ chưa phải là một “vấn đề” của xã hội, bởi vì giai đoạn chuyển tiếp giữa “thiếu nhi” và “trưởng thành” ngắn ngủi. Nói khác đi, có một mối tương tác nào đó giữa lịch sử Giáo hội và lịch sử xã hội. Theo mặc định, lịch sử Giáo hội được phân chia thành bốn thời kỳ : 1) Cổ đại. 2) Trung đại. 3) Cận đại. 4) Hiện đại. Như đã biết, việc phân chia này phản ánh thực tại của Giáo hội vùng Tây châu Âu chứ không phải của Giáo hội khắp năm châu.

I. Cổ đại


Trong lịch sử Giáo hội, giai đoạn này quen được đặt tên là “Thời các giáo phụ”, kéo dài cho đến hết thế kỷ VIII. Trong ba thế kỷ đầu tiên, các Kitô hữu còn là thiểu số và không được hưởng sự tự do hành đạo. Sang thế kỷ IV, Kitô giáo không những được Đế quốc nhìn nhận như là tôn giáo hợp pháp mà còn sớm trở thành quốc giáo.

Riêng về hoạt động của Giáo hội đối với giới trẻ, chúng ta có thể ghi nhận ba lãnh vực : giáo dục nói chung, huấn giáo, ơn gọi.

A. Giáo dục nói chung


Các Kitô hữu không phải là những người đến từ hành tinh khác. Họ là những con người sinh ra và lớn lên giữa lòng gia đình nhân loại. Trong lãnh vực giáo dục, các Kitô hữu chịu ảnh hưởng của hai truyền thống : Hy lạp – La mã và Do thái.

1/ Giáo dục Hy Lạp và Rôma

Thời xưa, việc giáo dục học đường còn hạn chế trong giai cấp thượng lưu, chứ không mang tính cách phổ thông như ngày nay. Trong xã hội cổ thời, các bạn trẻ được huấn luyện để “nên người”. Danh từ Humanitas dùng để mô tả giáo dục (thường dịch sang tiếng Việt là “nhân văn, nhân bản”) nói lên điều đó : mục tiêu của giáo dục là đào tạo con người trưởng thành. Vì thế các thiếu nhi cần chấp nhận những sự rèn luyện khắt khe để đạt đến lý tưởng. Điều này không chỉ áp dụng trong các lớp thể dục hoặc quân sự mà thôi, nhưng có thể mở rộng cho các ngành học khác (văn học, nghệ thuật)[1].(“Thương con cho roi cho vọt” là một nguyên tắc giáo dục có giá trị khắp nơi).

2/ Giáo dục Do thái
Đối với dân Do thái, việc giáo dục được thực hiện tại các gia đình, và nhấn mạnh đến chiều kích tôn giáo : học lắng nghe Lời Chúa, học cầu nguyện, học giữ các giới răn. Đành rằng việc “học” phải kèm theo việc “hành”, nhưng trước đó, cần phải “nhớ thuộc lòng” (Đnl 6,4tt).

3/ Giáo dục Kitô giáo

Các thế hệ Kitô hữu đầu tiên xuất thân từ các dân tộc sống quanh vùng Địa trung hải. Khuôn mẫu giáo dục của người Do thái rất thích hợp để đào tạo các thiếu nhi về đạo nghĩa, tuy cũng nên biết rằng vào thời xưa, các bí tích khai tâm được ban cho người trưởng thành chứ không phải cho các nhi đồng như thời Trung cổ. Các giáo phụ nhấn mạnh đến bổn phận của cha mẹ trong việc giáo dục con cái. Lớn lên, các thiếu nhi được gửi đến các trường học, theo như chương trình của xã hội : học chữ, văn phạm, thi ca, tu từ, lịch sử, địa lý, vv. Cũng nên biết là chỉ có con nhà thượng lưu mới có thể đến trường học, và trường học chỉ dành cho nam giới.

Việc gửi các bạn trẻ đi học các trường ngoại đạo đã đặt ra không ít vấn đề. Nếu cứ áp dụng chặt chẽ câu nói của Tertulliano (“Không có gì chung giữa Athènes với Giêrusalem hết” : De praescriptione haereticorum, 7,9-119), người ta có thể cho rằng người Kitô hữu không cần biết đến triết học ngoại giáo. Tuy nhiên, cũng có những giáo phụ (như thánh Giustinô, 1 Apologia, 44,10 ; Clêmentê Alexandria, Stromata I,20,1) chấp nhận có những “mầm mống” của Logos nơi các nền triết học, và khuyến khích việc tìm hiểu triết học Hy lạp. Trên thực tế, nhiều giáo phụ (chẳng hạn như Origène, Eusebiô Cêsarea, Basiliô, Augustinô) tỏ ra thành thạo triết học cổ điển cũng như đã thu nhận những nền luân lý Hy-lạp hoặc Roma khi giảng dạy đạo lý. Dù sao, kể từ khi được nhìn nhận như tôn giáo hợp pháp, Giáo hội cũng bắt đầu mở các trường học[2]. Người ta ghi nhận những trường học công giáo đầu tiên do các giáo dân điều khiển (chẳng hạn như tại Alexandria) ; mãi về sau, các trường được mở ra tại các đan viện, tòa giám mục, giáo xứ, tuy rằng tại đây, người ta để ý đến việc học “đạo” nhiều hơn là các “môn đời”.

B. Huấn giáo


Có thể nói được rằng vào thời các giáo phụ, huấn giáo giữ vai trò quan trọng nhất trong công tác mục vụ (tuy vẫn không bỏ qua việc truyền giáo, phụng vụ, bác ái). Việc huấn giáo gồm nhiều cấp độ. Đầu tiên là huấn giáo dành cho các dự tòng. Như đã nói trên đây, trong các thế kỷ đầu tiên, các bí tích được ban cho các thanh niên sau một thời gian dự tòng khá dài (ba năm). Điều này không chỉ áp dụng cho các gia đình mới trở lại mà cho các gia đình “đạo dòng”. Thực vậy, ngay cả các giáo phụ cũng kể lại rằng họ gia nhập đạo khi đã trưởng thành (và đã có trường hợp một người vừa mới rửa tội thì đã làm giám mục, như thánh Ambrosiô)[3].

Việc huấn giáo được tiếp tục qua các bài giảng lễ. Chính khi tham dự các buổi cử hành phụng vụ mà các tín hữu được đào tạo thêm về Kinh thánh, nhờ nghe chú giải các bài đọc. Mặt khác, nội dung huấn giáo không chỉ bao gồm các chân lý đức tin và các bí tích mà còn các giới răn của Chúa.

Các buổi cử hành phụng vụ và huấn giáo dành cho tất cả các tín hữu (Không có Thánh lễ dành cho thiếu nhi hay bạn trẻ).

C. Mục vụ ơn gọi


“Mục vụ ơn gọi” là một thuật ngữ xuất hiện từ mấy thế kỷ gần đây, nhưng cũng có thể áp dụng cho đời sống Giáo hội cổ thời. Mặt khác, tuy dù khi nói đến “ơn gọi” người ta thường nghĩ đến ơn gọi làm linh mục hay tu sĩ, chứ không ai nghĩ đến đời sống hôn nhân, nhưng chúng tôi cũng muốn đề cập đến khía cạnh này ở đây để có một cái nhìn tổng thể.

