Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2024

THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 103, THÁNG 02/2024

CHỦ ĐỀ : ĐÀO TẠO THƯỜNG XUYÊN LINH MỤC VÀ TU SĨ

LỜI GIỚI THIỆU


Số báo này được dành cho vấn đề “đào tạo thường xuyên” (formation permanente) của các linh mục và tu sĩ. Trong đời sống Giáo hội, xem ra thuật ngữ này không được thông dụng cho bằng “thường huấn”, vốn được áp dụng cho các khóa huấn luyện được tổ chức hằng năm cho các linh mục và tu sĩ. Thực ra, trong vấn đề này, còn nhiều khái niệm chưa được rõ rệt, xét về từ ngữ cũng như nội dung. Trước hết, chúng tôi xin đưa ra vài nhận xét về từ ngữ: thứ nhất là “đào tạo”, thứ hai là “đào tạo thường xuyên”. Sau đó, chúng ta sẽ đi vào lãnh vực đào tạo của các linh mục và tu sĩ.


I. Từ ngữ


A. Đào tạo – huấn luyện – giáo dục


1/ Trong tiếng Việt, chúng ta có hai từ ngữ tương đương để dịch danh từ formation, đó là “đào tạo” và “huấn luyện”. Bên cạnh đó, trong cơ quan chính phủ, “đào tạo” thường được kèm theo “giáo dục” (Thí dụ: Bộ Giáo dục và Đào tạo). Xét theo tầm nguyên Hán Việt: “đào tạo” là nhào nặn ra, làm nên (“đào” là đồ gốm; “tạo” là làm ra); có khi người ta cũng nói là “đào luyện” (“luyện” là rèn đồ sắt cho thành vật dụng). Như vậy, đào tạo là tạo ra con người hữu dụng. “Huấn luyện” là dạy bảo và bắt tập làm cho giỏi (“huấn” là dạy bảo, răn dạy; “luyện” tập nhiều lần cho quen). “Giáo dục” là dạy dỗ nuôi lớn. Trên thực tế, ba từ ngữ vừa nói (“giáo dục”, “đào tạo”, “huấn luyện”) được xem như đồng nghĩa.

2/ Trong tầm nguyên tiếng Latinh, cha Amedeo Cencini giải thích sự khác biệt giữa hai từ educatio và formatio. “Giáo dục”, educare gốc bởi e-ducere (lôi ra) nhấn mạnh đến giai đoạn thanh luyện, lôi ra ánh sáng những gì ẩn giấu. “Huấn luyện”, formare gốc bởi forma (hình thái) nhấn mạnh đến công tác uốn nắn dựa theo một khuôn mẫu; “biến đổi”, transformare mô tả kết quả của việc đào tạo là “thay hình đổi dạng”, từ con người cũ đến con người mới. Từ đó có các từ ghép: informatio (thông truyền một forma), reformatio (tái lập cái forma), conformatio (hòa hợp với một forma), transformatio (biến đổi cái forma) [1].

Có thể nói là các quan niệm về đào tạo đã hình thành từ khi con người xuất hiện trên mặt đất. Thật vậy, thú vật mới sinh ra thì đã có khả năng hoạt động, còn con người sinh ra chỉ biết khóc, và cần phải được dạy dỗ mọi thứ: “học ăn, học nói, học gói, học mở”, hoặc nói tắt: “học làm người”. Thực vậy, trái với quan niệm lạc quan cho rằng “nhân chi sơ tính bản thiện”, thực tế cho thấy rằng khi sinh ra, chúng ta mang trong mình “nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi”; vì thế tất cả nỗ lực của giáo dục là giảm bớt chất ngợm và tăng thêm chất người!

