HUYỀN BÍ VÀ NGÔN SỨ : Một lối sống mới và những diễn đàn mới

Thời sự Thần học - Số 97, tháng 08 năm 2022, tr. 176-205


_Ciro García Fernandez, O.C.D._ 

Tác giả là một linh mục dòng Cát-minh cải tổ, giáo sư thần học tại phân khoa thần học Burgos (Tây-ban-nha) và Học viện Teresianum (Rôma). Đây là bài thuyết trình tại hiệp hội các Bề trên tổng quyền các Dòng nữ (UISG) ở Rôma ngày 5-11-2011, trong khuôn khổ cuộc hội thảo về Huyền bí và Ngôn sứ.
Nguồn: "Mistica y Profecia: un estilo de vida y nuevos areópagos”. https://www.ocdmx.org/wp-content/uploads/2012/02/M%C3%8DSTICA-Y-PROFEC%C3%8DA-Ciro-Garc%C3%ADa.pdf
1. Hai căn tính căn bản của cảm nghiệm Kitô giáo
  1.1 Cảm nghiệm huyền bí
  1.2 Cảm nghiệm ngôn sứ
  1.3 Sự đột nhập của “Người Lạ” và cảm nghiệm về điều khác lạ
2. Sự bừng tỉnh của huyền bí và ngôn sứ vào thời cận đại
3. Ơn gọi huyền bí và ngôn sứ trong đời sống thánh hiến
  3.1 Huyền bí thánh hiến
  3.2 Ngôn sứ của sứ vụ
  3.3 Huyền bí và ngôn sứ trong Hội nghị “Say mê Đức Kitô và Say mê con người”
4. Những diễn đàn chứng tá mới của huyền bí và ngôn sứ
  4.1 Những diễn đàn của huyền bí
  4.2 Những diễn đàn của ngôn sứ

Dẫn nhập


“Tôi biết nguồn mạch vọt ra…”


Ân huệ lớn nhất, quà tặng quý nhất mà Chúa có thể ban cho đời sống thánh hiến và mỗi tu sĩ là được nếm hưởng nguồn mạch nước hằng sống – “một điều quá đẹp mà trời và đất đã uống từ đó” –, uống và ca ngợi dòng nước tràn lan, tưới cả trời đất và muôn dân, “giải khát cho vạn vật, cho dù giữa đêm tối”. Đó là điều đã xảy ra cho thánh Gioan Thánh giá, một thi sĩ và ngôn sứ; người được vui mừng vì được biết các mầu nhiệm đức tin (mạch nước), chảy vào lịch sử như một cái thác (Đức Kitô) và ngập tràn cả trời đất. Dòng suối này giống với những dòng sông đã được ngôn sứ loan báo, chảy ra từ sa mạc (x. Is 43,19), làm cho mặt đất xanh tươi và sản sinh hoa trái dồi dào (x. Ed 47,8-9).

Thánh Gioan Thánh giá đã cảm nghiệm và ca hát đức tin vào Thiên Chúa, đang khi bị bách hại, loại trừ và nhốt trong ngục thất Toledo (tháng 11 năm 1577 – tháng 8 năm 1578). Trong nơi tối tăm mù mịt này, đã sinh ra bài thơ “Nguồn Mạch” đầy sức sống, ánh sáng và màu sắc, ca hát cảm nghiệm về sự hiểu biết Thiên Chúa trong đức tin, vượt qua sự chống đối, tối tăm và kể cả cái chết nữa. Tôi nghĩ rằng nó có thể là một dụ ngôn cho đời sống thánh hiến, được bén rễ sâu từ cội rễ của ơn cứu độ, như là nguồn mạch ẩn kín, từ đó nước trào ra để làm phong phú trái đất khô cằn và những sa mạc của chúng ta.

Đó là ý nghĩa được gói gém trong cảm nghiệm huyền bí và ngôn sứ và đời sống thánh hiến. Đó là sự khám phá những nguồn mạch của ơn cứu độ, tìm lại kho tàng giấu kín, gặp gỡ Đức Kitô và loan báo vương quốc của Người. Huyền bí và ngôn sứ tiên vàn là một cảm nghiệm mà chúng tôi sẽ cố gắng diễn tả dưới khía cạnh hiện sinh hơn là dưới khía cạnh thần học.

Theo nghĩa ấy, chúng tôi sẽ đi tìm những diễn đàn của huyền bí và ngôn sứ: a) Đó là một kinh nghiệm dựa trên đức tin, được nuôi dưỡng nhờ Lời, khám phá Thiên Chúa giữa cuộc đời và cảm thấy nhu cầu muốn làm chứng tá (những diễn đàn của huyền bí); b) nhưng cũng bao hàm sự loan báo, phát sinh từ một hoàn cảnh lưu đày, kiến tạo sự hiệp thông, sống tình người bằng những dấu chỉ bé nhỏ và sự phục vụ bác ái (những diễn đàn của ngôn sứ).

Tất cả những điều đó bùng lên thành một bài ca khen ngợi, thu nhận những “vui mừng và hy vọng” của gia đình nhân loại và tái tạo nét ngôn sứ của đời sống thánh hiến.

Ơn gọi trở thành huyền bí và ngôn sứ


Các vị lập dòng đều là những nhà huyền bí và ngôn sứ. Chúng ta được mời gọi tái dựng đặc sủng huyền bí – ngôn sứ của họ trong Giáo hội. Nếu không có những nhà huyền bí và ngôn sứ, đời sống thánh hiến sẽ chẳng có tương lai. Huyền bí và ngôn sứ là hai chiều kích cốt yếu của mọi căn cước tôn giáo, của đời sống Kitô hữu và của đời sống thánh hiến, vốn liên kết chặt chẽ với nhau. Chiều kích huyền bí hướng tới sự kết hiệp với Thiên Chúa; chiều kích ngôn sứ hướng đến việc tuân hành ý định của Ngài, ở đây và lúc này. Chỉ nhờ một sự kết hợp khéo léo của hai chiều kích mới ấy ta mới có thể nặn lên một căn tính chân chính về Thiên Chúa và về con người. Không thể có huyền bí chân chính nếu không đưa tới một sự dấn thân luân lý và ngôn sứ; cũng không thể nào nghĩ tới một thứ ngôn sứ mà không được nuôi dưỡng bằng sự kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa[1].

Tất cả mọi người, tất cả mọi tu sĩ đều được mời gọi trở thành nhà huyền bí và ngôn sứ, nghĩa là có cảm nghiệm về Thiên Chúa và Lời của Ngài mà mình phải truyền đạt; tất cả cũng được kêu gọi dấn thân vào lịch sử của Giáo hội, và thời đại của mình. Do đó, hành trình đích thực nằm ở chỗ kết hiệp giữa hai căn tính đó: không được lựa chọn giữa huyền bí “hoặc” ngôn sứ, nhưng là trở nên huyền bí “và” ngôn sứ.

Khởi đi từ viễn ảnh đó và qua kinh nghiệm bản thân: 1) chúng tôi sẽ khai triển hai loại căn tính tôn giáo như là hai căn tính căn bản của cảm nghiệm Kitô giáo, đồng thời cho thấy tương quan giữa hai bên; 2) Chúng tôi sẽ mô tả vắn tắt việc tái sinh của huyền bí và ngôn sứ trong linh đạo cận đại; 3) Chúng tôi sẽ nêu bật ảnh hưởng của chúng đối với đời sống tu sĩ, trong hai chiều kích huyền bí và ngôn sứ, bằng cách nhấn mạnh tới sự cấp bách của chứng tá huyền bí và ngôn sứ trong Hội thánh thời nay; 4) Sau cùng chúng tôi sẽ vạch ra một vài diễn đàn mới của huyền bí và ngôn sứ, hiện nay đang lưu hành trong đời sống thánh hiến.

