Thời sự Thần học - số 74, tháng 11/2016, tr.13-40
_Lm. Giuse Đinh Đức Huỳnh, S.S.S._
I. Khái niệm di dân
II. Phân loại di dân
III. Di dân quốc tế trên thế giới
IV. Di dân quốc nội ở Việt Nam
V. Lý do di dân
VI. Những tác động/ hậu quả của việc di dân
VII. Kinh nghiệm của di dân
Dẫn Nhập. Hai lá thư
Lá Thư Elisa gởi cho Ba Mẹ từ phương xa…
Ba mẹ ơi, sống ở đây con giống như một tù nhân. Con chẳng được nghỉ ngơi. Mãi tới 2 giờ sáng con mới có thể đi ngủ và thức dậy sớm lúc 4 giờ. Con đã sống như thế hơn một tháng nay rồi. Con bị bắt buộc chỉ được mặc đồ lót khi làm việc, và con bị bà quản lý nhân sự đánh đập hoài. Con chẳng biết chạy đến ai để xin giúp đỡ. Bà chủ của con rất khắc nghiệt, tàn nhẫn.”
Đôi lúc con nghĩ đến tự tử…nhưng điều gì sẽ xảy đến với Ba Mẹ, những người mà con yêu quý (?) Thân thể con rất đau đớn vì thường xuyên bị bà đánh đập. Khi bà chủ nhận ra rằng con đã có thai, bà ấy kết án rằng con là gái mại dâm và rêu rao cho mọi người biết. Nhưng con đã phải đau khổ vì những điều ấy. Cho đến bây giờ con đã không nhận được một xu tiền lương nào cả…Bây giờ con đang bị bệnh thương hàn vì con chỉ còn rất ít tóc và cơ thể con đầy những vết bầm tím. Bà chủ buộc con phải ký đơn gia hạn thêm hợp đồng làm việc như một cách đền trả cho mọi thứ, nếu không con sẽ bị giam giữ suốt đời. Mẹ ơi xin viết thư cho con để con bớt cô đơn, và đừng quên rằng tên con là Elisa Salem và cuộc sống con đang bị đe doạ ở đây nhé… Con hy vọng mẹ sẽ cầu nguyện cho con để không có điều gì bất trắc xảy ra với con nữa. Con muốn trở về nhà để sống cho đứa con nhỏ, cho mẹ và cho mọi người.
…Lá thư gửi cho Chính phủ nước Indonesia và nước Malaysia
Thưa ngài Thủ tướng Abdullah Badawi và Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyuno:Những thực trạng được đề cập trong hai lá thư trên cũng là thực trạng của biết bao người di dân đang sống chung quanh chúng ta trong bối cảnh xã hội hôm nay, trong đó có cả con cháu chúng ta nữa! …Hy vọng chúng ta dám mở mắt nhìn và tìm hiểu để “nhận biết” dấu chỉ/nhu cầu của thời đại, dám mở con tim để “chạnh lòng thương cảm” anh chị em đồng loại đang vất vưởng lang thang, dám mở đôi tay để đón tiếp và “cứu giúp” họ…những con người đang cầu cứu chúng ta.
Chúng tôi viết thư này để khẩn khoản xin quý ngài bảo vệ những quyền quan trọng của con người khi những vị đại biểu các nước đến họp nhau vào ngày 17 tháng 4 năm 2006 để đàm phán về một “Bản ghi nhận” liên quan đến những công nhân người Indonesia đang làm việc ở Malaysia. Chúng tôi thay mặt cho hơn 260 tổ chức công nhân di dân ở Châu Á, gồm cả những tổ chức ở Indonesia và Malaysia, và những nhóm bênh vực di dân như là nhóm Giám sát Nhân quyền (Human Right Watch).
Những biểu lộ sơ bộ về sự nhất trí chung cho thấy rằng chúng ta đang bỏ lỡ những cơ hội bảo vệ quyền lợi của những người di dân cần đến nó nhất. Những công nhân lao động người Indonesia thường phải đối diện với những sự lạm dụng trong mọi giai đoạn của chu kỳ di dân, nhưng hiệp định dự thảo vẫn duy trì tình trạng hiện tại của công nhân di dân, và có rất ít sự bảo đảm cho quyền lợi của họ.
Ước tính có khoảng 300,000 công nhân người Indonesia đang làm thuê ở Malaysia. Những công nhân di dân này làm lợi rất lớn cho cả 2 nước – ngang qua cung cấp những dịch vụ dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc trẻ em cho những gia đình Malaysia, và dịch vụ cung cấp việc làm cũng như thu nhập cho những công nhân người Indonesia. Mặc dù đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ cho các gia đình của cả hai nước Malaysia và Indonesia, những người phụ nữ di dân này phải đối diện với những sự lạm dụng khủng khiếp trong việc tuyển mộ, huấn luyện, đi lại và làm việc.
Những công nhân di dân người Indonesia không được hưởng những dịch vụ quan trọng trong Chính sách Làm việc của Malaysia năm 1955, họ không được bảo vệ như tất cả những công nhân di dân khác được hưởng. Những quyền lợi này bao gồm một ngày nghỉ trong tuần, một số giờ lao động nhất định trong tuần, và phép năm. Hơn nữa, nhiều công nhân di dân Indonesia kinh nghiệm những sự lạm dụng trắng trợn, chẳng hạn như không được trả lương, bị giới hạn di chuyển, bị lạm dụng thể lý, và bị những cơ quan tuyển dụng và thực hiện lao động lạm dụng.
