Thứ Ba, 15 tháng 10, 2024

TRÌNH THUẬT ƠN GỌI NGÔN SỨ : Bốn sơ đồ thần học

Thời sự Thần học - Số 97, tháng 08 năm 2022, tr. 100-113. 

_Giuse Nguyễn Đình Chiến, O.P._

1. Sơ đồ tương quan giữa vị chỉ huy và người lính
2. Sơ đồ đối thoại giữa ông chủ và đầy tớ trung tín
3. Sơ đồ tương quan giữa quốc vương và vị cố vấn
4. Sơ đồ tương quan giữa vị thầy và học trò (giữa cha mẹ và con cái)

Dẫn nhập


Là một trong những thể loại văn chương ngôn sứ, trình thuật ơn gọi xuất hiện khá nhiều trong Kinh Thánh Híp-ri. Nhìn chung, qua những bản văn này, các ngôn sứ trình bày cho độc giả thấy kinh nghiệm ban đầu trong sứ vụ: lần đầu tiên, ĐỨC CHÚA cất tiếng gọi, và giao phó nhiệm vụ công bố sứ điệp của Người.

Một số trình thuật lấy hình thức một trình thuật thị kiến (Is 6,1-13; Ed 1,1–3,11; 2 V 22,19-22)[1]. Trong một vài trình thuật khác, vị ngôn sứ (hay thủ lãnh) kể lại kinh nghiệm cá nhân về Thiên Chúa, Đấng đã gọi ông (Gr 1,4-10; Xh 3,1-12; Tl 6,11-24). Cũng xuất hiện một hình thức trình thuật được gọi là “câu chuyện ngôn sứ”, không được viết bởi chính vị ngôn sứ, xoay quanh những sự kiện cuộc đời ông (Sa-mu-en: 1 Sm 3,1-18; Ê-li-a: 1 V 19,1-19a; Ê-li-sa: 1 V 19,19b-21).

Mục đích chính của các trình thuật ơn gọi là nhằm chứng minh cho người đương thời biết sứ vụ ngôn sứ là xác thực (chẳng hạn: Am 7,10-17), được lãnh nhận từ nơi ĐỨC CHÚA, cũng như trình bày cho độc giả mọi thời những tư tưởng căn bản của sứ điệp[2]. Tuy nhiên, đỉnh cao của các trình thuật này hệ tại việc cho thấy rằng, ơn gọi ngôn sứ, tiên vàn, là sáng kiến của Thiên Chúa.

Chúng ta sẽ phân tích các bản văn ơn gọi ngôn sứ dựa theo bốn sơ đồ thần học[3].

1. Sơ đồ tương quan giữa vị chỉ huy và người lính


Sơ đồ này nêu bật ơn gọi ngôn sứ như là sáng kiến của Thiên Chúa. Do vậy, nó đòi hỏi sự vâng phục tuyệt đối từ phía người được gọi. Sự vâng phục tuyệt đối phản ánh tính đặc trưng của sơ đồ: trong lãnh vực quân sự, người lính phải tuyệt đối vâng lệnh vị chỉ huy.

Sơ đồ chỉ gồm hai yếu tố: (i) lệnh truyền của vị chỉ huy, và (ii) việc mau mắn thi hành lệnh truyền đó từ phía người lính. Được áp dụng vào trình thuật ơn gọi ngôn sứ, hai yếu tố này được diễn tả như sau:

- Lệnh truyền một sứ vụ. Việc giao phó sứ vụ cho vị ngôn sứ được trình bày đơn giản và vắn gọn với vài động từ ở dạng mệnh lệnh: “(hãy) đi và (hãy) nói”.

- Thi hành lệnh truyền. Trình thuật diễn tả lệnh truyền bằng cách lấy lại chính những động từ được nói trước đó: “đi và nói”. Tuy nhiên, đôi khi, yếu tố này bị thiếu, có lẽ vì, như trường hợp của A-mốt, việc thi hành lệnh truyền không cần thiết, hay thậm chí được hiểu ngậm.
a) Trình thuật ơn gọi của Áp-ra-ham (St 12,1-5)[4]

Lệnh truyền sứ vụ từ nơi Thiên Chúa: “Hãy rời bỏ…, mà đi tới…” (c. 1b). Hai động từ “rời bỏ” và “đi tới” ở dạng mệnh lệnh được truyền cho Áp-ra-ham.

