Thời sự Thần học - Số 95, tháng 3/2022, tr. 166-192.
_Cát Minh_
Vào thời cận đại, Tình ca được giải thích theo chiều kích huyền bí, ám chỉ sự kết hợp giữa linh hồn con người với Chúa Kitô. Một thí dụ điển hình là “Ca khúc tâm linh” của thánh Gioan Thánh giá. Dưới phương diện văn bản, các nhà phê bình phân biệt hai khía cạnh của tác phẩm này: một bên là bài thơ bộc phát dựa theo giọng văn của Tình ca; bên kia là chú giải thần học bàn về những chặng tiến triển của hành trình kết hợp với Chúa Kitô.
Dẫn nhập : Cuộc đời thánh Gioan Thánh Giá
I. Ca khúc tâm linh: biên soạn và xuất bản
A. Việc biên soạn: 1/ Bài thơ. 2/ Chú giải.
B. Xuất bản: 1/ Phiên bản “A”. 2/ Phiên bản “B”.
II. Ca khúc tâm linh: nội dung
A. Bài thơ: Tìm kiếm người yêu
B. Chú giải: Hành trình kết hiệp
Kết luậnNguồn: Phỏng theo bài viết Les Cantiques Spirituels A et B trên mạng của Dòng Cát-minh Pháp (“Le Carmel en France”). www.carmel.asso.fr/-Les-Cantiques-Spirituels-A-et-B-.html, và Eulogio Pacho, “Cántico espiritual”, in: AA.VV, Introducción a la lectura de San Juan de la Cruz, Junta del Castillo y León, 1991, p.443-491.
Juan de Ypes y Alvarez sinh tại Fontiveros (Avila) năm 1542, con út trong gia đình nghèo, với hai người anh. Juan đã nếm cảnh mồ côi cha khi mới lên 2 tuổi. Cậu theo mẹ về Medina de Campos (Valladolid), và đã sớm đi làm để kiếm ăn bằng đủ mọi thứ công tác: chặt củi, may vá, sơn vẽ, và sau cùng được nhận vào giúp việc ở một bệnh viện, đồng thời theo học các lớp phổ thông. Năm 1563, anh vào tập viện dòng Cát-minh tại Medina, và theo học triết-thần tại Salamanca. Năm 1567, anh chịu chức linh mục và không lâu sau, gặp chị Têrêxa tại phòng khách các nữ tu ở Medina, và chịu thuyết phục bởi lý tưởng cải tổ dòng Cát-minh. (Nên biết là Têrêxa lớn hơn Gioan 27 tuổi, và tính tình hai người cũng khác biệt: Têrêxa thích khôi hài hơn là Gioan). Năm 1568, cha bắt đầu cuộc cải tổ dòng nam tại tu viện Duruelo (Avila), và từ nay đổi tên là “Gioan Thánh giá”.
Cuộc cải tổ không những bao hàm việc trở về với kỷ luật khắc khổ của thời nguyên thủy (chay tịnh, khó nghèo) nhưng còn trở về với nếp sống ẩn dật hơn là hoạt động tông đồ. Cha được giữ chức giám sư tập sinh, giám đốc học viện tại Alcala. Bị các anh em coi là phản loạn, cha bị tống giam 9 tháng trong nhà tù của tu viện Toledo (từ tháng 12 năm 1577 đến tháng 8 năm 1578). Những bài thơ nổi tiếng nhất được sáng tác trong thời kỳ này. Sau khi vượt ngục, cha tiếp tục công cuộc cải tổ và được cử làm bề trên các tu viện cải cách tại Segovia. Vào những năm cuối đời, một cuộc thử thách đã xảy ra giữa cha với chính các anh em ngành cải tổ, khiến cha bị tước hết mọi chức vụ và qua đời tại Ubeda (Jaen) ngày 14/12/1591, khi chưa tới 50 tuổi đời. Ngành Cải tổ được Đức thánh cha Clêmentê VIII châu phê như một dòng biệt lập năm 1593. Cha được phong thánh năm 1726 và tiến sĩ Hội thánh năm 1926.
Thánh Gioan Thánh giá không phải là một chuyên gia thần học cũng chẳng phải là văn sĩ. Cha cảm thấy mình có khiếu đi giảng và linh hướng, chứ không thích cầm bút. Những tác phẩm mà cha để lại hầu như do lời yêu cầu của ai đó, mà cha buộc lòng phải viết cách miễn cưỡng, và tìm đủ cớ để thoái thác (thí dụ như bận phải làm thợ nề, bận đi dạy giáo lý), vì thế nhiều cuốn sách còn bỏ lửng nửa chừng.
Đứng đầu là những bài thơ (12 bài), được coi như kiệt tác văn chương Tây Ban Nha. Những quyển sách dưới đây hầu như là chú giải từng đoạn của các bài thơ đó.
1/ Subida del Monte Carmelo (Đường lên núi Cát-minh), gồm ba quyển (1578-1583). Quyển Thứ Nhất nói về “đêm tối giác quan” (nghĩa là linh hồn phải thanh tẩy khỏi những ước muốn xáo trộn, những quyến luyến trần tục), hai quyển còn lại bàn về sự “thanh luyện trí tuệ” bằng đức tin (quyển Hai), “thanh luyện ký ức” bằng đức cậy, và “thanh luyện ý chí” bằng đức mến (quyển Ba). Tuy nhiên phần cuối cùng còn bỏ dở.
2/ Noche oscura (Đêm tối tăm), cũng chưa hoàn tất. Được các học giả coi như bổ túc cho cuốn “Lên núi Carmêlô”, bàn về “đêm tối thụ động của giác quan” (quyển Một) và “đêm tối thụ động của tinh thần” (quyển Hai).
3/ Cantico espiritual (Bài ca tâm linh; có khi cũng được dịch là “bài ca thiêng liêng”, “linh ca”), gợi hứng từ sách Tình ca, bàn về tương quan thân mật giữa Đức Kitô với linh hồn. Tác giả khởi sự viết từ những năm trong tù và sửa đi sửa lại mất 8 năm mới xong (1578-1586), với 40 đoạn, để tặng Mẹ Ana de Jesus, dòng Cát-minh. Tác giả mô tả cấp độ cao nhất của sự trọn lành, được diễn tả dưới hình ảnh “kết hôn huyền nhiệm”, khi linh hồn hoàn toàn phó thác theo ý Chúa. Đây là tác phẩm sẽ được nghiên cứu trong bài này.
4/ Llama de amor viva (Ngọn lửa tình nồng), mô tả những cấp độ cao nhất của tình yêu, theo lời yêu cầu của bà Ana de Penalosa (1584-1585).
Nên biết là các tác phẩm được xuất bản sau khi thánh nhân qua đời, và từ đó nhiều nghi vấn được nêu lên liên quan đến thời gian biên soạn và thậm chí liên quan đến tác giả nữa. Vì thế trong phần thứ nhất, chúng tôi muốn điểm qua những câu hỏi chung quanh “hình thức” của tác phẩm, sau đó, chúng tôi sẽ bàn về “nội dung” trong phần thứ hai.
