_Giuseppe De Carlo, O.F.M. Cap._
Tác giả là giáo sư học viện Sant’Apollinare, Forli (Italia). Đây là tài liệu dành cho các sinh viên Introduzione agli scritti sapienziali, Forli, 2019, p.70-110. Giáo sư cho biết là mình sử dụng rất nhiều chất liệu lấy từ W. Vogels, Giobbe. L'uomo che ha parlato bene di Dio, Cinisello Balsamo 2001.{tocify} $title = {MỤC LỤC}
Nghe nói đến Sách Gióp, nhiều người nghĩ đến vấn đề: tại sao người lành phải chịu đau khổ? Tuy nhiên, có những cách đọc khác nữa: phải chăng đó là tiếng nói chống lại thuyết nhân quả (làm lành được thưởng, làm dữ bị phạt)? Hay là bài học về đức nhẫn nhục lúc chịu đau khổ (giống như Chúa Giêsu)? Tác giả của bày giới thiệu một cách đọc khác: nghiên cứu sự thay đổi ngôn ngữ của ông Gióp, từ đầu đến cuối câu chuyện (ta có thể đếm được tám thứ ngôn ngữ).
I. Dẫn nhập
Trước khi đi vào phần phân tích nội dung tác phẩm, chúng ta hãy rảo qua một vòng quan sát bên ngoài, tìm hiểu nhân vật câu chuyện, thể văn, bố cục, việc biên soạn, những cách giải thích.
A. Nhân vật
Cuốn sách mang tên ông Gióp. Ông là ai vậy? Đây là một nhân vật lịch sử có thực hay chỉ là một hư cấu?
Khi bàn đến lịch sử sách Gióp, thiết tưởng nên phân biệt hai vấn đề: 1/ Ông Gióp có phải là một nhân vật lịch sử không? 2/ Ông đã được lịch sử nói đến như thế nào? Câu hỏi thứ hai dễ trả lời hơn.
1. Sách Gióp trong lịch sử
Cuốn sách Gióp được nói đến rất nhiều trong văn chương nhân loại. Đừng kể các chú giải của các giáo phụ (chẳng hạn Ambrôsiô, Giêrônimô, Augustinô), và các nhà thần học trung đại (chẳng hạn thánh Tôma Aquinô), ông Gióp còn trở thành chủ đề của nhiều tiểu thuyết, nghị luận, hội họa, như là điển hình cho thân phận đau khổ của con người, đặc biệt là sự đau khổ của những kẻ vô tội. Có lúc ông là tiêu biểu của con người kiên nhẫn chịu đựng số phận (tiên báo cuộc thương khó của Chúa Giêsu), nhưng đôi khi ông cũng tượng trưng cho tiếng nói phản đối thân phận nghiệt ngã của kiếp nhân sinh[1].
2. Ông Gióp là một nhân vật có thật?
Gióp là một hư cấu văn chương, hay là một nhân vật lịch sử? Trước khi trả lời, ta nên lưu ý rằng trong Kinh thánh, sách Gióp được xếp vào hàng “các sách khôn ngoan” (chứ không phải sách lịch sử hay ngôn sứ). Kinh thánh Híp-ri đặt sách Gióp sau các Thánh vịnh và Châm ngôn, trước sách Diễm ca. Kinh thánh Hy-lạp và bản Vulgata đặt sau Thánh vịnh và trước các Châm ngôn. Một vài ấn bản Kinh thánh mới đây (như Bible de Jérusalem) đặt Gióp trước các Thánh vịnh và Châm ngôn.
Tác giả cuốn sách để cho ông Gióp sống vào thời các tổ phụ và ở Edom hoặc Arabia (G 1,1). Tên của ông Gióp còn được nhắc đến hai lần trong Kinh thánh: một lần trong Cựu ước (Ed 14,12-23) và một lần trong Tân ước (Gc 5,11) như mẫu gương của đời sống đạo hạnh, dấu chỉ của Thiên Chúa công bình và lân tuất. Phải chăng ông là một nhân vật có thật? Truyền thống Do-thái trả lời là không: ông Gióp chỉ là một dụ ngôn, chứ không có thực (Talmud Babilonia, Baba Bathra 15 ab). Nhân vật không phải là điểm quan trọng; điều cần chú ý là đề tài của tác phẩm.
3. Đối chiếu văn chương
Thật vậy, trong văn chương miền Cận đông, cách riêng ở Mesopotamia và Ai Cập, chúng ta gặp thấy nhiều tác phẩm cổ điển cũng bàn về một vấn đề tương tự, gây băn khoăn cho biết bao người: tại sao con người phải chịu đau khổ? Cách riêng, tại sao người lành lại chịu đau khổ?
a. Mesopotamia
Trong các tác phẩm gần với thể văn của Gióp, cần kể đến cuốn “Thần biện Babilonia” (Theodicea babilonese)[2]. Rồi đến “Lời than trách của một người đau khổ với vị thần linh của mình”; và “Tôi muốn ca ngợi vị thần khôn ngoan (Marduk)”. Đứng trước vấn đề đau khổ, con người hoặc là than thở trách móc, hoặc là suy tư về lý do đau khổ, hoặc riêng tư hay đối thoại với các thân hữu.
b. Ai Cập
Tại đây, chúng ta gặp thấy tác phẩm “Cuộc đối thoại giữa một người tuyệt vọng với linh hồn của mình”[3]. Nói cho đúng, đây không phải là cuộc đối thoại, bởi vì nhân vật trong truyện, thất vọng vì thế sự thăng trầm, đang có ý định tự tử, thì được linh hồn của mình đến can ngăn.
Mặc dù các tác phẩm này ra đời để tìm câu trả lời cho một hoàn cảnh như nhau, nhưng lời giải đáp của sách Gióp có những điểm khác biệt, nhờ những truyền thống khôn ngoan đặc thù của Israel.
B. Thể văn
Các nhà chú giải đưa ra nhiều ý kiến: sách Gióp là một sử thi, một bi kịch (hoặc hài kịch), một bài ca thán, một tác phẩm khôn ngoan, một tác phẩm tranh luận pháp đình. Chúng tôi xin tóm lại bốn ý kiến chính.
1. Một thảm kịch
Trong số những người đầu tiên coi sách Gióp như một bi kịch ta phải kể đến giáo phụ Theodoro de Mopsuestia (k.350-428)[4]. Ý tưởng này được lấy lại vào đầu thế kỷ XX[5] và được khai triển vào thập niên 70, đặc biệt do cha L. Alonso Schӧkel S.J.. Theo tác giả này, Gióp là một bi kịch với ít hành động nhưng nhiều xúc động: nó diễn tả bi kịch cố hữu của loài người. Cuốn sách gồm hai lời mở đầu, hai lời kết thúc, và bốn cuộc đối thoại: ông Gióp lên tiếng ba lần, và các bạn hữu lần lượt trả lời ba lần; lần thứ bốn là của chính Thiên Chúa. Qua cuộc đối thoại này, ta thấy sự thay đổi hình ảnh Thiên Chúa: từ một Thiên Chúa quá tỏ tường và minh bạch trong cách cư xử đối với thế giới, sang một Thiên Chúa không thể lường được, huyền nhiệm và khó hiểu.
2. Một phiên tòa
Một ý kiến khác cho rằng sách Gióp diễn ra như một phiên tòa, gồm có: công tố viên, người làm chứng, phán quyết của thẩm phán. Ông Gióp xuất hiện như là bị cáo trong một thủ tục khá phức tạp[6].
3. Một cuộc tranh luận triết học
Đây là một thể văn quen thuộc bên vùng Cận đông cổ đại: các nhà hiền triết họp nhau để tranh luận về một đề tài, đưa ra những lý lẽ thuận và nghịch. Đặc trưng của cuộc suy tư này là đưa ra một giáo huấn có giá trị cho hết mọi người.
4. Một Thánh vịnh than vãn
C. Westermann phần nào muốn tóm kết các ý kiến trên đây, theo đó sách Gióp là một bài than vãn, được dựng thành một bi kịch, trong đó chen vào một cuộc tranh luận của phiên tòa. Toàn thể tác phẩm có thể coi như một Thánh vịnh than vãn, trong đó có ba nhân vật chính: con người than vãn, Thiên Chúa, các đối thủ. Tựa như các thánh vịnh khẩn nài, tác phẩm kết thúc với một chân trời tích cực, khám phá ra ý nghĩa của cuộc đời[7].
C. Bố cục
Lướt qua 42 chương cuốn sách, chúng ta có thể nhận ra những phần chính như sau:
- - Lời mở đầu, văn xuôi (ch. 1–2);
- - Độc thoại của Gióp, lần thứ nhất (ch. 3);
- - Ba cuộc đối thoại của Gióp với ba người bạn: Elifaz, Bildad, Zofar (ch. 4–27);
- - Một bài ca tụng Đức Khôn ngoan (ch. 28);
- - Độc thoại của Gióp, lần thứ hai (ch. 29–31);
- - Các diễn từ của Eliu, người khách thứ bốn (ch. 32–37);
- - Những lời của Yhwh và những lời thưa của Gióp (ch. 38,1–42,6);
- - Lời kết, văn xuôi (ch. 42,7-17).