1. Hai căn tính nền tảng của kinh nghiệm Kitô giáo


Huyền bí và ngôn sứ không phải là những căn tính tôn giáo tĩnh, mà là động. Điều này muốn nói rằng cả hai hiện diện ở bên trong một tiến trình trưởng thành và thanh luyện tôn giáo của một người (những đêm tối của thánh Gioan Thánh giá), tác động biến đổi của ơn Chúa và lịch sử phức tạp của sự dấn thân cá nhân muốn đi tìm sự sung mãn và ý nghĩa cho cuộc đời. Viễn tượng huyền bí của sự sung mãn này đạt tới trong sự kết hiệp với Thiên Chúa (kết hiệp huyền bí), là nỗi khao khát sâu đậm nhất của con người (x. Gaudium et Spes 19): “Nếu linh hồn đi tìm Chúa thì Người yêu của linh hồn lại càng tìm nó nhiều hơn nữa” (Ngọn lửa tình nồng 3,28).

Người ta nói rằng mỗi người chúng ta là một nhà huyền bí và một ngôn sứ, cũng như mỗi người chúng ta mang trong mình một Đức Phật nhỏ, tượng trưng cho những ước muốn thâm sâu, đi tìm ý nghĩa cuộc đời, khát khao một tương lai mang theo những thay đổi, những mới lạ và khát khao đạt tới giấc mơ lý tưởng. Nếu điều này đúng, xét theo khía cạnh nhân văn và tôn giáo, thì lại càng đúng hơn nữa dưới viễn ảnh đức tin Kitô giáo và đời sống thánh hiến. Thật vậy, Kitô giáo từ nguyên thủy là một huyền bí, chứ không phải là một nguyên tắc hay bộ luật luân lý; đó là huyền bí đi theo Đức Kitô và trở nên đồng hình đồng dạng với Người trong bí tích Thánh tẩy. Một cách tương tự như vậy, đời sống thánh hiến là một huyền bí và ngôn sứ; bản chất của nó là tận hiến cho Đức Kitô (huyền bí), và loan báo Tin mừng (ngôn sứ).
 

1.1. Cảm nghiệm huyền bí


Cảm nghiệm huyền bí, cho dù được diễn tả bằng nhiều cách khác nhau đi nữa, xem ra nhằm mục tiêu chính là đi tìm một sự kết hiệp vượt lên biên cương của “bản ngã”. và chìm đắm trong một thực tại được coi là viên mãn, tức là kết hiệp huyền bí. Kinh nghiệm huyền bí cốt yếu là “pati divina” (say đắm thần linh), nghĩa là experiri (cảm nghiệm) sự hiện diện của Thiên Chúa và “đau đớn”, “cảm nghiệm”, chấp nhận Ngài biến đổi chúng ta; vì thế nó là một dây ràng buộc, một tương quan, một cái nhìn trìu mến, một sự tiếp xúc âu yếm với một thực tại được quan niệm và nhìn nhận như là trung tâm sâu thẳm nhất của cuộc đời mình, và tựa như nguồn mạch thường xuyên thúc đẩy người huyền bí phải ca lên: “Ôi ngọn lửa tình yêu, làm tổn thương một cách dịu dàng, trung tâm sâu thẳm nhất của linh hồn tôi” (thánh Gioan Thánh giá, Ngọn lửa tình nồng).

Cảm nghiệm huyền bí vượt quá sự hiểu biết trí tuệ, được thủ đắc không do việc đọc sách hay suy tư, nhưng là do đời sống và kinh nghiệm. Thánh Gioan Thánh giá nói đến “hiểu biết nhờ kinh nghiệm” khắc hẳn “hiểu biết khoa học” (Bài ca tâm linh, Dẫn nhập, 3). Nền tảng của nó là cảm nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa, mà thánh Gioan Thánh giá gọi là “người mẹ dưỡng nuôi”[2]. Mối ưu tư đầu tiên của người mẹ đối với con cái là những “nhu cầu” của đứa con, chứ không phải là những “bổn phận” của nó. Đứng trước Thiên Chúa tình yêu, lời đáp trả lành mạnh và chín chắn là tìm cách để cho mình được yêu và để cho mình được chữa lành nhờ vết thương của Ngài.

Cách riêng, thái độ căn bản này được biểu lộ qua một trạng thái ý thức, tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa, Đấng được tin và yêu. Điều này cũng tùy thuộc không chỉ vào ân sủng mà còn vào tâm lý cá nhân mỗi người và cá tính của mỗi người nam hay nữ. Người ta nói rằng, người nữ thiên về huyền bí, còn người nam thiên về ngôn sứ. “Bà mẹ tạo ra đời sống, người cha tạo ra lịch sử” (G. Van der Leeuw). Mặc dù các yếu tố huyền bí – ngôn sứ hiện hữu nơi người nam cũng như người nữ, nhưng lịch sử cho thấy rằng nam tính thường gắn với các thái độ và hành động ngôn sứ: luật lệ, yêu sách, tố giác, trừng phạt.

1.2. Cảm nghiệm ngôn sứ


Cũng như cuộc đời nhà huyền bí mang đặc tính là cảm nghiệm sự hiện hiện của Kẻ Lạ, thì cuộc đời của ngôn sứ mang đặc tính là lắng nghe Lời đến từ Thiên Chúa, và ngôn sứ cảm thấy bị bó buộc phải truyền đạt cho dù mình không muốn. Ngôn sứ là người phát ngôn của một sứ điệp thần linh; Thần linh đột nhập vào họ, không phải là để thông đạt mình cho họ, cho bằng biến họ thành người loan báo lời nói cứu độ. Lời được nghe và được truyền đạt luôn kèm theo yêu sách một hành động biến đổi lịch sử.

Không gian tiêu biểu của căn tính ngôn sứ không phải là không gian thân mật và hồi tâm của căn phòng riêng, như trong trường hợp cảm nghiệm huyền bí. Không gian tiêu biểu của ngôn sứ là quảng trường, nơi diễn ra đời sống xã hội, nơi được đan dệt bằng những tương quan của hoạt động, chính trị, kinh tế và văn hóa.

Theo nghĩa này, chúng ta thấy hiện tượng ngôn sứ của Kinh Thánh đã tiến triển từ chỗ là một sự giải thích những điều bí ẩn cho đến sự khám phá một sứ vụ và một trách nhiệm lịch sử, dấn thân với cộng đoàn. Như thế, mối quan tâm đối với công lý, việc thực hiện một xã hội xứng đáng với Thiên Chúa và với con cái của Ngài, đã trở thành trọng tâm của phong trào ngôn sứ ở Do-thái[3].

1.3. Sự đột nhập của “Kẻ Lạ” và cảm nghiệm về điều khác lạ


Các nhà huyền bí và ngôn sứ, tuy khác nhau nhưng có một vài điểm chung: cả hai đều là chứng tá của sự đột nhập của một Kẻ Lạ cao cả hơn họ, và nhờ đó họ được biến đổi, thay đổi luôn căn cước cá nhân của mình.

Nhà huyền bí cảm nghiệm Kẻ Lạ đột nhập vào đời mình ở nơi thâm sâu nhất. Còn ngôn sứ mô tả sự xâm nhập của Kẻ Lạ, không phải như cái gì nằm trong thâm tâm của mình, cho bằng một tiếng nói đến từ bên ngoài. Một tiếng nói không thể lường trước, kêu gọi thi hành một sứ mạng khó khăn: Khốn thân tôi! Tôi là một con người với môi miệng tội lỗi (Is 6,5). Lạy Chúa, con không biết nói, bởi vì con còn trẻ! (Gr 1,6). Khốn thân tôi nếu tôi không loan báo Tin mừng! (1Cr 9,16).

Cảm nghiệm về sự đột nhập của Kẻ Lạ được kèm theo bởi một cảm nghiệm về sự dứt bỏ khỏi chính mình, là một cảm nghiệm mở cửa cho điều khác lạ, có nghĩa là “quên mình” (đi ra khỏi thế giới khép kín với những tiện nghi), và mở rộng ra đến người khác[4].

2. Sự bừng tỉnh của huyền bí và ngôn sứ vào thời cận đại


Thế kỷ XX, mặc dù còn trên đà của tiến trình tục hóa và khủng hoảng tôn giáo (ít là trong thế giới Tây phương), nhưng cũng tỏ ra quan tâm đến việc nghiên cứu và cảm nghiệm huyền bí. Cuộc đổi mới này, với nhiều tài liệu xác minh, nhằm cổ võ đời sống huyền bí như là sự sung mãn của đời sống Kitô giáo và như là tố giác ngôn sứ chống lại văn hóa tục hóa và duy vật.