1/ Đời sống hôn nhân

Mặc dù dựa theo lời Kinh thánh, vợ phải phục tùng chồng, nhưng các giáo phụ đều nhấn mạnh đến sự bình đẳng giữa vợ chồng ; điều này được áp dụng khi Giáo hội đứng lên can thiệp để bài trừ tục đa thê và rẫy vợ, đi ngược lại phong tục xã hội thời đó. Kẻ phạm tội ngoại tình cũng bị vạ tuyệt thông (hoặc vĩnh viễn hoặc tạm thời, tùy nơi).

Thuật ngữ “Gia đình là một Giáo hội thu nhỏ” đã có từ thời các giáo phụ (Thánh Gioan Kim khẩu, In ep. ad Eph. hom. 20). Tuy nhiên, không phải tất cả các gia đình đều giữ được lý tưởng đó. Gia đình của Augustinô là một thí dụ điển hình : chồng của bà Monica là người ngoại giáo ; Augustinô thì lại sống chung với tình nhân và đã có con với nàng.

Không phải tất cả các thanh niên đều lập gia đình. Ngay từ các thế kỷ đầu tiên, trong Giáo hội đã xuất hiện hàng ngũ các trinh nữ và các góa phụ. Họ được khuyến khích tham gia vào các sinh hoạt phụng vụ cũng như các công tác bác ái từ thiện (giúp đỡ người nghèo, thăm viếng người ốm đau và bị giam cầm, vv)[4].

2/ Đời đan tu

Ngay từ những thế kỷ đầu tiên, đã có những thanh niên nam nữ dấn thân để phục vụ Giáo hội qua việc loan báo Tin Mừng. Cũng không thiếu các bạn trẻ nam nữ chịu chết để làm chứng cho Tin Mừng. Nhưng những người đó sống giữa lòng cộng đồng Dân Chúa, chứ không tách biệt. Hiện tượng đan tu xuất hiện muộn hơn, đặc biệt là sau khi Giáo hội được hưởng tự do. Không thiếu lý thuyết giải thích một nguyên nhân của đời đan tu là tiếp nối dòng máu anh hùng tử đạo. Hiện tượng đan tu cũng đã chứng kiến nhiều thay đổi : từ những người sống cô tịch trên hoang địa đến những cộng đồng đan tu, nằm giữa các làng mạc. Những người gia nhập đời tu là thanh niên, nhưng có nơi thu nhận cả các thiếu niên (oblati) từ 7-8 tuổi, theo gương cậu bé Samuel trong Cựu ước (1Sm 2,11tt). Các em bé này không nhất thiết mai sau sẽ trở thành đan sĩ, và nhiều bản luật chỉ chấp nhận cho khấn khi lên 16-17 tuổi (xem luật thánh Basiliô, Regulae fusius tract. 15 ; luật thánh Beneđictô c. 59). Dĩ nhiên, các đan viện trở thành một trường đào tạo nhân bản và tâm linh cho các người trẻ : “dominici schola servitii”, “schola Christi” (Regula Magistri 1,83) Họ không chỉ ca ngợi Thiên Chúa suốt ngày, nhưng còn phải lao động nữa. Trong giai đoạn sa mạc, thì vai trò giáo dục là do “sư phụ” đảm nhận, nhưng đến khi đan viện được tổ chức quy củ, thì được trao cho một “giám sư” (magister).

Tiến trình đào tạo đan sĩ được kiện toàn dần dần với dòng thời gian, được đánh dấu với những nghi thức từ khi gia nhập cho đến khi dấn thân vĩnh viễn. Dù sao vào thời ấy chưa có chế độ “tập viện” cũng chẳng có chế độ “khấn tạm thời” là những thể chế được du nhập vào những thế kỷ sau này. Cũng nên lưu ý là bên cạnh các đan viện “giáo dân” được cất trên núi cao hay thung lũng, cũng có những đan viện “giáo sĩ” được thiết lập tại các tòa giám mục, nơi mà các giáo sĩ thực hành việc sống chung và mục vụ, chẳng hạn như ở Tours (thánh Martinô), Vercelli (thánh Eusebiô), Milano (thánh Ambrosiô), Hippo (thánh Augustinô).

3/ Đào tạo linh mục

Như chúng ta đã biết, thể chế “chủng viện” mới được thiết lập sau công đồng Trento (15/7/1563). Điều này không có nghĩa là trước đó không có đường hướng đào tạo linh mục[5].

Trước tiên, nên ghi nhận là trước khi thụ phong linh mục, ứng sinh phải trải qua nhiều cấp bậc của hàng giáo sĩ[6], từ thế kỷ IV đã được phân thành “chức nhỏ” (clerici inferioris ordinis) và “chức lớn” (clerici superioris ordinis). Các chức lớn gồm : giám mục, linh mục, trợ tá. Danh sách các “chức nhỏ” thì mang tính linh động hơn, tùy theo địa phương. Vào giữa thế kỷ III, Đức giáo hoàng Corneliô báo tin cho giám mục Fabiano ở Antiokia biết rằng giáo hội Roma có 46 linh mục, 7 trợ tá, 7 phó trợ tá, 42 giúp lễ, 52 trừ tà, đọc sách và giữ cửa (Eusebio, Historia Ecclesiastica VI, 43). Tuy nhiên không phải tất cả các gíao hội đều có tất cả những tác vụ như nhau, và một ứng sinh không nhất thiết phải trải qua tất cả các cấp ấy. Không phải là họa hiếm trường hợp một trợ tá (diaconus) được bầu làm giám mục mà không cần phải thụ phong linh mục.

Nói chung, việc đào tạo linh mục là trách nhiệm của giám mục. Các “đan viện giáo sĩ” thiết lập cạnh tòa giám mục là môi trường thuận tiện hơn cả. Giám mục có thể cử một giáo sĩ đảm nhận công việc này (quen gọi là tổng trợ tá : archidiaconus). Vị này sẽ đệ trình giám mục những ứng viên có khả năng. Nhiều công đồng địa phương đã ấn định những điều kiện để được chịu chức (thường là tiêu cực, nghĩa là các “ngăn trở” : chẳng hạn nô lệ, binh sĩ, phong hủi, phù thủy, mại thánh) cũng như các nghĩa vụ của các giáo sĩ.

II. Trung đại


Cũng như đối với thời Cổ đại, chưa thể nói đến một thứ mục vụ chuyên biệt dành cho giới trẻ vào thời Trung đại. Ngoài ra, các từ ngữ dùng để phân biệt các lứa tuổi (infans, puer, adules-cens, iuvenis) cũng không chính xác ; có khi infans kéo dài cho đến 20 tuổi[7]. Isidoro Sevilla ấn định các hạn tuổi như sau: infantia (1-7 tuổi), pueritia (7-14), adulescentia (14-28), iuventus (28-50), gravitas (50-70), senectus(70-..)[8] ; tuy aetas legitima là 21 tuổi, nhưng tuổi kết hôn là 12 đối với nữ và 15 đối với nam. Điều cần ghi nhận ở đây là vào thời đang bàn, Âu châu được xem như đã toàn tòng Kitô giáo, và trong phần này, chúng tôi muốn chú ý đến việc đào tạo đức tin cho các bạn trẻ, trong khung cảnh gia đình, giáo xứ và học đường.

