SỰ PHỤC SINH: CHUYỆN KỂ, THỰC TẠI, HAY CHUYỆN CÓ THẬT ?

Thời sự Thần học - Số 100, tháng 5/2022, tr. 15-58.  

_Sandra M. Schneiders, IHM_

Đây là bài thuyết trình tại Học viện Thần học của Dòng, OMI (San Antonio, Texas) năm 2016, xoay quanh ba câu hỏi: 1) Tin vào Chúa Kitô Phục sinh có nghĩa là gì? 2) Chúng ta tiếp cận vào biến có như thế nào? 3) Làm thế nào chúng ta có thể tham gia vào cảm nghiệm Chúa Phục sinh?
Tác giả là cựu giáo sư Tân Ước và Đời sống tâm linh Kitô giáo của Jesuit School of Theology tại Graduate Theological Union in Berkeley, California.
Trong số những tác phẩm đã xuất bản về sự Phục sinh, có thể kể: Jesus Risen in Our Midst: Essays on the Resurrection of Jesus in the Fourth Gospel. Collegeville, MN: Liturgical Press, 2013; The Resurrection: Did It Really Happen and Why Does That Matter? Los Angeles: Marymount Institute Press, 2013, và xem thêm các chú thích số 11 và 16 của bài này.
Nguồn: The Resurrection: Story, Reality, or The Real Story? https://ost.edu/resurrection-story-reality-real-story/
Chuyển ngữ: Nữ tu Anna Ngọc Diệp, O.P., Dòng Đa Minh Thánh Tâm.
Dàn bài:
I. Ý nghĩa và tính độc đáo của sự Phục sinh
II. Chúng ta tiếp cận mầu nhiệm Phục sinh như thế nào?
  A. Tiếp cận sự Phục sinh bằng con đường phê bình lịch sử: Những vấn đề
  B. Một lối tiếp cận thay thế: Thi ca thần học (theopoetics) về sự Phục sinh

III. Sự Phục sinh trong văn bản và trong cảm nghiệm Kitô giáo
  A. Tín lực của các nhân chứng và các bản văn
  B. Thân xác của Chúa Giêsu Phục sinh là cốt lõi đối với ý nghĩa của sự Phục sinh


Dẫn nhập


Cảm ơn các bạn đã mời tôi trình bày Montalbano Lecture năm nay để vinh danh một học giả Kinh Thánh nổi tiếng của Oblate School of Theology, và trong mùa thánh này khi chúng ta chuẩn bị cử hành mầu nhiệm trung tâm của đức tin: Sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Tôi đề nghị suy tư với các bạn, đặc biệt về mối tương quan giữa Kinh Thánh như là bản văn mặc khải và biến cố cứu độ của sự Phục sinh. Vấn đề có thể được trình bày khá đơn giản: Chúng ta thực sự muốn nói gì khi tuyên xưng trong Kinh Tin Kính các Tông Đồ: “Tôi tin kính... Đức Chúa Giêsu Kitô, chịu đóng đinh trên cây Thánh giá, chết và táng xác, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại”? Nhưng sẽ là thách đố lớn hơn nhiều khi cố gắng đặt lời tuyên xưng đức tin ấy vào trong thế giới thực nghiệm của một người sống ở thế kỷ XXI, gặp gỡ mầu nhiệm này qua một bản văn được viết cách đây hàng ngàn năm trong một thế giới rất khác về văn hóa, tôn giáo và tư duy với chúng ta.

Câu hỏi trong đầu đề của bài nói chuyện này xuất phát từ trải nghiệm trong sứ vụ của tôi, cụ thể là, nhiều Kitô hữu tin và sống đạo, những người chân thành tuyên xưng đức tin của họ vào sự Phục sinh thân xác của Chúa Giêsu, đã vẽ ra một khoảng trống tưởng tượng khi họ cố gắng khoác lên những bộ xương về thần học này một xác thể đáng tin về mặt khoa học hiện đại. Nói cách khác, họ sống trong sự căng thẳng khi nhận ra rằng những gì họ có thể tưởng tượng không thể là sự thật (cụ thể là hàng triệu thi thể được hồi sinh đang ở đâu đó bên ngoài trải nghiệm của chúng ta), và điều mà họ tin là thật thì lại không thể tưởng tượng được (cụ thể là Chúa Giêsu có thân xác sống lại từ cõi chết). Trong phần tiếp theo, tôi hy vọng sẽ cung cấp một số nguồn tư liệu để suy tư về vấn đề này đối với đức tin Kitô giáo, cụ thể là tính hợp lý trong tưởng tượng (imaginative plausibility) về sự phục sinh thân xác[1].

Câu hỏi đầu tiên của chúng ta là chúng ta thực sự tin điều gì; nghĩa là, niềm tin của chúng ta vào sự Phục sinh thực sự có ý nghĩa gì. Có phải chúng ta đang khẳng định rằng một điều gì đó thực sự đã xảy ra vào Lễ Phục sinh, vốn là điều độc nhất vô nhị trong lịch sử loài người và đó là chìa khóa dẫn đến sự cứu độ của chúng ta, và nếu vậy thì sao? Một đàng, nếu không có gì xảy ra vào Lễ Phục sinh, thì coi như là hết chuyện, cho dù chúng ta có hát “Hallêluia” bao nhiêu lần đi chăng nữa. Nhưng đàng khác, nếu điều chúng ta tuyên xưng là một điều gì đó đã xảy ra, thì chính cuộc sống của chúng ta xoay quanh điều đang xảy ra và chúng ta phải đối phó với câu hỏi thứ hai, khó hơn nhiều: Làm sao để chúng ta tiếp cận được mầu nhiệm này? Điều gì biện minh cho đức tin đó? Tôi sẽ trả lời câu hỏi đầu tiên bằng câu khẳng định: vâng, có một điều gì đó đã xảy ra vào Lễ Phục sinh mà chúng ta đang tham gia, và tôi hy vọng sẽ đưa ra một cách suy nghĩ về câu hỏi thứ hai, chúng ta tiếp cận và tham gia vào sự kiện đó như thế nào, điều này một mặt không liên quan đến “đức tin mù quáng”, mặt khác cũng không phải niềm tin bịa đặt hoặc mơ tưởng. Phần thứ hai, “như thế nào”, sẽ chiếm phần lớn thời gian của chúng ta và đòi hỏi một số công việc trí óc khá mạnh mẽ.

I. Ý nghĩa và tính độc đáo của sự Phục sinh


Hỏi về những gì đã xảy ra vào Lễ Phục sinh thực ra là một cách để hỏi, “Nói rằng Đức Giêsu Kitô đã sống lại có nghĩa là gì?” Liệu điều đó có nghĩa là Đức Giêsu giống như những người tốt lành khác đã chết, là bất tử, sống với Thiên Chúa ở một nơi nào đó bên ngoài thời gian và không gian trần thế? Hay một điều gì đó độc nhất, tức là sự phục sinh thân xác từ cõi chết, đã xảy ra với Đức Giêsu vào Lễ Phục sinh đầu tiên?[2]

Tôi sẽ mời các bạn vượt lên trên cách mà một số trình bày giáo lý, bài giảng, hoặc thậm chí thần học về sự Phục sinh mời chúng ta suy nghĩ. Những vấn đề mà hầu hết con người hiện đại gặp phải liên quan đến sự Phục sinh phát sinh từ cách chúng ta - những con người thời hiện đại, đặc biệt là kể từ Cách mạng Khoa học và Khai sáng[3], nghĩa là từ giữa thế kỷ XVII -, đã học để suy nghĩ về thực tại và hiểu biết của chúng ta về thực tại ấy. Chúng ta đã được dạy rằng sự thật hệ tại sự tương ứng của tâm trí chúng ta với một thực tại độc lập, dựa trên sự thực - tức là khách quan - thực tế, giống như một vụ tai nạn giao thông, nằm ngoài chúng ta và không phụ thuộc vào ý kiến của chúng ta về nó. Sự thật là sự thừa nhận rằng một cái gì đó thực sự tồn tại, giống như một chiếc ô tô, hoặc đã thực sự xảy ra, giống như một vụ tai nạn. Chúng ta nói rằng chính chúng ta không “tưởng tượng ra nó”. Đó là sự thật “khách quan”[4].

Nhưng một số loại sự thật, thực sự là những loại quan trọng nhất, thực ra là sản phẩm của trí tưởng tượng của chúng ta, vốn tạo nên thế giới-sự thật mà chúng ta đang sống và bị lôi cuốn vào. Ví dụ, chúng ta biết ý nghĩa của tình yêu theo một cách khác với việc chúng ta biết về một vụ tai nạn giao thông xảy ra ở góc đường Elm và Main. Nhưng việc đang yêu thì có thật như một sự kiện, giống như một tai nạn giao thông là có thật. Nói cách khác, không phải tất cả sự thật đều có thể kiểm chứng “khách quan” giống như một sự kiện vật lý bên ngoài. Một vài thực tại rất thật, chẳng hạn như sắc đẹp, ý nghĩa của gia đình, sự tự nhận thức về bản thân, hoặc tình bạn, những điều ấy chỉ dành cho các hoạt động toàn diện của trí tưởng tượng. Sự Phục sinh chính là loại thực tại này.

Tiếp cận sự Phục sinh theo trí tưởng tượng, một đàng, không phải là mơ mộng về điều tưởng tượng, đàng khác, cũng không phải là thiết lập các sự kiện khách quan, chẳng hạn như các chi tiết của một vụ tai nạn ô tô. Đó là cách để bước vào một thế giới mới, một thế giới thực sự hiện hữu và chúng ta có lý do tuyệt vời để tin tưởng và sống trong đó, nhưng không phải là những loại lý do mà chúng ta đã học để tin tưởng khi suy nghĩ về điều mà chúng ta có xu hướng gọi là thực tế “khách quan” hoặc điều gì đó “đã thực sự xảy ra”. Nói cách khác, có nhiều cách qua đó các sự việc “xảy ra” hoặc là “thật”. Yêu ai đó cũng thật như một vụ tai nạn giao thông.

Vậy, đối với loạt câu hỏi đầu tiên của chúng ta: Chúng ta thực sự tin điều gì về sự Phục sinh, và tại sao thánh Phaolô nói rằng nếu sự Phục sinh không xảy ra, thì Kitô giáo là hão huyền và chúng ta vẫn còn sống trong tội lỗi của mình (x. 1Cr 15,17)?

Trước hết, như tất cả chúng ta đều biết, là người Kitô hữu tiên vàn không phải là giữ luật luân lý, vâng phục quyền bính Giáo hội, chấp nhận các tín điều hoặc thậm chí giữ vai trò của mình trong việc biến đổi thế giới. Tất cả những điều này đều quan trọng, nhưng chúng bắt nguồn từ một điều quan trọng hơn. Khi một Kinh sư hỏi Chúa Giêsu điều răn nào thực sự cơ bản, chính yếu, không thể thương lượng - điều răn quan trọng nhất - Chúa Giêsu trả lời: “Điều răn đứng đầu là, … ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi [với cả con người của ngươi] ... và, [quan trọng không kém] ngươi phải yêu người lân cận như chính mình” (x. Mc 12,28-34)[5].

Nhưng sự nối kết giữa mến Chúa và yêu người, đối với người Kitô hữu, chính là Chúa Giêsu. Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu nói: “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một là Thiên Chúa…, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (x. Ga 1,18). Nói cách khác, chính Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể, là Đấng mặc khải Thiên Chúa thật cho chúng ta khi nói về chính mình: “Tôi và Cha tôi là một” (x. Ga 10,30), và “Ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi” (x. Ga 12,45; 14,9). Và, khi Chúa Giêsu Phục sinh đích thân gặp thánh Phaolô trên đường đi Đamas, Người đã trả lời câu hỏi của ông: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” rằng “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ” (Cv 9,5).

Trong bản tóm tắt ngắn gọn này về tâm điểm đức tin Kitô giáo, tình yêu Thiên Chúa, Đấng được thể hiện nơi Chúa Giêsu, và tình yêu người thân cận, tức là Chúa Giêsu hiện diện cho chúng ta, ta thấy rằng các động từ ở thì hiện tại: Ai thấy tôi là thấy Thiên Chúa, và Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ. Vì vậy, chúng ta không nói về một sự kiện lịch sử trong quá khứ, một lý thuyết thần học, hoặc một sự ngoan đạo giả tạo nào đó để thúc đẩy lòng bác ái. Kitô hữu là người ở đây và lúc này đang nhìn thấy Chúa Giêsu, và liên kết với Thiên Chúa và với người khác trong Chúa Giêsu. Chúa Giêsu này không phải là một nhân vật của quá khứ được nhớ đến mà là một người thực sự hiện đang sống.

