Thứ Năm, 10 tháng 10, 2024

CÁC NGÔN SỨ TRONG LỊCH SỬ ISRAEL

Thời sự Thần học - Số 97, tháng 08 năm 2022, tr. 75-99. 

_Juan Antonio Mayoral López_ 

I. Hiện tượng ngôn sứ:
   1. Con người muốn biết tương lai.
   2. Thiên Chúa trả lời con người.

II. Khởi đầu phong trào ngôn sứ ở Israel.
III. Giai đoạn cổ điển của phong trào ngôn sứ:
  1. Thế kỷ VIII ở phương Bắc.
  2. Thế kỷ VII ở phương Nam.
  3. Các ngôn sứ trước lưu đày.
  4. Các ngôn sứ thời lưu đày.

IV. Sự suy tàn của phong trào ngôn sứ và văn chương khải huyền.
V. Thế nào là một ngôn sứ Kinh Thánh?
Nguồn: “Profetas” trong: M. Pedrosa, M. Navarro, R. Lázaro y J. Sastre, Nuevo Diccionario de Catequética, San Pablo, Madrid, 1999.


I. Hiện tượng ngôn sứ


Trước khi đi vào một vấn đề rất phức tạp như là phong trào ngôn sứ Kinh Thánh, cần phải làm sáng tỏ vấn đề từ ngữ: Chúng ta muốn nói gì khi nhắc đến phong trào ngôn sứ? Ai là ngôn sứ? Trong tiếng Việt, “ngôn sứ” được dùng để dịch danh từ propheta tiếng Latinh (và những từ ngữ tương đương: prophète tiếng Pháp, prophet tiếng Anh). Theo linh mục Huỳnh Trụ[1], “ngôn sứ” hoặc “sứ ngôn” mới xuất hiện từ thập niên 70 của thế kỷ XX, trước đó, danh từ quen thuộc hơn là “tiên tri”, tuy rằng từ này cũng chỉ mới được sử dụng trong bản dịch Kinh Thánh Việt đầu tiên xuất bản năm 1913 (của cố chính Linh); thực vậy các sách xuất bản trước đó chỉ phiên âm là “phôrôphêta”. Trên thực tế, dân gian quan niệm “tiên tri” là người biết trước; ý tưởng này cũng gắn liền với những người tiên đoán tương lai, báo trước những điều sẽ xảy ra, nhờ việc nhận lãnh một sứ điệp từ trời hoặc nhờ một thủ thuật nào đó (chiêm tinh, bói toán, xem tử vi, vv.).

Những quan niệm vừa rồi có phần nào trùng với hiện tượng “tiên tri” (hoặc ngôn sứ) trong Kinh Thánh. Thực ra dưới một khía cạnh nào đó, hiện tượng này xuất hiện ở nhiều dân tộc trên thế giới, bởi vì đáp ứng với một nhu cầu tự nhiên của con người. Thử hỏi: có gì khác biệt giữa hiện tượng ngôn sứ trong Kinh Thánh với các hiện tượng tương tự nơi các dân tộc khác?

1. Con người muốn biết tương lai


Con người mang nhiều ưu tư về tương lai, hoặc liên quan đến những thực tại gần gũi (công ăn việc làm, gia đình, sức khỏe) hoặc liên quan đến những thực tại siêu việt (vận mệnh tối hậu của mình). Một vài chuyện đó tùy thuộc vào cố gắng và tính toán của chúng ta; một vài điều khác vượt khỏi tầm kiểm soát của chúng ta. Đến đây cần có sự can thiệp của ngôn sứ. Dọc theo dòng lịch sử, con người tin rằng có những lực lượng bí ẩn can thiệp ít nhiều đến định mệnh của cá nhân hay của dân tộc. Chúng ta tạm gọi những lực lượng đó là sức mạnh siêu nhiên. Những sức mạnh đó có thể là thuận lợi hoặc bất lợi đối với con người; vì thế cần phải làm quen hoặc ngược lại cần phải đề phòng. Nhiều người cho rằng hiện tượng này thuộc về những văn hóa thời cổ xưa, những nền văn minh sắp tàn lụi. Thế nhưng điều đáng ngạc nhiên là kể cả ngày nay trong thời đại văn minh khoa học, người ta cũng chạy tới các thầy bói, thầy đồng, bói bài, chiêm tinh,… Trước kia, người xưa gọi đó là những can thiệp của quỷ ma; ngày hôm nay, chúng ta đặt tên là “cận tâm lý học” (parapsycology).

Khởi đi từ một nền tảng chung của con người là muốn thấm nhập vào điều không thể hiểu được, hiện tượng ngôn sứ nằm ở giữa những người đặt câu hỏi, và những lực lượng bí ẩn đưa ra câu giải đáp. Nếu chúng ta cho rằng những lực lượng đó mù quáng và hành động cách máy móc (khoa chiêm tinh) thì các ngôn sứ hành động như là những phù thủy. Họ có ơn đặc biệt, có khả năng biết những điều mà người khác không thấy được. Tuy nhiên, cũng có một cách khác để giải quyết vấn đề: những lực lượng ấy không phải mù quáng, cũng chẳng hành động cách máy móc, nhưng hành động tự do, có những kế hoạch cụ thể dành cho loài người, và như thế chúng ta đã đi vào lãnh vực của tôn giáo. Trong trường hợp này, ngôn sứ được đặt ở giữa con người và thần linh để làm trung gian, như một người có khả năng đối thoại với cả đôi bên.

Còn một giải đáp thứ ba nữa: chẳng có lực lượng thần bí nào hết; tất cả những gì liên quan đến con người đều nằm trong giới hạn của tự nhiên. Vì thế, chẳng cần phải đặt ra vấn đề ngôn sứ nữa bởi vì ngôn sứ luôn quy chiếu về thế giới siêu nhiên.

Hiện tượng ngôn sứ trong Kinh Thánh nằm trong khung cảnh tôn giáo. Tuy nhiên ở đây cũng cần phải giải thích. Có những tôn giáo quan niệm thần linh như là một sức mạnh mà con người có thể lèo lái. Người ta tìm cách ép buộc ý chí của thần linh, hoặc hướng theo điều lành (dành cho nhóm tín đồ), hoặc điều dữ (dành cho kẻ thù). Trong trường hợp này, các tín đồ không có ý muốn tuân phục ý chí của thần linh mà lại can thiệp trên các thần linh để điều khiển họ theo ý mình. Và như vậy là ma thuật chứ không phải tôn giáo. Tuy nhiên, ở đây cũng có thể liên quan đến ngôn sứ; ngôn sứ tiên vàn sẽ là một phù thủy. Dân Israel cũng không thoát được cơn cám dỗ đó, cũng như ngày hôm nay chúng ta cũng chẳng thoát được. Đây là một cuộc giao tranh cam go nhất mà phong trào ngôn sứ Kinh Thánh phải đương đầu: bảo vệ Thiên Chúa khỏi sự lèo lái bởi các tín đồ, bằng cách nhắc nhở cho họ biết ý định của Chúa như thế nào, và kêu gọi các tín đồ hãy tuân phục tuyệt đối.