Tất cả chúng ta, dù ít dù nhiều, đã chứng kiến tình trạng tôn giáo trong thế kỷ XX và XXI, với đặc điểm là những thay đổi nhanh chóng ảnh hưởng đến cuộc sống: tục hóa, hiện đại hóa, hậu hiện đại, cộng thêm những tình trạng bất công và loại trừ. Đứng trước những hoàn cảnh và những thay đổi đó, chúng ta cần phải điều chỉnh lại những tiêu chuẩn của đời sống thánh hiến của chúng ta theo sự chỉ dẫn của công đồng Vaticanô II, “Liên lỉ trở về với nguồn mạch của mọi hình thức Kitô hữu và hứng khởi nguyên thủy của hội dòng và cùng lúc thích nghi vào những điều kiện hay thay đổi của thời gian” (Perfectae caritatis, 2).

Bản thân tôi đã theo dõi sự tiến triển của tình trạng tôn giáo cận đại qua việc nghiên cứu các khuynh hướng linh đạo và qua những công tác mục vụ của tôi[5]. Vì thế, tôi nói từ kinh nghiệm cá nhân hơn là những kế hoạch lý thuyết về thần học và mục vụ.

Kinh nghiệm cá nhân của tôi được đánh dấu sâu đậm bằng hai điểm sau đây: trở về với nguồn mặc khải và mở ra đến những nhu cầu của thế giới cận đại, những hoàn cảnh nghèo đói, bị loại trừ, bạo lực và bất công. Sợi dây liên kết hai điểm đó là mối quan tâm đến huyền bí, và cụ thể là huyền bí dòng Cát-minh. Mối quan tâm này đã giúp tôi tìm thấy một tổng hợp sống động cho thần học và đời sống thánh hiến của tôi, và đã gợi lên trong tôi một ý thức về tình trạng thiếu đức tin (thế giới thứ nhất), và nghèo đói (thế giới thứ ba).

Khởi đi từ hai điểm đó, tôi cố gắng tìm ra một lời giải đáp cho những vấn đề mà đức tin và việc loan báo Tin mừng đặt ra cho ngày hôm nay. Đồng thời tôi tìm cách đáp lại những thách đố của việc thánh hiến và sứ vụ của đời tu sĩ trong Hội thánh. Nhạy cảm đối với tình trạng của nghèo đói, và loại trừ trên thế giới. Tôi xin phát biểu một vài xác tín như sau:

1) Một đời sống Kitô hữu, cách riêng đời sống thánh hiến, không thể nào sống bên lề tình hình cận đại hiện nay đang thách đố đức tin và linh đạo nói chung mà chúng ta cần phải biết để đáp trả những thắc mắc sâu thẳm nhất của con người và những hoàn cảnh bi đát nhất của cảnh loại trừ và nghèo đói.

2) Ngoài ra, đời sống Kitô hữu cần phải đặt nền tảng trên Kinh Thánh và phụng vụ, cũng như trên sự suy tư thần học nghiêm túc, giúp cho chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm mặc khải của đức tin chúng ta. Nhờ thế mới có thể vượt lên sự tách rời giữa thần học và tâm linh. Đôi khi chúng ta than phiền sự thiếu sót tâm linh của người tu sĩ, nhưng phải chăng ta cũng cần nói đến sự thiếu sót về việc đào tạo thần học?

3) Đời sống thánh hiến cần phải mở ra đến chiều kích huyền bí và ngôn sứ, như đã nói trên đây. Cảm nghiệm huyền bí tượng trưng cho sự sung mãn của đời sống Kitô hữu; đó là kinh nghiệm sống không chỉ trong sự thinh lặng của việc cầu nguyện mà cả trong cuộc sống năng động hằng ngày.

4) Kinh nghiệm ngôn sứ được nuôi dưỡng bằng đời sống huyền bí, thúc đẩy đến cuộc dấn thân luân lý và xã hội, được diễn tả không chỉ qua những cuộc tranh đấu to lớn cho bằng qua những cử chỉ nhỏ bé của tình người: quan tâm đến những người nghèo, những người bệnh, những người bị loại trừ. Cảm nghiệm về Thiên Chúa không thể nào được thực hiện trong cô độc, lãnh đạm, vô cảm đứng trước thảm cảnh của tha nhân.

3. Ơn gọi huyền bí và ngôn sứ trong đời sống thánh hiến


Tất cả chúng ta đã biết và đã cảm nghiệm những thay đổi trong đời sống thánh hiến, với những ánh sáng và bóng tối, điểm mạnh và điểm yếu, thành công và giới hạn. Dù sao, ngày nay chúng ta hiểu rõ hơn thế nào là đời sống thánh hiến, những giá trị căn bản của nó, thần học, linh đạo và sứ vụ trong Giáo hội, và chúng ta cũng được biết rõ hơn về đặc sủng của các vị sáng lập. Giả thiết là đã biết những điều đó rồi, bây giờ thử hỏi: đời tu sĩ đã bị chất vấn thế nào qua hai chiều kích huyền bí và ngôn sứ? Ai cũng biết bản văn của tông huấn “Đời sống thánh hiến” liên quan đến chiều kích ngôn sứ (Vita consecrata 84-85). Bây giờ chúng ta hãy tập trung vào việc suy nghĩ những giá trị của sự thánh hiến và của sứ vụ dựa theo văn kiện của Hội nghị quốc tế về đời sống thánh hiến diễn ra ở Rôma năm 2004.

3.1. Huyền bí của sự thánh hiến


Không thể nào hiểu được sự thánh hiến đời tu bên ngoài huyền bí của việc đi theo Đức Kitô và trở nên đồng hình đồng dạng đối với Người. Việc đi theo là một “memoria Iesu” (ký ức về Đức Giêsu), làm cho Đức Kitô hiện diện qua cách sống và hành động nhờ các lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời. Việc đi theo bao gồm một sự kết hiệp và thân mật với Người, cũng như kinh nghiệm làm môn đệ tạo nên nét đặc thù của đời tu sĩ. Điều này dựa trên sự gặp gỡ, tiếp xúc làm quen với đời sống và bản thân, bắt chước nếp sống, lối thực hành đức khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời của Người. Đó là nền tảng chân thực, vững chắc của đời sống thánh hiến (x. VC 88-90).

Dĩ nhiên, đời sống thánh hiến là điều gì lớn hơn các lời khấn, tuy các lời khấn vẫn là một thành phần cốt yếu của đời tu, nhưng đời tu đòi hỏi phải sống các lời khấn cách toàn vẹn như là yếu tố của căn tính cá nhân, như là nơi gặp gỡ Thiên Chúa và như là chiều kích sứ vụ của cuộc sống, như là thành phần của ơn ngôn sứ. Nếu điều này không chi phối vào cuộc sống hằng ngày của chúng ta, thì chúng ta đã làm giảm thiểu ý nghĩa Tin mừng của các lời khấn, hoặc nói cho cùng, chúng ta đã chôn vùi nén bạc đã lãnh được bởi vì sợ không dám đem ra lưu hành.

3.2. Tính ngôn sứ của sứ vụ


Không thể nào có thánh hiến mà không có sứ vụ. Đời sống được hiến thánh nhắm đến sứ vụ. Sự thánh hiến, vì là dâng mình cho Thiên Chúa, yêu mến Đức Kitô và phục vụ dân Chúa, thì đã là sứ vụ rồi. Sứ vụ nổi bật nhất là loan báo Đức Kitô, làm cho Người hiện diện bằng việc lặp lại những hành động của Người qua các lời khuyên Phúc Âm (VC 72-75). Đó là chiều kích ngôn sứ của đời sống thánh hiến.

Ngày nay, người ta hiểu cuộc đời của Đức Giêsu theo một nghĩa khẳng định, nghĩa là loan báo Tin mừng: “Sứ vụ của đời sống thánh hiến là cải hoán bản thân theo Nước Trời, qua hình thức của đời sống huynh đệ, qua hình thức quản trị, qua đời sống đơn giản, qua những công tác truyền giáo, giáo dục, bác ái và chiêm niệm. Như vậy, đời tu trở nên dấu chỉ hùng hồn của Tin mừng, đối với xã hội cũng như đối với Giáo hội. Xét về ơn gọi, để đối lại những sự dữ của xã hội, hình thức khẳng định của tính ngôn sứ tìm cách đề ra những mô hình Phúc Âm, thì cần thiết hơn là hình thức phủ định”[6].

