Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2025

HÒA HỢP HAI BỘ GIÁO LUẬT

Thời sự Thần học - Số 99, tháng 02/2023, tr. 176-200. 

_Phan Tấn Thành_

I. Khái niệm về bộ luật các Giáo hội Đông phương
   A. Khái niệm về các Giáo hội Đông phương
   B. Tổ chức các Giáo hội Đông phương
   C. Công cuộc lập pháp dành cho các Giáo hội Đông phương
II. Tự sắc De concordia inter codices (Hòa hợp giữa hai bộ luật): Bản dịch tiếng Việt
III. Nhận xét

Ngày 31-5-2016, Đức thánh cha Phanxicô đã ban hành Tự sắc De concordia inter codices “Hòa hợp giữa hai bộ luật”, nhằm điều chỉnh vài sự khác biệt giữa hai Bộ Giáo luật của Giáo hội Latinh và của các Giáo hội Đông phương. Có lẽ những khoản luật này không mang tính thực dụng đối với các giáo phận Việt Nam, nhưng trở thành cơ hội tốt để chúng ta mở rộng thêm kiến thức về tính đa dạng của luật Giáo hội. Trước hết, chúng tôi xin giới thiệu Bộ Giáo luật các Giáo hội Đông phương. Kế đó, chúng tôi xin giới thiệu bản dịch Tự sắc của linh mục JB Lê Ngọc Dũng. Sau cùng là vài ghi chú về những sửa đổi các điều khoản của Bộ Giáo luật.
 

I. Bộ Giáo luật các Giáo hội Đông phương

 

A. Khái niệm về các Giáo hội Đông phương.


Trên bản đồ thế giới, Việt Nam được xếp vào các nước Đông phương (thậm chí ở cùng cực của Đông phương, tức là Viễn đông). Vì thế, chúng ta thấy ngỡ ngàng khi nghe nói tới các Giáo hội Đông phương mà không có chúng ta trong đó! Thực ra, trong lịch sử Giáo hội, từ ngữ “Đông phương” được hiểu theo một nghĩa rất là hẹp hòi: Tây và Đông được áp dụng vào hai vùng trong lãnh thổ của Đế quốc Rôma. Lúc đầu (năm 286, dưới thời của Đioclexianô) việc phân chia ấy hoàn toàn có tính cách hành chánh; dần dần (từ năm 395) hai vùng trở thành hai nước trong cùng một đế quốc, với thủ đô là Rôma và Constantinôpôlis. Dựa theo phân chia ấy, các Giáo hội nằm trong khu vực Tây hoặc Đông của đế quốc sẽ được gọi là Giáo Hội Tây hay Đông phương. Tuy nhiên, đó mới chỉ khái niệm đại cương dựa trên tiêu chuẩn địa lý; khi đi vào những khía cạnh thần học và phụng vụ, thì còn nhiều yếu tố khác đưa tới sự ly khai vào năm 1054[1].

Một điều quan trọng cần phải để ý là từ công đồng Vaticano II, các văn kiện chính thức đều nói tới “các Giáo hội Đông phương” (nghĩa là ở số nhiều). Thường thì nhiều người vẫn đồng hóa sự khác biệt giữa Giáo hội Đông - Tây với sự đối lập giữa Constantinôpôlis với Rôma, hoặc đối lập giữa ngôn ngữ Hy-lạp với ngôn ngữ La-tinh. Nhưng sự thực không phải như vậy. Trong mạn Tây của đế quốc Rôma quả là chỉ có một tòa thượng phụ (Rôma) và một ngôn ngữ La-tinh; nhưng mà bên mạn Đông thì có nhiều tòa thượng phụ (Alêxanđria, Antiôkia, Giêrusalem, Constantinôpôlis); nhất là dưới khía cạnh thần học, thì đang khi mà bên Tây phương chỉ có một tòa có nguồn gốc tông đồ (Roma, tòa của Phêrô), thì bên mạn Đông, có nhiều tòa tự hào là do các thánh tông đồ thiết lập: Giêrusalem (Giacôbê), Antiôkia (Phêrô), Ephêsô (Gioan), Alexandria (Marcô), Cyprô (Phaolô, Barnabê). Về mặt văn hóa, bên Tây phương chỉ có một trung tâm tại Rôma (phần còn lại là “man di”); bên Đông phương đã có những trung tâm văn hóa lâu đời của Ai cập (Alexandria), Syria (Antiôkia). Bên ngoài biên cương của đế quốc Rôma, còn có các văn hóa Etiopia, Ba-tư, Armêni.

Trải qua nhiều thế kỷ, mặc dù có sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống như vậy, nhưng sự hợp nhất của Giáo hội vẫn được duy trì. Những sự ly khai xảy đến tiếp theo các cuộc tranh luận về Kitô học đưa tới những lạc giáo. Lạc giáo Nestorianô bị công đồng Ephêsô lên án năm 431; phần lớn Giáo hội Ba-tư chịu ảnh hưởng của thuyết đó và tách rời khỏi Hội thánh công giáo. Hai mươi năm sau (451), công đồng Calxêđônia kết án những người chủ trương đức Kitô chỉ có một bản tính (monophysismus): thuyết ấy đang bành trướng bên Ai-cập (Alexanđria, Etiôpia) và Armênia. Một lạc giáo khác chủ trương đức Kitô chỉ có một ý chí (monothelismus) bị công đồng Constantinôpôlis III (681) lên án đã gây ra sự ly khai của một phần giáo đoàn Antiôkia. Rốt cuộc bên Đông chỉ còn tòa Constantinôpôlis, tự xưng là “chính thống” (orthodoxa) bởi vì trung thành với đạo lý chính thống về Thiên Chúa Ba Ngôi và về đức Kitô do bảy công đồng hoàn vũ đã định tín (từ Nixêa I cho tới Nixêa II năm 787). Vào cuối ngàn năm thứ nhất, ra như sự thông hiệp của Giáo hội Tây với Đông bị thu gọn vào mối liên lạc giữa hai tòa Rôma và Constantinôpôlis. Những tòa khác thì hoặc đã ly khai rồi (vì những lạc giáo) hay đã bị tiêu diệt tiếp theo cuộc xâm lăng của Hồi giáo.