2. Thiên Chúa trả lời con người


Như đã nói trên đây, điều huyền nhiệm gợi lên cho con người một nỗi khắc khoải muốn hiểu biết. Tuy nhiên, trong Kinh Thánh, sáng khởi của ơn ngôn sứ không phải là con người mà là Thiên Chúa. Chừng nào nó khởi đi từ con người, nó sẽ trở thành “ngôn sứ giả” (Mk 4,5-8); được gọi là “giả” bởi lẽ thay vì bày tỏ kế hoạch của Thiên Chúa, họ đã che lấp và làm ngược lại. Trong Kinh Thánh, kẻ nắm giữ ơn ngôn sứ là chính Thiên Chúa (Am 3,7). Theo quan niệm Kinh Thánh, con người là một thụ tạo của Thiên Chúa, được dựng nên theo hình ảnh Ngài. Con người là một hữu thể lớn lên và tăng trưởng trong cuộc gặp gỡ với Đấng Tạo dựng nên mình. Thiên Chúa tạo dựng và nuôi dưỡng con người. Và ơn ngôn sứ chính là việc Thiên Chúa đi ra khỏi mình để tìm kiếm con người, đồng hành với con người, để cùng nhau kiến tạo lịch sử, một lịch sử cứu độ.

Kinh Thánh coi Thiên Chúa như một người cha chăm sóc con cái, muốn tìm điều tốt lành cho chúng, giáo dục chúng và dẫn chúng trên con đường tốt đẹp nhất (Hs 11,1-4); như một người mẹ không quản ngại hy sinh để dẫn con mình tiến tới, bập bẹ với chúng, hiểu biết chúng và yêu thương chúng (Is 49,14tt). Hẳn đây là một cái nhìn rất ư nhân hình, nhưng có lẽ chẳng còn cách thức nào khác hơn để nói về Thiên Chúa.

Qua ơn ngôn sứ, Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa muốn tỏ lộ chính mình, hơn là muốn thông truyền cho con người những dự án của Ngài. Về các ngôn sứ trong Kinh Thánh, chúng ta có thể nói rằng họ không nói nhân danh Thiên Chúa cho bằng nói về Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tự mặc khải, đã tiến bước tới gặp chúng ta nhờ những kẻ đã được Ngài tuyển chọn.

Vì thế lời của các ngôn sứ trở thành lời của Thiên Chúa, bởi vì điều nói ra không quan trọng cho bằng ai nói ra. Và lời đó vang lên trong tâm hồn người tín hữu với sức mạnh của kẻ đã nói, tức là chính Thiên Chúa, là Đấng Tạo Dựng và là Cha của họ.

Tóm lại, có thể nói rằng trong các sứ điệp của các ngôn sứ có bốn điểm chính đáng lưu ý:

1. Dạy dỗ: Nhân danh Thiên Chúa, ngôn sứ dạy dỗ dân chúng, cho họ biết những giá trị quan trọng nhất trong đời sống hằng ngày, đời sống cá nhân cũng như đời sống xã hội, điều chóng qua cũng như điều bền vững;

2. Giải thích: Thiên Chúa luôn luôn đến gặp gỡ chúng ta, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng nhận biết Ngài; ngôn sứ vạch ra sự hiện diện của Thiên Chúa bằng cách giải thích nhân danh Chúa ý nghĩa của các biến cố thông thường và khác thường;

3. Tố giác: Đôi khi người tín hữu đã đi lạc đường, và Thiên Chúa sửa phạt; ngôn sứ tố cáo sự sai lầm của con người, đe dọa và kêu gọi hoán cải;

4. Loan báo: Con người không trông thấy điều vượt quá khả năng của mình, vượt quá giới hạn của điều kiện thụ tạo; vì thế ngôn sứ loan báo điều mà Thiên Chúa muốn xây dựng với con người, đồng hành với con người tiến tới một tương lai cần phải thực hiện (chứ không tiên đoán), nhưng điều đó sẽ xảy ra bởi vì Thiên Chúa đã cam kết bằng lời của Ngài.

II. Khởi đầu phong trào ngôn sứ ở Israel


Trước hết cần phải phân biệt hai thứ khởi đầu: Một thứ hiểu theo nghĩa thần học, và một thứ hiểu theo nghĩa lịch sử.

a) Xét về khía cạnh thần học, Cựu ước coi phong trào ngôn sứ khởi đầu với ông Môsê. Ông Môsê nhận được thần khí Chúa để có thể cai quản đoàn dân đã được Ngài giải thoát khỏi Ai-cập. Thần khí đó đã được ông truyền lại cho 70 bô lão, cộng tác với ông trong công việc lãnh đạo (Ds 11,16tt, 24tt). Truyền thống Kinh Thánh này nói rằng, “mỗi khi thần khí ngự xuống trên họ thì họ nói ngôn sứ, nhưng việc đó không tái diễn nữa”. Họ sẽ không tiếp tục nữa. Vào thời nguyên thủy của Israel, ông Môsê giữ vai trò một người chuyển cầu. Do đó, không thể nào nghĩ đến một ngôn sứ ở bên lề thần khí của Chúa. Ở Israel, người ta không trở thành ngôn sứ vì có thiên tài, như ở nơi các tôn giáo khác, nhưng là vì được thần khí của Chúa chạm tới. Thiên Chúa chọn lựa các ngôn sứ theo kế hoạch của Ngài, chứ không dựa trên khả năng hay thiên tài của con người.

b) Xét về nguồn gốc lịch sử của phong trào ngôn sứ thì phải bắt đầu muộn hơn. Việc đặt tên cho ông Môsê làm ngôn sứ, hoặc cho bà Maria là nữ ngôn sứ, có lẽ không phù hợp với lịch sử (Xh 15,20); đó là áp dụng danh hiệu cho những nhân vật nổi tiếng trong quá khứ. Kể cả khi chấp nhận ơn ngôn sứ vào lúc khởi nguyên của dân tộc Israel (cuộc xuất hành), chúng ta có thể nhận thấy rằng, có một khoảng trống giữa thời kỳ của ông Môsê và giai đoạn tiền quân chủ, khi đã có những người thi hành một loại ngôn sứ đã được nhìn nhận nơi các chi tộc Israel. Đừng kể trường hợp bà Đêbôra được gọi là ngôn sứ trong sách Thủ lãnh (4,4) tuy chức năng của bà là lãnh đạo nhân danh Chúa để cứu vớt dân khỏi quân thù, chúng ta phải chờ tới ông Samuel mới gặp thấy một ngôn sứ đúng nghĩa.