A. Mục vụ bí tích


Có sự thay đổi không nhỏ trong việc ban các bí tích khai tâm. Thời xưa, những người muốn gia nhập đạo phải qua một thời gian “dự tòng”. Sang thời Trung đại, chế độ dự tòng hầu như biến mất. Các em bé sinh ra bởi gia đình công giáo được lãnh bí tích rửa tội khi vừa mới sinh ra (trong vòng một năm). Các lễ nghi cử hành bí tích được rút gọn, không còn chia ra nhiều chặng như trước. Việc huấn giáo cho các dự tòng giờ đây được thực hiện vắn tắt dành cho cha mẹ của các em và những người đỡ đầu, để sau này họ dạy dỗ con em.

Với việc rửa tội cho các nhi đồng, việc ban bí tích thêm sức được tách rời ra khỏi các bí tích khai tâm, và được cử hành riêng biệt (do giám mục), tùy các luật địa phương không xác định thời gian. Sau công đồng Laterano IV (năm 1215), tuổi lãnh bí tích thêm sức là trong khoảng từ 4 đến 7 tuổi. Việc tách rời hai bí tích này đã thúc đẩy thần học đào sâu thêm ý nghĩa của bí tích thêm sức (công hiệu của nó là tăng thêm sức mạnh của Chúa Thánh Thần để làm chứng cho đạo). Công đồng này buộc phải xưng tội và rước lễ mỗi năm một lần đối với những ai đã được 12 tuổi. Một cách gián tiếp, các thiếu nhi phải chờ đến 12 tuổi mới được xưng tội rước lễ lần đầu, sau khi phải qua một lớp giáo lý. Hơn thế nữa, từ khi đến tuổi khôn, các em đã buộc phải xưng tội, mặc dù chưa được rước lễ ! Như vậy, thứ tự giữa bí tích thứ ba và thứ bốn đã bị đảo ngược. Dù sao, việc lãnh các bí tích không thường xuyên : mỗi năm một lần là đủ.

B. Mục vụ gia đình


Gia đình là nơi giáo dục đức tin cho các thiếu nhi. Các bậc cha mẹ được nhắc nhở rằng họ không chỉ sinh sản con cái mà còn phải giáo dục chúng, cách riêng giáo dục vào đời sống đức tin. Vào thời Trung đại, chưa có “sách giáo lý” (catechismus). Các bậc cha mẹ sẽ truyền thụ cho con những điều mà họ thâu nhận từ các bài giảng ở nhà thờ. Trên thực tế, việc giảng giáo lý ở nhà thờ cũng rất thiếu sót (nguyên nhân đưa đến sự bùng nổ của nhiều lạc giáo). Rút cục, nội dung tối thiểu của đức tin mà cha mẹ truyền lại cho con cái là các kinh nguyện sơ đẳng : kinh Truyền tin, kinh Lạy Cha, kinh Tin kính, mười điều răn của Chúa, các điều răn Hội thánh. Nơi đâu có thể được, các em sẽ học thêm giáo lý ở các nhà trường, như sẽ nói dưới đây.

C. Đào tạo thanh thiếu niên tại các đan viện


Luật thánh Bênêđictô nói đến sự hiện diện của các thiếu nhi và thanh niên trong cộng đoàn (pueri, adulescentes, infantes, usque ad quindecim annorum aetates [...] (chương 30, 37, 39, 63, 70), nhưng không đả động gì đến việc giáo dục cho các em. Người ta giả thiết rằng các em sẽ tập đọc (để có thể nguyện kinh và đọc sách thánh). Dù sao, các em cần được đào luyện để trở nên những con người thánh thiện, nhờ học hỏi tấm gương của bậc đàn anh (c. 7).

Cuộc cải tổ học vấn của hoàng đế Charlemagne (với sự cố vấn của đan sĩ Alcuinô) vào cuối thế kỷ VIII buộc phải thiết lập các trường học. Lệnh này được thực thi trước hết tại các đan viện. Nhiều cha mẹ gửi con cái đến đan viện để học chữ và học đạo (chứ không nhất thiết là đi tu). Thực ra, các trường học mở ra cho các giáo dân (con cái các giới thượng lưu) phát triển vào thế kỷ XII ; trước đó, các đan viện chỉ nhằm đào tạo các đan sĩ và oblati về thánh khoa (Kinh thánh và giáo phụ), chứ không nhấn mạnh đến các ngành nhân văn. Với sự ra đời của các trường đại học, người ta muốn nêu bật hơn nữa mục tiêu của việc đào tạo tại các đan viện : việc học Sách thánh (lectio divina) nhằm nuôi dưỡ

ng đời sống tâm linh chứ không phải để tranh luận. Đó là nền tảng cho sự phân biệt giữa “thần học đan viện” (theologia monastica) và “thần học kinh viện” (theologia scholastica).

D. Đào tạo giáo sĩ


Trong những thế kỷ đầu tiên, việc đào tạo giáo sĩ được trao cho các giám mục và các cha xứ. Đừng kể các “đan viện giáo sĩ” được thiết lập tại các tòa giám mục, việc đào tạo nơi các xứ đạo khá sơ sài, chỉ đủ để biết cách cử hành các bí tích ! Với cuộc cải tổ của hoàng đế Charlemagne, việc mở các trường học tại các tòa giám mục và các đan viện mới trở thành quy mô. Ngoài những môn học tôn giáo, dần dần các “môn đời” cũng được du nhập[9].

Bước sang thế kỷ XII, bên cạnh các trường tại tòa giám mục, các hội kinh sĩ, người ta thấy xuất hiện các trường đại học (universitas). Thật ra “universitas” trong tiếng Latinh ám chỉ các “tập đoàn” hoặc “tổ hợp” : những “đại học” đầu tiên được thành lập không do sắc lệnh của Giáo hoàng, hoàng đế, hoặc giám mục, nhưng thành hình từ các tổ hợp (ngày nay ta có thể gọi là “công đoàn”) của các giáo sư hay của các sinh viên để cỗ võ một nền học vấn cao đẳng. Khoảng năm 1200 đại học đầu tiên được thành lập tại Paris (thần, triết, luật, y), rồi đến Oxford, Cambridge, Napoli, Bologna, Padova. Các giáo hoàng và các hoàng đế cấp nhiều đặc ân cho các đại học và tôn trọng quyền tự trị của họ. Phần lớn các đại học do các giáo sĩ điều khiển, nhưng các sinh viên ghi danh các đại học không hẳn nhằm trở thành giáo sĩ.

Phần lớn các ứng viên giáo sĩ vẫn tiếp tục chế độ đào tạo cổ truyền. Mục tiêu nhằm đến là đào tạo các tác viên ban bí tích, có khả năng đọc Sách Thánh, và giải thích kinh Lạy Cha và kinh Tin Kính. Việc đào tạo tâm linh và mục vụ rất thiếu sót. Việc quyết định thiết lập chủng viện của công đồng Trento nhằm điều chỉnh tình trạng ấy.