Sau cùng, đến lượt mối bang giao giữa Rôma và Constantinôpôlis cũng bị rạn nứt. Sự căng thẳng vốn đã bắt đầu từ lâu, khi mà hoàng đế Constantinô dời thủ đô sang mạn Đông tại thành phố mang tên của hoàng đế. Từ đó giám mục tại đây (Constantinôpôlis) cũng coi mình ngang hàng với giám mục của thủ đô cũ (Rôma), và cũng đòi tước hiệu thượng phụ giống như các tòa Alexanđria, Antiôkia. Sự xung khắc tăng thêm khi mà đế quốc bên Tây sụp đổ trước sự tấn công của quân man di. Các ông chủ mới (từ Charlemagne trở đi) bị Constantinôpôlis chê là kém văn hóa; và để phản ứng lại, phía Tây đã đơn phương thực hiện nhiều cuộc cải tổ trong Giáo hội mà chẳng đếm xỉa gì tới ý kiến của bên Đông (thí dụ thêm “Filioque” vào kinh Tin kính, bàn về sự nhiệm xuất của Chúa Thánh Thần). Những khác biệt về quan điểm thần học cũng như về việc điều hành Giáo hội (bên Tây đề cao vai trò tối thượng của Đức Thánh Cha, còn bên Đông thì nhấn mạnh tới công đồng) dần dần đưa tới sự tuyệt thông năm 1054. Thực ra, sự tuyệt thông ấy chỉ là một hành vi pháp lý chứ không có nghĩa là cắt đứt hết mọi sự thông hiệp. Một đàng, có những công đồng được mở ra để tìm những phương thức hòa giải (thí dụ: Lyon II năm 1274; Firenze năm 1439). Đàng khác, có những cộng đoàn lẻ tẻ từ các Giáo hội Đông phương trở về hợp nhất với Giáo hội Rôma. Tòa thánh cho họ tiếp tục được duy trì truyền thống kỷ luật phụng vụ riêng, và dần dần thành lập những tòa thượng phụ, giám mục cho các tín hữu theo một lễ điển. Những cộng đoàn ấy họp thành các Giáo hội Đông phương “công giáo” (đối lại với các Giáo hội Đông phương “chính thống”). Công đồng Vaticanô II bàn đến các Giáo hội đó trong sắc lệnh Orientalium Ecclesiarum (ban hành ngày 21-11-1964).
 

B. Tổ chức các Giáo hội Đông phương công giáo


Một tiêu chuẩn thường được dùng để phân biệt các Giáo hội Đông phương là nghi lễ (ritus). Thực ra thì tiếng “ritus” rộng nghĩa hơn là “nghi lễ phụng vụ”; bởi vì nó bao hàm cả truyền thống thần học, kỷ luật cũng như chế độ quản trị nữa (xem Công đồng Vaticanô II: Hiến chế về Hội thánh số 23; Sắc lệnh về các Giáo hội Đông phương số 2). Đó là lý do vì sao đôi khi tiếng “ritus” cũng được dịch là: nghi điển, lễ điển. Vào hồi nguyên thủy, 5 nghi điển được gắn liền với 5 tòa thượng phụ sau: 1/ Alexandria; 2/ Antiôkia; 3/ Constantinôpôlis; 4/ Armênia; 5/ Calđêa. Như đã nói trên đây, mỗi tòa thượng phụ ấy tự hào không những vì đã được một thánh tông đồ sáng lập nhưng còn vì là một trung tâm văn hóa (thí dụ học phái triết học Alexanđria; văn minh Syria, Calđêa). Dần dần với sự phát triển của công cuộc truyền bá Phúc âm, mỗi nghi điển nguyên thủy có thể được tách ra những chi nhánh lễ điển mới (thí dụ Alexanđria gồm có Côptô ở Ai cập, và Etiôpia), hay là những tòa thượng phụ mới (đặc biệt là bên Giáo hội chính thống: từ Constantinôpôlis - với lễ điển Byzantinô - nảy ra các thượng phụ: Hy lạp, Moscơva, Melkita, Romania, vv).

Hiện nay, tiêu chuẩn để phân biệt các Giáo hội Đông phương công giáo là “Giáo hội tự quản” (Ecclesia sui iuris: Giáo hội có luật riêng, tự lập). Bên Giáo hội Latinh, chỉ có Giáo hội phổ quát và các giáo hội địa phương (giáo phận), chứ không có cấp trung gian. Thực vậy, những cơ quan liên kết giữa các giáo phận (Hội đồng giám mục, giáo tỉnh) không được coi là “Giáo hội tự quản”, mà chỉ mang tính cách phối kết hoạt động mục vụ giữa các giáo phận. Như sẽ thấy sau, các Giáo hội tự quản, đặc biệt là các tòa Thượng phụ, có một cơ cấu quản trị khá lớn liên quan đến vấn đề lập pháp và bổ nhiệm giám mục. Thực ra cần phân biệt bốn cấp độ, với những thẩm quyền không giống nhau:

1. Cao nhất là các Thượng phụ (Patriarchatus). Hiện nay có 6 tòa Thượng phụ sau đây: 1- Alêxanđria (Copta); 2- Antiôkia siriaca; 3- Antiôkia melkita; 4- Antiôkia Maronita; 5- Calđêa (Babilonia); 6- Armênia. (Như vậy có ba thượng phụ cùng mang hiệu tòa Antiôkia nhưng với những lễ điển khác nhau; đang khi không có thượng phụ nào mang tòa của Constantinôpôlis).

2. Tổng Giám mục thượng hạng (Archepiscopus Maior) coi như ngang hàng với Thượng phụ; điểm khác biệt duy nhất là trong việc bầu cử thì Tổng giám mục thượng hạng cần được Tòa thánh xác nhận; đang khi mà đức Thượng phụ chỉ cần bày tỏ sự thông hiệp với Đức Thánh Cha. Hiện nay có bốn tòa: Leopoli (Lviv) của Giáo hội Ukraine (theo lễ điển Byzantinô); Ernakulam Angamaly của Giáo hội Syro-Malabar bên Ấn độ; Trivandrum của Giáo hội Syro-Malankar cũng bên Ấn độ; Fagaras – Alba Iulia của Giáo hội Rumeni.

