Hiển thị các bài đăng có nhãn Giáng Sinh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Giáng Sinh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 17 tháng 1, 2022

MẦU NHIỆM NHẬP THỂ

Thời sự Thần học – Số 4, tháng 12/2009, tr. 76-111.

_Walter Drum_

Nhập thể là một mầu nhiệm và là tín điều về Ngôi Lời trở thành Xác phàm. Trong ý nghĩa của thuật ngữ này, hạn từ incarnation đã được thích ghi suốt thế kỷ XII, từ miền Norman (Pháp quốc), xuất phát từ tiếng La-tinh incarnatio. Các Giáo phụ La-tinh (thánh Jerome, Ambrose, Hilary, …), từ thế kỷ XIV, đã sử dụng phổ biến từ ngữ này. Tiếng La-tinh incarnatio (caro: xác phàm) tương ứng với tiếng Hy-lạp là sarkosis, hay ensarkosis, những từ này dựa theo Gioan (1,14): kai ho Logos sarx egeneto, “và Ngôi Lời đã trở thành xác phàm”. Theo thần học gia Harnack, hai từ ngữ này được các Giáo phụ Hy-lạp sử dụng từ thời thánh Irenaeus[1], tức là khoảng những năm 181 - 189. Động từ sarkousthai, trở thành xác phàm, xuất hiện trong kinh Tin kính của công đồng Nicaea.[2] Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, theo phép đề dụ, xác phàm có nghĩa là nhân tính hay con người (Lc 3,6; Rm 3,20). Suarez cho rằng việc chọn từ ngữ incarnation thật là thích hợp. Manis đã nhắc lại từ ngữ xác phàm để nhấn mạnh đến sự yếu hèn của bản tính xác thịt. Khi Ngôi Lời được nói là nhập thể, trở thành xác phàm, thì sự tốt lành của Thiên Chúa được diễn tả rõ nhất qua việc Thiên Chúa “đã trút bỏ chính mình và nên giống (schemati) như người trần thế” (Pl 2,7); chính Người đã không chỉ mang lấy bản tính con người, một bản tính có khả năng đau khổ, yếu đuối và chết chóc, mà Người còn trở nên giống như một con người trọn vẹn, ngoại trừ tội lỗi.[3] Các Giáo phụ đôi khi dùng từ henanthropesis, hành động trở thành con người, tương tự như các hạn từ inhumanatio, được các Giáo phụ Latinh dùng, và từ “Menschwerdung” thịnh hành trong tiếng Đức. Mầu nhiệm Nhập thể được diễn tả trong Thánh Kinh bằng các hạn từ khác: epilepsis, hành động mặc lấy một bản tính (Dt 2,16); epiphaneia, dáng vẻ bên ngoài (2Tm 1,10); phanerosis hen sarki, sự tỏ hiện trong xác phàm (1Tm 3,16); somatos katartismos, sự hoà hợp với một thân xác mà một vài Giáo phụ La-tinh gọi là incorporatio (Dt 10,5); kenosis, hành động làm cho mình trở nên trống rỗng (Pl 2,7). Trong bài này, chúng ta sẽ đề cập đến sự kiện, bản chất của biến cố Nhập thể.

Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2022

THÁNH GIUSE TRONG BIẾN CỐ GIÁNG SINH

Thời sự Thần học – Số 4, tháng 12/2009, tr. 68-75.

_Thomas Aq. Hoàng Anh_


Coi xong một bộ phim, thường người ta sẽ nhớ tới diễn viên chính trong phim với hình dáng và hành động của họ, còn diễn viên phụ ít có ai để ý tới, trừ trường hợp vai diễn của diễn viên phụ này thật sự xuất sắc và để lại ấn tượng. Cũng vậy trong bối cảnh giáng sinh, Chúa Giêsu là nhân vật chính, nhân vật trung tâm của biến cố này, đã thu hút mọi sự chú ý cũng như làm thỏa mãn niềm mong chờ của con người. Vì vậy khi nói tới giáng sinh người ta thường tập trung vào Hài Nhi, bởi qua đứa trẻ này nhân loại sẽ được cứu khỏi ách nô lệ tội lỗi. Chính vì vai trò của Chúa Giêsu quá lớn lao, mà những nhân vật khác dường như không còn chỗ diễn trong sân khấu đêm giáng sinh. Trời hân hoan, đất tưng bừng reo vui; các mục đồng hối hả tuôn đến để xem Con Chúa Giáng Trần; Thiên Thần trên trời trổi cao tiếng hát; ba vua vạn dặm đường xa tới thờ lạy Hài Nhi… tất cả những hiện tượng trời đất nhằm tôn tạo và làm nên vẻ đẹp cho hiện tượng Con Thiên Chúa sinh ra trong một đêm giá buốt nơi cánh đồng hoang vắng.

