THẦN HỌC VỀ NGÔN SỨ KITÔ GIÁO

Thời sự Thần học - Số 97, tháng 08 năm 2022, tr. 133-152. 

_Joseph Ratzinger_ 

Đây là bài phỏng vấn mà Đức Hồng y Joseph Ratzinger, khi còn là Tổng trưởng bộ Giáo lý – Đức tin, dành cho giáo sư Niels Christian Hvidt vào năm 1998, chung quanh đề tài “thần học về ơn ngôn sứ trong Kitô giáo”, được đăng trên nguyệt san 30 Giorni (Nº 1 - 1999). Nguồn: “Il problema della profezia cristiana” 

Lời dẫn của người phỏng vấn [1]

Khi nghe nói đến “ngôn sứ”, phần đông các nhà thần học liền liên tưởng đến các ngôn sứ trong Cựu ước, hoặc ông Gioan Tẩy giả. Vì thế, đề tài các ngôn sứ trong Giáo hội ít được quan tâm đến. Thế nhưng lịch sử Giáo hội đã chứng kiến nhiều khuôn mặt ngôn sứ của những vị thánh, đôi khi chỉ được tuyên phong rất muộn. Các ngài đã truyền đạt một sứ điệp, không phải như là lời của họ, nhưng như là Lời xuất phát từ Thiên Chúa.

Đặc trưng của các ngôn sứ là gì? Điều gì phân biệt các ngôn sứ với các mục tử của Giáo hội? Lời mặc khải cho các vị có liên hệ gì với Lời được mặc khải nơi Đức Kitô và được truyền lại cho các tông đồ? Đó là những câu hỏi được đặt ra cho thần học về ngôn sứ Kitô giáo, nhưng chưa được nghiên cứu sâu xa.

Ngay từ năm 1993, Đức Hồng y Joseph Ratzinger đã khẳng định sự cần thiết phải đào sâu một thần học về ngôn sứ hiểu theo Kitô giáo[2]. Vì thế chúng tôi đã xin ngài dành một cuộc phỏng vấn để bàn về ơn ngôn sứ Kitô giáo. Ngày 16 tháng 3 năm 1998, khi đang giữ chức vụ Tổng trưởng bộ Giáo lý– Đức tin, ngài đã nhận lời.

1) Trong mặc khải Cựu ước, lời của ngôn sứ đã mở ra một hướng đi mới cho tiến trình lịch sử và đã đồng hành trên con đường ấy. Đâu là vai trò của ngôn sứ trong đời sống của Hội thánh, thưa Đức Hồng y?


Trước hết, chúng ta nên dừng lại một chút để tìm hiểu ý nghĩa của ngôn sứ trong Cựu ước. Cần phải xác định thế nào là ngôn sứ ngõ hầu tránh những hiểu lầm. Ngôn sứ không phải là người tiên đoán tương lai. Ngôn sứ là người nói sự thật bởi vì ông tiếp xúc với Thiên Chúa, nghĩa là ông nói lên sự thật có giá trị cho ngày hôm nay, và dĩ nhiên là nó cũng soi sáng cho tương lai. Vì thế, vấn đề không phải là tiên đoán tương lai với tất cả mọi chi tiết, nhưng là làm cho sự thật của Thiên Chúa hiện diện vào lúc ấy, và tỏ cho thấy con đường phải theo. Đối với dân Israel, lời của ngôn sứ có một chức năng đặc biệt, đó là hướng đức tin của họ về tương lai. Vì thế lời của ngôn sứ mang hai đặc trưng: một đàng nó yêu cầu được lắng nghe và tuân hành, tuy vẫn còn là lời của con người; đàng khác nó dựa trên niềm tin và gắn liền với chính cơ cấu của dân Israel, cách riêng là về niềm mong đợi. Cũng cần thêm rằng ngôn sứ không phải là kẻ loan báo mạt thế[3], mặc dù xem ra cũng giống nhau, nhưng ngôn sứ không mô tả thực tại cánh chung cho bằng giúp cho dân chúng sống đức tin như là niềm hy vọng. Mặc dù ngôn sứ phải công bố Lời Thiên Chúa như lưỡi gươm sắc bén, nhưng ông ta không chỉ tìm cách chỉ trích sự phụng tự và các định chế. Ông ta luôn ý thức rằng lời Chúa có thể bị hiểu lệch lạc và bị lạm dụng bởi các định chế và ông có nhiệm vụ phải diễn tả những yêu sách của Thiên Chúa, nhưng sẽ là sai lầm nếu chúng ta muốn tạo ra một sự đối kháng giữa các ngôn sứ và Lề luật. Xét vì cả hai đều phát xuất bởi Thiên Chúa, cả hai đều có một chức năng ngôn sứ. Đây là một điều rất quan trọng đối với tôi, bởi nó đưa ta sang Tân ước. Vào cuối sách Đệ-nhị-luật, ông Môsê được giới thiệu như là ngôn sứ, và chính ông cũng tự giới thiệu như vậy. Ông loan báo cho dân Israel: “Thiên Chúa sẽ gửi tới cho đồng bào một ngôn sứ giống như tôi” (Đnl 34,10). Câu hỏi được đặt lên là: “một ngôn sứ giống như tôi” có nghĩa là gì? Theo tôi nghĩ, điều mà Đệ-nhị-luật muốn nhấn mạnh là ông Môsê nói chuyện với Thiên Chúa giống như với một người bạn. Tôi nghĩ rằng cốt lõi của ơn ngôn sứ nằm ở chỗ “diện đối diện với Thiên Chúa”, “đàm thoại với Ngài”. Duy chỉ nhờ cuộc gặp gỡ trực tiếp với Thiên Chúa mà ngôn sứ mới dám lên tiếng trong lịch sử dân Israel.

2) Làm thế nào có thể áp dụng khái niệm ngôn sứ cho Đức Kitô? Có thể gọi Đức Kitô là ngôn sứ không?


