Thứ Bảy, 13 tháng 1, 2024

CUỘC ĐỜI CỦA TÔMA

Trích: Ruedi IMBACH - Adriano OLIVA, TRIẾT HỌC CỦA TÔ-MA A-QUI-NÔ : CÁC DẤU MỐC (Trung tâm Học vấn Đa Minh, 2021), tr. 11-37. Chuyển ngữ : Giuse Nguyễn Hữu Nghị, O.P.

Trong phần tóm lược tiểu sử thánh Tôma Aquinô dưới đây, cha Oliva nhấn mạnh đến ba hoạt động chính yếu và thường xuyên của Tôma tại các đại học và học viện lúc bấy giờ là 1) Legere, bình giải Kinh Thánh, 2) Disputate – hướng dẫn các buổi tranh luận học thuật, và 3) Praedicare - giảng thuyết. Ba hoạt động này thánh Tôma không chỉ nhắm đến các sinh viên, và còn cho cả giáo sư nữa.
Có lẽ chính vì sự dấn thân hết mình của ngài vào việc truy tầm chân lý qua con đường tri thức, đặc biệt là tri thức thánh khoa, mà sau này các Đức Giáo Hoàng đã tôn phong cho thánh Tôma nhiều danh hiệu cao quý: Tiến sĩ Hội thánh (Doctor Ecclesiae), Tiến sĩ Thiên thần (Doctor Angelicus), Tiến sĩ chung (Doctor communis), Tiến sĩ về nhân tính (Doctor humanitatis), Tông đồ của chân lý (Apostolus veritatis), Bổn mạng các trường Công giáo, v.v..
Phần này gồm 5 mục:
  Chào đời và những năm đầu giai đoạn thụ huấn của Tô-ma
  Lần giảng dạy thứ nhất của Tô-ma tại đại học Paris
  Tô-ma giảng dạy tại I-ta-li-a: Orvieto và Rô-ma
  Tô-ma giảng dạy lần thứ hai tại đại học Paris
  Lần giảng dạy sau cùng của Tô-ma tại Na-pô-li và những ngày cuối đời

Chào đời và những năm đầu giai đoạn thụ huấn của Tô-ma


Tô-ma A-qui-nô chào đời vào khoảng năm 1225 – (Nói chung, về tiểu sử Tô-ma A-qui-nô, ta có thể tham chiếu các công trình nghiên cứu của J.-P. Torrell[1] cũng như của A. Oliva[2] mà ở đây chúng tôi lấy lại một phần) - dưới triều đại của hoàng đế Frédéric II, tại một thị trấn thuộc đảo quốc Sicile giáp biên với các Quốc gia trực thuộc Giáo hoàng. Tô-ma lớn lên trong một gia đình quý tộc phục vụ hoàng đế Frédéric II, và cha của ngài là quan chức điều hành một lãnh địa, rất gần với bãi chiến trường nơi thường xảy ra các cuộc giao tranh vào giai đoạn này giữa các lực lượng võ trang của hoàng đế với các lực lượng võ trang chiến đấu phò Giáo hoàng. Tô-ma được gia đình dưỡng dục cho đến lúc 5 tuổi trong một tòa pháo đài thuộc miền Roccasecca, sau đó được gửi vào Đan viện nổi tiếng gần Monte-Cassino, chính tại nơi đây ngài đón nhận nền đào tạo trí thức sơ khởi.

Có lẽ khoảng vào năm 1239, khi Đan viện trở thành đối tượng của những cuộc xung đột kịch liệt giữa hoàng đế và Giáo hoàng, Tô-ma được gửi đến Viện (studium) đại học tại Napoli, do hoàng đế Frédéric II thành lập vào năm 1224 và được chính vị hoàng đế này cải cách lại 10 năm sau đó. Hiểu biết của chúng ta về giai đoạn đầu tiên của việc đào tạo tại cấp độ đại học của chàng trai trẻ Tô-ma thực sự vẫn còn rất nhiều hạn chế.

Tuy nhiên, một bức thư do các giáo sư và sinh viên viết khoảng năm 1239 chứng thực rằng vào giai đoạn này Viện đại học luôn đầy ắp các hoạt động, đồng thời bức thư cũng thông tin cho ta biết về các lãnh vực được giảng dạy trong thời gian đó: bốn ngành khoa học thuộc cao đẳng tứ khoa (quadrivium: Số học, Hình học, Thiên văn, Âm nhạc), Luận lý học, Triết học (có lẽ bao gồm cả Siêu hình học) và Thần học[3].

Có thể vào năm 1242, Tô-ma A-qui-nô ra nhập Dòng Anh Em Giảng Thuyết tại Napoli và năm 1246 ngài đến thủ đô Paris, nơi tu sĩ An-bê-tô thành Cologne, người được mệnh danh là An-bê-tô Cả đang giảng dạy. Trong các năm từ 1246-1248, vị tu sĩ trẻ người I-ta-li-a này dấn mình làm quen với môi trường đại học tại Paris[4]. Chính tại đây, Tô-ma đã thấm nhuần sâu sắc các tư tưởng triết học (nhất là triết học đạo đức) đang được giảng dạy tại phân khoa các chuyên ngành nghệ thuật. Đây là một yếu tố mang tính quyết định đối với sự nghiệp của ngài sau này.

Sau một thời gian khoảng 3 năm tại Cologne, nơi ngài làm trợ giảng cho tôn sư An-bê-tô Cả, Tô-ma trở lại đô thành Paris để tại đây đọc, nghĩa là bình giải, Sách hợp tuyển các luận đề thần học (Sentences) do Pierre Lombard biên soạn. Tuy nhiên chức nghiệp giảng dạy đại học còn trù liệu việc đọc diễn giải vắn gọn một số sách Thánh Kinh, trước khi bình giải Sách hợp tuyển các luận đề thần học. Chúng tôi hiện đang lưu giữ một bản văn bàn về việc giảng dạy Kinh Thánh của Tô-ma: bình giải của ngài về các sách ngôn sứ I-sa-i-a và Giê-rê-mi-a[5].

Lần giảng dạy thứ nhất của Tô-ma tại đại học Paris


Như vậy, vào khoảng mùa thu năm 1251, hay muộn hơn là vào năm 1252, Tô-ma A-qui-nô bắt đầu sự nghiệp giảng dạy của mình tại đại học Paris, bằng cách đọc diễn giải vắn gọn (cursorie) hai sách Thánh Kinh trong vòng một năm; năm kế tiếp ngài bắt đầu bình giải Sách hợp tuyển các luận đề thần học (Sentences) của Pierre Lombard : Quyển thứ nhất và Quyển thứ hai trong niên khóa 1252-1253 hay 1253-1254; năm sau đó ngài giảng dạy Quyển thứ ba và Quyển thứ tư. Việc soạn thảo phần bình giải cho từng Quyển của Bộ Sách này có thể là cùng thời hay sau đấy đôi chút so với việc giảng dạy Quyển sách đó. Thực vậy, ta có thể chắc chắn một điều là bản mẫu (exemplar) của phần bình giải Quyển thứ nhất đã rất sẵn sàng để có thể được sao chép lại ngay trước khi Tô-ma giảng dạy, năm kế tiếp Tô-ma giảng dạy khảo luận bàn thảo về đức tin trong Quyển thứ ba[6].