Trong “vở kịch” giáng sinh, chúng ta thấy có ba nhân vật cùng xuất hiện một lúc. Cùng nhau vượt qua sự khước từ, cùng nhau vượt qua giá rét, cùng nhau vượt qua sự truy nã, cùng nhau trên hành trình đất khách quê người… tất cả như cố gắng hoàn tất sứ mạng mà Thiên Chúa đã trao phó cho mình. Chắc hẳn rằng ai cũng có thể kể tên ba nhân vật đó: Hài Nhi Giê-su nhân vật trung tâm, Mẹ Ma-ri-a và Thánh Giu-se. Hai trong ba nhân vật Hài Nhi Giê-su và mẹ Ma-ri-a chúng ta đã quá quen thuộc, còn lại một người đóng vai trò thầm lặng bên cạnh hai nhân vật kia người ta ít để ý tới và dường như bị lãng quên. Tuy nhiên nhân vật đó cũng chiếm một vị trí khá quan trọng trong biến cố giáng sinh.

Bỏ qua nhân vật chính, đi vào tìm hiểu nhân vật phụ, để chúng ta thấy rõ vai trò và nhiệm vụ của thánh Giu-se, một con người thầm lặng và ít ai để ý tới, chính là mục tiêu của bài viết này. Quả thật, Thánh Kinh Tân Ước không ghi lại được một lời nào của Thánh Giuse. Ngài là một con người kín đáo, thầm lặng, khiêm nhu và cẩn mật. Là người đồng thời với Đức Maria, thánh nhân đã cùng xuất hiện với người nơi trang đầu của “Mầu nhiệm từ muôn thuở ẩn dấu nơi Thiên Chúa và nay được tỏ hiện” (x. Mt 1, 16.18; Rm 1,19). Có phi lý chăng khi giáng sinh mà không viết về Hài Nhi Giêsu mà lại đi viết về một nhân vật mà cách nào đó chúng ta vẫn cho là “vai phụ” trong vở diễn đêm giáng sinh. Với bài viết này, người viết cố gắng triển khai đôi nét về nhân vật mà chúng ta không thấy nói gì ở trong các Tin Mừng, tuy xuất hiện ngay từ đầu các Tin Mừng liên quan tới biến cố Con Thiên Chúa nhập thế và tìm hiểu vai trò của Thánh Giuse trong công trình cứu độ của Thiên Chúa với bối cảnh Ngôi Hai giáng thế làm người.

Thứ Ba, 11 tháng 1, 2022

NẺO ĐƯỜNG VỀ CHÂN LÝ

Thời sự Thần học – Số 4, tháng 12/2009, tr. 57-67.

_Paul Martin K. Nam_

Chân lý luôn tồn tại cùng với thời gian. Trong quá trình phát triển, con người đã biết tới chân lý qua việc tìm hiểu các biến cố hay hiện tượng diễn ra trong tự nhiên. Tự trong thâm sâu con người luôn có nhu cầu hướng về một Chân Lý Tuyệt Đối, nhưng để có thể tìm gặp được Chân Lý Tuyệt Đối này thì con người lại không có khả năng, phải chờ cho tới khi có một biến cố xảy ra cách đây hơn 2000 năm, biến cố Con Thiên Chúa nhập thể làm người.

Ngôi Lời hằng hữu đã mặc lấy xác phàm làm người nhằm mở ra một con đường mới, hầu làm cho con người có khả năng nhận biết được Chân Lý Tuyệt Đối chính là Thiên Chúa. Mặc khải này được gắn kết trong câu chuyện Ba Vua (hay có tên gọi khác là ba nhà đạo sĩ hoặc ba nhà chiêm tinh), đại diện cho tất cả loài người, đến triều bái Hài Nhi Giêsu mà sách Tin Mừng Nhất Lãm thuật lại, đã cho chúng ta nhận thức được về hành trình tìm kiếm Chân Lý Tuyệt Đối. Trong cuộc hành trình này, các vị khách lạ phương xa đã khơi đi từ một dấu chỉ : Ngôi Sao Lạ. 

Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2022

“NHẬP THỂ, NHẬP THẾ, NHẬP TÂM…”

(Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài – Nguyễn Du)

Thời sự Thần học – Số 4, tháng 12/2009, tr. 47-56.

_An Phong_


Cuộc sống như có người đã nghĩ chẳng khác gì như con quỷ Minotaure trong thần thoại Hy Lạp. Chuyện kể có một con quái vật mình người đầu trâu (đầu trâu mặt ngựa) quái dị, độc ác mà dân thành Athène phải nộp cho nó 7 thanh niên và 7 thiếu nữ mỗi năm. Nó nuốt chửng tất cả, đè bẹp tất cả để sống còn. Thế nhưng cũng đã có người biến nó thành thần tượng cuộc đời. Cái hình tượng to lớn, thống trị ấy khiến cho mắt họ bị mù mờ và đành đánh đổi lòng tự trọng để tìm an thân thủ phận. Con qui vật đó ngày nay vẫn sừng sững giữa lòng cuộc đời. Nó mang 1 bộ mặt ‘có vẻ nhân từ’, ‘có vẻ đạo đức’, ‘có vẻ văn minh’…

Có bao giờ hàng quán phố xá mọc lên ‘nhộn nhịp, tấp nập’ như bây giờ với đủ loại ôm: ôm “nóng”, ôm “nguội”, ôm “gần”, ôm “xa”….?

Có thời nào ‘nạn cân, đo, đong, đếm thiếu’ được cảnh giác nhiều như thời này – thậm chí nạn đó còn có tổ chức, có hệ thống…?