Các giáo phụ cho rằng ơn ngôn sứ nói trong sách Đệ-nhi-luật như là một lời hứa về Đức Kitô, và tôi đồng quan điểm như vậy. Ông Môsê nói: “Một ngôn sứ giống như tôi”. Ông đã thông truyền cho Israel Lời của Chúa và đã tạo nên một dân tộc của Lời, và nhờ “diện đối diện với Thiên Chúa, ông đã chu toàn sứ mạng ngôn sứ bằng cách đưa con người đến gặp gỡ Thiên Chúa. Tất cả các ngôn sứ khác cũng đi theo khuôn khổ ngôn sứ ấy, và không ngừng giải thoát luật Môsê khỏi sự cứng nhắc và biến đổi nó thành con đường sự sống. Do đó ông Môsê đích thực và cao cả là Đức Kitô, Đấng thực sự sống “diện đối diện” với Thiên Chúa, bởi vì là Con của Thiên Chúa. Trong bối cảnh này, giữa Đệ-nhị-luật và Đức Kitô ta thấy có một điều rất quan trọng để hiểu rõ sự hợp nhất của hai Giao ước. Đức Kitô là ông Môsê đích thực và vĩnh viễn đã thực sự sống “diện đối diện” với Thiên Chúa bởi vì là Con Thiên Chúa. Người không những dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa nhờ Lời và Lề luật, mà còn kết nạp chúng ta vào với Người nhờ sự sống và cuộc khổ nạn của Người; và nhờ cuộc Nhập thể, Người đã làm cho chúng ta trở nên Nhiệm thể của Người. Điều này có nghĩa là, trong Tân nước, ơn ngôn sứ đã hiện diện ngay từ cội rễ. Nếu Đức Kitô là Ngôn sứ vĩnh viễn bởi vì là Con Thiên Chúa, thì chính trong sự hiệp thông với Chúa Con mà chiều kích Kitô và ngôn sứ của Tân ước được khai mào.

3) Theo Đức Hồng y, chúng ta phải nghĩ điều này như thế nào trong Tân ước? Với cái chết của vị tông đồ cuối cùng, phải chăng thời kỳ ngôn sứ đã kết thúc rồi?


Thực ra, đã có một luận đề theo đó sự kết thúc sách Khải huyền đã chấm dứt mọi thứ ngôn sứ. Theo tôi nghĩ, luận đề này chứa đựng hai sự hiểu lầm. Trước hết, đàng sau luận đề này, có lẽ người ta cho rằng bản tính của ơn ngôn sứ mang chiều kích hy vọng, và vì thế không còn lý do hiện hữu nữa, bởi vì niềm hy vọng nhắm đến Đức Kitô và Người đã đến rồi. Đó là một điều sai lầm, bởi Đức Kitô đã đến trong xác phàm và đã phục sinh “trong Thánh Thần”. Sự hiện diện mới mẻ của Đức Kitô trong lịch sử, trong Lời, trong đời sống Hội thánh, trong tâm hồn của mỗi người, là sự biểu lộ và cũng là khởi điểm của việc Người sẽ đến vĩnh viễn để chiếm hữu tất cả và trong tất cả. Điều này có nghĩa là Kitô giáo tự nó là một sự chuyển động bởi vì hướng tới việc gặp gỡ Đức Kitô là Đấng đã phục sinh, đã lên trời và sẽ trở lại. Và đây là lý do vì sao Kitô giáo luôn mang trong mình cơ cấu của niềm hy vọng. Bí tích Thánh Thể vốn được quan niệm như là một chuyển động về phí chúng ta đến gặp Đức Kitô đang đến. Thánh Thể cũng kết nạp toàn thể Hội thánh. Quan điểm cho rằng Kitô giáo là một sự hiện diện hoàn toàn đầy đủ và không còn mang cơ cấu của hy vọng là một điều sai lầm cần phải loại bỏ. Tân ước có một cơ cấu hy vọng tuy có thay đổi nhưng vẫn là một cơ cấu hy vọng. Việc phục vụ niềm hy vọng là một điều cốt yếu đối với đức tin của dân mới của Thiên Chúa. Điều sai lầm thứ hai ở chỗ coi Mặc khải như là một kho tàng những chân lý mặc khải đã hoàn bị và không thể thêm điều gì nữa. Biến cố mặc khải đích thực nằm ở chỗ chúng ta được mời gọi đến chỗ “diện đối diện” với Thiên Chúa. Cốt yếu của mặc khải là một Thiên Chúa trao ban mình cho chúng ta, kiến tạo cùng với chúng ta, và quy tụ tất cả chúng ta lại với nhau. Mặc khải là một cuộc gặp gỡ mang một chiều kích thông đạt và một cơ cấu tri thức. Điều này hàm ngụ rằng có những chân lý được mặc khải. Nếu hiểu Mặc khải theo nghĩa này, thì có thể nói được Mặc khải đã đạt được mục tiêu nơi Đức Kitô, bởi vì, theo như thánh Gioan Thánh giá đã diễn tả, một khi Thiên Chúa đã đích thân nói thì không thể thêm điều gì mới nữa[4]. Thiên Chúa không thể nói thêm gì khác ngoài chính Ngôi Lời. Người đã ở giữa chúng ta cách trọn vẹn rồi, nên không thể nói gì, không thể ban gì hơn chính bản thân của Người. Về phía chúng ta, chỉ còn việc đi sâu vào mầu nhiệm đức tin này, bởi vì là Kitô hữu, chúng ta đã nhận lãnh Thiên Chúa trao tặng toàn thân nơi Ngôi Lời nhập thể. Điều này đưa chúng ta đến cơ cấu của hy vọng. Việc Đức Kitô đến trần gian là khởi đầu của một sự hiểu biết sâu xa hơn và một sự khám phá điều mà Ngôi Lời đã ban tặng cho chúng ta. Như thế, một cách thức mới được mở ra để đưa con người đến Chân lý toàn vẹn, như Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng thánh Gioan, khi đề cập đến Thánh Linh sắp đến (Ga 16,13). Tôi cho rằng Kitô-luận thần-khí của bài diễn từ tạm biệt của Chúa Giêsu trong Tin Mừng thánh Gioan rất quan trọng đối với vấn đề chúng ta đang bàn (x. Ga 16,5 tt). Cuộc đời dương thế của Đức Giêsu chỉ mới là bước đầu. Việc Chúa đến thực sự được thể hiện khi Người không còn bị ràng buộc vào một nơi cố định hoặc một thân thể vật lý, nhưng như là Đấng Phục sinh trong Thần khí có khả năng đến với tất mọi thời, ngõ hầu dẫn đưa họ đến chân lý mỗi lúc một sâu xa hơn. Tôi nghĩ rằng Kitô-luận thần khí này là đặc trưng của thời Hội thánh, nghĩa là thời mà Đức Kitô đến với chúng ta trong Thần khí – yếu tố ngôn sứ, như là yếu tố của niềm hy vọng và hiện thực hồng ân Thiên Chúa, là điều mà sẽ không bao giờ có thể thiếu được.

