HIỆN TẠI HOÁ HOẶC ĐẶC HỮU HOÁ Làm sao chứng từ đức tin được nhận thức trong bước thứ nhất của việc suy niệm có thể nuôi dưỡng đức tin ngày hôm nay? Nói cách khác, đi vào việc đọc và suy niệm Kinh Thánh thì ích lợi gì? Có thể rút ra được phúc lợi nào? Để làm việc đó, còn cần phải “hiện tại hoá” bản văn, tức là cho thấy bản văn thực sự soi sáng cuộc sống: của chúng ta như thế nào.
Từ “hiện tại hoá” có chính đáng không? Các bản văn Kinh Thánh là các bản văn cổ, được viết vào một thời đại xa xưa và để đáp ứng những nhu cầu nhất định mà lại không phải là những nhu cầu của chúng ta hôm nay. Như vậy, có một khoảng cách giữa các bản văn với chúng ta, không những không gì có thể lấp đầy được mà còn phải tôn trọng nữa. Theo một nghĩa nào đó, không thể làm cho một cái gì đã già thành trẻ, làm cho một cái đã thuộc về quá khứ thành hiện tại. Chủ trương “đồng hợp” (concordisme) ra sức làm cho những hoàn cảnh của quá khứ phải tương đồng ngay với những hoàn cảnh của ngày hôm nay là đi lầm đường.
Không phải những mảnh vụn dư thừa, nhưng là một sự năng động
Thay vì hiện tại hoá, nói là đặc hữu hoá (appropriation) chẳng lẽ lại không được? Từ này có ý nói là bước khởi động không nằm ở phía bản văn đi đến với chúng ta mà nhảy qua các thế kỷ, nhưng bước khởi động ở về phía chúng ta. Chúng ta đi tới các bản văn, chúng ta làm cho các bản văn thành của riêng mình, “đặc hữu hoá”, “hiện tại hoá”, “đặc hữu hoá”, vấn đề từ ngữ không phải là không quan trọng. Nhưng bởi vì từ “hiện tại hoá” đã đi sâu vào các Kitô hữu, cho nên ta có thể giữ lại miễn là phải nghĩ ngay đến khoảng cách vốn có giữa hiện tại của chúng ta với các bản văn Kinh Thánh.
Các cộng đoàn Kitô hữu coi cuộc phiêu lưu tôn giáo được Kinh Thánh thuật lại như là độc nhất vô nhị và có tính cách gợi hứng cho cuộc phiêu lưu tôn giáo của mình. Chính vì thế, các cộng đoàn ấy tra vấn Kinh Thánh không phải để tìm những giải đáp kiểu “ăn liền” cho đức tin, nhưng đúng hơn tìm những tiêu điểm, những điểm qui chiếu, một chỉ dẫn, một sức năng động. Tính cách gợi hứng này phải rời khỏi mặt chữ của Kinh Thánh. Nó có thể được diễn tả rất khác nhau tùy theo cộng đoàn và tùy theo nơi chốn.
Kinh Thánh không phải là Lời Thiên Chúa, kiểu Thiên Chúa từ trời. “gọi tê-lê-phôn” xuống. Nó không có tính cách tự động, cũng không có tính cách phù thuật. Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa khi nó gợi hứng để sống theo Tin Mừng, ngày hôm nay, trong Hội thánh và cho thế giới.
Các cách đặc hữu hoá khác nhau
Tìm sứ điệp hạnh phúc, tìm “Tin Mừng”
Các bản văn Kinh Thánh do những người tin viết ra. Khi viết, họ có ý nâng đỡ và sáng soi đức tin của những người tin khác, đồng thời giúp những người ấy sống đức tin đó. Họ làm chứng về Thiên Chúa của giao ước và chương trình của Thiên Chúa nhằm đem đến hạnh phúc cho mọi người. Hình thức đặc hữu hoá đầu tiên là làm nổi bật sứ điệp hạnh phúc này mà không cần tìm ngay những yêu cầu cụ thể phải sống như thế này, như thế kia.
Đặc hữu hóa trước hết là một suy niệm vô thường về lòng yêu thương của Thiên Chúa, Đấng đã đoái thương tỏ mình ra cho chúng ta. Một suy niệm như thế không thể không có ảnh hưởng trên cách sống của người tin.
Tìm những chỉ dẫn, những yêu cầu sống cần phải có (hình thức “luân lý hóa”)
Rất thường, ta tìm ở Kinh Thánh những yêu cầu để biết phải sống cụ thể như thế nào: “Giờ đây, Thiên Chúa đang chờ đợi gì ở tôi, ở chúng tôi?” Thái độ tốt, đáng khen này có thể đưa đến kiểu đọc Kinh Thánh giản lược, đôi khi còn nguy hiểm là đàng khác.
