Thứ Hai, 13 tháng 5, 2024

TÌM HIỂU VỀ SÁCH TALMUD

Thời sự Thần học – Số 28, tháng 6/2002, tr. 109-116.

Là bộ sách khoa bình chú Kinh Thánh Hípri lớn nhất, Talmud trở thành cuốn sách vượt thời gian. Ra đời từ thế kỷ thứ II, bộ sưu tập kiến thức của các vị thầy Do Thái này không ngừng được nghiên cứu và chú giải. Talmud vừa là bộ sưu tập kéo dài hàng ngàn năm, vừa không ngừng được đọc lại để tìm kiếm nguồn chân lý vô tận. Với sáu ngàn trang sách, Talmud mở ra cho con người một cuộc phiêu lưu vào thế giới Kinh Thánh Hípri. Xin trân trọng giới thiệu di sản về trí tuệ lẫn tâm linh của người Do Thái qua lời hướng dẫn của kinh sư Marc–Alain Ouaknin, sinh năm 1957, hiện ông là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Do Thái Aleph ở Paris. Ngoài ra vị kinh sư triết gia, họa sĩ kiêm thi sĩ này còn là giáo sư thỉnh giảng tại Phân khoa Văn học Đối chiếu của Đại học Bar–llan ở Tel–Aviv.

Bùi Minh Đức chuyển ngữ

theo Actualité des Religions, 02/2002

Tiếng huyên náo, tiếng người đi đi lại lại không ngừng, bầu không khí trong phòng học ở một trường nghiên cứu sách Talmud không có cái vẻ yên ắng như ở thư viện trường đại học. Chỗ đọc sách, cũng là nơi thảo luận, thường luôn sôi động và không thiếu những lời giảng giải. Đứng, ngồi, hay cắm cúi trên bản văn, các sinh viên đủ mọi lứa tuổi cất cao giọng đọc, ngả mình ra sau hay nghiên người từ trái sang phải. Họ vừa đọc vừa huơ tay, đập vào sách, lên bàn hay vào vai của người bên cạnh. Họ tra cứu những cuốn sách bình giải xếp trên các kệ đồ sộ phủ kín bức tường phòng học. Gần cửa ra vào, ba sinh viên đang thảo luận sôi nổi. Bất chợt, dù chẳng có dấu hiệu báo trước, mọi tiếng động ngừng bặt. Vị thầy, mãi cho đến lúc này vẫn làm trọng tài trong cuộc tranh luận giữa các sinh viên, bước xuống cuối phòng học. Giờ học thường nhật bắt đầu.

Im lặng gần như tuyệt đối, mỗi người chỉ nghe hơi thở của mình. Ngồi xuống chiếc ghế da và ngả người ra sau, vị thầy bắt đầu lên tiếng. “Nghiên cứu Torah (Lề luật) không phải là việc đơn giản. Torah là một công việc của mọi ngày đêm. Đó là một công việc đầy nguy hiểm...”

Đoạn văn trên được Marc–Alain Ouaknin trích lại từ cuốn tiểu thuyết tuyệt vời L’Elu của Chalm Potok nhưng đủ cho chúng ta thấy vị trí quan trọng cả về mặt nhân bản lẫn tâm linh của kinh Talmud trong Do Thái giáo. Đó là bước khởi đầu của một bài học mà diễn tiến và kết thúc thường dành quyền quyết định cho những lý luận của kinh Talmud. Vị thầy đưa ra mọto chân lý đáng kinh ngạc, bằng cách trích dẫn sách Talmud và giá trị những con số tương ứng với các ký tự trong tiếng Hípri (gematria[1]). Từ đó, ông kết luận chắc nịch, “chúng ta biết rằng người nào lìa xa Torah thì cũng sẽ xa rời cái thế giới tương lai. Chúng ta thấy nếu không có Torah, thì cuộc đời này chỉ mới có một nửa.”

Bây giờ tới lúc đặt câu hỏi cho các sinh viên. Một anh được hỏi: “Vậy anh có điều gì muốn nói không?” Chàng sinh viên thận trọng nêu lên một trích dẫn không chính xác. “Còn gì nữa không?” Cuộc thảo luận tiếp tục. Một chàng sinh viên khác đánh bạo nói rằng có một gematria không đúng... “bây giờ các anh hãy chú ý nghe đây, vị thầy lên tiếng. Những giá trị có tính cách con số, những trích dẫn từ kinh Talmud, trí nhớ của các anh và của tôi, tất cả đều rất hay nhưng đó lại không phải là bài học. Trong sách Diễm Ca có chép rằng: “Tôi ngủ nhưng tim tôi vẫn thức!” Điều đó có nghĩa là, đừng bao giờ, xin các anh nghe cho rõ, đừng bao giờ mất công sức để đưa óc phê bình ra thực hành. Đó là bài học ngày hôm nay!”