B. Đào tạo thường xuyên – Thường huấn


Những thuật ngữ này được sử dụng dùng để dịch cụm từ: formation permanente (Pháp). Khái niệm này mới ra đời vào đầu thế kỷ XX[2]. Trước đó, vào cuối thế kỷ XIX trong các nước Bắc Âu, bắt đầu lưu hành thuật ngữ éducation permanente nhằm nói lên quyền được thụ huấn suốt đời, quyền được được thăng tiến về trí thức để thể hiện bản thân[3]. Với thời gian, đã phát sinh nhiều quan điểm khác nhau chung quanh khái niệm ấy[4]. Không lạ gì mà nó được diễn tả bằng nhiều thuật ngữ khác nhau, chẳng hạn như: permanent/on going/ continuing Formation (Training/ Education) hoặc lifelong Learning. Cũng vậy, trong tiếng Việt, chúng ta gặp thấy nhiều hạn từ, tựa như: “Đào tạo thường xuyên/liên tục/trường kỳ/suốt đời”, hoặc nói tắt là “Thường huấn”. Tuy nhiên, như sẽ thấy, các thuật ngữ này không hoàn toàn đồng nghĩa.

II. Nội dung


Chúng tôi chỉ giới hạn vào việc đào tạo thường xuyên dành cho các linh mục và tu sĩ. Khái niệm này mang tính cách thần học hơn là xã hội học, bởi vì nó hàm ý đáp trả tiếng gọi của Chúa bằng trót cả cuộc đời, chứ không chỉ bằng trí tuệ mà thôi. Số báo gồm hai phần, và mỗi phần gồm ba bài: 1/ Các văn kiện Giáo hội về việc đào tạo thường xuyên (như sẽ thấy, đây là một đề tài mới mẻ, được đề cập sau công đồng Vaticanô II). 2/ Khuôn mẫu nhằm tới. 3/ Áp dụng. Bài cuối cùng muốn đào sâu thêm ý nghĩa của “đào tạo thường xuyên”.

A. Phần thứ nhất: Ơn gọi linh mục


1. Các văn kiện Tòa thánh về việc đào tạo thường xuyên các linh mục. Có ba văn kiện quan trọng hơn cả: Tông huấn Pastores dabo vobis (25-3-1992); Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục (ấn bản 2013); Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis (ấn bản 2016).

2. Ơn gọi linh mục theo Đức thánh cha Phanxicô. Chúng tôi xin trích dịch hai bài nói chuyện gần đây của ĐTC Phanxicô. Bài thứ nhất, nhân dịp cuộc hội thảo “Hướng tới một nền thần học nền tảng về chức linh mục” (Vatican, ngày 17-2-2022). Đức Phanxicô chia sẻ kinh nghiệm về đời sống linh mục qua bốn sự gần gũi (với Thiên Chúa; với Giám mục; với anh em linh mục; với dân chúng). Bài thứ hai, nhân dịp “Hội nghị quốc tế về thường huấn cho các linh mục” (Vatican, ngày 8-2-2024). Đức Thánh Cha chỉ cho các vị đặc trách thường huấn linh mục ba con đường cần thực hiện cho quá trình đào tạo linh mục: a) niềm vui Tin Mừng, b) cảm thức thuộc về Dân Chúa, c) khả năng tạo sinh trong việc phục vụ.

3. Giới thiệu “Hướng dẫn về việc đào tạo thường xuyên các linh mục” của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ. Tập hướng dẫn này được biểu quyết trong phiên họp khoáng đại vào tháng 6 năm 2023, nhằm thực thi Ratio Fundamentalis của Tòa Thánh. Bản văn khá dài (130 trang), được phân phối dựa theo bốn khía cạnh của việc đào tạo (nhân bản, tâm linh, trí thức, mục vụ); ở mỗi lãnh vực, bản văn cũng phân phối các phương thế dựa theo ba cấp trách nhiệm (chính đương sự; tình huynh đệ linh mục; giám mục và các định chế).

B. Phần thứ hai: Ơn gọi tu sĩ


4. Các văn kiện Tòa thánh về đào tạo thường xuyên các tu sĩ. Quan trọng nhất là Huấn thị Potissimum institutioni (1990) của Bộ các Hội dòng Thánh hiến và Tu đoàn Tông Đồ, và Tông huấn Vita consecrata (1996) của ĐTC Gioan Phaolô II. Các văn kiện này đã làm thay đổi quan điểm về đào tạo: 1/ việc đào tạo khởi đầu chuẩn bị cho việc đào tạo thường xuyên; 2/ việc đào tạo bao gồm bốn lãnh vực: nhân bản; tâm linh; đạo lý; tông đồ; 3/ tác nhân chính trong việc đào tạo thường xuyên là chính đương sự; sau đó là cộng đoàn; 4/ những thời điểm dễ xảy ra khủng hoảng: tu sĩ trẻ vừa mãn giai đoạn đào tạo sơ khởi; tuổi trung niên; tuổi cao niên.

