Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

NHỮNG SUY TƯ CỦA CÁC GIÁO PHỤ VÀ CÁC NHÀ THẦN HỌC VỀ THẬP GIÁ

Thời sự Thần học – Số 7 – Tháng 3.1997, tr. 45- 54 

I. Thập giá trong Thần học Cổ điển 

Kinh thánh gắn liền Thập giá với ơn cứu rỗi của nhân loại. Có những lời tuyên xưng đức tin về ý nghĩa của cái chết cảu Đức Kitô: tuy không mắc tội tình gì nhưng Ngài đã phải chết trên Thập giá; thế nhưng, đó không phải là cái chết oan uổng, bởi vì theo 1 Cr 15,3: Đức Kitô đã chết vì tội chúng ta, theo như lời Sách thánh. Công thức còn được thánh Phaolô lặp lại ở nhiều nơi khác nữa, thí dụ như: 1 Tx 5,9; 2 Cr 5,14-21; Rm 4,25. Những lời tuyên bố khi thiết lập bí tích Thánh Thể cũng cho thấy rằng máu của Đức Kitô được đổ ra “để mang lại ơn tha thứ tội lỗi cho muôn người” (Mt 26,28; xc. Mc 14,24; Lc 22,20). Ngoài ơn tha thứ tội lỗi, thánh Phaolô cũng còn nêu bật rất nhiều hồng ân khác như hiệu quả của Thập giá, thí dụ như: ơn trở thành công chính, ơn cứu chuộc, sự bình an hòa giải (Rm 3,24; Cl 1,20).

Các giáo phụ và các nhà thần học thời Trung cổ đã đặt câu hỏi về ý nghĩa cái chết của Đức Giêsu đối với chúng ta: tại sao Tân ước lại quả quyết Đức Kitô chết vì chúng tàm thế nào mà cái chết của Đức Kitô trên Thập giá có sức mang lại ơn cứu độ cho chúng ta? Đây là vấn đề mà trong qua khứ quen được bàn trong thiên về công hiệu cứu chuộc của Thập giá, nhưng gần đây đã bị xét lại vì muốn tìm lối giải thích hợp với tư tưởng Kinh thánh hơn.

Để trả lời cho câu hỏi về mối liên hệ giữa cái chết của Đức Giêsu trên Thập giá với ơn cứu chuộc ban cho nhân loại, các giáo phụ và nhà thần học đưa ra nhiều lời giải thích khác nhau, tóm lược vào 3 khuynh hướng chính: mẫu gương; giá chuộc; hy lễ. 

1/ Dựa trên đoạn văn Phúc âm theo thánh Gioan 19.37 (Họ sẽ nhìn thấy kẻ họ đâm thâu), các giáo phụ tiên khởi cho rằng thập giá là mặc khải của Thiên Chúa, giống như ánh sáng chiếu tỏa ra giữa đêm tối. Vài giáo phụ khác, khi chú giải đoạn văn 1 Pr 2,21 (Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một mẫu gương cho anh em dõi bước theo Ngài), đã nêu bật giá trị của Thập giá ở chỗ nó là bài học, tấm gương và chứng tá. Dù sao chúng ta cũng đừng nên quên rằng từ thánh Irênêo, các giáo phụ đã coi sự cứu độ được ban cho nhân loại không phải chỉ nguyên từ Thập giá nhưng mà ngay từ lúc Đức Kitô nhập thể, khi Thiên Chúa kết hợp với nhân tính để chữa trị và thánh hóa nó. Nói khác đi, toàn thể cuộc đời Đức Kitô (từ khi nhập thể, giáng trần, trong thời ẩn dật tại Nadaret lẫn những loiừ nói việc làm trong khi hoạt động công khai) đều trở nên mầu nhiệm cứu độ. 

