Thời sự Thần học - Số 99, tháng 02/2023, tr 31-55.
_Hồng y Gianfranco Ghirlanda, S.J._
Bộ Giáo luật 1983 chỉ dành hai điều 360-361 cho giáo triều Roma. Trong thời gian soạn thảo, một dự luật cải tổ giáo triều đang được tiến hành và được ĐTC Gioan Phaolô II ban hành ngày 28-6-1988 với tông hiến Pastor bonus, thay đổi tông hiến Regimini Ecclesiae universae của ĐTC Phaolô VI ban hành ngày 15-8-1968. Có lẽ vì tiên liệu những cuộc cải tổ thường xuyên vẫn còn cần thiết, cho nên nhà lập pháp không đưa vào Bộ Giáo luật các điều luật chi tiết về tổ chức giáo triều. Trên thực tế, khi bắt đầu nhận nhiệm vụ lãnh đạo Giáo hội, ĐTC Phanxicô đã xúc tiến một cuộc cải tổ giáo triều, và đưa đến kết quả là tông hiến Praedicate evangelium được ban hành ngày 19-3-2022.
Trong bài này, linh mục Gianfranco Ghirlanda, S.J. (thăng hồng y ngày 27-8-2022), nguyên khoa trưởng giáo luật và viện trưởng đại học Gregoriana, giới thiệu những nét chính của văn kiện, trong bài báo đăng trong tạp chí La Civiltà Cattolica, quaderno 4123, (2 Aprile 2022), p. 41-56. Tác giả chú ý đến những nguyên tắc chủ đạo của cuộc cải tổ giáo triều hơn là đi vào chi tiết phân tích thẩm quyền của mỗi cơ quan.
Lưu ý về từ ngữ. Chúng tôi dịch Romano Pontefice là “giám mục Roma” (thay vì “giáo hoàng”). Dicasteria là “Bộ” tuy ngày nay bao hàm nhiều cơ quan hơn là các Congregationes.
Nội dung: 1/ Loan báo Tin Mừng và bản tính truyền giáo của Giáo hội. 2/ Hiệp thông và đồng nghị. Sự phân tản quyền bính. 3/ Tham gia. 4/ Tính đồng nghị. 5/ Cơ cấu giáo triều - Những thay đổi đặc biệt: thứ tự các cơ quan; vai trò các giáo dân; ủy ban giáo hoàng về việc bảo vệ các vị thành niên; các cơ quan kinh tế
I. Loan báo Tin Mừng và bản tính truyền giáo của Giáo hội
Ngày 19-3-2022, lễ trọng thánh Giuse, Đức thánh cha Phanxicô đã ban hành tông hiến Praedicate Evangelium (PE) về giáo triều Roma và công việc phục vụ Giáo hội trong thế giới hôm nay[1]. Nó bắt đầu có hiệu lực vào ngày 5-6-2022, vào lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, bãi bỏ tông hiến Pastor Bonus (PB) của Đức thánh cha Gioan Phaolô II ngày 28-6-1988[2]. Những lời mở đầu Praedicate Evangelium vạch ra viễn tượng mà ta cần phải đọc tông hiến và hiểu biết giáo triều Roma.
Lời dẫn nhập cho thấy ý định của ĐTC Phanxicô, đó là “hòa hợp hoạt động phục vụ của giáo triều với lộ trình loan báo Tin Mừng mà Hội thánh đang sống vào thời nay” (Số 3). Lấy lại một thuật ngữ được nói trong số 30 của tông huấn Evangelii Gaudium (EG)[3], ngày 24-11-2013, Đức Phanxicô nhìn Giáo hội trong tình trạng “hoán cải truyền giáo”, bắt buộc Giáo hội phải cam kết “canh tân theo hình ảnh của sứ mạng yêu thương của Đức Kitô”, và thúc đầy Giáo hội mang đến cho muôn dân “hồng ân siêu nhiên của đức tin” như là ánh sáng điều khiển hành trình của mình vào thời buổi mà họ rất cần đến (Dẫn nhập, Số 2).
Do đó, Đức Phanxicô quan niệm việc cải tổ giáo triều trong một bối cảnh rộng lớn hơn của Giáo hội, nghĩa là hoán cải để truyền giáo (Dẫn nhập, Số 3). Trong diễn từ dành cho giáo triều Roma ngày 21-12-2019[4], ngài nói đến trọng tâm của việc cải tổ là “nhiệm vụ hàng đầu và quan trọng nhất của Giáo hội là: loan báo Tin Mừng. Rồi ngài lặp lại điều đã khẳng định trong Evangelii Gaudium, đó là toàn bộ cuộc sống và mỗi cơ cấu của Giáo hội cần trở nên “dòng kênh cho việc loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay” chứ không phải là phương tiện để “duy trì bản thân” (EG 27). Ngài nói tiếp: cuộc cải tổ các cơ cấu hệ ở “ bảo đảm rằng tất cả đều phải hướng về truyền giáo, “vì thế đòi hỏi một cuộc hoán cải mục vụ”. Cũng trong bài diễn từ này, ngài phác họa vắn tắt tình hình thế giới hiện nay. Nếu trong quá khứ, người ta có thể phân biệt giữa một thế giới đã đón nhận Tin Mừng – thế giới Kitô giáo – và một thế giới chưa đón nhận Tin Mừng - thế giới ngoài Kitô giáo , nhưng ngày nay các dân tộc chưa hề đón nhận Tin Mừng ở khắp nơi và ngay tại những vùng trước đây gọi là “thế giới Kitô giáo”. Thực tại vốn mang tên là xã hội Kitô giáo ngày nay không còn nữa, bởi vì đức tin Kitô giao không còn là nền tảng hiển nhiên cho cuộc sống nữa, thậm chí còn bị mang ra chê bai, chế nhạo nữa, do một tình trạng xã hội bị thế tục hóa, nơi mà cảm thức về Thiên Chúa đang lắng dần[5]. Đó là một thách đố thúc đẩy chúng ta phải đi tìm những phương thế thích hợp ngõ hầu tái trình bày chân lý vĩnh cửu của Tin Mừng Chúa Kitô.
