Thời sự Thần học - Số 31, tháng 3/2003, tr. 28-46
Quốc Văn
Nói đến thân phận con người, chúng ta không thể không nói đến đau khổ, chán nản, thất vọng … Những nỗi đau này có ý nghĩa gì không? Đau khổ từ đâu mà đến? Con người phải có thái độ nào đối với đau khổ? … Những dòng suy tư này phần nào gợi mở một hướng đi cho những vấn nạn muôn thuở đó.
I. “Trải qua một cuộc bể dâu”
Triết lý nhà Phật bảo: “đời là bể khổ”. Đau khổ là những tiếng chẳng dễ nghe chút nào. Người ta hết sức tìm cách để tránh đau khổ, và ngay cả tránh nghĩ về đau khổ. Nhưng nào có ai tránh khỏi đau khổ trên đời ; đau khổ như người bạn không mời mà đến. Đau khổ thường xảy đến với nhiều hình thức, thường là những mất mát, thua thiệt.
1. Những mất mát cần thiết
Mang thân phận con người, chúng ta phải chấp nhận những giới hạn, những mất mát trong cuộc sống. Và sự mất mát lớn nhất có lẽ là cái chết. Suy nghĩ về những mất mát không thể tránh khỏi này, chẳng lẽ chúng ta không rút ra được kinh nghiệm nào sao? Những mất mát, đau khổ, cũng có những cấp độ khác nhau:
- Khi ra khỏi cung lòng mẹ, một nơi êm ấm và an toàn, bạn phải đối diện với một thế giới lạnh lẽo và đầy bất trắc.
- Khi cắp sách đến trường, bạn phải rời bỏ môi trường thân thương của gia đình.
- Khi là một sinh viên, bạn phải chấp nhận từ bỏ những cuộc chơi, những ngày tự do rong ruổi.
- Khi chuyển đến một môi trường khác, bạn lại phải nói lời chia tay với những người thân, những bạn bè, và có khi hiếm cơ hội nào bạn gặp lại được họ.
- Khi giã từ tuổi hồng để bước vào xã hội với tư cách là một người trưởng thành, bạn để lại sau lưng bao kỷ niệm hồn nhiên của một thời thơ ấu.
Và càng lớn lên, bạn càng có nhiều kinh nghiệm với những mất mát khác, những mất mát đó rất cần thiết để làm cho bạn nên người. Qua mỗi biến cố của cuộc sống, bạn có thể gọi tên từng nỗi mất mát của mình đã trải qua, có khi là tê tái đau khổ. Một phút trầm lặng, bạn sẽ thấy cuộc đời là một chuỗi những mất mát như thế, những mất mát cần thiết, những mất mát giúp ta trưởng thành và nên người hơn. Chúng ta không tránh né, nhưng biết đối diện, đón nhận, và đọc ra ý nghĩa những mất mát trong cuộc đời; và nếu thiếu đi những mất mát này, ta cũng chẳng còn là ta nữa. Con tằm không chui ra khỏi kén, chẳng bao giờ có thể hóa bướm, có thể bay xa, bay cao và thưởng thức hương sắc cuộc đời. Bạn và tôi, mỗi người đã và đang đi vào hành trình đó.
2. Những đau khổ dường như vô nghĩa
Điều khó khăn là nhiều khi chúng ta phải đối diện với những đau khổ dường như vô nghĩa và điên rồ. Chẳng hạn như:
- Cha mẹ quá đau buồn, hối hận về cái chết của con mình chỉ vì một chút bất cẩn.
- Cô thiếu nữ phải mang mãi trong lòng nỗi đau trầm cảm với bao biến cố dồn dập mà không sao giải thích nổi.
- Bao nhiêu người, trong chốc lát, phải chết cháy một cách thảm thương, không ai còn nhận dạng được nữa …
Còn nhiều nỗi đau dường như vô nghĩa và điên khùng như thế nữa. Đau khổ như một mầu nhiệm nằm sâu ngay thân phận con người. Đối diện với những đau khổ như thế, nhất là với những cái chết thê thảm, thật khó ai có thể cầm lòng, bình tĩnh; có chăng chỉ còn là thái độ chia sẻ, cảm thông, thinh lặng. Nhiều khi người ta dễ dàng đưa ra những lời an ủi rẻ tiền, rỗng tuếch, mang đầy vẻ đạo đức: “Thiên Chúa không để ai gánh nặng quá sức mình đâu” hoặc “Thiên Chúa chỉ thử thách bạn chút xíu thôi mà”… những kiểu nói như thế vô tình gán cho Thiên Chúa một trái tim chai đá, một Thiên Chúa thích thú với những đau khổ của người khác, thích thách thức người khác. Đổ lỗi cho Thiên Chúa có lẽ không phải là thái độ tích cực lúc này. Thiên Chúa không hề là tác nhân của sự dữ.