Trong Thượng hội đồng giám mục bàn về đời sống thánh hiến (tháng 10 năm 1994), hồng y Ratzinger đã đưa ra một đóng góp quan trọng về ý nghĩa nguyên thủy của ơn ngôn sứ, được nói tới trong kiến nghị số 39. Những giá trị của ơn ngôn sứ đâm rễ sâu trong cảm nghiệm về Thiên Chúa và về Lời của Ngài. Trong tình thân mật với Thiên Chúa được chín muồi nhờ việc đối thoại của cầu nguyện, nhờ sự miệt mài tìm kiếm sự thánh thiện và vinh quang của Chúa, trong việc đi tìm ý Chúa và làm chứng cho Chân Lý. Đó là một hành động ngôn sứ đòi hỏi can đảm khi loan báo và tố cáo, ngôn hành hợp nhất, sẵn sàng đóng dấu ấn sứ điệp của Thiên Chúa bằng chính máu của mình. Một hành động ngôn sứ đòi hỏi tìm ra những đường lối mới để xây dựng Nước Chúa, sự hiệp thông trong Giáo hội. Vì thế, ơn ngôn sứ đích thực được nuôi dưỡng nhờ Lời của Chúa và nhờ việc chiêm ngắm Người cũng như hành động của Người trong lịch sử.

3.3. Huyền bí và ngôn sứ “say mê Đức Kitô và say mê con người”


Hồi tháng 11 năm 2004, một hội nghị quốc tế về đời sống thánh hiến được tổ chức tại Rôma với chủ đề “say mê Đức Kitô và say mê con người”. Các chiều kích huyền bí và ngôn sứ được nghiên cứu dưới ánh sáng của hai bức icôn của Kinh Thánh: Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với người phụ nữ Samari tại giếng Giacóp (Ga 4,1-42), và dụ ngôn người Samari nhân hậu (Lc 10,29-37). Hai bức icôn muốn kết hợp huyền bí và ngôn sứ, chiêm niệm và hoạt động, cảm nghiệm và sứ vụ. Thực vậy trong cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa, đời thánh hiến khám phá nguồn mạch tình yêu biến thành quà tặng và phục vụ tha nhân, đặc biệt là những người thấp kém và yếu ớt. Từ đó tu sĩ cảm thấy mình được thúc đẩy một đàng hướng về phẩm giá của con người thường hay bị khinh miệt, một đàng hướng về Thiên Chúa của tình yêu, lân tuất.

Dưới ánh sáng của hai bức icôn vừa nói, đề tài “huyền bí và ngôn sứ” đạt được một ý nghĩa sâu xa hơn và cho thấy một động lực để canh tân đời sống thánh hiến trong thiên niên kỷ thứ ba. Bức icôn thứ nhất – người phụ nữ Samaria – nêu bật tình yêu và say mê Đức Kitô: cụ thể là thờ lạy, đối thoại thân tình với Chúa. Bức icôn thứ hai – người Sa-ma-ri nhân hậu – nêu bật sự cảm thương, tình yêu và mối quan tâm dành cho những người bị thương dọc đường. Tuy nhiên, đó không phải là những yếu tố đặt kề nhau hoặc là những chặng tách rời nhau, nhưng là một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa của Sự Sống và với Thiên Chúa của lòng khoan nhân. Đó là tiêu chuẩn mà Chúa dạy chúng ta sống sự thờ lạy mầu nhiệm, cùng với sự đồng cảm đối với nhân loại bị thương như chúng ta sẽ thấy trong đoạn tới.

4. Những diễn đàn mới[7] của huyền bí và ngôn sứ


Khi bàn về sứ vụ của đời sống thánh hiến (“servitium caritatis”), tông huấn Vita Consecrata đã vạch ra những lãnh vực sau đây: truyền giáo cho dân ngoại, hội nhập văn hóa, ưu tiên chọn lựa người nghèo và chăm sóc người bệnh (số 77-83). Thế nhưng viễn tượng tông đồ và truyền giáo của Giáo hội còn mở rộng ra những diễn đàn mới mà đời tu trì cần phải theo dõi: sự hiện diện trong thế giới của giáo dục và phương tiện truyền thông (số 96-99), việc dấn thân vào đối thoại đại kết và đối thoại liên tôn (số 100-103). Những diễn đàn này vẫn còn duy trì tính cách thời sự và nói được là cấp bách hơn bao giờ hết. Và để thật sự là một sự hiện diện để loan báo Tin mừng, chúng cần phải được khoác lên một sức mạnh ngôn sứ, làm cho chúng thật sự có ý nghĩa đối với sứ vụ.

Khi chúng ta nói đến các diễn đàn mới, chúng ta khởi đi từ nhãn giới của huyền bí và ngôn sứ. Điều này có nghĩa là chúng ta không coi chúng như là cánh đồng hoạt động hoặc tông đồ, cho bằng như một lối sống, như là những thái độ căn bản, cần phải thấm nhuần tất cả mọi hoạt động tông đồ. Vì thế, tuy được trình bày riêng rẽ, nhưng chúng hợp nên một tổng bộ không thể phân chia như đã thấy từ cách trình bày trên đây. Căn tính huyền bí và ngôn sứ là hai khía cạnh của đời sống thánh hiến, hòa lẫn với nhau bằng thực tại duy nhất, và vì thế chúng không thể sống và vun trồng riêng rẽ, nếu không muốn làm cho chúng biến thái. Duy có nhà huyền bí mới là ngôn sứ và tất cả các ngôn sứ đều phải là nhà huyền bí. Sự hợp nhất trong cảm nghiệm cũng dẫn tới sự hợp nhất trong việc theo đuổi những con đường được tượng trưng nơi những diễn đàn mới.

Đây là những thái độ căn bản được áp dụng cho tất cả mọi diễn đàn, mặc dù có thể được vun trồng khác nhau từ chỗ này sang chỗ kia, tùy theo đặc sủng của mỗi dòng, và lãnh vực của mỗi sứ vụ. Ở đây chúng tôi chỉ muốn nói đến những điều được xem là cơ bản.

4.1. Những diễn đàn của huyền bí


Chúng tôi xin kể ra như sau: đời sống đức tin cá nhân, lắng nghe Lời Chúa, kinh nghiệm về Chúa “ở giữa đời”; sự cấp bách của những chứng nhân.

a. Đời sống đức tin cá nhân

Trong một thế giới – đặc biệt là ở châu Âu – trong đó chúng ta được mời gọi để sống đức tin không có sự hỗ trợ của xã hội, hoặc tôn giáo, những người tận hiến – cùng với các Kitô hữu trên đường lữ hành – cảm thấy cần thiết phải đổi mới đức tin của mình từ những lời mà Chúa Giêsu đã hỏi các môn đệ: “Tại sao hoảng sợ? Các con không có đức tin ư?” (Mc 4,40), “Các con cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6,67).

Điều nây xem ra là quá rõ và bình thường, nhưng chúng ta đừng nên quên. Đời sống thánh hiến nảy sinh và được nuôi dưỡng trong đức tin, với trung tâm của nó là Đức Giêsu Kitô luôn sống giữa các tu sĩ, sai họ vào một thế giới đang khát khao tâm linh, ngõ hầu họ lấp đầy nó nhờ Thần Khí để trở nên một bài ca chúc tụng Thiên Chúa là Cha của mọi thụ tạo và biểu tượng của lòng thương xót của Chúa. Một lần nữa, chúng ta phải khẳng định rằng, sự phong phú và niềm vui của đời sống chúng ta nảy sinh từ việc quen thân với Thiên Chúa, nhờ việc gặp gỡ Chúa Kitô, qua kinh nghiệm huyền bí của đức tin.

Trong bối cảnh này, câu nói của K. Rahner có ý nghĩa đặc biệt: “Người Kitô hữu của tương lai, hoặc sẽ là một nhà huyền bí, nghĩa là một người đã cảm nghiệm điều gì đó, hoặc sẽ không còn là Kitô hữu nữa. Bởi vì đời sống tâm linh của tương lai không còn dựa trên một sự xác tín đại chúng, hiển nhiên và cộng đồng, cũng chẳng trên một lãnh vực tôn giáo đại chúng, nhưng là trên cảm nghiệm và quyết định cá nhân”[8].