E. Việc đào tạo giáo dân


Không phải tất cả những thanh thiếu niên theo học các trường được mở ở các đan viện, tòa giám mục đều trở thành đan sĩ và giáo sĩ. Nhiều người trở về thế gian và lập gia đình. Dù sao, đó là cơ hội để các giáo dân nhận được sự đào tạo về tôn giáo. Cơ hội này tăng thêm từ khi có các đại học. Tuy nhiên, đừng quên là vào thời ấy, hầu như chỉ các gia đình khá giả mới có hy vọng đến các trường. Ngoài ra, một số gia đình thượng lưu thuê thầy giáo về dạy ở tư gia thay vì gửi con đến trường. Nói chung, các thầy giáo không chỉ truyền thụ kiến thức mà cả nền đạo đức nữa. Trong bối cảnh châu Âu thời Trung cổ, kiến thức đạo đức bao gồm cả việc học biết Kinh thánh.

So sánh với thời các giáo phụ, ta thấy có sự khác biệt trong phương cách nuôi dưỡng đức tin. Trước đây, phụng vụ là nguồn mạch nuôi dưỡng đời sống đạo của các giáo dân ; sang thời Trung cổ, tiếng Latinh càng lúc càng xa ngôn ngữ thường nhật ; việc tham dự phụng vụ (nói chung và bí tích nói riêng) trở thành thưa thớt. Thay vào nguồn mạch phụng vụ, các tín hữu quay sang các “việc đạo đức bình dân”, tôn kính Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các thánh.

Dù sao, từ thế kỷ XIII, với sự xuất hiện của các “dòng hành khất”, có sự đổi hướng trong hoạt động mục vụ của Giáo hội. Đời sống phụng tự không chỉ xoay quanh các đan viện, các giáo xứ như trước, nhưng còn thêm các tu viện của các Dòng mới thành lập. Thêm vào đó, còn có hoạt động giảng thuyết lưu động của các dòng, góp phần vào việc giáo huấn đức tin, chống lại các lạc giáo. Ngoài ra, nhiều hiệp hội giáo dân cũng được thiết lập và được đặt dưới sự hướng dẫn của các dòng tu mới thành lập. Dĩ nhiên, các hoạt động này có ảnh hưởng đến tất cả mọi thành phần Dân Chúa, nhưng cũng đặc biệt thu hút nhiều bạn trẻ.

Kết luận


Kể cả vào thời Trung đại, hoạt động mục vụ của Giáo hội nhắm tới cộng đoàn nói chung (gia đình, giáo xứ), chứ chưa quan tâm đến các thành phần riêng rẽ. Nói chung, mục vụ này hướng đến “người lớn” hơn là thanh thiếu niên. Theo lối phân tích thời nay thì có lẽ đây là một sự thiếu sót. Tuy nhiên, dưới một viễn tượng khác, ta có thể khám phá một dấu hiệu tích cực, đó là mục vụ thời ấy tạo ra một bầu khí sống đạo ; các bạn trẻ sẽ hấp thụ bầu khí đó để lớn lên trong đời sống đức tin. Tiếc rằng, khi bước sang các giai đoạn kế tiếp, tại Âu châu, người ta muốn tách rời “đạo” ra khỏi “đời” : càng ngày người trẻ càng phải tìm cách để sống đạo theo xác tín cá nhân, chứ không thể dựa vào truyền thống. Khung cảnh lịch sử và xã hội này sẽ làm thay đổi việc mục vụ giới trẻ vào thời Cận đại và Hiện đại.

III. Cận đại


Một đặc trưng của mục vụ giới trẻ thời Cận đại (thế kỷ XVI-XIX) là hoạt động huấn giáo. Trong phần này, trước hết chúng ta điểm qua vài văn kiện Giáo hội về việc huấn giáo, cách riêng dành cho các thanh thiếu niên ; sau đó, chúng ta nhìn lại công cuộc huấn giáo qua các những tác phẩm trở thành cổ điển về “catechismus”, và tiếp theo là vai trò của các dòng tu nam nữ trong việc giáo dục thanh thiếu niên. Cuối cùng, chúng tôi muốn giới thiệu các Oratorio nhằm huấn luyện các bạn trẻ.

A. Các văn kiện Huấn quyền


Mối quan tâm hàng đầu của Huấn quyền đối với giới trẻ là việc đào tạo đức tin. Chúng ta có thể kể ra vài văn kiện điển hình: 1) Phần thứ nhất của sắc lệnh cải cách của công đồng Lateranô V (khóa XI, 19/12/1516) về việc giảng thuyết; 2) Khoản 7 của sắc lệnh cải cách của công đồng Trentô (khóa XXIV, 11/11/1563), nhắc nhở các cha xứ hãy lo liệu việc tổ chức các lớp huấn giáo ; 3) Dự án sách giáo lý của công đồng Vaticanô I, đã được phê chuẩn ngày 4/5/1870 (với 491 phiếu thuận, 56 phiếu chống, 44 phiếu thuận có điều kiện) nhưng không được ban hành vì công đồng bị gián đoạn đột ngột; 4) Những nhắc nhở của các giáo hoàng từ Piô V (+ 1572) đến Lêô XIII (+ 1903); 5) Các sắc lệnh của các công nghị giáo phận; 6) Các chỉ thị của các giám mục. Các can thiệp này khẳng định rằng việc dạy các chân lý đức tin cho các thiếu nhi là một phương thế hiệu nghiệm chống lại sự dốt nát về đạo, và giúp cho các em tập sống lương thiện. Vì thế các giám mục, cha quản xứ và các linh mục hãy ân cần dạy dỗ các tín hữu bằng việc diễn giảng Kinh thánh và các điều răn Đức Chúa Trời, ít là vào các Chúa nhật và lễ trọng ; trong mùa Vọng và mùa Chay phải giảng mỗi ngày hoặc ít là mỗi tuần ba lần, và những hoàn cảnh khác xét thấy hữu ích và cần thiết. Các giám mục phải lo sao để trong tất cả các giáo xứ, các thiếu nhi được dạy giáo lý vào các Chúa nhật, trong đó các em cần học về các điều phải tin, các thánh thi, hạnh tích các thánh, các điều răn Hội thánh. Sau cùng, khuyến khích các phụ huynh, các giáo lý viên cũng tham dự các lớp vừa nói.

Nói tóm lại, một điểm được Huấn quyền cận đại nhấn mạnh trong mục vụ là cổ võ việc giảng thuyết và huấn giáo, nhằm giúp cho các tín hữu không bị rơi vào sự dốt nát về đạo lý vào thời buổi nhiều lạc giáo đang nổi lên. Nhằm thúc đẩy việc thực thi những điều vừa nói, một đàng các vị giáo hoàng ban cấp ân xá cho những ai tham gia vào việc huấn giáo ; đàng khác, cũng đặt ra những vị kinh lý để kiểm soát. Chúng ta cũng nên đọc các văn kiện này trong bối cảnh của cuộc canh tân Giáo hội, đặc biệt với việc thiết lập các chủng viện (công đồng Trentô) để đào tạo những linh mục thành thạo về đạo lý.

