Thứ Năm, 18 tháng 3, 2021

CHỨNG TÁ TRONG KINH THÁNH

Thời sự Thần học - Số 82, tháng 11/2018, tr. 11-47  

_Tôma Nguyễn Quốc Minh Tuấn, O.P._ 

Dẫn nhập 
I. Khái quát các hạn từ 
1/ Phân tích ngữ pháp. 2/ Chứng tá trong thế giới Hy Lạp cổ đại 
II. Chứng tá trong Cựu Ước 
1/ Chứng tá trong tiếng Hípri. 2/ Chiều kích tôn giáo của chứng tá 
III. Chứng tá trong Tân Ước 
1/ Nhất Lãm. 2/ Phaolô. 3/ Gioan 
Kết luận


Dẫn nhập


Ngày 19/06/2018 vừa qua, Giáo Hội Việt Nam long trọng khai mạc năm thánh kính các thánh Tử Đạo tại Việt Nam. Đây là dịp để “nhắc nhở và và thúc đẩy tất cả chúng ta sống tinh thần tử đạo trong môi trường hiện nay.”[1] Tinh thần đó thể hiện qua việc “hy sinh, từ bỏ theo bậc sống của mình để làm chứng cho Chúa và Tin Mừng Nước Trời.”[2] Như vậy, cách sâu xa, năm thánh sẽ giúp các tín hữu tái khám phá sứ mạng làm chứng cho Chúa Kitô và Tin Mừng Nước Trời, mà trong đó, tử đạo là lời chứng cao cả nhất.

Làm chứng là bản chất, là sứ mạng mang tính sống còn của Hội Thánh, bởi vì Hội Thánh hiện hữu là để loan truyền danh Đức Kitô và Tin Mừng của Người đến cho muôn dân, theo đúng lệnh truyền của Người (x. Mt 28,16–20 ; Mc 16,14–18 ; Lc 24,36–49; Ga 20,19–23 ; Cv 1,6–8). Sứ mạng đó được trao cho các tín hữu qua bí tích Rửa Tội (chức vụ ngôn sứ), và được kiện cường bởi bí tích Thêm Sức. Chính vì vậy, tất cả chúng ta, giáo sĩ hay giáo dân, đều có nhiệm vụ thi hành sứ mạng này. Tuy nhiên, trước hết, vẫn là câu hỏi căn bản : làm chứng là gì ? (Câu hỏi “là gì ?” luôn là câu hỏi nền tảng, vì nếu không có định nghĩa, sẽ không làm được chi cả). Có nhiều câu trả lời, trong đó có cả những câu trả lời mang tính cách huấn quyền vì được chính Công đồng xác định.[3] Dù vậy, tựu trung, theo thiển ý của người viết, những câu trả lời ấy dường như vẫn không đi vào điều căn cốt làm chứng “là gì ?” mà chỉ trả lời theo chiều hướng làm chứng là “làm gì ?” hay làm chứng phải “như thế nào ?”[4] Tuy những câu trả lời cho câu hỏi “làm gì ?” và “như thế nào ?” có giá trị riêng của chúng, thế nhưng, một khi vẫn chưa trả lời được câu hỏi “là gì ?”, chúng ta vẫn chưa thể xác tín được đường hướng đúng đắn để hành động. Thật vậy, theo lẽ thường, khi nói về các vị thánh nói chung, hay các vị Tử Đạo nói riêng, người ta thường kể lại công trạng của các ngài, tức là những gì các ngài nói (rao giảng) và làm (hành động) để làm chứng cho đức tin. Tuy nhiên, làm chứng không hệ tại ở việc nói gì, làm gì hay đi đâu. Nếu chỉ hạn hẹp đóng khung việc làm chứng trong lời rao giảng và những hành động quả cảm thể hiện nhân đức anh hùng, chúng ta rất có nguy cơ đánh đồng hai khái niệm “làm chứng” và “truyền giáo.” Và điều này khá nguy hiểm : các tu sĩ chiêm niệm, hoặc những giáo dân bình thường (vốn ít có cơ hội lên tiếng và đi lại) sẽ bị coi là không làm chứng, vì xem ra suốt đời, những người này chỉ ở yên một chỗ và chẳng nói được lời nào. Xem ra, như cách nói của cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn, O.P. : Sở dĩ các bức tượng của các vị thánh có thể đứng được, là nhờ những chiếc bệ. Và chúng ta thường quên mất, hay không nhìn ra những tầm quan trọng của những chiếc bệ ấy, vốn là nền tảng nâng đỡ đời sống chứng tá, hay nói cách khác, làm nên phẩm chất chứng tá cho các ngài.

Bài viết này là một nỗ lực đi tìm lại ý nghĩa của chiếc bệ nâng đỡ các thánh, thông qua việc cố gắng tìm câu trả lời cho câu hỏi “làm chứng là gì ?” bằng cách khảo sát trong Kinh Thánh những nơi có sự xuất hiện của chứng tá hay quan niệm về hạn từ này.

Xét vì, quan niệm chứng tá được triển khai sâu rộng nhất trong Tân Ước, thế nên, việc khảo sát được thực hiện chủ yếu dựa trên tiếng Hy Lạp và phần Cựu Ước được lấy từ bản Bảy Mươi (LXX).[5]

I. Khái quát các hạn từ


1. Phân tích ngữ pháp


Theo từ điển Theological Dictionary Of The New Testament, hạn từ μάρτυς xuất phát từ gốc động từ *smer, “nhớ lại”.[6] Vì thế, xét nguyên gốc, μάρτυς có nghĩa là người có tri thức về điều gì đó bằng cách nhớ lại, nên có thể nói về điều đó. Với cách hiểu này, μάρτυς có nghĩa là chứng nhân. Tuy nhiên, ngoài nghĩa gốc, vốn mang chiều kích quá khứ do xuất phát từ gốc *smer, μάρτυς cũng mang một ý nghĩa khác có chiều kích tương lai, thể hiện qua việc người ta cũng có thể được mời làm chứng nhân cho một hợp đồng giao kèo, thậm chí các vị thần cũng có thể được cầu khẩn để trở người chứng giám cho một lời thề trọng thể nào đó.

Xét về μαρτυρέω, đây là một động từ xuất hiện từ khoảng thế kỷ V trước công nguyên.[7] Vì được hình thành từ việc ghép hậu tố έω vào các hình thức danh từ và tính từ của μάρτυς, nhằm diễn tả một trạng thái hay một hoạt động riêng biệt, thế nên μαρτυρέω được dùng để chỉ hành động của một chứng nhân, tức là nói ra những gì mà mình biết được về một điều gì đó, hay đứng ra xác nhận để hỗ trợ cho người khác bằng cách đưa ra bằng chứng. Theo chiều kích này, μαρτυρέω có nghĩa là làm chứng, vừa theo nghĩa quá khứ, vừa theo nghĩa tương lai, giống như μάρτυς.

Về hai danh từ thứ cấp μαρτυρία và μαρτύριον, vốn xuất phát từ μάρτυς và μαρτυρέω, hai danh từ này có mối liên hệ khá đặc biệt. Trong khi μαρτυρία diễn tả ý niệm trừu tượng về việc làm chứng, diễn tả cách thức hoạt động của việc làm chứng (bao gồm : suy tư phản tỉnh, hay hồi tưởng, để đưa một trải nghiệm nào đó lên tầng ý thức, rồi sau đó dùng những phát biểu thích hợp mà trình bày cho người khác biết về bản chất của những trải nghiệm đó),[8] thì μαρτύριον, với đuôi -ιον dùng để chỉ những gì cụ thể, mang tính cách đối tượng nhiều hơn, cho nên μαρτύριον có nghĩa là nội dung của việc làm chứng, tức là lời chứng, bằng chứng hay vật chứng. Trong bất kỳ trường hợp nào, μαρτυρία có thể trở thành μαρτύριον, nhưng ngược lại thì không. Mối tương quan giữa μαρτυρία và μαρτύριον cũng giống như “tàu đắm” và “xác tàu”, tàu đắm thì trở thành xác tàu, nhưng xác tàu chưa chắc là do tàu đắm ; hay như “việc tập thể dục” và “bài tập thể dục”, việc tập thể dục thì hiểu là việc thực hiện những bài tập thể dục, nhưng bài tập thể dục thì không thể hiểu là tập thể dục được.

2. Chứng tá trong thế giới Hy Lạp cổ


Trong thế giới Hy Lạp cổ đại, chứng tá là một hạn từ đặc biệt. Về bối cảnh sử dụng, nhìn chung, chứng tá được dùng chủ yếu trong pháp luật và bên ngoài khung cảnh pháp luật, kéo theo đó là hai chiều kích ý nghĩa : pháp lý và lịch sử. Xét vì các dịch giả bản LXX, và thậm chí các tác giả Tân Ước, đã chịu ảnh hưởng rất nhiều từ các chiều kích ý nghĩa này, thế nên, để hiểu được quan niệm về “chứng nhân”, “làm chứng” và “lời chứng” trong Tân Ước, thiết nghĩ, cần khảo sát cách dùng các hạn từ này trong thế giới Hy Lạp cổ đại.

- Trong bối cảnh pháp luật

Trong bối cảnh pháp luật, μάρτυς được dùng để chỉ người có thể dùng lời nói để nói ra kinh nghiệm bản thân về những hành vi mà người ấy tham gia vào, hay những gì đã xảy đến cho người ấy ; về những người và những mối tương quan mà người ấy biết.[9] Trong các buổi kiện tụng, bên nguyên cáo phải hiện diện trước tòa với ít nhất hai nhân chứng (Isaeus, III.19),[10] nhưng trong trường hợp khẩn cấp, nguyên cáo cũng có thể dựa vào lời chứng của những người đang hiện diện (Aristophanes, Clouds, 494–496). Khi xảy ra chuyện các nhân chứng không muốn ra làm chứng, nhưng lời chứng của họ rất cần thiết vì có can hệ đến mạng sống người khác, tòa án sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế, buộc nhân chứng phải hiện diện (Isaeus, IX.18). Nếu không có gì để làm chứng, người đó phải long trọng tuyên bố mình không biết dưới hình thức một lời thề (Aristophanes, Ecclesiazusae, 1026). Nếu nhân chứng cố tình không ra tòa, người đó sẽ bị xử tội (Demosthenes, XLIX.19).