3. Giáo tỉnh “tự quản” (Metropolita sui iuris), gồm có: Etiôpia, Rutenia, Slovacca; Etiopia; Hungari.

4. Một số giáo đoàn khác chỉ là giáo phận trực thuộc Tòa thánh (thí dụ ở Hy lạp, Bulgari; Italo-Albani; Macedonia).
 

C. Công cuộc lập pháp dành cho các Giáo hội Đông phương


Trên nguyên tắc, khi một giáo đoàn Đông phương hợp nhất với Đức Thánh Cha thì họ vẫn giữ tất cả truyền thống kỷ luật và phụng vụ của họ. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều cộng đoàn quá nhỏ hoặc bị lạc lõng giữa thế giới Hồi giáo hoặc giữa những nhóm di dân tị nạn; vì thế không phải tất cả đều có khả năng để tiến hành công cuộc lập pháp. Mặt khác, Tòa thánh cũng muốn rằng tuy phải tôn trọng tính cách đa dạng của các Giáo hội Đông phương nhưng cũng cần có vài nền tảng biểu lộ sự hợp nhất của toàn thể Giáo hội công giáo.

Công tác điển chế một bộ luật cho các Giáo hội Đông phương khởi sự từ năm 1929. Nhưng thay vì chờ đợi sự ban hành toàn bộ luật, Đức Piô XII đã quyết định ban hành từng lược đồ liền sau khi hoàn tất. Từ năm 1949, những phần sau đây đã lần lượt ra đời: 1- Hôn phối (Tự sắc Crebrae allatae, 22/2/1949); 2- Tố tụng (Tự sắc Sollicitudinem novam, 6/1/1950); 3- Tu sĩ; tài sản giáo hội (Tự sắc Postquam Apostolicis Litteris, 9/2/1952); 4- Nhân sự, giáo sĩ và giáo dân (Cleri sanctitati, 2/6/1957). Những phần còn lại (đặc biệt là các bí tích) bị đình hoãn kể từ khi đức Gioan XXIII tuyên bố triệu tập công đồng Vaticano II. Sau khi bế mạc công đồng, vào năm 1972 đức Phaolô VI đã thiết lập ủy ban tu chính Bộ Giáo luật Đông phương (Pontificia Commissio Codici Iuris Canonici Orientalis recognoscendo). Phương pháp làm việc của Ủy ban này cũng tương tự như Ủy ban tu chính Bộ Giáo luật Latinh. Công tác được hoàn tất với việc ban hành bộ luật ngày 18/10/1990 (có hiệu lực từ ngày 1/10/1991). Nên biết là nguyên bản của bộ luật được viết bằng tiếng latinh, vì một lý do thực tiễn: đó là không có một ngôn ngữ nào khác chung cho hết các Giáo hội Đông phương công giáo (trong đó thiểu số ít ỏi biết tiếng hy lạp).

D. Nội dung của Bộ Giáo luật của các Giáo hội Đông phương


Giữa Bộ Giáo luật Latinh với Bộ Giáo luật Đông phương có những khác biệt không nhỏ: về tựa đề, về bố cục và về nội dung.

1. Về tựa đề

Lúc đầu, dự thảo của Bộ Giáo luật Đông phương mang tựa đề là “Codex Iuris Canonici Orientalis”. Thế nhưng vào năm 1983, Bộ Giáo luật Latinh được ban hành với tựa đề gọn lỏn là “Codex Iuris Canonici” (thay vì Codex Iuris Canonici Latini). Vì thế để khỏi gây cảm tưởng là Bộ Giáo luật Đông phương chỉ là một thứ phụ trương của Bộ Giáo luật Latinh, một tựa đề mới đã được chọn, đó là: Codex Canonum Ecclesiarum Orientalium (viết tắt CCEO).

2. Về bố cục. Bộ Giáo luật Latinh được chia thành 7 quyển (libri), tiếp đến là: phần, thiên, chương, mục. Bộ Giáo luật Đông phương không được phân thành quyển, nhưng gồm 30 thiên (tituli), với thứ tự các tiết mục cũng khác với Bộ Giáo luật Latinh.

- Bộ luật mở đầu với thiên về các quyền lợi và nghĩa vụ của các tín hữu (đ. 7-26).

- Thiên 2 bàn về các Giáo hội “tự quản” và các lễ điển (đ. 27-41).

- Thiên 3 bàn về thẩm quyền tối cao trong Giáo hội (đ. 42-54).

- Thiên 4 cho đến thiên 9 nói về các cấp độ Giáo hội tự quản (Thượng phụ, Tổng giám mục thượng hạng, Giáo tỉnh tự quản, Hội nghị các Giáo hội tự quản).

- Thiên 10: Các giáo sĩ (đ. 323-398).

- Thiên 11: Các giáo dân (đ. 399-409).

- Thiên 12: Các đan sĩ, tu sĩ, và phần tử tu hội tận hiến (đ.410-572).

- Thiên 13: Các hiệp hội tín hữu (đ. 573-583).

- Thiên 14: Việc Rao truyền Phúc âm (đ. 584-594).

- Thiên 15: Quyền giáo huấn (đ. 595-666).

- Thiên 16: Phụng tự và các bí tích (đ. 667-895).

- Thiên 17-18: Liên lạc đại kết (đ. 896-901; 902-908).

- Thiên 19: Nhân thân; Các hành vi pháp lý (đ. 909-935).

- Thiên 20-21: Các chức vụ; Quyền cai trị (đ. 936-978; đ. 979-995).

- Thiên 22: Sự kháng cáo các hành vi hành chánh (đ. 996-1006).

- Thiên 23: Tài sản của Giáo hội (đ. 1007-1054)

- Thiên 24-26: Các thủ tục tố tụng (đ. 1055-1184; 1185-1356; 1357-1400).

- Thiên 27-28: Các chế tài hình sự và tố tụng hình sự (đ. 1401-1467; 1468-1487).

- Thiên 29-30: Luật lệ, các hành vi hành chánh, thời hiệu (đ. 1488-1539; 1540-1546).

Như vậy xét về bố cục, sự khác biệt nổi bật hơn cả là những điều mà Bộ Giáo luật Latinh bàn ở đầu (Quyển 1: tổng tắc) thì trong Bộ Giáo luật Đông phương lại được xếp vào hai thiên chót. Tổng cộng, Bộ Giáo luật Đông phương gồm có 1546 điều, so với 1753 điều trong bộ luật latinh. Sự sai lệch không có gì khó hiểu bởi vì bên các Giáo hội Đông phương, thẩm quyền lập pháp rất rộng được dành cho các Thượng phụ cùng với công nghị.