B. Mục vụ huấn giáo


Những chỉ thị của Huấn quyền đã được đón nhận qua việc soạn thảo những tài liệu huấn giáo dành cho người lớn cũng như các thanh thiếu niên. Mặc dù các tài liệu huấn giáo (catechesis) đã xuất hiện từ thời các giáo phụ, nhưng các sách “catechismus” mới ra đời vào thời Cận đại[10]. Song song với việc biên soạn các sách là những sáng kiến mới được đề xướng để truyền thông đạo lý. Chúng ta có thể ghi nhận sự tiến triển qua những chặng chính như sau.

1/ Thế kỷ XVI

Trước sự thành công của việc giảng thuyết và các sách catechismus của Martin Luther và Jean Calvin, phía công giáo nhận thấy sự cần thiết phải đổi mới việc dạy giáo lý. Chúng ta có thể kể ra vài thí dụ :

a) Trường giáo lý ngày Chúa nhật. Người khởi xướng phong trào này tại nước Ý là linh mục Castellino da Castello (+1566). Từ năm 1536, cha đã thiết lập “hội giáo lý” (Compagnia della Dottrina Cristiana), gồm các linh mục và giáo dân dấn thân dạy giáo lý cho các thiếu nhi (nam nữ) vào các ngày Chúa nhật. Năm 1537, cha soạn một cuốn sách “hỏi và thưa” giải thích ý nghĩa của đức tin, các điều răn Đức Chúa Trời, các việc bác ái, kinh Lạy cha và Kính mừng, các mối phúc thật, các điều răn Hội thánh, các bí tích. Không bao lâu, các trường giáo lý này đã bành trướng trên khắp nước Ý. Các lớp học được tổ chức tại nhà thờ vào chiều Chúa nhật, chia làm ba cấp : sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Cha quản xứ chịu trách nhiệm về việc dạy giáo lý, với sự cộng tác của các giáo dân nam nữ. Phương pháp chính là học thuộc lòng, nhưng cũng xen vào những bài hát, những cuộc thảo luận, những buổi thi đua.

b) Ba quyển sách giáo lý kinh điển của thánh Petrus Canisius (+1597). Trong các quốc gia nói tiếng Đức, bộ giáo lý nổi tiếng hơn cả (lưu hành cho đến đầu thế kỷ XX) do cha Canisius, SJ biên soạn. Năm 1555, cha xuất bản tại Wien cuốn Summa doctrinae christianae…, trình bày giáo lý cho các sinh viên đại học ; năm 1556, cuốn Cathechismus Minimus được phát hành tại Kohn dành cho những thiếu nhi và người thất học ; năm 1559, cuốn Parvus Cathechismus Catholico-rum dành cho học sinh trung học. Nội dung (theo phương pháp hỏi thưa) dựa theo truyền thống : đức tin và kinh Tin kính ; đức cậy và các kinh nguyện (Lạy Cha và Kính Mừng) ; đức mến và mười điều răn : các bí tích ; ơn công chính, kèm theo những tội phải tránh và những việc lành phải làm (trong đó có việc cầu nguyện, giữ chay và kiêng thịt).

c) Catechismus romanus được Tòa thánh biên soạn theo lệnh của Công đồng Trento, viết bằng tiếng Latinh (phát hành năm 1566) và dịch ra các ngôn ngữ khác nhau để giúp làm sách quy chiếu cho các cha quản xứ trong việc dạy giáo lý. Nội dung chia làm bốn phần : Kinh Tin kính, các bí tích, mười điều răn, việc cầu nguyện (dựa theo kinh Lạy Cha).

Bên cạnh tài liệu căn bản để tham chiếu, nhiều tác giả đã soạn những quyển sách khác thích hợp với từng lớp tuổi hoặc văn hóa địa phương, chẳng hạn như :

– Cathéchisme et sommaire de la doctrine bên Pháp của cha Edmond Auger, SJ (+ 1591), xuất bản năm 1563 (và lần lượt được tái bản 22 lần), được dịch sang các tiếng Tây ban nha, Ý, Hà Lan.

– Bên Ý, hai quyển sách của thánh Roberto Bellarmino, SJ (+1621) : Dottrina cristiana breve perché si possa imparare a mente (1597) với 96 câu hỏi thưa, dành cho các thiếu nhi ; và Dichiarazione più copiosa della Dottrina Cristiana (1598), với 273 câu hỏi thưa, dành cho người lớn. Tác phẩm được dịch sang 58 ngôn ngữ với trên dưới 500 lần tái bản.

– Trong các nước thuộc ngôn ngữ Tây ban nha, hai cuốn sách được phổ biến hơn cả là Doctrina Christiana con una exposición breve năm 1591 của cha Jerónimo Martínez de Ripalda, SJ (+ 1618) và Doctrina Christiana y documentos de crianza năm 1599 của cha Gaspar Astete, SJ (+ 1601). Hai tác phẩm này cũng lưu hành bên Nam Mỹ và Philippin.

2/ Thế kỷ XVII

Có thể nói được là những sách giáo lý đầu tiên được biên soạn nhằm trám một lỗ hổng trong Giáo hội, trước sự phổ biến của các sách tương tự về phía Tin lành. Bước sang các thế kỷ kế tiếp, mục vụ huấn giáo còn phải canh tân dưới nhiều khía cạnh khác để đáp ứng với những hoàn cảnh mới.

– Xét về việc giảng thuyết, nhiều dòng tu mới được thành lập chuyên đi giảng các “tuần đại phúc” tại các giáo xứ, nhằm “hâm nóng” đời sống đạo của họ.

– Xét về phương pháp huấn giáo, nhiều hình thức mới ra đời. Bên cạnh phương pháp hỏi thưa dành cho thiếu nhi học thuộc lòng, còn thêm phương pháp thứ hai dành cho những người có trình độ học vấn, trình bày đạo lý sâu xa và hữu cơ hơn. Theo hình thức thứ hai, ngoài bốn đề tài căn bản (Kinh tin kính, Mười điều răn, bảy bí tích, cầu nguyện), còn thêm những đề tài về lịch sử cứu độ, các nhân đức, và các mầu nhiệm của Đức Kitô trải qua năm phụng vụ. Nói khác đi, trong các sách giáo lý dành cho người lớn, ta thấy có hai đường hướng : một bên là dựa vào mô hình cổ truyền trình bày các chân lý đức tin và các bổn phận luân lý cũng như các bí tích ; bên kia là lịch sử cứu độ. Mô hình được đưa ra lần đầu tiên do linh mục Claude Fleury (+ 1723) trong cuốn Catéchisme historique (1683).

3/ Thế kỷ XVIII và XIX

Những thế kỷ này được gọi là “kỷ nguyên khai sáng” tại châu Âu, dưới ảnh hưởng của thuyết duy lý, theo đó lý trí được xem là tiêu chuẩn của chân lý. Trong bối cảnh ấy, tôn giáo chỉ còn giữ vai trò khuyến thiện, giúp con người ăn ngay ở lành, chứ không mang lại chân lý nào hơn.