Nói cách khác, đức tin Kitô giáo tập trung vào Chúa Giêsu, Đấng đang ở đây và hiện đang sống và là một con người rất cụ thể. Người không bị giảm thiểu vào vai trò “Đấng Kitô” trong lịch sử cứu độ; Người không bị biến đổi khi chết thành một loại năng lượng vũ trụ hoặc “điểm kết thúc của lịch sử” trừu tượng nào đó; Người không chỉ đơn giản là một linh hồn bất tử và không thân xác, càng không phải là một xác chết được hồi sinh. Tuy nhiên, vì chúng ta biết rằng Đức Giêsu người Nadarét đã chết khi bị đóng đinh dưới thời Philato Phongxio ở Palestine vào khoảng năm 30 CN và được chôn cất trong một ngôi mộ được niêm phong kỹ lưỡng, chúng ta chỉ có thể nói về Người như một cá nhân hiện diện với chúng ta, trong chúng ta và giữa chúng ta ở đây và bây giờ nếu Người đã chiến thắng cái chết, hiện đang sống và hiện diện với chúng ta. Nói tóm lại, điều đầu tiên mà chúng ta muốn nói khi tuyên xưng đức tin của mình vào sự Phục sinh là, ở đây và bây giờ, Chúa Giêsu là một cá vị đang sống.

Nhưng điều thứ hai liên quan đến những gì chúng ta không nói. Trọng tâm đức tin của chúng ta không chỉ đơn giản là tầm ảnh hưởng hoặc tấm gương đang diễn ra, thông qua ký ức, của một người đã từng sống, như Phaolô hay Têrêsa Avila. Đức tin của chúng ta cũng không đơn giản là cam kết với một dự án vĩ đại do Chúa Giêsu khởi xướng trong quá khứ mà vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, giống như Phong trào Dân quyền do Martin Luther King, Jr. khởi xướng. Đức tin của chúng ta cũng không chỉ đơn giản là tư cách thành viên trong một cộng đồng tập hợp xung quanh ký ức về Chúa Giêsu, giống như cách những người hâm mộ Elvis Presley tập trung tại Graceland. Dù Kitô giáo có ảnh hưởng mang tính lịch sử đang diễn ra, là một dự án biến đổi thế giới vĩ đại, và một cộng đồng đức tin, thì Kitô giáo thực sự bắt nguồn từ ký ức về Chúa Giêsu, điều chúng ta tuyên xưng qua sự Phục sinh không chỉ đơn thuần là về quá khứ mà chúng ta ghi nhớ và duy trì trong hiện tại, nhưng là về việc thực tại hiện tại này được cắm rễ nơi chính Chúa Giêsu Phục sinh trong căn tính cá nhân và đặc thù của Người, Đấng hiện đang sống và đang làm sinh động cộng đoàn và sứ mạng của cộng đoàn ấy. Và điều này có nghĩa là chúng ta nhất thiết phải nói về sự Phục sinh thân xác của Chúa Giêsu, bởi vì một con người thực sự không chỉ có một thân xác, mà là thân xác của họ. Chúa Giêsu đã từng sống trên đời thì chưa đủ. Câu hỏi đặt ra là liệu bây giờ chính Người có còn đang sống hay không.

Có ít nhất ba lý do giải thích tại sao sự kiện Chúa Giêsu sống lại về thể xác từ cõi chết lại có ý nghĩa quan trọng. Trước hết, điều đó có nghĩa là Chúa Giêsu, một con người thật, một phàm nhân, đã trải qua cái chết của con người, chính Người đã bước vào cuộc sống mới bất hoại và hiện đang sống trọn vẹn nhân tính của mình. Chúng ta không có những tương đồng về lịch sử hoặc thần học, nghĩa là không có những sự kiện hoặc thực tại tương tự hay có thể so sánh được mà chúng ta có thể dùng để giúp chúng ta tưởng tượng hoặc hiểu điều đó. Đó là lý do tại sao Phaolô đã gặp phải sự hoài nghi như vậy giữa những thính giả ở Côrintô (x. 1Cr 15) và sau đó là người Athen (x. Cv 17,1-34). Sự Phục sinh của Chúa Giêsu đã đưa vào lịch sử nhân loại một điều hoàn toàn mới mẻ, chưa từng xảy ra và độc nhất vô nhị. Đó là lý do tại sao sự Phục sinh vừa hết sức quan trọng vừa rất khó nắm bắt.

Thứ đến, Chúa Giêsu không chỉ đích thân vượt qua cái chết mà còn đảm bảo với chúng ta rằng, giống như Người, chúng ta cũng là những người sẽ đi qua cánh cổng sự chết của con người, và sẽ chia sẻ chiến thắng đó. Như Chúa Giêsu đã nói với Mattha về người em trai đã chết và được chôn cất, Lazaro, người có thân xác phàm nhân đã bắt đầu bị phân hủy - nói cách khác, người đã chết về thể xác một cách không thể cứu vãn - “Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” bởi vì, “Chính Thầy là sự Phục sinh và là sự sống” (x. Ga 11,25-26). Và để người ta không nghĩ rằng Người chỉ nói về sự bất tử của linh hồn Lazarô, nên Chúa Giêsu đã gọi Lazarô, về phần xác, ra khỏi mộ. Câu chuyện này trong Tin Mừng Gioan muốn nhấn mạnh rằng nơi thân xác Chúa Giêsu Phục sinh, chính nhân loại đã bước vào sự sống bất tận và bất khả hủy diệt của Thiên Chúa, và do đó, chúng ta, sau cái chết thực sự và cá nhân của mình, sẽ chia sẻ chiến thắng đó về mặt thể xác, chứ không phải như là những hồn ma, những linh hồn bất tử vô hình, hoặc năng lượng vũ trụ, nhưng, giống như Chúa Giêsu Phục sinh, như là những cá thể người cụ thể. Vì vậy, điểm thứ hai là sự Phục sinh của Chúa Giêsu là sự bảo đảm và là nền tảng cho sự sống lại của thân xác chúng ta. Nói cách khác, sự sống lại của chúng ta, giống như của Chúa Giêsu, không phải là kết luận của một cuộc điều tra hay một quá trình lý luận. Nói một cách nghiêm túc, đó là sự mặc khải.

Thứ ba, Chúa Giêsu đang sống không chỉ hiện diện và sống trong Thiên Chúa, mà Chúa Giêsu còn hiện diện nơi từng cá nhân các môn đệ của Người, là những người vẫn đang sống trong thời gian và không gian, trong lịch sử. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ ngay cả khi Người sắp xa rời họ vì cái chết, “Thầy ra đi và đến cùng anh em” (Ga 14,28)[6]. “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15,4). Việc Chúa Giêsu Phục sinh và người tín hữu cùng ở trong nhau, là một thực tại hiện tại, là nguồn mạch sự sống và hoa trái của người môn đệ, nền tảng của sự kết hợp cá nhân, kinh nghiệm với Chúa Giêsu trong cuộc đời này.

Nhưng Chúa Giêsu không chỉ sống trong mỗi cá nhân các môn đệ của Người mà còn sống giữa những kẻ theo Người, cộng đồng của Người, giờ đây làm cho họ thành sự hiện diện tập thể thực sự của Người trong thế giới. “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20). Như Phaolô đã nói: “Vậy anh em, anh em là thân thể Ðức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12,27). Cộng đồng các tín hữu là sự hiện diện của Chúa Giêsu hoạt động trong thế giới, như Tin Mừng Gioan nói, làm “những việc lớn lao hơn” những việc chính Chúa Giêsu trước Phục sinh đã làm (x. Ga 14,12). Giờ đây, chúng ta đang tham gia vào công trình cứu độ đang diễn ra của Chúa Giêsu, không chỉ bằng cách bắt chước Người theo cách chúng ta có thể bắt chước thánh Phanxicô Assisi, mà còn bởi vì chúng ta là sự hiện diện thân xác thực sự của Người trong thế giới.

Tóm lại, đức tin vào sự Phục sinh là niềm xác tín rằng Chúa Giêsu đã sống lại về thể xác từ cõi chết và hiện đang sống trọn vẹn nhân tính của Người trong Thiên Chúa, trong thế giới qua thân thể của Người mà các môn đệ của Người hợp thành, và trong mỗi tín hữu, do đó, họ hiện hữu và hành động trong tư cách của Đức Kitô (in persona Christi). Đây là điều mà Phaolô muốn những người trở lại đạo nhận ra, rằng sự Phục sinh của Chúa Giêsu là cốt lõi cho mọi điều mà Kitô giáo phải mang lại cho họ.

II. Chúng ta tiếp cận mầu nhiệm Phục sinh như thế nào?


Nếu đây là điều mà các Kitô hữu tin về sự Phục sinh và nó có ý nghĩa tối hậu đối với căn tính Kitô hữu của họ, thì chúng ta phải đặt câu hỏi thách thức nhiều người hiện đại, đó là: “Nếu không có những điều tương tự với niềm tin này, làm sao chúng ta biết được rằng những gì chúng ta tin là đúng?” Nói cách khác, làm thế nào để chúng ta tiếp cận mầu nhiệm này? Dĩ nhiên, một câu trả lời hoàn toàn hợp lý là chúng ta biết điều đó là vì Giáo hội dạy như vậy. Nhưng đó không phải là vấn đề của chúng ta. Tôi tin - tức là tin tưởng vào - nhiều thứ tôi không thể hiểu hoặc thậm chí không thể tưởng tượng được và điều đó không có ý nghĩa hoặc tầm quan trọng thực sự trong cuộc sống của tôi - chẳng hạn như có những thứ gọi là “hố đen” ngoài vũ trụ.

Câu hỏi thực sự không phải là liệu có hợp lý hay không khi chấp nhận những gì chúng ta được cho biết bởi thẩm quyền đáng tin cậy, mà là làm sao đức tin của chúng ta, vốn khẳng định rằng một người nào đó đã chết, đã sống lại, và hiện là trung tâm của cuộc đời tôi, có thể cảm nghiệm thực sự đối với tôi và có ý nghĩa đối với đời tôi. Nói cách khác, chúng ta đang đưa ra một câu hỏi hoàn toàn chính đáng: “Nếu đây là điều chúng ta tin, thì làm sao tôi biết được, và điều đó có ý nghĩa gì đối với tôi ở đây và bây giờ? Đây là câu hỏi chính đáng của những người trung thực, những người muốn đức tin của họ, không nhất thiết phải được chứng minh một cách xác quyết, nhưng, như John Henry Newman đã nói, thỏa đáng về mặt tưởng tượng (imaginatively plausible). Nghĩa là, họ không muốn vẽ ra một khoảng trống trong trí tưởng tượng khi họ nghĩ về thực tại trung tâm của đức tin của họ. Từ đó nảy sinh những câu hỏi như: Ngôi mộ của Chúa Giêsu có thực sự trống vào buổi sáng Phục sinh không, và nếu vậy, liệu sự kiện đó có minh chứng gì về những điều gì đã xảy ra với Chúa Giêsu không? Những nhân chứng đầu tiên đã thực sự nhìn thấy, nghe thấy hoặc chạm vào điều gì? Phải chăng họ đã bị ảo giác hoặc bị mơ tưởng lừa dối?

A. Tiếp cận sự Phục sinh bằng con đường phê bình lịch sử: Những vấn đề


Tôi muốn bắt đầu bằng cách bác bỏ một số giả định khiến chúng ta suy nghĩ theo những cách nhất thiết phải loại trừ kiểu hiểu biết về sự Phục sinh mà tôi vừa tuyên bố là trọng tâm đối với đức tin của chúng ta. Bởi vì Giáo hội rao giảng rằng “Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết”, trong cùng một loại câu mà chúng ta thường dùng để nói rằng “Có một vụ tai nạn xe hơi ở góc phố Elm và Main”, nên thật dễ dàng để giả định rằng một tuyên bố tương tự được đưa ra trong cả hai trường hợp, cụ thể là chúng ta đang nói về một sự kiện lịch sử, công khai, với các yếu tố có thể quan sát hoặc xác định được, giống như trường hợp ai đó vượt đèn đỏ hoặc phanh hỏng. Có một số lý do để nêu nghi vấn về giả định cho rằng điều gì đó đã thực sự “đã xảy ra”, điều đó có nghĩa là gì.