3. Một cảm giác hoàn toàn sụp đổ
Dẫu biết rằng để trở nên một con người tròn đầy thì phải kinh qua nhiều đau khổ. Nhưng sự thường, người ta dễ thấy mình hoàn toàn sụp đổ, dường như không thấy một tia sáng nào le lói trong đống đổ nát đen tối đó. Một thần học gia khi viết về đau khổ đã giải thích điều này: “Đau khổ thường kéo theo nhận thức của con người về một sự sụp đổ kinh khủng. Đó là nỗi buồn đi liền sau những biến cố, và nó đe dọa sự nguyên vẹn, sự thông hiệp … của con người; người ta co cụm mình lại, rút vào vỏ ốc của mình.” (Nelson, Body Theology, P.125).
Khi chúng ta đau khổ tột cùng, thế giới chung quanh dường như sụp đổ tất cả, tất cả trở thành thừa thãi vô nghĩa. Nếu thi vị như nhà thơ Nguyễn Du thì: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Nếu không là những người trong cuộc, chúng ta không thể cảm nhận hết được nỗi đau của người khác; tệ hơn nữa còn là kẻ bàng quan trước nỗi đau mà người khác dường như không sao mang vác nổi. Nỗi đau không phải là điều có thể miêu tả, mà cần phải cảm thông, phải đụng chạm tới.
Đứng trước huyền nhiệm về sự đau khổ như thế, có lẽ mỗi người chúng ta không khỏi đặt ra câu hỏi: Tại sao? Tại sao điều đó lại xảy ra, tại sao con người lại phải đau khổ như thế? Tại sao người đau khổ lại là tôi?…
II. Một vấn nạn lớn: Tại sao?
1. Nguyên nhân đau khổ
a. Những qui luật tự nhiên
“Dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời” (Giảng viên 3,1). Chính cái “lúc”, cái “thời” đó là nguyên nhân gây bao đau khổ cho con người. Nào là hạn hán, mất mùa, thiên tai, lụt lội, núi lửa, động đất… những điều này xảy ra ngoài tầm dự kiến, ngoài khả năng chống đỡ của con người. Thiên nhiên vẫn biến chuyển từng ngày từng giờ, và luôn luôn có những bất trắc. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, con người đã tác động một phần rất lớn lên môi trường thiên nhiên, nên nhiều khi chính mình phải gánh chịu những hậu quả. Đúng là “gậy ông đập xuống lại dần lưng ông”.
Nhiều khi sự đau khổ nằm ngay trong tiến trình phát triển của con người, bóng tối nằm ngay dưới đế đèn đang chiếu sáng. Nếu có một mùa xuân cuộc đời đầy vui tươi tăng trưởng, sức khỏe dẻo dai thì cũng có một mùa đông tuổi già, bệnh tật, mệt mỏi … Nếu xét đau khổ như một sự khiếm khuyết, sự bất toàn, thì điều đó nằm sâu ngay trong thân phận của mỗi chúng ta. Và có lẽ, đỉnh cao của sự bất toàn, của giới hạn, của đau khổ đó chính là cái chết, điều mà không ai có thể từ chối và trốn tránh khỏi.
b. Những chọn lựa của con người
Một nguyên nhân khác có thể gây đau khổ đó là những chọn lựa của con người. Có những chọn lựa làm cho cá nhân đau khổ, nhưng cũng có những chọn lựa làm cho cả tập thể đau khổ, hay cả xã hội đau khổ. Ví dụ: có người chỉ biết chọn lựa mình, không cần quan tâm đến ai, trái tim băng giá, sống thờ ơ, lãnh đạm … đó là nguyên nhân gây đau khổ cho chính bản thân người ấy (có thể họ cảm thấy mình bị cô lập, cô đơn…) và gây đau khổ cho người khác nữa.
Có những chọn lựa gây những nỗi đau khôn lường. Ví dụ: bạo lực, lạm dụng tình dục trẻ em, hiếp dâm, giết người, phá thai, diệt chủng, bóc lột sức lao động … và còn muôn vàn chọn lựa khác nữa chống lại phẩm giá, nhân phẩm, chống lại quyền căn bản nhất của con người.
Có những chọn lựa gây hậu quả xấu về mặt luân lý, và có những chọn lựa gây tác hại cả về mặt thể lý nữa. Ví dụ : biết rằng hút thuốc là không có lợi cho sức khoẻ, nhưng con người vẫn vui vẻ đốt cuộc đời mình trên đầu điếu thuốc. Hệ quả thế nào, bạn đã rõ! Hệ quả này không thể hoàn toàn đổ lỗi cho sự may rủi, nhưng chính con người đã trực tiếp cầm dao kết liễu đời mình. Hoặc chúng ta từng chứng kiến bao tai nạn khủng khiếp, đau thương, nào có phải tất cả là ngẫu nhiên đâu, nhiều khi do con người bất cẩn, cẩu thả, thích làm anh hùng xa lộ … hậu quả không ai lường hết được.
