Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2018

THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 82, THÁNG 11/2018

CHỦ ĐỀ: CHỨNG NHÂN

LỜI GIỚI THIỆU


Số báo này được phát hành trong khung cảnh của Năm Thánh mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, bắt đầu từ ngày 19 tháng 6 năm 2018 (kỷ niệm ngày phong thánh) đến ngày 24 tháng 11 năm 2018 (Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam). Bên cạnh những việc cử hành, Hội đồng Giám mục còn khuyến khích “chiêm ngắm và học hỏi gương sống đức tin của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam” (….): “Bằng cái chết của mình, Các Thánh Tử Đạo đã làm chứng trước mặt vua chúa, quan quyền và mọi người rằng Nước Trời là “kho tàng chôn giấu trong ruộng” và “ngọc quý vô giá” nên khi tìm được, các ngài sẵn sàng bán tất cả những gì mình có, kể cả mạng sống, để “mua thửa ruộng và ngọc quý đó” (x. Mt 13,44-46). Ngày nay, các Kitô hữu cũng được kêu gọi sống tinh thần hi sinh, từ bỏ theo bậc sống của mình để làm chứng cho Chúa và Tin Mừng Nước Trời”.

Số báo này muốn góp phần vào việc học hỏi ấy qua việc học hỏi các đề tài “chứng nhân – tử đạo – thánh thiện – chân lý”.

I. Chứng nhân và tử đạo


Trong tiếng Việt, “chứng nhân” là người làm chứng, “tử đạo” là chết vì đạo; hai từ ngữ xem ra chẳng có liên hệ gì với nhau. Nhưng trong nguyên gốc Hy Lạp martys (từ đó có các danh từ martyr trong tiếng Latinh, Pháp, Anh) có nghĩa là “người chứng”. Đâu là sự liên hệ giữa hai từ ấy?

1. Trong bài mở đầu Chứng tá trong Kinh Thánh, tu sĩ Nguyễn Quốc Minh Tuấn khởi đầu bằng việc khảo sát ý nghĩa của các từ martys, martyrein, martyria, martyrion khởi đi từ thế giới Hy Lạp cổ điển (những khung cảnh của việc làm chứng, ở pháp đình cũng như ngoài pháp đình), qua Cựu Ước (nổi bật với chiều kích thần học, nghĩa là tương quan với Thiên Chúa), được kéo dài sang Tân Ước (thêm đối tượng là Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô). Trong chiều hướng tiến triển ấy, cũng nên ghi nhận những nét nhấn khác nhau trong Tân Ước, giữa Tin Mừng nhất lãm, các thư Phaolô và đặc biệt là văn phẩm Gioan.

2. Kế đó, trong bài Chứng tá và tử đạo, linh mục Phan Tấn Thành theo dõi lịch sử thần học: từ khi nào từ martyr được dành riêng cho việc tử đạo? Thế rồi một “thần học về sự tử đạo” đã được phát triển, và ảnh hưởng đến những quy luật áp dụng vào thủ tục điều tra các vụ án phong thánh tử đạo. Tuy nhiên, sang đầu thế kỷ XX, một khuynh hướng muốn trở lại với nguồn gốc ban đầu của martyr là chứng tá, và “thần học về chứng tá” đã thành hình kể từ công đồng Vaticanô II.

II. Chứng nhân và thánh thiện


3. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm phong thánh cho 117 vị tử đạo, hẳn có người muốn biết: phong thánh là gì? Trong tâm thức của nhiều người, các “thánh” được đồng hóa với các “siêu nhân, anh hùng”. Tuy nhiên, một cuộc “cách mạng tư tưởng” lớn của công đồng Vaticano II là đạo lý về Lời kêu gọi mọi người nên thánh, được trình bày ở chương V của Hiến chế tín lý về Hội thánh Lumen gentium. Linh mục Fernando Retamal Fuente phân tích nội dung của đạo lý này, được giải thích qua giáo huấn của các giáo hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II. Đề tài này cũng được nhắc lại mới đây trong tông huấn Gaudete et exsultate của Đức thánh cha Phanxicô (19-3-2018)[1].