3. Về nội dung

Giữa Bộ Giáo luật Đông phương và Bộ Giáo luật Latinh, ta thấy có sự khác biệt quan trọng chung quanh ba vấn đề, dựa theo truyền thống của mỗi bên: 1- Các Thượng phụ và công nghị (Latinh không có). 2- Các bí tích. 3- Đời sống đan tu.

a. Các Thượng phụ và công nghị

Tuy rằng trong Giáo hội Latinh có vài tòa Giám mục được gọi là “Thượng phụ” (thí dụ: Giêrusalem, Venêzia bên Italia, Lisboa bên Bồ-đào-nha) nhưng đó chỉ là tước hiệu danh dự chứ không có quyền hành đặc biệt gì sánh với các Giám mục khác (đ. 438). Xét về thực chất thì trong toàn thể Giáo hội Latinh chỉ có một Thượng phụ duy nhất, đó là chính đức Giám mục Rôma. Còn bên các Giáo hội Đông phương thì khác: mỗi Thượng phụ đứng đầu một Giáo hội “tự quản” (Xem Công đồng Vaticano II, Sắc lệnh Orientalium Ecclesiarum, số 7.9; Sắc lệnh Unitatis Redintegratio số 14). Thượng phụ vừa là giám mục của giáo phận được ủy thác cho mình, vừa có quyền hành trên các Tổng giám mục, giám mục, giáo sĩ và giáo dân thuộc về Giáo hội “tự quản”.

Trong khu vực lãnh thổ của mình, Thượng phụ có thể ban hành các nghị định hành chánh, gửi các huấn dụ và thông điệp, thiết lập (hay thay đổi ranh giới) các giáo tỉnh và giáo phận, truyền chức Giám mục. Tuy nhiên, những hành vi quan trọng hơn cả thì được dành cho Thượng phụ cùng với công nghị (synodus patriarchalis), tức là cơ quan lập pháp cao cấp nhất trong một Giáo hội “tự quản”. Ngoài việc thiết lập luật riêng trong Giáo hội của mình, công nghị còn có thẩm quyền bầu cử Thượng phụ và các Giám mục. Trên thực tế, công nghị đã thiết lập sẵn một danh sách các ứng viên được Tòa thánh chấp thuận. Khi có dịp phải bầu cử, thì nếu người đắc cử đã nằm trong danh sách đó thì có thể công bố liền; nếu không thì phải chờ sự ưng thuận của Tòa thánh. (Đó là luật chung được áp dụng trong lãnh thổ của Giáo hội tự lập; đối với việc bổ nhiệm Giám mục cho những tòa ở ngoài lãnh thổ, - thí dụ dành cho những cộng đoàn di dân -, thì thủ tục có phần thay đổi). Sau cùng công nghị cũng là cơ quan tư pháp, kể cả các vụ tranh tụng chống lại các giám mục và giáo phận.

b. Các bí tích

Như đã nói trên đây, vào lúc bắt đầu các nghi điển được phân chia dựa theo 5 tòa thượng phụ. Đối lại ta cũng có thể nói được rằng mỗi tòa thựơng phụ tự hào vì mình có nghi điển (lễ điển) riêng, nghĩa là một cách thức cử hành phụng vụ riêng, dựa theo truyền thống văn hóa riêng. Dù vậy, giữa những hình thức đa dạng ấy vẫn có sự đồng nhất trên những điểm căn bản. Sự đồng nhất ấy đã tạo ra một truyền thống chung cho tất cả các Giáo hội bên Đông phương, với vài điểm khác biệt không nhỏ so với kỷ luật của Giáo hội Latinh. Xin đan cử vài thí dụ:

- Ba bí tích khai tâm (rửa tội, thêm sức, Thánh Thể ) được ban cùng một lúc, cho dù chỉ là nhi đồng (em bé sẽ được trao ít giọt Máu thánh). Còn bên Giáo hội Latinh, em bé chỉ lãnh bí tích rửa tội, kế đó khi đủ tuổi khôn thì rước lễ lần đầu và một thời gian sau nữa thì mới được thêm sức; như thế không những ba bí tích khai tâm đã được tách rời ra mà còn bị đảo lộn thứ tự. Cũng nên biết là bên Đông phương, tác viên thông thường của bí tích rửa tội và thêm sức là linh mục. (Đối với bí tích rửa tội, phó tế chỉ là tác viên ngoại thường; và Đông phương không chấp nhận cho người ngoại đạo có thể ban bí tích rửa tội kể cả lúc nguy tử).

- Liên quan tới bí tích giải tội, thiết tưởng nên biết là bên Đông phương không có kỷ luật về ân xá. Trong bộ hình luật, Đông phương cũng không có hình phạt “tức khắc” (latae sententiae).

- Xét về bí tích hôn phối, có vài điểm khác với kỷ luật latinh. (a) Các giáo sĩ không buộc phải giữ độc thân; tuy nhiên họ chỉ có thể lập gia đình trước khi chịu chức linh mục, và nếu góa vợ thì không được tái hôn. Giám mục phải là người độc thân. (b) Tác viên của bí tích hôn nhân là tư tế, qua việc đọc lời khẩn cầu Thánh Linh đến thánh hiến giao ước của đôi bạn. Do đó duy chỉ có tư tế mới có thể chủ sự bí tích hôn phối. Bên truyền thống latinh, tác viên của bí tích là chính đôi bạn, còn tư tế chỉ giữ vai chứng giám; vì thế mà phó tế hoặc một giáo dân cũng có thể được cử làm chứng giám chủ sự hôn lễ. (c) Giáo luật Đông phương còn duy trì ngăn trở do họ thiêng liêng (giữa người đỡ đầu với người được rửa tội và cha mẹ của đương sự); đối lại Giáo luật Đông phương không biết đến việc kết hôn với điều kiện (conditio), hoặc việc miễn chuẩn giá thú bất hoàn hợp (ratum et non consummatum).

c. Đời sống đan tu

Bên các Giáo hội latinh, con số các đan sĩ chỉ là thiểu số so với các tu sĩ hoạt động tông đồ; thậm chí nhiều đan sĩ (Biển đức, Xitô) cũng phụ trách các giáo xứ. Còn bên Đông phương thì hình thức tu trì căn bản là đời sống đan tu. Chúng ta đừng nên quên là nguồn gốc đời sống đan tu (và tu trì nói chung) bắt nguồn từ Đông phương (Ai cập, Siria). Vì thế non một nửa các khoản luật về đời sống tu trì trong Bộ Giáo luật Đông phương được dành cho đời đan tu, bao gồm cả hình thức ẩn sĩ. Tuy nhiên, thành thực mà nói, hiện nay do điều kiện chính trị xã hội (những quốc gia Hồi giáo ở Trung đông, và cách đây không lâu, các quốc gia cộng sản Đông Âu), đời sống tu trì bên các Giáo hội Đông phương công giáo không phát triển lắm. Phần lớn các tu sĩ Công giáo Đông phương được tổ chức theo hình thức các Dòng hoạt động tông đồ.