2/ Một số giáo phụ giải thích ơn cứu độ do Thập giá mang lại theo chiều hướng chuộc lại, nghĩa là giải thoát con người khỏi quyền lực tội lỗi. Thập giá là nơi diễn ra cuộc giao tranh giữa Đức Giêsu với các lực lượng của sự dữ và sự chết. Trước đây, trong vườn đại đàng, vì một cây mà con người bị làm nô lệ cho ma quỷ; giờ đây, nhờ cây Thập giá, Thiên Chúa qua Đức Giêsu đã đến trợ giúp con người trong cuộc giao tranh và chiến thắng. Thực ra tư tưởng “chuộc lại” đã gặp thấy trong Tân ước, thí dụ như thánh Phaolô ví Thiên Chúa như một ân nhân đã bỏ một số tiền ra để chuộc một nô lệ. Tân ước dùng hình ảnh đó để mô tả việc con người được giải thoát khỏi cảnh nô lệ. Tân ước dùng hình ảnh đó để mô tả việc con người được giải thoát khỏi cảnh nô lệ của lề luật cũn, của cái chết và tội lỗi nhờ cái chết của Đức Giêsu (Gl 3,13; 4,4; 2 Cr 5,21; Cl 2,14; một cách tương tự như vậy: Tt 2,14; 1 Pr 1,18). Tuy nhiên đó chỉ là một hình ảnh loại suy, khi mà sự dữ và cái chết được nhân cách hóa như những ông chủ đang xiềng xích con người. Tư tưởng chính mà Phaolô muốn nói là: con người được giải thoát khỏi tội lỗi và cái chết và được trở về sống trong ơn nghĩa Chúa. Phaolô không đề cập tới cái gí phải trả để chuộc lại. Thế nhưng về sau, các giáo phụ và các nhà thần học lại giải thích theo từ ngữ pháp lý: vì tội lỗi mà con người phải làm nô lệ của ma quỷ; cho nên Đức Kitô phải nộp mình chết thay cho con người để chuộc nó lại. Cái chết của Đức Kitô trở nên giá chuộc tội. Tuy cùng dùng một từ ngữ “chuộc lại”, nhưng ý nghĩa của nó nơi thần học kinh viện không hoàn toàn trung thực với ý nghĩa của Tân ước nữa. 

3/ Một chiều hướng khác thì dựa vào tư tưởng hy lễ (hiến tế) đã được Kinh thánh nói tới, nhất là “hy lễ xá tội” ở trong thư gửi Hi bá chương 9 và 10. Hy lễ được giải thích như là một hồng ân mà Thiên Chúa ban cho con người qua Con của mình để nhờ đó con người có thể hiến dâng cho Thiên Chúa hy lễ thiêng liêng. Việc con người hiến dâng mạng sống mình cho tha nhân thì cũng giống như việc Đức Giêsu đã hiến mình làm hy lễ vâng phục và yêu mến lên Chúa Cha vậy (Ep 5,2). Mặt khác, tác giả của thư gửi Hi bá cũng nhấn mạnh rằng hy lễ của Đức Kitô hoàn toàn khác với các hy lễ trước đó, bởi vì giá trị cảu nó không phải là máu me sát tế đó ra, nhưng là tinh thần vâng phục (Dt 5,8; 10,1). Các giáo phụ cũng không ngừng lặp đi lặp lại rằng Thiên Chúa không cần tới hy lễ; nếu Chúa luốn hy lễ thì chỉ là vì loài người mà thôi. Đó là đạo lý của các giáo phụ được thánh Augustinô diễn tả trong De civitate Dei X, 5-20. Tiếc rằng kể từ thánh Anselmô, hy lễ xá tội được giải thích hoàn toàn theo phạm trù triết học và pháp lý, hơn là dựa trên đạo lý của toàn bộ Kinh thánh. Theo lập luận này, Thiên Chúa nhân hậu muốn tha tội cho con người, nhưng đồng thời cũng cần phải tôn trọng sự công bằng nữa. Tội lỗi đã gây ra sự xáo trộn trật tự, làm xúc phạm đến Thiên Chúa công thẳng vô cùng; vì thế mà cần phải có Con Thiên Chúa mới có khả năng dâng lên hy lễ của chính mạng sống mình (có giá trị vô cùng) thì mới có thể khôi phục lại trật tự. Từ đó Thập giá được giải thích theo chiều hướng là hy lễ sát tế đền bồi phép công thẳng của Chúa (Đức Kitô đền tội thay cho chúng ta, hứng lấy tất cả những hình phạt mà chúng ta đang phải chịu: substitutio, ẽpiatio); còn chiều kích tình yêu trao hiến, vâng phục không được nêu bật. 

