Thời sự Thần học - Số 94, Tháng 11 Năm 2021, tr. 15-51.
_Carlo Molari_
I. Thời kỳ thai nghén
II. Các giai đoạn: 1/ bắt đầu; 2/ củng cố; 3/ đàn áp; 4/ mở rộng
III. Hứng khởi và nền tảng Kinh Thánh
IV. Phương pháp
V. Quy chiếu về người nghèo: mầu nhiệm Đức Kitô và Giáo hội
VI. Chứng tá của các vị tử đạo
VII. Sự mở rộng THGP sang các lãnh vực và đại lục khác
VIII. Phụ thêm. ĐTC Phanxicô với THGP
Tác giả nguyên là giáo sư của nhiều Đại học Giáo hoàng Roma (Urbaniana, Lateranum), biên tập viên tạp chí CONCILIUM
Nguồn: La teologia della liberazione: storia e sviluppi attuali. Đây một bài thuyết trình tại Fano (Italia) ngày 6/6/2014, khai triển mục từ “Théologie de la libération” đăng trên Dictionnaire critique de théologie do Jean-Yves Lacoste chủ biên (Paris: Presses Universitaires de France, 1999).
https://www.associazioneapito.org/app/download/11408725612/La+teologia+della+liberazione....+Carlo+Molari.pdf?t=1489146551
Chú thích của người dịch: Nhiều từ ngữ Tây Ban Nha có thể chuyển sang tiếng Việt bằng nhiều từ khác nhau, vì thế chúng tôi phải thích ứng tùy theo mạch văn: Liberación có thể dịch là “giải phóng” hay “giải thoát”; Pueblo có thể dịch là “nhân dân, dân tộc, dân chúng”, cũng như popular có thể dịch là “nhân dân, bình dân, dân gian”; Pobre có thể dịch là “nghèo khổ, bần cùng”; comunidad: “cộng đoàn” hay “cộng đồng”.
Chữ viết tắt: THGP = thần học giải phóng
Như vậy, ngày nay, THGP ám chỉ một cách thức cụ thể để làm thần học, với đặc trưng là quan tâm đến những điều kiện xã hội của áp bức, nghèo khó và gạt bỏ, để đối chiếu với kinh nghiệm đức tin của cộng đoàn và đối chiếu với lịch sử Kinh Thánh. Như vậy, nó được định hình như là một thần học của ơn cứu độ Kitô giáo nhắm tới sự vượt thắng những sự dữ luân lý và xã hội đang đè nặng trên nhân loại, ngõ hầu quảng bá sự tự do của các con cái Thiên Chúa.
Hiếm khi một phong trào thần học đã ảnh hưởng đến xã hội một cách rộng rãi và sâu xa như là THGP của châu Mỹ Latinh. Nó thu hút dư luận quần chúng cũng như gợi lên những suy tư cho các trung tâm tôn giáo và chính trị khác biệt nhau[2]. Trong một thời gian ngắn, nó đã gợi lên nhiều hứng khởi và chống đối dữ dội, gây nhiều bận tâm cho các nhà lãnh đạo quốc gia, các tổ chức kinh tế thế giới, các cơ cấu xã hội, và một vài tổ chức này đã lên kế hoạch để ngăn chặn sự lan truyền của nó.
I. Bối cảnh và sự thai nghén THGP châu Mỹ Latinh
Bối cảnh xã hội đã thúc đẩy cuộc khởi đầu THGP, theo Gustavo Gutierrez, một trong những người sáng lập, “đã và chắc chắn sẽ còn là cảnh bần cùng phi nhân của đại lục chúng ta, được đọc nó dưới ánh sáng đức tin”[3] . Việc thâm tín rằng cảnh bần cùng là kết quả của những bất công trong những tương quan quốc tế là điều đã được đề cập trong nội bộ Giáo hội từ lâu rồi. Nhiều cuộc phân tích và kinh nghiệm đồng quy đã “đưa Giáo hội châu Mỹ Latinh vào thập niên 50 (thế kỷ XX) đến một cái nhìn tân tiến hơn, kỹ thuật hơn, bạo dạn hơn về những vấn đề đè nặng trên lục địa. Càng ngày càng thấy rõ là nguyên nhân của sự bần cùng thường xuyên và đại chúng không chỉ do những chênh lệch xã hội có thể điều chỉnh bằng những cuộc cải cách ngoại biên, nhưng là do những tội ác nội tại của những cơ cấu chính trị xã hội bất công”[4]. Tại nhiều nơi, ý thức này đã đưa đến cuộc cách mạng chống lại các cơ cấu của chủ nghĩa tư bản quốc tế, vốn được các chính quyền địa phương ủng hộ. Cuộc cách mạng tại Cuba là biểu hiện đầu tiên của phong trào ấy (1/1/1959)[5]. Sự gây ý thức của các dân tộc nghèo kém đã gợi lên “cuộc thức tỉnh của những người bị áp bức” và việc tổ chức những phong trào cách mạng (1/1/1959). Nhiều phần tử của các phong trào cách mạng được hướng dẫn bởi những xác tín của đức tin Kitô giáo. Trong việc suy tư chung, người ta thường sử dụng những dụng cụ của các khoa học xã hội, cách riêng các khuôn mẫu của thuyết mác-xít[6]. Giữa các suy tư và kinh nghiệm ấy, dần dần được phác thảo học thuyết của Gustavo Gutierrez, lúc ấy là tổng tuyên úy các phong trào sinh viên Peru, vào tháng 7 năm 1968, dưới danh hiệu “thần học của sự giải phóng”, một thuật ngữ dần dần trở thành tên gọi của sự suy tư mới trong thần học[7].
II. Các giai đoạn
Sau chặng khai sinh vừa được phác họa vắn tắt trên đây, chúng ta có thể phân biệt bốn chặng của THGP: bắt đầu phát triển (1968 Medellìn-1972); khó khăn và củng cố (1972-1979); đàn áp và mở rộng (1979 Puebla-1989); xét lại và quảng bá (1990 Aparecida-2007).