Xét vì ngày nay, do những cuộc di dân, không ít các tín hữu thuộc các Giáo hội Đông phương sinh sống trên lãnh thổ của các Giáo hội latinh, cho nên ngày 31-5-2016, Đức thánh cha Phanxicô đã ban hành Tự sắc “De concordantia inter Codices” để dung hòa những điểm khác biệt giữa hai bộ luật, đặc biệt liên quan đến việc thay đổi nghi điển (đ. 111 tt.) và cử hành hôn phối (đ. 1108 tt.). Trước hết, chúng ta hãy đọc văn kiện qua bản dịch của linh mục JB Lê Ngọc Dũng. Những sự thay đổi bản văn được in nghiêng.

II. Tự sắc De concordantia inter Codices - Về sự hòa hợp giữa hai Bộ Giáo luật


Do bởi mối quan tâm sâu xa về sự hòa hợp giữa hai Bộ Giáo Luật, tôi nhận thấy có vài điểm không được tương hợp hài hòa giữa những quy tắc của Bộ Giáo Luật với những quy tắc Bộ Giáo Luật của các Giáo Hội Đông Phương.

Hai Bộ Giáo Luật gồm có, một phần là những nguyên tắc chung, và phần khác, những phần riêng của nó, tự hòa hợp lẫn với nhau. Tuy nhiên, ngay cả những quy tắc riêng biệt cũng cần một sự hài hòa đầy đủ. Thật vậy, những khác biệt, đã có thể gây nên những va chạm tiêu cực trong thực hành mục vụ, và đặc biệt trong những trường hợp mà cần phải có quy định những liên hệ giữa tín hữu thuộc Giáo Hội Latinh và tín hữu thuộc Giáo Hội Đông Phương.

Điều này đặc biệt xảy ra ở thời đại chúng ta, trong đó sự di chuyển các dân tộc đã đưa nhiều tín hữu Đông Phương sang sống ở địa hạt Tây Phương. Tình trạng mới này làm phát sinh nhiều vấn đề mục vụ và pháp lý, đòi hỏi phải được giải quyết bằng những quy tắc luật thích hợp. Cần phải nhắc lại rằng những tín hữu Đông Phương bất kỳ khi ở đâu họ cũng buộc phải tuân giữ những nghi lễ riêng của mình (cfr CCEO can. 40 §3; Conc. Ecum. Vat. II, Decr. Orientalium Ecclesiarum, 6), và hệ luận là nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội có nhiệm vụ cung ứng cho họ những phương tiện tương xứng để tuân giữ (cfr CCEO can. 193 §1; CIC can. 383 §§1-2; Esort. ap. postsin. Pastores gregis, 72). Sự hòa hợp các nguyên tắc chắc chắn là một trong những phương cách có vai trò thúc đẩy và làm tăng triển sự tôn kính những nghi lễ Đông Phương, cho phép những Giáo Hội tự trị sui iuris hoạt động mục vụ một cách hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, cần thiết nhất là nhận biết những kỷ luật riêng biệt trong bối cảnh địa hạt có những liên hệ tương quan giữa hai giáo hội. Ở Tây phương, phần lớn là Latinh, cần phải có một sự quân bình đúng đắn giữa sự giữ gìn luật riêng của nhóm nhỏ Đông Phương và sự tôn trọng truyền thống lịch sử và Giáo Luật của đa số Latinh, để tránh những phiền nhiễu và đối chọi không đáng cũng như thúc đẩy lợi ích của sự hợp tác giữa tất cả những cộng đoàn Công Giáo hiện diện trong một địa hạt.

Một lý do khác cho sự hòa nhập các nguyên tắc của Bộ Giáo Luật Tây Phương với những quy định rõ ràng song đối với những quy định Bộ Giáo Luật Đông Phương là do nhu cầu xác định rõ ràng hơn những liên hệ với tín hữu thuộc Giáo Hội Đông Phương không Công Giáo mà hiện nay hiện diện một số đáng kể trong các địa hạt thuộc Giáo Hội Latinh.

Sau cùng phải chú ý là ngay cả học thuyết pháp lý đã lưu ý một số những khác biệt giữa hai Bộ Giáo Luật khi chỉ ra, trên cơ bản hợp nhất, những điều có thể là những điểm gây khúc mắc, cũng như những cách thức giúp chúng hòa hợp với nhau.

Mục đích của những điều khoản đưa ra bởi Tự Sắc này là tiến tới một kỷ luật hòa hợp để có thể cung cấp cách thức chắc chắn giúp thực hành mục vụ trong những trường hợp cụ thể.

Hội Đồng Giáo Hoàng Về Các Văn Bản Lập Pháp, nhờ bởi các chuyên viên Giáo Luật Đông Phương và Tây Phương đã nhận ra được những vấn đề cần thiết nhất của việc tu chỉnh luật, đã soạn thảo văn bản và gởi đến khoảng 30 vị tư vấn và chuyên viên trên thế giới, cũng như tới những đấng có thẩm quyền của những giáo hạt Latinh dành cho tín hữu Đông Phương. Sau các đánh giá những khảo sát được thu thập, một phiên họp khoáng đại của Hội Đồng Giáo Hoàng Về Văn Bản Lập Pháp đã phê chuẩn văn bản mới.

Khi mọi sự đã được cứu xét, tôi ra quyết định như sau:

Khoản 1.

