Thời sự Thần học - Số 94, Tháng 11 Năm 2021, tr. 176-198.
_Jutta Burggraf_
1. Tự do là gì?“Tất cả chúng ta sinh ra một cách độc đáo, không ai giống ai, và chúng ta chết như những bản sao chép y hệt”, những người yếm thế nói như vậy. Nếu chúng ta nhìn vào nội tâm của mình và nhìn ra chung quanh ta thì xem ra nhận xét ấy không hẳn là sai. Trong xã hội chúng ta, có một thứ đồng đều trong cách tư duy, nói năng, ăn mặc, hành động và phản ứng. Bầu khí sinh sống càng ngày càng giả tạo, những kỹ thuật lèo lái càng ngày càng tấn công dữ dội. Chúng ta thường không có thời giờ, cũng chẳng quan tâm đến việc chăm sóc đời sống nội tâm của mình.
1.1. Tự do như là quê hương nội tâm
1.2. Tự do như là chân trời
2. Những ảnh hưởng trên ý muốn
2.1. Tự do và chân lý
2.2. Chỗ đứng của tình cảm trong tự do
2.3. Hoàn cảnh bên ngoài và chấp nhận bản thân
3. Những hành vi của ý muốn
3.1. Những lựa chọn tất yếu, những lựa chọn quyết liệt
3.2 Tình yêu, biểu hiện cao quý nhất của tự do
4. Sống cuộc đời với Đức Kitô
Tác giả (1952-2010), tiến sĩ tâm lý học và thần học, nguyên là giáo sư phân khoa thần học đại học Navarra (Tây Ban Nha). Nguồn: “La libertad: don y tarea”, trong: Al servicio de la educación en la fe. El Compendio del Catecismo de la Iglesia Católica, ed. por Carmen José Alejos Grau, Editorial Palabra, Madrid 2007, pp. 103-122.
Viết tắt:
Bản toát yếu = Bản Toát yếu Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo
GLCG = Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo
Toát yếu Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã nhắc nhở chúng ta một khía cạnh cốt yếu của sứ điệp Kitô giáo: chúng ta được dựng nên như những con người tự do và chúng ta được mời gọi sống xứng đáng với bản tính cao quý của mình[1]. Như Romano Guardini đã khẳng định: cuộc đời thành đạt bắt đầu bằng một quyết tâm xem ra đơn giản: “con người quyết định sống cho ra người”[2].
Trái với sự tuyên truyền của xã hội đang được phổ biến, Thiên Chúa không phải là thù địch của tự do; ngược lại, Ngài đã dựng nên tự do, là bạn hữu và kẻ bảo vệ tự do. Tự do của chúng ta là quà tặng của Ngài. Nếu chúng ta mở ra đón nhận sự trợ giúp của Ngài, Ngài sẽ trút trên chúng ta làn gió của Thần khí để cho chúng ta sống đúng căn tính của mình, và điều mà thế giới có thể mong đợi nơi chúng ta thì cũng trùng hợp với điều mà chúng ta có nghĩa vụ đối với thế giới.
1. Tự do là gì?
Theo một lối tiếp cận đầu tiên, có thể nói rằng tự do là mở ra đến cõi vô biên. Đó là khả năng trở thành diễn viên của cuộc đời chúng ta. Đây là một quà tặng huy động tất cả mọi tiềm năng của chúng ta và sẽ đánh dấu tính tình và vận mệnh của chúng ta. Một đàng, trong tình yêu mến và hân hoan, chúng ta có thể liên kết nó với những nỗi khao khát tới sự sung mãn, tới Thiên Chúa; đàng khác, chúng ta có thể liên kết nó với nỗi thất vọng, xao xuyến và phi lý. Tự do cho phép vươn lên đến chốn cao siêu, nhưng cũng có thể bao gồm khả năng lệch lạc hoàn toàn. Tự do có thể dẫn đến việc con người tự thể hiện hoặc tự hủy diệt.
Tự do là một kinh nghiệm cá nhân và thâm sâu của mỗi người. Nó liên quan tới lý trí, ý muốn, tính sáng tạo, và đụng tới cõi sâu thẳm nhất của con người? Thỉnh thoảng chúng ta phải đối diện một vài câu hỏi như là: Tôi sống làm gì? Đâu là cội rễ của tôi? Điều gì nhào nặn tư tưởng và tình cảm của tôi? Chúng ta có thể nhìn lại quá khứ với tâm tình biết ơn vì những gì mà chúng ta nhận được từ những người đi trước chúng ta, vì những công trình (âm thầm hay nổi nang) mà những người khác đã mang lại cho thế giới này. Nhưng chúng ta không nên quên rằng mỗi người chúng ta cũng có sứ mạng phải thắp lên cái gì mới. Mỗi con người đều là độc đáo và duy nhất. Khi một con người ra đời thì có điều gì đó mới mẻ được bắt đầu trên thế giới. Theo Hannah Arendt, điều mới “luôn tỏ ra dưới hình thức phép lạ”[3]. Không ai biết được con người ấy sẽ tiến hóa như thế nào, sẽ trở thành nhân vật nào, sẽ sử dụng những tiềm năng của mình như thế nào. Con người không những được ban cho khả năng tự tạo một cho mình một cứu cánh, mà còn trở thành cứu cánh cho mình: nó được mời gọi hãy làm nên chính mình. Nó có thể thay đổi cuộc sống hay không? Có thể thay đổi chính mình hay không? Nó có thể làm điều gì thực sự vĩ đại không? Luôn luôn có thể hy vọng nó sẽ làm được điều gì hoàn toàn mới mẻ, chưa từng mong ước.
Mọi người đều có thể cống hiến cho thế giới nhiều điều ngỡ ngàng, mang lại những tư tưởng mới, những câu nói mới, những giải đáp mới, những hành động độc đáo. Họ có khả năng sống cuộc đời riêng tư của mình, và trở thành nguồn cảm hứng và nâng đỡ cho những người khác. Thỉnh thoảng ta nên lấy lại cái nhìn của em bé, để mở rộng lòng đến cái mới lạ, đến sự mới mẻ của mỗi người, và nhờ vậy khám phá ra thách đố hàm chứa trong mỗi hoàn cảnh. Thế giới này sẽ ra thế nào tùy theo chúng ta muốn làm gì cho nó. Cuộc đời của chúng ta là điều mà chúng ta làm ra.