by Matthias Grunewald,
Isenheim Altarpiece c 1515
Có lẽ khuyết điểm lớn của thần học trong quá khứ là khi sử dụng các từ ngữ của Kinh thánh họ đã giải thích các từ ngữ ấy theo triết lý hay pháp luật mà bỏ qua toàn thể bối cảnh của mặc khải. Thực vậy, khi Kinh thánh nói tới sự “công bằng” của Thiên Chúa, thì chúng ta đừng nên hiểu theo nghĩa như ông chủ nợ khắc nghiệt, hạch sách cho tới đồng xu cuối cùng. Ngay từ cựu ước, sự “công bằng” của Thiên Chúa, thì chúng ta đừng nên hiểu theo nghĩa như ông chủ nợ khắc nghiệt, hạch sách cho tới đồng xu cuối cùng. Ngay từ Cựu ước, sự “công bằng” của Thiên Chúa ám chỉ việc Ngài giữ lời hứa, lòng trung tín đối với giao ước. Tuy rằng Israel có thất trung , nhưng Thiên Chúa không rút lời. Tư tưởng đó được nối dài qua Tân ước, nơi mà Thiên Chúa bày tỏ sự công bằng qua việc duy trì lời hứa: chính Ngài không ngừng yêu thương nhân loại cho dù tội lỗi của loài người gây ra bao nhiêu rối loạn. Ngài đứng ra khởi xướng cuộc giao hòa với nhân loại nhờ Đức Kitô. Như thế chúng ta đừng hiểu sự “công bằng” của Thiên Chúa như là “công thẳng”, nhưng phải nói là sự “trung tín” thì mới đúng. Một cách tương tự như vậy, các từ ngữ đọc thấy trong Kinh thánh như là “công trạng”, “chuộc lại”, “hy lễ”, “làm nguôi lòng” cần phải hiểu theo nghĩa loại suy (như thánh Tôma Aquinô đã nhắc nhở nhiều lần: ST III, q.47,3; q.48, 1-5), và nhất là cần được đi kèm theo với những từ ngữ khác biểu lộ ơn cứu độ: “trao ban, hòa giải, bình an, ban sự sống”.v.v… 

Như thế, để trả lời thỏa đáng cho câu hỏi: “Tại sao ơn cứu độ thế gian được thông ban qua cái chết của Đức Giêsu”?, chúng ta cần phải dựa theo lời giảng đầu tiên của thánh Phêrô để nói rằng: “Tại vì tội lỗi và vũ lực của con người đã khai trừ Đức Giêsu, người công chính tuyệt đối”. Cái chết của Đức Giêsu là do con người đã gây ra; còn sự sống thì xuất phát từ Thiên Chúa khi cho Đức Kitô sống lại (xc. Cv 2,223-24). Thiên Chúa luôn luôn trung tín với lời hứa ban ơn cứu độ, bất chấp sự phá hoại của con người. Nói khác đi, xem ra trước đây, thần học nhìn từ đất lên trời, chú ý tới giá trị công nghiệp đền tội của Đức Giêsu dâng lên Thiên Chúa; còn ngày nay, người ta muốn nhìn từ trời xuống đất, để ý tới tình thương của Chúa Cha tỏ ra cho nhân loại khi ban chính Con của mình cho nhân loại. Một cách tương tự như thế, Thập giá được nhìn như biểu hiện tình yêu của Đức Kitô trao ban mình cho các bằng hữu. Dù sao, thiết tưởng cả hai chiều hướng đi lên hoặc đi xuống (hoặc nói theo kiểu của thánh Tôma: đi ra đi về, exitus – redutus, con người từ Chúa đi ra và lại trở về với Chúa) cũng cần được bổ túc cho nhau. Chúng ta sẽ còn trở lại vấn đề này trong bài tới khi bàn về ý nghĩa của sự đau khổ. 