I. Tác phẩm “Bài ca tâm linh”: biên soạn và xuất bản
Nhìn chung, “bài ca tâm linh” gồm có một bài thơ với 40 đoạn (hay 40 ca khúc), và những chú giải bài thơ. Thế nhưng “bài thơ” không được sáng tác một mạch từ đầu đến cuối, nhưng được kéo dài qua nhiều năm, và mang nhiều phiên bản khác nhau. Những “chú giải” được thêm vào sau này để giải thích, nhưng lại không hoàn toàn theo thứ tự của các đoạn của bài thơ. Đó là đầu đề của các cuộc tranh luận. Chưa hết, việc xuất bản các tác phẩm này cũng gặp nhiều khó khăn: những lần đầu tiên xuất bản toàn tập không nhắc đến “bài ca tâm linh”, mãi về sau mới được đưa vào. Chúng ta sẽ lần lượt theo dõi lịch sử biên soạn và xuất bản.
A. Việc biên soạn
Dựa theo chứng tích của các thân hữu và đồ đệ[1], người ta đã tạm phác thảo ba giai đoạn của việc biên soạn như sau.
1. Bài thơ (Poema)
a) Trong giai đoạn bị giam tù 8 tháng ở Toledo, (từ tháng 12 năm 1578), cảm hứng từ sách Tình ca, thánh Gioan TG đã sáng tác 31 ca khúc đầu tiên (ca khúc 1-31: “Adonde te escondiste ...Oh ninfas de Judea”)[2].
b) Sau khi đã ra khỏi tù, tác giả viết bổ túc thêm các đoạn 32-34 và 35-39. Thật khó xác định thời gian và nơi sáng tác. Các ca khúc 32-34 có lẽ ở Baeza và Granada vào những năm 1579-1583. Các ca khúc 35-39 có lẽ tại Granada vào những năm 1583-1584. Như vậy có một khoảng cách 8 năm giữa lúc khởi đầu và kết thúc.
a) Trong giai đoạn bị giam tù 8 tháng ở Toledo, (từ tháng 12 năm 1578), cảm hứng từ sách Tình ca, thánh Gioan TG đã sáng tác 31 ca khúc đầu tiên (ca khúc 1-31: “Adonde te escondiste ...Oh ninfas de Judea”)[2].
b) Sau khi đã ra khỏi tù, tác giả viết bổ túc thêm các đoạn 32-34 và 35-39. Thật khó xác định thời gian và nơi sáng tác. Các ca khúc 32-34 có lẽ ở Baeza và Granada vào những năm 1579-1583. Các ca khúc 35-39 có lẽ tại Granada vào những năm 1583-1584. Như vậy có một khoảng cách 8 năm giữa lúc khởi đầu và kết thúc.
2. Chú giải (Declaraciones)
Sau khi ra khỏi tù, cha đến đọc bài ca khúc cho các nữ tu ở Beas. Các chị xin cha giải thích thêm ý nghĩa của các bài ca. Những lời giải thích này, lúc đầu là ứng khẩu, sau đó được chép thành tập, theo lời yêu cầu của mẹ Ana de Jesus bề trên đan viện Granada, vào năm 1584, mang tựa đề: Declaración de las canciones que tratan de el exercicio de amor entre el alma y el Esposo Christo, en la qual se tocan y declaran algunos punctos y effectos de oración.
B. Xuất bản
1/ Các bản chép tay được các anh chị em trong dòng chuyền nhau và sao chép. Nạn “tam sao thất bản” là điều không thể tránh được, đặc biệt là vì chính tác giả cũng chưa nói lên lời cuối cùng, nghĩa là cũng còn sửa chữa thêm bớt. Một bản chép tay còn được lưu lại ở đan viện Sanlúcar de Barrameda (Cádiz), được các học giả đặt tên là phiên bản A.
2/ Tuy nhiên, người ta còn khám phá nhiều phiên bản khác, với nhiều sửa đổi từ nhỏ đến lớn.
a) Một bản chỉ sửa đổi vài nét mang tính “kỹ thuật”, chẳng hạn như cách trích dẫn, nhưng vẫn giữ nòng cốt của bản A vì thế được đặt tên là phiên bản A’.
b) Một phiên bản khác, - được gọi là phiên bản B (thủ bản được lưu giữ ở Jaén)-, mang lại nhiều sửa đổi sâu đậm hơn.
- Thứ tự của 14 ca khúc đầu tiên, vẫn được duy trì, nhưng thêm một ca khúc mới (số 11) nâng tổng số ca khúc lên 40.
- Từ ca khúc số 15 trở đi, thứ tự bị thay đổi, liên quan đến những chặng “đính hôn” và “kết hôn”. Các ca khúc 29-30-31-32 (thuộc giai đoạn đính hôn) trở thành 18-19-20-21. Các ca khúc 15-24 (thuộc giai đoạn kết hôn) trở thành ca khúc 24-33.
- Các phần chú giải (declaraciones) cũng dài hơn, thêm vào nhiều dẫn nhập (anotaciones) cho mỗi ca khúc. Theo dòng thời gian, phiên bản B trở thành chính thức trong các ấn bản về sau này.
3/ Sự khác biệt giữa phiên bản A và phiên bản B dễ gây ra nhiều thắc mắc về phía các nhà phê bình: tại sao có hai phiên bản? Phải chăng trong phiên bản thứ hai, tác giả đã có những kinh nghiệm mới? hay là tại vì tác giả thấy có những điều không ổn trong phiên bản thứ nhất, vì thế buộc phải đảo lộn thứ tự các ca khúc? Có người còn đặt câu hỏi triệt để hơn nữa: phiên bản thứ hai cũng do chính thánh Gioan Thánh giá viết ra hay không, hay là do một bàn tay khác?[3] Thậm chí còn có người đặt nghi vấn luôn cho cả phiên bản thứ nhất nữa, bởi vì những lần xuất bản toàn tập đầu tiên không có “Ca khúc tâm linh”; tại sao?
Thật vậy, thánh nhân chỉ ghi lại các bài thơ và chú giải trong những tập nhỏ, và chưa thấy chúng được xuất bản thành sách. Sau khi tác giả qua đời, ấn bản đầu tiên của toàn bộ các tác phẩm của cha ra mắt năm 1618 tại Alcalá và 1619 tại Barcelona nhưng không có “Bài ca tâm linh”.
Năm 1622, ấn bản các bản dịch sang tiếng bên Pháp tại Paris (do mẹ Ana de Jesús mang theo mình khi bị phát lưu) có tác phẩm này, mang tựa đề Cantique d’amour divin (bài ca tình yêu Thiên Chúa). Năm 1627, bài thơ bằng tiếng Tây Ban Nha được xuất bản tại Bruxelles, và mãi đến năm 1630 thì được xuất bản tại quê nhà. Nên biết là bản dịch này dựa theo phiên bản A.
Chúng tôi không muốn đi sâu vào vấn đề phê bình văn bản. Ngày nay, hầu hết các nhà phê bình đều chấp nhận cả hai phiên bản A và B cũng đều do thánh Gioan Thánh giá soạn. Các ấn bản hiện đại đều dựa theo phiên bản B, nghĩa là gồm 40 ca khúc.
Liên quan đến tựa đề tác phẩm. Tên “Bài ca tâm linh” (Cantico espiritual) được sử dụng kể từ khi cha Jerónimo de S. José (Ezquerra) xuất bản các tác phẩm năm 1630 tại Madrid[4]. Trước đó, trong thư gửi chị Ana de S. Alberto, chính thánh Gioan Thánh giá nói đến một cuốn sách nhỏ viết về “Những bài hát của Tân nương” (Canciones de la Esposa), và ở cuối sách thì gọi là “Những bài hát giữa linh hồn với Đức Kitô Lang quân” (Las canciones entre el alma y el Esposo Cristo)[5].