Sách hợp tuyển các luận đề thần học do Pierre Lombard biên soạn vào khoảng năm 1160 khi ông giảng dạy tại École cathédrale của Thủ Đô Paris. Sách này là một hợp tuyển bao gồm các bản văn, các câu châm ngôn, các trích đoạn từ những tác phẩm của các Giáo Phụ, và như Tô-ma giải thích (In I Sent., d.2, div. text ., p. 57-58), Sách này được phân chia thành hai phần: phần thứ nhất luận bàn về các thực tại thuộc về Thiên Chúa với tính cách là những thực tại này khởi phát từ nguyên lý của chúng (Sách I và II); phần thứ hai cứu xét những thực tại này với tính cách là chúng quay trở về lại với cứu cánh của mình (Sách III và IV).

Khi Tô-ma A-qui-nô toàn tâm toàn ý dấn mình vào việc giảng dạy Bộ Sách này, thì phương pháp bình giải về bản văn của Pierre Lombard kể từ đây được xác lập cố định: việc nghiên cứu từng phần được bình giải của bản văn trong Sách hợp tuyển các luận đề thần học được khởi sự bằng việc chia nhỏ phần này ra và kết thúc bằng việc diễn giải phần ấy (lectio). Kể từ khi đó, giữa hai phần này, thông thường người ta có thói quen đưa vào những vấn nạn thực tế được phân chia nhỏ thành nhiều đề mục. Lược đồ của phần bình giải tất yếu phải đi theo lược đồ trong Sách hợp tuyển các luận đề thần học của Pierre Lombard, tuy nhiên những vấn đề được Tô-ma khai triển thường thường là rất độc đáo và cũng không nhất thiết phải song song với những phần bình giải của các tác giả khác đương thời với ngài.

Việc diễn giảng “vắn gọn” bản văn Thánh Kinh và việc bình giải Sách hợp tuyển các luận đề thần học tạo thành hai giai đoạn căn bản để có thể đạt được văn bằng cử nhân đại học (licentia docendi), cho phép bắt đầu sự nghiệp giảng dạy với tư cách là một bậc thầy thực thụ. Tô-ma hoàn thành việc giảng dạy Sách hợp tuyển các luận đề thần học vào cuối niên học 1253-1254, hay muộn hơn là cuối niên học 1254-1255.

Tuy nhiên, Tô-ma đã không thể lấy được ngay văn bằng cử nhân từ phía Chưởng Ấn đại học vì những cuộc tranh chấp giữa hàng giáo sĩ triều và những tu sĩ các Dòng hành khất vốn đang khuấy động đại học Paris thời bấy giờ, và đích thân Đức Giáo hoàng đã phải can thiệp cách đặc biệt vào tháng 03 năm 1256 nhằm chuẩn chước cho Tô-ma và Bô-na-ven-tu-ra thành Bagnoregio, để hai vị tu sĩ của hai Dòng hành khất này có thể trở thành các thầy dạy chính thức, nghĩa là những người thực thụ đảm trách chiếc ghế giáo sư giảng dạy tại trường đại học[7].

Trọng trách của các vị giáo sư thần học tại đại học vào thời Trung Cổ đã được Pierre le Chantre phác họa rất rõ nét qua ba chức năng căn bản trong quyển sách của ông với nhan đề Lời ngắn gọn (Verbum abbreviatum)[8]: bình giải (legere), tranh luận (disputate)[9], và giảng thuyết (praedicare)[10].

Legere, nghĩa là bình giải Thánh Kinh, đây chắc chắn là bổn phận chính yếu của một vị giáo sư (maître), vậy mà thật không may, ngày hôm nay chúng ta lại chẳng được biết về phần bình giải do Tô-ma soạn thảo vào giai đoạn này.

Disputate, nghĩa là chủ trì những buổi tranh luận công khai về các chủ đề do vị giáo sư chọn lựa. Trong những buổi tranh luận do Tô-ma chủ trì, ngài chọn Quaestiones disputatae de veritate (Những vấn đề tranh luận về chân lý)[11], một khảo luận lớn gồm 29 vấn nạn rất dài, bàn luận về những đề tài khác nhau (chân lý, công chính hóa, ân sủng của Đức Ki-tô...).

Các vị giáo sư đặc biệt lỗi lạc cũng có thể đích thân tham gia tổ chức những cuộc tranh luận được gọi là quolibet (Nd: đây là những cuộc tranh luận về các chủ đề ngẫu phát và đem lại niềm vui khoái được tổ chức hai lần trong một năm), bởi vì một chủ đề (hay nhiều chủ đề) được lựa chọn không do vị giáo sư chủ trì trù liệu từ trước nhưng lại do cử tọa lựa chọn ngay trong chính buổi tranh luận[12]. Chúng tôi (Commissio leonina)[13] hiện đang lưu giữ một loạt năm cuộc tranh luận thuộc dạng quolibet do chính tôn sư Tô-ma chủ trì trong suốt ba năm đầu giảng dạy tại đại học Paris[14].

Praedicare, trong số những trọng trách của một giáo sư thần học phải đảm nhận cũng luôn bao hàm phận vụ giảng thuyết cho các sinh viên và cho các giáo sư khác. Chúng tôi hiện đang lưu giữ một số bài giảng của Tô-ma trong môi trường đại học. Tuy nhiên, phần lớn những bài giảng này lại thuộc về giai đoạn giảng dạy lần thứ hai của ngài tại đại học Paris. Thực vậy, qua những bài giảng này, Tô-ma đã cho thấy rõ một thái độ trân trọng rất lớn cũng như một cung cách nhân văn sâu sắc mà ngài dành cho quý thính giả của mình[15].

Chính trong giai đoạn giảng dạy lần thứ nhất tại đại học Paris, Tô-ma đã xác lập những nền móng căn bản cho toàn bộ công trình nghiên cứu sau đó của ngài. Người ta nhận thấy ngay điều này khi đối chiếu một số bản văn trong tác phẩm De veritate (Bàn về chân lý) với những đoạn văn song song trong phần bình giải Sách hợp tuyển các luận đề thần học của Pierre Lombard. Tô-ma cũng bắt đầu đọc lại các nguồn, chẳng hạn như thánh Gio-an Kim Khẩu (Jean Chrysostome), và thánh Au-gus-ti-nô trong số rất nhiều các vị khác.

Ngài bình giải tác phẩm De Trinitate (Bàn về Ba Ngôi) của triết gia Boèce, trong khi đó phần bình giải cuốn Bàn về các Tuần lễ (De hebdomadibus) của vị triết gia này có thể lại được thực hiện mãi tận thời gian lưu trú cuối cùng của ngài tại Paris. Tô-ma cũng bắt tay tiến hành soạn thảo một công trình mà nguyên do đưa đến việc soạn thảo vẫn luôn là điều rất đỗi huyền bí: Liber de veritate catholicae fidei contra errores infidelium hay Summa contra gentiles[16], ngài sẽ hoàn thành công trình này tại Orvieto, Italia.