Có khi các Kitô hữu mở Kinh Thánh kiểu “xem bói” và cứ ngỡ rằng rõ ràng mình tìm thấy trong vài câu mình vừa đọc điều Thiên Chúa đang đợi chờ mình. Hiển nhiên, bao giờ thì họ cũng thấy một điều gì đó, vì quả là dễ giải thích các bản văn nhằm vào điều người ta đang muốn tìm. Nếu một phương pháp như thế giả thiết thái độ vâng phục đáng khen ngợi đối với thánh ý Thiên Chúa, thì nó lại tỏ ra nguy hiểm vì Kinh Thánh không phải là Lời Thiên Chúa theo kiểu “tự động”, cứ hỏi là có và không mấy vất vả! Thiên Chúa không miễn cho các người tin khỏi phải suy nghĩ và sử dụng tự do của mình.
Kinh Thánh không cho những bài giải chính xác, cụ thể, nhưng ra những hướng đi, những chỉ dẫn. Chính trong Hội thánh, cùng với các Kitô hữu khác, mà người ta phải tìm những áp dụng thực hành. Những hướng đi ấy có thể được cụ thể hóa trong những cách làm khác nhau tùy theo các cộng đoàn, tùy theo các nơi chốn. Các Kitô hữu ở Âu châu sẽ không có cùng một cách sống những chỉ dẫn của Kinh Thánh về lòng yêu thương tha nhân, những người nghèo khó nhất hay những chỉ dẫn về thái độ trọng kính công trình sáng tạo như các Kitô hữu ở Mỹ châu La tinh.
Chẳng hạn, ta thấy trình thuật các đạo sĩ (Mt 2,1-12) mời các Kitô hữu mở tâm hồn ra đón nhận cái phổ quát, vì chính những người ngoại quốc là những người đầu tiên đã đến phủ phục thờ lạy Chúa Giêsu, Chúa Giêsu đã đến cho mọi người chứ không phải chỉ cho con cái Ít-ra-en mà thôi. Nhưng làm thế nào để sống cái tính phổ quát của ơn cứu độ này trong cuộc sống thường nhật? Ta sẽ không tìm thấy ở bản văn một câu trả lời nào! Bấy giờ cần phải rời khỏi bản văn và đi tìm, cùng với các Kitô hữu khác, xem làm thế nào để thực hiện hướng dẫn của bản văn nói về các đạo sĩ. Những câu trả lời tất nhiên sẽ hạn chế. Các câu trả lời sẽ mang dấu ấn của nhóm người ở đây và bây giờ. Những người khác, ở chỗ khác và vào lúc khác, sẽ hiện tại hóa và đặc hữu hóa những hướng dẫn của bản văn này có khi khác hẳn.
Tìm những biểu tượng
Hình thức hiện tại hóa hay đặc hữu hóa này nhằm tìm những yếu tố biểu tượng trong bản văn. Chẳng hạn như núi non, sa mạc, con đường, nước, nơi cao, chỗ thấp, các chuyển động… Vấn đề là tìm xem bản văn muốn dành cho các yếu tố ấy chức năng nào. Tìm hiểu đơn giản này thường giúp hiểu rõ hơn niềm tin mà bản văn đang muốn làm chứng. Các thái độ của những nhân vật này nhân vật kia đang xuất hiện ở các trình thuật Kinh Thánh, các hoạt động, các biểu tượng giúp đi vào trong những giá trị của bản văn.
Thiên Chúa đang nói ngày hôm nay
Cũng như ngày xưa, Thiên Chúa hiện vẫn đang thông truyền chính mình Người. Người thực hiện điều ấy bằng ngàn cách: trong những biến cố, trong cuộc sống của các cộng đoàn, trong những người anh em… Đối với các Kitô hữu, Người mạc khải chình mình Người bằng cách thế độc nhất nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng phục sinh.
Kinh Thánh ở tròng Lời này, Lời mà Thiên Chúa đang không ngừng ngỏ. Kinh Thánh giúp cho các cộng đoàn Kitô hữu đọc Lời này trong cuộc sống thường nhật. Chính trong việc trao đổi giữa các chiều kích khác nhau của đời sống Kitô hữu với Kinh Thánh mà Lời Thiên Chúa được khám phá ra, trong đức tin.