4. Bản chất của sự thánh thiện Kitô giáo là một, nhưng được thực hành qua nhiều hình thức khác nhau. Trong bài Sự thánh thiện và tiến trình phong thánh trong Giáo hội, linh mục Guido Mazzotta điểm qua năm khuôn mẫu thánh thiện trải qua lịch sử Giáo hội, nơi các khuôn mặt: Stephanô, Antôn và Bêneđictô, Phanxicô Assisi, Inhaxiô Loyola, Têrêsa Lisieux. Trong phần thứ hai, tác giả trình bày thủ tục phong thánh theo giáo luật hiện hành.

5. Trong hàng ngũ các vị thánh được tôn phong, đa số thuộc hàng giáo sĩ và tu sĩ. Các giáo dân chỉ là thiểu số, các đôi hôn nhân lại còn ít hơn. Tuy nhiên, trong bài viết về Các vị thánh trong đời hôn nhân, linh mục Hermut Moll cho thấy rằng vào thời nào cũng có các đôi hôn nhân thánh thiện. Các dữ kiện được dựa trên “Tử-đạo-thư” (Martyrologium). Đây cũng là cơ hội để giới thiệu cuốn sách phụng vụ ít quen biết này.

III. Chứng nhân và chân lý


6. Trong ngôn ngữ thần học, từ “chứng nhân” thường được gắn với “chân lý”, đặc biệt dựa theo Tin Mừng Gioan: Đức Giêsu đến để làm chứng cho chân lý (18,37). Nghe đến đây, tổng trấn Philatô đặt câu hỏi: “Chân lý là gì?” (18,38). Thực ra, chân lý có thể được xét từ nhiều góc độ, chẳng hạn như: bản thể, luận lý, luân lý. Vào thời đại của chúng ta, Heidegger đặt vấn đề một cách khác: thay vì tìm “bản chất của chân lý”, ông đi tìm “chân lý của bản chất”. Chân lý không nằm ở phía chủ thể, nhưng ở phía Tính thể. Dựa theo nguyên ngữ Hy Lạp a-letheia (không ẩn dấu, khai mở), chân lý chính là hiện thể ra khỏi sự ẩn dấu để tỏ bày ra. Trong bài Vấn tính về chân lý trong tư tưởng Martin Heidegger, tiến sĩ Dương Ngọc Dũng dịch bài giảng “Về yếu tính của chân lý” (Vom Wesen der Wahrheit) của Heidegger tại đại học Freiburg năm 1930 và xuất bản năm 1943, kèm theo những lời dẫn nhập và lược giải của tác giả bài viết.

7. Sau cùng, như một tài liệu “thời sự” của thần học, chúng tôi xin đăng văn kiện của Bộ Giáo Lý Đức tin được ban hành ngày 1 tháng Tám vừa qua, Đổi mới số 2267 của Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo liên quan đến án tử hình. Kèm theo là lá thư của Bộ gửi các giám mục giải thích lý do của sự sửa đổi cũng như ý nghĩa của sự tiến triển đạo lý trong Hội thánh.

Những đề tài trong số này có thể được bổ túc bởi những bài đã đăng trong Thời sự Thần học trước đây:

- Tử đạo: Thần học về tử đạo trong giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II, số 54 (tháng 11/2011), tr. 187-219.

- Thánh thiện: Giáo hội thánh thiện và tội lỗi của các thành viên trong Giáo hội – Quan điểm của Jacques Maritain, số 57 (tháng 8/2012), tr. 134-162. - Công đồng Vaticanô II; sự thánh thiện Kitô hữu : thành tựu hay lên đường, số 65 (tháng 8/2014), tr. 93-122.

- Khuôn mẫu thánh thiện: Những khuôn mẫu thánh thiện của Giáo hội Nga, số 78 (tháng 11/2017), tr. 67-89.

- Chân lý: Caritas – Veritas, số 56 (tháng 5/2012), tr.12-35.

Trung tâm Học vấn Đa Minh 

TRONG SỐ NÀY


[1] Xem Thời sự thần học số 80 (tháng 5/2018) trang 191-207.