Thi hành lệnh truyền từ phía Áp-ra-ham: “… ra đi…” (c. 4) và “… ra đi và đã tới…” (c. 5).
b) Ơn gọi ngôn sứ của A-mốt (Am 7,14-17)[5]

Dưới dạng văn xuôi, trình thuật nói về nguồn gốc ơn gọi ngôn sứ của A-mốt trong bối cảnh chống đối từ phía tư tế A-mát-gia.

- Lệnh truyền sứ vụ: “Hãy đi (và) tuyên sấm…” (c. 15). Ở đây, có hai động từ mệnh lệnh: “đi” và “nói ngôn sứ (= tuyên sấm)”.

- Việc thi hành lệnh truyền không được trình thuật. Nói cách khác, yếu tố này bị khuyết. Nhưng chúng ta ngầm hiểu sự tồn tại của nó, ít là cách ám tàng trong cc. 16-17: “Giờ đây, hãy nghe lời ĐỨC CHÚA phán…”.
c) Những trình thuật tương tự

- Hô-sê: 1,2-9 và 3,1-5;

- Ê-li-a: 1 V 19,1-19a;

- Giô-na[6]: Gn 1,1-3 và 3,1-3;

Trong hai bản văn ví dụ trên đây, chúng ta không thấy có một sự phản kháng nào từ phía ngôn sứ liên quan đến tiếng gọi của Thiên Chúa. Như vậy, sơ đồ thứ nhất nhấn mạnh đến quyền tối thượng của ĐỨC CHÚA, cũng như vương quyền tuyệt đối của Người trên lịch sử và toàn nhân loại. Chính xác tín này đã khiến người được gọi cảm nhận sự đảm bảo của ĐỨC CHÚA: Người luôn ở gần bên, tựa như vị chỉ huy luôn sát cánh với từng chiến sĩ của mình. Nói cách khác, sơ đồ loại này trình bày một kinh nghiệm đức tin nơi vị ngôn sứ, qua cung cách vâng phục tuyệt đối và tin tưởng hết lòng[7].

2. Sơ đồ đối thoại giữa ông chủ và đầy tớ trung tín


Nếu sơ đồ thứ nhất, như đã nói, không đề cập đến một phản kháng nào từ phía người được gọi, thì sơ đồ thứ hai, tạm gọi là “sơ đồ đối thoại giữa ông chủ và đầy tớ trung tín”, sẽ xem xét khiếm khuyết này. Nói cách khác, tính biện chứng giữa tự do của người được gọi và sáng kiến chọn lựa của Thiên Chúa được biểu lộ ở đây.

Cấu trúc của sơ đồ này gồm nhiều yếu tố phức tạp hơn so với sơ đồ thứ nhất:

- Chỉ định vị ngôn sứ. Thiên Chúa công bố sự chọn lựa của Người đối với người được gọi, và chỉ định ông làm ngôn sứ.

- Phản kháng. Đứng trước sự lựa chọn của Thiên Chúa, một vài ngôn sứ diễn tả sự sợ hãi và kinh khiếp, thậm chí tỏ ra đau khổ. Ông thốt lên lời than khóc, vốn chất chứa trong đó sự phàn nàn và trách móc.

- Sự chuẩn nhận, trước hết, (i) được đánh dấu bởi sự khước từ của Thiên Chúa đối với lời phản kháng của ngôn sứ, xét vì lý do mà ông đưa ra không đủ thuyết phục. Do vậy, (ii) lệnh truyền sứ vụ được công bố cho ông, (iii) kèm theo lời hứa sự trợ giúp.

- Việc tấn phong vị ngôn sứ được thực hiện qua lời nói và hành động cụ thể của Thiên Chúa. Hành động này thường mang tính biểu tượng (một cử chỉ mầu nhiệm), và sẽ được giải thích rõ bằng lời. Và cuối cùng là nội dung sứ vụ.

Tính đối thoại của sơ đồ này được nhận ra qua sự xen kẽ giữa những chỉ dẫn liên quan đến lời của Thiên Chúa và lời của vị ngôn sứ. Theo đó, chúng ta thấy rằng, sơ đồ thứ nhất không thể là một cuộc đối thoại, vì nó chỉ có lệnh truyền và việc thi hành. Trái lại, sơ đồ thứ hai sẽ không có việc thi hành lệnh truyền, vì chính cuộc đời của vị ngôn sứ là bằng chứng cho điều đó. Như vậy, tiếng gọi của Thiên Chúa mở đầu một cuộc đối thoại, trong đó diễn ra việc tranh luận đôi bên.