Chỉ có công dân là đàn ông trưởng thành mới đủ tư cách ra làm chứng trước các tòa án Hy Lạp cổ đại. Trong trường hợp bên nguyên cáo không tìm thấy được nhân chứng nào để hỗ trợ, người ấy có thể tự mình đến trước tòa (Isocrates, XXI; Antiphon 1). Đôi lúc, những lời khẳng định kiểu này cũng được chấp nhận (Demosthenes, XLIII. 9–10, 30). Các bằng chứng ở dạng tin đồn hoàn toàn bị cấm (Demosthenes, LVIII.4), trừ trường hợp nhân chứng biết sự việc đó đã chết hoặc không đủ tư cách làm chứng.[11] Bằng không, người làm chứng chỉ được phép nói những gì mà mình biết (Demosthenes, XLVI.6). Phụ nữ không được đứng ra làm nhân chứng. Trẻ vị thành niên cũng vậy, trừ trường hợp các vụ án giết người. Lời chứng của nô lệ cũng không được chấp nhận, trừ trường hợp người nô lệ bị dùng hình, và lời chứng của các bên có liên quan cũng không được chấp nhận.[12] Bên nào không đến tòa theo lệnh triệu tập, hay không đưa ra được lời khai thuyết phục thì coi như là một bằng chứng rõ ràng để tuyên án (Lycurgus, 117; Demosthenes, XXXI.81 ; Lysias VI.24 ; XII.7).[13]

Ở Athen, có cả một đội ngũ các thầy ký lục ghi lời khai chuyên nghiệp giúp cho bên nguyên đơn có được những lời nói khéo léo (giống các luật sư thời nay). Những người này tập trung tấn công vào các sơ hở trong lời khai của các nhân chứng bằng ba cách : (1) cho thấy lời khai của nhân chứng không nhất quán (Demosthenes, XXIV.II.18, 46), (2) chứng minh cách thuyết phục lời khai bị sai (Isocrates, XVIII.53), (3) chỉ ra được những tội mà người làm chứng đã phạm để làm giảm uy tín trong lời khai của người ấy (Demosthenes, LIV.31–37).

Ngoài việc làm chứng trước tòa án, chứng nhân còn có thể là những người chứng kiến các cuộc giao kết hợp đồng. Họ ký tên của mình vào mục μάρτυρες, ngay sau mục συγγραϕὴ κυρία (chủ hợp đồng). Thủ tục chung này thường được tìm thấy trong các hợp đồng mua nô lệ, vay tiền, hay thuê gì đó.[14]

Ý niệm về chứng nhân có thể mở rộng đến cả các vị thần. Cách sử dụng này đã được dùng từ rất sớm. Khi cần ký kết những hiệp ước, giao kèo, công bố các bản thông cáo, chứng từ cam kết, và các lời thề, người ta có thể khẩn cầu các vị thần để làm chứng. Dù không có chứng nhân nào hiện diện, những vị thần toàn tri vẫn có thể đứng ra công chứng cho tính chân thực của lời tuyên bố hay tính xác thực của một hợp đồng. Những ai lấy thần ra làm nhân chứng đều tin tưởng cách chắc chắn rằng, nếu làm sai, nói dối, hay bẻ gãy thỏa thuận, họ sẽ trở thành nạn nhân cho sự trừng phạt của các vị thần thánh.[15] Đây là chiều kích tương lai của chứng tá bởi giá trị của lời chứng sẽ bảo đảm cho công lý trong tương lai.

Tóm lại, chứng tá trong bối cảnh pháp luật đồng nghĩa với việc kể lại hay tường thuật những kinh nghiệm mà bản thân đã trải qua. Đây là chiều kích quá khứ, hay chiều kích lịch sử của chứng tá. Theo đó, μάρτυς nghĩa là người làm chứng trước tòa. Mαρτυρεἴν và μαρτυρία là làm chứng hay việc làm chứng, bao gồm hai loại (1) công chứng (tố tụng dân sự), và (2) tố cáo (tố tụng hình sự). Mαρτύριον là bằng chứng, vật chứng, lời chứng.

- Ngoài bối cảnh pháp luật

Ngoài bối cảnh pháp luật, hạn từ chứng tá vẫn còn một cách sử dụng khác. Trong sách Tu Từ Học, Aristotle đã phân biệt hai loại làm chứng, hay hai loại chứng tá (πίστεις), đó là ἄτεχνοι (chứng tá tự nhiên) và ἔντεχνοι (chứng tá nhân tạo).[16] Trong các chứng tá, Aristotle còn phân biệt thành παλαιοί và πρόσϕατοι (quá khứ và hiện tại). Trong πρόσϕατοι lại phân thành chứng tá về các sự kiện trong quá khứ, và chứng tá về những điều trong tương lai.[17] Điều này cho thấy, làm chứng không chỉ gói gọn trong việc nói ra những kinh nghiệm cá nhân, những tri thức thủ đắc được từ việc chứng kiến một sự việc đã xảy ra, mà còn mang nghĩa trình bày quan điểm, loan báo về một chân lý nào đó mà người làm chứng tin tưởng. Vì thế, nhóm từ trên đây có liên hệ đến những điều, mà tự bản chất, không thể kiểm định bằng phương pháp thực nghiệm. Đối với chiều kích ý nghĩa này, nhóm từ trình bày những điều liên quan đến các vấn đề đạo đức, các giá trị luân lý, hay cách tổng quát, liên quan đến vấn đề quan điểm.[18]

Tác phẩm Apology của Plato là ví dụ điển hình nhất cho chiều kích này của chứng tá. Trong tác phẩm, Plato đã xem sự khó nghèo của thầy Socrates như một bằng chứng chống lại những nghi ngờ cho rằng thầy Socrates dùng triết học để kiếm chác lợi nhuận,[19] qua đó cho thấy, người ta bị thuyết phục bởi hành động đạo đức hơn là lời nói. Vì vậy, nếu như nhóm từ μάρτυς, μαρτυρεἴν, μαρτυρία, μαρτύριον được sử dụng theo chiều kích ý nghĩa trên đây, thì toàn bộ tác phẩm Apology có thể được xem như là một bản tuyên dương dài về đức hạnh của Socrates, xét vì Socrates đã chứng minh được cách hùng hồn về chân lý trong những điều mà ông đã giảng dạy, nhờ tư cách đạo đức của chính mình, được thể hiện không chỉ trong đời sống mà còn qua cái chết. Socrates được vinh danh là vị anh hùng vì đã trung thành làm chứng cho những điều ông tin tưởng mà không màng đến hậu quả.

Nhiều thế kỷ qua đi, chứng tá lại được một triết gia nổi tiếng khác của phái Khắc Kỷ là Epictetus mặc thêm một ý nghĩa khác. Trong Các Bài Giảng (Discourses), Epictetus đã nhấn mạnh về vai trò của các πεπαιδευμένος (những người được đào tạo, học hành) như là những người được các vị thần mời gọi làm chứng cho sự khôn ngoan của triết học. Rời khỏi những hình thức ăn mặc giản dị đến mức khắc khổ bên ngoài, Epictetus giản lược tư tưởng của phái Khắc Kỷ vào trong một công thức, một quan điểm vốn đã có trong tác phẩm Apology của Plato và cũng đang có sức ảnh hưởng rất lớn thời bấy giờ, và nhóm từ μάρτυς, μαρτυρεἴν, μαρτυρία, μαρτύριον cũng được sử dụng theo chiều kích ý nghĩa đó.

Theo Epictetus, một πεπαιδευμένο, một triết gia Khắc Kỷ được học hành và đào tạo đến nơi đến chốn, phải là một chứng tá cho học thuyết của trường phái mình, không chỉ bằng môi miệng, nhưng còn bằng đời sống. Người ấy phải luôn giữ được sự bình an, thanh thản trong tâm hồn khi đối diện với những điều bất hạnh, bị xua đuổi, lưu đày hay bất kỳ tai họa nào rơi xuống trên mình (x. Discourses III.24.110). Người ấy xuất hiện trong tư thế của một μάρτυς được chính các vị thần tuyển chọn để làm chứng cho các vị thần, khi có những kẻ đứng lên tố cáo các vị thần về vấn đề cai quản thế giới (x. Discourses I.29.46). Trong nhiều trường hợp, μάρτυς có thể phải chịu chết (x. Discourses III.26.28), tuy nhiên, hành động hy sinh mạng sống không phải là trọng tâm ý nghĩa của hạn từ μάρτυς mà Epictetus sử dụng.[20] Trọng tâm ý nghĩa của μάρτυς là để chỉ sự tráng kiện của thân xác. Sức khỏe thể xác của vị triết gia Khắc Kỷ chính là chứng tá cho lý tưởng về một lối sống giản dị, thuận theo thiên nhiên, xem thường những lối sống giàu có, xa hoa.[21] Tóm lại, theo Epictetus, nhóm từ μάρτυς, μαρτυρεἴν, μαρτυρία, μαρτύριον được dùng để chỉ sự kiên nhẫn chịu đựng nghịch cảnh, với một niềm tin rằng, mình là người được chọn.

II. Chứng tá trong Cựu Ước


Trên đây là những gì mà thế giới “bên ngoài” hiểu về chứng tá. Vậy thế giới “bên trong”, tức là thế giới của Đức Chúa, thế giới của dân Israel, hiểu về chứng tá như thế nào ? Hay một câu hỏi khác, có sự khác biệt gì giữa chứng tá “bên ngoài” và “bên trong” không, nếu có thì điểm khác biệt đó là gì ? Phần sau đây sẽ cố gắng tìm câu trả lời. Tuy nhiên, vì việc tìm hiểu này được thực hiện trên bản Kinh Thánh LXX, cho nên, thiết nghĩ cũng cần dẫn nhập một chút về việc dịch thuật Kinh Thánh.

Như chúng ta đã biết, bản LXX có thể coi là bản dịch Kinh Thánh đầu tiên nhằm phục vụ trước hết cho người Do Thái ngoại kiều sống ở Alexandria, Ai Cập, vào khoảng thế kỷ III tr.CN, vốn là những người đã không còn sử dụng ngôn ngữ của tổ tiên mình và chỉ còn biết tiếng Hy Lạp. Nhiệm vụ của các dịch giả là phải làm sao chọn ra những từ ngữ thích hợp để chuyển dịch Kinh Thánh Cựu Ước từ tiếng Hípri sang tiếng Hy Lạp, mà vẫn giữ nguyên “thần thái”. Và đây không hề là chuyện dễ dàng (chỉ xét đến tên của những loài chim bị xem là ô uế trong sách Lêvi thôi thì có thể thấy ngay được cơn ác mộng của các dịch giả bản LXX ![22]) Vì vậy, thiết nghĩ, cần phải hết sức thông cảm với những ai làm công tác dịch thuật nói chung, và với các dịch giả bản LXX nói riêng.