Tính cách khẩn trương của việc loan báo Tin Mừng cách mới mẻ giải thích vì sao tông hiến Praedicate Evangelium, liền sau Phủ Quốc vụ khanh Tòa thánh, đã dành chỗ đầu tiên cho Bộ Loan báo Tin Mừng, được gộp lại bởi Bộ Loan báo Tin Mừng cho các dân tộc với Hội đồng Tòa thánh về việc Loan báo Tin Mừng cách mới mẻ, bao gồm một ngành về các vấn đề căn bản liên quan đến việc loan báo Tin Mừng trên thế giới, và một ngành về việc loan báo Tin Mừng lần thứ nhất và các giáo hội mới lập (các điều 53-68). Tiếp theo Bộ này là Bộ đạo lý đức tin (các điều 69-78).
Điều này xem ra muốn diễn tả ý tưởng rằng chỉ khi nào các dân tộc Kitô giáo kỳ cựu được tái loan báo Tin Mừng và khi nào Tin Mừng được loan báo cho các dân tộc chưa đón nhận thì Bộ Giáo lý Đức tin mới làm tròn nhiệm vụ của mình là “giúp đỡ Giáo hoàng và các giám mục trong việc rao giảng Tin Mừng trên khắp thế giới, cỗ võ và bảo vệ sự nguyên tuyền của đạo lý Công giáo về tín lý và luân lý, rút ra từ kho tàng đức tin và tìm cách hiểu biết thấu đáo hơn trước những vấn đề mới mẻ” (điều 69). Trước đây, trong tông hiến Pastor Bonus, Bộ Giáo lý Đức tin được xếp liền sau Phủ Quốc vụ khanh Tòa thánh.
Một điều mới mẻ khác cần được nêu bật là Bộ Phục vụ Bác ái, trước đây là một cơ quan trực thuộc Tòa thánh (điều 193 của Pastor Bonus) bây giờ đi tiếp theo sau Bộ Giáo lý Đức tin. Điều này xem ra muốn nói rằng ba Bộ này, với thẩm quyền khác nhau, họp thành một khối diễn tả bản tính truyền giáo của Giáo hội, định hình cho tất cả giáo triều.
II. Hiệp thông và đồng nghị. Phân tản quyền bính
Một yếu tố khác gợi hứng cho việc cải tổ là Giáo hội là hiệp thông, là một khía cạnh gắn kết với truyền giáo. Sự hiệp thông “mang lại cho giáo hội bộ mặt đồng nghị”, nghĩa là một Giáo hội lắng nghe nhau, trong đó tất cả mọi tín hữu, dù thuộc hàng ngũ hay sứ vụ nào đi nữa, đều đồng hành với nhau (Dẫn nhập, số 4).
Đặc tính hỗ tương sẽ đưa đời sống Giáo hội thời nay lại gần với “kinh nghiệm hiệp thông sứ vụ” mà các tông đồ đã sống với Chúa Kitô. Điều này được phản ánh nơi hồng ân mà Chúa ban cho Giáo hội, đó là sự hợp nhất của các tông đồ dưới sự lãnh đạo của Phêrô, và sự hợp nhất của những kẻ kế vị các ngài, các giám mục với giám mục Roma, hoặc xét theo các cá nhân hoặc hợp nhất trong tập đoàn giám mục hay những hình thức hợp nhất khác (Dẫn nhập, các số 5-7). Giáo triều Roma, xét như cộng sự viên của giám mục Roma trong việc thi hành nhiệm vụ thủ trưởng, không đứng ở giữa ngài và các giám mục, nhưng là “hoàn toàn phục vụ các ngài” (Dẫn nhập, số 9).
Xét như là một cơ quan phục vụ giám mục Roma, “nguyên ủy trường tồn và hữu hình và nền tảng của sự hợp nhất của các giám mục và các tín hữu” (Lumen Gentium [LG], số 23a), và vì thế cũng nhằm phục vụ các giám mục và các hội đồng giám mục, hoạt động của giáo triều Roma được thực hiện theo tinh thần của một “sự phân tản lành mạnh”. Các giám mục cần có khả năng thi hành với tinh thần trách nhiệm những năng quyền thuộc về chức vụ lãnh đạo các giáo hội địa phương được ủy thác cho các ngài, vì các ngài là “nguyên ủy hữu hình và nền tảng của sự hợp nhất của các giáo hội địa phương của mình” (LG 23a). Nhờ thế “sự đồng trách nhiệm là hoa trái và biểu thị của mầu nhiệm hiệp thông là Giáo hội (xc. LG 8)” được áp dụng (Các nguyên tắc, số 2).
Do thiên luật, trong giáo phận được ủy thác cho mình, giám mục có tất cả mọi quyền hành thông thường, riêng biệt và trực tiếp cần thiết để thi hành chức vụ mục tử của mình (can. 381 §1; LG 27a; Christus Dominus [CD] 8a). Ngoài ra, như ĐTC Gioan Phaolô II đã khẳng định trong số 56 của tông huấn Pastores Gregis [PG] ngày 16-10-2003[6], xét vì Hội thánh phổ quát của Chúa Kitô được thể hiện trong mỗi giáo hội địa phương, cho nên giáo hội địa phương, do thiên luật, tự mình có tất cả những phương thế tự nhiên và siêu nhiên để chu toàn sứ mạng mà Chúa Kitô ủy thác cho toàn thể Hội thánh. Vì thế chúng ta có thể nói rằng do thiên luật, giáo hội địa phương được hưởng sự tự trị hợp pháp. Nhưng sự tự trị, xét như khả năng tự quản trị, bao gồm cả khả năng công bố chính thức các chân lý đức tin (can. 753), chỉ hợp pháp khi được điều hành bởi nguyên tắc hiệp thông, tức là sự hiệp thông phẩm trật (can. 375 §2; LG 21b; PG 56). Vì thế Pastores Gregis 56 tuyên bố: “những mối dây hiệp thông phẩm trật liên kết các giám mục với Tông Tòa đòi hỏi sự phối kết các trách nhiệm về phía các giám mục và quyền bính tối cao do bản chất Giáo hội đòi hỏi. Chính thiên luật đặt giới hạn cho cả hai phía”. Sự phối kết này được diễn tả qua sự phối kết giữa luật địa phương với luật phổ quát, bao gồm cả những điều được dành riêng cho Tông Tòa.