Nguồn gốc kinh Talmud


Marc–Alain Ouaknin nhấn mạnh: “Chỉ có Kinh Thánh được làm sáng tỏ và giải thích bằng kinh Talmud mới đưa con người ta vào việc đọc Kinh Thánh theo tinh thần Do Thái.” Trong “các dân tộc của Sách,” Do Thái giáo kín múc từ đó tính độc đáo căn bản nhất của mình. Tính cách độc đáo đó làm cho dân ấy thành dân giải thích Thánh Kinh. Thật vậy, khác với Thánh Kinh của Kitô giáo trong việc soạn thảo, Thánh Kinh Hípri cũng là như thế do vị trí của nó trong Do Thái giáo. Bản thánh thư này chỉ là một phần trong truyền thống, Torah chè-bi-khatav (Luật thành văn) còn phần kia là Torah chè-be-al peh (Luật truyền khẩu). Chính luật truyền khẩu giữ chức năng giải thích luật thành văn để từ đó rút những lời giảng dạy thực tiễn cho moi lãnh vực của cuộc đời con người. Để nhắc nhớ cho biết cả hai được liên kết với nhau như thế nào, truyền thuyết kể lại rằng, cả luật thành văn lẫn luật truyền khẩu đều được Thiên Chúa ban cho ông Môsê trên núi Sinai.

Suốt nhiều thế kỷ liền, người ta vẫn tôn trọng lệnh cấm chuyển dịch giáo huấn truyền khẩu của kinh Torah. Chính vì sợ những kiến thức ấy biến mất nên vào thế kỷ thứ II, các Rabbi Israel đã ghi lại thành văn. Bộ văn bản đầu tiên này là sưu tập những quyết định và luật lệ bao quát mọi lãnh vực thuộc đời sống dân sự lẫn tôn giáo. Bộ này được gọi là Mishna. Giai đoạn đầu tiên của công cuộc soạn thảo bản văn kinh Talmud thừa hưởng kết quả pháp điển hóa luật truyền khẩu được thực hiện vào thế kỷ II trước Chúa Giêsu do nhiều thế hệ kinh sư, Tannalm (tước hiệu dành cho những nhà thông thái nghiên cứu Mishna) trong đó nổi tiếng nhất là thầy Hillel và thầy Shamal. Như vậy bộ Mishna là nền tảng quy chiếu của luật truyền khẩu. Đó vừa là một sưu tập vừa là tuyển tập những quyết định của các vị kinh sư không thể ghi nhớ mãi được. Thế nhưng nó không phải là nhất thống. Nếu như trào lưu tự do hơn, đại biểu là trường phái Hillel, có giữ phần ưu thắng, thì không vì thế mà trường phái nghiêm ngặt Chamal bị loại ra khỏi Mishna.

Trong những thế kỷ tiếp theo, sách Mishna càng thêm phong phú nhờ phần bình giải (Gemara) của các Amoralm (tước hiệu dành cho những nhà thông thái chuyên về Gemara để giải thích và quảng bá Mishna). Hệ quả của việc người Do Thái bị phân tán sau khi quân La Mã phá hủy đền thờ Jêrusalem, bộ Mishna được thêm phong phú nhờ hai nguồn khác nhau. Nguồn thứ nhất được hình thành do những trường phái còn ở lại trên lãnh thổ Israel, nguồn thứ hai do các trường phái ở Babylon. Như vậy, cùng một bộ Mishna đã sản sinh ra hai lối bình giải khác nhau và cho ra đời hai bộ Talmud: Talmud Jêrusalem và Talmud Babylon. Vì được triển khai ít hơn, nên Talmud Jêrusalem ít được chú ý tới so với bộ thứ hai Talmud Babylon.

Hoàn thành vào đầu thế kỷ VI, sự hợp nhất giữa Mishna và Gemara Babylon làm thành nền tảng cho cái người ta gọi là kinh Talmud. Nhưng việc biên soạn lại (như cách trình bày ngày nay) rất lâu sau mới hoàn tất. Một số nhà bình giải khác vẫn tiếp tục theo đuổi và đào sâu hơn việc chú giải kinh Talmud. Đóng góp quan trọng nhất chính là những thành quả lao động miệt mài cộng với trí tuệ minh mẫn của Rachi de Troyes[2] vào thời Trung Cổ. Các tập bình giải của Rachi và các môn sinh của ông (Tosafot[3]) tỏ ra quý giá đủ để được liên kết với Mishna và với Gemara. “Tập bình giải của Rachi là một tập bình giải tuyệt vời. Hầu như không thể hiểu được Talmud nếu không có ông,” Marc – Alain Ouaknin tâm sự như thế.