Tuy nhiên, sự khó khăn trong dịch thuật lại cũng giả thiết hai điều, (1) các dịch giả phải hiểu biết rất sâu sắc về Kinh Thánh Hípri, và (2) hẳn các vị phải có ý định nào đó khi chọn từ ngữ để dịch. Dẫu nhiều lúc, việc dịch thuật ra như không hợp lý, hay thậm chí dịch sai, nhưng với đức tin Kitô giáo, ta tin rằng, ẩn đằng sau những bất hợp lý và có vẻ sai lầm đó, chính là Chúa Thánh Thần, tác giả của cuốn Kinh Thánh Hípri và đồng thời là tác giả của Kinh Thánh LXX. Có lẽ Người muốn tạo công ăn việc làm cho các nhà nghiên cứu và chú giải Kinh Thánh sau này chăng ?

1. Chứng tá trong tiếng Hípri


Theo thống kê của A Greek-English Lexicon Of The Septuagint, ta thấy sự nổi bật cách đặc biệt của hạn từ μαρτύριον, với trên 290 lần xuất hiện, tiếp đó là μάρτυς xuất hiện 60 lần.[23] Nhìn chung, ý nghĩa và cách sử dụng đa dạng của các hạn từ chứng tá trong thế giới Hy Lạp cổ đại (đã được nghiên cứu trong phần trên) gần như vẫn được giữ lại trong bản LXX.[24]

- Cách dùng của hạn từ μάρτυς

Trong bản LXX, μάρτυς thường được dùng để dịch hạn từ עֵד (‘êḏ, “chứng nhân”[25]) và thường được dùng trong bối cảnh “pháp đình” tức là trong các vụ xử án. Mάρτυς trước hết mang nghĩa chứng tá trong các vụ kiện tụng (Ds 5,13 ; 35,30 ; Đnl 17,6 ; 19,15). Phải có ít nhất hai nhân chứng mới được kết án, và nguyên tắc này trở thành nguyên tắc nền tảng trong lề luật của dân Israel (Ds 35,30 ; Đnl 17,6 ; 19,15). Trong các trường hợp án tử, các nhân chứng rất quan trọng, vì lời chứng của họ có thể lấy đi mạng sống con người. Do đó, việc làm chứng gian là điều bị cấm (Xh 20,16), cũng không được ngả theo đám đông mà làm chứng hại người (Xh 23,2), và ai làm chứng gian sẽ bị nghiêm trị bằng cách chịu bản án của người bị tố cáo (Đnl 19,18–19). Sách Châm Ngôn diễn tả thái độ của Đức Chúa trước những kẻ làm chứng gian : “Có sáu điều làm Đức Chúa gớm ghét, có bảy điều khiến Người ghê tởm : […] kẻ làm chứng gian thốt ra lời dối trá, người gieo xung khắc giữa anh em” (Cn 6,16.19).

Trong bối cảnh “ngoại pháp đình,” tức là không ở trong bối cảnh tòa án, chứng tá là người chứng kiến các hoạt động ký kết giao ước, hiệp định hợp pháp. Ví dụ trong sách Rút 4,9–11, các kỳ mục và dân chúng trở thành nhân chứng cho việc ông Bôát tậu toàn bộ giả sản thuộc về ông Êlimeléc. Tương tự như vậy, ngôn sứ Giêrêmia mua thửa ruộng của Khananên trước sự hiện diện của các nhân chứng (Gr 32,9–12).

Đức Chúa cũng có thể là một chứng tá như trong vụ xét xử ở Ml 3,5 ; cho sự chính trực của ngôn sứ Samuen (1Sm 12,5) ; cho sự vô tội của ông Gióp (G 16,19) ; cho lòng trung thành mà dân Israel dành cho Lề Luật, họ thà chết chứ không vi phạm luật ngày Sabát (1Mcb 2,37) ; cho tâm can, lòng dạ, những lời mà người ta nói ra, vì Đức Chúa là Đấng thấu suốt và nghe thấy mọi sự (Kn 1,6). Khi Đức Chúa xét xử dân, chính dân là chứng tá chống lại họ (Gs 24,22). Bài ca của ông Môsê cũng làm chứng (μαρτυρεἴν) chống lại dân vì đã phản bội Giao Ước (Đnl 31,19.21).

- Cách dùng của hạn từ µαρτυριου

Đối với µαρτυριου mọi sự có vẻ phức tạp hơn rất nhiều. Hạn từ này được sử dụng 250 lần để chuyển ngữ. Mαρτυριου được dùng nhiều nhất để diễn tả hạn từ מוֹעֵד (mō‘êḏ, 100 lần với nghĩa là “thỏa thuận,” “chỉ định”) và hầu như luôn ở trong cụm từ אֹהֶל מוֹעֵד (’ōhel mō‘êḏ )[26]. Một câu hỏi lập tức xuất hiện, và cũng là điều làm cho mọi sự nên phức tạp, đó là, tại sao lại dùng µαρτυριου với nghĩa “bằng chứng,” “chứng cớ,” để dịch mō‘êḏ vốn mang nghĩa “thỏa thuận,” hay “chỉ định,” cụ thể ở Xh 40,2 ?[27] Theo Strathmann lý giải, chuyện này là do các dịch giả cho rằng, có chữ ‘êḏ trong hạn từ mō‘êḏ.[28] Tuy nhiên, liền ngay sau đó, Strathmann cũng cho rằng, việc dùng µαρτυριου để chuyển ngữ xem ra khá máy móc, thường vô lý, thậm chí là sai.[29] Ông dẫn chứng cụ thể ở Mk 7,18 : “Người không giữ mãi cơn giận,” trạng từ “mãi” (לָעַד֙) mà lại dùng µαρτυριου (mang nghĩa một khoảng thời gian cố định, có giới hạn) thì không thể hiểu được, và ông kết luận nguyên nhân là do đọc nhầm לָעַד֙ thành לעֵד (lā·‘êḏ).[30]

Mặc dù trong những ví dụ như St 31,44 (tảng đá tượng trưng cho giao ước giữa ông Giacóp và ông Laban) hay Gs 22,24; 24,27, µαρτυριου được dùng để chỉ một vật kỷ niệm, tuy nhiên, vẫn còn một cách sử dụng khác, mà nhờ tác dụng của bối cảnh, µαρτυριου xích lại gần với ý tưởng gốc của mō‘êḏ. Cách dùng này được chia thành hai nhóm nhỏ : (1) µαρτυριου được hiểu như là “bằng chứng tố cáo” tội lỗi của con người và kéo theo đó là sự trừng phạt [Hs 2,12 (14) và Kn 10,7], (2) µαρτυριου được hiểu như những “lời chứng thực” [Tv 118 (119)]. Trong tác phẩm hậu lưu đày vốn được dán nhãn thuộc truyền thống Đệ Nhị Luật và Khôn ngoan này (có lẽ do lối diễn tả nghiêng mạnh về khuynh hướng cá nhân hóa lòng trung thành với giao ước và lề luật), đặc tính “văn kiện” lùi ra sau đặc tính về “giao ước,” không chỉ theo nghĩa Torah như một lề luật đã được trao ban và cố định, mà còn cách đặc biệt như lời khuyên nhủ (hầu như lúc nào cũng hướng về đối tượng là mỗi cá nhân), những định hướng cho cuộc đời (vốn là những điều các vịnh gia yêu mến) (c. 119), những kỳ công của Thiên Chúa (c. 129) và sự vâng phục trong tự do (các câu 88, 146, 167). Mαρτυριου ở đây, xét như hiện thân và cách diễn tả của giao ước, chính là khí cụ để nhận biết Đức Chúa Giavê.

2. Chiều kích tôn giáo của chứng tá


Đến đây có lẽ đã đủ dữ kiện để trả lời cho hai câu hỏi ở phần đầu trên đây : có một nét khác biệt về chứng tá trong Kinh Thánh Cựu Ước so với cách hiểu và sử dụng của thế giới Hy Lạp cổ đại. Nét khác biệt đó đến từ Đức Chúa của Israel, và chính nét khác biệt này làm nên chiều kích tôn giáo của chứng tá. Hai đoạn trích trong sách ngôn sứ Isaia 43,9–13 và 44,7–11 cho thấy rõ điều này.

- Isaia 43,9–13 và 44,7–11

Trong Is 43,9–13 và 44,7–11, Đức Chúa bày ra trước mắt các dân nước một cuộc phân xử để xem ai mới là Thiên Chúa thật, Đức Chúa hay các thần của dân ngoại. Các dân nước hiện diện trong cuộc phân xử đóng cả hai vai trò, vừa là những người chứng kiến, vừa là những chứng nhân bênh vực cho thần của mình (43,9 ; 44,9). Trong bối cảnh này, chính Đức Chúa cũng bị dân ngoại lên án dù họ sẽ bị thất bại trước Người (44,11), vì các thần của họ chỉ là bùn đất do con người tạo ra ; trong cuộc phân xử, dân ngoại sẽ phải thẹn thùng, xấu hổ (44,9–11).

Đối lại, dân Israel được gọi đến ba lần: “Chính các ngươi là nhân chứng của Ta” (43,10.12 ; 44,8). Thật vậy, trong cuộc phân xử ấy, dân Israel, dân riêng của Thiên Chúa, sẽ là những chứng nhân cho Người. Nền tảng cho lời chứng của họ là những kinh nghiệm trong lịch sử thánh, một lịch sử có Đức Chúa đồng hành, giải thoát, hướng dẫn, một lịch sử qua đó dân nhận ra được lòng trung tín và nhân nghĩa của Người. Đối với các ngôn sứ, lịch sử này là một chuỗi các biến cố và sự kiện có thật. Tuy nhiên, lịch sử ấy không theo kiểu những sự kiện và biến cố có thể được quan sát và khẳng định thông thường. Lịch sử dân thánh phải được quan sát và khẳng định bằng đức tin, bởi vì, “hãy để cho dân này ra đi [làm chứng], dân có mắt mà mù, có tai mà điếc !” (43,8).