1. Giai đoạn khởi đầu (1968-1972)
Ngày mở đầu THGP thường được gắn kết với Đại Hội hàng giám mục Mỹ châu Latinh do CELAM tổ chức[8], họp tại Medellìn nước Colombia (từ 24 /8 đến 6/9/1968). Chủ đề là “Giáo hội trong sự biến chuyển châu Mỹ Latinh dưới ánh sáng của Công đồng”[9]. Những văn kiện chuẩn bị đã chứa đựng nhiều suy tư đặc trưng của thần học mới[10]. Những cuộc thảo luận và văn kiện chung kết đã nêu bật một vài đề tài căn bản: sự thăng tiến nhân bản và tương quan của nó với Vương quốc Thiên Chúa; việc loan báo Tin Mừng và sự phát triển đức tin; Giáo hội hữu hình và các cơ cấu. Phương pháp áp dụng (qua ba bước: xem – xét – làm) đã đưa các giám mục đến việc lắng nghe “tiếng kêu nức nở” của “hàng triệu người”, đang tìm kiếm một sự giải phóng mà không ai mang lại cho họ”. Các giám mục đón nhận sự đánh giá mà các nhà thần học mang lại: “nỗi lầm than loại bỏ hàng ngàn nhóm người là một sự bất công kêu thấu trời”. Vì thế ba lựa chọn chính yếu của Medellìn là: những người nghèo, như tiêu chuẩn cụ thể của những sự lựa chọn của Giáo hội; các cộng đoàn căn bản như công cụ hoạt động; và sự giải phóng toàn diện như điểm đến lịch sử cần nhắm tới. Có thể quả quyết chính xác rằng: “Ý tưởng giải phóng và thần học giải phóng đã nhận được một quy chế giáo hội trong Đại Hội Medellìn”[11].
Liền sau đó, THGP đã trải qua một thời kỳ sôi sục. Nhiều tác phẩm thần học đã được xuất bản[12]. Đồng thời nảy sinh ra nhiều hiệp hội linh mục và tu sĩ được gợi hứng từ THGP. Ở Argentina, Phong trào các linh mục cho thế giới thứ ba (1968); bên Peru là Văn phòng quốc gia đào tạo linh mục (ONIS); ở Colombia có nhóm Golconda, sau này đổi tên là SAL (các linh mục cho châu Mỹ Latinh). Về sau, ở Mexico nảy lên phong trào “Linh mục vì dân”; ở Chile, vào tháng 4 năm 1972, nhóm 80 đã tổ chức tại Santiago Chile, cuộc gặp gỡ đầu tiên của các Kitô hữu theo chủ nghĩa xã hội[13].
Vào tháng 7 cùng năm, từ ngày 8 đến 15, một cuộc gặp gỡ các nhà thần học châu Mỹ Latinh đã diễn ra tại El Escorial (Tây ban nha) về chủ đề: “Đức tin Kitô giáo và cuộc thay đổi xã hội tại châu Mỹ Latinh”. Họ trình bày cho các nhà thần học châu Âu một dự án muốn tái cấu trúc thần học dưới viễn tượng giải phóng để vượt qua thần học phát triển vốn thịnh hành lúc ấy, và sử dụng học thuyết về sự lệ thuộc[14]. Đây là chóp đỉnh của giai đoạn đầu, giai đoạn phát triển và bành trướng của THGP châu Mỹ Latinh. Nhưng chẳng bao lâu, những khó khăn ập đến.
2. Giai đoạn 2: những khó khăn và củng cố (1972-1979)
Thật vậy, vào tháng 11 năm 1972, tại phiên hội thường kỳ lần XIV của CELAM họp ở Sucre (Bolivia), một cuộc thay đổi đã xảy ra trong ban điều hành. Văn phòng thường vụ mới bắt đầu một chiến dịch chống đối THGP. Một vài trung tâm nghiên cứu và tổ chức mục vụ bị đóng cửa[15]. Nhiều hàng giám mục chống lại các nhà thần học giải phóng, cách riêng vì quan niệm của họ về “giáo hội nhân dân”, về tầm quan trọng dành cho kinh nghiệm xã hội trong việc suy tư đức tin, về sự công kích các cơ cấu chính trị của đại lục. Vào giai đoạn đó, tại châu Mỹ Latinh, nhiều cuộc đảo chính quân sự đã xảy ra, và một cuộc đàn áp dữ dội đã được tiến hành chống lại các phong trào cộng đồng cơ bản. Trong một vài năm, hàng trăm linh mục, tu sĩ và giáo dân đã bị thủ tiêu và kể cả nhiều giám mục cũng bị ngồi tù[16]. Trong thời gian ấy, các nhà thần học tiếp tục công việc suy tư, khởi đi từ tình trạng giam cầm và lưu đày mà một vài người đang phải trải qua. Trong những ngày ấy, Leonardo Boff đã viết: “Không còn chỗ cho niềm lạc quan của thập niên 60, khi có thể mơ ước một sự xúc tiến của cuộc giải phóng nhân dân”[17]. Rubem Alves ngậm ngùi nói: “Cuộc xuất hành mà chúng tôi mơ ước đã bị tan tành; thay vào đó là tình trạng lưu đày và nô lệ”[18]. Thế nhưng suy tư thần học đã có cơ hội để tổ chức lại cho có hệ thống hơn, và cách riêng là đào sâu thêm Giáo-hội-luận và Kitô-luận.
Vào cuối năm 1977, Ủy ban thần học quốc tế đã phát hành tuyên ngôn “Thăng tiến nhân bản và cứu độ Kitô giáo” kết thúc một cuộc nghiên cứu khởi sự từ năm 1974 về THGP[19]. Bản văn được kèm bốn bản tường trình của các thành viên ủy ban, về những khía cạnh khác nhau của THGP. Các soạn giả nhìn nhận giá trị của nó đối với Giáo hội, nhưng đồng thời cũng nêu bật một vài điểm phiến diện hoặc hàm hồ[20].
3. Giai đoạn ba: đàn áp và mở rộng (1979-1989)
Giai đoạn ba của THGP bắt đầu từ Đại hội các giám mục châu Mỹ Latinh diễn ra tại Puebla (Mexico), từ ngày 27/1 đến 12/2/1979, với chủ đề “Việc loan báo Tin Mừng trong hiện tại và tương lai của châu Mỹ Latinh”. Đại hội được ĐTC Gioan Phaolo II khai mạc với bài diễn từ trong đó ngài bày tỏ lập trường rõ rệt về các vấn đề công bằng xã hội, theo đường hướng của THGP. Ngài khuyến khích việc bảo vệ những quyền lợi con người và yêu cầu đương đầu với những nguyên nhân của sự kém phát triển. Tuy nhiên, ngài cũng nhắc đến một vài đề tài của Kitô luận và Giáo hội luận trong đó ngài tỏ ra dè dặt đối với các nhà thần học giải phóng[21].
