Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 74, THÁNG 11/2016

CHỦ ĐỀ: THẾ GIỚI DI ĐỘNG

LỜI GIỚI THIỆU


“Thế giới di động” là tên quen thuộc của các siêu thị chuyên bán lẻ các sản phẩm kỹ thuật số di động. Chắc chắn hiện tượng này có những tác dụng không nhỏ đối với thần học về truyền thông[1]. Chúng tôi muốn sử dụng “thương hiệu” này để trình bày một hiện tượng nóng bỏng của thời đại, đó là hiện tượng di dân (mobilité humaine / people on the move).

Thực ra, di dân không phải là chuyện mới lạ trong lịch sử nhân loại: chỉ cần nhớ lại lịch sử Kinh thánh (ông Abraham vào thời các tổ phụ; dân tộc Israel thời ông Mosê) hoặc lịch sử Việt Nam (từ châu thổ Sông Hồng tràn xuống tới mũi Cà Mau); tuy nhiên, vào thời nay, nó mang chiều kích “toàn cầu”, chi phối cả trăm triệu con người và bao trùm toàn thể năm châu.

Người ta thường phân hiện tượng di dân làm hai loại chính: 1/ Di cư (migration) và 2/ Du lịch (tourisme). Đại khái, loại thứ nhất ám chỉ việc rời bỏ quê hương xứ sở để đến định cử ở một xứ khác, vì lý do kinh tế hoặc chính trị; loại thứ hai ám chỉ việc di chuyển đến một xứ khác trong một thời gian vì mục tiêu giải trí. Mỗi loại lại còn được tái phân thành nhiều hình thức, với nhiều động lực khác nhau.

1. Di dân. Nhìn dưới nhãn quan kinh tế học, đây là sự di chuyển từ Nam lên Bắc. Nam và Bắc được hiểu về toàn thể địa cầu (chứ không hiểu về một quốc gia), tượng trưng cho những nước nghèo và những nước giàu. Như vậy, động lực chính là kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta đừng chỉ nghĩ đến những người thất học mù chữ, nhưng cũng hãy nghĩ đến các “chất xám” đi tìm “đất dụng võ”. Như vậy, điểm đến là những quốc gia có nền kinh tế thịnh vượng.

Ngoài động lực kinh tế, còn phải kể thêm động lực chính trị. Trước đây, ở Việt Nam, từ “di cư” được dùng để gọi những nhóm người từ Bắc xuống Nam năm 1954. Lúc khác, hiện tượng đó cũng được gọi là “tị nạn” (hiểu ngậm: là tị nạn chính trị). Gần đây, “tị nạn” còn được áp dụng cho những người bỏ quê hương vì chiến tranh hoặc vì thiên tai (hạn hán, lũ lụt). Điểm đến không hẳn là những quốc gia giàu có, nhưng là những quốc gia láng giềng an toàn hơn. Phần lớn những người tị nạn (chính trị hoặc thiên tai) nuôi mộng trở về quê hương khi hoàn cảnh cho phép.

2. Du lịch. Kinh tế là một trong những nguyên nhân chính của các phong trào di dân: từ nước nghèo đến nước giàu. Ngược lại, người du lịch thì có dư tiền: điểm đến có thể là một nước giàu (vì có những danh lam thắng cảnh) hoặc một nước tuy nghèo nhưng được trang bị đầy đủ các tiện nghi. Tại sao người giàu đi về các nước nghèo? Có thể vì những di tích lịch sử, có thể vì thắng cảnh thiên nhiên, hoặc chỉ vì giá rẻ. 

Hiện tượng di dân lôi kéo theo rất nhiều vấn đề chính trị, pháp luật (chẳng hạn những người nhập cư hợp pháp và lén lút), kinh tế (chẳng hạn: những người di dân góp phần vào việc phát triển quốc gia nhập cư, nhưng đồng thời cũng gửi tiền về quê mẹ, tạo thành nguồn thu nhập quan trọng cho ngân sách quốc gia), văn hóa (sự tiếp xúc giữa các nền văn hóa), xã hội (y tế, giáo dục, gia đình, vv). Hiện tượng này đã trở thành đề tài nghiên cứu của Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức quốc tế, và dĩ nhiên của Giáo hội Công giáo.

