Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2024

TẠI SAO CẢI TỔ BỘ HÌNH LUẬT CỦA GIÁO HỘI ?

Thời sự Thần học - Số 99, tháng 02/2023, tr. 73-148. 

_Juan Ignacio Arrieta_

Ngày 23-5-2021, ĐTC Phanxicô đã ban hành Tông hiến Pascite gregem Dei duyệt lại luật hình sự của Giáo hội Latinh, thay thế toàn bộ Quyển VI của Bộ Giáo luật 1983. Bản văn được trình bày cho báo chí ngày 1/6 cùng năm do Đức cha Juan Ignacio Arrieta, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về các văn bản pháp lý và đức cha Juan Ignacio Arrieta, thư ký của Hội đồng. Ngày hôm sau, (2/6) hai ký giả Giovanni Tridente và Alfonso Riobó đã phỏng vấn vị thư ký về những lý do của cuộc cải tổ này cũng như tiến trình soạn thảo. Bài phỏng vấn bằng tiếng Tây Ban Nha, được đăng trên địa chỉ sau đây: https://omnesmag.com/actualidad/mons-arrieta-sobre-la-reforma-del-codigo-ahora-los-delitos-las-penas-y-el-modo-de-aplicarlas-quedan-bien-determinados/ Bản dịch của tsth.

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2024

NHỮNG VĂN KIỆN TÒA THÁNH VỀ ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

Thời sự Thần học - Số 99, tháng 02/2023, tr. 56-72.

_Phan Tấn Thành_

Dẫn nhập. Điểm qua các văn kiện lập pháp và hành pháp
I. Chung cho mọi hội dòng: A. Thành lập hội dòng. B. Quản trị hội dòng. C. Huấn luyện các phần tử. D. Rời bỏ hội dòng.
II. Riêng cho vài hội dòng: A. Các trinh nữ thánh hiến. B. Các tu sĩ không giáo sĩ. C. Các nữ đan sĩ chiêm niệm 

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2024

CUỘC CẢI TỔ GIÁO TRIỀU RÔMA NĂM 2022

Thời sự Thần học - Số 99, tháng 02/2023, tr 31-55. 

_Hồng y Gianfranco Ghirlanda, S.J._ 

Bộ Giáo luật 1983 chỉ dành hai điều 360-361 cho giáo triều Roma. Trong thời gian soạn thảo, một dự luật cải tổ giáo triều đang được tiến hành và được ĐTC Gioan Phaolô II ban hành ngày 28-6-1988 với tông hiến Pastor bonus, thay đổi tông hiến Regimini Ecclesiae universae của ĐTC Phaolô VI ban hành ngày 15-8-1968. Có lẽ vì tiên liệu những cuộc cải tổ thường xuyên vẫn còn cần thiết, cho nên nhà lập pháp không đưa vào Bộ Giáo luật các điều luật chi tiết về tổ chức giáo triều. Trên thực tế, khi bắt đầu nhận nhiệm vụ lãnh đạo Giáo hội, ĐTC Phanxicô đã xúc tiến một cuộc cải tổ giáo triều, và đưa đến kết quả là tông hiến Praedicate evangelium được ban hành ngày 19-3-2022.

Trong bài này, linh mục Gianfranco Ghirlanda, S.J. (thăng hồng y ngày 27-8-2022), nguyên khoa trưởng giáo luật và viện trưởng đại học Gregoriana, giới thiệu những nét chính của văn kiện, trong bài báo đăng trong tạp chí La Civiltà Cattolica, quaderno 4123, (2 Aprile 2022), p. 41-56. Tác giả chú ý đến những nguyên tắc chủ đạo của cuộc cải tổ giáo triều hơn là đi vào chi tiết phân tích thẩm quyền của mỗi cơ quan.

Lưu ý về từ ngữ. Chúng tôi dịch Romano Pontefice là “giám mục Roma” (thay vì “giáo hoàng”). Dicasteria là “Bộ” tuy ngày nay bao hàm nhiều cơ quan hơn là các Congregationes.

Nội dung: 1/ Loan báo Tin Mừng và bản tính truyền giáo của Giáo hội. 2/ Hiệp thông và đồng nghị. Sự phân tản quyền bính. 3/ Tham gia. 4/ Tính đồng nghị. 5/ Cơ cấu giáo triều - Những thay đổi đặc biệt: thứ tự các cơ quan; vai trò các giáo dân; ủy ban giáo hoàng về việc bảo vệ các vị thành niên; các cơ quan kinh tế

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2024

NHỮNG KHOẢN LUẬT TRONG BỘ GIÁO LUẬT 1983 ĐƯỢC SỬA ĐỔI

Thời sự Thần học - Số 99, tháng 02/2023, tr 13-30. 

_Tsth biên tập_

Bài này gồm hai phần: Phần thứ nhất trình bày tổng quan những khoản luật được sửa đổi; Phần thứ hai trình bày bản văn các khoản luật được sửa đổi.
- Phần thứ nhất dựa theo dữ liệu Modifiche ai canoni del CIC, đăng trên địa chỉ internet của đại học Gregoriana, www.iuscangreg.it/cic_modifiche.php (truy cập 8-1-2013)
- Phần thứ hai là bản dịch những khoản luật mới do LM. Giuse Đỗ Đức Dũng, SDB thực hiện.

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2024

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 106, THÁNG 11/2024

CHỦ ĐỀ : THẦN HỌC TRUYỀN THÔNG

LỜI GIỚI THIỆU




Trong kỳ họp tháng 9 năm nay, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đề ra định hướng mục vụ cho năm 2025 là: “Cùng nhau loan báo Tin Mừng”. Số báo này muốn góp phần vào việc suy tư chủ đề ấy. “Truyền thông” vừa có nghĩa là “loan báo” vừa có nghĩa là “sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội”, được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II coi như diễn đàn mới cho việc truyền giáo.

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2024

HUYỀN BÍ VÀ NGÔN SỨ : Một lối sống mới và những diễn đàn mới

Thời sự Thần học - Số 97, tháng 08 năm 2022, tr. 176-205


_Ciro García Fernandez, O.C.D._ 

Tác giả là một linh mục dòng Cát-minh cải tổ, giáo sư thần học tại phân khoa thần học Burgos (Tây-ban-nha) và Học viện Teresianum (Rôma). Đây là bài thuyết trình tại hiệp hội các Bề trên tổng quyền các Dòng nữ (UISG) ở Rôma ngày 5-11-2011, trong khuôn khổ cuộc hội thảo về Huyền bí và Ngôn sứ.
Nguồn: "Mistica y Profecia: un estilo de vida y nuevos areópagos”. https://www.ocdmx.org/wp-content/uploads/2012/02/M%C3%8DSTICA-Y-PROFEC%C3%8DA-Ciro-Garc%C3%ADa.pdf
1. Hai căn tính căn bản của cảm nghiệm Kitô giáo
  1.1 Cảm nghiệm huyền bí
  1.2 Cảm nghiệm ngôn sứ
  1.3 Sự đột nhập của “Người Lạ” và cảm nghiệm về điều khác lạ
2. Sự bừng tỉnh của huyền bí và ngôn sứ vào thời cận đại
3. Ơn gọi huyền bí và ngôn sứ trong đời sống thánh hiến
  3.1 Huyền bí thánh hiến
  3.2 Ngôn sứ của sứ vụ
  3.3 Huyền bí và ngôn sứ trong Hội nghị “Say mê Đức Kitô và Say mê con người”
4. Những diễn đàn chứng tá mới của huyền bí và ngôn sứ
  4.1 Những diễn đàn của huyền bí
  4.2 Những diễn đàn của ngôn sứ

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2024

ƠN GỌI NGÔN SỨ CỦA ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

Thời sự Thần học - Số 97, tháng 08 năm 2022, tr. 153-175.


