Thứ Năm, 21 tháng 2, 2019

THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 83, THÁNG 02/2019

CHỦ ĐỀ: TÂM LÝ HỌC TÔN GIÁO

LỜI GIỚI THIỆU


Số báo này được dành cho “Tâm lý học tôn giáo”, một bộ môn của các khoa học tôn giáo, nhưng có lẽ còn xa lạ ở Việt Nam, so với các ngành “Lịch sử các tôn giáo”. “Triết học tôn giáo”, “Xã hội học tôn giáo”. Mặt khác, trong các chuyên ngành Tâm lý học, chúng ta thường nghe nói đến tâm lý học trị liệu, tâm lý học lâm sàng, tâm lý học giáo dục, v.v., nhưng có lẽ không có ý niệm gì về tâm lý học tôn giáo, mặc dù dưới phương diện lịch sử, nói được là tâm lý học tôn giáo cùng ra đời với tâm lý học thực nghiệm.

Hẳn nhiên không thể nào trình bày tất cả môn học này trong một số báo. Chúng tôi chỉ giới thiệu vài nét chính, gồm hai phần: phần thứ nhất mang tính lý thuyết cơ bản, phần thứ hai mang tính áp dụng thực hành.

1. Mở đầu là một bài viết của tu sĩ Nguyễn Long Quân giới thiệu Lịch sử Tâm lý học tôn giáo: lịch sử tiến triển (1880-2005), các nguyên lý và truyền thống về mặt phương pháp luận, cùng những mục tiêu cơ bản. Bên cạnh những khác biệt về phương pháp, một khó khăn được đặt ra cho tiếng Việt là câu chuyện từ ngữ: Religion có thể dịch là “tín ngưỡng” hoặc “tôn giáo”. Tâm lý học chú ý đến “tín ngưỡng” (khía cạnh cá nhân) hơn là “tôn giáo” (khía cạnh thể chế, xã hội). Vì thế phải chăng nên gọi là “tâm lý học tín ngưỡng” (hay tâm linh) thì hợp hơn?

2. Kế đó, giáo sư Martin F. Echevarria trình bày đề tài “Tâm lý học và tâm linh”. Trong tiếng Việt, hai từ ngữ “tâm lý” và “tâm linh” đôi khi cũng dễ bị lầm lẫn. Tình trạng cũng xảy ra trong các ngôn ngữ châu Âu, bởi vì khó phân biệt ý nghĩa của các từ ngữ psyche / pneuma (Hy lạp), anima / spiritus (Latinh), âme / esprit (Pháp), soul / spirit (Anh). Tác giả đã cho thấy tính đa dạng của tâm lý học, vì thế không lạ gì và trải qua lịch sử đã có nhiều quan điểm khác nhau khi bàn về tương quan về tâm lý học và tâm linh nói chung và tâm linh Kitô giáo nói riêng.

3. Một khái niệm khác được sử dụng cho Tâm lý học và các thần học tâm linh là “trưởng thành”. Trong bài “Trưởng thành nhân bản – Trưởng thành Kitô hữu”, Anton Avila Blanco cho thấy có nhiều quan niệm về “trưởng thành nhân bản” và sau đó áp dụng vào lãnh vực tôn giáo “trưởng thành tôn giáo” “trưởng thành Kitô hữu”.

4. Phần thứ hai mang tính cách áp dụng. Một lãnh vực áp dụng cụ thể của tâm lý học vào phạm vi tôn giáo là “Tâm lý học mục vụ”. Qua bài viết “Tâm lý học mục vụ: Những khuynh hướng”, một nhóm giảng viên Đại học thánh Bonaventura muốn trình bày tầm quan trọng của tâm lý học trong lãnh vực mục vụ, qua việc điểm qua các tác giả đã nghiên cứu vấn đề, và kế đó trình bày những áp dụng vào một vài khía cạnh tâm bệnh học, truyền thông, sư phạm.

5. Phần lớn độc giả của Thời sự thần học là các linh mục, tu sĩ, chủng sinh. Vì thế chúng tôi muốn chú ý đến việc áp dụng Tâm lý học vào ơn gọi tận hiến, cách riêng là việc đào tạo. Trước hết cha Amadeo Cencini trình bày “Những giá trị và lý tưởng cuộc đời: Sự đóng góp của tâm lý học cho cuộc đào tạo”. Đây là một bài thuyết trình trong khuôn khổ cuộc hội thảo về “Đời sống thánh hiến và tâm lý học” (Vita consacrata e psicologia) do Học viện về đời sống thánh hiến “Claretianum” tổ chức tại Roma ngày 11-14 tháng 12 năm 2012[1]. Tác giả bàn đến sự đóng góp của tâm lý học vào ba lãnh vực: 1/ cổ động ơn gọi; 2/ đào tạo khởi đầu; 3/ đào tạo thường xuyên.