Kết luận, từ những điều nói, chúng ta hiểu được vì sao mà Praedicate Evangelium nói đến “sự phân tản lành mạnh” chứ không đơn giản là “phân tản”[7].
III. Tham gia
Một nguyên tắc khác được tông hiến nhắc đến là sự tham gia liên quan đến hiệp thông (Các nguyên tắc, số 8). Sự tham gia diễn tả mối tương quan giữa toàn thể với thành phần. Đồng thời điều này tạo ra sự hợp nhất và đa dạng giữa toàn thể và thành phần, nói cách khác, sự hiệp thông trong sự khác biệt. Sự tham gia bao hàm những trách nhiệm khác nhau giữa những chủ thể liên hệ với mối tương quan: một bên có tất cả trách nhiệm cá nhân đối với một đối tượng cụ thể, và như thế có quyền quyết định; những người khác tham gia phần nào vào trách nhiệm ấy.
Giáo triều Roma, xét như một nhóm các Bộ và Sở, trợ giúp vị giám mục Roma trong việc thi hành chức vụ mục tử tối cao, hoạt động nhắm điều thiện hảo và phục vụ sự hiệp thông, hợp nhất và xây dựng Giáo hội phổ quát (cann. 360; 334; CD 9a; PB 1; PE art. 1). Thật vậy, nhiệm vụ của giáo triều cần được hiểu theo chiều hướng mục vụ hơn là bàn giấy hành chánh, xét vì nó bắt nguồn từ sự phục vụ tình yêu mà vị kế nhiệm thánh Phêrô, mục tử tối cao của toàn thể Giáo hội, theo mẫu gương của vị Mục tử nhân lành, thi hành nhằm lợi ích của sự hiệp thông giáo hội (PB 1-3; 33; 34; PE art. 3). Vì thế, giáo triều Roma, xét như là công cụ và đại diện cho giám mục Roma – không hành động do quyền hành của mình hay do sáng khởi của mình nhưng là nhân danh giám mục Roma, và luôn tùy thuộc vào ý muốn của ngài, và hành động với quyền thay mặt (potestas vicaria; Các nguyên tắc, số 5) – thì rõ ràng là một cơ quan tham gia vào việc quản trị Giáo hội phổ quát[8]. Xét vì, do ý định của Chúa Giêsu, cơ cấu phẩm trật của Giáo hội vừa là tập đoàn vừa là thủ trưởng (PB 2), sự phục vụ của giáo triều Roma cũng là một tương quan hữu cơ với các giám mục, ngõ hầu, xét như là công vụ của hiệp thông và tham gia của các ngài vào những mối quan tâm của Giáo hội, nó trở thành việc thực thi tâm tình tập đoàn (affectus collegialis) giữa đôi bên (PB 8 và 9; PG 8; Dẫn nhập, số 9; Các nguyên tắc, số 1; 3; 9).
Chiều kích tham gia được thực hiện qua những cuộc gặp gỡ định kỳ của các Bộ trưởng, hoặc riêng rẽ hoặc chung, với giám mục Roma (Các nguyên tắc, số 8; điều 24; 34; 35), qua những cuộc gặp gỡ liên Bộ (Các nguyên tắc, số 9), qua những cuộc thảo luận chung về các vấn đề thuộc thẩm quyền của nhiều Bộ (điều 28), trong những cuộc gặp gỡ của các thành viên thuộc cùng một Bộ và những cuộc gặp gỡ của các giám mục với các Bộ nhân dịp viếng thăm mộ các thánh tông đồ (Những nguyên tắc, số 4), qua sự tham gia của các giáo dân, giáo sĩ, tu sĩ vào công việc nội bộ của từng Bộ (Các nguyên tắc, số 5; 7).
Giữa các Bộ và Sở, và trong nội bộ của mỗi Bộ và Sở, sự hiệp thông được thực hiện qua “nguyên tắc hội tụ”. Điều này có thể được thực hiêệ nếu các Bộ và Sở, - xét về pháp lý đều bình đẳng với nhau (đ. 12 §1), hành động với ý thức về sự đồng nhất của sứ mạng mà họ tham gia, tức là tác vụ phổ quát của giám mục Roma, và vì thế phải phát triển sự hợp tác với nhau (đ. 9 §1). Điều này cũng cần được thực thi trong mỗi Bộ và Sở, ngõ hầu công việc của mỗi người, bất chấp những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và quốc gia, đều được tiến hành trong sự hợp tác và hội tụ về một mục tiêu chung (đ. 9 §2).
Trong mỗi Bộ, một công cụ tham gia có thể thấy nơi những phiên họp thông thường của các thành viên cư ngụ tại Roma để giải quyết những công việc bình thường, và nơi những phiên họp khoán đại, để giải quyết những chuyện quan trọng hơn hoặc đề ra nguyên tắc; những phiên họp này tối thiểu phải diễn ra hai năm một lần, với sự tham gia của tất cả các thành viên (đ. 26).
IV. Tính đồng nghị
Trong khi Đức Gioan Phaolô II đồng hóa tính tập đoàn (collegiality) với tính đồng nghị (synodality), và giới hạn tính đồng nghị vào tập đoàn các giám mục, thì Đức Phanxicô mở rộng tính đồng nghị ra toàn thể Hội thánh, vì thế ngài coi tính tập đoàn như là một hình thức biểu lộ nổi bật của tính đồng nghị nhưng không phải là duy nhất[9].
Theo lối nhìn của Đức Phanxicô, tất cả những hình thức biểu lộ sự tham gia nói trên đây đều có thể coi là những thí dụ của tính đồng nghị. Trong tông hiến Episcopalis Communio (EC) ngày 18-9-2018[10], tính đồng nghị bao trùm toàn thể Giáo hội vì được coi như “một chiều kích cấu thành” (EC 6)[11]. Tính đồng nghị “cho thấy cách thức sống và hoạt động của Giáo hội như là Dân Thiên Chúa biểu lộ và thể hiện sự hiệp thông trong thực hành bằng cách cùng đi với nhau, tụ hội với nhau, và tất cả mọi người cùng tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng”[12]. Vì thế tính đồng nghị đụng đến không những là cách thức hoạt động mà ngay cả bản chất của Giáo hội, bởi vì nó đụng đến cấu trúc của mình như là sự hiệp thông theo hình ảnh Thiên Chúa Tam vị và như là cộng đoàn cử hành mầu nhiệm cứu độ trong viễn tượng cánh chung[13]. Do đó, tính đồng nghị hàm ngụ “sự liên đới và tham gia của toàn thể Dân Thiên Chúa vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội”[14], còn tính tập đoàn là một thực tại giới hạn vào giám-mục-đoàn bởi vì nó ám chỉ một hình thức thi hành tác vụ giám mục.