Đại hội ghi nhận một cuộc đối đầu căng thẳng ngay giữa các giám mục. Không có nhà thần học nào tiêu biểu của thần học được mời tham dự cách chính thức, nhưng nhiều người đã tham dự với tư cách là chuyên viên cá nhân của các giám mục và đã hoạt động rất hữu hiệu. Trong văn kiện kết thúc, Đại hội khẳng định rằng: “Tất cả Giáo hội cần phải hoán cải để chọn lựa đứng về phía người nghèo, ngõ hầu giúp cho họ đạt được sự giải phóng toàn diện”[22]. Trên thực tế, mặc dù có nhiều tranh luận sôi nổi, Đại hội Puebla đã mang lại một sức mạnh và bảo đảm cho THGP. Cuối cùng, như J. Sobrino bình luận, Đại hội Puebla đã tái khẳng định những gì mà Medellìn đã khai mở[23].
Thế nhưng, chẳng bao lâu sau, nhiều khó khăn được nêu lên từ phía CELAM. Nhưng cuộc bầu cử lần này đã tăng thêm những nhân vật chống đối THGP[24].
Trong giai đoạn này, giáo triều Roma bày tỏ quan ngại đối với những hướng đi của THGP. Bộ Giáo lý đức tin đã bắt đầu duyệt xét các tác phẩm của G. Gutierrez (1983/84) và L. Boff (1984/85). Những cuộc can thiệp đã gây tiếng vang lớn và lôi kéo chú ý đến quan điểm thần học của hai nhà thần học vừa nói. Những nhận xét đáng kể nhất liên quan đến quan niệm về giáo hội nhân dân, với nguy cơ sẽ gây ra chia rẽ sâu xa trong Giáo hội, và việc sử dụng các mô hình của chủ nghĩa mác-xít trong việc phân tích các hiện tượng xã hội, làm tiền đề cho suy tư thần học[25]. Vào tháng 9 năm 1984, Bộ Giáo lý đức tin đã phát hành một văn kiện nêu lên những khó khăn chính đối với THGP[26], nhưng không nêu lên đích danh tác giả nào[27]. Viễn ảnh hoàn toàn tiêu cực được kèm theo một lời hứa sẽ ban hành một huấn thị thứ hai để bổ túc. Văn kiện thứ hai được công bố hai năm sau, ngày 22/3/1986, với tựa đề: “Huấn thị về tự do Kitô giáo và giải phóng”[28]. Chính ĐTC Gioan Phaolo II, qua hồng y Bernardin Gantin, tổng trưởng bộ Giám mục, đã gửi một lá thư cho Hội đồng giám mục Brasil (CNBB) trong đó, trong mức độ phù hợp với giáo huấn của Tin Mừng, truyền thống sống động và huấn quyền ngàn đời của Giáo hội, “THGP không những là thích thời mà còn hữu ích và cần thiết nữa”[29].
Trong giai đoạn này, THGP có cơ hội để bành trướng và củng cố trong lãnh vực Kinh Thánh, mục vụ và tổ chức. Năm 1985, một tủ sách thần học mang tựa đề “Thần học và giải phóng” được đề xuất với 52 cuốn giáo trình[30]. Dự án này bị Bộ Giáo lý đức tin ngăn cản, nhưng từng cuốn riêng rẽ được xuất bản và được dịch ra nhiều ngôn ngữ.
4. Giai đoạn bốn: xét lại và quảng bá (1989-)
Giai đoạn này bắt đầu với cuộc xáo trộn văn hóa gây ra bởi biến cố bức tường Berlin sụp đổ (năm 1989). Các nhà thần học được tự do hơn để tiếp tục con đường đã đi từ nhiều năm trước và chứng tỏ sự độc lập với ý thức hệ mác-xít. Về phía các nhà lãnh đạo Giáo hội, nỗi lo sợ vì sử dụng những phân tích xã hội lấy từ thuyết mác-xít cũng giảm bớt; từ nay họ sẽ chú trọng hơn đến các khía cạnh thần học và mục vụ. Tuy vậy, tại một vài nơi, chính quyền vẫn tiếp tục các cuộc ám sát, chẳng hạn như vụ 6 tu sĩ dòng Tên tại đại học San Salvador (16/11/1989) cùng với hai nhân viên, trong số đó có cha viện trưởng, là người đồng chủ biên với Jon Sobrino của cuốn Tổng lược đạo lý và lịch sử của THGP mang tựa đề “Mysterium liberationis”[31], với sự cộng tác của những tác giả nổi tiếng không những về đạo lý mà cả về phương pháp thần học, về những ưu tiên luân lý, về tổ chức giáo hội, về tín ngưỡng dân gian, về thông diễn Kinh Thánh và linh đạo.
Đại Hội lần thứ IV của các giám mục châu Mỹ Latinh họp tại Santo Domingo từ 12 đến 18 tháng 10 năm 1992, để kỷ niệm 500 năm khám phá và loan báo Tin Mừng cho châu Mỹ, đã trở thành cơ hội để đề cập đến những chủ đề quen thuộc của THGP. Văn kiện kết thúc lặp lại việc lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo và nhắc lại các lần Đại Hội trước đây tại Medellìn và Puebla.
Đại Hội lần thứ V diễn ra tại đền thánh Đức Mẹ Aparecida (Brasil) từ ngày 13 đến 31 tháng 5 năm 2007 với chủ đề: “Những người môn đệ và thừa sai của Chúa Giêsu Kitô ngõ hầu các dân tộc chúng ta được sống”. Chủ đề được kèm theo câu Kinh Thánh: “Thầy là đường, chân lý và sự sống”. ĐTC Bênêđictô XVI đã khai mạc cuộc họp của các giám mục nhân chuyến du hành xuyên đại lục thứ nhất của triều giáo hoàng. Để chuẩn bị cho Đại hội này, trong suốt năm 2006, các giáo phận đã suy tư về chủ đề sắp bàn[32].
