Tôn giáo-tín ngưỡng
LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC TÔN GIÁO
LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC TÔN GIÁO
Thời sự Thần học - Số 83, tháng 02/2019, tr. 11-45
_Gioan Nguyễn Long Quân, O.P._
Các nhà tâm lý học tôn
giáo muốn biết tôn giáo là gì dưới khía cạnh tâm lý. Công việc của họ là tìm hiểu
cách thức mà niềm tin của một cá nhân hoạt động trong thế giới riêng của người ấy.
Lĩnh vực Tâm lý học tôn giáo (Psychology of
Religion) bao gồm nhiều dạng nghiên cứu vốn có cơ sở lý thuyết sâu rộng, để
lý giải ý nghĩa và mô hình tâm lý của các nội dung, tư tưởng và thực hành tôn giáo
mang tính tập thể và cá nhân. Chắc chắn tiền thân của các cuộc điều tra mang tính
nội tâm và thực nghiệm được tìm thấy trong lĩnh vực tâm lý học tôn giáo, có thể
được nhận thấy trong các bản văn của truyền thống tôn giáo mang tính huyền bí, hiện
sinh, triết học, thần học và thơ ca ở cả Đông phương lẫn Tây phương. Tuy nhiên,
vào cuối thế kỷ XIX, các phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội đã có hệ thống hơn,
và người ta cũng nỗ lực nhiều hơn trong việc tìm hiểu các hiện tượng tôn giáo. Lịch
sử ngành tâm lý học tôn giáo có thể được chia thành ba giai đoạn: giai đoạn 1 từ
năm 1880 đến Đệ nhị thế chiến, giai đoạn 2 từ thời kỳ hậu chiến đến những năm 1960,
và giai đoạn 3 từ năm 1970 đến năm 2005.