Chúng ta được tự do, bất chấp những hoàn cảnh trái nghịch có thể bủa vây và ảnh hưởng đến ta. Và chúng ta không chỉ có quyền lợi mà còn có nghĩa vụ phải sử dụng tự do của mình, đặc biệt trong thế giới hiện nay đang khống chế chúng ta. Không ai được phép biến thành một “robot”, không có khuôn mặt cũng chẳng có chi độc đáo. Không ai bị buộc phải trở thành một “con người của đại chúng”. Ngày nay hơn bao giờ hết, chúng ta buộc phải ý thức sự phong phú của cuộc sống con người và tìm ra những con đường dẫn đến điểm “trở nên người tốt hơn nữa”, chứ không phải là những hữu thể choáng váng, sợ sệt, ủ rũ. Đó là điều mà sách Toát yếu Giáo lý Hội thánh Công giáo mời gọi ta.
1.1. Tự do như là quê hương nội tâm
Tự do căn bản hoặc tự do nội tâm được diễn ra thành chỗ an toàn mà một người được sở hữu một không gian nội tâm và bất khả xâm phạm (mang tên là “thánh điện” của con người), tại đó con người, phần nào đó, làm chủ chính mình. Nội tâm là chỗ mà ta hiểu biết chính mình, chỗ riêng tư nhất. Tôi có thể vào bên trong của mình, ở đấy không ai có thể bắt giữ tôi: tôi sở hữu chính mình. Sở hữu hay làm chủ chính mình là một đặc trưng của tinh thần.
Con người được tự do khi cư ngụ ở nhà riêng của mình. Tiếc rằng có nhiều người không “ở nhà” nhưng luôn luôn ở với những người khác. Họ không biết cách an cư ở nhà mình và suy nghĩ với đầu óc của mình, và như thế họ dễ trở thành con rối cho người khác giật dây.
Khi tôi “ở nhà mình”, tôi nhận thấy rằng tìm cách để được người khác tán thưởng hoan nghênh là chuyện không cần thiết và thậm chí lố bịch. Giá trị của một con người không lệ thuộc vào người khác; không lệ thuộc vào lời khen hoặc cử chỉ tán thưởng mà mình nhận được hay không bởi người khác. Chúng ta còn là cái gì hơn cái mình sống bên ngoài. Có một không gian ở trong chúng ta mà người khác không thể vào được. Đó là “quê hương nội tâm”, một không gian thinh lặng yên tĩnh. “Bao lâu chúng ta không khám phá chân lý cổ điển này, chúng ta sẽ bị án phạt lưu lạc và đi tìm an ủi ở nơi không thể có: nơi thế giới bên ngoài”[4].
Nhờ lý trí và ý chí, con người làm chủ chính mình. Ngoài ra, con người còn mở rộng ra thế giới, bởi vì hai quan năng ấy đều có đối tượng là thực tại: tất cả những gì hiện hữu, xét như là hiện hữu, đều có thể được biết và muốn. Và đứng trước chân trời vô tận này, mỗi người có khả năng và nhiệm vụ thành tựu bản thân; con người được mời gọi hãy trở nên điều mình có thể đạt tới.
Ngay từ muôn thuở, Thiên Chúa đã có một ý nghĩa tuyệt vời về từng người chúng ta; Ngài ủy thác cho mỗi người một kế hoạch độc đáo. “Ngay từ bụng mẹ, Giavê đã gọi tôi, ngay từ dạ mẹ, Ngài đã nhớ đến tên tôi”; ngôn sứ Isaia, thay mặt cho tất cả chúng ta, đã nói như vậy[5]. Bằng những lời ấy, ông đã diễn tả tính cách độc đáo của mỗi con người: khi gọi “đích danh” con người, Thiên Chúa - Đấng luôn luôn Mới Mẻ - đã cấp cho mỗi người ơn gọi riêng, sứ mạng riêng, tài năng riêng để làm cho thế giới trở nên phong phú.
Người ta kể một giai thoại thú vị về một Rabbi thông thái được mọi người thán phục và yêu mến. Người ta nói rằng ông ấy thật có phúc vì có một đứa con giống ông như đúc. Một người kia tò mò muốn biết người con của vĩ nhân ấy như thế nào, và đã lên đường đi tới làng mà người con cư ngụ, và được anh ta mời về nhà. Sau khi đã sống một vài ngày với anh ấy, ông kia thốt lên: “Làm thế nào mà người ta nói rằng anh giống bố như đúc được? Anh khác hẳn với ông bố của anh mà! Tuy anh cũng là một vĩ nhân như ông bố, nhưng cách thế suy tư, ước muốn, sở thích của anh hoàn toàn khác!”. Người con mỉm cười trả lời: “Đương nhiên rồi, dù vậy hai cha con tôi vẫn giống nhau, cha tôi rất độc đáo, và tôi cũng độc đáo”.
Tất cả chúng ta đều khác nhau, và như thế mỗi người chúng ta có thể phản ánh một vài khía cạnh đặc thù của lòng nhân hậu và vẻ đẹp của Chúa Cứu thế, khác với cách thức mà những người khác phản ánh[6]. Mỗi người chúng ta có thể làm cho Chúa Kitô hiện diện bằng cách thức mới mẻ và độc đáo, mà chưa ai từng diễn tả và chẳng ai sẽ có thể diễn tả được. Đó chính là ý nghĩa sâu xa nhất của cuộc đời ta.
Chúng ta là hoa trái của một tiếng gọi mới lạ về phía Thiên Chúa. Chúng ta đã nhận được ơn gọi làm người, làm con người này; và chúng ta cũng cần phải đưa ra lời đáp trả mới lạ và độc đáo. Nghệ thuật sống hệ tại khám phá khuôn mặt chân thực của chúng ta, khuôn mặt mà Thiên Chúa đã nhìn thấy trước khi dựng nên chúng ta[7].