Như vậy, nỗi đau như một điều bất chợt luôn rình rập chúng ta, dù là tự nhiên may rủi hay do chính con người chọn lựa. Vấn nạn “Tại sao?” vẫn là điều nóng bỏng chúng ta cần tìm hiểu.
2. Tại sao Thiên Chúa lại cho phép xảy ra đau khổ?
Là những người có đức tin, chúng ta có thể nhìn vấn nạn “tại sao có đau khổ ?” dưới một khía cạnh khác: Tại sao Thiên Chúa lại cho phép những đau khổ xảy ra như thế ? Nếu Thiên Chúa là Đấng tốt lành và quyền năng, tại sao Ngài lại để một đứa trẻ sơ sinh chết vì bệnh AIDS ngay khi lọt lòng mẹ, sao Ngài không chữa căn bệnh ung thư nơi bà mẹ đang cho con bú, sao Ngài không ngăn chặn cô bé mười mấy tuổi đầu thất vọng đến nỗi tự tử ?… Hay là Thiên Chúa chẳng tốt lành và Ngài cũng chẳng có quyền năng ?
Có lẽ đây không phải là câu hỏi mới mẻ gì, từ ngàn xưa con người đã đặt ra những vấn nạn như thế ! Trong Kinh Thánh Cựu Ước, chúng ta cũng bắt gặp những tư tưởng tương tự như vậy:
“Lạy Chúa, sao Chúa nỡ đứng xa
ngày khốn quẫn, sao Ngài đành ẩn mặt?” (Tv 10,1)
Hoặc:
“Mắt của Ngài thật quá tinh tuyền, không thể chịu được điều gian ác. Ngài không thể nhìn xem cảnh khốn cùng, tại sao Ngài cứ đứng nhìn quân phản bội, sao Ngài lặng thinh, khi kẻ gian ác nuốt chửng người chính trực hơn mình?” (Kha-ba-cúc 1,13)
Và còn nhiều câu chất vấn như thế nữa vang vọng trong Kinh Thánh. Thiên Chúa dường như vẫn lặng thinh không đáp trả? Thiên Chúa thích im lặng!
Vào Thế Kỷ XX, Thiên Chúa dường như bỏ mặc cho sự ác, sự đau khổ hoành hành qua biến cố Shoah đau nhói : Hitler và Đức Quốc Xã đã tiêu diệt hàng ngàn người. Elic Wiesel là nhân chứng sống động về sự kiện này. Khi ấy còn là một thiếu niên, cậu bị Đức Quốc Xã bắt cùng với gia đình và một số người Do Thái ở thị trấn Roma nhỏ bé, tống vào xe chở xúc vật và đưa đến trại tập trung chờ chết. Họ bị bỏ đói, đánh đập đến nỗi mất trí nhớ, may thay Wiesel còn sống sót.
Lục lại những ký ức kinh hoàng của thời niên thiếu, ông kể lại những cách thức dã man bọn Đức Quốc Xã đã hành hình ba tội nhân – hai người đàn ông và một cậu bé. Bọn lính ra lệnh cho các tù nhân khác chăm chú nhìn các nạn nhân đang bị treo cổ, và sau đó đi diễu hành qua những thân thể họ. Wiesel còn nhớ rõ:
“Một dấu hiệu ở đầu trại phát ra, ba chiếc ghế lật nhào. Toàn trại tập trung bao trùm sự im lặng đáng sợ. Ở cuối chân trời hừng đông vừa ló dạng.
… Hai người đàn ông chết trước, lưỡi căng phồng, lè ra, tím ngắt. Người thứ ba vẫn còn động đậy; thì ra cậu bé chưa chết. Quằn quại trên sợi dây thòng lọng cả nửa tiếng sau cậu mới chết được.
Phía sau, tôi nghe một giọng nói đàn ông: ‘Thiên Chúa đâu rồi ?’
Và tôi nghe như có tiếng trả lời cho câu hỏi đau xót đó: ‘Thiên Chúa ở đâu ư ? Ngài đang hiện diện ở đây, Ngài đang bị treo trên cái giá treo cổ đó…’
Đêm ấy, trong bát cháo, tôi thoảng thấy mùi tử thi. Tôi thốt lên giận dữ: ‘Lạy Chúa, Ngài làm trò gì vậy ? Ngài không thấy nỗi đau khổ của đám dân này? Họ đã tin vào Ngài, sao Ngài để họ giận dữ, nổi loạn, thất vọng ? Ngài là Đấng cao cả, là Chúa của vũ trụ mà phải chấp nhận yếu đuối, bị xỉ nhục, và bị giết chết như thế này sao ?”
Qua biến cố Shoah, vấn nạn tại sao Thiên Chúa lại để cho những sự dữ xảy ra, vẫn là điều bí ẩn.