Samuel là một nhân vật sống vào thế kỷ XI trước CN. Các truyền thống Kinh Thánh nói về ông thì ra đời muộn hơn, hoặc ít là đã được điều chỉnh lại bởi các tác giả sau này (thần học của Đệ-nhị-luật), vì thế không phải tất cả lời giải thích trải qua lịch sử về thân thế và sứ vụ của ông đều trùng hợp với nhân vật được nói đến. Có thể nói được ông là một thầy chiêm, hoạt động bên cạnh các thánh điện (Bethel, Gilgal và Mispa), nhận lễ vật của dân chúng đến tham vấn, và điều khiển cuộc phụng tự (1Sm 9,1-13). Cuộc can thiệp quan trọng nhất của ông là việc xức dầu cho Saul làm vị vua đầu tiên, nhưng rồi nhân danh Chúa lại tẩy chay ông ta và tuyển chọn một vị vua mới là Đavít.

Giai đoạn tiếp theo cho tới thế kỷ VIII được coi là thời tiền cổ điển, kéo dài ba thế kỷ, trong đó có những khuôn mặt ngôn sứ nổi bật như là Samuel, Gad, Nathan, Akhigia ở Silo, Mikha Yimla, Êlia và Êlisa. Những đặc trưng của các ngôn sứ thời đại này có thể tóm tắt như sau: 1) Họ có mặt trong những cuộc giao chiến để khơi lên lòng yêu nước; nhân danh Thiên Chúa họ ủng hộ dân tộc (1V 22,6). 2) Họ thường hoạt động thành nhóm, sống chung với nhau và như vậy có những hiện tượng xuất thần lây lan lẫn nhau, nhờ ca hát, nhảy múa, âm nhạc (1Sm 10,9-12); vị lãnh đạo của nhóm được gọi là cha, và các đồ đệ gọi nhau là “con cái ngôn sứ”. 3) Họ thường sống xung quanh các đền thờ, và có thể thi hành chức năng phụng tự. Cũng có những người sống đơn độc nhưng họ cũng lợi dụng những khung cảnh vừa nói để thi hành sứ mạng của mình (1V 13,1tt; 14,1-3). 4) Bên cạnh đó, chúng ta cũng gặp những ngôn sứ sống trong khung cảnh triều đình, được coi như là cố vấn cho nhà vua (2Sm 7,1-17).

Liên quan tới các đặc trưng thần học về tác vụ của họ, chúng ta có thể nêu bật ý thức về Israel như là một dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn và ràng buộc nhờ giao ước, mối quan tâm đến việc thi hành giao ước đó, cách riêng về phía những nhà lãnh đạo và lòng trung thành của dân đối với Chúa là Đấng đã ký kết giao ước. Họ chiến đấu chống lại tất cả mọi hình thức thờ ngẫu tượng, nhấn mạnh – bằng sức mạnh của lời nói và việc làm – chủ quyền tuyệt đối của Thiên Chúa (1V 18,20-40). Họ là những người bảo vệ sự nhất thống giữa đức tin và luân lý.

III. Thời kỳ cổ điển của phong trào ngôn sứ


Sang thế kỷ VIII, phong trào ngôn sứ ở Israel đạt tới cao điểm. Đây là một thời hoàng kim, kéo dài cho tới khi nước Giuđa sụp đổ, và cuộc lưu đày vào thế kỷ VI. Các ngôn sứ thuộc giai đoạn này là Amos và Hôsê ở Israel, Isaia và Mikha ở Giuđa. Việc thi hành tác vụ thay đổi tùy theo cá nhân và các điều kiện (xã hội, chính trị và tôn giáo ở mỗi nước của Israel). Trước khi đi vào chi tiết, chúng ta hãy nói qua những đặc tính chung của thời kỳ này.

a) Trước hết, cần phải nêu bật rằng, lần đầu tiên chúng ta thấy những quyển sách nói về tác vụ riêng của các ngôn sứ. Điều này khiến cho họ được coi là các ngôn sứ văn gia, tuy rằng không nhất thiết họ là tác giả của những sách đó. Những sách này chứa đựng ít dữ kiện liên quan đến tiểu sử cá nhân ngôn sứ nhưng dồn chú ý vào tác vụ của họ vì đó là điều quan trọng hơn. Dù vậy, các dữ kiện thu thập được cũng rất hữu ích để hiểu biết nội dung sứ điệp. Ví dụ, Hôsê đã cưới một cô gái điếm không chung thủy với ông, cũng như Israel ngoại tình không chung thủy, đã rời bỏ Thiên Chúa là hôn phu duy nhất, chạy theo những thần linh khác là tình nhân. Hoặc trường hợp của ông Amos là người “chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung”, nghĩa là ông ta có một nghề nghiệp và sống với nghề nghiệp đó chứ không phải làm nghề ngôn sứ; vì thế ông có thể tự do lên tiếng chống lại chính sách của nhà vua và những lạm dụng của những người quyền thế, bởi vì ông không lệ thuộc sinh kế vào họ (Am 7,15).

Họ sử dụng một ngôn ngữ đơn giản và thẳng thắn, rút từ những khung cảnh khác (phụng vụ, khôn ngoan, pháp lý) để diễn tả lời giảng của mình. Lời ngôn sứ của họ chứa đầy tình cảm của bản thân cũng như của Thiên Chúa. Như vậy có một sự đồng cảm giữa Thiên Chúa với các ngôn sứ.

b) Xung quanh họ, chúng ta giả thiết có một nhóm đồ đệ, có lẽ hơi khác với nhóm chúng ta đã gặp ở giai đoạn tiền cổ điển. Các đồ đệ này sẽ duy trì những lời ngôn sứ của thầy, thích nghi với những hoàn cảnh mới; họ tạo nên một truyền thống sống động điều mà khi thầy còn sống chỉ là những trực giác, cho dù khi lời loan báo đã hoàn tất, nhưng lời của Chúa thì luôn luôn sống động trong lịch sử và cần phải được tiếp tục truyền đạt, bởi vì sự hoàn thành đích thực không bao giờ ngừng. Những việc đổi mới và thêm thắt vào những bản văn ngôn sứ, không vì thế mà bị coi là lường gạt truyền thống, mà là làm cho nó phong phú hơn. Ơn linh hứng không phải chỉ xảy ra vào lúc bắt đầu lời của ngôn sứ (nơi người đã nói lên) nhưng còn nơi truyền thống đã giúp cho lời đó được sống động.

Bây giờ chúng ta đi vào sứ điệp cụ thể của từng ngôn sứ.

1. Thế kỷ VII ở phương Bắc


Trong thời kỳ này ở phương Bắc (tức là Israel) có hai ngôn sứ là Amos và Isaia.

a) Amos hoạt động vào khoảng những năm 760/750 trCN và hoạt động của ông có lẽ chỉ kéo dài một vài tháng, thậm chí một vài tuần, và diễn ra ở nhiều nơi khác nhau: Betel, Samaria, Gilgal. Mặc dù giảng ở phương Bắc nhưng ông là người gốc phương Nam: Ông sinh ra ở Têcôa và, như đã nói, ông làm nghề chăn gia súc và trồng cây sung. Ngôn ngữ của ông cứng cỏi, khẳng khái và cụ thể, nhiều lần phảng phất đời sống nông thôn. Lời loan báo của ông tập trung vào hình phạt Thiên Chúa sắp giáng xuống, bởi vì họ đã từ bỏ Thiên Chúa, và hạng quyền thế trong dân áp bức những người yếu hèn.