_Saverio Cannistrà, O.C.D._

Đây là bài thuyết trình trong buổi gặp gỡ của Hiệp hội các bề trên tổng quyền tại Rôma, ngày 25 tháng 5 năm 2016. Sau khi ôn lại lịch sử của sự so sánh đời sống thánh hiến với ơn gọi ngôn sứ, tác giả, bề trên tổng quyền dòng Cát-minh cải tổ, đã vạch ra ba ý nghĩa chính, dựa theo tông huấn “Đời sống thánh hiến”, đồng thời trình bày những cảm nghĩ chung quanh các ý nghĩa ấy. Nguyên văn tiếng Ý: Di che cosa parliamo quando parliamo profezia della vita consacrata? (Chúng tôi bỏ qua những lời dẫn nhập và giới thiệu ở đầu.) 

1. Đời sống thánh hiến và ơn gọi ngôn sứ: lịch sử của mối tương quan 


Từ khi nào và theo nghĩa nào mà ơn gọi ngôn sứ được áp dụng cho đời sống thánh hiến?

Chúng ta biết rằng có một truyền thống lâu đời đã móc nối đời tu trì với các ngôn sứ trong Cựu ước, cách riêng là với ông Êlia và ông Gioan Tẩy giả, ngôn sứ cuối cùng trước Đức Giêsu Kitô (được chính sách Tin Mừng giới thiệu như là “ông Êlia sẽ phải đến”)[1]. Theo nhận xét của cha Jean Leclerq O.S.B., nơi các ngài người ta “không chú trọng đến các khía cạnh tiền bối lịch sử cho bằng những chuẩn bị hữu hiệu cho nếp sống đan tu”[2]. Chính vì vậy mà trong cuộc đời các ngôn sứ, người ta chú trọng đến những yếu tố liên quan đến đời đan tu, đó là: đức khiết tịnh, việc rút lui khỏi trần thế, cư ngụ nơi hoang vắng, ngợi khen Thiên Chúa, đời sống khổ hạnh.

Việc nhắc lại truyền thống các giáo phụ không chỉ là mang tính cách hàn lâm, nhưng muốn lưu ý rằng các giáo phụ gán cho các từ ngữ “ngôn sứ” hoặc “đời sống ngôn sứ” những ý tưởng chẳng liên hệ gì với phong trào ngôn sứ trong lịch sử Kinh Thánh. Vì thế khi giải thích các đoạn văn ấy, chúng ta hãy thận trọng, khi thấy người xưa hiểu các ngôn sứ khác với thời nay, và điều này cũng cảnh báo chúng ta khi áp dụng “ơn gọi ngôn sứ” vào các thực trạng của thời đại, hoặc phóng dọi thành lý tưởng cho tương lai. Cha Jean Leclercq trưng dẫn một đoạn văn của thánh Bênađô, in labore messis, nghĩa là vào mùa gặt[3], trong đó đời đan tu được ví với đời sống các thiên sứ, các ngôn sứ, các tông đồ. Riêng về đời sống ngôn sứ, thánh nhân nói như sau:

Thật là cao cả nếp sống ngôn sứ mà các bạn dấn thân theo đuổi, thật là đáng phục nỗi đam mê ngôn sứ mà các bạn đã lăn sả vào! Điều ấy hệ tại chỗ nào? Theo thánh Tông đồ, ngôn sứ là không nhìn những điều trông thấy mà là những điều không thấy được (x. 2Cr 4,18). Sống như ngôn sứ có nghĩa là tiến bước theo Thần khí (x. Gl 5,16), sống đức tin (x. Rm 1,17), tìm kiếm các thực tại trên trời chứ không phải các thực tại dưới thế (x. Cl 3,2), quên đi quá khứ và hướng đến tương lai (x. Pl 3,13). Nếu không có tinh thần ngôn sứ thì làm thế nào có thể nói chuyện về những thực tại trên trời (x. Pl 3,20)? Các ngôn sứ thời xưa ra như không sống giữa những con người đương thời, nhưng vượt lên trên thời đại của mình nhờ sức mạnh và sự thúc đẩy của thần khí, họ hớn hở khi nhìn thấy Ngày của Chúa; họ nhìn thấy nó và họ nhảy mừng (x. Ga 8,56)[4].

Thánh Bênađô không dừng lại ở những khía cạnh bên ngoài mà truyền thống hình dung về ngôn sứ: con người của sa mạc, hành khổ mình bằng việc giữ chay, khoác lấy áo da dê cừu (x. Hr 11,37). Qua việc trưng dẫn các đoạn văn của thánh Phaolô, ngài mô tả nếp sống ngôn sứ mà các đan sĩ theo đuổi như là một hình thức của quaerere Deum (tìm kiếm Thiên Chúa), như là trông nhìn vượt lên thực tại hữu hình và hiện tại, để đạt đến điều vô hình và thuộc về tương lai. Như thế, thánh nhân đã vượt qua ý nghĩa văn chương của “ngôn sứ” để đạt đến quan niệm “thần khí” về khái niệm này, đặt nó trong bối cảnh các đặc sủng trong Hội thánh theo quan điểm của thánh Phaolô.

Cần phải nhảy sang tám thế kỷ sau mới thấy nói đến ơn ngôn sứ trong Hội thánh, đó là công đồng Vaticanô II, nhưng không phải là khi bàn về đời sống tu trì nhưng là trong khung cảnh của học thuyết Kitô-luận và bí tích về ba chức vụ (tria munera): tư tế, ngôn sứ, vương đế[5]. Tuy nhiên, trong các bản văn của công đồng, không hề thấy nói đến đề tài ngôn sứ của các tu sĩ, dù là trong hiến chế Lumen gentium (chương VI, các số 43-47), hay trong sắc lệnh Perfectae caritatis. Phạm trù đặc thù dành để diễn tả đời tu trì là “dấu chỉ”: “Việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc âm tỏ ra như một dấu chỉ, có thể và phải thu hút tất cả các phần tử của Hội thánh hãy hăng say chu toàn các bổn phận của ơn gọi Kitô hữu” (LG 44). Perfectae caritatis, ở số 1, lấy lại định hướng của Lumen gentium, khi tuyên bố rằng đời tu trì, hay đúng hơn: “Việc đạt đến đức mến trọn hảo bằng các lời khuyên Phúc âm [...] tỏ ra như một dấu chỉ tuyệt vời của Nước Trời”.

Nói rằng đời tu sĩ được kêu gọi trở thành “dấu chỉ của Nước Trời” là một lối diễn tả khá rộng để đón nhận những chiều kích khác nhau của dấu chỉ: chiều kích cánh chung (dấu chỉ của những thực tại tương lai)[6], chiều kích Kitô-luận (dấu chỉ của nếp sống tại thế của Đức Kitô)[7], chiều kích Thiên Chúa Tam Vị (dấu chỉ của sự siêu việt và toàn năng của Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Linh)[8], tất cả những chiều kích này đều được gói ghém trong đoạn văn LG 44.