ĐTC Bênêđictô XVI đã đề cao “tín ngưỡng dân gian rất phong phú và sâu đậm, linh hồn của các dân tộc châu Mỹ Latinh” và coi đó như là “kho tàng quý giá của Giáo hội tại địa phương”, và yêu cầu hãy cổ võ và bảo vệ nó. Tín ngưỡng dân gian là một cách thức diễn tả đức tin dưới nhiều hình thức khác nhau trong mọi lãnh vực xã hội, vì thế đáng được tôn trọng, bởi vì lòng đạo đức này phản ánh lòng khao khát Thiên Chúa mà chỉ duy những người đơn sơ và khó nghèo mới nhận ra. Lòng đạo đức bình dân là một hình thức của đạo công giáo đã hội nhập văn hóa, trở nên một di sản của văn hóa châu Mỹ Latinh (DA 258). "Việc hành hương là cơ hội mà con người sống kinh nghiệm về mầu nhiệm của sự siêu việt của Thiên Chúa cũng như của Giáo hội. Tại các thánh điện, nhiều kẻ hành hương đã dấn thân quyết định những cam kết ảnh hưởng đến suốt đời. Những bức tường của thánh điện đã ghi nhớ biết bao nhiêu kỷ niệm của hoán cải, tha thứ và ơn lành được cả triệu người thuật lại" (DA 260).
Để kết thúc mục bàn về sự tiến triển lịch sử, nên nhớ rằng trong nội bộ của THGP có nhiều trào lưu khác nhau. J. C. Scannone phân biệt ba trào lưu: một trào lưu được gợi hứng từ phương pháp mác-xit để giải thích thực tại và khởi đi từ thực hành của những nhóm làm cách mạng; một trào lưu khởi đi từ việc thực hành đức tin Kitô giáo, và một trào lưu chú trọng đến văn hóa dân gian của châu Mỹ Latinh[33]. Sau cùng, cần thêm rằng THGP cũng đã thay đổi nhiều dọc theo các chặng đường tiến triển[34]. Gần đây, một số nhà thần học THGP đã mở rộng tầm suy tư đến những vấn đề mới được đặt ra do cuộc khủng hoảng môi trường, đối thoại với các tôn giáo[35].
III. Hứng khởi và nền tảng Thánh Kinh
“Giải phóng” (giải thoát) tương đương với các từ ngữ (động từ và danh từ) tiến Hy-lạp ελευτερόω, ελευτερύοµαι, ελευτερία, và các từ ngữ La-tinh redimere/redemptio được các Kitô hữu sử dụng trong Kinh Thánh, cùng với các từ ngữ liên quan đến ơn cứu độ (σωτηρία/salus), để ám chỉ công trình cứu chuộc của Thiên Chúa đã thực hiện trong lịch sử dân tộc Israel, và hoàn tất trong cuộc đời Đức Giêsu Kitô.
Ngay từ đầu, đặc trưng của THGP là sự suy tư về kinh nghiệm đức tin của cộng đồng được nâng đỡ nhờ sự đối chiếu liên tục với Kinh Thánh. THGP đặt nền trên “tiềm lực giải phóng của Kinh Thánh, đặc biệt là biến cố xuất hành, sứ điệp giải phóng của Đức Giêsu ở Lc 4,18 t., sự quan tâm đến “những kẻ bé nhỏ nhất” trong Mt 25,31-45; sự tự do của con cái Thiên Chúa ở Gl 4,4tt; 5,1” [36].
Đặc biệt những trình thuật liên quan đến cuộc xuất hành của dân Israel khỏi cảnh nô lệ của Ai-cập và khỏi cảnh lưu đày ở Babilonia do quyết định của vua Cyrô (năm 528 trước CN), với việc tái thiết đền thờ và tường thành Giêrusalem, đã được đọc và suy niệm bởi các cộng đồng Kitô hữu đã cảm nghiệm cảnh đàn áp và khát mong cuộc giải thoát. Nhưng nhất là cuộc đời Đức Giêsu mới là trọng tâm của việc suy tư, như là tột đỉnh của hành động giải phóng của Thiên Chúa. Các thánh sử trình bày khởi đầu cuộc đời công khai của Đức Giêsu mỗi người một cách, nhưng tất cả đều nêu bật chức năng giải phóng trong các hoạt động của Người. Cách riêng Luca đặt khởi đầu sứ vụ của Đức Giêsu tai hội đường Nazareth, qua việc đọc bản văn được đặt tên là “nỗi hân hoan của Isaia” (61,1-2): “Thần khí Chúa ở trên tôi; vì thế Người đã xức dầu thánh hiến tôi, và sai tôi đi loan báo một tin vui, để công bố sự giải phóng cho những người bị giam cầm và sự sáng mắt cho những người mù, để phóng thích những người bị áp bức và rao giảng một năm hồng ân của Chúa. Người đã sai đến công bố … năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18t.). Tân Ước diễn tả hành động cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Kitô qua những thuật ngữ như giải phóng, cứu chuộc. Đức Giêsu sử dụng thuật ngữ này khi chữa bệnh: “Này bà, bà được giải thoát khỏi bệnh tật” (Lc 13,12), hoặc khi tiên báo sự tàn phá Giêrusalem: “Chừng nào các điều này bắt đầu xảy ra, các ngươi hãy đứng lên và ngẩng đầu, bởi vì cuộc giải phóng của các ngươi đã gần kề” (Lc 21,28). Hai người môn đệ Emmaus dùng từ ngữ này để ám chỉ niềm hy vọng của họ vào Đức Giêsu: “Chúng tôi đã tin rằng ông ấy sẽ đến giải phóng Israel”. Thật vậy, theo như ông Dacaria thốt lên, toàn dân “đang mong đợi sự cứu chuộc của Israel” (Lc 2,38).
Đặc biệt thánh Phaolo gọi công trình của Đức Kitô là “cứu chuộc” (Rm 3,24) và chính Đức Kitô là “sự cứu chuộc của chúng ta”. Thực vậy. Thiên Chúa đã “giải phóng chúng ta khỏi quyền lực của tối tăm và dẫn đưa chúng ta vào vương quốc của Thánh tử chí ái, nhờ Người mà chúng ta đã nhận được sự cứu chuộc, sự tha thứ mọi tội lỗi” (Cl 1,13s). Công trình của Đức Kitô được giới thiệu như là việc giải phóng khỏi cảnh nô lệ của lề luật (Gl 3,22-23), khỏi các quyền lực của sự dữ (Cl 2,13-23), khỏi xác thịt, khỏi cái chết (Rm 5,12-21; 1Cr 15,20-26). Theo hướng này, chính cái chết của Đức Kitô được coi như cái giá của cuộc giải thoát khỏi cảnh nô lệ tội lỗi (1Tm 2,6; xc 1Cr 6,20; 7,23; Tt 2,14).