Một vài sách giáo lý cũng được soạn ra theo chiều hướng ấy : khởi đi từ tôn giáo tự nhiên, bước sang phần luân lý, rồi cuối cùng đi đến cuộc đời Chúa Giêsu (thí dụ của B. Statler và V. A. Winter). Tuy nhiên, quan trọng hơn nữa là những thay đổi về phương pháp dạy giáo lý : về địa điểm, không nhất thiết là tại giáo xứ nhưng có thể tại trường học ; về cách trình bày, không nhất thiết là cách hỏi thưa, nhưng theo cách biện luận ; về nội dung, hướng về lịch sử cứu độ hơn là đạo lý về đức tin và luân lý. Nói cách khác, việc dạy giáo lý không chỉ giới hạn trong khung cảnh giáo xứ mà còn được đưa vào chương trình giáo dục trung học, cũng tương đương như các môn học khác.

Đặc biệt là tại nước thuộc Đế quốc Áo-Hung, dưới thời nữ hoàng Maria Teresa (+1780), môn thần học mục vụ được đưa vào chương trình giảng dạy tại chủng viện. Theo sự tổ chức của cha Franz Stephan Rautenstrauch (+ 1785), môn mục vụ nhắm đào tạo các linh mục về ba chức vụ : giảng dạy, phân phát ơn thánh nhờ các bí tích, xây dựng cộng đồng. Trong bối cảnh này, môn huấn giáo cũng được nghiên cứu lại theo các tiêu chuẩn sư phạm. Bước sang thế kỷ XIX, có hai khuynh hướng nổi bật trong việc phác họa chương trình huấn giáo : a) một bên thiên về lịch sử và Kinh Thánh ; b) một bên thiên về đạo lý (theo phương pháp kinh viện). Đại biểu cho khuynh hướng thứ nhất là các tác giả Johan Michael Sailer (1731-1832) và Johann Baptist Hirsher (1788-1835) ; đại diện cho khuynh hướng thứ hai là Joseph Deharbe (+ 1871).

C. Vai trò của các dòng tu trong mục vụ giới trẻ


Vào thời Cận đại, các dòng tu đã góp phần vào mục vụ giới trẻ qua ba lãnh vực : a) huấn luyện nhân bản và tôn giáo cho các thanh thiếu niên qua các trường học và lớp giáo lý ; b) chăm sóc các tín hữu nhờ các công tác hỗ trợ tinh thần, bác ái và giảng thuyết ; c) các tuần lễ đại phúc.

Từ thế kỷ XVI, Giáo hội đã chứng kiến sự xuất hiện của nhiều dòng tu mới (thêm vào các dòng đan tu và hành khất cổ truyền) với sứ mạng chính là giáo dục (mở trường học) và huấn giáo (tại các trường riêng hay tại các nhà thờ, hoặc tại các giáo xứ). Các thanh thiếu niên được đào tạo về mặt nhân bản cũng như về mặt tinh thần (qua việc tham gia các việc đạo đức, tĩnh tâm).

Xét về việc đào tạo tâm linh, một đặc trưng của thời Cận đại là các hình thức đạo đức bình dân, kèm theo việc cử hành bí tích (cách riêng thờ lạy Thánh Thể, xưng tội thường xuyên). Dĩ nhiên, đây là những phương thế nên thánh dành cho tất cả mọi tín hữu chứ không riêng cho các bạn trẻ.

Xét về hình thức giảng thuyết, nhiều dòng tu thành lập vào thời cận đại đã hiến thân để mang Tin Mừng cho những miền xa xôi, chưa biết Chúa. Cũng nên biết là danh từ “mission” không chỉ áp dụng cho hoạt động truyền giáo hải ngoại (tựa như Hội Missions Etrangères de Paris), mà còn cho các cuộc giảng “đại phúc” để hun nóng đời sống đạo của các tín hữu (thường gọi là missions populaires), chẳng hạn như các linh mục của dòng thánh Vinhsơn Phaolô. Có nơi kéo dài “tuần đại phúc” đến hai hoặc ba tuần lễ.

Dù sao, một nét mới trong lịch sử các dòng tu ra đời vào thế kỷ XVII-XIX là các hội dòng giáo dân nam và nữ (phái nữ đông hơn phái nam) chuyên lo việc đào tạo nhân bản và tôn giáo cho các thanh thiếu niên, chăm sóc những trẻ mồ côi, người tàn tật, ốm yếu già cả. Riêng trong lãnh vực mục vụ giới trẻ, chúng ta nên để ý đến công tác giáo dục dành cho các trẻ em nghèo, cũng như cổ võ việc đào tạo văn hóa cho các thiếu nữ, một khía cạnh trước đây thường bị lãng quên.

D. Các “Oratorio”


Đây là một thể chế mục vụ giới trẻ đặc biệt của nước Italia. Theo nguyên ngữ Latinh, oratorio là nơi các tín hữu họp nhau để cầu nguyện (nói tắt là “nguyện đường”). Vào thế kỷ XVI, do ảnh hưởng của thánh Philipphê Neri, oratorio ám chỉ các nhóm người (giáo sĩ và giáo dân) tụ họp nhau để cầu nguyện ; đó cũng là cơ hội để học hỏi giáo lý. Sang thế kỷ XVII, nó ám chỉ những địa điểm tại các giáo xứ dành cho các thanh thiếu niên đến để học giáo lý cũng như để giải trí. Các trung tâm này có thể chỉ mở cửa vào Chúa nhật hoặc cả các ngày trong tuần nữa. Những sáng kiến đầu tiên được khởi đầu từ miền Bắc Ý (Verona, Brescia), và được phổ biến nhờ các tu sĩ của dòng thánh Gioan Bosco (1815-1888) : các oratorio là nơi giáo dục các em về giáo lý, cũng như về nhân bản, thể dục, tương quan xã hội, với những cơ sở căn bản như lớp học, nhà nguyện và sân chơi.

IV. Hiện đại


Như vừa nói, tuy hoạt động mục vụ đã ra đời cùng với lịch sử Giáo hội, nhưng “thần học mục vụ” xét như một môn học chuyên biệt, mới ra đời vào cuối thế kỷ XVIII. Ta cũng có thể nói một cách tương tự về “mục vụ giới trẻ”: trong quá khứ, hoạt động mục vụ của Giáo hội nhắm đến toàn thể Dân Chúa, đặc biệt là nhằm đến “người lớn” mong rằng những người này sẽ truyền đạt đức tin cho thế hệ trẻ. Mãi đến thời Cận đại, Giáo hội mới quan tâm đến giới trẻ, song song với sự tiến triển mà xã hội dành cho lứa tuổi này : trẻ không chỉ là “người chưa trưởng thành” nhưng là một phạm trù xã hội riêng biệt. Thế nhưng, cũng như các khoa xã hội học còn lúng túng trong việc xác định căn tính của tuổi trẻ, thì đối với Giáo hội, cũng không dễ gì đề ra một kế hoạch mục vụ nhất định cho lứa tuổi không ngừng thay đổi này[11]. Trong phần này, tác giả theo dõi cách riêng sự biến chuyển của mục vụ giới trẻ tại Italia trong thế kỷ XX, tạm phân làm bốn chặng không đồng đều : 1/ từ đầu đến 1960 ; 2/ thập niên 60 ; 3/ thập niên 70 ; 4/ từ thập niên 80.