Gần chúng ta hơn, biến cố 11.09.2001 ở Mỹ, Trung Tâm Thương Mại Thế Giới bị khủng bố, hàng ngàn người thiệt mạng; còn ở Việt Nam, ngày 29.10.2002 cuộc hỏa hoạn khủng khiếp xảy ra ở Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế, hàng trăm người thiệt mạng, có người cháy đen không còn có thể nhận diện … Sự dữ và đau khổ vẫn là nỗi ám ảnh con người.
3. Thiên Chúa muốn tôi phải đau khổ?
Cách chung, người ta thường nhìn đau khổ như cách thức Thiên Chúa thử luyện con người. Sự giải thích này đem lại nguồn an ủi nào đó cho những người đang gặp mất mát, tuy nhiên cũng dễ làm cho người ta hiểu Thiên Chúa như một người nhỏ mọn, ích kỷ.
Thiên Chúa của Kinh Thánh, Thiên Chúa của mặc khải, không hề muốn con người phải đau khổ. Thiên Chúa chúc lành cho Abraham, để qua ông một dòng dõi đông đúc ra đời. Thiên Chúa đã cứu Môse, và qua Môse, dân được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập. Thiên Chúa ban lề luật để hướng dẫn dân. Ngài yêu thương mọi người, đặc biệt là những cô nhi, quả phụ. Thế nhưng con người khước từ Thiên Chúa, và như thế con người đau khổ. Các ngôn sứ đã cảnh báo dân về những hành vi xấu xa của họ, những hành vi này tự bản chất sẽ dẫn con người đến khổ đau. Thiên Chúa đã nói qua miệng ngôn sứ Isaia:
“Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ”
(Is 49,15).
Thiên Chúa như người mẹ hiền, chẳng lẽ Người lại gởi đau khổ đến để thử thách chúng ta hay sao ?
Kinh Thánh cho chúng ta thấy dân Israel thường kêu cầu Thiên Chúa khi họ gặp thử thách, gian nan và thậm chí có khi họ còn kêu trách Thiên Chúa nữa. Tuy nhiên, sâu xa họ vẫn nhận thấy rằng Thiên Chúa hằng nâng đỡ, yêu thương và quan phòng họ.
Thánh vịnh 21 là một điển hình. Mở đầu là lời than trách Thiên Chúa:
“Lạy Chúa Con thờ, muôn lạy Chúa
Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?
Dù con thảm thiết kêu gào
Nhưng ơn cứu độ nơi nao xa vời”.
Sau những lời kêu than đó, tác giả lại kêu cầu Thiên Chúa và xin Thiên Chúa cứu độ mình:
“Chúa là sức mạnh con nương
cứu mau, lạy Chúa, xin đừng đứng xa.
Xin cứu mạng khỏi sa lưỡi kiếm
gỡ thân con thoát miệng chó rừng
khỏi nanh sư tử hãi hùng
phận hèn khốn khổ thoát sừng trâu điên.
Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa
cho anh em tất cả được hay
và trong đại hội dân Ngài
con xin dâng tiến một bài tán dương”.
Tác giả Thánh vịnh có thể cảm thấy mình hoang mang, nhưng luôn luôn gắn bó với Thiên Chúa và biết rằng Người luôn yêu thương và đồng hành với mình.
Tóm lại, Thiên Chúa không hề muốn con người phải đau khổ. Đôi khi, chính con người gây đau khổ cho mình, có khi vì những chọn lựa sai lầm của bản thân, có khi phải hứng chịu hậu quả do việc làm của người khác … Thế nhưng, những điều đó xảy ra, không có nghĩa là Thiên Chúa muốn con người phải đau khổ.
4. Đừng đổ lỗi cho Thiên Chúa
Để hiểu được vai trò của Thiên Chúa trong những nỗi đau khổ của con người, có lẽ chúng ta phải xem lại những hiểu biết của mình về Thiên Chúa. Thiên Chúa toàn năng, phải chăng được hiểu là Người điều khiển tất cả mọi việc? Nếu Thiên Chúa toàn năng, tốt lành, điều khiển mọi chuyện, tại sao vẫn xảy ra bao điều bất công, đau khổ? Đây là câu trả lời của một Rabbi Do Thái, Harold Kushner, ông đã quan niệm đau khổ đến từ những chọn lựa luân lý, cũng như đến từ những nguyên nhân tự nhiên khác.
Tại sao người lành phải chịu bao điều đau khổ? Một nguyên nhân lý giải điều này là do con người đôi khi đã sử dụng tự do của mình mà xúc phạm đến người khác. Tự do là điều cao quý Thiên Chúa ban tặng cho con người, nên dù con người có lạm dụng, Người cũng không rút lại tự do đó. Con người tự do đến độ có thể khước từ cả Thiên Chúa ! Do vậy Thiên Chúa chỉ xót thương chứ không ra tay chận đứng tự do của con người (Xc. When bad things happen to good people, tr. 81).