Chúng tôi sẽ phân tích bố cục cách chi tiết hơn ở trong phần thứ hai (nội dung).
D. Những chặng biên soạn
Khi nghiên cứu sách ông Gióp, cũng như bất cứ cuốn sách nào của Kinh thánh, các học giả sử dụng nhiều phương pháp. Các phương pháp lịch đại chú trọng đến lịch sử hình thành bản văn, theo dõi những chặng biên soạn khác nhau cho đến khi hoàn tất cuốn sách. Các phương pháp đồng đại thì tập trung vào bản văn đã hoàn tất, cố gắng vạch ra sứ điệp qua việc phân tích bố cục, sự liên hệ giữa các phần của nó. Những cách tiếp cận khác nhau đã góp phần rất lớn vào việc hiểu biết tác phẩm. Trước hết, chúng tôi xin trình bày lối tiếp cận lịch đại, vạch ra những chặng biên soạn, có thể tóm vào bốn giai đoạn như sau:
1. Một câu chuyện dân gian cổ xưa
Lời mở đầu (ch. 1–2) và đoạn kết (ch. 42,7-17) của tác phẩm, viết bằng văn xuôi, có thể giúp ta tái lập được một câu chuyện làm nền tảng. Tên của nhân vật và địa danh có thể định hướng xuất xứ của câu chuyện (vùng Edom, hay Hauran). Tên Gióp (Híp-ri: ‘iyyob) được gặp thấy từ thiên niên kỷ thứ hai ở miền Cận đông cổ xưa, dưới nhiều hình dạng khác nhau[8]. Ông ta sống đời bán du mục; những người Sabê và Calđê vẫn còn sinh sống trong sa mạc Syria và Arab. Hình ảnh một triều đình và những biểu tượng bằng con số được gặp thấy nơi dân Ugarit vào thế kỷ XIV, tuy nhiên việc nuôi con lạc đà (G 2,3) không thể có trước năm 1200 trCN.
Câu chuyện dân gian này được du nhập vào Israel dưới thể văn xuôi, và thích nghi với niềm tin vào Giavê. Ông Gióp được giới thiệu như là sống đương thời với các tổ phụ: với tư cách gia trưởng, ông dâng hy lễ lên Thiên Chúa (1,5; 42,8), và dâng lễ toàn thiêu để xin xá tội (St 8,20; 22,2.7.13; 31,54). Thể văn thuật chuyện có nhiều điểm trùng hợp với những bản văn cổ của Ngũ thư, và đã sớm trở thành quen thuộc với dân Israel, bởi vì sách Edekiel (khoảng năm 600) đã trích dẫn như một nhân vật trở thành quen thuộc (Ed 14,12-23). Vào khoảng thế kỷ VI, vài chi tiết của văn chương khôn ngoan cũng được thêm vào câu chuyện, chẳng hạn khi mô tả ông Gióp như mẫu gương của người đạo hạnh công chính (tam weyàsàr),[9] “kính sợ Elohim và xa tránh tội lỗi”.[10] Sau cùng vài dữ kiện của câu chuyện cho phép đặt vào thời kỳ sau lưu đày, chẳng hạn như Satan, một nhân vật cũng xuất hiện ở phần mở đầu của Dacaria (520-518); xc. Dcr 3,1-5; 1,21; 4,10; 6,7.
2. Phần văn thơ của thế kỷ V
Vào tiền bán thế kỷ V, một thi sĩ Israel đã lấy câu chuyện cổ và thêm vào một thần học của mình, chống lại quan niệm cổ điển về sự thưởng phạt. Ông ta dùng câu chuyện làm phần mở đầu và kết luận, và đưa vào những cuộc đối thoại giữa ông Gióp với ba người bạn (ch. 4–27), lồng vào hai bài độc thoại của người công chính (ch. 3 và 29–31), rồi cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và ông Gióp (38,1–42,6). Ông tôn trọng câu chuyện cổ xưa và chỉ thêm ba người khách vào cuối lời dẫn nhập (2,11-13).
3. Các diễn từ của Eliu
Phần này (ch. 32–37) được thêm vào sau cuộc đối thoại giữa ông Gióp và ba người bạn, không những vì ngôn ngữ mang nặng tiếng Aram, mà vì vài đề tài của Eliu cũng phản ánh tâm trạng của sách Malakhi (2,17; 3,14-16). Vì thế các diễn từ của Eliu có thể được thêm vào khoảng năm 450 bởi một bàn tay khác hoặc bởi nhà thơ trên đây.
4. Bài thơ của Đức Khôn ngoan (ch. 28)
Một soạn giả vô danh ở thế kỷ IV hay thế kỷ III đã đưa vào bài thơ ca tụng sự Khôn ngoan, để kết thúc cuộc đối thoại của ông Gióp với ba người bạn, và chuyển sang phần khác, trong đó ông Gióp đòi phản đối luôn cả Thiên Chúa (29,31), và rồi đến lượt ông bị vặn lại bởi quyền năng và sự khôn ngoan của Người (38,1–42,6).
E. Ý nghĩa đương đại
Việc tái lập lịch sử biên soạn (lịch đại) ra như muốn khám phá ý định của tác giả cuối cùng của tác phẩm: đâu là ý nghĩa chính? Tuy nhiên, còn có những quan niệm khác nữa: một tác phẩm không chỉ có “một ý nghĩa” mà có “nhiều ý nghĩa”, tùy theo tâm trạng của người đọc. Nói chung, đề tài chính của cuốn sách là sự đau khổ của con người, đặc biệt là sự đau khổ của người vô tội. Nhưng hiểu như thế nào? Các học giả đã đưa ra nhiều ý kiến.
Trước hết, chúng ta có thể nhìn sự đau khổ từ phía con người hay từ phía Thiên Chúa. Có những học giả phân tích từ phía con người, tìm hiểu cách thế ứng xử khi gặp đau khổ thử thách, hoặc cách thế để giữ vững niềm tin. Có người muốn nhìn từ phía Thiên Chúa, tìm cách biện minh cho sự công bình của Thiên Chúa (đề tài của “Theodicea”, thần biện): tại sao Chúa để cho người lành phải chịu khổ? Cũng có những học giả quan tâm đến những đề tài khác, chẳng hạn như: sự cầu nguyện, tương quan nhân bản, tình bằng hữu, những người bị xã hội gạt ra bên lề.
Chúng tôi muốn áp dụng phương pháp ngữ nghĩa (semiotica), phân tích bản văn dựa theo diễn tiến của câu chuyện, dựa trên sự liên kết giữa các phần và các đoạn của nó. Câu chuyện bắt đầu như thế nào? Ông Gióp đã nghĩ gì, đã nói gì, đã làm gì? Tâm trạng lúc ban đầu như thế nào, và kết thúc ra sao? Ông có thay đổi gì không?
Chúng ta sẽ thấy rằng sợi chỉ liên kết các phần là cuộc thách đố của Satan với Yhwh. Hắn nghĩ rằng nếu ông Gióp mà bị tai họa thì thế nào cũng nguyền rủa Yhwh (1,11). Cuộc thử thách xoay quanh chuyện ngôn ngữ: ông Gióp sẽ nói gì khi gặp đau khổ? Như vậy, sợi chỉ liên kết toàn thể câu chuyện là: làm thế nào nói về Thiên Chúa lúc gặp đau khổ?
II. Nội dung tác phẩm
Chúng ta hãy theo dõi câu chuyện qua việc phân tích nội dung tác phẩm.
A. Khởi đầu: hạnh phúc của ông Gióp
Những câu đầu tiên (1,1-5) mô tả ông Gióp như một con người hạnh phúc. Giọng văn giống như các chuyện cổ tích (“Thời xưa, có người kia...”). Tác phẩm không thuộc loại sử ký, nhưng thuộc loại ngụ ngôn. Nhân vật Gióp có thể ám chỉ bất cứ con người nào: ai cũng mong được hạnh phúc, bao gồm gia tài phú quý, sức khỏe lành mạnh, gia đình êm ấm. Hơn nữa, ông là người đức hạnh, không dám lỗi luật Chúa, tránh việc “nguyền rủa” Người ngay từ trong con tim (1,5).
B. Thách đố: thế nào ông Gióp cũng nguyền rủa Chúa
Câu hỏi căn bản của cuốn sách là: Ông Gióp sẽ nói về Chúa thế nào khi gặp đau khổ? Câu hỏi này có thể diễn tả bằng nhiều cách: hoặc là nói với Chúa bằng lời cầu nguyện hoặc bằng lời than trách; hoặc nói một mình (độc thoại) hay là nói với người khác về Thiên Chúa (đối thoại). Cuốn sách này cho chúng ta thấy nhiều kiểu nói (nhiều thứ ngôn ngữ) được vận dụng.
