Thứ Tư, 27 tháng 9, 2023

NHỮNG PHƯƠNG PHÁP TÌM HIỂU KINH THÁNH

Thời sự Thần học - Số 24, Tháng 6 Năm 2001, tr. 66-70.   

_Bình Hoà_ 


Chúng ta có thể nhận thấy rằng một trong những động lực của sự đổi mới về phương pháp thần học hệ tại việc đặt Kinh Thánh làm nền tảng của mọi suy tư thần học; thay vì khởi sự từ những lý luận siêu hình rồi tiếp đó tìm các câu Kinh Thánh để chứng minh cho kết luận của mình. Tuy nhiên, có thể nói đến thế nhưng ngay trong chính việc học hỏi Kinh Thánh, người ta cũng thấy xuất hiện những phương pháp mới.

Trong bài này chúng tôi điểm qua 6 phương pháp chính để tìm hiểu Kinh Thánh: 1) Phê bình lịch sử; 2) hiện sinh; 3) duy vật; 4) xã hội; 5) phân tâm; 6) cấu trúc.

I. Phương pháp phê bình lịch sử (Méthode historico-critique)


Phương pháp đơn giản nhất thường được áp dụng để tìm hiểu ý nghĩa Kinh Thánh là tìm hiểu từ ngữ (cái từ này có nghĩa là gì?) Đó là đường lối cổ truyền và phổ thông hơn cả; người ta mổ xẻ ý nghĩa của các từ, xem nghĩa đen và nghĩa bóng của nó, dựa theo thể văn và mạch văn.

Tuy nhiên, từ đầu thế kỷ 20, một trường phái mới đã xuất hiện, chủ trương rằng muốn hiểu ý nghĩa của bản văn Kinh Thánh, thì việc tìm hiểu ý nghĩa của các từ chưa đủ, cần phải đi ngược lên tiến trình mà quyển sách đã thành hình.

Thực vậy, tác giả của các Sách thánh không phải là những cá nhân đơn thân độc mã, nhưng tác phẩm của họ (như 4 quyển Tin Mừng) là kết quả của một tiến trình lâu dài: khởi đầu từ những nguồn tư liệu truyền khẩu, kế đó đến giai đoạn trưởng thành giữa lòng cộng đồng tín hữu, và sau cùng, mỗi tác giả mới sử dụng những nguồn ấy để soạn lại theo một chủ ý thần học riêng. Chính vì vậy mà ta thấy vì sao giữa các Tin Mừng vừa có những điểm giống nhau (bởi vì từ những nguồn chung) và vừa có những điểm khác nhau (bởi vì lối biên soạn riêng).

Phương pháp phê bình lịch sử muốn đi tìm về nguồn gốc sự kiện (như Đức Giêsu lịch sử), trước khi có những nhào nặn của cộng đồng và của các soạn giả (trình bày Đức Kitô của lòng tin).

II. Phương pháp giải thích hiện sinh (Interprétation existentiale)


Trong khi mà phương pháp phê bình lịch sử muốn tìm về khuôn mặt lịch sử của Đức Giêsu, thì Rudolph Bultmann, do ảnh hưởng của Martin Heidgger, chủ trương rằng vấn đề tìm hiểu lịch sử của Đức Giê-su không quan hệ cho bằng khám phá ra sứ điệp cứu độ dành cho con người, sứ điệp của sự hy vọng vào một cuộc sống mai sau khi đã chấm dứt cuộc đời dương thế.

Việc chú giải Kinh Thánh phải nhằm gột rửa những quan niệm, từ ngữ lệ thuộc vào một thời đại xa xưa, ngõ hầu trình bày một sứ điệp sống động dành cho con người của thời đại hôm nay.

Đàng sau ý hướng thần học của Bultmann, người ta nhận thấy chủ trương về sự chú giải chịu ảnh hưởng của Martin Heidegger và H.G. Gadamer, đó là chủ trương cho rằng ý nghĩa của một tác phẩm không phải tìm nơi tác giả (người viết) cho bằng nơi người đọc, xem họ muốn tìm cái gì cầm cuốn sách trên tay.