Có thời nào ‘dầy đặc, tràn ngập’ hàng hóa tiêu dùng như thời này với đủ loại mẫu mã, cho mọi nhu cầu từ thấp đến cao, cho “cả cái bụng” con người nữa?

Có thời nào ‘dung tục hóa cuộc sống, thực dụng hóa cuộc sống’ như bây giờ?

… Con quái vật ‘có vẻ này, vẻ nọ’… đến là to, rõ là ‘đẹp’.

Lần giở chồng báo cũ, lược qua những tin tức trên đài phát thanh, đài truyền hình hẳn những ai còn chút lương tri đã phải giật mình, bức xúc và đau đớn thay cái cõi ‘hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục’ này.

Khởi đi từ môi trường chung quanh và văn hóa chúng ta bị “cưỡng hiếp” trầm trọng, “hết thuốc chữa”.

*Nếu 16.000 di dân không tàn phá 7.000 héc-ta rừng khu vực Lâm đồng Tây Nguyên, thì ‘các ông tượng’ (sợ quá gọi các chú voi như thế) đ chẳng xông vào các làng mạc, cầy phá những cánh đồng hoa màu, giết chết hàng chục nhân mạng. Nếu nạn đào xới, đãi vàng bừa bãi, khai thác rừng vô tổ chức không chấm dứt, thì rồi có ngày như đã được báo động – nhà máy thủy điện Đa-nhim sẽ phải ngưng hoạt động thôi… Chẳng phải ngẫu nhiên ‘nàng Tô Thị’ – biểu tượng đẹp về hình ảnh người phụ nữ thủy chung son sắt Việt Nam ‘đã tái giá’ (sụp đổ) đâu. Câu thơ thời danh‘Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh’ có lẽ không còn có chỗ trong văn học chúng ta. ….Tệ hại hơn là loạn thủy điện, chỉ vì “sống chết mặc bay, điện này tao bán”. Địa thế thiên nhiên - như nhiều dòng sông chảy theo độ dốc lý tưởng - thay vì trở thành món quà quý giá của tạo hóa lại trở thành nguồn cho lũ tha hồ tàn phá miền trung và cao nguyên.

*Ở những nơi đã từng có một bề dày lịch sử như Hà Nội, Huế, Hội An… đã từng là niềm tự hào của dân tộc 4.000 năm văn hiến, đã có thời là kinh thành của các bậc vua chúa… nhiều di tích đã bị vi phạm nghiêm trọng, bị tàn phá, bị chiếm dụng, bị làm biến dạng. Hơn nữa, đừng kể những pho tượng cổ như tượng thần Visnu, tượng Bồ Tát Ha-ra tại Bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng; những pho tượng La Hán, tượng Phật Bà Quan âm nghìn tay nghìn mắt ở chùa Tây Phương, Chùa Giám… , RỒI…những áo mão cân đai của các quan triều Nguyễn, di tích văn hóa của một thời xa xưa, những sắc thần, hoành phi, chuông mõ, lư chân đèn… lần lượt ra đi không một lời giã biệt, HAY… những ngôi chùa cổ kính, những thánh thất nghìn năm… đã bị biến thành những kho chứa, nơi hội họp hay thậm chí thành hang ổ của tệ đoan xã hội.

“… không phải những kẻ gây ra chiến tranh chịu trách nhiệm trong việc làm hư hại, đổ nát các công trình nghệ thuật của gia sản văn hóa quốc gia mà chính là những người trong thời bình chịu trách nhiệm ấy… Bắt đầu là những thay đổi nhỏ, nhưng rồi nó gặm nhấm dần dần, đến chỗ thay đổi cả tính cách, linh hồn của 1 khu vực sống… Có khá nhiều luật lệ, quy định, phán quyết cấm phá hoại di tích văn hóa này nọ. Nhưng rồi tất cả đã thua những thế lực đồng lõa phá hoại, thua những kẻ thích bê tông, thua đồng tiền…” (Lời nhận xét cay đắng của sử gia nổi tiếng Emile Male về các di tích văn hóa lịch sử xuống cấp tại Pháp, 1992).

…đến con người vốn là “hình ảnh Thiên Chúa” cũng đang bị đe dọa bởi AIDS -‘Cái dịch Sô-Đôm’ của mại dâm chẳng tha cho bất kỳ ‘con thiu thân’ nào. Con số nạn nhân của đại dịch này ngày càng tăng nhanh, thậm chí tỷ lệ tăng cao nơi các người trẻ…RỒI biết bao con người “dài cổ” đi tìm thực phẩm sạch ( Xc “Thực phẩm sạch ở đâu?”, Báo Tuổi trẻ 2/12/2009), hay mệt mỏi nhắn tin mua vé tàu về quê vui hưởng cái Tết đoàn tụ gia đình (Xc “Hành khách chưa hết rối”, Báo tuổi trẻ 3/12/2009).