Tại điểm này, chúng ta sẽ viện dẫn bản văn Tân Ước, như là trung gian của sự thật mang lại sự sống, nhưng không phải theo cách mà một bài báo kèm theo các bức ảnh làm trung gian cho những sự kiện về một vụ tai nạn xe hơi. Một bài thơ hay hoặc một bức thư tình có thể cho chúng ta biết nhiều hơn về thực tại tình yêu hơn bất kỳ luận thuyết tâm lý nào về chủ thể cảm xúc hoặc những phản hồi tình cảm đối với một bức thư tình. Các loại văn bản khác nhau tác động khác nhau theo kinh nghiệm của chúng ta. Trong Kinh Thánh, chúng ta đang đối diện với một bản văn “mặc khải”, một bản văn giống như một bài thơ hoặc một bức thư tình hơn là một bài báo về một vụ tai nạn giao thông.

Các nguồn văn bản giúp chúng ta biết về sự Phục sinh có hai loại. Cổ nhất là những lời loan báo về sự việc và ý nghĩa của sự Phục sinh, giống như lời tường thuật của Phaolô trong 1Cr 15, 3: “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta,... và Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã chỗi dậy,... Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Muời Hai. Sau đó… với hơn năm trăm anh em một lượt,… Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Ðồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi”, tiếp theo là phần kết luận của ông: “Nếu Ðức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em”. Những lời loan báo tương tự được đưa ra trong các bài giảng của các Tông đồ trong sách Công vụ. Ví dụ, lời loan báo của Phêrô ngay sau khi lãnh nhận Thánh Thần vào ngày Lễ Ngũ Tuần: “Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Ðức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi”. (Cv 2, 23-24 tt). Trong cả hai trường hợp, hãy lưu ý lời tuyên bố mang tính lịch sử: Chúa Giêsu bị xử tử, ngay sau đó là một điều mà không thể biết được về mặt lịch sử: Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy. Các câu nghe như cùng một loại ngôn ngữ, tức là các tuyên bố thực tế về các sự kiện công khai. Nhưng chúng không cùng loại ngôn ngữ. Phần đầu là một tuyên bố lịch sử về sự kiện; phần sau là cái mà chúng ta gọi là “nhân chứng,” không làm chứng cho những gì mọi người có thể nhìn thấy (vì trong trường hợp như vậy không cần làm chứng), nhưng tuyên bố về những gì một người biết bằng kinh nghiệm của chính mình là hoàn toàn đúng mặc dù nó không là sự kiện công khai (đó là điều làm cho lời chứng trở nên cần thiết). Khi ai đó nói, “Tôi đang yêu,” sẽ chẳng có nghĩa gì khi nói, “Hãy chứng minh đi;” nhưng cũng thật vô nghĩa khi nói, "Tôi không tin bạn trừ khi bạn có thể chứng minh điều đó". Câu hỏi duy nhất có ý nghĩa là liệu tôi có thấy nhân chứng đó đáng tin hay không và điều đó có thể liên quan đến việc điều tra các sự kiện thích hợp hay không.

Ngoài những lời loan báo về sự Phục sinh, chúng ta cũng có những trình thuật về biến cố Phục Sinh ở cuối mỗi Tin Mừng, chẳng hạn như chuyện ngôi mộ trống và việc Chúa Giêsu hiện ra với bà Maria Mađalêna, với các môn đệ trên đường Emmau, tại phòng Tiệc ly, và v.v.. Những trình thuật này không giống như những trình thuật về việc Chúa chịu đóng đinh thập giá, một sự kiện công khai mà bất kỳ ai có mặt trên đồi Canvê vào Thứ Sáu Tuần Thánh, dù là người có đức tin hay không, đều có thể quan sát được. Hầu hết mọi người nghĩ rằng những lời loan báo về sự Phục sinh là những hình thức ngắn gọn hoặc bản tóm tắt các câu chuyện được cho là những tường thuật có thật về chính sự kiện Sống lại. Nhưng thực ra không phải như vậy. Các trình thuật Phục sinh là một hình thức khác, một hình thức tường thuật bổ sung cho chứng từ của các lời loan báo. Những câu chuyện kể này dẫn chúng ta vào những nội hàm của điều đã được công bố hoặc làm chứng, cụ thể là, “Người đã sống lại”. Tuy nhiên, những câu chuyện kể không phải là những tường thuật lịch sử khách quan, giống như tường thuật về sự Đóng Đinh. Dù có là gì đi nữa, thì những trình thuật về các cuộc hiện ra của Đấng Phục sinh không giống như các báo cáo giao thông hay thậm chí giống như sách lịch sử. Các trình thuật làm chứng hoặc chứng thực theo cách riêng của chúng về thực tại, ý nghĩa, tác dụng mà những lời loan báo cho biết. Chúng ta cần quan tâm đến việc những trình thuật ấy có thể, nên và đã tác động thế nào trong đức tin của chúng ta vào Sự Sống lại; nhưng, trước hết, chúng không phải là bản tin tức về các sự kiện có thể quan sát được công khai. Giống như những lời loan báo, nhưng dưới một hình thức văn chương khác, chúng là chứng từ cho sự mặc khải.

Vì các trình thuật Phục sinh là những câu chuyện và chúng nối tiếp các câu chuyện thuật lại cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, nên tự nhiên chúng ta có khuynh hướng đọc chúng như là “chương cuối cùng” trong cuộc đời lịch sử của Chúa Giêsu, dường như có năm chương: Trình thuật Thời thơ ấu, cuộc đời công khai, cuộc khổ nạn và cái chết, việc mai táng và Phục sinh của Người.

Trên thực tế, cả những trình thuật Thời Thơ ấu về sự thụ thai và ra đời của Chúa Giêsu, mở đầu cho các sách Phúc Âm của Mátthêu và Luca, cũng như những trình thuật Phục sinh trong bốn sách Phúc Âm, đều không phải là một phần của tường thuật lịch sử. Chúng hoàn toàn không phải là “Chương Một” và “Chương Năm”. Các trình thuật Phục sinh, giống như các trình thuật Thời thơ ấu, là một loại văn chương hoàn toàn khác, hoặc một thể loại văn bản khác với các trình thuật về cuộc đời công khai, cuộc khổ nạn và cái chết, và việc mai táng, nhằm kể lại cuộc đời lịch sử của Đức Giêsu Nazaret như nó có thể đã xảy ra và được quan sát bởi bất kỳ ai, dù có là người tin hay không, có mặt ở Palestine vào thời điểm đó. Tất nhiên, các sách Phúc Âm đầy dẫy suy tư thần học sâu sắc và giải thích ý nghĩa của những sự kiện này, nhưng bản thân các sự kiện về cơ bản là lịch sử. Thí dụ, cho dù chúng ta giải thích hoặc giải nghĩa các phép lạ đi nữa, tất cả những người có mặt đều thấy điều gì đó xảy ra, chẳng hạn như một người què bắt đầu đi được. Một số người cho rằng phép lạ là giả mạo, số khác cho rằng đó là công việc của ma quỷ, nhưng mọi người đều thấy điều đã xảy ra. Chúng diễn ra trong thời gian và không gian và theo luật nhân quả. Nhưng điều này lại không đúng với sự Nhập thể hay sự Phục sinh. Đây là những “biến cố xuyên lịch sử” (transhistorical events).

Cả phần đầu và phần cuối cuộc đời của Chúa Giêsu đều tạo ra những mối tương quan mầu nhiệm giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa được kể lại như thể chúng là lịch sử theo nghĩa thông thường của từ này trong khi thực tế thì không phải vậy. Những câu chuyện về thời thơ ấu (mà chúng ta chỉ có trong Mátthêu và Luca) không phải là mối quan tâm của chúng ta ở đây, nhưng tôi đề cập đến chúng với mục đích so sánh.

Chúng ta có thể nói rằng các trình thuật Thời Thơ ấu, vốn là những-câu-chuyện-giống-như-lịch-sử (history-like stories) về sự giáng sinh của Chúa Giêsu, là để nói về mầu nhiệm Nhập thể, hay việc trở thành người của Con Thiên Chúa, đó cũng là điều mà các trình thuật giống-như-lịch-sử về sự Phục sinh đã làm đối với mầu nhiệm Phục sinh, hoặc Tôn Vinh của Con Thiên Chúa. Cả Nhập thể lẫn Phục sinh đều không phải là một biến cố lịch sử giống như một vụ đụng xe. Chúng hoàn toàn có thật, giống như việc tôi trở thành con cái Thiên Chúa bằng phép rửa là có thật. Nhưng, trong khi phép rửa của tôi là một sự kiện lịch sử có thể quan sát được diễn ra ở một địa điểm với giờ giấc cụ thể và được một số người quan sát, thì việc tôi trở thành con Thiên Chúa, tức là điều đã thực sự xảy ra, lại không thể nhìn thấy được.

Ẩn dưới những trình thuật Thời thơ ấu là một sự thật lịch sử: rằng Chúa Giêsu đã được sinh ra. Nếu không có sự thật lịch sử đó thì sẽ chẳng có câu chuyện nào để kể. Nhưng tấm thảm về những lời loan báo của thiên thần và những giấc mơ tiên tri, ngôi sao dẫn đường cho các đạo sĩ từ Phương Đông mang theo những món quà tượng trưng, v.v., có thể có một số “đường viền” thực sự mang tính lịch sử, chẳng hạn như cuộc điều tra dân số của Caesar Augusto; nhưng mục đích của các trình thuật không phải là kể lại lịch sử mà là để nói với người đọc, chủ yếu bằng những ám chỉ trong Cựu Ước, rằng Đức Giêsu Nazaret thực sự là ai, Người là Con Thiên Chúa nhập thể, một điều chỉ biết nhờ mặc khải được lĩnh hội trong đức tin. (Chúng được viết theo thể loại hơi giống với thể loại mà các học giả gọi là midrash)[7].

Và giống như cuộc Nhập thể, sự Phục sinh là một thực tại xuyên lịch sử. Tâm điểm của Phục sinh là biến cố Chúa Giêsu, Đấng đã thực sự chết trên thập giá, được cảm nghiệm là đang sống trong và giữa các môn đệ của Người theo một cách hoàn toàn mới mẻ. Nếu không có trải nghiệm thực tế này của các môn đệ thì sẽ không có câu chuyện nào để kể khi Chúa Giêsu đã chết và được mai táng. Nhưng những trình thuật Phục sinh chuyển tải thực tại này lại không phải là những câu chuyện giống như những câu chuyện về cuộc đời công khai và cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Phục sinh là một sự kiện xuyên lịch sử, một điều gì đó chỉ có thể được mặc khải, chứ không phải là đối tượng của quan sát vật lý. Câu chuyện Phục sinh lại được dệt vào lịch sử theo cách có những “đường viền” lịch sử, như cuộc trò chuyện giữa các môn đệ khi các phụ nữ từ ngôi mộ trở về. Người ta có thể quan sát được sự biến đổi của các môn đệ vì cảm nghiệm của các ông về Chúa Giêsu Phục sinh. Nhưng chính sự Phục sinh thì không phải là một biến cố lịch sử giống như một vụ đụng xe.

Câu hỏi về hình thức hay thể loại văn chương[8] này rất quan trọng bởi vì chúng ta đọc một bản văn theo cách chúng ta nghĩ nó thuộc loại bản văn nào[9]. Nếu chúng ta đang đọc một cuốn tiểu thuyết, chúng ta không kỳ vọng câu chuyện sẽ có thật về mặt lịch sử, ngay cả khi câu chuyện được đặt trong một bối cảnh lịch sử có thật, như tác phẩm Chiến tranh và Hòa bình được đặt trong bối cảnh lịch sử khi Pháp xâm lược nước Nga năm 1812, và ngay cả khi nó hoàn toàn đúng trong việc trình bày động lực của cuộc xung đột. Nhưng nếu chúng ta nghĩ rằng một bản văn là lịch sử, thì chúng ta mong đợi một điều gì đó khác với những gì chúng ta mong đợi ở một cuốn tiểu thuyết. Cả lịch sử và tiểu thuyết đều đúng, nhưng theo những cách rất khác nhau. Vì vậy, nếu chúng ta cho rằng những trình thuật Phục sinh là “Chương Năm” của cuốn tiểu sử về Chúa Giêsu tiền-Phục sinh, thì chúng ta sẽ mong đợi những trình thuật Phục Sinh cũng mang tính lịch sử theo cùng nghĩa với những phép lạ chữa bệnh và cuộc tử nạn của Người, mà bất kỳ ai có mặt tại địa điểm xảy ra đều có thể quan sát được, cách mà vụ tai nạn giao thông của chúng ta, bất kể nó được diễn giải như thế nào, có thể được quan sát bởi bất kỳ ai ở góc đường Elm và Main khi nó xảy ra.