Bộ Tổng luận chống dân ngoại này gồm có bốn sách, và ba sách đầu tiên luận bàn về các chân lý được đức tin tuyên tín, tuy nhiên lý trí theo bản tính tự nhiên của con người cũng có thể đạt đến được và ta gặp thấy các chân lý này nơi rất nhiều vị triết gia cũng như nơi các Giáo Phụ (sancti). Trái lại, trong sách thứ tư, Tô-ma bàn đến các chân lý mà lý trí theo bản tính tự nhiên bất khả vươn tới và chỉ được nhận thức nhờ Mặc khải Ki-tô giáo, và người ta bảo vệ các chân lý này khỏi những cuộc tấn công có nguy cơ đi ngược lại các chân lý ấy, bằng cách minh chứng rằng nếu như các chân lý này siêu vượt quá khả năng của lý trí theo bản tính, tuy nhiên chúng không mâu thuẫn với lý trí. Như thế, bộ Tổng luận này là một công trình nhằm cho thấy rõ ơn gọi minh triết mà Tô-ma toàn tâm toàn ý dấn thân theo đuổi, như chính bản thân ngài đã diễn tả điều đó trong chương 2 của Sách thứ nhất (ScG I, c. 2):

Trong tất cả những công việc nghiên cứu của con người, thì việc nghiên cứu về sự minh triết là hoàn thiện nhất, cao trọng nhất, hữu dụng nhất và mang lại nhiều vui khoái nhất. [...], nghiên cứu về sự minh triết kết hiệp chủ yếu với chính Thiên Chúa qua tình bằng hữu. [...]. Vì đã kín múc nơi lòng nhân hậu của Thiên Chúa niềm tín thác cậy trông ngõ hầu có thể đảm nhận trách vụ của một người minh triết, dẫu vẫn biết là điều đó vượt quá những sức lực riêng của chúng tôi, nên ý hướng của chúng tôi là cố gắng làm sáng tỏ, theo khả năng của mình, chân lý mà đức tin Công giáo tuyên xưng, bằng cách bác bỏ những sai lầm đi ngược lại với chân lý ấy: bởi vì, xin được phép dẫn lại những lời của thánh Hi-la-ri-ô, “trách vụ chính yếu của cuộc đời tôi, một trách vụ mà chính bản thân tôi ý thức cách không thể thoái thác được trước mặt Thiên Chúa, đó là tất cả những ngôn từ cũng như tất cả những tình cảm của tôi đều nói về Người”.

Tô-ma giảng dạy tại I-ta-li-a: Orvieto và Rô-ma


Vào năm 1259, sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ nhất với tư cách là giáo sư thần học tại đại học Paris, Tô-ma trở về lại I-ta-li-a, trong Tỉnh dòng của ngài, có lẽ là sống tại Tu viện Na-pô-li, nơi ngài là con và cũng chính tại nơi đây ngài đã được đón nhận vào Dòng Anh Em Giảng Thuyết 15 năm trước đó. Vào tháng 9 năm 1261, Tỉnh hội của Tỉnh dòng Rô-ma - bao gồm toàn thể miền trung và miền nam I-ta-li-a - đã bổ nhiệm Tô-ma vào Tu viện Orvieto để ngài có thể đảm bảo việc giảng dạy trong Tu viện của Thành Phố. Tô-ma sống tại đây trong 4 năm.

Cũng đúng vào năm 1261, Đức Giáo hoàng Urbanô IV đã đặt giáo triều của mình tại Orvieto, một thành phố nằm ở phía bắc Rô-ma khoảng 100 km. Chiếu theo Hiến Pháp của Dòng, tại Tu viện Orvieto, Tô-ma tiến hành công việc bình giải Thánh Kinh. Có lẽ ngài cũng chủ trì các buổi tranh luận kiểu quaestiones disputatae, đồng thời ngài cũng có thể giảng dạy thần học khởi đi từ Sách hợp tuyển các luận đề thần học của Pierre Lombard, vì vào thời này đây là giáo trình căn bản dành cho việc đào tạo thần học. Cũng thế, Tô-ma có thể sử dụng các bộ tổng luận dành cho các vị giải tội, nhằm mục đích đào tạo về luân lý và Giáo luật[17].

Về việc giảng dạy của Tô-ma tại Tu viện Orvieto, chúng tôi đặc biệt hiện đang lưu giữ một quyển bình giải tuyệt vời về sách Gióp. Phần bình giải này được soạn thảo với rất nhiều công sức chăm chút cẩn thận. Trong quyển này, giáo huấn về sự quan phòng của Thiên Chúa được nhìn nhận là song song với giáo huấn của Sách III trong bộ Tổng luận chống dân ngoại, đây là một công trình được Tô-ma hoàn thành tại Orvieto. Trong khung cảnh mang tính thần học, quyển bình giải này cống hiến cho chúng ta một suy tư mang đậm nét siêu hình về sự quan phòng và về việc điều lãnh của Thiên Chúa đối với các thực tại trong vũ trụ thiên nhiên, đồng thời cũng cống hiến một phân tích sâu sắc về thảm kịch của người công chính mang nặng nỗi thương đau mà chẳng rõ ngọn ngành.

Ngoài ra, quyển bình giải này cũng cho phép ta thấy rõ được là Tô-ma đã quan tâm tới mức nào đối với những bản dịch mới về các tác phẩm của Aristote do người anh em của ngài là Guillaume de Moerbeke thực hiện từ bản Hy ngữ. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản Tô-ma vẫn tiếp tục trích dẫn các bản dịch cổ xưa hơn mà có thể ngài đã có được trong trí nhớ của mình[18].

Trong khoảng thời gian này, Tô-ma được hưởng lợi rất nhiều từ thư viện của Giáo triều nhằm tiến hành một công trình khác cũng vô cùng đặc sắc: bình giải liên tiếp bốn Tin Mừng, từng câu một nối tiếp nhau, được thực hiện khởi đi từ những trích đoạn ngắn gọn của các Giáo phụ Hy-lạp và La-tinh và về sau này được gọi là tác phẩm Catena aurea[19]. Nếu như đối với cuốn đầu tiên bình giải về Tin Mừng Mát-thêu, dành dâng tặng Giáo hoàng Urbanô IV (†2/10/1264), thì Tô-ma chỉ làm việc trên các bản văn mà khi đó ngài đang có sẵn, còn đối với ba sách Tin Mừng kế tiếp, ngài nhờ các anh em khác chuyển ngữ từ các bản văn Hy-lạp.