Từ ngữ “giải phóng” cũng ám chỉ mục tiêu của Thiên Chúa hành động trong lịch sử, chẳng hạn như khi thánh Phaolo viết như sau khi nói đến những gian truân ở Á châu: “Chúng tôi đã mang án tử hình nơi chính bản thân rồi, để chúng tôi không đặt tin tưởng vào chính mình, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng đã làm cho kẻ chết chỗi dậy. Chính Ngài đã giải phóng và sẽ còn giải phóng chúng tôi khỏi một cái chết như thế do niềm hy vọng mà chúng tôi đặt nơi Ngài, là Đấng sẽ còn giải phóng chúng tôi nữa” (2Cr 1, 9-10).
Sau cùng, các hạn từ cứu chuộc / giải phóng cũng ám chỉ hành vi cuối cùng của ơn cứu độ khi Đức Kitô trở lại vinh quang; lúc ấy sẽ là “ngày cứu chuộc” (Ep 4,30; Rm 8,23) khi mà vạn vật sẽ được “giái phóng khỏi cảnh nô lệ của cảnh hư nát, để đi vào sự tự do vinh quang của các con cái Thiên Chúa (Rm 8,21).
Xét vì ơn cứu độ Đức Kitô mang lại chỉ có thể được hiểu biết và mô tả theo nhiều khuôn mẫu khác nhau và, bởi vì, như công đồng Vaticanô II đã mong ước, “cần phải thúc đẩy cuộc nghiên cứu thần học trong các khu vực văn hóa xã hội khác nhau” (Ad gentes 2), cho nên theo dòng lịch sử chúng ta đã gặp thấy nhiều thứ thần học cứu độ hoặc những cách thức khác nhau để trình bày công trình cứu độ của Đức Kitô và sự phát triển qua hoạt động của Giáo hội. THGP là một trong những nỗ lực ấy. Cũng vì lý do ấy mà đã nảy sinh nhiều thứ THGP khác nhau, tuy cùng múc từ một nguồn Kinh Thánh, nhằm đáp ứng những đòi hỏi khác nhau của những khung cảnh văn hóa và xã hội khác nhau.
IV. Phương pháp THGP
Ngay từ khi mới ra đời, “THGP được giới thiệu như là “một cách thức mới” để làm thần học … như là suy tư phê bình của thực hành lịch sử … Một thứ thần học không giới hạn vào việc suy nghĩ về thế giới, mà còn tìm cách trở nên một thời điểm của tiến trình nhờ đó thế giới được thay đổi”[37]. Các THGP được cấu trúc như là việc suy tư phê bình và có hệ thống về kinh nghiệm hoặc thực hành đức tin của các cộng đồng Kitô hữu trong lịch sử[38]. Phương pháp ấy đang được thành hình trong nội bộ Giáo hội Công giáo, bởi vì phương pháp tân-kinh-viện còn nhiều thiếu sót[39]. Nó cũng được đặt tên là phương pháp của hành động (teologia della prassi)[40], hệ tại việc suy tư về kinh nghiệm đức tin mà một cộng đoàn thực hành trong một bối cảnh xã hội nhất định. Hiểu như vậy, thần học hệ tại đối chiếu liên lỉ giữa diễn từ đức tin và diễn từ thế giới”[41]. Phương pháp hành động giả thiết rằng sự suy tư chỉ có thể phát triển trong khung cảnh của một hành động được thực hiện bởi người tín hữu trong thế giới, phù hợp với đức tin[42]. Nó hệ tại việc suy tư về kinh nghiệm cứu độ của cộng đoàn những người tin vào Đức Giêsu Nazaret, để nắm bắt các yếu tố của nó, nêu bật những ý nghĩa mang tính phổ quát và thúc đẩy những sự thay đổi cần thiết để cho vương quốc Thiên Chúa đến, mang lại ơn cứu độ cho con người. Bởi thế, nó gợi lên một thứ hành động biến đổi, để tạo ra một khung cảnh đón tiếp ơn hòa giải mà Thiên Chúa cống hiến cho con người trong Đức Kitô. Như thế, thần học có hai chức năng: lắng nghe Lời trong những biến cố đang diễn ra và tạo điều kiện để cho nó vang lên cách trong sáng. Lý do của hai chức năng này nằm trong hành động của Thiên Chúa. Vì thế THGP được coi như sự suy tư hệ thống về kinh nghiệm đức tin của một cộng đồng Kitô hữu được thực hiện trong một khung cảnh lịch sử nhất định, để nắm bắt những tiếng vang của Lời tạo dựng mà nơi Đức Giêsu nó đã mặc lấy hình thức cứu độ con người, và gợi lên hành động giúp cho lời tạo dựng của Thiên Chúa có thể phát biểu trọn vẹn trong lịch sử nhân loại, cho đến khi nào được hoàn tất trong ngày Quang lâm. Khởi điểm là kinh nghiệm đức tin, được thực hiện bởi một cộng đồng giữa lòng lịch sử.
THGP nhấn mạnh đến kinh nghiệm như là khởi điểm của cuộc suy tư, khác với thần học tân-kinh-viện quy chiếu về các bản văn của Kinh Thánh và huấn quyền[43]. Kinh nghiệm đức tin được quan niệm như là nơi mà hành động của Thiên Chúa có thể được nhận thấy và Lời của Ngài có thể được lắng nghe. Việc lắng nghe này diễn ra trong một cộng đoàn đức tin sống trong một khung cảnh nhất định. Khi nào hoàn cảnh đi tới chỗ làm ngăn cản tiếng vang của Lời cứu độ bởi vì không đáp ứng với những đòi hỏi của sự thăng tiến con người, thì lúc ấy kinh nghiệm đức tin dẫn tới hành động biến đổi, trở nên hành động cộng đồng làm sao để cho Lời sáng tạo có cơ hội vang lên trong tiến trình lịch sử.