6. Cũng nhân cuộc hội thảo vừa nói, Đức Cha Angelo Vincenzo Zani, tổng thư ký Bộ Giáo dục Công giáo, trình bày đề tài Những chỉ dẫn của Huấn quyền về việc sử dụng tâm lý học của ĐTC Gioan Phaolô II (1992) và hai văn kiện của Bộ Giáo dục Công giáo: Chỉ nam về việc chuẩn bị các nhà đào tạo tại các chủng viện (1993); Những định hướng cho việc sử dụng các chuyên môn về tâm lý học trong việc tiếp nhận và trong việc đào tạo những ứng sinh Linh mục (2008).

7. Bài thuyết trình vừa rồi phần lớn giới thiệu văn kiện của Bộ Giáo dục Công giáo ngày 30 tháng 10 năm 2008 “Những định hướng cho việc sử dụng các chuyên môn về tâm lý học trong việc tiếp nhận và đào tạo ứng sinh Linh mục”. Để làm sáng tỏ vấn đề, nguyên văn của văn kiện được đăng tải ở đây. Tài liệu xác định giới hạn của tâm lý học trong việc phân định ơn gọi vào lúc khởi đầu và trong tiến trình huấn luyện. Các chuyên viên chỉ giữ vai trò hỗ trợ, chứ không có thẩm quyền quyết định. Ngoài ra cần tôn trọng quyền giữ thanh danh và đời sống riêng tư của các ứng sinh.

8. Tâm lý học tôn giáo là một trường hợp điển hình của việc áp dụng “khoa học nhân văn” vào việc nghiên cứu tôn giáo. Tâm lý học tôn giáo là thành phần của môn “khoa học tôn giáo”. Bài cuối cùng của số này trích đăng tham luận của linh mục Phan Tấn Thành cho cuộc Hội thảo “Tôn giáo và Khoa học” tại Đại học Hà Nội tháng 12 năm 2018, với tựa đề : “Tôn giáo và Khoa học. Vài ghi nhận về lối tiếp cận”. Hai danh từ “tôn giáo” và “khoa học” dịch bởi hai từ “religio” và “scientia” gốc Latinh, với nhiều ý nghĩa khác nhau trải qua lịch sử văn minh châu Âu, những vấn đề được đặt ra giữa hai thực thể ấy cũng đa dạng và phức tạp.

Qua bài viết cuối cùng, độc giả nhận thấy rằng nhiều “vấn đề tôn giáo” được đặt ra tại châu Âu một cách khác với bối cảnh lịch sử của nước ta. Thiết tưởng cũng cần ghi nhận điều ấy khi đọc các bài viết về đào tạo ơn gọi (số 4-7), được biết trong khung cảnh các giáo hội Âu Mỹ, với vài đặc điểm hơi khác với Việt Nam.

Để bổ túc cho số báo này, độc giả có thể đọc thêm: “Con người” (số 67, tháng 2/2015); “Khoa học tôn giáo” (số 68, tháng 5/2015).

Trung tâm Học vấn Đa Minh

TRONG SỐ NÀY

LỜI GIỚI THIỆU_7
LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC TÔN GIÁO_Gioan Nguyễn Long Quân_11
TÂM LÝ HỌC VÀ TÂM LINH_Martín F. Echavarría_46
TRƯỞNG THÀNH NHÂN BẢN, TRƯỞNG THÀNH KITÔ HỮU _Antonio Avila Blanco_ 78
TÂM LÝ HỌC MỤC VỤ : NHỮNG KHUYNH HƯỚNG_Nhóm giảng viên ĐH Bonaventura _101
NHỮNG GIÁ TRỊ VÀ LÝ TƯỞNG CUỘC ĐỜI _Amedeo Cencini_ 118
NHỮNG HƯỚNG DẪN CỦA HUẤN QUYỀN VỀ CHUYÊN MÔN CỦA TÂM LÝ HỌC _TGM. Angelo Vincenzo Zani_140
NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG CHO VIỆC SỬ DỤNG CÁC CHUYÊN MÔN VỀ TÂM LÝ HỌC _Bộ Giáo dục Công giáo_ 166
TÔN GIÁO VÀ KHOA HỌC : VÀI GHI NHẬN VỀ LỐI TIẾP CẬN _Phan Tấn Thành_ 191
[1] Được xuất bản thành tập sách: Santiago Gonzalez Silva (ed.), Vita consacrata e psicologia, Ancora Milano 2013.