Dân Israel sẽ công bố trước toàn thể các dân nước trên trần gian rằng, chỉ có MỘT Đức Chúa DUY NHẤT.[31] Lời chứng của họ là lời chứng mang tính tôn giáo, được trình bày cách dứt khoát, bởi vì lời chứng ấy xuất phát từ một cảm nghiệm sâu sắc bên trong, một xác tín chắc chắn dựa trên nền tảng Lời Chúa, vốn không thể chứng minh được theo cách khoa học. Hiển nhiên là vậy, vì những cảm nghiệm về tình thương, cùng mặc khải của Thiên Chúa, không phải là những đối tượng vật chất có thể được kiểm định bằng các phơng pháp thực nghiệm.

- Lời chứng của các ngôn sứ

Trong bối cảnh này, cuộc đời của các ngôn sứ trở nên những ví dụ điển hình cho chiều kích tôn giáo của chứng tá.

Trước hết là ơn gọi của các ngôn sứ. Ơn gọi này xuất phát từ Thiên Chúa, chính Người tuyển chọn và kêu gọi ai đó trở thành ngôn sứ cho Người. Dù thuộc về nhiều thành phần, tầng lớp khác nhau, nhưng một khi được kêu gọi, vị ngôn sứ luôn được Thiên Chúa ban cho một dấu hiệu và thường được diễn tả bằng kiểu nói : “Có Lời Đức Chúa phán với tôi” (Gr 1,2 ; Ed 1,3 ; Hs 1,1 ; Ge 1,1 ; Gn 1,1 ; Mk 1,1 ; Xp 1,1 ; Kg 1,1 ; Dcr 1,1). Ngoài ra, một số vị còn được thị kiến đặc biệt về vinh quang Thiên Chúa, như Isaia và Êdêkien (Is 6 ; Ed 1). Dù được gọi theo cách nào, nhưng ý tưởng lộ ra ở đây là, Thiên Chúa ban cho các ngôn sứ một nhận thức thâm sâu nào đó qua Lời của Người. Lời này về sau cũng sẽ được chuyển tải cho dân thánh (đây vốn là công việc chính yếu của ngôn sứ), tuy nhiên, Lời được ban trước hết cho các ngôn sứ để Lời ấy thanh luyện các ngài (Is 6,6 ; 49,1–2 ; Ed 17,21 ; Gr 1,4–10), thúc đẩy các ngài ra đi loan báo (Gr 20,9), làm cho các ngài chỉ có thể nói về Lời ấy (1V 22,14), và các ngài có muốn trốn cũng không được (Gn 1,3–4). Như vậy, cũng như dân Israel, các ngôn sứ được ban cho tri thức về Thiên Chúa, và chính tri thức này làm nên thế giá cho lời chứng của các ngài, không chỉ trước đoàn dân tuyển chọn, mà còn các dân ngoại khác.

Bên cạnh vai trò chuyển tải Lời Chúa, các ngôn sứ còn có vai trò đặc biệt là giúp dân luôn trung thành với Giao Ước, để rồi qua đó, giúp gìn giữ hành trình tâm linh mà các bậc tổ tiên từ thời xa xưa đã để lại, vốn cũng chính là một truyền thống mang tính cách làm chứng cho lòng thành tín của Đức Chúa Giavê. Và để hoàn thành vai trò này, các ngôn sứ đã chấp nhận sống kinh nghiệm của dân Israel vốn thường bị bách hại, đau khổ và thử thách. Các ngài chấp nhận để cuộc đời mình thành dấu chỉ cho Giao Ước, dẫu việc làm ấy sẽ khiến các ngài bị xa lánh, cô độc và bấp bênh. Cuộc đời ngôn sứ Giêrêmia là một điển hình tiêu biểu. Trong cuộc đời làm ngôn sứ ấy (kéo dài khoảng 40 năm, qua 5 đời vua), chúng ta bắt gặp một sự mâu thuẫn rõ ràng giữa một bên là tinh thần bất khuất tuyên xưng đức tin, lên án sự phản bội Giao Ước của dân thánh (2,8 ; 7,9 ; 11,13 ; 19,4–5), còn bên kia là những đau khổ, ngã lòng, thậm chí khủng hoảng vì ơn gọi ngôn sứ này (20,7–18). Dầu vậy, chính Lời Chúa được ban cho thuở ban đầu đã là động lực cho Giêrêmia. Phần thưởng dành cho Giêrêmia nói riêng, và các ngôn sứ nói chung, chính là niềm vui khi thi hành thánh ý Thiên Chúa, một niềm vui xuất phát từ niềm hy vọng đặt nơi chính Thiên Chúa. Nhờ niềm vui này mà các ngôn sứ luôn can đảm, vững vàng, và bền chí đến cùng.

Với tính chất đó, chứng tá theo chiều kích tôn giáo của Cựu Ước hoàn toàn khác với chứng tá của phái Khắc Kỷ vốn đã được trình bày ở phần trên. Điểm khác biệt nằm ở chỗ, người theo phái Khắc Kỷ thì dùng “viên thuốc thờ ơ”[32] giúp “miễn nhiễm” với thế sự gian trần đầy giông tố để làm chứng cho các thần của họ, còn dân Israel thì dấn thân vào cuộc trần này với tất cả lòng tin tưởng để làm chứng về sự quan phòng thần thiêng của Thiên Chúa, thậm chí chịu chết.

- Mục đích Thiên Chúa dành cho các chứng nhân của Người

Trở lại với Is 43,10, từ trong Cựu Ước, ta đã có thể biết mục đích của việc Thiên Chúa chọn dân Israel (và cũng là chính chúng ta, các Kitô hữu) làm chứng tá cho Người : “Chính các ngươi là nhân chứng của Ta – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA –, là bề tôi Ta đã tuyển chọn, để các ngươi nhận biết và tin Ta, và hiểu rõ Ta vẫn là Ta.” Mục đích của Thiên Chúa có ba phần : nhận biết, tin tưởng và thấu hiểu. Mục đích này không chỉ là bản chất làm nên chứng tá, mà còn là điều tối cần thiết để được ơn cứu độ. Như vậy, làm chứng trước hết là cho bản thân, để bản thân có được cảm nghiệm sâu xa về tình thương Thiên Chúa, sau đó mới ra đi để loan truyền về cảm nghiệm ấy.

Đến đây, có lẽ đã có thể kết thúc phần tìm hiểu chứng tá trong Cựu Ước. Chỉ xin thêm một vài ghi nhận về việc làm chứng cho đến chết. Trong Do Thái giáo, người ta vẫn dành sự kính trọng đặc biệt cho những người làm chứng đến bằng lòng chịu chết. Điều này thấy rõ trong sách Macabê. Tuy nhiên, cần chú ý rằng, các hạn từ về chứng tá (μάρτυς, μαρτυρεἴν, μαρτυρία, μαρτύριον) vẫn chưa được dùng cho những vị anh hùng đức tin theo loại này.[33] Trong phần phân tích khá chi tiết và cẩn thận của mình, tác giả Norbert Brox đã chứng minh cách thuyết phục rằng, Cựu Ước và Do Thái giáo sau này đã bị loại trừ, không còn được coi là nơi phát sinh nguồn gốc của danh hiệu tử đạo vốn đã được khai triển trong những buổi đầu của bình minh Kitô giáo, đồng thời, không tìm thấy dấu hiệu nào cho thấy có sự tương đồng giữa tử đạo và ngôn sứ.[34]

III. Chứng tá trong Tân Ước


Trước khi đi vào phần này, thiết nghĩ việc liệt kê số lần xuất hiện, và sự phân bố của các hạn từ μάρτυς, μαρτυρεἴν, μαρτυρία, μαρτύριον là điều cần thiết. Để gọn gàng, xin đưa vào các nhóm như bảng sau :
Điều ấn tượng đầu tiên khi nhìn vào bảng trên đó là, chứng tá xuất hiện rất nhiều trong các văn phẩm Gioan, cụ thể, trong số 77 lần xuất hiện thì μαρτυρεἴν xuất hiện đến 47 lần, μαρτυρία 30 lần trên tổng số 37, như vậy, có tất cả 77 lần. Mάρτυς và μαρτύριον xuất hiện khá khiêm tốn trong các sách Tin Mừng (Tin Mừng Gioan không thấy có μάρτυς nào). Tỷ lệ phân bố của μάρτυς và μαρτυρεἴν xem ra khá đều trong sách Công vụ Tông đồ.

Bảng thống kê trên đây không dừng lại ở các con số, nhưng thực sự biểu lộ mức tăng trưởng của chứng tá trong các cộng đoàn Kitô hữu sơ khai, qua đó cho thấy chứng tá là một chiều kích quan trọng, thậm chí mang tính cách sống còn, cho sự phát triển của Giáo Hội, từ một cộng đoàn bé nhỏ ở Giêrusalem trở thành một phong trào mang tính toàn cầu, đồng thời góp phần loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng mà những ai tin vào Danh của Người thì được sự sống đời đời (x. Ga 1,12 ; 17,2 ; Cv 2,21).

Về ý nghĩa và cách sử dụng nhóm hạn từ μάρτυς, μαρτυρεἴν, μαρτυρία, μαρτύριον trong Tân Ước trước hết cần ghi nhận rằng, tất cả đều giống với ý nghĩa và cách sử dụng của thế giới Hy Lạp cổ đại, tức là làm chứng về một sự kiện, một biến cố, hay một chân lý nào đó. Kitô giáo đã đón nhận những ý nghĩa cùng những cách sử dụng ấy và thêm vào đó chiều kích tôn giáo, biến chứng tá, từ hành vi thuần túy pháp lý (làm chứng về sự thật, sự kiện hay biến cố), thuần túy luân lý (làm chứng cho những nội dung đạo đức và chân lý), trở thành hành vi loan báo Tin Mừng, làm chứng cho niềm tin vào Đức Giêsu Kitô ; để rồi tiếp tục được đẩy lên cao nhất, trở thành tử đạo, tức là hành vi hy sinh mạng sống để làm chứng cho đức tin.[35]

Như bảng thống kê trên đây cho thấy, quan niệm về chứng tá xuất hiện nhiều và được khai triển đầy đủ nhất trong các văn phẩm Gioan. Tuy nhiên, chứng tá vẫn xuất hiện trong những phần khác của Tân Ước. Vì vậy, cần rảo qua một chút những nơi mà hạn từ xuất hiện. Tuy nhiên, vì giới hạn bài viết, chỉ xin trình bày ba khối lớn : (1) các thư Phaolô, (2) Tin Mừng Nhất Lãm, và (3) văn phẩm Gioan.