5. Thiên Chúa không can thiệp trực tiếp vào những định luật tự nhiên
Từ khi tạo dựng, Thiên Chúa đã đặt để nơi thiên nhiên những định luật riêng của nó. Mặt trời là phát nhiệt và chiếu sáng ; lửa có khả năng thiêu đốt … Nếu ta quan sát kỹ, dù là một sinh vật nhỏ bé nhất, ta vẫn thấy bên trong đó là một bộ máy tinh vi, Thiên Chúa đã “lập trình” sẵn cho từng loài. Và cứ theo lập trình đó, muôn sự vận hành, Thiên Chúa không trực tiếp can thiệp vào quy luật tốt lành Người đã đặt để đó.
Và như vậy, chúng ta không thể quy trách nhiệm cho Chúa về vụ động đất cả hàng ngàn người vô tội thiệt mạng, về những trận lũ lụt khủng khiếp tàn phá thiên nhiên và con người … Động đất, thiên tai … không phải là hành động nổi khùng của Thiên Chúa. Những điều này xảy ra là do những vận hành của quy luật tự nhiên mà thôi. Thiên Chúa vẫn công bằng, yêu thương, không hề bất công và ruồng bỏ con người. Thiên Chúa vẫn quan tâm đến con người bằng cách cho họ can đảm để vượt qua những gian nan; và có thể qua những khó khăn, lòng người sát lại gần nhau hơn (xc Sđd tr.58-60).
6. Cuối cùng: đau khổ vẫn là một mầu nhiệm
Chúng ta có thể loại Thiên Chúa ra khỏi bức tranh ảm đạm về đau khổ, thế nhưng vấn nạn về đau khổ vẫn còn đó. Vậy đau khổ từ đâu đến?
a. Câu trả lời từ sách Gióp
Chúng ta trở về câu chuyện của Thánh Kinh, sự đau khổ của ông Gióp là một điển hình. Thiên Chúa không trực tiếp trả lời nguyên nhân nào Gióp đau khổ. Không phải Thiên Chúa lẫn tránh, nhưng dường như sứ điệp Kinh Thánh dẫn chúng ta đến điều cao hơn, sâu hơn: chương trình và ý định Thiên Chúa vượt quá giới hạn của con người. Khoảng cách từ con người đến Thiên Chúa là vô biên. Ngay cả những thực tại trần gian, con người còn chưa hiểu hết, huống chi là đòi hiểu chương trình của Thiên Chúa ! Như vậy, vấn nạn sự dữ, đau khổ vẫn còn đó ; đau khổ vẫn là một huyền nhiệm. Câu trả lời cho vấn đề là : con người tích cực, chủ động đón nhận những biến cố xảy ra, và biết mở lòng ra cảm thông hơn với những anh em đồng loại, hơn là cứ khăng khăng tìm hiểu cho được đau khổ là gì.
b. Không phải là tại sao, nhưng là làm gì với biến cố đau khổ
Chúng ta cùng học gương của một nữ tu Dòng Phan-xi-ken, Thea Bowman, một con người nổi bật về nhiều lãnh vực như thuyết trình, ca hát, giảng dạy và giảng thuyết nữa. Số phận nghiệt ngã đã khiến chị phải mang căn bệnh ung thư mãn tính. Điều đáng nói ở đây, thay vì thất vọng, chán nản, thì chị lại luôn vui tươi, yêu đời, và quy tụ quanh mình hàng ngàn người cùng sống linh đạo vui tươi của chị, cùng học cách thức truyền thông vẻ đẹp và sức khoẻ của tinh thần Phi Châu. Trước khi chị qua đời không bao lâu, một phóng viên của tờ báo “Công giáo Mỹ” phỏng vấn chị về vấn đề “tại sao con người phải đau khổ?”. Chị trả lời:
“Tôi cũng không biết nữa. Tại sao lại có chiến tranh ? Tại sao có người nghèo đói? Tại sao có đau khổ ? Có lẽ đó là sự khích lệ cho những ai đang phải phấn đấu để đến gần người khác, để giúp đỡ người khác, để yêu thương người khác, để được chúc lành và tiến triển trên tiến trình thành nhân. Có lẽ đó là sự khích lệ để chúng ta gặp gỡ Đức Giêsu trong thế giới của mình, để nhìn ra công việc của Người, và cảm nhận những đau khổ Người đã chịu.
Tôi biết rằng đau khổ sẽ mở ra cho chúng ta một viễn cảnh mới và giúp chúng ta nhận ra rõ hơn giá trị thực sự của mình. Đau khổ cũng giúp tôi nhận ra rõ những mối tương quan của mình … Có thể đau khổ cũng chặn đứng những bước chân của chúng ta, nhưng lại thúc đẩy chúng ta đương đầu với những thực tại trong chính bản thân và trong môi trường mình sống”.
