Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2024

TẠI SAO CẢI TỔ BỘ HÌNH LUẬT CỦA GIÁO HỘI ?

Thời sự Thần học - Số 99, tháng 02/2023, tr. 73-148. 

_Juan Ignacio Arrieta_

Ngày 23-5-2021, ĐTC Phanxicô đã ban hành Tông hiến Pascite gregem Dei duyệt lại luật hình sự của Giáo hội Latinh, thay thế toàn bộ Quyển VI của Bộ Giáo luật 1983. Bản văn được trình bày cho báo chí ngày 1/6 cùng năm do Đức cha Juan Ignacio Arrieta, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về các văn bản pháp lý và đức cha Juan Ignacio Arrieta, thư ký của Hội đồng. Ngày hôm sau, (2/6) hai ký giả Giovanni Tridente và Alfonso Riobó đã phỏng vấn vị thư ký về những lý do của cuộc cải tổ này cũng như tiến trình soạn thảo. Bài phỏng vấn bằng tiếng Tây Ban Nha, được đăng trên địa chỉ sau đây: https://omnesmag.com/actualidad/mons-arrieta-sobre-la-reforma-del-codigo-ahora-los-delitos-las-penas-y-el-modo-de-aplicarlas-quedan-bien-determinados/ Bản dịch của tsth.

Với Tông hiến Pascite gregem Dei, kết thúc tiến trình cải tổ Quyển VI Bộ Giáo luật liên quan đến chế tài trong Giáo hội. Tiến trình này bắt đầu từ hồi nào? Tại sao phải mất nhiều thời gian để hoàn tất vậy?

Khi ĐTC Bênêđictô XVI ủy thác cho Hội đồng Giáo hoàng về các văn bản pháp lý, vào tháng 9 năm 2009, để duyệt lại Quyển VI Bộ Giáo luật, một nhóm nghiên cứu đã được thiết lập, và sau khi tham khảo nhiều chuyên viên giáo lý, một bản sơ thảo đã thành hình. Vào năm 2011, bản sơ thảo này được gửi đến các Hội đồng Giám mục, các cơ quan giáo triều, các phân khoa giáo luật và rất nhiều chuyên gia khác.

Sau khi đã nhận được các phản hồi, ủy ban tiếp tục làm việc, kiện toàn bản văn với nhiều bản sơ thảo khác, và lại gửi đi tham vấn nhiều lần, cuối cùng đã hoàn tất bản văn mà Đức thánh cha vừa ban hành.

Như vậy, ủy ban đã thu nhận nhiều kinh nghiệm và ý kiến đáng kể?

Đúng thế. Đây là một công việc tập đoàn, có sự tham gia của nhiều người trên khắp thế giới. Đây cũng là một công tác phức tạp, bởi vì là một luật phổ quát, và phải thích nghi với những đòi hỏi của các nền văn hóa và hoàn cảnh cụ thể rất khác nhau. Một công việc như vậy, về một đề tài khá tế nhị, đòi hỏi nhiều thời gian và cần cân nhắc nhiều giải pháp nhằm phục vụ toàn thể Giáo hội.

Trong số 89 điều của Quyển VI, 63 điều đã được sửa đổi, 9 điều đã được di chuyển; chỉ có 17 điều còn giữ nguyên. Tại sao cuộc cải tổ này là cần thiết trước những phần khác của Bộ Giáo luật ?

Liền sau khi ban hành Bộ Giáo luật 1983, người ta đã nhận thấy rằng hình luật của Quyển VI không xuôi xắn. Thật ra bản văn đã thay đổi hoàn toàn hệ thống hình luật trước bộ luật 1917 nhưng đã không lường trước những hệ quả. Số các hình phạt đã rút xuống, là điều cần thiết lúc ấy, nhưng nhất là nhiều điều luật cơ bản đã chủ ý được soạn thảo một cách không xác định, vì cho rằng các giám mục và các bề trên sẽ xác định từng trường hợp phải dùng biện pháp nào để trừng trị và theo cách thức nào.

Kết quả là sự bất định như vậy – đừng quên là Giáo hội mang tính phổ quát – dẫn đến tình trạng hoang mang và làm trì trệ toàn bộ hệ thống. Vì thế, đến một lúc nào đó, Tòa thánh phải can thiệp một cách ngoại thường để trừng phạt những tội phạm khá nặng.

Nói chung, các chế tài hình sự có vai trò gì trong Giáo hội, và trong tương quan với các tín hữu? Phải chăng những tình cảnh đáng trách trong những năm gần đây, chẳng hạn những vụ lạm dụng, đã khơi lại trong tâm thức các tín hữu tầm quan trọng của hình luật ?

Vào lúc soạn thảo các điều luật hình sự của Bộ Giáo luật 1983, bầu khí chung là người ta hoài nghi về chỗ đứng của hình luật trong Giáo hội. Xem ra các hình phạt chống lại những yêu sách của đức bác ái và sự hiệp thông, và nói vắn tắt, là cùng lắm là chỉ chấp nhận các biện pháp kỷ luật chứ không phải là hình phạt theo nghĩa chặt.