Khởi điểm của Đức Phanxicô là viễn ảnh của Hội thánh như là dân Thiên Chúa; và, cũng như Lumen gentium[15], hàng giám mục được bao gồm và cần được hiểu trong khung cảnh của toàn thể dân Thiên Chúa, vì thế có mối tương quan bổ túc giữa chức tư tế của bí tích rửa tội và chức tư tế thừa tác (xc. LG 10b; PG 10). Thực vậy, Episcopalis Communio nói ở số 5 rằng giám mục “vừa là thầy dạy vừa là môn sinh”. Một đàng, giám mục là thầy dạy chính thức khi giảng dạy về các vấn đề đức tin và luân lý, và các tín hữu phải gắn bó với niềm vâng lời đạo hạnh đối với sự thi hành huấn quyền chính thức; đàng khác, giám mục là môn sinh khi mà, cũng như bao nhiêu người khác được rửa tội, “ngài lắng nghe tiếng nói của Chúa Kitô đang phán dạy qua toàn thể dân Chúa, ban cho họ ơn bất khả ngộ khi tuyên xưng đức tin (infallibilis in credendo)”[16]. Từ đó ta không nên tách biệt cứng nhắc giữa Hội thánh giảng dạy (Ecclesia docens) và Hội thánh học hỏi (Ecclesia discens)[17].
Do đó, dưới cái nhìn của Đức Phanxicô, trong Hội thánh “giống như một kim tự tháp lật ngược, chóp đỉnh nằm ở dưới đáy nền ”, cho nên hạn từ “các tác viên”, được áp dụng cho các mục tử, ám chỉ rằng họ là “những người thấp bé hơn cả”. Bằng việc phục vụ dân Chúa, mỗi mục tử “trở thành đại diện Đức Kitô (vicarius Christi) ”, nghĩa là đại diện cho Đức Kitô rửa chân cho các tông đồ (xc. Ga 13,1-15); một cách tương tự như vậy, vị kế vị thánh Phêrô là tôi tớ của các tôi tớ Chúa (servus servorum Dei)[18]. Dĩ nhiên, xét về khách thể, giám mục là “đại diện Đức Kitô” do bí tích truyền chức đã lãnh nhận, nhưng xét về chủ thể, ngài càng trở nên đại diện Đức Kitô hơn nhờ chứng tá trước mặt dân Thiên Chúa bằng việc phục vụ của mình (PG 11; 31; 43).
Lối nhìn về “kim tự tháp lật ngược” tương ứng với lối nhìn về sự hiệp thông đồng nghi giữa “mọi người”, “vài người” và “một người”[19] được gợi lên bởi hình ảnh về Giáo hội – và do đó về sự hiệp thông Giáo hội – như là những vòng đồng tụ. Trên bình diện phổ quát, “mọi người” là tất cả những người đã được rửa tội, “vài người” là các giám mục, “một người” là giám mục Roma, xét như cá nhân cũng như cùng với tập đoàn giám mục xét như là một khối đồng nhất. Từ cái nhìn hội tụ nảy ra nhận xét rằng “tất cả mọi người được rửa tội, bất kỳ vị trí của mình trong Giáo hội hoặc trình độ đào tạo về đức tin thế nào, đều là những tác nhân của việc loan báo Tin Mừng, và sẽ là bất cập nếu chỉ nghĩ đến một kế hoạch loan báo Tin Mừng dành cho những người chuyên nghiệp, và phần các tín hữu còn lại chỉ là những người lãnh nhận thụ động”[20]. Điều này đưa chúng ta trở lại những gì đã nói trên đây về sensus fidei và về dân Thiên Chúa là bất khả ngộ in credendo.
Viễn ảnh này về Giáo hội diễn tả ý tưởng về tính đồng nghị - một chiều kích cấu thành của Giáo hội – như là sự đồng hành của toàn thể dân Thiên Chúa với những thành phần khác nhau, lắng nghe lời của Chúa, được linh hoạt bởi Thánh Linh, đặc tính đi kèm với sự phân định cho biết Đức Kitô muốn gì vào một thời điểm lịch sử (EC 5; 7; 8)[21]. Viễn ảnh này trở thành thực tại qua những hình thức tham gia khác nhau vào cách tổ chức và hoạt động của giáo triều Roma, bởi vì nó bảo đảm rằng một cách nào đó toàn thể dân Thiên Chúa có thể tham gia vào những quyết định của giáo triều[22].
V. Cơ cấu giáo triều
Trước hết, nên lưu ý rằng trong tông hiến Pastor bonus dưới đề mục các “dicasteri” chúng ta thấy Phủ Quốc vụ khanh, các Bộ (congregazioni), các Tòa Án, các Hội đồng và các Sở (PB, art. 2 §1); còn trong Praedicate Evangelium chúng ta thấy Phủ Quốc vụ khanh, các Dicasteri, các Cơ quan (Organismi) và các Sở (Uffici) (PE art. 12 §1). Phủ Quốc vụ khanh không được kể vào số các Dicasteri, và không còn sự phân biệt giữa các Congregazioni và Hội đồng Giáo hoàng như trong Pastor Bonus nữa. Sự phân biệt này dựa trên cơ bản là Congregazioni thi hành quyền tài phán còn các Hội đồng thì không, tuy dù Hội đồng về giáo dân cũng thì hành quyền ấy khi phê chuẩn quy chế các hiệp hội, khi bãi nhiệm các lãnh đạo, và những chức năng khác tương tự như vậy.