Văn kiện đầu tiên của huấn quyền[9] đề cập minh bạch đến đặc tính ngôn sứ của đời tu sĩ là Huấn thị của Bộ Tu sĩ năm 1980 về Các tu sĩ và việc thăng tiến con người. Sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội, bao gồm việc thăng tiến toàn diện con người và bảo vệ nhân quyền, đòi hỏi phải “khám phá các dấu chỉ thời đại, giải thích chúng dưới ánh sáng Tin Mừng. Các tu sĩ được kêu gọi cách đặc biệt để làm chứng cho chiều kích ngôn sứ này”[10]. Văn kiện này cũng nói đến các lời khuyên Tin Mừng như là “dấu chỉ ngôn sứ của sự hiệp thông sâu đậm với Thiên Chúa là Đấng đáng mến vô cùng” (số 24) và cũng thêm rằng: “Việc tuyên giữ các lời khuyên Tin Mừng, khi đối chiếu với đời sống tu trì – Giáo hội – thế giới hiện đại – đòi hỏi phải có những thái độ mới, quan tâm đến giá trị của dấu chỉ ngôn sứ, được nhìn nhận như năng lực cải tạo và biến đổi thế giới, các quan niệm và các tương quan của nó” (số 33b). Do đó, người ta bắt đầu nhìn nhận một sức mạnh ngôn sứ trong đời tu, có khả năng tác động đến não trạng và các cơ cấu của thế giới, đặc biệt là khi đề cập đến việc tuyên khấn các lời khuyên Tin Mừng và đến việc đọc ra các dấu chỉ thời đại.

Dù sao, chính tại Thượng hội đồng giám mục về đời sống thánh hiến năm 1994 mà đề tài ngôn sứ trong đời tu sĩ được nêu bật. Trong giai đoạn chuẩn bị, người ta tránh đụng đến đề tài này: trong bản phác thảo (Lineamenta) phát hành vào năm 1992, từ ngữ này chỉ xuất hiện một lần, trong một đoạn văn nói đến sự tục hóa của thế giới ngày nay[11]. Ngược lại, trong Tài liệu làm việc (Instrumentum laboris) cũng như trong cuộc thảo luận thì đề tài đặc tính ngôn sứ của đời tu được đề cập nhiều lần. Tuy vậy, không phải ai ai cũng hiểu theo một nghĩa như nhau[12]. Trong nhiều lần can thiệp, đặc sủng ngôn sứ được đặt trong tương quan với “một lối sống khác với đời” (đức cha Kevin Dowling, Sud Africa), hoặc với “sự lựa chọn đứng về phía người nghèo” (đức cha Maurice Taylor, Scotland) và thậm chí với “một chứng tá phê bình đối với Giáo hội và thậm chí đối với hàng giáo phẩm” (đức cha Herman J. S. Pandoyoputro, Indonesia)[13].

Trong số các bài can thiệp, hồng y Joseph Ratzinger, lúc ấy là Tổng trưởng bộ Giáo lý – Đức tin, cố gắng xác định ý nghĩa thần học của ơn ngôn sứ[14]. Dựa trên cách riêng các đoạn văn Đệ-nhị-luật 18,15tt và 34,10, hồng y Ratzinger nêu bật ba đặc điểm của ơn ngôn sứ:

1) Mọi thứ ngôn sứ chân chính đều bắt nguồn từ một mối tình thân mật với Thiên Chúa: “Chỉ từ ánh sáng của Dung nhan Ngài mà ngôn sứ nhận được sự soi sáng cho phép phân định điều đúng và điều sai, và vạch ra cho nhân loại đường ngay nẻo chính”.

2) Nhiệm vụ của ngôn sứ là “bộc lộ ý muốn của Thiên Chúa” và “giải thích lời Chúa vào những hoàn cảnh cụ thể”. Dưới khía cạnh này, ngôn sứ được thúc đẩy bởi niềm “đam mê chân lý”, và chọn lựa đi theo nó thay vì tìm một thứ an bình giả dối.

3) “Mọi hành động ngôn sứ bày tỏ Đức Kitô và dẫn đưa vào mầu nhiệm vượt qua của Người”.

Như vậy, đối với hồng y Ratzinger, đặc sủng ngôn sứ được nhìn như là ơn phân định và soi sáng chân lý, và thường đòi hỏi sự can đảm đi ngược dòng và chống lại não trạng đương thời.

2. Ngôn sứ và lịch sử: ba mô hình khác biệt


Ngày 25 tháng 3 năm 1996, ĐTC Gioan Phaolô II ban hành tông huấn Vita consecrata (Đời sống thánh hiến; viết tắt VC). Nếu trước đây huấn quyền hiếm khi móc nối đời sống tu trì với chiều kích ngôn sứ, thì trong văn kiện này đặc tính ngôn sứ của đời sống thánh hiến được đề cập nhiều lần đến nỗi khó đoán được ý nghĩa chính xác cũng như những nội hàm của nó. Theo tôi nghĩ, có thể vạch ra ba hướng giải thích, dĩ nhiên là không trái nghịch nhau nhưng mang theo những điểm nhấn khác nhau. Cả ba đều nhằm đến mối tương quan giữa ngôn sứ và lịch sử. Vì thế, ngày nay, bàn đến đặc tính ngôn sứ của đời sống thánh hiến là chúng ta muốn nói đến tương quan đối với lịch sử của đời tu trong Giáo hội và thế giới.

a) Một hướng thứ nhất đặt nền tảng của đặc tính ngôn sứ của đời thánh hiến nơi việc tuyên giữ các lời khuyên Tin Mừng[15]. Các số 87-92 khai triển chiều kích nhân học[16] của các lời khuyên khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời như là những đáp trả / chứng tá ngôn sứ cho “ba thách đố chính mà xã hội thời nay đặt ra cho Giáo hội, ít là tại một vài vùng trên thế giới” (VC 87), đó là:

- “một nền văn hoá hưởng thụ đang tháo gỡ mọi quy tắc đạo đức khách quan của tính dục” (VC 88);

- “một chủ nghĩa vật chất thèm khát chiếm hữu, dửng dưng với những nhu cầu và đau khổ của những người yếu đuối, cũng chẳng quan tâm gì đến việc làm quân bình những tài nguyên thiên nhiên” (VC 89);

- “những quan niệm về tự do, muốn tách rời đặc trưng cơ bản nhất của con người ra khỏi tương quan với chân lý và quy tắc luân lý” (VC 91).

Theo nghĩa này, đặc tính ngôn sứ của đời thánh hiến hệ ở chỗ làm chứng một cách thức sinh sống và hành động khác biệt với đường lối của thế giới và văn hóa đương thời, bằng việc khẳng định địa vị ưu việt của Thiên Chúa và tương đối hóa các giá trị thụ tạo, nhờ vậy mang đến một thứ “trị liệu tâm linh” cho nhân loại (VC 87).

b) Một hướng thứ hai đặt nền tảng đặc sủng ngôn sứ trên mối tương quan bằng hữu thân tình với Thiên Chúa, khai triển suy tư của hồng y Ratzinger đã nói trên đây. Số 84 khẳng định rằng:

Lời ngôn sứ chân chính đến từ nơi Thiên Chúa, nhờ sống trong tình thân với Thiên Chúa, chăm chú lắng nghe Lời Ngài trong những giai đoạn khác nhau của lịch sử. Ngôn sứ cảm thấy trong lòng mình sôi sục niềm đam mê đối với vẻ thánh thiện của Thiên Chúa, và sau khi đã đón nhận Lời Chúa trong đối thoại và cầu nguyện, ngôn sứ công bố lời đó bằng cuộc sống của mình, trên môi miệng và bằng hành động của mình; họ trở thành phát ngôn viên của Thiên Chúa chống lại sự dữ và tội lỗi. Chứng tá ngôn sứ đòi hỏi phải liên lỉ và say sưa tìm ý Thiên Chúa, nhất thiết và quảng đại hiệp thông với Giáo hội, thực hành biện phân thiêng liêng và yêu mến sự thật. Chứng tá ngôn sứ cũng được thể hiện khi biết tố giác những điều trái ngược với ý Thiên Chúa, và biết khai mở những con đường mới đem Tin Mừng vào lịch sử, cho Nước Thiên Chúa mau đến.