Những vấn đề này đã được ghi nhận trong những bản nghiên cứu và bản báo cáo mà những tổ chức quốc gia và quốc tế đã chuẩn bị. Những tổ chức này bao gồm Ủy ban Quốc gia Nghiên cứu về Những Hành Bạo Phụ Nữ ở Indonesia, tổ chức Chăm Sóc Di Dân, Diễn đàn Di dân Châu Á, Nhóm Quan sát Nhân quyền, Liên bang Công đoàn Thương mại Tự do Quốc tế. Những tổ chức Phi chính phủ của cả hai nước và Đại sứ quán Indonesia ở Malaysia đã nhận được hàng ngàn những lời phàn nàn từ những công nhân di dân hoặc từ người đại diện công nhân di dân trong nước trong những năm qua. Biết được tình trạng của họ bị tổn thương, bị hạn chế đi lại và thiếu những sự bảo vệ lao động, chúng tôi nghĩ rằng những lời phàn nàn đó mới chỉ phản ánh được phần nào đó số phận của những ai đã kinh nghiệm sự lạm dụng tương tự như thế.
Sự đàm phán của Liên hiệp Tổ chức di Dân (MOU) vẫn là một tiến trình đóng, không cho những nhóm xã hội và những tổ chức quốc tế góp ý về vấn đề di dân lao động có cơ hội phê bình về bản thảo. Chúng tôi tha thiết xin quý vị khởi xướng một tiến trình minh bạch để bàn thảo và tranh luận công khai rộng rãi hơn trước khi đi đến thoả thuận…
Bất cứ thoả thuận/hợp đồng lao động nào giữa Indonesia và Malaysia cũng nên bao gồm ít là những điểm sau…
Cám ơn quý vị đã quan tâm. Chúng tôi mong chờ sự hồi âm của quý vị.
Trân Trọng.
I. Khái niệm di dân (human migration)
Việc di dân là việc di chuyển của con người từ nơi này đến nơi khác trên thế giới để ở đó lâu dài hay tạm thời vì một mục đích nào đó. Họ có thể tự do chọn lựa di chuyển (di trú tự nguyện/ voluntary migration) hay bị ép buộc di chuyển (di trú bị ép buộc/ involuntary migration).
Những cuộc di dân đã diễn ra xuyên suốt lịch sử nhân loại, khởi đầu là những cuộc di chuyển của những nhóm người đầu tiên có nguồn gốc từ Đông Phi (East Afica) đến ở những nơi khác nhau trên thế giới.
Việc di dân xảy ra ở những mật độ đa dạng khác nhau: giữa các châu lục với nhau (intercontinental), giữa các quốc gia trong cùng một châu lục (intracontinental), giữa các quốc gia (interregional), hoặc từ vùng nông thôn lên thành thị (rural to urban migration/ countryside to cities).
II. Phân loại di dân
Gồm 2 loại: Di dân quốc nội và di dân quốc tế.
1. Di dân quốc nội (Internal or Domestic migration): Di chuyển của người dân trong phạm vi một quốc gia, thường là từ vùng nông thôn đến thành thị.
2. Di dân quốc tế (International or Transnational Migration): Di chuyển của người dân giữa những quốc gia khác nhau, hội đủ 3 yếu tố: vượt qua biên giới của một quốc gia, thay đổi nơi ở, đi khỏi nơi thường trú trong một thời gian (dài hay ngắn) nhất định. Những loại di dân quốc tế:
- Những di dân hay dân nhập cư đến sống lâu dài trong một đất nước (permanent migrants or immigrants).
- Những di dân lao động nước ngoài (guest workers; overseas contract workers).
- Những di dân chuyên nghiệp (highly skilled/professional migrants = Teachers, Engineers, Nurses…) đến làm việc ở một nước khác.
- Những di dân nhập cư bất hợp pháp (Irregular migrants; unauthorized migrants, undocumented migrants, “illegal” migrants).
- Những người tìm nơi ẩn nấp (Asylum seekers) hay người tị nạn (refugees).
III. Di dân quốc tế trên thế giới
A. Di dân quốc tế: Một trong những hiện tượng rộng lớn nhất trong thời đại chúng ta
Theo dữ kiện của Liên hiệp quốc hiện nay, thì số di dân quốc tế trên toàn thế giới - những người đang sống trong một đất nước khác với nơi họ đã được sinh ra – đã đạt tới con số 244 triệu người trong năm 2015, tăng 41 phần trăm so với năm 2000. Con số này gồm cả 20 triệu người tị nạn.
Trong năm 2015, 2/3 số di dân quốc tế sống ở Châu Âu hoặc Châu Á. Gần một nửa số di dân quốc tế được sinh ra ở Châu Á. Trong số những vùng chính của thế giới, vùng Bắc Mỹ xếp thứ ba trong những vùng có số di dân quốc tế đông nhất, theo sau là Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Caribê, và Châu Đại Dương.
Giữa năm 2000 và 2015, Châu Á có thêm số di dân quốc tế đông hơn những vùng khác, tổng số di dân quốc tế tăng ở đó là 26 triệu.
Tuy nhiên, trong nhiều vùng trên thế giới, việc di dân diễn ra trước hết giữa những quốc gia trong cùng vùng địa lý
Trong năm 2015, hầu hết di dân quốc tế đang sống ở Châu Phi, hoặc 87% trong tổng số đó, đến từ một quốc gia khác trong cùng vùng. Giá trị tương đương là 82 % đối với Châu Á, 66% đối với Châu Mỹ Latinh và vùng Caribbean, và 53% đối với Châu Âu. Ngược lại, một số lớn di dân quốc tế đáng kể đang sống ở Bắc Mỹ (98%) và ở Châu Đại Dương (87%) đã được sinh ra ở một vùng quan trọng nào đó hơn là sinh ra ở chính nơi họ đang ở.
Trong năm 2015, 2 phần 3 số di dân quốc tế sống ở 20 quốc gia, trong đó nước Mỹ chiếm 19%, kế đến là Đức, Liên Bang Nga, Ả-rập Sau-di, Liên Hiệp Anh, và những nước Tiểu Vương quốc Ả-rập.[1]
B. Dữ kiện di dân quốc tế trên thế giới năm 2016
Theo thống kê của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, tính đến ngày 24/10/2016, gần 154.000 người di cư đã vượt Địa Trung Hải để tới châu Âu, trong đó có hơn 4.200 người đã thiệt mạng.
… Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy ngày 5/11 thông báo, đã giải cứu được tổng cộng 2.200 người di cư tại khu vực Địa Trung Hải chỉ trong vòng 24 giờ.[2]
C. Những hình thức di dân lao động quốc tế ở Châu Á
- Di dân trong miền (Intraregional migration).
- Di dân lao động theo giới tính (nam – nữ): do nhu cầu và tính chất công việc (Ví dụ: 60% công nhân Philippines hợp lệ là nữ giới; 94 % những công nhân di dân Châu Á ra nước ngoài là nữ giới.)
- Di dân bất hợp pháp (unauthorized migration).
- Di dân kinh doanh (Industry migration) có liên hệ nhiều đến di dân lao động (Labor migration).
D. Những hình thức di dân khác (other forms of migration):
- Di dân kết hôn
- Di dân sinh viên.
E. Dữ kiện mới về di dân Việt Nam (di dân quốc tế) đến các nước khác
Theo số liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế (IMO) lấy từ nguồn dữ liệu của Vụ Liên hiệp Quốc về Vấn đề Kinh tế và Xã hội (UN DESA), từ năm 1990 đến năm 2015 có 2.558.678 người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Như vậy tính trung bình trong 26 năm, mỗi năm có khoảng gần 100 nghìn người Việt di cư ra nước ngoài.
Hầu hết người Việt Nam di cư đến các nước phát triển, trong đó tập trung đông nhất là ở Mỹ (hơn 1,3 triệu người), Pháp (125,7 nghìn người), Đức (gần 113 nghìn người), Canada (182,8 nghìn người), Úc (227,3 nghìn người), Hàn Quốc (114 nghìn người),...
Tại các nước Đông Âu, và một số nước châu Á như Lào, Campuchia, Malaysia mỗi nước có khoảng trên 10.000 người Việt di cư đến đây. Cũng theo tổ chức này, trong năm 2015, 2,67% công dân Việt Nam sinh sống tại nước ngoài.
Trong ấn bản "Migration and remittances factbook 2016" về di cư và kiều hối của các quốc gia trên thế giới, Ngân hàng Thế giới cho biết, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia di cư ra nước ngoài nhiều nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tính đến năm 2013.
Trong năm 2015, Bộ Tư pháp cho biết đã trình Chủ tịch nước giải quyết 4.974 hồ sơ xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam (giảm 1.524 hồ sơ so với năm 2014), trả lời 2.673 trường hợp tra cứu quốc tịch theo đề nghị của các cơ quan.
Tính chung trong 5 năm qua, Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Chủ tịch nước cho phép hơn 40.000 trường hợp xin nhập, trở lại và thôi quốc tịch Việt Nam; trả lời tra cứu, xác minh hơn 15.000 trường hợp từ các cơ quan và các Sở Tư pháp gửi về.
Theo một báo cáo của Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Việt Nam, chưa có thời kỳ nào trong lịch sử nhân loại di cư lại diễn ra với quy mô lớn như hiện nay. Quy luật cung - cầu về sức lao động, dịch vụ, chênh lệch về mức sống và thu nhập, các điều kiện về an sinh xã hội,… đã thúc đẩy các luồng di cư từ Việt Nam ra nước ngoài. Số lượng người Việt Nam đang lao động, học tập và sinh sống ở nước ngoài hiện đã lên đến con số nhiều triệu người. Các hình thái di cư của công dân Việt Nam ngày càng đa dạng và phức tạp, quy mô di cư ngày càng gia tăng.
Từ những năm 90 của thế kỷ XX đến nay, đặc biệt là từ những năm 2000, do chính sách mở cửa của Nhà nước trong quan hệ đối ngoại cũng như do ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hoá, số người Việt Nam ra nước ngoài định cư ngày càng đông. Họ ra nước ngoài để đoàn tụ gia đình hoặc làm ăn, kinh doanh, đi du học rồi ở lại. Cũng có nhiều trường hợp kết hôn với công dân nước ngoài rồi theo chồng ra nước ngoài định cư.
Theo tài liệu "Quốc tịch và Luật Quốc tịch Việt Nam" của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ, ở các nước phương Tây, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tại các nước tư bản phát triển chiếm số lượng lớn nhất, khoảng 4/5 tổng số người Việt Nam ở nước ngoài trên toàn thế giới.
Người Việt Nam ở khu vực này phần đông đã có quốc tịch nước sở tại do thủ tục xin nhập quốc tịch các nước này ít phức tạp, không đòi hỏi phải xin thôi quốc tịch gốc, chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn theo luật nhập cư là có thể được nhập tịch.
Riêng đối với Cộng Hoà Liên Bang Đức, pháp luật về quốc tịch của Đức quy định người nước ngoài muốn nhập quốc tịch Đức thì phải thôi quốc tịch mà họ đang có. Do đó, hàng năm, số người Việt Nam định cư ở Đức xin thôi quốc tịch Việt Nam khá nhiều.
Như vậy, ngoại trừ số người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước sở tại thì hiện nay, còn nhiều người vừa có quốc tịch Việt Nam, vừa có quốc tịch nước ngoài.