Bắt đầu từ gần 600 năm trước với thời kỳ Phục hưng[10], việc nghiên cứu các bản văn được coi là lịch sử bắt đầu trở thành điều mà ngày nay chúng ta gọi là nghiên cứu “Phê bình-lịch sử”, và đến cuối thế kỷ XIX đã có một sự đồng thuận khá chung rằng phương pháp phê bình-lịch sử là thích hợp nhất, và nhiều người nghĩ, là cách hiện đại duy nhất và đáng tin để nghiên cứu Kinh Thánh. Phương pháp Phê bình-lịch sử, cho đến khá gần đây, đã giả định rằng mọi thứ được viết về quá khứ, trừ khi nó rõ ràng là thơ hoặc tiểu thuyết, đều là lịch sử theo một nghĩa nào đó và nghĩa đó là nghĩa thực và quan trọng hơn của nó. Hiện nay, việc nghiên cứu một sự kiện lịch sử bắt đầu bằng việc tìm hiểu xem điều gì đã thực sự xảy ra bằng cách xem xét các bằng chứng công khai. Do đó, các học giả phê bình lịch sử đã tiếp cận các bản văn Kinh Thánh với những tiền giả định này.

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên, vì chúng ta có bốn bộ tường thuật giống như lịch sử về Phục sinh vốn không thống nhất với nhau lắm, nên đã có một lượng lớn công trình phê bình lịch sử, thực sự là hàng ngàn nghiên cứu, được thực hiện trong thời hiện đại về những trình thuật Phục sinh[11]. Các học giả đã xử trí những câu hỏi như: Liệu Đức Giêsu có thực sự chết không? Liệu Đức Giêsu có thực sự được mai táng không? Liệu có ai biết ngôi mộ của Đức Giêsu ở đâu không? Liệu ngôi mộ có thật sự trống vào dịp Phục sinh chăng? Liệu Đức Giêsu có thực sự hiện ra không? Liệu có ai thực sự chạm vào Đức Giêsu không? và v.v..[12]

Các học giả Kinh Thánh theo hướng phê bình-lịch sử đã tin chắc rằng nếu không thể thiết lập các sự kiện lịch sử khách quan về biến cố Phục sinh, chúng ta không có cơ sở khoa học vững chắc nào cho niềm tin vào sự Phục sinh. Chúng ta có thể có những cơ sở khác, chẳng hạn như thẩm quyền của Giáo hội, truyền thống hoặc đức tin mù quáng. Nhưng, đối với người theo khuynh hướng khoa học hiện đại, nếu Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, như các bản văn tuyên bố, thì các sự kiện khách quan, hoặc sự thiếu vắng những sự kiện đó, phải được thiết lập để chúng ta có thể quyết định, về mặt thần học, những gì chúng ta thực sự được biện minh khi tin tưởng và dựa trên cơ sở nào, và những lựa chọn của chúng ta là gì nếu một số điều trong các trình thuật Phục sinh hóa ra không “đúng” theo nghĩa là dựa trên sự thực này[13].

Sau khi nghiên cứu sâu rộng về mọi khía cạnh có thể hiểu được của dữ liệu lịch sử về sự Phục sinh, ngày nay chúng ta không tiến xa hơn nhiều về các sự kiện lịch sử khách quan so với các môn đệ vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh khi, bằng nhiều cách khác nhau, các nhân chứng đầu tiên đã thốt lên: “Người đã sống lại,” và “Chúng tôi đã thấy Chúa”. Nói cách khác, hầu như không có những sự kiện lịch sử, khách quan, công khai nào về thực tại trung tâm đức tin của chúng ta có thể được thiết lập một cách khoa học. Vậy chúng ta phải trở lại với đức tin mù quáng hay không có đức tin sao? Tôi nghĩ rằng không.

Nếu những nỗ lực tận tuỵ của các bậc học giả cao minh nhằm trả lời một vấn nạn thần học then chốt đã không đưa ra được một số câu trả lời đáng tin, thì có lẽ điều đó không có nghĩa là không có câu trả lời, nhưng có lẽ chúng ta đang đặt câu hỏi sai hoặc đặt sai câu hỏi đúng. Đối với tôi và một số học giả khác về sự Phục sinh, điều này gợi ý rằng chúng ta cần một cách tiếp cận mới đối với các dữ liệu. Thay vì hỏi đi hỏi lại những câu hỏi phê bình-lịch sử không thể trả lời về “điều gì đã thực sự xảy ra”, có lẽ cách tiếp cận văn học-thần học (hay đôi khi được gọi là “theopoetic” - thi ca thần học)[14] có cơ hội tốt hơn để cung cấp những gì chúng ta đang tìm kiếm, cụ thể là, một cách tiếp cận có cơ sở, đáng tin, thúc đẩy tâm linh đối với mầu nhiệm trung tâm của đức tin chúng ta có thể làm cho sự Phục sinh trở nên “hợp lý trong tưởng tượng” đối với các Kitô hữu hiện đại thời hậu Khai sáng. Như thế, chúng ta đi đến tâm điểm cuộc tìm tòi của chúng ta. Đây là nơi có một chút thách đố.

B. Một lối tiếp cận thay thế: Thi ca thần học về sự Phục Sinh


Để khởi động cách tiếp cận thay thế này, tôi mời các bạn cùng tôi tham gia một thử nghiệm tưởng tượng bằng việc tiêu khiển một loạt câu hỏi sẽ giúp chúng ta hiểu cấu trúc tưởng tượng của nhận thức. Dưới đây là các câu hỏi:

Chúng ta có ý gì khi nói về ngày 11/9? Tại sao chúng ta gọi nó là 11/9 thay vì đặt cho nó một cái tên như chúng ta vẫn làm với các sự kiện như “Diễn văn Gettysburg” hay “Nội chiến”? Điều gì thực sự đã xảy ra vào ngày 11/9? Làm sao chúng ta biết được? 11/9 đã kết thúc chưa?

Bây giờ, hãy để tôi đề xuất một số câu trả lời. Chúng ta rảo qua một chút, trước hết, về câu hỏi thứ nhất: chúng ta có ý gì khi nói về ngày 11/9?, tôi đề nghị chúng ta nên gọi nó là sự kiện 11/9 một phần vì chúng ta không biết ý nghĩa của nó hoặc điều gì quan trọng nhất về nó, hoặc thậm chí, về một số khía cạnh của những gì thực sự đã xảy ra. Tất cả chúng ta đều có thể đồng ý rằng đó là ngày mà hai chiếc máy bay phản lực đã cố tình bay vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở Thành phố New York. Nhưng điều đó khó lòng giải thích được thảm họa quốc gia vẫn còn vang vọng khắp đất nước hơn mười năm sau. Xét cho cùng, tính tới thời điểm ấy, chúng ta đã từng gặp sự cố máy bay trước đây. Tên khủng bố Timothy McVeigh đã cho nổ tung một tòa nhà chính phủ ở Thành phố Oklahoma, giết chết và làm bị thương khoảng 1.000 người chưa đầy 10 năm trước ngày 11/9. Gần 3.000 người chết trong biến cố 11/9[15] so với hơn 16.000 người bị sát hại tại Hoa Kỳ cùng năm đó. Nói cách khác, không phải một tai nạn máy bay, hay khủng bố, hay số người chết khủng khiếp mà thôi, hoặc thậm chí tất cả những điều đó góp lại đã gây ra hậu quả đau thương của ngày 11/9.

Hơn nữa, có những câu chuyện mâu thuẫn về những gì thực sự diễn ra bên trong tòa nhà vào sáng hôm đó. Nhiều câu chuyện của nhân chứng hoặc người can dự không tương thích với nhau. Thực ra, chúng ta không biết chính xác điều gì đã xảy ra, chính xác đó có phải là hay không phải là một phần của cuộc tấn công khủng bố, hay đơn giản chỉ là thiệt hại tài sản phụ hoặc thậm chí là các sự kiện bên lề không liên quan, và cuối cùng, chúng ta không biết điều đó thực sự có ý nghĩa gì. Vì vậy, chúng ta hướng về nó bằng cách nhớ lại ngày 11/9. Việc nhớ lại ngày hiển nhiên này chứng tỏ nó như là một loại sự kiện khác với một vụ tai nạn máy bay hoặc một vụ xả súng hàng loạt, và không chỉ đơn giản là ở mức độ vật lý. Nó khác về phẩm chất so với bất kỳ thứ gì khác trong lịch sử của chúng ta, nhưng chúng ta không chắc chắn chính xác bằng cách nào hoặc tại sao.

Quan trọng hơn các sự kiện khách quan là câu hỏi về nguyên nhân. Giải thích chính thức cho biết các phi công của hai chiếc máy bay là những kẻ khủng bố có liên hệ với Al-Qaeda được thúc đẩy bởi sự thù hận và ghen tị với sức mạnh kinh tế và văn hóa vượt trội của Mỹ. Họ tự coi mình là những chiến binh tôn giáo, những tôi tớ của Allah, chiến đấu để giải phóng Hồi giáo khỏi một thế lực đế quốc chống Hồi giáo, cụ thể là Hoa Kỳ. Những người theo thuyết âm mưu cho rằng vụ 11/9 là một hoạt động kiểu “Trân Châu Cảng” do chính phủ Hoa Kỳ tạo điều kiện để đánh lừa người dân Mỹ tham chiến vì dầu mỏ của Iraq. Nói cách khác, nguyên nhân trong trường hợp này không đơn giản như một vụ đụng xe xảy ra do ai đó vượt đèn đỏ hay do phanh bị hỏng.

Nhưng mọi thứ thậm chí còn trở nên phức tạp hơn khi chúng ta không nhìn vào những gì đã tạo ra biến cố, nhưng vào những gì biến cố đã tạo ra. Gần như chỉ sau một đêm, quốc gia tự do nhất trên thế giới đã mang nhiều đặc điểm của tình trạng an ninh quốc gia, kể cả việc đình chỉ vô thời hạn nhiều quyền hiến định được tôn trọng. Những hành vi mà người Mỹ từ lâu coi là hoàn toàn ghê tởm về mặt đạo đức, chẳng hạn như việc tra tấn, đã được chính phủ Hoa Kỳ thông qua như là biện pháp chống khủng bố cần thiết. Đất nước này đã tham gia vào hai cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử, trong đó hàng chục nghìn nhân viên phục vụ của Hoa Kỳ đã chết hoặc bị thương tật về tinh thần lẫn thể xác và hàng trăm nghìn người Iraq và Afghanistan, đại đa số là thường dân vô tội, đã thiệt mạng. Và chúng ta thậm chí còn không thể bắt đầu tính toán chi phí kinh tế của sự kiện 11/9. Nhưng cũng có những câu chuyện đáng kinh ngạc về lòng dũng cảm, sự hy sinh quên mình, quảng đại và tận tâm. Và tất cả những điều này cũng không giúp ta thấy được toàn bộ những gì đang xảy ra “ngoài đó” để xem xét một cách khách quan.

Nhưng dù sao chăng nữa, không thể phủ nhận rằng đất nước không còn như trước khi những chiếc máy bay phản lực đâm vào tòa tháp. Và nó sẽ không bao giờ trở lại. Dù biến cố 11/9 có nghĩa là gì đi nữa thì nó vẫn chưa kết thúc.

Bây giờ, chúng ta hãy trở lại với những câu hỏi phê bình lịch sử ban đầu của chúng ta: Chúng ta có ý gì khi nói về ngày 11/9? Tại sao chúng ta gọi nó là 11/9? Điều gì thực sự đã xảy ra? Làm sao chúng ta biết được? Chúng ta có thể chẳng trả lời chắc chắn được bất kỳ câu hỏi nào trong số đó, và chắc chắn cả người Mỹ và những người khác đều không đồng ý với câu trả lời mà chúng ta nghĩ là mình có. Cho dù chúng ta có chiếu lại bao nhiêu lần đoạn phim, tiến hành bao nhiêu cuộc nghiên cứu, công bố bao nhiêu bản báo cáo, thực hiện bao nhiêu phim tài liệu hoặc đề xuất bao nhiêu lý thuyết, thì có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ có được bức tranh toàn cảnh. Chúng ta không thể đóng con dấu “Vụ việc đã khép lại” vào biến cố này giống như chúng ta cuối cùng sẽ có thể làm với vụ tai nạn ô tô, hoặc thậm chí với vụ đánh bom cuộc thi Marathon Boston. Nhưng một câu hỏi mà tất cả chúng ta chắc chắn sẽ coi là ngớ ngẩn là: “Có điều gì thực sự xảy ra không?”