Như một ví dụ, chúng ta trình bày ơn gọi nơi vị ngôn sứ của chư dân, tức là Giê-rê-mi-a (Gr 1,4-10):

- Cc. 4-5: Giê-rê-mi-a đã được chỉ định “làm ngôn sứ của chư dân” ngay từ khi còn trong lòng mẹ.

- C. 6: Vị ngôn sứ phản kháng, bằng cách trình bày lý do là không biết nói năng và thậm chí còn quá trẻ.

- Cc. 7-8: ĐỨC CHÚA không chấp nhận lý do mà Giê-rê-mi-a đưa ra, và truyền cho ông thi hành sứ vụ (c. 7). Đồng thời, Người hứa sẽ bảo vệ và che chở ông: “Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi” (c. 8).

- Cc. 9-10: Thiên Chúa chạm tay vào miệng Giê-rê-mi-a. Hành động này ám chỉ việc ký thác lời của Người cho ông (c. 9). Từ nay, ông sẽ nói lời của Thiên Chúa, chứ không phải lời của bản thân. Sứ vụ mà ông sẽ thực hiện trước là trừng phạt, và sau là tái thiết (c. 10).

Ở đây, chúng ta nhận ra cấu trúc bốn phần của cuộc đối thoại đôi bên giữa ĐỨC CHÚA và Giê-rê-mi-a, qua những dấu hiệu “lời” mở đầu mỗi phần: “Có lời ĐỨC CHÚA phán với tôi…” (c. 4) – “Nhưng tôi thưa…” (c. 6) – “ĐỨC CHÚA phán với tôi…” (c. 7) – “Rồi ĐỨC CHÚA… và phán…” (c. 9).

Một cách tương tự, với ít nhiều thay đổi, chúng ta có thể áp dụng cấu trúc đối thoại này vào những bản văn ngôn sứ khác:

- St 24,34-48. Sứ vụ của vị lão bộc, đầy tớ của Áp-ra-ham, là lo việc cưới vợ cho I-xa-ác.

- Xh 3,1-12: Trình thuật ơn gọi của Mô-sê.

- Tl 6,11-24: Trình thuật ơn gọi của Ghít-ôn.

- Ed 2,1–3,11: Thị kiến về ơn gọi của Ê-dê-ki-en[8].

- Is 40,1-11: Ơn gọi của I-sai-a đệ nhị.

3. Sơ đồ tương quan giữa quốc vương và vị cố vấn


Trước hết, chúng ta ghi nhận hai đặc điểm quan trọng của sơ đồ này:

- Thiên Chúa được trình bày như một vị Vua ngự trên ngai, giữa triều thần thiên quốc. Vị ngôn sứ được dẫn vào tham dự công hội của Người, vừa tham vấn vừa trả lời. Chư vị đưa ra những quyết định liên quan đến toàn thể vũ trụ và lịch sử nhân loại.

- Vị ngôn sứ được mời tham dự một kế hoạch cao cả. Ở đây, ông hoàn toàn tự do biểu lộ sự mong muốn hay từ khước; không có sợ hãi hay trách móc. Đứng trước kế hoạch cao cả, vượt quá khả năng, được giao phó cho mình, ông đã can đảm đón nhận. Điều này cho thấy, nơi ông, ẩn chứa một niềm vui khôn tả và lòng tín thác chân thành.

Tiếp đến là những yếu tố chung của sơ đồ:

- Công hội của Thiên Chúa. Đây là một thị kiến về ĐỨC CHÚA, Đấng ngự trên ngai, được bao quanh bởi triều thần thiên quốc.

- Tìm kiếm người tiên phong, qua câu hỏi “ai?”, sẽ thi hành sứ vụ.

- Một thành viên đề nghị chính mình: “Này, tôi đây!”.

- Một cuộc đối thoại yêu cầu những giải thích và trả lời.

- Lệnh truyền sứ vụ: “Hãy đi… Ta sai ngươi… và ngươi hãy nói”.