1. Chứng tá trong Nhất Lãm


- Chiều kích pháp lý

Theo tác giả Allison A. Trites nhận xét, chứng tá trong Tin Mừng Nhất Lãm mang đậm chiều kích pháp lý.[36] Quan niệm về chứng tá theo chiều kích pháp lý trước hết được dùng ở Mc 6,11, trong bối cảnh nhóm Mười Hai được sai đi rao giảng (Mc 6,7–13 ; Mt 10,5–15 ; Lc 9,1–6). Trước khi ra đi, các ông được Đức Giêsu chỉ dẫn rằng : “Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.”[37] Theo đó, “giũ bụi chân” là bằng chứng tố cáo những nơi không đón nhận Tin Mừng của Đức Giêsu : những nơi đó sẽ bị coi là vùng đất dân ngoại.[38] Bên cạnh đó, “giũ bụi chân” cũng là lời cảnh báo rằng, các thừa sai đã hoàn thành trách nhiệm của mình, từ giờ trở đi, vùng đất ấy sẽ phải tự gánh lấy hậu quả do hành động khước từ này. Cv 18,6 cho thấy rõ điều đó khi thuật lại việc thánh Phaolô giũ áo và kèm theo lời hết sức nghiêm túc : “Máu các người cứ đổ xuống trên đầu các người ! Phần tôi, tôi vô can ; từ nay trở đi, tôi sẽ đến với người ngoại.” Tác giả Cranfield đúc kết 3 ý nghĩa của chứng tá trong Mc 6,11 như sau : (1) làm chứng về Thiên Chúa, (2) làm chứng về ân sủng của Người, (3) lời cảnh báo về một cuộc phán xét mà Thiên Chúa sẽ dành cho những ai khước từ các sứ giả mà Người sai đến.[39]

Một chỗ khác có lẽ cũng có thể áp dụng quan niệm về chứng tá theo khía cạnh pháp lý đó là Mt 10,32–33 (// Mc 8,38 // Lc 9,26), dù không xuất hiện hạn từ chứng tá :

Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.

Ở đây, ta nhận ra khung cảnh của một buổi xét xử (nơi diễn ra : “trên trời”, thẩm phán : “Cha Thầy”, nhân chứng : “Thầy”, tức là Đức Giêsu). Hạn từ được sử dụng là ὁμολογήσει, nghĩa gốc : tuyên xưng (confess), và ἀρνήσηταί, nghĩa gốc : phủ nhận (deny). Cả hai đều quy chiếu về việc làm chứng, hoặc “trước mặt thiên hạ” – của người môn đệ, hoặc “trước mặt Cha Thầy” – của Đức Giêsu. Như vậy, có một sự lệ thuộc giữa chứng tá của người môn đệ và chứng tá của Đức Giêsu : tùy lời chứng (tuyên xưng hay phủ nhận) của người môn đệ mà sẽ làm phát sinh lời chứng của Đức Giêsu.

- Chiều kích tuyên xưng đức tin

Như những gì phân tích ở trên, có thể thấy, tuy hạn từ chứng tá chỉ xuất hiện vài lần trong Tin Mừng Nhất Lãm và được dùng chủ yếu theo chiều kích pháp lý, thế nhưng cũng làm lộ ra dần chiều kích tuyên xưng đức tin. Tin Mừng Luca sẽ đưa chúng ta đi xa hơn vào trong chiều kích tuyên xưng này, cụ thể ở 24,48 (// Mt 28,16–20 // Mc 16,14–18) : “Chính anh em là chứng nhân về những điều này”. “Những điều này” là những điều gì ? Theo mạch văn thì đó chính là cuộc đời của Đức Giêsu Kitô.

Chứng tá trong Lc 24,48 thoạt tiên ra như vẫn mang chiều kích pháp lý, tức là kể lại những gì mà mình biết và chứng kiến về cuộc đời Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, cuộc đời Người, cách đặc biệt là biến cố chết và phục sinh, lại không phải là một câu chuyện bình thường. Strathmann nhận xét rằng, người ta sẽ không thể làm chứng cho cuộc đời của Đức Giêsu Kitô, nếu ý nghĩa thực sự của cuộc đời ấy không được tỏ lộ và chẳng có gì hấp dẫn, lôi cuốn toát ra từ cuộc đời ấy.[40] Cuộc đời của Đức Giêsu không thể được làm chứng cách thông thường bằng lời chứng của hai hoặc ba người như các sách Luật quy định, nhưng phải bằng đức tin và sau đó là tuyên xưng. Nét đặc biệt của cuộc đời Đức Giêsu Kitô, đối tượng trong lời chứng của các môn đệ, cho thấy cách rõ ràng rằng, chứng tá pháp lý và chứng tá đức tin là hai mặt thống nhất bất khả chia lìa trong việc làm chứng cho Đức Giêsu.

Tuy nhiên, nói vậy thì ra như cuộc đời của Đức Giêsu, cách đặc biệt là biến cố chết và Phục Sinh, không thể chứng minh được bằng chiều kích lịch sử ? Không phải vậy. Về cuộc đời của Đức Giêsu, không ai có thể rõ hơn các môn đệ : Đức Maria và nhóm Mười Hai là những người đã cùng đồng hành với Đức Giêsu ; về biến cố chịu chết và phục sinh, rõ ràng Đức Giêsu đã báo trước cho nhóm Mười Hai, và truyền cho họ làm chứng về những điều này. Ở đây ta thấy chứng tá được sử dụng với cả hai chiều kích : pháp lý và tôn giáo. Như vậy, các Tông đồ vừa là chứng tá lịch sử, vừa là những chứng tá đức tin để thuyết phục những người chống đối, chưa tin vào Kitô giáo. Theo đó, lời chứng của các ngài vừa là việc kể lại lịch sử, vừa việc giải thích ý nghĩa của lịch sử, tức là hành động cứu độ của Thiên Chúa.

Tuy đã bắt đầu xuất hiện chiều kích tôn giáo, hay chiều kích tuyên xưng đức tin, nhưng với Luca, chứng tá chủ yếu vẫn phải dựa trên nền tảng lịch sử (pháp lý), lời chứng có giá trị nhất vẫn là lời chứng của các Tông đồ. Vì các Tông đồ là những người đã từng ở với Đức Giêsu và được Người sai đi, thế nên, những gì các ông rao giảng không chỉ là cuộc đời Đức Giêsu mà còn là ý nghĩa của cuộc đời ấy, qua đó toàn bộ câu chuyện lịch sử cứu độ được sáng lên ý nghĩa. Quật vậy, thánh Luca ghi nhận ở 24,44–46 rằng :

Rồi Người bảo : “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói : “Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại.”

Nội dung lời chứng của các Tông đồ là chứng minh rằng, Đức Giêsu phù hợp với những gì mà Sách Thánh mô tả về Đấng Mêsia. Và điều ấy cũng hoàn toàn thỏa mãn những gì mà Luật định trong Đnl 19,15 ; cũng như trong Ds 35,30 và Đnl 17,6.

2. Chứng tá theo thánh Phaolô


Trong cách sử dụng chứng tá của thánh Phaolô, có một mối liên kết gần gũi với cách sử dụng của bản LXX. Ngài dùng động từ μαρτυρεἴν trong Rm 10,2 ; 2Cr 8,3 ; Gl 4,15 ; Cl 4,13 khi nói về lòng nhiệt thành của người Do Thái và sự săn sóc đầy yêu thương của Hội Thánh. Trong 1Cr 15,15, thánh nhân viết :

Thế ra chúng tôi là những chứng nhân giả của Thiên Chúa, bởi vì đã chống lại Thiên Chúa mà làm chứng rằng Người đã cho Đức Kitô trỗi dậy, trong khi thực sự Người đã không cho Đức Kitô trỗi dậy, nếu quả thật kẻ chết không trỗi dậy.

Ở Rm 3,21, ngài khẳng định : “Sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Môsê. Điều này, sách Luật và các ngôn sứ làm chứng”. Mặt khác, thánh Phaolô chỉ sử dụng danh từ μάρτυς trong Rm 1,9 ; 2Cr 1,23 ; Pl 1,8 và 1Tx 2,5.10 trong bối cảnh ngài xem Thiên Chúa là chứng tá cho những lời nói và việc làm của ngài. Tuy nhiên, xét về mặt thời gian ra đời các văn phẩm Tân Ước, thánh Phaolô có lẽ là người đầu tiên mặc cho danh từ μαρτύριον ý nghĩa mới mang chiều kích tôn giáo.[41] Điều này được thấy trong 1Cr 1,6 : “Thật thế, lời chứng về Đức Kitô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em”. Lời chứng ở đây không còn là chuyện giấy tờ, bằng chứng theo kiểu pháp lý, mắt thấy tai nghe, nhưng được dùng theo nghĩa Tin Mừng, sứ điệp cứu độ đã được công bố nơi Đức Giêsu Kitô, và được các Tông đồ truyền lại.

Như vậy, chứng tá, theo quan niệm của thánh Phaolô, là người tuyên xưng đức tin tông truyền và loan báo sứ điệp của Đức Kitô. Quan niệm này hoàn toàn tách biệt với chứng tá theo chiều kích lịch sử. Xét cho cùng, cách quan niệm mới này là một điều cần thiết cho chính thánh Phaolô cũng như cho chính hoàn cảnh thực tế là thời của các Tông đồ (vốn là những người đã từng được ở cùng Đức Giêsu, được chứng kiến các phép lạ, và được Người giảng dạy) đã dần qua đi. Thật vậy, nếu cứ như cách quan niệm của Luca về chứng tá, thì những gì thánh Phaolô rao giảng về Đức Giêsu Kitô, về cái chết và sự phục sinh của Người, sẽ không có giá trị gì, vì cùng lắm, những kinh nghiệm mà thánh nhân có được chỉ là cảm nghiệm về biến cố ngã ngựa trên đường Đamát mà thôi. Nhờ quan niệm mới này, việc làm chứng vẫn tiếp tục được sống động trong đời sống sứ vụ của Hội Thánh, nội dung của lời chứng vẫn có giá trị nguyên bản nhờ đức tin vào Đức Giêsu Kitô, dưới sự dẫn dắt của Thần Khí Thiên Chúa.