Động lực do K. Rahner đã gợi lên xem ra thời nay còn triệt để hơn nữa. Đây không phải là một lãnh vực chống đối đức tin Kitô giáo đòi hỏi phải sống kinh nghiệm cá nhân, nhưng là chính bản chất của đức tin Kitô giáo. Đức tin không chỉ là một công thức đạo lý mà là một sự sống, một sự gắn bó với Thiên Chúa, một tương quan gặp gỡ cá vị với Chúa, đáp trả lời mời gọi âu yếm của Chúa (Dei verbum, 2.5).

Theo như cha De Lubac nhận xét, kinh nghiệm đức tin “không phải là việc đào sâu bản ngã, nhưng là đào sâu đức tin; không phải là nỗ lực muốn chạy trốn vào trong cõi nội tâm, mà là chính Kitô giáo”. Sự mới mẻ của huyền bí Kitô giáo hệ ở chỗ lòng gắn bó với Thiên Chúa nhờ đức tin. “Nếu chẳng có huyền bí, thì Mầu nhiệm có nguy cơ là sẽ tiêu tan trong một công thức.”[9]

b. Lắng nghe Lời Chúa

Lương thực căn bản của đức tin là Lời của Chúa, được ghi lại trong Kinh Thánh, nguồn mạch ưu tiên của huyền bí Kitô giáo. Ngoài ra, trong Kinh Thánh chúng ta đọc thấy lịch sử ơn cứu độ dưới hình thức giao ước, tạo ra một khuôn mẫu cho huyền bí Kitô giáo. Vì lý do đó, Lời Chúa như là nguồn mạch sự sống, không thể nào thiếu sót trong cuộc đời của các người tận hiến, hoặc của các cộng đoàn hoặc của dòng. Hai bức icôn – người Samari nhân lành (Đức Giêsu Kitô) – người phụ nữ Samari (chúng ta) – nói cho chúng ta về cuộc gặp gỡ Đấng là Thầy dạy và nguồn mạch nước hằng sống, như thánh nữ Têrêsa Giêsu đã mô tả (Vida, 30,19). Vì thế, con đường canh tân đời thánh hiến phải đặt Kinh Thánh là trung tâm của cuộc sống, cầu nguyện, suy niệm, chia sẻ, cử hành, lắng nghe (VC 94). Thượng hội đồng về Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Hội thánh (tháng 10 năm 2008) đã để lại cho chúng ta nhiều gợi hứng quý giá.

c. Kinh nghiệm về Thiên Chúa “trong đời thường”

Ngày nay, người ta thường nói tới một kinh nghiệm huyền bí “trong đời thường”. Nền tảng nhân văn của nó là “cảm nghiệm được thu hút về Thiên Chúa” hiện diện trong tất cả mọi người, được K. Rahner định nghĩa như là “hiện sinh siêu nhiên”[10]. Theo một viễn tưởng lịch sử – hiện sinh, con người tự bản tính mở rộng ra tới cõi siêu việt.

Kinh nghiệm đó chẳng phải là cái gì khác thường; ngược lại, nó xảy đến mỗi khi con người nhận ra rõ ràng các sự kiện trong cuộc sống hằng ngày qua sự kinh tởm đứng trước sự dữ, lòng yêu mến một Ai Đó, say mê với những việc làm tốt lành, phản đối bất công, dấn thân xây dựng một tình huynh đệ hữu hiệu để cổ võ sự sống chung giữa loài người… Tất cả những kinh nghiệm đó là những cảm nghiệm của ân sủng.

Cảm nghiệm này luôn đưa chúng ta tới phần sâu thẳm nhất của cuộc đời, phần ưu tú nhất mà chúng ta sở hữu. Thế nhưng trong xã hội của chúng ta những kinh nghiệm sâu đậm và chân chính thường là họa hiếm, chứ không phải chỉ là cảm nghiệm về Thiên Chúa, chúng ta sống theo cảm xúc và cảm giác, nhưng chúng ta không có sống một cảm nghiệm đặc biệt nào. Không những cảm nghiệm về Thiên Chúa, mà chúng ta cũng chẳng có cảm nghiệm nào về cuộc sống.

Cảm nghiệm này có thể đạt được nhờ sự chiêm niệm và nhờ một cái nhìn đức tin: “Người Kitô hữu đừng nên yêu sách những đặc sủng đặc biệt hay những ân huệ lẫy lừng, nhưng cần phải làm quen với việc nhìn ngắm thực tại hằng ngày với cặp mắt đức tin. Nhờ thế, họ có khả năng tìm kiếm và nhận ra sự hiện diện của Chúa”[11]. Như ông Zuburi đã nói, kinh nghiệm của Thiên Chúa không phải là một kinh nghiệm bên ngoài đời sống thường nhật, mà là một cách cảm nghiệm điều kiện thần linh trong đó con người hiện hữu”[12].

Đó là cảm nghiệm về Thiên Chúa nơi con người và nơi thực tại, sống trong thế giới không phải như là “cho dù Thiên Chúa không hiện hữu” (etsi Deus non daretur) (theo như lời tuyên bố của một vài nhà thần học của sự tục hóa và cái chết của Thiên Chúa), nhưng như là “cho dù Thiên Chúa hiện hữu” (etsi Deus daretur): đó là một Thiên Chúa tỏ hiện trong xác phàm, trong sự yếu đuối của con người, trong sự đau khổ của thập giá, và tiếp tục hiện diện trong những đau khổ của con người; Ngài đã cứu chuộc thế giới nhờ điều xem ra bất lực, nhờ quyền năng của Thánh Linh – Đấng đã làm cho Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết (Rm 1,4).

Chúng ta sẽ không có tương lai, xét như là hội dòng hay xét như là Giáo hội, nếu chúng ta không vun trồng cảm nghiệm về Thiên Chúa. Chúng ta cần có những con người đã có một cảm nghiệm nội tại về Thiên Chúa, những con người thần khí có khả năng trả lời cho câu hỏi mà thánh Gioan Thánh giá tiếp tục đặt ra cho chúng ta: “Hãy nói cho tôi biết Ngài có đi qua nhà bạn hay không”.
d. Sự khẩn trương có những chứng nhân

Thế giới ngày nay đang cần những chứng nhân. ĐTC Phaolô VI đã nhắc nhở rằng, con người ngày nay mệt mỏi vì phải nghe. Họ ngán những bài diễn văn và ra như bịt tai trước những lời nói, và vì thế, họ thích các chứng nhân hơn là các thầy dạy, cho đến nỗi họ chỉ nghe những thầy dạy nào đồng thời cũng là chứng nhân. Con người thời nay hiểu rõ ngôn ngữ của việc làm và đời sống hơn là ngôn ngữ của lời nói (x. Evangelii nuntiandi, 41-42). Tôi xin thêm: đối với Giáo hội, chứng tá là phương tiện hàng đầu của việc loan báo Tin mừng.

Lặp lại những lời vừa nói, ĐTC Gioan Phaolô II đã tuyên bố trong thông điệp Redemptoris Missio rằng: “Con người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, tin vào kinh nghiệm hơn là đạo lý, tin vào đời sống và hành động hơn là lý thuyết. Chứng tá của đời sống Kitô hữu là hình thức tiên khởi và không thể thay thế của việc truyền giáo: Đức Kitô, Đấng mà chúng ta tiếp tục sứ vụ, là “chứng nhân” tuyệt đỉnh và là khuôn mẫu cho chứng tá Kitô giáo. Thánh Linh đồng hành với con đường của Giáo hội và kết nạp Giáo hội vào lời chứng của Ngài cho Đức Kitô. Hình thức thứ nhất của chứng tá là chính đời sống của nhà truyền giáo” (Redemptoris Missio, 42).