A. Từ đầu thế kỷ XX đến năm 1960


Mặc dù trong nửa đầu thế kỷ XX, xã hội châu Âu đã bị xáo trộn nhiều do hai cuộc thế chiến, nhưng vai trò của người trẻ trong xã hội không thay đổi so với những thế hệ trước. Tuổi trẻ được xem như thời gian chờ đợi và chuyển tiếp để đảm nhận vai trò xã hội của cha ông. Vì thế mục vụ của Giáo hội cũng đi theo những nhịp độ cổ truyền, dành chung cho mọi lứa tuổi. Nói chung, các sinh hoạt dành cho bạn trẻ (tại các giáo xứ, trường học, hoặc các oratorio và các hội đoàn) tập trung vào những mục sau đây :

– lớp là cuộc gặp gỡ định kỳ, để nghe giảng dạy về giáo lý, hay về luân lý (cách ăn nết ở);

– thuyết trình là trình bày một đề tài với nội dung quan trọng, nhân dịp một buổi lễ hay cơ hội đặc biệt;

– chiến dịch là một loạt những sáng kiến nào đó, xoay quanh một đề tài, huy động những hoạt động xã hội;

– cắm trại là sinh hoạt đặc trưng của nhóm Hướng đạo, để giáo dục về tính tháo vác, hợp tác, tuy không bỏ qua khía cạnh đào tạo về giáo lý;

– trại hè : sinh hoạt kéo dài một hay hai tuần lễ trong mùa hè, với mục tiêu cũng giống như “oratorio” đã nói trên đây, nhưng liên tục trong một thời gian dài hơn.

B. Bầu khí sôi động thập niên 60


Thập niên 60 được đánh dấu bởi hai biến cố. Vào đầu thập niên là thời khai mạc công đồng Vaticanô II, với nhiều hy vọng sẽ “canh tân” Giáo hội (và từ đó cũng thay đổi xã hội). Vào cuối thập niên là những phong trào “nổi loạn” của thanh niên tại Âu Mỹ (tượng trưng bởi những cuộc biểu tình và đình công tại đại học Paris, và những cuộc biểu tình phản chiến tại các đại học Hoa kỳ vào mùa hè 1968.

Những luồng gió ấy cũng ảnh hưởng đến các sinh hoạt mục vụ của giới trẻ. Vào lúc phụng vụ được cử hành bằng tiếng mẹ đẻ (chứ không còn bằng tiếng Latinh) để các giáo dân có thể tham gia cách tích cực hơn, các bạn trẻ cũng muốn những buổi cử hành “sống động” hơn, không còn theo những công thức cổ truyền, nhưng là trong các nhóm nhỏ (thánh lễ dành cho bạn trẻ) với nhiều sáng kiến tự phát hơn. Từ các “nhóm” cử hành phụng vụ, các bạn trẻ cũng muốn sống đạo theo “nhóm” (những cộng đoàn cơ bản) chứ không dựa trên các cơ chế của giáo xứ nữa.

Các hội đoàn gặp khủng hoảng, bởi vì không đáp ứng với những đòi hỏi của giới trẻ muốn thay đổi xã hội. Các bạn trẻ thích tham gia những phong trào tranh đấu chính trị, với hy vọng để thực hiện công bằng trong xã hội và hòa bình trên thế giới.

Tiếc rằng các “phong trào” bùng nổ mau chóng thì cũng sớm xẹp bởi vì lòng nhiệt huyết không được nuôi dưỡng bằng những chương trình đào tạo dài hạn. Thực vậy, các lý tưởng cao đẹp cần được học hỏi tới nơi tới chốn để khỏi rơi vào những giải thích một chiều (là điều mà các bạn trẻ dễ bị các ý thức hệ lợi dụng) ; thêm vào đó, cần nghiên cứu những phương thế để chuyển từ lý thuyết ra thực hành. Trước đây, các hiệp hội tôn giáo (hoặc các đảng phái chính trị) đều có những trung tâm huấn luyện những người lãnh đạo. Bây giờ, do lòng hăng say của tuổi trẻ, các bạn muốn đốt giai đoạn. Thực tế cho thấy, bầu khí “cách mạng” không kéo dài quá một thập niên.

Trước tình hình thay đổi nhanh chóng như vậy, thật khó mà nghĩ ra một phương sách mục vụ cho giới trẻ !

C. Thập niên 70


Giới trẻ của thập niên 70 không còn muốn đối đầu với thế hệ đàn anh, để tranh luận về việc canh tân đổi mới xã hội ! Họ nghĩ ra những khuôn mẫu riêng cho mình, điển hình là các “phong trào”, với những may rủi của nó. Một điều tích cực của các phong trào là nhận thấy sự cần thiết của việc suy tư trước khi hành động. Người ta cố gắng vạch ra một đường hướng hoạt động[12]. Mặt trái của các phong trào này là dễ “tuyệt đối hóa” đường hướng của mình, khó chấp nhận những lối nhìn khác. Đó là chưa muốn nói đến các phong trào muốn sinh hoạt độc lập với khuôn khổ của Giáo hội (giáo xứ, giáo phận).

Trong khung cảnh này, các giám mục cũng bắt đầu suy nghĩ cho một hướng mục vụ giới trẻ, với những khuôn mẫu khác nhau, khởi đầu bằng việc thiết lập những ủy ban mục vụ giới trẻ ở cấp giáo phận, và dần dần mở rộng đến cấp toàn quốc. Người ta nhận thấy cần phải đề ra những dự án mục vụ, phối kết các sáng kiến khác nhau trong giáo phận, cũng như chương trình đào tạo các nhân viên chuyên ngành.

D. Các thập niên cuối của thế kỷ XX


Như kết quả của nhiều suy tư, hội thảo, nhiều Hội đồng giám mục đã xuất bản các kế hoạch mục vụ giới trẻ. Có lẽ một động lực không nhỏ là Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Ngay trong ngày nhậm chức kế vị thánh Phêrô, ngài đã tuyên bố mối quan tâm đến các bạn trẻ : “các bạn là tương lai của Giáo hội ! Các bạn là tương lai của tôi”. Sau nhiều lần gặp gỡ các bạn trẻ trong những chuyến viếng thăm mục vụ. Ngài đã quyết định thiết lập “ngày thế giới bạn trẻ hằng năm” vào Chúa nhật Lễ Lá (tuy được tổ chức một năm ở cấp giáo phận và một năm ở cấp quốc tế) với “Lá thư gửi các bạn trẻ” (tháng 3 năm 1985), và từ đó hằng năm, Ngài gửi một sứ điệp cho các bạn trẻ. Tại giáo triều Rôma, một “văn phòng phụ trách giới trẻ” được thiết lập trong Hội đồng đặc trách giáo dân.