Tại Giáo triều Rôma, Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Di dân và Lữ hành (Pontificio Consiglio della Pastorale per i Migranti e gli Itineranti) đã được thiết lập do Tông hiến Pastores dabo vobis (29/6/1988) để phụ trách “những người di dân, lưu vong, di cư và tị nạn, các ngư dân và thủy thủ, các nhân viên hàng không, dân du mục, đoàn xiếc, những người du hành vì lý do đạo đức, học hành, giải trí, các nhân viên làm việc trong ngành giao thông vận tải” (số 150-151). Để chu toàn nhiệm vụ của mình, cơ quan đã được phân thành 9 ngành: 1/ Di dân. 2/ Tị nạn. 3/ Sinh viên quốc tế. 4/ Du lịch và hành hương. 5/ Hàng hải. 6/ Hàng không dân sự. 7/ Du mục. 8/ Gánh xiếc. 9/ Đường trường. Sự phân chia này cho thấy tính cách phức tạp của vấn đề Mục vụ di dân[2].

Số báo này muốn góp phần nhỏ vào việc hiểu biết hiện tượng quan trọng của thời đại chúng ta, đáp ứng lời mời gọi của Bộ Giáo dục Công giáo cách đây 30 năm[3], và cũng nằm trong khuôn khổ mục vụ của Hội Đồng Giám mục Việt Nam năm 2016[4]. Các bài viết được phân phối quanh hai nhóm chính: di dân và du lịch. Nên biết là hằng năm Đức Thánh Cha gửi một sứ điệp nhân Ngày Quốc Tế Di Dân (Chúa nhật sau lễ Chúa Giêsu lãnh phép rửa) và một sứ điệp nhân Ngày Quốc tế Du lịch (27 tháng 9)[5]

A. Di dân


1. Mở đầu là bài viết của cha Giuse Đinh Đức Huỳnh, SSS, đặc trách mục vụ di dân của Dòng Thánh Thể trình bày Hiện tượng di dân trên thế giới (bao gồm cả Việt Nam) dưới khía cạnh xã hội học: khái niệm, phân loại, những lý do và hậu quả, tác dụng hiện nay trên thế giới.

2. Bài thứ hai cũng của cha Đinh Đức Huỳnh trình bày Thần học về di dân dựa theo Huấn thị Erga Migrantes Caritas Christi (2004), xoay quanh ba đề mục: Xuất hành, Hiếu khách, Công giáo tính.

3. Tiếp theo là bài viết về Di dân theo Giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Linh mục Michael Blume, S.V.D. xét đến một vài quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến việc di dân, tựa như: quyền di cư và tị nạn; gia đình của người di cư; việc nhập cư và lao động. Những điểm này được nghiên cứu dựa theo ba nguyên tắc: phẩm giá con người, tình liên đới, mọi tài sản trái đất nhằm phục vụ toàn thể nhân loại.

B. Du lịch


Nhóm này gồm ba bài, lần lượt đề cập đến: mục vụ du lịch; hành hương; sự khác biệt giữa hành hương và du lịch tôn giáo. 

4. Mục vụ du lịch. Vào thời đại hôm nay, nhờ những phương tiện di chuyển dễ dàng, du lịch trở thành một “kỹ nghệ”, đôi khi mang lại một nguồn thu nhập cao cho ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, không nên chỉ nhìn du lịch dưới khía cạnh kinh tế, nhưng trước tiên đó là một hiện tượng văn hóa, và cũng là một lãnh vực quan tâm mục vụ. Năm 1969, Bộ Giáo sĩ đã ban hành một Kim chỉ nam về mục vụ du lịch. Sau khi thâu thập những kinh nghiệm, 30 năm sau, Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Di dân và Lữ hành soạn văn kiện Những định hướng cho mục vụ du lịch (ngày 11/7/2001), xoay quanh bốn đề tài chính: thời giờ tự do, nhân vị, xã hội, loan báo Tin Mừng.

5. Hành hương. So với nhiều tôn giáo lớn trên thế giới (Ấn giáo, Phật giáo, Hồi giáo), có lẽ hành hương ở Kitô giáo không giữ một vị trí quan trọng trong việc sống đạo. Tuy vậy, việc hành hương không phải là chuyện xa lạ và đã được thực hiện ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Giáo hội, hướng về Thánh địa. Tục lệ này được tiếp tục qua dòng thời gian, tuy điểm đến không chỉ giới hạn vào các di tích của Chúa Giêsu mà còn mở rộng đến các thánh điện rải rác trên khắp thế giới. Nhân dịp chuẩn bị Năm thánh 2000, Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Di dân và Lữ hành đã phát hành ba văn kiện : Hành hương trong Năm Toàn xá 2000 (1998); Hành hương về những nơi gắn liền với lịch sử cứu độ (1999); Thánh điện, ký ức, hiện diện và ngôn sứ của Thiên Chúa hằng sống (1990). Trong số này, chúng tôi xin dịch văn kiện thứ nhất, trình bày ý nghĩa của việc hành hương trải qua lịch sử cứu độ.