Do đó, những nét đặc trưng của ngôn sứ là: tìm kiếm ý Chúa, phân định thần khí, yêu mến chân lý. Lối tiếp cận này bớt tính cách luân lý và nhiều lý thuyết hơn, theo nghĩa là đặt trọng tâm của sứ mạng ngôn sứ ở chỗ bảo vệ chân lý, được công bố bằng đời sống cũng như bằng việc tố giác sự sai lầm. Không phải là tình cờ mà bản văn nhắc đến ông Êlia, một ngôn sứ sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa, nhưng đồng thời đứng lên bảo vệ chân lý đức tin của Israel chống lại các ngôn sứ của thần Baal, cũng như bảo vệ quyền lợi người nghèo chống lại cường quyền bóc lột.

Cũng theo hướng này ta có thể móc nối với số 73 của tông huấn, một trong những đoạn văn quan trọng nhất định nghĩa công tác ngôn sứ của đời thánh hiến. Đoạn văn viết như sau: Đời thánh hiến nhận lãnh sứ mạng ngôn sứ là nhắc nhở và phục vụ ý định của Thiên Chúa đối với loài người, như được Kinh Thánh loan báo và như việc chăm chú đọc dấu chỉ của hoạt động Chúa Quan Phòng trong lịch sử cho thấy. Đó là kế hoạch của một nhân loại được cứu thoát và giải hoà (x. Cl 2,20-22). Để chu toàn nhiệm vụ đó, những người tận hiến phải có một kinh nghiệm sâu xa về Thiên Chúa và ý thức được các thách đố của thời đại mình, khám phá ra ý nghĩa thần học sâu xa của chúng, nhờ biết biện phân với sự trợ lực của Thần Khí. Thật vậy, trong những biến cố lịch sử, thường ẩn giấu tiếng Thiên Chúa mời gọi làm việc theo ý định của Người, bằng việc quan tâm một cách năng động và hữu hiệu tới những vấn đề của thời đại chúng ta.”

So sánh với quan điểm trước đây, đoạn văn này khác biệt ở chỗ đánh giá lịch sử cận đại, xem nó như là một nơi của việc Thiên Chúa tỏ hiện kêu gọi, đang khi mà quan điểm ở trên coi nó như vương quốc phàm tục đối nghịch với vương quốc Thiên Chúa. Vì thế, thái độ của các người tận hiến cũng khác: một bên là phân định và chú ý khảo sát; bên kia là đối kháng bằng một hệ trật các giá trị khác biệt.

c) Sau cùng, một đường hướng thứ ba nêu bật chiều kích cánh chung, được tông huấn đề cập ở các số 26-27, tuy không thiếu những đoạn văn khác nói đến đời sống thánh hiến như là dấu chỉ và điềm báo của những thực tại tối hậu[17]. Số 26 khởi đi từ niềm trông mong cuộc quang lâm rất sống động trong Hội thánh tiên khởi để nhận xét rằng “bối cảnh này giúp hiểu rõ hơn vai trò dấu chỉ cánh chung của đời sống thánh hiến”. Sự móc nối giữa lòng mong đợi Chúa quang lâm với đời tu trì có thể cung cấp nhiều đề tài suy tư liên quan đến tương quan giữa ngôn sứ và lịch sử, nhưng tông huấn chỉ dừng lại ở một điểm là “sự lựa chọn sống trinh khiết vốn được truyền thống xem như loan báo thế giới vĩnh cửu”. Thế nhưng, theo tôi nghĩ, nói như vậy thì có nguy cơ là niềm trông đợi Chúa chỉ được nhìn dưới khía cạnh tư riêng và tình cảm, “như là ước ao được gặp gỡ Người và ở bên Người mãi mãi”. Tuy nhiên, ở trong đoạn kế tiếp, văn kiện nói thêm rằng niềm trông đợi triều đại Thiên Chúa không dẫn đến sự lãnh đạm với thế giới hiện tại: “Niềm chờ mong này không hề thụ động: tuy hướng về Nước Chúa sẽ đến, nhưng nó được diễn tả bằng việc làm và sứ vụ, bởi vì Nước Chúa hiện diện ngay từ bây giờ, qua việc thiết lập tinh thần các mối phúc, hầu khơi lên trong xã hội loài người những khát vọng đích thực muốn đạt tới công lý, hoà bình, tình liên đới và tha thứ. Theo hướng này, có thể khẳng định rằng “sự hướng đến cánh chung được diễn tả thành sứ vụ, ngõ hầu Triều đại Thiên Chúa được củng cố tiệm tiến ngay từ bây giờ”[18].

3. Nhận định


Hai mươi năm sau khi được ban hành, tông huấn Vita consecrata vẫn là bản văn quy chiếu mỗi khi muốn đề cập đến chiều kích ngôn sứ của đời thánh hiến. Theo tôi nghĩ, chiều kích ngôn sứ trong đời tu trì có ý nghĩa khi đặt trong tương quan giữa vài yếu tố cốt yếu của đời tu với khung cảnh lịch sử của cuộc sống. Trong ba mô hình đã trình bày trên đây, mỗi tương quan kèm theo những hệ luận khác nhau[19].

Đặc tính của mô hình thứ nhất là dấu hiệu hữu hình và nhận thấy được. Đó là một lối sống phản kháng thế gian. Dựa theo mô hình này, việc tuyên giữ các lời khuyên Tin Mừng được giải thích như là sự chỉ trích những thái độ của văn hóa đương thời. Đây là một mô hình dễ hiểu, vì thế được sử dụng thường xuyên (chẳng hạn trong các bài giảng lễ khấn dòng). Tuy nhiên, nguy cơ là nó rơi vào giọng điệu luân lý, khi đồng hóa các lời khấn dòng (và các lời khuyên Tin Mừng) với một vài giá trị luân lý, đối kháng với các phản-giá-trị của văn hóa thời đại. Như vậy, đời sống tu trì được đặt trên cùng một tầm mức ngang bằng với thế giới, để làm chứng cho điều “công chính”, “ngay lành” của đời sống, phản đối đường lối bất chính, bất công của thời nay. Tuy nhiên, một lối trình bày đời tu “nhập thế” như vậy có nguy cơ sẽ rơi vào một cạm bẫy tệ hại của việc giữ đạo, đó là nghĩ rằng mình tốt hơn người ta! Một cách vô tình, ta đã phân chia thế giới thành hai nhóm: nhóm người lành và nhóm người dữ (và các tu sĩ đương nhiên thuộc về nhóm người lành). Việc phân chia như vậy mắc phải hai điểu sai lầm. Một là thế giới không phải chỉ ở trong bóng tối tăm tội lỗi, nhưng còn có nhiều ánh sáng! Hai là, các tu sĩ chưa nắm chắc ánh sáng: đời tu vẫn còn nhiều dò dẫm, nghi nan, sa ngã. Đan sĩ Enzo Bianchi đã viết một cuốn sách mang tựa đề “Chúng tôi chẳng có gì hơn”, với nội dung gần giống với điều mà đạo sĩ Zosima ngỏ lời với các môn đệ trong tác phẩm Các anh em nhà Karamazov:
Chúng ta chẳng tốt hơn những người ngoài thế gian chỉ vì chúng ta đến đây và sống giữa các bức tường tu viện. Ngược lại, bất kỳ ai đến đây đều thành thực thú nhận rằng mình là người tồi tệ nhất thiên hạ... Một đan sĩ càng ở sâu trong bốn bức tường tu viện càng phải ý thức hơn về điều đó. Bởi vì, nếu không như vậy thì chẳng bõ công để đi tu làm gì. Chừng nào ta nhìn nhận rằng không những là mình tệ hơn những người khác, mà còn mắc tội nhiều hơn mọi người đã phạm tất cả mọi tội lỗi trên đời, thì lúc ấy ta mới đạt được mục tiêu tu hành [...] Việc ý thức như vậy là tột đỉnh của cuộc đời tu sĩ mà cũng là của mọi cuộc đời con người. Tu sĩ không phải là những kẻ không như những người khác; họ chỉ là những kẻ mà lẽ ra mọi người trên thế gian này phải đạt tới[20].