Chứng tá đích thực không tách rời khỏi đời sống, chiếu tỏa ra bên ngoài sự phong phú bên trong. Chứng tá được coi là đích thực khi ta sống điều ta loan báo, có nghĩa là khi khởi đi từ kinh nghiệm bản thân. ĐTC Bênêđictô XVI, trong bài diễn văn đầu tiên dành cho đời sống thánh hiến (Rôma, ngày 10 tháng 12 năm 2005), đề nghị các nữ tu hãy trở thành “chứng nhân của sự hiện diện biến hình của Thiên Chúa”, và thách thức họ hãy trở thành “những ngôn sứ tiên phong”, giống như các vị sáng lập của mình.

4.2. Những diễn đàn của ơn gọi ngôn sứ


a. Từ hoàn cảnh lưu đày

Chúng ta sống trong một thời đại được một vài tác giả so sánh với cuộc lưu đày. Cũng như Israel đã thấy mình mất hết những căn cứ an toàn (đền thờ, nơi Chúa hiện diện), đời sống thánh hiến, đặc biệt ở bên Tây phương, cũng mất đi nhiều điểm quy chiếu và nhường bước cho cuộc tìm kiếm. Cuộc lưu đày cũng giống như một cảm nghiệm tâm linh: “con tìm Chúa, kêu gào, nhưng Chúa biến mất” (Gioan Thánh giá); một cơ hội để lấy lại con đường của thánh hiến và sứ vụ với một niềm hy vọng mới.

Nhiều người mô tả nó như là “loan báo Tin mừng từ ngoài rìa”[13]. Người khác định nghĩa tình trạng mới như là một kinh nghiệm vượt qua[14]: cuộc vượt qua của việc chuyển dời từ “nhà kính” sang thời tiết khắc nghiệt, từ nội vi ra đường trường, nơi mà chúng ta gặp thấy người bên cạnh bị tổn thương, sự vượt qua từ chỗ “chờ người ta đến với mình”, tới chỗ “đi ra để tìm gặp họ”, v.v..[15] Sau cùng, một số người khác nói đến việc Thiên Chúa ẩn mình đứng trước sự đau khổ của loài người. Thiên Chúa ở đâu trong một thế giới đau khổ vì sự vắng mặt của Ngài, vì bao nhiêu hoàn cảnh đau đớn, bất công và nghèo khó?[16]

b. Kiến tạo gia đình

Chúng ta sống trong một thế giới trong đó gia đình trải qua một cuộc khủng hoảng trong khắp mọi lục địa và các nền văn hóa. Khuôn mẫu cổ truyền của gia đình gặp phải một cuộc khủng hoảng ở tất cả các đại lục. Đâu đâu cũng tăng thêm nỗi đau khổ và sự cần thiết có một mái nhà, nơi đón tiếp, nơi lắng nghe. Vì thế, một trong những dấu chỉ mà ngày nay đời sống thánh hiến có thể cung cấp, như là dấu chỉ khiêm tốn và bé nhỏ của Tin mừng, đơn giản là cái nhà: Ước chi ở đâu có các tu sĩ, ở đấy có một căn nhà mở rộng, đón tiếp, huynh đệ, như là dấu chỉ của sự hiệp thông trong Giáo hội (x. VC 41 tt).

Cái nhà, tổ ấm, cộng đoàn cũng là nơi chia sẻ việc đọc lại lịch sử cá nhân và cộng đoàn, nơi chúng ta gặp Đức Giêsu như là người chữa lành những thiếu sót, chia rẽ, thất bại, thành công của chúng ta. Chia sẻ việc đọc lại lịch sử cá nhân, cộng đoàn, hội dòng là nguồn cho sự vui mừng, gặp gỡ Thiên Chúa, khả năng ngôn sứ và truyền giáo.

Trong viễn cảnh đó, một trong những lời mời gọi lớn nhất của đời sống tu sĩ là biết lắng nghe. Lắng nghe Thiên Chúa, lắng nghe Lời của Ngài. Nhưng cũng là lắng nghe thế giới, xã hội, lắng nghe đặc biệt là người nghèo, với những vui buồn của họ, với những hoàn cảnh sinh sống của họ và phẩm giá của họ. Lắng nghe trong nội bộ Giáo hội, lắng nghe các giám mục, lắng nghe các giáo dân mà chúng ta nói về họ khá nhiều, lắng nghe các giáo sĩ giáo phận. Lắng nghe trong các cộng đoàn chúng ta, lắng nghe những người trẻ và người già, những người thuộc thế hệ khác, những người có lý tưởng khác với mình. Việc lắng nghe giả thuyết khả năng tiếp nhận và khiêm tốn, kiên nhẫn và đón tiếp, mở cửa lòng để cho người khác vào cư ngụ. Theo nghĩa này, thông điệp Ecclesiam suam của ĐTC Phaolô VI (1964) vẫn còn giá trị, trong đó chúng ta gặp thấy một thần học về lắng nghe và đối thoại như là yêu sách của việc canh tân.

Trong một thế giới tan vỡ và khát khao tổ ấm, hiệp thông tình huynh đệ, đời sống thánh hiến có thể cống hiến một dấu chỉ Tin mừng tuyệt vời. Từ đó nảy sinh ra một thứ căn tính “ở với”: ở với Đức Giêsu Kitô, ở với Giáo hội, ở với những thân hữu của cộng đoàn và hội dòng, ở với những người nghèo. Trở nên dấu chỉ của sự thông hiệp: đó là một trong những thách đố cho việc loan báo Tin mừng được đặt ra trong thư Novo Millennio Ineunte (số 43).

c. Tình người

Một trong những nhiệm vụ ngôn sứ của đời sống thánh hiến hôm nay là sống tình người, đứng trước những cảnh nô lệ của thế giới hôm nay, vạch trần những ngẫu tượng của văn hóa chúng ta. Một vài ngẫu tượng đó có thể dễ nhận thấy: lợi lộc trước mắt, khoái lạc tức thời, tiêu thụ thái quá và vô trách nhiệm, chủ nghĩa cá nhân, đề cao bản ngã, v.v.. Những ngẫu tượng khác núp bóng dưới một hình dạng an sinh: cái bản ngã như là trung tâm xác định những mục tiêu tối hậu dưới lý tưởng là thể hiện chính mình.

Đời sống thánh hiến có thể mang lại tình người cho văn hóa và xã hội nếu biết đem tình người cho các phần tử của mình. Đây ta thấy có một thách đố lớn, một cuộc đối đầu giữa đức tin và văn hóa, làm thế nào chúng ta định nghĩa phẩm chất của các cơ chế của mình hay là sự thành công của các kế hoạch tông đồ của chúng ta? Nếu chúng ta sử dụng văn hóa kinh doanh và quản trị, chúng ta sẽ rơi vào mạng lưới của những giá trị và ngẫu tượng của chúng: hiệu năng, thành công, mục tiêu đạt được, tiêu chuẩn thị trường. Tất cả những kế hoạch này hoàn toàn đi ngược lại với sự khôn ngoan của các mối phúc thật; nó theo đuổi lợi nhuận thay vì tình nghĩa.

d. Sự khôn ngoan của những dấu chỉ nhỏ bé

Đứng trước biết bao vấn đề trên thế giới, chúng ta có thể làm được gì? Trong Hội nghị quốc tế về đời sống thánh hiến, người ta đã nhấn mạnh tới sự khôn ngoan của những bước nhỏ bé, khiêm tốn nhưng thực tế. Đứng trước những khối lượng khổng lồ của sự dữ phải đối diện, xảy ra nguy cơ là chúng ta coi nhẹ cái bé nhỏ, và muốn đi tìm các giải pháp vĩ mô. Nhưng đây không phải là con đường của Chúa Cha giàu lòng từ ái. Hơn nữa, điều mà chúng ta khám phá trong lịch sử cứu độ là Thiên Chúa hoạt động qua những cái bé nhỏ: Ngài đã chọn một dân tộc bé nhỏ là Israel (Đnl 7,7); và ủy thác chương trình cho một nhóm còn sót lại của dân này, lại càng bé nhỏ hơn nữa.

Chúng ta được kêu mời hãy làm những bước bé nhỏ mà thực tế, làm dấu chỉ khiêm tốn nhưng sống động. Các phép lạ là những dấu chỉ của Nước Trời. Chúa Giêsu không tổ chức một chế độ bảo hiểm xã hội cho toàn thể nước Palestina, nhưng đã biểu lộ qua một vài dấu chỉ rằng Triều đại Thiên Chúa đang thể hiện nơi bản thân của Người. Ơn cứu độ của Thiên Chúa bùng phát nơi cuộc chiến thắng của Đức Giêsu trên Satan, bệnh tật và cái chết, là những dấu hiệu của Thiên Chúa xa vowfai và và vắng bóng sự cứu độ.