Hơn nữa, “tình trạng thiếu niên phạm pháp hiện nay còn khá trầm trọng, đang ở mức báo động. Qua phân tích 6.349 tội phạm thuộc lứa tuổi dưới 30, chiếm 81,27% tổng số tội phạm. Đặc biệt, có 791 tội phạm thuộc tuổi chưa thành niên, chiếm 12,46% tổng số”. Phải chăng hiện trạng bỏ học - có nơi đến 50-60% - ngày càng tăng, phương pháp giảng dạy kém, chất lượng học sinh giảm sút, con số học sinh lưu ban cao là câu trả lời cho nguyên nhân gây tội phạm nơi trẻ chưa thành niên? Trong quá khứ, học sinh cấp II đã từng tự tin trả lời như sau: Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo) l vị anh hùng chống Pháp, hay Tố Hữu là tác giả 2 câu ca dao ‘Công Cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra’. Hay thậm chí một học sinh chứng minh tâm trạng u buồn của nhà Chí sĩ Nguyễn Trãi ‘một thiên tài quân sự tình cảm phong phú’ – bất mãn trước thời cuộc, được thể hiện qua bài ‘Cuối Xuân Tức Sự’ như sau: “ông (Nguyễn Trãi) chán nản trước xã hội nên về ở ẩn. Suốt ngày ông không tiếp một ai, chỉ ở trong phòng chờ vợ con đem tiền vào để đếm… ông giả chết để cho vợ bán đắt hàng…v.v. (Báo Phụ nữ 2002).

Tệ hại hơn nữa, những đứa trẻ - rất người vì vô tội, cô thế cô thân - chưa kịp mở mắt chào đời đã bị dao kéo, kìm búa của những “tên đồ tể người” phanh thây từng mảnh, kéo xộc ra từ cung thánh lòng mẹ - nơi vốn an toàn nhất - của chúng. Đến là rùng rợn khi phải “bị” xem những cảnh hành hình như thế - một cảnh hành hình hợp pháp, được cổ võ vì lòng dạ lang thú của những con- người- gọi- là -.người. Sự sống bị đe dọa!!!. Những nhân -vị- nữ vốn là trợ tá đắc lực cho người nam trở thành món hàng cân- đo- đong- đếm, sờ-nắn-bóp- ngắt.. dưới bàn tay đểu giả, lang sói của những kẻ dư “cái bị tiền”, nhưng thiếu “cái con tim” và hụt “cái đầu người. Tự do – nhân vị bị đe dọa!!!”. Khi tình yêu chân thật trở thành món hàng quý hiếm thì lạm dụng tình dục, mua bán đổi chác những thân xác con người trở thành bình thường …

Có thể nói không ngoa rằng: bài viết này sẽ còn dài.. dài.. hơn nữa, nếu cứ “ từ từ mà tiến” và đưa ra những bằng chứng thực tế - điều không được nói ra, không được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông chính thức - và ai cũng biết. Sự trung thực phải chịu thua những “lời lẽ có cánh” vốn nói một đàng làm một nẻo, bóp méo và cắt xén sự thật. Những lời hứa chỉ là sự thật 100% ở trên bàn giấy mà thôi! Lỗ nhĩ con người còn phải nghe nhiều… nhiều về “cái trò trẻ” khơng biết bao giờ mới chấm dứt.Vô vàn vô số đến là đau đầu!!!???

QUẢ LÀ “Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Loạn đến là cay đắng và phi lý. Những điều một thời được mong ước, nay chỉ là ảo tưởng. Những thần tượng xưa, nay không còn nữa. Người ta đi vào ngõ cụt, bế tắc. Sự suy thoái diễn ra trong mọi lãnh vực, mọi thẩm cấp, mọi nơi. Nhân cách, nhân phẩm, lòng tự trọng, lòng nhân ái rẻ như bèo.

“Nhân phẩm ngày nay mất giá rồi,
Chỉ còn thực phẩm lên giá thôi,
Lương tâm bán rẻ hơn lương thực,
Chân lý, chân giò một giá thôi”

‘Chúng ta đang đứng trên bờ vực thẳm’. Vực thẳm đó dường như rộng mở chực nuốt chửng tất cả, đè bẹp tất cả để sống còn như con quái vật Minotaure…

VÂNG ! VĂN DĨ TẢI ĐẠO.

“Thế giới là một ngôi trường lập ra để dạy cho trẻ thơ biết đọc. Trái tim con người là cuốn sách vỡ lòng dùng trong ngôi trường đó. Đứa trẻ biết đọc là tâm hồn được tạo dựng nên bởi ngôi trường cũng như bởi quyển sách vỡ lòng kia” (J. Keats, thư nhật ký từ 14.02 đến 03.05 gởi cho vợ chồng người em trai George và Georgiana).

Con người, đứa trẻ biết đọc đó, là một nhân cách được hình thành trong một môi trường, một kỳ gian. Tất cả là vì con người cho con người. Dường như, ngày nay người ta không còn ‘biết đọc’ nữa, không còn đi tìm cái nằm ẩn sâu dưới các tầng lớp hữu thức, vô thức, tiềm thức nữa? Mọi sự đều hời hợt, bề ngoài. Sự ngộ nhận về con người đích thực với những gì được khoác thêm vào cho con người khá phổ biến. ‘Hữu danh vô thực’. ‘Đánh mất chính mình’. (bằng cấp giả, “tiến sĩ giấy”, thậm chí có địa phương nọ “khoe” là 100% cán bộ của họ có bằng tiến sĩ!!! … chắc là khu Văn Miếu, Hà Nội ?!) Thiển nghĩ mọi giải pháp phải khởi đi từ con người, từ sâu thẳm của con người, từ gốc rễ của tâm hồn.