Đây là chân phúc của tu sĩ, như các giáo phụ đã dạy, chẳng hạn như Evagrio Pontico:

Phúc thay đan sĩ nào coi mình là rác rưởi của mọi người. Phúc thay đan sĩ nào nhìn thấy sự cứu độ và tiến đức của mọi người như là của mình, với tất cả niềm hân hoan. Phúc thay người đan sĩ nào biết nhìn thấy, sau Thiên Chúa, tất cả mọi người như là Thiên Chúa. Đan sĩ là người tách biệt khỏi mọi người, nhưng lại kết hợp với mọi người. Đan sĩ là người coi mình làm một với tất cả mọi người, vì đã quen nhìn thấy mình nơi mỗi người[21].

Không khó gì trưng dẫn thêm nhiều danh ngôn khác, nhưng hai đoạn trên đây đã đủ cho thấy cảm nghiệm của một đan sĩ đã đi sâu vào thâm tâm của mình và khám phá động lực sâu xa nhất của ơn gọi của mình[22].

Mô hình thứ hai diễn tả mối tương quan ngôn sứ giữa đời tu và lịch sử, nêu bật sự phân định chương trình cứu độ của Thiên Chúa qua việc lắng nghe Lời Ngài và chăm chú đọc các dấu chỉ thời đại. Tôi đã ghi nhận tầm quan trọng mà mô hình này dành cho lịch sử, được xem như là nơi mà Chúa nói, và vì thế người tu sĩ được mời gọi hãy dấn thân tích cực vào những biến cố của thời đại (VC 73). Nói chung, đây là quan điểm mà hiến chế Gaudium et spes đã ủy thác cho Hội thánh vào thời đại hôm nay, biết liên đới với nhân loại và lịch sử (GS 1), và vì thế, cần phải khám phá các dấu chỉ thời đại. Cần phải hiểu biết thế giới là nơi chúng ta sinh sống, cũng như những khát vọng, và yêu sách của nó (GS 4).

Những dè dặt nêu lên trong việc áp dụng mô hình cho đời tu trì bắt nguồn từ cách giải thích thuật ngữ “dấu chỉ thời đại”[23]. Thuật ngữ được phổ biến đặc biệt từ công đồng Vaticanô II. Thế nhưng người ta thường hiểu nó theo nghĩa của khoa lịch sử và xã hội học, tức là dấu chỉ thời đại là những hiện tượng của thời đại mà chúng ta đang sống, biểu lộ tình trạng hiện sinh, luân lý và đạo đức của thời buổi hôm nay. Sự hiểu biết các hiện tượng ấy rất quan trọng đối với hoạt động mục vụ của Giáo hội, bởi vì Giáo hội không sống bên lề hoặc là thù nghịch với lịch sử, nhưng hoàn toàn hội nhập vào thế giới. Theo nghĩa này, để tránh nguy cơ quy hướng về chính mình, cần phải phân biệt giữa sự hiểu biết các dấu chỉ thời đại theo nghĩa xã hội học và sự nhận định theo nghĩa thần học hoặc mục vụ.

Do đó, nếu hiểu dấu chỉ thời đại như là hiểu biết những biến đổi lịch sử, xã hội, văn hóa chung quanh chúng ta, thì tôi không chắc rằng các tu sĩ, do ơn gọi của mình, do sự huấn luyện văn hóa đã lãnh nhận và do các hoạt động đang thi hành, sẽ là những người có khả năng chuyên môn để thực hiện chức năng này trong Giáo hội. Chúng ta cần nhìn nhận rằng, khi cần bàn đến xã hội đương thời, chúng ta phải nhờ đến các chuyên gia, thường là các giáo dân, để nhờ họ soi sáng cho chúng ta về các hiện tượng mà chúng ta đang chứng kiến nhưng chúng ta không đủ khả năng đánh giá tất cả ý nghĩa và những khía cạnh phức tạp của chúng. Hiểu như vậy, chúng ta cần phải học hỏi hơn là dạy dỗ.

Việc đọc các dấu chỉ thời đại theo cách ngôn sứ đòi hỏi phải tiến thêm một bước nữa, đó là biết đón nhận trong các tình trạng mới của thế giới những sự thôi thúc của Thánh Linh để rồi “can đảm diễn tả chúng thành những lựa chọn phù hợp với đặc sủng nguyên thủy cũng như với tình hình cụ thể hiện tại” (VC 73). Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này, xem ra đời tu cũng chẳng nổi bật gì. Các cơ cấu của chúng ta, tinh thần hay vật chất, luôn luôn cầm hãm chúng ta, và bóp nghẹt ngay từ đầu những ước mong canh tân và thay đổi. Ngày nay chúng ta không còn là “đội khinh binh của Giáo hội”, nói theo ĐTC Phanxicô, và chúng ta khổ sở vì bệnh thu tích: “Tật thu tích khiến cho ta trở nên nặng nề và làm trì trệ việc lên đường”[24]. Xem ra các giáo dân, các phong trào, các cộng đoàn mới thì được trang bị đầy đủ hơn là các dòng tu cổ truyền trong việc thi hành chức năng truyền thông với thế giới, để cho phép Giáo hội “soạn thảo ra và thực hiện những kế hoạch loan báo Tin Mừng cho những hoàn cảnh hiện thời” (VC 73).

Bây giờ chúng ta bước sang mô hình thứ ba, trong đó ơn gọi ngôn sứ của đời thánh hiến được đặt trên niềm khắc khoải cánh chung. Theo tôi nghĩ, mô hình này đặt vào trung tâm yếu tố đặc trưng nhất của đời tu, cũng như yếu tố mạnh nhất cho cuộc canh tân đối nội và đối ngoại. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng việc thảo luận đề tài này, trong các văn kiện và trong văn chương thần học về đời tu, vẫn chưa khai thác sự phong phú của các nghiên cứu chú giải Kinh Thánh và suy tư thần học trong thế kỷ XX về cánh chung, một đề tài không chỉ liên quan đến khảo luận tứ chung của cuộc sống con người nhưng nhất là một chiều kích cốt yếu của đức tin Kitô giáo.