Một điều gì đó quan trọng đã xảy ra vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, một sự kiện có thật vượt lên trên ranh giới của ngày đó một cách vô hạn. Và phần lớn trong số đó không thể nhìn thấy bằng mắt thường của chúng ta, không thể giản lược thành những sự kiện có thể đo lường được, không thể tính toán về mặt tài chính, hoặc không thể xác định với độ chắc chắn tuyệt đối. Nhưng cho dù chúng ta chọn lập trường nào về bất kỳ câu hỏi thực tế nào hoặc hậu quả sau đó, thì sự kiện 11/9 vẫn chứa đầy ý nghĩa mà chúng ta sẽ mở ra, sàng lọc, tranh luận, kể lại và sắp xếp cuộc sống của chúng ta, có thể là trong tương lai gần. Chúng ta không thể quay lại, có lẽ sẽ không bao giờ có thể “trở về nhà”, trở lại trạng thái bình thường như trước ngày 11/9. Nói cách khác, thực tế choáng ngợp này đã và đang tạo ra cái mà nhà triết học Hans-Georg Gadamer gọi là “lịch sử hữu hiệu” (effective history), một sự mở rộng và đào sâu dần dần chính sự kiện bằng những gì bắt nguồn từ nó và chảy ngược trở lại với nó[16].

Các triết gia hiện-tượng-luận nói về những sự kiện như vậy là “hiện tượng có tính bão hòa” (saturated phenomena), giống như một trận lũ từ một con đập bị vỡ mà ai đó cố gắng thấm bằng khăn tắm. Những sự kiện hoặc trải nghiệm như vậy đã phá vỡ ranh giới của chúng và khả năng tiếp thu chúng của chúng ta. Chúng choáng ngợp đến nỗi đầu óc quay cuồng và ngôn ngữ vấp váp. Sự thừa thãi của ý nghĩa, tích cực hoặc tiêu cực hoặc cả hai, chế ngự khả năng tiếp thu, sắp xếp hoặc phản hồi của chúng ta, đến mức chúng ta sử dụng các cách diễn đạt như “không thể tin được”. Chúng ta nói về việc bị “bị bất ngờ”. Trí óc lý trí thông thường không thể xử lý được lượng ý nghĩa quá tải mà sự việc đang diễn ra làm trung gian.

Cùng với một số học giả khác hiện đang nghiên cứu về sự Phục sinh, tôi cho rằng Phục sinh, về cơ bản, là một sự kiện bão hòa[17]. Nó hoàn toàn bất ngờ, áp đảo, không có sự tương tự, đến nỗi không ai biết phải làm gì, nói gì hay nghĩ gì[18]. Những người đối diện với sự kiện đã thực sự bị “bất ngờ” bởi những gì họ trải nghiệm.

Có lẽ câu chuyện Tin Mừng sớm nhất về sự Phục Sinh, đoạn kết bình dị, bí nhiệm, độc đáo của Mc 16, 1-8, là gần với sự kiện thực tế nhất - phần nào giống như cảnh máy bay đâm vào các Tháp Thương mại. Máccô nói một cách đơn giản rằng những người phụ nữ đi đến ngôi mộ, dự định đi tìm và xức dầu cho xác Chúa Giêsu, bất ngờ đối diện với một thị kiến về một thanh niên mặc áo trắng, ngồi bên trong ngôi mộ trước đây đã được niêm phong nhưng giờ đang mở toang, người ấy đã loan báo cho họ biết, “Các bà tìm Ðức Giêsu Nadarét,… Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa". Sách Tin Mừng kết thúc: các phụ nữ “liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi” (Mc 16, 6-8). Điều này nghe giống hệt như phản ứng đầu tiên đối với hiện tượng bão hòa. Người ta chỉ đơn giản là không có phạm trù nào để diễn giải nó. Nó lấn át nhận thức, làm tắt khả năng diễn giải thông thường của chúng ta. Chúng ta không thể nghĩ ra bất cứ điều gì để nói sao cho nghe có vẻ hợp lý hoặc bất cứ ai sẽ tin. Chúng ta nghi ngờ các giác quan của chính mình. Những người khác có thể nghĩ rằng chúng ta chỉ đơn giản là bị loạn trí.

Trong các sách Tin Mừng khác, chúng ta có nhiều tường thuật mang tính tình huống hơn, xác định các sứ giả là thiên thần, đề cập đến hòn đá lăn ra và một trận động đất, một loạt các cuộc đối thoại, đề cập đến sự sợ hãi, hoài nghi và niềm vui, chạy trốn khỏi ngôi mộ, thậm chí nhìn thấy chính Chúa Giêsu, và báo cho các môn đệ khác, là những người không tin các phụ nữ, mà họ cho là bị kích động quá độ. (Hãy nhớ rằng, không có điện thoại di động để ghi lại các sự kiện tại ngôi mộ!) Nhưng về bản chất, giống như các báo cáo về cơ bản giống nhau từ những người khác nhau ở Ground Zero vào ngày 11/9 - về các máy bay phản lực bay quá thấp, tiếng va chạm điếc tai, mọi thứ rung chuyển giống như một trận động đất, ánh sáng chói loà và bụi phủ, mọi người la hét chạy tứ tán - dữ liệu cơ bản về ngày Phục sinh khá giống nhau: những người phụ nữ đến ngôi mộ để xức dầu cho thi thể, ngôi mộ mở toang, những sứ giả phi thường với tin tức đáng kinh ngạc rằng Chúa Giêsu đã chết và được chôn cất hiện đang sống, cuộc chạy trốn khỏi ngôi mộ, việc “gặp gỡ” Chúa Giêsu.

Trong cả hai trường hợp, biến cố Phục sinh và 11/9, có nhiều khác biệt vụn vặt trong thực tế. Nhưng tất cả những người có liên quan đều biết rằng một điều gì đó quan trọng đã xảy ra và có sự đồng thuận chung về “cái gì” đó là gì. Tòa tháp Trung tâm Thương mại bị máy bay đâm trúng, hàng nghìn người thiệt mạng và nước Mỹ đang bị tấn công từ bên trong biên giới của chính mình. Xác của Chúa Giêsu đã biến mất, những sinh vật siêu phàm đang chiếm hữu ngôi mộ, Người được tuyên bố là đã sống lại từ cõi chết và thậm chí một số người còn nhìn thấy Người.

Vào ngày Phục sinh, cũng như sau sự kiện 11/9, những sự thật minh nhiên không thay đổi nhiều sau những báo cáo đầu tiên. Điều bắt đầu phát triển trong cả hai trường hợp là những hình ảnh mang tính cách trải nghiệm cá nhân: Một người phản ứng đầu tiên chạy khỏi hiện trường với một đứa trẻ trên tay, một tin nhắn tạm biệt dịu dàng được tìm thấy trên điện thoại di động, một thừa tác viên dũng cảm cày xới đống đổ nát dày đặc khói để hỗ trợ người hấp hối. Người ta viết những câu chuyện hoặc những vần thơ; những người khác làm phim hoặc vẽ tranh, nắm bắt được nó như thể chỉ nhìn thấy thông qua một khe hở hơn là chú ý đến toàn cảnh. Những nhà nguyện tạm bợ xuất hiện, và những nghi lễ chính thức diễn ra trong khi những người chứng kiến kể đi kể lại câu chuyện của họ, đôi khi có những mâu thuẫn và/hoặc tô điểm khá rõ ràng. Nghệ thuật, cả bình dân và chuyên nghiệp, lời nói và hình ảnh, dường như có khả năng nắm bắt thực tế kỳ diệu hơn nhiều so với những bài viết trên báo chí hoặc những bài phân tích hoặc báo cáo chính thức của chính phủ.

Và đó là điều mà chúng ta thấy trong các câu chuyện về Phục sinh: những chi tiết nhỏ về kinh nghiệm cá nhân: Phêrô và người môn đệ yêu dấu chạy nhanh đến ngôi mộ, những gì họ tìm thấy bên trong, sự bối rối của Phêrô tương phản với niềm tin ngỡ ngàng đang âm thầm hé lộ của người môn đệ; Maria Mađalêna gặp Chúa Giêsu trong hình dạng một người mà cô cho là người làm vườn; hai môn đệ gặp một Người Lạ bí ẩn trên đường, người này bất ngờ được nhận ra khi họ ngồi vào bàn và rồi cũng bất ngờ biến mất; Tôma bị bắt gặp trong cuộc thách thức bướng bỉnh của mình với Đấng mà ông nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ gặp lại; một mẻ cá lạ lùng và bữa sáng huyền nhiệm trên bãi biển; chia sẻ bữa ăn và trò chuyện với Ai đó không hẳn đã rời đi nhưng đột nhiên biến mất và sau đó, lại hiện diện ở một nơi khác.

Nói cách khác, nếu trải nghiệm Phục sinh là một hiện tượng bão hòa kéo dài chứ không phải là một sự kiện thể chất đơn lẻ như một vụ tai nạn ô tô, thì các tường thuật về Phục sinh sẽ có những đặc điểm mà các sự kiện bão hòa được thể hiện. Chúng ta mong đợi chúng không đồng điệu, chứa đựng nhiều sự thật và tối giản nhưng tràn đầy, thơ mộng, rườm rà, phản ánh cường độ kinh ngạc và sự phong phú của chính trải nghiệm đó. Có lẽ chỉ có phần kết nguyên thuỷ của Máccô phản ánh khá trực tiếp chính sự kiện ngôi mộ giống như cảnh quay về tác động thực sự của những chiếc máy bay được chiếu đi chiếu lại. Cả hai đều không thực sự nói với người đọc hoặc người xem nhiều điều ngoại trừ một điều gì đó đáng kinh ngạc đã xảy ra. Các trình thuật Phục sinh khác, dài hơn, đầy đủ chi tiết hơn chắc chắn được sáng tác trong một khoảng thời gian và có lẽ không chỉ phản ánh trải nghiệm tức thì trong 50 ngày giữa Lễ Phục sinh và Lễ Ngũ tuần mà còn cả cách kể và sử dụng những câu chuyện ấy trong khoảng thời gian chuyển tiếp kéo dài nhiều năm giữa biến cố Phục sinh và việc viết các sách Phúc Âm. Các tường thuật Tin Mừng thì trễ hơn, đầy đủ hơn, đa dạng hơn, dễ dàng rút gọn thành một câu chuyện duy nhất trong đó tất cả các chi tiết khớp với nhau mà không mâu thuẫn hay nhầm lẫn, hơn là những lời tuyên bố minh nhiên về sự Phục sinh mà chúng ta tìm thấy trong thư Phaolô và sách Công vụ.

Vì vậy, chúng ta hãy chuyển từ chính sự kiện bão hòa (mà chúng ta có ít dữ liệu thực tế không thể chối cãi) sang các bản văn trong đó các sự kiện đó được thuật lại, bởi vì đó là điều mà các tín hữu sau này, giống như chúng ta, phải làm việc. Cuối cùng, chúng ta hãy hỏi, không phải “chuyện gì đã thực sự xảy ra?” theo nghĩa chúng ta có thể hỏi về một vụ tai nạn giao thông, nhưng những bản văn này - sản phẩm nghệ thuật của một trải nghiệm choáng ngợp - có ý truyền đạt cho chúng ta điều gì về ý nghĩa của sự Phục sinh?

Không phải tất cả những gì “thực sự xảy ra” đều có ý nghĩa sâu sắc; và nhiều điều có ý nghĩa sâu sắc không thể được kể lại bằng các thuật ngữ mô tả sự thực. Sự tiếp cận của chúng ta với sự Phục sinh, thực tại và ý nghĩa của nó, không phải qua những bức ảnh hoặc tin tức mà qua những bản văn có tính thi ca mặc khải mời gọi chúng ta không “nắm bắt sự kiện” mà hãy tham gia vào thực tại.