Trong những chương mở đầu, Satan thách đố Thiên Chúa rằng thế nào ông Gióp cũng nguyền rủa Người khi gặp hoạn nạn (1,11; 2,5). Theo hắn nghĩ, Thiên Chúa chưa biết rõ ông ta bởi vì cuộc đời của ông quá êm đềm; cứ thử để cho ông đau khổ thì sẽ thấy! Thế nhưng, liệu ông có nguyền rủa Người không? Câu trả lời sẽ được đưa ra ở cuối sách (42,7-8).
Trong hai chương đầu, độc giả được chứng kiến quang cảnh thách đố ở trên trời (ở thiên cung: 1,6-12; 2,1-7a, họp bởi Thiên Chúa và các con của Thiên Chúa), lẫn ở dưới đất (1,13-19; 2,7b, họp bởi ông Gióp và các con trai con gái của ông). Người ở trên trời thì biết chuyện dưới đất, chứ người ở dưới đất làm sao biết chuyện ở trên trời! Trong những phần còn lại của cuốn sách, tất cả mọi sự đều diễn ra dưới đất.
Chúng ta hãy theo dõi diễn tiến câu chuyện xuyên qua những ngôn ngữ khác nhau lần lượt được sử dụng.
C. Những ngôn ngữ của các nhân vật tấn bi kịch
Khi phân tích các nhân vật, Algirdas Julien Greimas[11], đã nêu bật bốn thứ ngôn ngữ trong câu chuyện:
- ngôn ngữ tín ngưỡng dân gian, trong lời mở đầu (1,1–2,10),
- ngôn ngữ thần học, trong cuộc đối thoại với ba người bạn (2,11–31,40),
- ngôn ngữ của ngôn sứ, trong cuộc can thiệp của Eliu (32–37),
- ngôn ngữ huyền bí trong cuộc đối thoại giữa YHWH và ông Giób (38,1–42,6).
Khai triển lược đồ ấy, Walter Vogels bổ túc thêm bốn thứ ngôn ngữ nữa: thinh lặng; nghi ngờ; cầu nguyện; khôn ngoan[12]. Chúng tôi xin để cho tác giả giải thích trong phần tiếp theo.
1. Ngôn ngữ của đức tin dân gian
Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu những phản ứng của ông Gióp, qua hành động và lời nói. Sách ghi nhận hai lần phản ứng của ông.
a) Lần thứ nhất (1,20-22)
- Bằng hành động (1,20): ông đứng lên, xé áo, cạo đầu, phủ phục xuống đất. Đó là những hành vi cổ truyền nhằm diễn tả sự đau khổ, tang tóc và kính cẩn; nhưng, chúng cũng có thể biểu lộ niềm tin hoặc tuyệt vọng
- Bằng lời nói (1,21): “Trần truồng, tôi đã đi ra từ lòng mẹ tôi, và trần truồng, tôi sẽ trở về đó! Đức Chúa đã ban cho, và Đức Chúa đã lấy đi; xin chúc tụng danh Đức Chúa”. Hai câu đầu là tục ngữ dân gian (Gv 5,14; xc. St 3,19; Gv 12,7; Hc 40,1). Câu thứ ba là công thức phụng vụ (chúc tụng). Bởi vậy, thoạt tiên những câu này nói lên niềm tin sâu xa của Gióp, nhưng kỳ thực ông chỉ lặp lại đức tin dân gian, chứ chưa biểu lộ sự xác tin cá nhân. Ta sẽ thấy rằng chẳng bao lâu, ông sẽ nghĩ ngược lại trong cuộc độc thoại. Dù sao đi nữa, ông không nguyền rủa Thiên Chúa như Satan mong đợi (1,22).
b) Lần thứ hai (2,8-10). Có sự thay đổi so với lần thứ nhất
- Bằng hành động: “ông lấy mảnh sành mà gãi mình, và ngồi giữa tro”. Có lẽ ám chỉ việc ông bị gạt ra bên lề xã hội, hòa mình với rác rưởi tro bụi.
- Bằng lời nói. Lúc đầu ông không nói gì (giữ thinh lặng). Chỉ sau khi bị bà vợ trách móc, ông mới lên tiếng: “Cả điều lành chúng ta nhận từ Thiên Chúa, mà điều dữ chúng ta lại không nhận?” Đây là một câu hỏi, và có thể giải thích theo nhiều nghĩa, dựa theo nguyên bản Híp-ri. Hoặc là có thể ông Gióp trích lại một ngạn ngữ bình dân (“ngẫm hay muôn sự tại trời”); hoặc là ông bộc lộ sự phản kháng (“điều lành mới là của Chúa, chứ đời nào điều dữ lại bởi Chúa được”?); hoặc là: “mọi cái bởi Chúa đều tốt lành, cho nên sự đau khổ (bệnh tật) cũng tốt lành chứ không phải là sự dữ đâu”! Dù sao, lần này, không thấy ông chúc tụng Thiên Chúa nữa (tuy dù bà vợ xúi ông nguyền rủa thay vì chúc lành). Thiết tưởng cũng nên ghi nhận là trong lần đầu, ông nhìn mọi sự về phía Thiên Chúa (Chúa cho rồi Chúa lấy); lần này, ông nhìn về phía con người (nhận lãnh mọi sự từ Thiên Chúa). Cuối cùng, “ông không phạm tội trên môi miệng” (2,10b), nhưng trong lòng thì vẫn ấm ức, mà ông sẽ thốt ra trong bài độc thoại tiếp theo (ch. 3).
Kết luận. Thoạt tiên, những cử chỉ và lời nói của ông Gióp xem ra phản ánh một con người đạo đức sâu xa, nhưng khi phân tích sâu xa, ta thấy đó mới là phản ứng theo tập truyền, chứ chưa bộc lộ xác tín cá nhân. Cần chờ thời gian mới thấy sự tiến triển, như sẽ thấy dưới đây.
2. Ngôn ngữ của thinh lặng
Tiếp theo những phản ứng của ông Gióp, chúng ta chứng kiến phản ứng của ba người bạn đến thăm (2,11-13). Chắc là họ cũng nuôi dưỡng các tư tưởng đạo đức bình dân giống như ông Gióp, nhưng họ chưa tìm được lời lẽ nào để an ủi ông. Họ chỉ biết khóc, và chia sẻ sự đau khổ với ông, rồi họ thinh lặng, không phải chỉ một ngày, nhưng là “bảy ngày bảy đêm” (2,13). Ông Gióp cũng giữ thinh lặng chứ không thốt ra lời nào. Sự thinh lặng giúp cho mọi người hồi tâm và suy nghĩ nhiều hơn.
3. Ngôn ngữ của nghi ngờ
Phản ứng đầu tiên của ông Gióp sau khi gặp tai họa là lặp lại những lời thuộc tôn giáo bình dân. Kế đó, khi gặp các bạn hữu, ông giữ thinh lặng. Thế rồi đã tới lúc ông cần lên tiếng, bộc lộ những gì ông đã suy nghĩ suốt thời gian vừa qua. Chương 3 thuật lại cuộc độc thoại của Gióp, dưới hình thức của một lời nguyền rủa và ca thán. Thật là trái ngược với phản ứng lúc ban đầu: niềm tin bình dân đã sụp đổ!
a) Ông nguyền rủa ngày và đêm mà ông ra đời (3-10). Trước đây, ông chấp nhận rằng mình sinh ra trần truồng (1,21a) và sẵn sàng trở về trần truồng (1,21b); bây giờ ông khước từ ngày sinh. Ông ước mong rằng thà không ra đời thì hơn (3,3-10).
b) Ông ca thán hai điều: thứ nhất, tại sao không chết vào lúc ra đời, hay trước nữa, nghĩa là trụy thai (11-19); thứ hai, tại sao sinh ra làm chi (20-26).
Trước đây, ông chúc tụng Danh Chúa vì mọi ơn ban (1,21b); bây giờ thì ông đặt câu hỏi “tại sao”: tại sao sinh ra, tại sao không chết cho rồi?
Nên ghi nhận là trước đây Satan cũng như bà vợ thách ông nguyền rủa Thiên Chúa (1,11; 2,10), nhưng ông khước từ. Bây giờ thì ông tuy vẫn không nguyền rủa Thiên Chúa, nhưng ông lại nguyền rủa ngày ông sinh ra (3,1); phải chăng đó cách gián tiếp cũng nhằm đến Chúa?
Dù sao, những câu hỏi “tại sao” buộc ông phải đi tìm một ngôn ngữ khác.