3. Chứng tá trong các văn phẩm Gioan


Trước khi đi vào tìm hiểu quan niệm về chứng tá trong các văn phẩm Gioan, xin đưa ra vài nhận xét khái quát như sau :

(1) Theo như bảng thống kê, ta có thể suy luận rằng, quan niệm về chứng tá trong các văn phẩm của Gioan cũng là một chủ đề thần học quan trọng. Và quả thật như vậy, trái với những nhận định thông thường (xem Tin Mừng Gioan như là mặc khải về Tình Yêu Thiên Chúa), mười hai chương đầu tiên (còn gọi là sách các dấu lạ) thực sự trình bày quang cảnh của một cuộc tranh luận lớn, với cùng thể thức như Is 43,9–13, giữa Đức Giêsu, Thiên Chúa nhập thể, và thế gian, đại diện là dân Israel.[42] Hơn thế nữa, cuộc tranh luận trong mười hai chương đầu này còn đạt tới tầm mức vũ trụ, vì bao gồm cả Thần Khí và thủ lãnh thế gian, tức là ma quỷ và sự dữ. Chính vì vậy, Tin Mừng Gioan thực sự là một mảnh đất tốt để gieo trồng các hạt mầm quan niệm lý tưởng về chứng tá, hầu làm nảy sinh những chứng tá thực thụ, đủ phẩm chất để loan báo Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa.

(2) Tiếp đến, cũng bảng thống kê cho thấy, Gioan chỉ tập trung dùng μαρτυρεἴν và μαρτυρία, trong khi chỉ dùng μάρτυς 5 lần trong sách Khải Huyền, còn μαρτύριον thì hoàn toàn không dùng đến. Điều này hẳn phải có ý tứ thần học. Như đã phân tích ở mục I, cả μαρτυρεἴν và μαρτυρία đều dùng để chỉ hành động, như vậy, có vẻ Gioan muốn nhấn mạnh đến sự kiện và biến cố của việc thông truyền mặc khải của Thiên Chúa trong mọi phương diện, hơn là chuyện ai làm chứng (μάρτυς)[43] và nội dung lời chứng là gì (μαρτύριον).[44]

(3) Theo đó, tuy chiều kích pháp lý vẫn được sử dụng để nói về các việc làm và sự hiện diện trong dòng lịch sử của Đức Giêsu (Ga 15,27 ; 21,24 ; 1Ga 1,2 ; 4,14), vốn là yếu tố nền tảng làm nên phẩm chất của chứng tá đối với Luca, nhưng đối với Gioan, chiều kích ấy cũng chỉ là bước đầu cho việc làm chứng thực thụ, tức là chứng tá về tầm quan trọng của Đức Kitô trong mặc khải của Thiên Chúa, cũng như trong tính xác thực của kinh nghiệm đức tin.[45]

Để hiểu rõ quan niệm về chứng tá của Gioan, thiết nghĩ cần chi tiết hơn một chút, bằng cách duyệt qua cách dùng của μαρτυρεἴν và μαρτυρία.

- Mαρτυρεἴν

Động từ này mang một sắc thái riêng biệt nhờ rất nhiều bản văn nói đến việc làm chứng về Đức Giêsu, tuy nhiên, đó không phải là lời chứng về tính xác thực của cuộc đời Đức Giêsu, dẫu nó được bao hàm và thậm chí nhấn mạnh trong động từ này (Ga 15,27 ; 21,24 ; 1Ga 1,2 ; 4,14). Đó cũng không phải là lời chứng về những biến cố đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng trong hành trình dương thế của Đức Giêsu (nhập thể, chết hay phục sinh). Lời chứng chỉ đơn giản nói về bản tính và tầm quan trọng nơi con người của Đức Giêsu. Vì thế, μαρτυρεἴν thường đi kèm với περὶ (Ga 1,15 ; 5,31–39 ; 8, 13–18 ; 10,25 ; 15,26), với nội dung là để “chứng thực rằng Người [Đức Giêsu] là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1,34), từ đó chứng minh nguồn gốc hằng hữu (Ga 1,15), cũng như sứ mạng cứu độ thần thiêng của Người (1Ga 4,14).

Nếu như Gioan Tẩy Giả là người được Thiên Chúa sai đến để làm chứng về ánh sáng (x. Ga 1,6–7), thì lời chứng đó có nội dung là : Đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, chính là ánh sáng, như Người tự khẳng định về mình ở 8,12[46], ánh sáng đem lại sự sống cho những ai tin (1,7) và đi theo Người (8,12). Vì là Ngôi Lời nhập thể và từ thế giới Thiên Chúa mà đến, nên khi nói về Thiên Chúa, Đức Giêsu làm chứng về những gì Người biết (3,32). Đức Giêsu là chân lý (14,6) nên làm chứng cho chân lý (5,33 ; 18,37) cũng là làm chứng cho Người (3,26) và về Người (5,32). Vì vậy, lời chứng này luôn tuyên bố Đức Giêsu là Đấng cứu độ trần gian (4,42) được Thiên Chúa sai đến cho nhân loại. Lời chứng ấy đã vang lên, và thực sự đang vang lên, qua Sách Thánh (5,39), qua Gioan Tẩy Giả (1,7.15.32.34 ; 3,26 ; 5.33), qua Chúa Cha (5,32.37 ; 8.18), qua các việc làm mà Chúa Cha muốn Đức Giêsu thực hiện (5,36 ; 10,25), qua chính Đức Giêsu thế nên Người cũng chính là đối tượng trong những lời chứng của mình (5,31 ; 8,13.18). Và khi Đức Giêsu không còn hiện diện ở trần gian, sẽ có một lời chứng khác về Đức Giêsu đến từ Chúa Thánh Thần, Đấng là Thần Khí Sự Thật (15,26 ; 1Ga 5,6), cùng những môn đệ (15,27, 1Ga 4,14) mà lời chứng của họ chính là lời tuyên xưng đức tin.

Tóm lại, theo Gioan, μαρτυρεἴν là hành động làm chứng về Đức Kitô theo ba cách : (1) quy chiếu về Người (Gioan Tẩy Giả, Sách Thánh) ; (2) chính Đức Giêsu làm chứng về Người ; (3) lời tuyên xưng của các môn đệ. Như đã trình bày, quan niệm về chứng tá theo Gioan, tuy vẫn mang chiều kích lịch sử như Nhất Lãm (đặc biệt là Luca), thế nhưng, chiều kích này không quan trọng. Với Gioan, điều tạo nên một chứng tá đó là tri thức về δόξα (vinh quang) của Đức Kitô vốn chỉ được tiết lộ cho những ai tin (1Ga 5,9). Vì “ai tin vào Con Thiên Chúa, người đó có lời chứng ấy nơi mình”. Có lẽ theo Gioan, những chứng tá đơn thuần “tai nghe, mắt thấy” sẽ không thể nhận ra δόξα của Đức Kitô.

- Mαρτυρία

Trong các văn phẩm Gioan, μαρτυρία có thể nói là chủ yếu được dùng theo nghĩa tương tự động từ μαρτυρεἴν. Có hai lần μαρτυρία được dùng theo nghĩa chủ động, tích cực (Ga 1,7 : “Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin” và Kh 11,7 : “Khi các ngài đã hoàn thành nhiệm vụ làm chứng, thì Con Thú từ vực thẳm sẽ lên tấn công các ngài, nó sẽ thắng và giết các ngài”). Những chỗ khác, μαρτυρία được dùng theo nghĩa tiêu cực, hay bị động, tức là làm chứng dưới tác động của ai đó hay điều gì đó (lời chứng của Gioan Tẩy Giả ở 1,18 ; Đức Giêsu làm chứng về chính Người ở 3,11.32.33 và 8,13 ; Chúa Cha làm chứng về Đức Giêsu qua những việc mà Người muốn Đức Giêsu thi hành ở 5,32.36). Vì trong tất cả những bản văn này, μαρτυρία không được sử dụng cách đơn thuần theo nghĩa làm chứng mang tính cách lịch sử bên ngoài, nhưng theo nghĩa Tin Mừng, tức là nhờ đức tin mà người ta nhận biết Đức Giêsu, theo đó μαρτυρία mang hẳn ý nghĩa là làm chứng cho Đức Giêsu Kitô. Ở Ga 19,34–35, khi “một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người [Đức Giêsu]. Tức thì, máu cùng nước chảy ra,” biến cố này được nhấn mạnh cách trang trọng : “ὁ ἑωρακὼς μεμαρτύρηκεν, καὶ ἀληθινὴ αὐτοῦ ἐστιν ἡ μαρτυρία” (Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực). Rõ ràng ở đây, việc làm chứng không phải là kể lại một biến cố đáng chú ý : ông Giêsu bị đâm và máu cùng nước chảy ra rất nhiều, mà là công bố về hiệu quả từ cái chết của Đức Kitô : ơn cứu độ cho con người.

Ở 1Ga 5,9–11 cũng vậy, nội dung của μαρτυρία đó là : “Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, và sự sống ấy ở trong Con của Người.” Theo bối cảnh bản văn, lời chứng này của Thiên Chúa dành cho Con Một của Người, là Đức Giêsu Kitô, giống hệt lời chứng của Thần Khí, tức là Chúa Thánh Thần, được nhắc đến trước đó ở câu 6. Với cách diễn đạt đặc biệt ở câu 10a : “Ai tin vào Con Thiên Chúa, người đó có lời chứng ấy nơi mình,” cho thấy μαρτυρία còn được tăng thêm phẩm chất nhờ ơn “Thần Khí linh hứng cho các ngôn sứ”, nhờ đó lời chứng tại đây và ngay lúc này cũng liên quan đến tương lai. Ý tưởng ở đây đó là, vì được đụng chạm đến lời chứng của Đức Giêsu mà người ta trở nên chứng tá cho Người. Lời chứng của Đức Giêsu khiến người ta phải chuyển tiếp lời ấy đi, đồng thời cho thấy rằng, có một sức mạnh tiềm tàng trong μαρτυρία, nhờ đó Thiên Chúa không chỉ đơn thuần ban cho con người tri thức trí tuệ, nhưng còn khiến họ ra đi làm chứng. Mαρτυρία cho con người được chia sẻ lời chứng theo cách ấy, nhưng đồng cũng giúp họ trung kiên chịu đựng đau khổ và bách hại vì Đức Kitô, như đã được ám chỉ ở Kh 6,9. Sở dĩ việc “làm chứng về Đức Kitô” giúp người ta “coi thường tính mạng” và “sẵn sàng chịu chết” (12,11) là vì một lòng tin tưởng rằng, sẽ được “sống lại và hiển trị với Đức Kitô một ngàn năm” (20,4), tức là niềm tin vào chiến thắng cuối cùng của Con Chiên.