Tuy nhiên, các nhà thần học châu Mỹ Latinh nhấn mạnh rằng khởi đi từ chỗ hành động hàm ngụ không chỉ một sự suy tư về điều đang diễn ra mà còn một sự dấn thân để làm xảy ra điều mà lịch sử đòi hỏi. Theo nghĩa này, J. L. Segundo nhận xét rằng “thần học cấp tiến ở châu Mỹ Latinh quan tâm đến thực hiện sự giải phóng hơn là bàn về giải phóng”[44]. Và Pablo Richard thêm: “THGP, xét như là suy tư phê bình về hành động, được định nghĩa là thành phần cấu trúc của một hành động giải phóng… Lý lẽ của công tác thần học trùng với lý lẽ hành động làm thay đổi và giải phóng”[45]. “Đây là một thần học khởi đi từ vùng ngoại biên, thu thập những vấn đề ở đấy, tượng trưng cho một thách đố to lớn cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của các giáo hội”[46]. Trong viễn tượng này, thần học trở thành một thứ thông diễn những sự kiện cứu độ, tập trung vào cuộc đời Đức Giêsu, mà ý nghĩa được khám phá trong lòng một kinh nghiệm cộng đồng của đức tin, đặt trong bối cảnh của sự bần cùng bất công.
V. Quy chiếu về người nghèo : mầu nhiệm Đức Kitô và Giáo hội
Ngay từ đầu, việc quy chiếu về Tin Mừng sống trong điều kiện nghèo khó bất công là một đặc trưng của THGP. Nó cũng định hướng cho cách thức giải thích sứ mạng của Đức Kitô và quan niệm về cơ cấu Giáo hội là sự tiếp tục sứ mạng ấy trải qua thời gian.
Không gian tự nhiên của thần học là đời sống cộng đoàn giáo hội đồng hóa với những người nghèo. Điều này giải thích nhiều đặc điểm của thần học: đây là một thứ thần học được gợi lên từ thực tại; một thần học không tách rời khỏi cuộc sống; một thần học tạo ra những liên hệ giữa nhà thần học và nhân dân. Không phải là ngẫu nhiên mà thần học mang khuôn mặt mục vụ và bớt tính cách hàn lâm, phối kết với các phong trào bình dân, mở ra với các thách đố đặt ra cho mục vụ [47].
Việc quy chiếu về cảnh túng nghèo phi nhân bởi vì là hậu quả của bất công hoặc bạo lực gợi lên đòi hỏi tự do, và mang lại cho suy tư thần học một hệ luận chính trị, gây ra nhiều ủng hộ cũng như nhiều chống đối. Khi viết lời tựa cho ấn bản lần thứ mười của bản dịch tác phẩm Gustavo Guiterrez sang tiếng Đức, nhà thần học J. B. Metz viết rằng: “THGP đã nảy sinh từ nỗi bức xúc khi những diễn từ về Thiên Chúa không đả động gì đến lịch sử của những nỗi khổ cực của con người kêu thấu trời”[48]. Thực vậy, phàm ai thốt lên tiếng “Thiên Chúa” thì cũng phải chấp nhận để cho sự an toàn của mình bị chất vấn bởi những người khác[49]. Điều này hàm ngụ rằng cộng đồng Giáo hội phải biết gánh vác tất cả những gì tiêu cực của lịch sử để trở nên cảnh vực nơi mà Sự Sống (danh xưng phổ quát của Thiên Chúa) có thể tạo ra những biểu tượng mới. Nhà thần học cần phải giúp cho Giáo hội chu toàn bổn phận của mình qua việc vạch ra những lý do và những động lực. Đó cũng là lý do khiến cho “thần học chính trị” nảy sinh ở châu Âu.
Vì lý do ấy, những suy tư đầu tiên của THGP đều bao hàm mầu nhiệm Đức Kitô cứu thế và Giáo hội tiếp tục sứ mang ấy trong lịch sử, khi suy tư về điều kiện bần cùng bất công mà hàng triệu người phải chịu[50]. Bởi vậy THGP đã khởi sự bằng cách suy tư về mầu nhiệm Đức Kitô như là nguồn mạch và khuôn mẫu của tự do con người. Nhất là Leonaro Boff[51] (người Brasil) và Jon Sobrino[52] (linh mục dòng Tên người Tây Ban Nha nhưng làm việc ở San Salvador) đã trình bày một suy tư hệ thống về chủ đề này. Kitô luận của họ có bối cảnh là kinh nghiệm của các cộng đồng cơ bản ủng hộ những người nghèo và bị áp bức. Trong viễn tượng này, khuôn mặt của Đức Giêsu là một nhà giải phóng. Đức tin vào Người được diễn tả qua việc mong chờ triều đại Thiên Chúa, khi đi vào lịch sử đã làm thay đổi ngay từ bây giờ điều kiện của những người nghèo, và qua những cử chỉ giải phóng về phía các Kitô hữu.
Bên cạnh Kitô luận, việc suy tư về Giáo hội cũng là một đặc điểm của THGP ngay từ buổi đầu. THGP đã khai triển hình ảnh Giáo hội của những người nghèo, Giáo hội được xây dựng từ những đòi hỏi của những người đứng hàng chót[53]. Chân lý này cũng được diễn tả qua công thức Giáo hội nhân dân, được phát sinh do tác động của Thánh Linh giữa những người đứng hàng chót để tạo nên dân Thiên Chúa[54]. Ngay từ năm 1977, Gustavo Gutierrez đã viết: “Trong những năm gần đây, nhiều người Kitô hữu càng lúc càng nhận thấy rõ là nếu Giáo hội muốn trung thành với Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, thì cần phải ý thức về chính mình, khởi đi từ dưới lên, từ những người nghèo của thế giới, từ những giai cấp bị bóc lột, từ những chủng tộc bị khinh rẻ, từ những văn hóa bị gạt ra bên lề … Những con đường mới mẻ được mở ra theo nhãn giới ấy, từ chỗ mà chúng tôi gọi là sự lật nhào lịch sử” [55].