Đối với người tin, đọc và hiểu Kinh Thánh mà thôi không đủ. Còn phải làm sao “Lời Thiên Chúa” mà mình am hiểu đấy thay đổi mình, biến đổi mình, hoán cải mình nữa. Và sự hoán cải cá nhân này không thể có được nếu không có sự trợ giúp của cộng đoàn, Hội thánh, trong đó mọi người tin đều liên đới với nhau. Lời Thiên Chúa chỉ có thể sinh hoa kết quả trọn vẹn trong cộng đoàn đọc Sách thánh và đem ra thực hành. Người tin được lôi cuốn vào trong một cuộc phiêu lưu lớn vừa của cá nhân mình vừa của cộng đoàn Hội thánh.
Đức tin Kitô giáo không phải là tôn giáo của cuốn sách
Kinh Thánh không phải là kinh Coran. Sách thánh của những người theo Hồi giáo được coi như là được gửi trực tiếp từ trời xuống. Cần phải đón nhận mỗi câu và mỗi dấu chấm mỗi dấu phẩy, vì nó được Thiên Chúa đọc cho viết.
Trọng tâm của đức tin Kitô giáo là con người Đức Giêsu Kitô, là Lời Thiên Chúa và là người anh em của chúng ta. Không phải là cuốn sách. Kinh Thánh chỉ là một phương thế. Thật vậy, phương thế này cốt yếu để đào sâu và sống lòng tin vào Đức Kitô, nhưng không phải chỉ có thế mà thôi. Có nhiều điều khác cũng thiết yếu, chẳng hạn như các bí tích, đời sống yêu thương huynh đệ, cầu nguyện, tình liên đới với những người nghèo khổ nhất… Kinh Thánh là một cơ may được cống hiến để có thể đón nhận và đem Lời Thiên Chúa ra thực hành. Kinh Thánh không phải là cách chuyển tự một lời nói được trực tiếp truyền đi từ trời.
Chúng ta không được sao chép y chang các hành vi cử chỉ của những người tin đã được diễn tả ra trong Kinh Thánh. Chúng ta phải sao chép lòng tin của họ và gắng sống cùng một lòng tin ấy để đối phó với những nhu cầu cấp bách của thời đại chúng ta. Theo nghĩa đó, dù Kinh Thánh không cho chúng ta một giải pháp thực tiễn nào để có thể giải đáp các vấn nạn hiện thời, Kinh Thánh vẫn cần thiết. Kinh Thánh đặt nền cho đức tin của Hội thánh và, qua đó, đức tin của chúng ta. Kinh Thánh mời gọi chúng ta, cũng như đã mời gọi các tiền nhân của chúng ta trong đức tin, làm chứng nhân tích cực cho sứ điệp hạnh phúc mà Thiên Chúa muốn thông truyền cho chúng ta.
Kinh Thánh rèn nên nếp suy nghĩ Kitô giáo
Người ta không sống đức tin một mình, nhưng trong Hội thánh. Chính với những người anh em của mình trong đức tin mà người Kitô hữu đọc Kinh Thánh để có nguồn mạch và chứng thực xem cách mình sống đức tin ngày hôm nay có ăn khớp với mạc khải Kinh Thánh hay không.
Đàng khác, và đây không phải là điều thứ yếu, Kinh Thánh cũng cung cấp từ ngữ để chúng ta cầu nguyện. Kinh Thánh là trường cầu nguyện. Kinh Thánh đã đưa các Thánh vịnh và thánh ca Tân Ước vào trong truyền thống lâu dài.
Vậy đang khi vẫn tôn trọng tự do và những đặc nét của mỗi người, Kinh Thánh lại rèn luyện giữa các người tin một nếp suy nghĩ làm cho họ chăm chú để ý đến sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử hiện thời.
Khi đọc Kinh Thánh, đừng vội phải nghĩ xem ứng dụng vào đời sống cụ thể hôm nay như thế nào. Bước chuyển cuối cùng rồi cũng sẽ được thực hiện khi người ta đã quen với việc đọc Kinh Thánh. Mỗi ngày ta đâu có phải xem mình phải làm những công việc nào để giúp một người bạn, nhưng vì đã chơi với nhau lâu, đã thân với nhau nhiều, đã thành bạn hữu của nhau, nên ta làm nhiều việc để giúp người bạn ấy mà chính ta cũng chẳng nhận ra.