II. Nội dung
Trước hết, nên lưu ý: Bài ca tâm linh là một tác phẩm phức tạp, một đàng bởi vì được sáng tác vào những thời gian khác nhau, đàng khác, nội dung cũng có nhiều thay đổi, như đã nói trên đây. Cha Eulogio Pacho đề nghị nên phân ra hai phần để tìm hiểu nội dung[6]. Phần thứ nhất là “bài thơ” được sáng tác trong tù, theo nhịp điệu của trái tim, được gợi hứng từ sách Tình ca. Phần thứ hai gồm những “giải thích thần học”, theo thể văn xuôi, trong đó tác giả xếp đặt lại ý tưởng theo truyền thống về hành trình tâm linh, nghĩa là những chặng tiến triển trên đường tu đức. Trước hết, chúng ta hãy theo dõi bố cục của bài thơ, rồi tiếp đến là nội dung toàn thể tác phẩm, đặc biệt là kèm theo lời chú giải.
A. Bố cục bài thơ
Khi phân tích bố cục của Bài ca tâm linh, các học giả nhận ra ảnh hưởng sâu xa của Tình ca mà thánh Gioan TG đã thuộc nằm lòng (theo bản dịch Vulgata tiếng Latinh). Lúc lâm chung (ngày 14 tháng 12 năm 1491), ngài yêu cầu được nghe đọc Tình ca (thay vì kinh cầu cho những người hấp hối).
Chỉ cần đối chiếu bố cục của hai tác phẩm thì rõ. Trước hết, chúng ta hãy xem bố cục cuốn Tình ca và sau đó cuốn Bài ca tâm linh.
1. Bố cục Tình ca
Có thể mô tả chuyển động như sau:
Lời tựa: Tc 1,1-3. Tân nương ước ao gặp Tân lang.
(1) Nỗi ước mong và hứa hẹn giữa hai tình nhân: Tc 1,4-16 và 2,1-7. Âu lo vì xa cách, hy vọng, nét duyên của nàng, đối thoại, cảm phục lẫn nhau,…
(2) Tân lang đến: Tc 2,8-17 và 3,1-5. Hai bên tìm kiếm nhau, chia sẻ tâm tư, vẻ đẹp của chàng….
(3) Cử hành hôn lễ: Tc 3,6-11; 4,1-16; 5,1. Đám rước của Lang quân, Lang quân tỏ tình, nơi gặp gỡ, đón tiếp và trao hiến của Tân nương,…
(4) Tân lang tỏ mình: Tc 5,2-17 và 6,1-2. Tân nương do dự, rồi gắn bó,…
(5) Tân nương tỏ mình: Tc 6,3-12; 7,1-13 và 8,1-4. Tân lang ca ngợi vẻ đẹp của người yêu, tân nương mê đắm và chưa xong giấc ngủ.
Lời bạt: Tc 8,5-7. Tân lang đánh thức tân nương, và đòi hỏi tình yêu vĩnh viễn.
Phụ trương: Tc 8,8-14.
Có thể mô tả chuyển động như sau:
Lời tựa: Tc 1,1-3. Tân nương ước ao gặp Tân lang.
(1) Nỗi ước mong và hứa hẹn giữa hai tình nhân: Tc 1,4-16 và 2,1-7. Âu lo vì xa cách, hy vọng, nét duyên của nàng, đối thoại, cảm phục lẫn nhau,…
(2) Tân lang đến: Tc 2,8-17 và 3,1-5. Hai bên tìm kiếm nhau, chia sẻ tâm tư, vẻ đẹp của chàng….
(3) Cử hành hôn lễ: Tc 3,6-11; 4,1-16; 5,1. Đám rước của Lang quân, Lang quân tỏ tình, nơi gặp gỡ, đón tiếp và trao hiến của Tân nương,…
(4) Tân lang tỏ mình: Tc 5,2-17 và 6,1-2. Tân nương do dự, rồi gắn bó,…
(5) Tân nương tỏ mình: Tc 6,3-12; 7,1-13 và 8,1-4. Tân lang ca ngợi vẻ đẹp của người yêu, tân nương mê đắm và chưa xong giấc ngủ.
Lời bạt: Tc 8,5-7. Tân lang đánh thức tân nương, và đòi hỏi tình yêu vĩnh viễn.
Phụ trương: Tc 8,8-14.
2. Bố cục bài thơ
Có thể dùng nhiều chìa khóa khác nhau để phân tích cấu trúc của bài thơ.
(a) Một cách đơn giản nhất là theo dõi thứ tự những lần lên tiếng của Tân nương và Tân lang. Tân nương nói nhiều nhất (32 đoạn), Tân lang chỉ lên tiếng ba lần (và chiếm 7 đoạn); 1 đoạn được dành cho vạn vật.
- Tân nương lên tiếng trước (1-3), tra hỏi vạn vật (4) và vạn vật trả lời (5). Tân nương tiếp tục lên tiếng (6-11).
- Tân lang lên tiếng lần thứ nhất (12). Rồi tân nương tiếp tục
(13-26).
- Tân lang lên tiếng lần thứ hai (27-30). Rồi tân nương tiếp tục (31-32).
- Tân lang lên tiếng lần thứ ba (33-34). Tân nương nói những lời kết thúc (35-39).
(b) Một chìa khóa khác là theo dõi hành trình tân nương tìm kiếm người yêu, có thể chia làm bốn giai đoạn:
- Tân nương đi tìm người yêu, băng qua núi đồi, vượt ngang sông rạch, hỏi thăm vạn vật về người yêu nhưng không thỏa mãn; điều này càng khiến nàng tăng thêm nỗi nhớ nhung (1-12).
- Sau cuộc tìm kiếm, nàng thoáng thấy chàng ở trên núi. Tâm trạng nàng thay đổi hoàn toàn: đối với nàng, chàng dường như là núi đồi, thung lũng, hòn đảo, âm nhạc, đêm thanh. Thế nhưng đôi bên vẫn chưa hết lo lắng, trước nhiều mối de dọa sự hợp nhất, tựa như thú rừng, chim chóc, đêm tối (13-21).
- Kế đó, nàng được đi vào vườn êm dịu của lòng trông mong, được chàng khoác tay, và dạy bảo những kiến thức ngọt ngào (22-35).
- Cuối cùng, nàng mong ước cùng với chàng lên núi cao hơn, tới chóp đỉnh, nơi chàng cho thấy vẻ đẹp vinh quang (36-40).
Có thể dùng nhiều chìa khóa khác nhau để phân tích cấu trúc của bài thơ.
(a) Một cách đơn giản nhất là theo dõi thứ tự những lần lên tiếng của Tân nương và Tân lang. Tân nương nói nhiều nhất (32 đoạn), Tân lang chỉ lên tiếng ba lần (và chiếm 7 đoạn); 1 đoạn được dành cho vạn vật.
- Tân nương lên tiếng trước (1-3), tra hỏi vạn vật (4) và vạn vật trả lời (5). Tân nương tiếp tục lên tiếng (6-11).
- Tân lang lên tiếng lần thứ nhất (12). Rồi tân nương tiếp tục
(13-26).
- Tân lang lên tiếng lần thứ hai (27-30). Rồi tân nương tiếp tục (31-32).