4. Ngôn ngữ của thần học
Từ chương 4 đến chương 27, ông Gióp và các bạn hữu cùng đối chất với nhau về cách hành động của Thiên Chúa trong lịch sử, cách riêng trong hoàn cảnh bi đát của ông. Mỗi bên đưa ra luận cứ của mình, và có thể tóm lại như sau.
Lập luận của các bạn hữu
- Không ai là kẻ tinh tuyền trước mặt Thiên Chúa (4,17-21; 15,14-16; 25,4-6; vv.).
- Duy chỉ Thiên Chúa mới là Đấng cao cả (5,9-18; 11,7-11; 22,12; 25,2-3; vv.).
- Thiên Chúa luôn trừng phạt kẻ ác (4,7-11; 5,2-7; 8,11-15; 11,20; 15,17-35; 18,5-21; 20,4-29; 22,15-18; vv.).
- Thiên Chúa luôn ban thưởng người lành trung tín (5,17-21.25-26; 8,5-7.20-22; 11,13-19; 22,21-30; vv.).
Lập luận của ông Gióp
- Ông nhìn nhận sự bất xứng của con người trước mặt Thiên Chúa (7,17; 9,2-3; 13,28–14,6; vv.).
- Ông nhìn nhận sự cao cả của Thiên Chúa (9,4-13; 12,7-10.13-25; 26,7-14; vv.).
- Ông phản đối những khẳng định của các ông bạn về hình phạt đương nhiên dành cho kẻ ác, và phần thưởng đương nhiên cho người lành; thực tế xảy ra hoàn toàn trái ngược, do kinh nghiệm thông thường đã cho thấy (12,6; 21,27-34; vv.) và do chính kinh nghiệm bản thân.
- Ông không chấp nhận giải thích sư đau khổ của mình do tội lỗi; ông cho rằng Thiên Chúa đã tấn công mình (3,23; 6,4; 7,7-21; 9,2-3.14-24.28b-31.32-35; 10,1-22; 13,3.7-11.1319.20-28; 14,1-6; 16,7-17; 17,4-6; 19,6-12.21-22; 23,1-24,1; 27,2; vv.).
- Lối thoát cho cái chết là “âm phủ”, nơi của đàn áp và cô độc (7,9-10.21; 10,21-22; 14,7-12; 16,22; vv.).
- Ông hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ nhìn nhận mình là người vô tội; lúc đầu một cách ám tàng (7,16b; 10,20b; 14,6.13-17; 23,3), và sau đó cách minh thị (16,18-22; 17,3; 19,25-27).
Như vậy là chúng ta bước sang ngôn ngữ “thần học”, sử dụng lý trí để tìm hiểu đường lối của Thiên Chúa. Có điều là có hai thứ thần học ở đây: một bên khởi đi từ nguyên tắc; một bên khởi đi từ thực trạng.
a) Thần học cổ truyền của ba người bạn
Các ông bạn dựa vào thế giá truyền thống để thuyết phục ông Gióp chấp nhận nguyên tắc thưởng phạt: người lành thì được thưởng, kẻ dữ thì bị phạt (4,7-9). Dĩ nhiên, theo quan điểm thời ấy, việc thưởng phạt xảy ra ở đời này: phúc của người lành là sinh nhiều con cái, tài sản phong phú và tuổi thọ (xc. 1,1-3); họa của kẻ dữ là bệnh tật, chết yểu. Đây là đạo lý cổ truyền của sách Đệ-nhị-luật, được ba người bạn lặp lại: Elifaz (15,17-35; 22,12-20), Bildad (18,5-21) và Zofar (20,4-29). Vì thế, ông Gióp chịu đau khổ là tại vì đã phạm tội nào đó mà ông không biết, mặc dù cứ tưởng là mình vô tội. Bề ngoài xem ra ông vô tội, nhưng thực sự đâu phải như vậy! Ai dám tự hào là công chính trước mặt Thiên Chúa? (4,17-19; xc. 15,14-16; 25,4). Ba ông bạn không ngần ngại tố cáo ông Gióp đã phạm “tội ác” (15,5), “lỗi lầm” (11,6), ông là người tàn ác (22,2-11). Vì thế, tốt hơn cả là ông hãy nhận biết tội mình và sẽ được Chúa cứu vớt (11,13-20; 22,21-30).
b) Thần học hiện sinh của ông Gióp
Ông Gióp cũng biết nguyên tắc trả báo cổ truyền (24,18-25; 27,13-23). Tuy nhiên, ông thấy rằng thực tế không xảy ra y như vậy: có biết bao người ngay lành mà không được thưởng, và người ác chẳng những không bị trừng phạt mà còn sung sướng nữa (xc. 12,6; 21,7‐16). Ông cương quyết khẳng định rằng mình là người vô tội! (27,5-6; xc. 9,15.20.21; 10,7.15; 16,17; 23,10). Ông đòi xét lại nguyên tắc nói trên: ông cho rằng Thiên Chúa không công bằng; Thiên Chúa đã xử sự bất công đối với ông (19,6; xc. 9,22-24; 24,12; 27,2).
c) Cuộc tranh luận
Đến đây, xảy ra cuộc tranh luận giữa hai thứ thần học: một bên đi từ nguyên tắc; một bên đi từ thực tế. Hai bên không gặp nhau: ông nói gà, bà nói vịt!
Các bài diễn từ rất dài, từ chương 4 đến chương 27, phân thành ba chu kỳ, với nhiều luận điệu lặp đi lặp lại (cách riêng trong chu kỳ thứ ba)[13]. Chín chương được dành cho các ông bạn (mỗi ông nói một chương, trừ diễn từ thứ nhất của Elifaz gồm hai chương, nhưng trong chu kỳ thứ ba thì chỉ còn hai người nói, ông Zofar bỏ cuộc). Mười lăm chương được dành cho ông Gióp: Ông lên tiếng bốn lần kéo dài hai chương, và hai lần kéo dài ba chương, chưa kể hai cuộc độc thoại ở các chương 3; 29–31.
Cuộc tranh luận ra như diễn ra giữa những người điếc, mỗi bên khư khư bảo vệ quan điểm của mình. Cuối cùng, khó nói được ai thắng ai thua. Có điều chắc là tình bạn bị tan vỡ. Trong cuộc tranh luận, đôi khi hai bên dùng từ ngữ nặng nề mạt sát nhau như là “già mồm” (11,2), “ngu dốt” (11,12). Ông Gióp thất vọng bởi vì tưởng rằng các bạn sẽ an ủi mình, nào ngờ họ trở thành những người “làm khổ cho mình, nhục mạ mình, hành hạ mình” (19,2-5). Cuộc đối thoại trở nên bế tắc.
5. Ngôn ngữ của cầu nguyện
Phần thứ hai của tác phẩm mở đầu và kết thúc bằng độc thoại của Gióp (3,1-26; 27,1-25). Trong độc thoại thứ nhất, ông Gióp dùng ngôn ngữ nghi ngờ. Tiếp theo là ba chu kỳ đối thoại với ba người bạn, bằng ngôn ngữ thần học, dù là hai thứ thần học khác nhau đi nữa, nhưng chỉ là nói về Thiên Chúa, chứ chưa phải là nói với Thiên Chúa. Đã đến lúc, ông Gióp thấy cần nói chất vấn Chúa và mong được trả lời. Nói với Chúa là ngôn ngữ của cầu nguyện.
Trong chu kỳ thứ nhất của các diễn từ, ông nói thẳng với Chúa trong khung cảnh cuộc đối đáp với ba người bạn (sau Elifaz: 7,7-21; sau Bildad: 9,25-31 và 10,1-22; sau Zofar: 13,20-28 và 14,1-22); thế nhưng Chúa không trả lời. Trong chu kỳ thứ hai, các lời cầu nguyện trở nên ngắn hơn, trong khung cảnh trả lời cho Elifaz (đang từ “Người” chuyển sang “Ngài”: 16,7-8 và 17,3-4). Trong chu kỳ thứ ba, không thấy dấu vết của cầu nguyện nữa. Tuy vậy, trong cuộc độc thoại cuối cùng (30,20-31), ông lại ngỏ lời với Chúa một lần nữa.
Các lời nguyện của ông không phải là những thánh thi chúc tụng hay lời tạ ơn, nhưng là những lời than trách. Ông Gióp van nài Chúa (7,7), tố cáo Chúa (7,12), đòi kiện Chúa để nghe lời giải thích và trả lời (10,2). Dù nội dung lời nguyện thế nào đi nữa, ông Gióp muốn bộc lộ điều thổn thức xao xuyến: “Con sẽ không ngậm miệng, con sẽ nói ra trong sầu não của tâm thần, sẽ than thở trong sự cay đắng của hồn mình” (7,11). Lời nguyện của ông Gióp là tiếng kêu sầu khổ, đôi khi với lời lẽ chua chát; nhưng ông không bao giờ nguyền rủa Thiên Chúa. Về điểm này, Satan đã không thắng được cuộc thách đố.