Ví dụ :
Trong các ví dụ sau đây, khía cạnh “hiện tại hóa” không được làm rõ lên. Sở dĩ như thế là vì những lý do vừa nêu trên. Thế nhưng khía cạnh này vẫn có đó. Sự kiện tìm ra những xác tín đức tin của các tín hữu được diễn tả trong các bản văn Kinh Thánh là một lời mời gọi xem xét các xác tín đức tin của riêng mình và làm cho thêm vững mạnh bằng cuộc đời Kitô hữu. Việc “hiện tại hóa” cũng có mặt trong phần “chiêm niệm” hoặc cầu nguyện.
Trang đầu tiên của Kinh Thánh (St 1,1-2.4)
Giai đoạn quan sát
Kinh Thánh mở đầu bằng bài thơ nghiêm trang và hoành tráng, được ngắt nhờ những điệp khúc:
- “Thiên Chúa phán”, “phân rẽ”, “gọi”
- “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp”
- “Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ…”
- Cỏ mang “hạt giống”; thú vật và con người thì “sinh sôi nảy nở thật nhiều”.
Lời Thiên Chúa hữu hiệu: điều gì Thiên Chúa phán thì được thực hiện. Việc sáng tạo cốt ở chỗ “phân rẽ”. Ban đầu đất “không có hình thể”. Sự hỗn độn này, tôhu bôhu, bị xóa đi nhường chỗ cho những khác biệt (ánh sáng/bóng tối; ngày/đêm; nước/đất; đàn ông/đàn bà…).
Ngày cuối cùng, ngày thứ bảy, Thiên Chúa “nghỉ ngơi” (il fait le sabbat). Ngày này trở thành “thánh thiêng”.
Giai đoạn suy niệm
Bài thơ về cuộc sáng tạo này ứng với những xác tín đức tin của những người đã soạn ra bài thơ này, của những người đã đặt bài thơ này lên đầu cuốn Kinh Thánh và của những người đã lưu truyền lại.
- Đối với các người tin, Thiên Chúa không phải là một vị Thiên Chúa được chế tạo để đáp ững những nhu cầu của các người tin và không phải là một vị Thiên Chúa mà người ta có thể giam hãm vào một nơi nào đó. Đây chính là vị Thiên Chúa của toàn thể vũ trụ, vị Thiên Chúa hoàn toàn khác mà không có người nào nhóm nào chi phối lèo lái được Người.
- Nhưng đồng thời, vị Thiên Chúa này là Đấng gần gũi, vì Người “phán”; Người thông truyền chính mình Người bằng Lời sáng tạo của Người.
- Những hình ảnh.
Giai đoạn chiêm niệm
“Lạy Chúa là Thiên Chúa, sự chán nản rình rập chúng con bởi vì thế giới chúng con đang sống đầy những tiếng vang động của chiến tranh, khủng bố, những tiếng kêu la của những người đau khổ. Ngài là vị Thiên Chúa nhân lành, là Thiên Chúa của sự sống. Bài thơ mở đầu toàn thể Sách thánh và cho Sách thánh một giọng điệu riêng nói lại điều ấy. Bài thơ ấy đem lại cho chúng con niềm hy vọng. Ngài đã muốn có một thế giới tốt lành. Hơn thế nữa, Ngài đã quá yêu thế giới đến nỗi đã phái con độc nhất của Ngài là Đức Giêsu đến để cứu thoát thế giới. Vậy chúng con còn phải lo sợ gì nữa? không gì có thể tách chúng con ra khỏi Ngài.”
Lc 5, 27-31: Chúa gọi ông Lê-vi
Đức Giêsu trông thấy một người thu thuế, tên là Lê-vi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người. Ông Lê-vi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông. Có đông đảo người thu thế và những người khác. Những người Pha-ri-sêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ mới lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giêsu rằng: “Tại sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” Đức Giêsu đáp lại họ rằng: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.”
Giai đoạn quan sát
- Đức Giêsu nhìn thấy một người thu thuế. Người đi bước đầu, Người chủ động trong cuộc gặp gỡ này. Vắn tắt và không cần giải thích dài dòng, Người gọi ông Lê-vi “đi theo” Người. Người buộc phải lý giải thái độ của mình và của các môn đệ đối diện với những người Pha-ri-sêu thắc mắc.
- Ông Lê-vi được giới thiệu là “người thu thuế” đang thi hành công việc. Khi nghe Đức Giêsu kêu gọi, ông bỏ công việc và đi theo Đức Giêsu. Ông làm một bữa tiệc tại nhà ông để thiết đãi Đức Giêsu. Ông cũng mời cả “một đám đông những người thu thuế”! Có những người khác, không rõ là ai, cũng được ông mời. Dĩ nhiên, các môn đệ của Đức Giêsu cũng có mặt trong bữa tiệc này.