III. Giải thích duy vật (Lecture matérialiste de la Bible)


Phương pháp này phát nguyên từ một số học giả mácxít từ cuối thế chiến thứ hai áp dụng để tìm hiểu thân thế của Đức Giêsu, và đã được bổ túc bởi một vài học giả Kinh Thánh, tựa như Fernand Belo và M. Clévenot, đó là chưa kể các nhà thần học giải phóng. Dĩ nhiên, các học giả ấy không phải chỉ dựa trên lý thuyết của Marx và Engels, nhưng họ còn chịu ảnh hưởng của Louis Althuser, cũng như của học phái cấu trúc nữa.

Đại khái, họ giả thuyết rằng Kinh Thánh đã ra đời trong một khung cảnh kinh tế, xã hội, chính trị, ý thức hệ của thời đại. Bởi vậy, muốn hiểu và giải thích Tin Mừng cho đúng, thì cần phải phân tích thái độ của Đức Giêsu trước thực trạng của xã hội đương thời, và những đường hướng canh tân cách mạng mà Ngài muốn đề ra.

Sự tìm hiểu Kinh Thánh đòi hỏi sự áp dụng phương pháp phân tích xã hội của mácxít: các liên hệ sản xuất, sự đấu tranh giai cấp, v.v...

IV. Phương pháp xã hội học (Exégèse sociologique)


Nhiều người thường đồng hóa xã hội chủ nghĩa hay xã hội học với học thuyết của Marx. Sự thực không phải như vậy. Marx chỉ tượng trưng một khuynh hướng học hỏi xã hội, đặc biệt nhìn dưới khía cạnh sản xuất kinh tế.

Các phương pháp xã hội học mà một số học giả áp dụng vào việc nghiên cứu Kinh Thánh nhằm tìm hiểu không những là khung cảnh xã hội của thời Đức Giêsu, nhưng còn muốn tìm hiểu thêm về sự thành hình của phong trào những người theo Ngài, từ đó, những tác phẩm Kinh Thánh đã ra đời.

Nói khác đi, các phương pháp xã hội học nói đây là xã hội về tri thức, về các vai trò của vị cứu tinh, về những định chế. Tác phẩm cổ điển của khoa xã hội học là của Max Weber, khi ông ta nghiên cứu những ảnh hưởng của Do thái giáo đối với đời sống của người dân và sinh hoạt cộng đoàn. Kế đó, người ta đã áp dụng vào việc nghiên cứu các hình thức xã hội của Cựu Ước cũng như Tân Ước.

Một cách cụ thể hơn, áp dụng vào Tân Ước, G.Theissen tìm hiểu cái mà ông gọi là "phong trào của ông Giêsu", đặt trong bối cảnh kinh tế, chính trị, văn hóa, cảnh vực của Palestina. Phong trào đó ra đời trong bầu khí thời đại của các phong trào thế mạt (apocalyptique).

V. Phương pháp tâm lý chiều sâu


Dĩ nhiên xưa nay không thiếu những người đã tìm cách tìm hiểu tính tình, tâm lý của các nhân vật trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, phương pháp mà chúng ta nói đây muốn mở cửa đối thoại với những ngôn ngữ và tư tưởng của khoa tâm lý học hiện đại, đặc biệt là khoa tâm lý chiều sâu và phân tâm học, để tìm hiểu chính tâm lý của tác giả quyển sách.

Thực ra phương pháp này hãy còn mới mẻ, và chỉ được áp dụng một cách giới hạn vào việc phân tích một vài bản văn, tựa như dụ ngôn người con hoang đàng, người Samaritanô nhân hậu, hoặc hai chương 7, 8 của thư gửi giáo đoàn Rôma.

M.A. Tolbert giải thích dụ ngôn người con hoang đàng như sau: dụ ngôn này biểu lộ ước muốn căn bản của con người tìm về kết hợp và hòa đồng trong đời sống. Đứa em đi tìm sự thỏa mãn tính dục ở "hạ ngã" (infra ego), tượng trưng cho con người muốn phá bỏ những cấm lệnh (tabu); đứa con cả tượng trưng cho cái mà Freud gọi là "siêu ngã" (super ego), trụ sở của luân thường, đạo giáo, luật lệ. Người cha tượng trưng cho cái "ngã", vừa muốn thỏa mãn yêu sách của đôi bên, vừa muốn hòa hợp với thực tế.

Một cách tương tự, P.E. Langevin đã muốn cho thấy rằng những gì mà thánh Phaolô viết trong chương 7 và 8 của thư gửi giáo đoàn Rôma đã nói lên những thảm cảnh của nội tâm con người giống như tâm phân học đã khám phá trong cuộc phát triển nhân cách.