A. Một sự thay đổi khác là thứ tự giữa các dicasteri
Trên đây chúng tôi đã trình bày ý nghĩa của việc đặt Bộ Loan báo Tin Mừng liền sau Phủ Quốc vụ khanh; tiếp theo là Bộ Giáo lý đức tin, trong đó có Ủy ban Giáo hoàng về việc bảo vệ các vị thành niên. Bộ Bác ái đứng hàng thứ ba có lẽ vì muốn lưu ý rằng việc loan báo Tin Mừng và tuyên xưng đức tin cần diễn ra hành động qua việc bác ái. Hơn nữa, trọng tâm của việc loan báo Tin Mừng còn được nêu bật bởi sự kiện là Bộ Loan báo Tin Mừng được điều hành trực tiếp bởi chính giám mục Roma, gồm hai ngành, mỗi ngành bộ được điều hành bởi vị Quyền bộ trưởng dưới sự cai quản và quyền hành của giám mục Roma (đ. 54)[23].
- Tiếp theo là các Bộ về: Các Giáo hội Đông phương; Phụng tự và Kỷ luật các bí tích; Phong thánh; Giám mục, Giáo sĩ, Các hội dòng thánh hiến và tu đoàn tông đồ, Giáo dân, Gia đình và sự sống (trước đây thuộc thẩm quyền của Hội đồng về Giáo dân, về gia đình và Hàn lâm viện sự sống); Cổ võ hợp nhất Kitô hữu, Đối thoại liên tôn, Văn hóa và Giáo dục (kết hợp thẩm quyền của Hội đồng về văn hóa và Bộ Giáo dục); Phục vụ sự phát triển của con người (kết hợp Hội đồng Công lý và Hòa bình, “Cor Unum”, Mục vụ di dân, Mục vụ nhân viên y tế); Các văn bản lập pháp; Truyền thông. Trước đây Pastor bonus dự trù 21 Bộ và Hội đồng, bây giờ còn 16 dicasteri. Hy vọng là sự kết hợp nhiều thẩm quyền vào các dicasteri sẽ đưa tới sự giản lược công tác.
- Các cơ quan công lý là: Tòa Ân giải tông tòa, Tối cao Pháp viện, Tòa Thượng thẩm Rota.
- Các cơ quan kinh tế là: Hội đồng về kinh tế, Văn phòng về Kinh tế, Việc quản trị tài sản của Tông tòa (APSA), Sở Tổng kiểm soát viên, Ủy ban về các vấn đề kín đáo, Ủy ban về đầu tư. Trước đây Pastor Bonus dự liệu 3 cơ quan, bây giờ tăng lên 6.
- Các Sở là: Phủ giáo hoàng; Sở đặc trách các buổi cử hành phụng vụ; vị Nhiếp chính giáo hội Roma.
B. Một vài vấn đề đặc biệt
1. Vai trò của giáo dân và tính cách đại diện của giáo triều
Một khía cạnh mới mẻ của tông hiến là vai trò của giáo dân trong giáo triều Roma. Số 5 của các nguyên tắc khẳng định: “Mỗi định chế của giáo triều thi hành chức năng của mình với quyền hành được lãnh nhận từ giám mục Roma, mà họ hành động nhân danh ngài với quyền đại diện ngài trong việc thi hành chức vụ thủ trưởng. Vì lý do đó, bất cứ thành phần nào của các tín hữu cũng có thể đứng đầu một bộ hay cơ quan, chiếu theo thẩm quyền riêng, quyền cai quản và chức năng”.
Tư cách “đại diện” của giáo triều Roma đã được khẳng định trong Pastor Bonus số 8, bây giờ được tái xác nhận. Do quyền đại diện lãnh nhận từ giám mục Roma, các định chế của giáo triều Roma có khả năng can thiệp với quyền bính trong lãnh vực thuộc thẩm quyền của mình, hoặc là theo lời thỉnh cầu của các giám mục hay do sáng khởi của mình khi cần thiết.
Từ đó có thể rút ra một hệ luận rất mới, đó là bất cứ thành phần tín hữu nào – ngay cả giáo dân nam hoặc nữ - đều có thể đứng đầu một Bộ hoặc cơ quan của giáo triều, nhưng “nhắm đến thẩm quyền riêng, quyền hạn và chức năng của mình”[24]. Cần nói rõ rằng người đứng đầu một bộ hay một cơ quan của giáo triều thì không có quyền hành do bởi vị trí phẩm trật giáo hội của mình, nhưng là do quyền hành được lãnh nhận từ giám mục Roma và được thi hành nhân danh ngài. Nếu bộ trưởng hay thư ký là giám mục, thì đừng lầm tưởng rằng quyền hành bắt nguồn từ vị trí phẩm trật của mình, ra như mình hành động quyền hành riêng chứ không do quyền hành đại diện lãnh nhận từ giám mục Roma. Quyền đại diện được trao để thi hành chức vụ thì giống như nhau, dù người nhận là giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân nam nữ.
Hơn nữa Praedicate evangelium điều số 15, có khẳng định rằng các thành viên của giáo triều, ngoài các hồng y, giám mục, linh mục, phó tế, còn có thể là “vài phần tử của các hội dòng thánh hiến và tu đoàn tông đồ và vài giáo dân”, và điều này chẳng thêm gì khác so với điều số 7 của Pastor bonus, với xác định rằng “tuy vẫn tôn trọng bản chất của vài vụ việc đòi hỏi việc thì hành quyền cai quản dành cho những người có chức thánh”. Chiếu theo điều 15 của Praedicate evangelium, giáo dân cũng có thể xử lý các vụ ấy khi thi hành quyền đại diện thông thường lãnh nhận từ giám mục Roma qua việc bổ nhiệm chức vụ.
Điều này xác định rằng quyền quản trị trong Giáo hội không bắt nguồn từ bí tích truyền chức thánh, nhưng là từ sứ vụ giáo luật (missio canonica). Điều này dựa trên điều 129 §2 của Bộ Giáo luật 1983 nói rằng: “Trong việc thi hành quyền này [được nói ở §1, nghĩa là quyền quản trị hoặc tài phán đỏi hỏi chức thánh] các giáo dân có thể hợp tác phù hợp với quy tắc luật định.” Điều được nói trong Praedicate Evangelium rất quan trọng bởi vì việc chấp nhận cho giáo dân được thi hành quyền quản trị trong Giáo hội bao hàm nhiều vấn đề rộng lớn hơn nữa. Nếu quyền quản trị được cấp qua bí tích truyền chức thánh, thì các giáo dân không thể nào lãnh nhận bất cứ chức vụ nào trong Giáo hội có liên quan đến việc thi hành quyền này. Công đồng Vaticano II không muốn giải quyết vấn giải quyết vấn đề theo chiều hướng đặt nguồn gốc của quyền quản trị nơi bí tích truyền chức thánh, và chỉ thay đổi bản bản văn duy nhất của LG – mở đầu số 28 – đã phát biểu theo chiều hướng đó[25].