4) Nếu vậy thì câu hỏi như thế này: yếu tố ngôn sứ hiện diện bằng cách nào, và thánh Phaolô nói gì về điều này?


Nơi thánh Phaolô, đã rõ là hoạt động tông đồ của ngài mang tính phổ quát, hướng đến thế giới dân ngoại, cũng bao gồm yếu tố ngôn sứ. Nhờ cuộc gặp gỡ Đức Kitô phục sinh, thánh Phaolô đã có thể đào sâu mầu nhiệm Phục sinh và chiều sâu của Tin Mừng. Nhờ cuộc gặp gỡ Đức Kitô, ngài đã có thể hiểu Lời của Chúa một cách mới mẻ, nêu bật khía cạnh hy vọng và cho thấy khả năng phân định. Làm tông đồ như thánh Phaolô là hiện tượng có một không hai. Thử hỏi điều gì xảy ra trong Hội thánh sau khi kết thúc thời các tông đồ? Để trả lời câu hỏi này, có một đoạn quan trọng trong thư gửi Êphêsô trong đó ngài viết rằng: Giáo hội được xây dựng trên “các tông đồ và các ngôn sứ” (Ep 1,23; x. Ep 4,10). Trước đây, đoạn này được hiểu về mười hai thánh tông đồ và các ngôn sứ của Cựu ước. Khoa chú giải ngày nay cho biết rằng hạn từ “tông đồ” cần được hiểu theo nghĩa rộng hơn, và hạn từ “ngôn sứ” được hiểu về các ngôn sứ của Hội thánh. Ở chương 12 của thư thứ nhất gửi Côrintô, chúng ta biết rằng các ngôn sứ thời bấy giờ được tổ chức như phần tử của một tập đoàn. Điều này cũng được nói tới trong sách Điđakhê, điều này có nghĩa rằng tập đoàn này vẫn còn hiện hữu vào lúc tác phẩm này được biên soạn. Về sau tập đoàn này bị tan rã, và chắc hẳn là điều này không do ngẫu nhiên, bởi vì Cựu ước cho thấy rằng chức vụ ngôn sứ không thể nào trở thành một thể chế, bởi vì sự chỉ trích của các ngôn sứ không chỉ nhắm tới các tư tế mà còn nhắm đến các ngôn sứ thuộc về thể chế nữa . Điều này khá rõ nơi sách ngôn sứ Amos, khi ông này chống lại các ngôn sứ của vương quốc Israel. Các ngôn sứ tự lập thường lên tiếng chống lại các ngôn sứ thuộc về tập đoàn, bởi vì Thiên Chúa cảm thấy rảnh tay để hoạt động nơi những ngôn sứ tự lập hơn là nơi các hình thức ngôn sứ đã trở thành thể chế. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng ơn ngôn sứ tồn tại nơi cả hai hình thức, như đã xảy ra trong suốt lịch sử Giáo hội. Cũng như các tông đồ cũng là ngôn sứ, cần phải nhận rằng trong tập đoàn tông đồ trở thành thể chế luôn luôn có một đặc tính ngôn sứ. Nhờ vậy, Giáo hội đương đầu với các thách đố nhờ Thánh Linh, Đấng mở ra một cánh cửa để can thiệp vào những giai đoạn then chốt. Lịch sử Giáo hội đã cung cấp cho chúng ta nhiều thí dụ của những nhân vật vĩ đại tựa như thánh Grêgôriô Cả và thánh Augustinô đồng thời cũng là ngôn sứ. Chúng ta có thể kể ra danh tánh của những nhân vật khác cũng là ngôn sứ nhờ biết mở cửa cho Thánh Linh tác động. Chỉ như vậy họ mới có thể thi hành quyền bính theo thể thức ngôn sứ, như sách Điđakhê đã nói rất chí lý. Còn về các ngôn sứ độc lập, nghĩa là không thuộc về thể chế, cần phải nhớ rằng, Thiên Chúa hoàn toàn tự do để can thiệp vào Hội thánh nhờ các đặc sủng, để đánh thức, cảnh báo, thúc đầy và thánh hóa Hội thánh. Tôi tin rằng trong lịch sử Giáo hội, các người có ơn đặc sủng và ngôn sứ đã liên tục xuất hiện. Họ xuất hiện vào những lúc gay cấn và quyết liệt nhất của lịch sử Giáo hội. Chẳng hạn chúng ta có thể nghĩ đến sự khai sinh phong trào đan tu, thánh Antôn đã vào sa mạc và bằng cách này đã mang lại một sức sống mới cho Giáo hội. Chính các đan sĩ đã bảo vệ Kitô học khỏi các lạc thuyết của Ariô và Nestoriô. Thánh Basiliô cũng là một trong số các nhân vật ấy, người vừa là một vị giám mục vĩ đại, đồng thời vừa là một ngôn sứ thực sự. Tiếp đến, không khó gì nhận ra nơi phong trào các dòng hành khất một cội nguồn đặc sủng. Thánh Đaminh và thánh Phanxicô không đưa ra những tiên báo về tương lai, nhưng họ biết đọc ra những dấu chỉ thời đại và hiểu rằng đã đến lúc Giáo hội phải thoát ra khỏi chế độ phong kiến, để làm sống lại tính cách phổ quát và sự khó nghèo của Tin Mừng, cũng như “nếp sống tông đồ”. Nhờ vậy họ trả lại cho Giáo hội khuôn mặt đích thực, một Giáo hội được linh hoạt bởi Thánh Linh và được chính Đức Kitô hướng dẫn. Nhờ vậy họ đã góp phần vào việc cải tổ hàng giáo phẩm. Những thí dụ khác là thánh Caterina Siena và thánh Birgitta, hai phụ nữ thời danh. Theo tôi nghĩ, cần nêu bật rằng vào một thời điểm khó khăn đối với Giáo hội, như là cuộc khủng hoảng Avignon và cuộc phân ly tiếp theo, đã có những phụ nữ đứng lên để loan báo rằng Đức Kitô hằng sống cũng là Đức Kitô đang đau khổ trong Hội thánh của Người.