Khía cạnh đối thoại cũng xuất hiện trong sơ đồ này, và có thể được triển khai qua những yêu cầu giải thích và trả lời. Hơn nữa, trong một vài trường hợp, yếu tố thứ nhất cũng bao hàm một cảm thức về tính bất xứng nơi vị ngôn sứ, và như vậy, cần thiết phải có một sự thanh tẩy tương ứng (x. Is 6,1-13).

Như một ví dụ, chúng ta phân tích trình thuật về thị kiến của ngôn sứ Mi-kha-giơ-hu, con ông Gim-la (1 V 22,19-22 // 2 Sb 18,18-21):

- Công hội của Thiên Chúa (c. 19): Vị ngôn sứ thấy ĐỨC CHÚA ngự trên ngai của Người (như một vị Vua), và hai bên tả hữu có toàn thể đạo binh thiên quốc (như các cố vấn). Dường như ông không có mặt trong công hội này (x. c. 21).

- Tìm kiếm người tiên phong (c. 20): ĐỨC CHÚA tham vấn công hội để tìm một vị thi hành sứ vụ.

- Một vị đề nghị chính mình (c. 21a): Thần khí ngôn sứ đề nghị tự đảm nhận sứ vụ. Vị ngôn sứ ra như không tham dự công hội, mà chỉ thị kiến những gì đang diễn ra, và nhận thức rằng, mình được trao phó sứ vụ.

- Cuộc đối thoại (cc. 21b-22a) diễn ra giữa ĐỨC CHÚA và thần khí. Người hỏi thần khí cách thức để dụ A-kháp. Và thần khí cho biết cách thức để thực hiện sứ vụ.

- Lệnh truyền sứ vụ (c. 22b): ĐỨC CHÚA chấp nhận cách thức thực hiện sứ vụ mà thần khí đề nghị, và Người phán quyết rằng, sứ vụ sẽ thành toàn. Sau cùng là lệnh truyền được công bố: “Cứ đi và làm như thế”.

Chúng ta có ba nhận xét về trình thuật này. Trước hết, một vài yếu tố của sơ đồ thứ nhất xuất hiện ở đây: (i) “hãy đi” để thực hiện sứ vụ (“và làm”); (ii) lời hứa đảm bảo sự thành công ám chỉ rằng, Thiên Chúa hiện diện kề bên (thần khí). Tiếp đến, không phải vị ngôn sứ hiện diện trong công hội mà là thần khí ngôn sứ. Sau cùng, theo nghĩa chặt, đây không phải là một trình thuật ơn gọi (= không phải lần gọi đầu tiên), nhưng là một sứ vụ đặc biệt trong cuộc đời vị ngôn sứ.

Thuộc nhóm sơ đồ thứ ba này, ngoài 1 V 22,19-22, chúng ta còn có thêm:

- Is 6,1-13: Thị kiến ơn gọi của I-sai-a;

- Ed 1,1–3,11: Thị kiến ơn gọi của Ê-dê-ki-en.

4. Sơ đồ tương quan giữa vị thầy và học trò (giữa cha mẹ và con cái)


Các trình thuật ơn gọi ngôn sứ thuộc sơ đồ loại này khá đặc biệt: ơn gọi ngôn sứ cần đến sự trợ giúp của một trung gian (vị thầy / cha mẹ). Trung gian này, với vai trò đồng hành thiêng liêng, có kinh nghiệm trong việc giúp người khác (học trò / con cái) biện phân ơn gọi[9]. Vả lại, các trình thuật còn phản ánh bối cảnh gia đình và trường lớp. Như một ví dụ, chúng ta đơn cử trường hợp ơn gọi của Sa-mu-en (1 Sm 3,1-21).

Trình thuật được chia thành ba phần. Bên cạnh những yếu tố chung với nhau, còn có các yếu tố riêng:

§ ĐỨC CHÚA gọi Sa-mu-en lần thứ nhất, ông không nhận ra (cc. 4-5)

- ĐỨC CHÚA gọi Sa-mu-en (c. 4a).

- Ông đáp lời lần thứ nhất (c. 4b).

- Nhưng ông nhanh chóng chạy đến với Ê-li (c. 5a).

- Ê-li bảo ông trở về chỗ ngủ (c. 5b).

→ Có một thái độ mau mắn vâng phục nơi trẻ Sa-mu-en.

§ ĐỨC CHÚA gọi Sa-mu-en lần thứ hai, ông vẫn không nhận ra (cc. 6-7)

- ĐỨC CHÚA gọi Sa-mu-en (c. 6a).

