CHỦ ĐỀ: MỸ ĐẠO
LỜI GIỚI THIỆU
Thế còn Vẻ đẹp thì sao? Chắc hẳn nhiều người còn nhớ lời thú nhận thời danh của thánh Augustinô, được trích dẫn vào ngày lễ kính thánh nhân (28 tháng 8): “Lạy Chúa, Chúa là vẻ đẹp của ngàn xưa, là vẻ đẹp mỗi ngày mỗi mới, con đã yêu Ngài, đã yêu Ngài quá muộn”. Thực ra, ít khi phụng vụ ca tụng Thiên Chúa như Vẻ đẹp. Tuy nhiên, truyền thống Kitô giáo đã sớm sử dụng mỹ thuật để diễn tả cái đẹp của Thiên Chúa được biểu lộ nơi thiên nhiên, nơi các vị thánh, hoặc nói chung, cái đẹp của đức tin Kitô giáo.
Mặc dù từ thời xa xưa, đã có rất nhiều thi nhân ca ngợi cái đẹp của thiên nhiên và rất nhiều nghệ sĩ đã sáng tác những công trình nghệ thuật, nhưng mãi đến gần đây, mới xuất hiện môn “Mỹ học” (Esthetica), dần dần được đưa vào các trường đại học. Một cách tương tự như vậy, mới gần đây việc suy tư thần học về Cái Đẹp trở thành một bộ môn chuyên ngành, đang khi các thi ca, họa phẩm, kiến trúc Kitô giáo đã xuất hiện từ nhiều thế kỷ trước. Sáng kiến này đã được Tòa Thánh khuyến khích: cần phải sử dụng Cái Đẹp như con đường để loan báo Tin Mừng. Có thể xem hai văn kiện gần đây như dấu mốc của đường hướng này: 1/ Văn kiện của Hội đồng Giáo hoàng đặc trách văn hóa dưới tựa đề “Mỹ đạo như con đường loan báo Tin Mừng”, đúc kết những trao đổi của phiên họp khoáng đại họp trong hai ngày 27-28 tháng 3 năm 2006. 2/ Tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng” của Đức thánh cha Phanxicô (24 tháng 11 năm 2013) về việc rao giảng Tin Mừng trong thế giới hôm nay, đã nhắc đến mỹ đạo ở số 167. Các bài viết trong số này muốn đào sâu đề tài ấy[1].
1. Mở đầu là bài viết của linh mục Phan Tấn Thành, Cái đẹp trong lịch sử triết học. Đẹp là một khái niệm rất quen thuộc. Thế nhưng đến khi phải định nghĩa cái đẹp, thì ta cảm thấy lúng túng: đẹp là gì? Dựa trên tiêu chuẩn gì để khẳng định cái đẹp? Lịch sử triết học cho thấy nhiều quan điểm về cái đẹp, với nhiều lối tiếp cận khác nhau. Có người muốn đặt “đẹp” trong tương quan với “chân” và “thiện”; có người lại muốn đặt trong tương quan với “xấu”.
2. Kinh Thánh nói gì về cái đẹp? Câu trả lời không đơn giản, bởi vì xem ra người Do thái không tách rời “tốt” và “đẹp” trên bình diện từ ngữ cũng như trên bình diện tư tưởng. Dù sao, cha Adalberto Sisti, O.F.M. cho thấy những tiêu chuẩn lượng định cái đẹp trong Kinh Thánh nhiều khi khác với quan niệm thời nay.
3. Dưới tựa đề “Đức Giêsu người đẹp tuyệt trần?”, hồng y Joseph Ratzinger (2002) suy niệm về hai bức chân dung nghịch lý mà phụng vụ trình bày trong điệp ca Giờ kinh Chiều ngày thứ Hai, tuần II, dựa theo Thánh vịnh 44,3: một bên là chân dung của “người vô song tuyệt mỹ”, một bên là chân dung của “một kẻ không còn hình tượng con người”. Hai chân dung ấy nghịch lý chứ không mâu thuẫn. Mặc khải Kitô giáo cho thấy vẻ đẹp chân thật của thập giá, của tình yêu trao hiến.
4. Cái đẹp có phản ánh Thiên Chúa không? Metej Stroky tìm cách trả lời bằng cách nêu lên những nghịch lý của cái đẹp, và phân tích cảm nghiệm về cái đẹp qua ba nhà tư tưởng nổi tiếng: ông Platon, thánh Augustinô, thánh Tôma Aquinô.
5. “Mỹ học thần học” là một dự án của Hồng y Hans Urs von Balthasar (1905-1988) muốn trình bày mặc khải Kitô giáo dưới nhãn giới cái đẹp. Linh mục Phê Ny Ngân Giang, O.P. giới thiệu bộ sách Trilogie đồ sộ của nhà thần học này.
6. Trong bài “Huấn quyền với nghệ thuật” linh mục Mauro Mantovani, S.D.B. điểm qua những văn kiện của Giáo hội từ công đồng Vaticanô II đến Đức Giáo hoàng Phanxicô.
7. Tiếp theo là bản dịch toàn thể văn kiện của Hội đồng Giáo hoàng đặc trách văn hóa “Mỹ đạo như con đường loan báo Tin Mừng” (2006) được nhắc đến trên đây.
8. Linh mục Nguyễn Đình Vịnh, O.F.M. trình bày “Mỹ học tại Việt Nam” trong thế kỷ XX, từ những bước khởi đầu cách đây gần 100 năm, cho đến những bước tiến triển khác nhau khi đất nước bị phân chia thành hai miền Bắc Nam. Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, sự phát triển theo một chiều hướng duy nhất; tuy vậy, khi bước sang thế kỷ XXI, người ta có thể ghi nhận vài thay đổi.
9. Năm năm đã trôi qua kể từ khi “Thời sự thần học” được trao cho Trung Tâm Học vấn phụ trách, với nhịp độ 4 số báo trong mỗi niên khóa. Quý độc giả có tìm thấy bản Mục lục các bài viết trong 20 số đã phát hành (số 54-73).
Trung tâm Học vấn Đa Minh
NỘI DUNG_____________
- LỜI GIỚI THIỆU
- CÁI ĐẸP TRONG LỊCH SỬ TRIẾT HỌC _Phan Tấn Thành_
- KINH THÁNH VỚI CÁI ĐẸP _Adalberto Sisti_
- ĐỨC GIÊSU, NGƯỜI ĐẸP TUYỆT TRẦN ? _Joseph Ratzinger_
- CÁI ĐẸP CÓ PHẢN ÁNH THIÊN CHÚA KHÔNG ? _Matej Stroky_
- CÁI ĐẸP TRONG MẠC KHẢI KITÔ GIÁO THEO HANS URS VON BALTHASAR: Từ siêu việt thần học đến figure của Kitô học “tự huỷ” _Phê Ny Ngân Giang_
- GIÁO HỘI VÀ NGHỆ THUẬT: Từ Công đồng Vaticanô II đến nay _Mauro Mantovani_
- VIA PULCHRITUDINIS: Con đường ưu việt để loan báo Tin Mừng và đối thoại _Hội đồng Giáo hoàng Đặc trách về Văn hóa_
- MỸ HỌC TẠI VIỆT NAM _Paul Nguyễn Đình Vịnh
- THỜI SỰ THẦN HỌC: Mục lục các bài viết từ số 54 đến 72
[1] Có thể bổ túc thêm với những bài viết trong Thời sự thần học số 27 (tháng 3 năm 2002) về icon và ảnh thánh.