5) Khi đọc lịch sử Hội thánh, người ta thấy rằng phần lớn những ngôn sứ thần bí là phụ nữ. Đây là một dữ kiện hữu ích có thể góp phần vào cuộc tranh luận về chức linh mục của phụ nữ. Đức Hồng y nghĩ thế nào?


Có một truyền thống lâu đời của các giáo phụ coi Đức Maria là ngôn sứ chứ không phải là linh mục. Tước hiệu nữ ngôn sứ, trong truyền thống các giáo phụ, là một tước hiệu cao trọng nhất của Đức Maria. Nơi Đức Maria, từ ngữ ngôn sứ theo nghĩa Kitô giáo được định nghĩa chính xác hơn, tức là khả năng lắng nghe, trực giác và nhạy cảm giúp cho bà nắm bắt được tiếng thì thào của Thánh Linh, nghiền ngẫm nó và trao nó cho thế giới. Dưới một khía cạnh nào đó, chiều hướng Maria biểu lộ đặc tính ngôn sứ của Hội thánh. Các giáo phụ luôn nhìn Đức Maria như khuôn mẫu của các ngôn sứ Kitô giáo và từ bà mà đường hướng ngôn sứ bắt đầu đi vào lịch sử của Hội thánh. Các người chị em của các vị đại thánh cũng thuộc về chiều hướng này. Thánh Ambrosiô đã mắc nợ bà chị về hành trình tâm linh của ngài. Điều này cũng đúng đối với thánh Basiliô, thánh Grêgôriô Nyssa, cũng như thánh Bênêđictô. Vào cuối thời Trung cổ, chúng ta gặp thấy nhiều khuôn mặt huyền bí, trong đó cần nhắc đến thánh Francesca Romana. Sang thế kỷ XVI, chúng ta gặp thấy thánh Têrêsa Avila, một người đã có ảnh hưởng rất nhiều đối với sự tiến triển tâm linh và đạo lý của thánh Gioan Thánh giá. Đường hướng ngôn sứ gắn với phụ nữ đã gây ra tác dụng rất quan trọng trong lịch sử Giáo hội. Thánh Caterina Siena và thánh Birgitta có thể được dùng làm thí dụ. Cả hai vị đã nói với Hội thánh mang cấu trúc phẩm trật và bí tích. Như vậy cấu trúc căn bản của Hội thánh vẫn được duy trì, nhưng do những xung đột nội bộ, nó có nguy cơ bị suy tàn. Hai vị này đã đánh thức Hội thánh, giúp khám phá lại đặc sủng hiệp nhất, những giá trị cổ truyền của đức khiêm nhường và đức mạnh bạo theo Phúc âm, cũng như giá trị của việc loan báo Tin Mừng.

6) Hồng y nói rằng nơi Đức Kitô, Mặc khải đã trở thành “chung quyết”, điều này không có nghĩa là kết thúc tuyệt đối, và không được đồng hóa với lời cuối cùng của những đạo lý được mặc khải. Lời khẳng định này rất quan trọng đối với luận đề của chúng ta về ơn ngôn sứ Kitô giáo. Và bây giờ một câu hỏi cấp bách được đặt lên như thế này: đến mức độ nào các ngôn sứ, trong lịch sử Hội thánh, và ngay cả đối với chính thần học, có thể nói điều gì hoàn toàn mới mẻ? Có bằng chứng là những tín điều gần đây cần phải được gắn liền với những mặc khải của những vị thánh ngôn sứ lớn, chẳng hạn như những mặc khải của thánh Catherine Labouré liên quan đến tín điều Đức Maria vô nhiễm nguyên tội. Đề tài này ít được khai triển trong các sách thần học.