- Tân lang lên tiếng lần thứ ba (33-34). Tân nương nói những lời kết thúc (35-39).
(b) Một chìa khóa khác là theo dõi hành trình tân nương tìm kiếm người yêu, có thể chia làm bốn giai đoạn:
- Tân nương đi tìm người yêu, băng qua núi đồi, vượt ngang sông rạch, hỏi thăm vạn vật về người yêu nhưng không thỏa mãn; điều này càng khiến nàng tăng thêm nỗi nhớ nhung (1-12).
- Sau cuộc tìm kiếm, nàng thoáng thấy chàng ở trên núi. Tâm trạng nàng thay đổi hoàn toàn: đối với nàng, chàng dường như là núi đồi, thung lũng, hòn đảo, âm nhạc, đêm thanh. Thế nhưng đôi bên vẫn chưa hết lo lắng, trước nhiều mối de dọa sự hợp nhất, tựa như thú rừng, chim chóc, đêm tối (13-21).
- Kế đó, nàng được đi vào vườn êm dịu của lòng trông mong, được chàng khoác tay, và dạy bảo những kiến thức ngọt ngào (22-35).
- Cuối cùng, nàng mong ước cùng với chàng lên núi cao hơn, tới chóp đỉnh, nơi chàng cho thấy vẻ đẹp vinh quang (36-40).
B. Hành trình tâm linh
Như đã nói trên đây, bài ca tâm linh không được soạn liền một mạch từ đầu đến cuối, dựa theo thứ tự của sách Tình ca, nhưng nó đã được sửa đi sửa lại nhiều lần, một đàng dựa theo sự tiến triển của những cảm nghiệm riêng tư, đàng khác muốn trình bày một thứ khảo luận về hành trình tâm linh. Có lẽ bố cục của sách Tình ca chỉ còn được duy trì trong bài thơ sáng tác khi thánh Gioan ở trong nhà tù Toledo (31 ca khúc đầu tiên). Về sau, khi thêm những lời giải thích mang tính cách sư phạm, tác giả dựa theo cái sườn của thần học tâm linh cổ điển, trình bày tiến trình dẫn đến sự kết hiệp với Thiên Chúa trải qua bốn chặng: khởi đầu (thanh luyện), tiến triển (chiếu sáng), hoàn thiện (kết hiệp), hạnh phúc (viên mãn). Đó là lý do mà tác giả không những thêm vào vài ca khúc mới (số 11, cộng thêm 9 ca khúc cuối cùng) mà còn đảo ngược thứ tự của một số ca khúc (đặc biệt là hai khối 15-24 và 25-30). Sự khác biệt giữa hai phiên bản A và B bắt nguồn từ đó.
Sau đây chúng ta sẽ theo dõi hành trình qua những lời giải thích của chính tác giả (dựa theo phiên bản B). Sau lời phi lộ, hành trình được chia làm bốn chặng:
1) Những người khởi đầu (con đường thanh luyện): các ca khúc 1-4.
2) Những người tiến bộ (con đường chiêm niệm) tiến tới cuộc đính hôn thiêng liêng: các ca khúc 5-23.
3) Những người hoàn hảo và kết hôn thiêng liêng: các ca khúc
24-35.
4) Hướng về hạnh phúc: 36-40.
Nên lưu ý là sự phân chia này không mang tính cách cứng nhắc, vì lý do dễ hiểu: Thánh Thần dẫn dắt mỗi người theo đường lối khác nhau, và chính thánh Gioan Thánh giá cũng đã trải qua nhiều cảm nghiệm khác nhau, đưa đến những lần điều chỉnh các suy tư khác nhau.
[1] Những người khởi đầu
(Suy niệm và khổ chế)
Ca khúc 1: Tìm người Chí Ái ở đâu?
Vài suy nghĩ về thời gian và ý nghĩa cuộc sống phát sinh trong linh hồn lòng mong ước mãnh liệt muốn kết hiệp với Ngôi Lời, Con Thiên Chúa. Người ẩn kín trong cung lòng Chúa Cha và trong chính bản thân, đó là nơi thích hợp để tìm kiếm Người cách bền tâm. Sự hiện diện hay vắng mặt trong tình cảm không thể là dấu hiệu. Tình yêu thúc đẩy lòng mong ước gây ra đau khổ.
Ca khúc 2: Có thể tin các môi giới không?
Những trung gian chỉ tăng thêm lòng mong ước; các quan năng của linh hồn khám phá sự khắc khoải, đau khổ và cái chết để sống đức tin, hy vọng và yêu mến. Cầu nguyện là một con đường phó thác và cải hoán.
Ca khúc 3: Tìm kiếm mình, hết mình!
Lòng mong ước chưa đủ; cần phải hành động trên bản thân để thủ đắc một trái tim tự do và mạnh mẽ nhờ việc thực hành các nhân đức của đời sống hoạt động và chiêm niệm, khước từ những của cải khả giác và thiêng liêng làm cản ngăn con đường thập giá, cũng là con đường của Đức Kitô. Nhờ vậy ta mới có can đảm chống lại các lực lượng sự dữ đến từ thế gian, ma quỷ và xác thịt; cũng như ta đi từ chỗ biết mình đến chỗ biết Thiên Chúa.
Ca khúc 4: Từ hiểu biết vũ trụ đến hiểu biết Thiên Chúa…
Linh hồn chất vấn vạn vật. Việc truy tầm vũ trụ dưới bốn yếu tố cổ điển (đất, nước, khí, lửa) dẫn đến Đấng Tạo Hóa. Làm thế nào không thán phục sự đa dạng của chúng, sự liên kết giữa thế giới hữu hình với vô hình? Đó là những vết tích của công trình Đấng Chí Ái.
[2] Những người tiến bộ, nhắm đến cuộc đính hôn thiêng liêng
(Chiêm ngắm)
Ca khúc thứ 5: Những dấu chỉ của Thiên Chúa
Các thụ tạo trả lời. Việc suy niệm dẫn đến sự chia sẻ kinh nghiệm về thụ tạo, về sự hư vô của vạn vật giữa những nét hấp dẫn, huy hoàng của chúng, đưa tới sự phám phá Đấng Khôn ngoan là Ngôi Lời, Con Một của Thiên Chúa. Như thế Thiên Chúa đã để lại vô vàn dấu vết của sự hiện diện của Người, nhất là trong những công trình của cuộc Nhập thể và những mầu nhiệm khác của đức tin Kitô giáo. Qua cuộc Nhập thể của Chúa Con và sự phục sinh của Người, Thiên Chúa đã khoác lên vũ trụ phấm giá, vẻ đẹp và cực kỳ tốt lành.
Ca khúc thứ 6: Nỗi đau khổ của lòng mong ước
Vẻ đẹp của vũ trụ lại càng tăng thêm lòng mong ước Đấng Chí Ái và nỗi đau khổ vì Người vắng mặt. Vì thế, linh hồn không còn thích những sự hiểu biết thiếu sót mà vũ trụ gửi đến, nhưng nó muốn trao hiến toàn thân.
Ca khúc thứ 7: Sự choáng váng của đức tin
Các thiên thần và loài người, tựa như những người qua đường, đã nói đến vẻ bao la của Thiên Chúa. Nỗi xao xuyến của linh hồn tăng thêm, từ những vết thương gây ra do những thụ tạo thấp bé cho đến vết thương gây ra bởi mầu nhiệm Nhập thể, và sự quằn quại phát sinh sự hiểu biết hạnh phúc của Thiên Chúa. Cần phải cảm nghiệm mới có thể hiểu được điều này.
