Thời sự Thần học - Số 24, Tháng 6 Năm 2001, tr. 23-31.
_ Chung Trần_
Sách Giáo lý dành những số 109-119[1] cho vấn đề này dưới tựa đề Thánh Linh, vị giải thích Kinh Thánh, ra như muốn nêu bật sự liên tục của vai trò Chúa Thánh Linh: Ngài đã linh ứng cho các thánh sử viết ra Kinh Thánh; vì thế duy có Ngài mới nói cho chúng ta biết được tất cả ý nghĩa của những gì đã viết ra trong Sách thánh.
Việc chú giải Kinh Thánh nhằm tìm hiểu ý nghĩa của tác giả của cuốn sách. Thế nhưng, như chúng ta đã biết, tác giả của Kinh Thánh vừa là Thiên Chúa vừa là các thánh sử (= người tác giả); hay nói đúng ra, Thiên Chúa đã nói với chúng ta qua ngôn ngữ của các thánh sử. Vì thế mà chúng ta cần phải tìm hiểu ngôn ngữ và dụng ý của các thánh sử ngõ hầu khám phá ra điều mà Thiên Chúa muốn nhờ họ để nói với chúng ta. Trước hết cần chú ý hai nguyên tắc:
Số 119 dành cho Giáo hội thẩm quyền chung quyết trong việc giải thích Kinh Thánh.
Nguyên tắc 1. Trong việc tìm hiểu chủ ý của thánh sử, cần phải lưu ý tới những điều kiện về thời thế và văn hóa, các văn thể đang lưu hành, các cách thức giao cảm, diễn tả, tường thuật thường dùng ở thời đại (nghĩa là không những khung cảnh tôn giáo xã hội đưa đến việc biên soạn cuốn sách). Ta có thể gọi đây là nguyên tắc phê bình văn chương và lịch sử (critica litterari et historica).
Nguyên tắc 2. Ngoài ra xét vì Kinh Thánh là sách được Chúa Thánh Thần linh ứng, nên để giải thích đúng đắn, cần: nhờ Thánh Thần giúp để đọc và giải thích Kinh Thánh. Ta tạm gọi đây như là sự chú giải thần học (interpretatio theologica) hay là chú giải của đức tin; nó không phải là biệt lập khỏi sự chú giải văn chương lịch sử, song là tiến sâu hơn ngõ hầu tìm ra ý định của Chúa. Sách Giáo lý đề ra ba tiêu chuẩn cần phải dựa vào để quy chiếu:
1. Lưu ý đến nội dung và sự hợp nhất của toàn thể Kinh Thánh. Tuy đã được viết ra vào nhiều thời kỳ khác nhau và do nhiều người tác giả khác nhau, nhưng tất cả Kinh Thánh hợp nên một toàn bộ duy nhất bởi vì nó tuân theo một kế hoạch duy nhất của Thiên Chúa, với trung tâm là Đức Ki-tô. Ý nghĩa của một câu văn chỉ được sáng tỏ khi lồng trong mạch văn của toàn bộ chương trình mạc khải: thí dụ nhiều bản văn Cựu Ước chỉ được sáng tỏ trong Tân Ước; nhiều định chế của Cựu Ước chỉ mang tính chất tạm thời, như là chuẩn bị cho thời Tân Ước.
2. Đọc Kinh Thánh trong Truyền thống sống động của toàn thể Giáo hội. Thánh Thần, sau khi đã linh ứng cho các người tác giả viết Sách thánh, thì vẫn còn tiếp tục tác động để giúp cho Giáo hội hiểu và giải thích Kinh Thánh. Khi nói tới “Truyền thống sống động” (Traditio viva), chúng ta cần phải quay về với số 8 của Hiến chế Dei Verbum, nơi mà công đồng mô tả những cơ quan lưu truyền mạc khải: các tông đồ và những người kế vị cũng như cộng đồng các tín hữu, nhờ lời giảng, phụng vụ, đời sống thánh thiện, sự suy tư nghiên cứu.