Đúng đấy, đề tài có thể đào sâu thêm. Hình như Hans Urs von Balthasar, nhờ những nghiên cứu của mình, đã nhận thấy ở sau lưng mỗi nhà thần học đều có một ngôn sứ đi trước. Không thể nghĩ được một thánh Augustinô nếu không có cuộc gặp gỡ với phong trào đan tu và nhất là với thánh Antôn. Điều này cũng đúng đối với thánh Athanasiô; và không thể nghĩ đến thánh Tôma Aquinô mà không có thánh Đaminh và đặc sủng loan báo Tin Mừng của ngài. Khi đọc các tài liệu về thánh Đaminh, chúng ta thấy đề tài loan báo Tin Mừng rất là quan trọng. Đề tài cũng giữ một chỗ quan trọng trong cuộc tranh luận với hàng giáo sĩ và với đại học Paris, và bắt buộc thánh Tôma phải suy nghĩ về quy chế của dòng Đaminh. Ngài tuyên bố rằng quy chế của Dòng mình có nền tảng trong Kinh Thánh, và được phát biểu nơi chương bốn của sách Tông đồ Công vụ (Cv 4,32: họ chỉ có một trái tim và một linh hồn) và trong chương 10 của Tin Mừng Mátthêu (rao giảng Tin Mừng mà không đòi hỏi bất cứ điều gì cho mình). Đối với thánh Tôma, đây là quy tắc của tất cả bộ luật đời đan tu. Mọi hình thức tu trì chẳng qua chỉ là thể hiện khuôn mẫu đầu tiên này và dĩ nhiên là mang đặc tính tông đồ, nhưng hình ảnh ngôn sứ của thánh Đaminh đã giúp cho Tôma khám phá dưới một dạng mới. Khởi đi từ khuôn mẫu nguyên thủy đó, Tôma khai triển thần học của mình như là loan báo Tin Mừng, nghĩa là lên đường với và cho Tin Mừng, đâm rễ trong khái niệm “một trái tim và một linh hồn” của cộng đoàn các tín hữu. Chúng ta cũng có thể nói như vậy về thánh Bonaventura và thánh Phanxicô Assisi; điều này cũng đã xảy ra cho Hans Urs von Balthasar không thể nào tách rời khỏi Adrienne von Speyr. Tôi nghĩ là có thể chứng minh rằng trong tất cả những khuôn mặt của các nhà thần học lớn đều có một sự tiến triển thần học mới về tương quan giữa thần học và ngôn sứ. Bao lâu còn lập luận thuần túy theo lý trí thì sẽ chẳng có gì mới có thể xảy ra. Có thể là sẽ xếp đặt các chân lý một cách hệ thống hơn, đi sâu vào một vài chi tiết, nhưng những tiến bộ đích thực đưa đến những nền thần học lớn và mới thì không bắt nguồn từ hoạt động suy lý nhưng từ một sự thúc đẩy đặc sủng và ngôn sứ. Theo nghĩa này, tôi nghĩ rằng ngôn sứ và thần học luôn đi đôi với nhau. Theo một nghĩa chặt, thần học không mang tính ngôn sứ, nhưng để có thể trở nên thực sự sống động thì thần học cần được nuôi dưỡng và soi sáng nhờ một sự động lực ngôn sứ.

7) Trong kinh Tin kính, chúng ta đọc rằng “Chúa Thánh Thần đã dùng các ngôn sứ mà phán dạy”[5]. Câu hỏi là: các ngôn sứ nói ở đây thuộc về Cựu ước mà thôi, hay bao gồm cả Tân ước nữa?


Để trả lời thấu đáo câu hỏi này ta cần phải nghiên cứu lịch sử công đồng Constantinopolis I. Dĩ nhiên, bản văn hiểu về các ngôn sứ Cựu ước (dùng ở thì quá khứ: “Thánh Linh đã dùng”), và như vậy nêu bật chiều kích thần khí của mặc khải. Thánh Linh đi trước Đức Kitô để dọn đường cho Người, để rồi dẫn đưa tất cả mọi người đến chân lý. Có nhiều biểu tượng diễn tả chiều kích này. Trong truyền thống Giáo hội Đông phương, các ngôn sứ được giới thiệu như một công tác chuẩn bị của Thánh Linh: Người đã lên tiếng trước Đức Kitô và đã nói qua các ngôn sứ. Theo tôi nghĩ, điểm nhấn nằm ở chỗ Thánh Linh mở cửa ngõ hầu Đức Kitô có thể được đón nhận “ex Spiritu Sancto” (do tác động của Thánh Linh). Điều này đã xảy ra nơi Đức Maria do tác động của Thánh Linh, và là một biến cố đã được chuẩn bị chu đáo và lâu dài. Đức Maria thu tóm vào mình tất cả lời tiên tri của Cựu ước khi thụ thai Đức Kitô do tác động của Thánh Linh. Điều này không loại trừ việc tiếp tục tiến trình ấy khi nói rằng Đức Kitô tiếp tục được thụ thai do tác động của Thánh Linh. Đã rõ là thánh sử Luca cố ý đặt trình thuật thơ ấu của Đức Kitô song hành với việc Hội thánh được sinh ra ở chương Hai của sách Tông đồ công vụ. Nơi 12 vị tông đồ, được quy tụ xung quanh Đức Maria, đã diễn ra một sự “thụ thai do quyền năng của Thánh Linh” và Hội thánh đã được sinh ra. Tóm lại, có thể nói rằng tuy tín biểu Constantinopolis chỉ nhắm đến các ngôn sứ của Cựu ước, điều này không có nghĩa là công đồng tuyên bố rằng tác động của Thánh Linh đã kết thúc.

8) Thánh Gioan Tẩy giả thường được gọi là vị ngôn sứ cuối cùng. Theo Hồng y, phải hiều điều này như thế nào?