Ca khúc thứ 8: Chết vì tình yêu?
Ra như linh hồn buộc phải sống hai kiếp người: kiếp hiện tại, bị giam giữ trong thân xác làm ngăn cản nó sống tình yêu sung mãn; kiếp bên kia, sự sống ở trong Thiên Chúa, sự sống thiêng liêng mà linh hồn đã biết được cách khái lược nhưng chưa được hưởng.
Ca khúc thứ 9: Than thân trách phận
Bởi vì trót trái tim đã dành cho Đấng Chí Ái, muốn ra khỏi mình để đi tìm an nghỉ nơi Người. Linh hồn than trách vì chưa thể đạt đến tình yêu trọn hảo, ngõ hầu có thể nếm hưởng hoàn toàn. Những tư tưởng, những hành động chỉ làm tăng thêm sự khắc khoải. Cơn bệnh tình yêu này chỉ có thể chữa được bằng việc trải qua cái chết. Hai dấu hiệu của tình yêu chân chính: tình yêu trở thành tất cả đối tượng của lòng ước mong, và không còn nếm hưởng gì khác ngoài nó. Linh hồn không than trách vì vết thương tình yêu này, nhưng ước ao được Chúa cất về bởi vì nó đã mê say Người.
Cá khúc thứ 10: Duy một mình Chúa mà thôi!
Linh hồn chỉ nghĩ đến Đấng Chí Ái, nó chẳng còn thích thú điều gì khác, mọi sự đều trở thành gánh nặng. Linh hồn van xin sớm được chấm dứt tình trạng này, trong đó nỗi khắc khoải cứ lớn mãi. Thiên Chúa là ánh sáng siêu nhiên, không thể nào chậm trễ đáp ứng lòng mong ước đầy tình âu yếm này; và như hậu quả của lòng mong ước ấy, linh hồn cảm thấy mình ở giữa đêm tối. (Tác giả ghi chú thêm: tình trạng bệnh hoạn của linh hồn có thể ví như bà Maria Mađalena đi tìm Đấng Chí Ái trong vườn đặt ngôi mộ).
Ca khúc thứ 11: Chỉ duy sự hiện diện bản thể mới có thể thỏa mãn linh hồn.
Cực điểm của lòng mong ước. Giải thích ba cách thức hiện diện của Thiên Chúa, cả ba đều bị che khuất. a) Sự hiện diện tự nhiên của Đấng Tạo hóa (không bao giờ thiếu). b) Sự hiện diện siêu nhiên bằng ân sủng (có thể mất, và ta không bao giờ chắc chắn). c) Sự hiện diện bản thể, đẹp đẽ và rạng rỡ (điều này chỉ có thể có sau khi lìa đời). Trước khi Thiên Chúa và Đức Kitô tỏ hiện, nó chưa thể được biết và yêu mến theo cách này. Vì lý do ấy cái chết trở thành người bạn. Sức khỏe của linh hồn là chính Thiên Chúa.
Ca khúc thứ 12: Đức tin vào Chúa Kitô
Đức tin soi sáng cho trí tuệ và ý chí những kiến thức thần linh. Nhờ tình yêu, hình ảnh của Đấng Chí Ái được in vào linh hồn, và linh hồn ước mong được biến đổi thành hôn nhân thiêng liêng. Lòng ước mong gây ra nhiều đau khổ hầu như quá sức chịu đựng.
(Đính hôn thiêng liêng)
Ca khúc 13: Khước từ hay vươn lên?
Thế là hết những khắc khoải và than trách! Bồ câu được lòng thương xót đoái đến và đặt trong chiếc tàu của đức ái. Những tia sáng thần linh đưa linh hồn vào cuộc xuất thần mà linh hồn không chịu đựng nổi: dường như linh hồn đã ra khỏi thân xác. Trong chuyến bay thiêng liêng, linh hồn cảm thấy một sự trống rỗng bàng hoàng khi Đấng Chí Ái đang tiến lại gần. Linh hồn sống cuộc tử đạo. Cảm nghiệm này là của những người tiến bộ. Thần khí tình yêu là dây liên kết Chúa Cha với Chúa Con. Một cách tương tự như vậy, đức mến là sợi dây kết hiệp linh hồn với Thiên Chúa. Linh hồn phải bằng lòng với việc chiêm ngưỡng thiêng liêng, cao siêu, nhẹ nhàng và êm dịu này: Thiên Chúa chưa tỏ mình ra hoàn toàn.
Ca khúc 14 và 15: hai ca khúc này ton vinh cuộc đính hôn
Hạn từ “hôn thê” đã được sử dụng trong bản văn rồi, nhưng đây mới đúng chỗ, lúc đính hôn: chính Thiên Chúa chuẩn bị linh hồn; Người đã thông đạt khá nhiều điều về đời sống của mình cho linh hồn. Linh hồn cảm thấy an bình. Hôn thê ca ngợi Đấng Chí Ái xét theo bản tính của Người và xét trong tương quan với mình: bằng nhiều cách, linh hồn cảm nghiệm trong sự hài hòa thiêng liêng rằng Người là tất cả mọi sự tốt đẹp, tuyệt vời trong vũ trụ. Linh hồn cảm nghiệm một thứ thân mật mới lạ với Đấng Chí Ái. Đêm tối đã lui dần vào lúc rạng đông.
Ca khúc 16: Các môi giới phải rút lui!
Đấng Chí Ái ban cho linh hồn biết nghĩ đến các nhân đức mà Người đã thu thập cho nàng. Tổng bộ này rất hài hòa và linh hồn muốn nếm hưởng sự hiện diện của Người mà không có môi giới. Linh hồn rất sợ những địch thù quấy rối sự yên tĩnh và thân mật. Linh hồn muốn bảo vệ sự toàn hảo này, và muốn xa cách không những các cơn cám dỗ mà còn tất cả những gì làm xao lãng sự kết hiệp với Đấng Chí Ái, tức là các môi giới, kể cả hoạt động trí tuệ.
Ca khúc 17: Bảo vệ tình yêu
Để tránh sự khô khan tâm linh, linh hồn sẽ không bỏ qua bất cứ phương tiện nào của lòng sùng mộ. Để Đấng Chí Ái cảm thấy hài lòng trong những nhân đức đã được thu thập, linh hồn khẩn cầu Thánh Linh ban cho ơn cầu nguyện liên lỉ. Thánh Linh là tác nhân chính yếu của những bộc phát êm dịu của sự kết hợp.
Ca khúc 18: Sự tĩnh lặng của linh hồn
Hôn thê phát biểu. Linh hồn ước mong sẽ không bị quấy rối hạnh phúc do cảm giác và trí tưởng tượng quyến rũ. Linh hồn mong trở về trạng thái tinh tuyền nguyên thủy, trong đó cả thân xác cũng được thông hưởng cuộc sống hạnh phúc.
Ca khúc 19: Niềm vui của cảnh khăng khít
Chính trong cõi kín đáo thâm sâu, mà linh hồn hôn thê được hưởng trọn Đấng Chí Ái. Đây là chuyện thầm kín mà linh hồn muốn giữ kín nhằm bảo vệ nó; cần để lại giác cảm ở bên ngoài, và đi vào nơi sâu thẳm mà Đấng Chí Ái có thể biến đổi các quan năng của linh hồn, cũng như chia sẻ những hiểu biết cao siêu về thiên tính.