Thật vậy, khi con người được tôn trọng, khi cái Cung thánh của con người, tức là nơi sâu thẳm của tâm hồn, nơi chất chứa những giá trị cao quý nhất như là lương tri, như là khát vọng hướng đến cái đẹp, đến tự do, đến vô biên được bảo vệ, hướng dẫn và thăng tiến, thì tất cả sẽ tìm lại được thể quân bình, nội giới cũng như ngoại cảnh của con người. Con người in đậm dấu ấn ảnh hưởng trên muôn vật, trên thế giới. Có thể nói thế giới chung quanh chính là phóng ảnh của con người. Con người toàn vẹn, quân bình, phong phú, cao thượng thì thế giới do con người kiến tạo cũng đương nhiên mang dáng vẻ dễ mến, tích cực. Trái lại, con người thương tật, méo mó, dị tật, sa đọa, thì thế giới chung quanh con người tất yếu trở thành bát nháo, hỗn loạn.

Một xã hội sung túc, trù phú được đánh giá bằng những của cải vật chất, những phương tiện tối tân và mức sống hưởng thụ. Điều này không luôn tỷ lệ thuận với sự tăng trưởng lành mạnh của một xã hội đạo đức. Thời này chẳng ai than phiền về hàng tiêu dùng tràn ngập thị trường, các phương tiện phục vụ con người bội tăng, nhưng người ta than phiền về ý thức cộng đồng, về tình trạng đạo đức xuống cấp, về tội phạm gia tăng, về con người không còn biết ‘đầu đội trời chân đạp đất’ nữa. Sự nghịch lý đó tạo nên bi hài kịch cho cuộc sống. Một đàng, mọi nỗ lực để làm phát triển, thỏa mãn những nhu cầu khẩn thiết của con người là tốt, là đáng trân trọng. Đàng khác, sự lo ngại một nếp sống hưởng thụ, thiếu văn hóa xâm nhập. Nhìn vào hiện trạng hôm nay, hẳn đã có không ít những bậc phụ huynh hối tiếc ‘cái thời buổi truyền thống của họ’… Nhưng, nếu đóng cửa để ngăn làn gió độc, thì cơn gió mát, trong lành cũng phải chịu ở ngoài luôn. Vấn đề là cung cách hành xử thế nào?... Văn hóa là chính cái thể hiện đạo đức ra bên ngoài. Còn đạo đức chính là văn hóa thấm nhiễm từ bên trong. Có thể nói Văn hóa chính là đạo đức vậy, và ngược lại. Nếu không có cả hai thì chẳng có cái nào cho đúng nghĩa cả. Một khi đạo lý đã không thấm nhiễm vào tâm hồn thành chất miễn nhiễm, thì văn hóa, môi sinh văn hóa sẽ bị ô nhiễm.

Thế nên, làm thăng tiến 1 con người đích thực chính là thăng tiến đạo đức và văn hóa vậy. Những giá trị nhân bản và tâm linh của dân tộc, của tôn giáo đã đan kết thành hình hài văn hóa, môi sinh cần thiết cho đời sống tâm linh, đạo đức văn hóa của con người Việt Nam nói riêng và toàn thể nhân loại nói chung. … ‘Trở về nguồn’ là trở về với môi sinh của những giá trị nhân bản và tâm linh nguyên tuyền nhất. ‘Trở về nguồn’ là trở về với quốc hồn quốc túy của dân tộc, với ‘cái tâm’ thực sự của con người. Trở về với văn hóa trong cách ăn, nói, đi, đứng, hành động… rất gần gũi với đời thường. Văn hóa là đời thường được trau chuốt, được uốn nắn vậy. Cái văn hóa đời thường đó là ‘ăn quả nhớ kẻ trồng cây’, ‘ Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng’, ‘Cây có cội, nước có nguồn’, ‘Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra’,… hay… ‘Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm’…

Một khi môi sinh văn hóa đã bị ô nhiễm trầm trọng, thì con người sống trong đó hít thở, hấp thụ một bầu khí thiếu trong sạch, thiếu lành mạnh. Con người đó bị quay quắt, nhồi ép, bầm đập và ‘lao phổi’ trầm trọng. Thế nên, không tránh khỏi căn bệnh ‘đánh mất chính mình’. Người ta sống không còn phải là mình nữa, không còn phải là ‘hình ảnh Thiên Chúa nữa’. ‘Con người lao phổi’ đó, đến lượt mình, lại tác động lên môi trường. Đã đành, có 1 lúc nào đó trong lịch sử nhân loại, con người đã giơ tay đấm lên trời cao, đã phủ nhận nguồn cội của chính mình là Thiên Chúa, và rồi đành chấp nhận một dung nhan con người méo mó. Giáo lý Kitô gọi đó là tội nguyên tổ. Nhưng còn hơn thế nữa, ngày nay người ta giơ tay đấm vào chính mình, vào những giá trị con người, lòng nhân ái, hiếu, nghĩa… Nhân loại đi từ tội nguyên tổ thứ nhất – tội Ađam đến tội nguyên tổ thứ hai là treo Đức Giêsu lên Thập giá. Và đến nay, tội nguyên tổ thứ ba đó là đóng đinh chính con người vào Thập giá. Vô tình hay hữu ý, một khi con người bị treo lên, thì thay vì kéo tạo vật lên (như Đức Giêsu), lại dìm con người xuống, tạo vật xuống. Gánh nặng trở lên nặng hơn. Con người đã bị đóng đinh, tất cả đưa đến tình trạng xuống cấp, suy đồi về lối sống, về văn hóa và về đạo đức.