Dù nói thế nào đi nữa, chúng ta phải khiêm tốn nhìn nhận giới hạn của trí óc chúng ta khi đứng trước Thập giá?: mãi mãi Thập giá vẫn là một mầu nhiệm, đồng thời cũng là một sự điên rồ phi lý theo kiểu tính tóan của con người. 

II – Thần học cận đại về Thập giá 

Từ thời các giáo phụ, vấn đề chính của thần học về Thập giá (Thập giá) là tìm hiểu mối liên hệ giữa cái chết trên Thập giá của Đức Kitô với hồng ân cứu độ ban cho loài người. Nói khác đi, Thập giá được bàn tới trong nhãn giới của mầu nhiệm cứu chuộc. 

Thần học cận đại có một nhãn giới khác về vấn đề này. Bắt nguồn từ vấn nạn của Lutêrô về mặc khải Thiên Chúa nơi Thập giá, các nhà thần học Tin lành cận đại nói tới sự đau khổ của Thiên Chúa trên Thập giá, và từ đó xét lại vấn đề ý nghĩa của sự đau khổ của con người. Sau cùng cũng cần nói thêm đôi chút về thần học Thập giá theo Thượng hội đồng Giám mục thế giới họp năm 1985. 

1. Sự đau khổ của Thiên Chúa 

Trong khi thần học công giáo cổ điển bàn tới Thập giá trong nhãn giới của ơn cứu chuộc, thì Lutêrô nói tới Thập giá dưới khía cạnh mặc khải: làm sao con người có thể biết được Thiên Chúa? Lutêrô phân biệt giữa hai cách biết Thiên Chúa: một đàng là biết nhờ dùng suy luận từ các hữu thể thụ tạo, được mệnh danh là theologia gloriae, Thiên Chúa được quan niệm như Đấng chủ tế trọn tốt trọn lành. Thế nhưng Lutêrô cho rằng đó không phải là khuôn mặt thực của Thiên Chúa là con đường Thập giá (theologia crucis), nơi mà Thiên Chúa tỏ ra ý định của Ngài đối với nhân loại. Ngài không phải là một Hữu thể toàn hảo bất biến, nhưng là một Đấng xót xa với tội lỗi và đau khổ của con người, đã bày tỏ tình yêu với con người cách hùng hồn nơi Thập giá về phí Tin lành mang một hướng đi độc đáo: nó không những chỉ muốn đào sâu giá trị của ơn cứu chuộc được ban từ Thập giá, nhưng nó cũng trình bày lại toàn thể thần học về bản tính của Thiên Chúa được mạc khải nơi Thập giá. Vào thế kỷ 20 này, vấn đề được phát biểu một cách bạo dạn như sau: ai chụ đau khổ và chịu chết? có thể nói rằng Chúa Cha chịu đau khổ hay không? Có thể nói rằng Thiên Chúa chịu chết hay không? Nên biết rằng đây không phải là những câu hỏi ngớ ngẩn, gợi lên để nói cho vui. Một số câu hỏi này đã được đặt ra từ các trại tập trung của Đức Quốc xã, khi hàng triệu người phải nếm những cảnh tra tấn tù tội, hỏa lò: họ cảm tưởng rằng Thiên Chúa đã chết trong sự thinh lặng, không ra tay can thiệp, cũng giống như cảnh tượng Đức Giêsu bị bỏ rơi trên Thập giá. Cũng trong hoàn cảnh tương tự, nhà thần học tin lành Kazo Kitamori người Nhật đã viết những dòng suy tư về sự đau khổ của Thiên Chúa từ kinh nghiệm đau khổ của dân tộc vào hồi thế chiến thứ hai (Theology of the Pain of God, 1946, tái bản 1972). 