Việc họ vẫn còn quốc tịch Việt Nam khi đã được nhập quốc tịch nước ngoài là do nước mà họ định cư công nhận 2 quốc tịch hoặc chấp nhận 2 quốc tịch trên thực tế. Trong khi đó, trong cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài này vẫn có một bộ phận chỉ có quốc tịch Việt Nam mà chưa được nhập quốc tịch nước sở tại.[3]
F. Dữ kiện mới về người lao động nước ngoài ở Việt Nam
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến hết tháng 5-2016, cả nước có tổng số 82.585 lao động là người nước ngoài đang làm việc.[4]
Điều nghịch lý là trong khi tỷ lệ lao động thất nghiệp tại các tỉnh, thành trọng điểm phía Nam vẫn chưa giảm; chỉ tính riêng tại TP HCM từ đầu năm tới nay đã có hơn 88,7 nghìn lao động phải đăng ký để hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Thì hiện tượng hàng chục nghìn lao động nước ngoài với tỷ lệ không có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao chiếm trên 70% đã ồ ạt nhập cảnh vào các thành phố và khu vực phía Nam để làm việc không phép.[5]
IV. Di dân quốc nội (domestic migration) ở Việt Nam
Theo nhận định của ThS Lương Ngọc Thúy, nhà nghiên cứu di dân, di dân quốc nội ở Việt Nam mang những đặc tính sau:[6]
A. Từ nông thôn ra thành thị
Ở Việt Nam, trong vài thập kỷ qua, đã có “những cuộc di dân giữa các vùng miền trên đất nước ta, đặc biệt là những cuộc di dân ồ ạt từ nông thôn ra thành thị”.
B. Yếu tố dẫn đến di dân quốc nội
1. Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp sang công nghiệp – và quá trình đô thị hoá
Từ 1986, kinh tế Việt Nam đã từng bước chuyển đổi cơ cấu từ một nước nông nghiệp thành một nước công nghiệp. Trong quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá, nhiều khu công nghiệp lớn đã được xây dựng ở các thành phố…Vì thế cần nhiều nhân lực đáp ứng cho nhu cầu sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp và các ngành dịch vụ của thành phố. Nông thôn sẽ là nguồn cung cấp chính về lao động cho sự thiếu hụt ấy thông qua các dòng di dân từ nông thôn ra thành thị.
Các khu công nghiệp và các khu đô thị có sức hấp dẫn mạnh mẽ nguồn lao động ở nông thôn, bởi lẽ, đó là nơi có thể đáp ứng nhu cầu về việc làm, tăng thêm thu nhập, là mảnh đất có nhiều cơ hội thăng tiến cho lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, đặc biệt là lớp người trẻ tuổi.
2. Thiếu đất canh tác – Thừa nhân lực lao động – thu nhập thấp
Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phát triển hệ thống đô thị, đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp lại, còn đất công nghiệp và đất đô thị ngày càng mở rộng thêm…dẫn đến tình trạng nông dân đang thiếu đất canh tác, thiếu việc làm, số lượng lao động dư thừa rất lớn, thời gian nông nhàn tăng lên. Thêm vào đó là giá trị ngày công nông nghiệp, đặc biệt ở các xã thuần nông rất thấp… không đủ trang trải cho các nhu cầu sinh hoạt của gia đình, học hành của con cái, chữa bệnh khi ốm đau,… cho nên họ đã rời quê hương ra thành phố tìm kế sinh nhai.
3. Chênh lệch về thu nhập giữa thành thị và nông thôn
Khoảng cách chênh lệch về thu nhập bình quân đầu người giữa các địa phương, các vùng miền trong nước, giữa các tỉnh thuần nông, tỉnh miền núi, hải đảo với các trung tâm đô thị cũng ngày càng lớn
4. Sự cách biệt về điều kiện sống giữa nông thôn và thành thị
Chỉ tiêu về chất lượng nhà ở, nguồn nước hợp vệ sinh, điều kiện vệ sinh và mức độ sử dụng các tiện nghi trong gia đình của cư dân đô thị so với cư dân nông thôn có sự cách biệt đáng kể.
5. Sự cách biệt về trình độ chuyên môn và học vấn giữa đô thị và nông thôn
Đa số lớp người trẻ tuổi ở nông thôn di chuyển tới các khu vực đô thị để tiếp tục theo học các bậc học cao hơn hoặc để được học ở các cơ sở giáo dục có chất lượng tốt hơn; nhưng sau khi tốt nghiệp, phần đông trong số họ quyết định ở lại để sinh sống và làm việc tại các thành phố.
Sự mất cân đối nghiêm trọng trong phân bố trình độ kĩ thuật, chuyên môn và giáo dục giữa thành thị và nông thôn
Như vậy, ở Việt Nam, sự chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp sang công nghiệp hiện đại hoá, và quá trình đô thị hoá, cũng như
do sự phân hoá giàu nghèo, sự chênh lệch về thu nhập, về điều kiện sinh sống, về cơ hội học tập và nâng cao trình độ chuyên môn giữa nông thôn và thành thị, đã từng bước tác động mạnh mẽ đến người nông dân và đã thôi thúc một bộ phận lao động dư thừa, thiếu việc làm, đời sống khó khăn, phải rời quê hương ra thành phố tìm kiếm việc làm, cải thiện đời sống và lớp trẻ muốn ra đi để tìm kiếm những cơ may thăng tiến cho bản thân.
Hơn nữa,
Theo Quyết định 445/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ kí ngày 7/4/2009 thì mức tăng trưởng dân số đô thị: năm 2015, dự báo dân số đô thị cả nước khoảng 35 triệu người, chiếm 38% dân số cả nước; năm 2020, dân số đô thị khoảng 44 triệu người, chiếm 45% dân số cả nước; năm 2025, dân số đô thị khoảng 52 triệu người, chiếm 50% dân số cả nước. Để đạt đến các chỉ số này thì quá trình di dân từ nông thôn ra thành thị sẽ còn tiếp diễn mạnh mẽ trong tương lai.