Thiết tưởng cũng nên thêm rằng, đã hơn một nhà thần học đã mất ghế giáo sư (E. Drewemann) khi không thấy nhãn giới nào khác trong Kinh Thánh ngoài phân tâm học!

VI. Phương pháp cấu trúc (Structuralisme)


Cấu trúc hay cơ cấu luận ám chỉ một phong trào triết học, với những khuynh hướng khác nhau, cũng như ám chỉ một phương pháp nghiên cứu khoa học áp dụng vào nhân chủng học, tâm lý, xã hội, văn chương, âm nhạc.

Lãnh vực mà cấu trúc được sử dụng vào việc tìm hiểu Kinh Thánh là thuyết cấu trúc về ngôn ngữ, đặc biệt là ký hiệu học (sémiotique), khoa tìm hiểu các ký hiệu, nghĩa là vì đâu mà ký hiệu mang một ý nghĩa.

Phương pháp này mới được sử dụng vào khoảng thập niên 70 của thế kỷ 20 ở Pháp, dưới sự hướng dẫn của Roland Barthes. Phương pháp cấu trúc nhấn mạnh đến sự cấu tạo các bản văn hơn là chủ ý của tác giả, tìm hiểu cách xếp đặt của các tổng hợp của các từ ngữ, các đoạn văn, các chương và toàn quyển sách. Phương pháp xem ra hấp dẫn, nhưng ngữ vựng phức tạp của khoa ngôn ngữ học đã làm một số chú giải Kinh Thánh đầu hàng, ấy là chưa kể những tiền đề triết lý của thuyết cơ cấu.

Trên đây, chúng tôi chỉ mới thuật lại một vài phương pháp để tìm hiểu ý nghĩa của bản văn Kinh Thánh. Điều đó giả thiết các phương pháp phê bình khác đã được áp dụng để thiết lập nguyên bản (critique textuelle), dựa từ cả trăm thủ bản lưu truyền.

Mặt khác, chúng ta đừng nên quên rằng trong việc chú giải Kinh Thánh, sau giai đoạn tìm hiểu ý nghĩa của tác giả văn bản xét như là một tác phẩm văn chương, nhà chú giải còn phải đi thêm một bước nữa, đó là tìm hiểu ý nghĩa của đoạn văn với tâm tình đức tin, trong khung cảnh của chương trình mạc khải cứu độ. Người ta thường gọi chặng này là "thần học Thánh kinh" (théo-logie biblique) sau giai đoạn chú giải Kinh Thánh (exégèse biblique). Đó là nói trên nguyên tắc, chứ trên thực tế thì sự phân biệt ấy có vẻ không tưởng.

Như chúng ta đã thấy, mỗi phương pháp làm việc trên đây đều giả thiết một thứ thần học nào đó, tuy rằng đôi khi chỉ là ý thức hệ; tỉ dụ như khi đọc Kinh Thánh theo phương pháp duy vật, thì người ta không phải chỉ chủ ý tìm ý nghĩa của từng đoạn văn, nhưng người ta đã giả thiết rằng tất cả vai trò của Đức Kitô chẳng có gì là tôn giáo cả, song chỉ là cải tổ xã hội.

Mặt khác, phương pháp phê bình lịch sử cho thấy rằng chính mỗi tác giả Kinh Thánh đã có một thứ thần học nào đó, tỉ như thần học của Mátthêu thì khác của Gioan. Nhận xét vừa nói tuy rằng có thể dẫn tới kết luận là có bao nhiêu thánh sử thì có bấy nhiêu thần học Kinh Thánh; song, mặt khác, xét dưới khía cạnh khách quan của tiến trình thành hình của Sách thánh, nó cho ta thấy rằng muốn hiểu đúng nghĩa của bản văn Kinh Thánh, cần phải đi vào tâm tình của người viết, cũng như khung cảnh cộng đồng đức tin của soạn giả. Nói khác đi, không thể nào chỉ khảo sát Thánh kinh như một tác phẩm văn chương thuần túy, nhưng cần phải chia sẻ đức tin của cả cộng đồng Hội Thánh nữa. Vì thế mà bên cạnh những phương pháp cận đại khảo cứu Kinh Thánh vừa nói, người ta nhận thấy một ngành khác chuyên về lịch sử khoa chú giải theo truyền thống Giáo hội, đặc biệt là của các thánh Giáo phụ.