Nhiều lần, tuy ông Gióp không nói trực tiếp với Thiên Chúa, nhưng ông ngỏ ý muốn duy trì sự tiếp xúc với Người và tiếp tục kháng cáo lên Người. Điều này tỏ hiện rõ rệt trong những lời bày tỏ niềm hy vọng (16,18-17,1; 19,23-29). Lời thề biện hộ sự trong trắng của mình (27,2-6; 31) cũng là một hình thức cưỡng bách Chúa phải ra tay.
Ông Gióp đã sử dụng ngôn ngữ của đức tin dân gian, của thinh lặng, của nghi ngờ, của thần học và cuối cùng, của cầu nguyện. Nhưng việc cầu nguyện không trở thành cuộc đối thoại. Gióp nói với Chúa, nhưng Chúa vẫn thinh lặng. Ông không biết phải làm gì nữa: “Đây là lời nói cuối cùng của tôi! Xin Đấng Toàn Năng hãy trả lời! (31,35). Khát vọng của Gióp là được nghe ngôn ngữ của Thiên Chúa, lời của Chúa. Ông không nói trực tiếp ở ngôi thứ hai, nhưng phát biểu ở ngôi thứ ba. Thiên Chúa vẫn chưa trả lời; có lẽ ai đó có thể nói lên lời nói của Chúa. Bản văn kết luận như thế này: “Đã kết thúc những lời của Gióp” (31, 40c). Thực ra, như ta sẽ thấy, trong phần còn lại, ông Gióp sẽ còn lên tiếng, nhưng rất ít.
6. Ngôn ngữ của đức khôn ngoan
Chương 28 cho thấy một sự gián đoạn. Đó không phải là lời của Gióp cũng không phải của ba người bạn, nhưng là một tiếng nói ngoài luồng. Cuộc đối thoại giữa ông Gióp và các bạn đến chỗ bế tắc. Các người bạn sẽ không nói nữa. Ông Gióp sẽ còn phát biểu một bài độc thoại (29–31) và rồi sẽ im luôn. Tiếng nói ngoài luồng can thiệp để mở ra một hướng đi mới, để giải đáp cho câu hỏi của ông Gióp: hướng đi ấy là truyền thống khôn ngoan.
Chương 28 được chia làm ba phần: các câu 1-12; 13-20; 21-28. Chủ đề là tìm kiếm sự khôn ngoan. Trong hai phần đầu, không biết sự khôn ngoan ở đâu; sang phần thứ ba chỗ ấy mới được tiết lộ: (câu 12; 20; và 28). Chủ động của cuộc tìm kiếm là con người; mỗi phần của bài ca nêu bật một khả năng đặc thù của việc tìm kiếm: phần thứ nhất, cuộc tìm kiếm của con người lao động (homo faber); phần thứ hai, cuộc tìm kiếm của con người buôn bán (homo mercator); phần thứ ba, cuộc tìm kiếm của con người đạo hạnh (homo religiosus).
- Con người lao động dùng sức lực của đôi tay, tài năng của tâm trí để khai thác những tài nguyên thiên nhiên, nhưng cảm thấy bất lực khi đứng trước câu hỏi: “Sự khôn ngoan được tìm thấy từ đâu? Đâu là nơi ở của sự hiểu biết?” (câu 12). Con người tìm không ra!
- Con người thương gia, đi khắp bốn bể năm châu, tìm kiếm trân châu ngọc quý. Tìm được rồi thì lo buôn bán để kiếm lợi lộc, làm giàu nhờ khối tài sản của mình. Thế nhưng, dù đi sâu xuống lòng đất hay đáy biển, dù vượt trùng dương ngàn dặm, cũng không được ai chỉ bảo: “Sự khôn ngoan đến từ đâu? Và đâu là nơi của hiểu biết?” (câu 20).
- Con người đạo hạnh. Sau khi đã cho thấy rằng tự sức mình, con người không có khả năng tìm được sự khôn ngoan, trong phần thứ ba, tác giả mới tiết lộ: “Duy chỉ Thiên Chúa mới biết con đường, duy chỉ Thiên Chúa mới biết được nơi ở của khôn ngoan” (câu 23). Người nhìn thấy tận cùng cõi đất; Người nhìn xa trông rộng hơn tất cả mọi người bởi vì Người là Đấng tạo thành muôn vật. Tác giả cũng thú nhận rằng mình chưa đạt được sự khôn ngoan, nhưng chính Thiên Chúa đã tỏ lộ cho biết. Con người có tai để nghe lời giảng dạy của đức khôn ngoan và có chân để đi theo đường lối của nó, nhưng lời Chúa đã thông truyền sự khôn ngoan vào tai con người.
Kết luận, “Này, kính sợ Chúa Thượng, đó là sự Khôn ngoan, và tránh khỏi điều ác là trí hiểu” (câu 28). Ai kính sợ Chúa, đó là kẻ khôn ngoan. Ai kính sợ Thiên Chúa sẽ đạt được một cái sâu sắc về vạn vật, còn hơn là kẻ đi tìm trân châu dưới đáy biển hoặc đi khắp trùng dương để tìm ngọc quý. Bài học mà tác giả muốn dạy là: con người không thể tự sức mình thủ đắc khôn ngoan, nhưng nếu nhận biết mình lệ thuộc vào Thiên Chúa thì nắm được bí quyết để đạt được nó.
Chương 28 được coi như đoạn văn sáng giá nhất của sách Gióp, nhưng có nằm đúng chỗ không? Nó có ăn khớp với mạch văn không? Có lẽ bài thơ này do một bàn tay nào khác đã viết ra, và được tác giả chen vào chỗ này để gỡ bí cho cuộc tranh luận giữa ông Gióp và các bạn. Những người này đã phạm khuyết điểm ở chỗ chỉ loay hoay trong vòng nhân sinh: họ bình luận hành động của Thiên Chúa dựa theo suy tư của con người. Đã đến lúc phải đổi hướng đi. Phải nhìn từ trên xuống, từ sự khôn ngoan của Thiên Chúa, thì mới hiểu được đường lối của Người.
7. Ngôn ngữ của ngôn sứ
Tại sao có sự xuất hiện của ông Eliu, người khách thứ bốn (các chương 32–37)? Thiết tưởng đây là một ký thuật sư phạm của soạn giả. Cho đến nay, độc giả đã theo dõi cuộc tranh luận giữa ông Gióp và các bạn. Các lập luận đều xoay quanh những kinh nghiệm ở trên đời này. Cuộc tranh luận gặp bế tắc. Ông Gióp không nói chuyện với các bạn nữa. Ông khẩn khoản xin Chúa ra mặt, và muốn đấu lý trực tiếp với Người. Vì thế, lẽ ra, sau cuộc độc thoại của ông, Thiên Chúa phải xuất hiện, nhưng soạn giả đã gác lại mãi cho đến chương 38, và đưa ông Eliu vào cuộc, để tạo ra một sự cân đối trong cuộc đối thoại.
Thực vậy, câu chuyện không chỉ giới hạn vào cuộc đối chất giữa ông Gióp và Thiên Chúa, nhưng là tạo cơ hội để ông Gióp lắng nghe một bên là những lập luận “tự nhiên” (của các bạn hữu) và bên kia là những lập luận của “mặc khải” (tượng trưng bởi ông Eliu). Ông Eliu là ngôn sứ, phát biểu nhân danh Thiên Chúa.
Ông Eliu đã phát biểu bốn bài diễn từ (dài sáu chương, đối lại bốn chương của Elifaz, ba chương của Bildad và hai chương của Zofar). Sau bài diễn từ thứ nhất, ông đã yêu cầu Gióp hãy trả lời (33,5.32), và sau bài thứ hai cũng vậy (34,33). Nhưng Gióp chẳng nói gì, và Eliu lại tiếp tục nói. Gióp không hề trả lời và ba người bạn cũng im lặng. Quả vậy, làm thế nào ngôn ngữ của loài người có thể đấu lại ngôn ngữ của thần linh được?
Eliu là một ngôn sứ. Tên của ông (Eli-hu) gợi lên danh tính của một ngôn sứ vĩ đại của Israel là Elia (Eli-jahu). Trong câu chuyện này, vai trò quan trọng của Eliu là yêu cầu ông Gióp thay đổi ngôn ngữ. Cũng như các bạn hữu, ông chỉ nhìn thấy sự đau khổ theo nguyên tắc nhân quả: ai làm việc lành thì được thưởng; ai làm việc ác thì bị phạt. Vì thế ông cứ một mực kêu oan; Chúa không thể nào phạt ông được bởi vì ông đâu có phạm tội nào đâu. Eliu nói rằng sự đau khổ không chỉ là hình phạt do tội lỗi, nhưng có thể là một lời cảnh báo, một bài học để con người đừng nên kiêu ngạo (33,17.18.22.24.28.30). Gióp được mời gọi hãy ra khỏi tầm nhìn thiển cận của mình, chỉ nghĩ đến những băn khoăn ám ảnh mình; để mở rộng tầm nhìn đến tha nhân và Đấng Tối Cao, hãy tin vào tình thương của Người. Thay vì chỉ biết than trách và khẩn nài (35,9-14), ông được mời gọi hãy chuyển sang thái độ thờ lạy (36,24). Eliu mời ông Gióp hãy chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong các kỳ công của công trình tạo dựng (35,5), chiêm ngưỡng sự khôn ngoan của Người (36,24–37,24).