III. Sự phục sinh trong văn bản và trong cảm nghiệm Kitô giáo


Hầu hết các tín hữu đặt câu hỏi về sự Phục sinh thực sự đều đang hỏi rằng lời chứng Kinh Thánh của các nhân chứng có liên quan thế nào với cảm nghiệm Phục sinh của các cộng đồng đầu tiên. Liệu những câu chuyện Phục sinh này có thực sự cho chúng ta biết bất cứ điều gì đáng tin, tức là thực sự đúng, về sự Phục sinh không? Hoặc phải chăng những câu chuyện, bởi sự đa dạng và thiếu thống nhất của chúng, lại không gây ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết các vấn đề sao? Vì hai lý do, tôi muốn nói rằng chúng có, hoặc ít nhất là có thể hỗ trợ đức tin của chúng ta. Trước hết, bản thân các câu chuyện, ngay cả trong hoặc do tính đa dạng của chúng, thực sự là một sự đảm bảo về độ đáng tin của nhân chứng. Thứ đến, và thậm chí còn quan trọng hơn, những trình thuật Phục sinh là nguồn chính cho niềm tin của chúng ta vào sự Phục sinh thân xác mang ý nghĩa thực sự cho niềm tin của chúng ta về biến cố này. Chúng ta phải vắn tắt về những điểm này, nhưng tôi hy vọng có thể cung cấp đủ để dẫn bạn trở lại với việc đọc/nghe chính các bản văn một cách sâu sắc hơn, được soi sáng hơn về đức tin, và tham gia sâu hơn vào phần trình bày ấn tượng về ý nghĩa của chúng trong các cử hành Phụng vụ.

A. Tín lực của các nhân chứng và các bản văn


Không dừng lại để thảo luận về tất cả những bằng chứng, tôi có thể báo cáo rằng có một sự đồng thuận khá rộng rãi về mặt học thuật về điều mà các bản văn Tin Mừng khẳng định liên quan đến thực tại của ngôi mộ trống và các lần hiện ra của Chúa Giêsu Phục sinh.

1. Ngôi mộ trống vào buổi sáng Phục sinh. Sự kiện này không thiết lập ý nghĩa hoặc cách thế diễn ra sự Phục sinh. Nhưng nếu thân xác Đức Giêsu đã có thể tìm thấy, thì cả chính quyền và giáo quyền, những người thông đồng trong việc hành quyết Đức Giêsu và góp phần bóp chết phong trào Kitô giáo từ trong trứng nước, đã có thể dễ dàng làm như vậy bằng cách tạo ra tử thi của Đức Giêsu hoặc ít nhất là hài cốt của Người. Chúng ta không có tài liệu nào cho thấy các nhà chức trách đã từng đưa ra lời bác bỏ đáng tin cậy chống lại tuyên bố của các môn đệ về ngôi mộ trống. Giả như có thể được ắt họ đã làm. Họ đã không làm, bởi vì ngôi mộ, cho dù đã xảy ra thế nào hoặc được giải thích ra sao, thực sự là ngôi mộ trống.

2. Liên quan đến những lần hiện ra, có một số dữ kiện thú vị về nhân chứng thuật lại sự Phục sinh cho thấy rằng chính nhân chứng đó là đáng tin, tức là xác thực[19]. Có lý do chính đáng để chấp nhận rằng những lần hiện ra là những sự kiện có thật.

3. Không ai trong số những người mà Chúa Giêsu hiện ra được trình bày là đang chờ đợi, hy vọng hoặc tìm kiếm sự xuất hiện hoặc bất kỳ hình thức “trở lại” nào của Đức Giêsu từ cõi chết, cũng như những người làm việc vào ngày 11/9 mong đợi một cuộc tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới. Theo các trình thuật Tin mừng, những người được Chúa Giêsu hiện ra đều vô cùng đau buồn và / hoặc tuyệt vọng về cái chết của Người, rõ ràng là không thể đảo ngược được. Tất cả đều hoàn toàn bất ngờ, thậm chí là kinh hãi trước sự xuất hiện của Người. Vì vậy, chúng ta không đề cập đến sự mong đợi hay sự thỏa mãn ước muốn.

4. Mặc dù tất cả những lần hiện ra đều dành cho các môn đệ, vốn là những người biết rõ về Chúa Giêsu, chứ không phải dành cho những người xa lạ, nhưng không ai trong số họ nhận ra Người cho đến khi Chúa Giêsu xác nhận chính là Người. Vì vậy, các nhân chứng đã không bịa ra việc Chúa Giêsu hiện ra cũng như vì họ bị ảo giác.

5. Không có sự hiện ra nào trùng lặp với sự hiện ra nào. Mặc dù có những chi tiết giống nhau xuất hiện trong lời tường thuật này hoặc câu chuyện khác, chẳng hạn như những vết thương trên tay Chúa Giêsu, nhưng mỗi lần hiện ra đều là độc nhất về thời gian, địa điểm, hoàn cảnh, nội dung, v.v. Do đó, đây không phải là những lời tường thuật “được sao chép”.

6. Tất cả những lần hiện ra đều đã xảy đến trong “thời gian thực” trong khi người nhận hoàn toàn tỉnh táo và trong hoàn cảnh bình thường. Không có lần hiện ra nào được trình bày dưới dạng thị kiến, giấc mơ, xuất thần, trải nghiệm xuất vía, gặp gỡ vong hồn, v.v..

7. Các cuộc hiện ra bắt đầu vào sáng Phục Sinh và chấm dứt hoàn toàn vào cuối một khoảng thời gian cụ thể, tương đối ngắn, được hạn định rõ ràng, được gọi một cách tượng trưng là “Bốn mươi ngày”, kết thúc với việc Thăng Thiên. Vì vậy, những câu chuyện về sự hiện ra không chỉ đơn giản là kịch tính hóa những trải nghiệm thông thường của Kitô hữu về sau này hoặc “sự lặp lại” của những người đã nghe người khác tường thuật. Những câu chuyện ấy được trình bày như những bài tường thuật về những sự kiện hoàn toàn độc nhất, nghĩa là, những sự kiện riêng biệt, không do các môn đệ tạo ra và cũng không thể tái tạo được.

Tóm lại, những lần hiện ra được trình bày cách nào đó mang tính “khách quan”. Chúng đã xảy ra, chứ không phải được tạo ra bởi người nhận. Bất kể cách thức mầu nhiệm đến đâu, một điều gì đó đã xảy ra giải thích cho câu hỏi của chúng ta về ý nghĩa của nó.

B. Thân xác của Chúa Giêsu Phục sinh là cốt lõi đối với ý nghĩa của sự Phục sinh


Một khi chúng ta nhận ra rằng không thể, không nhắm vào, và cũng không cần thiết phải cố gắng thiết lập các “sự kiện” khách quan, như thể sự Phục sinh là một tai nạn xe hơi, thì chúng ta có thể bắt đầu đọc những trình thuật này với giá trị riêng của chúng như là lời chứng cho những trải nghiệm choáng ngợp về một hiện tượng bão hòa trong đó các môn đệ tiên khởi đã tích cực tham gia trong một giai đoạn đặc quyền, có giới hạn được gọi là “Bốn mươi ngày”. Giai đoạn mặc khải trực tiếp, đặc ân này về thực tại và ý nghĩa của mầu nhiệm Vượt qua đã kết thúc với việc Chúa Giêsu khép lại sự hiện diện hữu hình của Người với họ trong điều được mô tả là Thăng Thiên và cuộc trở lại nội tâm chung cuộc của Người với họ qua Chúa Thánh Thần vào Lễ Ngũ Tuần. Các tình tiết được ghi lại, không phải dưới dạng báo cáo như của cảnh sát, mà dưới dạng kịch tính nhỏ, truyện ngắn, diễn ngôn bằng thơ hoặc bức tranh bằng lời nói; nghĩa là, trong các sáng tạo thần học phản ánh thực tế choáng ngợp của những gì đã xảy ra với những người can dự trong khoảng thời gian tương đối ngắn này, điều này đã cho phép họ cung cấp cho “toàn thế giới” cuộc sống, cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu thông qua cuộc sống của họ trong cộng đoàn, rao giảng, bài viết, và nghi thức phụng vụ.

Trong giai đoạn nền tảng này của Biến cố Vượt qua, Chúa Giêsu hiện diện sống động với các môn đệ, dạy dỗ họ; mở mắt tâm linh của họ để thực sự “thấy” ý nghĩa cuộc sống trước sự Phục sinh của Chúa Giêsu với họ; mở tai họ để “nghe” điều Người đã nói với họ dưới ánh sáng của Kinh Thánh; nâng đỡ họ trong nỗi sợ hãi; nuôi dưỡng họ; sửa lỗi cho họ; tha thứ cho họ; trao quyền cho họ; và sai họ đi. Người ở đó ngày này qua ngày khác. Người đã đến với họ tại Giêrusalem và Galilê, trong những căn phòng đóng kín cũng như trên con đường rộng mở và trên bờ biển, với từng cá nhân cũng như từng nhóm, theo những cách thức quen thuộc cũng như những cách thức mới mẻ (x. Cv 1, 3-4). Chúa Giêsu bao phủ các môn đệ bằng sự gần gũi, sự hiện diện, và sự thân mật của Người. Họ không thể nhầm Đấng mà họ đang gặp là ai. Gioan nói: “Không ai trong các môn đệ dám hỏi "Ông là ai?", vì các ông biết rằng đó là Chúa” (Ga 21, 12). Chúa Giêsu đến và lại đến với các môn đệ, nhưng Người không bao giờ rời bỏ. Họ đã thấy, đã nghe, đã sờ và biết rằng đó chính là Chúa Giêsu, đang sống, đã trở lại với họ, nhưng không nằm trong tầm kiểm soát của họ. Họ cần học bằng cảm nghiệm phương thức hiện diện mới của Người - sự hiện diện của Người trong từng người, trong cộng đoàn, trong Lời Kinh Thánh, trong việc cử hành bí tích - cảm nhận sự hiện diện này như thế nào, làm sao để nhận ra sự hiện diện này, sự hiện diện này có ý nghĩa gì đối với họ, và làm thế nào để truyền đạt về sự hiện diện này cho người khác.

Và một khi Thần Khí, Đấng mà Chúa Giêsu đã hứa, đến trên họ, họ lập tức bắt đầu chia sẻ trải nghiệm của mình và mời những người khác tham gia vào trải nghiệm đó. Lời chứng của họ lan truyền nhanh chóng. Ngay lập tức, theo sách Công vụ, hàng ngàn người đã nghe, hiểu ý nghĩa một cách mầu nhiệm, ngay cả khi ngôn ngữ đó không phải của họ, và họ hỏi: “Chúng tôi phải làm gì? Chúng tôi có thể tham gia như thế nào vào cuộc sống mới đang tuôn ra từ các ông như cách mà sự phấn khích tuôn ra từ một người say với rượu mới?” (x. Cv 2, 4-18.)

Vì vậy, các môn đệ không chỉ rao giảng mà còn bắt đầu phát triển các nghi lễ mà nhờ đó những người khác có thể trở thành người tham gia vào thực tại của Sự sống Phục sinh. Họ mời các thính giả tham gia vào việc dìm mình cách huyền nhiệm vào cái chết của Chúa Giêsu, từ đó họ sẽ trỗi dậy với đôi mắt tâm linh “được soi sáng” để nhận ra công trình của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu, và đôi tai “mở ra” để hiểu lời của Chúa Giêsu, và miệng lưỡi được “tháo cởi” để ca ngợi và rao giảng. Các môn đệ mời những người mới lãnh phép Rửa đến đồng bàn với họ, cùng họ thi hành điều Chúa Giêsu đã truyền: rửa chân cho nhau (Ga 13, 1-15), chia sẻ bánh và rượu để tưởng nhớ đến Người (x. Lc 22, 19-20), kể lại câu chuyện về cuộc đời, cái chết, sự Phục sinh và thành lập cộng đoàn. Các trình thuật Phục Sinh trong Tân Ước và các bí tích Rửa Tội và Thánh Thể trong dịp Phục Sinh là chứng tá bằng lời nói và nghi thức cho mầu nhiệm Vượt qua vĩ đại về sự Phục Sinh của Chúa Giêsu và việc tuôn đổ Thần Khí - không phải như một biến cố của quá khứ mà là một thực tế trong hiện tại.

