Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

THỚI SỰ THẦN HỌC - SỐ 31, THÁNG 3/2003

CHỦ ĐỀ: ĐAU KHỔ MỘT THÁCH ĐỐ !

LỜI NGỎ


Đau khổ, một vấn đề nhân sinh, một vấn nạn, một thách đố… của triết học, của văn chương, của tâm lý học, của mọi suy tư khôn ngoan, nhưng trên hết, có thể nói là của mọi tôn giáo (Tôn giáo nào cũng đề cập đến vấn đề đau khổ). Từ xưa tới nay, con người đã tốn biết bao giấy mực để bàn về vấn đề nhức nhối của kiếp người này. Mọi cố gắng, tìm tòi nghiên cứu mong tìm được câu trả lời về nguồn gốc, ý nghĩa của đau khổ, nhưng quan trọng hơn vẫn là cố tìm một liều thuốc khả dĩ chữa trị cho “căn bệnh trầm kha” này.

Nhưng khốn nỗi! Khi một người gặp đau khổ, mọi giải thích, khuyên răn xem ra là trở nên vô nghĩa. Mọi bàn luận, suy tư phải dừng lại trước kinh nghiệm đau khổ của chính mỗi người. Khi phải chịu đau đớn quằn quại trên giường bệnh vì bệnh ung thư, Đức Hồng y Veuillot – một người đã từng viết, giảng dạy nhiều về đau khổ – đã phải yêu cầu đừng nói, viết về đau khổ nữa, bởi vì “các vị chẳng hiểu gì cả”.

Có một thời, Kitô giáo “bị mang tiếng” là một tôn giáo đề cao đau khổ. Thập giá, biểu tượng Kitô giáo vốn là một nhục hình dành cho một tử tội. Chủ nghĩa khắc kỷ có chỗ đứng trong thời “ăn chay, đánh tội” xa xưa. Dường như người ta “quên mất” Phục sinh rồi?! Đúng ra, Thập giá (thương khó) phải đi đôi với Phục sinh. Chúng tôi hy vọng đề cập đến vấn đề này khi bàn về Kitô học.

Dẫu sao, Đau khổ, “vấn đề muôn thủa” vẫn còn là thách đố của kiếp người.

TSTH số này với chủ đề “Đau khổ, một thách đố” xin “góp gió” cho bão nổi lên trong mùa Chay thánh 2003 này. Nghĩ tới lời Đức Hồng y Veuillot cố gắng nhấn mạnh nhiều đến khía cạnh kinh nghiệm, tâm lý và những giải pháp khả dĩ “chấp nhận được” với “Đau khổ, thân phận con người” (bài 1), “Những nỗi đau ngọt ngào” (bài 2), “Khi đau khổ gõ cửa nhà bạn” (bài 3), “Bàn luận về Ý Nghĩa Khổ Đau theo quan niệm của Victor E. Frankl” (bài 4). Bài “Vấn đề đau khổ trong chiều hướng đối thoại tôn giáo” (bài 5), là một đối chiếu giữa Kitô giáo và ba tôn giáo lớn: Hồi, Ấn và Phật Giáo về vấn đề đau khổ.

Phần chuyên mục Kinh thánh và Tôn giáo gồm các bài: “Những đóng góp của khoa giải thích triết học cho việc giải thích Kinh thánh” và “Truyền thống Kitô giáo về chiến tranh chính nghĩa”, một suy tư của Giáo sư Thần học Lisa Sowle Cahill trong bối cảnh “khủng hoảng Irak” hậu khủng bố.

Phần sinh hoạt Giáo hội, với bài “Vài nét về Công đồng Vatican II. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày khai mạc Công đồng. (11/10/1962 – 11/10/2002) đã được phát thanh trên một đài Quốc tế, TSTH muốn “ôn cố tri tân” cùng Giáo Phận Tp. HCM. Cuối cùng, nhân năm cổ võ kính Đức Mẹ Mân côi 2002-2003, “Lcịh sử kinh Mân côi” và “Kinh Man côi Đức Trinh nữ Maria. Năm mầu nhiệm sự Sáng” xin là nụ hồng dưới chân Đức Nữ Trinh. Phần Du lịch Thần học với thánh Thomas Aquino như thường lệ.

Ra mắt vào dịp Mùa Chay và Phục sinh 2003, TSTH kính chúc bạn đọc một Mùa Chay thánh thiện và Phục sinh vui tươi.

Thân kính,
Nhóm Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm

TRONG SỐ NÀY


Đau khổ, một thách đố !

Chuyên mục Tôn giáo

Du lịch Thần học cùng thánh Thomas Aquino

  • Sách Giáo lý của thánh Thomas Aquino (tt), 110

Sinh hoạt Giáo hội

  • Vài nét về Công đồng Vaticanô II, 127
  • Lịch sử kinh Mân Côi, 138
  • Kinh Mân côi Đức Trinh nữ Maria
  • Năm mầu nhiệm sự sáng, 146