5. Những thách đố của ơn gọi tu sĩ. Đức Hồng y Michael Czerny S.J. nói đến những mong đợi của ĐTC Phanxicô nơi các tu sĩ qua bài viết Đời tu từ Công đồng Vatican II đến thông điệp Fratelli tutti (2021). Mặc dù thông điệp Fratelli tutti không được viết riêng cho các tu sĩ, nhưng nó tóm lại những nét cốt yếu của đời tu đã được phác họa trong huấn quyền trước đó, từ công đồng Vaticanô II đến thánh Gioan Phaolô II.

6. Đào tạo thường xuyên các tu sĩ. Một thí dụ trích từ Chương trình đào tạo của Dòng Tôi tớ Đức Mẹ được ban hành năm 2015 (sau gần 20 năm soạn thảo). Chương liên quan đến việc đào tạo thường xuyên được tổ chức dựa theo hai yếu tố căn bản : 1/ Dựa theo lứa tuổi (các tu sĩ vừa kết thúc chương trình đào tạo sơ khởi ; tráng niên ; trung niên ; cao niên ; cận kề cái chết ; gặp thử thách). 2/ Các lĩnh vực đào tạo (nhân bản ; theo Chúa Kitô ; đời sống chung ; đặc sủng của Dòng ; hoạt động tông đồ ; công lý và hòa bình).

7. Kết luận của cha Amedeo Cencini, với bài viết: Đào tạo thường xuyên: Lý thuyết và thực hành. Tác giả phân biệt hai lộ trình: ngoại thường và thông thường. Lộ trình thông thường hệ tại vun trồng đức hiếu học (docibilitas), kéo dài suốt đời và diễn ra trong cuộc sống mỗi ngày. Các tổ chức “thường huấn” (lớp tu nghiệp, hội thảo, tĩnh tâm, vv) mới chỉ là hình thức ngoại thường, chưa lột hết nội dung của khái niệm đào tạo thường xuyên.

8. Trong cuộc hội thảo được tổ chức hồi đầu tháng 2 năm nay tại Vatican về việc đào tạo thường xuyên các linh mục dựa theo Ratio institutionis, người ta nhắc đến 4 đặc điểm của việc đào tạo, đó là: duy nhất, toàn diện, cộng đoàn và truyền giáo (x. số 3). Tiếc rằng đặc điểm cuối cùng ít khi được quan tâm. Để bổ túc, chúng tôi xin thêm bài chia sẻ của cha Romeo Ballan, về kinh nghiệm đào tạo truyền giáo ở các chủng viện Việt Nam. Tác giả là một linh mục thừa sai dòng Comboni, đã từng hoạt động ở Mỹ châu Latinh và Phi châu, trong thời gian 6 năm sống tại Việt Nam (2013-2018) đã viếng thăm khoảng 25 đại chủng viện và tiểu chủng viện giáo phận để gợi lên nơi các giáo sĩ Việt Nam tinh thần truyền giáo cho những người chưa biết Tin Mừng - ở trong nước cũng như ở ngoài nước, missio ad extra -, theo tinh thần “Giáo hội đi ra” của Đức thánh cha Phanxicô.