- Bỗng nhiên, những người Pha-ri-sêu và những kinh sư thuộc phái Pha-ri-sêu xuất hiện. Họ từ đâu đến? Bản văn không cho biết. Có mỗi một chuyện ta biết, đó là “họ lẩm bẩm”. Họ cho các môn đệ biết lý do tại sao họ lẩm bẩm. Họ lấy làm chướng vì làm sao người ta lại có thể ăn uống chung với những người thu thuế, tức là những người bị đồng hóa với “những người tội lỗi”. Đó là điều trái với các qui tắc đạo đức.
- Các môn đệ của Đức Giêsu nhận câu hỏi của những người Pha-ri-sêu và những người kinh sư, như thể những người này không dám trực tiếp giáp mặt với Đức Giêsu. Các môn đệ không trả lời chi. Đức Giêsu chịu trách nhiệm và Người trả lời bằng cách xưng hô “Tôi”: “Tôi đến không phải để kêu gọi những người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”. Bản văn không cho biết người Pha-ri-sêu có chịu thuyết phục không.
Giai đoạn suy niệm
- Trong trình thuật này, thánh Lu-ca diễn tả đức tin của các Kitô hữu sau biến cố Vượt Qua. Đối với các Kitô hữu này, Đức Giêsu, Đấng phục sinh, là Đấng đã đến để cứu thoát những người tội lỗi.
- Thánh Lu-ca cũng giải đáp những khó khăn xuất hiện trong các cộng đoàn Kitô hữu mà thánh nhân muốn viết sách Tin Mừng cho họ. Theo các qui tắc thời bấy giờ, khi dùng bữa, các Kitô hữu gốc Do Thái giáo phải ngồi riêng ra khỏi các Kitô hữu gốc ngoại giáo. Chính thánh Phê-rô đã từng do dự. Sứ điệp của thánh Lu-ca là rõ rệt. Lễ Tạ Ơn buộc phải được ăn chung với nhau. Đức Giêsu mời tất cả, Do Thái cũng như ngoại giáo, vào ăn cùng một bàn, tham dự một bữa tiệc thời Mê-si-a.
- Thánh Lu-ca nhớ rằng Đức Giêsu Na-da-rét đã làm cho người ta cảm thấy chướng bởi vì Người không chịu khép mình vào truyền thống. Người không ngần ngại ăn uống và sống với những người tội lỗi. Các Kitô hữu có thể lấy thái độ này của Chúa mình làm gương.
- Thường trong sách Tin Mừng của thánh Lu-ca, người ta hay lẩm bẩm phàn nàn Đức Giêsu. Mà bao giờ cũng là vấn đề liên can đến tính phổ quát của ơn cứu độ. Đức Giêsu đã đến vì mọi người. Trong câu chuyện về ông Da-kêu chẳng hạn, người ta phàn nàn kêu trách họ vì họ không hiểu rằng ơn cứu độ của Thiên Chúa có thể được tặng ban cho hết mọi người, người Do Thái cũng như người ngoại giáo, người công chính cũng như người tội lỗi. Đứa con hoang đàng, người tội lỗi, cũng được mến được thương như người con cả, người công chính.
Giai đoạn chiêm niệm
“Lạy Chúa, không ai bị loại trừ khỏi Tin Mừng của Chúa. Chúng con xin cảm tạ vì ơn cứu độ của Chúa dành cho mỗi người. Không hề có thiên tư tây vị trước mặt Chúa. Tất cả chúng con cần Chúa. Xin tha thứ cho những thái độ loại trừ kẻ khác. Xin tha thứ cho những xét đoán, những phân biệt loại trừ của chúng con. Xin cho chúng con đừng quên rằng công giáo có nghĩa là phổ quát, mọi người ở mọi nơi, mọi thời”.
Chương Sáu : GIAI ĐOẠN CHIÊM NIỆM
Quan sát, suy niệm và chiêm niệm là ba giai đonạ có thể được dùng để “đọc và suy niệm Kinh Thánh” hoặc đọc Kinh Thánh với tinh thần tin và cầu nguyện. Khi quan sát, ta hỏi xem: “Bản văn được làm nên như thế nào?” Khi suy niệm: “Bản văn muốn truyền đạt chứng từ đức tin nào?” Khi chiêm niệm, câu hỏi sẽ là: “Bản văn khiến chúng ta phải nói gì? Bản văn muốn giúp chúng ta nói với Thiên Chúa điều gì?” Đấy chính là lúc phải diễn tả ra trước mặt Thiên Chúa phản ứng của chúng ta do Lời Thiên Chúa đã được nghe và suy niệm khơi lên. Chương cuối cùng này đề cập đến giai đoạn cuối cùng của việc đọc và suy niệm Kinh Thánh, đó là giai đoạn cầu nguyện hoặc chiêm niệm.