Tình hình kinh tế và chính trị tại Israel hồi đó có dấu hiệu lạc quan. Sự giàu sang gia tăng, nhưng sự nghèo khổ của những người yếu ớt cũng ngày càng tăng theo. Thần học chính thức, được thành hình nơi các thánh điện hoàng triều và nơi cung đình, nhận thấy nơi sự hồi phục kinh tế bàn tay chúc lành của Thiên Chúa. Nhưng ông Amos tuyên bố rằng giọng điệu đó là hoang đường; Israel cần phải tỉnh thức khỏi ảo tưởng mà mình đang sống, bởi vì sự giàu sang là kết quả của sự bóc lột và bất công. Những tội nặng nhất mà ngôn sứ tố cáo có thể thu vào bốn loại: 1/ Những người quyền thế sống trong xa hoa, thiếu liên đới với số phận những người yếu ớt (6,1-7). 2/ Tội bất công: nguồn gốc của sự trù phú lấy từ sự bóc lột những người nghèo (5,7.10-17). 3/ An toàn tôn giáo giả tạo: người dân tưởng rằng họ đã được ưu đãi vì được Thiên Chúa tuyển chọn và tin rằng không phải sợ hoạn nạn nào (6,1-9). 4/ Tín ngưỡng giả hình: sự bất công và phụng tự không thể nào sống chung với nhau được (4,1-5; 5,18-26). Qua năm thị kiến, ngôn sứ loan báo sự kết liễu một dân tộc đã xây dựng lịch sử của mình như thế: Thiên Chúa sẽ trừng phạt, cho dù là một dân tộc được tuyển chọn (7,1–9,4). Duy chỉ một điều có thể cứu vớt họ: sự hối cải, thành thực tìm kiếm Chúa (5,4-6), được diễn tả ra việc thực hành công lý, bảo vệ người yếu ớt (5,14). Amos đã được truyền thống nhắc đến như là một ngôn sứ bảo vệ người nghèo.

b) Hôsê lại càng mạnh dạn hơn trong việc tố cáo tội bất công và tội thờ ngẫu tượng. Giống như một phụ nữ bất trung, Israel đã xa lìa Thiên Chúa, chỉ biết sống cho mình và cho các tình nhân. Những bất công và tham nhũng không thể nào đẹp lòng Chúa, bởi vì Ngài muốn tình yêu hơn là hy lễ (6,6). Tuy nhiên, những tâm tình của Thiên Chúa quá mạnh cho nên không thể bỏ rơi người vợ ngoại tình; Ngài gắng yêu cô một lần nữa và thương xót cô (2,16-25). Thế nhưng tất cả những cố gắng của Thiên Chúa đều là vô ích: Israel không chịu hoán cải; mặc dù Thiên Chúa đã chìa tay ra, nhưng dân tộc của Ngài đã không nắm lấy (hối cải), và thế là đi tới chỗ sụp đổ.

2. Thế kỷ VIII ở phương Nam


Tình hình xã hội, chính trị và tôn giáo ở nước Giuđa cũng không khác ở nước Israel là bao. Những lời chỉ trích của các ngôn sứ chống lại những bất công xã hội cũng rất giống nhau; nguy cơ thờ ngẫu tượng không mạnh cho lắm, nhưng đối lại là nguy cơ muốn biến Thiên Chúa thành một ngẫu tượng để sử dụng. Dưới bộ áo của lòng đạo đức, biểu lộ qua những phụng tự nguy nga trong đền thờ Giêrusalem, người phương Nam tìm cách trấn an lương tâm mà Thiên Chúa đã khuấy động qua miệng các ngôn sứ. Ông Isaia, một người nhận được ơn gọi ở trong đền thờ (6,1-13), có lẽ là người nhạy cảm nhất đối với thứ tôn giáo giả hiệu này (1,10-20).

a) Người ta đặt tên đệ nhất Isaia cho ngôn sứ giảng ở Giêrusalem vào thế kỷ VIII, ngoại trừ một vài đoạn có lẽ được thêm vào sau, sứ điệp của ông được thu thập vào 39 chương đầu tiên của cuốn sách của ông. Nguồn gốc của ông xem ra gắn liền với hàng quý tộc ở thủ đô, tuy vậy giai cấp này đã nhận được những lời chỉ trích mạnh mẽ nhất của ngôn sứ. Trong thần học của ông, có hai ý tưởng chiếm giữ chỗ đứng trọng yếu dựa trên các truyền thống của nước Giuđa: một là Thiên Chúa đã chọn hai chỗ làm nơi cư ngụ, tức là thành Giêrusalem và đền thờ; hai là ý tưởng nhà Đavít được chọn làm công cụ đặc biệt để cai trị dân. Cả hai sự lựa chọn này đã tạo nên một ưu thế cho nước Giuđa, nhưng không miễn cho họ khỏi một đời sống ngay chính; ngược lại đòi hỏi họ phải sống trung thành hơn với giao ước. Những ý tưởng căn bản từ sứ vụ của ông được tổng hợp trong trình thuật ơn gọi của ông. Đó là: (i) sự thánh thiện của Thiên Chúa; (ii) ý thức về tội lỗi cá nhân và tập thể; (iii) sự trừng phạt phải xảy ra; (iv) niềm hy vọng vào sự cứu độ. Những yếu tố này, kết hợp với sự tuyển chọn Sion và dòng dõi Đavít, cung cấp cho chúng ta chìa khóa để hiểu sứ mạng ngôn sứ của ông.

Chúng ta có thể tóm tắt lời giảng của ông vào hai chủ đề chính: (i) Những vấn đề xã hội: ông chỉ trích giai cấp lãnh đạo vì sự xa hoa và kiêu căng, tham lam vô độ, bất công; tất cả những điều đó không thể nào dung hợp với cuộc sống đạo đức chân chính (5,1-7). (ii) Chính trị: sự an toàn của Giuđa dựa trên những lời hứa của Thiên Chúa với dân, bảo đảm cho họ hòa bình và thịnh vượng. Tuy nhiên, những lời hứa đó không phải là vô điều kiện: chúng đòi hỏi một lời đáp trả trung thành về phía dân chúng, đặc biệt là các nhà lãnh đạo; họ không được phép đi tìm sự an toàn nhờ sự bảo đảm của những phương tiện nhân loại. Đối lại với đức tin là sự sợ hãi, nghi ngờ. Đứng trước sự thiếu tin tưởng của nhà vua vào Thiên Chúa, Isaia bảo đảm cho vua rằng ngai vàng của ông sẽ được duy trì nhờ một người kế vị sắp đến, một đấng Mêsia mới sẽ mang lại hoà bình và công lý, và củng cố cho ngai vua Đavít; dưới triều đại của vị ấy sẽ không có sợ hãi (nổi loạn chống lại Thiên Chúa), cũng sẽ không còn chuyện áp bức những người yếu thế (7,1-17; 11,1-16). Con người tưởng rằng lịch sử nằm trong tay mình, thế nhưng lịch sử ở trong tay Thiên Chúa, và con người phải quay về với Ngài.