8. Ngôn ngữ huyền bí
Ông Gióp đã mong mỏi Thiên Chúa sẽ lên tiếng để trả lời các câu hỏi của mình (31,35). Ngôn sứ Eliu đã muốn đáp lại nguyện vọng ấy và, tựa như một trung gian, đã công bố lời của Chúa. Đang khi lắng nghe lời của Eliu, ông Gióp đã dần dần chuyển sang thái độ thờ lạy. Thái độ thờ lạy đã khiến cho ông có khả năng đón nhận lời Thiên Chúa, không phải qua trung gian của một ngôn sứ, cũng chẳng qua trung gian của các thiên sứ như ông tin tưởng (9,33; 16,19-21; 19,25-27), nhưng trực tiếp trong trái tim của mình.
Đến đây, kể từ chương 38 đến chương 41, soạn giả nói đến sự can thiệp của Thiên Chúa: “Bấy giờ YHWH trả lời Gióp giữa một cơn lốc như thế này” (38,1).
Hầu hết các nhân vật trong câu chuyện đều đả động đến sự tạo dựng, nhưng xét trong tương quan với nguyên lý nhân-quả của thuyết trả báo. Sự tạo dựng, theo các bạn hữu, chứng tỏ sự công minh của Thiên Chúa, còn theo ông Gióp thì lại chứng tỏ sự võ đoán của Người. Eliu đã đặt ra vài câu hỏi về sự cao cả của việc tạo dựng và mời gọi Gióp hãy biết thờ lạy. Ngay cả YHWH cũng nói về sự tạo dựng, nhưng như là một huyền nhiệm. Thiên Chúa không đưa ra câu trả lời, nhưng đặt ra các câu hỏi dồn dập về nhiều đề tài khác nhau, ngoại trừ vấn đề của chính ông Gióp. Các câu hỏi này đụng tới nhiều chuyện, nhưng có thể tóm vào ba chủ đề: a) về kế hoạch (‘esa) của Người; b) về sự khôn ngoan của Người; c) về sự công minh của Người.
a) Câu hỏi về kế hoạch của Thiên Chúa (“Ai là kẻ làm cho kế hoạch của Ta ra tối tăm?”, 38,2). Thiên Chúa có một kế hoạch nhiệm mầu mà con người với đầu óc thô thiển không thể theo dõi được. Trong kế hoạch này, mọi thực tại và mọi biến cố đều có vị trí của nó; những lần Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử đều nhằm thực hiện kế hoạch ấy. Con người được mời gọi hợp tác vào kế hoạch cứu độ hoàn vũ này. Thế nhưng, con người là thụ tạo duy nhất được ban tự do, lại có thể không tham gia, thậm chí còn làm vỡ kế hoạch ấy.
b) Câu hỏi về sự khôn ngoan của Thiên Chúa (38,4–39,30). Thiên Chúa mời gọi Gióp đi “tản bộ” một vòng vạn vật, và duyệt qua những yếu tố của nó: đất (38,4-7); biển (38,8-11); hừng đông (38,12-15); vực sâu (38,16-18); ánh sáng và bóng tối (38,19-21); thời gian (38,22-30); sao (38,31-33); mây (38,34-38); sư tử cái và quạ (38,39-41); sơn dương và nai mẹ (39,14); lừa hoang (39,5-8), trâu rừng (39,9-12); đà điểu (39,11-18); ngựa (39,1-25); chim cắt và đại bàng (39,26-30).
Ông Gióp cũng đã đề cập đến sự khôn ngoan, sức mạnh của Thiên Chúa, nhưng mà ông nghi ngờ về sự khôn ngoan ấy bởi vì ông nghĩ rằng Chúa hành động cách võ đoán, bắt con người phải dò dẫm trong đêm tối. Bây giờ Thiên Chúa vặn lại: chính ông Gióp mới là kẻ đã làm mở tối kế hoạch của Thiên Chúa bằng những lời nói vu vơ nông nổi. Thiên Chúa “trả lời” ông bằng những câu hỏi liên quan đến sự tạo dựng: “Ngươi là ai?”, “Ngươi ở đâu?”, “Ngươi biết gì?” Những câu hỏi này móc nối với những lời ông trách móc về cuộc đời mình, và thúc đẩy ông hãy suy nghĩ sâu xa hơn, đặt mình vào trong một kế hoạch quan phòng rộng lớn của Thiên Chúa.
c) Câu hỏi về sự công minh của Thiên Chúa (38,4–39,30). Đối với Gióp, thắc mắc lớn nhất la sự hỗn độn trong cuộc đời. Về điểm này, Thiên Chúa chấp nhận vấn nạn của ông và dành bài diễn từ thứ hai (40,6-26) để bàn về sự hỗn độn trên thế giới. Thiên Chúa chế ngự sự hỗn độn trên thế giới chứ không tiêu diệt nó hoàn toàn, và đó là một giải pháp tốt đẹp hơn. Thiên Chúa đã một lần chiến thắng hoàn toàn trên sự hỗn mang (St 1,2), nhưng Người thấy sự hỗn mang vẫn còn tồn tại (St 6,5). Người đau khổ, buồn phiền, và quyết định muốn phá hủy thế giới bằng cơn hồng thủy (St 6,6-7). Có như vậy thì mới kết thúc sự hỗn mang. Thế nhưng sự phá hủy toàn toàn sẽ dẫn đến một tình cảnh tệ hại hơn nữa. Vì thế Thiên Chúa quyết định sẽ chẳng bao giờ gây ra cơn hồng thủy nữa, và thà chấp nhận cảnh hỗn mang, bất toàn và giới hạn của thế giới (St 8,21). Thử hỏi: thế giới có nên tốt đẹp hơn nếu Chúa hủy diệt tất cả mọi vật để tránh cảnh hỗn mang?
Đến lượt Chúa thách thức ông Gióp: liệu ông có sức thực hiện công minh bằng cách diệt hết bọn gian ác kiêu căng, dựa theo nguyên tắc nhân quả mà ông nghĩ không? Nguyên tắc nhân quả là một giải pháp quá đơn giản, không thể nào giải thích được sự công minh của Thiên Chúa. Sự công minh của Thiên Chúa vượt trên nguyên tắc nhân quả. Sự thiện và sự ác cùng tồn tại trong thế giới.
Bài diễn từ này nhắc đến sức mạnh của Behemot (40,15-24) và Leviathan (40,25–41,26), tượng trưng cho sự hỗn mang rối loạn. Trong diễn từ thứ nhất, Thiên Chúa khẳng định rằng Người đã tạo dựng vũ trụ và duy trì nó trong trật tự; trong diễn từ thứ hai, Người nói rằng trong thế giới này vẫn còn hỗn mang và rối loạn. Tuy vậy, sự hỗn mang không thể phá hủy thế giới, bởi vì nó nằm dưới sự kiểm soát của Thiên Chúa. Ngay cả trong cuộc sống hiện nay của ông Gióp cũng có sự hỗn mang (dù ông là người công chính, nhưng vẫn bị bệnh tật hành hạ). Tuy vậy, điều này không có nghĩa là Thiên Chúa không yêu thương và chăm sóc ông.
G 42,1-6: Đứng trước một Thiên Chúa như vậy, thì chính ông Gióp đã thay đổi quan điểm về bản tính con người và bản tính Thiên Chúa.
Trước đó vài chương, tác giả đã viết rằng: “Đã kết thúc những lời của Gióp” (31,40c). Thực vậy, ông Gióp đã trở về với sự thinh lặng, nhưng là một sự thinh lặng khác với hồi đầu cuốn sách, vào lúc các thân hữu đến gặp (2,13). Hồi ấy ông cũng như các bạn không biết nói gì, bởi vì họ không hiểu được sự đau khổ. Bây giờ thì sự thinh lặng đã ra khác. Trước đây, ông nói về Thiên Chúa; bây giờ, ông lắng nghe và nhìn thấy Chúa: “Trước đây, con biết Ngài vì chỉ nghe nói về Ngài, như giờ đây chính mắt con đã thấy Ngài” (42,5). Trong sách này các động từ “nói” và “nghe” được lặp lại nhiều lần. Sự thay đổi lớn nằm ở chỗ Gióp đã nghe YHWH; nhưng điều mới mẻ hơn cả là cái “học” và cái “biết” được thay thế bằng cái “thấy”. Ông đã đạt tới ngôn ngữ của huyền bí, trong đó, lời nói trở thành thinh lặng, và hiểu biết trở thành trông thấy.