Tuy nhiên, việc “sở hữu chính mình cách độc đáo” là một nguy cơ. Tôi có thể thất bại hoàn toàn trong nhiệm vụ trở thành chính tôi. Vì thế, vài triết gia hiện sinh khẳng định rằng con người bị kết án phải tự do và cảm thấy lo âu khắc khoải đứng trước những khả năng của mình.
1.2. Tự do như là chân trời
Con người là chủ của chính mình, và, vì thế, làm chủ những biểu lộ và hành động do ý chí điều khiển. Vì thế mỗi khi con người áp dụng ý chí là thi hành tự do cách chính thức. Con người có khả năng tự ý định đoạt, thảo ra những dự án và thi hành. Ngược lại, khi con người không thi hành tự do bằng cách không quyết định cụ thể và cam kết thi hành, thì không còn phải là người thảo ra lịch sử cá nhân và độc nhất của mình nữa, bởi vì họ để cho mình trôi dạt theo hoàn cảnh.
Trên nguyên tắc, mỗi người có một vài ý tưởng khái quát về cuộc đời, tuy rằng không đích thị suy nghĩ về điều ấy. Mỗi người có vài dự án sinh sống, có thể giàu hay nghèo, sâu xa hay nông nổi. Trong dự án ấy, ta có những ý tưởng về gia đình, nghề nghiệp, văn hóa và chính trị, những nguyên tắc luân lý và những niềm tin.
Câu hỏi căn bản là: Tôi sử dụng tự do của tôi để làm gì? Nếu không có một mục đích cao thượng để nhắm đến, thì tự do có thể rút gọn vào một vài điều tầm thường. Một thứ tự do mà chỉ có lập luận duy nhất là thỏa mãn những nhu cầu trước mắt thì không phải là tự do của con người, nhưng là thứ tự do thuộc phạm vi thú vật. Tự do được đo lường với cái mục tiêu mà ta nhắm tới. Những khát vọng càng to lớn thì tự do càng cao cả.
Một con người thành tựu và hạnh phúc khi hoàn thành sự thật cá nhân của mình. Con người “được kiến tạo” bằng những hành vi tự do; con người là nghệ nhân của cuộc đời mình: không những tạo ra sự vật, mà còn tạo ra chính mình. Cuộc đời chúng ta không phải là một dữ kiện được lãnh một lần cho đến hết đời, nhưng là một kế hoạch, một dự án cần phải thực hiện. Chúng ta càng làm điều tốt thì chúng ta càng làm cho mình tự do hơn[8].
2. Những ảnh hưởng đối với ý chí
Tuy nhiên, tự do của con người được biểu lộ không chỉ qua ý chí mà thôi, mà nó còn có liên hệ với trí tuệ, cảm xúc và những hoàn cảnh bên ngoài nữa.
2.1. Tự do và chân lý
Trí tuệ và ý chí là hai quan năng hoạt động tương tác với nhau, bởi vì chúng có những đối tượng phổ quát bao hàm lẫn nhau. Thật vậy, chân lý là một khía cạnh của sự thiện phổ quát, và sự thiện là một lý do đặc thù của chân lý. Ý chí sẽ không muốn gì, nếu trước đó trí tuệ không trình bày cho nó một đối tượng thích hợp. Lý trí cũng không hiểu điều gì nếu không được ý chí thúc đẩy hành động. Ta mê một cuốn sách nếu ta đã đọc nó; và chỉ khi nào đọc thì ta mới quan tâm đến nội dung của nó.
Tự do là một hành động chung của trí tuệ và ý chí[9]. Đặc trưng của tự do đã nắm giữ trong mình nguyên ủy của mỗi hành vi xuất phát từ hai quan năng ấy. Nó có gốc rễ nơi trí tuệ, nhờ hiểu biết thế giới. Chủ thể của nó là ý chí, hướng tới thế giới đã được biết. Xét vì ý chí vận dụng tất cả mọi quan năng, cho nên cuối cùng, ý chí phải đứng ra quyết định các hành vi tự do.
Trong trường hợp bình thường, hành vi tự do đi theo những hiểu biết mà trí tuệ cung cấp. Nhưng sự hiểu biết cần phải chân thật. Cần phải loại bỏ sự dốt nát và sai lầm. Kế hoạch đời sống càng hiện ra rõ rệt hơn trong mức độ con người gặp thấy sự thật về chính mình: Tôi là ai? Tôi từ đâu đến và tôi đi về đâu? Tại sao tôi hiện hữu trên đời này? Khi người nào đặt ra những câu hỏi như vậy, họ sẽ khám phá rằng mình không thể nào thành tựu bản thân, trong lãnh vực hành động, trái ngược với chân lý về đời mình, trong lãnh vực bản thể.
Mỗi người cần phải đi theo chân lý mà mình gặp gỡ, bằng cách lắng nghe tiếng Thiên Chúa nói ở trong nội tâm của mình, trong lương tâm của mình, là “đại diện thứ nhất trong tất cả các đại diện của Đức Kitô”[10]. Nếu ta không hành động phù hợp với lý luận nội tại của mình, thì ta sẽ tan vỡ. Đàng khác, con người được mời gọi hãy tìm kiếm chân lý sung mãn – nhờ việc suy gẫm, học hỏi, lắng nghe – và chấp nhận sự giúp đỡ mà những người khác có thể cống hiến (vâng nghe, hiểu theo nghĩa rộng).
Một sự tự do mà không biết vâng nghe thì dễ lạc đường, bởi vì con người mắc nhiều giới hạn. Nhưng một sự vâng nghe mà không có tự do là điều tự nó mâu thuẫn. Đó sẽ là một thứ hành động thiếu sâu xa, thiếu nhiệt tình, thiếu tình yêu, và không xứng đáng với con người. Nếu một người hành động theo những quy tắc mà họ không hiểu ý nghĩa, thì không còn tự do nữa.