Từ những cảm nghiệm của chị Thea, những cảm nhận xuất phát từ ranh giới mỏng manh giữa sự sống và sự chết, vấn đề đau khổ thực sự không còn đặt vấn đề là tại sao, mà là chúng ta làm gì với những biến cố đau khổ đó. Cuối cùng, đau khổ cũng không thể giải thích được. Tuy nhiên, khi chúng ta tích cực đối diện với đau khổ, đón nhận và để những đau khổ biến đổi mình thành những con người mẫn cảm, nhân ái hơn, thì đau khổ lại trở thành khí cụ có sức mạnh cứu độ chúng ta.
III. Đức Giêsu, Đấng cứu độ bằng con đường đau khổ
Kitô hữu không lẩn tránh, nhưng đối diện với đau khổ và coi đau khổ như trung tâm của mầu nhiệm vượt qua, mầu nhiệm vượt qua và phục sinh vinh hiển. Người Kitô hữu tin rằng, qua mầu nhiệm này chúng ta được cứu độ, được cứu khỏi tội lỗi và quyền lực của sự dữ, được chung hưởng vinh quang bất diệt.
1. Lòng trắc ẩn của Đức Giêsu
Đức Giêsu không muốn con người phải đau khổ. Trong suốt hành trình thi hành sứ mạng, Người luôn cố gắng đẩy lui mọi đau khổ nơi con người. Đức Giêsu trích dẫn lời ngôn sứ Isaia, và nói cho dân chúng biết, những lời đó nay đã được ứng nghiệm, Người chính là Đấng Thiên Chúa sai đến:
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn.
Người đã sai tôi đi
công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,
cho người mù biết họ được sáng mắt,
trả lại tự do cho người bị áp bức,
công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa.” (Lc 4,18)
Những đau khổ của con người đã đụng chạm đến lòng thương cảm của Đức Giêsu. Người đã chữa lành cho người bi bại tay (Mc 3,5), đã chữa lành cho nhạc mẫu ông Phêrô (Mc 1,30-31), đã cho người phong hủi được sạch (Mc 1,41-42)… Đức Giêsu luôn “chạnh lòng thương” những ai đau khổ. Tình thương luôn đi trước, luôn thắng thế, vượt qua mọi rào cản và có sức giải phóng con người.
Đức Giêsu đã tự đồng hóa mình với những đám lê dân, với những người thấp cổ bé họng, những kẻ đói khát, tù tội, bệnh tật (Mt 25,31-46). Đây là những người đầu tiên được cứu độ, được nghe loan báo Tin Mừng. Đức Giêsu căn dặn các môn đệ: “Dọc đường, anh em hãy rao giảng rằng: Nước trời đã đến gần, anh em hãy chữa lành những người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ” (Mt, 10,7-8).
2. Đức Giêsu luôn đồng hành với chúng ta, ngay cả trong cái chết
Đức Giêsu, cả nhân tính và Thiên tính, đã chia sẻ trọn vẹn kiếp người với chúng ta. Là một con người, Đức Giêsu đã không được miễn thứ cho khỏi cô đơn, sợ hãi, bị từ chối, bị hiểu lầm, chống đối, đau khổ… và cuối cùng là cái chết. Như thế, chẳng có chi của con người còn có thể xa lạ với Người nữa. Đức Giêsu đã đồng hội đồng thuyền với kiếp người trong cõi nhân sinh này.
Nếu như cái chết là chướng kỳ ghê gớm nhất đe dọa con người, thì Đức Giêsu không những đã chọn đi qua cửa chết đó, mà còn chết một cách nhục nhã nữa. Người đã tự do đón nhận cái chết với một tình yêu mãnh liệt. Người không hề lẩn trốn cho dù có sợ hãi, xao xuyến. Trong nỗi cùng cực nhất, con người vẫn gặp được nơi đấy người bạn đồng hành là chính Đức Giêsu.
3. Đời sống mới sau cái chết
Cái chết, đối với Đức Giêsu, không phải là chấm dứt tất cả. Sau khi chịu đóng đinh vào thập giá và nhận lưỡi đòng đâm thấu trái tim, Đức Giêsu cũng chỉ nghỉ yên ba ngày trong lòng đất. Cái chết và sự phục sinh của Người chứa đựng một sự thực cứu độ vĩ đại : những ai chịu đau khổ vì tình yêu sẽ cảm nhận một đời sống mới, một đời sống sung mãn, không phải ở cuộc đời nào khác, mà ngay ở cuộc sống trần gian này. Những ai chết vì tình yêu thì sẽ hiểu được thế nào là cuộc sống vinh quang bất diệt. “Đời sống vĩnh cửu” không phải chỉ là sau cái chết, nhưng chúng ta có thể cảm nhận được ngay ở cuộc sống hôm nay.