Từ một câu hỏi đặt lên trong giới thần học Lutêrô, nó trở thành một đối tượng cho một ngành của thần học gọi là Staurogia (Thập giá học). Các thần học gia cả Công giáo lẫn Tin lành đều tham gia vào cuộc khảo cứu những đề tài về sự mặc khải Thiên Chúa từ Thập giá. Trước tiên, họ bàn tới sự đau khổ và sự chết nơi Đức Kitô như một chủ thể duy nhất gồm thiên tính và nhân tính (nơi Đức Kitô, thiên tính đã chia sẻ sự đau khổ của nhân tình như thế nào). Kế đó, họ đi lên mối liên hệ giữa Chúa Cha với hướng đi này là Jurgen Moltmann, với tác phẩm “Thiên Chúa bị đóng đih trên Thập giá” (xuất bản năm 1972), mở rộng Thập giá với toàn thể mầu nhiệm của Chúa Ba Ngôi: “Vì yêu mà Con đau khổ khi bị Cha bỏ rơi; vì yêu mà Cha đau khổ khi Con bị đau đớn và chết; Thánh Thần tình yêu đã khôi phục sự sống cho người đã chết. Nơi Thập giá ta chứng kiến được sự can dự yêu thương của cả Ba Ngôi Thiên Chúa”. 

Cũng trong chiều hướng đó mà các nhà thần học Công giáo như Hans Urs Von Balthasar, F.X. Durwell đã trình bày toàn bộ mầu nhiệm Vượt qua như là mặc khải mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.

2. Ý nghĩa của sự đau khổ 


Đang khi mà thần học Tin lành nhìn lên Thập giá để tìm hiểu sự đau khổ của Thiên Chúa, thì thần học giải phóng nhấn mạnh tới sự đau khổ của con người. Thực ra, như chúng ta đã biết, việc gắn liền Thập giá với đau khổ không có gì mới lạ. Văn chương tu đức đã trình bày khía cạnh này từ lâu rồi: chúng ta hãy bắt chước Đức Kitô chấp nhận những đau khổ như Thập giá mà Chúa gửi đến! Tuy nhiên, thần học giải phóng tố cáo rằng một luồng tu đức như vậy sẽ tạo ra những hạng người thụ động: đứng trước các bất công xã hội, những cảnh lầm than của nhân loại, người tín hữu chỉ biết học đức kiên nhẫn chịu đựng, thay vì tìm cách cải tạo xã hội. Hơn thế nữa, nói rằng chấp nhận những đau khổ như Thập giá Chúa gửi đến thì có khác nào như nói rằng Chúa muốn cho con người phải đau khổ hay sao? 