2.2. Chỗ đứng của tình cảm trong tự do
Các tình cảm thuộc về bản tính con người cũng như trí tuệ và ý chí, và có thể kiện toàn tự do. Nếu thiếu chúng, các hành vi sẽ không toàn vẹn và chín chắn, và cá nhân sẽ không phát triển đầy đủ.
Tuy vậy, các tình cảm có thể làm lu mờ chân lý. Do tình cảm mà con người có thể kìm hãm hoặc làm lệch lạc hoạt động của trí tuệ; đó là trường hợp của người không muốn học hỏi chân lý vì sợ những hệ luận của nó. Ta cần phải lưu ý đến những kinh nghiệm tình cảm, chấp nhận chúng, nhận định và ổn định chúng. Hành vi tự do của ý chí có thể nằm ở chỗ chỉnh đốn một vài tình cảm ít nhiều sâu xa, tựa như ganh tị hoặc hận thù. Hành vi này của ý chí không lệ thuộc các tình cảm, mặc dù nó có thể được phong phú thêm nhờ các tình cảm.
2.3. Hoàn cảnh bên ngoài và việc chấp nhận bản thân
Những hoàn cảnh bên ngoài có thể làm giảm tự do cách đáng kể nhưng không hoàn toàn hủy diệt tự do, bởi vì chúng không thể can thiệp vào chính hành vi tự do[11]. Vì thế con người bị chi phối cách nào đó bởi quốc gia, xã hội, gia đình nơi sinh ra, giáo dục và văn hóa đã hấp thụ, thân thể của mình, bộ gen di truyền và hệ thần kinh, tài năng và những kinh nghiệm quá khứ; mặc dù vậy, con người vẫn tự do, bởi vì nó có khả năng phân định những điều kiện chi phối ấy. Một người có thể tự do trong một nước độc tài, thậm chí đang bị giam tù, giống như biết bao nhân vật đã minh chứng theo dòng lịch sử (Boetius, thánh Thomas More, Dietrich Bonhoeffer). Họ vẫn có thể duy trì một niềm tin, một ước vọng hay một mối tình trong linh hồn, mặc dù bên ngoài họ bị tước đoạt tất cả.
Thường chúng ta đồng hóa mình với những ý kiến của người khác nghĩ về mình, với những chức vụ đang nắm giữ, với công ăn việc làm hoặc địa vị xã hội, sức khỏe hay bệnh tật của mình. Chúng ta định nghĩa mình bằng thành công và thắng lợi, bằng mối quan tâm mà thiên hạ dành cho ta và bằng những mối tương quan đã thiết lập. Nhưng làm như vậy là chúng ta đã trở thành mù quáng không nhận ra thực tại chân chính của mình, và càng ngày ta càng lệ thuộc vào những người khác, càng nô lệ cho cái “hình ảnh” của mình. Một ngạn ngữ cổ đã nói: “Thành công không phải là danh xưng của thần linh”.
Một điều kiện cần thiết để ảnh hưởng tích cực đến thế giới chúng ta hệ ở chỗ thành thực chấp nhận chính mình. Càng sống thực với chính mình bao nhiêu, chúng ta càng trở nên mạnh mẽ bấy nhiêu.
3. Những hành vi của ý chí
Tự do của con người được thi hành cách chính yếu qua hai hành vi: yêu thương (hành vi chính yếu) và lựa chọn (hành vi thứ yếu).
3.1. Những lựa chọn tất yếu, những lựa chọn quyết liệt
Cứu cánh tối hậu của con người bao gồm lòng mến Chúa và hạnh phúc bản thân. Hai khía cạnh ấy không thể tách rời nhau: hạnh phúc của con người hệ tại yêu mến Thiên Chúa, và khi con người gặp gỡ Thiên Chúa thì thật sự hạnh phúc.
Tuy nhiên, trong hai khía cạnh ấy của cùng một cứu cánh, con người chỉ có kinh nghiệm trực tiếp về khía cạnh thứ hai mà thôi. Do bản tính, con người đương nhiên nhắm tới hạnh phúc trong tất cả những gì mình làm, nhưng mà do giới hạn của chính bản tính, con người không đương nhiên hướng về Thiên Chúa là điều thiện hảo duy nhất có thể làm cho ta hoàn toàn thỏa mãn. “Tình yêu nguyên khởi” (thánh Tôma Aquinô) hoặc “bản năng sâu thẳm” (thánh Gioan Phaolô II) tự nó hướng về cứu cánh tối hậu nói chung (điều thiện, hạnh phúc); nhưng nó không trực tiếp hướng về Thiên Chúa là cứu cánh tối hậu nói riêng.
Lý do là bởi vì mỗi hành vi của ý chí cần có một sự hiểu biết đi trước. Vì thế, để yêu mến Thiên Chúa cách minh nhiên, thì cần phải hiểu biết Ngài. Thế nhưng đối với con người đang sống ở trên đời này, sự hiện hữu của Thiên Chúa chưa phải là một chân lý trực tiếp hiển minh.
Trí tuệ con người không thể hiểu biết Thiên Chúa, chân lý tối cao, một cách hoàn toàn. Vì thế nó không thể giới thiệu Ngài cho ý chí như là điều thiện tuyệt đối, do đó ý chí không bị tất nhiên thu hút đến cứu cánh tối hậu. Cần phải thực hiện một sự chọn lựa. Do sự bất toàn của bản tính của mình, con người có thể khước từ Thiên Chúa.
Con người cần phải chọn lựa cứu cánh tối hậu bởi vì nó chưa nhìn thấy trọn vẹn cứu cánh ấy. Giả như nó thấy Thiên Chúa trực tiếp, thì nó sẽ yêu mến Ngài mà không cần chọn lựa, bởi vì không có điều thiện nào trên đời này có thể so sánh được với Ngài. Lúc ấy con người sẽ yêu mến Ngài vừa hết sức tất yếu vừa hết sức tự do. Sự chọn lựa là hệ quả của giới hạn con người, của điều kiện hữu hạn của một thụ tạo đứng trước Thiên Chúa vô biên.