b) Một vị ngôn sứ khác đương thời là ông Mikha, một người bảo vệ công lý xã hội. Trong sự tố giác của ông, ông như một cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, tuy không loại trừ lòng thương xót của Ngài. Ông khẳng khái lên án những lễ nghi phụng tự mà không đi kèm với đời sống luân lý của những người cử hành (6,1-8). Bị mê hoặc bởi những sấm ngôn của các ngôn sứ giả, Giuđa đang sa vào vòng tai họa (2,6-11; 3,5-8). Nhưng Thiên Chúa không để cho dân Ngài phải chết, Ngài sẽ cứu dân; Ngài sẽ không sử dụng những trung gian to lớn, nhưng sẽ chọn lựa những yếu tố khiêm tốn: ơn cứu độ không đến từ Giêrusalem, nhưng từ một làng nhỏ Bêlem (5,1-3). Ơn cứu độ không tới ngay đâu, cần một thời gian thanh luyện trong đó chỉ có một số nhỏ sống sót; còn bây giờ là thời của đau khổ (4,1-14). Khi Thiên Chúa ra tay cứu vớt, các quân thù của dân tộc sẽ bị hủy diệt, tuy nhiên các quân thù không phải là các quốc gia khác (theo lối giải thích cổ truyền), cho bằng các ngẫu tượng mà dân chúng đã chế tạo ra khi đặt tin tưởng vào chúng: quân đội, các pháo đài, các phù thủy, các thần tượng phù phiếm (5,9-14).

3. Các ngôn sứ thời trước lưu đày


Trong thế kỷ VII và cho tới lúc Giuđa sụp đổ trước quân đội Babylon vào năm 586, người ta còn nghe tiếng nói của một vài ngôn sứ tiếp tục nhân danh Thiên Chúa kêu gọi hối cải. Những thất bại trong lịch sử, được dân Giuđa giải thích như là hình phạt của Thiên Chúa nhưng đã không giúp cho họ quay về với Thiên Chúa ngay cả khi thấy xảy ra số phận đen tối của Israel ở phương Bắc, bị chinh phục và lưu đày bởi nước Átsua. Ngược lại, dân Giuđa tin tưởng rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra bởi vì Thiên Chúa sẽ bảo vệ họ; họ sống vô tư vì không nghĩ đến những đổ nát sắp sửa tới. Trong các ngôn sứ của thời này, nổi bật nhất là Xôphônia và Giêrêmia (Nahum và Habacuc cũng hoạt động vào thời này, nhưng lời giảng của họ không nổi bật như những vị kia).

a) Những lời giảng của Xôphônia được thu thập vào một cuốn sách nhỏ. Sự can thiệp của ông có thể đặt vào những năm đầu tiên của triều đại vua Giôsia (640/609) và có lẽ ông là một trong những người cổ võ cuộc canh tân tôn giáo (2V 22-23). Trong sách của ông, không có những chủ đề thần học quan trọng; ông theo dõi những vấn đề thời sự đương thời: thờ ngẫu tượng, bóc lột, lãnh đạm tôn giáo (1,4-13). Tình trạng này không thể chấp nhận được và sẽ trêu cơn giận của Thiên Chúa và hình phạt kèm theo. Trong sách của ngôn sứ này, có những đoạn văn nổi tiếng của Dies irae “ngày thịnh nộ” (1,14-18). Tuy nhiên, một lần nữa, hình phạt không phải là tiếng nói cuối cùng của Thiên Chúa. Xôphônia mở rộng ra tương lai với niềm hy vọng (của “một dân tộc khiêm tốn và nghèo hèn… số còn sót lại của nhà Israel”) (3,11-20): ông mời gọi dân chúng hãy đứng bên cạnh đám người trung thành còn sót này và từ bỏ cuộc sống xa cách Thiên Chúa; có như vậy họ mới có thể hưởng sự cứu độ. Một lần nữa, ông đã chỉ trích mạnh mẽ giai cấp lãnh đạo: các người cầm quyền là những con sư tử gầm rống, các thẩm phán là những con sói lang thang trong đêm, các ngôn sứ giả là những người ngụy biện, các tư tế là những người tục hóa các đồ thánh và vi phạm lề luật (3,3).

b) Giêrêmia là khuôn mặt nổi tiếng nhất của phong trào ngôn sứ thời này. Ông thuộc dòng họ Benjamin. Dòng họ Benjamin liên kết rất chặt chẽ với Giuđa, nhưng các truyền thống thần học lại gần gũi với các truyền thống thần học của Israel. Khác với Isaia, chủ đề Thiên Chúa tuyển chọn Sion và nhà Đavít không được nhấn mạnh; nhưng những lời chỉ trích chống lại đền thờ và vương triều thì lại mạnh mẽ hơn là Isaia. Ông bắt đầu sứ vụ khi còn trẻ; trình thuật về ơn gọi của ông có nhiều nét văn chương tương tự như việc kêu gọi ông Môsê.

Chúng ta có thể phân biệt bốn chặng trong sứ vụ của ông:

(i) Dưới triều Giôsia (khoảng 627-609), ông ủng hộ cuộc cải tổ của nhà vua, mặc dù ông cho rằng vẫn chưa đủ, bởi vì nhà vua chưa quyết liệt đương đầu với bất công xã hội và phụng tự giả dối (1-6).

(ii) Dưới triều Gioakim (609-598), lời chỉ trích của ông trở nên cứng rắn hơn, nhắm tới cả những người xem ra đạo đức và năng lui tới đền thờ (7,1-15. 21-26). Các lời lên án và kêu gọi hối cải không gặp âm vang, khiến cho ông cảm thấy chán ngán, và gợi hứng cho “những lời tự thú” lừng danh của ông (11,18–12,6; 15,10-21; 17,14-18; 18,18-23; 20,7-18). Hơn một lần, ông có nguy cơ mất mạng. Tuy vậy, nhờ lòng can đảm nhận được từ thần khí của Chúa, ông Giêrêmia đã loan báo sự kết liễu của nước Giuđa: sự sụp đổ không thể tránh được (10,17-22; 11,15-17). Dân được Chúa tuyển chọn đã phá vỡ giao ước với Chúa, ngôn sứ đã khóc thương số phận của dân mình (8,18-23). Những sứ điệp của ông không được hiệu quả; Giêrusalem không chịu trở lại (7,13.24-26; 13,23), tội lỗi đã ăn sâu vào trái tim của họ (17,1).