C. Hành trang của những di dân quốc nội
ThS Lương Ngọc Thúy, nhà nghiên cứu về di dân nhận định:
Trong hành trang của những người di cư, nhất là những người di cư tự do ra thành thị chưa được chuẩn bị về các mặt cần thiết để có thể sớm thích ứng với công việc mới, môi trường mới. Phần lớn trong số họ có trình độ tay nghề thấp, chưa qua đào tạo, họ cũng chưa được trang bị những hiểu biết cần thiết về điều kiện lao động công nghiệp, về môi trường sinh sống ở đô thị nên họ thường gặp khó khăn về tìm kiếm việc làm, về nơi ăn ở, về những rắc rối gặp phải trên đường phố,... Điều đặc biệt là hầu hết những người di cư ra thành phố đều thiếu hiểu biết về luật pháp lao động nên họ không biết bảo vệ các quyền và quyền lợi của người lao động do luật pháp quy định. Đa số người lao động tự do, làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức chấp nhận làm việc không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm mà chỉ thoả thuận miệng một số điểm về tiền công, việc làm với chủ sử dụng lao động. Vì vậy thời gian lao động của họ thường bị kéo dài hơn thời gian do luật định; chế độ nghỉ ngơi không bảo đảm; khi ốm đau không được chăm sóc sức khỏe. Nói tóm lại, do thiếu hiểu biết về luật pháp lao động, chưa được trang bị những hiểu biết về điều kiện làm việc ở môi trường mới nên họ dễ rơi vào nguy cơ bị lạm dụng, bị bóc lột, đặc biệt là chị em phụ nữ. Số lượng lao động nữ di cư ra thành phố thường đông hơn nam giới, nhưng họ lại là nhóm người dễ bị tổn thương nhất. Ngoài những khó khăn mà chị em phải đối mặt như nam giới thì họ luôn phải đề phòng nạn cướp bóc, trấn lột, bạo hành, buôn bán phụ nữ, xâm hại tình dục; đặc biệt là số nữ thanh niên làm việc trong các nhà hàng, khách sạn, các quán karaoke, vũ trường, những tụ điểm vui chơi giải trí là nhóm người có nguy cơ cao về lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục.
V. Lý Do Người Dân Di Trú
A. Xét theo yếu tố thúc đẩy – lôi kéo
1. Những yếu tố thúc đẩy (push Factors): lý do di cư - vì một sự khó khăn nào đó (vd. thiếu hụt lương thực, chiến tranh, bão lụt,…)
2. Những yếu tố lôi cuốn (pull Factors): lý do nhập cư vào một nơi/ nước nào đó, vì có những điều tốt đẹp đáng mong ước (vd. thời tiết tốt hơn, nguồn hỗ trợ lương thực khá hơn, có tự do thực,…)
Những yếu tố thúc đẩy- lôi kéo này có thể tác động ảnh hưởng đến sự di dời của dân chúng, được gồm tóm trong 4 nhóm chính sau:
- Môi trường (vd. khí hậu, thảm hoạ thiên nhiên);
- Chính trị (vd. chiến tranh,…);
- Kinh tế (vd. việc làm);
- Văn hoá/Tôn giáo (giáo dục, tự do tôn giáo,…).
B. Xét Theo 6 học thuyết
Lý do dẫn đến tình trạng di dân có thể xét theo những học thuyết/nhãn quan sau đây:
1. Xét theo học thuyết kinh tế vĩ mô tân cổ điển (Neoclassical macro economics theory): do “cung và cầu” nhân sự lao động của những xã hội khác nhau (nơi gởi đi – nơi tiếp nhận) dẫn đến vấn đề di dân để đáp ứng cung-cầu.
2. Xét theo học thuyết kinh tế vi mô tân cổ điển (Neoclassical micro economics theory): người dân di dời do sự tính toán chọn lựa của những cá nhân trong lãnh vực kinh tế.
3. Do chiến lược của nhóm/gia đình nhằm đến thu nhập đa dạng (ở nước ngoài) – hoặc do những công nhân lao động nước ngoài trở về quê mang gia đình qua lao động sinh sống ở nước ngoài.
4. Xét theo học thuyết thị trường lao động kép (dual labor market theory): sử dụng công nhân nước ngoài trình độ thấp và tránh thuê công nhân trong nước với mức lương cao.
5. Xét theo học thuyết hệ thống thế giới (World system theory): những nước phát triển cố kìm hãm những nước kém phát triển trong tình trạng nghèo nàn, như thế những nước phát triển có thể phát triển mạnh hơn, từ đó dẫn đến tình trạng di dân
6. Xét theo học thuyết hệ thống di dân (migration system theory) hoặc học thuyết văn hoá xã hội về di dân (social cultural theory of migration): do những yếu tố văn hoá xã hội tác động (ví dụ: thuộc địa, tự do tôn giáo, giáo dục,…)
C. Trường hợp Chủ nghĩa thực dân Châu Âu và di dân liên lục địa
Những người Châu Âu đã từng là những nhóm di dân lớn nhất trên thế giới (từ thế kỷ XV), vì những lý do sau:
1. Sự hấp dẫn của vùng đất Châu Phi và Châu Á: nơi đó, những ngăn cách về xã hội thấp hơn, bệnh tật ít lan tràn, việc chiếm giữ vùng đất trồng và của cải dễ dàng hơn, có thể sinh sản nhiều và tạo thành những gia đình lớn hơn.
2. Những ích lợi: những điều kiện sinh sống và làm việc ở những nơi đó được cải thiện, tiến triển; và những sản phẩm được cung cấp cho những xã hội Âu Châu.
D. Trường hợp buôn bán nô lệ từ Châu Phi
Nhiều di dân nô lệ từ Châu Phi đã bị bán qua Châu Âu trong nhiều thế kỷ nhằm cung cấp nhân lực bù lại tỉ lệ người di dân Châu Âu chết khá cao ở những nước thuộc địa nhiệt đới của Thế Giới Mới.
Trong những thế kỷ XVI-XVII, mỗi năm có tới vài ngàn nô lệ bị bán qua Châu Âu. Trong thế kỷ XVIII, hàng trăm ngàn nô lệ đã bị bán qua Brasil và Caribbean. Như vậy, trong 3 thế kỷ, đã có khoảng 11 triệu dân Châu Phi bị bán làm nô lệ và họ đã không có chọn lựa nào về hành trình di chuyển và loại công việc.