Theo tôi nghĩ, lời tuyên bố vừa rồi gói ghém nhiều lý do và nội dung. Một trong những lý do là chính lời của Chúa Giêsu: “Lề luật và tất cả các ngôn sứ đều đã nói tiên tri” (Mt 11,13), sau đó là nước Chúa đến. Ở đây, Gioan tượng trưng cho sự kết thúc Cựu ước và sau đó sẽ đến một người xem ra bé nhỏ nhưng lại lớn lao trong Vương quốc Thiên Chúa, đó là chính Đức Giêsu. Dưới khía cạnh này ông Gioan được xếp trong Cựu ước nhưng lại mở đường cho Tân ước. Theo nghĩa này, ông Gioan là vị ngôn sứ cuối cùng. Đó cũng là ý nghĩa lời tuyên bố: ông Gioan là người cuối cùng trước Đức Kitô, người thu lượm tất cả ngọn đuốc của phong trào ngôn sứ và trao vào tay Đức Giêsu. Ông kết thúc công việc của các ngôn sứ bởi vì vạch cho thấy niềm hy vọng của dân Israel: Đấng Mêsia, tức là Đức Giêsu. Nên lưu ý rằng ông không tuyên bố gì liên hệ đến tương lai, nhưng tự nhận rằng mình là người kêu gọi thống hối, lặp lại lời hứa của Cựu ước về Đấng Mêsia, ông nói “Có người đang đứng giữa các ông mà các ông không biết” (Ga 1,26). Tuy rằng trong lời loan báo này có một lời tiên báo, nhưng ông Gioan vẫn trung thành với khuôn mẫu của vị ngôn sứ ở chỗ không phải là báo trước tương lai nhưng loan báo rằng đã đến thời thống hối. Sứ điệp của vị Tẩy giả là kêu gọi dân Israel hãy xét mình và thống hối ngõ hầu nhìn nhận ra, vào thời cứu độ, Đấng mà xưa nay người ta mong đợi giờ đây đang hiện diện. Theo nghĩa này, ông Gioan là tiêu biểu cho vị ngôn sứ cuối cùng và giai đoạn hy vọng của Cựu ước. Sau đó sẽ là một loại ngôn sứ khác. Vì thế ông Gioan có thể được gọi là ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ơn ngôn sứ đã chấm dứt, bởi vì sẽ là trái ngược với giáo huấn của thánh Phaolô khi viết trong thư thứ nhất gửi Thêxalônica rằng: “Đừng dập tắt Thần khí, đừng khinh thường ơn ngôn sứ” (x. 1Tx 5,19-20).

9) Theo một nghĩa nào đó, có một chỗ khác biệt giữa ơn ngôn sứ của Tân ước và của Cựu ước bởi vì Đức Kitô đã đi vào lịch sử. Nhưng nếu nhìn vào bản chất của ơn ngôn sứ tức là đem vào Hội thánh Lời Chúa đã được lắng nghe thì xem ra không có gì khác biệt.


Đúng vậy, có một cấu trúc nền tảng chung giữa hai ơn ngôn sứ, và chỉ khác biệt xét trong tương quan với Đức Kitô sẽ đến và với Đức Kitô đã đến rồi mà sẽ còn trở lại. Vấn đề thần học này đáng được học hỏi và nghiên cứu sâu xa hơn, đó là: tại sao xét về cấu trúc, thời kỳ của Giáo hội có nhiều điểm tương tự với Cựu ước, và đâu là điểm mới do Đức Giêsu mang lại khi đến trần gian lần thứ nhất.

10) Trong thần học, ta thấy có khuynh hướng muốn chứng tỏ sự khác biệt hoàn toàn giữa Cựu ước và Tân ước. Sự khác biệt này nhiều khi xem ra giả tạo và dựa trên những nguyên lý trừu tượng hơn là cụ thể.


Khuynh hướng muốn nhấn mạnh đến sự khác biệt thay vì nhìn nhận sự đồng nhất trong lịch sử của Thiên Chúa với con người là một điều sai lầm mà các giáo phụ đã tránh được. Các ngài đã đề ra một công thức ba vế: “umbra, imago, veritas”, trong đó Cựu ước là “imago”, như vậy Cựu ước và Tân ước không đối chọi nhau như là hình bóng với thực tại, nhưng trong bộ ba là “hình bóng - hình ảnh - chân lý”, để mở sự chờ đợi việc hoàn tất vĩnh viễn, và thời của Tân ước (của Hội thánh) như là một bước tiến xa hơn, nhưng luôn trong bối cảnh trên con đường của Lời hứa. Theo tôi nghĩ, đó là một điểm mà cho đến nay chưa được nghiên cứu thấu đáo. Ngược lại, các giáo phụ đã nhấn mạnh đến sự bất toàn của Tân ước, nơi mà không phải tất cả những lời hứa đã được hoàn tất. Quả là Đức Kitô đã đến trong xác phàm, nhưng Hội thánh vẫn còn chờ đợi sự viên mãn của việc Người tỏ hiện trong vinh quang.

11) Phải chăng đó là lý do giải thích tại sao nhiều khuôn mặt ngôn sứ mang đặc tính cánh chung trong linh đạo của họ?


Tôi nghĩ rằng khía cạnh cánh chung – nhưng xin đừng hiểu theo nghĩa thế mạt – tự bản chất thuộc về ơn ngôn sứ. Các ngôn sứ là những người đề cao chiều kích hy vọng nằm trong Kitô giáo. Họ là những công cụ khiến cho hiện tại có thể chịu đựng được bằng cách kêu gọi vượt lên trên thời gian xét về mặt cốt yếu và vĩnh viễn. Đặc tính cánh chung, lời mời gọi vượt lên trên thời hiện tại, là thành phần của linh đạo ngôn sứ.

12) Nếu đặt cánh chung trong tương quan với hy vọng thì bộ mặt sẽ thay đổi hoàn toàn. Nó không còn là một sứ điệp gây kinh hoàng, nhưng mở rộng chân trời đến chỗ hoàn tất lời hứa của Đức Kitô cho toàn thể vạn vật.


