Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 7, THÁNG 3/1997

CHỦ ĐỀ: THẦN HỌC VỀ ĐỨC KITÔ

LỜI GIỚI THIỆU


Thiên Chúa vốn là một vị Thiên Chúa ẩn giấu. Vâng, Người ẩn giấu chứ Ngài không vắng mặt. Người vẫn hiện diện tại đây, ngay lúc này (hic et nunc). Người ta đã hao tốn biết bao giấy mực để cố khám phá vị Thiên Chúa ẩn giấu này. Gần 2000 năm lịch sử trước Chúa Giáng sinh, người ta mặc sức hình dung Người với những dung mạo khác nhau. Với Abraham, Người không có tên; Người là “sự sợ hãi của Isaac” (St 31,42), là “Đấng Tối cao của Giacop” (St 49,24), là “Người Tôi trung đau khổ của Isaia” (Is 49-52)… Nhưng nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người gần gũi hơn, thân quen hơn, Đức Giêsu Kitô là Người nhà của nhân loại. Từ ngày Nhập thể, Đức Giêsu vẫn cứ là một thắc mắc, một tra vấn lớn cho các nhà thần học. Ngài là ai?

Thời sự Thần học số này ra mắt bạn đọc vào dịp Mùa Chay và Phục sinh 1997, xin được chiêm ngắm 18 chân dung của Đức Giêsu (Những bức chân dung của Đức Giêsu Kitô trải qua 20 thế kỷ). Hơn thế nữa, Thập giá và Phục sinh là đỉnh cao cuộc đời Người, là trung tâm của Kitô học. Khởi đi từ Kinh thánh đến các suy tư của các Giáo phụ; Thần học về Thập giá soi sáng ý nghĩa của đau khổ trong Kitô giáo. Sau cùng, Thời sự Thần học xin trình bày một cuộc tranh luận liên quan tới sự Phục sinh của con người như hệ luận của biến cố Đức Giêsu Phục sinh. “Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cr 15,14). 

Thời sự Thần học xin kính chúc quý độc giả một Mùa Chay thánh thiện và một Mùa Phục sinh vui tươi.

Thân kính, 

Thời sự Thần học 

TRONG SỐ NÀY


Thần học về Đức Kitô 
Hội nhập Văn hóa 
Sinh hoạt Giáo hội 
  • Hội nghị Giáo dân vùng Đông Á lần IV 
  • Sứ điệp của Hội nghị Giáo dân vùng Đông Á lần IV 
  • Năm Thánh