Tình trạng nô lệ bị hủy bỏ vào thế kỷ XIX (ở Đan-Mạch, UK, Pháp, Hà Lan, Mỹ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha)
E. Trường hợp di dân trong thời kỳ độc lập/ Phi thực dân hoá (decolonization period)
Trong thời kỳ này, những nhà quản trị kinh doanh Châu Âu và những người khai hoang trở về quê hương cùng với những người di dân ở thuộc địa (đi hợp tác lao động).
Trong những năm 1940-1975: 7 triệu người Âu Châu đã trở về Châu Âu.
Dòng người di dân từ những nước không thuộc Châu Âu đã trở về tái thiết những thành phố đã bị tàn phá bởi thế chiến thứ II.
Đó là lý do vì sao có nhiều di dân ở Châu Âu ngày nay !
VI. Những tác động và hậu quả của việc di dân
A. Tác động trên nơi chốn gốc của di dân
1. Những thuận lợi
Di dân làm giảm nhẹ sức ép dân số - làm giảm thiểu người thất nghiệp nơi địa phương gốc - làm giảm thiểu nhu cầu khai thác nguồn thiên nhiên;
Những gia đình gốc của những di dân sẽ có thêm thu nhập từ người di dân gởi về. Các gia đình này sẽ có tiền chi phí cho các nhu cầu ăn uống, những nhu cầu thiết yếu khác cho gia đình, và cho giáo dục. Những di dân quốc tế sẽ gởi về nhà hàng tỉ đôla mỗi năm. Đối với vài quốc gia, số tiền này là một nguồn lợi lớn giúp ích cho kinh tế quốc gia.
2. Những bất lợi
Nơi chốn gốc sẽ mất nguồn nhân lực đã được đầu tư, vd. y tá, nhân viên kế toán, thư ký,…
Phần lớn di dân là những thanh niên, trong số họ đã có người lập gia đình. Những người vợ của họ ở lại quê nhà một mình phải mang lấy gánh nặng hơn trước trong việc chăm sóc gia đình.
Nơi có di dân, gia tăng trình trạng buôn bán bất hợp pháp. Những cha mẹ nghèo có thể bị dụ dỗ bán/trao đổi con để lấy một khoản tiền nhỏ.
Có những di dân trở về quê hương sau vài năm lao động. Những di dân trở về này thường giàu có hơn những người sống quanh họ và họ thường có cách ứng xử khác biệt, có thể gây xích mích bất hoà trong những cộng đồng.
Có thể gia tăng sự truyền nhiễm HIV từ những người di dân trở về quê hương.
B. Tác động trên cá nhân
1. Những thuận lợi
Những di dân lao động có thể kiếm được nhiều tiền.
Nếu cá nhân tìm cách thoát khỏi những căng thẳng hay bách hại, họ có thể di chuyển đến đất nước khác để an toàn, mặc dù tiến trình xin tị nạn có thể kéo dài và phức tạp.
Những di dân có thể đoàn tụ gia đình với những người đã di chuyển trước.
Những di dân có cơ hội được chăm sóc sức khỏe tốt hơn và nhận được phúc lợi xã hội nơi họ nhập cư.
Con cái người di dân có cơ hội được giáo dục, học hành tốt hơn.
2. Những bất lợi
Công việc di dân đang làm có thể là tạm thời, bất ổn, nguy hiểm hoặc bất hợp pháp.
Mặc dù kiếm được tiền, nhưng thường là số tiền nhỏ so với mức sống nơi họ tạm trú. Họ không thể đạt được mức sống cao như phương tiện truyền thông mô tả.
Thiếu sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè, và nếp sống văn hoá địa phương gốc; phải di chuyển đến một nơi mới, khác biệt, và đôi khi là một nơi kỳ thị.
Những di dân phải đối diện với sự coi thường/ mặc cảm nếu cộng đoàn nơi họ tạm trú không hiểu biết hoặc thiếu tin tưởng họ.
Con cái của người di dân hay bị lạm dụng, gây tổn thương.
Những di dân quốc tế có thể đang sống trong tình trạng bất hợp pháp, do đó, họ không có được sự hỗ trợ như chăm sóc sức khỏe hay những dịch vụ xã hội.
C. Tác động / ảnh hưởng tới nơi tổ chức điều hành di dân
1. Những thuận lợi
Những di dân thường di chuyển đến nơi không có đủ những người có kỹ năng chuyên môn để làm những công việc thích hợp. Những công việc chuyên môn được di dân đảm nhận thì tập trung vào những nghề đòi hỏi chuyên môn cao như bác sỹ, hay những việc tay chân như xây dựng. Chính điều này đã hỗ trợ phát triển mạnh nền kinh tế.
Những di dân thường sẵn sàng làm những việc điền vào chỗ trống mà dân địa phương không muốn làm, chẳng hạn như thu hái hoa màu/trái cây, giữ trẻ, làm vệ sinh, dọn dẹp…
Những di dân hội nhập vào văn hoá địa phương sẽ làm cho văn hoá ở đó thêm phong phú và đa dạng, như văn hoá ẩm thực, ca nhạc…
2. Những bất lợi
Những di dân thường kinh nghiệm về lạm dụng hay phân biệt chủng tộc khiến gây chia rẽ cộng đồng và có thể gia tăng tội phạm.
Di dân thường sống chung với những người thân cận, người cùng quê. Một cộng đồng có nhiều di dân có thể gây gánh nặng/ sức ép trên những dịch vụ xã hội của địa phương (v.d. trường học, bệnh viện, những dịch vụ xã hội khác…).
Những nước tiếp nhận di dân thường phải đối diện với một số lớn dân nhập cư đến bất ngờ, nhiều người trong số họ gặp phải hiểm nguy/mất mạng trong quá trình di chuyển (bẳng đường biển hay đường bộ).
Di dân có thể mang theo mình những bệnh tật đến nơi ở mới (vd. bệnh truyền nhiễm, HIV,…).