Như vậy, ý nghĩa của đau khổ đối với mỗi Kitô hữu là : đau khổ có thể trở thành phương tiện để cứu độ con người. Xuyên qua đau khổ, con người được biến đổi, được thăng hoa , và hoàn trọn nhân cách của mình. Vấn đề còn lại không phải là “Tại sao” chúng ta đau khổ, mà là chúng ta đã đón nhận đau khổ “như thế nào ?”.
Đối với các Kitô hữu, những ai biết liên kết sự đau khổ của mình với sự đau khổ của Đức Giêsu và tin rằng Đức Giêsu luôn ở bên mình trong cả những khoảnh khắc đen tối nhất, thì những nỗi đau khổ có thể biến đổi chính họ thành con người trắc ẩn hơn, sâu sắc hơn. Đối với họ, cái chết đã mất đi nọc độc của nó, và đây chính là “giờ chiến thắng” (1 Cr 15,54).
IV. Biến đổi sự đau khổ
Thành nhân chẳng phải là tiến trình tự nhiên ắt có, mà là hoa trái trổ sinh từ những đau khổ. Thế nhưng, không phải qua đau khổ, ai cũng được thành nhân. Có kẻ đã phải ngậm đắng nuốt cay và đã ngã gục, bởi lẽ, trong đau khổ ấy vắng bóng tình yêu. Hơn nữa, phải chấp nhận đau khổ là một thành phần trong đời sống con người, đơn giản chỉ vì không ai tránh khỏi. Có nhiều người lẩn tránh đau khổ bằng cách vùi đầu vào khói thuốc, vào men rượu, vào ái tình… Cuối cùng nỗi đau lại càng xoáy mòn sâu thêm. Thái độ tích cực có lẽ là đón nhận đau khổ và biến đổi nó, đừng để nó quật ngã mình, đừng đánh mất đi giá trị và định hướng đời mình.
1. Chấp nhận những rủi ro
Rủi ro là điều chẳng ai mong mỏi, nhưng ai có thể từ chối được. Chấp nhận sự may rủi không phải là buông theo số phận, mà là mở ngỏ lối vào và cho phép khổ đau có thể biến đổi chúng ta. Một điều thật nghịch lý : nếu muốn tận hưởng cuộc sống, chúng ta phải biết mở lòng với đau khổ; nếu muốn yêu thương, chúng ta phải chấp nhận mất mát !
Cuộc sống tròn đầy đòi hỏi chúng ta phải biết đón nhận cả những điều không hay đó. Một khi chúng ta chấp nhận đau khổ như cái giá sự hiện hữu của con người, chúng ta cần đặt vấn đền với chính bản thân: “Được rồi, tôi sẽ làm gì với nỗi khổ này đây? Làm thế nào để nỗi khổ này có thể trở thành điều tích cực cho tôi?” Chúng ta không thể kiểm soát được hết những nguyên nhân gây đau khổ, nhưng chúng ta có thể chọn lựa và có trách nhiệm với chính nỗi đau của mình.
2. Lạc quan trong đời sống
Chúng ta thường cảm thấy chán nản, buồn sầu, tiếc nuối khi đối diện với những mất mát: một kế hoạch bị bỏ dở, một mối tương quan thân thiết bị phá vỡ, cái chết của người thân… Để phản kháng lại những khoảng trống đó, người ta thường hay co cụm mình lại hoặc là giận dữ, ê chề, buông xuôi tất cả. Tất cả những thái độ đó đều tiêu cực, phá hủy sự trọn vẹn của đời sống. Cần lạc quan hơn để phát hiện ra than hồng vẫn ủ trong đống tro tàn. Đó là thái độ tích cực mỗi người cần phải có.
Chúng ta không lạc quan ngây thơ mà từ chối hay coi những biến cố đó như không xảy ra hoặc không ảnh hưởng gì tới mình. Thái độ như thế cũng dễ biến ta thành con người hời hợt, vô tình, vô cảm với cuộc sống. Như vậy ta không thể phủ nhận những mất mát, nhưng không để những điều này quật ngã chúng ta.
Thế nhưng, thường khi chúng ta cố tình trốn chạy những nỗi ê chề của mình, chúng ta lẫn trốn người khác, và có khi lẫn trốn cả chính mình nữa. Hãy tập đối diện và đón nhận tất cả như một tiến trình của đời sống, một cuộc sống đích thực.
3. Thừa nhận những mất mát
Phần đông chúng ta hay được dạy: mất mát là điều không có thật, nó chỉ như áng mây trôi qua mà thôi; hoặc cũng chỉ như nhắm mắt nhổ cái răng sâu, thế thôi, chẳng mất mát gì. Nói như thế là không dám đối diện với sự thật. Bố tôi mất, người yêu bỏ tôi… đó là nỗi đau rất thực không thể nào phủ nhận.