Đi theo con đường đó, đời sống thánh hiến được kêu gọi trưng bày những dấu chỉ của Triều đại Thiên Chúa, trở nên một dấu chỉ của Vương quốc Thiên Chúa bằng chính cuộc đời của mình: để cho ân sủng bộc phát, nảy sinh tình huynh đệ, vui tươi, đón tiếp, quảng đại, thờ lạy, can đảm, ban phát cho không.

e. Phục vụ bác ái: Một trái tim biết nhìn

“Đức tin tác động nhờ đức ái” (Gl 5,6). “Chương trình của người Kitô hữu – chương trình của người Samari nhân hậu, chương trình của Đức Giêsu – là một trái tim biết nhìn. Trái tim biết nhìn thấy ở đâu cần đến tình yêu và hành động để đáp ứng” (Deus caritas est, 31b).

Con người luôn cần cái gì hơn là sự chăm sóc kỹ lưỡng về kỹ thuật. Họ cần đến tình người. Họ cần đến sự quan tâm chân thành. Những ai làm việc trong những tổ chức bác ái của Hội Thánh phải nổi bật bởi vì họ không chỉ đáp ứng những yêu cầu trước mắt, nhưng họ hiến mình cho người khác với sự quan tâm chân thành, bằng cách giúp người khác cảm nghiệm sự phong phú của nhân tính họ. Vì thế, thêm vào việc đào tạo chuyên môn cần thiết, những người làm bác ái cần được “đào tạo con tim”: họ cần được dẫn tới gặp Thiên Chúa trong Đức Kitô, Đấng thức tỉnh tình yêu của họ và mở lòng họ ra cho kẻ khác. Như thế, đối với họ, tình yêu tha nhân không còn là một mệnh lệnh áp đặt từ bên ngoài, nhưng là một hệ luận phát xuất từ đức tin, một đức tin trở nên sống động nhờ tình yêu” (Deus caritas est, 31a).

Kết luận: Một bài ca ngợi khen


- Lời nguyện của một linh hồn mê mệt


Bài thơ “Nguồn mạch” và “Bài ca tâm linh” của thánh Gioan Thánh giá kết thúc với một lời ca ngợi khen. Đó là một lời ngợi khen bao trùm toàn thể vạn vật: “Trời và đất là của tôi; các dân tộc là của tôi, những người công chính và những người tội lỗi là của tôi; các thiên thần và thánh mẫu Thiên Chúa cũng như mọi vật là của tôi; chính Thiên Chúa là của tôi, cho tôi, bởi vì Đức Kitô là của tôi, cho tôi” (Oración de alma enamorada, 27).

Đó là lời ngợi khen ái ân phát sinh từ một cuộc sống sung mãn trong đó thế giới tự nhiên được kết nạp với vẻ đẹp thần linh và phát sinh một bài ca vui tươi và hy vọng. Đó là chứng tá huyền bí – ngôn sứ mà thời nay người ta mong đợi nơi đời sống thánh hiến. Đời sống thánh hiến, thu nhận cho mình “những vui mừng và hy vọng” của gia đình nhân loại, phải trở nên một “bài ca”, một cuộc sống của “vẻ đẹp”, của “hân hoan” để ngợi khen Thiên Chúa. Và như là một hệ luận của đức tin, của việc tin mà đi theo Chúa Giêsu. Một đời tu buồn rầu thì chẳng có tương lai nào hết.

- Cảm nghiệm lễ hội: niềm vui nội tâm và mở ra với tha nhân


Cảm nghiệm huyền bí là một cảm nghiệm lễ hội. Thiên Chúa tự thông ban mình trong niềm vui của cuộc sống, trong hân hoan, trong bầu da chứa rượu mới (Mt 9,17), những cảm nghiệm lễ hội và vui mừng, hân hoan và bình thản nội tâm là những cảm nghiệm cơ bản. Niềm vui của đời sống là nền tảng của kinh nghiệm mà thánh Gioan Thánh giá đã trải qua. Niềm vui này được truyền đạt không những qua các bài thơ diễn tả kinh nghiệm của mình, mà còn qua hành trình tâm linh được vạch ra trong các tác phẩm. Trung tâm của nó không phải là huyền bí, đau khổ, hy sinh hoặc từ bỏ (tuy dù nó là thành phần của con đường), nhưng là huyền bí của kết hiệp hôn nhân và vui tươi, trong đó đêm tối soi sáng những bóng đêm của chúng ta: “Đêm tối hồng phúc” (N 2,9,1). “Đêm tối” là một “sự hiện diện âu yếm của Thiên Chúa trong linh hồn” (N 2,5,1), khai mào một tiến trình giải thoát và chữa lành, một cuộc biến đổi sâu xa; đó là một hành trình tiến đến một kinh nghiệm mới, khôn tả về niềm vui và tự do.

- Huyền bí của một sự hiện diện trở thành lời ngôn sứ


Đời sống thánh hiến trong tương lai sẽ vui tươi và khiêm tốn, nếu biết sống sự kết hiệp với sự hiện diện của Thiên Chúa mà thánh Gioan Thánh giá đã ca ngợi: Ngài đi ngang qua đây cách vồn vã, tuôn đổ muôn ngàn ơn huệ; và âu yếm nhìn họ, Ngài đã khoác lên vẻ đẹp cho họ (Ca khúc tâm linh, đoạn 5). Đó là sự hiện diện của Thiên Chúa trong tạo dựng và lịch sử, hiện diện sống động và cá vị, hiện diện trong bí tích, đặc biệt là Thánh Thể, hiện diện nơi những người nghèo, hiện diện trong sứ vụ, hiện diện nơi các anh em chị em trong hội dòng, hiện diện trong Hội thánh, hiện diện trong việc cầu nguyện và đọc Lời Chúa, hiện diện trong gia đình nhân loại.

Cảm nghiệm huyền bí về sự hiện diện này mang tính thể hiện theo nghĩa là mang lại một vài hiệu quả và thái độ liên quan đến đời sống thực tế: một niềm vui nội tâm, một tâm tình tích cực và đầy hy vọng đối với bất kỳ điều gì xảy ra, và nhất là một sự dứt bỏ triệt để và mở rộng đến kẻ khác. Đây là cảm nghiệm xác nhận tính chân thực của huyền bí. Lúc ấy, và chỉ lúc ấy mà thôi – cảm nghiệm huyền bí diễn tả thành những “tâm tình bền vững” mang tính tích cực, luôn được nuôi dưỡng bởi niềm vui và tình yêu[17]. Và bấy giờ – và chỉ bấy giờ mà thôi – cảm nghiệm huyền bí mới có ý nghĩa, tức là trở thành ngôn sứ.

Ước gì cảm nghiệm (huyền bí) của sự hiện diện này soi sáng khuôn mặt của niềm hy vọng của chúng ta và tăng thêm động lực sáng tạo cho sứ vụ ngôn sứ của chúng ta.