Đức tin Kitô giáo không gây ra sợ hãi nhưng vượt lên sợ hãi: đây là một sự kiện căn bản. Nguyên tắc này phải trở thành nền tảng cho chứng tá và linh đạo của chúng ta. Nhưng chúng ta hãy trở lại với điều vừa nói trên đây. Cần phải xác định theo nghĩa nào Kitô giáo là sự hoàn tất của Lời hứa của Thiên Chúa, và theo nghĩa nào chưa phải là sự hoàn tất. Tôi nghĩ rằng cuộc khủng hoảng đức tin hiện nay liên quan chặt chẽ với việc chưa làm sáng tỏ vấn đề này. Tôi thấy có ba nguy cơ. Nguy cơ thứ nhất: lời hứa của Cựu ước và sự trông chờ ơn cứu độ chỉ được nhìn bên trong thế giới này, theo nghĩa là cải thiện các cơ cấu và hoàn bị các dịch vụ. Nếu quan niệm như vậy thì Kitô giáo là một sự thất bại. Khởi đi từ quan niệm như vậy, người ta muốn thay thế Kitô giáo với các ý thức hệ của niềm tin vào sự tiến bộ rồi đến các ý thức hệ của hy vọng, mà chẳng qua chỉ là biến thể của thuyết mác-xít. Nguy cơ thứ hai là phóng chiếu Kitô giáo hoàn toàn lên thế giới bên kia, hình dung nó với đặc tính hoàn toàn thiêng liêng và cá nhân, và không bao trùm toàn thể thực tại nhân sinh. Nguy cơ thứ ba, thường xuất hiện vào những thời kỳ khủng hoảng và khúc ngoặt lịch sử, là trú ẩn trong những phạm trù thế mạt. Để đối phó với những nguy cơ đó, cần phải trình bày cấu trúc của lời hứa và hoàn tất của đức tin Kitô giáo một cách dễ hiểu và dễ thực hành.

13) Người ta nhận xét rằng có một sự căng thẳng lớn giữa một thứ huyền bí chiêm niệm không lời nói với một thứ chiêm niệm ngôn sứ có lời nói. Karl Rahner đã lưu ý đến sự căng thẳng giữa hai loại huyền bí đó[6]. Có người cho rằng huyền bí chiêm niệm và không lời thì cao siêu hơn, tinh tuyền và thiêng liêng hơn. Một vài đoạn văn của thánh Gioan Thánh giá được giải thích theo chiều hướng đó. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng loại huyền bí ấy xa lạ với Kitô giáo bởi vì đức tin Kitô giáo tự bản chất là một tôn giáo của Lời.


Tôi xin thêm là huyền bí Kitô giáo còn có thêm chiều kích truyền giáo nữa. Nó không chỉ tìm cách nâng cao một cá nhân, mà còn trao cho họ một sứ mạng khi đưa họ đến tiếp xúc với Ngôi Lời là Đấng dạy dỗ qua Thánh Linh. Điều này đã được thánh Tôma Aquinô nêu bật. Trước thánh Tôma, người ta nói rằng: đầu tiên là đan sĩ rồi mới đến huyền bí; hoặc đầu tiên là linh mục rồi mới đến nhà thần học. Thánh Tôma không chấp nhận điều này, bởi vì ơn huyền bí mở ra đến một sứ vụ. Và sứ vụ không phải là điều gì thấp hơn chiêm niệm, theo như ông Aristote quan niệm (ông Aristote cho rằng sự chiêm niệm tri thức là chóp đỉnh trong bậc thang các giá trị nhân loại). Thánh Tôma nói rằng đó không phải là quan điểm của Kitô giáo, bởi vì hình thức hoàn hảo nhất trên đời này là hình thức hỗn hợp: đầu tiên là chiêm niệm rồi đến tông đồ phục vụ Tin Mừng[7]. Thánh nữ Têrêsa Avila đã trình bày quan niệm này rất rõ ràng. Thánh nữ đã liên kết ơn huyền bí với Kitô-luận, và đưa đến cấu trúc sứ vụ. Nói như thế, tôi không có ý loại trừ khả năng Thiên Chúa gợi lên những huyền bí Kitô giáo đích thực giữa lòng Hội thánh, nhưng tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng Kitô-luận là nền tảng và tiêu chuẩn cho mọi thứ huyền bí Kitô giáo, vạch ra một cấu trúc khác (Đức Kitô và Thánh Linh không thể nào tách rời nhau được). Tình trạng Đức Kitô “diện đối diện” với Chúa Cha bao hàm việc “hiện hữu cho tất cả mọi người”. Nếu huyền bí có nghĩa là sống thân mật với Đức Kitô, thì đương nhiên họ cũng “sống cho tha nhân”.

14) Nhiều ngôn sứ Kitô giáo, như là Catarina Siena, Birgitta Thụy điển và Faustina Kowalska gán cho Đức Kitô các diễn từ ngôn sứ hay các mặc khải của mình. Thần học định nghĩa các mặc khải ấy là “tư” (private revelations). Quan niệm này xem ra quá lược giản, bởi vì ơn ngôn sứ luôn hướng về tất cả Hội thánh chứ không hề là “tư”?


Trong thần học, quan niệm “tư” không có nghĩa là sứ điệp chỉ liên can đến cá nhân người lãnh nhận mà không ảnh hưởng gì đến những người khác. Đó là một từ ngữ được dùng để diễn tả tầm mức quan trọng, chẳng hạn như trước đây người ta nói đến “Thánh lễ tư”[8]. Điều này muốn nói rằng những mặc khải của các nhà huyền bí hay của các ngôn sứ không thể nào được đặt ngang hàng với mặc khải Kinh Thánh, nhưng cần phải quy chiếu về đó. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là các thứ mặc khải này không quan trọng đối với Hội thánh. Lourdes và Fatima cho thấy điều trái ngược. Những mặc khải này dẫn đưa chúng ta về với mặc khải của Kinh Thánh và nhờ đó mà mang tầm giá trị.

15) Trong lịch sử Giáo hội, người ta thấy rằng không thể tránh được những sự tổn thương hỗ tương, cả về phía ngôn sứ lẫn về phía các thính giả. Tại sao vậy?


Điều này luôn luôn xảy đến: lời giảng ngôn sứ không thể nào không gây ra những đau khổ cho đôi bên. Ngôn sứ được kêu gọi chịu đau khổ theo một hình thức đặc biệt: việc sẵn sàng chịu đau khổ và chia sẻ Thập giá Chúa Kitô là một tiêu chuẩn trắc nghiệm tính chân thực của sứ điệp. Ngôn sứ không hề đi tìm cách gây ra đau khổ cho mình. Sứ điệp được kiểm chứng và trở nên phong phú nhờ Thập giá.