Trong tiến trình soạn thảo Bộ Giáo luật, câu hỏi lại được nêu lên, và trong phiên họp khoảng đại của Ủy ban soạn thảo mở rộng, diễn ra vào các ngày 20-29 tháng 10 năm 1981, có một ý kiến đề nghị bỏ các điều 129 §2 và 1421 §2[26] dựa trên khẳng định của công đồng Vaticanô II theo đó mọi quyền bính cai quản trong Giáo hội đều bắt nguồn từ bí tích truyền chức. Hai điều luật ấy vẫn được duy trì. Ủy ban không chấp nhận đề nghị bởi vì không rõ ràng là công đồng đã khẳng định như vậy[27].
Trong tông hiến Pastores Gregis, số 43, khi trích dẫn điều 381 §1 Bộ Giáo luật 1983 và điều 178 của Bộ Giáo luật Đông phương, đã minh nhiên khẳng định rằng “giám mục, do chức vụ được lãnh nhận, được trao một quyền bí pháp lý khách thể, nhằm diễn dạt những hành vi quyền bính đê thực thi tác vụ mục tử (munus pastorale) đã lãnh nhận trong bí tích”[28].
Trong Tự sắc Mitis iudex của Đức Phanxicô ngày 15-8-2015,[29] điều luật 1673 §3 chấp nhận rằng trong tập đoàn 3 thẩm phán, thì 2 người có thể là giáo dân, tuy rằng vị chủ tọa phải là một giáo sĩ, lại càng xác nhận quy tắc của điều luật 1421 §2, bởi vì không thể nghi ngờ rằng các giáo dân, khi thực hiện quyền phán xử được nhận lãnh do sứ mệnh giáo luật, đã phán quyết về sự vô hiệu (hay không) của đôi hôn nhân. Tông hiến Praedicate Evangelium giải quyết vấn đề khả năng của giáo dân để lãnh nhận những chức vụ bao hàm việc hành sử quyền quản trị trong Giáo hội, miễn là các chức vụ ấy không đòi hỏi việc lãnh chức thánh; một cách gián tiếp tông hiến khẳng định rằng quyền quản trị trong Giáo hội không bắt nguồn từ bí tích truyền chức, nhưng là tư sứ vụ giáo luật; chẳng vậy thì điều được dự liệu trong tông hiến đã không thể xảy ra.
2. Ủy ban giáo hoàng về việc bảo vệ các vị thành niên
Ủy ban giáo hoàng về việc bảo vệ các vị thành niên được Đức Phanxicô thiết lạp ngày 22-3-2014[30], với mục đích là đề nghị lên giám mục Roma những sáng kiến thích hợp nhằm bảo vệ các vị thành niên và các thành niên dễ bị tổn thương, và cùng với Bộ Giáo lý Đức tin, cổ vũ trách nhiệm của các giáo hội địa phương trong lãnh vực này. Chiếu theo điều 1 §1 của quy chế, ủy ban này là một định chế tự lập gắn liền với Tòa thánh, với tư cách pháp nhân công (xc. can. 116).
Từ nay, với điều 78 của Praedicate Evangelium, ủy ban được thiết lập bên trong Bộ Giáo lý Đức tin (§1), với cùng chức năng tư vấn và những mục tiêu vẫn có (§2). Như vậy, ủy ban trở thành một thành phần thực sự của giáo triều, tuy vẫn hưởng một thứ tự trị, bởi vì được điều hành bởi một chủ tịch thừa ủy và một thư ký, được giám mục Roma bổ nhiệm với thời hạn 5 năm (§4), có những nhân viên của mình và hoạt động dựa theo quy chuẩn riêng (§5).
Việc sáp nhập vào giáo triều cho thấy một mối quan tâm đặc biệt dành cho vấn đề này và cho thấy Giáo hội đã cố gắng phòng ngừa không để cho các tội phạm này tái diễn. Một dấu hiệu rõ rệt về sự chín muồi trong lãnh vực lạm dụng tính dục là cuộc cải tổ Quyển VI Bộ Giáo luật bàn về chế tài được ĐTC Phanxicô ban hành bằng tông hiến Pascite Gregem Dei, ngày 23-5-2021[31]. Điều luật 1398 xếp tội lạm dụng tính dục trong đề mục VI, “về những trọng tội trái nghịch sự sống, phẩm giá và tự do”, chứ không phải trong đề mục V, “về những trọng tội trái ngược những nghĩa vụ đặc biệt” (luật độc thân) như là điều luật 1395 của Bộ Giáo luật 1983. Ngoài ra điều luật 1398 coi những người phạm tội này không chỉ là các giáo sĩ mà thôi – như là điều luật 1395 của Bộ Giáo luật 1983 – mà kể cả các phần tử của các hội dòng thánh hiến và tu đoàn tông đồ và “bất cứ thành phần tín hữu nào giữ một trọng trách hay nhiệm vụ trong Giáo hội”.
Tông hiến đã kết hợp hai chức năng: Ủy ban giáo hoàng có nhiệm vụ đề phòng các tội phạm, còn ngành Kỷ luật của Bộ có nhiệm vụ xúc tiến các vụ kiện chống lại những người vi phạm.
3. Các cơ quan kinh tế
Tất cả những cơ quan này đều được thiết lập bởi ĐTC Phanxicô[32], ngoại trừ Sở quản trị tài sản của Tòa thánh, tuy đã được ngài cải tổ[33]. Các cơ quan này có liên hệ chặt chẽ với nhau dựa trên tiêu chuẩn là phân biệt giữa những thẩm quyền quản lý và tài chính với thẩm quyền kiểm soát.