Chỉ khi nào tôi dám chấp nhận sự thật về những mất mát đó, lấy khoảng cách với chính những cái đang tác động lên tôi, lúc đó tôi mới có thể cảm thấy được trong nỗi đau vẫn có vị ngọt, và từ đó tôi có thể thanh thản đón nhận. Những nỗi đau cũng có sức mạnh riêng của nó. Những bài học quý giá ở đời, người ta ít khi có được có ở những thành công mà phần lớn là rút ra từ những lần thất bại.
4. Thể hiện những cảm xúc của mình
Những mất mát làm nên những cảm xúc của con người và rất cần được biểu lộ bằng một thứ ngôn ngữ riêng biệt. Nếu những cảm xúc không được biểu tỏ, cứ phải dồn nén, đóng kịch, con người dễ căng thẳng, trầm cảm, bất mãn kinh niên hoặc nổi khùng, bạo lực.
Thiên Chúa tạo dựng con người với những cảm xúc. Nếu chúng ta biết lắng nghe, biểu trở nên “bạn hữu”, và diễn tả những cảm xúc ấy, chúng ta có thể vượt qua được nhiều bế tắc. Chối từ những cảm xúc, cũng là chối từ một phần hiện hữu của mình. Bạn diễn tả cuộc đời mình thế nào, nếu không phải là những việc làm và những cảm xúc? Những nỗi buồn vui, bình tĩnh, nóng giận… không tự nhiên đến rồi đi một cách vô thưởng vô phạt, nhưng làm nên nhân cách của chúng ta. Nếu những điều này không được thể hiện đúng đắn, sẽ biến thành những vô thức đeo đẳng chúng ta mãi.
5. Đừng ngồi yên chờ sung rụng
Sau khi đã đối diện với những nỗi mất mát và tích cực diễn tả những cảm xúc của mình, chúng ta phải tiếp tục lên đường, đừng ngồi yên chờ sung rụng, phải làm một điều gì đó để kiện toàn phần còn lại cuộc đời chúng ta. Nói như thế không có nghĩa là khi đã lên đường, nỗi đau không còn nữa. Đôi khi những nỗi mất mát hằn sâu trong lòng mình, trở thành một phần của ký ức mà ta mãi phải mang theo. Tuy nhiên, những biến cố đó trở nên nhẹ nhàng hơn, cho phép ta vươn mình băng tới, tương lai phía trước vẫn luôn đợi chờ. Hãy đặt ra cho mình những dự phóng và nỗ lực tìm cách thực hiện. Cuộc sống luôn năng động và biến chuyển không ngừng, chúng ta không được phép dừng chân tại chỗ, chỗ đất chân mình đứng hôm qua, hôm nay đã khác rồi; còn chần chừ gì nữa, cuộc sống đang mời ta vươn tới.
Kết luận
Với đề tựa: “Những nỗi đau ngọt ngào”, bạn có thể có cảm giác những lời văn như mơn trớn bạn. Thực ra chẳng có nỗi đau nào tự bản chất nào là ngọt ngào cả. Tất cả mọi nỗi đau đều mang vị đắng. Bởi vậy, chẳng ai tự nhiên thích tìm đau khổ, người ta muốn trốn tránh bao nhiêu có thể. Nhưng điều người ta không tìm vẫn tự dưng mà đến. Bạn đã có kinh nghiệm về sự đau khổ, tôi cũng thế, mà nó như một phần của cuộc đời ta. Dù muốn hay không, chúng ta vẫn phải đối diện. Vấn đề là ta tích cực đón nhận, và tìm ra nơi nỗi đau khổ ấy một ý nghĩa. Qua đau khổ, ta có cơ hội nhận ra điều gì là căn cốt nhất của đời mình. Cũng chính qua đau khổ, ta học được bài học trắc ẩn, cảm thông, để có thể cùng đồng hành bên người khác, cùng khao khát với họ, cùng họ xây dựng một thế giới hòa bình, huynh đệ và công bằng hơn.
Như thế, đau khổ hẳn không hoàn toàn là vô ích, nhưng nó đang thanh luyện ta, và có sức mạnh cứu độ con người. Làm sao chúng nhận được phúc lành ngay trong nỗi sầu đau mất mát ? Làm sao chúng ta bước trọn cuộc đời với những bước siêu vẹo, tập tễnh của phận người ? Khi kinh nhiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa bên đời và thực sự Người đang cùng lầm lũi với chúng ta, thì chúng ta có thể sẽ cảm nhận được những nỗi đau có mang vị ngọt.
-----------------
Thư Mục
· Carl Koch, Creating a Christian Lifestyle, Saint Mary’s Press, USA, 1996
· James B. Nelson, “Body Theology”, John Knõ Pres, 1992
· Elie Ưíêl, “Night”, New York, Bantam Bôks, 1960.
· Anthony de Mello, “The song of the bird”, Garden City, NY. image Books, 1984.