Chúng ta cần phải có một sự chọn lựa nghiêm túc liên quan đến cứu cánh tối hậu, điều này bao hàm khả năng tẩy chay nó. Đây là một sự chọn lựa quyết liệt của đời sống con người: với việc chọn lựa này con người sẽ thành tựu hoặc sẽ làm tan vỡ khuynh hướng tự nhiên tìm kiếm điều thiện. Nói cho cùng, việc chọn lựa cứu cánh tối hậu được rút gọn việc lựa chọn giữa yêu mến Thiên Chúa (amor Dei) và yêu mến bản ngã (amor sui), bởi vì con người không thể nào nghỉ yên mãi mãi nơi bất cứ một thụ tạo nào. Nếu con người không đạt đến Thiên Chúa thì sẽ quay lại với chính mình và tự đặt mình (do ý thức hay vô ý thức) làm cứu cánh tối hậu của cuộc đời.
Thiên Chúa, xét như là điều thiện hảo toàn diện, bao gồm hết mọi điều thiện đặc thù và vượt xa chúng ngàn trùng. Xét như cứu cánh tối hậu của cuộc đời con người, Ngài có thể được đạt đến qua nhiều con đường khác nhau và thậm chí đối nghịch nhau. Chẳng hạn như có người tìm thấy con đường của mình trong hôn nhân, người khác tìm thấy con đường ngoài hôn nhân. Thiên Chúa là Đấng vô hạn, và những cách thức đạt đến Ngài thì cũng vô hạn.
Mỗi hoàn cảnh có thể dẫn đến Thiên Chúa, nhưng không phải tất cả mọi hoàn cảnh đều có thể dẫn đến một điều thiện đặc thù. Trong khi tình yêu đối với cứu cánh tối hậu không đặt ra một điều kiện nào, thì việc chọn lựa các cứu cánh đặc thù mang theo nhiều điều kiện. Những cứu cánh bán phần này định đoạt cuộc sống con người trong những hoàn cảnh cụ thể, và loại trừ những hoàn cảnh khác. Mỗi sự chọn lựa mang theo những hệ quả cho những chọn lựa kế tiếp, và dần dần, tạo ra tiểu sử của người ấy, một tiểu sử duy nhất và không thể lẫn lộn với ai khác.
Sự tự do được thành tựu và kiện toàn trong mức độ con người hướng về một điều thiện được coi như là mục đích. Điều quan trọng không phải là có nhiều khả năng chọn lựa, nhưng là đạt được mục đích. Chẳng hạn như nếu tôi muốn đi thăm một người bạn lần đầu tiên, thì tôi sẽ biết ơn người nào chỉ đường đến nhà ông ta; nhờ vậy sẽ đỡ mất thời giờ mò mẫm tìm đường. Sự tự do vẫn còn khi tôi đi tới thẳng nhà người bạn; đây là dấu hiệu của sự hoàn hảo. Và sự tự do vẫn còn đó nếu chỉ có một phương thế duy nhất để đến mục đích. Không ai bị mất tự do bởi vì đã đi theo con đường tất yếu dẫn tới mục đích mà chính mình đã muốn. Vì thế, sự chọn lựa chỉ là một hành vi thứ yếu của tự do. Hành vi chính yếu của tự do là yêu mến.
3.2. Yêu mến, biểu thị tuyệt với của tự do
Con người được mời gọi yêu mến Thiên Chúa và tha nhân như chính mình, chấp nhận bản thân mình như là một kế hoạch độc đáo của Thiên Chúa.
Nhiệm vụ này đã trở thành khó khăn do tội lỗi, vì nó làm rối loạn trật tự trong nội tâm (trí tuệ bị lu mờ, ý chí bị yếu nhược, tình cảm bị xáo trộn), nhưng ân sủng do Đức Kitô mang lại đã tạo nên một sự hài hòa mới, đem lại cho con người sức mạnh thần linh và giúp cho nó thi hành tự do cách chín chắn hơn.
Dĩ nhiên, con người chẳng có thể hiến tặng cho Thiên Chúa cái gì mà không phải là của Ngài. Tuy nhiên, con người có thể dâng cho Ngài điều mà nó đã lãnh nhận từ Ngài: khả năng yêu mến, trái tim của mình. Nghĩa là sự tự do mà Thiên Chúa đã tặng cho con người như món quà lúc bắt đầu sự sống, sẽ đạt tới mức thành tựu tối đa khi nó hướng về Đấng Tạo thành. “Tự do của tôi dành cho Ngài” không có nghĩa con người hủy bỏ tự do của mình, cũng không khước từ nó. Điều này không xứng đáng mà cũng không thể nào xảy ra. Con người, bởi vì là con người, không thể nào sống mà không có tự do. Nó không thể cắt xén một phần cấu tạo nên mình, vừa đủ để đến với Thiên Chúa. Tâm tình “tự do của tôi dành cho Ngài” không tiêu hủy tự do nhưng tăng cường khả năng cho nó: có nghĩa là trong không gian sâu thẳm và thinh lặng mà tôi sở hữu, nơi mà ngoại trừ tôi ra, không ai có thể vào được, tôi không muốn ở một mình. Tôi mời Thiên Chúa vào ở với tôi và hướng dẫn đời tôi. Như thế, quyền quyết định của tôi hệ tại làm theo điều Ngài dạy. Chính tại đây, nơi sâu thẳm nhất của con người, mà bí quyết của tự do được ẩn kín: chúng ta có thể đón nhận hay khước từ tình yêu mà Thiên Chúa dành cho ta.
Lòng yêu mến Thiên Chúa không “thay thế” lòng yêu mến đối với tha nhân, nhưng làm cho nó nên hoàn thiện hơn. Khi yêu thương tha nhân, chúng ta được mời gọi tiếp tục và kiện toàn công trình tạo dựng, bởi vì một người chỉ có thể sống và phát triển lành mạnh khi được chấp nhận như chính họ, khi ai đó yêu mến mình thật tình và nói: “Quả là tốt đẹp bởi vì bạn hiện hữu” (J. Pieper). Cần phải có bản lĩnh vững chắc để cảm thấy thoải mái trong thế giới, để biết quý trọng bản thân và cởi mở với tha nhân. Yêu ai có nghĩa là làm cho người ấy ý thức giá trị của mình, nét đẹp của mình. Một người được yêu là một người được trân trọng.