Xét trong toàn thể công trình, sự hiện diện của các Giáo phụ Hy-lạp là rất đông đảo, với con số 57 tác giả được trích dẫn, trong khi đó các Giáo phụ La-tinh lại chỉ có 22 tác giả được giới thiệu. Trong mức độ có thể, Tô-ma luôn nêu rõ danh tánh của tác giả được trích dẫn. Trong đường hướng của những công trình lớn lao đang được thực hiện tại Paris xoay quanh Hugues de Saint-Cher, nhằm nghiên cứu và duyệt xét lại các bản văn Thánh Kinh, và quy tụ quanh Vincent de Beauvais, với các bộ sưu tập bách khoa của ông, thì sáng kiến mới lạ này của Tô-ma đã có một tầm ảnh hưởng không hề nhỏ trong việc quảng bá thần học của các Giáo phụ Hy-lạp vào thời Trung cổ. Chính bản thân Tô-ma cũng đã sử dụng những thành quả này khi soạn thảo các tác phẩm về sau của ngài.

Trong thời gian lưu trú bên cạnh giáo triều, Tô-ma rất hay được tham khảo ý kiến với tư cách là chuyên gia về nhiều lãnh vực khác nhau như: De emptione et venditione ad tempus[20], thể theo lời thỉnh cầu của một người anh em của ngài là vị khuyến học Tu viện tại Florence, một thành nổi tiếng của các ông chủ ngân hàng; hay như: Contra errores Graecorum[21], thể theo lời yêu cầu của Giáo hoàng Urbanô IV. Thực ra đây không phải là một khảo luận bàn về những khác biệt giữa hai truyền thống La-tinh và Hy-lạp, nhưng đúng hơn đây là một khảo cứu nhằm duyệt xét lại một tập sách nhỏ, đó là Liber de fide Trinitatis (Nd: do Nicolas de Cotrone {†1276} thu thập các tư tưởng Đông Phương về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi). Khi duyệt xét, Tô-ma đã dành rất nhiều thiện cảm cho tập sách này. Thực vậy, việc duyệt xét cách nghiêm túc ngọn ngành là điều hết sức quan trọng đối với một phương pháp cần phải tuân theo cũng như đối với những ghi nhận đích xác cần được thực hiện với những bản dịch từ ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác.

Cũng trong chính giai đoạn này, Tô-ma đã chú giải hai bộ đầu tiên về các sắc chiếu của Giáo hoàng thể theo lời yêu cầu của Giffredus thành Anagni, và theo đề nghị của đức Tổng giám mục Pa-ler-mô, Tô-ma cũng viết quyển Các tín khoản và các Nhiệm tích của Giáo hội (De articulis fidei et Ecclesiae sacramentis ad Archiepiscopum Panormitanum). Vẫn thể theo lời yêu cầu của Giáo hoàng, Tô-ma đã soạn bài kinh Phụng vụ trác tuyệt về Nhiệm Thể Chúa Ki-tô (Officium Corporis Christi), nghĩa là kinh phụng vụ cho Đại lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô. Trong bài kinh này, giáo huấn Thánh Kinh và thần học được biểu tả qua một thứ ngôn ngữ thật giàu tính thi ca được khởi hứng từ các bản văn Kinh Thánh.

Năm sau đó, Tô-ma đã được Tỉnh hội của Tỉnh dòng Rô-ma ủy thác xây dựng một trung tâm học vấn tại Rô-ma và chịu trách nhiệm giảng dạy các anh em sinh viên đang theo học tại đây. Chính trong bối cảnh này bộ Tổng luận thần học đã ra đời.

Tại Rô-ma, trách vụ quan trọng nhất của Tô-ma chắc chắn là việc giảng dạy Thánh Kinh, và cũng chính nơi đây, ngài tiếp tục diễn giải các thơ của thánh Phao-lô mà có lẽ trước đó ngài đã bắt đầu tại Orvieto hay thậm chí là khi còn ở Paris.

Nhờ lời chứng của Ptolémée de Lucques hay Tolomeo da Lucca (1236-1327), sử gia đầu tiên về Tô-ma, ta biết được rằng tại Rô-ma, tu sĩ Tô-ma giảng dạy Sách hợp tuyển các luận đề thần học của Pierre Lombard, ít nhất là Sách I, theo phương cách tương tự như phương cách ngài đã từng thực hành tại Paris. Không biết chắc lời chứng trên xác thực đến đâu, tuy nhiên điều này có thể là đúng đối với bản chú giải Sách I này trong thời gian giảng dạy tại Rô-ma mà hiện chúng tôi đang lưu giữ một phần những ghi chú bên lề của thủ bản viết bằng tiếng Italia được tìm thấy tại Oxford[22]. Những tản văn này đã được xuất bản thời gian gần đây[23].

Chính trong bối cảnh đào tạo các anh em sinh viên trẻ của Tỉnh dòng Rô-ma này mà Tô-ma đã thai nghén dự án soạn thảo bộ Tổng luận thần học. Bộ Tổng luận này trước hết được dành cho các anh em sinh viên Đa Minh đang được đào tạo bởi các vị khuyến học trong các Tu viện của Dòng (dành cho các anh em sinh viên Đa Minh và các sinh viên khác thường xuyên theo học tại các trường trong Tu viện).

Trong thực tế, bộ Tổng luận thần học không nhằm mục đích thay thế cho việc giảng dạy Sách hợp tuyển các luận đề thần học của Pierre Lombard: một đàng, bởi vì các vị khuyến học được phép tự do tổ chức việc nghiên cứu học hành tùy theo cấp độ khả năng của các thính giả, đàng khác bởi vì việc giảng dạy Sách hợp tuyển các luận đề thần học mang tính bó buộc không chỉ trong các studia generalia (các Tổng Học Viện), nhưng còn trong các Tu viện khác nữa, tùy theo mức độ khả năng của vị khuyến học trong việc quảng diễn nội dung của bộ sách cũng như khả năng đón nhận nội dung này của các thính giả[24].

Thực vậy, nếu như có những giáo trình mà bộ Tổng luận thần học đã có thể thay thế, thì đúng hơn đó phải là những bộ tổng luận như: Summa de casibus[25] của Raymond de Pennafort hay Summa de vitiis et virtutibus[26] của Guillaume Peyraud, bởi vì việc giảng dạy thể loại các tác phẩm kiểu này cho thấy rõ những bất cập mà Tô-ma đã nói đến trong phần dẫn nhập tổng quát vào bộ Tổng luận thần học của mình, và đồng thời ngài cũng mong muốn mang đến phương thuốc chữa trị cho những bất cập đó qua chính tác phẩm của ngài.

Quả thật là những bộ tổng luận khác này đã không biết cách lồng các đề tài được bàn thảo vào trong khung cảnh của một khoa thần học suy lý vốn có khả năng xác lập một trật tự mang tính hệ thống đối với các vấn đề đang được cứu xét và đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành giảng dạy, khi tránh được những vấn đề vô dụng cũng như những lặp đi lặp lại rất dễ gây ra nhàm chán.