Những vấn nạn vừa nêu lên đã bắt buộc thần học cận đại xét lại một câu hỏi mà con người mọi nơi mọi thời đã đặt lên cho tất cả các tôn giáo: vì đâu mà con người phải khổ? Giới hạn vào sự liên hệ với Thập giá, ta nên biết rằng Kitô giáo tiên vàn không nhằm đề ra một lý thuyết giải thích về nguyên nhân của sự đau khổ cho bằng trưng ra mẫu gương của một người đã cùng chia sẻ sự đau khổ: người ấy chính là Đức Kitô. Nơi Người, Thiên Chúa đã nếm thử tất cả những mùi đau khổ của con người, cả về thể chất lẫn tinh thần, nhất là sự khắc khoải trước cái chết và cái chết dã man ô nhục. Thiên Chúa đã lãnh lấy đau khổ không phải vì Ngài ưa thích đau khổ, nhưng là vì yêu thương con người khổ đau. Ngài không muốn phô trương kỷ lục về đau khổ cho bằng muốn chia sẻ thân phận con người ngay từ khi vào đời. Chính trong sự liên đới của Đức Kitô với những đau khổ của loài người mà chúng ta tìm thấy một niềm an ủi: thực vậy, bất cứ người nào, cho dù bị chìm sâu xuống bể khổ đến đâu, cũng đều có thể hướng mắt nhìn lên Thập giá. Thực ra, Đức Kitô không có thánh hóa sự đau khổ: sự đau khổ nguyên nó là điều xấu: và có thể gây ra bao nhiêu sự xấu khác (căm tức, oán hận, trách phận, ghen tuông, v.v…). Chúng ta cũng đừng coi sự đau khổ như là giá mà Đức Kitô phải trả cho Thiên Chúa để đền tội của loài người: bởi vì quan niệm như vậy là hạ giá Thiên Chúa, coi Ngài như ông chủ nợ khắc nghiệt cay cú! Hình ảnh ấy không phản ánh khuôn mặt của Thiên Chúa mà Đức Kitô đã mặc khải cho chúng ta. Thiết tưởng phải nói rằng không phải số lượng đau khổ chồng chất lên thân xác của Đức Kitô đã mang lại ơn cứu độ cho nhân loại, cũng chẳng phải chính cái chết có sức đền tội thay cho chúng ta; nhưng là cách thức mà Đức Kitô đã lãnh nhận cái chết. Đức Kitô đã đón nhận hết tất cả những đau khổ cho tới chết với tinh thần tự do âu yếm và trao hiến thân mình. Đức Kitô đã hoán cải cái chết, từ chỗ là hoa quả củ thù hận và tội lỗi để trở nên ngọn lửa của yêu thương. Chính vì đã xoay ngược ý nghĩa của cái chết như vậy mà ta có thể nói rằng Đức Kitô đã giao tranh với sự chết. Đức Kitô đã lãnh lấy cái chết trên mình và đã vật ngã nó nhờ sự sống lại; hay nói cách khác, Ngài đã tiêu diệt cái chết. Nhờ tình yêu mà Ngài thông ban cho con người, chúng ta cũng có thể chấp nhận cùng với Ngài (nghĩa là có thể hoán cải) sự đau khổ. Vì thế đau khổ có thể có giá trị hay không là tùy theo thái độ của chúng ta có chấp nhận nó cách tự do hay không, nghĩa là có biết đón nhận nó với sức mạnh của Đức Kitô (giống như Ngài cùng với Ngài) hay không. 

Dù sao, cần phải nhấn mạnh rằng Thập giá không phải là một học thuyết giải thích hay biện minh cho đau khổ của con người. Thập giá cho ta thấy một sự kiện là Thiên Chúa đã đến gặp gỡ sự đau khổ, với thái độ tự do của Ngài. Điều đó đã vạch ra hai bộ mặt của đau khổ: nó vừa kinh tởm vừa xinh đẹp. Nó kinh tởm bởi vì chính một kẻ công chính vô tội đã phải chịu khổ do dã tâm của đồng loại. Nó xinh đẹp bởi vì cách thức mà Đức Giêsu đã chấp nhận và biến đổi nó thành dụng cụ yêu thương. Và Đức Kitô mời gọi các môn đệ hãy vác Thập giá đi theo Ngài với nghĩa ấy: bắt chước Chúa trong thái độ yêu mến. 

Đức Gioan Phaolô II đã viết dòng suy niệm về ý nghĩa sự đau khổ trong tồng thư Salvifici Doloris. 

3. Thần học Thập giá trong tương quan giữa Giáo hội với trần thế. 

Trong hậu bán thế kỷ XX, Thần học công giáo có nhiều du di đáng kể chung quanh thần học Thập giá. Trước đó, Thập giá được nói nhiều trong các sách tu đức, đề cao việc chia sẻ những đau khổ của Chúa Giêsu qua những việc hãm mình đền tạ. Vào thập niên 50, với cuộc cải tổ phụng vụ, Thập giá dần dần biến đi nhường chỗ cho mầu nhiệm Phục sinh. Thực vậy, nếu không có sự phục sinh thì Thập giá chẳng có ý nghĩa gì hết mà chỉ dẫn tới tuyệt vọng. Trùng với thời kỳ phát triển khoa học và kinh tế tại Âu châu, các văn kiện của công đồng Vaticano II được soạn ra dưới ánh sáng lạc quan của mầu nhiệm Phục sinh đến nỗi quên đi mầu nhiệm Thập giá! Thế nhưng đến khoảng thập niên 70, với những cuộc khủng hoảng kinh tế, với những cảnh bất công còn tái diễn trên thế giới, thần học lại quay lại với Thập giá. Sự quân bình giữa Thập giá và Phục sinh không phải lúc nào cũng dễ dàng! Vào dịp kỷ niệm 20 năm bế mạc công đồng Vaticano II, khi nhận định về sứ mạng của Hội thánh trong thế giới dựa theo hiến chế “Vui Mừng và Hy vọng” Thượng hội đồng Giám mục khóa bất thường năm 1985 đã tuyên bố như sau: 