Yêu ai không chỉ là làm một vài điều nào đó cho họ, mà còn là tin tưởng vào sức sống nơi người ấy. Điều đó hệ tại hiểu biết họ với những phản ứng, những nỗi sợ và hy vọng của họ. Yêu ai là tìm cách cho họ cảm nghiệm rằng họ là người duy nhất và đáng được quan tâm, là giúp cho họ nhận ra phẩm giá của mình, ánh sáng ẩn tàng trong mình, ý nghĩa của đời mình. Yêu ai là bày tỏ cho họ biết niềm vui của ta được ở bên cạnh họ.
Khi đã yêu ai thì ta khám phá những nhu cầu của họ, và đặt mình ở trong tư thế phục vụ. Thánh Alberto Cả khẳng định:
Phàm ai giúp đỡ tha nhân trong nỗi khổ của họ – dù tinh thần hay vật chất – thì cũng đáng được khen ngợi hơn kẻ xây dựng một ngôi nhà thờ chánh tòa ở mỗi trạm dừng trên con đường từ Cologne đến Rôma để cho thiên hạ vào đấy đọc kinh ca hát cho đến tận thế. Bởi vì Con Thiên Chúa đã nói: Ta đã chịu chết không phải cho một nhà thờ chánh tòa, hoặc cho những lời ca tiếng hát, nhưng cho con người[12].
Dĩ nhiên, con người là đền thờ mà Thiên Chúa ưa thích, tuy không vì thế mà phủ nhận sự cần thiết của những đền thờ vật chất. Một bà mẹ đã phát biểu thật chính xác khi rỉ vào tai đứa con, trong cảnh tĩnh mịch của đền thờ như thế này: “Con ơi, con là đền thờ tuyệt vời nhất”. Tóm lại, chúng ta được mời gọi yêu mến Thiên Chúa và tha nhân hết tình. Như vậy chúng ta thực thi tự do của chúng ta, và đạt đến sự thành tựu cá nhân ở tột độ.
Khi yêu – một hành vi tự do cao vời nhất – thì ta mất sự độc lập, và ý muốn càng mạnh, người yêu càng cao, thì mối dây ràng buộc lại càng mạnh. Thế nhưng sự ràng buộc này là tự nguyện, và điều thoạt tiên xem ra “mất tự do” thì thực sự biểu lộ tự do rõ rệt hơn cả. Chỉ có kẻ nào thực sự làm chủ các hành vi của mình thì mới có thể giao chủ quyền này cho người khác, và duy trì mãi quyết định này. Tình yêu muốn cam kết, trao hiến mình. Sự trao hiến vì tình yêu là sự thể hiện cao quý nhất của quà tặng ấy.
4. Sống cuộc đời với Đức Kitô
Nếu chúng ta thực sự tin vào phẩm giá của chúng ta là được làm con Thiên Chúa thì quả là chúng ta hiểu rõ giá trị của mình. Hạt nhân sâu thẳm nhất của tôi là điều phát xuất từ Thiên Chúa; đó là một mầu nhiệm. Đó là hình ảnh nguyên thủy mà Thiên Chúa đã hình thành nơi tôi. Xác tín về giá trị của mình không phải là điều khó khăn đối với kẻ biết rằng mình được Thiên Chúa yêu thương và nâng đỡ vô điều kiện. “Bạn đừng coi rẻ mình bởi vì Thiên Chúa không coi rẻ bạn đâu”, một châm ngôn Đông phương đã nói như vậy.
Chính Thiên Chúa, nguồn mạch sự sống, muốn cư ngụ nơi chúng ta càng ngày càng thâm sâu hơn. Từ hạt nhân sâu xa nhất, ngài muốn ban cho ta “sự sống dồi dào”[13]. Bằng cách này hay cách khác, mỗi người có thể sống lại thảm kịch mà thánh Augustinô đã trải qua: “Ngài ở trong con, và con ở bên ngoài. Và con đi tìm Ngài ở bên ngoài”[14]. Với mỗi người chúng ta, Thiên Chúa yêu cầu sự cởi mở, sẵn sàng và đón tiếp ân sủng: “Ngày hôm nay, nếu bạn nghe tiếng Ngài, thì đừng cứng lòng nữa”[15]. Nghĩa là, để gặp gỡ Thiên Chúa ở bên trong chúng ta, cần phải “mở cửa” nhà chúng ta.
Khi Thiên Chúa cư ngụ ở trong tôi, tôi thấy thích thú được “vào trong nhà riêng của mình”. Nơi đó tôi cảm nghiệm một không gian được bảo vệ, trong đó tôi có thể hoàn toàn là chính mình. Khi ấy tôi sẽ không bao giờ cô đơn, nhưng được kẻ rất thương yêu tôi đồng hành với tôi. Tôi sẽ không cần những cuộc độc thoại với những ý tưởng ồn ào riêng tư của tôi, cũng chẳng phải chính mình giải quyết những vấn đề lớn hoặc nhỏ của mỗi ngày. Cuộc đời của người Kitô hữu là một cuộc đời đối thoại[16].
Khi tôi ở với “chính mình” thì lúc ấy tôi “sống”. Chúng ta càng để Thiên Chúa vào trong đời ta, thì chúng ta càng trở nên và cảm thấy là chính mình”[17], thậm chí chúng ta càng tự phát và hoạt động hơn. Thiên Chúa không làm bù thêm vào các hoạt động của ta; Ngài ở ngay chính hạt nhân của tự do. “Kìa, vương quốc Thiên Chúa nằm ở giữa các ông”[18].