Như thế, tầm mức rộng lớn của dự án mà Tô-ma gầy dựng khi soạn thảo bộ Tổng luận thần học đã xuất hiện ngay trong phần dẫn nhập tổng quát, ở đây Tô-ma sử dụng hầu như là đồng nghĩa các thuật ngữ catholica veritas, Christiana religio, sacra doctrina. Tuy nhiên, chính trong ý nghĩa trọn vẹn của chủ đích này mà ta có thể gọi là lời dẫn nhập của Phần Thứ Nhất (Prima Pars), được đặt ở đầu của vấn đề 2 (ST, Ia, q. 2). Trong lời dẫn nhập này, Tô-ma diễn giải cho ta biết chương trình của bộ Tổng luận cũng như thứ tự theo đó ngài muốn bàn thảo về những điều liên quan đến đạo lý Ki-tô giáo, theo cách thế phù hợp với các yêu sách của công việc huấn luyện những người mới bước vào nẻo đường nghiên cứu. Như Tô-ma đã nói điều này trong phần dẫn nhập tổng quát, nên ta đừng quên rằng mục đích sư phạm là một yếu tố căn bản ảnh hưởng rất rõ đến việc sắp xếp trật tự những chủ đề được bàn thảo[27].

Sau khi đã trình bày trong vấn đề 1 (ST, Ia, q. 1) quan niệm của ngài về sacra doctrina (Thánh khoa)[28], Tô-ma nói cho ta biết ngài đã tổ chức sắp xếp bộ Tổng luận như thế nào:
Vì chủ đích của thánh khoa là truyền đạt sự nhận biết về Thiên Chúa, không chỉ theo những gì Ngài là trong chính bản thân mình, mà còn theo nghĩa Ngài là khởi nguyên và là cùng đích của muôn vật, đặc biệt là của các thụ tạo có lý trí, như đã nói ở trên. Do đó, khi diễn giải đạo lý này, chúng tôi bàn thảo trước hết về Thiên Chúa (P. I); kế đến bàn về chuyển động của thụ tạo có lý trí hướng về Thiên Chúa (P. II); cuối cùng bàn về Đức Ki-tô, Đấng trong tư cách một con người, là con đường để qua đó chúng ta có thể tiến về với Thiên Chúa (P. III)[29].
Việc phân chia thành ba phần của bộ Tổng luận này là rõ ràng ngay từ đầu và đặc biệt ta cũng thấy rõ được lý do tại sao khoa Ki-tô học lại không được trình bày như một phần riêng biệt, dù rằng ta vẫn có thể nói về khoa Ki-tô học này, nhưng lại được hội nhập cách rất hài hòa vào trong tiến trình trở về lại (reditus) với cùng đích là chính Thiên Chúa. Cũng vậy, việc nối kết giữa Phần II và Phần III đã xuất hiện ngay trong đề cương sơ bộ này: thực vậy, sau khi đã chỉ cho thấy trong IIa Pars phương cách để nhờ đó con người, với tư cách là một thụ tạo lý trí, có khả năng quay trở về lại với cùng đích của mình, trong IIIa Pars, Tô-ma minh chứng cho chúng ta thấy lý do tại sao việc quay trở về này là khả dĩ trong thực tại nhân loại hiện thời của chúng ta: nhờ Đức Ki-tô và các mầu nhiệm trong cuộc đời làm người của Ngài và nhờ các nhiệm tích Ngài đã truyền lại.

Tại thành Rô-ma này, Tô-ma còn có một trách vụ khác nữa mà ngài miệt mài dấn mình đó là soạn thảo một loạt các vấn đề thảo luận công khai (quaestiones disputatae): De potentia Dei[30], De anima[31], De spiritualibus creaturis[32]. Nếu như người ta đã nhìn nhận rằng vị khuyến học Tu viện phải bảo đảm những cuộc tranh luận công khai, nếu thực sự là vị ấy có đủ khả năng đảm nhận, thì người ta cũng có quyền nghĩ rằng những vấn đề tranh luận này (quaestiones) là phản ánh, dù rằng có vẻ xa xôi, việc giảng dạy của Tô-ma tại Santa-Sabina, ngay cả khi công việc biên tập hiện thời các vấn đề này cũng không giúp tìm thấy được những bản văn mẫu của các cuộc tranh luận đang được đề cập[33], giống như P. Gauthier đã cố công phục hồi lại.

Cũng chính trong suốt giai đoạn này, Tô-ma bắt tay thực hiện một dự án khác tuy nhiên vẫn còn trong tình trạng dang dở giống như bộ Tổng luận thần học: viết bình giải bộ tuyển tập các tác phẩm của Aristote. Như R.A. Gauthier cho biết khá rõ, Tô-ma đã miệt mài thực hiện dự án này khi soạn thảo song song bộ Tổng luận thần học và đồng thời bình giải một tác phẩm của Aristote tương ứng với những luận cứ mà ngài đang bàn thảo đến trong bộ Tổng luận.

Chẳng hạn như tại chính Rô-ma này, trong khi ngài soạn thảo bộ Tổng luận phần liên quan đến con người, thì ngài cũng bình giải cuốn De anima của Aristote. Một vài năm sau đó tại Paris, Tô-ma cũng thực hiện điều tương tự như vậy đối với phần bàn về luân lý của bộ Tổng luận, khi bình giải song song cuốn Éthique à Nicomaque[34]. Cũng thế, phần bình giải về cuốn Noms divins[35] của Ps.-Denys - được soạn thảo tại Rô-ma song song với bộ Tổng luận thần học – có thể cũng có cùng một chức năng hữu ích như trên.

Trong thời gian lưu trú tại Orvieto, tuy nhiên cũng giống như tại Rô-ma, Tô-ma đã gặp rất nhiều nguyên do khiến ngài phải giải đáp các vấn nạn khác nhau. Ngoài những công việc đó ra, ngài còn viết cuốn De regno[36] và một tác phẩm quan trọng mang tính tổng hợp, đó là cuốn Compendium theologiae[37], dành tặng cho Raynald de Piperno là thư ký chính của ngài. Cuốn Compendium này được sắp xếp tổ chức giống như cuốn Enchiridion[38] của Augustinô, xoay quanh ba nhân đức đối thần, tuy nhiên Tô-ma vẫn chưa thể hoàn thành được tác phẩm này và ngài đã chỉ bàn luận đến nhân đức tin và nhân đức cậy[39].

Tô-ma giảng dạy lần thứ hai tại đại học Paris


Tưởng cũng cần phải nhắc lại, tại Paris, vào năm 1268, vì đây là một giai đoạn mới của những cuộc tranh cãi ồn ào gây náo động cả Đại học, trong bối cảnh ấy Tô-ma đã đến đảm nhận việc giảng dạy lần thứ hai với tính cách là một tôn sư thực thụ. Và thánh nhân phải đương đầu với hai cuộc tấn công chính: từ phía các giáo sĩ triều chống lại đời sống của các tu sĩ dòng hành khất, và từ phía các đồng nghiệp trong giới đại học của ngài chống lại nhiều luận điểm học thuyết đặc biệt là luận điểm về sự vĩnh cửu của thế giới và về sự duy nhất của trí năng.