VI. Chứng tá của các vị tử đạo
Các nhà thần học giải phóng đã sớm nhận ra rằng hoạt động của họ sẽ phải đối diện với việc tử đạo. Thực vậy, nếu thần học là suy tư về chứng tá về Lời cứu độ cho thế giới, thì nó không thể nào né tránh lòng trung thành cao cả mà việc chọn lựa người nghèo và người bị gạt bỏ đòi hỏi, khi mà tiếng kêu của những người gây ra bực dọc cho những người quyền thế và đưa đến cuộc đàn áp. Chứng tá của các vị tử đạo trở thành sự xác minh cho hiệu lực của THGP và ý nghĩa của nó đối với Giáo hội. Hành động giải phóng càng bành trướng nhờ hoạt động của các cộng đoàn cơ bản hoặc tổ chức phục vụ những kẻ bị áp bức, thì sự đàn áp cũng gia tăng dữ dội. Những hình thức đàn áp thay đổi tùy theo quốc gia ở châu Mỹ Latinh, nhưng tại một vài nơi, nó trở thành một cuộc bách hại tôn giáo. Cuộc thảm sát ở San Salvador gây nhiều tiếng vang quốc tế, mở đầu cho một chuỗi những người bị giết vì theo lý tưởng THGP. Trong số này, ta có thể nhắc đến linh mục Rutilio Grande dòng Tên, Gabriella Garcìa một nhà xã-hội-học, đức tổng giám mục Oscar Romero, bị ám sát ngày 24/3/1980 đang khi cử hành Thánh lễ, sáu linh mục dòng Tên trong đó có cha viện trưởng Ignacio Ellacurìa và hai nhân viên đại học (16/11/1989), và rất nhiều Kitô hữu bị giết vì hoạt động nhằm bảo vệ những người nghèo, khi họ tố giác những bất công và bóc lột của cường quyền.
Trong bài giới thiệu bản dịch quyển sách của cha Gustavo Gutierrez ra tiếng Đức, J. B. Metz đã nhận xét như sau: “Hẳn nhiên điều mà Kitô giáo hiểu về sự giải phóng bao gồm cả quan niệm về sự tự do có khả năng phạm tội và cần phải hoán cải. Điều này không chỉ là một khái niệm lãng mạn, chẳng liên quan chi đến chính trị; nó chỉ rút lui khỏi thứ chính trị của hận thù và vũ lực. Nếu được hiểu một cách ‘nghiêm túc’, sự giải phóng thực sự là một cuộc thách đố cho thần học và cho giáo hội”[56]. Như thế, nó trở thành một sự thách đố cho bất cứ xã hội nào được xây dựng trên sự bất công, đàn áp, và tất nhiên mang theo việc làm chứng tá Tin Mừng cho đến chỗ tử đạo.
VII. Sự mở rộng THGP sang các lãnh vực và đại lục khác
Từ châu Mỹ Latinh, THGP được lan rộng sang các đại lục khác, và được liên kết với nhiều phong trào giải phóng ra đời vào những năm ấy. Chẳng hạn như chúng ta không thể bỏ qua Black Theology (thần học da đen) được phát triển bên Hoa kỳ[57], theo đó việc giải phóng những người da đen bị áp bức và kỳ thị “là sứ điệp căn bản của Đức Kitô cho châu Mỹ ở thế kỷ XX”[58]. Đồng thời cũng phát triển thần học nữ quyền như là suy tư đức tin về kinh nghiệm của những nhóm hoạt động cho cuộc giải phóng phụ nữ.
Trong các cộng đồng bên châu Phi và châu Á, ngoài sự thúc đẩy giải phóng xã hội và chính trị, người ta còn cảm thấy sự khẩn trương của việc hội nhập văn hóa, nghĩa là cần phải giải phóng các công thức đức tin khỏi những khuôn đúc văn hóa Tây phương mà chế độ thực dân đã để lại. Trong lãnh vực này, THGP cảm thấy sự cần thiết phải diễn tả Tin Mừng bằng những biểu tượng văn hóa của những vùng khác nhau, và do đó sự cần thiết phải đối thoại với các tôn giáo khác.
Vào đầu thập niên 70, người ta thấy một sự mở rộng THGP châu Mỹ Latinh sang nhiều lãnh vực khác. Châu Phi và châu Á đã phát triển một thứ thần học riêng với nhiều nét tương tự như châu Mỹ Latinh, và rồi đến lượt họ cũng gây ảnh hưởng tới sự phát triển của THGP.
Năm 1975, tại Detroit có hội nghị “Theology in the Americas” trong đó THGP có dịp đối thoại với thần học da đen và thần học nữ quyền, cũng tự coi là dấn thân vào tiến trình giải phóng các phụ nữ và người da đen ở Hoa kỳ[59].
Năm 1976 đánh dấu sự khai sinh của “Hiệp hội đại kết các nhà thần học thuộc thế giới thứ ba” (ASETT/EATWOT), họp đại hội lần thứ nhất tại Dar-Es-Salaam (Tanzania 5-12 tháng 8)[60]. Trong những năm kế tiếp, có những đại hội theo mỗi đại lục: châu Phi (Accra bên Ghana, ngày 17-23/12/1977); châu Á (Wennapuwa ở Sri Lanka, ngày 7-20/1/1979); châu Mỹ Latinh (San Paolo ở Brasil ngày 20/2 – 2/3/1980). Một hội nghị được tổ chức ở New Delhi, Ấn độ (ngày 17-29/8/1981) để lượng giá những công tác đã thực hiện[61].
Những cuộc tiếp xúc này đã mang lại cho THGP một tầm nhìn toàn cầu, không chỉ nghiên cứu sự lệ thuộc kinh tế như hồi ban đầu, mà còn sự lệ thuộc văn hóa và nhân bản, như các nhà thần học châu Phi đã gợi ý[62], và được ủng hộ bởi các nhà thần học da đen ở Hoa Kỳ và thần học nữ quyền ở tất các các đại lục. Sự phát triển của thần học da đen ở Bắc Mỹ[63] đã thúc giục THGP hãy đón nhận “tiếng than của người da đen, nghèo nàn và bị khinh miệt, đã bị cướp bóc khỏi vùng đất châu Phi cách đây 500 năm và hiện đang có mặt tại những cộng đồng Mỹ-Phi của châu Mỹ Latinh và quần đảo Caraibi. Các nhà thần học giải phóng coi sự kỳ thị chủng tộc là một tội … một ý thức hệ phát sinh sự nô lệ thuộc địa: dù là thổ dân da đỏ trở thành nô lệ hoặc người da đen được mang từ châu Phi đến”[64]. Kỷ niệm 500 năm người châu Âu khám phá châu Mỹ (1492) đã trở thành cơ hội suy nghĩ về chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc và chủ nghĩa thực dân hiện nay vẫn còn ảnh hưởng, và đòi hỏi những phong trào giải phóng rộng rãi[65]. Các nhóm thiểu số, những nhóm bị gạt ra bên lề, các dân tộc bản địa chịu áp bức đã nghĩ ra những thần học để cổ vũ các tiến trình giải phóng và hòa giải[66].