Từ ý nghĩa trên đây của μαρτυρία, ta nhận ra được những nguồn gốc đầu tiên của quan niệm về tử đạo (hay tuẫn giáo) sau này : làm chứng cho đức tin đến nỗi bằng lòng chịu chết. Chứng tá bắt đầu mang sắc thái tử đạo. Sắc thái này có lẽ được nhìn thấy trong cách diễn đạt “giữ lời chứng của Đức Giêsu” bởi vì cách diễn đạt này luôn được dùng cho những ai chịu chết, hay luôn xuất hiện trong các tình huống tử đạo của các chứng nhân. Tuy nhiên, dầu đã bắt đầu có sự tiến triển từ chứng tá sang tử đạo, nhưng Gioan vẫn quan niệm rằng, việc xuất hiện hiên ngang trong tư cách là một chứng nhân cho Đức Giêsu mới là điều quan trọng.[47] Theo đó, việc tuẫn giáo không phải là đặc nét làm nên phẩm giá của chứng nhân. Kh 17,6 (“Tôi thấy người đàn bà ấy say máu dân thánh và máu các chứng nhân của Đức Giêsu”[48]) đã khẳng định điều này khi đặt các ἁγίων (các thánh nhân) đi cùng với các μαρτύρων (các chứng nhân) vào cùng một tình huống bị giết chết bởi niềm tin của mình.

Kết luận


Xin được tóm kết ngắn gọn như sau :

1. Trên đây là những cách dùng hạn từ chứng tá qua đó cho thấy quan niệm của Kinh Thánh về việc làm chứng. Để đi đến quan niệm về điều này, đã có một sự tiến triển, từ chiều kích pháp lý, sang chiều kích lịch sử, rồi đến chiều kích tôn giáo. Tuy nhiên, không nên quan niệm chiều kích sau thay thế chiều kích trước, hay chiều kích sau xóa bỏ chiều kích trước. Đúng hơn, mỗi chiều kích đều có giá trị riêng biệt và có tác dụng bổ sung cho nhau.

2. Kitô giáo không phải là huyền thoại, nhưng là điều có thật, là câu chuyện lịch sử đã diễn ra trong dòng thời gian về ơn cứu độ của Thiên Chúa, thế nên giá trị của lời chứng, qua muôn thế hệ, vẫn mãi được bảo toàn, miễn là nội dung của lời chứng luôn đi trong lộ trình tông truyền, và Huấn Quyền của Hội Thánh.

3. Làm chứng, trước tiên, không phải là nói gì, làm gì hay đi đâu, nhưng hệ tại những cảm nghiệm tâm linh về Thiên Chúa, đặc biệt về Đức Giêsu Kitô trong cuộc đời mỗi người. Làm chứng cho Thiên Chúa và cho Đức Giêsu Kitô là trách nhiệm của các Kitô hữu, tuy nhiên, để có thể làm chứng cách đầy đủ và trọn vẹn, cần phải có ý niệm về Người, bởi không ai cho cái mình không có. Phải có Chúa trước, rồi sau đó mới tính đến chuyện đi đâu và làm cách nào để nói về Người.

4. Dầu vậy, cũng cần thận trọng đối với những cảm nghiệm tâm linh sao cho không bị sai lầm. Nếu một người chỉ dựa trên cảm nghiệm cá nhân, mà không biết quay trở về với nguồn mạch những cảm nghiệm, hay không đối chiếu với truyền thống cảm nghiệm tâm linh Kitô giáo, để làm nên lời chứng của mình, thì người ấy sẽ dễ đi lạc.

5. Nguồn mạch cho những cảm nghiệm, đồng thời là nơi ghi lại truyền thống cảm nghiệm tâm linh Kitô giáo, chính là Kinh Thánh. Vì đây là quyển sách chứa đựng Lời Thiên Chúa, được viết lại bằng những cảm nghiệm tâm linh của dân thánh và dưới sự tác động của chính Chúa Thánh Thần ; thế nên, Kinh Thánh là chứng nhân lớn nhất và trung thành nhất, là nơi trình bày đầy đủ nhất về Thiên Chúa. Biết Kinh Thánh là biết về Thiên Chúa và biết về Đức Giêsu Kitô.

Ngày 24/11 tới đây, Giáo Hội Việt Nam sẽ bế mạc năm thánh mừng kính các thánh Tử Đạo tại Việt Nam. Ước mong sao, khi những ngày đại lễ qua đi, tâm tình của những ngày ấy vẫn còn đọng lại nơi chiều sâu tâm linh của mỗi người tín hữu, chứ không tan biến theo những tổ chức hoành tráng bên ngoài. Xin Chúa Thánh Thần, Đấng là nguồn mạch mọi ân sủng, ban cho các Kitô hữu Việt Nam nói riêng, và toàn thể Kitô hữu trên khắp thế giới nói chung, ơn chứng nhân để có thể làm chứng cho Thiên Chúa và cho Đức Giêsu Kitô. AMEN.

Thư mục tham khảo


1. Từ điển

  • Theological Dictionary of The Old Testament. Bt. Gerhard Johannes Botterweck, Helmer Ringgren và Heinz-Josef Fabry. Michigan : William B. Edrdmans Publishing Co., eng-1998 ed..
  • Theological Dictionary of The New Testament. Bt. Gerhard Kittle và Gerhard Friedrich. Michigan : William B. Edrdmans Publishing Co., eng-1998 ed..
  • The New Analytical Greek Lexicon. Bt. Wesley J. Perschbacher. Massachusetts : Hendrickson Publisher, 1990 ed..
  • Diccionario Exegetico Del Nuevo Testamento. Bt. Horst Balz & Gerhard Schneider. Salamanca : Ediciones Sígueme, 1998 ed..