Ở cấp quốc gia, nhiều Hội đồng giám mục đã công bố những đường hướng mục vụ dành cho giới trẻ, cũng như quyết định thành lập các ủy ban ở cấp quốc gia và giáo phận. Vài thí dụ :
  • Tại Italia : CEI, Come educare i giovani alla fede, 1999.
  • Tại Tây ban nha : Conferencia Episcopal Española, Orientaciones sobre Pastoral de juventud, Madrid 1991.
  • Tại Hoa kỳ : Renewing the Vision: A Framework for Catholic Youth Ministry, Washington 1997.
  • Mỹ châu Latinh: CELAM, Civilizacion Del Amor Projecto y Mision. Orientaciones para una Pastoral Juvenil Latinoamericana, 1995.
Trong mục vụ giới trẻ, cần ghi nhận những đường hướng khác nhau, những nhu cầu khác nhau. Vì thế cần phải tổ chức những ban ngành khác nhau, cách riêng qua các loại hiệp hội đoàn thể chuyên biệt: truyền giáo, huấn giáo, tâm linh, văn hóa, xã hội…, hoặc hướng đến những môi trường sinh sống và hoạt động khác nhau (học sinh, sinh viên, lao động), và không bỏ qua các hình thức thiện nguyện (voluntariato). Mặt khác, các bạn trẻ công giáo không chỉ tham gia vào các hoạt động do Giáo hội tổ chức, nhưng cũng hiện diện ở các hoạt động văn hóa, xã hội, chính trị, đôi khi vượt quá biên cương của quốc gia (chẳng hạn như các chiến dịch bảo vệ môi trường, cổ võ hòa bình).

Dù sao, mối quan tâm của các giám mục (nhất là các Giáo hoàng)[13] là việc giáo dục đức tin cho các bạn trẻ, cụ thể qua việc soạn các sách giáo lý riêng cho các bạn trẻ. Ở cấp quốc tế, ta thấy xuất bản các cuốn YOUCAT và DOCAT nhân ngày Đại Hội giới trẻ thế giới. Cũng như trong những lãnh vực khác, mục vụ giới trẻ không chỉ được hiểu là mục vụ dành cho giới trẻ, nhưng còn là mục vụ của giới trẻ, nghĩa là cổ võ các bạn trẻ tham gia vào sứ mạng mà Chúa Kitô ủy thác cho Giáo hội.

Kết luận


Thật khó tóm tắt lịch sử của hai mươi thế kỷ vào trong một bài viết hai chục trang. Tuy nhiên, sự khó khăn lớn hơn nữa nằm ở chỗ xác định đối tượng: mục vụ giới trẻ. Phải nhìn nhận rằng trong quá khứ, không có một loại mục vụ dành riêng cho giới trẻ, mà chỉ có một thứ mục vụ chung cho toàn thể Dân Chúa. Người ta cũng thường hiểu ngậm rằng tuổi trẻ chỉ là một thời gian chuẩn bị cho “tuổi trưởng thành”. Đến khi xã hội ý thức rằng “tuổi trẻ” là một phạm trù xã hội riêng biệt, thì lập tức nổi lên câu hỏi: tuổi trẻ là gì? Thế nhưng, nếu như tình trạng tuổi trẻ trong một quốc gia đã khó xác định rồi, thì phải nghĩ thế nào về đường hướng mục vụ dành cho tuổi trẻ trên thế giới, khi các hoàn cảnh thay đổi từ nước này sang nước kia?

Tuy nhiên, xem ra Giáo hội Công giáo cũng dám liều khi, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, đề xuất những đại hội bạn trẻ khắp thế giới (JMJ) và triệu tập một Thượng hội đồng giám mục thế giới để thảo luận về mục vụ cho giới trẻ vào mùa thu năm nay.

[1] H. I. Marrou, Storia dell’educazione nell’antichità, Roma 1984, 2a ed.
[2] Thực ra đã có những thầy giáo Kitô hữu đã mở trường học trước đó nữa, chẳng hạn như Origène ngay từ năm 202 đã mở trường tại Alexandria để dạy văn phạm và giáo lý (x. Eusebio, Historia Ecclesiastica VI, 15). Trước đó, khoảng năm 140, ông Giustinô đã mở trường ở Roma để dạy đạo
[3] V. Saxer, Les rites de l’initiation chrétienne du IIe au VIe siècle, Spoleto 1988. M. Dujarier, Breve storia del Caecumenato, Leumann [Torino] 1984.
[4] Các giáo phụ đã viết nhiều tác phẩm để huấn luyện các trinh nữ, hoặc sống riêng tại tư gia hay họp đoàn. Thí dụ thánh Ambrosiô : De virginibus ad Marcellinam sororem libri tres; De virginitate, De institutione virginis ; Exhortatio virginitatis ; thánh Augustinô : De sancta virginitate.
[5] O. Pasquato, L’istituzione formativa del presbitero nel suo sviluppo storico (sec. I-XVI), in Salesianum 58 [1996] 269-299. L. Sala Balust - F. Martín Hernandes, La formacidn sacerdotal en la Iglesia, Barcelona 1966.
[6] Trong tiếng Latinh, các giáo sĩ là “clerici”, (gốc Hy lạp kleros có nghĩa là gia nghiệp), được thánh Giêrônimô giải thích là “những người đã chọn Chúa làm gia nghiệp” (Epistula ad Nepotianum : ML 22,531).
[7] X. J. Leclercq, Pédagogie et formation spirituelle du VIe au XIe siècle, in : Aa. Vv., La scuola nell’occidente latino dell’alto M.E., Spoleto 1972, p. 257.
[8] B. McKee Craig, Les enfants et la pénitence avant Latran IV (1215) De ludibus puerilibus, in 172 [1987], p. 90.
[9] Các môn học nhân văn căn bản (đã thành hình từ văn minh Hy-lạp và La-mã) được đặt tên là “artes liberales”: toán, thiên văn, hình học, âm nhạc, văn phạm, tu từ, luận lý. Môn lịch sử cũng không thể thiếu.
[10] Chú thích của người dịch. Mở màn cho sách “Catechismus” vào thời cận đại là cuốn Katechismus của Martin Luther xuất bản năm 1529. Xc. Phan Tấn Thành, Catechesis – Catechismus – Catechetica, trong : “Thời sự thần học” số 59 (tháng 2/2013) trang 11-45.
[11] Văn hóa thời buổi hôm nay được định nghĩa là “văn hóa lỏng”: mọi sự thay đổi nhanh chóng, giống như đồ lỏng (không đông đặc được). Về thuật ngữ “văn hóa lỏng” xem : Zygmunt Bauman (1925-2017), Liquid Modernity, 2000.
[12] Dĩ nhiên là chúng ta chỉ bàn đến các phong trào mang tính tôn giáo, chứ không nói đến các phong trào chính trị ! Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy, bởi vì cuộc sống bao gồm nhiều lĩnh vực. Việc tìm hiểu thái độ của các bạn trẻ đối với các vấn đề tôn giáo không thể nào tách rời khỏi thái độ của họ đối với các vấn đề chính trị, xã hội. Rất có thể họ chỉ nghĩ đến những chuyện tư riêng, chứ không màng chi đến các chuyện bên ngoài xã hội ; rất có thể họ chỉ thích làm chính trị chứ không bị thu hút bởi những chuyện tôn giáo. Rất có thể họ thích dấn thân phục vụ người nghèo, chứ họ không quan tâm đến các định chế chính trị hoặc tôn giáo !
[13] Về mối quan tâm của Đức Thánh Cha Beneđicto XVI đối với giới trẻ, xem Pontificio Consiglio per i Laici, Evangelizzare i giovani oggi. Il contributo di Benedetto XVI, Vaticano 2012. Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành các số 105-108 trong tông huấn Evagelii Gaudium cho vấn đề mục vụ giới trẻ.