Quy tắc và bình giải


Mishna và Gemara làm nên trục chính yếu của kinh Talmud. Chúng chẳng có điểm khác biệt nhỏ nào. Là bộ sưu tập những quyết định và luật lệ, bộ Mishna có thể được coi như một bộ luật gồm các quy luật về xã hội và tôn giáo, được chia làm 6 phần về: đất đai, thời gian, phụ nữ, xã hội, thánh thiêng và cái chết. Đó chính là xương sống của Talmud. Mỗi khảo luận (cả thảy gồm 63) khảo sát một cách có lớp lang mọi đề tài, từ những đề tài thường nhật đến những đề tài cơ bản nhất. Nhưng bộ Mishna không giống bộ luật dân sự của Napoleon hay giáo luật của Giáo Hội Công giáo bao nhiêu. Được viết bằng tiếng Hípri theo một thể văn súc tích và ngắn gọn, Talmud chuyển tải những quy tắc để quy chiếu hơn là những sắc lệnh. Thật ra, Mishna không được xem như một bản văn cuối cùng vì “nó trưng dẫn nhiều lời giải thích trái ngược nhau, không quyết định và nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ”, Marc – Alain Ouaknin nhắc cho biết.

Do vậy, chức năng giải thích thuộc về Gemara. Kinh sư Ouaknin giải thích: “Mục đích của nó là làm sáng tỏ Mishna. Trước tiên là về phương diện thuật ngữ gồm từ ngữ, lối diễn tả, câu văn... Sau đó là tìm xem luật được các vị thầy của Mishna đưa ra dựa vào những câu Thánh Kinh nào rồi tìm cách hiểu chúng theo nghĩa triết học. Vì vậy nó tìm kiếm trong đó những điểm quy chiếu, có thể là ngay trong bản văn Thánh Kinh, hoặc trong các chuyện kể về cuộc đời của các vị thầy, các dụ ngôn mà họ đã kể.” Được viết bằng ngôn ngữ bình dân, thứ ngôn ngữ phát sinh của tiếng Aram, Gemara, trong hình thức của nó, vẫn còn đang được bàn luận.

Còn hơn cả Mishna, Gemara thấm nhiễm tính biện chứng giữa Halakha (truyền khiến) và Haggada (miêu tả). Halakha trình bày phần pháp luật của Talmud. Nhưng ngoài những lời khuyên của các nhà hiền triết, Halakha cũng chuyển thông những ý kiến đang tranh luận và trái ngược để chứng minh. Như vậy, nét độc đáo của nó chính là khôi phục “con đường của tinh thần dẫn đến những kết luận của một điều luật,” Marc – Alain Ouaknin nhấn mạnh. Còn Haggada tái khám phá những gì không thuộc lập luận trên bình diện pháp luật. Haggada chứa đựng “tất cả những gì nói vào trong trái tim để cảm, vào tinh thần để thuyết phục. Điều đó có nghĩa là trong toàn bộ chiều rộng của nó, Marc – Alain Ouaknin tóm tắt. Chúng ta còn tìm thấy trong Haggada lịch sử thật hay huyền sử, những suy tư về khoa học, về việc giải mộng,...” Giống như việc soạn thảo Talmud, biện chứng giữa Halakha và Haggada vẫn còn là một trong những chiến lược được sử dụng để nghiên cứu Talmud.

Phương pháp Talmud


Việc học Talmud, chủ yếu bằng truyền khẩu, không nhằm mục đích duy nhất là để nhớ. Theo hình ảnh của các kinh sư, nó còn hàm chứa sự canh tân và đổi mới mãi mãi. “Truyền thống không những là một hành động đón nhận và chuyển thông, nhưng còn tái tạo ý nghĩa nữa,” Marc – Alain Ouaknin nhấn mạnh. Theo viễn tượng ấy, bản văn vẫn còn chưa dứt, còn luôn hướng đến những lối giải thích mới để ngăn không cho một lời nào trở thành một sự áp đặt, một tín điều hay chân lý cuối cùng. Marc – Alain Ouaknin cho biết: “Có sự giải thích để bản văn không biến thành ngẫu tượng. Bình giải Talmud là một cuộc du hành lâu dài mời chúng ta từ bỏ nhu cầu, thường rất thích thú, là rút ra những kết luận, hình thành một ý kiến hay một phán đoán cuối cùng.” Một cuộc hành trình xuyên suốt, một bản văn đồ sộ mà sự phong phú của nó ít hệ tại ở những câu trả lời được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cho bằng ở trong nghệ thuật chất vấn.