- Không có tiếng đáp lời (như lần thứ nhất).

- Nhưng ông nhanh chóng chạy đến với Ê-li (c. 6b).

- Ê-li bảo ông trở về chỗ ngủ (c. 6c).

→ Tại sao ở đây không có tiếng đáp lời của Sa-mu-en (x. c. 4b)?

§ ĐỨC CHÚA gọi Sa-mu-en lần thứ ba, thật sự ông vẫn chưa nhận ra (cc. 8-9)

- ĐỨC CHÚA gọi Sa-mu-en (c. 8a).

- Cũng không có tiếng đáp lời.

- Nhưng ông nhanh chóng chạy đến với Ê-li (c. 8b).

- Lần này, Ê-li nhận ra ơn gọi của Sa-mu-en (c. 8c). Ông bảo Sa-mu-en trở về chỗ ngủ, và chỉ dẫn thái độ sẵn sàng “lắng nghe” (c. 9).

§ ĐỨC CHÚA gọi Sa-mu-en lần cuối, và ông nhận ra tiếng Người gọi (cc. 10-18)

- ĐỨC CHÚA xuất hiện, và cất tiếng gọi Sa-mu-en (c. 10a).

- Ông đáp lời và sẵn sàng lắng nghe (c. 10b).

- Lệnh truyền sứ vụ (cc. 11-14). ĐỨC CHÚA hạch tội Ê-li cũng như các con ông, và như vậy, Người sẽ trừng phạt họ. Đây là sứ điệp mà Sa-mu-en phải công bố (“Ngươi sẽ nói với nó”)[10].

- Thi hành lệnh truyền (cc. 15-18). Mặc dù sợ hãi, nhưng Sa-mu-en không hề phản kháng về sứ vụ của mình (c. 15). Ông biết lắng nghe với sự hồn nhiên và vui vẻ (c. 16). Hơn nữa, ông có sự đảm bảo che chở của ĐỨC CHÚA (x. c. 19).

Ở đây, Sa-mu-en được “gọi” 4 lần (cc. 4.6.8.10). Trong ba lần đầu, cậu không nhận ra tiếng Thiên Chúa gọi (c. 7), vì còn là một đứa trẻ chưa có kinh nghiệm (c. 1). Điều này giả thiết rằng, để có thể nhận ra tiếng gọi của Thiên Chúa, cậu cần một sự hướng dẫn khởi đầu. Nói cách khác, vị ngôn sứ cần đi đến trường lớp, để học cho biết cách “lắng nghe” tiếng Thiên Chúa, và rồi, để có thể trưởng thành trong sự hiểu biết Người (x. 3,19). Rõ ràng, tư tế Ê-li đóng vai trò của vị thầy / của cha mẹ đối với trẻ Sa-mu-en (cc. 5b.6b.8b-9), để cuối cùng, giúp cậu nhận ra được ơn gọi ngôn sứ của mình (c. 10).

Cách nào đó, sơ đồ này giống với sơ đồ thứ nhất và thứ ba, qua những yếu tố sau đây: (i) không có sự phản kháng, và như vậy, nó diễn tả sự tin tưởng vững vàng; (ii) lệnh truyền sứ vụ và thi hành lệnh truyền; (iii) một cuộc gặp gỡ và đối thoại liên vị.

Thuộc nhóm sơ đồ loại này, chúng ta còn có thêm trình thuật ơn gọi ngôn sứ của Ê-li-sa (1 V 19,19b-21)[11], trong đó, ơn gọi của ông được thực hiện qua trung gian ngôn sứ Ê-li-a, theo lệnh truyền của ĐỨC CHÚA (c. 16). Và như vậy, sáng kiến của lời mời gọi vẫn là bắt nguồn từ Thiên Chúa.

Đoạn này được cấu trúc với những yếu tố phần nào tương tự:

- Ê-li-sa được chọn qua dấu chỉ tấm áo choàng (c. 19b).

- Ông đón nhận sứ vụ ngôn sứ với một lời cầu xin (c. 20a).

- Ê-li-a đáp lời bằng việc từ chối (c. 20b).

- Bữa tiệc thánh hiến (c. 21a).

- Ê-li-sa đi theo và phục vụ Ê-li-a (c. 21b).