Trung tâm Học vấn Đa Minh

NỘI DUNG

  • LỜI GIỚI THIỆU 7
  • VIỆC ĐÀO TẠO THƯỜNG XUYÊN CÁC LINH MỤC TRONG CÁC VĂN KIỆN TÒA THÁNH_Phan Tấn Thành, 15
  • ƠN GỌI LINH MỤC THEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ_Tsth biên tập, 32
  • GIỚI THIỆU “HƯỚNG DẪN VỀ VIỆC ĐÀO TẠO THƯỜNG XUYÊN CÁC LINH MỤC”_Gioan Nguyễn Long Quân, O.P., 65
  • VIỆC ĐÀO TẠO THƯỜNG XUYÊN CÁC TU SĨ TRONG CÁC VĂN KIỆN TÒA THÁNH_ Phan Tấn Thành, tr. 123-148
  • ĐỜI SỐNG TU TRÌ TỪ VATICAN II ĐẾN THÔNG ĐIỆP FRATELLI TUTTI_Tsth biên tập, 149
  • ĐÀO TẠO THƯỜNG XUYÊN : MỘT THÍ DỤ TỪ DÒNG TÔI TỚ ĐỨC BÀ_Tsth biên tập, 183
  • ĐÀO TẠO THƯỜNG XUYÊN : LÝ THUYẾT VÀ THỰC HÀNH_Amedeo Cencini, 199
  • VÀI SUY NGHĨ VỀ KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO TẠI CÁC CHỦNG VIỆN Ở VIỆT NAM_L.M. Romeo Ballan, 218

[1] Dựa trên các dạng thức ấy, thần học tu đức diễn tả tiến trình đào tạo như sau: deformata reformare (cải tổ cái đã bị méo mó lệch lạc); reformata conformare (uốn nắn điều đã được cải tổ); conformata confirmare (củng cố điều đã được uốn nắn); confirmata transformare (biến đổi điều đã được củng cố). Có người dịch ra tiếng Anh như sau: “to reform what has been deformed by sin; to make what is thus reformed conform to the Divine model, Jesus; to strengthen what thus conforms; to transform by love the already strengthened resolutions”. Như sẽ thấy trong các văn kiện Tòa Thánh, tiến trình đào tạo người Kitô hữu nhắm đến việc trở nên “đồng hình đồng dạng” (conformare) với Đức Kitô.

[2] M. Gahungu-V. Gambino, Formare i presbiteri. Principi e linee di meto­dología pedagogica, LAS, Roma 2003, p. 194.

[3] “Ở nhiều quốc gia, người ta hiểu rằng, công việc giáo dục phải được tiến hành đối với mọi lứa tuổi, từ lúc lọt lòng cho đến lúc kết thúc cuộc sống. Cái quá trình giáo dục đó, không phân biệt học trong nhà trường hay học ngoài xã hội hoặc tại gia đình, học có mục đích hay học ngẫu nhiên, học theo hệ thống tri thức và kỹ năng hoặc cần gì học nấy - đều phải được quan tâm và phải có sự quản lý từ phía Nhà nước được hiểu là giáo dục thường xuyên. Với cách hiểu này, giáo dục thường xuyên là một chính sách xã hội của một xã hội hiện đại, trong đó học tập là quyền của con người. Như vậy, nếu phân chia hệ thống giáo dục ra làm 2 hệ nhỏ thành phần là hệ thống giáo dục ban đầu và hệ thống giáo dục tiếp tục, thì sự liên kết, liên thông, kết nối và được tiến hành không đứt đoạn nhờ sự đan xen và liên tục của sự học ở mỗi con người được gọi là giáo dục thường xuyên”. Xem: “Khái niệm về giáo dục thường xuyên” GS. TS Phạm Tất Dong trên mạng của Bộ Giáo dục và Đào tạo: https://moet.gov.vn/
giaoducquocdan/giao-duc-thuong-xuyen/Pages/default.aspx?ItemID=5441. Truy cập ngày 13-2-2024.

[4] Chúng ta có thể đối chiếu giáo dục thường xuyên theo luật Việt nam và theo UNESCO. Luật giáo dục 2005 Điều 44: Giáo dục thường xuyên giúp mọi người vừa học vừa làm, học liên tục, học suốt đời nhằm hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ để cải thiện chất lượng cuộc sống, tìm việc làm, tự tạo việc làm và thích nghi với đời sống xã hội.- Theo UNESCO, giáo dục thường xuyên bao gồm tất cả các cơ hội học tập mà mọi người đều mong muốn hoặc cần có sau xoá mù chữ cơ bản và giáo dục tiểu học. (Xem cùng nguồn số 2 trên đây).