Chúng ta biết được lập trường tư tưởng của Tô-ma trong các cuộc tranh luận này thông qua các bản văn về những cuộc tranh luận mang tính tạp lục (De quolibet) và trong một số các bài giảng hiện nay chúng tôi đang lưu giữ. Những tư tưởng và các vấn nạn này cũng được lấy lại trong bộ Tổng luận thần học, tuy nhiên chúng trở thành đối tượng chuyên biệt được bàn thảo trong các tác phẩm riêng như: De perfectione spiritualis vitae; Contra doctrinam retrahentium a religione; De unitate intellectus; De aeternitate mundi.

Như chúng tôi đã từng nhắc lại rằng trách vụ đầu tiên của Tô-ma vẫn luôn là giảng dạy Thánh Kinh. Về những năm tháng này, hiện thời chúng tôi đang lưu giữ các bản văn ngài bình giải Tin Mừng theo thánh Mat-thêu và Tin Mừng theo thánh Gio-an. Trách vụ thứ hai ngài phải chu toàn là chủ trì các cuộc tranh luận. Lần này Tô-ma đề cập đến những vấn nạn sau: sự dữ, các nhân đức, và có thể là một vấn nạn bàn về Ngôi Lời nhập thể. Ngoài ra, ngài còn tranh luận về những vấn nạn mang tính tạp lục (Questiones quodlibetales I-VI và XII).

Những hoạt động của Tô-ma với tư cách là một nhà bình giải các tác phẩm của Aristote trong giai đoạn này quả là rất khủng khiếp: Sententia libri de SensuDe memoria; Sententia libri Meteororum (vẫn chưa hoàn thành); Expositio libri Physicorum; Expositio libri Periermenias (vẫn còn dang dở); Sententia libri Ethicorum; Sententia libri Politicorum (vẫn chưa hoàn thành); Expositio libri Posteriorum (được tiếp tục viết tại Na-pô-li, tuy nhiên vẫn còn trong tình trạng dang dở); Sententia libri Metaphysicae. Ngoài những phần bình giải trên, ta có thể phải kể thêm những phần bình giải sau đây của Tô-ma: Expositio libri Boethii De hebdomadibus và chắc chắn là cả Expositio Libri de causis.

Song song với việc bình giải cuốn Éthique à Nicomaque, Tô-ma soạn thảo Phần thứ hai (IIa Pars) của bộ Tổng luận thần học. Về giai đoạn này, hiện chúng tôi đang lưu giữ rất nhiều bài giảng[40] cũng như các tiểu phẩm và các lời giải đáp với tư cách của một chuyên viên.

Lần giảng dạy sau cùng của Tô-ma tại Na-pô-li và những ngày cuối đời


Sau thời gian lưu trú tại Paris khoảng gần bốn năm, vào tháng 6 năm 1272, Tô-ma được Tỉnh hội nhóm họp tại Florence ủy thác việc thành lập một Tổng học viện (Studium generale) thuộc địa phận của Tỉnh dòng, trong một thành phố mà ngài muốn: Tô-ma đã chọn Tu viện Na-pô-li. Cũng chính trong bối cảnh này, qua một lá thư đề ngày 31 tháng 7 năm 1272, Charles Anjou (Bề Trên Tổng Quyền Dòng), người đang rất nỗ lực tìm cách quảng bá Học viện (Studium) Na-pô-li, đã mời gọi các sinh viên tại đại học Paris, vốn đang đình công từ khoảng mùa đông năm đó, đến theo học tại Học viện Na-pô-li này.

Phải nói, vị hoàng đế đảo quốc Sicile rất nhạy bén với quyết định của Tô-ma, một quyết định mà dù muốn hay không cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho những sách lược của ông. Vào tháng 10 năm 1272, vị hoàng đế ban chiếu chỉ quyết định, về những khoản chi phí cần phải sử dụng, Tô-ma đón nhận mỗi tháng một once vàng (Nd: đơn vị đo lường của Pháp ngày xưa bằng 30, 6 gam)[41] và hiệu lực của quyết định này kéo dài trong suốt giai đoạn giảng dạy của ngài.

Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp mà ngài quyết định thực hiện điều này, thì bản thân Tô-ma cũng mong muốn đóng góp phần mình cho những dự án của hoàng đế, thế nhưng chắc chắn đây không phải là lý do duy nhất đưa đến những chọn lựa của ngài. Một đàng, Tỉnh hội nhóm họp năm 1269 đã từng ra quyết định Na-pô-li và Orvieto là những thành phố trong đó hai Tổng học viện thần học (Studia generalia theologiae) phải được thành lập. Ngoài ra Tỉnh hội năm 1272 cũng đã xây dựng tại Pise một Học viện nghệ thuật (Studium artium). Đàng khác, Tô-ma cũng đã thiết lập được những mối giao hảo rất chặt chẽ trong khu vực cố hương của ngài: trước hết là với gia đình riêng của ngài (thậm chí Tô-ma sẽ là người được giao quyền thi hành di chúc từ người anh rể là Roger de l’Aquila, bá tước xứ Traetto, chết ngày 26 tháng 8 năm 1272); sau đó là với hàng giáo sĩ trong khu vực. Điều này được thể hiện rất rõ qua sự kiện là, thậm chí ngay cả khi Tô-ma vẫn còn đang giảng dạy tại Paris, nhưng khi xét đến thế giá và uy tín của ngài nên rất nhiều vị giám chức đã sẵn lòng chấp thuận cho các Anh Em Dòng Giảng Thuyết thiết lập những Tu viện trong các giáo phận của họ[42].

Thái độ ân cần này của Tô-ma đối với những vấn đề liên quan đến gia đình cũng như đối với khu vực hoàn toàn không hề làm giảm đi cường độ phi thường trong lao động khoa học của ngài trong suốt giai đoạn giảng dạy cuối cùng này, vốn kéo dài khoảng hơn 1 năm từ tháng 9 năm 1272 đến đầu tháng 12 năm 1273. Chúng tôi hiện không lưu giữ được bất kỳ một chứng cứ nào về những cuộc tranh luận được tổ chức trong suốt giai đoạn này, tuy nhiên chúng tôi ghi nhận rằng đối với những công việc liên quan đến nhiệm vụ giảng dạy Thánh Kinh, Tô-ma đã bình giải được 54 Thánh vịnh đầu tiên. Và chúng tôi cho rằng Tô-ma đã có thể lấy lại giáo trình của ngài về các Thư của thánh Phao-lô.

Lời tự ngôn dẫn vào phần bình giải sách Thánh vịnh cho thấy rõ thái độ của Tô-ma trong kinh nguyện phụng vụ của ngài: “Sách Thánh vịnh chứa đựng toàn thể Thánh Kinh”, cũng giống như Giao ước Thứ nhất đối với Giao ước Thứ hai: “tất cả những gì được bàn thảo trong những Sách khác theo một thể loại văn chương nhất định, thì ở đây (sách Thánh vịnh) được diễn tả theo hình thức ca khen tán tụng và cầu nguyện”. Sứ vụ giảng thuyết cũng đã được Tô-ma thi hành cách hết sức đặc biệt, với một loạt những bài giảng về Kinh Lạy Cha và có thể là một bài giảng về Kinh Tin Kính.