Ca khúc 20 và 21: Những bài ca của tình yêu
Linh hồn hưởng những thú vui của tình yêu. Chính Hôn phu đã ngăn chặn tất cả những cản trở hạnh phúc an bình và êm dịu của nó, điều chỉnh những lệch lạc của trí tưởng tượng, ổn định trật tự của các cảm xúc cũng như các quan năng của linh hồn. Linh hồn được chuẩn bị để tiến tới cuộc kết hôn thiêng liêng.
Ca khúc 22: Cấp cao của việc kết hôn thiêng liêng
Bây giờ đã đến tình trạng cao của việc kết hôn thiêng liêng. Chính Hôn phu lên tiếng, bởi vì tình trạng này thực sự tương ứng với ý muốn của cả hai người yêu. Nhắc lại hành trình từ cuộc đính hôn tới tình trạng hiện nay khi hai người đã trở nên một. Mô tả sự kết hợp qua các hình ảnh. Linh hồn rời bỏ sự yếu hèn của mình để sống bằng sức mạnh và êm ái mà mình thấy nơi Đấng Chí Ái, cũng là một người anh muốn chia sẻ điều kiện của mình. Linh hồn được chia sẻ những ưu phẩm của Thiên Chúa, và thấy mình đã được bảo đảm sự tín trung.
Ca khúc 23: Dưới cây Thánh giá
Hôn quân bộc lộ các bí mật của mình và tỏ bày các công trình, bởi vì tình yêu chân thành không thể giữ kín gì hết: Người thông đạt cho linh hồn những mầu nhiệm của cuộc Nhập thể và cách thức hoàn tất việc cứu chuộc. Trên cây Thánh giá, Người đã trao ban mạng sống của mình vì yêu nàng, và cũng vì tình yêu mà Người kết hiệp với nàng. Thật vậy, chính trên cây Thánh giá mà Con Thiên Chúa đã cứu chuộc bản tính con người và kết hợp với nó, và tiếp theo là với mỗi linh hồn, đưa nó ra khỏi cảnh lầm than bằng cách sửa chữa sự dữ ngay tại nơi mà linh hồn đã phải lãnh lấy.
[3] Những người trọn lành, thời kết hôn thiêng liêng
Ca khúc 24: giường cưới
Giường trải hoa là tấm lòng đầy tình yêu của Hôn phu; linh hồn được hoàn toàn tự do. Cuộc sống chung giúp cho đôi bên hiểu biết nhau, nhất là vì những điều mà Hôn phu truyền đạt từ chính mình: vẻ đẹp, tình yêu. Tiếp theo là sự nở rộ của các nhân đức, sự bộc lộ đức mến, sự bền vững của an bình, và khả năng chống lại các nết xấu.
Ca khúc 25: Đời sống tình yêu
Thiên Chúa ban cho linh hồn ba ân huệ: sự ngọt ngào, tuổi trẻ vui tươi và đức mến dồi dào. Đời sống hợp nhất có thể diễn tả bằng ngọn lửa và cơn say.
Ca khúc 26: “Chỉ còn đôi ta trên đời!”
Linh hồn được dẫn vào tình yêu sâu đậm, với hôn nhân thiêng liêng, được Thần khí đổ tràn bảy ân huệ. Thân xác cũng như linh hồn được biến đổi trong Thiên Chúa. Được ngập tràn ơn khôn ngoan và lòng yêu mến, linh hồn từ bỏ cuộc sống hời hợt. Các quan năng của linh hồn (trí tuệ, ý muốn và ký ức), các cảm xúc đam mê (vui mừng và hy vọng, đau khổ và sợ hãi) mất đi những bất toàn của chúng. Linh hồn được tắm gội trong Thánh Thần.
(Kết hôn thiêng liêng)
Ca khúc 27: Việc trao hiến bản thân
Linh hồn và Thiên Chúa sống trong cảnh yêu mến và thân hữu hỗ tương. Thiên Chúa ban cho linh hồn sự hiểu biết bí nhiệm về việc chiêm niệm; chính tình yêu dạy cho linh hồn sự khôn ngoan này; linh hồn ra như được thần hóa nhờ sự hợp nhất hai ý chí. Ký ức và trí tuệ thường xuyên gắn bó với Thiên Chúa. (Trong ghi chú, tác giả giải thích những dạng thức khác nhau của tình yêu: mẫu tử, phụ tử, huynh đệ, bằng hữu; và cách thức tìm gặp tình yêu trong tất cả mọi vật.)
Ca khúc 28: Diễn ra thực hành
Nhờ sự kết hợp với Thiên Chúa bằng tình yêu, nhân cách đã được thay đổi trong hết mọi phương diện. Tác giả phân tích tình trạng này bằng việc sử dụng các quan năng của linh hồn: các cảm giác, các cảm xúc… Linh hồn yêu mến với tất cả những khả năng của mình, tuy vẫn biết rằng tình yêu của con người chẳng đáng là gì so với tình yêu của Thiên Chúa.
Ca khúc 29: Người ngoài không thể hiểu nổi
Kẻ nào đã gặp thấy Thiên Chúa thì bị “người thế gian” lấy làm khó chịu. Xét vì họ đã thuộc về Thiên Chúa cho nên các mối quan tâm của họ đã thay đổi. Họ chẳng còn tha thiết gì với những ưu tư hời hợt giống như những người khác. Vì thế họ bị những người khác bỏ rơi, và họ chấp nhận điều đó. (Trong phần ghi chú, tác giả bình giải quang cảnh của cô Marta và cô Maria. Cần phải biết yêu mến trong hoạt động cũng như trong chiêm niệm, nhưng đừng quên rằng một tia nhỏ tình yêu tinh tuyền thì hữu ích hơn tất cả mọi hoạt động.)
Ca khúc 30: Sự thân mật và chia sẻ đời sống giữa đôi tân hôn
Hôn thê tiếp tục cuộc đối thoại với Đấng Chí Ái. Nàng nhắc lại những lúc dễ dãi của tuổi thơ, những thử thách và khô khan của tuổi trưởng thành, để dâng lên Người. Giờ đây, nàng hoạt động cùng với Đức Kitô Hôn phu để xây dựng Hội thánh trong việc sản sinh những linh hồn thánh thiện: các trinh nữ, tử đạo, tiến sĩ.
Ca khúc 31: Sức mạnh của tình yêu
Chỉ duy tình yêu mãnh liệt mới có thể thi hành các nhân đức như vậy và chống trả các địch thù. Ngay cả Thiên Chúa cũng sửng sốt trước tình yêu mạnh mẽ, tinh tuyền, dưới tác động của Thánh Linh.
Ca khúc 32: Hoạt động của Đấng Chí Ái.
Đừng ai nhầm lẫn: điều mà linh hồn làm cho Đấng Chí Ái của mình là chính Người đã ban cho nó. Nó chẳng có công trạng gì hết, và chỉ biết nhìn nhận những gì mình đã lãnh được: những sự hoàn thiện cao vời, những cảm nghiệm về sự êm ái, nhân hậu. Linh hồn bày tỏ lòng tri ân vì những ân huệ ấy.