Suy tư về cánh chung có nghĩa là đưa đức tin trở về với nguồn gốc thiên linh, siêu việt của nó, và do đó nhìn nhận vị trí tối thượng của Thiên Chúa trong lịch sử. Cánh chung đích thực của Kitô giáo là chính Chúa Kitô phục sinh, Đấng Hằng sống và hiện diện dưới hình thức khiếm diện, bởi vì Người là Đấng đang đến. Vì thế đức tin vào Đấng Phục sinh được phát biểu theo hình thức nguyên thủy nhất thành lòng mong đợi Người trở về (x. Lc 18,8). Cánh chung Kitô giáo được xây dựng trên “Đức Kitô này” (Cv 2,32) được suy tôn lên ở bên hữu Chúa Cha, Đấng trút đổ Thánh Linh nhờ Người. Cánh chung Kitô giáo chính là một thần học về thời gian và lịch sử, tin tưởng và loan báo một sự kiện như là lời hứa, trông mong và van xin cho nó được hoàn tất. Đó là Đức Kitô, Đấng Cánh chung (Eschatos), làm cho lịch sử nhân loại trở nên một mầu nhiệm, mở rộng thế giới hiện hữu đến các chiều kích của thần linh.

Xét dưới khía cạnh thần học, ý nghĩa của hàng ngũ tu trì tìm thấy ý nghĩa nơi không gian / thời gian mở ra đến việc khẩn nài và tuyên xưng đức tin (Maranatha: 1Cr 16,22, “Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến” nhưng cũng có thể dịch là: “Chúa đang đến”) Tự bản chất, đời sống tu trì mang tính chất vô vị lợi, không bị ràng buộc vào sự vận hành các cơ cấu Giáo hội hoặc sự biến đổi thế giới. Tự nó, đời tu mang một giá trị chúc tụng, và vì thế có giá trị ngôn sứ theo nghĩa mà thánh Bênađô nói đến: tu sĩ là người cảm nghiệm cảnh “không thấy”, “không biết” giữa cuộc sống trên trần thế. Nhờ trải nghiệm ấy mà tu sĩ trở thành ngôn sứ trong Giáo hội. Ngôn sứ là người nhìn đến một chân trời xa hơn, vượt lên trên thực tại trần thế để hướng đến thực tại được Chúa hứa. Điều này không có nghĩa là khinh chê thực tại trần thế, nhưng muốn đề cao sự tự do thanh thoát khỏi những chân trời của thế giới. Nói cho cùng, đó là thái độ của thánh Têrêsa Avila được phát biểu qua châm ngôn: “Đừng để gì quấy rối bạn, đừng để gì gây hoảng hốt, tất cả qua đi, Thiên Chúa không thay đổi. Đức kiên trì đạt được tất cả. Duy một mình Chúa là đủ.”

Nếu chúng ta muốn đặt tên cho đường hướng thứ ba trong tương qua với lịch sử, chúng ta có thể dùng từ ngữ “kiên trì”. Thuật ngữ này không có nghĩa là cam chịu nhưng là đón nhận thực tại trong niềm trông đợi và hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ can thiệp. Đây là một từ tương đương với hypomoné, trong Tân ước, thường được dịch là kiên nhẫn, bền chí, nhưng theo tầm nguyên có nghĩa là “đứng ở dưới”, nghĩa là vác gánh nặng của thực tại mà ta đang sống trong niềm trông đợi Thiên Chúa sẽ thay đổi và giải thoát. Vì thế hypomoné (kiên trì) và elpís (hy vọng) thường gắn liền với nhau trong ngôn ngữ của Tân ước, đặc biệt trong ngôn ngữ của thánh Phaolô (chẳng hạn 1Tx 1,3).

Vì thế tương quan giữa ngôn sứ và lịch sử có thể được diễn tả như là “kiên nhẫn trụ lại ở dưới gánh nặng”, như là biểu hiện của tình yêu và hy vọng đối với nó. Như Giuseppe Ruggieri đã viết:

Phàm ai hy vọng vào tương lai của gánh nặng mà mình gánh vác thì không vứt bỏ nó, nhưng đứng lại chống đỡ nó. Hypomoné là thái độ của người Kitô hữu hy vọng, cho hết mọi người mà mình gặp gỡ và cho hết mọi sự việc mà mình trải nghiệm, được bình an, vinh quang và vẻ đẹp của thụ tạo được biến hình; vì thế, họ chấp nhận gánh vác nó, chấp nhận sự khác biệt của nó với vương quốc Thiên Chúa, với một cơn hấp hối âu yếm để tháp tùng Đức Kitô “cho đến tận thế”, như Pascal đã nói”[25].

Nói cho cùng, chiều kích cánh chung nằm trong đời sống thánh hiến là một hình thức yêu thương thế giới và lịch sử một cách triệt để. Theo gương Chúa Kitô, tu sĩ ôm ấp chúng, gánh vác chúng trong lao nhọc và niềm hy vọng sẽ cùng nhau đạt tới tiêu điểm là Vương quốc Thiên Chúa. Làm như thế, tu sĩ ôm ấp chính bản thân mình, sự mỏng dòn và yếu đuối của mình, lịch sử của gia đình mình, của cộng đoàn tu sĩ của mình, của dân tộc mình, mang đến cho tất cả ngọn lửa của niềm khát khao biến đổi và cứu chuộc, được nuôi dưỡng nhờ sự tiếp xúc thân tình với Chúa Giêsu Kitô.

Thật vậy, người tu sĩ mang trong mình một sự khác biệt, mà không phải là và không thể là tách rời khỏi người khác, cũng chẳng phải là đồng hóa với người khác, nhưng là gánh vác người khác như gánh nặng vác trên vai mình với tình yêu của người Samari nhân hậu và người mục tử nhân lành. Nếu cất đi hoặc là sự khác biệt hoặc là sự liên hệ, thì sẽ tước mất cốt lõi của đời sống thánh hiến, sức mạnh ngôn sứ. Duy trì cả hai vế, khác biệt mà không đối đầu và liên hệ mà không đồng hóa, có nghĩa là chấp nhận điều khó khăn và triệt để nhất, đó là cuộc khổ nạn, chấp nhận nỗi khổ của tình yêu Kitô giáo.

4. Vài kết luận thực hành


Khi phân tích đề tài ngôn sứ trong đời sống thánh hiến, người ta thấy rằng đây không phải là câu chuyện phụ thuộc nhưng đụng đến căn tính sâu xa nhất của on gọi tu sĩ. Điều này đưa đến câu kết luận thực tiễn thứ nhất: cần phải đào sâu sự suy tư thần học về căn tính của những người tu sĩ. Nếu thiếu sự hiểu biểt về ý nghĩa thần học về chỗ đứng của người tu sĩ trong Giáo hội và trong thế giới thì không thể nào tiến tới các hướng khác một cách hữu hiệu. Quả thật là đúng khi chúng ta nhìn nhận rằng việc canh tân là điều cần thiết; nhưng làm thế nào canh tân nếu trước đó chúng ta không có một ý tưởng rõ rệt về căn tính của mình?

Do bởi thiếu tính cách triệt để và nghiêm túc trong tư tưởng cho nên việc thực hành cũng gặp nhiều thiếu sót. Nếu một thần học tốt là nguồn mạch cho sự “khai sáng” thì một thần học xấu là nguyên nhân gây ra sự tối tăm. Thần học tốt giúp cho ta thấy con đường rồi từ đó vạch ra những kế hoạch sáng suốt, còn thần học xấu để lại trong đầu óc chúng ta những tư tưởng rỗng tuếch và những trực kiến mù quáng. Chúng ta thường nói rằng cần phải có những quyết định can đảm, nhưng theo tôi nghĩ, chúng ta cần có những lý luận vững chắc (điều này giả thiết đầu óc sáng suốt) hơn là những ý muốn liều lĩnh.