“Tôi thắc mắc, vì vậy tôi tồn tại. Đó là kinh tin kính của tư duy nghi vấn của Talmud,” Marc – Alain Ouaknin khẳng định bằng cách trưng dẫn một chứng minh trong Talmud. “Từ “Adam” có cùng giá trị về số như từ “Mah”, nghĩa là “cái gì?”. Điều đó có ý nói rằng không thể định nghĩa con người. Nhưng chẳng lẽ cái hữu thể đặc thù này lại vượt khỏi mọi khả năng định nghĩa? Bản thể của con người chẳng phải là không có bản thể đấy ư? Đó là một nghịch lý mà ngôn ngữ Hípri phát biểu một cách hoàn chỉnh. Bản thể được gọi là “mahout”. Xuất phát từ gốc “mah” có nghĩa là “cái gì?”. Đó chính là “tính cách cái gì” (quoibilité), một từ mới mà tôi tạo ra để gọi cái bản thể hay chất vấn này của một con người đang duy trì cái hữu thể mở ra đón nhận khả năng của những cái khả dĩ.” Như thế, chất vấn là chiến lược đầu tiên để đọc Talmud.

Cuộc đối thoại giữa các vị Rabbi là một chứng minh khác. “Cái đánh động độc giả sách Talmud, đó là tầm quan trọng của đối thoại trong việc hình thành tư tưởng: Hillel và Chamal, Rav và Chamouel... “chủ nghĩa đối thoại” này – là nền tảng trong sách Talmud – tiếng Hípra gọi là mah – loquèt, Marc – Alain Ouaknin giải thích. Nó có nghĩa là không thể suy tư riêng lẻ, điều đó tránh nguy cơ chuyển một lời “đề nghị” thành lời “áp đặt”. Tầm vóc triết học của mah – loquèt rất quan trọng. Sự kiện cùng một bản văn có thể đưa ra vô số cách giải thích hàm ý là không có cách giải thích nào “đúng” nhưng chỉ có những cách giải thích “chính đáng”, những cách giải thích này chỉ là những khả năng của thế giới chứ không phải là chính thế giới.

Trong việc học hỏi Talmud, sau cuộc đối thoại giữa các vị thầy đến cuộc đối thoại giữa các bản văn, gezérah chava. Tính cách tương liên giữa các bản văn đưa vào “một chuyển động trong đó mỗi bản văn là chính nó trong tương quan với các bản văn khác, Marc – Alain Ouaknin giải thích. Khi hiểu như vậy, một bản văn là một biến cố có tính cách tương quan chứ không phải là một bản thể để phân tích. Gezérah chava giúp đối chọi những nghĩa khác nhau của một từ, làm cho những điểm sáng của ý nghĩa hiện lên. Như vậy, mỗi bản văn làm hỏng bản văn khác, ngăn cho nó khỏi giam mình trong một tư tưởng đang lún sâu vào lớp cát động của khuynh hướng giáo điều. Điều khám phá được trong không gian của gezérah chava không phải là ý nghĩa tối hậu cũng chẳng phải là chân lý. Chẳng có khởi đầu, chẳng có kết thúc, chẳng có trò tiêu khiển, tiếng cười và tính khôi hài. Vì vậy gezérah chava giúp cho khỏi đóng khung ý nghĩa và cống hiến lại cho bản văn tính cách vô hại của nó.”

[1] Gematria, mỗi chữ cái trong mẫu tự tiếng Hípri có một giá trị bằng số (gematria); biểu tượng này được dùng làm công cụ để giải thích bản văn.
[2] Rabbi Chlomo Itshaqui (Rachi) sống ở thành Troyes (Pháp) vào thế kỷ XI–XII (1040 – 1105). Ông để lại nhiều bản văn chú giải bộ Talmud Babylon. Ông bình chú từng câu trong kinh Talmud, giải thích những từ khó và mạnh dạn thay những từ tiếng Pháp khi không tìm thấy từ tương đương trong tiếng Hípri. Ảnh hưởng của ông sâu đậm đến nỗi, sau này muốn chú giải những đoạn Talmud khó, người ta đặt ngay câu hỏi: “Rachi đã nói gì?”
[3] Tosafot, số ít là Tosefta, nghĩa là “phụ bản”, “thêm vào”. Từ này dùng để chỉ các nhà bình giải (thế kỷ XII và XIII) và các bài chú giải của họ được trình bày ở cột ngoài trong các trang sách Talmud.