Chúa Giêsu biết rằng cơn cám dỗ của loài người là muốn trở thành những “vua chúa các nước”[19]. Nguy cơ nằm ở chỗ bị thu hút bởi vẻ hào nhoáng bên ngoài, bởi điều vĩ đại, bởi quyền lực, tiền tài và đặc ân. Thế nhưng nếu chúng ta mải miết chạy theo những điều ấy, thì không những chúng ta bỏ Thiên Chúa để chạy theo những thần tượng khác, nhưng chúng ta cũng lìa xa chính mình, bởi vì chúng ta làm méo mó bản tính của mình, và chúng ta khước từ trở nên điều mà Thiên Chúa vốn yêu mến từ ngàn xưa. Chúng ta tự ý đặt mình vào tình trạng “tự gây cho mình thành ấu trĩ”[20].
Sự tài giỏi ở nằm ở chỗ những nén bạc đã nhận được. Dưới ánh sáng đức tin, “nén bạc” không chỉ là nắm giữ một cái gì đó, nhưng còn là thiếu thốn một cái gì đó. Sức khỏe là một nén bạc, nhưng bệnh tật cũng là một nén bạc; thành công là một nén bạc, nhưng thất bại lại còn lớn hơn nữa[21]. “Ta học được tí chút với chiến thắng, nhưng học nhiều hơn với chiến bại” như một tục ngữ Nhật bản đã nói. Mỗi cuộc khủng hoảng là một nguồn sự sống. Mỗi hoàn cảnh là một ơn ban từ trời, đặc biệt những hoàn cảnh trong đó chúng ta trải nghiệm những bất lực và giới hạn của mình, những sự phê bình chỉ trích. Thiên Chúa cho phép xảy ra đau khổ, bởi vì Ngài biết điều sẽ thực hiện “vào ngày thứ ba”. Nếu chúng ta buông xuôi trước sự khó khăn thì chúng ta chôn cất nén bạc đã lãnh nhận[22].
Nhất là chúng ta hãy cẩn thận để đừng làm “phí phạm” sự đau khổ bất công mà đôi khi xảy ra trong đời ta, bởi vì nó kết hợp chúng ta với Chúa Kitô một cách đặc biệt: những lăng nhục, ghen tị, hiểu lầm và mọi thứ xúc phạm là thành phần của một đời sống tâm linh nghiêm túc. Dường như Thiên Chúa cho phép xảy ra những chuyện ngang trái ấy để cho thấy điều gì phát ra từ chỗ thâm sâu của cõi lòng, và dẫn dắt ta dần dần đến một sự trưởng thành khiêm tốn[23]. Trong nhiều câu chuyện tiểu thuyết, các cuộc phiêu lưu bắt đầu với một thứ khởi đầu may mắn của nhân vật anh hùng, nhưng kết thúc với những thử thách gian truân mà nhân vật ấy cần phải khuất phục.
Không phí phạm sự đau khổ, chẳng hạn, có nghĩa là không đề cập đến nó khi không thực sự cần thiết và hữu ích, cất giữ nó cẩn thận như một bí mật giữa mình ta với Thiên Chúa. Một sư phụ trên sa mạc có nói: “Dù những đau khổ của con có to lớn đến đâu đi nữa, thì sự chiến thắng chúng nằm ở trong thinh lặng”[24].
Đó chính là khẳng định rằng: “Hãy tiếp tục hành trình, bất chấp mọi sự. Bạn hãy sống thực với chính mình! Bạn hãy là kẻ mà mình có thể đạt tới. Hãy khám phá hình thù độc đáo, cá nhân và nguyên tuyền mà Thiên Chúa đã nghĩ ra cho bạn. Bạn hãy tự trang bị bằng dũng khí để sống hình thù ấy”. Lúc ấy sẽ bắt đầu một lịch sử cá biệt và độc nhất vô nhị. Người nào sử dụng sự tự do của mình thì bắt đầu sống cuộc đời của mình. Họ sẽ mang lại cái gì mới mẻ cho thế giới. Không phải do điều họ làm nhưng do điều họ là. Họ muốn là kẻ mà Thiên Chúa đã mơ ước từ ngàn xưa.
Một Kitô hữu chân chính thì thực sự tự do. Triết gia Hildebrand nêu bật: “Họ hiểu rằng mình phải trở nên một cớ vấp phạm cho thế giới. Họ phải vui vẻ chấp nhận bị coi là điên rồ, lố bịch và đần độn”[25]. Tuy bị coi là “phản động”, nhưng thường họ là kẻ lành mạnh hơn một người được xem là “bình thường” nhờ biết thích ứng với xã hội, bởi vì họ không khước từ khả năng suy tư bằng cái đầu của mình; họ nói thẳng thắn điều mà họ nghĩ, chứ không nịnh bợ; với sức mạnh của ân sủng và đức khiêm tốn, họ chống lại tất cả những gì hạ giá con người, đè bẹp nhân vị trong đám đông; họ chống lại những gì làm ngăn trở cuộc sống chung an bình, tựa như dối trá, kiêu căng, những thiên kiến, những thủ đoạn[26]. Không có điều gì cách mạng hơn là một người để cho Thần khí Chúa thúc đẩy[27]. Chúa Giêsu tiên báo rằng, nhờ quyền năng của Ngài, các môn đệ sẽ trục xuất ma quỷ, nói các ngôn ngữ mới lạ, bắt rắn bằng tay không, và nếu uống phải độc dược thì cũng không bị hại”[28]. Trong hoàn cảnh hiện tại, Đức thánh cha Gioan Phaolô II nói rằng tương lai của Kitô giáo tại mỗi quốc gia “tùy thuộc ở chỗ có bao nhiêu người trưởng thành đến mức độ không hùa theo dư luận”[29].