(iii) Dưới triều của Sedecias (597-586). Kế vị vua Gioakim là hoàng tử Jeconia, nhưng chỉ một vài tháng sau thì bị lưu đày ở Babylon; ông Sedecias lên cầm quyền. Những năm đầu tiên tạm coi là yên ổn; sau đó nhà vua bị các nước láng giềng lôi cuốn chống lại Babylon; điều này đã gây ra một tai họa tột đỉnh. Đang khi đó, một đàng ông Giêrêmia khích lệ những người bị lưu đày, một đàng ông kêu gọi những người ở lại hãy hối cải. Tuy nhiên, lại một lần nữa, ông cũng không được lắng nghe. Dân chúng thích nghe những ngôn sứ giả loan báo cuộc hồi hương sắp tới của những người bị lưu đày và sự phục hưng của nước Giuđa (28,1-17), ngôn sứ không thấy có cách nào để tránh tai họa ấy; tuy vậy nhân danh Chúa, ông vẫn nói lên một lời hy vọng: Giuđa sẽ được phục hồi, nhưng không phải bởi những người còn ở lại quê hương, nhưng bởi những người bị đi lưu đày. Thiên Chúa sẽ đưa họ trở về và cùng với họ xây dựng một dân tộc mới, công chính, đẹp lòng Ngài (24,1-10).

(iv) Sau khi Giêrusalem bị tàn phá. Nabucônôsor đã chinh phục Giuđa, phát lưu phần lớn dân chúng và đặt ông Gôđôlia làm tổng trấn. Ông Giêrêmia đứng bên cạnh vị tổng trấn này cho tới khi ông bị ám sát. Thế rồi, ông bị bắt buộc phải sang Ai-cập, nơi mà ông đã kết liễu cuộc đời. Tại đó, ông đã tiên đoán cuộc xâm chiếm Ai-cập và tố cáo các đồng bào di cư vì đã rơi vào tội thờ ngẫu tượng (40–44).

4. Các ngôn sứ thời lưu đày


Cuộc lưu đày đã đặt ra một khủng hoảng rất lớn cho dân Chúa. Vì sao Chúa đã để xảy ra chuyện này: thành thánh bị xâm phạm, đền thờ bị tục hóa, dòng dõi nhà Đavít bị gián đoạn, các con cái Ábraham bị đuổi ra khỏi vùng đất mà Chúa đã hứa ban? Phải chăng Chúa là kẻ phản bội, một người yếu ớt đứng trước quân thù, đối xử bất công? Phải chăng Chúa đã ruồng bỏ dân Ngài? Cuộc khủng hoảng này đã đưa nhiều tín hữu đến chỗ chối bỏ đức tin, hoặc ít là thích nghi với những hoàn cảnh đối nghịch. Êdêkiel và đệ nhị Isaia là những người có trách nhiệm nuôi dưỡng niềm hy vọng và loan báo một sự can thiệp mới của Chúa.

a) Êdêkiel có lẽ là một người rời bỏ quê hương trong cuộc lưu đày lần thứ nhất năm 98/97, lúc ấy ông còn trẻ. Trong sứ vụ của ông, chúng ta có thể phân biệt hai giai đoạn: một giai đoạn nặng về việc kết án, và một giai đoạn nặng về việc cứu độ. Việc chuyển hướng xảy ra sau khi Giêrusalem thất thủ hoàn toàn (586). Có lẽ quyển sách của ông đã duy trì khá trung thực thứ tự niên sử, có thể mô tả như sau: (i) Ơn gọi (ch. 1–3) có lẽ vào khoảng năm 592. Trong những chương này người ta ghi lại việc Chúa xâm nhập vào cuộc đời Êdêkiel, chọn ông làm ngôn sứ, trao sứ mạng và báo trước sự chống đối mà ông sẽ gặp. (ii) Lên án Giuđa (ch. 4–24), khác với những vị tiền nhiệm, đây không phải là hăm dọa để thúc đẩy cuộc hối cải, nhưng là gieo vào tâm hồn những người bị lưu đày nỗi nhớ nhung một thế giới đã bị kết án và đã tiến tới sự hủy hoại. Cần phải bỏ đi những ảo tưởng và mở ra những con đường mới. Những con đường này sẽ được thực hiện nhờ sự cải hóa. Niềm hy vọng mở ra cho tất cả mọi người, bởi vì Thiên Chúa chẳng ưa thích cái chết của tội nhân nhưng muốn cho nó sống (18,21-23). (iii) Các sấm ngôn chống lại các quốc gia (ch. 25–32). Cũng như các vị tiền nhiệm, giờ đây Êdêkiel cũng tấn công các nước ngoại bang. Đặc trưng của ông ở chỗ là liên kết số phận của họ với số phận của Giêrusalem. (iv) Những lời hứa hồi phục (ch. 33–39). Ngôn sứ loan báo thời của kỷ nguyên mới đã tới. Những người bị lưu đày sẽ là mầm mống của một dân tộc mới, nhưng họ phải hối cải để biến nó thành sự thật. Thiên Chúa sẽ quy tụ đoàn chiên mà các mục tử xấu (các thủ lãnh, tư tế, quý tộc, ngôn sứ và địa chủ) đã làm phân tán (ch. 34); đoàn chiên sẽ trở về đất của mình; những xương khô của dân Israel sẽ được hồi sinh (ch. 37), và Thiên Chúa sẽ chiến thắng hết mọi thù địch của Israel (ch. 39). (v) “Torah” luật của Êdêkiel (ch. 40–48): phần cuối cùng của cuốn sách có lẽ đã được viết vào khoảng năm 573, loan báo việc tái lập tôn giáo và chính trị, được liên kết với cuộc phục hưng đền thờ và phụng tự.

b) Đệ nhị Isaia là một tác giả vô danh được gán cho những chương 40–55 sách Isaia, không ai biết được tiểu sử của ông. Có lẽ ông hoạt động giữa những người bị phát lưu ở Babylon vào thời kỳ cuối của cuộc lưu đày, khoảng giữa năm 553 (bắt đầu chiến dịch của hoàng đế Cirô) và năm 539 (Babylon quy hàng). Sứ điệp của ông rất minh bạch: Dân Chúa sẽ trở về quê hương, Giêrusalem sẽ được phục hưng. Đây sẽ là một kỳ công của Thiên Chúa vượt xa cuộc xuất hành khỏi Ai-cập. Thiên Chúa sẽ chiến thắng tất cả mọi đối thủ: sự kiêu căng của Babylon (ch. 47), các thần linh của nó (chẳng qua chỉ là hư ảo: ch. 45,15- 46,13), và điều quan trọng hơn cả: sự thất vọng của dân vì mệt mỏi trông mong (ch. 40,27), hoảng sợ (ch. 41,13), mù và điếc (ch. 42,18-20), tội lỗi (ch. 43,23), ngoan cố (ch. 48,1-8), tưởng rằng mình đã bị ruồng bỏ (ch. 49,14), để loan truyền niềm hy vọng, ngôn sứ đề cao quyền năng của Thiên Chúa, có khả năng làm được điều không thể làm được; vì thế toàn dân hãy hy vọng.