APSA chịu trách nhiệm về việc quản lý và điều hành tài chính của tài sản (động sản và bất động sản) của Tòa thánh, và việc điều hành của các cơ quan đã ủy thác sự quản lý tài sản của mình, qua Sở các công cuộc tôn giáo (Istituto per le Opere di Religione IOR). Mặt khác, Văn phòng Kinh tế, xét như là văn phòng giáo hoàng, có trách nhiệm qua hai lãnh vực chức năng là kiểm soát và giám sát lãnh vực quản lý và tài chính của tất cả các cơ quan, sở trực thuộc Tòa thánh; và do đó luôn cả APSA nữa, cũng như Đồng tiền thánh Phêrô và các quỹ giáo hoàng khác (điều 212; 213 §2). Hội đồng Kinh tế là một cơ quan giám sát trong cùng lãnh vực như Văn phòng kinh tế, nhưng có chức năng tư vấn “áp dụng những thực hành tối ưu được quốc tế nhìn nhận trong hành chánh công, nhắm tới việc quản trị tài chánh một cách hợp với luân lý và hữu hiệu” (điều 205). Ngân sách dự phóng hằng năm và ngân sách thực thụ của Tòa thánh được thảo bởi Văn phòng Kinh tế (điều 215.3), nhưng được phê duyệt bởi Hội đồng Kinh tế, và trình lên giám mục Roma (điều 209 §1). Ngoài ra, “Văn phòng Kinh tế phê duyệt mỗi hành động mua bán, tậu hay quản lý ngoại thường được thực hiện bởi các định chế giáo triều, bởi các sở và các định chế trực thuộc Tòa thánh (sự phê duyệt này có giá trị thành sự), dựa theo những tiêu chuẩn ấn định bởi Hội đồng Kinh tế (điều 218 §1; 208).
Tổng kiểm toán viên, hành động hoàn toàn tự lập (Quy chế (điều 2 §1), chịu trách nhiệm về việc kiểm soát các báo cáo tài chính của Tòa thánh, và do đó, các báo cáo thường niên của các định chế của giáo triều cũng như của các định chế trực thuộc Tòa thánh (điều 222; 223 §1). Ngoài ra, còn kiểm soát “những trong việc sử dụng hoặc sử dụng tài chính thất thường; hoặc những sự bất hợp lệ trong ký kết các hợp đồng; những hành vi gian lận hoặc tham nhũng” (điều 224 §1).
Ủy ban về những vấn đề kín đáo, một đàng cho phép các hành vi kinh tế tài chính phải xúc tiến cách bí mật và rút khỏi sự kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền; đàng khác, kiểm soát những hợp đồng do Tòa thánh xúc tiến mà cần giữ kín (điều 225). Sau cùng Ủy ban đầu tư là một cơ quan tư vấn có trách nhiệm bảo đảm tính cách luân lý của các cuộc đầu tư bất động sản của Tòa thánh” (điều 227).
Chúng cũng nên nhớ rằng do Tự sắc Una migliore organizzazione ngày 26-12-2020[34], Đức Phanxicô chuyển giao việc điều hành kinh tế tài chính từ Phủ Quốc vụ khanh sang APSA, như vậy là giao việc kiểm soát cho Văn phòng Kinh tế.
Kết luận
Tôi muốn kết luận bằng số 12 của Dẫn nhập tông hiến: “Cuộc cải tổ không phải là mục tiêu cho chính nó, nhưng chỉ là phương thế góp phần vào việc chứng tá Kitô hữu mạnh mẽ, cỗ vũ hữu hiệu việc loan báo Tin Mừng; cổ vũ tinh thần đại kết hữu hiệu hơn; khuyến khích cuộc đối thoại mang tính xây dựng với mọi người. […] Nó sẽ giúp làm rõ rệt hơn căn tính của giáo triều Roma, đó là trợ giúp người kế vị thánh Phêrô trong việc thi hành chức vụ mục tử tối cao nhằm sự thiện hảo và phục vụ giáo hội phổ quát và các giáo hội địa phương. Đây là sự thi hành nhờ đó sự hợp nhất đức tin và sự thông hiệp của dân Thiên Chúa được tăng cường và sứ mạng riêng của Hội thánh được cổ vũ. […] Việc đạt được mục tiêu ấy […] đòi hỏi thời gian, sự quyết tâm và nhất là sự hợp tác của mọi người. […] Nhất là chúng ta phải ký thác cho Chúa Thánh Linh, là vị dẫn dắt Hội thánh, cầu khẩn ngài ban ơn phân định chân chính.”[35]
Phụ thêm. Mô hình tổ chức giáo triều
Đứng đầu là Phủ Quốc vụ khanh (Segreteria di Stato) ví được như Phủ Thủ Tướng, gồm có ba phân ngành (sezioni): 1/ Ngành công tác chung, tương đương với bộ Nội vụ. 2/ Ngành liên lạc với các quốc gia, tương đương với bộ Ngoại giao trong các chính phủ. 3/ Ngành nhân viên ngoại giao Tòa thánh.
I. Các bộ (dicasteri)
1. Bộ Loan báo Tin Mừng: phục vụ công cuộc loan báo Tin Mừng, lo về các các vấn đề nền tảng của loan báo Tin Mừng cho thế giới, và việc thiết lập, đồng hành và nâng đỡ các giáo hội địa phương tân lập. Bộ gồm có hai ngành: một ngành đặc trách vấn đề căn bản của việc loan báo Tin Mừng (trước đây thuộc Hội đồng Loan báo Tin Mừng cách mới mẻ); một ngành cho việc truyền giáo và các giáo hội địa phương mới thiết lập. Bộ do chính Đức thánh cha đứng đầu, và mỗi ngành do một Quyền Bộ trưởng hành động nhân danh ngài.
2. Bộ đạo lý đức tin: nhiệm vụ là giúp đỡ Đức thánh cha và các giám mục trong việc loan báo Tin Mừng khắp thế giới, bằng cách cổ động và bảo toàn sự nguyên tuyền của đạo lý đức tin và luân lý, múc lấy từ kho tàng đức tin sự hiểu biết đạo lý nhắm trả lời cho những vấn đề mới. Bộ gồm hai ngành: đạo lý và kỷ luật. Bên cạnh Bộ này có Ủy ban Giáo hoàng về Kinh Thánh, Ủy ban Thần học Quốc tế, Ủy bàn Giáo hoàng bảo vệ vị thành niên.