VII. Hiểu biết về kinh nghiệm của người di trú
A. Vài nét về cấu trúc di dân toàn cầu giúp hiểu kinh nghiệm của di dân
1. Di dân hiện nay không phải là hiện tượng mới xuất hiện
Trong quá khứ, Thực dân hoá (Colonization) đã là một yếu tố tác động lớn trong lịch sử của những nước gởi người đi lao động nước ngoài (labor-sending countries).
Khoảng giữa năm 1870 và 1920: “Giai đoạn Tư bản đã là yếu tố đẩy tới việc xuất khẩu lao động” (đặc biệt ở Mỹ và Hawaii).
2. Ngày nay, những lợi nhuận của nhà tư bản áp đặt một cơ cấu lên việc di trú của dân chúng và công nhân
Những hệ thống di dân lao động chiếm ưu thế hôm nay đang bị/được các quốc gia kiểm soát, điều chỉnh, và bảo trợ.
Những quốc gia tiếp nhận di dân (receiving States) quyết định về việc nhập-xuất của di dân, và một cách bất đắc dĩ họ chịu đựng những di dân bất hợp pháp (undocumented and illegal migrations).
Những khuôn mẫu sẵn căn cứ vào quốc tịch xác định mức lương, cũng như xác định “mức độ phẩm giá con người” và thậm chí ứng xử dựa theo phái tính của công nhân di dân.
3. Di dân kinh nghiệm về tình trạng mất quyền công dân (absence of citizenship rights)
Di dân bị xem như chỉ là một bộ phận (a mere body)/ một phương tiện lao động lưu chuyển trong thị trường lao động toàn cầu; họ bị khai thác, bị thải hồi, bị trao đổi và bị thay thế, thậm chí bị hành hung, tấn công.
Hơn nữa, di dân bị đặt vào một tình trạng nghiêm ngặt, giới hạn về nhiều mặt: về tự do di chuyển (vd. không được phép sử dụng cầu thang/lối đi chính, chỉ được dùng cầu thang/lối đi quy định), về quyền thay đổi công việc, việc giảm áp lực nhà cửa cũng như những dịch vụ căn bản khác.
Đây chính là một hình thức nô lệ kỹ nghệ mới (a new industry slavery).
4. Di dân kinh nghiệm tình trạng xa/vắng nhà (absent from their families)
Xa vắng khỏi gia đình, di dân cố gắng làm cho mình trở nên hiện diện bằng cách gia nhập nhóm.
Tuy nhiên, hiện diện nơi vùng đất mới, di dân vẫn luôn cảm thấy xa vắng nhà/quê hương.
B. Kinh nghiệm của di dân khi sống trong những cơ cấu di dân
1. Di dân như là người muốn được gia nhập tổ chức
“Sự khác biệt” (dựa trên giai cấp, giống, loại) như là yếu tố cấu thành văn hoá của di dân. Từ đó dẫn đến tình trạng di dân bị coi như kẻ ngoài lề (marginalization), kẻ thứ yếu (không quan trọng).
Di dân có thể bị lạm dụng, bị khai thác, bị đối xử bất công trong những xã hội tiếp nhận họ (receiving societies).
Vì thế họ muốn được nhìn nhận, được gia nhập vào một tổ chức, một tập thể, hội đoàn nào đó.
2. Di dân như là nạn nhân, là đối tượng (as Victim/ Object) bị khai thác
Di dân bị xem như hình ảnh của một thành phần/bộ phận lao động nghèo túng, bị bòn hút, bị hủy diệt…trong gia đình và quốc gia (họ bị xem như một thành phần nợ nần, thiếu thốn trong xã hội).
Họ bị xem như là nạn nhân, những thánh phần/bộ phận của di dân, không có sự chọn lựa nào khác, bị coi là sống “ngoài lề” xã hội với những hình thức khác nhau.
3. Di dân như là tác nhân luân lý (as moral agent)
Di dân như là diễn viên năng động (active actor), như là chủ thể hiện hữu trong lịch sử xây dựng và tái tạo tính chất cá nhân (selfhood) của mình ở giữa những cấu trúc di dân thiên về bạo lực.
Vì thế, họ có nhu cầu chứng tỏ mình là những người tốt. Họ bảo vệ phẩm giá mình. Họ tự vệ chính mình. Họ muốn được người khác nhìn nhận.
Không như một con tốt (trong bàn cờ) hay như một nạn nhân thiếu may mắn, di dân muốn trở nên như là một nhân tố tích cực dẫn đường chỉ lối qua những thể chế, và giúp tạo nên mỹ quan toàn cầu của di dân.
Việc lạm dụng và đối xử bạo lực nơi một số di dân chính là một phần hậu quả của những quyết định có tính toán và của sự liều lĩnh thiếu hiểu biết nơi họ; và chính điều đó khiến cho người di dân không được coi như nhân tố tích cực trong những cấu trúc di dân.
C. Một số Kinh nghiệm khác nơi di dân
1. Con cái của người di dân ở lại quê nhà (the children left behind)
Nhờ thu nhập của cha mẹ là những di dân lao động, con cái của họ được giúp đỡ về kinh tế cao hơn những gia đình không có di dân, được học và thành đạt trong giáo dục, có sức khỏe tốt, và tính xã hội cao.
Tuy nhiên, việc vắng cha/mẹ tạo ra những sự chuyển dời vị trí/vai trò, sự đổ vỡ, sự thay thế trong việc sắp xếp chăm sóc con cái.
Vì thế, cần có gia đình mở rộng (extended lamily) để quan tâm hỗ trợ tâm lý cho con cái.
Chính vì thế, ngày nay phát sinh những hình thức mới trong hệ thống truyền thông tạo điều kiện thuận lợi cho sự liên hệ đường xa giữa những thành viên trong gia đình di dân.
2. Trường hợp phái nam/các ông ở lại quê nhà (the men left behind)
Căn tính của phái Nam (masculinity identity) – một ý niệm được hình thành theo xã hội tính và ý thức hệ (hệ thống Phong Kiến, thuộc văn hoá nông nghiệp) - được đặt nền tảng trên địa vị xã hội và khả năng kinh tế.