Kết luận


Sứ vụ chung của các ngôn sứ là sứ vụ lời, đúng như định nghĩa của hạn từ “ngôn sứ”: kẻ nói thay Thiên Chúa. Trong tư cách sứ giả, mỗi ngôn sứ, theo cách thức riêng mình, được Thiên Chúa chọn gọi để thi hành lệnh truyền của Người.

Bốn sơ đồ thần học về ơn gọi ngôn sứ đã phản ánh khẳng định này. Với sự khác biệt hơn kém nội dung giữa bốn sơ đồ thần học, chúng ta rút ra một kết luận xét theo quan điểm của Thiên Chúa và theo khía cạnh ngôn sứ.

- Thiên Chúa luôn là Người khởi xướng ơn gọi ngôn sứ: chính Người cất tiếng gọi một ai đó làm ngôn sứ cho Người. Sự lựa chọn của Người là một mầu nhiệm: nó không phụ thuộc năng lực đáp ứng từ phía con người, mà chỉ đơn giản là để nói lời Thiên Chúa truyền dạy. Bởi đó, điều Thiên Chúa đòi hỏi nơi vị ngôn sứ là sự vâng phục tuyệt đối và trung thành với sứ vụ. Theo nghĩa này, Người đóng vai trò như vị chỉ huy, ông chủ, vương đế, và thầy dạy.

- Đối với bản thân vị ngôn sứ, ngoài việc đáp lời trong niềm tín thác trọn vẹn, ông cũng hoàn toàn tự do để đón nhận sứ vụ, mặc dù vẫn không thiếu những sợ hãi, do dự, và khước từ. Trong trường hợp cuối cùng này, vị ngôn sứ đối thoại với Thiên Chúa, để tìm được một lời giải thích thỏa đáng. Nhưng ngay cả khi thiếu vắng sự đối thoại, như trường hợp của Giô-na chẳng hạn, ông vẫn có đầy đủ tự do của mình. Trong ý nghĩa đó, tương ứng với những vai trò khác nhau của Thiên Chúa, vị ngôn sứ sẽ đóng vai trò của người lính, đầy tớ trung tín, vị cố vấn, và môn sinh mau mắn “lắng nghe”.

Chúng ta có thể nói một cách tích cực rằng, mỗi sơ đồ thần học đều cho thấy một kinh nghiệm độc đáo và mới mẻ dành cho chính vị ngôn sứ, và cho mỗi độc giả mọi thời. Kinh nghiệm đó sẽ mở ra cho tất cả chúng ta một hành trình mới trong đời sống đức tin!