Điều 111 Giáo Luật Tây Phương được thay thế toàn bộ, trong đó có thêm một đoạn mới và sửa chữa vài diễn tả, bằng văn bản như sau:

§1. Do việc lãnh nhận bí tích Rửa Tội, con cái được ghi danh vào Giáo Hội Latinh, nếu cha mẹ họ thuộc về Giáo Hội đó, hoặc, nếu một trong hai cha mẹ không thuộc Giáo Hội Latinh, nhưng cả hai đều đồng ý để con cái được Rửa Tội trong Giáo Hội Latinh; trong trường hợp họ bất đồng ý kiến, con cái được ghi danh vào Giáo Hội tự trị sui iuris của người cha.
§2. Nếu chỉ có cha hoặc mẹ là công giáo, thì con cái được ghi danh vào Giáo Hội của cha hoặc mẹ Công Giáo này.
§3. Sau khi đã được mười bốn tuổi trọn, người xin Rửa Tội có thể tự do chọn được Rửa tội trong Giáo Hội Latinh hoặc trong Giáo Hội tự trị sui iuris khác; trong trường hợp ấy, họ thuộc về Giáo Hội họ đã chọn.

Khoản 2.

Điều 112 Giáo Luật Tây Phương được thay thế toàn bộ, có thêm một đoạn mới và sửa chữa vài từ ngữ, với văn bản như sau:

§1. Sau khi nhận bí tích Rửa Tội, những người sau đây được ghi danh vào một Giáo Hội tự trị sui iuris khác:
10 Người đã được Tông Toà ban phép;
20 Người phối ngẫu, khi kết hôn hay trong đời sống hôn nhân, đã tuyên bố chuyển sang Giáo Hội tự trị sui iuris của người phối ngẫu kia; nhưng một khi hôn nhân đã đoạn tiêu, người ấy có thể tự do trở lại Giáo Hội Latinh;
30 Con cái của những người được nói đến ở 1° và 2° chưa đủ mười bốn tuổi trọn, cũng như trong một đôi hôn nhân hỗn hợp, con cái của bên Công Giáo đã chuyển qua Giáo Hội tự trị sui iuris khác cách hợp pháp; nhưng khi đã qua tuổi trên rồi, chúng có thể trở lại Giáo Hội Latinh.

Khoản 3.

Triệt hai điều 535 của Giáo Luật Tây Phương được thay đổi toàn bộ bằng văn bản sau:

§2. Trong sổ Rửa Tội cũng phải ghi chú việc ghi danh vào một Giáo Hội tự trị sui iuris hay chuyển qua một Giáo Hội khác, kể cả việc chịu phép Thêm Sức và tất cả những tình trạng giáo luật của các Kitô hữu, liên hệ đến hôn nhân trừ những quy định của điều 1133, đến việc nhận con nuôi, việc lãnh chức thánh, cũng như việc tuyên khấn vĩnh viễn trong một hội dòng; tất cả những ghi chú này luôn luôn phải được ghi lại trong chứng chỉ Rửa Tội.

Khoản 4.

Mệnh đề thứ hai của triệt thứ nhất trong điều 868 Giáo Luật Tây Phương được thay đổi toàn bộ bằng văn bản sau:

§1. 2° Có một niềm hy vọng chắc chắn rằng nhi đồng đó sẽ được giáo dục trong đạo Công Giáo, miễn là vẫn giữ quy tắc của §3; nếu hoàn toàn thiếu niềm hy vọng này, thì phải hoãn ban bí tích Rửa Tội, chiếu theo những quy định của luật địa phương, sau khi đã thông báo cho cha mẹ biết lý do.

Khoản 5.

Điều 868 Giáo Luật Tây Phương từ nay bao gồm thêm triệt ba như sau:

§3. Nhi đồng của cha mẹ Kitô hữu không Công Giáo được Rửa Tội cách hợp luật, nếu có yêu cầu của cha mẹ, hay ít nhất của một trong hai người, hoặc của người thay quyền họ cách hợp pháp và nếu những người này, cách thể lý hay luân lý, không thể gặp được thừa tác viên của họ.

Khoản 6.

Điều 1108 Giáo Luật Tây Phương từ nay bao gồm thêm triệt ba như sau:

§3. Chỉ tư tế mới chứng hôn thành sự cho hôn nhân giữa hai người Kitô hữu Đông phương hay giữa một người thuộc Giáo Hội Latinh và một người thuộc Giáo Hội Đông phương Công Giáo hay không Công Giáo.

Khoản 7.

Điều 1109 Giáo Luật Tây Phương được thay thế toàn bộ bằng văn bản sau đây:

Đấng Bản Quyền địa phương và cha sở, trừ khi bị vạ tuyệt thông, hoặc bị vạ cấm chế, hoặc bị huyền chức do án lệnh hay do sắc lệnh, hoặc đã bị tuyên bố như vậy, chiếu theo chức vụ họ chứng hôn thành sự trong giới hạn địa hạt của mình, chẳng những cho những người thuộc quyền, mà còn cho cả những người không thuộc quyền, miễn là một trong hai người đã gia nhập vào Giáo Hội Latinh.

Khoản 8.

Triệt một trong điều 1111 Giáo Luật Tây Phương được thay thế toàn bộ bằng văn bản như sau:

§1. Bao lâu còn chu toàn giáo vụ của mình cách hữu hiệu, Đấng Bản Quyền địa phương và cha sở có thể uỷ nhiệm năng quyền, kể cả năng quyền tổng quát, cho các tư tế và phó tế, để chứng hôn trong giới hạn của địa hạt mình, miễn là vẫn giữ quy định của điều 1108 §3.

Khoản 9.


Triệt một trong điều 1112 Giáo Luật Tây Phương được thay thế toàn bộ bằng văn bản như sau:

§1. Ở đâu thiếu tư tế và phó tế, Giám Mục Giáo Phận, sau khi có ý kiến tán đồng của Hội Đồng Giám Mục và được phép của Tông Toà, có thể uỷ quyền cho giáo dân để chứng hôn, miễn là vẫn giữ quy định của điều 1108 §3.

Khoản 10.

Điều 1116 Giáo Luật Tây Phương từ nay bao gồm thêm triệt ba như sau:

§3. Ngoài những gì quy định ở §1,1-2, Đấng Bản Quyền địa phương có thể trao cho bất kỳ tư tế Công Giáo nào năng quyền chúc hôn cho các Kitô hữu thuộc các Giáo Hội Đông Phương không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, nếu họ tự ý xin chúc hôn, miễn là không có gì ngăn trở việc cử hành thành sự và hợp pháp. Tuy nhiên, với sự khôn ngoan cần thiết, vị tư tế này cần thông báo sự việc cho vị có thẩm quyền hữu trách liên hệ của Giáo Hội không Công Giáo.