Nhiều sự kiện xảy ra sau đó là cho thấy là lối suy tư như thế là tai hại, và ĐTC Phanxicô đã nêu bật trong bản văn tông hiến. Chính vì những đòi hỏi của đức ái, đối với cộng đoàn và đối với người cần sửa trị, mà cần phải sử dụng hình luật khi cần.

Có phải những tình huống ấy là lý do của việc duyệt lại bộ hình luật không?

Không, cuộc cải tổ không được xúc tiến nhằm đáp lại những sự lạm dụng. Việc duyệt xét cần thiết để cho toàn bộ hệ thống hình luật được vận hành, và để bảo vệ những trạng hướng căn bản của Giáo hội – các bí tích, đức tin, quyền bính, tài sản Giáo hội, vv – chứ không chỉ nhằm đáp trả một vài tội phạm cho dù là nghiêm trọng như là lạm dụng vị thành niên.

Luật pháp có vai trò gì trong đời sống Giáo hội?

Trên đường lữ thứ trần gian, Giáo hội được tổ chức như một xã hội, vì thế cần có những quy tắc luật lệ để điều hành sinh hoạt của mình. Ngay từ những thế kỷ đầu tiên của lịch sử, Giáo hội đã đề ra một vài quy tắc, khá uyển chuyển, mà qua dòng thời gian đã thích nghi vào các nền văn hóa khác nhau và những nhu cầu mới, tuy vẫn tôn trọng hạt nhân căn bản của căn tính thiêng liêng của mình. Giáo luật là thế đó.

Hệ thống hình luật trong bộ luật các Giáo hội Đông phương như thế nào?

Bộ Giáo luật các Giáo hội Đông phương được ban hành bảy năm sau Bộ Giáo luật Latinh 1983. Phần nào, nó đã lợi dụng kinh nghiệm tiêu cực của việc áp dụng hình luật của Bộ Giáo luật Latinh. Có lẽ cũng cần duyệt lại phần nào pháp chế bên Đông phương, nhưng vấn đề trầm trọng hơn nằm bên Bộ Giáo luật Latinh.

Đâu là những nét chính của cuộc duyệt lại này?

Những điểm cốt yếu của cuộc cải tổ có thể tóm lại trong ba khái niệm.

Điểm thứ nhất là xác định rõ hơn các quy tắc và cách hành xử, như vậy là giảm gánh nặng cho những nhà chức trách khi phải quyết định từng trường hợp. Các hình phạt cũng được xác định rõ ràng hơn ngõ hầu nhà chức trách tìm thấy tiêu chuẩn mà áp dụng.

Điểm thứ hai là bảo vệ cộng đồng Kitô hữu, bằng cách canh chừng ngõ hầu sửa chữa sự vấp phạm phát sinh từ tội phạm, cũng như bồi thường những thiệt hại đã gây ra.

Sau cùng, bộ luật cung cấp cho nhà chức trách những công cụ thích hợp để phòng ngừa tội phạm, và nhất là để sửa chữa những vi phạm trước khi chúng trở nên nặng hơn.

Về tính cách xác định rõ ràng hơn, điều này có phản ánh qua những loại tội phạm không ?


Điều mới trong việc định nghĩa các tội phạm là hệ luận của điều đã nói trên đây xác định rõ hơn các quy tắc. Một đàng, bản văn xác định vài tội phạm mà Bộ Giáo luật 1983 diễn tả quá tổng quát. Đàng khác, bản văn du nhập vài tội phạm đã được định hình vào những năm sau đó, chẳng hạn như ghi âm các việc xưng tội, và những tội phạm khác. Kế đó, vài tội phạm mà vào lúc soạn thảo bộ luật 1983 người ta không để ý, và bây giờ bản văn lấy lại từ bộ luật 1917, chẳng hạn nhận hối lộ khi thi hành chức vụ, ban bí tích cho những người bị cấm, hoặc giấu diếm nhà chức trách nhũng điều bất-hợp-luật ngõ hầu tiến lên lãnh chức thánh. Sau cùng, bản văn cũng định nghĩa vài tội phạm mới, chẳng hạn như tiết lộ bí mật giáo hoàng, bỏ không tố giác tội phạm về phía người có nghĩa vụ phải tố cáo, vv.

Một cách cụ thể, liên quan đến các vụ lạm dụng vị thành niên và những người dễ tổn thương, phải chăng kinh nghiệm của những năm gần đây là giúp cho hình luật trở nên hữu hiệu hơn không ?

Dĩ nhiên, tội phạm lạm dụng tính dục vị thành niên đã được quan tâm đặc biệt, tuy không phải là trọng tâm của cuộc cải tổ hình luật. Có nhiều điểm mới về vấn đề này.

Trước hết, tội phạm không còn được xếp vào loại vi phạm các nghĩa vụ giáo sĩ và tu sĩ (tựa như nghĩa vụ độc thân và quản trị tài sản), nhưng như là một tội xâm phạm phẩm giá nhân vị.