3. Sự tương đồng đức tin (analogia fidei), nghĩa là sự gắn bó giữa những chân lý đức tin với nhau và với toàn bộ mạc khải.
I. Các nghĩa của Sách Thánh
So với hiến chế Dei Verbum, sách Giáo lý tiến thêm một bước khi xen một tiểu đoạn từ số 115 đến 118 dành cho các nghĩa của Kinh hánh (les sens de l’Ecriture). Dựa theo truyền thống cổ truyền, các lời sách thánh mang hai nghĩa: nghĩa văn (văn chương, văn từ: sensus litteralis) và nghĩa thiêng liêng (tinh thần: sensus spiritualis).
1. Nghĩa văn là ý nghĩa của các từ mà ta khám phá được khi áp dụng các quy tắc chú giải văn chương. (Xin lưu ý là chúng tôi dịch sensú litteralis là “nghĩa văn”, chứ không phải là nghĩa đen, bởi vì nghĩa văn bao gồm cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, căn cứ vào thể văn cũng như dụng ý của tác giả.) Sách Giáo lý trích dẫn ý kiến của thánh Tô-ma, theo đó hết mọi ý nghĩa của Sách thánh cần phải dựa trên nghĩa văn: “Omnes sensus, (sc, sacrae Scripturae) fundentur super litteralem”. Tuy nhiên, ta phải hiểu thế nào về nghĩa văn mà tác giả nhằm tới: duy chỉ có ý của thánh sử hay gồm cả ý của Thiên Chúa? Các học giả, kể cả công giáo, chia làm hai nhóm:
- Một nhóm chỉ chấp nhận ý nghĩa mà thánh sử muốn nói;
- Nhóm kia muốn bao gồm cả ý của Thiên Chúa, vượt quá tầm của người tác giả. Nhóm học giả này gọi đó là “ý nghĩa đầy, trọn: sensus plenior”.
2. Nghĩa thiêng liêng là những thực tại và biến cố mà bản văn Sách thánh nói tới. Nói khác đi, bản văn được ví như là dấu hiệu mở ra những thực tại tương lai khác nữa. Những thực tại ấy được xếp thành ba loại, và do đó có ba thứ nghĩa thiêng liêng:
a. Nghĩa ẩn dụ (sens all é gorique): khi bản văn được hiểu như ám chỉ về Đức Ki-tô, thí dụ việc Israel vượt qua biển Đỏ là dấu hiệu của việc Đức Ki-tô toàn thắng hay của bí tích rửa tội, theo như thánh Phao-lô cắt nghĩa trong 1 Cr 10,2.
b. Nghĩa luân lý (sens moral): khi bản văn Kinh Thánh được coi như bài học dạy dỗ ta biết cách cư xử. Một thí dụ được trưng dẫn trong thư gửi Do thái chương 3,4-11, khi tác giả áp dụng cho cộng đoàn Ki-tô hữu lời mà thánh vịnh 95 xưa kia đã khuyên dân Do thái đừng cứng lòng nữa.
c. Nghĩa nhiệm lai (sens anagogique) khi mà những thực tại Kinh Thánh hướng dẫn chúng ta về quê hương vĩnh cửu trên trời (anagoge: dẫn đưa). Thí dụ: Sách Khải huyền 21,1 coi Giê-ru-sa-lem như là dấu hiệu của đô thành trên thiên quốc. Ở số 1094, sách Giáo lý kể ra một thí dụ khác về việc giải thích nghĩa thiêng liêng của những thực tại Cựu Ước áp dụng vào đời sống ki-tô hữu.Qua việc trình bày vừa nói, ta có thể kết luận là sự phân biệt giữa nghĩa văn với nghĩa thiêng liêng không nên hiểu như là sự đối chọi giữa nghĩa đen / nghĩa bóng, song là giữa nghĩa của một chữ (littera) với nghĩa của một thực tại hay biến cố (res, gesta). Trong khi mà chỉ có một nghĩa văn, ta thấy có tới 3 nghĩa thiêng liêng: tổng cộng lại thành ra bốn nghĩa. Đây là một đề tài đã được bàn tới ngay từ Origène thuộc trường phái Alexandria, và được khai triển vào thời trung cổ, thí dụ thánh Tô-ma Aquino (Summa Theol, I, q. â.9-10; in Gal. c.4, lib.7; Quodl.7, q.6, aa. 1-2; De Potentia q.4, a.1). Số 118 của sách Giáo lý trưng lại câu vè về bốn nghĩa do Augustinus de Dacia O.P. (+1282) đặt ra: “Littera gesta docet, quid credas allegoria, moralis quid agas, quo tendas anagogia”.