Khoản 11

Triệt một trong điều 1127 Giáo Luật Tây Phương được thay thế toàn bộ theo văn bản sau:

§1. Về thể thức được áp dụng trong hôn nhân hỗn hợp, phải tuân giữ những quy định của điều 1108; tuy nhiên, nếu bên Công Giáo kết hôn với bên không Công Giáo thuộc lễ điển Đông Phương, thì thể thức cử hành theo Giáo luật phải được tuân giữ để hôn nhân được hợp luật mà thôi; nhưng buộc phải có sự chứng hôn của một tư tế để hôn nhân được thành sự, miễn là vẫn phải tuân giữ những điều khác mà luật đòi buộc.

Tôi quyết định rằng những điều đã được quy định trong Tông Thư này dưới dạng Tự Sắc phải được tuân giữ và có hiệu lực bất chấp điều gì trái ngược, mặc dù đáng kể, và rằng Tông Thư được ban hành bằng việc công bố trên báo Osservatore Romano và sau đó trên báo Acta Apostolicae Sedis.

Làm tại Roma, ở Đền Thánh Phêrô,
ngày 31-5-2016, năm thứ tư Triều Đại Giáo Hoàng.

PHANXICÔ
 

III. Ghi chú


Văn kiện gồm hai phần[2]. Trong phần đầu, Đức thánh cha trình bày những lý do phải đưa ra những sửa đổi; phần thứ hai, ngài liệt kê mười điều luật được sửa đổi, đó là các điều 111, 112, 535, 868, 1108, 1109, 1111, 1112, 1116 và 1127.

A. Những lý do


Như tựa đề đã gợi lên, mục tiêu của Tự sắc là tìm cách hòa hợp giữa hai Bộ Giáo luật bằng cách thay đổi vài điều của bộ luật Latinh (Codex Iuris Canonici, viết tắt CIC) để thích nghi với các quy định của bộ luật Đông phương (Codex Canonum Ecclesiarum Orientalium viết tắt CCEO).

Tuy vẫn phải tôn trọng những đặc trưng của mỗi truyền thống nhưng cũng cần phải đạt được một sự hòa hợp giữa đôi bên, ngõ hầu tránh những hiệu quả tiêu cực trong hoạt động mục vụ. Đừng quên là mục đích của cả hai bộ luật đều là sự cứu độ các linh hồn (xc. can. 1752 CIC; can. 1519 và 1110 CCEO).

Vào thời nay, do những cuộc di dân, nhiều tín hữu Đông phương sinh sống trong lãnh thổ của giáo hội Latinh, vì thế cần tránh những phiền toái gây ra bởi sự khác biệt về kỷ luật giữa đôi bên, làm sao cho các tín hữu Đông phương bảo vệ căn tính của mình.

B. Những áp dụng cụ thể


Các khoản luật CIC được sửa:

1. Canon 111: Việc chọn lựa nghi điển

Nghi điển ở đây không hiểu về lễ nghi cử hành phụng vụ nhưng là “chế độ pháp lý” (ecclesia sui iuris), tạm so sánh với câu chuyện quốc tịch trong luật quốc gia: khi chào đời, đứa con mang quốc tịch nào? Theo quốc tịch của cha hay của mẹ? Việc lựa chọn quốc tịch có tính cách bắt buộc hay nhiệm ý? Có thể thay đổi quốc tịch không?

Điều 111 của CIC nói rằng: đứa con của cha mẹ thuộc nghi điển Latinh thì khi rửa tội sẽ được gia nhập nghi điển Latinh; nếu một trong hai người không thuộc nghi điển Latinh thì đứa con được gia nhập vào nghi điển mà cha mẹ đồng ý; nếu cha mẹ không đạt được sự thỏa thuận, thì đứa con sẽ theo nghi điển của người cha.

Tự sắc thêm triệt 2 vào điều 111, theo đó nếu chỉ một thân sinh là người công giáo, thì đứa bé sẽ theo nghi điển của người thân sinh công giáo.

Nếu đương sự đã được 14 tuổi, thì người được rửa tội có thể tự do chọn lựa nghi điển để được rửa tội và sẽ thuộc về nghi điển ấy.

Đối chiếu với CCEO canon 29:

§1. Do hiệu lực của bí tích rửa tội, một thiếu nhi chưa đủ 14 tuổi sẽ được đăng ký vào nghi điển của người cha công giáo; hoặc vào nghi điển của người mẹ nếu chỉ có người mẹ theo công giáo hoặc nếu cả hai cha mẹ đồng ý xin như vậy, tuy vẫn tôn trọng luật riêng mà Tông Tòa đã ấn định.

§2. Nếu thiếu nhi chưa đủ 14 tuổi:

1° nếu sinh bởi người mẹ không có giá thú thì được đăng ký vào nghi điển của người mẹ;

2° nếu không biết ai là cha mẹ, thì đăng ký theo nghi điển của người được trao phó trông nom theo luật; nếu là trường hợp cha mẹ nuôi thì áp dụng triệt 1.

3° nếu đứa trẻ sinh ra bởi cha mẹ không được rửa tội, thì sẽ là thành viên của nghi điển của người lãnh trách nhiệm nuôi dưỡng em trong đức tin công giáo.

CCEO còn nói thêm ở canon 30 như sau:

Bất kỳ người nào đã được tròn 14 tuổi thì có thể tự do lựa chọn nghi điển mà mình sẽ đăng ký khi được rửa tội, tuy vẫn tôn trọng luật riêng mà Tông Tòa đã ấn định.

Như vậy, Tự sắc đã dự liệu thêm hoàn cảnh mà người cha không theo công giáo, hoặc chỉ một trong hai song thân là công giáo, như đã dự liệu trong CCEO.