Thư mục


Aa. Vv., L’expérience de Dieu au sein d’un monde indifférent, Christus 36 (1989) 136-218; Aa. Vv., Dieu dans un monde sécularisé, Ibid. 36 (1989) 136-201; Aa. Vv., L’initiation au mystère chrétien. Retrouver le chemin, Christus 40 (1993) 135-222; Aa. Vv., Présence et absence de Dieu. L’épreuve de l’indifférence, Ibid., 40 (1993) pp. 311-464; Aa. Vv., L’expérience mystique, Christus 41 (1994) 133-213; A. Alvarez Bolado, Mística y secularización. En medio de las afueras de la ciudad secularizada, Sal Terrae, Santander 1993; J. Caillot, La mystique dans les religions. Le Cristianisme exposé, Christus 41 (1994) 147-156; A. De MUNSTZER, Le buisson ardent de la vie quotidienne, Christus 36 (1989) 146-157; J.-C. Eslin, La nouvelle situation religieuse, Christus 47 (2000) 136-144; C. Flipo, Vers un nouveau “sentir” spirituel, Christus 36 (1989) 158-170; T. GOFFI, L’esperienza spirituale oggi, Queriniana, Brescia 1984; A. Guerra, Experiencia cristiana, en Nuevo Diccionario de Espiritualidad, Madrid 1991, pp. 680-688; W. JOHNSTON, Mística para una nueva era, Desclée, Bilbao 2003; Id., Fuego y luz. Mística y teología, Editorial de Espiritualidad, Madrid 2009 (“La mísica de la vida cotidiana”, p. 157-173); J. Y. LACOSTE, Expérience, événement, connaissance de Dieu, Nouvelle Revue Théologique 106 (1984) 854-855; Ph. LéCRIVAIN, Comme à tâtons... Les nouveaux paysages de la mystique, Chritus 41 (1994) 136-145; Trinidad León Martín, Dios presencia ineludible, Proyección 47 (2000) 3-18 (SelTeol 157, 2001, 21-32); H. Madelin, La sécularization nouvelle chance?, Christus 36 (1989) 136-145; J. Marín Velasco, La experiencia de Dios, hoy, Manresa 75 (2003) 3-25; Id., Mística y humanismo, PPC, Madrid 2007; Th. Matura, Les chemins de “l’expérience” de Dieu, Vie Consacrée 74 (2002) 403-414; Th. Merton, La experiencia interna, Cistersium 212 (1998) 785-971; C. MUCCI, La mistica come crocevia del posmoderno, La Civiltà Cattolica 153 (2002) 3-12; B. Secondin, Spiritualità in dialogo. Nuovi scenari dell’esperienza spirituale, Edizioni Paoline, Roma 1997; K.-H. WEGER, Is Gott erfahrbar? Stimmen der Zeit 210 (1992) 33-341 (¿Es posible la experiencia de Dios? SelTeol, 127, 1993, 165-171); Salvador Ros García, La experiencia de Dios en mitad de la vida, Editorial de Espiritualidad, Madrid 2007; JOSÉ María AvendaÑO, Mística en el espesor de la vida, PPC. Madrid 2007; PASCUAL Cebollada (ed.), Experiencia y misterio de Dios, Comillas, Madrid 2009; Aa. Vv., The experience of God today and Carmelite Mysticism. Mystagogy and Inter-Religious and Cultural Dialog, Acts of the Internacional Seminar, Zagreb 2009.

--------
[1] Gần đây, đề tài này đã được khai triển rộng rãi. Xin trưng dẫn vài tựa đề: Aa. Vv., Profetismo, en Dizionario degli Istituti di Perfezione, vol. VII, Edizioni Paoloine, Roma 1983, 972-993; Enzo Bianchi, La vida religiosa, ¿signo profético creíble? Confer 40 (2001) 43-56; Jesús Castellano Cervera, Esigenze odierne di spiritualità: memoria e profezia, in: Aa. Vv., Impegni e testimonianza di spiritualità alla luce della lettera apostolica “Novo millennio ineunte”, Teresianum, Roma 2001, p. 75-197; Carlos Domínguez Morano, Místicos y profetas: dos entidades religiosas, Proyección 48 (2001) 307-328; José María Arnáiz, Místicos y profetas. Necesarios e inseparables hoy, PPC, Madrid 2004; José María González Ruiz, Profetismo, en Nuevo Diccionario de Pastoral, San Pablo, Madrid 2002, p. 1208-1214; José Luis Barriocanal, Diccionario del profetismo bíblico, Monte Carmelo, Burgos, 2004, p. 558-590 (“Profetismo/profetas, hoy”); Mons. Jesús Sanz Montes, Mística y profecía. El hilo de Ariadna de nuestra fidelidad (Editorial), Tabor 3 (2007) 8-11; José Cristo Rey García Paredes, Profecía cultural de la vida religiosa hoy. Nuevos caminos, fuentes y oportunidades, Vida Religiosa 102 (2007) 222-234; A. Arvalli, Vita religiosa come profezia? Le lacrime di una difficile transizione imcompiuta, Credere Oggi 27 (2007) 131-144; Aa. Vv., Palabra y profecía, Vida Religiosa 104 (2008) 85-160 (“Profecía y mística en una sociedad secularizada”, p. 149-160); Jesús Álvarez Gómez, El profetismo de los fundadores y el ministerio profético de sus discípulos, Vida Religiosa 106 (2009) 469-479; Mª Carmen Mariñas, La Consagración contemplativa desde una mística de “ojos abiertos”, Vida Religiosa 107 (2009) 375-379; Albert Nolan, Esperanza en una época de desesperanza, Sal Terrae, Santander 2010 (original inglés: Hope in an Age of Despair, Orbis Books, 2009); với những chương đáng lưu ý (“Teología de carácter profético”, p. 99-111; “El espíritu de los profetas”, p. 113-124; “La vida consagrada como un testimonio profético”, p. 139-147).

[2] “Thiên Chúa thông đạt chính mình cho linh hồn bằng một tình yêu chân thực mà không sự trìu mến âu yếm của người mẹ dành cho con thơ của mình, hoặc tình yêu của anh em hay bạn bè có thể so sánh được” (Bài ca tâm linh 27,1).

[3] X. J.L. Sicre, Profetismo en Israel, Verbo Divino, Estella (Navarra) 1992.

[4] Vì thế, theo thánh Gioan Thánh giá, vào lúc khởi đầu của mọi cảm nghiệm về Thiên Chúa, luôn luôn có một cuộc “xuất hành”, một cuộc “ra đi”, một cảm nghiệm về dứt bỏ triệt để.

[5] Xin mạn phép trích dẫn những bài nghiên cứu của tác giả, và quý vị có thể tìm thấy thư mục dồi dào: Ciro García, Corrientes nuevas de teología espiritual, Studium, Madrid 1971; Id., Teología espiritual contemporánea. Corrientes y perspectivas, Editorial Monte Carmelo, Burgos 2002; Id., La mística del Carmelo, Editorial Monte Carmelo, Burgos 2002; Id., Mística, misterio y teología, Lección inaugural del curso académico 2003-2004, Facultad de Teología del Norte de España, Burgos 2003; Id., Mística en diálogo. Congreso Internacional de Mística. Selección y Síntesis, Editorial Monte Carmelo, Burgos 2004.

[6] G. Uribarri, o.c, p. 305.

[7] [ND] “Diễn đàn” chuyển dịch từ Areopagus trong nguyên bản, một thuật nữ đã được ĐTC Gioan Phaolô II sử dụng trong thông điệp Redemptoris Missio (số 37) để nói về những lãnh vực loan báo Tin Mừng.

[8] K. Rahner, “Espiritualidad antigua y actual” in: Escritos de Teología, VII, p. 25.

[9] H. De Lubac, Lời tựa cho tác phẩm của Ravier (ed.), La mystique et les mystiques, DDB, Paris 1964, p. 24-27.

[10] K. Rahner, Naturaleza y gracia, en Escritos de Teología, IV, p. 215-243.

[11] J. L. Ruiz De La Peña, El don de Dios. Antropología especial, Sal Terrae, Santander 1991, p. 400.

[12] “La experiencia subsistente de Dios no es una experiencia al margen de lo que es la vida cotidiana..., sino la manera de experienciar en toda ella la condición divina en que el hombre subsiste” (X. Zubiri, El hombre y Dios, Fax, Madrid 1984, p. 333).

[13] Santiago Del Cura Elena, A tiempo y a destiempo. Elogio del Dios (in) tempestivo, Facultad de Teología del Norte de España, Burgos 2001.

[14] X. Philip L.Wickeri, Mision from the margins. The Missio Dei in the crisis of World Christianity, International Review of Mission 93 (2004) 182-198.

[15] X. Amelia Beltrán, Radicalidad y tolerancia en la vida religiosa femenina, Pastoral misionera 192 (1994) 20-24.

[16] X. Aa. Vv., ¿Dónde está Dios? Un clamor en la noche oscura, Concilium 242 (1992) 571-697.

[17] “Andar interior y exteriormente como de fiesta y traer un júbilo de Dios grande, como un cantar nuevo, envuelto en alegría y amor” (Llama de amor viva 2,26).
Bài đăng cũ hơn
Bài đăng mới hơn
// -->