Thứ đến, đối tượng được mở rộng, bởi vì bao gồm những chủ thể khác được luật Giáo hội che chở tương đượng với các vị thành niên.

Cuối cùng, mặc dù không còn là tội phạm dành cho Bộ Giáo lý Đức tin, nhưng luật cũng bao hàm những tội phạm những hành vị lạm dụng vị thành niên do các tu sĩ không phải là giáo sĩ hoặc do các giáo dân đang giữ một chức vụ nào trong phạm vi tổ chức Giáo hội.

Một chặng quan trọng trong việc chống lại các sự lạm dụng là cuộc gặp gỡ về việc che chở các vị thành niên được Đức thánh cha cổ động hồi tháng 2 năm 2019, và kết quả là tài liệu “Kim chỉ nam” (Vademecum) năm 2020. Sự kiện này đã ảnh hưởng thế nào đến ủy ban cải tổ Quyển VI Bộ Giáo luật ?

Đúng thế, tập Vademécum do Bộ Giáo lý Đức tin rất hữu ích để trừng phạt bằng đường lối hành chánh những tội lạm dụng vị thành niên do các giáo sĩ phạm, là lãnh vực dành riêng cho Bộ. Tuy nhiên, bởi vì Bộ luật đã chưa phát triển đầy đủ đề tài trừng phạt theo đường hành chánh (lúc đầu người ta nghĩ nên áp đặt hình phạt theo đường lối tư pháp), cho nên tập Vademécum rất hữu ích và dùng làm hướng dẫn cho việc xúc tiến những vụ không dành riêng cho Bộ,

Một khía cạnh đáng kể nữa là sự bãi bỏ bí mật giáo hoàng trong những trường hợp tố cáo các lạm dụng. Tại sao quyết định này của Đức thánh cha lại quan trọng, và ảnh hưởng ra sao đối với đời sống Giáo hội?

Trong những vụ kiện này, bí mật giáo hoàng trở thành điều bất tiện đối với các nạn nhân cũng như đối với tiến trình vụ kiện. Vì thế nên loại bỏ bí mật trong vụ kiện về lạm dụng vị thành niên và như vậy khiến cho sự tự do trong việc xét xử cũng như việc bảo vệ trở nên dễ dàng hơn.

Cách đây không lâu, đã tạo ra một công cụ khác, một thứ lực lượng đặc nhiệm để giúp các giáo hội địa phương thực hành hoặc soạn thảo những hướng dẫn trong lãnh vực bảo vệ các vị thành niên. Tại sao điều này cần thiết, và công việc tiến hành như thế nào?

Nên nhớ là Giáo hội hiện diện tại năm lục địa, và nhiều giáo phận thiếu những phương tiện mà các giáo phận cổ xưa đã có. Vì thế Tòa thánh thấy cần phải chuẩn bị một tiểu đội nhằm hỗ trợ cho các giáo phận và hội đồng giám mục, ngõ hầu họ được cập nhật và canh tân những thủ tục liên quan đến việc bảo vệ các vị thành niên. Không phải tất cả các giáo phận đều có nhu cầu như nhau, nhưng đường hướng này giúp tạo ra một sự đáp trả đồng bộ về phía Giáo hội.

Một lãnh vực khác đáng quan tâm là những tội phạm trong lãnh vực kinh tế. Các thứ tội phạm này có ảnh hưởng gì đến việc duyệt lại các hình phạt giáo luật?

Đúng thế, trong số những điều mới mẻ của Quyển VI là sự chú ý đến các tội phạm mang tính cách kinh tế và sản nghiệp, Một đàng, bộ luật mô tả cụ thể hơn các loại tội phạm, ngay cả trong trưởng hợp không do gian ý nhưng có lỗi. Đáng khác, có chế tài hình sự kèm theo yêu sách đền bù những sự thiệt hại đã gây ra.

Ngoài ra, một điều mới mẻ nữa là thêm một tội phạm mới theo giáo luật, đó là phạm những tội trong lãnh vực kinh tế mà vi phạm nghĩa vụ của các giáo sĩ và tu sĩ không được quản trị sản nghiệm mà không được phép của Bản quyền.

Đức cha đánh giá cuộc cải tổ này như thế nào?

Theo tôi nghĩ, Quyển VI được canh tân này đã làm thay đổi toàn bộ hệ thống hình luật của Giáo hội. Nhất là, như Đức thánh cha nhấn mạnh trong tông hiến ban hành, việc thi hành hoặc áp dụng các quy tắc hình sự, khi cần phải sử dụng, là một phần của đức bác ái mục vụ cần hướng dẫn nhà cầm quyền cộng đoàn tín hữu. Vì vậy, tuy dù tất cả chúng ta đều phải tuân thủ bản văn luật pháp, nhưng Đức thánh cha nhắm đến cách riêng đến những người có bổn phận phải áp dụng nó. 

[Xem Phụ thêm của bài này trong PDF dưới đây từ trang 80.]