Chắc chắn việc soạn thảo Phần III (IIIa Pars) của bộ Tổng luận thần học đã chiếm một phần lớn khối lượng công việc của Tô-ma: được bắt đầu tiến hành tại Paris, nơi ngài có thể đã soạn thảo độ khoảng hai mươi vấn đề (tức là khoảng 1/5 của toàn thể Phần III này) được dành bàn luận về mầu nhiệm Nhập Thể. Bộ Tổng luận được tiếp tục soạn thảo tại Na-pô-li, nơi đây thánh nhân bàn về các mầu nhiệm trong cuộc đời của Đức Ki-tô cũng như tất cả các nhiệm tích, bàn đến tận nhiệm tích sám hối.

Tại Na-pô-li, rất có thể Tô-ma đã tiếp tục lại phần bình giải của ngài Sententia libri Metaphysicae: chúng tôi hiện đang lưu giữ thủ bản do chính Tô-ma viết một phần của công trình bình giải này. Cũng tại nơi đây, ngài tiếp tục bình giải Expositio libri Posteriorum, bắt đầu tiến hành Sententia libri De celoSententia libir De generatione, tuy nhiên cả ba công trình này đều vẫn còn đang trong tình trạng dang dở.

Một vài tháng sau khi Tô-ma tạ thế, Phân khoa các bộ môn Khoa học Nghệ thuật của Đại học Paris đã viết thư cho Tổng hội các tu sĩ Đa Minh đang nhóm họp tại Lyon vào năm 1274 và thỉnh đạt rằng những công trình mà Tô-ma đã hứa khi rời khỏi Paris trước đó hai năm sẽ được chuyển giao lại cho Phân khoa.

Kiệt sức vì làm việc, đồng thời lại trải qua một kinh nghiệm thần bí nên đã để lại nhiều hệ lụy trên thân xác vốn đã rất mệt mỏi của ngài, do đó vào đầu tháng 12 năm 1273, Tô-ma đã gác lại toàn bộ những phương tiện viết lách (organa scriptionis) và ngài cũng dừng hẳn luôn việc đọc cho các thư ký. Raynald de Piperno, vị thư ký thường trực, người đã thúc giục Tô-ma để ngài tiếp tục lại việc soạn thảo bộ Tổng luận, nhưng Tô-ma trả lời: “Anh Raynald ơi, tôi không thể viết thêm được nữa rồi, bởi vì tất cả những gì tôi đã viết giờ đây đối với tôi chỉ như rơm rác mà thôi”. Khi đó, thư ký Raynald đã đưa Tô-ma đến nghỉ dưỡng tại nhà người chị ruột của ngài là Theodora, gần Salerno.

Với tư cách là một thư ký cần mẫn, cũng như trong bối cảnh thân tình, Raynald thấy mình có trách nhiệm phải thuyết phục Tô-ma tiếp tục lại công việc soạn thảo khoa học. Lúc ấy, sau khi đã yêu cầu thư ký Raynald không được tiết lộ bất cứ điều gì trước khi ngài qua đời, Tô-ma nói với Raynald: “Tất cả những gì tôi đã viết giờ đây đối với tôi chỉ như rơm rác so với những điều tôi đã tận mắt nhìn thấy và đã được mặc khải cho tôi”.

Mặc dù tình trạng thể lý của ngài không được cải thiện nhiều lắm, nhưng vào tháng giêng năm 1274, Tô-ma đã thực hiện một cuộc hành trình dài để tham dự Công Đồng Lyon do Đức Giáo hoàng Grê-gô-ri-ô X triệu tập ngài. Khi đi bộ ngang qua Đan viện Monte-Cassino, Tô-ma đã thảo một bức thư ngắn gọn trả lời cho các vị đan sĩ đã thỉnh cầu ngài giải thích một vấn nạn trong Tu luật của họ về mối tương quan giữa đặc tính bất khả ngộ của sự toàn tri nơi Thiên Chúa và sự tự do của con người. Bức thư này rất rõ ràng và khúc chiết lạ thường, bảo đảm với chúng ta rằng, bất chấp bệnh tật đau yếu, các quan năng trí tuệ của Tô-ma vẫn minh mẫn nguyên vẹn, và không hề bị tổn hại nghiêm trọng do biến cố trải nghiệm thần bí cũng như do bệnh tật. Thế nhưng, hai yếu tố này lại là nguyên nhân gây ra cho ngài rất nhiều trở ngại trong việc đi lại.

Từ Na-pô-li, nhằm tránh nẻo đường miền duyên hải (via appia), Tô-ma khởi hành theo hướng Rô-ma. Ngài đi tắt con đường nội thành ngang qua ngả Capoua, Monte-Cassino, xuống miền Aquinô và Roccasecca, quê hương nơi ngài sinh ra và lớn lên mãi đến thời niên thiếu. Từ đây, ngài đi về hướng tòa lâu đài của cháu gái ngài là Françoise, tại Maienza, gần Frosinone, để dừng chân trú ngụ ít ngày. Các đan sĩ thuộc Đan viện gần Fossanova cũng đến thăm viếng ngài, và trong thời gian các đan sĩ lưu trú tại đây, Tô-ma lại ngã bệnh một lần nữa. Khi ấy, ngài quyết định cùng với các đan sĩ trở về Đan viện của họ, và để thực hiện được ý định này Tô-ma đã phải sử dụng xe ngựa. Theo lời kể của các đan sĩ, Tô-ma lưu lại trong Đan viện Fossanova khoảng một tháng, và vào rạng đông ngày 7 tháng 3 năm 1274, Tô-ma hoàn thành những ngày tháng của cuộc đời ngài, khi chưa trọn 50 tuổi đời.