Chúng tôi nhận thấy rằng những dấu chỉ của thời đại chúng ta có phần khác với thời của công đồng, với những vấn đề và khắc khoải lớn hơn. Thực vậy, ngày nay khắp nơi trên thế giới chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng của đói kém, đàn áp, chiến tranh, đau khổ, khủng bố và nhiều hình thức bạo lực khác. Điều này đòi hỏi một sự suy tư thần học mới và sâu xa hơn, ngõ hầu có thể giải thích những dấu chỉ này trong ánh sáng của Tin mừng. Chúng tôi thấy rằng trong những nỗi khó khăn hiện tại Thiên Chúa muốn dạy chúng ta cách thấm thía hơn về giá trị, tầm quan trọng và trung tâm của Thập giá Đức Kitô. Vì thế sự liên hệ giữa lịch sử nhân loại và lịch sử cứu rỗi cần được giải thích dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt qua. Dĩ nhiên thần học Thập giá không loại bỏ hoàn toàn thần học về tạo dựng và Nhập thể, nhưng nó giả thiết cả hai nền tảng đó. Khi các Kitô hữu nói tới Thập giá, chúng ta không muốn bị gán là bi quan yếm thế nhưng chúng ta muốn đặt mình trên thực trạng của niềm hy vọng Kitô giáo. Từ viễn ảnh của mầu nhiệm Vượt qua, cùng với sự khẳng định mối liên kết giữa Thập giá và Phục sinh, chúng ta có thể nhận định một sự thích nghi canh tân là chính hiệu hay giả hiệu. Một đàng chúng ta không thể nào chấp nhận Giáo hội hoàn toàn đồng hóa với thế gian; đàng khác chúng ta cũng không thể đóng khung Giáo hội vào cộng đồng của các tín hữu: chúng ta cầm phải khẳng định sự cởi mở truyền giáo của Giáo hội nhằm tới sự cứu rỗi toàn diện con người. Nhờ đó, hết mọi giá trị chân chính của con người không những được chấp nhận mà còn được bảo vệ cách cương quyết: phẩm giá nhân vị; những quyền lợi căn bản của con người; hòa bình; tự do khỏi mọi áp bức; nghèo kém và bất công. Tuy nhiên sự cứu rỗi toàn diện chỉ có thể đạt được khi mà những thực tại vừa nói của con người được thanh luyện và nâng cao nhờ ơn sủng và sự kết hợp với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần. 

Cũng nên biết là văn kiện ấy cũng lấy mầu nhiệm Thập giá làm mẫu mực cho việc hội nhập văn hóa. Nói cách khác, tiêu chuẩn của việc hội nhập văn hóa không thể chỉ dựa thuần túy trên mầu nhiệm nhập thể, nhưng còn phải dựa cả trên mầu nhiệm Thập giá nữa: Giáo hội cần biết thu nhận các nền văn hóa nhưng đồng thời cũng cần phải biết thanh tẩy luyện lọc chúng nữa. Như thế ta thấy một chiều kích khác nữa của thần học Thập giá, đặt trong mối tương quan giữa Giáo hội với trần thế, giữa lịch sử nhân loại với lịch sử cứu độ. 

Thư mục :

B. SESBOUÈ, Cruz, in: “Diccionario Teologico El Dios Cristiano”, Secratariado Trinitario, Salamanca 1992, 317-333. M. FLICK, Croce, in: “Nuovo Dizionario di Teologia”, Paoline Roma 1979, 262-280. M. FLICK – Z. ALSZEGHY, II Mistero della Croce, Queriniana, Brescia 1978.