Cầu nguyện, khẩn nài, ca ngợi
Dành riêng một giai đoạn để gọi là giai đoạn cầu nguyện không có nghĩa là không được cầu nguyện trong giai đoạn quan sát và suy niệm. Thái độ cầu nguyện có thể có ngay từ khi bắt đầu việc đọc Sách thánh này. Bắt đầu, ta có thể cầu xin Chúa Thánh Thần. Trong khi đọc, luôn có những khoảnh khắc ngắn ngủi để cầu nguyện. Ngay việc suy niệm đã là cầu nguyện rồi. Nhưng khi đọc Sách thánh để cầu nguyện, cho dù là ở giai đoạn nào cũng có thể cầu nguyện, vẫn có một khoảnh khắc đặc biệt dành để cầu nguyện. Khoảnh khắc này là giai đoạn thứ ba, giai đoạn chiêm niệm.
- Lời cầu nguyện theo sau việc suy niệm có thể là một lời cầu nguyện tự phát. Để cho hợp với điều mình đã nghe là Lời Thiên Chúa khi đọc và suy niệm, lời cầu nguyện có thể là lời ca ngợi hoặc tạ ơn, khẩn nài hoặc xin tha thứ. Lời cầu nguyện có thể thậm chí mượn những lời cứng cỏi như trong một số đoạn văn của sách Gióp hay Giê-rê-mi-a hoặc trong nhiều Thánh vịnh. Điều quan trọng là lời cầu nguyện tự phát không được chỉ có tính cách cá nhân, nhưng còn phải phản ánh chiều kích cộng đoàn. Nên nhớ, chúng ta đang cầu nguyện trong Hội thánh.
- Lời cầu nguyện này có thể được lấy từ những lời nguyện đã có sẵn. Chẳng hạn ta có thể lấy một Thánh vịnh diễn tả điều ta đang muốn nói. Ta có thể nhớ thuộc lòng tất cả Thánh vịnh hoặc một đoạn ngắn để đọc lại mà cầu nguyện khi này khi khác trong ngày. Ta cũng có thể lấy lại một bài hát có thể nối dài các giai đoạn trước. Cũng có thể tìm trong tập sách thu góp các lời cầu nguyện xem lời nào có âm hưởng giống đoạn sách ta vừa đọc.
Như vậy, lời cầu nguyện có thể mặc những hình thức khác nhau tùy theo người. Không có “khuôn mẫu” sẵn chung cho mọi người. Ta chỉ có thể gợi lên chứ không thể bó buộc vào một hình thức duy nhất. Cho nên cần phải chú ý để thay đổi các hình thức cầu nguyện: lời cầu nguyện của cá nhân, lời cầu nguyện có sẵn, bài hát, lặp lại một Thánh vịnh, lời cầu nguyện ca ngợi, lời cầu nguyện khẩn nài…
Ví dụ :
Mc 12,1-12: Dụ ngôn những người thợ làm vườn nho sát nhân.
Đức Giêsu bắt đầu dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế, kinh sư và kỳ mục rằng: “Có người kia trồng được một vườn nho: ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp. Nhưng họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không. Ông lại sai một đầy tớ khác đến với họ. Họ đánh vào đầu anh ta và hạ nhục. Ông sai một người khác nữa, họ cũng giết luôn. Rồi ông lại sai nhiều người khác: kẻ thì họ đánh, người thì họ giết. Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu: người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ. Ông nói: “Chúng sẽ nể con ta”. Nhưng bọn tá điền ấy bảo nhau: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta”. Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho. Vậy ông chủ vườn nho sẽ làm gì? Ông sẽ đến tiêu diệt các tá điền, rồi giao vườn nho cho người khác. Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta!” Họ tìm cách bắt Đức Giêsu, nhưng lại sợ dân chúng. Quả vậy, họ thừa hiểu Người đã nhắm vào họ mà kể dụ ngôn ấy.
Giai đoạn quan sát
- Đức Giêsu nói dụ ngôn này đối lại với giới chức tôn giáo: đó là các thượng tế, các kinh sư và các kỳ mục, thủ lãnh của người Do Thái.