Phụ thêm (của dịch giả): Đức thánh cha Phanxicô với THGP
Bài này được soạn cho cuộc thuyết trình tại Fano ngày 6 tháng 6 năm 2014. Từ đó đến nay, phản ứng của Giáo hội đối với THGP đã thay đổi rất nhiều, đặc biệt là kể từ khi ĐTC Phanxicô đắc cử Giáo hoàng. Tác giả đã cung cấp thêm một vài thông tin liên quan đến lập trường của ngài khi còn làm tổng giám mục ở Argentina và khi lên làm giám mục Roma[67].
1/ Khi còn làm giám mục ở Argentina, đức cha Bergoglio có phò THGP không? Cần phải phân biệt các khuynh hướng khác nhau của THGP. Theo cha Juan Carlos Scannone S.J., có ít là ba khuynh hướng khác nhau của THGP: a) khuynh hướng thiên về chủ nghĩa mác-xit; b) khuynh hướng lịch sử cứu độ; c) khuynh hướng thần học nhân dân[68]. Giữa ba khuynh hướng ấy có sự khác biệt không nhỏ. Khuynh hướng thứ ba là một đặc điểm của các nhà thần học Argentina.
“Thần học nhân dân” (Teologia popolare, hay Teologia del popolo) nhấn mạnh đến việc loan báo Tin Mừng cho nhân dân, nghĩa cho văn hóa dân gian, nhấn mạnh đến sự cần thiết hội nhập đức tin vào các nền văn hóa, lòng đạo đức bình dân. “Nhân dân” (Il popolo) được hiểu như là một dân tộc được liên kết với nhau thành một văn hóa, một lịch sử, một chủ thể cần giải phóng khỏi cảnh bất công và áp bức. Đối với THGP ở Argentina, việc chọn lựa người nghèo được nối kết với việc loan báo Tin Mừng cho văn hóa, trong đó bao gồm các cơ cấu xã hội cũng như tâm tình đạo đức bình dân. Những nhà “lý thuyết” của khuynh hướng này là Lucio Gera và Juan Carlos Scannonne; họ nhận được hậu thuẫn của các giám mục Argentina (Pironio, Quarracino, Bergoglio). Hồng y Jorge Bergoglio chia sẻ lý tưởng của THGP theo nghĩa là «một Giáo hội nghèo và phục vụ người nghèo, và tố giác não trạng của những người hoảng hốt vì thị trường chứng khoáng sụt giá, nhưng lại hờ hững với hàng ngàn người không có miếng ăn”[69].
2/ Điều này càng rõ hơn nữa khi chúng ta đọc các văn kiện của ĐTC Phanxicô, bắt đầu với tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng” (Evangelii gaudium), ngày 24/11/2013. Văn kiện này áp dụng phương pháp Xem-Xét-Làm, khởi đi từ những dấu chỉ thời đại (số 50-51), trong đó lưu ý đến nền kinh tế loại trừ những người nghèo (số 53-55). Đặc biệt là tông huấn đã dành chương bốn bàn đến việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay với việc thăng tiến con người (số 176-253): hai khái niệm ấy gắn liền với nhau. Trong chương này, mối quan tâm đến người nghèo (số 185-216) được đặt trước đối thoại văn hóa. Văn kiện ước mong “một Giáo hội nghèo cho người nghèo” (số 198), điều này có nghĩa là cần biết nhận ra Đức Kitô nơi người nghèo, lên tiếng thay cho người nghèo để bảo vệ họ, cũng như gần gũi và lắng nghe người nghèo, khám phá sự khôn ngoan huyền nhiệm và Thiên Chúa muốn nói với chúng ta qua họ.
Như vậy tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng” đã lấy lại đề tài “dành mối chọn lựa ưu tiên cho người nghèo” của THGP cũng như của CELAM. Điều này còn được ĐTC Phanxicô lặp lại ở nhiều cơ hội khác. Chỉ cần trưng dẫn một thí dụ: thông điệp Laudato si (24/5/2015) bàn về vấn đề môi sinh, ngay từ đầu đã gắn liền “mối tương quan chặt chẽ giữa người nghèo và ngôi nhà chung”, “chính trái đất bị dẫm đạp phá hoại này hiện thân nơi những người nghèo, họ là thành phần dễ bị bỏ rơi và bị đối xử tàn tệ nhất” (số 2). Trong thông điệp nói về ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu, từ “khí hậu” được nhắc tới 14 lần, còn người nghèo được nhắc đến 59 lần.
3/ Ngoài những bản văn, thiết tưởng các sự kiện cũng không kém quan trọng.
Chỉ 6 tháng sau khi được bầu làm Giáo hoàng, vào ngày 12/9/2013, ĐTC Phanxicô đã tiếp cha Gustavo Gutierrez tại Vatican. Các cơ quan truyền thông coi đây như một cử chỉ phục hồi giá trị cho THGP.
Ngoài ra, nếu trước đây, Bộ Giáo lý Đức tin đã xuất bản hai huấn thị trình bày những dè dặt đối với THGP, thì nay hồng y Gerard Muller, Tổng trưởng bộ giáo lý đức tin, đã viết chung với Gustavo Gutierrez một cuốn sách tựa đề “Nghèo cho người nghèo, Sứ mạng của Giáo hội”, do chính ĐTC đề tựa[70], và được giới thiệu cho báo chí ngày 24/2/2014[71].
Trong chuyến tông du tại Peru, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến cha Gustavo Gutierrez tại tòa Sứ thần Tòa thánh tại Lima ngày 21/1/2018. Ngày 29/5 cùng năm ấy, ĐTC đã viết thư chúc mừng cha nhân dịp thượng thọ 90 tuổi, và cám ơn cha vì đã đóng góp cho Giáo hội và cho nhân loại bằng công tác thần học và lòng yêu mến những người nghèo và bị gạt bỏ, và cầu chúc cho cha luôn vui tươi tiếp tục nỗ lực đánh thức lương tâm mọi người đừng thờ ơ với người nghèo[72].
Dĩ nhiên cha Gutierrez không phải là hiện thân của THGP, bởi vì còn nhiều tác giả và khuynh hướng khác. Nhưng ít nhất, hướng đi của cha không trái ngược với Giáo hội mà còn giúp cho Giáo hội trung thành với sứ mạng của mình là loan báo Tin Mừng cho người nghèo.