[1] Xc. J.-P. TORRELL, Initiation à saint Thomas d’Aquin, sa personne et son œuvre, 2e éd. revue et augmentée d’une mise à jour critique et bibliographie, Paris, Le Cerf, 2002.
[2] Xc. A. OLIVA, “La Somme de théologie de Thomas d’Aquin. Introduction historique et littéraire”, Chora, 2009.
[3] Xc. S. TUGWELL, “The Life and Works of Thomas Aquinas”, in Albert & Thomas: selected writings, New York, Paulist Press, 1988; F.-D. DONNE, “La fondazione dello Studium di Napoli: note sulle circolari del 1224 e del 1234”, Atti della Accademia Pontaniana, nos.42 (1993), p. 179-197; “Per scientiarum haustum et seminarium doctrinarum”: edizione e studio dei documenti relativi allo Studium di Napoli in età sveva”, Bullettino dell’Istituto storico italiano per il medioevo, 111 (2009), p. 101-225.
[4] Xc. L.-J. BATAILLON, “Les conditions de travail des Maîtres de l’Université de Paris au xiiie siècle”, Revue des Sciences philosophiques et théologiques 67 (1983) p. 417-432.
[5] Xc. J.-P. TORRELL, Initiation à saint Thomas d’Aquin, sa personne et son œuvre...,p. 28-36; A. OLIVA, “Frère Thomas d’Aquin, universitaire”, dans Université, Église, Culture. L’Université Catholique au Moyen Âge, G.-R. Thivierge et alii (éds.) Paris, Centre de coordination de la recherche de la F.I.U.C., (2007), p. 238-241.
[6] Xc. A. OLIVA, Les débuts de l’enseignement de Thomas d’Aquin et sa conception de la Sacra Doctrina. Édition du prologue de son Commentaire des Sentences de Pierre Lombard, Paris, Vrin, 2006, p. 164-166 et p. 207-224.
[7] Xc. J. VERGER, “Le conflit entre séculiers et mendiants à l’Université de Paris dans les années 1250: une affaire de pouvoir ?”, dans Université, Église, Culture. L’Université Catholique au Moyen Âge, G.-R. Thivierge et alii (éds.) Paris, Centre de coordination de la recherche de la F.I.U.C., (2007), p. 125-140.
[8] Nd: xin lưu ý quý độc giả, diễn ngữ verbum abbreviatum - (được trích trong thư của thánh Phao-lô gửi tín Rô-ma: 9, 29. Đoạn văn này thánh Phao-lô đã trích dẫn Isaia 10, 23), - được dịch và giải thích theo nhiều ý nghĩa khác nhau tùy theo truyền thống và quan điểm của các nhà chú giải: lời ngắn gọn, lời đã phán quyết, Ngôi Lời đã thu nhỏ mình lại, Ngôi Lời bé mọn, Ngôi Lời nhập thể...
[9] Chú ý, có hai dạng thức tranh luận: tranh luận theo đề tài được vị chủ tọa chọn lựa từ trước (Questiones disputatae) và tranh luận mang tính tạp lục (Questiones quodlibetales), không được vị chủ tọa chọn lựa từ trước, ai cũng có thể nêu vấn nạn, và về bất cứ vấn đề gì.
[10] Xc. PL 205, 25 A; CCCM 196, p. 9.
[11] Văn phẩm này thường được viết tắt là: De veritate: Bàn về chân lý.
[12] Xc. B.-C. BAZAN, Les questions disputées et les questions quodlibétales dans les Facultés de Théologie, de Droit et de Médecine, Turnhout, Brepols, 1985.
[13] Commissio leonina là một Ủy ban trực thuộc Dòng Anh Em Giảng Thuyết, quy tụ một số các nhà nghiên cứu chịu trách nhiệm xác lập, biên soạn và xuất bản có tính cách phê bình các công trình của thánh Tô-ma Aquinô.
[14] Xc. R.-A. GAUTHIER, “Préface” dans Thomae de Aquino, Quaestiones de quolibet, éd. Leonina, t, 25, 1-2, Romae – Paris, 1996.
[15] Xc. L.-J. BATAILLON, “Les sermons attribués à saint Thomas: Questions d’authenticité”, Miscellanea Mediaevalia 19 (1988), p. 325-341; A. OLIVA, “Frère Thomas d’Aquin, universitaire” dans Université, Église, Culture. L’Université Catholique au Moyen Âge, G.-R. Thivierge et alii (éds.) Paris, Centre de coordination de la recherche de la F.I.U.C., (2007), p. 233-268.
[16] Sách bàn về chân lý đức tin Công giáo chống lại những sai lầm của người vô tín, hay Tổng luận chống dân ngoại.
[17] Xc. L.-E. BOYLE, Facing history: a different Thomas Aquinas with an introduction by J.-P. Torrell, Louvain-la-Neuve, FIDEM, 2000, p. 13-91; Xc. A. OLIVA, “La Somme de théologie de Thomas d’Aquin. Introduction historique et littéraire”, Chora, 2009.
[18] Xc. A. DONDAINE, “Praefatio”, dans Thomae de Aquino, Expositio super Iob ad litteram, Ed. Leonina, t. 26, Romae, 1965, p. 28-30.
[19] Sợi xích vàng.
[20] Về việc mua và bán cho trả góp.
[21] Chống lại những sai lầm của người Hy-lạp.
[22] Xc. Lincoln coll. lat. 95.
[23] Xc. L.-E. BOYLE, Thomas Aquinas, Lectura romana in primum Sententiarum Petri Lombardi, (eds), Toronto, Pontifical Institute of Mediaeval Studies, 2006; Xc. A. OLIVA, “L’enseignement des Sentences dans les Studia dominicains italiens au XIIIe siècle: l’Alia lectura de Thomas d’Aquin et le Scriptum de Bombolognus de Bologne”, dans Philosophy and Theology in the Studia of Religious Orders and at the Papal and Royal Court, Acts of the XVth Colloquium of the Société Internationale pour l’Étude de la Philosophie médiévale, K. Emery Jr. and W,-J. Courtenay (eds.), Tournhourt, Brepols, 2009.
[24] Xc. M.-M. MULCHAHEY, “First the Bow is Bent in Study”, Dominican Education before 1350, Toronto, Pontifical Institute of Mediaeval Studies, 1998, p. 134-138.
[25] Tổng luận về các giải nố.
[26] Tổng luận về các thói hư tật xấu và về các nhân đức.
[27] Xc. A. OLIVA, “La Somme de théologie de Thomas d’Aquin. Introduction historique et littéraire”, Chora, 2009.
[28] Xc. A. OLIVA, “Quelques éléments de la doctrina theologie selon Thomas d’Aquin”, dans Mikołaj OLSZEWSKI (éd.),What is “Theology” in the Middle Ages ? Religious Cultures of Europe (11th – 15th Centuries) as reflected in their Self-Understanding, Münster, Ascendorff Verlag (coll. “Archa Verbi. Yearbook for the Study of Medieval Theology. Subsidia” 1), 2007, p. 167-187.
[29] S. THOMAS AQUINAS, ST, Ia, q. 2, prol.
[30] Về các hoạt động của Thiên Chúa.
[31] Về linh hồn.
[32] Về các thụ tạo có lý trí.
[33] Xc. J.-P. TORRELL, Initiation à saint Thomas d’Aquin, sa personne et son œuvre, 2e éd. revue et augmentée d’une mise à jour critique et bibliographie, Paris, Le Cerf, 2002, p. 234-348.
[34] Diễn giải luân lý cho Nicomaque.
[35] De divinis nominibus: bàn về các danh xưng được dành cho Thiên Chúa.
[36] Về việc quản trị.
[37] Cẩm nang thần học.
[38] Cẩm nang.
[39]Xc. J.-P. TORRELL, “Introduction”, dans Thomas d’Aquin, Abrégé de théologie, voir infra “Traduction”, 2007.
[40] Xc. L.-J. BATAILLON, “Les sermons attribués à saint Thomas: Questions d’authenticité”, Miscellanea Mediaevalia 19 (1988), p. 325-341.
[41] Ounce (đơn vị đo lường của Anh bằng 20, 35 gam).
[42] Xc. A. OLIVA, “La Somme de théologie de Thomas d’Aquin. Introduction historique et littéraire”, Chora, 2009.