II. Những đường lối tìm hiểu Kinh Thánh
Việc chú giải Kinh Thánh của Ủy ban Giáo hoàng Kinh Thánh xuất bản năm 1993. Văn kiện gồm có 4 phần:
- Điểm qua những phương pháp chú giải.
- Vài câu hỏi về vấn đề giải thích.
- Những chiều kích của việc chú giải Kinh Thánh theo quan điểm Công giáo.
- Việc giải thích Thánh kinh trong Giáo hội.
1. Điều thứ nhất đáng ghi nhận là sự cần thiết của việc chú giải Kinh Thánh. Kinh Thánh là một quyển sách ra đời trong một khung cảnh lịch sử và địa lý rất là xa với chúng ta. Việc giải thích nhằm giúp chúng ta vượt qua những hàng rào của phong tục ngôn ngữ xa lạ, ngõ hầu có thể tiếp xúc trực tiếp với Lời Chúa sống động, làm sao để ta có thể gặp gỡ và đối thoại với Chúa ngày hôm nay.
2. Điểm thứ 2, công việc giải thích lời Chúa không phải chỉ dành riêng cho một số chuyên viên nào. Trong đời mình, bất cứ người tín hữu nào cũng đã có hơn một lần phải giải thích Kinh Thánh. Thực vậy, đừng kể các linh mục, giáo lý viên, ai trong chúng ta cũng có lần cầm cuốn sách thánh để đọc, và rồi sau đó đặt ra câu hỏi: lời này có ý nghĩa gì đối với tôi? Khi mà ta tìm cách trả lời cho câu hỏi đó tức là ta đã giải thích Kinh Thánh rồi vậy, nghĩa là để cho Lời Chúa mang một ý nghĩa hiện thực đối với tôi lúc này.
3. Trong việc giải thích Kinh Thánh, cần tránh hai thái cực: Một đàng là chỉ coi đó như một tác phẩm văn chương, và do đó chỉ cần áp dụng các kỹ thuật chú giải văn chương lịch sử là ta nắm được tất cả ý nghĩa của nó. Đối lại là một lối đọc Sách thánh theo kiểu chính thống mù quáng (fondamentalisme), coi Kinh Thánh như một thứ sấm ký từ trời phán ra, mọi lời lẽ cần được hiểu theo nghĩa đen, có giá trị cố định bất biến. Cả hai thái cực ấy đều không đưa ta tới việc tìm hiểu được ý nghĩa của Lời Chúa, xét vì một đàng thì không còn coi Sách thánh là Lời Chúa nữa mà chỉ là một tác phẩm văn chương; còn đàng kia thì gán cho Chúa những điều quả quyết mà có lẽ Chúa không muốn nói.
4. Giữa hai thái cực vừa nói, có rất nhiều đường lối và phương hướng khác nhau đã được sử dụng, ngõ hầu khám phá ra Lời Chúa diễn tả qua những lời văn của Sách thánh. Văn kiện đã liệt kê những phương pháp và đường hướng áp dụng trong thời cận đại, và không quên ghi chú những giới hạn của chúng. Như đã nói ở đầu, những phương pháp này có tính cách chuyên môn; nhưng thiết tưởng không phải là vô ích khi mô tả sơ lược những phương pháp ấy, ngõ hầu giúp cho thính giả có một khái niệm khi tham khảo những tác phẩm chú giải Thánh kinh; đó là chưa nói đến những đường lối đã được quảng bá sâu rộng kể từ công đồng Vaticano II, nhằm giúp cho các tín hữu làm quen với Lời Chúa trong Sách thánh.