- Dụ ngôn Đức Giêsu kể đưa ra nhiều nhân vật:
1. Một người trồng một vườn nho. Bên dưới là bồn đạp nho để đựng nho đã thu hoạch được. Bên trên là tháp canh để bảo vệ, canh giữ vườn nho. Giậu để ngăn nơi sản xuất này với bên ngoài. Tất cả được làm ra để cho vườn nho sinh lợi và càng ngày càng sinh lợi nhiều. Đến mùa thu hoạch, người chủ thiết lập tương quan bằng cách sai các đầy tớ của mình đến. Mối tương quan này mau chóng bị cắt đứt. Vườn nho trở thành tử địa vì những người thợ làm vườn nho muốn chiếm đoạt vườn nho. Những người thợ làm vườn nho chẳng hiểu gì cả. Thái độ của họ sắp khiến cho họ phải chuốc lấy thảm họa.
2. Các đầy tớ chịu trách nhiệm nối mối dây liên kết giữa ông chủ vườn nho với người thợ. Các đầy tớ này bị đối xử tệ: người thị bị đánh, người thì bị đập, một số bị giết chết.
3. Cuối cùng đến người con trai của ông chủ vườn. Cậu được phái tới. Nhưng đến lượt cậu cũng bị giết luôn. Cậu “bị quăng ra bên ngoài vườn nho”.
- Hình ảnh vườn nho nhường chỗ cho hình ảnh một công trình kiến trúc: viên đá bị loại bỏ lại trở nên tảng đá góc tường.
Giai đoạn suy niệm
- Bản văn này tường thuật niềm tin Phục sinh. Hình ảnh so sánh của một công trình kiến trúc là một giải thích dụ ngôn sau Phục sinh. Đức Giêsu đã chịu chết, đã bị giết ngoài thành. Tiếp theo sau nhiều tôi tớ của Thiên Chúa, tức là các ngôn sứ, Đức Giêsu được Chúa Cha phái đến, nhưng Người không được tiếp nhận. Cái chết thương đau của Người không làm cho sứ mạng của Người chấm dứt. Tuy bị loại trừ, nhờ cuộc phục sinh người đã trở nên tảng đá góc tường nâng đỡ toàn thể tòa kiến trúc.
- Bản văn này tường thuật Cựu Ước. Vườn nho là một hình ảnh cổ điển trong Cựu Ước để nhắc đến sản nghiệp của Thiên Chúa, tức là Dân của Người. Dụ ngôn mở đầu bằng cách lặp lại bài ca vườn nho nổi tiếng của ngôn sứ I-sai-a (5,1-7). Trong bài ca ấy, ông chủ rõ ràng là Thiên Chúa, Đấng đã làm tất cả cho vườn nho của mình, nhưng vườn nho ấy không chu toàn vai trò của nó.
- Việc nhắc đến các đầy tớ được phái đến và bị giết khiến ta nghĩ đến các ngôn sứ. Các vị này, theo truyền thống cổ xưa, đều bị những người được các ông đến loan báo Lời Thiên Chúa cho đối xử tệ.
- Bản văn này tường thuật đời sống của Hội thánh. Các Kitô hữu dần dần khám phá thấy rằng Tin Mừng của Đức Giêsu không chỉ được gửi đến Dân của Thiên Chúa mà thôi, nhưng còn gửi đến tất cả các dân tộc. Các Kitô hữu cần phải đấu tranh với chính mình để hiểu rằng họ không phải là những người độc quyền sở hữu Tin Mừng. Không có hàng rào ngăn cách.
- Bản văn này tường thuật Đức Giêsu Na-da-rét. Đức Giêsu chạm trán với một số người đồng thời với Người. Những người này có khuynh hướng cho rằng họ là những người sở hữu ân huệ của Thiên Chúa. Đức Giêsu biết và chấp nhận rằng sứ mạng của Người đưa Người tớ chỗ chết.
Giai đoạn cầu nguyện hoặc chiêm niệm
Có rất nhiều cách, nhưng đây là một vài ví dụ để làm lời cầu nguyện.
- Một lời cầu nguyện lưu ý đến những giai đoạn trước:
***
ĐỌC SÁCH THÁNH THEO NHÓM ĐỂ SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN
Khi nhiều người cùng đọc một bản văn Sách thánh thì thường làm cho việc đọc Sách thánh mang một chiều kích khác. Nhưng tiến hành việc này như thế nào? Đây là một trong số nhiều ví dụ. Nhóm từ 5 đến 10 người. Bản văn Sách thánh được chọn trong Phụng vụ các bài đọc Thánh lễ.