Theo đó, đàn ông như những người cung cấp (provider) cho gia đình, như những người đồng hành có phái tính mạnh mẽ, như những người cha có trách nhiệm.
Hơn nữa, người nam theo truyền thống bị thách đố bởi tình trạng di dời của những người vợ.
Khi người vợ là di dân lao động, họ trở nên người cung cấp chính trong gia đình, và tỏ ra bình đẳng với chồng (nếu không vượt qua quyền hành và ưu thế của người chồng).
Việc thay thế vị trí/ vai trò giữa vợ chồng không có nghĩa là mất đi nam tính, nhưng là một sự định nghĩa lại (redefinition) căn tính của phái nam (masculinity identity) như là:
- Những người giữ nhà giỏi (adept housekeepers)
- Những người phối ngẫu tiết hạnh (chaste spouses)
- Những người cha có tình mẫu tử (maternal fathers).
Họ ứng xử vừa như người cha vừa như người mẹ trong việc hướng dẫn con cái.
Việc sắp xếp nhà cửa đòi hỏi họ phải biết cách tổ chức, phải có tính chính xác, cũng như sức khỏe thể lý.
Họ cố gắng tuân theo kỷ luật trong phạm vi tình dục để tạo được ý thức tự chủ (tiết chế tình dục như một hình thức tự chủ), một điều gắn liền với việc kiểm soát khả năng kinh tế gia đình.
3. Kinh nghiệm của di dân: ở bên lề (marginality) như là một thân phận nhập nhằng của đời sống di dân
1) Di dân ở giữa (in – between) hai thế giới/ hai nền văn hoá
Có tình trạng phân biệt và tách biệt giữa 2 nhóm xã hội.
Tương quan giữa 2 nhóm xã hội: đó là tương quan thống trị - lệ thuộc.
Một di dân thuộc về 2 nhóm, nhưng cũng chẳng thuộc hẳn về nhóm nào cả.
Những di dân đã được tháp nhập sống trong nền văn hoá mới thì bị nhóm văn hoá gốc (quê nhà) xem như chẳng thuộc nhóm họ văn hoá họ nữa.
Những di dân đang thuộc một nền văn hoá nào đó muốn gia nhập vào một nền văn hoá khác phải rời bỏ nhóm văn hoá gốc của mình và tháp nhập vào nền văn hoá mới.
2) Di dân như là “ở vị trí trung gian và ở giữa” - (Peter Phan); hay “vượt ra ngoài phạm vi/ giới hạn” nhóm -(Jung Young Lee)
Di dân ở bên lề (marginality) được hiểu như là “ở trung gian và ở giữa”.
Ở bên lề, những di dân ở “cả bên này và bên kia, và đồng thời, chẳng thuộc bên nào cả”.
Điều đó cho thấy những kinh nghiệm đau thương của di dân:
Trong xã hội tiếp nhận (in host/receiving society), họ bị thống trị, bị phân biệt đối xử, bị từ chối không tiếp đón, bị khai thác, bị lạm dụng, bị xa lánh và loại trừ, bị xem như mối đe doạ và thậm chí bị coi như những người bung xung, giơ đầu chịu báng (scapegoats/ fall guys).
Ở xã hội gốc (gởi đi), họ bị xem là “kẻ phản bội văn hoá”, và là nguyên nhân của những vấn đề xã hội.
Bên cạnh đó cũng cho thấy những kinh nghiệm tích cực của di dân:
Những di dân như những người ở “cả bên này và bên kia”, và đồng thời, “chẳng thuộc bên nào cả”, có thể và thực sự là khéo léo/ tài tình, mưu trí, và thực hiện được nhiều điều hữu ích trong những lãnh vực như: ngôn ngữ, cách ăn mặc, cử chỉ, thói quen ăn uống, đạo đức công việc,…
Hơn nữa, di dân tìm ra con đường riêng cho mình ngang qua những cấu trúc di dân bằng cách thương lượng với hay chối từ những hình thức thống trị, và nắn đúc lại sự hiện diện của họ.
Vì di dân ở “cả bên này và bên kia, và chẳng thuộc bên nào cả”, họ có thể di chuyển đến nhiều nơi/ nhiều xã hội trên thế giới.
Tài liệu tham khảo
Maruja M.B. Asis. “Understanding International Migration In Asia.” In Exodus Series: A Resource Guide For The Migrant Ministry In Asia. Quezon City: Scalabrini Migration Center. 2005
Emmanuel S. De Guzman. “Introducing Theologies of Migration”. Manila: Loyola School of Theology. 2010.
“Letter to Governments of Malaysia and Indonesia”. https://www.hrw.org/news/2006/04/15/letter-governments-malaysia-and-indonesia
“244 million international migrants living abroad worldwide, new UN statistics reveal”. http://www.un.org/sustainabledevelopment/
blog/2016/01/244-million-international-migrants-living-abroad-worldwide-new-un-statistics-reveal/
http://vtv.vn/the-gioi/giai-cuu-2200-nguoi-di-cu-tren-bien-dia-trung
-hai-20161106075000181.htm
http://vietnamfinance.vn/tai-chinh-quoc-te/moi-nam-gan-100-nghin
-nguoi-viet-di-cu-ra-nuoc-ngoai-20160722095009241.htm
http://cand.com.vn/Kinh-te/Hon-82-nghin-lao-dong-nuoc-ngoai-dang-lam-viec-tai-Viet-Nam-396962/
http://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/Hang-chuc-ngan-nguoi-nuoc-ngoai-lao-dong-khong-phep-309608/
Lương Ngọc Thúy. “Di dân từ nông thôn ra thành thị trong quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá ở nước ta hiện nay”. Nguồn: http://ihs.vass.gov.vn/noidung/tapchi/Lists/TapChiSoMoi/View_Detail.aspx?ItemID=109