Ông Gióp đã cảm nghiệm rằng cuộc tiếp xúc giữa trời và đất là điều có thể được. Mọi hình thức ngôn ngữ loài người về tín ngưỡng có thể biến mất; thậm chí ngôn ngữ của đức tin cũng hoàn thành chức năng đối với một người đã nghe và thấy Thiên Chúa. Chữ viết, cũng như lời nói, bị đình lại. Câu chuyện sắp sửa đến hồi kết.
D. Phán quyết: “Gióp đã nói chính xác về Ta”
Câu chuyện bắt đầu sau khi Satan đã hai lần thách thức YHWH: “Ngài sẽ thấy ông Gióp nguyền rủa vào mặt Ngài” (1,11; 2,5). Câu hỏi chính của cuốn sách là: Bằng cách nào nói về Thiên Chúa trong cơn đau khổ? Các nhân vật đã sử dụng nhiều ngôn ngữ tôn giáo khác nhau. Kể cả ông Gióp cũng đã thay đổi ngôn ngữ; ông cũng dùng ngôn ngữ cứng cỏi, nhưng không hề nguyền rủa Thiên Chúa, ngay vào những lúc ông có cơ hội “trông thấy” Người (42,5). Ông Gióp đã vượt qua cuộc thử thách. Thiên Chúa có thể kết luận, đến hai lần, rằng “Gióp đã nói chính xác về Ta” (42,7.8).
Cuộc thách thức diễn ra ở trên trời, nhưng các cuộc tranh luận xảy ra ở dưới đất. Satan đã mở ra cuộc thách thức, và sẽ không xuất hiện nữa. YHWH ra phán quyết cho ba người bạn vì đã uốn cong sự thật khiến cho ông Gióp phải bực mình. Phần nào họ đã đóng vai trò của Satan ở dưới đất. Những lời của họ đã có thể dẫn ông Gióp đến chỗ nguyền rủa Thiên Chúa. Họ đã không nói ngôn ngữ đúng đắn về Thiên Chúa cho một con người đang đau khổ. Ngôn ngữ thần học của họ hoàn toàn trừu tượng, không phù hợp với thực tế.
Ông Gióp đã trải qua một hành trình dài, đã sử dụng nhiều ngôn ngữ tôn giáo khác nhau. Mặc dù có khi ông dùng ngôn ngữ cứng cỏi nhưng ông luôn nói về Thiên Chúa cách đúng đắn, bởi vì ông luôn luôn thẳng thắn, thành thực với chính mình. Các người khác đưa ra đủ thứ giải đáp, còn Gióp thì không; tuy nhiên ông có cơ hội tiến triển, đi từ một niềm tin dân gian cho đến ngôn ngữ huyền bí.
Đôi khi có người nói rằng cuốn sách về ông Gióp không đưa ra một giải đáp nào hết; nhưng đó là tại vì họ nghĩ rằng cuốn sách này bàn về sự đau khổ. Nhưng câu hỏi mà cuốn sách nêu lên thì khác: Làm thế nào nói về Thiên Chúa trong lúc đau khổ? Về điểm này, tác phẩm đã đưa ra một câu trả lời. Sự đau khổ tự nó vẫn là một vấn đề; không có một câu trả lời cho nó, và điều chắc là không phải bằng học thuyết trả báo dựa theo nguyên tắc nhân quả!
E. Phục hồi tình trạng
Mọi câu chuyện đều bắt đầu bằng một tình trạng nguyên khởi và kết thúc, sau khi đã biến đổi, với một tình trạng tận cùng. Giữa hai tình trạng này có một sự tương ứng. Điều này đã xảy ra trong sách của Gióp. Tình trạng nguyên khởi (1,1-5) mô tả chính ông Gióp (câu 1), các con cái (câu 2), thú vật (câu 3), lễ hội (câu 4), và vai trò của ông Gióp làm trung gian (câu 5). Tình trạng tận cùng (42,10-17) mô tả sự việc theo thứ tự đối ngược: vai trò của ông Gióp làm trung gian (câu 10), lễ hội (câu 11), thú vật (câu 12), con cái (câu 13-15), bản thân ông Gióp (câu 16-17). Tất cả bắt đầu và kết thúc với ông Gióp. Vai trò trung gian của ông được đặt trong tương quan với luận cứ đang diễn ra. Trước đây, ông chuyển cầu cho các con cái mình, bởi vì ông lo rằng “chúng sẽ phạm tội bằng cách xúc phạm [nguyền rủa] Thiên Chúa trong lòng” (1,5); ở cuối, ông chuyển cầu cho các bạn hữu “bởi vì họ đã không nói đúng đắn về Thiên Chúa” (42,8.10). Ở đầu, ta thấy những động từ “nguyền rủa”, “xúc phạm” (1,5); ở cuối, ta thấy động từ “chúc lành” (42,12).
Người ta nói rằng kết luận của cuốn sách đã làm hư hết tác phẩm bởi vì lại quay về với học thuyết trả báo theo nguyên tắc nhân quả, là điều mà cuốn sách muốn xét lại. Tuy nhiên, bản văn không nói rằng tình trạng của ông Gióp được hồi phục bởi vì ông đã nói đúng đắn về Thiên Chúa, hoặc bởi vì ông đã chuyển cầu cho các bạn hữu. Bản văn chi nói đơn giản về điều đã xảy ra: “YHWH đã đổi vận mệnh của ông Gióp khi ông chuyển cầu cho các bạn hữu” (câu 10). Độc giả biết rằng ông đã mất tất cả do một cuộc thách đố ở trên trời, cũng như biết rằng ông đã vượt qua thử thách, và vì thế không có lý do gì để Thiên Chúa kéo dài cuộc trắc nghiệm. Thiên Chúa đã hành động “vô cớ” (2,3), và vì vậy, thay đổi số phận của ông Gióp là điều hợp lý. Người đã tăng gấp đôi, ra như để bù trừ (Is 61,7; Dc 9,12). Nhưng ông Gióp đâu có biết gì đến cuộc thách đố, vì thế ông cũng chẳng biết lý do gì có sự gia tăng gấp đôi như vậy. Giả như ông coi đó như là phần thưởng, thì sẽ kết luận rằng những tai ương trước đây là một hình phạt do tội lỗi. Nhưng ông Gióp không ý thức rằng mình đã phạm tội và Chúa cũng chẳng tố cáo ông vì tội lỗi nào hết. Sự bất hạnh cũng như sự phục hồi đều là chuyện bất ngờ đối với ông Gióp. Tất cả đều nằm trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa công minh (40,8).
III. Kết luận
Sợi chỉ liên kết các phần của sách ông Gióp là câu hỏi: Làm thế nào nói về Thiên Chúa trong khi đau khổ? Chúng ta có thể tóm lại vài kết luận như sau.
1. Về sự đau khổ
Sự đau khổ không phải là hình phạt của Thiên Chúa dành cho tội lỗi của con người. Sự đau khổ nằm trong cuộc đời trần thế của con người, cũng tựa như sức khỏe. Thiên Chúa cho phép sự đau khổ xảy ra ngay cả cho những bạn hữu của Chúa. Đau khổ không có nghĩa là bị Chúa bỏ rơi. Nó có thể là cơ hội để tăng trưởng trong đức tin và củng cố những tương quan bằng hữu.
2. Về thực tại Thiên Chúa
Các bạn hữu của ông Gióp cũng như chính ông Gióp tin vào một Thiên Chúa không đúng với thực tại. Các bạn hữu tin vào một Thiên Chúa máy móc, chịu lệ thuộc vào điều kiện của con người. Ông Gióp tin vào một Thiên Chúa tốt hoặc xấu, bạn hoặc thù; tuy nhiên, ông không chịu đóng khung vào một hình ảnh duy nhất về Thiên Chúa.
Thực ra, Thiên Chúa không chịu lệ thuộc vào những cách thức mà con người hình dung ra Người. Người kiểm soát tất cả và chăm sóc tất cả mọi sự. Chính vì yêu thương, cho nên Người tôn trọng tự do của các thụ tạo. Người chấp nhận cho sự xáo trộn tồn tại bên cạnh trật tự; sự ác bên cạnh sự thiện. Vì yêu thương các thụ tạo mà Người để như vậy; nếu không thì Người sẽ loại trừ các thụ tạo khi gặp một lỗi nhỏ nhặt nhất.
3. Hành trình tâm linh của ông Gióp
Từ một đức tin hời hợt đến một đức tin trưởng thành.
Từ sự hiểu biết về Thiên Chúa do người khác kể lại đến sự nhìn thấy Thiên Chúa chân thật.
Từ chỗ chúc tụng Thiên Chúa như là hưởng thụ những hồng ân của Người, đến niềm hạnh phúc vì được giữ mối tương quan với Người.