Ca khúc 33: Đòi hỏi tất cả tình yêu
Linh hồn biết con đường mà mình phải đi, bằng cách từ bỏ những tội lỗi hèn hạ. Đấng Chí Ái đã lôi kéo linh hồn ra khỏi tình trạng ấy, mặc dù bất xứng. Cái nhìn của Người đã thanh luyện linh hồn, biến nó trở nên hấp dẫn. Linh hồn xin Người tiếp tục nhìn đến mình, đừng để rơi vào lỗi lầm cũ.
Ca khúc 34: Hạnh phúc được đáp ứng
Hôn phu ca ngợi sự tinh tuyền của hôn thê trong tình trạng mới, những tài sản và phần thưởng mà nàng nhận được ngõ hầu sẵn sàng đến với chàng. Tựa như bồ câu và sơn ca, được hưởng nhờ lòng lân tuất của chàng, nàng thấy những ước mong của mình được toại nguyện trong chiếc tàu của Đấng Tạo hóa đã trở nên bạn đồng hành của mình.
Ca khúc 35: Ca ngợi sự cô tịch
Đấng Chí Ái chúc mừng linh hồn vì sự cô tịch mà nàng đã trải qua trước khi gặp chàng, và bởi vì nàng đã trút bỏ mọi sự cho chàng, chăm chăm nhìn đến chàng. Chính sự cô tịch cho phép linh hồn để cho thần khí Chúa dẫn dắt. Trong cô tịch, linh hồn sống một mình với Đấng Chí Ái, lắng nghe Người dạy.
[4] Tình yêu trọn hảo
(Hạnh phúc của một “cuộc sống khác”, hay sự sống vĩnh cửu)
Ca khúc 36: Vẻ đẹp nơi Đấng Chí Ái
Người yêu trình bày những đặc quyền của tình yêu; nàng xin ba điều: hưởng niềm vui sống động; ước mong được nên giống với chàng, đẹp như chàng; biết tường tận hết mọi bí mật, sư cao minh của Thiên Chúa được mặc khải nơi Ngôi Lời và những mầu nhiệm được mặc khải nơi các thụ tạo.
Ca khúc 37: Hiểu biết mầu nhiệm
Linh hồn ước mong được thấu hiểu những ý định của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Nhập thể; hiểu được sự kiện Thiên Chúa làm người, sự hài hòa giữa sự hợp nhất giữa đôi bên cũng như sự hợp nhất của tất cả mọi người với Thiên Chúa, cách riêng sự dung hòa giữa đức công bình và lòng thương xót, giữa các ưu phẩm của Thiên Chúa, con đường hẹp của sự đau khổ bên trong và bên ngoài dẫn đến sự cao minh; tất cả mọi điều giấu kín khỏi những người khôn ngoan thông thái.
Ca khúc 38: Tình yêu là nguồn mạch và cứu cánh của mọi sự
Cùng với những hiểu biết vừa nói, linh hồn mong muốn trước hết là yêu mến Đấng Chí ái như Người yêu mến mình, và kế đó là tìm lại sự tinh tuyền nguyên thủy và sự nguyên tuyền của bí tích thánh tẩy. Trong cuộc kết hôn thiêng liêng này, Thiên Chúa ban cho linh hồn món quà của tình yêu trọn hảo trong mức độ có thể được ở đời này.
Ca khúc 39: Tình yêu trữ tình
Linh hồn cảm nghiệm được điều đã diễn ra nơi Ba Ngôi Thiên Chúa: Ngôi Cha và Ngôi Con cùng thở ra Thần khí hiệp thông, trong sự chúc tụng, hài hòa vạn vật, chiêm ngưỡng, và biến đổi do tình yêu. Linh hồn được thông dự vào sự hiểu biết và yêu mến của Thiên Chúa, được nếm trước điều sẽ được ban trong cuộc sống đời sau. Linh hồn muốn ca ngợi, hiểu biết, chiêm ngưỡng và hành động với Thiên Chúa.
Ca khúc 40: Tình yêu sung mãn
Linh hồn đã được giải thoát khỏi mọi thụ tạo; nó đã thắng sự dữ, chế ngự các đam mê; phần cảm giác của linh hồn đã sống hòa hợp với phần tinh thần. Không còn gì ngăn cản linh hồn lãnh nhận những ơn mình khát mong. Sau cùng, Danh của Đấng Chí Ái được tỏ lộ, đó là Chúa Giêsu: tất cả những ai kêu cầu Danh này có thể được ơn thông dự vào sự hoàn thiện này.
Kết luận
Như đã nói trên đây, Ca khúc tâm linh là một “hợp tuyển”, gồm có bài thơ và lời giải thích. Bài thơ cũng là một hợp tuyển được sáng tác vào nhiều chặng khác nhau, và lời giải thích cũng vậy (từ đó có phiên bản A và B). Có học giả chỉ muốn dừng lại ở bài thơ, cách riêng ở 31 đoạn đầu, bởi vì cho rằng đó là sáng tác “tự phát”, và gần với bản Tình ca của Kinh Thánh hơn. Đây cũng là một kiệt tác văn chương tiếng Tây Ban Nha. Dĩ nhiên có ý kiến khác muốn nghiên cứu toàn bộ bản văn, bởi vì tất cả đều do cùng một tác giả.
Cha Eulogio Pacho, OCD tìm cách kết hợp cả hai khuynh hướng ấy dưới một chủ đề: “đời sống tâm linh không ngừng tiến triển dưới sự thúc đẩy của tình yêu”[7]. Một chủ đề được diễn tả qua hai thể văn: thể thơ và thể văn xuôi. Thể thơ thì bộc phát, nói lên những chuyển động của tình yêu: mở đầu bằng những than thở nhớ nhung, và lên đường tìm kiếm người yêu. Tình cờ có lúc gặp được chàng, mở đầu cho những lời than thở kể lể. Tuy đã được đính hôn, nhưng linh hồn cũng cảm thấy bị đe dọa bởi nhiều ngăn trở. Mãi đến khi kết hôn, linh hồn mới cảm thấy an tâm, vì đôi bên đã trao thân cho nhau (26-28). Lúc ấy, linh hồn ôn lại những chặng đường đã trải qua trước khi đạt đến tình trạng này (23, 25, 32-33), và hưởng trọn niềm vui với Hôn phu (24, 30-31, 34-35). Những đoạn cuối cùng ca ngợi niềm vui, tuy vẫn còn khát mong đến vinh quang, bởi vì vẫn còn cảm thấy những bấp bênh (36-40). Nói tóm lại, bài thơ ca ngợi những chuyển động của tình yêu, bởi vì tình yêu không nào ở thế tĩnh được.
Thể văn xuôi thì kèm thêm yếu tố đạo lý. Chuyển động tình yêu không chỉ là những bộc phát của con tim, mà còn kèm theo tác động của ân sủng, bắt đầu là những nhân đức hướng Chúa, và kèm theo việc thực hành các việc khổ chế và cầu nguyện, nhằm giúp cho linh hồn được thoát khỏi những ràng buộc với các thụ tạo và gắn bó với Thiên Chúa. Ngoài ra, hành trình tiến đến sự kết hiệp với Thiên Chúa cũng pha lẫn những pha tối và sáng của đức tin, những đề tài mà thánh Gioan Thánh giá sẽ khai triển trong các tác phẩm “Đường lên núi Cát-minh” và “Đêm tối”.