Thật vậy, chúng ta gặp thấy một đời tu trì làm mỗi thứ một chút. Tình trạng này không phải là ngôn sứ cũng chẳng phải là bền vững, mà chẳng qua chỉ là đối phó nhất thời, và dĩ nhiên là sẽ qua đi hoặc là phải thay đổi. Thay vì các chiến lược duy trì, ta cần có chiến lược đào tạo, giúp cho các tu sĩ (hoặc ít là những thành phần lành mạnh) dám chất vấn mình về ý nghĩa của ơn gọi, đưa đến sự phân định và những quyết định cụ thể. Những kiểu chiến lược này, tuy thường được nhắc đến trong các văn kiện chính thức, nhưng không mang lại kết quả, bởi vì không dựa trên những nguyên tắc rõ rệt về ý định: đâu là đời sống tu trì mà chúng ta muốn đào tạo anh chị em mình? Các tu sĩ giữ vị trí nào trong Giáo hội và xã hội? Chúng ta muốn nhắm tới điều gì? Đâu là những ưu tiên của chúng ta? Thật là đáng ngạc nhiên khi được biết rằng ưu tiên của chúng ta là tuyển mộ ơn gọi hoặc tái cấu trúc sự hiện diện của chúng ta, nghĩa là mở rộng hoặc thu hẹp. Chúng ta còn ở trên bình diện số lượng: tìm thêm ơn gọi và rút lại hay mở thêm (tùy trường hợp) số lượng các cộng đoàn. Nhưng những vấn đề đích thực không phải là số lượng mà là phẩm chất. Nói theo ngôn ngữ của tông huấn Evangelii gaudium (niềm vui Tin Mừng), thì phải dành ưu tiên cho thời gian hơn là cho không gian:

Dành ưu tiên cho không gian đưa đến việc điên đầu muốn giải quyết tất cả trong hiện tại, tìm hết cách để chiếm giữ hết mọi không gian của quyền lực và tự khẳng định. Có nghĩa là cô đọng các qui trình và ngăn chặn chúng lại. Dành ưu tiên cho thời gian có nghĩa là quan tâm đến việc khởi động các qui trình hơn là chiếm hữu không gian. Thời gian điều khiển không gian, soi sáng chúng và biến chúng thành những mắt xích trong một xâu chuỗi tăng trưởng không ngừng, và không quay ngược trở lại. Vì vậy ta cần dành ưu tiên cho những hành động phát sinh các qui trình mới trong xã hội và lôi kéo sự tham gia của những người khác và những nhóm khác, những người có thể phát triển chúng tới chỗ sinh hoa kết quả trong những biến cố lịch sử quan trọng, không lo lắng, nhưng đầy những xác tín rõ ràng và bền bỉ (EG 223).

Việc quan tâm duy trì hiện tại dẫn đưa chúng ta đến chỗ bỏ qua điều quan trọng nhất, đó là thúc đẩy một qui trình làm tăng trưởng căn tính tu sĩ của chúng ta, từ đó mới có thể nảy ra những điều mới mẻ có khả năng biến đổi không gian của chúng ta. Tôi biết là ổn định không gian thì dễ dàng hơn, nhưng tôi cũng biết rằng cần phải chống lại cơn cám dỗ muốn tìm cái dễ dàng và rõ rệt trước mắt. ĐTC Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng để phát sinh những qui trình lịch sử có khả năng sinh hoa kết quả trong những biến cố lịch sử thì cần “những xác tín rõ ràng và bền bỉ”. Liệu chúng ta có những xác tín ấy không? Đó là xác tín nào? Đã có ai viết những về những điều này chưa? Giả như có người đã viết rồi, thì phải chăng chúng ta phải đọc ngõ hầu áp dụng vào thời buổi của chúng ta, vào bản thân chúng ta, và tình trạng hiện nay của chúng ta?

Theo tôi, như đã nói trên đây, tiên vàn ngày nay đời sống thánh hiến cần tìm lại đặc tính cánh chung của mình. Tôi đã nói rằng việc đề cập đến chiều kích cánh chung của đời sống thánh hiến đòi hỏi một cuộc suy tư sâu xa và cập nhật. Tôi xin phép được nói là chúng ta hãy tạm quên đi trong chốc lát cái vị trí làm chủ các hoạt động (linh mục, nhà trí thức, người hoạt động xã hội, hoặc làm cái gì đi nữa) để đi thẳng vào bản chất của mình là tu sĩ? Thử hỏi điều gì còn lại, sau khi đã loại bỏ tất cả những điều ấy? Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng chỉ còn lại hypomoné, nghĩa là khả năng đứng trong lịch sử, chứ không bỏ trốn mà cũng chẳng tan biến trong nó, qua việc chịu đựng những nỗi đau của nó và những câu hỏi không có lời giải đáp.

Khi nêu bật ý nghĩa cánh chung của đời tu sĩ, tôi thấy cần nhấn mạnh rằng không thể nào tiếp tục theo đuổi một thứ lý luận của tiếp nối (thể chế và giáo sĩ), trong khi mà tất cả đều nói lên sự cắt đứt và gián đoạn. Nếu chúng ta sợ nói đến nó, nếu chúng ta chỉ giới hạn vào những luận điệu xuôi tai, thì chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm uổng công đối tượng ngôn sứ của đời sống thánh hiến. Ngôn sứ đi qua “ thung lũng tối tăm” (Tv 23, 4), cõi lưu đày, con đường trên sa mạc này, nhưng biết rằng chúng chất đầy những lời hứa của Thiên Chúa khi nào đã thanh lọc khỏi mọi kế hoạch phàm tục. Chúng ta cần phải dừng lại và suy tư, bởi vì còn nhiều điều cần “đập phá và tiêu hủy” và “xây dựng và trồng trọt” (Gr 1,10), nhưng chúng ta không biết phải làm thế nào, ở đâu và lúc nào. Sự cắt đứt, đoạn tuyệt xảy ra nơi các sự kiện và lịch sử: chúng ta có thể để cho mình bị cuốn theo chúng, hay là thả neo để có khả năng suy nghĩ đến sự gián đoạn. Có một đoạn văn tuyệt vời của Isaia, chương 29 mà tôi muốn dùng để kết luận: “Hãy dừng lại và ngỡ ngàng, hãy nhắm mắt lại và trở nên đui mù [...] bởi vì Đức Chúa bịt mắt các ngươi là các ngôn sứ, và đã trùm đầu các ngươi là thầy chiêm. Đối với các ngươi, mỗi thị kiến sẽ như là một cuốn sách niêm phong; nó được trao cho một người biết đọc và nói rằng: “Làm ơn đọc đi”, nhưng người ấy thưa rằng: “Tôi không thể đọc bởi vì nó bị niêm phong”. Hoặc nó được trao cho một người không biết đọc và nói rằng: “Làm ơn đọc đi”, nhưng người ấy thưa rằng: “Tôi không biết chữ” (Is 29,9-12).

Có những lúc mà hình thức duy nhất của ngôn sứ là dừng lại và ngỡ ngàng, nhận biết rằng cuốn sách bị niêm phong hoặc được viết bằng một thứ ngôn ngữ mà mình chưa học. Đó là lúc kiên trì, “đứng lại ở dưới” và chờ đợi: sống triệt để ơn gọi ngôn sứ là như thế.
___________

[1] X. Mt 11,14.