Đi ngược lại với con người, tất sẽ đi ngược lại Thiên Chúa. Không thuận theo Thiên Chúa, tất cũng chẳng thuận theo con người. Thế nên, giải quyết tệ nạn xã hội, hiện trạng thanh thiếu niên phạm pháp, đạo đức suy thoái.., bằng những biện pháp hành chánh, những văn bản, những nghị định… cũng chỉ là giải pháp ngọn. Lẽ thường tình, người ta dễ có khuynh hướng đổ lỗi cho những ‘khó khăn khách quan’, do kinh tế suy thoái, … như là nguyên nhân chính yếu của những thảm trạng xã hội và đất nước hiện nay. Cái vòng luẩn quẩn cứ mãi là như thế. Cuộc đời và con người mi mi vẫn cần được cứu độ…

Và Thiên Chúa đã Nhập thể để Cứu độ trần gian…

Đây là cái ghế đẩu của Cha
Nơi Chúa nghỉ chân
Giữa những người rất nghèo nàn, nhỏ bé và lạc lòng.

Nếu con cúi mình tới Chúa
Lòng cung kính của con
Không cúi sâu được tới mức thẳm sâu
Nơi Chúa nghỉ chân
Giữa những người rất nghèo nàn, nhỏ bé và lạc lõng.

Nơi nào kiêu căng không ám ảnh
Chính là nơi Chúa bước đi
Trong dáng điệu nghèo hèn
của người khiêm hạ
Giữa những người rất nghèo nàn, nhỏ bé và lạc lõng

Tâm con sẽ chẳng bao giờ
tìm thấy đường đi
tới nơi Chúa nhập bọn
với những người không bạn đồng hành
Giữa những người rất nghèo nàn, nhỏ bé và lạc lõng.
                                                 (Rabindranath Tagore)

Cứu độ là nhập cuộc. Cứu độ là phục hồi, là canh tân, là tái sinh những gì đã không còn là nguyên thủy. Cứu độ không phải là gì trên mây, trên gió, hứa hẹn xa xôi, nhưng chính ngay trong đời thường này ‘Nước Trời ở giữa anh em-, trong những gì gần gũi thân quen vì Thiên Chúa đã ‘ở cùng chúng ta’. Con người, tạo vật, cái nôi tinh tuyền thế giới này đã bị hư đi. Tự do được trao ban vốn là hồng ân cao quý đã trở thành án phạt vì lòng người không còn nguyên tuyền nữa. Tạo vật thương tật từ cội nguồn vẫn mong ngóng chờ ngày cứu độ. Cuộc phân tranh truyền kiếp diễn ra giữa con người với tạo vật, giữa thiện và ác, giữa con người với nhau ngay trong Cung thánh của Đấng Tạo thành – thế giới này. Đời người quả yếu hèn, tội lỗi, ngu muội bên cạnh quá ít nghị lực, thanh khiết, tinh trong. Đời người đảo điên, lăng xăng, sợ hãi, bấn loạn, bận rộn, mệt mỏi, thất vọng bên cạnh quá ít niềm vui và hy vọng. Đời người chút không gian nhỏ nhoi giữa mênh mông trời đất vô cùng. Nghèo nàn, nhỏ bé, lạc lõng. Thế nhưng, Thiên Chúa vẫn cứ ‘xé trời ngự xuống’ trong Cung thánh của mình, Cung thánh của đời người – cuộc đời và cung thánh của người đời -con người. Một tấm lòng đi tìm một tấm lòng.

Thứ Năm, 6 tháng 1, 2022

TỪ MẦU NHIỆM “TỘI NGUYÊN TỔ” ĐẾN “MẦU NHIỆM NHẬP THỂ”

 Thời sự Thần học – Số 4, tháng 12/2009, tr. 41-46.

_Anh Phương_


Từ MẦU NHIỆM ‘TỘI NGUYÊN TỔ” …

Cái tội nguyên tổ ấy, gọi là mầu nhiệm đã nhận chìm đôi vợ chồng đầu tiên Adam- Eva trong bến mê, và con cháu họ muôn đời phải lãnh lấy hậu quả đớn đau: lang thang miền này xứ nọ, trôi dạt trong những mảnh đời vốn muốn vươn lên cao hơn thân phận mình. Cái tội lỗi nguyên thủy truyền thống ấy vốn được hiểu về hai thực tại khác nhau, đôi khi sự lầm lẫn giữa chúng gây thành vấn đề:

- Tội nguyên thuỷ: tội của những con người đầu tiên tự do và ý thức, xâm phạm đến lệnh truyền của Thiên Chúa: “Các ngươi không được ăn”. Từ giây phút vấp phạm đó, hàng chuỗi những tội lỗi “đen” khai mở ra muôn hướng, muôn thời cái tội Adam “truyền kỳ” .