5. Chúng ta hãy bắt đầu với những phương pháp có tính cách chuyên môn. Yêu sách đầu tiên của việc chú giải khoa học là thiết lập nguyên bản. Nên biết là sách thánh ra đời khi chưa có ngành ấn loát; do đó mà các bản văn chỉ được chép tay, mà không sao tránh được cảnh “tam sao thất bản”, nghĩa là các người chép vô tình hay hữu ý đã viết sai, hay thêm bớt vài nét, vài chữ và đôi khi cả đoạn dài nữa. Do đó, cần phải lập lại nguyên bản như chính tác giả đã viết ra. Như ta đã biết, chỉ có tác giả mới được ơn linh ứng; chứ khi cạo sửa thêm bớt vào bản chính thì mấy ông thợ chép không có ơn linh ứng nào hết! Ngành nghiên cứu nguyên bản được gọi là “phê bình văn bản” (critique textuelle).
6. Sau khi đã nắm được nguyên bản rồi, một yêu sách khoa học nữa trong việc chú giải là phải tìm hiểu ý nghĩa các từ ngữ. Dĩ nhiên, hai ngôn ngữ chính dùng trong Kinh Thánh là tiếng Do thái và tiếng Hy Lạp. Nhưng biết hai ngôn ngữ ấy chưa đủ, còn phải biết nội dung tư tưởng của mỗi từ nữa. Thí dụ: thánh Phao-lô thường hay đối chiếu xác thịt với tinh thần (hay thần khí). Hai từ (xác thịt / tinh thần) không đồng nghĩa với thân xác / linh hồn như chúng ta thường nghe. Cũng vậy, khi Đức Maria xướng lên rằng “linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa”, thì tiếng “hồn” ở đây (cũng như nhiều lần gặp thấy trong thánh vịnh) không có ý đối lập vơi xác, như là phần thiêng liêng đối lại với phần vật chất: hồn ở đây ám chỉ toàn thể con người, trong tư tưởng Do thái. Vì thế nhà chú giải cần phải đi tìm ý nghĩa của các từ bằng cách đối chiếu với cách sử dụng những từ ấy trong những văn mạch khác nhau của chính Kinh Thánh, hoặc khi đối chiếu với các tác phẩm văn chương Do thái, Hy lạp cùng thời. Ngoài việc tìm hiểu ý nghĩa của các từ, lại còn phải xác định văn thể của mỗi đoạn văn. Thực vậy, cách diễn tả tư tưởng trong một bài thơ, ngụ ngôn thì khác với cách diễn tả tư tưởng trong một đoạn văn triết học, pháp lý. Đây là một điều sai lầm mà nhiều nhà chú giải đã mắc phải trước đây vì không lưu ý đến thể văn. Thí dụ khi giải thích các chương đầu của sách Sáng thế về việc tạo dựng trời đất: đây không phải là một bài tường thuật tỉ mỉ về tiến trình thứ tự thời gian của việc tạo dựng theo kiểu mô tả của một nhà địa chất học, vật lý học, hay cổ đại học! Tác giả đã sử dụng một thể văn gặp thấy ở nhiều tác phẩm Cận đông thời đó, với mục đích phụng vụ và huấn giáo. Công cuộc phân tích ý nghĩa của các từ ngữ và văn thể được gọi chung là “phê bình văn chương” (critique litteraire).