Sứ điệp của ngôn sứ này có thể tập trung vào 5 bài diễn từ, mở đầu với một trình thuật về ơn gọi, trong đó ông trình bày một kế hoạch mới của Thiên Chúa (ch. 40,1-11). (i) Giờ của Thiên Chúa (ch. 40,12–ch. 42,12), Thiên Chúa là chủ tể của vũ trụ và lịch sử. Israel phải tin tưởng vào Ngài, bởi vì vận mạng của dân nằm trong tay của Chúa chứ không nằm trong tay của ai khác. (ii) Việc cứu chuộc Israel (ch. 42,14–ch. 44,23). Thiên Chúa sẽ cứu chuộc dân Ngài, nhưng sự cứu độ này không phải do nỗ lực của Israel nhưng là do sự tha thứ quảng đại ban không của Thiên Chúa (ch. 43,22–ch. 44,5), không phải các hy lễ và các việc thống hối có khả năng xóa bỏ tội lỗi của dân, nhưng là tình yêu của Thiên Chúa. (iii) Con đường cứu độ (ch. 44,27–ch. 49,13). Thiên Chúa sẽ đưa dân ra khỏi nơi đang ở; Ngài sẽ dẫn lối mở đường. (iv) Sion sẽ được chỗi dậy khỏi cảnh tàn phá (ch. 49,14–ch. 52,12). Giêrusalem đang ngã lòng, nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Nhưng làm thế nào Chúa có thể bỏ rơi nó? Dù vậy ngôn sứ phải tranh đấu chống lại sự ngờ vực của đồng bào. (v) Tương lai (ch. 54–55). Sau khi đã gánh chịu sự nhục nhã, Giêrusalem được hứa hẹn một tương lai huy hoàng: thành sẽ không còn như một góa phụ, nhưng sẽ sinh con, một đoàn con đông đảo mà Chúa sẽ ban. Thiên Chúa sẽ lại kết hôn với nó. Được xen vào các diễn từ này là bốn bài ca của người tôi tớ (42,1-7; 49,1-6; 50,4-9; 52,13-53,12), được giải thích nhiều cách khác nhau: có thể áp dụng cho dân tộc Israel, hoặc cho chính ngôn sứ, hoặc cho một nhân vật thứ ba không rõ căn cước. Truyền thống Ki-tô giáo luôn luôn áp dụng những bài ca này cho Đức Kitô.

IV. Sự suy tàn của phong trào ngôn sứ và văn chương khải huyền


Sau những khuôn mặt ngôn sứ thời danh hoạt động trong thời lưu đày, những người kế tiếp không còn nghị lực và tự phát như là các ngôn sứ thời cổ điển. Các ngôn sứ thời hậu lưu đày làm sống lại những ý tưởng của các vị tiền nhiệm, tìm cách thích nghi các lời ngôn sứ trước đây vào những hoàn cảnh mới hơn là phát biểu những tư tưởng độc đáo. Trong những ngôn sứ nổi tiếng vào thời này, ta có thể kể ra theo thứ tự thời gian: Đệ tam Isaia (Is 56–66), Haggai, Đệ nhất Dacaria (Dcr 1–8), Malakhi, Abdí­as, Gioel và Đệ nhị Dacaria (Dcr 9–14).

Ơn ngôn sứ vào thời buổi này nhìn về tương lai của Israel một cách lạc quan hơn. Nói chung, những chủ đề chính của họ tập trung vào Đền Thờ, Lề Luật (những cột trụ mang lại sự thống nhất cho cộng đồng Israel). Người ta cũng đề cập đến việc phục hưng nhà Đavít (Dcr 6,9-15), và một vài chủ đề liên quan đến ơn cứu độ vĩnh viễn của Israel trong đó nổi bật đề tài Thiên Chúa là Chủ Tể muôn loài.

Vào cuối thế kỷ III trCN, ơn ngôn sứ đã xuống dốc, vào thời mà nảy sinh một cách thức mới để giải thích hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử: thể văn khải huyền. Trong các ngôn sứ trước đây (Is 24–27; 56–66; Dcr 9–14), đã có nhiều đoạn văn pha lẫn thể ngôn sứ và thể khải huyền. Các hình thức văn chương này cũng đã được gặp thấy nơi Êdêkiel và Dacaria. Xét như là thể văn độc lập, nó phát triển vào lúc kết thúc ơn ngôn sứ (khoảng giữa thế kỷ II). Nó trở thành công cụ để diễn tả phong trào ái quốc vào thế kỷ này và mang theo những đặc tính sau đây: loan báo và đòi hỏi sự thống hối toàn quốc; chống lại việc chạy theo văn hóa Hy-lạp; niềm hy vọng cánh chung của một sự can thiệp sắp đến của Thiên Chúa, thuận lợi cho Israel. Khung cảnh của văn chương này luôn luôn là một cuộc khủng hoảng quốc gia. Những quyển sách khải huyền cánh chung cuối cùng ra đời vào cuối thế kỷ I trCN.

Đây là một thể văn ước định, với những biểu tượng đúc khuôn lấy từ các nguồn của Cựu Ước, đôi khi được kèm theo những giấc mơ và thị kiến (đặc biệt là ngai tòa trên trời). Mặc dù bối cảnh và nội dung của sứ điệp là của Do-thái, nhưng nhiều diễn ngữ không thuộc văn hóa Do-thái. Xét như kế thừa của ơn ngôn sứ, thể văn này muốn xác nhận những lời hứa dành cho tương lai, biến chúng trở thành hiện đại. Vì lý do này, các tác phẩm đều là vô danh; các tác giả dùng tên của các thánh trong Cựu ước. Họ không có chủ ý lừa gạt cũng không chủ chương đặt tác phẩm của mình vào một thời đại xa xưa, nhưng họ cảm thấy mình như là những kẻ giải thích mặc khải đã nhận từ xưa cho thời buổi hiện tại. Với ý tưởng đó, một vài văn gia cống hiến cho độc giả những bản tóm tắt lịch sử, kết nối thời xưa với thời nay. Nhờ các bản tóm tắt đó mà nảy ra một loại văn thể tiên báo chuyện tương lai nhưng chắc chắn là điều này không đúng. Các văn gia này muốn cho thấy rằng lời ngôn sứ đang được hoàn tất qua dòng thời gian, và nhất là những điều vẫn chưa được thực hiện.

Sau khi từ chốn lưu đày trở về, Israel đã phải trải qua một thời gian dài dưới sự thống trị của ngoại bang. Những lời hứa về cuộc phục hưng vinh quang đâu rồi? Trong bối cảnh đó, tác giả khải huyền nhấn mạnh ý tưởng là Thiên Chúa không bỏ rơi dân Ngài, và ơn cứu độ sẽ đến. Chủ đề trọng tâm của tác phẩm: việc khẳng định quyền bá chủ tuyệt đối của Thiên Chúa trên lịch sử và vạn vật. Thiên Chúa đã tiền định dòng lịch sử và thời kết liễu. Tuy nhiên, con người không nên phó mặc cho một số phận may rủi. Vận mệnh của lịch sử tùy thuộc vào việc tuân hành kế hoạch của Thiên Chúa; từ đó, nảy ra những lời mời gọi khẩn thiết hãy thống hối và thực thi luân lý.