- Thân phận “tội lỗi” của tất cả sinh linh chào đời trong tiếng khóc oe oe. Nó chẳng khác một thân phận bị nhận chìm trong vũng lầy của dục vọng, đam mê và muôn thứ cám dỗ khác. Tội mang trong thân phận cũng là tội do hành vi gây nên. Thân phận tập thể, chứ nào chỉ là cá nhân. “Thân phận của ta khi ra đời tự nó không cho phép chúng ta có tình nghĩa với Thiên Chúa và tham dự vào sự sống của Người (Pierre Grelot).

Thứ Hai, 3 tháng 1, 2022

MẦU NHIỆM NHẬP THỂ TRONG PHỤNG VỤ VÀ CÁC GIÁO PHỤ

Thời sự Thần học – Số 4, tháng 12/2009, tr. 35-40.

Dưới đây là một số trích văn của Phụng vụ Byzantine và Tây Ban Nha cùng một số các Thánh Giáo phụ thời danh.

Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

PHẨM GIÁ CON NGƯỜI TRONG MẦU NHIỆM NHẬP THỂ

Thời sự Thần học – Số 4, tháng 12/2009, tr. 29-34.

_Fx. Trần Kim Ngọc_

Giáo Hội đã trải qua một lịch sử lâu dài để hiểu những điều mạc khải về phẩm giá con người. Con người, ngay từ cuộc tạo dựng, đã được Thiên Chúa ban cho một địa vị trổi vượt trên các thụ tạo. Con người đã được Thiên Chúa thông ban cho địa vị cao trọng khi được quyền cai quản vạn vật. Thế nhưng, cái phẩm giá cao trọng đó nhiều lúc lại không được con người tôn trọng đúng mức; điều này chúng ta sẽ thấy rõ khi đọc lại lịch sử Giáo Hội và lịch sử thế giới. Dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu các khía cạnh trong đề tài “Phẩm giá con người trong mầu nhiệm Nhập Thể”.

Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

SỐNG CHIỀU KÍCH NHẬP THỂ TRONG NHỮNG ĐIỀU BÌNH THƯỜNG

Thời sự Thần học – Số 4, tháng 12/2009, tr. 20-28.

_Phêrô Phạm Duy Khánh_

Dẫn nhập

Cố thi sĩ Phùng Quán khi viếng linh cữu đạo diễn điện ảnh Trần Thịnh, hiệu là “Thịnh Râu” đã đọc một bài thơ như thế này:

…thế gian kim cổ triệu người chơi
Chơi như bạn mới là chơi hết cỡ.
Tất cả những gì bạn nếm trải cuộc đời
Tận cùng niềm vui
Tột cùng nỗi khổ
Với bạn cũng chỉ là chơi.
Và không còn cách gì chơi mới nữa
Bạn chơi ung thư…

Trong bài thơ điếu đọc trước linh cữu ấy, dường như nhà thơ Phùng Quán đã khắc hoạ cho người nghe thấy con người và tính cách của đạo diễn Trần Thịnh. Tất cả cuộc đời của ông là một cuộc rong chơi như một đứa trẻ giữa chợ đời. Cuộc chơi của một đứa trẻ khác với cuộc chơi của một người lớn đầy lý luận, suy tính. Trẻ - chơi hết mình, hoà mình vào cuộc chơi bằng tất cả những gì chúng có. Quên thời gian và không gian. Chúng đưa cả những cuộc chơi vào trong những giấc mơ, để lâu lâu người lớn nhận thấy chúng giật mình thảng thốt, huơ tay múa chân ngay cả trong chính giấc ngủ của mình.

Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2021

TỪ THIÊN CHÚA NHẬP THỂ ĐẾN CON NGƯỜI NHẬP CUỘC

 Thời sự Thần học – Số 4, tháng 12/2009, tr. 9-19.

_Văn Điệp, OP_



Niềm tin của chúng ta xác tín, Đức Giêsu - Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến với con người, sống kiếp con người[1]. Ngài mang vác tất cả những gì là yếu đuối của thân phận con người, ngoại trừ tội lỗi[2]. Không có một “ông chúa” nào dám hạ mình như thế cả. Có thể nói, qua việc nhập thể, Thiên Chúa đã xuống tận cùng với con người trong kiếp sống này. Chúng ta tự hỏi, “Ai có thể phát minh ra dấu chỉ tình yêu lớn hơn thế? Chúng ta ngây ngất trước mầu nhiệm Thiên Chúa đã hạ cố mang lấy thân phận con người, đến độ hiến cả mạng sống trên thánh giá”[3]. Qua biến cố nhập thể, không có gì con người đang mang vác mà ngày xưa Ngôi Hai Thiên Chúa đã không từng vác lấy, và ngày nay Ngài vẫn đang gánh chịu và bước đi với mỗi người. Ngài chấp nhận như thế để phẩm giá của con người được nâng cao cũng như cuộc đời con người trở nên có giá trị. Đó cũng là dấu chỉ để nhân loại hy vọng được đón nhận vào Nước Trời.