Một đặc điểm nổi bật của mầu nhiệm Vượt qua là tính dung nạp hoàn toàn bình đẳng của nó. Các cuộc hiện ra Phục sinh dành cho phụ nữ và nam giới, cho các thành viên của Nhóm Mười Hai và cho đám đông hàng trăm người; cho các môn đệ bình thường như hai người (có lẽ là một cặp vợ chồng bình thường) trên đường đến Emmau, và cho những người, thành viên của Nhóm Mười Hai và những người khác không được nêu tên (x. Ga 21, 2), những người đã ở trên thuyền với ông Simon tại hồ Tiberia. Thần Khí được tuôn đổ như nhau, bằng những lưỡi lửa riêng lẻ giống hệt nhau, mà không phân biệt cấp bậc hoặc sự can thiệp của con người, trên toàn thể cộng đồng 120 người được quy tụ cùng nhau cầu nguyện giữa cuộc Thăng Thiên và Lễ Ngũ Tuần. Biến cố Vượt qua là nền tảng mang tính Giáo hội, là sự sống lại của Nhiệm thể Chúa Kitô, chứ không phải là việc thiết lập một thể chế Giáo hội có phẩm trật. Định chế và phẩm trật đến sau. Và khi các môn đệ bắt đầu tiếp đón những người khác tham gia vào cảm nghiệm này, họ nhận ra rằng, theo cách thế vượt lên trên Giao ước thứ nhất, nó được dành cho tất cả mọi người: nam cũng như nữ, người Do Thái ngoại kiều cũng như người Palestine, người tân tòng cũng như người Israel, cả dân ngoại và người Do Thái, nô lệ và tự do, người trẻ và người già, người nghèo và người giàu, tội nhân và thánh nhân.

Ẩn bên dưới và là trung tâm cũng như là cái làm cho những hoạt động trên trở thành có thể, đó là niềm xác tín tuyệt đối của các môn đệ về thực tại Chúa Giêsu Phục Sinh và sự hiện diện của Người ở giữa và ở trong họ. Đây chính là đặc điểm nổi bật nhất của các trình thuật vốn đặt nền cho sự liên tục giữa Đức Giêsu tại thế, trước Phục sinh, và Chúa Giêsu Phục sinh trong cộng đồng Vượt qua của Người. Ý nghĩa tối hậu, ý nghĩa đích thực của trải nghiệm Phục Sinh là ở đây. Tất cả những tường thuật Phục sinh đều là những câu chuyện về chính Chúa Giêsu hiện diện bằng xương bằng thịt. Về khía cạnh này, những tường thuật Phục sinh không chỉ là những tác phẩm tái tạo mang tính nghệ thuật hoặc giàu trí tưởng tượng phản ánh một hiện tượng bão hòa, cũng không chỉ là sự đảm bảo về sự hiện diện thiêng liêng của một người thân yêu được nhớ đến. Những tường thuật này có một nội dung rất đặc biệt, là trọng tâm của mặc khải về sự Phục sinh.

Những nhân chứng đầu tiên, trong cảm nghiệm của họ về Chúa Phục sinh, biết rằng họ đang gặp gỡ Chúa Giêsu mà họ đã biết trước khi chết, không chỉ đơn giản là một ký ức sống động, một sản phẩm của trí tưởng tượng, một ảo giác, một linh hồn hoặc bóng ma, hoặc linh hồn bất tử, hoặc thậm chí là một loại “hiện hình” [giống như bóng ma của Samuel do bà đồng bóng tại Endor kêu lên cho vua Saul (1 Sm 28, 3-25)]. Chính Chúa Giêsu, khi hiện ra với các môn đệ trong Lc 24, 37-43, đã kết thúc cách giải thích đó bằng cách nói: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Và khi họ vẫn còn do dự, Chúa Giêsu hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?" Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông”. Nói cách khác, đức tin Kitô giáo không chỉ đơn thuần khẳng định rằng Chúa Giêsu đang sống với Thiên Chúa, cũng không chỉ đơn giản là, theo một nghĩa nào đó, Người vẫn ở với chúng ta về mặt tinh thần. Đức tin ấy tuyên bố rằng Chúa Giêsu đã sống lại về mặt thân xác, hoặc rằng Chúa Giêsu Phục sinh về mặt thân xác. Chúng ta tin vào sự sống lại của thân xác.

Nhưng chẳng phải sẽ dễ dàng hơn nhiều khi trình bày thách đố của đức tin Kitô giáo nếu chúng ta có thể vẫn khéo léo nhấn mạnh vào thân xác, tuyên bố rằng Chúa Giêsu đang sống, bất tử, cùng với Thiên Chúa, ảnh hưởng đến chúng ta, v.v. nhưng đồng ý rằng sau khi chết, thân xác của Ngài đi theo con đường của mọi phàm nhân, cụ thể là nó trở về với đất và được tái hấp thu trong tiến trình vũ trụ. Sự Phục sinh của Chúa Giêsu là phục sinh thân xác, hoặc không phải thế, liệu giữa hai điều ấy có gì khác biệt chăng, và nếu có thì “thân xác” nghĩa là gì?

Ông Phaolô, người đầu tiên để lại cho chúng ta chứng tích bằng văn bản về sự Phục Sinh, đã phải đối phó trực tiếp với những người mới theo đạo ở Côrintô liên quan đến vấn đề này. Khi nghe ông rao giảng về sự Phục Sinh, họ hỏi: “Kẻ chết trỗi dậy thế nào? Họ lấy thân thể nào mà trở về?” (1Cr 15, 35). Ông Phaolô không đánh giá những câu hỏi của họ là ngây thơ hoặc không quan trọng. Vì hai lý do đơn giản nhưng vô cùng quan trọng, tính xác thể của sự Phục sinh tạo ra một sự khác biệt rất to lớn.

Trước hết, thân xác của chúng ta không chỉ là ngôi nhà mà chúng ta ở, hay vỏ sò, vỏ trấu, hoặc thậm chí, như Socrates đã dạy, là nhà tù của linh hồn. Không, thân xác của chúng ta là chính chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta không nói, “Đừng đánh vào tay tôi,” mà nói “Đừng đánh tôi”. Nói theo ngôn ngữ kỹ thuật hơn, thân xác của một người và tất cả những gì kéo dài thân xác ra hành động, lời nói, sáng tạo của người ấy, v.v., là cách thức biểu tượng của sự hiện diện của trong thế giới.

Một biểu tượng không phải là một dấu chỉ, nghĩa là, một cái gì đó đại diện cho một thứ khác ngoài nó, giống như cách một biển báo lối ra tượng trưng cho một cánh cửa. Một biểu tượng thực sự là một cách hiện diện của một cái gì đó không thể hiện diện. Một biểu tượng không phải là sự thay thế cho một cái gì đó vắng mặt mà là sự hiện thân của một thực tại đang hiện diện. Đó chính là lý do tại sao, theo truyền thống Do Thái-Kitô giáo, Thiên Chúa, Đấng hoàn toàn siêu việt, chỉ có thể mặc khải chính Ngài cho dân tộc Israel qua tạo thành, lịch sử, con người, lời nói, hành động quyền năng; nghĩa là, một cách biểu tượng. Sự tự mặc khải cuối cùng, vĩ đại nhất, trọn vẹn và đầy đủ duy nhất của Thiên Chúa là Ngôi Lời Thiên Chúa thành xác thể nơi Đức Giêsu. Chúa Giêsu, về mặt thể xác, nghĩa là hoàn toàn là con người, là biểu tượng vĩ đại của Thiên Chúa, không phải là đại diện của Thiên Chúa mà là chính Thiên Chúa. Nếu trong sự chết, Chúa Giêsu không còn là cái tôi xác thể của Người nữa, thì Người sẽ không chỉ đơn thuần bỏ qua một bên một “bộ áo” tạm thời hoặc một loại vật chứa nào đó. Người sẽ không còn là một con người, nghĩa là chính mình, là Giêsu, Đấng mà nơi Người, nhân loại chúng ta tham dự vào sự sống Ba Ngôi và làm cho sự sống Ba Ngôi ấy hiện diện với chúng ta. Nói cách khác, nếu Chúa Giêsu không còn là một con người về thể xác, thì điều mà chúng ta gọi là Nhập thể, việc Thiên Chúa nên một trong chúng ta để chúng ta có thể nên một với Thiên Chúa, sẽ không còn nữa. Tính xác thể là điều nội tại trong nhân tính toàn vẹn của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chỉ có thể sống lại về thể xác như là chính mình chứ không phải như một vết tích hay lời nhắc nhở về Ngài.

Lý do thứ hai bắt nguồn từ lý do thứ nhất. Tính xác thể là đặc điểm huyền nhiệm của con người chúng ta, nhờ đó chúng ta luôn đồng thời vừa liên quan đến mọi thụ tạo vừa phân biệt với mọi thứ khác. Không ai khác là tôi, và tôi không là bất cứ ai hay bất cứ thứ gì khác. Biểu tượng có tác dụng và thể hiện nét đặc thù đó là thân xác của tôi.

Nhưng ngược lại, chính nhờ thân xác mà chúng ta có thể bước vào mối tương quan với những gì không phải là chính mình. Chúng ta có thể hình thành cộng đồng. Chúng ta có thể ảnh hưởng đến môi trường của mình. Trải nghiệm của chúng ta về cái chết của một người thân yêu chính xác là trải nghiệm này: sự hiện diện bị lấn át bởi sự vắng mặt vào thời điểm thân xác không còn làm trung gian cho một người, không còn là biểu tượng cho người đó trong bối cảnh này. Chúng ta không còn gọi dấu vết xác thịt trong quan tài là “thân thể” mà là “thi thể”, tức là sự hiện diện mang tính biểu tượng của một sự vắng mặt.

Thân xác của Chúa Giêsu đối với Người cũng không kém phần biểu tượng so với thân thể của chúng ta đối với chúng ta. Chúa Giêsu đã hiện diện với những người đương thời của Người trước cuộc Phục sinh như là cái tôi xác thể của Người, làm cho Thiên Chúa hiện diện với họ một cách biểu tượng. Giáo hội luôn khẳng định rằng cái chết của Chúa Giêsu không phải là một câu đố, một vở kịch; Người thực sự đã chết. Thân xác của Chúa Giêsu, thứ đã tạo nên Người, và nơi Người là chính Thiên Chúa, hiện diện một cách biểu tượng đối với những người đương thời, đã trở thành một thi thể biểu tượng cho sự vắng mặt của Người, nghĩa là đối với những người đã mai táng Người. Chúa Giêsu đã chết, hoàn toàn và thực sự như bất kỳ ai khác, và thân xác của Người, giờ trở thành một thi thể, là biểu tượng của sự biến đổi từ sự sống sang cái chết, từ hiện diện sang vắng mặt.

Do đó, nếu Chúa Giêsu, sau khi chết, thực sự trở lại cuộc sống với các bạn hữu của Người, để thực sự hiện diện cách thể lý với, trong và giữa họ, thì Người chỉ có thể làm điều này nhờ sự Phục sinh thân xác của Người. Tuy nhiên, điều hết sức quan trọng là Chúa Giêsu không chỉ “trở lại với cuộc sống”. Người không hồi sinh thi thể của mình. Người không được hồi sinh, vì điều đó sẽ khiến Người, giống như Ladarô, cần phải chết một lần nữa. Ông Phaolô đã khẳng định dứt khoát: “Cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người” (Rm 6, 9). Thay vào đó, khi chúng ta cố gắng để tìm từ ngữ cho sự biến đổi này, chúng ta có thể nói rằng tính chất giới hạn, hư nát trong cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu (điều mà Kinh Thánh có xu hướng gọi là “xác phàm”) đã giới hạn thần tính của Người do tính phải chết của nó, đã bị nuốt chửng trong cái chết rất thực của Người. Giờ đây, trong con người có thân xác được vinh hiển, những gì được thoáng thấy trong một khoảnh khắc trong cuộc Biến hình thì nay được mặc khải hoàn toàn, dứt khoát và tuyệt đối. Sự Phục sinh không xóa bỏ nhân tính của Đức Giêsu, nhưng biến đổi nhân tính, chuyển đổi biểu tượng nhân tính, hay nói theo ngôn ngữ truyền thống, là tôn vinh (glorification) nhân tính đó. Chúa Giêsu đã sống lại từ ngôi mộ không phải là Đức Giêsu trần thế, thể lý, xác thịt được hồi sinh mà là Con Thiên Chúa nhập thể được tôn vinh. Chúng ta cần học làm sao để nghĩ về thân xác (bodiliness) không tương đương với thể chất (physicality, là cách thức hiện diện của thân xác của chúng ta trên trần gian) mà là cách thức hiện diện đặc biệt của con người.