6. Đề tài “Du lịch tôn giáo và Hành hương: thử tìm một định nghĩa” của giáo sư Maciej Ostrowski có thể xem như tổng hợp của hai đề tài nói trên. Thuật ngữ “du lịch tôn giáo” mới ra đời trong hậu bán thế kỷ XX: có thể xem như đồng nghĩa với “hành hương” cổ điển hay không? Có gì trùng hợp hay khác biệt giữa đôi bên? Theo tác giả, trên phương diện lý thuyết, người ta cố gắng tìm những tiêu chuẩn để phân biệt nhưng không thuyết phục lắm; trên thực hành, các mục tử hãy cố gắng biến “du lịch tôn giáo” như một cơ hội để loan báo Tin Mừng, và như thế có thể trở thành một cuộc hành hương.

7. Sau cùng, trong khung cảnh cuộc hội thảo về “Tôn giáo tại Việt Nam theo nhãn quan xã hội học” do Trung Tâm Học Vấn Đa Minh tổ chức ngày 22/10/2016, linh mục Phan Tấn Thành trình bày đề tài “Xã hội học các dòng tu”, như một thí dụ của việc áp dụng phương pháp của khoa học nhân văn vào việc nghiên cứu tôn giáo. 

Trung tâm Học vấn Đa Minh
[1] Xem bài viết của Antonio Spadaro, Thần học về truyền thông trên mạng, trong “Thời sự thần học” số 70 (tháng 11/2015), trang 198-214.
[2] Với cuộc cải tổ giáo triều của ĐTC Phanxicô (tự sắc Humanam progressionem, ngày 17/8/2016), Hội đồng sẽ được sát nhập vào một Bộ rộng lớn hơn, nhưng điều này không quan trọng đối với vấn đề đang bàn.
[3] X. Thư của Bộ Giáo dục Công giáo gửi các Giám mục và Giám đốc chủng viện ngày 25/1/1986: Congregation of Catholic Education, Pastoral Care of People on the Move in the Formation of Future Priests: http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/ccatheduc/documents/rc_con_ccatheduc_doc_19860125_mobilita-umana_it.html
[4] Năm 2016 được Hội đồng Giám mục Việt Nam dành cho việc “Tân Phúc âm hóa đời sống xã hội”, đặc biệt chú ý đến: chăm sóc môi trường sống, đồng hành với anh chị em di dân, an toàn giao thông. X. Thư chung gửi Cộng đoàn Dân Chúa, ngày 17/9/2015, số 5-7.
[5] “Ngày Quốc tế của người di dân và tị nạn” (Giornata Mondiale del Migrante e del Rifugiato) bắt đầu được cử hành từ năm 1915, theo lời yêu cầu của Bộ Giám mục, nhằm gây ý thức về vấn đề di dân, đồng thời để quyên tiền giúp các nhân viên mục vụ hoạt động trong ngành này; luc đầu, ngày này chỉ được cử hành bên Ý, mãi đến năm 2005 mới mở rộng ra toàn thế giới. Nguồn gốc của nó khác với Ngày “Thế giới người di cư” (Giornata Mondiale del Refugiato) do LHQ tổ chức hằng năm vào ngày 20 tháng 6 kể từ năm 2001, để kỷ niệm 50 năm Thỏa ước về người tị nạn, ký tại Genève ngày 20/6/1951. - Ngày Quốc tế du lịch (World Tourism Day) do Tổ chức quốc tế du lịch (UNWTO) đề nghị vào ngày 27 tháng 9 mỗi năm để kỷ niệm ngày phê chuẩn quy chế du lịch quốc tế (27/9/1970). Tòa thánh hưởng ứng sáng kiến này. Nên biết là Việt Nam cũng là thành viên của tổ chức này từ năm 1981.

NỘI DUNG_________

  1. HIỆN TƯỢNG DI DÂN _Giuse Đinh Đức Huỳnh
  2. THẦN HỌC VỀ DI DÂN _Giuse Đinh Đức Huỳnh
  3. DI DÂN VÀ GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI _Michael A. Blume
  4. NHỮNG HƯỚNG DẪN MỤC VỤ DU LỊCH _Hội đồng Giáo hoàng về mục vụ cho di dân và lữ hành
  5. HÀNH HƯƠNG TRONG  NĂM TOÀN XÁ _Hội đồng Giáo hoàng  về mục vụ cho di dân và lữ hành
  6. HÀNH HƯƠNG VÀ DU LỊCH TÔN GIÁO: Thử tìm cách định nghĩa _Maciej Ostrowski
  7. XÃ HỘI HỌC CÁC DÒNG TU _Phan Tấn Thành