Như thế, Con Thiên Chúa làm người đem đến cho nhân loại những niềm vui mới - niềm vui được giải thoát khỏi tội lỗi và sống là người tự do trước mặt Thiên Chúa[4]. Nếu vì sa ngã, con người đã đánh mất căn tính uyên nguyên thưở ban đầu, thì qua việc nhập thể, Con Thiên Chúa đã trả lại cho con người căn tính đích thực ấy. Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể còn mời gọi con người hãy sống cho ra một “Con Người” với tất cả những phẩm giá cao đẹp của mình. Hơn nữa, qua việc nhập thể, Thiên Chúa đã cho thấy trái đất này sẽ trở nên vui hơn, đẹp hơn khi có Ngài hiện diện. Và trong ý hướng đó, Ngài cũng mời gọi con người hãy “nhập cuộc” để kiến tạo thế giới và làm việc có ích cho tha nhân, chia sẻ với nhau tất cả những gì tốt đẹp nhất, hoàn hảo nhất. Chỉ khi nào sống như thế, con người mới hoàn thành vận mạng cuộc đời trong hành trình trở nên con Thiên Chúa và luôn hướng về Thiên Chúa là Đấng tạo thành trời đất.

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

MỘT HÀI NHI ĐÃ SINH RA CHO CHÚNG TA (Is 9, 1-6)

Thời sự Thần học – Số 22, tháng 12/2000, tr. 57-65

Phương Thanh
viết theo Joseph Ponthot, Un enfant nous est né

Trong các trình thuật ngôn sứ của Cựu Ước, Is 9,1-6 chắc chắn là lời sấm thích hợp rõ ràng đã khơi lên mầu nhiệm Giáng Sinh. Chẳng ai ngạc nhiên khi thấy lời sấm này được giữ lại trong sách các bài đọc mới, làm bài đọc đầu tiên trong thánh lễ Nửa Đêm. Thực sự, chung quanh lời loan báo chính: “Một hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta…” (c.5) có những đề tài khác nhau và những hình ảnh được thu thập, chúng giúp những Kitô hữu đầu tiên và sau đó là trong truyền thống phụng vụ, nhận rõ ý nghĩa việc Đấng Cứu Thế xuất hiện. Đó là sự biểu lộ của “ánh sáng” giữa “tâm tốt”, “niềm vui” chiến thắng và giải thoát, việc phong vương quốc hòa bình và công chính, về sự quan tâm trìu mến của Thiên Chúa được thể hiện rõ ràng và dứt khoát. 

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2016

MẦU NHIỆM GIÁNG SINH

Thời sự Thần học – Số 22, tháng 12/2000, tr. 19-32

Phương Nam 
viết theo MAURICE LELONG, Mystery of Christmas
I. NGƯỜI LOAN BÁO HỒNG ÂN GIÁNG SINH

“Noel mùa hè.” Xưa kia người ta hay nói về sinh nhật thánh Gioan như thế. Đây không phải chỉ là một kiểu nói hoa mỹ, nhưng kiểu nói này còn mang một ý nghĩa thần học và sâu xa: Gioan được nói đến như để chuẩn bị cho hồng ân của Đấng Cứu Thế, hơn nữa, tên riêng của người cũng nói lên điều đó.

Thánh Luca chủ ý liên kết việc con trẻ của Zacaria và Elisabet sinh ra có tương quan mật thiết với việc chào đời của Chúa Giêsu, đến nỗi Giáo hội buộc phải mừng lễ sinh nhật của người.

Như thế, mặc dù mới đến phụng vụ của lễ Hiện xuống, bầu khí giáng sinh đã đến với chúng ta.

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

THẦN HỌC NHẬP THỂ THEO THÁNH GIOAN

Thời sự Thần học – Số 22, tháng 12/2000, tr. 13-18

Phương Tây
viết theo R.E. Brown, Incarnation in Theology of St. John

Vì “nhập thể” theo nghĩa chữ là “đi vào hay trở thành nhục thể”, nên khi nói về nhập thể theo thánh Gioan, tự nhiên chúng ta nghĩ tới “Ga 1,14” “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể”. Điều đó có ý nghĩa gì?

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

ĐÊM THÁNH NOEL

Thời sự Thần học – Số 22, tháng 12/2000,  tr. 7-12

Phương Đông 
viết theo Karl Rahner, Noel, Holy Night 

Tại sao thánh lễ chúng ta cử hành đêm 24 tháng 12 được gọi là Đêm Thánh Noel?

Về phương diện lịch sử, chúng ta không biết chắc chắn Chúa Giêsu có thực sự sinh vào giữa đêm khuya hay không. Bởi vì câu chuyện kể về các mục đồng lúc bấy giờ còn canh thức trông coi đàn vật và nhận được từ trời cao lời loan báo Chúa Giêsu giáng sinh, tự nó chẳng phải là bằng chứng không thể chối cãi rằng: Chúa Giêsu đã sinh vào ban đêm. Tuy nhiên, Kitô giáo đã luôn luôn trình bày sự giáng sinh đầy ơn phúc và cứu độ của Chúa Giêsu như một biến cố đã diễn ra vào ban đêm. Tại sao thế?