Những trình thuật về những lần hiện ra của Đấng Phục sinh và cảm nghiệm của ông Phaolô về Đức Giêsu Phục sinh cho chúng ta một loại ngôn ngữ và hình ảnh để suy nghĩ về ý nghĩa của sự tôn vinh thân xác (bodily glorification), hay sự sống Phục sinh. Phàm ai sống với thân xác được tôn vinh, mặc dù vẫn liên tục với chính mình, thì người ấy có một mối tương quan khác với sự hiện diện và vắng mặt so với con người phàm trần hoặc thể xác trước khi chết.

Các đặc điểm khác thường, vượt lên trên đặc tính phàm trần hoặc bụi đất, trong các câu chuyện về Phục sinh cung cấp một tập hợp toàn bộ những lời khẳng định dường như không tương thích với nhau. Chúa Giêsu có thể đồng thời hiện diện với mọi người ở những nơi chốn địa lý khác nhau, thậm chí cách xa nhau. Chúa Giêsu có thể hiện diện với những kẻ biết rõ về Người mà không được họ nhận ra (Ga 20, 14-16), nhưng Người có thể được nhận ra bởi những kẻ được Người chọn, kể cả với những kẻ chưa bao giờ gặp Người “bằng xương bằng thịt” như Phaolô (x. Cv 9, 4-5). Chúa Giêsu không bị cản trở bởi những rào cản vật chất kiên cố (x. Ga 20, 19). Người có thể ăn nhưng không cần phải ăn (Lc 24, 30-31; 36-43). Người biết mọi người đang ở đâu, đang nghĩ gì, nói gì khi rõ ràng là Người không có mặt, như trường hợp của Tôma (x. Ga 20, 24-28). Nói cách khác, một thân xác được tôn vinh không chỉ là một thân thể phàm nhân phát sáng trong bóng tối. Sự tôn vinh là một điều kiện của thân xác làm cho nó không còn bị giới hạn bởi thể chất, không gian, thời gian hoặc quan hệ nhân quả. Do đó, Giáo hội sơ khai đã nắm bắt được ý nghĩa của sự Phục sinh thân xác của Chúa Giêsu khi nói rằng không chỉ Người đang sống mà còn nói rằng “Cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người”. Đây không phải là điều chúng ta có thể dễ dàng hiểu thấu hoặc tưởng tượng. Tôn vinh có nghĩa là không còn lệ thuộc vào cái chết hay bất cứ điều gì dẫn đến cái chết, kết quả từ cái chết, hoặc thể hiện cái chết. Tôn vinh không phải là thủ tiêu thân xác vốn là cách thức hiện diện của một con người đang sống; đó là sự kết thúc việc lụy phục sự chết. Ý nghĩa của sự Phục sinh thân xác đối với chúng ta là chúng ta sẽ được tham dự vào sự sống vĩnh cửu của Chúa Giêsu vì chính Ngài vẫn sống, hôm qua, hôm nay và mãi mãi đến muôn đời (x. Hr 13,8).

[1] Tôi mượn khái niệm “tính hợp lý trong tưởng tượng” (imaginative plausibility) từ một trích dẫn trong Gerald O'Collins, Jesus Risen: An Historical, Fundamental and Systematic Examine of Christ's Resurrection (New York/Mahwah: Paulist, 1987), 131, trong đó tác giả đề cập đến John Henry Newman “khẳng định rằng tính hợp lý của đức tin đòi hỏi nó phải đáng tin đối với trí tưởng tượng của chúng ta”.
[2] Tôi sử dụng thuật ngữ “Lễ Phục sinh” để chỉ sự khởi đầu của Mầu nhiệm Vượt qua (từ việc Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá cho đến việc Phục sinh, Thăng thiên và Ngũ tuần), chứ không phải để biểu thị một ngày hay nhật kỳ. Bất cứ điều gì chúng ta muốn nói về “cử hành Phục sinh” đều bắt đầu từ giữa cái chết của Chúa Giêsu trên đồi Canvê vào Thứ Sáu và việc những việc những phụ nữ nhân chứng tìm thấy ngôi mộ trống vào sáng Chúa Nhật sau ngày Sabát. Vì vậy, khi nói về “Lễ Phục sinh,” tôi không có ý định nói rằng tất cả những gì tôi đang thảo luận đều thực sự xảy ra vào Chúa Nhật. Ý nghĩa của "đã xảy ra" là một phần chính yếu của bài này.
[3] Phong trào Khai sáng, kéo dài từ giữa thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18, là một cuộc cách mạng tri thức ở phương Tây, với sự phân nhánh trong các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế và Giáo hội học. Phong trào Khai sáng ủng hộ sự chế ngự của lý trí lên trên sự chế ngự của đức tin thời Trung cổ. Điều này cuối cùng dẫn đến chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa duy khoa học và chủ nghĩa duy vật đã đặt ra vấn đề cho bất kỳ loại đức tin nào không dựa trên thực nghiệm, điều có thể quan sát được, điều có thể chứng minh được. Dĩ nhiên, không phải tất cả mọi cá nhân hoặc thể chế đều chấp nhận những thái cực của lối tiếp cận Khai sáng, và nhiều khi trong cách tiếp cận đó đã tạo nên một bước tiến thực sự để không lẫn lộn đức tin (faith) với nhẹ dạ dễ tin (credulity). Tuy nhiên, tinh thần của phong trào Khai sáng đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng phương Tây và thiết lập các tiêu chí về bằng chứng, sự chắc chắn, v.v., điều này đã làm xói mòn ít là sự dễ dàng của kiến thức dựa trên đức tin, vốn là điều “bình thường” trong thời Trung cổ, và làm suy yếu khuôn khổ tri thức vốn làm cho phần lớn đức tin Công giáo có sẵn về mặt trí tuệ cho nhiều Kitô hữu.
[4] Phần lớn lập luận về nhận thức luận trong bài thuyết trình này phản ánh tài liệu trong bài viết của Paul Ricoeur, “Triết Học và Ngôn Ngữ Tôn Giáo” trong Figuring the Sacred: Religion, Narrative, and Imagination, trans. David Pellauer, ed. Mark I. Wallace (Minneapolis: Fortress, 1995), 35-47. Về điểm này, xem trang 36.
[5] [ND] Bản dịch Kinh Thánh tiếng Việt dựa theo Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, trừ đôi khi phải theo sát nguyên bản.
[6] Bản văn Hy Lạp có cả hai động từ ở thì hiện tại: “Thầy ra đi và Thầy đến với anh em,” hoặc “Thầy đang ra đi và Thầy đang đến với anh em,” thay vì, như nhiều bản dịch gợi ý, “Thầy sẽ ra đi và [sau đó] Thầy sẽ trở lại với anh em”.
[7] Về định nghĩa và giải thích về “midrash”, xin xem Paul J. Achtemeier, ed., et al., “s.v.,” The Harper Collins Bible Dictionary (San Francisco, CA: Harper San Francisco), 1996.
[8] Paul Ricoeur, trong bài viết trích dẫn trên đây, đã đưa ra sự phân biệt quan trọng, rất tinh vi (và không cần thiết) về đề tài này, giữa “các hình thức diễn ngôn văn học” (literary forms of discourse) và cái thường được gọi là “các thể loại văn học” (literary genres). Khái niệm thể loại văn học là đủ cho mục tiêu của bài này.
[9] x. Dei Verbum 12 của Công đồng Vaticanô II về chủ đề này.
[10] Thời kỳ Phục hưng ám chỉ phong trào chuyển tiếp toàn châu Âu, bắt đầu từ thế kỷ XIV ở Ý và kéo dài đến thế kỷ XVII, trong đó thế giới Trung cổ nhường chỗ cho Thế giới Hiện đại. Nó được đánh dấu bằng sự hồi sinh mang tính nhân văn của ảnh hưởng cổ điển nói chung, và trong lĩnh vực văn học, dẫn đến việc nghiên cứu các văn bản cổ đòi hỏi phải phát triển các phương pháp giải thích mới dựa trên kiến thức về các ngôn ngữ gốc, nghiên cứu lịch sử cổ đại ở tất cả các khía cạnh của nó, chú ý đến các nền văn hóa cổ đại, v.v.
[11] Thư mục hiện đại về sự Phục sinh (tức là từ năm 1950) quá rộng lớn thậm chí không thể chỉ ra được, và phần lớn là bằng ngoại ngữ. Tôi cung cấp một cái nhìn tổng quan khá đầy đủ về các nguồn thư mục trong Sandra M. Schneiders, “The Resurrection (of the Body) in the Fourth Gospel: A Key to Johannine Spirituality,” in Life in Abundance: Studies of John's Gospel in Tribute to Raymond E .Brown, S.S., ed. John R. Donahue (Collegeville, MN: Liturgical Press, 2005), 168-198, n. 4. Đối với thư mục tiếng Anh gần đây, xin xem “Select Bibliography” trong Anthony J. Kelly, The Resurrection Effect: Transforming Christian Life and Thought (Maryknoll, NY: Orbis, 2008), và nhiều ghi chú trong Brian D. Robinette, Grammars of Resurrection (New York: Crossroad, 2009).
[12] Để có những ví dụ điển hình về những loại nghiên cứu này, xin xem An Interdisciplinary Symposium on the Resurrection of Jesus, eds. Stephen T. Davis, Daniel Kendall, and Gerald O’Collins (Oxford: Oxford University Press, 1997); Resurrection: Theological and Scientific Assessments, eds. Ted Peters, Robert John Russell, and Michael Welker (Grand Rapids, MI: Eerdmans, 2002); The Resurrection of Jesus Christ, ed. Paul Avis (London: Darton, Longman and Todd, 1993). Những nghiên cứu rất gần đây liên quan sâu sắc đến các vấn đề luận chiến hơn bao gồm The Resurrection of Jesus: John Dominic Crossan and N.T. Wright in Dialogue, ed. Robert B. Stewart (Minneapolis, MN: Fortress Press, 2006), cũng như tác phẩm của the Jesus Seminar on the historical Jesus.
[13] Một ví dụ cổ điển về nghiên cứu được viết để giải quyết cụ thể nhóm câu hỏi này là Gerd Lüdemann cộng tác với Alf Özen, What Really Happened to Jesus: A Historical Approach to the Resurrection, trans. John Bowden (Louisville, KY: Westminster John Knox, 1995).
[14] Đối với phần giới thiệu về chủ đề “thi ca thần học”, xem Amos Wilder, Early Christian Rhetoric: The Language of the Gospel (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1964), và Theopoetic: Theology and the Religious Imagination (Philadelphia: Fortress, 1976). Phần III của bài viết trích dẫn trước đây của Ricoeur đề cập đến chủ đề này chi tiết hơn.
[15] Ước tính thực tế hiện nay là 2753 người thiệt mạng trong đó 1634 người, tức là 59% đã được xác định danh tính.
[16] Tôi đã giải thích khá dài khái niệm của Gadamer về “ý thức lịch sử hữu hiệu” (effective historical consciousness) trong Sandra M. Schneiders, The Revelatory Text: Interpreting the New Testament as Sacred Scripture, rev. ed. (Collegeville, MN: Liturgical, 1999), xem chương 3 và chương 6.
[17] Hai khảo luận khá tốt về sự Phục sinh theo chiều hướng này là Anthony J. Kelly, The Resurrection Effect: Transforming Christian Life and Thought (Maryknoll, NY: Orbis, 2008), và Brian D. Robinette, Grammars of Resurrection: A Christian Theology of Presence và Absence (New York: Crossroad, 2009).
[18] Một dẫn nhập tuyệt vời về khái niệm “sự kiện bão hòa” liên quan đến sự Phục sinh, xem Anthony Kelly, “A Phenomenological Approach to the Resurrection,” trong The Resurrection Effect. Một dẫn nhậpt về tác phẩm của Jean-Luc Marion, người đã phát triển phạm trù này, xem “A Gift to Theology? Jean-Luc Marion’s Saturated Phenomenon’ in Christological Perspective,” Heythrop Journal 48 (2007): 86-108.
[19] Bài phân tích mới nhất về các lần hiện ra của Chúa Phục sinh, bao gồm phân tích về các tường thuật riêng lẻ và tổng thể, là của Gerald O'Collins, “The Appearances of the Risen Jesus” and “Easter Appearances and Bereavement Experiences,” in Believing in the Resurrection: The Meaning and Promise of the Risen Jesus (New York/Mahwah, NJ: Paulist, 2012).

Bài đăng cũ hơn
Bài đăng mới hơn
//