2. Sửa đổi canon 112 CIC

Canon 112 CIC dự liệu những trường hợp mà một người đã đăng ký vào một nghi điển và muốn chuyển đăng ký vào nghi điển khác. Tông huấn thêm triệt 3 liên quan đến thủ tục. Việc thay đổi nghi điển có hiệu lực từ khi việc tuyên bố diễn ra trước mặt Bản quyền địa phương của nghi điển, hoặc cha sở hay một tư tế được hai vị ủy quyền, cùng với nhân chứng, ngoại trừ khi một phúc thư của Tông tòa đã quy định cách khác. Điều này phải được ghi vào sổ rửa tội.

Đây là bổ sung cho một thiếu sót về thủ tục phải theo khi chuyển nghi điển (được dự trù trong canon 37 của CCEO).

3. Sửa canon 535 của CIC

Điều 535 CIC quy định về các sổ sách phải lưu trữ trong văn khố giáo xứ. Tự sắc quy định là phải thêm vào triệt 2 một điểm liên quan đến việc đăng ký vào một nghi điển hoặc thay đổi nghi điển (để hòa hợp canon 37 của CCEO).

4. Sửa canon 868 CIC

Việc sửa đổi này nhằm hòa hợp với canon 681 §5 của CCEO có lẽ nhằm duy trì liên lạc tốt với các Giáo hội Chính thống.

Thực vậy, theo điều 868, để rửa tội cách hợp pháp một thiếu nhi, cần có sự đồng ý của cha mẹ của em bé, hoặc ít là của một trong hai song thân; ngoài ra, cần có bảo đảm là em sẽ được giáo dục trong đạo Công giáo. Nếu thiếu sự bảo đảm này thì nên hoãn lại, đừng kể trường hợp nguy tử.

Tự sắc thêm triệt 3 (để hòa hợp với kỷ luật Đông phương), cho phép rửa tội cho một thiếu nhi theo lời yêu cầu của cha mẹ là Kitô hữu tuy không phải là Công giáo (nghĩa là Chính thống) nếu họ không thể đến với tác viên của giáo hội của họ. Điều này nhằm giúp cho các người Chính thống sống ở nơi mà họ không tìm được tác viên thuộc giáo hội của mình.

5. Sửa canon 1108 của CIC

Chúng ta bước sang lãnh vực bí tích hôn nhân. Trên đây, khi so sánh sự khác biệt giữa luật Latinh và luật Đông phương, chúng tôi có nhắc đến vấn đề thể thức cử hành hôn nhân.

- Trong luật Latinh, chủ sự hôn nhân là đôi vợ chồng. Tư tế hoặc phó tế chỉ giữ vai trò chứng giám (tuy rằng sự chứng giám là điều kiện cho sự hữu hiệu của hôn nhân). Khi cần thiết, một giáo dân cũng có thể được giám mục ủy quyền để chứng giám.

- Trong luật Đông phương, việc cử hành hôn nhân là một nghi thức thánh bởi vì là biểu hiện sự kết hợp huyền nhiệm giữa Đức Kitô với Hội thánh (xc. Ep 5,22 tt), do đó cần một vị tư tế “chúc lành” (canon 828 CCEO). Theo quan niệm này, một phó tế hay một giáo dân không thể nào chủ sự lễ cưới được!

Vì lý do đó, Tự sắc thêm triệt ba vào canon 1108 CIC, theo đó chỉ có tư tế mới có thể chứng giám hôn nhân hữu hiệu giữa hai người thuộc nghi điển Đông phương, hoặc giữa một người theo nghi điển Latinh và một người theo nghi điển Đông phương công giáo hoặc ngoài công giáo.

Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp hoặc nguy tử, thì cả hai bộ luật (CIC can.1116 CCEO can.832) đều cho phép cử hành hôn phối với sự chứng kiến của hai nhân chứng mà thôi.

6. Sửa canon 1109 của CIC

Thêm vào cuối một đoạn liên quan đến việc chứng hôn. Trong phạm vi lãnh thổ của mình, Bản quyền sở tại hay Cha sở có quyền chứng giám hôn phối của những người không thuộc quyền mình, “miễn là một trong hai người được đăng ký thuộc nghi điển Latinh”. Điều này nhằm xác minh bản luật rõ ràng hơn; Bản quyền địa phương (hoặc cha sở) có thẩm quyền chứng hôn cho những người thuộc quyền (kể cả thuộc nghi điển Đông phương); đối với những người không thuộc quyền thì chỉ được chứng hôn cho đôi nào mà ít là một người thuộc nghi điển Latinh.

7. Sửa điều 1111 của CIC

Thêm một câu cuối cùng để phù hợp với những thay đổi mới du nhập ở triệt 3 của điều 1108, nghĩa là đối với hôn nhân của các tín hữu nghi điển Đông phương, vị chủ sự phải là tư tế (chứ không thể là một phó tế hay giáo dân).

8. Sửa điều 1112 của CIC

Một cách tương tự như vừa nói trên đây về điều 1111, nhằm để phù hợp với những thay đổi mới du nhập ở triệt 3 của điều 1108, đó là đối với hôn nhân của các tín hữu nghi điển Đông phương, vị chủ sự phải là tư tế chứ không thể nào là giáo dân.

9. Sửa lại điều 1116 của CIC

Điều này nói về việc chứng hôn trong trường hợp khẩn cấp hay nguy tử. Đây là một luật trừ liên quan đến thể thức kết hôn, bởi vì chỉ đòi hỏi hai nhân chứng. Tự sắc thêm triệt ba cho phép tư tế công giáo chúc lành cho hôn phối cho các tín hữu chính thống nếu họ tự ý yêu cầu. Sau đó, vị tư tế này nên thông tri cho nhà chức trách của giáo hội chính thống. Điều này đã dự liệu trong canon 833 của CCEO, tuy có đôi chút khác biệt liên quan đến việc thông báo cho nhà chức trách bên giáo hội chính thống.

10. Sửa lại điều 1127 của CIC

Chỉ là một sự điều chỉnh nhỏ về từ ngữ. Việc chủ sự một hôn phối của tín hữu Đông phương đòi hỏi sự hiện diện của một “tư tế” (sacerdos) thay vì “tác viên thánh”.


[1] X. “Các Giáo Hội Đông phương”, Thời sự thần học số 63 (tháng 2/2014) trang 75-117.
[2] Dựa theo tài liệu của Mauricio Nicolás Pinto Vázquez, Pontificia Universidad Argentina, Comentario a propósito del Motu proprio “De Concordia Inter Codices” del Santo Padre Francisco https://ucaar.academia.edu/MauricioPinto