2. Tạp chí

  • Merrill C. Tenney. “Topics from the Gospel of John – Part III : The Meaning of Witness in John”, Bibliotheca Sacra Journal, bt. John F. Walvoord (Dallas : Dallas Theological Seminary, 1975).
_________
[1] x. Thư công bố Năm Thánh kỷ niệm 30 năm ngày tuyên phong hiển thánh của 117 vị Thánh Tử Đạo tại Việt Nam (1988–2018), Huế ngày 01/05/2018, http://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-cong-bo-nam-thanh-ton-vinh-cac-thanh-tu-dao-viet-nam-32379.
[2] x. ibid. số 3.
[3] Chúng ta có thể lần ra những định nghĩa về “việc làm chứng,” hay “chứng tá” trong Lumen Gentium (1964), Gaudium et Spes (1965), Evangelii Nuntiandi (1975), Evangelii Gaudium (2013). Ngoài ra, còn có các thông điệp và sắc lệnh khác liên quan đến việc làm chứng dành riêng cho giáo dân, chẳng hạn, Apostolicam Actuositatem (1965), Christifideles Laici (1988), v.v..
[4] Lẽ dĩ nhiên, đây cũng là điều hợp lý, vì suốt một thời gian dài, Giáo Hội, trong tư thế là một người mẹ cẩn trọng chăm lo bảo vệ cho con cái mình trước những làn gió “độc hại” của thế giới ngoài Kitô giáo, cách đặc biệt sau giai đoạn phát triển của phong trào Cải Cách, đã quá khép kín và ra như đóng khung nơi chính mình.
[5] Tuy là bản dịch, nhưng bản LXX vẫn có giá trị độc lập, bởi được dịch từ rất nhiều dị bản khác nhau, đồng thời mang ý nghĩa thần học nhất định.
[6] Hermann Strathmann, “Martus,” Theological Dictionary Of The New Testament, bt. Gerhard Kittel, bd. Geoffrey W. Bromiley, tập IV (Michigan : William B. Edrdmans Publishing Co., 1998), tr. 475.
[7] L. Coenen, “Martyria,” Dictionary of New Testament Theology, bt. Colin Brown, tập III (Michigan : Zondervan Publishing Co., 1986), tr. 1038.
[8] Hermann Strathmann, ibid..
[9] Ibid., tr. 476.
[10] Điểm này tương đồng với luật trong Cựu Ước (Đnl 17,6 ; 19,15).
[11] Robert J. Bonner và Gertrude Smith, The Administration of Justice from Homer to Aristotle (Chicago : University of Chicago Press, 1931), tr. 134.
[12] Ibid., tr. 223.
[13] Tuy nhiên, nếu tuyên án vì lý do vắng mặt, bên thua có thể khiếu nại xin phúc thẩm. [x. M. H. .Meier, G. F. Schömann, và J. H. Lipsius, Das attische Recht und Rechtsverfahren (Hildesheim: Georg Olms Verlag, 1966), tr. 973]
[14] Trong một vài trường hợp, thủ tục này xuất hiện dưới hình thức một hợp đồng kép với những sáu chứng nhân. Con số sáu chứng nhân cũng là quy định đòi hỏi đối với các chúc thư. Thủ tục pháp lý cho loại giấy tờ này, ngoài chữ ký của sáu chứng nhân, còn đòi hỏi phải có kèm theo những đặc điểm nhận dạng bên ngoài của chứng nhân, bao gồm : những vết sẹo đặc trưng, các vết bớt hay vết chàm, màu tóc, v.v.. [x. M. H. .Meier, G. F. Schömann, và J. H. Lipsius, Das attische Recht und Rechtsverfahren (Hildesheim: Georg Olms Verlag, 1966), tr. 973, trích theo Strathmann, ibid., tr. 476–477]
[15] x. Homer, Iliad., 3,280 ; 7,76 ; 14,274 ; 22,254.
[16] Πίστεις ἄτεχνοι (inartifical proof) là những chứng tá không do con người tạo ra nhưng tự hiện hữu, chẳng hạn : νόμοι (luật), μάρτυρες (bằng chứng), βάσανοι (những lời khai do tra tấn), συνθῇκαι (các hiệp ước, thỏa thuận), ; πίστεις ἔντεχνοι (artificial proof) là những chứng tá đã được sắp xếp, chuẩn bị kỹ càng, bao gồm các yếu tố : ᾖθος (tính cách người nói), πάθος (cảm xúc), λόγος (tư duy lý trí). Μάρτυς hay μαρτύριον đều thuộc về cả hai [x. Rhet., I, 15 ; Hermann Strathmann, ibid., tr. 478 ; Heather M. Gorman, Interweaving Innocence : A Rhetorical Analysis of Luke's Passion Narrative (Cambridge : James Clarke & Co Ltd, 2015), tr. 52)].
[17] Hermann Strathmann, ibid., tr. 478.
[18] Xin dẫn ra đây hai ví dụ cho chiều kích này của chứng tá : (1) Khi nói về tình bạn, triết gia Plutarch, trong De Amicorum Multitudine, 2 (II.93e) đã nói : τὸν μακρὸν καὶ παλαιὸν αἰῶνα μάρτυρα τοῡ λόγου καὶ σύμβουλον λάβωμεν (tình bạn là chứng nhân lâu dài nhất trên thế giới này, là người cố vấn tuyệt vời mà ta nhận được) ; (2) Plato thuật lại việc dân thành Athen lên án chống lại nạn đồng tính của người Sparta trong Leges VIII, 836c : μάρτυρα παραγόμενος τὴν των θηρίων ϕύσιν (bằng chứng đã chỉ ra những con thú hoang dã).
[19] “Eγώ παρέχομαι τὸν μάρτυρα… τὴν πενίαν” : Tôi đưa ra một chứng cứ đủ để cho thấy tôi nói thật… đó là sự khó nghèo của tôi. (x. Plato, Apology Of Socrates, 31c, bd. Thomas G. West trong Plato’s Apology of Socrates: An Interpretation, with a New Translation (New York : Cornell University Press, 1979)
[20] x. A. A. Trites, ibid., tr. 13.
[21] x. Hermann Strathmann, ibid., tr. 481.
[22] Theo người viết, đối với bản LXX, thực sự phải có ơn linh hứng, các dịch giả mới có thể hoàn tất được.
[23] Μαρτυρεἴν (14 lần), μαρτυρία (12 lần). [x. A Greek-English Lexicon Of The Septuagint, bs. Johan Lust, Erik Eynikel và Katrin Hauspie (Stuttgart : Deutsche Bibelgesellschaft, 2003), tr. 779–779)]
[24] x. Hermann Strathmann, ibid., tr. 482–483.
[25] x. Simian-Yofre, “עוד,” Theological Dictionary Of The Old Testament, bt. G. Johannes Botterweck, Helmer Ringgren và Heinz-Josef Fabry, bd. David E. Green và Douglas W. Stott, tập X (Michigan : William B. Eerdmans Publishing Co., 1999), tr. 500.
[26] Tiếng Hy Lạp là ἡ σκηνὴ τοῡ µαρτυριου, nhóm Phụng Vụ Giờ Kinh dịch là Lều Hội Ngộ.
[27] Xh 40,26, : “Ngươi sẽ xức dầu Lều Hội Ngộ và Hòm Bia Chứng Ước,” trong bản Hípri, Lều Hội Ngộ là אֹ֣הֶל מוֹעֵ֑ד (’ōhel mōw‘êḏ), Hòm Bia Chứng Ước là אֲר֥וֹן הָעֵדֻֽת׃ (’ărōwn hā‘êḏuṯ) ; trong khi bản LXX dùng một chữ μαρτύριον cho cả hai : και χρισεισ εξ αυτου την σκηνην του µαρτυριου και την κιβωτον του µαρτυριου.
[28] x. Hermann Strathmann, ibid., tr. 482. L. Coenen thì cho rằng, các dịch giả cố tình chuyển ngữ như vậy là để con cái Israel đang bị phân tán ở khắp nơi mỗi lần nghe được âm vọng của µαρτυριου thì lập tức sẽ nhớ lại ’ōhel mō‘êḏ (Lều Hội Ngộ), nơi mà Thiên Chúa gặp gỡ dân riêng của Người, nơi mà Thiên Chúa đã vì yêu thương mà ký kết Giao Ước “Thuộc Về Nhau” với dân Israel (x. L.Coenen, ibid., tr. 1040).
Về điểm này, vẫn còn một cách lý giải khác liên quan đến thần học về Giao Ước. Trong Giao Ước của Kinh Thánh Hípri, Đức Chúa thường đóng vai trò là thẩm phán, và là người ký kết, và có thể là người làm chứng (vì trong một vài bản văn, người làm chứng thường được nhân hóa từ các hiện tượng thiên nhiên, như trời đất, sông ngòi, núi đá Đnl 32,1 ; Mk 6,1 ; Is 1,2). Mỗi khi cần xét xử tội vi phạm Giao Ước, dân thường bị ông Môsê gọi đến trước Nhan Đức Chúa ở Lều Hội Ngộ để bị xét xử. Lều Hội Ngộ trở thành nơi xét xử là vì nơi đó đặt Hòm Bia Chứng Ước, ở trong có chứa hai bia đá khắc các Lề Luật của Giao Ước giữa Đức Chúa và dân. Chính vì vậy, nơi Hội Ngộ, cũng là nơi Làm Chứng.
[29] x. Strathmann, ibid., tr. 482.
[30] Tuy nhiên, có lúc việc đọc nhầm lại thành ra đúng : nếu ở Mk 7,18, đọc nhầm nên dịch sai, thì ở Xp 3,8, đọc nhầm nhưng lại dịch đúng (như vậy, lỗi là do mấy ông Ký Lục ngủ gục !).
[31] Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, “truyền giáo” không phải là điều hiển nhiên đối với dân thánh trong Cựu Ước. Hình ảnh ngôn sứ Giôna một mực từ chối không đi cảnh cáo dân thành Ninivê cho thấy dân thánh khá “lười biếng” trong việc truyền giáo. Với Israel, nếu ai muốn biết về Đức Chúa của họ, người đó phải lên đường đến “núi đền thờ Chúa tại Xion” (Mk 4,2) để được nghe Israel nói cho biết về Người. Đây có thể coi là chiều kích “đi vào,” một phương pháp truyền giáo của Israel thưở xưa. [x. Donatella Scaiola, Servire il Signore : linee di una teologia biblica della missione nell'Antico Testamento (Roma : Urbaniana University Press, 2008), tr. XVII]
[32] x. Strathmann, ibid., tr. 484.
[33] x. strathmann, ibid., tr. 487
[34] x. Norbert Brox, Zeuge und Märtyrer (Kempten : Kösel-Verlag GmbH & Co., 1961), tr. 172, trích theo L. Coenen, ibid., tr. 1042.
[35] Việc chứng tá trở thành tử đạo có lẽ bắt đầu từ thế kỷ II, với bản tường thuật cuộc tử đạo của thánh Polycarpô (Martyrium Polycarpi, năm 155), từ đó xuất hiện hai cấp độ chứng tá tương ứng với hai danh xưng : Martyres (tuẫn giáo) và Confessores (tuyên tín).
[36] x. A. A. Trites, “The Idea of Witness in the Synoptic Gospels,” truy cập 30/09/2018, https://biblicalstudies.-org.uk/pdf/ifes/5-3_trites.pdf.
[37] Việc dùng động từ “tỏ ý phản đối” [PDCGKPV, Kinh Thánh 2011 (Hà Nội : NXB Tôn Giáo (2011)] làm mất hạn từ chứng tá trong nguyên bản. Hy Lạp : “Kαὶ ὃς ἂν τόπος μὴ δέξηται ὑμᾶς μηδὲ ἀκούσωσιν ὑμῶν, ἐκπορευόμενοι ἐκεῖθεν ἐκτινάξατε τὸν χοῦν τὸν ὑποκάτω τῶν ποδῶν ὑμῶν εἰς μαρτύριον αὐτοῖς.” La Bible de Jerusalem dùng “témoignage contre eux”, bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn (SG : Dòng Chúa Cứu Thế, 1976) và bản dịch của cha An Sơn Vị (SG, 1992) đều giữ được nguyên tác.
[38] Việc giải thích này dựa trên ánh sáng của Is 52,2 : khi được giải thoát để trở về quê hương xứ sở, dân Israel giũ bỏ tất cả những gì thuộc về dân ngoại, ngay cả bụi của vùng đất ấy cũng không cho dính đến mình.
[39] x. C. E. B. Cranfield, The Gospel according to Saint Mark: An Introduction and Commentary (Cambridge : Cambridge University Press, 1959), tr. 76.
[40] x. Strathmann, ibid., tr. 492.
[41] x. L.Coenen, ibid., tr. 1043. Tuy nhiên, ở đây, chúng ta không nên tự kết luận rằng, thánh Phaolô là tác giả của chiều kích ý nghĩa đức tin của chứng tá, theo đó các sách Tin Mừng về sau sẽ vay mượn ý tưởng này. Cần nhớ rằng, đức tin của thánh nhân được hình thành qua biến cố ngã ngựa trên đường Đamát (Cv 9,1–19) và lời chứng của các Tông đồ (Cv 9,10–17). Chính thánh nhân của nhìn nhận điều này ở 1Cr 2,1.
[42] x. A. A. Trites, ‘The Witness Theme in the Gospel of John,’ Present Truth Magazine, số 42, http://www.present-truthmag.com/archive/XLII/42-2.htm, truy cập 10/9/2018.
[43] Dẫu vậy, trong Tin Mừng của mình, Gioan vẫn chỉ ra một vài μάρτυς, tất cả nằm gọn trong cuộc tranh luận lớn lao ở chương 5 : Chúa Cha (5,20–27 ; 12.28), Gioan Tẩy Giả (5,33–35), những hành động và việc làm của Đức Giêsu (5,36 ; 9,32–33), Sách Thánh (5,39), chính Người (5,31 ; 6,14). Ngoài ra, còn có Chúa Thánh Thần (15,26) và các môn đệ (15,27). [x. Merrill C. Tenney, ‘Topics from the Gospel of John – Partk III : The Meaning of Witness in John,’ Bibliotheca Sacra Journal, số 132 (07/1975) : tr. 229–241].
[44] x. L. Coenen, ibid., tr. 1044.
[45] x. Merrill C. Tenney, ibid., tr. 229–230.
[46] Một vấn đề mang tính pháp lý nổi lên ở đây : việc Đức Giêsu tự làm chứng về mình là điều không hợp luật (Ds 35,30 ; Đnl 17,6). Tuy nhiên ở đây, Gioan cho thấy rằng, lời chứng theo nghĩa pháp lý của trần gian không là gì so với lời chứng đến từ Thiên Chúa, vì Đức Giêsu chính là Lời của Người (8,14). [x. Francis J. Moloney, ‘The Gospel of John,’ Sacra Pagina, bt. Daniel J. Harrington, tập IV (Minnesota : The Liturgical Press, 1998), tr. 266].
[47] x. L. Coenen, ibid., tr. 1047.
[48] Hạn từ “dân thánh” ở đây nguyên gốc Hy Lạp là ἁγίων nghĩa là các thánh nhân. Cần xác định như vậy là vì khi nói “dân thánh” có thể hiểu là đoàn dân Thiên Chúa cách thông thường, chứ không phải là các bậc đã được đưa vào canon, tức là những vị nên thánh không bằng máu đỏ.