Phụ thêm. Sách Gióp trong Phụng vụ
Trong bài này, tác giả chỉ dừng lại ở việc phân tích ngữ nghĩa của bản văn. Có thể bổ túc thêm bằng việc đối chiếu với việc giải thích theo truyền thống Giáo hội (chẳng hạn các giáo phụ). Như mọi người đều biết, nhiều giáo phụ coi ông Gióp như tiên báo cho người Đầy tớ đau khổ, tức là Đức Kitô (xc. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư “Saivifici doloris”, ngày 11-2-1984, số 19).
Mặc dù tác phẩm này nổi tiếng trong lịch sử văn học, nhưng ít được sử dụng trong bài đọc phụng vụ.
I. Sách bài đọc Thánh lễ các Chúa nhật lễ trọng
Chu kỳ B. Hai lần vào Chúa nhật thứ V và thứ XII. Nội dung không quan trọng. Một bài than trách về số phận nghiệt ngã của con người (7,1-7). Một bài nói lên sự cao cả của kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa (38,1-11).
II. Sách bài đọc Thánh lễ các ngày thường
Mùa thường niên năm chẵn. Tuần XXVI giới thiệu vài đoạn quan trọng của tác phẩm. Ngoài lời mở đầu (1,6-22) và lời kết (42,1-6.12-17), chúng ta được nghe những tâm tình xao xuyến (9,1-19) và hy vọng (19,21-27) của ông Gióp, và diễn từ của Thiên Chúa (38,1-3.12-21; 40,3-5).
III. Giờ Kinh Sách
Sách Gióp được đọc vào tuần VIII-IX Mùa thường niên.
Tưởng cũng nên biết là Tử-đạo-thư, vào ngày 10 tháng 5, cũng nhắc đến vắn tắt: “Tưởng nhớ thánh Gióp, một con người kiên nhẫn đáng phục”.
Thư mục căn bản
Dẫn nhập
- Gilbert M., Il libro di Giobbe, in Idem, La sapienza del cielo. Proverbi Giobbe Qohèlet Siracide Sapienza, San Paolo, Cinisello Balsamo 2005, 59-105.
- Knauf E.A. - Guillaume Ph., Giobbe, in T. Romer - J.-D. Macchi - C. Nihan (edd.), Guida di lettura dell'Antico Testamento, EDB, Bologna 2007, 463-472.
- Laurentini G., Giobbe, in T. Ballarini (ed.), Ultimi storici, Salmi, Sapienziali (Introduzione alla Bibbia 3), EDB, Bologna 1978, 343-376.
- Lévêque J., Libro di Giobbe, in J. Auneau (ed.), I salmi e gli altri scritti (Piccola Enciclopedia Biblica 5), Borla, Roma 1991, 89-114.
- Lorenzin T., Giobbe, in Idem, Esperti in umanità. Introduzione ai libri sapienziali e poetici (Graphé 4), Elledici, Torino 2013, 69-103.
- Mazzinghi L., Il libro di Giobbe, in Idem, Il pentateuco sapienziale. Proverbi Giobbe Qohelet Siracide Sapienza. Caratteristiche letterarie e temi teologici, EDB, Bologna 2012, 89134.
- Morla Asensio V., Il libro di Giobbe, in Idem, Libri sapienziali e altri scritti (Introduzione allo studio della Bibbia 5), Paideia, Brescia 1997, 117-146.
- Pinto S., Giobbe, in Idem, I segreti della Sapienza. Introduzione ai Libri sapienziali e poetici, San Paolo, Cinisello Balsamo 2013, 63-106.
- Scaiola D., Giobbe, in A. Bonora - M. Priotto (edd.), Libri sapienziali e altri scritti (Logos 4), Elledici, Torino-Leumann 1997, 57-70.
- Schwienhorst-Schonberger L., Il libro di Giobbe, in E. Zenger (ed.), Introduzione all'Antico Testamento, Queriniana, Brescia 2013, 564-583.
Chú giải
- Alonso Schokel L. - Sicre J.L., Giobbe, Borla, Roma 1985.
- Fedrizzi P., Giobbe, Marietti, Torino-Roma 1972.
- Gualandi D., Giobbe. Nuova versione critica, Roma 1976.
- Janzen J. G., Giobbe, Claudiana, Torino 2003.
- Mackenzie R.A.F. - Murphy R.E., Giobbe, in Nuovo Grande Commentario Biblico, Queriniana, Brescia 1997, 608-637.
- Radermakers J., Il libro di Giobbe. Dio, l'uomo e la sapienza, EDB, Bologna 1999.
- Ravasi G., Giobbe. Traduzione e commento, Borla, Roma 1979.
- Virgulin S., Giobbe, Paoline, Roma 1980.
- Vogels W., Giobbe. L'uomo che ha parlato bene di Dio, San Paolo, Cinisello Balsamo 2001.
- Weiser A., Giobbe, Paideia, Brescia 1975.
[1] Chúng ta có thể lấy thí dụ nơi các tác phẩm văn chương hoặc điện ảnh: Faust của Goethe, Cơn dịch của Albert Camus, Các anh em nhà Karamazov của Dosteoevskij; các phim Anh sáng mùa đông của Bergman. Đó là chưa nói đến các bức tranh hoặc điêu khắc.
[2] Cũng được mang danh là “Cuộc đối thoại giữa một người đau khổ với một người bạn của mình”. Về bản văn xc. ANET (= Ancient Near Eastern Texts relating to the Old Testament), 601-604; G. R. Castellino, Testi sumeri e accadici, UTET, Torino 1977, 493-500. Chú thích của người dịch: Thần biện (Theodicea), gốc Hy-lạp gồm bởi “theos” (Thiên Chúa) và “dikê” (công bình). Đây là một thuật ngữ do ông G.W, Leibniz (1646-1716) đặt tên cho khảo luận biện minh cho Thiên Chúa về sự dữ trong thế giới.
[3] ANET, 405-407; E. Bresciani, Letteratura e poesia dell'antico Egitto, Einaudi, Torino 19692, 111-118.
[4] In Iobum, PG 66, 697-698.
[5] B. Kurzwell, Job and the possibility of biblical tragedy, in Arguments and Doctrines..., Fest. A. A. Cohen, New York 1970, pp. 323-344. L. Alonso Schokel, Job, Madrid 1971.
[6] G. Many, Der Rechtsstreit mit Gott (rib) im Hiobbuch, Sangmélima (Kamerun) 1970.
[7] C. Westermann, Der Aufbau des Buches Hiob, Tubingen 1956.
[8] Ayyabum, A-ya-ab, A-ya-bi, Hy'abn, v.v..
[9] Xc. Cn 2,21; 28,10; 29,10; Tv 25,21; 37,37.
[10] Xc. Cn 3,7; 14,16; 16,6.
[11] A.J. Greimas, Une initiation à l’analyse structurale (Cahiers Évangile 16), Cerf, Paris 1976
[12] W. Vogels, “Job a parlé correctement. Une approche structural du livre de Job”, in Nouvelle Revue Théologique 102 (1980), 835-852. Walter Vogels, L'homme qui a bien parlé de Dieu, Cerf, Paris 1995. Chú thích của người dịch. Dĩ nhiên còn có nhiều lối đọc khác nữa, chẳng hạn như Jan Radmakers (Il libro di Giobbe. Dio, l'uomo e la sapienza, EDB, Bologna 1999) muốn theo chủ trương “bốn nghĩa” dựa theo truyền thống các giáo phụ và kinh viện (xc. GLHTCG số 118): 1/ Lịch sử (lời mở đầu); 2/ Ngôn sứ hay ám dụ (đối thoại ở các chương 3– 27); 3/ Khôn ngoan hay cam kết luân lý (đối thoại ở các chương 28–37); 4/ Cánh chung (các chương 38–42,6) được thực hiện trong đoạn kết.
[13] Chu kỳ thứ nhất: 1a/ Elifaz (4,1–5,27); 1b/ Gióp (6,1–7,21) – 2a/ Bildad (8,1‐22); 2b/ Gióp (9,1–10,22) – 3a/ Zofar (11,1‐20); 3b/ Gióp (12,1–14,22). Chu kỳ thứ hai: 1a/ Elifaz (15,1‐35); 1b/ Gióp (16,1–17,16) – 2a/ Bildad (18,1‐21); 2b/ Gióp (19,1‐29) – 3a/ Zofar (20,1‐29); 3b/ Gióp (21,1‐34). Chu kỳ thứ ba: 1a/ Elifaz (22,1‐30); 1b/ Gióp (23,1–24,25) – 2a/ Bildad (25,1‐6); 2b/ Gióp (26,1‐14; 27,1‐23). Nên ghi nhận là ở chu kỳ thứ ba, ông Zofar không lên tiếng nữa (tuy có tác giả nghĩ rằng đoạn văn 27,13-23 nên gán cho ông này thì hợp với mạch văn hơn).