Ơn cứu độ cánh chung vượt lên trên tất cả mọi biến cố đã từng được biết; vì thế nó được trình bày như là một cuộc tạo dựng mới, trong đó tất cả những hình thức của sự dữ sẽ bị diệt trừ. Kỷ nguyên mới được gọi là triều đại của Thiên Chúa và sẽ thay thế các đế quốc trên thế giới này.

Tác phẩm điển hình nhất của văn thể này là sách Đaniel; các tác phẩm khác của loại văn khải huyền Do-thái không được nhận vào quy thư, dù là của Do-thái giáo hoặc Ki-tô giáo.

V. Thế nào là một ngôn sứ theo Kinh Thánh?


Sau khi đã rảo qua một vòng lịch sử và thần học của sự tiến triển phong trào ngôn sứ trong Kinh Thánh, còn một câu hỏi phải trả lời: Tóm lại, Kinh Thánh nói gì về các ngôn sứ của mình? Trong Kinh Thánh ngôn sứ là những người cảm thấy sâu xa một tiếng gọi của Thiên Chúa để trở nên những sứ giả của Ngài. Cách thức loan báo sứ điệp, nội dung sứ điệp,… là chuyện tùy thuộc vào mỗi thời và hoàn cảnh chứ không có một khuôn mẫu chặt chẽ. Dù vậy, chúng ta cũng có thể kể ra một vài hằng số trong ơn ngôn sứ của Kinh Thánh, một vài điểm có thể rút ra từ các trình thuật về ơn gọi:

1/ Cho dù hiện tượng ngôn sứ vào lúc ban đầu mang tính cách tập thể (hoạt động thành từng nhóm), nhưng theo dòng thời gian nó trở thành một hoạt động cá nhân, tuy dù không phải là hoàn toàn bên lề của các môn đệ.

2) Nơi ngôn sứ đã diễn ra một cảm nghiệm tôn giáo sâu đậm, qua đó Thiên Chúa xâm nhập vào cuộc đời của ông và trao cho ông một sứ vụ.

3) Ngôn sứ được mặc lấy uy tín của Đấng đã phái cử mình. Sức mạnh của lời nói chỉ dựa vào Thiên Chúa, chứ không dựa vào quyền lực siêu nhiên nào. Họ không phải là những con người có uy quyền mà chỉ là những người tin vào Chúa.

4) Sau khi cảm nhận mình được cấp uy quyền của Thiên Chúa, họ dám đương đầu với tất cả mọi hình thức quyền bính khác, kể cả giáo quyền (x. Am 7,10-17). Lời tố cáo của họ không chỉ là lời khiển trách của một con người, nhưng tiên vàn là phán quyết của Thiên Chúa đối với các kế hoạch của con người. Điều này, dẫn ngôn sứ tới những cuộc đương đầu cam go, vì thế ta có thể nói rằng những sứ giả này thay vì sống nhờ lời ngôn sứ thì đã sống sót bất chấp lời ngôn sứ.

5) Tiếng nói của họ là tiếng nói của Thiên Chúa, nhắm đến con người không phải để nói điều họ thích nghe, nhưng là để nghe điều Chúa muốn nói cho họ. Vì thế sứ điệp của họ gồm hai yếu tố: tố cáo sự dữ (bất công xã hội, thờ ngẫu tượng,…) và loan báo ơn cứu độ.

6) Họ thường sử dụng ngôn ngữ gay gắt khi tố giác những bất công nhưng rất hiền hòa khi loan báo ơn cứu độ. Ngôn sứ cảm thấy mình “nhiễm” những tâm tình của một Thiên Chúa không thể dung tha tội lỗi, đàn áp và bảo vệ những kẻ bé nhỏ, những người yếu ớt. Chúng ta nên ý thức rằng, họ là những con người cách xa chúng ta nhiều thế kỷ lịch sử, và cách xa chúng ta về ngôn ngữ, văn hóa và về sự nhạy cảm.

7) Chúng ta hãy tránh một sự quan niệm nông cạn về ơn ngôn sứ: Các ngôn sứ không phải là những người nói những điều tương lai sẽ xảy ra, hoặc để đe dọa những tai ương sắp đến. Họ không loan báo tương lai (tuy cũng có điều này nhưng rất họa hiếm); đúng ra, họ phán đoán hiện tại. Đó là những con người có lòng tin sâu đậm, biết nhìn thực tại với cặp mắt đức tin, khám phá ra ở đâu có thể gặp gỡ Thiên Chúa và ở đâu không thể gặp được; họ biết điều gì đẹp lòng Chúa, và điều gì không đẹp lòng Chúa; họ biết phải dấn thân với ai, dấn thân như thế nào với lời cứu độ.

Trong Giáo hội, đó là những người tuy không tài giỏi, không nổi tiếng, không chức tước, nhưng họ giúp chúng ta sống chân lý theo tinh thần Tin Mừng; họ không thỏa hiệp lời giảng của mình với những tiện lợi của những người quyền thế, nhưng công bố những yêu sách đích thực của Thiên Chúa, dù có chịu bách hại hay bị khai trừ. Tóm lại, ngôn sứ là một người phân định thực tại dưới cái nhìn của Thiên Chúa, khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời và tỏ bày chương trình của Ngài đối với lịch sử, đồng thời họ cũng mời gọi chúng ta hãy cộng tác vào chương trình đó.

Thư tịch

ABREGO J. M., Profetas, Verbo Divino, Estella 1993; ALONSO SCHOKEL L.-SICRE DÍAZ J. L., Profetas. Comentario (2 vols.), Cristiandad, Madrid 1980; BEAUCAMP E., Los profetas de Israel, Verbo Divino, Estella 1988; FONDEVILA J. M., El profetismo de los laicos, Herder, Barcelona 1967; HARING B., “Profetas”, in: DE FLORES S.-GOFFI T. (dirs.), Nuevo diccionario de espiritualidad, San Pablo, Madrid 19914, 1609-1620; LATOURELLE R.-FISICHELLA R. (dirs.), Diccionario de teologí­a fundamental, San Pablo, Madrid 1992, especialmente CONROY CH., “Profetas”, 1081-1086 và FISICHELLA R., “Profecí­a”, 1068-1081; PIKAZA X., “Profetas-Profetismo”, in: MORENO VILLA M. (dir.), Diccionario de pensamiento contemporáneo, San Pablo, Madrid 1997, 973-981; SALAS A., Los profetas. Heraldos del Dios que actúa, San Pablo, Madrid 1993; SAVOCA G., “Profecí­a”, in: ROSSANO P.-RAVASI G.-GIRLANDA A. (dirs.), Nuevo diccionario de teologí­a bí­blica, San Pablo, Madrid 1990, 1520-1538; SICRE J. L., El profetismo en Israel, Verbo Divino, Estella 1992; (ed.), Los profetas, Reseña bí­blica 1 (1994); SICRE J. L. Y OTROS, La Iglesia y los profetas, El Almendro, Córdoba 1989.





[1] L.M. Stêphanô Huỳnh Trụ, Tìm hiểu Từ vựng Công giáo, NXB Tôn giáo, Hà Nội 2021, trang 517-528: “Tiên tri, ngôn sứ”.