16) Thật là chán ngán khi thấy rằng phần lớn các khuôn mặt ngôn sứ đã bị xua đuổi lúc sinh thời. Hầu như họ luôn bị chỉ trích và khước từ về phía Giáo hội. Điều này đã xảy đến cho phần lớn các ngôn sứ nam cũng như nữ?

Đúng vậy. Thánh Ignaxiô Loyola đã bị giam tù; điều này cũng đã xảy ra cho thánh Gioan Thánh giá. Thánh Birgitta suýt bị công đồng Basilia lên án. Mặt khác, truyền thống của Bộ Giáo lý – Đức tin là tỏ ra dè dặt trước những mặc khải của các nhà huyền bí. Thái độ này được biện minh bởi vì có rất nhiều nhà huyền bí giả hiệu, nhiều trường hợp bệnh hoạn. Vì thế cần giữ thái độ dè dặt để khỏi rơi vào chuyện giật gân, hoang tưởng và mê tín. Người huyền bí chân thực được tỏ lộ qua đau khổ, vâng phục và nhẫn nhục, nhờ vậy mà tiếng nói của họ kéo dài trải qua thời gian. Về phía Giáo hội, cũng cần phải thận trọng kẻo đưa ra phán quyết vội vàng, ngõ hầu không bị trách là “đã giết các ngôn sứ”.

17) Câu hỏi cuối cùng, liên quan đến một khuôn mặt ngôn sứ thời nay là bà Vassula Rydén, một tín hữu thuộc Chính thống giáo. Bà được nhiều người, kể cả thần học gia, linh mục và giám mục thuộc Giáo hội Công giáo, nhìn nhận như là một sứ giả của Đức Kitô. Các sứ điệp của bà vào năm 1991 đã được chuyển dịch sang 34 ngôn ngữ và được phổ biến khắp thế giới. Thế nhưng Bộ Giáo lý – Đức tin đã đưa phán quyết tiêu cực. “Thông tri” (Notificatio) năm 1995, bên cạnh những khía cạnh tích cực trong các tác phẩm của Vassula, cũng cho thấy nhiều điểm không rõ rệt. Điều này được một vài người giải thích như là lên án. Có đúng vậy không?


Ông đang đụng đến một vấn đề tế nhị. “Thông tri” là một cảnh báo chứ không phải là một sự kết án. Dưới phương diện thủ tục, không ai có thể bị kết án mà không diễn ra thủ tục tố tụng và lắng nghe đương sự. Thông tri chỉ muốn nói rằng còn nhiều điều cần phải làm sáng tỏ. Có nhiều yếu tố khải huyền đặt câu hỏi và nhiều yếu tố giáo-hội-học không rõ rệt. Các tác phẩm của bà chứa đựng nhiều điều tốt, nhưng hạt lúa tốt bị pha trộn với cỏ lùng. Vì lý do ấy chúng tôi kêu mời các tín hữu Công giáo hãy có thể thái độ thận trọng và cân nhắc mọi sự dựa theo đức tin của Hội thánh.

18) Như vậy vẫn tiếp tục tiến trình để làm sáng tỏ vấn đề?


Đúng thế. Và trong thời kỳ tìm hiểu, các tín hữu cần phải có thái độ khôn ngoan và duy trì tinh thần biện phân. Dĩ nhiên, người ta nhận thấy có một sự tiến triển trong các tác phẩm mà xem ra chưa kết thúc[9]. Chúng ta đừng nên quên rằng, những ngôn từ và hình ảnh được gợi lên trong cuộc gặp gỡ nội tâm với Thiên Chúa, kể cả đối với các nhà huyền bí chân chính, luôn tùy thuộc vào khả năng giới hạn của con người. Chúng ta chỉ đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào Lời Mặc khải của Kinh Thánh mà chúng ta gặp được trong đức tin được Hội thánh truyền lại.

[1] Niels Christian Hvidt, hiện là giáo sư đại học Nam Đan Mạch. Đề tài này được khai triển trong cuốn sách Christian Prophecy. The Post-biblical Tradition, Oxford University Press, New York 2007.
[2] J. Ratzinger, Wesen und Auftrag der Theologie, Friburgo, 1993, p.106.
[3] [ND] “Mạt thế” dịch bởi apocalyptic. Theo nghĩa đen, apocalytic có nghĩa là thuộc về khải huyền (apocalypse); nhưng theo nghĩa chuyên môn nó ám chỉ thể văn loan báo tận thế, nghĩa là sự hủy diệt thế giới hiện tại.
[4] [ND] Tư tưởng thánh Gioan Thánh giá được Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo trưng dẫn ở số 65.
[5] [ND] Bản văn tiếng Latinh là “Qui locutus est per prophetas” và được dịch sang tiếng Việt là “Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy”. Như đã nói, “ngôn sứ” và “tiên tri” là hai cách chuyển dịch propheta.
[6] Karl Rahner, Visioni e profezie, Vita e Pensiero, Milano, 1954.
[7] Chú thích của người dịch. Thánh Tôma đề cập đến vấn đề này ở Summa Theologiae, II-II, q.188, a.6.
[8] Chú thích của người dịch: Missa privata (thánh lễ “tư”) là thánh lễ chỉ có chủ tế và một người giúp lễ, không có sự tham dự của cộng đoàn.
[9] [ND] Vassula Ryden sinh năm 1942 tại Ai-cập trong một gia đình theo Chính thống. Sau đó bà di cư sang Âu châu và cuối cùng định cư ở Thụy sĩ. Nên biết là “Thông báo” của bộ Giáo lý Đức tin vào năm 1995 vẫn còn giá trị, theo như xác nhận của hồng y William Levada vào năm 2007.
Bài đăng cũ hơn
Bài đăng mới hơn
//