Buổi chia sẻ bắt đầu bằng một lời cầu nguyện vắn. Sau đó là các giai đoạn quan sát, suy niệm và cầu nguyện theo phương pháp đã tả trong các chương III đến VI.
1. Cầu nguyện hoặc hát để chuẩn bị nghe Lời Thiên Chúa
Nhắc lại lời của Đức Giêsu: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20). Kế đó, có thể kêu xin như sau: “Lạy Chúa, xin hãy phán, tôi tớ của Chúa xin nghe” (1Sm 3,10) hoặc: “Thưa Thầy, chỉ Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). Hoặc cũng có thể cầu xin Chúa Thánh Thần. Một bài hát mọi người quen thuộc giúp cho mọi người qui tụ lại với nhau và tạo nên một bầu khí cầu nguyện đáng mong ước.
2. Giai đoạn quan sát
- Một trong những người tham dự đọc lớn tiếng và chậm rãi bản văn đã được chọn.
- Tiếp đó, trong khoảng 5 đến 7 phút thinh lặng hoàn toàn, mỗi người quan sát các yếu tố làm nên bản văn (chẳng hạn các từ đậm tính cách tôn giáo, các nhân vật, các chuyển động, các nơi chốn, các tước hiệu của Đức Giêsu…).
- Cuối cùng, lần lượt mỗi người nói một hoặc hai câu thôi, cho cả nhóm biết yếu tố nào mình đã quan sát và thấy là quan trọng nhất đối với mình.
Giai đoạn quan sát này giả thiết là mỗi người phải có trước mắt cùng một bản văn Kinh Thánh như nhau. Khi quan sát cầm theo cây viết chì, để đánh dấu những từ ngữ hay những kiểu nói mình thấy là đặc sắc trong bản văn.
3. Giai đoạn suy niệm
- Một người thứ hai đọc lại bản văn lớn tiếng.
- Trong khoảng 5 đến 7 phút thinh lặng, mỗi người lấy lại bản văn và cố gắng tìm hiểu đức tin được diễn tả trong bản văn đó, và xem điều đó có âm vang đối với đức tin của riêng mình hay không.
- Lại chia sẻ. Mỗi người nói một hặc hai câu tóm tắt điều đối với mình là giáo huấn đức tin của bản văn và xem điều đó có chất vấn đức tin của riêng mình hay không.
- Để cho việc trao đổi như thế vẫn ở trên bình diện cá nhân, mỗi người có gắng để diễn tả ở ngôi thứ nhất (“tôi”, “đối với tôi”, “tôi thấy trong bản văn này”…), và tránh các kiểu nói chung chung (chẳng hạn như “chúng ta”, hoặc “bản văn nói”). Ở đây vấn đề thuần túy là chia sẻ là thông truyền. Tránh đừng đi vào tranh luận, bàn cãi.
4. Giai đoạn chiêm niệm hoặc cầu nguyện.
- Một người thứ ba đọc lại bản văn lớn tiếng và chậm rãi.
- Trong khoảng 5 đến 7 phút thì thinh lặng, mỗi người cầu nguyện khởi đi từ điều mình đã quan sát, đã suy niệm, và cũng từ những gì mình đã nghe từ người khác. Trong việc cầu nguyện này, đừng quên sử dụng càng đúng các từ của bản văn càng tốt. Mỗi người chọn hình thức cầu nguyện hợp với cung giọng của bản văn: tin tưởng phó thác, ngợi khen, sám hối, cầu xin, chuyển cầu…
- Chia sẻ lần cuối. Mỗi người tham dự lặp lại trước mặt những người khác một hoặc hai câu trong lời cầu nguyện của mình. Mỗi người sẽ giữ lại hình thức chia sẻ này hay hình thức chia sẻ kia và dùng lại khi cầu nguyện một mình trong ngày hoặc trong tuần.
5. Kết
Kết thúc cuộc gặp gỡ chia sẻ bằng một lời cầu nguyện của Hội thánh ai cũng biết (kinh Lạy Cha, kinh Magnificat, một công thức trong kinh Tin kính vẫn đọc trong thánh lễ…).
Ai nấy phải đón nhận những gì người khác chia sẻ không được phê phán, không được bình phẩm. Mục đích cuộc gặp gỡ chia sẻ không phải để học hỏi bản văn, không phải để tranh luận bàn bạc về bản văn, nhưng chỉ nhằm chia sẻ việc đọc Kinh Thánh trong ti-nh thần đức tin và cầu nguyện của mình cho người khác.