[2] J. Leclercq, La vie parfaite. Points de vue sur l’essence de l’état religieux, Brepols, Turnhout-Paris 1948, p. 58. Nên đọc tất cả chương III “La vie prophétique”, pp. 57-81.

[3] Serm. de diversis, XXXVII (PL 183, 639-644).

[4] Serm. de diversis, XXXVII, 6 (PL 183, 642).

[5] Về lịch sử của học thuyết này, xc. Rose M. Beal, “Priest, Prophet and King: Jesus Christ, the Church and the Christian Person”, in John Calvin’s Ecclesiology: Ecumenical Perspectives, ed. G. Mannion, E. van der Borght, T & T Clark, London 2011, pp. 90-106.

[6] LG 44: “Hàng tu sĩ biểu lộ rõ rệt hơn cho tất cả mọi tín hữu gia sản thiên quốc đã hiện diện ở đời này, làm chứng rõ ràng hơn về sự hiện hữu của một cuộc sống mới và vĩnh cửu, được thủ đắc bởi ơn cứu chuộc của Đức Kitô, loan báo tỏ tường hơn về sự phục sinh mai hậu và vinh quang của vương quốc trên trời.”

[7] LG 44: “Hàng tu sĩ bắt chước cách trung tín hơn và liên tục làm hiện diện trong Hội thánh lối sống mà Con Thiên Chúa đã ôm ấp khi đến trần gian để thi hành ý Chúa Cha và Người đã đề nghị cho các môn đệ đi theo mình.”

[8] LG 44: “Sau cùng, hàng tu sĩ biểu lộ rằng nước Thiên Chúa vượt lên trên mọi sự vật trên đời này và những yêu sách của nó; hàng tu sĩ cũng chứng tỏ cho hết mọi người sự cao cả của quyền năng của Đức Kitô Vua và quyền năng vô biên của Thánh Linh đang tác động diệu kỳ trong Hội thánh.”

[9] Tôi đang nói về huấn quyền của Giáo hoàng và Tòa Thánh. Từ năm 1968, văn kiện của hàng giám mục Mỹ châu Latinh họp tại Medellin đã nói đến sứ mạng ngôn sứ của các tu sĩ và đồng hóa nó với “chứng tá cánh chung”.

[10] Enchiridion della vita consacrata [= EVC] 5313-5314.

[11] “Một trong những vấn đề gai góc hiện nay trong đời sống thánh hiến là việc đương đầu với ảnh hưởng của văn hóa tân thời (moderna) và hậu tân thời (postmoderna) của xã hội, trái ngược sâu xa với các giá trị Tin Mừng. Điều này không được làm mất nhiệt tình của sự thánh hiến, ngược lại cần phải múc lấy từ sự thánh hiến khả năng phản ứng dựa theo Tin Mừng, với chiều kích ngôn sứ được biểu lộ qua lời kêu gọi hoán cải (Lineamenta 29e).

[12] José Rovira, Vita consacrata e profezia, Suppl. a “Testimoni” n. 5 del 15/3/2001, p. 17.

[13] X. ivi, pp. 17-18.


[14] Có thể đọc bài phát biểu của hồng y Ratzinger trong ADISTA/doc n° 74, 29 ottobre 1994, pp. 2-3.

[15] VC 15: “Việc tuyên giữ các lời khuyên Tin Mừng đặt các người được thánh hiến là dấu chỉ và ngôn sứ cho cộng đồng các anh em và cho thế giới”.

[16] VC 87: “Những thách đố đó liên quan trực tiếp đến những lời khuyên Tin Mừng khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, và thúc đẩy Giáo hội và, đặc biệt, những người tận hiến hãy làm nổi bật ý nghĩa nhân bản của những lời khuyên Tin Mừng và minh chứng điều đó. Thực vậy, việc chọn sống các lời khuyên đó, thay vì giảm thiểu những giá trị nhân bản chân chính, lại thăng tiến chúng nữa”.

[17] Chẳng hạn như số 32 (“Đời thánh hiến loan báo và ra như sống trước thời mai hậu, thời mà Nước Trời đang hiện diện ở dạng mầm mống và trong mầu nhiệm, sẽ đạt mức viên mãn; thời mà các con cái của sự phục sinh sẽ không cưới vợ lấy chồng nữa, nhưng sẽ nên như các thiên thần của Thiên Chúa (x. Mt 22,30)”). Số 111 (“Những người sẽ đóng vai trò làm người phân phát lòng thương xót cho con người thời đại chúng con, tiên báo ngày Chúa trở lại, làm dấu chỉ sống động những phúc lợi của sự phục sinh mai sau”).

[18] Tông huấn Vita consecrata chẳng qua chỉ áp dụng vào đời sống thánh hiến giáo huấn của Vaticanô II trong hiến chế Gaudium et spes, 39: “Nhưng sự trông đợi đất mới không được làm suy giảm, trái lại phải kích thích nỗ lực phát triển trái đất này, nơi mà Thân Thể gia đình nhân loại mới đang tăng trưởng và tiên báo một vài hình ảnh của thời đại mới. Bởi vậy, tuy phải phân biệt rõ rệt những tiến bộ trần thế với sự bành trướng Vương Quyền Chúa Kitô, nhưng những tiến bộ này trở thành quan trọng đối với Nước Thiên Chúa tùy theo mức độ chúng có thể góp phần vào việc tổ chức xã hội loài người cho tốt đẹp hơn”.

[19] Nói theo ngôn ngữ của Italo Mancini (Tornino i volti, Marietti, Genova 1989, pp. 3-31), có thể đặt tên cho ba mô hình là: hiện diện, trung gian và nghịch lý.

[20] F. Dostoevskij, I fratelli Karamazov, libro IV, cap. I.

[21] Evagrio Pontico, De oratione, cc. 121-125.

[22] Thật đáng suy nghĩ về những lời sau đây của ĐTC Phanxicô nói với các bề trên tổng quyền trong buổi gặp gỡ ngày 29-11-2013: “Các con phải thực sự là những chứng nhân của một cách thức sinh hoạt khác biệt. Tuy nhiên, ở trên đời này, không phải mọi cái đều chính xác rõ rệt. Cuộc sống phức tạp, bao gồm cả ân sủng và tội lỗi. Nếu ai không phạm tội thì không phải là người. Tất cả chúng ta đều mắc phải sai lầm và chúng ta cần phải nhìn nhận sự yếu đuối của mình. Một tu sĩ biết nhìn nhận rằng mình yếu ớt và phạm lỗi thì không tương phản với sự làm chứng mà mình được mời gọi, trái lại còn củng cố nó hơn nữa và điều này hữu ích cho mọi người” (A. Spadaro, “Svegliate il mondo!” Colloquio di Papa Francesco con i Superiori Generali, “Civiltà Cattolica” 3925, 4 gennaio 2014, p. 5).

[23] X. A. Toniolo, Vaticano II, pastorale, segni dei tempi: problemi ermeneutici e opportunità ecclesiali, “Archivio Teologico Torinese” 20 (2014), pp. 19-34; A. Steccanella, Alla scuola del Concilio per leggere i “segni dei tempi”. L’ Interpretazione conciliare dei Signa temporum e la sua recezione ed eredità nel metodo della teologia pratica, EMP - FTTR, Padova 2014.

[24] Discorso di papa Francesco alla Curia Romana, 22-12-2014.

[25] G. Ruggieri, La verità crocifissa. Il pensiero cristiano di fronte all’alterità, Carocci, Roma 2007, p. 13.