7. Tiến thêm một nấc nữa, người ta cho rằng khi viết sách, thì không phải là các thánh sử chụp lấy cây bút và rồi ngoáy lia lịa một mạch từ đầu đến cuối. Sự thực khác hẳn: mỗi tác phẩm là kết quả của cả tháng, năm hay cả chục năm thai nghén: lúc đầu đã có những truyền tụng bằng miệng; dần dần chúng được thu nhập thành từng đơn vị hay tuyển tập; và sau một thời gian lâu dài, các thánh sử mới chọn lọc ra từ các tuyển tập đó, những tài liệu để biên soạn tác phẩm của mình. Đây là một giả thuyết được đặt lên cách riêng khi nghiên cứu bốn quyển Phúc Âm. tại sao giữa bốn thánh sử có những điều trùng hợp lại cũng có những điều khác biệt? Các học giả cho rằng tại vì các thánh sử đều nắm trong tay một số tài liệu đang lưu hành thời đó; chính vì vậy mà thấy có những điểm chung. Tuy nhiên, mỗi thánh sử đã chọn lọc, thích nghi những dữ kiện dựa theo một chủ ý nào đó. Chính khi đối chiếu những sự khác biệt, thêm bớt giữa các thánh sử mà ta có thể khám phá ra ý định riêng của mỗi vị: thí dụ tại sao Matthêô nói tới 8 mối phúc thật, còn Luca thì lại nói 4 cái phúc và 4 cái họa? Tại sao Matthêô lại đặt chúng trong bài giảng trên núi, còn Luca thì nói rằng Chúa giảng ở bình nguyên? Đây là phương pháp gọi là phê bình hình thái (critique des formes) và phê bình soạn thảo (critique des ré dactions).
8. Trong khi mà phương pháp phê bình hình thái và phê bình soạn thảo muốn mổ xẻ các chặng mà cuốn sách thành hình (vì thế gọi là: lịch đại, diachronique; dia = trải qua; chronos = thời gian), thì từ thập niên 60 nảy ra một khuynh hướng khác trong việc giải thích, gọi là đồng đại, (synchronique; syn= cùng; chronos = thời gian). Khuynh hướng này chỉ trích cái phương pháp trước là nếu mổ xẻ cuốn sách ra từng mảnh, từng bộ phận, thì cùng lắm cũng là hiểu biết được cái bộ phận ấy, chứ không thể hiểu cái toàn bộ được. Do đó cần phải tìm hiểu quyển sách theo hình thức hiện tại như nó đã hoàn thành, chứ không cần biết đến các giai đoạn thành hình của nó hay dụng ý của tác giả. Đây là chủ trương của thuyết cấu trúc (structuralisme).
9. Dù sao, chúng ta thấy rằng đằng sau những kỹ thuật và phương pháp chú giải còn có những học thuyết về tư tưởng, sự diễn tả và truyền thông tư tưởng qua ngôn ngữ. Những vấn đề này nằm trong khoa ngôn ngữ học nói chung. Ngoài ra, khi áp dụng vào việc giải thích Kinh Thánh, chúng ta còn phải thêm những học thuyết về ý nghĩa của Lời Chúa nói với con người hôm nay qua ngôn ngữ của Sách thánh. Thí dụ học thuyết của Rudolf Bultman (1884-1976) về tính cách hiện sinh của Lời Sách thánh. Theo ông, sự quan trọng của việc giải thích Sách thánh không phải ở chỗ khám phá ra thánh sử muốn nói gì, mà là: đoạn văn này có ý nghĩa gì đối với tôi lúc này? Ý nghĩa của Kinh Thánh không phải là ý nghĩa bất biến có trong dầu óc của thánh sử, nhưng là ý nghĩa hiện đại mà Lời Chúa muốn nói với từng người chúng ta. Văn kiện của Ủy ban Giáo hoàng Thánh kinh còn ghi nhận thêm rằng bên cạnh những kỹ thuật và phương pháp dựa theo khoa chú giải, còn có những khuynh hướng phân tích Kinh Thánh dưới một chiều kích cụ thể, thí dụ như xã hội học, tâm lý và phân tâm học. Ngoài ra còn phải kể thêm cách giải thích kinh thánh theo chiều hướng giải phóng và chiều hướng nữ giới nữa.