Các vị đại thánh chẳng quan tâm gì đến điều người khác nghĩ về mình. Họ sống “sự tự do của con cái Chúa”[30]. Cảm nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa mang lại cho họ bình an và can đảm; họ cảm thấy mình được đồng hành trên mọi nẻo đường của cuộc đời; họ cũng cảm thấy cảnh cô đơn tràn đầy Thiên Chúa. Khi nghĩ đến những cảnh đời của thánh Têresa Giêsu, Thomas More, Jeanne d’Arc, đầu óc ta liên tưởng đến những câu nói của Tân Ước mô tả các bạn hữu của Thiên Chúa:
Nhờ đức tin, các ngài đã thực hành công lý, đạt được những gì Thiên Chúa đã hứa; các ngài đã khóa miệng sư tử, dập tắt lửa hồng mãnh liệt, thoát khỏi lưỡi gươm. Các ngài đã lướt thắng bệnh tật mà trở nên mạnh mẽ, và tỏ ra dũng cảm nơi chiến trường[31].
Đó không phải là thành quả của nỗ lực cá nhân. Ở nơi họ có một mầu nhiệm cao cả hơn chính họ.
Theo nghĩa ấy mà Alfred Delp, một người chết trong trại tập trung Đức quốc xã, đã viết:
Này bạn, hãy phó mình cho Thiên Chúa và bạn sẽ lại sở hữu chính mình. Hiện giờ, những người khác đang cầm giữ bạn, tra tấn bạn, hù dọa bạn, họ dẫn bạn từ nỗi khổ này đến nỗi khổ khác. Đây là sự tự do: nó cứ hát lên rằng: không có cái chết nào giết được chúng ta. Đây là sự sống: nó vẫn tiếp tục chảy xuôi đến bất tận[32].Đối với người Kitô hữu, đức tin là một động lực huyền nhiệm thúc đẩy hành động, và mang lại một sự độc lập lành mạnh đối với thế gian tạm bợ này. Đời sống vĩnh cửu là thái cực thu hút các tư tưởng, là chiếc la-bàn vạch hướng đi cho các thủy thủ, là thực tại nâng cao tâm hồn, giống như trăng tròn hút nước thủy triều lên cao. Cái nhìn lên Chúa Giêsu mang lại cho họ sự an toàn rằng không ai có quyền hành gì đối với ta, cho dù có thể làm hại mình đi nữa: “Đầu gối gập xuống và đôi tay nâng lên là hai động thái độc đáo của con người tự do”[33].
Kết luận
Tự do là một món quà cao quý nhất mà chúng ta đã nhận được khi bước vào thế giới này. Dĩ nhiên, đó là một quyền lực mà chúng ta có thể sử dụng sai lệch, nhưng mà nếu không có nó thì ta chẳng có thể làm được điều gì tốt đẹp. Mặt khác, tự do có thể được củng cố và nâng cao nhờ có ân sủng. Chúng ta cần phải có một ý thức rõ rệt về giá trị của nó, và chiến đấu để duy trì, bảo vệ nó, và nhờ nó để tăng trưởng liên tục.
Một cách tương tự như vậy, chúng ta có nhiệm vụ nặng nề phải bảo vệ tự do của người khác[34]. Tất cả các cộng đồng của loài người cần phải trở thành vùng đất tự do, và chúng ta, những Kitô hữu, có một sức hỗ trợ mạnh mẽ để làm cho điều ấy có thể đạt được.
[1] Xc. Bản Toát yếu, các số 56, 363-366 và 425.
[2] R. GUARDINI, Tugenden. Meditationen über Gestalten sittlichen Lebens, Mainz-Paderborn, 19873, p. 84.
[3] H. ARENDT, La condición humana, Barcelona-Buenos Aires-México 1993, p. 202.
[4] J. BUGENTHAL, Stufen therapeutischer Entwicklung, in: R.N. WALSH y F. VAUGHAN (eds.), Psychologie in der Wende, München 1985, p. 217.
[5] Is 49,1.
[6] Xc. Rm 12,6.
[7] Xc. 1 Cr 7,17: “Mỗi người hãy sống theo ân huệ đã nhận được bởi Chúa.”
[8] Xc. Bản Toát yếu, số 363.
[9] Thánh Tôma Aquino nói rằng tự do là khả năng của ý chí và lý trí: facultas voluntatis et rationis. Xc. Summa theologiae, q.1, a.1, c.
[10] GLCG số 1778.
[11] Xc. Bản Toát yếu, số 364.
[12] S. ALBERTUS MAGNUS, trích ở Geistlicher Impuls zu den Messtexten von Montag der 25. Woche im Jahreskreis, in "Schott-Messbuch für die Wochentage" II, Freiburg 1984, pp. 483s.
[13] Ga 10,10.
[14] S. AUGUSTÍNUS, Confessiones 10.
[15] Tv 94,7-8.
[16] Xc. GLCG số 27. Bản Toát yếu, số 425.
[17] J. MORALES MARIN, Virgo veneranda, in "Scripta de Maria" VIII (1985), p. 432.
[18] Lc 17, 20.
[19] Lc 22,25.
[20] I. KANT, Respuesta a la pregunta: Qué es la Ilustración?, in AA. VV., Qué es la Ilustración?, Madrid 1988, p. 9.
[21] Pl 1,29: "Anh em đã được ban ơn, không những là tin vào Đức Kitô, mà còn được tin chịu đau khổ vì Người.”
[22] Xc. Bản Toát yếu, số 56.
[23] Xc. Hr 12,6: “Chúa sửa dạy những kẻ Ngài thương và sửa trị những con cái yêu quý của Ngài.”
[24] Apophthegmata Patrum, Poemen 37: PG 65, 332.
[25] D. VON HILDEBRAND, Nuestra transformación en Cristo, Madrid 1996, p. 174.
[26] 1 Cr 7,23: “Anh em đừng trở thành nô lệ cho người phàm.”
[27] Xc. Bản Toát yếu, số 366 ở cuối.
[28] Mc 16,17.
[29] THÁNH GIOAN PHAOLÔ II, trích bởi J. ROSS, Der Papst Johannes Paul II. Drama und Geheimnis, Berlin, 20013, p. 93.
[30] Rm 8,21.
[31] Hr 11,33.
[32] A. DELP, Meditación del día de Epifanía de 1945, in: IDEM, Gesammelte Schriften IV, Frankfurt 1984, p. 219.
[33] Ibid., p. 218.
[34] Xc. Bản Toát yếu, số 365.