Dù nói gì nữa, trong “bài ca tình yêu” thì tình yêu là nguyên ủy và cứu cánh của tất cả. Tuy nhiên, trước khi là một chuyển động của con người đến Thiên Chúa thì tình yêu là chuyển động của Thiên Chúa đến với con người. Thiên Chúa yêu thương con người và lôi kéo con người đến với Người: chính Người ban tình yêu cho chúng ta ngõ hầu chúng ta có khả năng yêu mến Người. Như vậy, trong bài ca tình yêu, tác giả bàn đến hai chuyển động: từ Thiên Chúa đến con người và từ con người đến Thiên Chúa. Tác giả vừa kể lại một cảm nghiệm cá nhân, vừa trình bày một khảo luận thần học nhằm giúp các linh hồn đạt đến sự kết hiệp với Thiên Chúa.
Thư mục
Các tác phẩm
- San Juan de la Cruz: Obras completas. Revisión textual, introducciones y notas al texto: José Vicente Rodríguez. Introducciones y notas doctrinales: Federico Ruiz Salvador. Madrid, Editorial de Espiritualidad, 2a ed. 1980; 3a ed. 1988.
- San Juan de la Cruz: Obras completas. Introducciones, notas y revisión del texto: Eulogio Pacho. Burgos, El Monte Carmelo, 2a ed., 1990.
Dẫn nhập tư tưởng
- Baruzi, Jean, Saint Jean de la Croix et le problème de l’expérience mystique, Paris 1924; 2- ed., mejorada, 1931. (Trad, española, Valladolid, Junta de Castilla y León, 1991).
- Lucien-Marie de S. Joseph, L’expérience de Dieu. Actualité du message de Saint Jean de la Croix, Paris 1968.
- Morel, Georges, Le sens de l’existence selon Saint Jean de la Croix, 3 vols., Paris 1961.
- Pacho, Eulogio [= Eulogio de la V. del Carmen], San Juan de la Cmz y sus escritos, Madrid 1969.
- Ruiz Salvador, Federico, Introducción a San Juan de la Cmz. El hombre, los escritos, el sistema, Madrid, BAC, 1968.
- _____. Místico y maestro. San Juan de la Cruz, Madrid 1986.
- _____. (coord.), Experiencia y pensamiento en San Juan de la Cruz, Madrid 1990.
Cántico Espiritual
- Bengoechea, Ismael, En el IV Centenario del “Cántico Espiritual”. Vicisitudes del códice de Sanlúcar de Barrameda, en “Temas Sanjuanistas” 2 (1984-85) 9-109
- Bobes Naves, Má del Carmen, Lecturas del “Cántico Espiritual” desde la estética de la recepción, en “Simposio sobre San Juan de la Cmz”, Ávila 1986, pp. 13-52.
- Chevallier, Philippe, Le Cantique Spirituel de Saint Jean de la Croix. Notes historiques, texte critique, version française, Paris 1930.
- Cuevas, Cristóbal, San Juan de la Cmz: Cántico Espiritual. Poesías. Edición, estudio y notas, Madrid, Alhambra, 1979.
- _____. El bestiario simbólico en el “Cántico Espiritual” de San Juan de la Cruz, en “Simposio sobre San Juan de la Cruz”, Ávila 1986, pp. 179-203.
- De Gennaro, Giuseppe, Consideraciones sobre el “Cántico Espiritual” de San Juan de la Cruz, en “Aloisiana” 2 (1961) 155-233.
- _____. El Prólogo al “Cántico Espiritual” de San Juan de la Cmz, en “Annali dell’Istituto Universitario Orientale” 19 (1977) 43-107.
- Duvivier, Roger, La génèse du “Cantique Spirituel” de Saint Jean de la Croix, Paris 1971 (bibliographie: pp. 309-534).
- _____. Le dynamisme existentiel dans la poésie de Jean de la Croix: lecture du “Cántico Espiritual”, París 1973.
- _____. De l’ineffabilité mystique à la confusion critique? Un débat de méthode à propos de la génèse du “Cántico Espiritual”, en “Estudios de historia, literatura y arte hispánicos ofrecidos a Rodrigo A. Molina” (ed. Wayne Finke), Madrid 1977, pp. 109-127.
- Elia, Paola, “Texto primitivo” e “Texto revisado” del Cántico Espiritual: Rapporti tra i testimoni, en “Quaderni di Filologia e Lingua Romanze” (Nuova serie) 1 (1985) 55-80.
- Icaza, Rosa Má , The Stylistic Relationship Between Poetry and Prose in the “Cántico Espiritual” of San Juan de la Cruz, Washington 1957.
- Morales, José Luis, El “Cántico Espiritual” de San Juan de la Cruz. Su relación con el “Cantar de los Cantares” y otras fuentes escriturísticas y literarias, Madrid, Ed. de Espiritualidad, 1971.
- Nieto, Lidio, La naturaleza en el “Cántico Espiritual”, en “Simposio sobre San Juan de la Cruz”, Ávila 1986, pp. 151-177.
- Pacho, Eulogio I de la V. del Carmen I, Un manuscrito famoso del “Cántico Espiritual”: Las notas del códice de Sanlúcar de Barrameda y su valor crítico, en “Monte Carmelo” 62 (1954) 155-203.
- _____. La Sagrada Escritura y la cuestión de la segunda redacción del Cántico Espiritual de San Juan de la Cruz, en “Ephemerides Carmeliticae” 5 (1951-54) 249-275.
- _____. El Cántico Espiritual. Trayectoria histórica del texto, Roma 1967.
- _____. El “Cántico Espiritual” retocado. Introducción a su problemática textual, en “Ephemerides Carmeliticae” 27 (1976) 382-452.
- _____. El Cántico Espiritual, primera redacción y texto retocado. Introducción, edición y notas, Madrid, Fundación Universitaria Española, 1981 (con abundante bibliografía en pp. 557-571).
- _____. Vértice de la poesía y de la mística. El “Cántico Espiritual” de San Juan de la Cruz, Burgos, Ed. Monte Carmelo, 1983.
- _____. Transmisión textual del “Cántico Espiritual” revisado (CB), en “Teresianum” 35 (1984) 423-460.
- _____. Reto a la crítica. Debate histórico sobre el “Cántico Espiritual”, Burgos, Ed. Monte Carmelo, 1988.
- _____. Noemática e interpretación del “Cántico Espiritual”. Poesía y teología, en “Teresianum” 40 (1989) 337-362.
- Puerta, Serafín - Pacho, Eulogio, San Juan de la Cruz.• Cántico Espiritual y Poesías. Manuscritos de Sanlúcar de Barrameda, 2 vols. (I: Facsímil; II: Transcripción). Prólogo de Eulogio Pacho. Transcripción de Serafín Puerta. Junta de Andalucía, Ed. Turner, Madrid, 1991.
- Thompson, Colin P., El poeta y el místico. Un estudio sobre el “Cántico Espiritual” de San Juan de la Cruz, El Escorial, Ed. Swam, 1983.
- Tournay, R., Les chariots d’Aminadab (Cant. VI, 12): Israel, peuple théophore, en “Vetus Testamentum” 9 (1959) 288-309. Urquiza, Julián, El Cántico Espiritual de San Juan de la Cruz y la Beata Ana de San Bartolomé, en “Ephemerides Carmeliticae” 29 (1978) 519-526.