3. Bộ phục vụ Bác ái: nhiệm vụ là cụ thể hóa sự gần gũi của Đức thánh cha, trong tư cách là mục tử của Giáo hội phổ quát, đối với những hoàn cảnh túng nghèo, gạt bên lề hoặc túng nghèo, cũng như vào những trường hợp thiên tai trầm trọng.
4. Bộ các Giáo hội Đông phương: phụ trách các vấn đề liên quan đến nhân sự (giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân) thuộc các giáo hội Đông phương công giáo.
5. Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích: cỗ võ phụng vụ dựa theo sự canh tân mà công đồng Vaticano II đã đề ra.
6. Bộ Phong thánh: lo việc phong thánh cũng như việc ban cấp danh hiệu Tiến sĩ Hội thánh, sau khi đã lãnh ý kiến của Bộ Giáo lý Đức tin liên quan đến đạo lý trổi vượt.
7. Bộ các Giám mục: phụ trách việc thiết lập các giáo phận và thi hành chức vụ giám mục trong Giáo hội Latinh, ngoại trừ những vùng thuộc bộ Loan báo Tin Mừng. Ủy ban về châu Mỹ Latinh trực thuộc bộ này.
8. Bộ Giáo sĩ: phụ trách những vấn đề liên quan đến các linh mục và phó tế thuộc hàng giáo sĩ giáo phận. Bộ cũng có thẩm quyền xét xử việc miễn chuẩn các nghĩa vụ gắn với bí tích truyền chức do các phó tế và linh mục thuộc hàng ngũ giáo sĩ giáo phận và các dòng tu, thuộc giáo hội Latinh cũng như các giáo hội Đông phương.
9. Bộ các Hội dòng Thánh hiến và Tu Đoàn tông đồ: Bộ có thẩm quyền thiết lập, kết hợp, giải tán các tổ chức này; phê chuẩn hiến pháp; kiểm soát việc tuân giữ kỷ luật và cai quản nội bộ cũng như quản trị tài sản. Thẩm quyền cũng nới rộng đến các Dòng Ba và các hiệp hội tín hữu được lập nhắm tiến tới trở thành hội dòng thánh hiến và tu đoàn tông đồ.
10. Bộ các Giáo dân, Gia đình và Sự sống: trước đây là các hội đồng giáo hoàng. Bộ này hợp tác với Hàn lâm viện Sự sống cũng như Học viện Gioan Phaolô II về hôn nhân gia đình trong việc nghiên cứu các vấn đề thuộc chuyên ngành.
11. Bộ Cổ vũ sự Hợp nhất các Kitô hữu. Phụ trách các vấn đề đại kết giữa các Giáo hội Kitô. Ủy ban liên lạc với Do Thái giáo cũng trực thuộc bộ này.
12. Bộ Đối thoại Liên tôn. Phụ trách việc liên lạc với các phần tử của các tôn giáo ngoài Kitô giáo và Do Thái giáo.
13. Bộ Văn hóa và Giáo dục: kết nạp Bộ giáo dục và Hội đồng Giáo hoàng về văn hóa. Bộ cũng phối kết để điều hành hoạt động của một vài hàn lâm viện Giáo hoàng: Hàn lâm viện mỹ thuật Pantheon; Hàn lâm viện khảo cổ; Hàn lâm viện thần học; Hàn lâm viện thánh Tôma Aquinô; Hàn lâm viện Thánh mẫu học; Hàn lâm viện tôn kính các thánh tử đạo; Hàn lâm viện tiếng Latinh.
14. Bộ Phục vụ sự Phát triển toàn diện Con người: kết nạp từ các Hội đồng giáo hoàng về Công lý và hòa bình, Cor unum, mục vụ di dân, mục vụ nhân viên y tế.
15. Bộ Văn bản Pháp lý: trước đây là Hội đồng giáo hoàng phụ trách việc giải thích ý nghĩa các bản văn pháp luật, duyệt xét tính hợp luật của các văn kiện do các cơ quan giáo triều phát hành.
16. Bộ truyền thông: phụ trách công tác truyền thông của Tòa thánh (đài phát thanh, báo Osservatore Romano, nhà xuất bản Libreria Editrice Vaticana).
II. Các Tòa án (3)
1. Tòa Ân giải (Penitenzieria Apostolica): nhiệm vụ là giải quyết tất cả những gì liên quan đến tòa trong (forum internum), cũng như ban cấp ân xá.
2. Tối cao Pháp viện (Supremo Tribunale della Segnatura Apostolica). Thẩm quyền là xét xử các vụ kháng cáo chống lại các phán quyết của Toà thượng thẩm Roma; xét xử các vụ phân tranh thẩm quyền giữa các tòa án; giám sát việc điều hành công lý ở các tòa án trong khắp Giáo hội; xét xử các đơn kiện vi luật chống lại các hành vi của các cơ quan hành chánh.
3. Tòa Thượng thẩm Roma (Tribunale della Rota Romana). Thẩm quyền được xác định trong điểu 1444 của Bộ Giáo luật.
III. Các Cơ quan Kinh tế (6)
1/ Hội đồng về kinh tế (gồm 15 thành viên: 8 hồng y hoặc giám mục và 7 giáo dân, được Đức thánh cha bổ nhiệm với nhiệm kỳ 5 năm). 2/ Văn phòng về kinh tế. 3/ Việc quản trị tài sản của Tông tòa (APSA). 4/ Tổng kiểm soát viên. 5/ Ủy ban về các vấn đề mật. 6/ Ủy ban về đầu tư. Vai trò đã được mô tả trên đây trong bài của hồng y G. Ghirlanda.
IV. Các sở (3)
Mang tính cách tổ chức các nghi lễ giáo triều, chứ không ảnh hưởng đến sinh hoạt của toàn thể Giáo hội: 1/ Phủ giáo hoàng (Prefettura della Casa Pontificia); 2/ Sở lo về việc cử hành phụng vụ của Đức thánh cha (Ufficio delle Celebrazioni Liturgiche del Sommo Pontefice); 3/ Quản trị tài sản trong thời gian trống tòa (Camerlengo di Santa Romana Chiesa).
V. Các cơ quan trực thuộc Tòa thánh Văn khố Vatican, Thư viện Vatican, v.v..