Thư mục tham khảo

  • Angelo de Lacy, J.M., I libri profetici (Introduzione allo studio della Bibbia 4; Brescia: Paideia, 1996).
  • Habel, N., “The Form and Significance of the Call Narratives”, Zeitschrift für die alttestamentliche Wissenschaft 77 (1965) 297-323.
  • Lindblom, J., Prophecy in Ancient Israel (Oxford: Basil Blackwell, 1962).
  • Marconcini, B. và tgk., Profeti e apocalittici (Logos. Corso di Studi Biblici 3; Leumann, TO: Elledici, 22007).
  • Mello, A., La passione dei profeti: Temi di spiritualità profetica (Spiritualità biblica; Comunità di Bose, Magnano [Biella]: Edizioni Qiqajon, 2000).
  • Ramlot, L., “Prophétisme”, Dictionnaire de la Bible. Supplément VIII, bt. L. Pirot và tgk. (Paris: Letouzey & Ané, 1972) 973-987.
  • Rofé, A., Introduzione alla letteratura profetica (Studi Biblici 111; Brescia: Paideia, 1995).
  • Sicre, J.L., Profetismo in Israele. Il Profeta – I Profeti – Il Messaggio (Roma: Borla, 1995).
  • Sweeney, M.A., Isaiah 1–39: With an Introduction to Prophetic Literature (The Forms of the Old Testament Literature 16; Grand Rapids, MI – Cambridge, UK: William B. Eerdmans, 1996).
  • Vogels, W., “Les récits de vocation des prophètes”, Nouvelle Revue Theologique 105 (1973) 3-24.
[1] Một vài ký hiệu trong bài viết được quy định như sau: c. / cc. (câu / các câu), x. (xem), dg. (dịch giả). Về bản dịch Việt ngữ và những ký hiệu các sách Kinh Thánh, x. Kinh Thánh: ấn bản 2011, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (Hà Nội: Tôn Giáo, 2017).
[2] X. J.L. Sicre, Profetismo in Israele: Il Profeta – I Profeti – Il Messaggio (Roma: Borla, 1995) 118.
[3] Những yếu tố của bốn sơ đồ thần học được dựa theo W. Vogels, “Les récits de vocation des prophètes”, Nouvelle Revue Theologique 105 (1973) 3-24. Chúng ta xem thêm N. Habel, “The Form and Significance of the Call Narratives”, Zeitschrift für die alttestamentliche Wissenschaft 77 (1965) 297-323.
[4] Để triển khai thêm tình tiết này, chúng ta có thể lấy đoạn St 12,1-9. Việc mở rộng như vậy là được phép, xét theo khía cạnh nội dung và phương pháp tu từ (động từ “đi” xuất hiện ở cc. 1.4 [2 lần].5.9).
[5] Am 7,14-19 tự thân làm thành một đơn vị văn xuôi duy nhất của sách Am. Do vậy, thông thường, toàn bộ bản văn sẽ được phân tích một trật. Tuy nhiên, để giới hạn bản văn chặt chẽ hơn theo sơ đồ ơn gọi ngôn sứ, chúng ta có thể chỉ chọn Am 7,14-17 với dấu hiệu tu từ “tuyên sấm” (cc. 15.16) và cấu trúc lời sấm xét xử (cc. 16-17). Ý tưởng của Am 3,8 sẽ giúp độc giả hiểu thêm về sức mạnh mầu nhiệm của tiếng Thiên Chúa mời gọi một người nào đó làm ngôn sứ, và người này ra như không thể “cưỡng lại” được.
[6] Hai trình thuật ơn gọi của ngôn sứ Giô-na được xếp vào sơ đồ thứ nhất, vì xuất hiện hai yếu tố đòi hỏi. Tuy nhiên, độc giả biết rõ rằng, vị ngôn sứ không muốn đi rao giảng ơn sám hối cho thành Ni-ni-vê (phù hợp với ý tưởng “phản kháng” của sơ đồ thứ hai). Do vậy, ở đây, để phục vụ cho việc phân tích Gn 1,1-3 và 3,1-3, tùy theo mức độ, chúng ta có thể mở rộng thêm bản văn, dựa theo cấu trúc hai phần tương ứng 1,1–2,11 và 3,1–4,11.
[7] X. W. Vogels, “Les récits de vocation des prophètes”, 6-7.
[8] Liên quan đến ơn gọi của Ê-dê-ki-en, giữa các nhà chú giải, có hai nhóm ý kiến. Đại diện nhóm thứ nhất, W. Zimmerli (Ezekiel 1: A Commentary on the Book of the Prophet Ezekiel, Chapters 1–24 [Hermeneia; Philadelphia, PA: Fortress, 1979] 90) coi 1,1–3,11 như một đơn vị văn chương duy nhất nói về ơn gọi này. Trái lại, P. Auvray (“Ezéchiel 1-3. Essai d’analyse littéraire”, Revue Biblique 67 [1960] 481-502), đại diện nhóm thứ hai, chia đơn vị thành hai đoạn, lần lượt đề cập đến hai trình thuật ơn gọi của vị ngôn sứ: trình thuật thứ nhất (1,1-28) và trình thuật thứ hai (2,1–3,11). Trình thuật thứ hai được xây dựng theo sơ đồ thần học đang bàn.
[9] Kinh Thánh Híp-ri có ít trình thuật ơn gọi ngôn sứ thuộc loại này. Tuy nhiên, tính đặc thù của nó được thừa nhận nhiều hơn vào thời hậu Kinh Thánh, cả trong truyền thống Híp-ri lẫn Ki-tô giáo, đặc biệt trong đời sống đan tu.
[10] Khi xem xét c. 13a, người ta đề nghị sửa “Ta báo cho nó” thành “Ngươi sẽ bảo nó”. X. R.W. Klein, 1 Samuel (Word Biblical Commentary 10; Dallas, TX: Word, 1983) 30.
[11] X. A. Mello, La passione dei profeti: Temi di spiritualità profetica (Spiritualità biblica; Comunità di Bose, Magnano [Biella]: Edizioni Qiqajon, 2000) 114-115.